Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

THƯ KÊU CỨU và ĐƠN KHIẾU NẠI của GIA ĐÌNH ĐIẾU CÀY; HOA KỲ KÊU GỌI VIỆT NAM THẢ LS. LÊ QUỐC QUÂN và TS. CÙ HUY HÀ VŨ)

DieuCayFamily
THƯ KÊU CỨU 
Kính gửi :   Đại sứ quán các nước tại Hà Nội
                    – Các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Tôi tên là Nguyễn Trí Dũng, con trai của tù nhân Nguyễn Văn Hải tức BloggerĐiếu Cày, cùng mẹ tôi là Dương Thị Tân.

Hôm nay, ngày 29 tháng 4 năm 2013 chúng tôi đã gửi cho các cơ quan chức năng Việt Nam Đơn khiếu nại về những hành vi trấn áp và phân biệt đối xử đối với ông Hải ở trong tù. Cho đến thời điểm hiện tại dù đã qua 9 trại giam, gia đình chúng tôi vẫn đang bị các cán bộ trại giam Xuyên Mộc ngăn cản quyền lợi thăm nuôi bằng mọi cách có thể, và ông Nguyễn Văn Hải vẫn đang bị phân biệt đối xử, biệt giam trong tù. 
Việc tiếp tục cấm đoán, xâm phạm quyền lợi chính đáng của ông Hải mà các cán bộ trong trại giam Xuyên Mộc đang làm là coi thường tất cả mọi quan ngại của quốc tế, vi phạm chính luật pháp Việt Nam, và xem thường quyền con người quy định trong những cam kết về nhân quyền, chống phân biệt đối xử mà Việt Nam đã cam kết. Chúng tôi vô cùng thất vọng vì những khiếu nại, tố cáo sai phạm trong suốt 5 năm trời là vô nghĩa. Nhà cầm quyền sẵn sàng chuyển trại giam ông Hải liên tục và xa xôi hơn, gây khó khăn tổn thất cho thân nhân, đày đọa người tù, tạo điều kiện cho những vi phạm tiếp tục diễn ra, tránh né trả lời khiếu nại tố cáo.
Chúng tôi hết sức lo ngại vụ việc vi phạm này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong khi án của ông Hải là 12 năm tù giam.
Chúng tôi mong mỏi các chính phủ, các tổ chức nhân quyền NGO lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt những hành động vi phạm pháp luật, phân biệt đối xử, đàn áp về tinh thần, hạn chế về chăm sóc y tế trong việc giam giữ ông Hải.
Sài Gòn, ngày 29/4/2013.
Nguyễn Trí Dũng và Dương Thị Tân.
***
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Ngày 29 tháng 4 năm 2013
ĐƠN KHIẾU NẠI
Kính gửi Giám thị trại giam T345 Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Về những việc làm trái pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tù nhân và thân nhân đi thăm nuôi của các cán bộ quản lý phân trại K3 trại T345, Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng tàu.
I. NGƯỜI KHIẾU NẠI :
Tôi tên là Nguyễn Trí Dũng. Sinh năm : 1986. Số CMND : 0 2 4 2 0 8 4 9 3.
cùng mẹ tôi là Dương Thị Tân. Sinh năm : 1958.  Số CMND : 0 2 3 4 1 3 2 5 2
Thường trú tại : 57/31 Phạm Ngọc Thạch Phường 6 Quận 3 TP.HCM
Là thân nhân của tù nhân Nguyễn Văn Hải. Sinh năm 1952 hiện đang thi hành án phạt tù tại phân trại K3 Xuyên Mộc (T345) với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” điều 88 bộ luật hình sự.
II. ĐỐI TƯỢNG BỊ KHIẾU NẠI :
- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu
- Đại Úy Phạm Văn Huyên
- Thượng Sĩ Nguyễn Văn Quân.
Nguyên là các cán bộ tiếp dân kiêm cán bộ tổ chức thăm gặp tại phân trại K3 Xuyên Mộc (T345-Bà Rịa Vũng Tàu)
III. NỘI DUNG :
1)      VI PHẠM VỀ THỜI HẠN THÔNG BÁO CHO THÂN NHÂN VỀ VIỆC TIẾP NHẬN NGƯỜI THI HÀNH ÁN TÙ
- Ngày 7 tháng 2 năm 2013 mẹ tôi và tôi lên đường đi Bố Lá (Bình Dương) và hoàn toàn bất ngờ khi biết tin cha ruột tôi là ông Nguyễn Văn Hải đã bị chuyển trại ngày 1 tháng 2 năm 2013 đến trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu). Ngày 8 tháng 2 năm 2013 mẹ tôi và tôi đến trại Xuyên Mộc và phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tìm được cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải đang bị giam tại phân trại K3. Cho đến tận ngày 2 tháng 3 năm 2013, gia đình tôi mới nhận được thông báo của trại Xuyên Mộc về việc “ông Hải vào chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuyên Mộc và chưa đóng án phí 400.000 VNĐ” ký bởi  Phó giám thị trại là Thượng Tá Đỗ Công Vụ. Mặc dù trên Thông báo đề ngày 1 tháng 2 năm 2013 nhưng trên phong bì chuyển phát nhanh còn đóng dấu ngày 16 tháng 2 năm 2013. Như vậy ngoài sự nhập nhằng ở ngày tháng của Thông Báo, ở đây đã có sai phạm về thời hiệu thông báo cho thân nhân của người thi hành án phạt tù theo điều 26 khoản 3 Luật Thi Hành Án Hình Sự (LTHAHS), đã gây tổn thất về thời gian và tiền bạc cho thân nhân đi thăm nuôi.
