Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Trận đánh quyết định

Lữ Giang


Đầu năm 1975, khi quyết định mở trận đánh Ban Mê Thuột, Đảng CSVN có lẽ không ngờ đó là trật đánh quyết định số phận của miền Nam Việt Nam, thế mà chỉ 40 ngày sau, miền Nam đã mất! Rất nhiều người đã sửng sốt về chuyện này, kể cả các viên chức quân sự cao cấp của miền Nam Việt Nam.

Nhìn lại diễn biến của những ngày sau cùng trước khi miền Nam bị mất, chúng ta sẽ thấy do nhiều quyềt định sai lầm và liên tiếp của Tổng Thống Thiệu, một người yếu kém cả về quân sự lẫn chính trị nhưng lại rất độc đoán, nên đã bị Hoa Kỳ đưa vào tình thế phải chấm dứt cuộc chiến một cách nghiệt ngã và nhanh chóng. Hôm nay chúng tôi xin ghi lại một lần nữa về sự thất trận kỳ lạ ở Ban Mê Thuột. Trong bài tiếp theo, dựa vào các tài liệu được tiết lộ, chúng tôi sẽ nói đến đòn cân não Hoa Kỳ đã xử dụng để đưa Tổng Tống Thiệu tới quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên, làm mất cả miền Nam.




KẾ HỌACH CỦA CỘNG QUÂN
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiếm Ban Mê Thuột, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nhật báo Nhân Dân của Đảng CSVN số ra ngày 10.3.1975, Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư Lệnh Mặt Trận Tây Nguyên, đã nói rằng sở dĩ Buôn Ma Thuột được lựa chọn vì đây là điểm mà lực lượng miền Nam Việt Nam ít chú ý hơn, có nhiều sơ hở và thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động. Hơn nữa, miền Nam Việt Nam và cả các cố vấn Mỹ vẫn tin rằng miền Bắc chưa đủ sức đưa quân vào Buôn Ma Thuột vào thời điểm đó.
Khi được đài BBC phỏng vấn, Tướng Thảo trả lời còn tệ hơn, ông chỉ lặp lại những luận điệu bố lếu bố láo cũ đã lỗi thời khiến người nghe phải bực mình, nên chẳng cho biết thêm được gì. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Tướng Hoàng Minh Thảo là cấp thừa hành, chỉ đâu đánh đó, có trình độ văn hóa thấp và chỉ có tầm nhìn chiến thuật, nên không thể biết được kế hoạch của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương ở Hà Nội như thế nào.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, muốn chiếm miền Nam một cách nhanh chóng, kế hoạch của Hà Nội là phải đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của miền Nam, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn thực hiện điều dó, Tướng Văn Tiến Dũng cho biết Hà Nội đã quyết định cho làm lại con đường Đông Trường Sơn, tức quốc lộ 14, bắt đầu từ Khe Hó ở Quảng Trị, xuống tận Tà Thiết ở Bình Long, tức vùng Chiến Khu Đ. Công trình này đã được khởi sự từ năm 1973, xử dụng khoảng 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong. Khi làm con đường này, có hai cái chốt phải nhổ mới có thể khai thông được, đó là Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng và Đức Lập, ở phía tây Ban Mê Thuột.
Trong cuốn Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm Tướng Trần Văn Trà cho biết vào tháng 10 năm 1974, ông và Phạm Hùng ra Bắc họp, Bộ Chính Trị đã ra lệnh tại Nam Tây Nguyên phải mở hành lang chiến lược đoạn Đức Lập cho thông suốtNăm 1976 sẽ bắt đầu đánh lớn.

Tại sao phải chiếm Đức Lập?
Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức, một tỉnh nằm ở phía nam Ban Mê Thuột và sát vùng ngã ba biên giới Việt – Miên- Lào. Năm 1910, một người Pháp tên là Henri Maitre đi thám hiểm vùng Tây nguyên đã khám phá ra vùng ba biên giới này. Nhưng khi người Pháp đến lập các căn cứ tại đây thì bị người Thượng chống trả rất quyết liệt. Năm 1932, Đại Úy Mallard từ Bandon thuộc tỉnh Darlac, đã theo sông Dak Dam đi lên và khám phá ra vùng DAKMIL nằm sát vùng Tam Biên là nơi có đất rất tốt, nên xin bình định và lập một đồn tại đây để kiểm soát và khai thác. Sau đó, Pháp đã cho làm một liên tỉnh lộ nối liền Bandon với Darmil dài 55 cây số và đặt tên là Liên tỉnh lộ 6. Vùng Dakmil là quận Đức Lập sau này.
Quốc lộ 14, sau khi chạy qua Ban Mê Thuột, đã đi vào Đức Lập rồi chia thành hai nhánh, một nhánh đi thẳng qua Phước Long và Bình Long, nối liền với đầu quốc lộ 13, một nhánh đi về Gia Nghĩa rồi quẹo qua Kiến Đức, vào Phước Long và gọi là quốc lộ 14B.
Năm 1959, khi các hoạt động của Cộng quân gia tăng ở vùng Cao Nguyên và Chiến Khu Đ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức để kiểm soát vùng Tam Biên và chặn đường đi xuống Chiến Khu Đ của Cộng quân. Tỉnh này gồm 3 quận là Kiến Đức, Khiêm Đức và Đức Lập. Tỉnh lỵ đặt tại Gia Nghĩa.


