Thị Minh Hà Lê
SỨ QUÁN MỸ RẤT QUAN TÂM ĐẾN VỤ ÁN BA SÀM
Chiều 17/11/2015, ông David V. Muehlke, Bí thư Thứ nhất phụ trách chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đã gặp bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Ba Sàm), để thăm hỏi và trao đổi thông tin về vụ án Ba Sàm.
Bà Hà cho Sứ quán Mỹ biết, đây là một vụ án có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cũng như các vi phạm nhân quyền. Ông Vinh bị bắt ngày 5/5/2014, nhưng mãi tới tháng 11/2014, nghĩa là nửa năm sau, gia đình mới được thăm gặp ông lần đầu. Từ đó đến nay đã 18 tháng, gia đình cũng chỉ được gặp ông Vinh 5 lần, lần nào cũng là nói qua điện thoại cách hai lần cửa kính, với sự hiện diện của 3-4 quản giáo và cán bộ điều tra, bắt phải cam kết : không được nói chuyện gì khác ngoài chuyện gia đình.
Vào lần gặp gần đây nhất hôm 26/10, bà Hà hết sức lo lắng khi thấy ông Vinh có nhiều dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Trên da ông nổi nhiều đám đỏ và được biết đã hơn 17 tháng không được tiếp xúc với ánh mặt trời. Bác sĩ của trại chỉ vào thăm một lần, đưa thuốc, rồi... không trở lại.
Bà Hà cho biết thêm, ông Vinh từng soạn một kiến nghị 24 trang và một bản tự bào chữa 46 trang, nhưng trại giữ lại, không chuyển ra ngoài. Từ tháng 7/2015 đến nay, trại cũng không cho ông viết kến nghị, thư cho gia đình, không cho nhận sách (về tôn giáo, âm nhạc...), thậm chí không cho ông nhận ảnh gia đình.
Nghiêm trọng nhất là, theo bà Hà, ông Vinh đang bị giam giữ trái pháp luật, bởi cơ quan điều tra đã không chứng minh được ông phạm tội gì. Các luật sư đã có rất nhiều kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trả tự do cho ông. Suốt 18 tháng, ông yêu cầu cơ quan phải đưa ra chứng cứ buộc tội.
Theo luật pháp Việt Nam, tội 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) thuộc nhóm tội nghiêm trọng, đòi hỏi phải có hậu quả. Nhưng trong trường hợp của Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh, cơ quan điều tra không có bằng chứng, cũng không có lời khai nhận tội, không có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào kiện tụng, không chứng minh được tội trạng gì; do đó việc giam giữ ông là vi phạm nhân quyền và trái pháp luật.
Về phía Đại sứ quán Mỹ, ông David V. Muehlke chia sẻ với bà Hà, cho biết ngay từ khi vụ án diễn ra, Quốc hội, Chính phủ, Đại sứ quán Mỹ đều rất quan tâm và đã đưa ra yêu cầu được giám sát các hoat động tố tụng, nếu phiên tòa diễn ra sẽ tham dự. Tuy nhiên, họ chưa nhận được trả lời từ các cấp có thẩm quyền phía Việt Nam. Các nhà ngoại giao của sứ quán cũng vẫn tiếp tục yêu cầu tham dự phiên tòa xét xử Ba Sàm.
Trên thực tế, hiện đã có thượng nghị sĩ Đức và một số đại sứ quán phương Tây gửi thư đến các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ, cơ quan ngoại giao, cơ quan tư pháp của Việt Nam đề nghị được tham dự và quan sát phiên tòa.
Đoan Trang (thực hiện)
“Ban đầu tôi tưởng đâu vụ này sẽ lại lặp lại các vấn đề về dân chủ – nhân quyền như vụ Cù Huy Hà Vũ, nhưng hóa ra lại là một vấn đề khác, còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn. Đó là, theo những công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký thì: Không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội” – ông Trần Quốc Thuận, một trong 5 luật sư bảo vệ cho blogger Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh), trao đổi với Luật Khoa.
Bài viết liên quan: Diễn biến vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (liên tục cập nhật)
PV: Ông tiếp nhận hồ sơ vụ án “Anh Ba Sàm” từ khi nào?
LS: Khi anh Vinh bị bắt thì anh có nói qua cô Hà (bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh – PV) mời tôi làm luật sư. Nhưng do tôi ở miền Nam nên đã từ chối vì không muốn đi lại nhiều gây tốn kém cho gia đình trong giai đoạn thẩm vấn, chất vấn bị can. Tôi nói lúc nào thích hợp thì tôi sẽ tham gia.
Và khi có kết luận điều tra, anh Vinh lại nhắc lại là mời tôi làm luật sư. Nên tôi gửi hồ sơ ra, đến ngày 21/3/2015 thì có quyết định của Viện Kiểm sát đồng ý cho tôi làm luật sư cho anh Vinh, nhưng phải giục nhiều lần thì cuối tháng 4/2015, tôi mới nhận được quyết định đó.
Lần ra nhận quyết định, tôi cũng tranh thủ gặp anh Vinh trong một tiếng đồng hồ, cũng không nói được nhiều. May mà có LS. Hà Huy Sơn tham gia ngay từ đầu, anh ấy có đầy đủ hồ sơ vụ án. Tôi đã nhờ anh ấy chuyển cho tôi để đọc và tiếp cận vụ án. Khi tiếp cận vụ án, thật sự tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
PV: Ngạc nhiên sao ạ?
LS: Ban đầu tôi vẫn nghĩ rằng anh Vinh bị bắt vì anh là chủ trang “Anh Ba Sàm” tức trang “Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Nhưng khi tiếp cận hồ sơ thì hóa ra không phải, mà anh ấy bị bắt vì hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Rôi lại cũng chẳng phải do hai trang này mà thành ra là vấn đề kỹ thuật vi tính.
Tôi đã chuẩn bị tranh tụng cho vấn đề dân chủ và nhân quyền như Việt Nam đã ký ở các công ước quốc tế liên quan, nhưng cuối cùng thì không phải vậy. Và theo hướng kỹ thuật vi tính thì việc điều tra vụ án thực sự là bế tắc cho cơ quan điều tra.
PV: Ông có thể nói rõ bế tắc như thế nào?
LS: Tức là, cơ quan điều tra khẳng định anh Vinh là chủ của hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, bởi vì họ cho rằng anh ấy có số điện thoại và email cài mật mã hai lớp để vào được hai trang đó.
Anh Vinh nói rằng họ phải chứng minh được anh vào khi nào, bằng cách nào. Lúc này thì cơ quan điều tra thua, họ phải mời tới FPT và các cơ quan truyền thông của Bộ Thông tin – Truyền thông để làm rõ. Bên FPT đưa ra giờ, ngày, tháng… mà anh Vinh có ở trên giao diện của hai trang đó, tức là đang đọc tin trên hai trang đó. Nhưng đọc tin mà có tội thì Việt Nam này có tới cả triệu người đi tù rồi.
Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn nói đại rằng anh Vinh chính là quản trị viên của hai trang trên, bởi lẽ anh Vinh có đủ điều kiện để vào được hai trang đó. Anh Vinh vẫn bác lại với lập luận: “Không phải tôi có chìa khóa vào nhà thì có nghĩa là tôi vào nhà. Mà nếu tôi vào nhà thì phải để lại dấu vết, còn không tìm ra dấu vết thì không thể khẳng định được gì”.
Cơ quan điều tra cũng cố làm rõ xem có phải anh Vinh đã can thiệp thay đổi nội dung các bài đăng trong hai trang trên không, vì nếu có thì đúng là anh Vinh vào đó thật. Nhưng anh ấy không nói, mà cơ quan điều tra thì không thể chứng minh được. Lẽ ra, điều tra không được thì phải thả.
Ban đầu tôi tưởng đâu vụ này sẽ lại lặp lại các vấn đề về dân chủ – nhân quyền như vụ Cù Huy Hà Vũ, nhưng hóa ra lại là một vấn đề khác, còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn. Đó là, theo những công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký thì: Không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội.Và anh Vinh đang rơi vào trường hợp đó.
Luật sư Trần Quốc Thuận. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.
PV: Ông có thể cho biết vắn tắt các vi phạm tố tụng trong vụ án Ba Sàm?
LS: Trong hồ sơ có kết luận điều tra thì thấy nói rằng Tổng cục An ninh (Cục Bảo vệ Chính trị VI – A67) theo dõi và thấy có hai trang mạng “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Sau đó, họ gửi công văn cho bên FPT… Rồi họ giao cho cơ quan điều tra, cơ quan điều tra mới phối hợp điều tra và xác minh. Và thế là có lệnh bắt khẩn cấp.
Khi đến bắt khẩn cấp thì họ gõ cửa, kêu lâu quá. Anh Vinh bảo: “Đâu phải nhà tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa cho các anh đâu”. Lúc họ vào nhà thì anh Vinh đang đau đầu, nằm trên ghế. Họ cứ thế vào bật máy và in ra rất nhiều tài liệu, phòng của cô Thúy họ cũng vào in ra được ba bài. Đem biên bản cho anh Vinh ký thì anh ấy không ký, bảo “với đường truyền tốc độ cao thì các anh muốn in bao nhiêu bài chả được, cứ gì 6 bài”.
Sau đó họ niêm phong cửa phòng lại. Nhưng phòng này lại là phòng có hai cửa, nên về sau anh Vinh nói rằng ai đó khác cũng có thể vào bằng cửa kia và in ra rất nhiều bài.
Trường hợp này cũng không cần phải bắt khẩn cấp, bắt khẩn cấp là lạm quyền. Chưa kể, như bình thường, lệnh bắt khẩn cấp phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn trong 24 giờ sau khi bắt, nhưng trong vụ này thì 8 ngày sau Viện Kiểm sát mới phê chuẩn.
Đó là những vấn đề vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong tố tụng hình sự, có quy định rằng những người có liên quan đến vụ án (ví dụ: người bị hại…) thì không được tham gia vào tố tụng.
Vụ án này có liên quan đến ông Hoàng Kông Tư, bởi trong 24 bài mà anh Vinh bị buộc tội đăng tải, có một bài về ông Hoàng Kông Tư, là bài “Ông trời con Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ”. Ấy thế mà ông Hoàng Kông Tư lại đứng ra điều tra về vụ án có bài viết đó.
Như vậy, rất có thể hiểu thành ông Tư trả thù người ta; vì người ta đăng tải bài đó nên ông đứng ra điều tra để trả thù, ông có động cơ trả thù.
Việc đó, về mặt tố tụng, là không được phép. Người bị hại không được phép đứng ra điều tra.
Ông Nguyễn Hữu Vinh.
PV: Ông có biết tại sao anh Nguyễn Hữu Vinh bị bắt? Mà lại bắt vào đúng tháng 5 năm ngoái, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam. Liệu có phải là một động thái của chính quyền nhằm trấn áp những người chống việc thân Trung Quốc không? Sau đó họ cũng bắt Bọ Lập, GS. Hồng Lê Thọ…
LS: Các blogger viết bài, nhiều khi nhìn vào cách viết thì thấy là họ cũng có thiên kiến, không ủng hộ ông này mà ủng hộ ông kia, giữa những ông có đầy quyền lực. Cho nên bắt bớ kiểu đó cũng là kiểu chặt tay, chặt chân của nhau. Thế gọi là “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
Trước những ngưỡng cửa, trước những bước ngoặt thì thường hay có biến cố kiểu đó.
PV: Ông thấy hai vụ – Cù Huy Hà Vũ và Anh Bà Sàm, vụ nào khó cãi hơn?
Bây giờ không khí cởi mở hơn so với năm 2011, tư pháp cũng có nhiều đổi mới hơn. Để cãi thì cũng có nhiều chỗ để mà cãi hơn. Trong bài cãi cho Cù Huy Hà Vũ thì có lý sự, lập luận rõ ràng và có vẻ logic hơn.
Còn trong trường hợp Nguyễn Hữu Vinh, tôi cho rằng câu chuyện là sự vi phạm quy trình tố tụng, bắt người mà không có chứng cứ. Khi không chứng minh được anh Vinh phạm tội mà vẫn giam giữ anh thì vi phạm nhân quyền đó còn lớn hơn là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vì quyền con người đầu tiên là quyền được sống, được tự do thân thể, không bị giam giữ.
PV: Vậy theo ông thì sắp tới vụ án sẽ diễn biến thế nào ạ?
LS: Thì chính quyền cũng sẽ gặp khó khăn, họ biết vậy. Nhưng giống như vụ Cù Huy Hà Vũ, họ cũng chịu một áp lực là phải xử, phải đem Nguyễn Hữu Vinh ra tòa xét xử. Giờ chúng ta chỉ không biết họ sẽ khép anh Vinh vào tội gì cho đỡ vô lý thôi, không biết có khép tội trốn thuế không nữa (cười).
Vụ án Ba Sàm: Ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (nhân viên kế toán của Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ V) cùng bị bắt khẩn cấp ngày 5/5/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an buộc tội ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang web có tên “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, đăng tải trên đó 24 bài viết “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Tuy nhiên, các kết luận điều tra đều không chứng minh được ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang này.
Các luật sư nhận bảo vệ cho ông Vinh và bà Thúy, tính đến thời điểm này, gồm: Trần Quốc Thuận, Trần Văn Tạo, Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Trịnh Minh Tân, Nguyễn Tiến Dũng. Trong đó, ông Trần Quốc Thuận (Văn phòng Luật sư Hà Hải & Cộng sự) là nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam và từng là một trong các luật sư biện hộ trong vụ án Cù Huy Hà Vũ.
Chuyện Ba Sàm & Bản Cáo Trạng Của V.K.S.N.D
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Tôi thấy chính sách thông tin như hiện nay, ta chỉ từ thua đến thua.
Cái gì chớ sách sử là tui né, và né tới cùng. Đọc chán thấy mẹ!
Né của nào, Trời trao của đó. Khi khổng khi không (cái) chị Trương Anh Thụy, người phụ trách nhà xuất bản Cành Nam, gửi cho một thùng sách to đùng. Nó nặng đến độ mà con mẹ đưa thư phải ôm bằng cả hai tay, chân đá cửa rầm rầm, vừa đá vừa lầu bầu văng tục chửi thề tá lả.
Tôi thì hớn hở tưởng rằng (dám) có người gửi cho thùng rượu. Thiệt là tưởng bở, và tưởng năng thối!
Mở ra (ôi thôi) ngoài mấy cuốn Những Lời Trăng Trối, vừa tái bản, của Trần Đức Thảo là “nguyên” một bộ sách (Nhìn Lại Sử Việt) của Lê Mạnh Hùng. Cả bộ dám gần chục cuốn, cuốn nào cũng khoảng 500 – 300 trăm trang. Ngó mà thiếu điều muốn ... xỉu!
Và hình như tôi cũng đã ngất đi một lúc khá lâu vì đang bị cúm nên hơi mệt. Mở mắt ra, người ngợm rã rời, chả thiết bò dậy nữa. Tôi bật TV nằm xem cho đến khi chán rồi vớ đại một cuốn đọc chơi, và tin chắc rằng – chỉ vài phút thôi – là mình sẽ tiếp tục ngủ luôn cho tới mốt.
Vậy mà tôi đọc một mạch gần hết tập IV, tập viết về “Nhà Nguyễn Gia Miêu: Từ Gia Long Đến Cách Mạng 19/8.” Theo lời giới thiệu của NXB thì bộ thông sử Việt Nam của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng “vừa cập nhật vừa đạt những tiêu chuẩn gắt gao nhất của sử học hiện đại.”
Bà nội mẹ tui cũng không biết “tiêu chuẩn gắt gao nhất của sử học hiện đại” nó “gắt gao” ra sao (và “gắt” tới cỡ nào lận) nhưng viết sử mà thứ thường dân vớ vẩn như tui đọc cũng thấy hấp dẫn là “hay” quá xá rồi.
Ông Lê Mạnh Hùng không cường điệu, không khoe khoang kiến thức, rất ít tư kiến, và hoàn toàn không có cái vụ ... bình lọan hay bình sảng! Lâu lâu, ổng mới bình thản “chêm” thêm một câu ngăn ngắn rất thâm trầm và rất đáng đồng tiền bát gạo.
Riêng ở chương 17, tiểu mục 17.2 – viết về “Các đảng phái chính trị tiền phong của giai đoạn mới (1923-1927) – Lê Mạnh Hùng ghi nhận một số những sự kiện rất thú vị, xin được tóm lược:
"Trong lúc những người lưu vong bên ngoài tìm một con đường mới cho cách mạng Việt Nam qua Tâm Tâm Xã thì bên trong nước cũng xuất hiện một số đảng phái chính trị xã hội trong nước.
Đảng chính trị đầu tiên là Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu. Đảng này có thể được coi như là đại biểu của tầng lớp đại địa chủ Pháp hóa tại miền Nam. Mục tiêu chính của Đảng này không phải là giành độc lập cho Việt Nam mà có tính cách khiêm tốn hơn: đó là đấu tranh để chính quyền Pháp phải cải cách đường lối cai trị, ban hành một số quyền tự do dân chủ và đôi xử với người Việt ngang hàng như đối với người Pháp...
Sau Đảng Lập Hiến, một số đảng khác cũng xuất hiện. Khác với Đảng Lập Hiến, các đảng sau này phần lớn có mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho đất nước chứ không phải chỉ đòi thêm quyền lợi cho người Việt...
Đảng đầu tiên thành lập có tính cách chính trị là Việt Nam Nghĩa Đoàn mà sáng lập viên bao gồm một số những người hoạt động tích cực lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Phùng, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thái Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Quốc Túy, Trần Thiệu Ngũ, Nguyễn Văn Ngọc v.v...
Sau Việt Nam Nghĩa Đoàn là Hội Phục Việt được thành lập từ những người hoạt động cũ trong phong trào Duy Tân bị bắt và nhốt chung với nhau trong nhà tù Côn Đảo...
Cũng trong giai đoạn này tại Hà Nội, Nam Đồng Thư Xã xuất hiện. Được thành lập cuối năm 1925 bởi một nhóm giáo viên và tiểu thương trong đó quan trọng nhất là Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm em của ông Phạm Hoàng Trân (tức Nhượng Tống), Nam Đồng Thư Xã có mục tiêu vừa thương mãi vừa chính trị...
Trong lúc Hội Phục Việt và Nam Đồng Thư Xã hoạt động ở Bắc và Trung Kỳ thì ở Nam Kỳ nhóm Jeune Annam hay đảng Thanh Niên được thành lập vào năm 1926. Khác với tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ nơi mà sự đàn áp của Pháp và Nam Triều gay gắt hơn, tại Nam Kỳ vì là một thuộc địa các quyền tự do có được bảo đảm hơn thành ra đảng thanh niên này có thể hoạt động một cách công khai mặc dầu không được chính quyền công nhận... (Lê Mạnh Hùng. Nhìn Lại Sử Việt. Vol. 4. Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2013. 5 vols.).
Chèng ơi! Sao đất nước còn bị đô hộ mà hội đoàn, đảng phái xuất hiện công khai, và tùm lum (khắp nơi) vậy cà? Thảo nào mà ông Nguyễn Chí Thiện, đã có lúc, phải la làng:
Ôi, thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
Sống với “lũ thú rừng” thì miễn có vụ hội đoàn và đảng phái, đã đành, chỉ lập vài trang mạng thôi mà cũng đã phải đi tù cả nút. Ngày 6 tháng 2 năm 2015, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cho phổ biến bản Cáo Trạng quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy ra trước Tòa án NDTP Hà Nội theo khoản 2, Điều 258.
Bản cáo trạng này gồm 8 trang, với rất nhiều chi tiết thừa thãi nên đã được blogger Người Buôn Gió “cô đọng” như sau:
- 3 trang đầu miêu tả việc các đối tượng lập blog, lập trang mạng, đây là việc quá bình thường trong một đất nước đang có hàng chục triệu ngươi sử dụng mạng internet. Việc liệt kê quá trình lập blog, bảo mật, đăng ký sử dụng mạng, lập thư điện tử....bất kỳ ai lên mạng đều làm như vậy. Có gì mà phải vẽ ra đến 3 trang như ly kỳ, âm mưu toan tính, hiểm hóc ?
- 2 trang chỉ liệt kê tên của các bài viết, chỉ liệt kê đúng cái tiêu đề.
- 2 trang nêu lý lịch bị cáo.
- 1/2 trang kết luận.
- 1/ 4 trang của bản cáo trạng liệt kê lượng người đọc, còm men.
- Chỉ có 1/4 trang trong 8 trang cáo trạng có vẻ đúng nghĩa bản cáo trạng, nhưng đó là kết luận giám định của bộ thông tin và truyền thông khẳng định các bài viết mà hai bị cáo đưa lên là xuyên tạc đường lối của Đảng, bôi nhọ cá nhân, xâm phạm lợi ích cá nhân tổ chức... còn xâm phạm thế nào, thiệt hại ra sao, cá nhân nào bị thiệt hại... không thấy nói đến.