(Trích Điều 26 : Tiếp nhận người chấp hành án phạt tù
3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận người chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, thân nhân của người chấp hành án phạt tù biết và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự.)
- Ngày 28 tháng 4 năm 2013 khi tôi và mẹ đến trại Xuyên Mộc để thăm gặp sau nhiều lần bị ngăn cản thăm gặp với lý do “đến sớm hơn ngày thăm gặp trong sổ” thì chúng tôi được cán bộ Huyên thông báo ngắn gọn rằng “ông Hải đã bị chuyển trại rồi nhé”. Gia đình lại một lần nữa lặn lội đến trại chỉ để nhận một câu nói, một lý do không rõ ràng. Vì khi tôi yêu cầu cán bộ Huyên trả lời là ở trại nào thì cán bộ Huyên nói “tôi chỉ biết cấp trên của chúng tôi là tổng cục 8 trích xuất ông Hải đi ngày 26, ngoài ra tôi không biết đi đâu và không có trách nhiệm trả lời. Có lệnh trích xuất và chúng tôi làm theo lệnh, thế thôi.” . Khi tôi nói “Tại sao lại có chuyện bản thân một cán bộ quản lý tù nhân lại không thông báo cho người nhà biết trước, và không biết tù nhân chuyển đi đâu” thì cán bộ Huyên đáp “Ông ấy chuyển đi đâu thì gia đình cứ về nhà chờ, tự trại nào tiếp nhận ông ấy sẽ có giấy báo về gia đình, ở đây chúng tôi không có trách nhiệm phải thông báo cho gia đình”. Chúng tôi không chấp nhận câu trả lời mập mờ của cán bộ Huyên thì cán bộ Hữu từ trong đi ra và nói  “ ông Hải chuyển đi trại số 6, còn trại đó là trại nào ở đâu thì cả cái đất nước này có năm mươi mấy trại tôi không thể nhớ hết được. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh và không có nghĩa vụ phải thông báo cho gia đình, nếu thấy có vi phạm thì cứ việc khiếu nại”. Như vậy lại một lần tung tích của ông Hải như mất tích hoàn toàn với những hạn chế thông tin dù chỉ là những tin tức tối thiểu mà gia đình thân nhân cần phải biết cũng không được thông báo, và làm rõ.
2)      KHÔNG PHÁT HÀNH NỘI QUY, QUY CHẾ TRẠI GIAM
- Từ những ngày đầu tiên bước vào trại, cha ruột tôi là ông Hải đã đề nghị các cán bộ cung cấp nội quy định của trại giam cụ thể là Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu. Cho đến nay ông Hải đã yêu cầu rất nhiều lần nhưng không được đáp ứng. Việc không cung cấp nội quy, quy chế trại cho người tù và chỉ sửa dụng quy chế miệng là sai phạm rõ ràng và cơ bản nhất mở đầu cho hàng loạt các vi phạm sau đây.
3)      ÉP BUỘC NGƯỜI TÙ TỪ BỎ TƯ TRANG VÀ ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN
- Ngày 8 tháng 2 năm 2013, trong lần thăm gặp đầu tiên tại trại Xuyên Mộc.Các cán bộ trại K3 đã ép ông Hải phải gửi những đồ đạc tư trang (đã mang theo suốt năm(5) năm, qua hơn bảy(7) trại giam) cụ thể là sách, báo (tuổi trẻ, thanh niên, pháp luật), chăn mền, khăn, quần áo, tập vở trắng, bút bi. Với lý do là “Trong nhà giam đã có những thứ cần thiết”. Điều đáng nói là các cán bộ trại K3 không cho ông Hải “gửi trại giam” như điều 26 khoản 2 mục (a) LTHAHS quy định đối với đồ dùng tư trang chưa dùng đến, cũng như không giải thích một cách hợp lý là những đồ vật đó thuộc danh mục cấm đem vào trại giam nào như điều 26 khoản 2 mục (c) LTHAHS quy định. Mà chỉ một mực bắt phải gửi về cho gia đình nếu không sẽ bị cưỡng chế tịch thu.
4)      NGĂN CẤM GỬI BÁO CHÍ
- Cùng với sự việc trên, việc ngăn cấm thân nhân gửi báo chí cho ông Nguyễn Văn Hải diễn ra quyết liệt. Các cán bộ phân trại K3 Xuyên Mộc cụ thể là Đại Úy Phạm Văn Huyên thường xuyên kéo báo chí ra khỏi những đồ đạc thăm nuôi và gạch bỏ mục báo chí trong giấy kê quà của ông Hải ngay tại chốt tiếp dân mà không tiến hành tiếp nhận để kiểm duyệt cũng như giải thích cho thân nhân ông Hải được biết báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động thuộc danh mục cấm nào do Bộ công an và Bộ quốc phòng quy định. Cán bộ Huyên nói “trong trại giam đã có đầy đủ sách, truyện, báo chí nên không cần gửi báo chí nữa”. Những lời nói đó đã được làm rõ ngay trong cuộc gặp ngày 24 tháng 3 năm 2013. Cha tôi đã khẳng định hoàn toàn không có truyện, sách, báo chí nào ngoài 3 số báo Nhân Dân ông được trại phát từ ngày bước vào trại cho đến nay (gần 2 tháng). Hơn nữa, không thể lấy một việc thuộc về quy chế trại giam (có trang bị sẵn sách báo, thư viện) làm lý do hạn chế một việc thuộc về chế độ gửi, nhận quà của người tù (đã được pháp luật quy định riêng rẽ) được. Cũng trong buổi thăm gặp ngày 24 tháng 3 năm 2013 cha tôi là ông Hải đã phản đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu “Không có trại giam nào, luật nào cấm tù nhân đọc báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cả”. Thì cán bộ Hữu đáp “Cũng không có luật nào yêu cầu chúng tôi phải cho phép anh đọc báo cả. Anh có thể khiếu nại.”. Câu trả lời của cán bộ Hữu là thiếu hiểu biết luật pháp và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm lợi ích hợp pháp của người chấp hành án cụ thể là Điều 46 Khoản 2 LTHAHS : …phạm nhân được nhận thư, tiền mặt, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm.”…Việc ngăn cấm thân nhân gửi bất kỳ loại báo giấy nào và cấm người tù đọc bất kỳ loại báo nào khác ngoài báo Nhân Dân trong trại giam mà không cần phải kiểm duyệt và cho biết lý do chính đáng đã vi phạm một loạt các chính sách của nhà nước về quyền lợi của người chấp hành án phạt tù được quy định nhiều lần và lặp đi lặp lại tại các Điều 28 khoản 1 và 2 ; Điều 44 Khoản 1 và 2 LTHAHS ; Điều 12 Khoản 3 Nghị Định Số 117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ.