Tại sao phải chiếm chốt Thượng Đức?
Để khai thông Thường Đức ở Tây Nam Đà Nẵng, trong hai tháng 7 và 8 năm 1974, Cộng quân đã huy động gần 3 sư đoàn thiện chiến để thanh toán cái chốt này. Yếu kém vế quân sự, Tướng Trưởng quyết định chỉ cho  Tiểu Đoàn 79 BĐQ giữ Thương mà thôi vì cho rằng điểm đó không có gì quan trọng. Nhưng sau khi Thường Đức bị mất, Tổng Thiệu và cơ quan DAO ra lệnh phải chiếm lại bằng mọi giá, Tướng Tưởng mới ra lệnh cho Sư Đoàn Đù tài chiến Thường Đức.
Ngày 19.9.1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo đã chiếm được đỉnh 1062. Ngày 2.10.1974, Tiểu đoàn 2 và Thiểu Đoàn 9 Nhảy Dù mở cuộc lục soát ở khu vực quanh đồi 1062 và dãy Sơn Gà, khám phá ra khoảng 300 xác địch và bắt sống được 7 tù binh thuộc Sư Đoàn 304. Một tuần sau, Sư Đoàn 304 lại mở cuộc tấn công tái chiếm đỉnh 1062. Nhưng nhờ pháo binh và phi cơ yểm trợ, các đơn vị Dù vẫn giữ vững đồi 1062.
Ngày 19.9.1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo đã chiếm được đỉnh 1062. Ngày 2.10.1974, Tiểu đoàn 2 và Thiểu Đoàn 9 Nhảy Dù mở cuộc lục soát ở khu vực quanh đồi 1062 và dãy Sơn Gà, khám phá ra khoảng 300 xác địch và bắt sống được 7 tù binh thuộc Sư Đoàn 304. Một tuần sau, Sư Đoàn 304 lại mở cuộc tấn công tái chiếm đỉnh 1062. Nhưng nhờ pháo binh và phi cơ yểm trợ, các đơn vị Dù vẫn giữ vững đồi 1062.
Trận chiến tiếp  tục kể ngày 18.7.1974 đến ngày 11.11.1974 đã đem lại những kết quả nghiệm trọng như sau như sau:
Về nhân mạng: Theo sự ước tính của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, khoảng 2000 Cộng quân đã bị thiệt mạng và 5000 bị thương. Về phía VNCH, Tiểu Đoàn 79 BĐQ không còn nữa. Lực lược Nhảy Dũ cả chết lẫn bị thương gần đến 50, tức mất một nữa quân số!
Về lãnh thổ: Lực Lượng Nhảy Dù đã chiếm lại được đồi 1062 ở phía đông Thường Đức, nhưng không tái chiếm được quận lỵ Thường Đức, nơi có được 14 đi qua.
Cộng quân làm khúc đường 14 từ Quảng Nam đến Phước Long ở cả hai chiều cùng một lúc, một chiều từ Phước Long đi lên Quảng Đức và một chiều từ Quảng Nam đi vào. Tại khúc Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột, Quân Lực VNCH đang trần đóng trên quốc lộ 14, nên Cộng quân phải làm con đường thứ hai đi vòng sau Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột để vào Quảng Đức và đặt tên là Quốc lộ 14A. Khi tới Đức Lập, con đường bị kẹt ở đây nên Cộng quân phải thanh toán Đức Lập bằng mọi giá. Tuy nhiên, chiếm xong Đức Lập mà muốn giữ vững cái chốt này, phải chiếm luôn Ban Mê Thuột vì từ Ban Mê Thuộc, quân lực VNCH có thể đánh chiếm lại.
Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của tỉnh Darlac, có độ cao khoảng 536 thước và cách Sài Gòn 353 cây số. Vùng đất này ngày xưa thuộc sắc tộc Rhadé Kpa, do tù trưởng Ama Y Thuột cai quản (có sách viết là Maya Thuột). Theo truyền tụng, trước đây Ban Mê Thuột được gọi là Buôn Ma Thuột, vì theo thổ ngữ của sắc tộc Rdadé, Buôn có nghĩa là làng hay ấp, Ma là ông, còn Thuột là tên riêng. Buôn Ma Thuột là làng của ông Thuột. Năm 1923 tỉnh Darlac được thành lập và đặt dưới quyền cai trị của Công Sứ Sabatier. Đây là một vùng đất phì nhiêu và là cửa ngỏ quan trọng của đường giao thông từ Tây Nguyên xuống Nam Phần.

KHÔNG NHẬN RA KẾ HOẠCH CỦA ĐỊCH
Như chúng tôi đã trình bày trong số ra ngày 1.4.1975, trong cuộc họp vào đầu tháng 10 năm 1974 tại Dinh Độc Lập, Tướng Phạm Văn Phú đã nhận định: “Đối phương có thể đẩy nỗ lực chính vào việc đánh mạnh Kontum – Pleiku, cắt đường 14, đường 19 (nối Quy Nhơn với Pleiku).”
Ông không tiên đoán được Cộng quân sẽ đánh Đức Lập và Ban Mê Thuột để khai thông đường Đông Trường Sơn. Cộng quân không hề định đánh Kontum hay Pleiku như ông đoán.
Tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng không nắm vững chiến lược và chiến thuật của địch nên đã nhận định rất vu vơ: Có thể Cộng Sản sẽ mở tiến công trong Đông – Xuân, quy mô lớn hơn 1972, kéo dài cả năm. Mục tiêu chung nhằm đánh phá bình định và diệt nguồn sinh lực của ta. Có thể Cộng Sản đánh chiếm Quảng Trị trên cơ sở cô lập Huế – Đà Nẵng. Lấy Kontum để áp lực Bắc Bình Định, lấy Tây Ninh làm thủ đô và ung thối đồng bằng sông Cửu Long.” Rõ rằng Tướng Thiệu không hiểu gì về chiến lược và chiến thật dủa địch.
Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, đã báo cáo rằng theo không ảnh, Cộng quân đã khai thông được đường Đông Trường Sơn và hệ thống ống dẫn dầu đã phát triển tới tây bắc Bến Giằng (tức Thường Đức, Quảng Nam). Nhưng chẳng ai thèm để ý.