Cả cái bản cáo trạng lẫn kết luận hồ sơ của Bộ Công An, Viện Kiểm Sát tối cao mà chỉ kể lể dài dòng chuyện lý lịch, việc đăng ký sử dụng mạng, lập hòm thư rồi nêu tên các bài viết. Sau đó ngắn gọn nói rằng giám định Bộ Thông Tin Truyền Thông nói là có tội, thế là thành có tội mang ra xử. Không thấy phân tích chứng cứ, lập luận khoa học kết tội. Rặt áp đặt chủ quan, cảm tính. Một bản cáo trạng và kết luận hồ sơ như vậy thì cần gì hai cơ quan tố tụng lớn nhất đất nước phải dùng sạch bách thậm chí quá hạn điều tra mới viết ra được.
Và tại sao Bộ Công An có cơ quan an ninh văn hoá không giám định các bài viết mà để cho một cơ quan dân sự, không liên quan gì đến việc tố tụng đứng ra giám định và kết luận việc có tội hay không có tội.
Xét về mạnh cạnh tranh độc giả, thì chính các bị cáo là đối thủ cạnh tranh với bộ Thông Tin Truyền Thông trong việc chiếm lĩnh thị trường thông tin.
Vậy vụ án này thật khôi hài và bỉ ổi. Kẻ được nêu tên là bị hại thì chính là kẻ khởi tố, điều tra vụ án. Đối thủ cạnh tranh thị trường lại được mời làm giám định thiệt hại, kết luận có tội. Một vụ án được những kẻ tham gia tố tụng như vậy trông mong gì minh bạch.
Cá nhân tôi không mong gì chuyện “minh bạch” trong vụ án này, hoặc bất cứ một vụ án nào, ở nước C.H.X.H.C.N Việt Nam. Tôi cũng không có máu “khôi hài” nên không nhìn ra những khía cạnh “riễu cợt” trong bản cáo trạng thượng dẫn.
Tôi chỉ thấy cách luận tội của V.K.S.N.D (“xuyên tạc đường lối của Đảng, bôi nhọ cá nhân...làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) sao “cù nhầy” và “buồi dái”quá thôi. Coi: cả “tập đoàn lãnh đạo” hiện nay đều lấm lem bê bết từ đầu đến chân, có sót chỗ nào để mà “bôi nhọ” được nữa – mấy cha? Tương tự, còn có ai tin tưởng gì vào “Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và Nhà nước...” đâu mà kết án con người ta “làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng” – hả Trời?
Vài tháng trước, trên trang thư tín của tuần báo Trẻ (phát hành từ Dallas, Texas – ngày 26 tháng 2 năm 2015) có vị độc giả phát biểu rằng: “CS chiếm miền Nam bằng cái miệng.” Ý tưởng này khiến tôi nhớ đến một cân nói của nhà báo Huy Đức: “Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh rõ ràng là một trong những nhà lập ngôn xuất sắc nhất.”
Quả tình, Bác và Đảng đã chiếm được cả nước – chứ không riêng chi miền Nam – bằng mồm chứ còn gì nữa. Nhưng thời thế đã khác rồi. Bây giờ mà vẫn còn hy vọng giữ được quyền bính cũng chỉ nhờ vào cái miệng (mình) và bịt miệng kẻ khác thì quả là một chuyện rất viển vông.
Thử nghe Thông Tấn Xã Việt Nam “khoe hàng” chút xíu nha:
“Website của TTXVN tại địa chỉ http://news.vnanet.vn là một trong những trang thông tin chính thức và là trang duy nhất ở trong nước cung cấp những thông tin mới nhất, tin cậy bằng bốn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) về tình hình Việt Nam và thế giới, là cầu nối để độc giả khắp nơi trên thế giới hiểu về Việt Nam và con người Việt Nam...
“Với 63 phân xã tại tất cả các tỉnh thành trong nước và 27 phân xã nước ngoài ở cả 5 châu lục, cùng nguồn thông tin trao đổi trực tuyến liên tục 24/24 giờ với 42 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào của Việt Nam sánh được ...”
“Ưu thế” tới cỡ đó mà T.T.X.V.N lại không có độc giả. Thiên hạ chỉ đua nhau vào xem Thông Tấn Xã Vỉa Hè thôi. Và đây có lẽ đây mới là nguyên do (đích thực) khiến cho Trương Duy Nhất, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý ... phải bị trừng trị – hay bị trả thù, theo như cách nhìn của Người Buôn Gió!
Sự kiện người dân tẩy chay mọi hình thức truyền thông của nhà nước không phải là lỗi (hoặc tội) của Ba Sàm và của giới T.T.X.V.H. Đây chỉ là hiện tượng (“vỡ trận”) tự nhiên, báo trước ngày tàn của chế độ thôi!
-Băng rôn trên vòng hoa viếng tang lễ bị xé, tại sao?
Sáng hôm nay trong lễ tang của thân mẫu anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh tại Hà Nội có rất nhiêu người đến viếng trong đó nhiều nhất là dân chúng cũng như nhân sĩ trí thức và các nhóm hoạt động dân chủ nhân quyền. Các vòng hoa phúng điếu của cá nhân hay tập thể mà nhà nước chú ý đều bị ngăn cản và giật đi không cho mang vào nhà tang lễ.
Lễ tang thân mẫu của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là cụ bà Trần Thị Ái Việt được tổ chức sáng hôm nay tại nhà tang lễ số 5 đường Trần Thánh Tông Hà Nội được rất đông đảo bạn bè thân hữu cũng như những người yêu mến anh đến để tỏ lòng thương tiếc cho người quá cố.
Cụ bà Trần Thị Ái Việt là vợ ông Nguyễn Hữu Khiếu một công thần từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động, đại sứ tại Liên Sô, cùng với người bác họ trong gia đình là cựu Thượng tướng Bộ trưởng công an Lê Minh Hương. Tuy nhiên do các hoạt động của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh mà các cơ quan an ninh đã đặt đám tang của cụ Trần Thị Ái Việt vào diện cần cảnh giác.
Phân biệt kỳ thị trong tang lễ
Theo vợ anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thuật lại thì lễ tang được rất nhiều người đến viếng trong đó nhiều nhất là thường dân của Hà Nội, bà Lê Thị Minh Hà cho biết:
-Nhà này có hai đối tượng một đối tượng là quân đội vì ông anh cả là sĩ quan trong quân đội về hưu vì thế người đi viếng là người trong quân đội rất là đông. Thứ hai là bạn bè của tôi và anh ấy trước cùng học ở Học viện an ninh và bạn bè hồi học phổ thông. Có một đoàn rất là đông nhân sĩ trí thức có lẽ là đông lắm, đông nhất. Rất nhiều người mặc quần áo bình thường của người dân tuy tôi chưa biết cụ thể họ là ai đến viếng và đế tận đài hóa thân Hoàn Vũ để viếng nữa.
Trong khi lễ tang đang mở ra tiếp khách từ nhiều nơi đến chia buồn thì một việc bất ngờ xảy ra công an và an ninh trước cửa nhà viếng tang đã ngăn cản không cho đem những vòng hoa có mang tên những cá nhân hay nhóm, tổ chức xã hội dân sự. Các băng rôn đều bị xé, tịch thu và không cho đem vào viếng người quá cố. Bà Minh Hà kể lại:
Đầu tiên ngay trước cũa nhà tang lễ thì công an Hà Nội, an ninh chìm nổi rất là đông và giật băng tang treo trên vòng hoa ở ngay ngoài cửaanh Lã Việt Dũng
-Tôi không biết cụ thể nó là cái gì không biết giai đoạn nào vì lúc ấy rất nhiều đòan đến viếng. Trong lúc tôi đang đứng bắt tay những người họ đến trước thì có xảy ra chuyện lộn xộn to tiếng nào đấy mà tôi cũng chưa định hình được đấy là ai và việc gì xảy ra. Sau này thì thấy mọi người bảo có khoảng 10 vòng hoa có tên những người gửi vòng hoa đến hoặc là tôi nghe thấy một số người bị gạt ra và tôi biết chuyện xảy ra lúc ấy trong văn phòng chỗ làm lễ tang.
Trong nhóm người có mặt và chứng kiến việc cấm cản ấy là anh Lã Việt Dũng, thuộc nhóm No U đã kể lại tường tận sự việc:
-Sáng nay bắt đầu lễ viếng vào lúc 7 giờ 30 tới 9 giờ 15 là xong. Trong khoảng thời gian đó thì rất nhiều hội nhóm cũng như những người tạm gọi là các nhà hoạt động đã đến đế viếng lễ tang thân mẫu của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Đầu tiên ngay trước cũa nhà tang lễ thì công an Hà Nội, an ninh chìm nổi rất là đông và giật băng tang treo trên vòng hoa ở ngay ngoài cửa.
Họ chặn ngay từ ngoài cửa và họ yêu cầu tất cả những người bán hàng hoa ở đó không được viết những băng rôn của các hội nhóm. Sau đó có những vòng hoa của một số người họ đưa vào không có khẩu hiệu gì cả, họ đút túi băng rôn và ngay cả những vòng hoa như vậy thì công an vẫn không cho vào mà họ yêu cầu phải có băng rôn trên đấy.
Theo anh Lã Việt Dũng thì nhiều người đã đấu tranh với công an ngay tại bàn tiếp tân và cuối cùng thì công an nhượng bộ cho mang vòng hoa không có băng rôn vào phúng điếu. Anh Dũng cũng cho biết sau khi vào được bên trong thì nhiều người lấy băng rôn mang trong túi ra choàng lên vòng hoa và để viếng trước di ảnh của cụ thân mẫu anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Nhân cợ hội trao đổi với bà Minh Hà chúng tôi hỏi thăm về tình hình anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh trong tù mà bà vừa được thăm anh sau 8 tháng từ ngày anh bị bắt, bà Hà kể:
Họ chặn ngay từ ngoài cửa và họ yêu cầu tất cả những người bán hàng hoa ở đó không được viết những băng rôn của các hội nhóm. Sau đó có những vòng hoa của một số người họ đưa vào không có khẩu hiệu gì cả, họ đút túi băng rôn và ngay cả những vòng hoa như vậy thì công an vẫn không cho vàoanh Lã Việt Dũng
-Hôm mùng 5 tháng 1 nghe tin bà mất và tôi có làm đơn về hai nội dung. Một nội dung là thăm gặp để thông báo tình hình và nội dung thứ hai đề nghị với họ cho anh ấy ra để chịu tang nhưng mà đến mùng 7 tháng 1 thì họ điện thoại để cho vào thăm anh Vinh. Tôi có đề nghị cho thêm anh cả của anh Vinh vào để trao đổi về việc tang lễ nên làm thế nào, lúc ấy tôi thấy thái độ của anh Vinh rất bình tĩnh. Tôi cũng chờ cái văn bản trả lời cho tôi là đồng ý cho về chịu tang mẹ hay không nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn chưa nhận được. Tôi chỉ nhận được thông báo cho vào thăm gặp khi trả lời đề nghị của tôi ngày 17 tháng 12 chứ không phải trả lời văn bản tôi gửi ngày mùng 5 tháng 1. Việc cho vào thăm anh ấy hoàn toàn bằng miệng chứ không có văn bản.
Khi được hỏi thái độ của những cán bộ trại giam đối xử ra sao, bà Minh Hà nói:
-Người tiếp tôi không phải là các cậu bình thường mà là cậu hình như quyền cục trưởng cùng với hai người phụ trách và nhân viên điều tra nữa. Cậu Dũng quyền Cục trưởng ấy có nói trường hợp này đặc biệt nên nhân tiện đi ngang qua có ghé và chia buốn với tôi luôn. Cậu ấy muốn tang lễ thế nào thì thông báo để anh em cùng đi viếng., Tôi bảo không cần phải đi đâu, cậu ấy bảo không, hai chuyện khác nhau chị ạ, một đằng thì đi viếng cụ một đằng là công việc. Cậu trưởng phòng thì cậu ấy nói rằng chưa có quy định nào cho về để chịu tang. Họ chỉ trả lời miệng qua lại ngắn như thế thôi chứ không có gì khác. Trước khi vào thì tôi đã được dặn chỉ nói hai nội dung như vậy thôi.
Cuối cùng bà Minh Hà cho biết bà hoàn toàn không có thông tin hay bất cứ yếu tố lạc quan nào trong tình trạng bản án của chồng bà, bà nói:
-Thât ra thì tôi không thể đoán được tình trạng sẽ như thế nào. Theo bản kết luận điều tra thì họ sẽ định đoạt câu chuyện này ta sao thì thật sự tôi không thể đoán được tôi chỉ biết cho đến sau 8 tháng tôi mới được gặp ảnh mà thôi và cũng chưa nói được gì cả vì chuyện lễ tang. Chỉ thấy ảnh nhắn là thuê cho ảnh nhiều luật sư.
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị bắt do là người chủ xướng và điều hành trang blog Ba Sàm với cáo buộc vi phạm điều 258 của bộ luật hình sự.
Blog Ba Sàm, tự gọi là Cơ quan ngôn luận của Thông tấn xã Vỉa hè được thành lập từ ngày 9-9-2007 là một trang web điểm tin nổi tiếng, có tiếng nói trái ngược với tuyên truyền của báo chí chính thống trong nước.
Ngày 5 tháng 5 năm 2014 Bộ Công an đã ra lệnh bắt giữ ông tại Hà Nội cùng với một cộng sự khác là cô Nguyễn Thị Minh Thúy, người được xem là trực tiếp quản lý trang blog Ba Sàm từ năm 2012.
-Sai phạm về tố tụng trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…" (Blog Hoàng Xuân Phú 5-12-14) ◄Ngày 5/5/2014 Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, chính thức mở đầu một vụ án mắc nhiều sai phạm về tố tụng. Mấy vi phạm thủ tục tố tụng đã được trình bày trong Kiến nghị đình chỉ vụ án, được bà Lê Thị Minh Hà (vợ ông Nguyễn Hữu Vinh) gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình vào ngày 21/11/2014. Sai phạm mới nhất bị vạch trần trong Đơn tố cáo của Luật sư Hà Huy Sơn gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 01/12/2014, về việc Đại tá Giám thị Trại tạm giam B14 Đoàn Văn Tình cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.
Đương nhiên, suốt một thời gian dài trước khi tiến hành khám xét và bắt người, công an đã ngầm theo dõi và điều tra hoạt động của ông Nguyễn Hữu Vinh (thường được bạn đọc biết đến dưới tên "anh Ba Sàm").
Ngày 30/10/2014, tức là gần 6 tháng sau khi bắt giam đối tượng, Cơ quan An ninh điều tra ra Bản kết luận điều tra vụ án"Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Thời gian điều tra dài như vậy đã quá đủ để hiểu rõ mọi "chân tơ kẽ tóc" của vụ án khá đơn giản, vì phần lớn chứng cứ được dùng để quy kết tội phạm đều được bị can công khai trên internet từ lâu. Ấy vậy mà Bản kết luận điều tra lại mắc phải những lỗi không thể chấp nhận, như được trình bày trong năm phần tiếp theo, dưới các tiêu đề "Buộc tội vu vơ", "Chứng cớ ngu ngơ", "Điều tra giả vờ", "Giám định lơ mơ" và "Hồ sơ mập mờ".
Buộc tội vu vơ
Về tội trạng của bị can, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra viết rằng Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT"
"24 bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Nội dung buộc tội trên được copy & paste đến năm lần: Một lần ở trang 3, hai lần ở trang 6, một lần tại trang 7 và một lần tại trang 8. Song điệp khúc ấy càng được ngân lên thì lại càng vang vọng… vu vơ.
"Nội dung sai sự thật, không có căn cứ" là những nội dung nào? Nhà cầm quyền vẫn thường dung túng vô số "nội dung sai sự thật, không có căn cứ" trên báo chí "chính thống", tức là báo chí của các cơ quan nhà nước, hay báo chí của các tổ chức được chính quyền thừa nhận và kiểm soát. Thay vì tự kiểm điểm, thì lại thản nhiên quy kết tội ấy cho "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn".
"Đường lối, chính sách của Đảng" nào bị "tuyên truyền xuyên tạc"? Hài hước nhất là cái tội "xuyên tạc… pháp luật của Nhà nước". Quả thực, có thể coi cách hành xử vi hiến, phi pháp của các cơ quan nhà nước là một hình thức "xuyên tạc… pháp luật của Nhà nước". Còn thường dân thì chỉ có thể hiểu đúng hay hiểu sai pháp luật, mà dù hiểu sai cũng không thể coi là phạm tội, chứ người dân có thể "xuyên tạc… pháp luật" bằng cách nào?
"Bôi nhọ các cá nhân" nào và "bôi nhọ" ra sao? Dù tự thân họ đã "nhọ", thì những người phản ánh sự "nhọ" vẫn bị coi là phạm tội "bôi nhọ" hay sao? Và khi họ đã "nhọ" hết mức, thì thiên hạ có thể "bôi nhọ" hơn nữa hay không?
"Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức" nào và ảnh hưởng ra sao? Khi chúng đã tự hủy hoại uy tín của mình một cách triệt để, thì có cần và có thể "làm ảnh hưởng" hơn nữa hay không?
"Đưa ra cái nhìn… một chiều" chính là truyền thống và nghiệp vụ sở trường của guồng máy tuyên truyền quốc doanh. Nhiều khi "cái nhìn lạc quan tếu một chiều" mà họ gieo rắc có thể gây ra tác hại còn lớn hơn "cái nhìn bi quan một chiều", bởi vì trạng thái lạc quan tếu dẫn đến chủ quan thường có hại hơn so với trạng thái bi quan khiến người ta thận trọng. Thế thì tại sao lại buộc tội "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn" về việc "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều"?
Chỉ những kẻ vô trách nhiệm hoặc vô tri vô giác mới không cảm thấy lo lắng trước hiện trạng của Đất nước. Không ai khác, mà nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng ấy, nên họ mới là nhân tố chủ chốt "gây hoang mang lo lắng" cho muôn dân. Sao lại đổ lỗi đó cho "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn"?
Ai đã "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"? Đó chính là thế lực cầm quyền đã đẩy Đất nước vào con đường bế tắc, lún sâu trong khủng hoảng, bị tham nhũng xâu xé và bị ngoại bang gặm nhấm. Rõ ràng như thế, thì sao lại quy tội "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân" cho "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn"?
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đã buộc tội hết sức vu vơ, như ca bài ca muôn thuở, thường được dùng để quy chụp các ý kiến góp ý, phản biện mà phía cầm quyền không ưa.
Chứng cứ ngu ngơ
Để chứng minh đống tội tày trời kể trên, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra liệt kê danh sách 12 bài đăng trên blog "DÂN QUYỀN" và 12 bài đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT". Song ngoài tiêu đề bài viết và ngày đăng bài thì chẳng còn thông tin nào khác. Không hề chỉ ra một chi tiết cụ thể nào là "sai sự thật, không có căn cứ", hay "tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước". Không hề có dẫn chứng cụ thể nào về việc "bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức", hay "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân…".
Tại sao lại kết tội chung chung như thế? Phải chăng, họ nghĩ như thế đã đủ chứng cứ luận tội cho những thẩm phán quen xử theo "bản án bỏ túi", và cũng đủ tư liệu cho dàn bút chiến chống "thế lực thù địch", đang đợi lệnh để đồng ca bài"xử đúng người đúng tội, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ"? Hơn nữa, dừng lại ở việc liệt kê tiêu đề của 24 bài viết là cách hiệu quả nhất để trao cho giới lười đọc ấn tượng bất lợi cho bị can. Vì những từ ngữ nặng nề nhất đã xuất hiện trên tiêu đề, còn nội dung bài viết thường nhẹ nhàng hơn, đôi khi ôn hòa và sát thực đến mức khó mà khép tội. Chẳng hạn như bài "Chính quyền Hà Nội phá thối đám giỗ của Dân tộc", đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 19/01/2014 (xem Phụ lục 1).
Đặc biệt, có những bài được liệt kê trong danh sách 24 chứng cứ tội phạm, nhưng lại chẳng chứa chi tiết nào có thể buộc tội. Chẳng hạn như bài “Nứt cầu Vĩnh Tuy nay hay Nhà máy điện hạt nhân tương lai – chuyện nhỏ như con thỏ với giải pháp… xịt keo”, đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 10/03/2014 (xem Phụ lục 2).