5)      BIỆT GIAM
- Từ ngày đầu bước vào trại giam ngày 1 tháng 2 năm 2013, Cha ruột tôi là ông Nguyễn Văn Hải đã bị các cán bộ phân trại K3 Xuyên Mộc biệt giam tại 1 khu phòng giam riêng. Mặc dù đã nhiều lần phản đối nhưng cho đến lần gặp mặt gần nhất ngày 24 tháng 3 năm 2013 ông Hải vẫn báo với gia đình rằng tình trạng biệt giam vẫn chưa hề thay đổi. Việc làm này được cán bộ Hữu cho rằng “không phải biệt giam mà là Giam Riêng, vì loại phạm nhân chính trị như ông Hải hiện giờ ở đây chỉ có một.” và dẫn Điều 27 Khoản 4 LTHAHS để trả lời cho quyền được phân loại người tù và “giam riêng” của trại giam. Một lần nữa Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu thể hiện sự hạn hữu về pháp luật và không đủ tư cách để là một cán bộ tiếp dân và tổ chức thăm gặp. Nếu đủ tư cách và am hiểu pháp luật thì việc cố tình viện dẫn luật để khuất lấp quyền lợi của người tù chính là lợi dụng quyền hạn xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án tại Điều 27 khoản 2 LTHAHS : Chỉ “2. … những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:
a) Phạm nhân nữ;
b) Phạm nhân là người chưa thành niên;
c) Phạm nhân là người nước ngoài;
d) Phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm;
đ) Phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;
e) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam.
Và Điều 9 Khoản 2 trong Nghị Định Số 117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2011 :
“2. Phạm nhân được ở theo buồng giam tập thể, trừ các trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 02 mét vuông (2 m2), có bệ gạch men, ván sàn hoặc giường…”
Việc trích dẫn luật một cách mập mờ và (cố tình) tỏ ra thiếu hiểu biết pháp luật nhằm bỏ qua quyền lợi hợp pháp của người tù của cán bộ phân trại K3 Xuyên Mộc là vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, khi vận dụng quyền “phân loại và chuyển khu giam giữ” để biện hộ cho việc đã biệt giam ông Hải ròng rã gần 3 tháng nay. Tất cả những điều luật THAHS và thông tư nghị định có quy định về “quyền phân loại và chuyển khu giam giữ” đều không hề có một câu, chữ nào cho phép hoặc cán bộ có quyền biệt giam hay “giam riêng” để phân loại phạm nhân. Những trường hợp phải biệt giam hoặc “giam riêng” đã được quy định riêng biệt và rõ ràng ở Điều 27 Khoản 2 LTHAHS. Sau này đã tiếp tục được bổ sung làm rõ hơn bởi Điều 9 trong Ngị Định 117/2011/NĐ-CP như đã trích dẫn ở trên.
6)      HẠN CHẾ THỜI GIAN THĂM GẶP
- Trong tất cả những lần thăm gặp ông Hải tại phân trại K3 Xuyên Mộc, một lần duy nhất tôi được gặp cha tôi hơn 15 phút. Còn lại đều chỉ 10 phút hoặc ít hơn, khi tôi cùng cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải phản đối thì các cán bộ Phạm Văn Huyên nói “Phạm nhân mỗi tháng được gặp thân nhân 1 lần, mỗi lần không quá 1 tiếng. Như vậy tùy theo tình hình thăm gặp mà chúng tôi bố trí cho gặp từ 1 phút đến không quá 60 phút. Miễn sao đưới 1 tiếng là không vi phạm”. Như vậy cùng với việc không cung cấp quy định, quy chế trại giam cụ thể về thời gian thăm gặp và việc LTHAHS không có quy định cụ thể về thời gian thăm gặp tối thiểu. Các cán bộ quản lý phân trại K3 Xuyên Mộc đã và đang tiếp tục lợi dụng để thực hiện hành vi hạn chế thời gian thăm gặp của ông Hải với thân nhân.
7)       NHỮNG CHẾ ĐỘ KHÁC CỦA NGƯỜI TÙ BỊ LOẠI BỎ KHÔNG LÝ DO
- Người tù khi chấp hành án hình sự ngoài những chế độ giam giữ tập thể, học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem tin tức thời sự, nghe đài còn được hưởng chế độ “Gửi thư mỗi tháng hai (2) lần và gọi điện thoại mỗi tháng một lần không quá năm (5) phút” quy định tại Điều 47 LTHAHS. Những thắc mắc của tôi với cán bộ tiếp dân trại về vấn đề này đều bị lờ đi và không trả lời.
