Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

NẮNG

2Đen (DANNYHAIDEN)- VCF

Cánh cửa khung sắt có ca rô đan bằng kẽm gai được mở rộng , toán vệ binh lăm lăm và không khí đột nhiên căng thẳng như những sợi dây đàn . Đoàn tù lam lũ rách rưới tiến ra ngoài theo hàng một , không một tiếng nói, tiếng sột soạt của những bộ quần áo khô cứng vì bùn, hòa lẫn tiếng lạch cạch của những chiếc lon Gô đựng nước , xen lẫn trong gió và nắng sớm ,thoang thoảng mùi hôi khó tả của đám tù, khi ngang qua người Quản giáo đang chỉ tay lẩm bẩm đếm . 

Một sáng như mọi sáng, khi ra đi, một ngày như mọi ngày, sau lao động, đạt chỉ tiêu để được một thau lưng ,cho 6 người, khoai mì khoai lang lẫn lộn, loang lổ những màu xanh xám bốc mùi nồng khai vì mốc. Người ta hay nói về thiên thu, nhưng chỉ có những người từng ở tù mới thực sự hiểu rõ thiên thu là gì , nhất là tù cộng sản .Thiên thu chỉ là phía bên kia hàng rào kẽm gai , hay sau bức tường biệt giam ,thiên thu rất gần nhưng không bao giờ có thể nắm bắt được, thiên thu là khoảng để trống trong cuốn sổ lý lịch trích ngang phần ngày ra trại ,dù rõ ràng mục ghi ngày nhập trại đã được điền vào , đó là khoảng trống hoác của đời người , cõi vô định của tầm nhìn ,và vô vọng của tương lai .Thiên thu , một tiếng kêu không hề có tiếng vọng , như một tù nhân không được hạn định ngày về .


Nắng lên cao và những đợt gió bắt đầu phà vào không khí chút hơi nóng , dốc lên xiên , ngoằn ngoèo uốn lượn như ngọn roi da ,tiến về phía trước trong im lặng , rồi đột nhiên có tiếng xì xầm trong hàng người,” để ý chút, coi chừng , coi chừng “ .


Người vệ binh trẻ , trong bộ quân phục rộng thùng thình, ghìm súng , mắt nhìn dò xét , đứng ờ một góc quẹo , trước một túp lều đựng tạm cho người đi làm rẫy nghỉ ngơi , bên kia đường mòn là những luống bắp cao khỏi đầu người, mang trái chi chít , cách khoảng là những luống đậu phọng thẳng tắp. Đường mòn cứ vòng vèo cho đến khi khi nghe tiếng thì thào bâng quơ đâu đó, giọng đàn bà : ” phía sau gốc cây đổ bên trái , nhanh lên “, vài người đi trước vội vã rẽ ngoắt theo đường mòn một góc khuất , che tầm nhìn , có tiếng sột soạt vội vã đâu đó , rồi những bước chân lại tiếp tục bình thường. Tôi tiếp bước theo dòng người và đột nhiên thấy một người đàn bà đứng phía tay trái đường mòn , đang chống cuốc đứng nhìn. Có người nói khẽ : cám ơn cô Yến, và có tiếng trả lời : không có gì , một giọng nói trong trẻo , bình thản , như chẳng nói với một ai .


Người đàn bà mang một đôi giày bố , quần đen vải thô, khoác một áo lính loại bốn túi , tay mang găng kín, đội chiếc nón lá che khuất khuôn mặt đã được trùm kín , chỉ chừa thấy đôi mắt , dôi mắt rất tinh anh. Đó là cô Yến của chúng tôi , người mà chúng tôi mới biết tên chừng hơn hai tuần, gọi là cô , vì giọng nói rất trẻ .


Không phải ngày nào chúng tôi cũng đi ngang qua rẫy cô Yến, và chỉ được biết trước khi rời trại , nếu đi phá rừng , băm chồi , lấy củi thì sẽ đi ngang qua rẫy cô Yến, còn không thì đi hướng khác , vòng dọc theo quốc lộ , để nhìn thấy những chiếc xe than xả khói mù mịt , ỳ ạch chất đầy người, thỉnh thoảng đột nhiên để rơi rớt lại những bánh trái có vị ngọt tuyệt vời , nếu không bị Quản giáo tịch thu .


Chưa một ai trong chúng tôi được nhìn thấy chân dung cô Yến, nhưng với dáng vóc mạnh khỏe , giọng nói trong veo, cô Yến là gạch nối cho chúng tôi với những gì chúng tôi không thể có , một vài củ khoai lang dấm dúi , vài trái bắp luộc đã cẩn thận cắt đôi cho dễ dấu , có khi vài tán đường bầu dục, mà chúng tôi biết chắc là một ký sẽ được 19 cục , khác hẳn tán đường vuông sẽ là 42 , đó là những giấc mơ ,và chưa ai hiểu rõ những giấc mơ này bằng chúng tôi . 


Chúng tôi chẳng được biết thực sự gia đình mình như thế nào, và gia đình chúng tôi chẳng hề được biết thực sự chúng tôi đang ở đâu , mọi thư từ đều được gửi khi có lệnh, mọi thư từ đều được ban chỉ huy kiểm duyệt trước khi gửi, dù như thế không ít lần , những người dọn phân xanh bên khung cho khu tăng gia cải thiện , đã thấy từng xấp những lá thư có đóng dấu bưu điện được nằm chung trong đám phân.


Khởi đầu, chỉ là những củ khoai , những nắm đậu phộng , Cô được gọi là cô quân tiếp vụ , rồi chẳng hiểu sao đó , khi nhận những món quà của cô , thì cô lại nhận lại những bức thư, những bức thư nhờ gửi về gia đình , có địa chỉ người nhận mà không có địa chỉ người gừi, những lá thơ với nhớ nhung của kẻ trong tù , với vợ con , với anh em, những lá thơ mà đoan chắc sẽ không trở ngược lại khu tăng gia , nằm trong hầm phân xanh. Sau này , khi được thăm nuôi , được biết những là thư đó đã đểu được gửi. Từ đó mọi người xì xầm gọi cô là “Bồ Câu” với tất cả sự ngưỡng mộ , và vẫn cứ như thế cho đến một ngày, ai đó đã tình cờ nghe gọi cô bằng chính tên thật ,”chị Yến ơi , nhanh lên , nó đang đến kia “ . Chúng tôi bỗng nhiên cảm thấy gần gũi với cái tên ”Yến”biết chừng nào , cái tên không còn xa lạ , cái tên không có một khoảng cách , mà nối những khoảng cách lại với nhau , cái tên mà có người ước rằng khi có con gái thì bắt buộc phải tên là Yến , lần này thì tên cô không thể đổi , mọi người gọi cô là “cô Yến dốc mơ”, và ai cũng mơ có lúc gặp cô Yến đứng trên dốc mơ , ban phát âm thầm những thức ăn dấm dúi và nhận lại và chuyển đi những đau đớn nhớ nhung,dàn trải trong những bức thư, viết vội vàng xếp thành một tệp giấy nhỏ , bao kỹ bằng bao nylon, ném vội, mà cô Yến sẽ tìm lại sau đó .


Vài tuần sau , chúng tôi bị biên chế dời trại , đột ngột như những lần khác .

Tổng số lượt xem trang