Để hiểu hơn về cách nhìn nhận tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra, ta chép ra đây toàn văn phần viết về "tội trạng"của Lê Thị Thanh Loan trong Bản kết luận điều tra:
"Tháng 8/2012, Nguyễn Hữu Vinh nhận Lê Thị Thanh Loan vào làm kế toán nội bộ của Công ty VPI. Năm 2013, Nguyễn Hữu Vinh đặt vấn đề và được Lê Thị Thanh Loan đồng ý giúp Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy thực hiện một số công đoạn trong việc điểm tin, đăng bài. Cụ thể là: Lê Thị Thanh Loan đã truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục,… Trong đó, chú trọng các tin tức thời sự trong và ngoài nước nổi bật như tình hình Thái Lan, Ukraina,… Sau đó, Lê Thị Thanh Loan copy các bài, tin trên gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Lê Thị Thanh Loan đã scan một số bài báo Thông tấn xã Việt Nam do Nguyễn Hữu Vinh lựa chọn, sửa lỗi chính tả, sau đó gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Để chuyển cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy các tài liệu nêu trên, Lê Thị Thanh Loan đã sử dụng hai hộp thư điện tử lethanloan.kt@gmail.com, quacachua1234@gmail.com gửi thư diện tử đến hộp thư điện tử xaoquacha@gmail.com của Nguyễn Hữu Vinh và hộp thư điện tử buinhulac70@gmail.com của Nguyễn Thị Minh Thúy."
Như vậy, toàn bộ "hành vi phạm tội" của Lê Thị Thanh Loan, mà Cơ quan An ninh điều tra xác định được, chỉ là "truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục…" và "scan một số bài báo Thông tấn xã Việt Nam do Nguyễn Hữu Vinh lựa chọn, sửa lỗi chính tả, sau đó gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy".
Cần khẳng định rằng: Không có bất kỳ văn bản pháp luật nào cho phép coi việc lấy bài, tin từ các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt… và scan một số bài báo của Thông tấn xã Việt Nam là phạm tội hình sự. Hơn nữa, các cộng sự của Nguyễn Hữu Vinh thu thập tin, bài từ các báo "chính thống" và Thông tấn xã Việt Nam là để phục vụ việc điểm tin và đăng bài trên blog "BA SÀM", hoàn toàn không liên quan đến hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" mà Bản kết luận điều tra đề cập.
Ví dụ, trong tháng 12/2013 (tức là khoảng 5 tháng trước khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt) blog "BA SÀM" đăng toàn văn 50 bài, được đánh số từ 2136 đến 2185. Trong số đó, chỉ riêng số bài của Thông tấn xã Việt Nam đã là 25, tức chiếm đúng 50% (xem Phụ lục 3).
Ví dụ khác, mục "Tin thứ Bảy, 05-04-2014" trên blog "BA SÀM" (tức điểm tin của ngày 05/04/2014 – đúng một tháng trước khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt), đã điểm 510 bài. Trong số đó, 375 bài (chiếm 73,73%) là của báo chí "chính thống".Chẳng hạn:
- 34 bài của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),
- 22 bài của báo Người lao động (NLĐ),
- 19 bài của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN),
- 19 bài của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLTP),
- 18 bài của báo Thanh niên (TN),
- 16 bài của báo Tuổi trẻ (TT),
- 15 bài của báo Tiền phong (TP),
- 14 bài của báo Kiến thức (KT),
- 13 bài của báo Một thế giới (MTG),
- 12 bài của báo An ninh Thủ đô (ANTĐ),
- 12 bài của báo Giáo dục Việt Nam (GDVN),
- 10 bài của Vietnamnet (VNN).
Để so sánh, trong số 135 bài "ngoài luồng chính thống" được điểm tin trên blog "BA SÀM" thì các nguồn tin hay bị coi là"thù địch" có số bài như sau:
- 21 bài của VOA,
- 17 bài của RFI,
- 15 bài của BBC,
- 8 bài của RFA.
Nghĩa là số bài của Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) được điểm tin trên blog "BA SÀM" vào ngày 05/04/2014 chỉ bằng 21/34 = 61,76% so với số bài của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Hai ví dụ trên cho thấy, đa số tin bài mà Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự điểm tin, đăng tải là của báo chí "chính thống". Cho nên, nếu buộc tội Nguyễn Hữu Vinh đăng bài
"có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc…; bôi nhọ…, làm ảnh hưởng đến uy tín…; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân…",
thì phải chăng đó chính là lời buộc tội dành cho báo chí "chính thống"?
Cần nhấn mạnh rằng: Phần lớn các bài được điểm tin trên blog "BA SÀM" không hề có lời bình luận nào kèm theo, nên việc điểm tin chỉ đem lại một tác dụng duy nhất là quảng bá chúng cho đông đảo bạn đọc. Thử hỏi, trên Thế giới này còn có nơi nào quảng bá cho báo chí "chính thống" của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều hơnblog "BA SÀM" do Nguyễn Hữu Vinh sáng lập hay không? Ông Vinh và cộng sự bền bỉ làm việc đó suốt mấy năm qua, mặc dù không được cấp đồng nào từ ngân sách, và cũng chẳng nhận được chút tiền công nào từ các báo được hưởng lợi. Thiết nghĩ, báo chí "lề phải" đang nợ Nguyễn Hữu Vinh "lề trái" một lời cảm ơn chân thành, và Ban Khoa giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông nên thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Chính phủ có biểu hiện ghi nhận tương xứng đối với những đóng góp to lớn của Nguyễn Hữu Vinh cho nền báo chí nước nhà. Song, lấy oán trả ơn, ông lại bị tống giam vào ngục.
Đương nhiên, một mình Nguyễn Hữu Vinh không thể hàng ngày thu thập và điểm tin cho bằng ấy bài báo, mà phải dựa vào sự cộng tác của những người khác. Trong số đó có Lê Thị Thanh Loan, người chỉ liên đới do "truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin" và "scan một số bài báo Thông tấn xã Việt Nam".
Trước sự việc rõ ràng như vậy, lẽ ra Cơ quan An ninh điều tra phải kết luận: Lê Thị Thanh Loan không phạm tội hình sự!Trái lại, Bản kết luận điều tra lập luận rằng:
"Đối với Trần Thị Bích Hường, Nguyễn Thị Lý và Lê Thị Thanh Loan đã có hành vi thực hiện một số công đoạn trong việc điểm tin, đăng bài, giúp cho Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy chỉnh sửa, đăng bài trên hai blog "DÂN QUYỀN", "CHÉP SỬ VIỆT". Tuy nhiên, ba người này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với họ.“
Trích đoạn trên thể hiện rõ hai điều. Thứ nhất, Cơ quan An ninh điều tra coi việc Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy điểm tin, đăng bài của báo chí "chính thống" là phạm tội hình sự. Thứ hai, Cơ quan An ninh điều tra coi việc Lê Thị Thanh Loan lấy bài, tin từ các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt… và scan một số bài báo của Thông tấn xã Việt Nam là công đoạn phạm tội hình sự. "Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự" đối với Lê Thị Thanh Loan chỉ vì cho rằng cô "không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy". Giả sử ngược lại, nếu cho rằng cô ấy có biết…, thì chắc hẳn Cơ quan An ninh điều tra sẽ "xem xét, xử lý hình sự" đối với cô.
Hai điều trên cho thấy cách tư duy và ý chí kết tội của Cơ quan An ninh điều tra phi lý và bất chấp pháp luật đến mức độ nào.
Nếu chấp nhận lối tư duy quy kết ấy, thì cũng có thể ra kết luận hoàn toàn tương tự như sau:
- Cụ Nguyễn Hữu Khiếu và cụ Hoàng Thị Ái Hoát cùng những người bán lương thực, thực phẩm đã có hành vi thực hiện một số công đoạn mang tính tiền đề trong việc điểm tin và đăng bài của Nguyễn Hữu Vinh, đó là đã sinh ra và góp phần nuôi sống Nguyễn Hữu Vinh… Tuy nhiên, những người này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với họ.
- Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã có hành vi thực hiện công đoạn thiết yếu trong việc điểm tin và đăng bài của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, đó là cung cấp thuê bao và duy trì kết nối internet… Tuy nhiên, hai công ty này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với chúng.
Thử hỏi, ai có thể chấp nhận kiểu lý luận kỳ cục như vậy?
Cơ quan An ninh điều tra đã đặt tên cho vụ án là "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Kể cả sau khi đã điều tra xong, họ vẫn tiếp tục duy trì tên gọi vụ án chứa từ "đồng bọn" trong Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014, và liệt kê cả Lê Thị Thanh Loan trong danh sách "đồng bọn". Có nghĩa là họ vẫn coi cô như kẻ phạm tội hình sự, với tình tiết giảm nhẹ là do "không biết động cơ, mục đích phạm tội…".
Một người rõ ràng là vô tội như Lê Thị Thanh Loan mà còn bị Cơ quan An ninh điều tra quy kết như vậy, thì Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tránh sao khỏi bị buộc tội phi lý, phi pháp.
Bản kết luận điều tra khẳng định: "Đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, với thủ đoạn phạm tội tinh vi". Để tô vẽ cho cáo buộc "có tổ chức, với thủ đoạn phạm tội tinh vi", tổ chức điều tra tóm cả người rõ ràng vô tội vào cuộc, và li kì hóa biện pháp kỹ thuật thông dụng (là "đặt chế độ bảo mật hai lớp" cho blog), cần thiết để bảo vệ blog trước nạn tin tặc hoành hành. Phải chăng, sẽ phù hợp hơn nếu thay chữ "phạm" trong khẳng định trên bằng chữ "buộc", để thu được kết luận vềhành vi thực hiện công tố như sau: "Đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, với thủ đoạn buộc tội tinh vi."
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đưa ra những chứng cứ buộc tội hết sức ngu ngơ, không chỉ quá phi lý đối với mọi tư duy lành mạnh, mà còn rất phi pháp theo thước đo pháp luật của chính chế độ này.
Điều tra giả vờ
Sau khi liệt kê 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để làm chứng cứ xác định tội phạm, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra lý luận rằng:
"Do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo, nên Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên."
Cách viết này vừa nhấn mạnh sự ngoan cố của hai bị can, vừa khơi gợi nghi ngờ rằng có thể bị can là tác giả của nhiều bài trong số đó.
Để hiểu rõ chân tướng sự việc, ta chỉ cần điểm qua 4 bài đầu tiên trong số 12 bài mà Bản kết luận điều tra coi là chứng cứ phạm tội trên blog "DÂN QUYỀN".
Bài 1: "Dân chủ không thể là cái bánh vẽ". Tác giả là Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bài viết được công bố trên blog của tác giả và đăng trên blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 24/11/2013.
Bài 2: "Tham nhũng, chống tham nhũng và thể chế". Tác giả là ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo. Bài viết được đăng trên blog "BAUXITE VIỆT NAM" và blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 17/01/2014.
Bài 3: "Chuyện kể năm 2000: Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản". Tác giả là Đại tá Phạm Đình Trọng. Bài viết được đăng trên blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 17/01/2014.
Bài 4: "Mấy suy nghĩ về tình hình nhiệm vụ hiện nay". Tác giả là ông Lê Hồng Hà, nguyên Đại tá Chánh văn phòng Bộ Công an. Bài viết được đăng trên blog "BA SÀM" ngày 28/03/2014 và đăng trên blog "BAUXITE VIỆT NAM" ngày 30/03/2014.
Quả thực, chỉ cần biết sử dụng internet sơ sơ thì đứa trẻ con cũng có thể dùng Google để nhanh chóng tìm ra thông tin về tác giả, nguồn gốc của 4 bài viết kể trên và của 8 bài còn lại (bị coi là chứng cứ tội phạm trên blog "DÂN QUYỀN"). Và tên tuổi của các tác giả chẳng hề xa lạ với Cơ quan An ninh điều tra. Chẳng hạn, các ông Lê Hồng Hà, Hạ Đình Nguyên, Đại tá Bùi Văn Bồng và Đại tá Phạm Đình Trọng đều đã từng ở vị trí cao trong bộ máy cầm quyền. Vậy thì tại sao Bản kết luận điều tra lại viết rằng "Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viếttrên"? Chỉ có hai khả năng như sau.
Thứ nhất, nghiệp vụ của Cơ quan điều tra kém cỏi đến mức họ không biết tìm kiếm thông tin trên internet. Nếu ú ớ như vậy thì tại sao lại liều lĩnh đảm nhận nhiệm vụ điều tra tội phạm trên mạng internet, để rồi buộc tội vu vơ?
Thứ hai, Cơ quan điều tra không có ý định tìm kiếm thông tin liên quan, hoặc đã có được thông tin cần thiết nhưng vẫn tỏ ra không hề biết, nghĩa là họ chỉ giả vờ tiến hành điều tra. Nếu vậy thì những bị can oan uổng thoát sao nổi bản án phi lý mà thế lực nắm quyền sinh quyền sát đã định sẵn?
Đối với vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…", khả năng thứ hai có vẻ hiện thực hơn. Bởi vì, cho dù không có khả năng hay lười tìm kiếm thông tin trên internet, thì Cơ quan điều tra cũng không thể không biết thông tin về nguồn gốc, tác giả của tất cả 24 bài cần xem xét, vì nhiều thông tin cần thiết đã hiển thị rõ ràng ngay trên blog bị điều tra. Cho nên, khẳng định "Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên" phải chăng làdối trá, nhằm cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.
Đừng đổ thừa là "do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo" nên Cơ quan điều tra đành bó tay. Bởi vì Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ:
"Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội."
Nếu Cơ quan điều tra cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can thì phạm vào "Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án" theo Điều 300 Bộ luật hình sự. Vì hành vi này vừa "có tổ chức", vừa "gây hậu quả nghiêm trọng", nên Bộ luật hình sự quy định phải "bị phạt tù từ ba năm đến mười năm".
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đã bộc lộ dấu hiệu không trung thực, khiến nẩy sinh câu hỏi: Họ đã điều tra giả vờ, haykết luận dối trá?
Giám định lơ mơ
"Ngày 07/8/2014, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an ra Quyết định trưng cầu giám định số 60/ANĐT-P3, trưng cầu Bộ Thông tin và Truyền thông giám định nội dung 24 bài viết trên. Ngày 19/9/2014, tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông đã Kết luận giám định, xác định: 24 bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
So sánh nội dung đánh giá về 24 bài viết, ta sẽ thấy kết luận giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông và kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an (đã được trích nguyên văn trong phần Buộc tội vu vơ) giống nhau từng từ, từng chữ, trùng khít cả chín dấu phẩy, ba dấu chấm phẩy và một dấu chấm. Qua đó lộ ra vở kịch vụng về mang tên "trưng cầu giám định".
Tại sao "tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông" lại chép thuộc lòng kịch bản buộc tội như vậy? Phải chăng vì họ không được phép diễn khác và cũng chẳng có khả năng diễn khác?
Trong số các nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông, được quy định tại Nghị định số 132/2013/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 16/10/2013), hoàn toàn không có chức năng đánh giá, giám định về nội dung của các tin, bài, xem chúng đúng hay sai, có căn cứ hay không, có xuyên tạc, bôi nhọ và ảnh hưởng đến uy tín của ai đó hay không. Vậy thì tại sao Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an lại trưng cầu giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông, và tại sao bộ này lại nhận lời?
Kể cả trường hợp được Chính phủ chính thức giao thêm nhiệm vụ giám định về nội dung của các tin, bài, thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không thể đảm đương được. Đơn giản vì các tin, bài thường liên quan đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ; đề cập đến những sự kiện xảy ra ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, diễn ra trong quá khứ, hay hiện tại, hay dự đoán về tương lai. Cho dù mở rộng biên chế gấp mấy mươi lần, thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không có đủ chuyên gia về mọi lĩnh vực để mà đánh giá, giám định mọi thứ trên đời.
Bài “Nứt cầu Vĩnh Tuy nay hay Nhà máy điện hạt nhân tương lai – chuyện nhỏ như con thỏ với giải pháp… xịt keo” đề cập tới việc xử lý vết nứt trên cầu, đường hầm, đập thủy điện, rồi liên hệ với vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Tại sao Cơ quan An ninh điều tra không mời chuyên gia của các bộ ngành liên quan đến các vấn đề đó tiến hành giám định, mà lại trưng cầu Bộ Thông tin và Truyền thông? Và Bộ Thông tin và Truyền thông có chuyên gia về cầu, đường, đập thủy điện và điện hạt nhân hay không mà cũng đứng ra giám định đúng – sai?
Trong số các bài đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", không có bài nào với tiêu đề "Phạm Văn Đồng – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đăng vào ngày 01/03/2014. Không có, mà Cơ quan An ninh điều tra lại liệt kê nó tại vị trí thứ 8 trong danh sách 12 bài được coi là chứng cứ tội phạm trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", rồi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng giám định nó với cáo buộc nặng nề. Như vậy là cùng phạm "Tội vu khống", được quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự, với hai tình tiết tăng nặng là "Có tổ chức" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn".
Nếu Cơ quan An ninh điều tra tùy tiện sử dụng tên bài "Phạm Văn Đồng – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Đào Minh Tuấn, đăng ngày 01/03/2014 trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để chỉ bài một bài khácđăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", thì phạm tội "Giả mạo trong công tác" (Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu), được quy định tại Điều 284 Bộ luật hình sự, với hai tình tiết tăng nặng là "Có tổ chức" và "Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu".
Blog "CHÉP SỬ VIỆT" đã bị khóa, nhưng vẫn có thể tìm thấy bài vừa được đề cập trên internet. Nó bàn về một sự kiện lịch sử hệ trọng, liên quan đến chủ quyền thiêng liêng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của chế độ. Chưa thấy ai trong bộ máy cầm quyền đứng ra phủ nhận. Vậy thì Bộ Thông tin và Truyền thông lấy đâu ra chuyên gia nghiên cứu lịch sử, hay nhân chứng lịch sử để giám định và phủ nhận bài viết ấy?
Xác định tính đúng sai của những sự việc đang diễn ra đã là rất khó, vì nhiều vụ việc bị các bên liên quan che dấu, bóp méo. Xác định tính đúng sai của những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ còn khó hơn nhiều, vì thiếu tư liệu trung thực và vì nhân chứng lịch sử đã chết. Còn phủ định một cách tuyệt đối những nhận định về tương lai, thì đó là kết luận vô căn cứ và nhiều khi sẽ bị chính lịch sử phủ định lại.
Cách nay ba mươi năm, nếu công dân nào dám công khai viết rằng "Liên Xô cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ sụp đổ", thì chắc chắn sẽ bị bộ máy cầm quyền và hàng triệu người hâm mộ khẳng định là sai, không có căn cứ, là xuyên tạc, bôi nhọ và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ĐCSVN, của Liên Xô, của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và người đó khó thoát khỏi bị trừng phạt. Thế nhưng, cái nhận định "phản động" từng bị nguyền rủa ấy lại trở thành hiện thực từ lâu.
Nói chung, trong 24 bài viết bị Cơ quan An ninh điều tra liệt kê trong danh sách chứng cứ, có những tình tiết lịch sử, nhận xét về quá khứ mù mịt, hiện thực mờ ảo, dự đoán về tương lai xa xôi, và đề cập đến nhiều quan điểm mà hàng tỷ người trên Thế giới thấy rõ ràng là đúng, chỉ còn một số người trong giới cầm quyền Việt Nam vẫn quả quyết là sai. Đương nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có đủ năng lực và hiểu biết cần thiết để kết luận tất cả những điều đó là đúng hay sai, có căn cứ hay không, và vì vậy cũng không thể buộc tội là "xuyên tạc" hay "bôi nhọ".
Kể cả trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông có đủ năng lực và hiểu biết cần thiết để giám định một số vấn đề cụ thể nào đó, thì cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian. 44 ngày (kể từ khi "Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an ra Quyết định trưng cầu giám định số 60/ANĐT-P3" vào ngày 07/8/2014, đến khi "tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông đã Kết luận giám định" vào ngày 19/9/2014) hiển nhiên là quá ngắn.
Hồ Xuân Mãn từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa IX và khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, và "cùng với 2 bí thư đảng bộ tỉnh của hai tỉnh khác trong nước được Trung ương Đảng khen về tấm gương “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”". Tuy nhiên, hành vi man trá của Hồ Xuân Mãn đã bị tố cáo từ lâu. Ví dụ, ngày 05/02/2013"các ông Lê Văn Uyên, Hoàng Văn Phận, Hoàng Phước Sum, Hoàng Tiến Dũng đã có đơn gửi Bí thư và Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tố giác việc ông Mãn khai man thành tích" để được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngày 07/03/2013, "Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã làm việc với những người tố giác". Vậy mà, đến tậnngày 20/11/2013 Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới kết luận: "Đồng chí Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có khuyết điểm, vi phạm phải được xem xét, xử lý theo quy định." Như vậy, bộ máy kiểm tra của ĐCSVN phải mất hơn 9 tháng để điều tra và kết luận về một sự việc khá đơn giản, có đầy đủ nhân chứng đáng tin. Và đến tận bây giờ vẫn chưa "làm rõ nguyên Bí thư Hồ Xuân Mãn có phải là đảng viên hay không".
