Theo thông lệ, Việt Báo Xuân thường nhắc lại những biến cố của lịch sử để hậu thế suy ngẫm về các bài toán của người đi trước.
Bốn chục năm về trước, Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27 Tháng Giêng 1973, để chính thức kết thúc chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đều đã thấy kết quả với rất nhiều chấm than!
Sự thật như hình bên cho thấy, mọi chuyện được thoả thuận trước khi Kissinger khi gặp Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh 1972. Bàn tròn bốn bên, rồi ngay cả việc ký kết hiệp định 27 tháng 1, 1973 chỉ là màn diễn.
Việt Báo xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hoà, cho thấy sự thật về các cuộc mật đàm của Kissinger với phía cộng sản.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ. “Người ta thường hỏi tôi lúc nào tôi đã xúc động nhất trong cuộc đời công vụ của mình,” Kissinger viết, “Giờ phút làm cho tôi cảm động nhất phải là buổi sau trưa ngày Chủ Nhật mát dịu vào mùa Thu năm ấy, khi bóng rợp bao trùm lên thành phố Paris êm đềm...”
Hôm ấy là Chủ Nhật, ngày 8 tháng 10, 1972.
Họp xong, Kissinger bay về Washington. Tổng thống Nixon ghi lại trong hồi ký: “Khi Kissinger báo cáo về đàm phán Paris, ông ta cười cái cười toe toét nhất tôi chưa hề thấy từ trước tới nay,” (As Kissinger began his report of the Paris negotiations, he was smiling the broadest smile I had ever seen). Ông Nixon viết là từ đầu nhiệm kỳ, ông và Kissinger đã đặt ra "Ba mục tiêu" về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ–Trung Cộng, Liên Xô, và Việt Nam. Vào lúc ấy thì đã thành công về hai mục tiêu: mở cửa Bắc Kinh và bắt đầu chính sách mới (hòa dịu 'detente') với Moscow. Như vậy là chỉ còn vấn đề Việt Nam! Ông vui mừng thấy Kissinger báo cáo: “Thưa Tổng thống, coi như chúng ta đã thành công cả ba trên ba mục tiêu rồi” ("Well, Mr. Preident," he said, "it looks like we've got three out of three!").
Về giải pháp chính trị thì cũng vậy. Kissinger báo cáo là: "Cộng sản đã bỏ đòi hỏi về một chính phủ liên hiệp và đồng ý về một phương cách để giữ thể diện, đó là một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa giải gồm đại diện chính phủ (VNCH), Mặt Trận Giải Phóng, và thành phần trung lập." Nhưng ông Thiệu khỏi lo, Kissinger cắt nghĩa, vì đã có điều khoản về 'Unanimity' (đồng thuận), bắt buộc là khi nào bỏ phiếu thì phải cả ba bên đều đồng ý mới được. Bắc Việt lại còn bỏ cả đòi hỏi là ông Thiệu phải từ chức. Như vậy, Nixon đã chỉ lặp lại trong hồi ký lời giải thích của Kissinger: "Chỉ nguyên về những điều khoản của hiệp định thì chung quy đã là một sự đầu hàng hoàn toàn về phía địch: họ đã chấp nhận một giải pháp theo như điều kiện của chúng ta” (‘These provisions alone amounted to a complete capitulation by the enemy: they were accepting a settlement on our terms).
Báo cáo như vậy nên độc giả có thể hiểu được lời lẽ trong lá thư của Tổng thống Nixon viết cho Tổng thống Thiệu ngày 16 tháng 10 để giải thích về Hiệp định Paris ("Đề nghị này thỏa mãn được điều kiện tuyệt đối của tôi là VNCH phải tồn tại như một quốc gia tự do") như được nhắc lại dưới đây.
Thật là gian dối, Kissinger đã đánh lừa nhân dân Mỹ, cả thế giới, và có thể là cả Tổng thống Nixon, một điều TT Thiệu luôn nghi ngờ.
Ông Kissinger gọi ngày 8 tháng 10, 1972 là ngày ‘breakthrough’, bước ngoặt vì hôm ấy ông Lê Đức Thọ đã nhượng bộ hết.
Sự thật là ngược lại, hôm ấy chính Kissinger đã nhượng bộ hết. Trong Hồi ký, Kissinger đã viết vòng vèo về những thành quả hòa đàm. Ông có thể thao thao bất tuyệt và chẳng ai có thể cãi lại được vì ông đã đàm phán trong vòng bí mật hoàn toàn, cho đến cả Ngoại trưởng Roger và Bộ trưởng Quốc Phòng Laird cũng không biết gì. Nhưng trong vòng bí mật thì ông Kissinger đã nói rõ hết với ông Chu Ân Lai về mọi chuyện về cả giải pháp quân sự lẫn giải pháp chính trị cho Miền Nam như đã đề cập trong Chương 15.