TIN TỨC TÌNH BÁO DỒN DẬP
Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn 2, kể lại rằng nhờ hệ thống truyền tin điện tử, Quân Đoàn 2 VNCH đã mở được hầu hết các khóa mật mã của Cộng Quân đánh đi. Nhờ vậy, từ tháng 12 năm 1974 Quân Đoàn 2 đã biết được Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
    Đại Tá Phùng Văn Quang, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 cho biết một tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 đang hành quân trên quốc lộ 14 gần quận Thuần Mẫn thì một cán binh Việt Cộng ra xin đầu thú. Anh ta khai tên là Sinh (có người nói là Sính), một sĩ quan truyền tin, có nhiệm vụ bắt đường dây điện thoại ngang qua quốc lộ 14 nối liền Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 ở phía tây quốc lộ này với một đơn vị đang đóng ở quận Thuần Mẫn. Khi điều tra thì khám phá ra anh ta chỉ là một Thượng Sĩ chớ không phải sĩ quan. Vì giữ nhiệm vụ truyền tin, anh ta biết khá nhiều về kế hoạch hành quân của Sư Đoàn 320 và các đơn vị phối hợp. Anh cho biết Sư Đoàn 320 đang đóng ở phía tây quốc lộ 14 gần quận Buôn Hô và đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Khi tin này được báo về Quân Đoàn 2, Tướng Phú ra lệnh Trung Đoàn 45 cho một tiểu đoàn hành quân lục soát hai bên quốc lộ 14, từ Ban Mê Thuột đến Pleiku để phát hiện địch. Đại Tá Quang nói ông đã cho lục soát nhưng không thấy gì. Sau này ông tiết lộ rằng tiểu đoàn đó chỉ lục soát mỗi bên quốc lộ 14 khoảng 1 cây số, trong khi Sư Đoàn 320 đóng xa quốc lộ đến 5 cây số nên không thể phát hiện được. Khi không khám phá ra địch, tên Sinh đồng ý hướng dẫn trực thăng đến trên vùng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đang đóng. Đại Tá Quang nói rằng theo sự chỉ dẫn của tên Sinh, ông đã nhìn thấy phía dưới các cơ sở chứng minh có địch đang đóng quân tại đó và đã báo cáo cho Tướng Phú biết.
 Mặc dầu có tin Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đã chuyển từ Kontum về phía bắc Ban Mê Thuột, nhưng cơ quan truyền tin của Quân Đoàn 2 cho biết họ vẫn nhận được các tín hiệu truyền tin của Sư Đoàn này phát đi từ một căn cứ ở Kontum. Căn cứ vào báo cáo này, Tướng Phú cho rằng Sư Đoàn 320 vẫn còn tại Kontum và những lời khai của tên Sinh chỉ là một kế nghi binh của địch để đánh Pleiku.
Trong thực tế, Sư Đoàn 320 đã chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột nhưng tiếp tục cho phát các tín hiệu truyền tin từ Kontum để đánh lạc hướng.
Đầu tháng 2/1975, Phòng 2 Quân Đoàn khám phá ra một thông báo của Cộng quân về cuộc họp vào ngày 1.2.1975 của Tư Lệnh các Sư Đoàn 320, F.10 và 968 tại vùng phía tây Đức Cơ để khai triển chiến dịch 275. Thông báo này do một người tên Tuấn ký tên. Tuấn là một trong những bí danh của Văn Tiến Dũng.
 Một nữ du kích hồi chánh ở Ban Mê Thuột cho biết Trung Đoàn 25 của Cộng quân đã được lệnh ăn Tết trước để chuyển quân về vùng Khánh Dương ở phía đông Ban Mê Thuột và một số đơn vị thuộc Sư Đoàn F.10 đã có mặt xung quanh quận Đức Lập, phía tây nam Ban Mê Thuột. Các thợ rừng báo cáo họ thấy nhiều đơn vị Cộng quân lẩn quẩn trong vùng phía bắc và phía tây Ban Mê Thuột... Những tin tức này cho thấy Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
 Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, cho biết vào Tết Ất Mão (1975), Trung Đoàn 44 đang đóng ở căn cứ 801, cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 cây số về hướng tây bắc, đã được Quân Đoàn 2 chỉ định tiếp đón Tổng Thống đến ăn Tết. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng một Tết (11.2.1975), Tổng Thống từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đến Trung Tâm Hành Quân của Trung Đoàn 44 bằng trực thăng cùng với các Tướng Trần Văn Trung, Lê Nguyên Khang và Phạm Văn Phú. Tại đây, Trung Tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 23, đã trình bày về tình hình chung của các khu vực trách nhiệm đang do Sư Đoàn 23 trấn giữ, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết về cung từ của một cán binh cộng sản thuộc Sư Đoàn 320 ra đầu thú cho biết rõ các chi tiết địch đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Tổng Thống có vẽ đăm chiêu rồi quay lại hỏi Tướng Phú. Tướng Phú nhận định rằng có thể Việt Cộng đưa ra một kế trá hàng nhằm đánh lạc hướng chú ý của ta. Theo ông, Pleiku là điểm, Ban Mê Thuột chỉ là diện, bởi vì Pleiku có cơ sở đầu não là BTL Quân Đoàn 2. Nếu địch tiêu diệt được cứ điểm này, chúng sẽ dễ dàng làm chủ được toàn bộ Cao Nguyên và tỏa xuống khu vực duyên hải. Tổng Thống Thiệu suy nghĩ trong giây lát, rồi ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 về lại Ban Mê Thuột. Tổng Thống nói địa thế Pleiku là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, địch không bao giờ dám đương đầu trên những khoảng trống như vậy. Tổng Thống hứa sẽ cho thêm một Liên Đoàn Biệt Động Quân để làm lực lượng trừ bị. Tướng Phú đáp: “Xin tuân lệnh!”
Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu không đi Kontum như đã dự định mà đến Ban Mê Thuột và Quảng Đức để thăm và ủy lạo các binh sĩ.
Đại Tá Trịnh Tiếu cho biết ngày 15.2.1975, Tướng Phú đã mở một cuộc họp tại Quân Đoàn 2 để kiểm điểm tình hình trong Quân Khu 2, có Lãnh Sự Mỹ ở Nha Trang lên tham dự. Đại Tá Tiếu đã trình bày thêm các tài liệu cho biết địch sẽ đánh Ban Mê Thuột, nhưng Tướng Phú cứ chần chờ, không chịu ra lệnh chuyển quân.
Trung Tá Ngô Văn Xuân cho biết đến ngày 17.2.1975 Tướng Phú mới triệu tập phiên họp để đặt kế hoạch chuyển quân về Ban Mê Thuột theo lệnh Tổng Thống. Theo kế hoạch này, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 sẽ di chuyển bằng đường bộ, khi qua khu đèo Tử Sĩ, Trung Đoàn 45 sẽ đi theo tháp tùng. Trung Đoàn 44 đợi một Liên Đoàn Biệt Động Quân đến thay thế trong vòng 3 ngày và sẽ đi sau.
 Tám giờ sáng ngày 18.2.1975, đoàn quân tập trung tại căn cứ Hàm Rồng để khởi hành, nhưng đến 11 giờ Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân. Ông nói địch sẽ đánh Pleiku và việc địch chuyển quân quanh Ban Mê Thuột là để nghi binh mà thôi. Lệnh của Tướng Phú đã làm cả Quân Đoàn 2 ngạc nhiên.
  (Còn tiếp)
  Lữ Giang-Trận đánh quyết định 1
-
Trận đánh quyết định (2)


Lữ Giang


   Trong bài trước chúng tôi đã trình bày khái lược về kế hoạch của Cộng Quân đánh Quận Đức Lập và tỉnh lỵ Ban Mê Thuột để khai thông quốc lộ 14B, mở đường đưa quân và tiếp liệu xuống Phước Long, chuẩn bị năm 1976 đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của VNCH, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Trong bài này chúng tôi sẽ nói về cách phối trí lực lượng của hai bên và diễn biến của các trận đánh nghi binh.
Đọc loạt bài này nhiều người sẽ cảm thấy rất đau lòng. Tuy nhiên, lịch sử cần được ghi lại một cách chính xác để các thế hệ sau có thể rút được bài học kinh nghiệm. Chúng tôi mong những người trong cuộc nếu thấy những chi tiết nào chưa đúng, xin vui lòng góp ý để chúng ta có một tài liệu chính xác hơn.

 Ngoài ra, Trung Tá Trưởng Phòng Tư Quân Đoàn II coi như "mất tích" sau khi có lệnh rút khỏi Tây Nguyên. Đây là một trường hợp có nhiều bí ấn. Quý vị biết chi tiết nào liên quan đến vị Trung Tá này xin vui lòng cho biết.