Trần Văn Truyền từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa IX và X; Đại biểu Quốc hội khóa X và XII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá IX; Tổng Thanh tra Chính phủ 2006 – 2011. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng của Trần Văn Truyền đã bị dư luận vạch trần từ lâu. Ví dụ, ngày 21/02/2014 báo Người cao tuổi đăng bài "Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?". Vậy mà, đến tận ngày 21/11/2014 Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới ra thông cáo báo chí về "kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền". Tức là bộ máy kiểm tra của ĐCSVN phải mất ít nhất 9 tháng để điều tra và kết luận về đống nhà đất lù lù của nhân vật từng nhiều năm đứng đầu bộ máy chống tham nhũng của chế độ. Và cho đến nay, mới ra quyết định thu hồi một phần nhỏ trong số tài sản bất minh, chưa truy cứu vụ "trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3 đến tháng 8/2011, ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ và tương đương".
Đơn giản và rõ ràng như vụ Hồ Xuân Mãn và vụ Trần Văn Truyền, với đầy đủ nhân chứng đáng tin và vật chứng cụ thể, chẳng phải mất nhiều công tìm kiếm, mà mỗi vụ việc kể trên bộ máy kiểm tra của ĐCSVN đều phải mất đến 9 tháng để điều tra và ra kết luận. Vậy mà tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông lại chỉ cần 44 ngày để giám định 24 bài viết về nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và nằm ngoài khuôn khổ nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng điều đó đã nói lên động cơ và thái độ giám định.
So sánh nội dung của 24 bài bị giám định với kết luận giám định, có thể thấy:
- Hoặc là tập thể Giám định viên đã không đọc hết, hay không đọc kỹ tất cả 24 bài, tức là chưa hiểu đúng đối tượng, nên đã đưa ra kết luận giám định sai.
- Hoặc là họ đã đọc hết, đọc kỹ và hiểu đúng đổi tượng, nhưng vẫn cố tình đưa ra kết luận giám định sai, ít nhất là đối với một số bài trong số 24 bài mà họ giám định.
Trong trường hợp thứ nhất, họ phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", được quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự (bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm).
Trong trường hợp thứ hai, họ phạm "Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật", được quy định tại Điều 307 Bộ luật hình sự như sau:
"1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng."
Nghĩa là, do cố tình kết luận giám định sai sự thật, lại thuộc cả hai trường hợp tăng nặng là "Có tổ chức" và "Gây hậu quả nghiêm trọng", có thể "bị phạt tù từ một năm đến ba năm".
"Kèm theo Bản kết luận điều tra có: Bản thống kê thời hạn điều tra, thời hạn tạm giữ, tạm giam các bị can; Bản thống kê vật chứng; Danh sách nhân chứng và các Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ./."
Nghĩa là: Bản kết luận giám định không được kèm theo Bản kết luận điều tra. Vì sao? Phải chăng, vì họ chỉ diễn vở giám định cho đủ thủ tục, chứ không thực sự quan tâm đến cái thứ kết quả giám định hình thức? Hay vì tự họ cũng thấy Bản kết luận giám định ấy không ổn, nên không thể trưng ra?
Tóm lại, "màn kịch giám định" đã được đạo diễn và thể hiện rất lơ mơ. Có lẽ dàn diễn viên được chọn không có đủ kiến thức chuyên môn, tư cách pháp lý để đóng vai giám định tất cả 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" (được Cơ quan An ninh điều tra coi là chứng cứ xác định tội phạm). Phải chăng vì vậy, họ chỉ học thuộc lòng và chóng vánh chép lại nguyên văn nội dung kết tội của phía đặt hàng để làm Kết luận giám định?
Hồ sơ mập mờ
"QUYẾT ĐỊNH
1. Chuyển Bản kết luận điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ án gồm tập, tổng cộng tờ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy…"
(xem Phụ lục 4). Có gì đặc biệt ở đây? Vâng, họ viết "toàn bộ hồ sơ vụ án gồm tập, tổng cộng tờ", tức là bỏ ngỏ số tập và số tờ của hồ sơ vụ án.
Bản kết luận điều tra do Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Đại tá Lý Anh Dũng ký tên, được đóng dấu đỏ của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bị can và các người bào chữa, nhưng lại bỏ ngỏ nội dung quan trọng là số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Tại sao lại như vậy?
Có thể xảy ra một trong ba trường hợp sau đây.
1. Đại tá Lý Anh Dũng chẳng hề đọc Bản kết luận điều tra trước khi ký tên, nên không phát hiện ra là còn thiếu thông tin về số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Nói nôm na là không biết chính xác là mình đang ký cái gì.
2. Đại tá Lý Anh Dũng đã đọc Bản kết luận điều tra và phát hiện ra còn thiếu thông tin về số tập và số tờ của hồ sơ vụ án, nhưng vì ông và những người chuẩn bị Bản kết luận điều tra không tiếp xúc với toàn bộ hồ sơ vụ án, nên không thể điền hai số liệu cần thiết. Khi không tiếp xúc với toàn bộ hồ sơ vụ án, thì không thể biết Bản kết luận điều tra có phù hợp với hồ sơ của vụ án hay không. Đại thể là cũng chỉ viết và ký bừa mà thôi.
3. Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự đã cố tình viết ra và ký tên vào Bản kết luận điều tra còn bỏ ngỏ số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Điều đó tạo điều kiện cho việc làm sai lệch hồ sơ vụ án sau này.
Trong hai trường hợp đầu, Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự có thể phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp thứ ba, nếu chỉ vô tình tạo điều kiện… thì Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự có thể phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Còn nếu cố tình tạo điều kiện cho việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, thì họ có thể phạm"Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án", được quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự như sau:
"1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng."
Sai phạm rõ ràng như vậy, nhưng chắc Đại tá Lý Anh Dũng cùng cộng sự sẽ được dung túng. Trớ trêu ở chỗ, người có tội rõ ràng thì được bỏ qua, lại còn được thay mặt bộ máy cầm quyền kết tội những người khác. Cán cân công lý cong veo như thế, thì tránh sao được kết án oan sai?
Tóm lại, không thể chấp nhận kiểu hồ sơ mập mờ như vậy. Tình tiết ấy góp phần thể hiện mức độ chính xác của Bản kết luận điều tra và thái độ của Cơ quan An ninh điều tra đối với vụ án.
Cách nhìn lương thiện
Để Đất nước vượt qua khủng hoảng toàn diện, thoát khỏi sa lầy trong tham nhũng và phát triển nhanh theo hướng tiến bộ, thì cần phải nâng cao dân trí và thực hành dân chủ. Vì mục tiêu ấy, những người cầm bút phải vượt qua chính mình, tự giải thoát mình ra khỏi nỗi sợ mãn tính, thể hiện một phần qua thói quen "tự kiểm duyệt". Theo cách nói của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, thì những người cầm bút cần phải "tự cởi trói".
Để thực thi "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin", được tái hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013, Nguyễn Hữu Vinh đã lập ra blog "BA SÀM", gọi nó là "Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ", tức là nơi đại chúng thể hiện tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin đa chiều. Phương châm "Phá vòng nô lệ" treo trên blog "BA SÀM" không chỉ kêu gọi những người cầm bút "tự cởi trói", mà còn nhắc nhở mọi người nên tự giải phóng mình ra khỏi"vòng nô lệ" về tư duy, do thiếu hiểu biết và chỉ tiếp xúc với thông tin đơn điệu một chiều.
Phần việc chính của blog "BA SÀM" là điểm tin hàng ngày, cụ thể là chỉ đơn thuần giới thiệu tiêu đề và địa chỉ truy cập của các bài báo, bài viết được đăng trên các trang mạng của báo, đài, cơ quan thông tấn và các trang thông tin cá nhân. Đôi khi, có kèm theo vài câu trích dẫn, hay bình luận ngắn, tất nhiên không nhất thiết là của Nguyễn Hữu Vinh. Ngoài ra, blog "BA SÀM" còn đăng toàn văn một số bài được sưu tầm trên internet hay do các tác giả gửi đến. Các bài được điểm tin hoặc được đăng thể hiện những quan điểm khác nhau, có thể khác hẳn với quan điểm của những người điều hành blog.
Nhiều năm qua, blog "BA SÀM" đã thực sự trở thành môi trường để bao người tiếp xúc với thông tin đa chiều, mở rộng tầm kiến thức và hiểu thêm về quan điểm của đối phương. Như vậy, vừa góp phần nâng cao dân trí, vừa tăng cường hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hòa giải và hòa hợp Dân tộc. Không chỉ người dân, mà nhiều vị đang làm việc trong bộ máy nhà nước cũng hàng ngày vào blog "BA SÀM" để nắm bắt thông tin, của cả "phía ta" và"phía địch", nhằm phục vụ cho công việc của họ. Tức là blog "BA SÀM" không chỉ có lợi cho người dân, mà có ích cho cả bộ máy nhà nước. Có lẽ vì thế mà chính quyền chấp nhận cho nó tồn tại công khai suốt nhiều năm qua và cả bây giờ, khi Nguyễn Hữu Vinh đang bị giam giữ.
Nếu Nguyễn Hữu Vinh có đóng góp nào đó cho hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" mới ra đời, thì cũng phù hợp với mục tiêu mở rộng môi trường cho đại chúng tiếp xúc với thông tin đa chiều, bù lại khiếm khuyết do kiểu tuyên truyền một chiều tạo ra. Ba blog có nội dung và hình thức khác nhau, nhưng đều thể hiện các quyền hiến định, đó là "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin".
Cương vị của người quản lý trang mạng có những nét giống như người quản lý chợ. Nếu chỉ chấp nhận cho mua bán những mặt hàng mà bản thân chủ chợ thích ăn, thích dùng, thì chợ sẽ vắng hoe. Để chợ đông người, chủ chợ phải chấp nhận cả những mặt hàng mà mình không cần hay không thích, thậm chí còn phải tác động cho thật nhiều loại hàng hóa khác nhau cùng xuất hiện trong chợ. Tương tự như vậy, nếu muốn có đông bạn đọc thì trang mạng phải phong phú, đa dạng, sôi nổi. Và người điều hành trang mạng phải tỏ ra khách quan, chấp nhận đăng cả những bài viết và ý kiến bình luận trái chiều, có thể ngược hẳn với quan điểm của bản thân. Nếu thấy mảng tin, bài nào còn thiếu thì phải tìm cách bổ sung. Nếu thấy không khí hơi tẻ nhạt thì chủ động kích thích tranh luận, thậm chí tự tay viết ra những bài hay ý kiến bình luận ngược hẳn với quan điểm thật của mình. "Thủ thuật nghiệp vụ" này không xa lạ với các chủ blog. Nó càng hữu dụng đối với các trang mạng đóng vai trò môi trường thông tin đa chiều và tranh luận dân chủ.
Đừng quên, dựng thêm vai đối kháng là thủ thuật rất kinh điển. Nếu các nhà soạn kịch không sáng tác thêm vai phản diện, thì vai chính diện cũng khó lòng thể hiện. Áp dụng thủ thuật tạo dựng yếu tố đối kháng triệt để nhất, đến mức quá lạm dụng, chính là bộ máy tuyên truyền của chế độ này, khi họ xây dựng, tô vẽ và khuếch đại hình tượng "thế lực thù địch" để biện minh cho việc duy trì chế độ độc đảng.
Việc chấp nhận đăng những bài viết và ý kiến bình luận có vẻ "của địch" trong "nghề nuôi trang mạng" cũng cần thiết như việc quan hệ với địch trong nghề tình báo. Do đó, không thể đồng nhất nội dung của một số bài viết và ý kiến bình luận được đăng với quan điểm và động cơ của người điều hành blog. Càng không thể dùng một số bài viết hay ý kiến bình luận được đăng để kết tội người điều hành blog. Nếu làm ngược lại, thì giống như bắt giam chủ chợ chỉ vì có bà bán bún thiu, hoặc giống như coi phát ngôn của các nhân vật phản diện trùng với quan điểm đích thực của tác giả kịch bản, rồi dùng "tội ác" mà nhân vật phản diện thể hiện trên sân khấu để kết tội đạo diễn.
Trên thực tế, báo chí "chính thống" thường đăng nhiều tin, bài chứa nội dung sai sự thật, mang tính vu khống, bôi nhọ, nhất là đối với những người mà bộ máy cầm quyền không ưa. Nhưng chưa thấy tổng biên tập hay biên tập viên nào bị truy tố hình sự, mặc dù họ được đào tạo chính quy, hành nghề chuyên nghiệp và được hưởng lương để chịu trách nhiệm về các bài được đăng. Vậy thì cũng không thể dùng lý do tương tự để truy tố hình sự đối với những người tham gia điều hành blog, khi họ chỉ bột phát, nghiệp dư và không được hưởng lương từ ngân sách.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu nội dung của 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT", bị Cơ quan An ninh điều tra liệt kê trong danh sách chứng cứ phạm tội, có chứa nội dung sai trái hay không? E rằng không ai có đủ tư cách để đánh giá một cách tuyệt đối về tất cả các vấn đề liên quan. Sáu mươi năm trước, một số văn sĩ nổi tiếng đã từng ngộ nhận mà câu kết với một số thế lực cầm quyền kết tội nhóm Nhân văn – Giai phẩm, để lại vết nhơ không thể gột rửa cho họ và cho cả chế độ. Giờ đây, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông không nên tái diễn sai lầm, lạm dụng quyền lực để phán quyết sự đúng – sai của những vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết và chức trách, ví dụ như những quan điểm về chính trị, xã hội, lịch sử…
Hiển nhiên, nếu chỉ nói lên sự thật thì không thể coi là vu khống, xuyên tạc hay bôi nhọ. Trong trường hợp nghi ngờ có vu khống, bôi nhọ, thì tất nhiên có thể điều tra và truy tố, nhưng thông thường phải đợi phía bị hại phát đơn kiện. Ở các nước văn minh, nhiều khi Tổng thống, Thủ tướng bị xúc phạm, hay bị cáo buộc oan trái, song họ vẫn lờ đi, vì không muốn bị dư luận đánh giá là hẹp hòi, cố chấp. Nếu bản thân họ muốn lờ đi cho sự việc chóng trôi qua, thì phía công an không thể tùy tiện xới lên, làm cho câu chuyện thêm phức tạp. Một khi đương sự không kiện cáo, không công khai đứng ra làm chứng trước cơ quan điều tra và tòa án, thì công an không thể nghiễm nhiên coi người phê phán đã vu khống, vì biết đâu nội dung phê phán lại đúng sự thật. Trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…", chưa thấy cá nhân và tổ chức nào đứng ra kiện cáo là mình bị vu khống, bôi nhọ, nên phía công an không thể mặc nhiên tỏ ra oan ức thay cho những đối tượng vu vơ.
Giả sử, Cơ quan An ninh điều tra chứng minh được một cách tuyệt đối chính xác, rằng một số bài đã đăng có nội dung sai trái đến mức phạm tội hình sự, thì về phía điều hành và đăng bài lên blog, ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hình sự? Tên của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không hề xuất hiện trong danh sách Nhóm cố vấn và Nhóm trị sự được công khai danh tính trên blog "DÂN QUYỀN". Cho nên, về lý mà nói, khi Cơ quan An ninh điều tra thừa nhận nhóm điều hành công khai danh tính không phạm tội hình sự nên không truy tố, thì khó có thể bắt giam và kết tội hai người cộng tác "vô danh". Hơn nữa, không thể coi trách nhiệm hình sự của người đăng bài còn cao hơn trách nhiệm của tác giả. Vì thế, khi các tác giả không bị truy tố, thì cũng không thể truy tố những người liên quan đến chuyện đưa bài lên blog.
Xét về tổng thể, không được tách riêng 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để kết tội những người tham gia điều hành, duy trì blog. Bản kết luận điều tra viết: "Từ khi được lập đến khi Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, blog "DÂN QUYỀN" đã đăng 2.014 bài viết…; blog "CHÉP SỬ VIỆT" đã đăng 383 bài viết…". Tức là, cho đến thời điểm ấy, hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" đã đăng tổng cộng 2.397 bài. Giả sử 24 bài quả thật "có vấn đề", thì chúng cũng chỉ chiếm 1,00%. Do đó, không thể dùng chúng để phủ định toàn bộ hai blog. Hơn nữa, tất cả 2.397 bài của hai blog ấy gộp lại cũng chỉ là con số rất nhỏ so với khối lượng khổng lồ các bài đã được điểm tin hay đăng toàn văn trên blog "BA SÀM". Vì vậy, không thể tách riêng 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để phủ định và kết tội Nguyễn Hữu Vinh.
Đối với Nguyễn Hữu Vinh, tình huống bất lợi xảy ra nếu Cơ quan An ninh điều tra chứng minh được chính ông đã viết ra bài nào đó, thể hiện đúng quan điểm của bản thân, lại có nội dung sai sự thật, khiến phía bị hại khởi kiện về tội vu khống, bôi nhọ… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc dùng một vài bài viết phạm sai lầm (nếu có) để đánh giá con người và phủ định các đóng góp tích cực của Nguyễn Hữu Vinh cũng tương tự như việc dùng mỗi một bài "Địa chủ ác ghê" để đánh giá về đạo đức và sự nghiệp của tác giả C. B.
Tóm lại, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an chứa đựng nhiều điều sai trái, quá bất hợp lý. Những chứng cứ và lập luận được trình bày trong đó không thể buộc tội Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Ngược lại, Cơ quan An ninh điều tra càng phi lý và lúng túng trong việc buộc tội, thì càng chứng tỏ Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không phạm tội. Phải chăng một số cán bộ điều tra cũng nhận thức như vậy, nhưng vì chịu sức ép từ trên là phải buộc tội bằng được, nên mới bất đắc dĩ dựng lên một hồ sơ vụ án bất hợp lý và đầy sai sót đến như vậy?
Chưa cần xét đến sự phi lý, vi hiến của Điều 258 Bộ luật hình sự, thì đã có thể khẳng định rằng: Quyết định bắt giam và khởi tố Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vớì lý do phạm tội theo Điều 258 Bộ luật hình sự là sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng. Sai thì sửa càng sớm càng tốt. Tránh đã sai lại càng sai thêm. Vì vậy, Bộ Công an cần quyết định thả ngay Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, đồng thời kết thúc vụ án.
Ngược lại, nếu cố tình tìm mọi cách để kết án tù Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, thì có thể phạm những tội tương tự như họ đang cố gán cho hai người ấy, đó là dùng "nội dung sai sự thật, không có căn cứ" để kết tội phi lý và"bôi nhọ các cá nhân", "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
* * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Phụ lục 1
Bài "Chính quyền Hà Nội phá thối đám giỗ của Dân tộc" (đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 19/01/2014)
Nói vậy để những kẻ sinh sự dễ hình dung! Thử tưởng tượng trong gia đình, dòng họ của họ có giỗ chạc, lại có đám lâu la tới làm reo, chửi tục, chắc họ không thể tha thứ. Đằng này là một đám Giỗ của cả Dân tộc Việt Nam, tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, tưởng niệm cả một phần đất bị ngoại bang – kẻ thù truyền kiếp trắng trợn xâm chiếm. Nên những kẻ phá đám giỗ này, độ thô bỉ và bất lương là tột cùng.
Tuy nhiên, trong cái nhìn thực tế, thì họ khó có chọn lựa nào hơn. Giới chóp bu sợ “bạn vàng” mà ra lệnh trấn áp buổi tưởng niệm. Giới hữu trách đứng đầu thành phố sợ trung ương nên ra lệnh tiếp. Có điều, những người thừa hành chưa hẳn là muốn, là không thấy xấu hổ, thậm chí đồng cảm với người dân yêu nước. Có thể họ đã chọn một cách hành xử vừa khỏi bị cấp trên khiển trách, vừa bớt bị dân lên án. Họ chỉ còn cách là kiếm chuyện phá quấy, tránh đàn áp, bắt bớ?
Nhìn những hình ảnh dưới đây cũng có thể thấy không có mấy thái độ hung hăng, hằn học như đối với nhiều cuộc biểu tình, tưởng niệm trước. Tất nhiên, để lý giải cho hiện tượng này còn phải xét đến nhiều lý do, trong đó có cả sự bình tĩnh, khéo léo của người dân yêu nước, và sự có mặt của một số bậc cao niên, trí thức có tên tuổi cũng làm những kẻ thừa hành “công vụ” phải e nể.
Và cuối cùng, không thể không bàn tới thái độ của “các bên” trong giới chóp bu. Giờ là lúc họ đang cần tranh thủ lòng dân cho cuộc chiến “chống tham nhũng”, kẻ tấn công, kẻ chống đỡ. Người dân bao năm không còn mấy tin tưởng thứ tuồng tích đó nữa, giờ cần lấy cảm tình trong câu chuyện chủ quyền. Ngoài ra, những động thái của Trung Quốc vừa qua cũng đã đặt giới lãnh đạo CSVN dần vào thế đường cùng khi không thể mãi che đậy sự khiếp nhược, thúc thủ hoàn toàn. Họ bất lực không có câu trả lời với ngư dân trước lệnh cấm, bắt xin phép đánh cá của Trung Quốc từ 1/1/2014 là một minh chứng.
