Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm? Thư mở gởi các trang web Bô xít và Dân Luận

-Đâu là sự thật của thác Bản Giốc ? -Nhan Tuan Truong
 Từ những năm đầu thập niên 2000, tác giả đã vào Trung tâm Văn khố Hải ngoại của Pháp tại Aix-en-Provence (CAOM) để nghiên cứu vấn đề biên giới hai nước Việt-Trung. Năm 2003 có bài biên khảo công bố các dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý liên quan đến chủ quyền thác Bản Giốc. Bài biên khảo này có lẽ vẫn còn đâu đó trong không gian internet. Thời gian tác giả dành cho việc tìm kiếm tài liệu, riêng cho thác Bản Giốc, tính ra gần một năm, với không biết bao nhiêu trang tài liệu, sách và bản đồ phải tham khảo. Nếu đây chỉ là một công tác « thuần túy nghiên cứu khoa học », thì mọi việc sẽ diễn ra hết sức dễ dàng. Người làm nghiên cứu tìm thấy được điều gì thì ghi nhận điều đó, hiểu tới đâu nói tới đó, sau đó tổng hợp lại các dữ kiện và đưa ra kết luận. Nhưng vấn đề tranh chấp biên giới Việt-Trung là một trường hợp hết sức tế nhị và phức tạp. Vấn đề tranh chấp đã tồn đọng từ hàng trăm năm trước, khi VN mới vào vòng lệ thuộc Pháp. Trong khi đó, nhiều tài liệu phát tán từ trong nước tố cáo các lãnh đạo CSVN « bán đất nhượng biển » cho TQ, sau khi hai bên VN-TQ ký kết lại hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999. 



Người làm nghiên cứu về biên giới Việt-Trung vô hình chung cùng lúc bị áp lực từ ba phía : 1/ thiên kiến do tình cảm cá nhân, muốn VN được lợi trong việc phân định biên giới, 2/ do lòng yêu chuộng học thuật, muốn thiết lập một sự thật khách quan và khoa học về vấn đề biên giới Việt-Trung và 3/ do sức ép chính trị từ các phía. 

Vấn đề rắc rối hơn từ khi tài liệu chính thức từ Chính phủ VN (Bị Vong Lục 1979), khẳng định rằng thác Bản Giốc thuộc về VN, được công bố tại hải ngoại. 

Tài liệu này viết như sau :

« Tại khu vực cột mốc 53 (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày dặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên cồn Pò-Thoong và ngang nhiên nhận cồn nầy là của Trung Quốc

Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỉ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành của Trung Quốc. Thí dụ : họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong. »

Tài liệu « Bị Vong Lục 1979 » của nhà nước VN là một tài liệu được đúc kết từ các dữ kiện lịch sử và pháp lý giữa hai nước Việt-Trung, đưa ra quốc tế nhằm tố cáo phía TQ lấn đất của VN. Tài liệu này có giá trị pháp lý. 

Vì có giá trị pháp lý, nó phải « đúng ».

Ngoài giá trị pháp lý do nhà nước CSVN bảo kê, tài liệu này còn có giá trị của « hồn thiêng sông núi ». Nó đã động viên ý chí, thúc đẩy nhiều thế hệ thanh niên VN hy sinh tính mạng để bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Vì vậy, người làm nghiên cứu bị dồn vào cái thế chẳng đặng đừng : mọi cách phải chứng minh cho được thác Bản Giốc thuộc VN. 

Nguyên văn bài viết năm 2003 (xem bên dưới) tác giả trình bày cái logic về chủ quyền của VN tại thác Bản Giốc như sau : 

1/ Chứng minh sông Qui Xuân (Qui Thuận), bằng các tài liệu lịch sử chính thức của TQ, có chảy sang VN.

2/ Chứng minh sông này vẫn có đoạn chảy sang VN, sau khi phân định lại biên giới 1887.