- Cha ruột tôi là ông Nguyễn Văn Hải đang gặp vấn đề về chèn ép dây thần kinh cột sống gây căng gân chân và đau đớn khi cử động. Hiểu rõ cơ thể mình bất thường, ông Hải đã nhiều lần thông báo với cán bộ trại biết là “chỉ uống thuốc của trại phát không thấy thuyên giảm”. Nhưng cho đến thời điểm này gia đình chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ trại giam về việc đưa ông Hải đia khám chữa bệnh theo quy định tại Điều 48 Khoản 2 LTHAHS : “Phạm nhân bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. …”
8)       CÁN BỘ TIẾP DÂN THIẾU TƯ CÁCH, VÔ TRÁCH NHIỆM, VƯỢT QUYỀN HẠN, VÀ XÚC PHẠM NHÂN PHẨM CÔNG DÂN
- Ngày 24 tháng 3 năm 2013, Mẹ tôi là bà Dương Thị Tân đề nghị Đại úy Phạm Văn Huyên trực tiếp dân trả lời về cách thực hiện xin thăm gặp ông Nguyễn Văn Hải theo Điều 46 bổ sung và có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 2011. Thì cán bộ này nói “giải quyết sau”. Mẹ tôi yêu cầu cán bộ này sau khi tổ chức thăm gặp xong phải hướng dẫn và trả lời những thắc mắc liên quan thì cán bộ này tiếp tục nói “chị là ai mà yêu cầu tôi”. Sau khi thăm gặp cán bộ này đã không ra ngoài bàn tiếp dân nữa mà để cho một cán bộ khác là Thượng sĩ Nguyễn Văn Quân trực thay, buộc lòng mẹ tôi phải nhờ cán bộ Quân tư vấn về “ngày đi thăm gặp sớm hơn hoặc trễ hơn có được không ?” thì cán bộ này trả lời “miễn sao mỗi tháng một lần, sớm hơn hay trễ hơn vẫn được”.
Thể theo lời hướng dẫn, tôi và mẹ lên trại để tiến hành thăm nuôi cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải ngày 21 tháng 4 vừa qua, nhưng cán bộ trực tiếp dân là Đại Úy Phạm Văn Huyên và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu (đã cất bảng tên vào túi) nói rằng “ Không giải quyết vì chưa đến ngày 24”. Mẹ tôi vô cùng bức xúc nói rằng chính bà đã được cán bộ Quân hướng dẫn, thì hai vị này tiếp “Quân nào ? Quân không có trách nhiệm trả lời”. Dù vô cùng bức xúc, mẹ tôi tiếp tục đề nghị cán bộ Huyên giải thích cho công dân được biết thủ tục xin thăm gặp ông Hải là cha ruột của tôi thì cán bộ Huyên nói “Tôi không tiếp chị, chị không có quyền công dân ở đây”. Như để hùa theo, cán bộ Hữu nói “Khi người ta vào tù thì chị bỏ người ta, bây giờ lại vào đây đòi gặp” và kêu 6 cán bộ mặc sắc phục khác không đeo bảng tên chạy xe máy đến và ra lệnh “lôi ra khỏi khu vực làm việc”. Khi tôi phản đối “như vậy là vi phạm pháp luật” thì ông Hữu đề nghị tôi “cứ việc khiếu nại”. Như vậy trong hai ngày 24 tháng 3 và 21 tháng 4 năm 2013, các cán bộ tiếp dân tại phân trại K3 T345 Xuyên Mộc đã thể hiện một loạt sai phạm vô cùng nghiêm trọng mà tối thiểu một cán bộ tiếp dân phải có.
Cụ thể là việc các cán bộ không đeo bảng tên và sử dụng cán bộ khác không có trách nhiệm tham gia trực tiếp dân và trả lời thắc mắc của công dân, gây tổn thất về thời gian tiền bạc của thân nhân đi thăm nuôi;
Vô trách nhiệm quan liêu khi Huyên và Hữu nguyên là cán bộ tiếp dân lại có lời lẽ “Chị là ai mà yêu cầu tôi” gạt bỏ quyền được yêu cầu trả lời thắc mắc, hướng dẫn của người đầy đủ quyền công dân là mẹ tôi bà Dương Thị Tân.
Xúc phạm danh dự nhân phẩm khi ông Hữu có tuyên bố sai trái về đời tư của mẹ tôi là bà Dương Thị Tân trước đám đông.
Vượt trên quyền hạn của mình khi thay tòa án tuyên bố “chị không phải là công dân”, và ra lệnh cho 6 cán bộ mặc sắc phục khác “lôi ra khỏi khu vực làm việc”.
IV. YÊU CẦU :
1)
 Đề nghị thẩm tra, xác minh trả lời bằng văn bản tám nội dung mà tôi đã nêu trên.
2) Chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, phục hồi quyền lợi và chính sách chính đáng được pháp luật quy định của ông Nguyễn Văn Hải cũng như thân nhân. Cụ thể là
- Quyền được biết Nội quy và Quy chế trại giam của người chấp hành án tù và thân nhân đi thăm gặp (2);(6).
- Quyền được đọc sách báo, học tập, được phổ biến pháp luật và được biết thông tin thời sự, chính sách của nhà nước (3);(4).
- Quyền được gửi, nhận, lưu giữ đồ vật miễn không phải là đồ có trong danh mục cấm của bộ công an (3);(4).