Người dân và các phe phái trong chính quyền cùng “hẹn nhau” 1 tháng nữa – Kỷ niệm 35 năm ngày khởi sự đánh đuổi giặc Tàu xâm lược trên 6 tỉnh Biên giới phía Bắc 1979.
Phụ lục 2
Bài “Nứt cầu Vĩnh Tuy nay hay Nhà máy điện hạt nhân tương lai – chuyện nhỏ như con thỏ với giải pháp… xịt keo” (đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 10/03/2014)
Xin đừng nhầm với kiểu “xịt keo” cho tóc cứng dựng đứng như Đàm Vĩnh Hưng! Ở đây đang nói đến thứ keo dán, như keo Con voi đang dùng ngoài thị trường. Chỉ có Việt Nam, với cách đánh du kích đã thắng bao nhiêu đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, mới có được tuyệt chiêu có một không hai trên thế giới như vậy. Giờ thì thứ vũ khí và cách đánh cũng rất “du kích” có tên là “xịt keo” sẽ thắng kẻ thù nguy hiểm bậc nhất của đảng, nó có tên là… CÔNG LUẬN.
Cách đánh này thần diệu nữa ở điểm, giả sử như chưa thắng lợi hoàn toàn, thì cũng là cố cầm cự cho nó qua ngày đoạn tháng, để các quan nhà ta hạ cánh rút quân an toàn, nhường cho thế hệ sau hậu sinh khả úy, sẽ có cách đánh tốt hơn. Biết đâu trong tương lai, từ kinh nghiệm tuyệt vời đó, đảng nhà nước sẽ tiến tới áp dụng xịt keo để hàn gắn cả những rạn nứt… nội bộ, và… chế độ, để tránh khỏi sụp đổ?
Xin điểm qua những vụ “nứt” công trình lớn nhỏ trong nhiều năm qua để yên tâm với giải pháp này.
- Hầm đường bộ Kim Liên: Hầm Kim Liên lại thấm nước (Lao động, 4/12/2012). “Sau đó, chủ đầu tư và nhà thầu Taisei (Nhật Bản) khắc phục bằng cách bơm keo vào khe co giãn và đặt ống thoát nước vào khe co giãn dưới lòng đường theo hướng Kim Liên sang Đại Cồ Việt.”
- Hầm Hải Vân: Nứt vòm hầm đường bộ Hải Vân là hiện tượng đáng lo ngại? (Lao động, 2/11/2012). “Ban QLDA 85 và các nhà thầu đã cho sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt.“
- Đập Hồ Tả Trạch: Khắc phục hoàn tất các vết nứt tại đập tràn hồ Tả Trạch (Phụ nữ, 23/7/2013). “Đơn vị này đã xử lý vết nứt bằngkeo và phun vữa kết dính theo giải pháp triệt để của Viện Khoa học Thủy lợi để tránh ảnh hưởng đến lớp thép âm ở bề mặt.”
- Đập thủy điện Sông Tranh 2: Đập Sông Tranh 2: Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm (Tuổi trẻ, 18/4/2012).
- Đập Thủy điện Sơn La: Đập thủy điện Sơn La phát sinh vết nứt? (Tuổi trẻ, 21/4/2012). “Sau khi được xử lý bơm keo PU phía hạ lưu, dòng thấm tập trung chảy vào trong hành lang thân đập ở cao trình 138m, 180m.”
…
- Và… trong tương lai, khi có Nhà máy điện hạt nhân, giả định nếu có xảy ra sự cố nứt vách ngăn… bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân chẳng hạn, ta cứ dùng giải pháp xịt keo này là tuyệt cú mèo.
Phụ lục 3
Danh sách 25 bài của Thông tấn xã Việt Nam được đăng lại trên blog "BA SÀM" trong tháng 12/2013
Bài 2136: "Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường vào năm 2023?", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 01/12/2013.
Bài 2137: "Tương lai của Internet sau vụ bê bối gián điệp toàn cầu của Mỹ", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 02/12/2013.
Bài 2139: "ADIZ của Trung Quốc làm suy giảm ổn định khu vực", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 04/12/2013.
Bài 2141: "Cải cách ở Trung Quốc giữa ý định và hiện thực", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 05/12/2013.
Bài 2142: "Trung Quốc: Bùng nổ bạo lực đang tới gần", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 07/12/2013.
Bài 2147: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Nhà cải cách hay phi cải cách?", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 08/12/2013.
Bài 2148: "Thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình là kiểm soát truyền thông", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2149: "Trung Quốc vẫn không có 'sức mạnh mềm'", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2150: "JPMorgan Chase với chiến lược đầu tư vào con cái các quan chức Trung Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2151: "Về ADIZ của Trung Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 12/12/2013.
Bài 2154: "Sự thận trọng của Barack Obama trong việc vạch ra các giới hạn đỏ ở Syria", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 14/12/2013.
Bài 2156: "Ảnh hưởng của TPP đối với Trung Quốc và ứng phó của Trung Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM"đăng ngày 16/12/2013.
Bài 2157: "Ba hiệu ứng từ chiến lược TPP của Mỹ", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 17/12/2013.
Bài 2161: "ADIZ của Trung Quốc: Ngòi nổ của một cuộc xung đột mới ở Đông Bắc Á?", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 19/12/2013.
Bài 2162: "Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có đi quá xa trong vấn đề ADIZ của Trung Quốc?", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog"BA SÀM" đăng ngày 19/12/2013.
Bài 2164: "Trung Quốc: Giá trị chính trị tiềm ẩn của Hội nghị Trung ương 3", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 20/12/2013.
Bài 2168: "Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về Tây Tạng", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 23/12/2013.
Bài 2170: "Mỹ đang nhường đường cho Trung Quốc?", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 23/12/2013.
Bài 2173: "Trung Quốc hưởng lợi từ bàn tay kiềm chế của Mỹ", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 24/12/2013.
Bài 2174: "Cán cân sức mạnh đang thay đổi ở Châu Á – Thái Bình Dương Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM"đăng ngày 24/12/2013.
Bài 2178: "Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: 'Chúng tôi vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước'", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog"BA SÀM" đăng ngày 27/12/2013.
Bài 2179: "Tổng thống Philippines thay đổi lập trường về Trung Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 28/12/2013.
Bài 2180: "Về chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Bài 2181: "Myanmar với những bước đi thăm dò trong thời kỳ quá độ", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Bài 2184: "Trung Quốc trước thực tế mới ở Myanmar", bài của Thông tấn xã Việt Nam, blog "BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Phụ lục 4
Trang cuối của Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra
Hà Nội, ngày 05/12/2014
Bản gốc được lưu trữ tại trang
--3072. Bản Kết luận Điều tra về cái gọi là “Vụ án Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…”30-10-2014Chúng tôi vừa nhận được bản “Kết luận điều tra” về cái gọi là “Vụ án Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân“, do Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an lập ra.
Bản Kết luận Điều tra này không có chữ nào nhắc tới trang Ba Sàm, mà chỉ nói về DĐ Xã hội Dân Sự và trang Chép Sử Việt, hoàn toàn khác với các thông tin mà báo chí đã đăng tải trước đây. Hoặc là các nhà báo đã bịa đặt thông tin, vu khống, trong những bài báo liên quan đến vụ này, hoặc nếu báo chí dựa vào nguồn tin của an ninh để viết bài, điều đó có nghĩa là cơ quan an ninh bắt người trước, sau đó tìm chứng cứ để hợp thức hóa sau vụ bắt giữ?!
Kính mời độc giả:
--
-Đinh Ngọc Thu – Đơn Khởi Kiện báo Pháp luật Việt Nam
California, ngày 16 tháng 06 năm 2014
ĐƠN KHỞI KIỆN
Bên kiện: Đinh Ngọc Thu, công dân Hoa Kỳ, là người điều hành trang thông tin điện tử “Anh Ba Sàm” tại 3 địa chỉ basamnews.info; basam.info và anhbasam.wordpress.com
Địa chỉ: 20 Riverside, Irvine, CA 92602, Hoa Kỳ
Địa chỉ: 20 Riverside, Irvine, CA 92602, Hoa Kỳ
Bên bị kiện: Báo Pháp luật Việt Nam
Địa chỉ: Số 42 – Ngõ 29 – Đường Nguyễn Chí Thanh – Phường Ngọc Khánh – Quận Ba Đình – TP.Hà Nội
Địa chỉ: Số 42 – Ngõ 29 – Đường Nguyễn Chí Thanh – Phường Ngọc Khánh – Quận Ba Đình – TP.Hà Nội
NỘI DUNG
Ngày 10-5-2014, báo Pháp luật Việt Nam đăng bài “Lật mặt kẻ giả danh dân chủ, nói sàm và… nói ngược Nguyễn Hữu Vinh” tại địa chỉ website http://baophapluat.vn/trong-nuoc/lat-mat-ke-gia-danh-dan-chu-noi-sam-va-noi-nguoc-nguyen-huu-vinh-184495.html, trong đó có đoạn:
“Nghiêm trọng hơn nữa, theo một số thông tin cho biết, Nguyễn Hữu Vinh còn kết nối quan hệ với Việt Tân – một tổ chức ở Mỹ chuyên chống Việt Nam – thông qua “cầu nối” Đinh Ngọc Thu – một thành viên của Việt Tân, nhận sự chỉ đạo trực tiếp, đạo diễn của Thu cho những bài viết chống Việt Nam trên trang Blog của mình”.
Tôi, Đinh Ngọc Thu, là người đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Vinh ở trang mạng “Anh Ba Sàm” và là người được nhắc đến trong đoạn trích kể trên, khẳng định việc báo Pháp luật Việt Nam nói tôi là thành viên của Việt Tân là hoàn toàn sai sự thật vì tôi không phải là thành viên của tổ chức có tên “Việt Tân”, đồng thời tôi không hề “chỉ đạo, đạo diễn” ông Nguyễn Hữu Vinh viết “những bài chống Việt Nam”!
Việc báo Pháp luật Việt Nam đưa những thông tin sai sự thật nói trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của tôi. Vì vậy, căn cứ:
- Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp (Mọi người có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình).
- Điều 37 – Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín – Bộ Luật Dân sự (Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ).
- Điều 611 – Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm – Bộ Luật dân sự:
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Tôi khởi kiện để yêu cầu:
- Báo Pháp luật Việt Nam công khai xin lỗi tôi, Đinh Ngọc Thu, trên báo Pháp luật Việt Nam do đã thông tin sai sự thật theo đó “Đinh Ngọc Thu – một thành viên Việt Tân” và “chỉ đạo, đạo diễn” ông Nguyễn Hữu Vinh viết những bài chống Việt Nam đồng thời gỡ bỏ bài “Lật mặt kẻ giả danh dân chủ, nói sàm và… nói ngược Nguyễn Hữu Vinh” khỏi website baophapluat.vncũng như khỏi các ấn phẩm khác của báo Pháp luật Việt Nam.
- Báo Pháp luật Việt Nam bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín cho tôi, Đinh Ngọc Thu, gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
c) Bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 10 tháng lương.
Tôi chân thành cảm ơn Quý Tòa và đề nghị sớm hồi âm cho tôi theo luật định.
Bên khởi kiện
ĐINH NGỌC THU
Tài liệu đính kèm theo đơn khởi kiện:
Bản chụp bài viết “Lật mặt kẻ giả danh dân chủ, nói sàm và… nói ngược Nguyễn Hữu Vinh” tại Báo pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn):
Bản chụp bài viết “Lật mặt kẻ giả danh dân chủ, nói sàm và… nói ngược Nguyễn Hữu Vinh” tại Báo pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn):
* Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2014/06/20/don-khoi-kien-bao-phap-luat-viet-nam/#more-133461
Thiện Phương (baophapluat.vn)
Cập nhật lúc: 10/05/2014 12:45
(PLO) - Như đã đưa tin, ngày 5/5, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, trong đó nổi lên những ý kiến ngược hết sức phi lý, gán ghép việc bắt giữ này cho những vấn đề nhạy cảm khác. Vậy, blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh là ai? Sự vô lý trong những ý kiến xuyên tạc, gán ghép là như thế nào?
Khoảng năm 2009, trên mạng Internet lần đầu tiên xuất hiện một trang blog có tên “anhbasam” mà ngay khi vừa xuất hiện, trang blog này đã thu hút sự chú ý của nhiều người thường xuyên truy cập Internet, thậm chí có ngày đã đạt lượng truy cập hàng trăm nghìn lượt.
Tuy nhiên, với nhiều tin, bài xuyên tạc tình hình kinh tế, xã hội cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, blog “anhbasam” đã nhanh chóng hiện nguyên hình là một trang mạng phản động, mượn danh dân chủ mà xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Nguyễn Hữu Vinh là ai?
Người đứng ra lập blog, viết bài và đăng tải trên trang mạng anhbasam chính là Nguyễn Hữu Vinh, 58 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội; trú tại Khu đô thị Ciputra, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Giúp việc đắc lực theo chỉ đạo của Vinh là Nguyễn Thị Minh Thúy (34 tuổi) trú tại Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Vinh sinh trưởng tại Hà Nội, vốn thuộc một gia đình có thể xem là “danh gia vọng tộc”. Thân sinh của Vinh là cụ Nguyễn Hữu Khiếu (sinh năm 1915, mất năm 2005) nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa III và IV, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng ban Nông nghiệp T.Ư, Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước…
Con nhà gia giáo, Vinh học cấp 3 tại Trường Chu Văn An rồi sau đó vào học tại Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân) từ năm 1974 đến năm 1979. 20 năm trong ngành an ninh, Vinh được giao nhiệm vụ công tác tại nhiều đơn vị khác nhau, được biệt phái công tác tại Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).
Tuy nhiên, tháng 11/1999 Vinh xin ra khỏi ngành Công an và năm sau đó lập hồ sơ xin thành lập Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ V (viết tắt là VPI); trụ sở Cty này được đặt tại số 5, ngách 2 ngõ 4D Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội.
Có thể nói, Nguyễn Hữu Vinh là một trong số những người tiên phong đi đầu trong việc lập Cty thám tử tư, khai thác một thị trường mà ở thời điểm 1999 còn rất mới mẻ, chưa ai ở Việt Nam bước chân vào. Sự cởi mở, thông thoáng của Luật Doanh nghiệp cho phép công dân Việt Nam có thể buôn bán, làm ăn mọi thứ miễn pháp luật không cấm. Công ty thám tử của Nguyễn Hữu Vinh đã từng có một thời gian làm ăn khấm khá và chắc sẽ còn khấm khá hơn nếu Vinh không “tự diễn biến” và “lái” mình sang một ngã rẽ khác đầy nguy hiểm và tội lỗi…
Blog anhbasam – Diễn đàn nguy hiểm
Như đã nói ở trên, sau ít năm làm ông chủ điều hành công ty thám tử tư, Nguyễn Hữu Vinh dường như “chưa thỏa” cái chí muốn tự khẳng định mình. Năm 2009, Nguyễn Hữu Vinh “sáng lập” ra trang thông tin cá nhân “anhbasam” với khẩu hiệu “phá vòng nô lệ” đặt ngay trên đầu trang. Trong trang này, Vinh đã liên tục có những tin, bài xuyên tạc lịch sử, bôi xấu chế độ, kích động chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong các bài viết của mình, Nguyễn Hữu Vinh không giấu giếm ý định hô hào, cổ động tạo ra một diễn đàn chống Việt Nam trên mạng Internet. Vinh cũng rất tích cực góp tiếng nói ủng hộ, kích động các hoạt động chống đối tại Việt Nam, là thành viên tham gia tích cực cái gọi là “Mạng lưới Blogger Việt Nam” – một nhóm bất hợp pháp bao gồm những người như Nguyễn Hữu Vinh.
Nghiêm trọng hơn nữa, theo một số thông tin cho biết, Nguyễn Hữu Vinh còn kết nối quan hệ với Việt Tân – một tổ chức ở Mỹ chuyên chống Việt Nam – thông qua “cầu nối” Đinh Ngọc Thu – một thành viên của Việt Tân, nhận sự chỉ đạo trực tiếp, đạo diễn của Thu cho những bài viết chống Việt Nam trên trang Blog của mình.
Khi mà trang “anhbasam” bị để ý bởi sự nổi tiếng vì nhiều lượt truy cập, với hiểu biết của một cựu sĩ quan an ninh, Nguyễn Hữu Vinh bắt đầu áp dụng chiêu “ném đá giấu tay” bằng việc mượn người để chỉ đạo xử lý bài vở, đưa bài lên mạng đồng thời cho “khai sinh” những trang mạng khác như “danquyen” và “chepsuviet” với 12 địa chỉ tên miền, đăng tải hàng chục nghìn bài viết mang luận điệu chống phá, đi ngược lại những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước với sự giúp sức tích cực của Nguyễn Thị Minh Thúy. Được biết, Thúy từng là kế toán của Cty TNHH Điều tra và Bảo vệ VPI do Vinh làm Giám đốc; sau này thường xuyên làm nhiệm vụ xử lý bài vở và đưa lên mạng theo sự chỉ đạo của Vinh.
Tuy nhiên, chiêu “ném đá giấu tay” của Vinh đã không thành công. Sau một thời gian dài theo dõi, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, cơ quan an ninh đã có đủ căn cứ chứng minh Nguyễn Hữu Vinh chính là kẻ đứng đằng sau 12 địa chỉ tên miền “anhbasam”, “danquyen” và “chepsuviet”. Khi bị bắt khẩn cấp và khám xét, Vinh và Thúy còn đang giữ liên lạc email với nhiều trang mạng phản động ở nước ngoài, giữ liên lạc với Đinh Ngọc Thu – một Việt kiều Mỹ, thông tín viên của Đài RFA – đã và đang điên cuồng tổ chức, tập hợp lực lượng chống lại Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trơ trẽn những giọng điệu xuyên tạc, kích động
Ngay sau khi thông tin bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh được thông báo rộng rãi, bên cạnh nhiều ý kiến đánh giá cao chiến công của lực lượng an ninh, đã nổi lên một vài ý kiến với giọng điệu xuyên tạc, kích động hết sức trơ trẽn.
Ở một số trang mạng, người ta thấy nổi lên ồn ào những lời kêu gọi ủng hộ, trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh, bất chấp những hành vi vi phạm pháp luật đã rất cụ thể, rõ ràng của đối tượng này. Đặc biệt, trang RFI đã đăng bài “Nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh: Vụ bắt Anh Ba Sàm đặt ra nhiều câu hỏi” với nội dung hết sức xuyên tạc. Thanh Phương - tác giả của bài viết – xuyên tạc rằng: “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt đặt ra nhiều câu hỏi, là phải chăng có sự liên hệ nào đó với tình hình trên biển Đông?”.
Luận điệu xuyên tạc này chỉ có thể lòe được những người thiếu thông tin hay sẵn có cái nhìn định kiến với tình hình thời sự mà thôi. Sự thực là, Nguyễn Hữu Vinh đã có cả một quá trình dài liên tục đăng tải các bài viết xuyên tạc tình hình trong nước, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kêu gọi kích động dư luận phản kháng chủ trương, chính sách… Vinh bịa đặt trắng trợn những “trang sử”, chắp nối những câu chuyện vô căn cứ rồi quy trách nhiệm lịch sử cho lãnh tụ Hồ Chí Minh; nhiều vị cố lãnh đạo Đảng Cộng sản như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn… cũng bị đưa lên “chép sử” để bêu riếu, xúc phạm bằng những lời lẽ châm chọc, đả kích…
Vinh còn tự cho mình cái quyền phán rằng người này “thân Mỹ”, người kia “thân Tàu” mà cố tình phớt lờ một sự thật rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi! Tất cả những bài viết của Vinh không hề hướng đến “nâng cao dân trí và mở rộng quyền tự do thông tin” như chính Vinh vẫn tự tô vẽ mà còn cấu kết với Đinh Ngọc Thu xây dựng, dẫn dắt dư luận hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trước khi bắt giữ Vinh, cơ quan công an đã nhiều lần thực hiện tiếp xúc, vận động, thuyết phục, giáo dục nhằm đưa Nguyễn Hữu Vinh quay trở lại con đường đi đúng đắn song Vinh đã cố tình lao sâu hơn về phía đối nghịch. Việc bắt giữ Vinh và Thúy ngày 5/5 là việc cực chẳng đã sau rất nhiều nỗ lực “chữa bệnh cứu người” của các cơ quan chức năng. Đây là việc thực thi chức trách bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật, hoàn toàn không có “mối liên hệ” nào với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD -981 ngoài khơi biển Đông.
Nguyễn Hữu Vinh – bên cạnh những bài viết chống phá Nhà nước Việt Nam – lại chẳng có bài nào có giọng điệu “nói xấu, chống Trung Quốc”, thế thì tại sao lại gán ghép, xuyên tạc rằng việc bắt giữ anh ta là vì anh ta “chống Trung Quốc”? Nếu Nhà nước ta thực sự muốn “chặn họng những người chống Tàu”- như giọng điệu một số trang mạng đang rêu rao xuyên tạc việc bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh – thì làm sao có một cuộc họp báo quốc tế hôm 7/5 công bố rõ với thế giới những hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc ở biển Đông? Làm sao có việc báo chí trong nước đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc, chỉ rõ cương vực hợp pháp của Việt Nam, đòi hỏi Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam?
