Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Quê hương dạo trước !

-Quê hương dạo trước !-
Đó là vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập của tòan dân Việt Nam. Khi cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 thì gia đình chúng tôi từ Hà Nội tản cư ra khỏi thủ đô theo đường ngược mà di chuyển dần lên tới tỉnh Hòa Bình.
Hòa Bình là quê hương của dân tộc Mường. Họ là những người rất chất phác, sống hồn nhiên, đơn thuần như những người Việt Nam cổ xưa. Tiếng nói của họ đôi khi nghe từa tựa như tiếng Việt. Những người lớn tuổi được gọi là “ông bố” và “bà mế”, như các từ “bố mẹ” vậy.

Họ ở nhà sàn để tránh lam sơm chướng khí, dưới gầm nhà sàn họ nuôi gia súc, không cần hàng rào mà không sợ mất trộm vì họ rất thật thà, tin tưởng chòm xóm. Họ cũng không e ngại người lạ đến ăn trộm vì họ tin tưởng ở “ma xó”, nó sẽ đếm từng món bị trộm và tên trộm sẽ đền tội bằng sự đau ốm nặng nề cho đến lúc phải mang trả lại những món đồ đã trộm được, họ tin chắc như thế.
Người Mường thường ăn gạo nếp đồ lên bằng những cái trõ (xửng hấp) được khóet từ những khúc cây mít rồi đục lỗ cho hơi nước xông lên sẽ chín cơm nếp. Mùa gặt, họ đem những bó lúa về nhà, chất lên gác bếp, mỗi ngày rút xuống vừa đủ ăn, đem ra tuốt hạt, bỏ vào cối để ngay nơi chân cầu thang, mấy thanh niên thiếu nữ trong nhà cùng nhau dùng chầy giã ra rồi sàng xảy, lọai bỏ trấu, cám, rửa sạch, trút vào trõ đồ lên, ăn ngày nào thì giã gạo, đồ xôi cho ngày đó.
Có một câu như là quy ước mà sau bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ là:
“Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày kể lùi, tháng kể lên”.
Cây luồng
Hai câu đầu tôi đã trình bày, câu thứ ba là “nước vác”, họ dùng những cây luồng, là lọai cây họ nhà tre, nhưng rất cao lớn, chiều cao thân cây có thể lên tới trên 10 mét, đường kính trên một tấc. Họ cưa một khúc khỏang 2 mét, khóet ruột, đục thủng những đốt cho thông nhau, chỉ để một đốt dưới đáy, rồi dùng những khúc luồng đó vác lên đầu nguồn hứng nước từ khe chảy ra cho đầy ống rồi vác về đổ vào lu ngay dưới chân bậc thang, là khỏang 5, 7 bậc cấp làm bằng gỗ bước lên nhà sàn. Lu nước đó có thể để uống sống, có thể để nấu ăn hoặc rửa chân cho sạch trước khi leo lên bậc cấp để vào nhà sàn.
“Lợn thui” là mỗi khi có hội hè đình đám, họ mổ lợn (heo), đem thui chín rồi trải lá chuối lên trên mặt sân, bày rượu cần và thịt ra ăn uống say sưa.
“Ngày kể lùi” là người Mường tính theo âm lịch rồi lùi lại một ngày là ngày của họ, “tháng kể lên” là về tháng thì cộng thêm 1 tháng vào âm lịch là tháng của người Mường, thí dụ ngày 15 tháng 2 âm lịch tức là ngày 14 tháng 3 của người Mường.
Đời sống của những người Mường mà tôi biết khi còn nhỏ rất trong sáng và tin cậy lẫn nhau. Họ sống kiểu đại gia đình. Ngay giữa nhà là cái bếp gần như hình vuông, quanh năm có hơi ấm. Buổi sáng cả nhà ngồi chung quanh bếp, trên những cây gỗ xếp chạy quanh bếp như những chíêc ghế dài. Một cái điếu cầy được chuyền tay từ ông bà cho tới cháu chắt, hết người này tới người kia, thay nhau rít hơi ấm của khói thuốc. Họ bắt đầu ra đồng làm việc lúc mặt trời lên. Mặt trời miền rừng núi thường lên trễ, cảnh trí âm u cho tới khỏang 10 giờ sáng mọi nguời mới lục tục “đi làm”. Trâu kéo cầy trên Mường cũng chỉ bắt đầu làm việc lúc 10 giờ sáng.Đây là tôi nói về những người Mường đơn thuần sống vào khỏang những năm 1940, thời gia đình tôi đi tản cư lưu ngụ tại miền núi tỉnh Hòa Bình, cách nay đã trên sáu chục năm, khi đó tôi mới khỏang 12 tuổi. Thời đó dường như người dân Việt Nam trên cả nước đều còn rất chất phác, dù đời sống có khó khăn, nhưng chưa bị nhuộm bởi chủ nghĩa vô thần, phi luân lý.
Những gia đình Mường đã dung chứa chúng tôi trong lúc quốc phá gia vong… ôi … tôi không quên được họ… không thể quên được …Họ là những người rất hiếu khách. Trong mỗi nhà đều có một cái “sập vía”, tức là một cái divan bằng gỗ quý, chỉ dành khi các quan lang tới thì “ngự”. Dân tản cư chúng tôi được họ nhường cái “sập vía” đó cho xài. Họ rất hiếu học, các cô cậu bé trố mắt nhìn chúng tôi đọc thông cáo, tin tức … vanh vách, bèn mè nheo với bố mẹ ra sao không biết, một hôm có ông trửơng làng đến thăm bố mẹ tôi, đề nghị gia đình tôi cử một người con đi dạy cho các cô cậu tại nhà hội họp của làng mỗi tối. Sở dĩ họ tìm đến nhà bố tôi vì trước đây bố tôi khai mỏ diêm tiêu trên khu vực Hòa Bình nên quen biết quan lang tỉnh, có giao dịch thành ra đối với dân làng có uy tín. Năm đó anh tôi 15 tuổi, cao lớn, nên họ hy vọng mời anh tôi làm “thày giáo”.Nhưng anh tôi dứt khóat không nhận, đùn cho tôi, khi đó mới 12 tuổi. Tôi hăng hái nhận liền, tôi thích phiêu lưu. Thế là dù chỉ mới học lực tiểu học, nhưng ông trưởng làng rất hoan hỉ có “cô giáo”.