Trên thực tế thì sau cùng ông đã chấp nhận một hiệp định chứa đựng hết mọi đòi hỏi mà Mặt Trận Giải Phóng đưa ra từ năm 1969.
Để cho mạch lạc, câu chuyện có thể được tóm tắt như sau:
• Sau khi báo cáo cho Tổng thống Nixon (ngày 8 tháng 10, 1972) về sự thành công 'cả ba trên ba mục tiêu, Kissinger thuyết phục để cho ông bí mật đi Hà Nội ký tắt vào bản sơ thảo, dự định là ngày 24 tháng 10, 1972 (như đã nói trong Chương 10). Ký xong ở Hà Nội rồi trở về tới Washington thì Tổng thống mới tiết lộ. Theo kịch bản này, sự tiết lộ về chuyến đi Hà Nội chắc chắn sẽ gây chấn động hơn là tiết lộ về việc ông đã mật đàm tại Paris và việc ông đi Bắc Kinh vào tháng 2, 1972. Nhưng vì ngày bầu cử nhiệm kỳ hai đã gần kề, Tổng thống Nixon e rằng ông Thiệu sẽ phản thùng giống như hồi bầu cử 1968 (do chính Nixon xúi để chống ông Humphrey) thì ảnh hưởng lại bất lợi. Vì vậy, ông Nixon chỉ thị cho Kissinger phải ghé Sàigòn thuyết phục ông Thiệu trên đường đi Hà Nội;
• Kissinger tới Sàigòn ngày 18 tháng 10 và họp với Tổng thống Thiệu tại Dinh Độc lập ngày hôm sau, 19 tháng 10. Hết sức thân mật, niềm nở, ông trao cho ông Thiệu một lá thư của Tổng thống Nixon đề ngày 16 tháng 10, 1972. Lời lẽ lâm ly thống thiết, bức thư thật dài đã giải thích cặn kẽ về kết quả tốt đẹp của việc đàm phán tại Paris, và "Đây quả là một sự đảo ngược quan trọng về lập trường của Bắc Việt." Thêm vào đó là những hứa hẹn đủ điều. Để tăng độ tin cậy, ký thư xong, Nixon còn viết tay thêm vào là "Đề nghị này thỏa mãn được điều kiện tuyệt đối của tôi là VNCH phải tồn tại như một quốc gia tự do;"
• Cái đau đớn cho ông Thiệu là phải ngồi nghe Kissinger thao thao bất tuyệt: "Đây là lúc thuận lợi để đi tới một hiệp ước với Bắc Việt vì dù sao chăng nữa, VNCH cũng đã có một quân lực trên một triệu người và đã kiểm soát được 85% dân số rồi." Khi ông Thiệu hỏi tại sao trong hiệp định không có đoạn nào nói tới việc Bắc Việt rút quân khỏi Miền Nam thì Kissinger trả lời: "Chúng tôi đã thảo luận điều đó với Bắc Việt nhưng họ không chấp nhận, cho nên chúng tôi nghĩ rằng không nên để nó vào (văn bản) để khỏi làm hỏng bầu không khí!" Rồi ông Thiệu hỏi tới Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, ông Kissinger vẫn chối phắt đi là không phải chính phủ liên hiệp, nó chỉ có tích cách tư vấn. Không chế ngự được nữa, ông Thiệu đã phản ứng mạnh và đã có những cuộc đối thoại gay gắt trong hai ngày tiếp theo (xem một thí dụ về đối thoại giữa Thiệu – Kissinger trong 'Lời Nói Đầu);
• Ngày 21 tháng 10, Kissinger đánh điện về yêu cầu ông Nixon cứ cho ông đi Hà Nội mặc dù Sàigòn chống đối hiệp định. Hôm sau, Kissinger lại báo cáo thêm: "Những yêu sách của ông Thiệu gần như là điên khùng." Chỉ còn vài tuần lễ nữa là tới ngày bầu cử. Nixon lưu ý Kissinger là nếu hấp tấp quá mà không có sự đồng ý của ông Thiệu thì sẽ là một trở ngại chính trị.
• Phải trở về Washington theo lệnh của tổng thống, ngày 26 tháng 10, Kissinger vớt vát kết quả chuyến đi bằng cách họp báo và tuyên bố một câu làm chấn động dư luận "Peace is at hand" (Hòa bình nằm trong tầm tay rồi);
• Câu ấy đã dóng góp không ít vào sự thắng cử vẻ vang của ông Nixon vào ngày 7 tháng 11. Ông thắng cả 49 trong số 50 tiểu bang, và với một số phiếu là 61% (chưa có ứng cử viên Cộng Hòa nào thắng lớn như vậy cho tới lần này);
Cho tới nay (2010) toàn bộ hồ sơ mật về mật đàm của ông Kissinger vẫn chưa được tiết lộ. Hay là nó đã bị hủy đi giống như những bức thư của Tổng thống Nixon viết cho Tổng thống Thiệu? Tuy nhiên, trong năm năm qua đã có thêm những tài liệu được giải mật về Nixon - Kissinger và Việt Nam, dù chỉ rải rác từng phần đoạn qua biên bản những buổi họp và những băng thu các cuộc nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc. Bởi vậy, dù trong tác phẩm trước chúng tôi cũng đã đề cập phần nào tới sự việc là Kissinger đã gian dối, đổi bại thành thắng về mật đàm, nơi đây chúng tôi cũng xin nhắc lại một số phân tích và dựa vào những giải mật mới để tóm gọn về chủ đề này để độc giả dễ theo dõi.