- Thực hiện đúng chế độ giam giữ theo LTHAHS và các văn bản (Thông tư; Nghị định) bổ sung liên quan (5).
- Thực hiện chính sách về liên lạc điện thoại và gửi thư hằng tháng theo đúng quy định của LTHAHS (7).
- Đảm bảo thực hiện đúng chế độ chăm sóc y tế theo quy định của pháp luật (7)
- Quyền được Yêu Cầu cán bộ trực tiếp dân trả lời khi có thắc mắc (8).
3) Đề nghị áp dụng hình thức xử lý thích đáng đối với sai phạm của những cán bộ tiếp dân tại phân trại K3 – T345 Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu .
V. CAM ĐOAN :
- Tôi xin cam đoan những thông tin đã nêu trong tám nội dung khiếu nại trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại của mình.
- Những sai phạm trong việc tổ chức thăm nuôi, tư vấn luật pháp, và những quyền lợi cơ bản nhất bị hạn chế đã gây không ít khó khăn cho thân nhân đi thăm nuôi và bản thân của người chấp hành án phạt tù là ông Nguyễn Văn Hải. Những tổn thất về tài chính có thể khắc phục được nhưng những tổn hại về thời gian, sức khỏe, tinh thần, và niềm tin vào luật pháp thì rất khó khắc phục. Những phát ngôn, tác phong, hành vi vi phạm luật pháp của chính những người mặc sắc phục tiếp dân tại phân trại K3 Xuyên Mộc là có hệ thống và sự quan liêu thiếu trách nhiệm đã quen thuộc đến mức các cán bộ tại đây tự tin yêu cầu tôi cứ việc khiếu nại. Tôi mong quý cơ quan sớm xem xét, giải quyết. Trước hết để trả lại quyền lợi chính đáng cho Ông Nguyễn Văn Hải và Thân nhân đi thăm nuôi sau là để giữ gìn diện mạo của những người đại diện luật pháp tại phân trại K3 nói riêng và của đất nước chúng ta nói chung.
NGƯỜI LÀM ĐƠN
1. Dương Thị Tân   2. Nguyễn Trí Dũng
(Defend the Defenders).
*Xem đơn gốc và bản dich tiếng Anh của Lê Anh Hùng.

http://vietnamhumanrightsdefenders.wordpress.com/2013/05/01/thu-keu-cuu-va-don-khieu-nai-cua-gia-dinh-dieu-cay/-THƯ KÊU CỨU và ĐƠN KHIẾU NẠI của GIA ĐÌNH ĐIẾU CÀY-

- Tố cáo những hành vi hành hạ, trả thù của CA đối với Blogger Điếu Cày (DLB).  - Tình hình của những người tù vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân (RFA).

-
USdept of state
Bản dịch của Huỳnh Thục Vy (Defend the Defenders)

PHÁT BIỂU VỀ BÁO CÁO TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN CÁC NƯỚC NĂM 2012 – HỌP BÁO ĐẶC BIỆT.

Uzra Zeya - Quyền Trợ lý Thư ký Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Washington, DC – Ngày 19/4/2013
Ms. ZEYA: Xin cám ơn  ngài Ngoại trưởng rất nhiều. Tôi muốn nói vài lời về cách chúng ta sử dụng Bản báo cáo Nhân quyền hằng năm để thông tin cho các cơ quan Ngoại giao trên khắp thế giới của chúng ta và giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan nhanh chóng về một số những diễn biến chủ yếu trong năm qua, mà bản báo cáo đã mô tả, rồi tôi sẽ hân hạnh lắng nghe những câu hỏi từ các bạn.
Như ngài Ngoại trưởng đã nói, Nhân quyền là trọng tâm trong những cam kết ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ và những bản báo cáo này là nền tảng thực tế để chúng ta xây dựng và định hình các chính sách của mình. Nhân quyền luôn nằm trong chương trình nghị sự, trong các mối quan hệ song phương của chúng ta, ví dụ như trong  suốt cuộc đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt gần đây, trong đó chúng ta thúc giục việc trả tự do cho các tù nhân chính trị gồm Lê Quốc Quân, Tiến sĩCù Huy Hà Vũ và những người khác. Chúng ta luôn ủng hộ những người bị bỏ tù vì những hoạt động cho lý tưởng của họ, gồm Khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và Luật sư Nhân quyền Cao Trí Thịnh và Mục sư Saeed Abedini của Iran, trong số nhiều nhà hoạt động khác trên khắp thế giới.
Những bản báo cáo riêng lẻ thì độc lập và với chúng chừng đó là đủ, vì thế tôi đề xuất là các bạn hãy lấy thêm thông tin chi tiết về những quốc gia hay khu vực cụ thể từ chúng. Đồng thời, tôi muốn nêu bật những diễn biến quan trọng trong năm 2012.
Trước tiên,  như ngài Ngoại trưởng đã  ghi nhận, chúng tôi tiếp tục chứng kiến một không gian dành cho xã hội dân sự đang dần thu hẹp tại các quốc gia mà số lượng ngày càng tăng như Trung Quốc, Ai Cập, và Nga, chỉ kể tên một vài nước như thế. Năm 2012 đã chứng kiến những luật mới ngăn cản việc thực hành các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo; sự tăng cường những hạn chế đối với các tổ chức nhận tài trợ từ nước ngoài; và việc sách nhiễu, bắt bớ và sát hại các nhà hoạt động chính trị trong lĩnh vực lao động và nhân quyền.