Tự do ngôn luận được Hiến pháp nước ta bảo hộ, nhưng không có nghĩa là thích nói gì thì nói. Tự do ngôn luận nhưng cần tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quan trọng hơn, phải nói đúng, nói trúng. Những kẻ nói bậy, nói sàm, nói ngược bất chấp mọi sự đúng đắn, khách quan như Nguyễn Hữu Vinh cần được loại trừ, ngăn chặn kịp thời, trả lại sự trong lành, tiến bộ của dư luận trong và ngoài nước…
———————————
Posted by adminbasam on 09/05/2014
“Trung Quốc rồi sẽ đánh Việt Nam. Nhưng dù chiến tranh hay hòa bình, vẫn có một mạch ngầm luôn luôn chảy, đó là mạch ngầm khai dân trí”.
Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) đã nói với chúng tôi như vậy từ bốn năm trước, khi trang Ba Sàm bắt đầu là một “điểm nóng chính trị” trong cộng đồng mạng, và anh rất ý thức được rằng mình đang phải đối mặt với nguy hiểm.
Thành lập từ ngày 9-9-2007, blog Ba Sàm đã đi cùng với mạch ngầm khai dân trí mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã và đang đi, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người. Từ những bài báo và bài dịch đầu tiên của Nguyễn Hữu Vinh trên blog Yahoo!360, cho đến sau này là các bài điểm tin trên hệ thống WordPress và sự đóng góp bài vở của rất nhiều biên tập viên, cộng tác viên, Ba Sàm đã mở ra một không gian báo chí tự do hơn, cởi mở hơn, nơi tri thức và sự tử tế được trân trọng và thúc đẩy hàng ngày.
Anh Ba Sàm tin rằng, quá trình “tự diễn biến” của mỗi con người Việt Nam trong vòng nô lệ cần được bắt đầu từ sự lưu chuyển của thông tin và tri thức, như cái cách mà anh, con trai của cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Hữu Khiếu, đã “tự diễn biến” trong nhiều năm tiếp cận với các tài liệu “nhạy cảm” và giới trí thức tiến bộ.
Anh đã thực hiện tinh thần “phá vòng nô lệ” ấy, một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Không cực đoan, không hô khẩu hiệu sáo rỗng, chỉ có những bản tin được “điểm” đúng giờ với phong cách chuyên nghiệp – chính xác, trung thực, dẫn nguồn đầy đủ – và đặc biệt là những bình luận hài hước, dí dỏm của anh. Chúng tôi tin rằng đó là những gì làm nên sự hấp dẫn của “Thông Tấn Xã Vỉa Hè – Ba Sàm”.
Và, tuy ủng hộ một nền dân chủ đa đảng, nhưng trang Ba Sàm đã và đang luôn luôn là một diễn đàn độc lập, phi đảng phái, phi lợi nhuận.
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh http://anhbasam.files.wordpress.com/2014/05/h2.jpg?w=298&h=300
Ngày 5-5 vừa qua, trong bối cảnh xã hội sục sôi vì chuyện giàn khoan Trung Quốc trên biển, chính quyền đã thực hiện một hành động bất ngờ là… bắt khẩn cấp công dân Nguyễn Hữu Vinh theo Điều 258, Bộ luật Hình sự. Họ gọi những gì anh đang làm là… lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước! Chúng tôi cho rằng, nếu như lợi ích của nhà nước xa lạ với tri thức và những sự thật xã hội mà Ba Sàm truyền tải đến vậy, thì rõ ràng đó là một thứ lợi ích có vấn đề, và nếu như một nhà nước dễ dàng bị tổn thương bởi việc công dân của mình thực thi các quyền tự do dân chủ đến vậy, thì rõ ràng đó là một nhà nước có vấn đề.
Trong nhiều năm qua, cùng với các biên tập viên, cộng tác viên của mình, Ba Sàm đã kiên trì phản đối Điều 258 cũng như các quy định pháp luật mơ hồ, phi lý khác vốn vẫn được dùng để đàn áp và giam cầm các nhà hoạt động đang đấu tranh cho một Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng tôi thấy không có lý do gì để cho trang Ba Sàm, đứa con tinh thần của anh, dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi chính những điều luật phi lý đó.
Trong phần kết bài viết “Ba Sàm 5 tuổi – tâm sự và tri ân” năm 2012, Ba Sàm đã viết rằng: “Hắn cũng tin là cách làm hiện nay sẽ ‘bất tử’, nên rủi mình có ham chơi mà lơ là bỏ bê công việc, cũng vẫn sẽ có các cộng sự ở khắp nơi cùng độc giả tiếp tục công việc hàng ngày này”.
“Ham chơi mà lơ là bỏ bê công việc” chỉ là một cách nói. Ba Sàm chưa bao giờ loại trừ khả năng bản thân bị bắt và phải bỏ lại công việc yêu thích của mình. Nhưng nếu tất cả những gì chính quyền mong muốn là giam giữ Nguyễn Hữu Vinh để vô hiệu hóa Ba Sàm thì họ đã nhầm. Nguyễn Hữu Vinh có thể bị bắt và bị giam cầm, nhưng Ba Sàm thì không, bởi cái anh để lại cho mọi người là tinh thần Ba Sàm, chứ không phải đơn thuần là những bản tin tự tay anh biên tập.
Chúng tôi, Đinh Ngọc Thu, Trịnh Hữu Long và các cộng tác viên âm thầm của trang Ba Sàm, không có lý do gì để từ bỏ tinh thần Ba Sàm, từ bỏ mạch ngầm khai dân trí mà anh và nhiều người đã, đang và sẽ đi. Chúng tôi cũng không có lý do gì để bỏ rơi các độc giả thân thiết của mình, những người tin yêu và quý trọng những gì chúng tôi đã làm trong thời gian qua. Và trên hết, chúng tôi không có bất cứ lý do gì để thỏa hiệp với những điều luật phi lý và một thể chế không có tính chính danh đã và đang kìm kẹp gần một trăm triệu người Việt Nam trong vòng nô lệ.
Bằng cách khôi phục lại phần điểm tin hàng ngày kể từ thứ 7, ngày 10-5, đặc biệt mở lại phần bình luận (comment) để tạo một diễn đàn chung, chúng tôi kêu gọi quý độc giả gần xa tiếp tục cộng tác và ủng hộ trang Ba Sàm, đồng thời phát huy tinh thần khai dân trí mà Ba Sàm đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào có thể, hãy mang tri thức và sự thật đến cho mọi người, đẩy bóng tối lùi xa và phá bỏ vòng nô lệ.
Đất nước ở trong tay chúng ta, đẹp đẽ và thiêng liêng. Chúng ta không thể bỏ mặc nó cho những kẻ mà ta khinh bỉ.
Đinh Ngọc Thu, Trịnh Hữu Long và các cộng tác viên-Nguyễn Hữu Vinh, bạn tôi
Phạm Xuân Cần
09-05-2014
Năm 1974 tôi vào đại học. Trường tôi lúc đó có rất nhiều con em cán bộ cao cấp theo học, từ con Tổng bí thư, Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, ủy viên Trung ương…Vinh là một trong những số đó. Anh có tên là Vinh vì đã được sinh ra ở Vinh năm 1956, khi bố anh, ông Nguyễn Hữu Khiếu là Giám đốc Công an Liên khu Bốn.
Từ quê ra, nghe nói cậu này, cô kia là con ông nọ, bà kia nghe cũng chợn. Càng chợn hơn khi biết Vinh có điểm thi đại học rất cao, đủ đi nước ngoài, nhưng không hiểu sao lại vào đây cùng học với mình. Chính vì vậy nhiều lần Vinh rủ về nhà nó chơi (biệt thự 55 Phan Đình Phùng) mà mấy thằng nhà quê bọn tôi không dám. Nhưng mà, sau một thời gian ngắn thôi, cùng học, cùng chơi, cùng…ăn với Vinh tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu nào cho thấy đây là một “cậu ấm” con quan bự. Tôi cũng không hiểu tại sao khi đó Vinh có biệt danh là “Vinh Trệt”. Hỏi, chính Vinh cũng lắc đầu: “Chắc chúng nó thấy tao giống Tàu”. Vinh học không xuất sắc, nhưng nổi tiếng là tay đàn ghi ta, có lẽ hay nhất trường trong hàng mấy thập kỷ. Anh là học trò yêu của nghệ sỹ ghi ta mù Văn Vượng. Ở cùng phòng với Vinh năm năm trời hầu như ngày nào cũng thấy Vinh luyện đàn, cũng nghe tiếng đàn của anh, đâm ra tôi cũng biết được, hiểu được thêm một số kiến thức và thông tin về âm nhạc, về các tác giả, các nhạc phẩm ghi ta nổi tiếng. Hàng năm, đến mùa hội diễn của trường, tác phẩm độc tấu ghi ta của Vinh luôn là tiết mục được chờ đợi của khóa tôi. Cho đến nay, bất kỳ lúc nào cứ nghe “Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận là tôi lại nhớ tiếng đàn của Vinh, qua bản soạn cho ghi ta của Văn Vượng.
Những năm 1970 gian khổ, đời sống sinh viên càng khổ sở. Cuối tuần, như những sinh viên Hà Nội khác, Vinh cũng về nhà và đưa đến trường một số thức ăn, khi thì lọ ruốc, khi thì hộp bích quy, gói kẹo… Tối thứ bảy, sau giờ điểm danh, chúng tôi coi những thứ Vinh đưa vào như là chiến lợi phẩm, và trong giây lát đã xâu xé hết. Cả tuần lại cứ thế nhăn nhở với nhau. Hồi đó tôi làm “B phó”, chuyên lo báo cơm, cắt cơm, thanh toán cho cả B (tương đương trung đội). Mỗi khi vào nhà ăn, việc đầu tiên của tôi là phải đi kiểm đếm một lượt xem nhà ăn dọn cho B mình đủ suất đã báo không. Nếu thiếu thì phải đi lấy thêm, nếu thừa thì…cứ im lặng mà xực. Vinh cùng ăn với tôi một mâm, nên cứ mỗi lần tôi đi kiểm đếm, Vinh đều đi theo sau. Nếu thừa mâm nào, tôi nháy mắt là y như rằng cu cậu nhanh tay bê ngay đĩa thịt đưa về mâm mình. Ấy thế mà đưa được đĩa về mâm mình có khi cũng chẳng còn miếng thịt nào, vì dọc đường đi nó đã bị hàng chục đôi đũa và…những bàn tay đưa ra tấn công, cướp đoạt. Nhiều lần, vừa bê đĩa thịt, Vinh vừa làm động tác nhổ nước bọt phì phì vào đĩa, thế mà những tên cướp sinh viên xấu đói cũng không tha. Hình ảnh đó của Vinh cứ ám ảnh tôi mỗi khi nhớ về thời sinh viên đói khổ mà vui tươi.
Năm cuối, tôi đi thực tập tốt nghiệp ở Kiên Giang, Vinh đi An Giang, về huyện Châu Thành, cùng với Phạm Văn Nguyên. Một lần tôi đi giao ban ở Cần Thơ, nhưng tranh thủ lên An Giang chơi. Tối đó về Châu Thành, ba thằng kiếm được mấy con cá lóc khô, cùng năm lít rượu đế (đựng trong một hộp đạn). Chỉ có thế mà cò cưa hết cả. Trận ấy tôi say từ tối đến chiều hôm sau mới lên xe đò về Cần Thơ. Mười mấy năm sau ngửi thấy mùi cá lóc nướng vẫn buồn nôn!
Ra trường, Vinh về Bộ, tôi ở lại trường làm giáo viên. Vẫn thân thiết, vẫn liên hệ thường xuyên. Thời sinh viên không thấy Vinh viết lách gì, ra trường hai năm, bỗng thấy bài viết của nó về vụ Võ Đại Tôn, đăng trên Tạp chí của ngành. Bài viết quá sắc sảo đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Lúc đó có người cho rằng, chắc thằng này nhờ bố vợ nó (là Viện trưởng Viện KH Công an) viết hộ. Tôi không tin, nhưng vẫn không hiểu tại sao thằng này “bỗng dưng” viết giỏi thế. Hơn hai mươi năm sau, tôi mới hiểu rằng: Lẽ ra nó phải là nhà báo chuyên bình luận về chính trị, thời sự mới đúng!
Năm 1998, 1999, tôi trở lại Hà Nội học cao cấp chính trị ở Học viện HCM. Mấy lần Vinh đến, rồi mời tôi đến nhà, chỉ để nói một chuyện: Ra khỏi ngành, lập công ty thám tử tư! Từ kinh ngạc, đến bị thuyết phục bởi sự quyết liệt, đam mê của Vinh cho ý tưởng mới, tôi cũng chỉ có thể khuyên Vinh nên chọn “giải pháp an toàn”, như “chân trong chân ngoài”, hay xin về hưu non chẳng hạn. Thế nhưng, Vinh gạt đi và chấp nhận giải pháp sốc. Thế rồi, ngay khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, công ty điều tra và bảo vệ của Vinh cũng ra đời, và là công ty duy nhất được cấp phép về lĩnh vực này. Rất quan tâm và hồi hộp với những hoạt động của bạn, tôi cũng mừng khi doanh nghiệp của bạn mau chóng được thị trường chấp nhận, xã hội hoan nghênh. Gặp, Vinh say sưa kể về những hợp đồng, không phải về khía cạnh tiền bạc, mà là về khía cạnh nhân văn. Cuốn phóng sự “Cuộc đời dưới vành mũ thám tử” (Báo Tuổi trẻ) phản ánh khá sinh động và chân thực những hoạt động của công ty thám tử tư đầu tiên và duy nhất của Việt Nam này.
Nhưng rồi, mấy năm nay Vinh lại rẽ sang một ngã rẽ khác, như một sự dấn thân. Tôn trọng sự lựa chọn của bạn, nhưng vẫn cứ canh cánh lo âu…
Buồn lắm, bạn ơi!
Tác giả gửi Quê Choa- http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/05/nguyen-huu-vinh-ban-toi.html
-Nguyễn Hữu Vinh móc nối với phần tử phản động nước ngoài
-TPO - Cơ quan An ninh Bộ Công an cho biết vào thời điểm bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh - người quản lý blog Anh Ba Sàm, lực lượng chức năng phát hiện ông này đang liên lạc với một số trang mạng, cũng như đối tượng cầm đầu nhóm người có hành động chống phá Nhà nước.
Chiều 5/5, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Vinh (SN 1956, hộ khẩu thường trú tại phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) và Phạm Thị Minh Thúy (SN 1980, HKTT tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, theo Điều 258 Bộ luật hình sự.
Theo cơ quan chức năng, quá trình theo dõi an ninh mạng phát hiện hai người trên có hành vi đăng tải các bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân lên mạng internet.
Ngoài hành vi đăng tải các bài viết chống phá Nhà nước, cơ quan chức năng còn phát hiện ông Nguyễn Hữu Vinh đã gửi nhiều email qua lại với đối tượng cầm đầu số phần tử chống đối Nhà nước đang sinh sống tại nước ngoài.
Ngay sau khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, các đối tượng này đã tung tin thất thiệt về lý do Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, tuy nhiên cơ quan An ninh – Bộ Công an đã bác bỏ và công bố hành vi vi phạm pháp luật của ông Vinh cùng đồng phạm.
Kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2009 đến nay, ông Vinh thành lập và quản lý 12 địa chỉ tên miền lấy tên “Anh Ba Sàm” và “Chép sử Việt” đã đăng tải hàng chục nghìn bài viết, trong đó có những bài viết mang luận điệu chống phá, đi ngược lại những Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước với sự giúp sức tích cực của Nguyễn Thị Minh Thúy.
Thúy từng là kế toán của Cty TNHH Điều tra và Bảo vệ VPI do ông Vinh làm Giám đốc.
Được biết, trước khi đưa ra các biện pháp xử lý cứng rắn đối với ông Vinh, lãnh đạo Bộ Công an, cũng như các cơ quan chức năng đã nhiều lần gặp ông Vinh để giáo dục nhưng ông Vinh vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bản thân Nguyễn Hữu Vinh từng theo học và có thời gian phục vụ trong ngành công an, nhưng sau đó xin ra khỏi ngành và thành lập công ty.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng nhưng ông Vinh lại đi ngược lại với truyền thống gia đình, đi ngược lại với Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hiện CQĐT đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.
Nguồn Tiền Phong
Tuổi Trẻ
TTO - Bộ Công an cho biết, việc bắt giữ ông Vinh được thực hiện sau khi cơ quan công an đã thực hiện nhiều biện pháp vận động, thuyết phục ông này dừng hành vi chống phá Đảng, Nhà nước nhưng không được. Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Vinh trên trang ...
Blogger Anh Ba Sàm móc nối với phần tử phản động nước ngoài
-Việt Nam: « Anh Ba Sàm » Nguyễn Hữu Vinh bị bắt khẩn cấp
Blogger Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh trong một lần tác nghiệp.
Cùng bị bắt với ông Nguyễn Hữu Vinh là bà Nguyễn Thị Minh Thúy (sinh năm 1980) cũng ở Hà Nội, với cùng tội danh trên. Thông báo của Bộ Công an cho rằng các bài viết được ông Vinh và bà Thúy cho đăng tải trên mạng là những « thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân ». Thông báo trên cho biết cơ quan an ninh điều tra sẽ tiếp tục « làm rõ hành vi sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật ».
Trang tin Anh Ba Sàm là một trang điểm tin uy tín, có đông đảo độc giả. Tuy nhiên sau nhiều lần bị tin tặc tấn công và xóa dữ liệu, trang basam.info đã đóng bình luận vào tháng 8/2013 và sau đó đến ngày 10/04/2014 thì tạm ngưng hoạt động cho đến nay. Trước đó quyền quản lý trang cũng không còn do ông Nguyễn Hữu Vinh nắm giữ mà được chuyển giao cho biên tập viên ở nước ngoài.
Hiện nay dù không còn điểm tin nhưng cả ba địa chỉ của trang Anh Ba Sàm vẫn vào được. Tuy nhiên hai trang Dân Quyền (diendanxahoidansu.wordpress.com) và trang Chép Sử Việt (chepsuviet.com) đã bị đóng, không thể truy cập.
Trước đây trang Quan Làm Báo xuất hiện vào tháng 6/2012, đưa ra một loạt bài rất chi tiết về tham nhũng trong giới quan chức cấp cao nhất ở Việt Nam, gây rúng động dư luận. Một tháng sau, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cán bộ Ban Nội chính của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt giam vì bị nghi ngờ là người viết cho trang này, bị khởi tố theo điều 79 Bộ luật hình sự về “âm mưu lật đổ chính quyền” và điều 88 BLHS về “tuyên truyền chống Nhà nước”. Thời điểm đó là vào lúc sắp diễn ra Hội nghị trung ương 6. Nay sắp đến Hội nghị trung ương 9, lại đến lượt người chủ xướng trang Anh Ba Sàm – cũng từng hoạt động trong ngành an ninh - bị bắt, nhưng lần này theo điều 258.
Việc « Anh Ba Sàm » Nguyễn Hữu Vinh bị bắt vào thời điểm sắp diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ ngày 12/5 tới, và việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn đang tiếp tục, tức là lúc chính quyền Việt Nam cần tỏ ra hòa dịu. Sự kiện này khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi, phải chăng có liên quan đến vấn đề nội bộ.
Nguyễn Hữu Vinh (Anhbasam) bị bắt
Nguyễn Hữu Vinh (Anhbasam) bị bắt
Cổng thông tin điện tử của bộ Công An hôm nay cho hay đã ‘bắt khẩn cấp’ 2 người. Đó là anh Nguyễn Hữu Vinh, sinh năm 1956; người sáng lập và nhiều năm điều hành trang web Anh Ba Sàm. Người thứ 2 là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, sinh năm 1980.
Lý do bắt, theo trang web này cho biết: “Đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Bản tin nói, cơ quan công an sẽ ‘làm rõ” và ‘xử lý theo pháp luật.
Các bài viết mà báo công an nói tới đa phần được đăng tải trên trang web Anhbasam, nơi chính chủ nhân của nó coi là “thông tấn xã vỉa hè”, đối lập với TTX Việt Nam. Anhbasam thu hút một lượng truy cập kỉ lục, nhất là từ Việt Nam. Nhưng cách nay khoảng gần 2 năm, sau rất nhiều lần trang web bị đánh phá, anh Vinh đã thôi không điều hành web nữa mà nhường quyền quản trị cho chị Đinh Ngọc Thu ở Mỹ.
Cũng kể từ đó, ít thấy người sáng lập Anhbasam lên tiếng. Nhưng, cũng có tin nói, sau khi buông Anhbasam, Nguyễn Hữu Vinh đã làm trang web khác với độ nóng không kém là “Chép Sử Việt”.