Thay vì đi vào chi tiết từng điểm, như vậy sẽ quá dài, nên có lẽ đơn giản và gọn gàng nhất là ta cứ so sánh kết quả của những sự việc theo phương pháp ‘trước và sau’ đàm phán.
Bắt đầu mật đàm, lập trường của hai bên là như thế nào?
• Lập trường phía Bắc Việt:
Ngày 9 tháng 5, 1969, phía Cộng sản đưa ra lập trường ‘10 Điểm của Mặt Trận Giải Phóng,’ đòi hỏi (1) quân đội Mỹ rút toàn bộ khỏi Miền Nam; và (2) đang khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ ở Miền Nam, tất cả các phe phái chính trị Miền Nam sẽ đàm phán để thành lập một chính phủ liên hiệp tạm thời (xem Bảng so sánh dưới đây).
• Lập trường Hoa kỳ và VNCH:
Ngày 14 tháng 5, 1969, Tổng thống Nixon tuyên bố lập trường chung của Hoa Kỳ và VNCH: thay vì đòi quân đội Bắc Việt phải rút 6 tháng trước khi quân đội Mỹ bắt đầu rút (như lập trường TT Johnson), ông Nixon đưa ra đề nghị là ‘cả hai bên cùng rút một lúc.’ Rồi ông tóm lại trên đài truyền hình cho cả thế giới nghe:
“Chúng tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt Nam một cách đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại Paris bất cứ giải pháp nào có tính cách như một thất bại ngụy trang...
“Và đó là phác họa về một giải pháp mà chúng tôi muốn đàm phán ở Paris. Nguyên tắc căn bản của nó là đơn giản : triệt thoái cả hai bên bất cứ quân đội nào không phải là quân đội Miền Nam ra khỏi Miền Nam Việt Nam và dành quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam”. (KĐMTC, 646)
Ông Kissinger vào cuộc
Ngày 4 tháng 8, 1969 (năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Nixon), ông Kissinger giả bộ đi Paris gặp Tổng thống Georges Pampidou nhưng thực ra là để gặp hai ông Xuân Thủy và Vai Mai Văn Bộ tại nhà ông Jean Sainteny không xa phố Rue de Rivoli.
Ông mở đầu bằng câu phát biểu là “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về lập trường ‘10 Điểm của Mặt Trận Giải Phóng’, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng nó giống như Mười Điều Răn Chúa, nó đã được khắc vào bia đá, không thể điều đình được. ” (We were prepared to discuss the Ten points of the National Liberation Front, but we could not accept that like the Ten Commandments they were graven in stone and not subject to negotiation).
Kết thúc mật đàm là Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng 1, 1973. Hiệp định này rất phức tạp, gồm 23 điều, mỗi điều gồm nhiều khoản dài dòng văn tự. Ngay từ 1973, chúng tôi đã bỏ ra công sức tìm kiếm những lập trường đàm phán để so sánh, vì ít người còn nhớ hay quan tâm đến lập trường của hai bên đàm phán lúc ban đầu. Xem xét toàn bộ hồ sơ tại Dinh độc Lập chúng tôi cũng không tìm thấy văn kiện nào về sự so sánh này. Người dân và truyền thông Hoa kỳ thì cũng chỉ biết được những gì do hai ông Kissinger và Nixon tuyên bố, phân tích.
Nguyễn Tiến Hưng
(Trong cuốn "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" xuất bản năm 2010, chương 16)
-CUỘC CHIẾN VIỆT NAM VÀ HAI QUAN NIỆM XÂY DỰNG XÃ HỘI (03/06/2013)
Hội Luận Quốc Tế Chiến Tranh Việt Nam và Âu Châu 1963-73 Paris 24 và 25 Tháng Giêng 2003
BÙI DIỄM
Nhưng, nhìn từ một giác độ khác và trong viễn ảnh trường kỳ, chúng ta cũng thấy ra sự đối nghịch về hai quan điểm xây dựng đất nước, là điều được ông Bùi Diễm trình bày trong bài tham luận tại Paris. Cuộc hội luận diễn ra trong hai ngày 24 và 25 Tháng Giêng 2003
Tôi hân hạnh được có mặt tại đây cùng quý vị tham dự Hội Nghị Quốc Tế “Chiến tranh Việt Nam và Âu Châu” và xin cảm tạ Ban Tổ Chức đã có nhã ý mời tôi.