Và rồi tối tối họ cử người tới cõng tôi ra nhà làng để “leo lên sập vía” ngồi dạy đám học trò vây quanh, sau giờ học lại chia nhau cõng tôi trả về nhà bố mẹ tôi. Đôi khi có phụ huynh học sinh nào ban ngày săn bắn được con gì thì họ xào lên để đến tối sau khi tan học thì tiếp đãi cô giáo nhí món ăn chơi lấy thảo.
Tôi dậy học như thế cũng được một thời gian trước khi Pháp càn quét khắp châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi đó chúng tôi phải tiếp tục chạy lên cao hơn nữa thì lại chính những trai tráng của các gia đình người sơn cước hồn nhiên chất phác kia giúp gánh cho chúng tôi những vật dụng tùy thân ít ỏi mà dù ít ỏi, bọn dân thành thị chúng tôi vốn yếu ớt với những bàn chân giẫm lên đá dăm đã xưng vù, phải dùng gậy chống để lần từng bước, không còn mang nổi cái gì ngòai tấm thân đã rã rời.
Dài dòng mô tả về sự tử tế và chân thành của những người sơn cước hiền lương để rồi tôi sẽ nói về “Bức Ảnh Kỷ Niệm”, bức ảnh mà đã trên 60 năm qua, không hề phai mờ trong tâm tưởng của tôi.
Tết năm đó có đòan Tuyên Truyền Xung Phong ghé qua làng chúng tôi đang tạm trú. Buổi tối họ đốt lửa trại, hầu hết dân làng quây chung quanh các thanh niên trong đòan, say sưa xem những mẩu kịch ngắn, hầu hết là cảnh quân Pháp mới đánh nhau đã lăn ra chết, tiếng cười vang rân xóm làng.
Sáng hôm sau trước khi đi, anh đòan trưởng có nhã ý mời tất cả những ai muốn chụp ảnh kỷ niệm ngày Xuân thì anh ta sẽ chụp để tặng. Anh ta còn đưa ra cuốn albumn trong có rất nhiều ảnh cho mọi người coi. Đó đây, những ánh mắt thán phục và những tiếng cười khúc khích của các cô nàng sơn nữ nổi lên tưng bừng như ngày hội.
Và rồi tất cả mọi người chạy về nhà thay bộ đồ đẹp nhất để anh cán bộ sẽ chụp rồi in ra cho mỗi người một tấm, ngàn năm một thuở mà. Mẹ tôi cũng lôi anh chị em chúng tôi về nhà thay bộ “đồ hộp” (là đồ đẹp nhất để dành có việc quan trọng mới mặc) và cùng chúng tôi ra sân đứng chung với dân làng.
Sau khi sắp xếp chỗ đứng rất lâu, người này thấp ra phía trước, người kia ra đầu nọ cho cân đối… cuối cùng anh ta hô:
- Không chớp mắt … một hai ba…
Anh ta làm lại vài lần và tất cả chúng tôi quây lấy anh ta hỏi han khi nào sẽ có ảnh… anh ta trả lời chắc nịch:
- Tuần tới anh sẽ trở lại, mọi người sẽ đều có ảnh rất đẹp.
Gia đình chúng tôi không có dịp gặp lại anh ta vì chiến sự lan rộng. Trên đường tản cư ngược xuôi, một hôm bố tôi gặp lại anh phó đòan, bố tôi hỏi về tình hình những bức ảnh. Anh phó đòan cười:
- Làm gì có ảnh, anh Bảo muốn vận động quần chúng nên dùng tâm lý chiến để tạo sự quý mến thân thiện thôi. Máy không có phim chú ạ.
Bố tôi giật mình:
- Chết, thế cả làng họ hy vọng thì sao?
- Ôi, đã gọi là “tâm lý chiến” mà, chú không nhớ “cứu cánh biện minh cho phương tiện” sao? Miễn đến khi kết thúc, cách mạng thành công là chẳng ai còn nhớ chuyện ảnh iếc làm gì. Mà ngay bây giờ, chắc gì dân bản còn nhớ …
Tối đó bố tôi kể lại câu chuyện cho mẹ tôi nghe, rồi bố thở dài… đăm chiêu…
Anh cán bộ cho là dân làng không nhớ, nhưng tôi biết chắc chắn là họ nhớ và vẫn đang hy vọng có ngày nhận được bức ảnh có họ đứng trong, bức ảnh có họ với tấm áo đẹp dành riêng cho ngày Tết, miệng nở nụ cười tươi hy vọng của mùa Xuân.
Riêng tôi, hình ảnh đám người xúng xính – trong đó có cả tôi – lăng xăng chạy qua chạy lại, cười nói rộn ràng, cặp mắt sáng trưng… này là mế Vinh đứng sau cô nàng Thảo… này là chú … gì nhỉ… tên thì tôi quên nhưng gương mặt tôi vẫn nhớ như in… chú cười lộ hàm răng xỉn vì khói thuốc… em bé … đang chen ra phía trước … chao ơi… nước mắt tôi đã lưng tròng… ôi… những con người hồn nhiên hiền lành, tử tế lương thiện ấy – những con người chất phác thật thà ấy đã bị lừa như cả nước bị lừa – có biết rằng ít nhất họ vẫn có một bức ảnh, bức ảnh trong trái tim tôi… sẽ mãi mãi cùng với tôi đi hết con đường đời… không bao giờ phai mờ.
Một buổi sáng đón Xuân Giáp Ngọ
Tháng 1 năm 2014
Đỗ Phương Khanh
Trích: Giai Phẩm Xuân Quê Hương Ngày Mai