 PHỐI TRÍ LỰC LƯỢNG CỦA HAI BÊN
 A.- Phối trí của Quân Lực VNCH: Cao Nguyên Trung Phần gồm bốn tỉnh: Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức. Tướng Phạm Văn Phú đã phối trí quân để phòng thủ Cao Nguyên như sau:

1.- Mặt trận Kontum: Mặt Trận này do Đại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 2 chỉ huy, gồm có:
- Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 96 đóng ở đèo Chu Pao và Tiểu Đoàn 72 đóng ở Kontum. Tiểu Đoàn 89 biệt phái cho Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đóng tại nam Kontum.
- Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 95 đóng tại Trương Nghĩa phía tây Kontum, Tiểu Đoàn 88 đóng tại Ngọc Bay ở phía tây bắc Kontum và Tiểu Đoàn 62 đóng tại Kontum.
- Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân với ba Tiểu Đoàn 11, 22 và 23 đóng ở phía bắc Kontun, dọc theo quốc lộ 14.
Về sau, Bộ Tổng Tham Mưu gởi Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đến tăng cường cho Cao Nguyên với hai Tiểu Đoàn 35 và 36 đóng ở phía đông và đông bắc Kontum. Tiểu Đoàn 52 được tăng cường cho Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân tại Thanh An, Pleiku.
   Như vậy có 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân trấn giữ Kontum. Tướng Phú rất sợ Cộng quân sẽ mở một cuộc tấn công vào Kontum như “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

2.- Mặt trận Pleiku: Mặt trận này do Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 23 chỉ huy, gồm có:
- Trung Đoàn 44 đóng ở căn cứ 801 cách tỉnh lỵ Pleiku 20 cây số về phía tây.
- Trung Đoàn 45 đóng ở căn cứ Gầm Ga, phía bắc quận Thuần Mẫn, gần đèo Tử Sĩ, dọc theo quốc lộ 14, giữa Ban Mê Thuột và Pleiku.
- Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân với ba Tiểu Đoàn 67, 76 và 90 đóng tại Thanh An, phía tây Pleiku.
Sau này, Bộ Tổng Tham Mưu gởi thêm Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân đến Pleiku với Tiểu Đoàn 42 đóng tại Ban Can phía đông Pleiku, trên quốc lộ 19; Tiểu Đoàn 43 đóng tại Hàm Rồng và Tiểu Đoàn 44 đóng tại Pleiku. Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân được phái đến thay hai Trung Đoàn 44 và 45 của Sư Đoàn 23 để hai Trung Đoàn này đi chiếm lại Ban Mê Thuột.
Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn 23 đặt tại Hàm Rồng, cách tỉnh lỵ Pleiku 12 cây số về phía nam, cùng với Tiểu Đoàn 43 của Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân.

3.- Mặt trận Ban Mê Thuột và Quảng Đức: Mặt Trận này do Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 chỉ huy, gồm có:
- Trung Đoàn 53 với hai Tiểu Đoàn 1 và 3 đóng tại căn cứ B.50 ở phi trường Phùng Dực và Tiểu Đoàn 2 đóng tại Dak Soong ở Quảng Đức.
 - Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 63 đóng tại Gia Nghĩa, hai Tiểu Đoàn 81 và 82 đóng xung quanh Kiên Đức.

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột.

B.- Phối trí của Cộng quân: Lực Lượng của Cộng quân ở Cao Nguyên gồm có Sư Đoàn 320 đóng ở Kontum, Sư Đoàn F.10 hoạt động ở Pleiku, Sư Đoàn 986 trú quân tại vùng Tam Biên Việt – Miên - Lào, Trung Đoàn biệt lập 25, một trung đoàn khá thiện chiến, luôn quấy phá ở hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, và Trung Đoàn đặc công 95-B, một trung đoàn rất thông thạo về địa hình ở Cao Nguyên, thường đóng ở phía đông Pleiku. Trung Tướng Hoàng Minh Thảo là Tư Lệnh. Thiếu Tướng Vũ Lăng, Đại Tá Phạm Hàm và Đại Tá Nguyễn Lăng làm Tư Lệnh Phó. Đại Tá Nguyễn Hiệp làm Chính Ủy.

CHUẨN BỊ ĐÁNH BAN MÊ THUỘT

Ban Mê Thuột lúc đó có khoảng 250.000 dân gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Nơi đây có nhiều đồn điền, đa số là rừng cao su và cà phê, không có các chướng ngại thiên nhiên để giúp phòng thủ như ở Kontum hay Pleiku nên rất dễ bị tấn công. Lực lượng phòng thủ lại rất yếu: Nghĩa Quân và Địa Phương Quân phần lớn là người Thượng, không thiện chiến, thiếu tinh thần kỷ luật và không được trang bị đầy đủ. Tất cả trông chờ vào Trung Đoàn 53, nhưng Trung Đoàn này phải bao bọc một vùng lãnh thổ quá lớn gồm 2 tỉnh nên khó bảo vệ nổi.

  Để đánh Ban Mê Thuột, lúc đầu Cộng quân huy động 4 Sư Đoàn: Sư Đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định, Sư Đoàn F.10 ở Pleiku, Sư Đoàn 320 ở Kontum, Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên. Ngoài ra, Cộng quân còn xử dụng Trung Đoàn biệt lập 25 để chận đường tiếp viện và Trung Đoàn 95-B để làm mũi nhọn tấn công.

 Trước hết, Cộng quân ra lệnh cho Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên kéo về phía tây Quận Thanh An ở phía tây Pleiku để thay cho Sư Đoàn F.10 tiến về phía tây Ban Mê Thuột. Đại Úy Trác Ngọc Anh, một sĩ quan không báo của Quân Đoàn 2, đã nói với chúng tôi rằng vào cuối tháng 1 năm 1975, khi máy bay L.19 chở anh đang bay thám thính trên con đường từ vùng Tam Biên về Thanh An thì anh phát hiện ra một đoàn quân xa độ một trăm chiếc đang chạy từ Tam Biên về Pleiku. Anh thông báo ngay về Phòng 2 của Quân Đoàn. Một lúc sau khi nghe báo cáo, cơ quan quân báo của Hoa Kỳ đã nói vào máy cho biết đó là các xe chuyển quân của Sư Đoàn 968 của Cộng quân. Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu huy động các phi cơ A.37 của Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 6 Không Quân đến oanh kích. Cuộc oanh kích kéo dài từ 9 giờ sáng đến quá trưa, nhưng vẫn còn thấy một số xe đang chạy. Bộ Tổng Tham Mưu phải điều động thêm Sư Đoàn 1 Không Quân ở Đà Nẵng vào trợ chiến. Cuộc oanh kích kéo dài đến 4 giờ chiều thì chấm dứt. Một máy bay C.47 của Bộ Tổng Tham Mưu đã đến chụp hình và thấy khói bay ngụt trời, nhiều tiếng nổ từ dưới đất phát ra, vô số xe bị bắn cháy nằm rải rác trên đường. Sau chiến công này, Quân Đoàn 2 được khen thưởng. Trung Úy Trác Ngọc Anh(đang ở Boston) được vinh thăng Đại Úy.
Bị thiệt hại nặng trong vụ oanh kích đó, Sư Đoàn 968 không còn khả năng chiến đấu như lúc đầu nữa, Bộ Chỉ Huy Tây Nguyên của Cộng quân đã điện về Hà Nội cầu cứu. Hà Nội liền ra lệnh rút gấp Sư Đoàn 316 đang đóng ở vùng biên giới Lào-Việt ở phía tây Nghệ Tĩnh đưa vào Cao Nguyên Trung Phần thay thế cho Sư Đoàn 968. Sư Đoàn 316 là một Sư Đoàn cơ động nhẹ, chỉ có 2 Trung Đoàn, nên khi đi qua Thừa Thiên đã được tăng cường thêm một Trung Đoàn của Sư Đoàn 324 đang đóng tại đây. Sau đó, Hà Nội còn cho thêm Trung Đoàn 29B ở Đà Nẵng vào tăng cường.