Ba mươi năm sau Hiệp Định Paris, tôi tin rằng chúng ta có đủ khoảng cách thời gian để đóng góp ý kiến cho lịch sử về cuộc chiến đã tàn phá xứ sở của tôi trong nhiều thập niên thế kỷ trước. Kết quả của sự đóng góp này, tôi mong như vậy, sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn những gì đã xẩy ra và, nếu có thể, đem lại một vài bài học hữu ích cho tương lai.
Hội nghị là một sáng kiến đáng khen của Hiệp Hội Ngoại Giao và Chiến Lược và Trung Tâm Lịch Sử Âu Châu vào Thế Kỷ 20 (Association Diplomatie et Stratégie và Centre d’Histoire de l’Europe du Vingtième Siècle).
Tôi được mời tham dự nhóm thảo luận tập trung vào đề tài “cuộc chiến Hoa Kỳ”. Tôi có một số ý kiến về đề tài này và sẽ trình bầy sau. Tuy nhiên vì hội nghị được tổ chức vừa để kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp Định Paris vừa để duyệt lại vai trò của Âu Châu trong những năm chiến tranh tại Việt Nam, tôi không thể không nhắc lại bầu không khí đặc biệt đáng nhớ của những ngày tháng Năm, năm 1968, tại Paris.
Paris, Tháng Năm, 1968
Lúc đó, tiết trời mùa Xuân, người ta chờ đón hy vọng hòa bình sau những năm dài chinh chiến và tàn phá. Người ta còn mừng về việc chọn Paris làm nơi gặp gỡ để các phe liên hệ đàm phán. Quả vậy, trong các phủ bộ Âu Châu như ở mọi nơi khác, người ta đồng ý là Âu Châu và nhất là nước Pháp, vì là thành phần trung lập trong cuộc chiến này, thích hợp nhất trong vai trò chủ nhà cho hội nghị. Người ta còn mong rằng nhờ có nhiều liên hệ với cả hai phe, Pháp có thể kín đáo giúp cho việc thương thuyết.
Tuy nhiên, do sự trùng hợp không may của nhiều yếu tố lịch sử, khi các cuộc đàm phán đầu tiên giữa các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt khởi sự thì nước Pháp lúc đó lại đang ở trong một tình trạng khủng hoảng. Đường phố Paris bốc cháy vì các cuộc biểu tình của sinh viên và những kẻ sách động mà nay người ta gọi là “thế hệ 68”. Hàng rào được dựng khắp nơi trong khu Latinh (tập trung nhiều Đại Học và là nơi sinh viên biểu tình dữ dội nhất), nước Pháp như bị tê liệt và người ta tự hỏi phải chăng đây là khởi đầu của một cuộc cách mạng?
Vào thời điểm đó, nhiệm sở của tôi ở tại Mỹ nên hàng tuần tôi phải làm con thoi giữa hai thủ đô Washington và Paris, nhưng vì hoàn cảnh quá bất thường nên máy bay đưa tôi từ New York phải đáp xuống phi trường quân sự Brétigny thay vì Orly, và nhiều lần tôi đã phải đi đường bộ lên Bruxelles để có máy bay trở về Mỹ.
Nếu tôi có gợi lại kỷ niệm ấy thì cũng chỉ để nhắc lại bầu không khí đặc biệt vào thời điểm hòa đàm. Hơn nữa, biểu tình không phải là hiện tượng chỉ xẩy ra ở Pháp, sự xáo trộn cũng mãnh liệt không kém trong giới sinh viên và sách động ở khắp Âu Châu, đặc biệt ở Đức, và riêng ở Mỹ trong số những người chống lại chiến tranh Việt Nam.
Thực ra, đó là một hiện tượng xã hội, sự phản kháng của một thế hệ chống lại cái xã hội đã nuôi nấng họ. Việc chống lại chiến tranh Việt Nam có thể có nội dung chính trị, nhưng khung cảnh chung là một cuộc khủng hoảng xã hội chẳng dính dấp gì tới Việt Nam và Việt Nam nhiều khi chỉ là một cái cớ. Vào thời điểm đó chúng ta còn ở rất xa sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và huyền thoại Cộng Sản. Cho nên nếu các vụ biểu tình có mầu sắc thiên tả ở Âu Châu và ở khắp các nơi khác thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên vì người ta cứ tưởng lầm đấy là trào lưu của thời đại.
Nỗ lực trung gian của Âu Châu
Cuộc hòa đàm về Việt Nam đã khởi sự trong bầu không khí đặc biệt như vậy vào năm 1968.