Xuân

(DUNGNGUYEN) - VCF

Giờ vẫn còn là tháng Giêng, cái tháng mà ông bà mình ngày xưa đặt tên Tháng Ăn Chơi.
Trời đất Bắc Mỹ thì vẫn còn là cuối Đông, sáng ra đi học, đi làm vẫn phải khoác thêm một chiếc jacket.
Nghĩa là vẫn chưa sang Xuân, dù quanh vùng hoa đào và cúc dại đã nở rộ.
Chợt nghe một bản nhạc do một người bạn hát cho VCF Idol.
Nghe lòng da diết nhớ Tết Sài gòn.
Những tưởng nỗi nhớ ấy đã nhạt nhòa sau 24 năm ra đi.
Nhưng không!

Nhớ cái Tết đầu tiên ở Bắc Mỹ.
Khi ấy tôi còn ở với San Rafael, chưa dời xuống San Jose.
Phố núi, heo hút, người Việt thì ít, Tết gần như không hiện diện.
Những tấm bánh chưng xanh chỉ càng làm xanh xao thêm nỗi nhớ.
Nhắm mắt lại tôi vẫn thấy mình đứng trước sân nhà ở Đa Kao.
Mơ thấy mùi thuốc pháo, mùi thơm hoa cúc và huệ.
Tôi mơ thấy mình đạp xe qua nhà em.
Nhớ mãi chiếc áo ca rô hồng.
Em vẫn còn ở Sài gòn.

Chiều nay, đứng trên dốc cao Davenport nhìn ra biển.
Bên kia cái ngút ngàn của đại dương, có là Sài gòn.
Dưới chân dốc, sóng biển vẫn vỗ bờ dạt dào.
Bốn cái trụ cầu dẫn ra biển.
Ngày xưa, ở đây có một cái cầu tàu mà lâu rồi đã không còn.
Chỉ còn trơ lại bốn cái trụ cầu chơ vơ.
Tôi như thấy, trước mắt mình, trong nháy mắt, một chiếc cầu thẳng tắp.
Chiếc cầu chạy thẳng từ Santa Cruz về đến Vũng Tàu.
Người đi tấp nập, xe cộ nườm nượp.
Mười hai nhịp cầu lộng lẫy thay cho chiếc cầu đã gẫy quê xưa.
Từ nay, người ta thôi không nhớ đến tang thương nữa.
Chiều dần xuống.
Tôi thấy lòng nghèn nghẹn khi tấm hình tôi chụp ra vẫn chỉ là thế.
Bốn trụ cầu chơ vơ.

-DN









Tổng số lượt xem trang