3/ Chứng minh thác Bản Giốc nằm trên đoạn sông thuộc VN bằng văn bản phân định biên giới Pháp-Thanh 1887.

4/ Dẫn tài liệu chứng minh thác Bản Giốc cách đường biên giới 2km.

5/ Dẫn tài liệu tài liệu chứng minh nhà nước thuộc địa Pháp đã quản lý thác Bản Giốc.

Với những tài liệu lịch sử có giá trị pháp lý này, nếu với một đội ngũ thương thuyết tài giỏi, thác Bản Giốc và cồn Pò-Thong sẽ thuộc VN, chứ không phải chia với TQ mà VN chỉ được một phần rất nhỏ như hiện nay. 

Trong khi sự thật của thác Bản Giốc, với những tài liệu thu thập được, tác giả không hề có việc « ngộ nhận » nào. Những dữ kiện mà tác giả đã công bố trong bài biên khảo đó, độc giả nào tinh ý đã có thể biết vị trí của thác Bản Giốc ở đâu (trên sông Qui Xuân). Những dòng mở đầu, tác giả đã viết :

« Thác Bản Giốc ở hướng Ðông Bắc phủ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trên sông Qui Xuân (hay Qui Thuận, Quây Sơn). Sông Qui Xuân bắt nguồn từ vùng núi phủ Trấn An (hay Thiên Bảo – Vân Nam), chảy vào Việt Nam - theo các biên bản phân giới Pháp Thanh 1894 - tại ải Lung (cột mốc 81), chảy lại sang Trung Quốc ở khoảng cột mốc số 50 đến 52. Từ cột mốc 50 cho đến cột mốc 52, biên giới hai nước Việt-Trung là đường trung tuyến sông Qui Xuân. Thác Bản Giốc là một loại thác nước bậc thềm. Theo tài liệu của Cdt Famin viết năm 1894, thác cao khoảng 40 thước. Theo bản báo cáo của Trung Úy Détrie, ủy viên phân giới 1894 (người phụ trách cắm mốc vùng Bản Giốc), thác cao khoảng 50m. Về vị trí thác Bản Giốc, báo cáo của ông Détrie cho biết thác nằm ở phía « hạ lưu » mốc 53. Điều này cho thấy thác Bản Giốc ở khoảng giữa hai cột mốc 52 và 53. »

Cùng lúc với bản đồ :

Bangioc GGI

Bản đồ SGI (Sở địa dư Dông Dương) khu vực Cao Bằng, tỉ lệ 1/100.000.

Như đã dẫn, từ bản báo cáo của người cắm mốc : “thác Bản Giốc ở khoảng giữa hai cột mốc 52 và 53 » ; nếu mọi người chú ý nhìn bản đồ thì sẽ thấy thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới.

Và « plan B » của tác giả trong bài viết, nếu để ý, mọi người sẽ thấy hai điều : 

1/ Đường biên giới vẽ trên các bản đồ dành thác Bản Giốc và cồn Pò Thong cho VN.

2/ Từ sau khi phân định biên giới, thác Bản Giốc được quản lý bởi nhà cầm quyền thuộc địa. 

Vấn đề thứ nhất thực hiện dễ dàng vì các bản đồ thuộc SGI, hay các bản đồ liên quan khác, đều vẽ đường biên giới ở phía bên kia, để lại cồn Pò Thong và thác Bản Giốc cho VN. 

Vấn đề thứ hai khó khăn hơn. Tác giả phải mất nhiều thời giờ tìm kiếm mới tìm ra được. Đây là một yếu tố quan trọng thuộc về công pháp quốc tế (effectivité). Theo đó, trong một vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, phía nào chứng minh được mình đã áp dụng một cách liên tục và hòa bình thẩm quyền quốc gia tại vùng lãnh thổ này, vùng lãnh thổ sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Tài liệu cho thấy Pháp đã quản lý, cho quân lính đi tuần thường trực khu vực thác này

Nếu VN có một đội ngũ thương thuyết với TQ hiểu biết vấn đề hơn, VN sẽ dành phần lớn thác Bản Giốc và toàn bộ cồn Pò-Thong. (Nhưng không thể loại bỏ giả thuyết việc nhượng bộ thác Bản Giốc là do các lãnh đạo chóp bu đảng CSVN quyết định.)