Bất kể các biện pháp được đưa ra, kết quả không thay đổi: Khi chính quyền bóp nghẹt xã hội dân sự, đất nước họ sẽ bị tước đoạt các ý tưởng, năng lượng và dân trí – những yếu tố cần thiết cho sự thành công và ổn định lâu dài trong thế kỷ 21.
Chúng tôi cũng nhìn thấy quyền tự do truyền thông đang chịu sự đe dọa ngày càng tăng trong năm 2012. Một con số kỷ lục các nhà báo bị giết khi làm nhiệm vụ hoặc như là hậu quả của việc đưa tin của mình. Một số chính quyền có những biện pháp bóp nghẹt báo chí qua việc sử dụng những điều luật chống khủng bố được mở rộng thái quá, những  quy định pháp luật nặng nề, những vụ sách nhiễu và bỏ tù các nhà báo. Ở Ethiopia, Eskinder Nega vẫn còn ở tù, và Calixto Ramon Martinez Arias trải qua 6 tháng trong nhà tù Cuba vì viết  vụ bùng nổ dịch tả. Một vài chính quyền cá biệt còn nhắm vào quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng qua những đạo luật mang tính thắt chặt mới, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, các vụ sách nhiễu blogger, nhà báo và các nhà hoạt động trên mạng. Xin lấy ví dụ, ở Ai Cập, blogger Alaa Abdel Fattah đã bị bắt đi bắt lại và bị sách nhiễu liên tục bởi chính quyền.
Khắp vùng Trung Đông năm 2012, đàn ông và phụ nữ tiếp tục tổ chức và lên tiếng đấu tranh cho nhân phẩm, cho cơ hội kinh tế và cho sự quan tâm về tương lai chính trị của nước họ. Đã có những cuộc bầu cử lịch sử ở Ai Cập và Lybia nhưng cũng là sự thụt lùi đáng ngại, bao gồm sự xói mòn tình trạng bảo vệ xã hội dân sự, sự xâm hại tình dục nhắm vào phụ nữ,  bạo động và  đàn áp nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số khắp vùng. Bashar al-Assad leo thang  những cuộc tấn công tàn bạo chống lại chính người dân của mình ở Syria; tình hình căng thẳng giữa các cộng đồng và bạo lực chính trị tiếp diễn  ở Iraq, Bahrain và Yemen; các chính quyền khắp vùng Vịnh đã có những hành động giới hạn quyền tự do bày tỏ quan điểm cả trên mạng lẫn ngoài mạng.
Các cuộc đấu tranh này không giới hạn trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là vấn đề bạo lực chống lại những nhóm người bị gạt ra bên lề xã hội. Bản báo cáo 2012 đã đưa ra những tài liệu dẫn chứng về tình trạng phân biệt đối xử và truy bức đối với thành viên của các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, bao gồm người Do Thái, người La Mã, tín đồ Cơ đốc Chính thống, tín đồ Hồi giáo Ahmadis,  tín đồ Baha’i, người Uighur, và người Tây Tạng; cũng như sự phân biệt đối xử những nhóm dân yếu thế khác như người tàn tật, những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và người người chuyển giới khắp nơi trên thế giới.
Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục bị đe dọa  trên toàn cầu, đối mặt những vụ lạm dụng từ bạo lực tình dục đến những tập tục truyền thống tai hại. Từ Afghanistan đến Cộng hòa dân chủ Công gô, phụ nữ và trẻ em gái là những mục tiêu của sự đàn áp trong lúc họ cố gắng sống cuộc sống hằng ngày, thay đổi xã hội cho tốt hơn và thực hành những quyền tự do cơ bản vốn có của con người.
Thật may là không phải tất cả tin tức trong năm 2012 đều tồi tệ. Như ngài Ngoại trưởng đã nói, chúng tôi đã khuyến khích- chúng tôi đang được cổ vũ bởi những gì đang xảy ra ở Miến Điện. Chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho 700 tù nhân chính trị từ năm 2011, nhiều người trong số này đã ở tù hơn một thập kỷ. Bà Aung San Suu Kyi và 42 thành viên của Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đã được bầu vào Quốc hội trong những cuộc bầu cử bổ sung có thể nói là minh bạch và toàn diện. Chính quyền đã  có một số nới lỏng kiểm duyệt báo chí và cho phép công đoàn thành lập và đăng ký. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của bộ máy độc tài vẫn còn nguyên vẹn. Và như ngài Ngoại trưởng đã lưu ý, chúng  tôi cũng rất quan ngại về cuộc xung đột ở bang Kachin và bạo động  sắc tộc ở  bang Rhakine, nằm ở miền trung Miến Điện.
Bên cạnh những cuộc bầu cử mà tôi đã đề cập đến ở Trung Đông và Miến Điện, Georgia đã tổ chức các cuộc bầu cử Nghị viện dẫn đến cuộc chuyển hóa quyền lực dân chủ ôn hòa đầu tiên ở quốc gia này từ khi được độc lập năm 1992. Và khắp thế giới mỗi ngày, những người đàn ồng và phụ nữ dũng cảm đã chấp nhận nguy hiểm,  quên mình để bênh vực những quyền con người phổ quát và để cải thiện cuộc sống của tha nhân.