Dư luận coi đây là một nỗ lực cụ thể để tìm giải pháp cho cuộc chiến đang xẩy ra mà không biết rằng trong hậu trường, và nhiều lần, đã có những trung gian muốn dàn xếp việc tiếp xúc giữa các đối phương. Những nỗ lực môi giới của Âu Châu cho việc này kể ra thì rất nhiều, chúng ta đều biết cả và nhóm thảo luận thứ tư của hội nghị này sẽ có thời giờ tìm hiểu sự việc trong chi tiết.
Tôi chỉ xin nhắc theo trí nhớ ở đây vài ba trường hợp mà tôi có theo dõi như một sự ca ngợi những nỗ lực hòa bình của Âu Châu. Năm 1966, trong khi chiến cuộc bùng nổ và lan tràn thì Ba Lan qua vị đại diện của mình trong Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế (ICC) cùng với vị đại diện của Ý tại Sài Gòn đã tìm cách thu hẹp khác biệt quan điểm giữa các phe liên hệ. Ở cấp cao hơn, đầu năm 1967, Thủ Tướng Anh Harold Wilson và Thủ Tướng Liên Xô Alexis Kosygin cũng cố gắng tổ chức một hội nghị hòa bình. Về phần Pháp thì từ năm 1965, Paris đã kín đáo giúp đỡ sự gặp gỡ giữa người đại diện của Hà Nội là ông Mai Văn Bộ với nhà ngoại giao Mỹ, ông Edmond Guillion. Cũng trong tinh thần ấy và có thể với sự đồng ý mặc nhiên của bộ Ngoại Giao Pháp, hai người Pháp là các ông Aubrac và Marcovich đồng ý cộng tác với giáo sư Kissinger (đại diện bán chính thức của Mỹ thời đó) để chuyển một thông điệp của Washington tới nhà cầm quyền Hà Nội. Không kể tới những nỗ lực kém quan trọng hơn, như của Thụy Điển, dù không đem lại kết quả cụ thể, tất cả đều phản ảnh sự quan tâm rất lớn của Âu Châu đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Và nếu hội nghị ngày hôm nay có muốn duyệt lại vai trò của Âu Châu trong nỗ lực đem lại hòa bình cho Việt Nam thì cũng là điều công bằng.
Chiến tranh “Hoa Kỳ”
Trong những năm từ thập niên 60, 70 và về sau này, thành phần thiên tả hay chống Mỹ và đa số báo chí quốc tế thường gọi chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến của Mỹ” (“american war”). Sự can thiệp ồ ạt của Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhất là từ năm 1966, có thể giải thích cách gọi như vậy là không xa sự thực. Quả thật, ai có thể phủ nhận được sự hiện diện của nửa triệu lính Mỹ tại miền Nam Việt Nam ?
Nhưng dù sự hiện diện đó là hiển nhiên, đối với tôi (và nhiều sử gia độc lập mà tôi được biết) điều đó không phải là nguyên nhân sâu xa và duy nhất của cuộc chiến. Nếu ngược dòng thời gian, trở lại Hiệp Định Genève năm 1954 kết thúc cuộc chiến đầu tiên tại Việt Nam (được gọi là chiến tranh Đông Dương) và phân chia lãnh thổ Việt Nam thành hai vùng qua vĩ tuyến 17, người ta có thể dễ thấy là mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam thật là giới hạn.
Chỉ sau khi bản hiệp định này được ký kết, mối quan tâm đó mới gia tăng với sự thành lập của Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO hay là South East Asia Treaty Organisation). Và mối quan tâm này lớn mạnh hơn cùng sự căng thẳng của chiến tranh lạnh, nhất là sau chiến tranh Cao Ly, sau những vọng động đáng ngại tại Trung Quốc của Mao Trạch Đông và đặc biệt sau khi khối Cộng Sản Quốc Tế công khai hỗ trợ chế độ Bắc Việt.
Hai nước Việt Nam
Dĩ nhiên, Hiệp Định Genève 1954 công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam như một quốc gia, một dân tộc. Nhưng hiệp định này cũng chia Việt Nam thành hai vùng và có những quy định về cơ chế quốc gia tại mỗi vùng. Phần mình, chính quyền Sài Gòn nắm giữ mọi thẩm quyền lãnh đạo quốc gia ở miền Nam cũng như chính quyền Hà Nội ở miền Bắc.
Như vậy, có hai nước Việt Nam được quốc tế chính thức hẳn hoi công nhận, Việt Nam Cộng Hòa được thế giới tự do công nhận tại miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được các nước Cộng Sản công nhận tại miền Bắc. Cũng cần nhắc lại ở đây là trước khi có Hiệp Định Genève chia đôi đất nước thì Quốc Gia Việt Nam đã được 35 nước công nhận và tháng Chín năm 1952, dầu Liên Xô dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết với 40 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 12 phiếu trắng, một quyết nghị chấp nhận Quốc Gia Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Sau Hiệp Định Genève, Quốc Gia Việt Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập ở miền Nam.