Con cán bộ cao cấp
Được biết, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là con một cán bộ cao cấp, bản thân ông từng công tác trong ngành công an sau đó lập công ty thám tử tư nhân. Một số tin nói, đó là công ty thám tử tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Trong một bài viết được cho là chia sẻ về cuộc đời mình, tác giả cho biết đã sinh trưởng trong khu phố của những cán bộ cao cấp trước kia, anh viết: “Gần 30 năm, từ thơ ấu cho tới khi bước vào đời, thành “người của đảng”, BS được sống cùng gia đình trong một ngôi biệt thự của nhà nước giữa phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi mấy năm nay ông thủ tướng đương nhiệm đang ở.
Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ, sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của TBT Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ, pa-tê, ổ bánh mì thơm phức”.
Nhưng chỉ vài năm sau khi theo đảng, Anhbasam đã muốn ‘đổi mầu’.
© Đàn Chim Việt
basam chuyển phần điểm tin về:
Tin thứ Hai, 8-4-2013
anhbasam04.wordpress.com
-Ba Sàm
Hôm nay BTV có một tin vui nho nhỏ, xin được chia sẻ cùng quý độc giả. Đó là BTV đã lấy lại được thêm 1 email account (gmail) nữa, sau hơn 20 ngày bị mất. Đây là email mà BTV sử dụng hàng ngày để liên lạc với các độc giả thường gửi bài điểm tin, các dịch giả, các CTV và ABS. Mặc dù đã lấy lại được nhưng vẫn chưa có thời gian dọn dẹp, kiểm tra xem email đó có còn “thỏa hiệp” (compromise) với hacker hay không.
Nhờ lấy lại được email này mà BTV biết được rằng, trong ngày 8-3, có 1 đợt tấn công vào email basamvietnam@gmail.com khi gmail gửi thông tin: “Ai đó vừa cố sử dụng ứng dụng để đăng nhập vào tài khoản Google của bạn - basamvietnam@gmail.com. Chúng tôi đã ngăn chặn nỗ lực đăng nhập trong trường hợp đây là một kẻ xâm nhập cố gắng truy cập tài khoản của bạn. Vui lòng xem lại thông tin chi tiết về nỗ lực đăng nhập…” Cũng may là khi biết BTV và ABS bị tấn công, nên BTV đã set up lại phần bảo mật cho email basamvietnam@gmail.com ngay lập tức, nên email đó không bị mất.
Cũng nhờ lấy lại được email này, đọc 1 số mail trong đó (chỉ mở những email thường, không dám mở những mail có đính kèm các files vì sợ bị “gài mìn”), BTV học được nhiều điều. Cảm nhận ban đầu là: CÔNG CUỘC “PHÁ VÒNG NÔ LỆ” CỦA CHÚNG TÔI CÒN DÀI, bởi có một số người đã bị hacker lừa dễ dàng, có người đọc tin nhưng đã không cho qua cái đầu để phân tích, để biết thông tin nào là thật, thông tin nào là giả khi hacker tung ra. Rất tiếc là bà con đang "sống với khỉ" nhưng vẫn không hiểu được "khỉ đang diễn trò". Tuy nhiên, cũng có một số độc giả gửi email chia sẻ, hiểu được những trò khỉ mà chúng bày ra.
Khi có sự cố xảy ra, bằng các phương tiện thông tin khác, chúng tôi đã thông tin ngay lập tức tới độc giả, không nên liên lạc với BTV qua email vì đã bị hacker chiếm, thế nhưng có những độc giả thấy hackers đưa email lên đó, lại vội vàng gửi email, không ngờ chính họ đã vô tình tiết lộ mình với hackers. Độc giả nào đã làm như vậy thì hãy đổi số điện thoại ngay lập tức và bỏ luôn email đó, nếu không muốn chúng biết mình là ai.
Lần sau, khi biết được tin blog nào bị hack, các bác KHÔNG nên liên lạc với blogger đó, mà hãy chờ thêm các thông tin từ những blogger đáng tin cậy khác, thông báo kênh liên lạc nào an toàn.-
anhbasam điểm tin lại tại blogspot-Ba Sàm: Tin thứ Ba, 26-03-2013
anhbasam04.blogspot.com
-MỘT CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC
Facebooker Ba Sàm 24-3-2013
Xin thông báo cùng quý độc giả, BTV blog Ba Sàm đã giành được quyền kiểm soát blog anhbasam gần 1 tuần qua nhưng hiện vẫn chưa kiểm soát được blog này hoàn toàn vì vẫn đang phải đối phó với hackers. Đã vài lần bị chúng giựt blog lại. Cứ mỗi lần log vào blog này thì tôi bị hư một cái máy do hackers “gài mìn” trong đó.
Hiện blog này đã được WordPress set up SMS nhưng hackers vẫn còn trong đó và cố đổi mật mã. Mỗi khi chúng đổi mật mã, WP gửi SMS về, trong vòng mấy tiếng đồng hồ qua, BTV không hề đổi mật mã nhưng WP đã 3 lần gửi SMS code về, nội dung: “Please use the code xxxxxxxx to reset your WordPress.com password. If you didn’t request your password to be reset, ignore this message”. Chứng tỏ hackers vẫn đang cố đổi mật mã để giành quyền kiểm soát blog anhbasam.
Không riêng gì blog anhbasam, các Gmail account của ABS và của BTV cũng đã bị chúng lấy mật mã nhưng không thể vào được vì chúng tôi đã set up 2-step verification. Mặc dù tôi không log vào máy khác, không yêu cầu đổi mật mã hay thay đổi gì ở phần security của Gmail, nhưng Gmail vẫn gửi code về cho tôi liên tục, không dưới 10 lần/ ngày trong mấy ngày qua. Cả FB account Ba Sàm, hackers cũng cố vào nhiều lần trong mấy ngày qua nhưng vẫn chưa vào được vì tôi assigned FB với cái điện thoại của tôi.
Đây là cuộc chiến không cân sức, giữa ABS và tôi với đội ngũ hacker hùng hậu, “thiện chiến”, được trang bị nhiều máy móc, tiền bạc… trong khi chúng tôi chẳng có gì ngoài thời gian và tiền túi của mình tự bỏ ra.
Dẫu biết rằng đây là cuộc chiến không cân sức, giống như trứng chọi với đá, nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc, bởi tôi tin rằng việc làm của chúng tôi là đúng và cần thiết cho đất nước VN. Tôi tin rằng có rất nhiều người Việt Nam yêu sự thật, chuộng tự do, đang âm thầm hay công khai ủng hộ chúng tôi. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thắng, dẫu trên con đường này còn nhiều chông gai trước mặt.
Xin hãy cầu nguyện cho hai anh em chúng tôi vượt qua thử thách này.
BTV -THÔNG BÁO TẠM NGƯNG PHẦN ĐIỂM TIN BA SÀM 22-3-2013
Kính cáo,
Do phải xử lý hậu quả của việc tin tặc đánh phá blog từ mấy ngày trước và hiện vẫn đang tìm mọi cách phá tiếp, nên chúng tôi quyết định tạm ngưng phần điểm tin hàng ngày trong một thời gian, chỉ đăng tải các bài viết, bài dịch, tài liệu hội thảo, tọa đàm … và đăng lại một số bài trên mạng.
Vậy mong quý độc giả hết sức cảm thông và xin hẹn sớm trở lại như trước.
-CUỘC TẤN CÔNG BÍ ẨN NHẰM VÀO MỘT BLOG VN (Defend the Defenders)
-David Brown - Cuộc tấn công bí ẩn vào một trang Blog Việt Nam
David Brown/Asia Sentinel
Lê Quốc Tuấn X CafeVN chuyển ngữ
Hai mươi tháng trước, tôi đã được tiếp cận bởi một thành viên của đội ngũ tạo nên trang blog Anh Ba Sam,một cội nguồn hàng đầu của Việt Nam về các "thông tin khác". Họ hỏi tôi có đổng ý cho họ đăng tải bản dịch tiếng Việt của một bài tin tôi viết về cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Biển Đông.
Tôi đồng ý, và từ đấy đã bắt đầu một mối quan hệ giúp cho những bài viết về Việt Nam đương đại của tôi được công đồng người Việt biết đến nhiều hơn là vài ngàn độc giả trên trang Asia Sentinel và các ấn phẩm trực tuyến khác trong khu vực.
Gần đây - Nói thẳng ra là tính đến 08 tháng 3 - đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trên blog Ba Sam về việc Hiến pháp Việt Nam cần phải được sửa đổi như thế nào. Thực chẳng có gì lạ ở đó, Quốc hội sẽ biểu quyết một văn bản hiến pháp mới vào mùa thu, trong một sự tham dự của người dân mà họ đã kêu gọi bày tỏ ý tưởng của mình.
Tin tưởng cơ quan lập pháp, các ý kiến đóng góp trên trang Anh Ba Sam nghiêng mạnh về hướng giải phóng các đảm bảo về quyền con người ra khỏi các hạn chế vì an ninh quốc gia của hiến pháp hiện hành. Ngoài ra còn có những ủng hộ đáng kể nhằm pha loãng độc quyền quyết định chính trị của Đảng Cộng sản và giải phóng các tòa án cùngphương tiện truyền thông chính thống ra khỏi sự bội thực của các hướng dẫn chính trị.
Những hoạt động ấy đã gần như bị chấm dứt vào cuối ngày 8 tháng Ba , khi trang blog Anh Ba Sam hoàn toàn bị đánh phá. Các bài phóng sự và bình luận trong nhiều năm trời đã bị xóa mất. Các tài khoản e-mail của đội ngũ biên tập trong blog cũng tổn thương. Cho đến nay, đội ngũ Anh Ba Sam vẫn chưa thể giành lại quyền kiểm soát trangwordpress.anhbasam.com. Tuy nhiên, đó là một thảm kịch có thể xoay sở sửa chữa được. Chỉ vài ngày sau, tất cả nội dung đã được hồi phục trên các máy chủ ở nước ngoài.
Thề nhưng, sau đó,vào ngày 13 tháng 3, các tin tặc lại tấn công một lần nữa và đăng tảitrên trang web một bài biện hộ, nội dung gom góp hình ảnh từ các email, tin nhắn... được gán cho là của một biên tập viên quản lý trang blog. Đấy là một hỗn hợp của hư thực, như tất cả các loại tuyên truyền có hiệu quả. Một độc giả ngây thơ có thể kết luận rằng đội ngũAnh Ba Sam thực tế là những kẻ phản bội và phản động nặng lòng thù hận, có trụ sở tại Hoa Kỳ và được xử dụng để lật đổ chế độ Hà Nội.
Đó là một sự phóng đại đáng kể. Chắc chắn họ là những nhà phê bình sắc bén của chế độ, nhưng ưu tiên hàng đầu của Anh Ba Sam chính là nhằm xuất bản một bản tóm tắtkhách quan các sự kiện đáng đưa tin và về Việt Nam. Gần như một hệ thống tin tức 24/7. Như có thể được mong đợi, trang blog đã đặc biệt giúp nhấn mạnh đến những câu chuyện mà các phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam giám sát không thể đưa tin. Các bài tin hàng ngày của trang blog đã thu hút chú ý của hơn 200.000 độc giả thường xuyên.
Bên cạnh đó, trang blog Anh Ba Sam đã xuất bản rất nhiều bài bình luận, xuất phát chủ yếu từ những học giả nổi tiếng , các nhà cựu cách mạng và các quan chức Việt Nam đã nghỉ hưu. Mỗi ba, bốn tuần, trang blog cũng đã xuất bản các bài tiểu luận của tôi về các vấn đề về quản trị môi trường, văn hóa, chính sách kinh tế thất bại, các động thái củaTrung Quốc nhằm xoay chuyển những khẳng định chủ quyền lố bịch của họ ở Biển đông thành sự thực và các nỗ lực dò dẫm để cải cách chính sách rộng đất, sửa chữa nền kinh tế khó khăn và viết lại hiến pháp của chế độ và đảng cầm quyền.
Việc đánh phá trang Anh Ba Sam đã va chạm đến tôi một cách cá nhân, trực tiếp và đóchính là lý do tại sao tôi là ngưòi đầu tiên viết về việc này. Chúng tôi đã có một mối quan hệ chuyên nghiệp và nghiêm túc . Đội ngũ Anh Ba Sam nghĩ rằng câu chuyện của tôi đáng được sự chú ý của độc giả Việt Nam. Và, khi đã hiểu được rằng chắc chắn bất cứ điều gì tôi viết khó có thể xuất hiện trong bản dịch ở một nơi nào đó trong thế giới blog Việt Nam, tôi đã yêu cầu rằng bất cứ điều thuộc về mình phải tối thiểu thê hiện đượcnhững gì tôi muốn. Thỏa thuận của chúng tôi là các nhà tình nguyện của Anh Ba Sam sẽ gửi bản dịch của họ cho tôi, và với sự giúp đỡ từ một người bản xứ đã đồng ý kết hôn với tôi cách đây 44 năm, tôi đã kiểm tra để biết là bản dịch đã được đúng với ý mình.
Trong tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành "hướng dẫn" cho phép công an mạng được theo dõi những blog đăng những tin "vu khống, bịa đặt, bóp méo sai sự thật "về các nhà lãnh đạo của đất nước. Vào thời điểm đó, ông Dũng đã chiến đấu để giữ được chức vụ của mình, và mệnh lệnh của ông đã được xem như một đòn trả miếng đối với sự ủng hộ các trang blog chống Dũng bẩn thỉu bên trọng nội bộ đảng.
Tuy nhiên, sáu tháng sau, ai đó đã triệt hạ một trang blog hay nhất của Việt Nam, một trang blog không có một động cơ cụ thể đối với Dũng. Đó là cả một hệ thống mà hàng ngày Anh Ba Sam nhắm tới chứ không phải chỉ một mình ông Dũng. Với an ninh chặt chẽ hơn và một URL khác, trang wordpress.anhbasam04.com đã được thiết lập lại, do đó, trò chơi mèo vờn chuột giữa cộng đồng nhà báo tự do Việt Nam và các cơ quan an ninh nội bộ đang tiếp tục diễn ra.
Hiển nhiên như cỏ dại trong vườn của tôi, báo chí tự do trực tuyến của Việt Nam có thể bị đánh phá lúc này lúc khác nhưng không thể bị loại trừ. Một số blogger đã thà bỏ nghề hơn là phải ở tù hoặc mất đi sinh kế của mình. Nhiều trang Blog khác nữa mọc lên thế chỗ của họ. Tuy nhiên, bất kể là công anh mạng có khôn ngoan đến đâu, mạng iternet vẫn cho phép giới bất đồng chính kiến vượt qua khả năng kiểm soát của họ. Trong thời đại internet, chế độ Hà Nội có thể thành công hơn nhờ các nhà phê bình mình thay vì cố gắng để ngăn chặn họ.
Ngu ồn: Asia Sentinel
-Mysterious Attack on a Vietnamese Blog
David Brown
-Round up the usual suspects...
Twenty months ago, I was approached by a member of the team that puts out the Anh Ba Sam blog, Vietnam's leading source of "alternative news." Would I mind, they asked, if they posted a Vietnamese translation of a story that I'd written on the deepening South China Sea crisis.
I agreed, and there began a relationship that has made my writings on contemporary Vietnam far better known to readers there and in the Vietnamese diaspora than to the several thousands who read me in Asia Sentinel and other regional online publications.
I agreed, and there began a relationship that has made my writings on contemporary Vietnam far better known to readers there and in the Vietnamese diaspora than to the several thousands who read me in Asia Sentinel and other regional online publications.
Lately -- up to March 8, anyway -- there has been a lively debate on the Ba Sam blog about how the Vietnamese Constitution ought to be revised. There's nothing strange there; the National Assembly is going to vote on a new text in the fall, and in anticipation it has called for the people to express their ideas.
Taking the legislature at its word, commentaries posted on Anh Ba Sam have tilted sharply toward freeing the current constitution's guarantees of human rights from a host of eviscerating national security-based limitations. There's also been considerable support for diluting the Communist Party's monopoly of political decision-making and freeing the courts and the mainstream media from a surfeit of political instruction.
That nearly ended on March 8, when the Ba Sam blog was thoroughly hacked. Several years' reportage and commentary were deleted. The e-mail accounts of the blog's editorial team were also compromised. The Ba Sam team has so far been unable to regain control of wordpress.anhbasam.com. That's a manageable tragedy, however. All but a few days' content was backed up on offshore servers.
Then, however, on March 13, the hackers struck again, posting on the website an apologia attributed to the blog's managing editor, cobbled together from e-mailed messages and photos. Like all effective propaganda, it was a mixture of fact and fiction. A naive reader might conclude that the Anh Ba Sam team are in fact renegades and grudge-bearing reactionaries based in the United States and dedicated to the overthrow of the Hanoi regime.
That's a considerable exaggeration. They are trenchant critics of the regime, for sure, but Anh Ba Sam's first priority has been to publish an objective summary of newsworthy events in and about Vietnam. It's up with the news 24/7. As might be expected, the blog has given particular emphasis to the stories that Vietnam's state-supervised media has been unable to report. Its daily digest is the hook that has caught the attention of 100,000-plus regular readers.
Additionally, the Anh Ba Sam blog has published a great deal of commentary, mostly by a distinguished stable of Vietnamese academics, old revolutionaries and retired officials. And it also has published my essays every three or four weeks on problems of environmental governance, media culture, economic policy gone awry, China's moves to turn its farcical South China Sea claim into fact, and the fumbling efforts of the regime and ruling party to reform land policy, right a faltering economy and rewrite the nation's constitution.
The hacking of Anh Ba Sam got to me directly and personally, and that's why I'm writing this in first-person. We've had a seriously professional relationship. The Ba Sam team thought my stories were worth the attention of its Vietnamese readers. And, having learned that whatever I wrote was inevitably going to appear in translation somewhere in the Vietnamese blogosphere, I wanted whatever that was attributed to me at least to be what I meant to say. Our arrangement was that Ba Sam volunteers would send their translations to me, and with help from the native speaker who consented to marry me 44 years ago, I'd check that they'd got it right.
In September 2012, Prime Minister Nguyen Tan Dung issued "guidance" that authorized Vietnamese cyberpolice to go after blogs that posted "slanderous, fabricated, distorted and false" reports on the nation's leaders. At the time, Dung was fighting to keep his job, and it was tempting to regard his order simply as a riposte to intra-party rivals' sponsorship of scurrilous anti-Dung blogs.
Six months later, however, someone has taken down Vietnam's best blog, one that had no particular animus for Dung. It was the system that Anh Ba Sam subjected to daily, withering scrutiny, not Dung himself. With tighter security and another URL, wordpress.anhbasam04.com, it is being reconstituted, and so the cat-and-mouse game between Vietnam's community of free journalists and its internal security agencies goes on.
What's evident is that like the weeds in my garden, Vietnam's free online press can be clobbered from time to time but not eliminated. Some bloggers simply give up rather than serve time in prison or lose their livelihoods. Many more blogs spring up to take their place. No matter how sophisticated the Vietnamese cybercops become, however, Internet-enabled dissent is beyond their ability to control. In the internet era, the Hanoi regime might have better success reasoning with its critics rather than trying to suppress them.
(David Brown is a retired US diplomat with extensive experience in Vietnam and a regular contributor to Asia Sentinel.)
18/03/2013 anhbasam04 bị hack nhưng đã chiếm lại được .
Ban Biên Tập No Firewall2013/03/14
Tình trạng các trang dân báo bị tin tặc hack vào và chiếm đoạt càng ngày trở thành mối lo âu cho nhiều blogger.Nạn nhân mới đây là trang blog Ba Sàm (anhbasam.wordpress.com).
BBT No Firewall trò chuyện với chuyên gia an ninh mạng, anh Châu Nguyên An để thảo luận những kinh nghiệm cần rút tỉa. Xin nhắc lại là Blog No Firewall được thành lập với mục tiêu cổ võ tự do internet. Chúng tôi thường xuyên tư vấn giới blogger hoặc trong một số trường hợp giới thiệu các blogger đến chuyên viên an toàn mạng để được tư vấn riêng. Mọi liên lạc xin gửi về lienlac@nofirewall.net .
NFW: Xin anh cho biết tin tặc đã hack vào blog Ba Sàm như thế nào? Và làm cách nào tin tặc vẫn tiếp tục chiếm đoạt các trang blog mới?
CNA: Theo tôi thì tin tặc hack vào máy của một biên tập viên (BTV) blog Ba Sàm. Rồi từ đó đánh cắp được login/mật khẩu vào blog Ba Sàm. Tài khoản này lại là tài khoản loại admin cho nên tin tặc cướp lấy quyền kiểm soát blog luôn.
Sau đó các trang blog mới cũng bị tin tặc chiếm lấy….
Theo tôi dự đoán thì hoặc là máy của BTV đó chưa được quét dọn sạch cho nên tin tặc vẫn còn đó và tiếp tục lấy được login/mật khẩu mới của trang blog mới.