Nguyên văn bài viết của tác giả năm 2003 như sau :

Tìm hiểu chủ quyền thác Bản Giốc.

1/ Tài liệu dẫn từ Ðại Thanh Hội Ðiển Ðồ và Ðại Thanh Nhứt Thống Chí : 

Tiểu Thiên An có sông Qui Thuận ; sông nầy bắt nguồn ở phía Bắc huyện Qui Thuận, chảy vào huyện nầy ở vùng Tây-Nam, sau đó chảy về hướng Ðông (ÐTHÐÐ, quyển số 125, tờ 4).

Sông Bác Lai Thủy (Poh-lai chouei 駮來水) chảy ở phía Ðông sông Qui Thuận, bắt nguồn trên vùng núi Tây Bắc châu Qui Thuận, chảy theo hướng Tây Nam và chảy vào phía Ðông phủ Thái Bình (sđd, nt).
Sông Long Ðàm Thủy (Long-t’an chouei 龍潭水), chảy cách huyện Qui Thuận 1 dặm về hướng Tây Bắc. Sông này có nguồn từ chân núi, chảy qua vùng Nam châu Qui Thuận, sau đó vào tỉnh Cao Bằng. Sông nầy thuyền bè không lưu thông được (ÐTNTC, quyển số 366, tờ 6). Theo bản đồ của các nhà truyền giáo Jésuites thì Long Ðàm Thủy là một tên khác của sông Qui Thuận Sông nầy cắt xéo ngang phần phía Bắc tỉnh Cao Bằng, chảy vào Việt Nam qua ải Nga Tào (Ngo-tsao 峨漕) và vào lại Trung Hoa qua Ải Canh Biền (Keng-ping 更駢). 

Thai Binh Phu - Dai thanh hoi dien do

Bản đồ Thái bình phủ, Đại Thanh hội điển đồ.

Như thế tài liệu này cho chúng ta một khái niệm về sông Qui Thuận (trong đoạn đi vào lãnh thổ Việt Nam. Sông này chảy vào Việt Nam qua ải Nga Tào và chảy ra qua ải Canh Biền.

2/ Tài liệu biên bản phân định biên giới số 3, ký ngày 29-3-1887.
….
«Từ điểm A của bản đồ thứ 3 đến điểm B của bản đồ thứ 3, gần làng An Nam Luong-Bak-Trai ( ?), đường biên giới theo đường trung tuyến Sông sông Qui Xuân. 

Từ điểm B của bản-đồ thứ 3 cho đến điểm C của bản đồ thứ 3, gần làngBảo Khê ê thuộc VN, đường biên-giới vẽ một vòng cung mà phần lồi hướng về phía Ðông, để lại cho Trung Hoa công sự Ban-Thao-Kha ( ?), xuyên qua hẻm núi Ko-Ya-Ai, để lại cho Trung Hoa công sự Ko-Ya-Kha ( ?) và Kaing-Hane-Kha ( ?) v.v.., bên An Nam, đoạn sông Bắc Vong giữa hai điểm B và C, các làng Luong-Bak-Trai ( ?), Loung-Bo-Xa ( ?) và Pham-Khé ( ?) v.v.. » 

So sánh với tài liệu ở phần 1, điểm B tương ứng với ải Canh Biền (更 駢) và điểm C tương ứng với ải Nga Tào (峨漕). Xem hình chụp dưới đây, từ điểm A đến điểm B, sông Qui Xuân là đường biên-giới. Từ điểm B đến điểm C, sông Qui Xuân thuộc Việt Nam. 