Sự phân chia trong lịch sử
Nếu xét đến nguyện vọng của người dân Việt Nam luôn luôn mong muốn nước nhà được thống nhất thì Hiệp Định Genève phân chia đất nước làm đôi chỉ là một trường hợp giai đoạn, không ai muốn mà đành phải chịu vì hoàn cảnh lịch sử và quốc tế lúc đó. Nếu có thể tự an ủi thì người ta nhớ lại thời phân chia Nam Bắc ở vĩ tuyến 18 của Việt Nam trong hơn hai thế kỷ và chỉ được Hoàng Đế Gia Long thống nhất trở lại vào đầu thế kỷ 19.
Ngoài ra, việc phân chia cũng không phải là trường hợp duy nhất nếu người ta thấy những tiền lệ là hai nước Đông và Tây Đức hoặc hai nước Nam và Bắc Hàn. Vì vậy, sau Hiệp Định Genève nước Việt Nam ở miền Nam đành chấp nhận thực tế và mong tình trạng hai nước độc lập như vậy sẽ được duy trì cho tới khi có hoàn cảnh thống nhất hòa bình như đã từng có trong quá khứ.
Hình ảnh 1968: Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson và Đạu sứ Bùi Diễm, Việt Nam Cộng Hoà
Sự can thiệp của ngoại bangTuy nhiên, tình trạng hai quốc gia biệt lập này không kéo dài. Xung đột giữa hai bên khởi sự rất sớm. Vào những năm đầu thập niên 60 thì còn âm ỉ nhưng sau đó thì trở thành chiến tranh công khai. Chính trong khung cảnh đặc biệt đó của Việt Nam, với chiến tranh lạnh gia tăng cường độ mà Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam thuận theo chính sách be bờ (containment policy) ngăn chặn làn sóng Cộng Sản của họ. Trường hợp này không khác trường hợp các nước trong khối Cộng Sản thuận theo chủ trương bành trướng và liên đới đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã giúp miền Bắc. Nếu có khác chăng nữa thì người ta thấy tại miền Nam một sự can thiệp ồ ạt, công khai và hầu như dưới mọi hình thức trong khi đó thì tại miền Bắc sự can thiệp đã được ngụy trang khéo léo. Quả vậy, sự kiện có hơn 200 trăm ngàn lính Trung Cộng tại miền Bắc trong thời chiến chỉ được thế giới biết rất trễ sau khi chiến tranh kết thúc.
Tôi không hề có ý bênh vực lề lối can thiệp như vậy của Hoa Kỳ, ngược lại là khác!
Vì trong những năm làm việc tại Mỹ, tôi đã có cơ hội nhận thấy sự vận hành của chính trị Hoa Kỳ với rất nhiều vụng về, mâu thuẫn và lầm lẫn. Nhưng trong hoàn cảnh của Việt Nam mà bảo rằng Hoa Kỳ có tham vọng bành trướng lãnh thổ hay quyền lực này khác, để từ đó đi tới kết luận là chiến tranh Việt Nam bắt nguồn từ sự can thiệp của Mỹ thì quả là đi quá xa trong sự phi lý.
Nhân đây, nếu coi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam là cản trở nền độc lập và thống nhất của Việt Nam thì tôi xin được nhắc lại rằng vào tháng 10 năm 1966, tại một hội nghị quốc tế ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân, quy tụ bảy nước đồng minh của miền Nam Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã cương quyết yêu cầu ghi vào bản thông cáo chung một điều khoản minh danh khẳng định là mọi quân đội ngoại quốc, và trước tiên là quân đội Mỹ, phải rút khỏi Việt Nam sáu tháng sau khi chiến tranh chấm dứt và lời yêu cầu này đã được hội nghị chấp thuận.
Ngoài ra, nếu coi Hiệp Định Paris năm 1973 như một văn kiện có giá trị cưỡng hành đối với các phe liên hệ thì tài liệu đó đã giải quyết dứt khoát vấn đề quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, nghĩa là chấm dứt “chiến tranh Hoa Kỳ”, không còn là chiến tranh của Mỹ nữa, thì một câu hỏi đương nhiên phải được đặt ra: tại sao chiến tranh lại còn tiếp diễn hai năm nữa?
Một cuộc xung đột ý thức hệ
Vì tính chất ồn ào, vũ bão của nó, sự can thiệp của Hoa Kỳ thực ra đã làm sai lệch bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam và che lấp một trong những nguyên nhân chính của cuộc chiến.