Vì bên phía blog Ba Sàm chưa lên tiếng cho nên chúng ta chỉ có thể đoán chừng thôi.
NFW: Anh nói “tài khoản admin” là admin của blog phải không?
CNA: Vâng đúng vậỵ. WordPress cho phép có nhiều người đóng góp vào một trang blog với nhiều vai trò khác nhau. Có 3 vai trò căn bản:
* Admin: toàn quyền kiểm soát
* Editor: toàn quyền đăng, sửa bài
* Author: chỉ được phép đăng và sửa bài của mình
* Editor: toàn quyền đăng, sửa bài
* Author: chỉ được phép đăng và sửa bài của mình
Nếu tin tặc lấy được login/mật khẩu của tài khoản loại Editor thì chúng chỉ có thể xóa một số bài chứ không cướp lấy được quyền kiểm soát trang blog.
NFW: Có người khuyên anh Nguyễn Hữu Vinh, chủ nhân Blog Ba Sàm nên dùng Blogspot, an toàn hơn WordPress. Điều này có chính xác không?
CNA: Điều đó đúng, vì Blogspot (của Google) cho phép sử dụng khóa 2-chìa hay còn gọi là khoá đôi, login 2-bước, 2-step authentication, trong khi WordPress thì chưa có chức năng đó.
Giả sử như trong sự cố vừa rồi, tin tặc có hack vào được máy của BTV và đánh cắp được login/mật khẩu, nhưng chúng cũng không thể vào được trang blog vì thiếu mã số thứ nhì.
NFW: Nhưng theo anh Nguyễn Hữu Vinh nói trong phỏng vấn với RFI thì Blogspot không bằng WordPress về mặt design. Vấn đề đó anh đề nghị giải quyết ra sao?
CNA: Về mặt đó thì tôi thông cảm với anh Vinh. Thành thật mà nói thì WordPress user-friendly hơn Blogspot. Nhiều người sử dụng thấy thoải mái hơn với giao diện sử dụng của WordPress. Nếu yếu tố an ninh không phải là điều quan trọng thì đúng là dùng WordPress thoải mái hơn. Nhưng vì lý do an ninh thì nên dùng Blogspot. Chưa kể Blogspot còn có khả năng chống DDoS.
NFW: Nếu độc giả NFW đã lỡ vào các trang blog bị hack, thì xác suất bị dính mã độc có cao không?
CNA: Tùy tin tặc đã làm gì với các trang blog/web đó. Với trang web thì tin tặc toàn quyền cài đặt bất cứ thứ gì họ muốn. Với trang blog thì bị giới hạn hơn, tin tặc chỉ có thể cài một số phần bổ trợ (plug-in, add-on) của trang blog đó. Chưa kể là tin tặc có gài những đường dẫn (links) nào để mời dụ người xem bấm vào đó đi qua chỗ nào khác không.
Đó là về phần của tin tặc, còn về phần của người xem thì tùy theo máy họ dùng, trình duyệt dùng, các chức năng an toàn có được mở lên không, v.v… Tùy người xem có tò mò bấm này kia, tải gì xuống từ trên các trang web mà tin tặc làm chủ ….
Tôi trình bày chi tiết như thế để không có câu trả lời quá đơn giản là có hay không, khiến cho độc giả lo ngại quá mức.
Một quy luật an toàn là nếu nghi ngờ trang web/blog nào bị hack thì tốt nhất là tránh né đi.
NFW. Cám ơn anh Châu Nguyên An.
http://www.nofirewall.blogspot.com/2013/03/rut-tia-kinh-nghiem-tu-vu-blog-ba-sam.html
***********
TIN THỨ SÁU, 15-3-2013
Đôi lời: Trước tiên xin được gửi lời cảm ơn tới tất cả các độc giả thân yêu trong mấy ngày qua đã rất lo lắng, bất bình trước cảnh blog Ba Sàm vừa bị cướp phá, lại còn bị tin tặc đưa tin bài bịa đặt bôi nhọ. Cảm ơn các chủ trang web, blog bạn hữu đã góp phần loan tin và lên tiếng ủng hộ, các đài nước ngoài đã thực hiện các cuộc phỏng vấn chúng tôi góp phần làm rõ vụ việc này.
Do còn những khó khăn trong khâu quản trị và bảo đảm an toàn, nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới chất lượng tin bài. Mong quý độc giả thông cảm.
Do không yên tâm về sự an toàn của tranganhbasamnew.wordpress.com , nên chúng tôi chuyển sang tranganhbasam04.wordpress.com này, trang cũ vẫn giữ để loan báo cho độc giả biết.
Ba Sàm
***********
Co Luu
-14-03-2013
Kính thưa quý vị:
Qua một bài viết không có chủ đề đăng đồng thời trên blog anhbasamvn và blog
Vietsuky vào ngày 13-03-2013 ( sau khi 2 blogs này bị "tin tặc" cướp quyền kiểm soát từ 08-03-13 đến 10-03-13) , những người làm báo mạng chân chính như quý vị có những nhận xét gì về bọn "tin tặc" này?
Theo tôi , bọn "tin tặc" này dựng lên nhân vật ảo "BTV 'không tên' Đinh Ngọc Thu " kèm theo nhiều bức hình có cờ vàng, nêu tên đảng Việt tân, moi móc chuyện đời tư trong gia đình blogger, úp mở về nguồn tài trợ để điều hành blog nhằm chụp mũ đê tiện rằng blog anhbasam gián tiếp bị chi phối bởi RFA và Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, xem như blog đó là "thế lực thù địch" hoạt động đẩy mạnh "diễn biến hòa bình" và "tự diễn biến ".
Thêm vào đó, để thực hiện mưu đồ bịt miệng các blogger lề dân có số đông cư dân mạng truy cập như bọn này đã nêu ra các bloggers : Mai Thanh Hải , Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Giang (BBC), Lê Quỳnh (BBC), Thụy My (RFI), Zhong Chun (người Hoa quy hồi), Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập), Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), Bùi Minh Hằng, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Nguyễn Tường Thụy; Trần Văn Minh ,Trương Huy San (Osin Huy Đức), Trần Văn (RFA), Thanh Trúc (RFA), Đoàn Phú Hòa (Cộng hòa Czech,....
Bọn "tin tặc" này còn gán địa chỉ "biệt thự 19471 Highrige Way..." ở thành phố này với số điện thoại di động (949) 295-5752 tại thành phố khác như hai screenshot về "biệt thự" và "số điện thoại" của " Đinh Ngọc Thu " mà bọn đó ghi trong bài viết !!!
"Biệt thự" của " Đinh Ngọc Thu "
Số điện thoại" của " Đinh Ngọc Thu " ?
( Mời quý vị đọc thêm bài dưới đây trên BBC Vietnews để thấy " Việt nam dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản giãy chết " theo Nguyễn Thị Doan )
Subject: Dân và Đảng ở Việt Nam sợ lẫn nhau?
************
-BA SÀM THÔNG BÁO
14-3-2013
Thông báo: Cho đến nay hacker vẫn tiếp tục tấn công chúng tôi và sử dụng các blog này nhằm gây nhiễu và lũng đoạn thông tin. (Nhiều thông tin do hacker ngụy tạo). Mong độc giả tỉnh táo.
Chúng tôi đã đề nghị FBI điều tra. Chúng tôi sẽ cố gắng loại trừ sự kiểm soát của hacker để blog Ba Sàm có thể trở hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.
***************
Hacker vẫn kiểm soát hoàn toàn trang Basam RFA -Trang điểm tin Basam một lần nữa bị tấn công và chiếm giữ tên miền trong nhiều ngày qua bất kể nỗ lực phục hồi của những người điều hành trang mạng nổi tiếng này.
THÔNG BÁO KHẨN CẤP
Thưa quý vị độc giả xa gần,
Vào lúc 13h35 chiều hôm nay, 13.3.2013, trang Ba Sàm, tại địa chỉ:
anhbasamvn.wordpress.com
đã bị tin tặc chiếm đoạt và cướp quyền điều khiển.
Vào lúc 13h35 chiều hôm nay, 13.3.2013, trang Ba Sàm, tại địa chỉ:
anhbasamvn.wordpress.com
đã bị tin tặc chiếm đoạt và cướp quyền điều khiển.
Tin tặc đưa tin bài nhiều hình ảnh xuyên tạc đánh lừa bạn đọc.
Những người điều hành trang Ba Sàm khẩn cấp thông báo cùng bạn đọc và cảnh báo mọi người cùng cảnh giác trước hành động đáng lên án này.
14h50, ANH BA SÀM THÔNG BÁO
Mời độc giả ghé thăm ngôi nhà vừa mới dựng, tại:
anhbasamnew.wordpress.com
Mời độc giả ghé thăm ngôi nhà vừa mới dựng, tại:
anhbasamnew.wordpress.com
TRÂN TRỌNG KÍNH BÁO!
Sao phải tự khai dzậy !
-
Trước hết, xin cám ơn quý độc giả đã chia sẻ tình cảm, sự quan tâm và những lo lắng về việc Anh Ba Sàm bị hack. Nhân tiện, trước sự lỡ lời của anh Huy Đức khi tiết lộ giới tính của tôi, tôi xin kính cáo cùng độc giả về công việc điều hành Anh Ba Sàm, đội ngũ cộng tác và đôi chút về cá nhân để hầu độc giả:
1. Nhóm điều hành blog “Anh Ba Sàm”
Hiện nay, ngoài tôi là BTV chính (xin tự thuật trong phần sau), anh Nguyễn Hữu Vinh lo việc chỉ đạo biên tập “Anh Ba Sàm” đồng thời điều hành “Việt Sử Ký” và luân phiên với tôi quản trị blog, kiểm duyệt comment (không để thành phần “phản cách mệnh” bay vào comment bậy bạ).
Anh Nguyễn Hữu Vinh độc giả chắc cũng không xa lạ gì, nhưng tôi xin nói rõ thêm về anh để mọi người có thể cảm thông, thấu hiểu một con người luôn đau đáu vì thời cuộc. Anh Vinh sinh ngày 15/09/1956, là con út (anh cả Nguyễn Hữu Dũng, anh trai Nguyễn Hữu Thọ, chị gái Nguyễn Thị Hữu Thiện) trong một gia đình có truyền thống cách mạng (cụ Nguyễn Hữu Khiếu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô). Sau khi “ra khỏi” công an, anh đã lập công ty thám tử VPI (công ty thám tử tư đầu tiên tại Việt Nam) tại nhà riêng (địa chỉ Nhà 5/2/4D Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội) nhằm “giúp đỡ các cặp vợ chồng bảo vệ hạnh phúc gia đình”. Năm 1998, sau những tranh chấp gay cấn giữa các thành viên trong gia đình, cuối cùng anh và chị Lê Thị Minh Hà (vợ anh) giành được quyền hưởng thừa kế căn biệt thự Nhà 2, A4, Khu biệt thự Trung Tự, Hà Nội. Cũng từ việc điều hành công ty thám tử VPI, anh đã li thân rồi li dỵ vào cuối năm 2010 và “nhường” cho vợ quyền nuôi 2 con (Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Hữu Phúc). Nay thì anh đang tự do, phóng túng và toàn thân, toàn tâm toàn ý cho việc lãnh đạo blog Anh Ba Sàm và điều hành blog Việt Sử
Để duy trì một blog điểm tin với lượng tin bài khổng lồ, online 24/24, chỉ tôi và anh Hữu Vinh quả thật là không đủ, tôi đã đề nghị anh Vinh thuê thêm 2 em gái xinh tươi là Nguyễn Minh Thúy và Mai An Bình dưới danh nghĩa nhân viên của Văn phòng Thám tử VPI để phụ trách điểm tin hàng ngày.
Bằng các kết giao ngoài đời, anh Vinh cũng đã kết nạp được một lực lượng phóng viên vỉa hè, thường xuyên bám theo các tuyến phố đông người tụ tập và các điểm nóng để chụp ảnh, quay phim, tích cực nhất trong số này có thể kể như các anh Mai Thanh Hải (Tạp chí Thương mại Thủy sản), Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Giang (BBC), Lê Quỳnh (BBC), Thụy My (RFI), Zhong Chun (người Hoa quy hồi), Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập), Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), Bùi Minh Hằng, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Nguyễn Tường Thụy… Riêng tôi cũng có một đội ngũ phụ giúp việc điểm tin tại Mỹ và một số nước như các anh Trần Văn Minh (714-398-9641), Trương Huy San (Osin Huy Đức), Trần Văn (RFA), Thanh Trúc (RFA), Đoàn Phú Hòa (Cộng hòa Czech, (+420) 774 520 816)… tiện thể nhắc đến Huy Đức, kính báo độc giả Đông Âu tin vui, khoảng tháng 08/2013, anh Huy Đức sẽ có chuyến đi các nước Czech, Đức, Ba Lan để tổ chức hội thảo, thuyết trình về sách “Bên Thắng Cuộc”. Đây sẽ là chương trình hội thảo lớn nhất tại Czech trong năm 2013 do đó cần phải đăng ký trước, đề nghị cộng đồng người Việt tại Czech chuyển tiền cho anh Đoàn Phú Hòa để đăng ký và mua vé.
Độc giả hay viết mail hỏi tôi và anh Vinh thắc mắc về việc chúng tôi dành hết thời gian cho Anh Ba Sàm vậy nguồn tài chính ở đâu và đánh tiếng muốn trợ giúp. Điều này xin độc giả cho phép chúng tôi được giữ bí mật, độc giả chỉ biết chúng tôi là một đội ngũ “phi lợi nhuận, hít khí trời” để phục vụ miễn phí cho độc giả 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
2. Vài nét về Tôi – BTV “Không tên”
Trên internet,Huy Đức lỡ tiết lộ tôi là nữ, khiến độc giả xôn xao bình luận, để giải đáp thắc mắc này, tôi xin tự giới thiệu đầy đủ hơn để độc giả biết rõ thêm và lỡ gặp ngoài đường còn có cơ hội nhận hoa, quà của độc giả.
Tôi – Biên tập viên “Không tên” tên thật là Đinh Ngọc Thu, sinh năm 1970 (Canh Tuất). Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sài Gòn (Tháng 08/1996). Được gia đình tạo điều kiện thực hiện giấc mơ Mỹ và tôi đã không phụ lòng cha mẹ khi kiếm được anh chồng Mỹ và nhập quốc tịch US-Citizen đồng thời tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng: Palomar – San Marcos (Tháng 08/2003) và California State University San Marcos (Tháng 12/2006).
Hiện tôi và gia đình đang cư ngụ tại biệt thự số 19471 Highridge Way, Trabuco Canyon, CA 92679, US. Điện thoại: (949) 295-5752. Email:notknowmyname@gmail.com. Từ năm 2005, tôi làm Quản lý văn phòng và sau đó đảm nhận chức danh Chuyên viên kỹ thuật máy tính của công ty Ergodic Systems Inc., Quận Cam.
Năm 2010, tôi vinh dự được tuyển vào Đài Châu Á Tự do – RFA với chức danh thông tín viên (bút danh Ngọc Trân) và đóng góp hàng trăm bài viết, bài dịch lên án chính quyền Việt Nam và Đảng Cộng sản, các bài viết được độc giả đánh giá cao.
Ngoài ra tôi còn cộng tác với Tuần Việt Nam (Vietnamnet của anh Nguyễn Anh Tuấn với bút danh Ngọc Thu) với nhiều bài viết về Biển Đông, xã hội dân sự được anh Tuấn đánh giá rất cao (hiện tôi thường xuyên làm việc cùng anh tại Mỹ).
Về công tác cộng đồng, tôi tham gia công tác thiện nguyện tại Trường Việt Ngữ Thánh Linh, Trường Việt Ngữ Saddleback để dạy cho các cháu bé người Việt xa xứ hiểu đúng về ngôn ngữ, đất nước Việt Nam và chế độ cộng sản.
Tôi thường xuyên tham gia, dẫn đầu các đợt biểu tình do Cộng đồng người Việt tỵ nạn và Việt Tân tổ chức để lên án chế độ Cộng sản Việt Nam, tác động chính quyền Mỹ phải có những sách lược thích hợp, ngừng viện trợ cho Việt Nam, kêu gọi đồng bào hải ngoại kiên quyết không gửi tiền về nước.
Trước cờ vàng 3 sọc, tôi xin thề mọi thông tin trên là sự thật, độc giả có thể liên lạc trực tiếp với tôi thông qua email (notknowmyname@gmail.com) hoặc điện thoại +1 (949) 295-5752.
BTV “Không tên” Đinh Ngọc Thu
--Kính cáo
10-03-2013
Sau khi 3 blog của Ba Sàm bị hack, chúng tôi tạm mở blog Ba Sàm tại địa chỉ này: http://anhbasamvn.wordpress.com/
Trước hết, xin cám ơn quý độc giả đã chia sẻ tình cảm, sự quan tâm và những lo lắng về bài vở trên blog cũ bị mất. Nhân tiện, xin thưa cùng bà con rằng, dữ liệu trong blog cũ, BTV đã backup gần như đầy đủ, riêng hai tháng qua, vì quá bận bịu nên chỉ backup được một phần. Sau khi đòi được “nhà cũ” chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên để hầu độc giả.
Tôi (BTV) hiện là người duy nhất điều hành blog Ba Sàm ngoài anh Nguyễn Hữu Vinh (được biết với tên Ba Sàm) trước đây điều hành blog này. Về chuyện blog bị hack, tôi tin rằng, một trong những mục đích mà những kẻ đứng đằng sau hacker nhắm vào là tôi. Ngoài việc hack blog Ba Sàm, chúng còn chiếm một số mailbox của tôi. Theo các thông tin mà tôi có, chúng muốn biết tôi là ai? Làm gì? Ở đâu? Có từng làm báo ở Việt Nam hay không? Có dính dáng tới các tổ chức, đảng phái ở hải ngoại hay không? Có nhận tiền của ai đó để làm việc này hay không? Bây giờ, sau khi đọc các email mà tôi trao đổi với bạn bè và người thân, tôi tin, chúng đã biết rõ tôi là ai.
Như tôi đã từng thưa trước đây trên blog Ba Sàm, cũng như trong profile trên facebook, tôi bắt đầu giúp anh Nguyễn Hữu Vinh từ tháng 8 năm 2009. Thời gian đầu tôi chỉ hỗ trợ bằng cách dịch các bài đáng chú ý từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thỉnh thoảng có giúp điểm một ít tin. Đến khi xảy ra sự cố tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, blog Ba Sàm bị hack lần thứ 2 vào tháng 6 năm 2011, tôi đã quyết định bỏ tất cả các công việc đang làm (được trả lương cũng như thiện nguyện) để phụ giúp anh Vinh điều hành blog Ba Sàm.
Sau khi blog Ba Sàm và một số mailbox cá nhân của tôi bị hack, trên Internet bắt đầu xuất hiện những thông tin mang tính bịa đặt, nhằm gây nhiễu dư luận, cũng vì vậy, qua thư ngỏ này, tôi xin khẳng định, tôi không liên quan tới bất kỳ tổ chức, đảng phái nào. Tôi cũng không hề nhận tiền của bất cứ cá nhân, tổ chức nào để làm blog Ba Sàm dù trong gần hai năm qua, ngày nào tôi cũng phải dành khoảng 15-18 tiếng cho blog Ba Sàm. Sở dĩ tôi dành hết thời gian, công sức cho blog Ba Sàm vì tôi tin rằng, thông tin đủ và đúng sẽ giúp người ta hiểu họ có những quyền nào, hiện tình xứ sở ra sao và cần làm những gì cho chính mình cũng như cho tương lai dân tộc của mình.
Thực tế cho thấy, khi đã làm những công việc có liên quan đến nhiều người khác, chẳng ai có thể giấu diếm được bất kỳ điều gì. Nếu có khuất tất, gian dối, trước sau chúng cũng sẽ bị bạch hóa. Có thể xem “Bên thắng cuộc” là một ví dụ. Nếu vừa qua, phải mất gần 40 năm, những “bí mật cung đình” trong nhiều giai đoạn của lịch sử Việt Nam mới được bạch hóa thì hiện nay, với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, tôi tin rằng, chúng ta sẽ chỉ phải chờ thêm một vài năm để biết một cách tường tận về những chiêu, trò bẩn thỉu, gieo rắc hoang mang, ly gián, nhằm cản trở những chuyển đổi tích cực đã bắt đầu trên xứ sở của chúng ta.
Xin hãy kiên nhẫn và cùng góp sức.
BTV
TIN GIỜ CHÓT : 10/3 : xem tại http://anhbasamvn.wordpress.com/2013/03/10/tin-chu-nhat-10-03-2013/
Trong ngày 8.3, trang vietsuky này cũng đã bị phá, . Tuy nhiên, bản tin thứ bảy 9.3.2013 của trang này có thể xem được tại địa chỉ : http://basam5.wordpress.com/2013/03/09/tin-thu-bay-09-03-2012/