Thác Bản Giốc ở trên đoạn sông AB hay BC ?

Nếu thác ở trên đoạn AB thì thác ở trên đường biên giới. Việc phân chia thác này sẽ chiếu theo nội dung biên-bản : « đường biên giới là trung tuyến » của dòng sông. Thác phải chia làm hai. Những cù lao hay cồn trên sông sẽ thuộc về nước có bờ gần cồn nhất.

Nhưng nếu thác Bản Giốc ở trên đoạn BC thì thác này hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Hình chụp phía dưới là đồ tuyến biên giới đính kèm biên bản phân định biên giới 1887. Ta thấy đây là bản đồ gốc vì có chữ ký của hai phái đoàn Pháp và Thanh, có chữ ký của ông Dillon, Chủ Tịch Ủy Ban Pháp và các ủy viên Bouinais và bác sĩ Néïs. Bản đồ này là bản đồ số 3.

Bien ban phan dinh 1887-2


Bien ban phan dinh 1887


Bản đồ đính kèm biên bản phân giới 1887 

3/ Tài liệu biên bản phân giới ký tại Long Châu ngày 19 tháng 6 năm 1894 giữa Ðại Tá Galliéni và Commandant Famin, đại diện chính-phủ Pháp với ông Thái Hy Bân, Tri Phủ Long Châu, đại diện nhà Thanh.

Hai trang cuối ghi sau: « Các cột mốc biên giới, như vừa thấy, đều mang một con số, từ 1 đến 67 cho đoạn một và từ số 1 cho đến số 140 cho đoạn hai, đã được cắm tại các địa điểm được chỉ định ở trên, với sự hiện diện một ủy viên Pháp và một viên quan Tàu. Không một cột mốc nào được dời đi kể từ bây giờ mà không có sự ưng thuận hỗ tương giữa hai nước. »

Cột mốc số 53, thuộc đoạn thứ hai, được định nghĩa như sau : tên Pan-Ngô (Bách-Nga Khẩu百峨口), cắm tại « bên lề một con đường ở phía Tây-Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ », « au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois ». 

Cột 51, tên Khau Pang (Canh Bàng Ải 更旁隘), cắm tại : Bên bờ trái sông Qui Xuân (bờ bên TQ, ghi chú của tác giả) ở hạ lưu một cái cái thác và cách 150m. « Sur la berge du Sung Quei Cheun (rive gauche) à 130 pas en aval d’une cascade ».

Cột 52, tên Khau Canh Ai (Khẩu Canh Ải 口更隘), cắm bên bờ sông và cách một trạm canh (ải, tức cửa biên giới tên Khẩu Canh) 5 bước. « Sur la berge et à 5 pas en avant du poste ».

Ta thấy phần mô tả vị trí cột mốc 51 có đề cập đến một cái thác và thác này ở phía hạ lưu cột 51. Thác này nhỏ, chỉ cao khoảng 1m, không phải thác Bản Giốc. Sông Qui Xuân, như mô tả phần trên, có nhiều ghềnh thác, thuyền bè không lưu thông được. 

Cột 51 mang tên Canh Bàng Ải 更旁隘. Xem lại phần 2 ở trên, điểm B tương ứng với Canh Biền Ải 更駢隘. Rất có thể Canh Biền Ải chính là Canh Bàng Ải vì trùng hợp ở chữ Canh 更 và cách phát âm của hai chữ Biền và Bàng. Hơn nữa, hai tên chỉ định cho hai nơi rất gần nhau. Nếu giả thuyết này đúng thì đường trung tuyến sông Qui Xuân chỉ là biên giới hai nước từ cột 50 đến cột 51. 

Như thế thác Bản Giốc ở phía thượng lưu, nằm trong đoạn BC, nên hoàn toàn thuộc về Việt Nam. 