Có đủ quân số rồi, Cộng quân phối trí như sau: Sư Đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định đem hai Trung Đoàn đóng ở phía tây đèo An Khê, cắt quốc lộ 19 nối liền Bình Định và Pleiku để chận đường tiếp viện của Sư Đoàn 22 bộ binh và nghi binh.

Sư Đoàn F.10 từ Pleiku tiến về phía tây Ban Mê Thuột, vây quận Đức Lập, cắt con đường 14 nối liền Ban Mê Thuột với Đức Lập.
Sư Đoàn 320 từ Kontum di chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột, đóng cách quốc lộ 14 về phía tây 5 cây số để chận quốc lộ 14 từ Pleiku đến Ban Mê Thuộc. Một tiểu đoàn của Sư Đoàn này đã băng qua quốc lộ 14, khúc cầu 210 (còn gọi là cầu Ialeo) và tiến về phía đông, đóng chốt trên đường nối liền tỉnh Phú Bổn với quận Thuần Mẫn ở phía đông bắc Ban Mê Thuột.

Trung Đoàn 25 tiến về phía đông Ban Mê Thuột, chận quốc lộ 21 nối liền tỉnh Khánh Hòa với Ban Mê Thuột, khúc đèo Chư Cúc, giữa quận Khánh Dương của Khánh Hòa và quận Phước An của Ban Mê Thuột.

Tàn quân của Sư Đoàn 968 (khoảng hơn 1 Trung Đoàn) tiến về phía tây Pleiku, có nhiệm vụ gây rối để cầm chân 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 ở lại mặt trận Pleiku.
Trung Đoàn đặc công 95-B phong tỏa quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Quy Nhơn, ở khúc sát chân đèo Mang Yang, phía đông Pleiku
Sư Đoàn cơ động nhẹ 316 mới từ Bắc vào sẽ làm mũi nhọn đánh vào thành phố Ban Mê Thuột, nhưng sợ sư đoàn 316 thiếu kinh nghiệm, không nắm vững địa hình địa vật, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, nên Hà Nội chỉ thị cho một tiểu đoàn của Trung Đoàn 95-B hướng dẫn sư đoàn này.
Qua các khóa mật mã mở được, Quân Đoàn 2 cũng biết đích xác ngày giờ Tướng Văn Tiến Dũng sẽ vào Nam bằng đường Tây Trường Sơn rồi xuống đường Đông Trường Sơn để vào Ban Mê Thuột. Ngày Văn Tiến Dũng đi qua phía tây Kontum, Quân Đoàn 2 đã cho thả một đại đội trinh sát xuống quãng đường này để phục kích Văn Tiến Dũng nhưng không gặp vì đường Đông Trường Sơn ở khúc đó có quá nhiều nhánh, không biết đoàn xe đi đường nào.

   ĐỊCH BẮT ĐẦU ĐÁNH NGHI BINH
   Ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng tiến lên chốt đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Quy Nhơn và gây áp lực mạnh ở phía đông Pleiku. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin hơn nữa rằng địch sẽ đánh Pleiku. Tướng Phú xin thêm viện binh để giữ mặt này. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân được gởi đến tăng viện cho Pleiku. Tướng Phú liền ra lệnh Thiết Đoàn 2 Thiết Giáp do Đại Tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy phối hợp với Liên Đoàn này trấn giữ phía đông Pleiku. Năm 1989, khi gặp Đại Tá Đồng ở Saigon, ông cho chúng tôi biết mặt trận này khá nặng, vì địch rất đông, ẩn nấp trong trong các hóc núi pháo kích ra dữ dôi, nên mặc dầu có lệnh phá chốt, Thiết Đoàn 2 cũng không thể yểm trợ cho Liên Đoàn 4 thực hiện được.

Cũng trong ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 968 tấn công chiếm hai đồn ở phía tây Thanh An và áp sát vào quận Thanh An. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin địch sẽ đánh Pleiku.

Ngày 2.3.1975, Chi Trưởng CIA ở Quân Khu 2 tại Nha Trang đã lên Ban Mê Thuột báo cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, biết Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột và yêu cầu Đại Tá Luật phải đề phòng. Đại Tá Luật thông báo cho Quân Đoàn thì ở đây cho biết cũng đã nhận được công điện của CIA vào buổi sáng. Tướng Phú liền ra lệnh cho Trung Đoàn 53 rút một tiểu đoàn đang hành quân tại Quảng Đức về phòng thủ Ban Mê Thuột và đưa Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân từ Kontum đến thay. Cũng trong ngày này, tình báo của Cảnh Sát báo cáo phát hiện một đơn vị Cộng quân lãng vãng ở rừng cao su phía đông Ban Mê Thuột, gần quốc lộ 21.

Ngày 4.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng cắt đứt quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đến Pleiku, ở khúc Bình Khê và Suối Đôi. Hai Trung Đoàn 41 và 42 của Sư Đoàn 22 được lệnh phá cái chốt này nhưng không tiến lên nổi.

   Ngày 5.3.1975, Trung Đoàn 25 của Cộng quân chốt quốc lộ 21 ở đèo Chư Cúc nằm giữa quận Khánh Dương và quận Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Một đoàn xe quân sự của Quân Lực VNCH di chuyển qua đèo Chư Cúc đã bị Cộng quân phục kích và bắn cháy, các binh sĩ bị bắt.
 Trưa 5.3.1975, Sư Đoàn 320 cho một tiểu đoàn chận đánh một đoàn quân xa của Trung Đoàn 45 gồm 14 chiếc di chuyển trên quốc lộ 14, khúc phía bắc quận Thuần Mẫn. Đoàn xe này có kéo theo một khẩu đại bác 105 ly. Được tin này, Tướng Phú lại ra lệnh cho Trung Đoàn 45 đưa một tiểu đoàn hành quân lục lọi hai bên quốc lộ 14 để tìm các dấu vết của Sư Đoàn 320, nhưng không phát hiện được gì.

