Theo tôi thì cái quan trọng nhứt trong quan hệ xã hội là lòng thành tín. Sau đó mới là tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ở miền Nam thời trước năm 1975, nếu không nói quá, quan hệ trong xã hội đa phần dựa lên lòng thành tín, chứ ít khi dựa trên « luật pháp ». Chỉ cần giao ước một lời, không cần văn bản giao kèo gì, hai bên có thể thuận thảo, hợp tác làm việc với nhau lâu dài, ngay cả ở những việc to lớn. Chỉ một lời hứa, « chữ tín », một món nợ, đời cha không trả được có thể đời con phải trả. Dĩ nhiên có nhiều hậu quả không tốt do việc « thủ tín » này. Hai người bạn thân trên chiếu rượu hứa làm « xui gia » với nhau, cả hai bên đều không hỏi ý kiến con cái. Hai đứa con, trai gái lớn lên sau này, mặc dầu trước pháp luật không có gì bắt buộc, nhưng cảm thấy như có « sợi dây vô hình ràng buộc », muốn dứt ra không dễ.
Chợ búa thời đó không có nạn « nói thách » như bây giờ. Hàng hóa cũng vậy, nói thùng đó là « nước mắm nhĩ » thì nó là « nước mắm nhĩ », chứ không phải nước muối pha mùi, cũng không cần dán nhãn lôi thôi. Cà phê cũng vậy, không có vụ trộn cau khô hay đậu nành rang như bây giờ. Trộm cắp cũng hiếm hoi. Ban đêm, thậm chí nhà ngủ không cần khóa cửa. Các vụ thi cử ngày xưa, như thi « tú tài », không hề có việc « quay phim » trong phòng thi. Các vụ « bán đề thi » hầu như chưa bao giờ xảy ra. Bởi vì, nghề được kính trọng nhứt trong xã hội miền Nam là nghề làm thầy giáo. Một người làm mô phạm không thể bán lương tâm của mình, cho dầu là một số tiền lớn.
Người ta đối xử với nhau dựa trên lòng « thành tín ». Xã hội phát triển, lòng thành tín không mất đi mà trở thành nếp sống, tức trở thành nền tảng của luân lý và đạo đức trong xã hội.
Bên các xứ Tây Âu cũng vậy. Quan hệ thường ngày cũng dựa lên lòng thành tín. Các điểm bán báo, đôi khi chỉ là một cái thùng có đậy nắp, ai muốn mua báo thì mở nắp ra lấy một tờ rồi tự động bỏ tiền vào hộp kế bên. Không ai lợi dụng ôm hết chồng báo hoặc lấy báo mà không trả tiền. Ở các xã hội này, lòng thành tín cũng được thể hiện ở các vụ thăm dò ý kiến hay làm kiến nghị (xin chữ ký - pétition) cho một việc gì đó. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến luôn chính xác, phản ảnh đúng tình trạng xã hội, vì không ai lạm dụng nó. Làm kiến nghị cũng vậy. Trước khi có internet thì việc ký tên được thực hiện theo cách « trực tiếp », tức đến từng người xin chữ ký, hoặc bằng thư tín. Sau này có internet, việc xin chữ ký (pétition) dễ hơn. Nhưng không ai lợi dụng cơ hội này để ký năm bảy lần để đạt con số lớn. Cũng không thấy ai cố ý ký năm bảy lần, sau đó hô hoán lên rằng phe tổ chức « ăn gian ». Nhiều hay ít, thành công hay thất bại, mọi người đều chấp nhận. Chỉ dựa lên lòng thành tín.
Một xã hội lấy lòng thành tín làm nếp sống, làm nền tảng của đạo lý, chắc chắn xã hội này là một xã hội văn minh.
Thật phiền khi thấy, vừa rồi có người hô hoán vừa lấy « tên ma » ký tên vào bản « kiến nghị 72 », sau đó đặt vấn đề về tính chính đáng kết quả của bản kiến nghị. Thú thật với mọi người là tôi không ký vào bản kiến nghị này vì nhiều lý do. Nội dung cũng có mà thể thức cũng có. Nhưng không vì vậy mà tôi đả phá những người làm kiến nghị này. Lòng thành tín không cho phép tôi làm những chuyện bất tín.
Bản kiến nghị được thể hiện bằng lòng thành tín, kết quả của nó cũng thể hiện lòng thành tín của những người ký tên.
Dĩ nhiên, người ta có thể « hoài nghi » lòng thành tín của người tổ chức, hay việc lạm dụng lòng thành tín của những người này. Luật pháp các xứ văn minh xử nghiêm khắc các hành vi lạm dụng (hay lợi dụng) niềm tin, lòng thành tín của người khác để « trục lợi » cho mình. Thí dụ, mới đây, một số hãng thực phẩm các xứ Âu Châu đã bị cáo buộc lạm dụng lòng tin người tiêu thụ, là hàng dán nhãn « thịt bò » nhưng ở trong có pha lẫn thịt ngựa. Vấn đề đang trong vòng điều tra để biết « thủ phạm » là ai. Việc này không dễ, vì hệ thống sản xuất thức ăn trải qua nhiều giai đoạn, nhiều trung gian, đan chen như một sợi xích dài. Nhưng đầu mối dần dần lộ ra, người chủ mưu chắc chắn sẽ bị trừng phạt nặng. Vấn đề ở đây là pháp luật can thiệp vào mối tương quan giữa khách hàng và thuơng buôn, đáng lẽ chỉ dựa lên sự thành tín. Sự can thiệp của pháp luật ở đây có thể hiểu pháp luật bảo vệ sự thành tín của mọi người trong quan hệ xã hội.
Như đã nói, người ta có thể hoài nghi về thiện chí của những người tổ chức kiến nghị 72 cũng như nghi ngờ cái kết quả của nó (con số ký tên vào kiến nghị).
Người ta có thể kiểm soát lại toàn bộ các chữ ký để tìm xem có sự « gian lận » trong quá trình lấy chữ ký hay không. Người ta cũng có thể hóa giải nội dung bản kiến nghị 72 bằng cách lập ra bản kiến nghị khác, trái ngược nội dung, sau đó đi xin chữ ký, chứng minh rằng người phản bác nhiều hơn người ủng hộ.
Nhưng người ta không thể dùng thủ đoạn lập danh sách « ma » để ký tên vào bản kiến nghị để đặt lại sự thành tín kết quả bản kiến nghị. Đó là một hành vi không chỉ phi đạo đức, phản văn minh, mà còn vi phạm luật pháp.
Trên phương diện đạo đức, những người phá phách, nhất là những người chủ trương đàng sau, hành động của họ đã thể hiện, trước hết, tính chụp giựt của nền văn minh, một xã hội bán khai còn trong thời kỳ hái lượm.