Cuối cùng, tôi muốn lặp lại lời cảm tạ của ngài Ngoại trưởng đối với các đồng nghiệp của chúng ta ở hải ngoại và trong Bộ ngoại giao, trong đó có biên tập viên kỳ cựu của chúng ta, ông Steve Eisenbraun, người đã làm việc không mệt mỏi để ráp các bản báo cáo này.  Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề và mỗi năm chúng tôi đều nỗ lực để làm tốt hơn. Năm nay, như ngài Ngoại trưởng đã đề cập, chúng tôi đã đưa ra nhưng thông tin toàn diện về điều kiện nhà tù, tình trạng tham nhũng trong chính quyền, quyền công nhân và quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Chúng tôi hy vọng rằng các bản báo cáo sẽ làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền khắp thế giới và chúng tôi đã cam kết làm việc với các chính quyền và xã hội dân sự để ngăn chặn những trường hợp lam dụng và ủng hộ  các quyền phổ quát cho tất cả mọi người.
Vì thế, tôi sẽ dừng tại đây, và tôi hân hạnh được nghe các câu hỏi.
Ms. PSAKI: Tôi sẽ yêu cầu vài người. Chúng ta có đủ thời gian cho vài câu hỏi. Mời Brad.
Hỏi: Vâng. Cả bà và ngài Ngoại trưởng đều đề cập rằng quý vị đưa ra những vấn đề nhân quyền trong tất cả các chuyến viếng thăm của mình, những sự thật khó khăn, như quý vị nói. Song gần đây, khi ngài Ngoại trưởng Kerry công du Trung Quốc, chúng tôi hầu như không nghe thấy lời nào về Nhân quyền cả. Vì thế, bà có thể cho chúng tôi biết  về những sự thật khó khăn mà lẽ ra đã được thúc đẩy kia không?
Ms. ZEYA: Chắn chắn rồi. Tôi chỉ muốn nói tóm lại rằng việc phát huy nhân quyền hoàn toàn là một phần trong nghị trình song phương với Trung Quốc. Chúng tôi liên tục đưa lên những trường hợp nhân quyền cụ thể với chính quyền Trung Quốc trong các cuộc đối thoại song phương và các cuộc thảo luận cấp cao. Trong suốt chuyến viếng thăm của ngài Ngoại trưởng, như ngài đã nói rõ, ngài đã đưa ra những trường hợp cụ thể với chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả trường hợp của Trần Khắc Quý, cháu của luật sư Trần Quang Thành. Anh ta đã đưa ra những chứng cớ vi phạm trong suốt thời gian ở tù của mình và những sách nhiễu đối với gia đình anh.
Một vài trường hợp khác mà chúng tôi thường xuyên đưa ra, tôi đã có đề cập đến trong phần giải thích của mình, những trường hợp đó bao gồm ông Cao Trí Thịnh, Lưu Hiểu Ba và, như tôi đã đề cập, anh Trần Khắc Quý. Nhưng đó chỉ là một vài trong số những tù nhân chính trị ở Trung Quốc. Tôi muốn chỉ cho anh đọc các bản báo cáo của chúng tôi, có nhiều chi tiết hơn về vấn đề này.
Hỏi: Và quý vị có đạt được tiến bộ nào liên quan đến những trường hợp này không?
Ms. ZEYA: Tôi nghĩ nó là một phần của cuộc đối thoại đang tiếp diễn.
Ms. PSAKI: Xin mời Said
Hỏi: Xin cám ơn bà. Tên tôi là Said Arikat từ Nhật báo Al Quds, tôi muốn hỏi bà về các tù nhân Palestine.
MS. ZEYA: Chắn chắn rồi.
Hỏi: Hiện có khoảng 4500 người trong tù. Có khoảng 280 người ở độ tuổi từ 12 đến 15, và tôi tự hỏi, với những hoạt động hiện tại đang gia tăng của quý vị để bắt đầu những cuộc đối thoại mới, liệu quý vị có mang vấn đề đó mà chờ đợi với chính quyền Israel không.
MS. ZEYA: Đúng vậy. Tôi muốn nói tóm lại rằng Hoa Kỳ đang đưa những vấn đề nhân quyền lên những cấp cao nhất trong chính quyền Israel. Tôi muốn đề nghị anh đọc bản báo cáo năm nay của chúng tôi về những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Một vài vấn đề nhân quyền chủ yếu mà chúng tôi đã xác định là những cuộc bắt giữ tùy tiện, hành hạ và xâm phạm có tổ chức, mà thường là không bị trừng phạt, được gây ra bởi các tác nhân khác nhau; những giới hạn quyền tự do dân sự; và sự bất lực của người dân trong việc giữ cho chính quyền của mình có trách nhiệm giải trình.
MS. PSAKI: Ở phía sau. Xin tiếp tục
Hỏi: Vâng, bản báo cáo năm này về Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ gay gắt hơn năm ngoái. Ngài ngoại trưởng có đưa ra trường hợp nào trong số vụ việc này với các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Ngài ngoại trưởng có liên lạc thường xuyên với họ. Ông ta sẽ gặp gỡ họ cuối tuần này. Vậy vấn đề nào đang được ông chú trọng?
MS. ZEYA: Chắc chắn rồi. Với sự tôn trọng dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng trong khối NATO và là một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, nhân quyền là một phần của những cam kết rộng lớn hơn trong phạm vi khu vực. Một vài vấn đề quan ngại được lưu ý trong bản báo cáo là quyền tự do bày tỏ ý kiến, tình trạng của những người thiểu số và những người yếu thế, và cải cách pháp lý. Và điều chúng tôi nghĩ là tiến trình cải cách hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cơ hội để cải thiện tình trạng bảo vệ những người thiểu số, phụ nữ và trẻ em, cũng như mở rộng quyền tự do bày tỏ ý kiến.