Thật vậy, nếu mọi người Việt đều mơ ước độc lập ngay từ đầu thế kỷ trước, ngay trong thời kỳ chính quyền thực dân Pháp còn kiểm soát toàn cõi Việt Nam, người ta đã thấy có những khác biệt sâu xa giữa các nhà ái quốc và các nhóm chính trị về phương thức đấu tranh chống thực dân và về tương lai của Việt Nam.
Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn xây dựng một xã hội theo kiểu Mác-Lênin (đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, cải cách ruộng đất v.v..) trong khi các đảng phái quốc gia, dù còn mơ hồ trong nguyện ước, vẫn muốn xây dựng một xã hội tôn trọng tự do của con người. Một đằng thì là sự đơn giản của mô hình toàn trị (mà mãi về sau người ta mới nhìn ra tính chất thô bạo của nó) và đằng kia thì là những thí nghiệm có tính cách đa diện, đa nguyên mà người ta lên án là kém hữu hiệu.
Vì vậy, từ nguyên thủy, yếu tố chính ở đây là một sự xung đột về tư tưởng, về ý thức hệ, nhất là khi các tổ chức yêu nước phải tiến hành đấu tranh biệt lập và bí mật để tránh sự dòm ngó và đàn áp của thực dân Pháp. Hai biến cố khả dĩ phản ảnh rất rõ hai khuynh hướng này đã xẩy ra cùng một thời điểm, vào năm 1930, đó là cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng và vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Theo dòng thời gian, sự xung đột về ý thức hệ này đã biến thành bạo động nhất là sau khi đảng Cộng Sản cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Và nếu trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, đảng Cộng Sản có ngụy tạo trở thành Hội Nghiên Cứu Mác Xít, rồi sau đó đổi tên thành đảng Lao Động và chính quyền do đảng này chi phối nói đến một chính phủ liên hiệp quốc gia thì mục đích cũng chỉ là để huy động quần chúng hơn là do thực tâm muốn cộng tác với các lực lượng khác trong phong trào kháng Pháp giành độc lập.
Thế rồi, giải pháp Bảo Đại ra đời. Mối rạn nứt Quốc Cộng ngày càng đào sâu và trở thành hiển nhiên với việc Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954. Bây giờ là một hoàn cảnh pháp lý, có đặc tính quốc tế hơn là quốc nội, chi phối quan hệ đôi bên, mỗi bên có một lối sinh hoạt riêng, với chế độ chính trị riêng. Mà hoàn cảnh này cũng được các nước trong khối Cộng Sản công nhận vì tháng Giêng năm 1957, chính Liên Xô đã đề nghị Liên Hiệp Quốc đón nhận hai miền Nam, Bắc vào Liên Hiệp Quốc như hai quốc gia biệt lập và độc lập.
Nhưng còn vấn đề thống nhất
Dĩ nhiên còn vấn đề thống nhất, một vấn đề mà
chính quyền hai bên quan niệm khác nhau.
Trong khi miền Nam muốn giữ nguyên trạng tạm thời để có thời giờ hàn gắn chiến tranh, tái thiết xứ sở lần đầu tiên được độc lập (với sự trao trả miễn cưỡng của người Pháp) và vì vậy mơ ước một giải pháp thống nhất ôn hòa trong tương lai, thì miền Bắc bị ám ảnh bởi tham vọng đặt hệ thống Cộng Sản trên toàn xứ sở. Hà Nội đòi thống nhất bằng mọi giá, kể cả với giá của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Nói cách khác thì một bên là viễn ảnh thống nhất có tính cách thụ động, một bên là phản ứng đấu tranh quyết liệt vì mù quáng tin vào chủ trương cách mạng và “nghĩa vụ quốc tế” của những người Cộng Sản.
Chiến tranh giữa hai miền do đó chỉ còn là điều tất yếu, dù có hay không có sự can thiệp của ngoại bang. Sự thể đã thực tế xẩy ra đúng như vậy, trong sự ngậm ngùi của cả dân tộc.
Trong khuôn khổ hội nghị này và vì thời gian có giới hạn, tôi không nói hết được những thống khổ, tang tóc và tàn phá mà dân tộc Việt Nam ở cả hai miền đã phải chịu đựng trong chiến tranh và sau chiến tranh. Cả trăm cuốn sách và những phân tách được xuất bản đã nói nhiều đến điều này. Nhưng với khoảng cách thời gian tại hội nghị này, tôi xin được trình bầy một vài quan điểm của riêng tôi về hồ sơ chiến tranh Việt Nam.