Ngày 7.3.1974, Cộng quân chiếm cứ điểm Chư Xê phía bắc Buôn Hô và cắt đứt quốc lộ 14. Sau đó, Cộng quân cho pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 tại Phi Trường Cù Hanh ở Pleiku và mở những trận đánh lớn ở Bình Định để cầm chân Sư Đoàn 22 và đánh lạc hướng. Tướng Phú đã lấy máy bay đi quan sát mặt trận Bình Định. Đại Tá Trịnh Tiếu kể rằng sau khi thị sát các mặt trận Tam Quan, Bồng Sơn và khu đèo Mang Yang, Tướng Phú đã đưa ông và và một sĩ quan khác về Nha Trang ăn cơm tối ở nhà ông. Tại đây, bà Phú đã lên tiếng khiển trách các sĩ quan Quân Đoàn 2 trong việc cho oanh tạc cơ phá hủy đoàn xe của Sư Đoàn 968. Theo bà, Việt Cộng chỉ muợn đường của Quân Đoàn 2 để đi vô Nam, nhưng vì Quân Đoàn 2 đánh họ nên bây giờ họ đánh trả lại khắp nơi. Tướng Phú ngồi im lặng và tỏ ra chán nản.

Ngày 8.3.1975, Sư Đoàn 320 đánh chiếm quận Thuần Mẫn. Tại đây chỉ có một tiểu đoàn địa phương quân trấn giữ nên không cầm cự được lâu và đã bị thất thủ. Đường 14 bị cắt thêm ở khúc quận Thuần Mẫn.

(Còn tiếp)

Lữ Giang

Trận đánh quyết định (3)


(Bài cuối)
Lữ Giang
Trong bài 1 chúng tôi đã trình bày khái lược về kế hoạch của Cộng Quân đánh Quận Đức Lập và tỉnh lỵ Ban Mê Thuột để khai thông quốc lộ 14B, mở đường đưa quân và tiếp liệu xuống Phước Long, chuẩn bị năm 1976 đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của VNCH, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Trong bài 2 chúng tôi đã nói về cách phối trí lực lượng của hai bên và diễn biến của các trận đánh nghi binh. Trong bài này chúng tôi sẽ đề cập đến trận đánh Đức Lập và Ban Mê Thuột với những diễn biến bi thảm của nó.
Đọc loạt bài này nhiều người sẽ cảm thấy rất đau lòng. Tuy nhiên, lịch sử cần được ghi lại một cách chính xác để các thế hệ sau có thể rút được bài học kinh nghiệm. Chúng tôi mong những người trong cuộc nếu thấy những chi tiết nào chưa đúng, xin vui lòng góp ý để chúng ta có mộ tài liệu chính xác hơn.

TẤN CÔNG ĐỨC LẬP VÀ BAN MÊ THUỘT



1.- Số phận của Đức LậpĐêm 8.3.1975, Sư Đoàn F.10 bắt đầu tấn công quận Đức Lập. Các căn cứ Núi Lửa và 23 bảo vệ Đức Lập bị tràn ngập.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 9.3.1975, Tướng Phú và Bộ Tham Mưu Quân Đoàn 2 đã bay về Ban Mê Thuột họp với Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23, Đại Tá Võ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac, Đại Tá Nguyễn Văn Nghìn, Tỉnh Trưởng Quảng Đức và Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53. Đại Tá Nguyễn Văn Nghìn báo cáo Cộng Quân đã tấn công vào Đức Lập từ 5 giờ sáng với cấp số lớn, tình hình rất bi đát. Bộ Chỉ Huy Chi Khu bị trúng nhiều đạn 130 ly, bị hư hại nặng nên Chi Khu Trưởng phải đưa Bộ Chỉ Huy ra khỏi quận, nhưng vẫn đang chiến đâu. Tướng Phú theo dõi một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 đang chiến đấu với Sư Đoàn F.10 ở quận Đức Lập và được biết Trung Tá Nguyễn Cao Vực, Quận Trưởng Đức Lập, đã bị thương nhưng vẫn phải chỉ huy hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ để chống lại chiến thuật tấn công biển người của Cộng quân. Tướng Phú suy nghĩ và nói rằng tình hình Đức Lập không thể cứu vãn được nữa nên không tăng viện.
Khoảng gần 12 giờ, Tướng Phú đến thăm Chi Khu Darlac, ăn cơm trưa với Tướng Tường, Đại Tá Nghìn và Đại Tá Luật. Tướng Phú ăn vội vàng rồi ra phi trường Phùng Dực đáp máy bay về Pleiku để theo dõi tình hình chung của Quân Đoàn. Trước khi lên máy bay, ông quay lại nói với Đại Tá Luật: “Chú mày cẩn thận, coi chừng chúng nó đánh nghe!”.
   Lúc đó trong thị xã Ban Mê Thuộc và vòng đai thành phố chỉ còn 2 tiểu đoàn của Trung Đoàn 53, một giữ ở ngã ba Dak Sak và một đóng ở căn cứ B.50 gần phi trường Phùng Dực, cùng với 2 chi đội thiết giáp và một đại đội pháo binh. Số còn lại là 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được phân tán mỏng để bảo vệ các kho trong thành phố. Cảnh Sát Dã Chiến được phân chia bố trí ở các cao ốc. Tướng Phú hứa sẽ cho thêm một chi đoàn thiết giáp và cho phép rút ngay tiểu đoàn 204 Địa Phương Quân ở Bản Đôn về bảo vệ thị xã.
Điều đánh ngạc nhiên là cho đến giờ phút đó, khi mọi tin tức quân báo và tình hình thực tế xác định địch chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột, Tướng Phú vẫn cho rằng địch sẽ đánh Pleiku. Ông lặp lại nhận định của ông là Cộng quân chỉ bao vây Ban Mê Thuột để làm kế nghi binh rồi bất thần tấn công vào Pleiku. Riêng tại mặt trận Ban Mê Thuột, Trung Tá Lê Nguyên Phả, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 23, cho biết Tướng Phú đã nhận định một cách sai lầm rằng sau Đức Lập, Cộng quân sẽ đánh Buôn Hô, nên ông đã chỉ thị cho Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2, xin Bộ Tổng Tham Mưu cho trực thăng chuyển Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang đóng tại Kontum, thả xuống quận Buôn Hô, cách thành phố Ban Mê Thuột 30 cây số về phía bắc. Cuộc chuyển vận quân khởi sự từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới chấm dứt.
Tối 9.3.1975, quận Đức Lập bị thất thủ. Sư Đoàn F.10 của địch đã làm chủ tình hình ở phía tây nam Ban Mê Thuột và đang tiến về thành phố. Vòng vây Ban Mê Thuột bắt đầu bị xiết chặt.



 2.- Số phận của Tiểu Khu Darlac: Khoảng 2 giờ sáng ngày 10.3.1975, Cộng quân bắt đầu tấn công vào thành phố. Chúng mở đường bằng xe tăng và trọng pháo đủ loại. Mọi phía đều có địch.