Hỏi: Nhưng cho đến nay, ngài Ngoại trưởng có đưa những vấn đề đó ra cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Đây là lần thứ ba ngài Ngoại trưởng có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
MS. ZEYA: Tôi muốn nói rằng, đó là một phần trong sự can dự song phương thường xuyên của chúng ta, nhưng để tìm những chi tiết cụ thể hơn, tôi sẽ phải chỉ anh đến gặp người phát ngôn bộ Ngoại giao.
MS.PSAKI: Ở đằng trước.
Hỏi: Tôi tự hỏi không biết bà sẽ nói với chúng tôi bà quan ngại như thế nào về tình hình ở Nga. Bà đừng nghĩ rằng xã hội dân sự chỉ thu hẹp lại một chút, như bà nói – thậm chí nó đã thu hẹp hơn rất nhiều – tôi muốn nói đến bản báo cáo năm ngoái.
MS. ZEYA: Đúng như vậy.
Hỏi: Và có phải bà nói chung chung về tình trạng bà thấy hay không
MS. ZEYA: Chắc chắn rồi.
Hỏi: Vâng, vì họ đang thực hiện đạo luật đã được thông qua năm ngoái mà quý vị đã than phiền. Bây giờ họ đang thực sự thực hiện luật đó.
MS. ZEYA: Đúng vậy. Không, anh đã đúng. Bản báo cáo chỉ nêu ra những vấn đề cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, nhưng chắc chắn rằng mô hình mà chúng ta nhìn thấy đang nổi lên ở Nga đang gây quan ngại sâu sắc liên quan đến sự nổi lên của tình trạng gia tăng giới hạn đối với việc thực hành các quyền tự do dân sự. Điều này bao gồm các biện pháp liên quan tới việc các tổ chức phi chính phủ đăng ký như là những văn phòng đại diện nước ngoài, nhưng cũng liên quan đến những giới hạn về quyền tự do internet và báo chí. Vì thế, chúng tôi đã làm sáng tỏ cam kết của mình trong việc đối thoại về nhân quyền với chính quyền Nga, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn toàn tận tâm trong việc đối thoại với xã hội dân sự và ủng hộ các nỗ lực của họ.
Hỏi: Tôi có thể tiếp tục bàn về vấn đề đó không?
MS.PSAKI: Chắc chắn rồi.
Hỏi: Tôi chỉ thắc mắc. Ý tôi là, trong quá khứ, tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ đã nói rất nhiều về những quan ngại vi phạm nhân quyền ở Chechnya, và tôi thắc mắc là quý vị nghĩ những sự cố ở Boston sẽ thay đổi cái cách mà chính quyền Hoa Kỳ nhìn nhận về nhân quyền ở Chechnya?
MS. ZEYA: Đúng vậy. Liên quan đến những cuộc điều tra đang tiếp tục ở Boston, tôi sẽ phải nói tóm tắt những bình luận của ngài Ngoại trưởng rằng sẽ rất không thích hợp để đưa ra những bình luận xa hơn trong thời điểm này.
Liên quan đến tình hình ở Bắc Caucacus, tôi có thể nói với các bạn rằng đây là một phần của báo cáo nhân quyền của chúng tôi về nước Nga trong Báo cáo quốc gia từ năm 1995. Anh sẽ tìm thấy khá nhiều thông tin trong bản báo cáo năm nay. Và các bản báo cáo này đã ghi nhận những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra và những hành vi vi phạm nhân quyền liên tiếp được báo là do cả chính quyền lẫn phiến quân gây ra.
MS.PSAKI: Đến câu hỏi cuối cùng.
Hỏi: Vâng. Bà đã đề cập đến những nhà tù. Bộ Ngoại giao, tôi thắc mắc, có quan ngại về những tù nhân ở trại Guantanamo; 56 người trong số 86 tù nhân Guantanamo đã được bào chữa để trả tự do là những công dân Yemen. Bà có đồng ý rằng Hoa Kỳ đang bắt tay vào việc trừng phạt tập thể dựa trên quốc tịch không?
MS.ZEYA: Tôi sẽ nói rằng chính chúng tôi đã giữ những tiêu chuẩn giống như các tiêu chuẩn mà chúng tôi đánh giá các chính phủ khác. Về vấn đề Guantanamo, ngài Tổng thống đã làm sáng tỏ cam kết đóng trại Guantanamo của ông, nhưng điều này phải được thực hiện phù hợp với luật pháp và trong sự tham vấn với quốc hội Hoa Kỳ. Vì thế tôi sẽ phải để nghị anh quay trở lại với những tuyên bố xa hơn của tòa Bạch Ốc và của phát ngôn viên về vấn đề này.
MS.PSAKI: Xin nhắc lại với các bạn rằng, Uzra – Quyền Trợ lý Ngoại trưởng sẽ có mặt ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài vào cuối chiều nay. Lúc đó khoảng mấy giờ nhỉ?
Những người tham dự: (Không nghe được)
MS.ZEYA: Vâng, 4 giờ chiều.
MS.PSAKI: Đối với những người mà câu hỏi chưa được trả lời, chúng tôi khuyến khích các bạn đến đó. Xin cám ơn
MS.ZEYA: Cám ơn.
Source: http://www.newsroomamerica.com/story/359372.html
(*) Tựa bài do Defend the Defenders đặt.
http://vietnamhumanrightsdefenders.wordpress.com/2013/04/28/hoa-ky-keu-goi-viet-nam-tha-ls-le-quoc-quan-va-ts-cu-huy-ha-vu/
HOA KỲ KÊU GỌI VIỆT NAM THẢ LS. LÊ QUỐC QUÂN và TS. CÙ HUY HÀ VŨ (*)

Tổng số lượt xem trang