Hiệp định Paris
Trước hết về bản Hiệp Định Paris, thì người ta đã thấy rõ là hiệp định đó không mang lại hòa bình, trái lại nó là sự tiếp diễn của chiến tranh. Miền Bắc đã được những gì họ muốn: quân đội Mỹ hoàn toàn triệt thoái khỏi miền Nam, mặc nhiên họ được duy trì quân đội của họ ở miền Nam và Hoa kỳ chẳng được gì ngoại trừ việc mang về tù binh như một phần thưởng nghèo nàn. Một tác giả Hoa Kỳ, Larry Berman, có tham dự hội nghị này, trong cuốn sách mới xuất bản của ông, "Không hòa bình, Chẳng danh dự" (No Peace, No Honour) đánh giá hiệp định này là Hoa Kỳ đã phản bội Việt Nam vì chiến tranh vẫn tiếp tục sau khi văn kiện được ký kết. Nhân đây, phải nói rằng tôi không có ý khơi lại một cuộc tranh luận về trách nhiệm của các phe liên hệ trong cuộc chiến, một cuộc tranh luận mà tôi cho là vô ích khi chiến tranh đã kết thúc gần 30 năm rồi. Từ đó nước đã chẩy qua cầu và nhiều thế hệ trẻ ngày nay không còn nhớ hay biết rằng đã có một cuộc chiến xẩy ra.
Nhưng chúng ta phải ghi nhận rằng, trong khuôn khổ cuộc chiến tranh lạnh, cuộc chiến ở Việt Nam là sự đụng độ giữa hai chủ trương Cộng Sản và Quốc Gia, giữa độc tài toàn trị và tự do dân chủ. Như con người, mỗi quốc gia có một số phận riêng. Số phận của Việt Nam là ngay sau Thế Chiến Hai; lợi dụng thời cơ, đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp được chính quyền năm 1945 tại miền Bắc và tiến hành việc chống Pháp cho tới Hiệp Định Genève 1954.
Sau đó trong hơn 20 năm là nỗ lực tấn công miền Nam một cách tàn bạo dưới chiêu bài thống nhất, với kết cuộc là sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Đảng Cộng Sản do đó phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về những gì xẩy ra trên đất nước trong hơn một nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn một phần tư thế kỷ đảng này nắm trọn quyền cai trị ở cả hai miền.
Ở đây, có lẽ cũng phải nói thêm rằng, say men chiến thắng, những người Cộng Sản thường hay khoe thành tích đuổi cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ và là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”, nhưng chỉ ít lâu sau chiến thắng người ta đã thấy sự thật bẽ bàng và một chuỗi dài thất vọng.
Sau khi thắng trận, trong một thập niên đảng Cộng Sản đã mang ra áp dụng toàn bộ chủ thuyết Mác-Lênin trên toàn quốc, xâm lăng Căm Bốt để hoàn tất “nghĩa vụ quốc tế” và tự cô lập mình, với kết quả là đưa đất nước vào cuộc khủng hoảng, đẩy người dân vào cảnh nghèo đói.
Trong khi đó thì trên bình diện quốc tế, lịch sử đã chuyển động ngoài sự dự đoán của nhiều người: Trung Quốc thoát khỏi cơn mê cuồng của Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản, tiến hành cải cách ngay từ cuối năm 1978, và năm sau cho người anh em xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội một bài học đẫm máu. Rồi đến sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản Đông Âu và sau cùng là sự tan rã của Liên Bang Xô Viết.
Cùng một lúc, cả thế giới bừng tỉnh, mô thức Cộng Sản như một mẫu mực không thích hợp cho thời đại mới, nghĩa là hoàn toàn bị phá sản như Đặng Tiểu Bình rồi sau này Gorbachev đã lần lượt phải công nhận.
Thắng thành bại, Bại thành thắng
Sau Hiệp Định Paris năm 1973 và sự chiến thắng theo kiểu Pyrrhus, chiếm để rồi bại, đảng Cộng Sản Việt Nam, vì những lầm lẫn của mình, đã đưa đất nước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cuối thập niên 80. Đứng bên bờ vực thẳm, đảng mới tìm cách đi ngược. Từ vài năm nay người ta thường nói tới một số tiến bộ của Việt Nam trên đường đổi mới, làm cho người dân nhờ đó được dễ thở hơn trước, nhưng người ta lại quên rằng tiến bộ đó xuất phát từ những biện pháp tự do mà đảng Cộng Sản đã lên án và ra tay xóa bỏ. Trước những sự thật của thế giới ngày nay, đảng Cộng Sản Việt Nam có ý thức được chăng rằng cái dự án xây dựng xã hội của họ đã lỗi thời và trở thành vô giá trị ?
Những người Việt Nam không Cộng Sản, ở trong nước như ở ngoài nước thiết tha mong mỏi là sự thể hiển nhiên này sớm được công nhận. Họ không cần khẳng định hay biện bạch rằng chủ trương của họ, như dân chủ chính trị, tự do kinh tế và nhân quyền được tôn trọng, có giá trị hơn chủ trương Cộng Sản. Họ chỉ muốn những điều kiện căn bản đó được thực hiện vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng bị nhiều đau khổ trong quá khứ và xứng đáng được một tương lai tốt đẹp hơn.
Bùi Diễm