 Đến 8 giờ sáng, địch dùng chiến xa T.54 đánh chiếm kho Mai Hắc Đế của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Đại Tá Võ Thế Quang chỉ thị Đại Tá Luật điều động một đại đội và 4 xe M.113 ra chốt ở Ngã Sáu để chận địch. Các oanh tạc cơ được phái đến yểm trợ. Lúc 11 giờ địch tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
 Đến khoảng 9 giờ, tiểu khu cháy gần hết vì bị pháo, trừ khu truyền tin. Đại Tá Luật và Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵchạy sang bản doanh Sư Đoàn 23, nhưng lính canh không chịu mở cổng. Đại Tá Vũ Thế Quang phải ra nhận diện rồi cho lệnh, lính mới mở cửa.
    Thiếu Tá Hy, Trưởng Phòng 3 của Tiểu Khu, tiếp tục chỉ huy binh sĩ chống lại Cộng quân. Lúc 12 giờ 45, một trái pháo của địch bắn trúng hầm chỉ huy của Tiểu Khu, Bộ Tham Mưu Tiểu Khu phải rút ra khỏi vị trí. Lúc 13 giờ 30, Cộng quân tấn công vào Tiểu Khu. 14 giờ Cộng quân chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Đến 15 giờ, Đại Tá Quang không còn bắt liên lạc được với Tiểu Khu.



3.- Số phận của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23: Địch không nắm vững địa hình nên không tiến nhanh được. Đến 7 giờ sáng ngày 11.3.1975, Cộng quân mới tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, nhưng lực lượng phòng thủ vẫn còn cầm cự được.
 Bộ tư lệnh Sư Đoàn 23 sau khi Ban Mê Thuộc mất

Lúc 10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, quyết định mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ.

Đại Tá Quang chỉ chạy sang khu thiết giáp nằm khuất sau bệnh viện. Các binh sĩ chạy theo. Khu thiết giáp còn hơn chục chiếc thiết vận xa M113 và một số lính, nhưng không thể ra lối trước vì sẽ đụng đầu với xe tăng của địch. Đại Tá Quang liền ra lệnh cho thiết vận xa cán lên hàng rào kẽm gai ở phía sau mà đi. Toán quân có chừng 200 người đã xuống được thung lũng và đến suối Đốc Học, một chỗ khuất và hơi kín. Đại Tá Quang định tử thủ tại đấy, nhưng Đại Tá Luật cho rằng chỗ đó trống trải quá. Hai người bàn cách đến Trung Tâm Huấn Luyện của Sư Đoàn 23 để từ đó bắt liên lạc lại với các đơn vị. Nhưng trung tâm này nằm ở phía bên kia thị xã Ban Mê Thuột nên rất khó đến được.
   Đại Tá Quang muốn liều dẫn quân xâm nhập qua thành phố vào lúc đêm tối để tới trung tâm. Đại Tá Luật cho rằng lối đó quá nguy hiểm, muốn đi đường vòng qua rừng để đến. Bàn luận một hồi, hai ông quyết định ai muốn đi ngả nào thì đi. Có chừng 50 người theo Đại Tá Luật. Số còn lại theo Đại Tá Quang. Hai toán chia tay nhau vào khoảng 11 giờ .
 Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ theo Đại Tá Luật. Toán này lội bộ đến Buôn Ky, nhưng vừa vượt qua một ngọn đồi trọc đã thấy xe tăng của Cộng quân. Đoàn người chạy trở lại phía sau đồi, nhưng chạy mới được 10 thước, Đại Tá Luật té đánh bịch. Những người khác lo chạy thật lẹ. Ba ngày sau họ đều bị bắt. Đại Tá Quang, Đại Tá Luật và Phó Tỉnh Trưởng Vỵ đều được đưa về giam cùng một chỗ.



   4.- Số phận của Liên Đoàn 21: Khi Cộng quân khởi đầu tấn công Ban Mê Thuột, Tướng Phú chỉ ra lệnh cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân do Trung Tá Lê Quý Dậu chỉ huy, từ Buôn Hô tiến bằng đường bộ về Ban Mê Thuột ở cách Buôn Hô khoảng 30 cây số.

   Lúc 17 giờ chiều ngày 10.3.1975, Đại Tá Quang đã bắt liên lạc được với Liên Đoàn 21 đang tiến vào thành phố. Ông liền ra lệnh cho Trung Tá Dậu cho Tiểu Đoàn 72 chiếm lại Tiểu Khu và Tiểu Đoàn 96 lấy lại kho Mai Hắc Đế. Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Cảnh Sát Dã Chiến đang quần thảo với địch trong thành phố để tranh từng tấc đất.
   Liên Đoàn 21 đã vào được thành phố và lập được một số chiến công, nhưng khi cuộc giao chiến đang tiếp tục thì đùng một cái, Chuẩn Tướng Lê Trung Tường ra lệnh cho cho Trung Tá Dậu điều động Liên Đoàn 21 phối hợp với Địa Phương Quân còn lại rút về vây quanh sân bay L.19 trong thành phố để ông phái trực thăng đến đón 21 người trong gia đình của ông đang kẹt tại sân bay này. Mặc dầu có sự yểm trợ của cả Địa Phương Quân lẫn Liên Đoàn 21, trực thăng của Tướng Tường phái đến cũng không đáp xuống được vì địch pháo kích dữ quá. Cuối cùng Chuẩn Tướng Tường đã ra lệnh lấy một thiết vận xa M.113 chở toàn bộ gia đình của ông tới Trung Tâm Huấn Luyện cách thị xã khoảng 3 cây số để trực thăng đến đón. Liên Đoàn 21 và Địa Phương Quân phải rất vất vả mới đưa được gia đình Tướng Tường ra khỏi vùng giao tranh và yểm trợ cho trực thăng tới đón. Khi trực thăng bốc được gia đình Chuẩn Tướng Tường đi rồi thì địch đã chiếm gần như toàn bộ thành phố Ban Mê Thuột. Liên Đoàn 21 tiến về sân bay Phùng Dực để phối hợp tác chiến với một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 ở căn cứ B.50 thì bị chận đánh phải lui ra khỏi vòng đai thành phố và bị vây ở Đạt Lý.



   5.- Số phận của hậu cứ Trung Đoàn 53: Hậu cứ của Trung Đoàn 53 đóng ở căn cứ B.50, gần phi trường Phùng Dực do Tiểu đoàn 1 của Trung Đoàn 53 trần giữ và một đại đội thám báo của Trung Đoàn 45 tăng cường. Đại đội này rất thiện chiến.

 Căn cứ B.50 vốn là một trại lực lượng đặc biệt cũ của Mỹ có chu vi trên một cây số, với những công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm đủ sức chịu đựng được đạn 130 ly, xung quanh có xếp bao cát cao làm thành những ụ chiến đấu cá nhân. Ở xa xa là một vòng đai hàng rào kẽm gai nhiều lớp bao bọc. Tiểu đoàn 1 của Trung Đoàn 53 đóng trong căn cứ, còn Đại Đội Thám Báo do Thiếu Úy Nguyễn Công Phúc chỉ huy đóng trên phi trường Phùng Dực, giữa các ụ bảo vệ phi cơ.
Đêm 10.3.1975, hậu cứ Trung Đoàn 53 và phi trường Phùng Dực bị pháo kích nặng. Đến 5 giờ sáng căn cứ bị địch tấn công từ hai phía đông Bắc và đông Nam. Địch chiếm được một phần căn cứ. Nhưng đến 8 giờ sáng, quân trú phòng đã phản công, Cộng quân bị đánh dạt sang một bên. Một cánh quân của Cộng quân đã chạy qua khu đất trống của phi trường nên bị Đại Đội Thàm Báo bắn tỉa phải chạy vào bìa rừng cao su gần phi đạo, để lại hơn 40 xác chết, một số vũ khí và quân trang quân dụng. Sau đó, Cộng quân trở lại tấn công nhiều lần, nhưng đều bị đẩy lui.
Tiểu đoàn 1 của Trung Đoàn 53 cầm cự kéo dài đến ngày 18.3.1975 thì phải mở đường máu chạy thoát về hướng Lạc Thiện, sau khi có lệnh rút khỏi Cao Nguyên. Tướng Phú và Bộ Tham Mưu đã lên máy bay đi tìm và bắt được liên lạc, nhưng số tàn quân ở cạnh Trung Tá Ân lúc đó chỉ còn khoảng 20 người.
 Đêm 16.3.1975, khi Cộng quân pháo như vũ bảo vào phi trường, Thiếu Úy Phúc liên lạc với Trung Đoàn 53, nhưng không ai trả lời. Gần sáng, Cộng quân cho xe tăng tấn công căn cứ Trung Đoàn 53 và chiếm căn cứ này, sau đó tiến qua phi trường thanh toán Đại Đội Thám Báo còn sót lại. Không có tiếp tế, hết đạn dược, phải dùng AK 47 của địch bỏ lại để chiến đấu, Thiếu Úy Phúc phải xin phi cơ đến oanh tạc để rút ra. Đúng lúc Cộng quân đang tập trung quân, phi cơ được thám báo hướng dẫn đã đến dội bom xuống đầu địch. Nhờ những trái bom này, Đại Đội Thám Báo còn lại hơn 50 người đã rút chạy vào khu rừng cao su. Khi vào được trong rừng thì chỉ còn lại  khoảng 30 người. Nhưng sau đó Cộng quân lại đến tấn công. Thiếu Úy Phúc và một y tá thoát khỏi cuộc phục kích, nhưng rồi ngày 22.5.1975 cũng bị bắt khi mò xuống suối uống nước.
  Như vậy, Trung Đoàn 53 và Đại Đội Thám Báo đã bảo vệ căn cứ B.50 và phi trường Phùng Dực được 18 ngày khiến Cộng Quân phải kính nể


  ĐƯA VÀO CON ĐƯỜNG CÙNG

  Không nắm vững chiến lược và chiến thuật của địch, Tổng Thống Thiệu cũng như Bộ Tổng Tham Mưu đã để mất cái chốt quan trọng thứ hai bảo vệ miền Nam là Đức Lập sau khi đã bỏ mất cái chốt thứ nhất là Thường Đức vào tháng 8 năm 1974.
Sự tính toán sai lầm nghiêm trọng của Tướng Phạm Văn Phú đã làm mất Ban Mê Thuột, kéo theo hậu quả là làm mất toàn miền Nam.


Thật ra, theo sự đánh giá của các sĩ quan cao cấp cùa QLVNCH, Tướng Phú không đủ khả năng điều khiển một quân đoàn. Sở dĩ ông được đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 là do sự vận động của bà Lâm Đệ, vợ ông  (thường được Phạm Huấn gọi là “Chị Hai”). Theo Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, bà Lâm Đệ đã vận động với bà Đinh Thị Yến, vợ của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, để Tướng Phú được cử vào chức vụ này. Khi ông đi nhận chức, Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, đã không tiếp.

Sau khi nhận chức, công việc chính của Tướng Phú không phải là mặt trận mà lo kiếm tiền đóng hụi chết. Trung Tá Trần Tích, Trưởng Phòng Quản Trị của Quân Đoàn 2 cho biết, sau khi rút khỏi Cao Nguyên và chạy về tới Nha Trang, Tướng Phú còn hỏi ông: Anh xem có ai muốn đi làm tỉnh trưởng không?” Trung Tá Tích ngạc nhiên hỏi lại: “Giờ này mà Thiếu Tướng còn tìm tỉnh trưởng làm gì nữa? Tướng Phú buồn rầu trả lời: Tháng này chưa có 2 triệu đóng cho Trung Tướng”!
Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu, và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23, đã dọn về ở Nam California, nhưng khi nghe chúng tôi kể chuyện trận Ban Mê Thuộc trên Sài Gòn Nhỏ và trên đài VOV, Tướng Quang đã bỏ qua ở Georgia rồi lại trở về ở Sacramento, bắc California. Ông đã qua đời ngày 15.7.2011. Tướng Lê Trung Tường trở về Việt Nam ở luôn bên đó và đã qua đời ngày 22.5.2009, tức trước Tướng Quang. Cả ba Tướng Thiệu, Tường, Quang đều tốt nghiệp khóa 1 Đập Đá. Những chuyện bi thảm như thế này còn nhiều lắm, chúng tôi sẽ kể sau.

Nhìn lại, chúng ta thấy các sĩ quan và binh sĩ ngoài mặt trận đã chiến đấu rất anh dũng, sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc, trong khi một số tướng lãnh có quyền trong tay quá yếu kém và tham nhũng, đã đẫy họ vào đường cùng và làm mất nước!
 Nhân kỷ niêm 38 năm ngày mất miền Nam, chúng ta tuyên dương tất cả các chiến sĩ VNQH ở mặt trận. Tổ Quốc sẽ ghi nhớ công ơn của họ. Riêng trong trận Ban Mê Thuột, chúng tôi xin ghi nhân công ơn của các chiến sĩ sau đây:
 - Trung Tá Nguyễn Cao Vực, Quận Trưởng Đức Lập và các chiến sĩ cùng chiến đấu với ông.
 - Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 và các chiến sĩ ở căn cứ B.50.
Trung Tá Lê Quý Dậu, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân và các chiến sĩ thuộc Liên Đoàn này.
Các Nghĩa Quân, Địa Phương Quân và Lực Lượng Cảnh Sát ở Ban Mê Thuột.
Thiếu Úy Nguyễn Công Phúc, Đại Đội Trưởng Đại Đội Thám Báo của Trung Đoàn 45, và các binh sĩ dưới quyền, đã chiến đấu rất anh dũng tại phi trường Phùng Dực cho đến giờ phút cuối cùng.
Chỉ 40 ngày sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, toàn miềm Nam bị mất!
Ngày nay, tỉnh lỵ Darlac không còn được gọi là Ban Mê Thuột nữa mà trở lại tên cũ là Buôn Ma Thuột, và quận Đức Lập trở thành huyện Dakmil. Nhưng những chiến công oai hùng của các chiến sĩ VNCH sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhớ.


Ngày 11.4.2013

Lữ Giang

Tổng số lượt xem trang