Xem hình chụp 2 trang biên bản phân giới ở dưới có ghi các cột mốc liên quan, một tiếng Hán và một tiếng Pháp.

Về các cột mốc, tùy theo vùng, được làm bằng đá đẻo, bằng xi-măng đúc hay bằng đá tảng tự nhiên có sẵn trên thực địa. Cột mốc vùng Quảng Tây được ghi nhận như hình dưới đây. Ta thấy trên mốc có khắc một số chữ. Hàng dọc bên phải ghi là « Trung Quốc Quảng Tây Giới 中國廣西界 ». Phía phải, ở trên, ghi chữ Pháp « Frontière Sino-Annamite ». Ở giữa ghi số cột mốc và phía phải, hàng dưới, ghi tên cột mốc.

Cot moc Quang Tay

Hình của Dr Péthellaz, đăng trong « Au Tonkin et sur la Frontière du Quang-Si » của Commandant Famin.

Bien ban phan gioi 1894 - 2

Biên bản ghi bằng tiếng Hán. Cột 53 tên Bách Nga Khẩu.


Bien ban phan gioi 1894 - 1

Biên bản tiếng Pháp. 

4/ Tài Liệu Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, Par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894. Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895 (Trang 12-13; 142,143).

Tonkin và trên vùng biên giới Quảng Tây, của Cdt Famin, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Phân-Giới năm 1884. Ông này đảm trách việc phân giới dưới quyền Ðại Tá Galliéni, kết thúc việc phân giới vùng Quảng Tây trong chiến-dịch 1893-1894 mà nhiều chiến dịch khác từ những năm trước do các ông Servière, Flandin... đã không thành công.

Trang 12-13: Xác nhận thác Bản Giốc thuộc Việt Nam :

« Trên vùng phía Bắc (vùng II Quân-Sự), sông Qui Thuận chảy qua Trùng Khánh Phủ. Ðây là một phụ lưu của sông Tây Giang (Si-Kiang). Có chiều rộng khoảng 60 thước, chảy vào Tonkin qua cửa Ải Lung và chảy vào lại TQ ở gần công sự (của TQ) tên Nam-Ton, sau khi đã tưới một thung lũng rộng lớn và trù mật. Hai cây số trước khi rời khỏi đất Tonkin, sông này chảy xuống một bậc đá và tạo thành một cái thác tuyệt đẹp cao khoảng 40 thước. Từng cột nước khổng-lồ, trước hết rơi xuống vang rền trên một trũng nước, sau đó dội ngược lên thành những chùm tua đầy bọt nước, chảy trên những bậc thềm đá bóng láng. Vào mùa mưa, thác nầy mang một hình thái tuyệt trần, tiếng động của nó âm vang ra thật xa, dội vào vách núi đá nghe như là sấm động, trong lúc những đám mây hơi nước được tạo thành ở các bên bờ tan ra tạo thành một đám mưa lâm râm thật sự. »

5/ Tài liệu: Nhật Ký của Trung Úy Détrie về đoạn biên giới từ Lũng Ban đến Ðèo Lương, nhân dịp đảm nhận việc cắm mốc. (28 tháng 6 năm 1894) : 

Tài liệu này xác định vị trí của cột mốc 53 và thác Bản Giốc : 

« Après la porte de Dốc-Khánh la frontière est tracée à l’intérieur du massif rocheux, laissant au Tonkin de petit cirques peu importants débouchant dans Lung-Piac, près les deux cirques difficilement accessibles de Lung-Deng et Lung-Moi que traversent les chemins conduisant à Thin-Thang par Ai-Thin-Thap (56) et Lung-Moi (55) jusqu’à l’abornement, les habitants de Lung-Deng et Lung-Moi payaient l’impôt aux Chinois. La frontière regagne ensuite le pied des rochers en face du village de Ban-Mong (54) longe le pied de ces rochers et au pied du blockhaus chinois de Pia-Mu, suit la lisière d’un petit bois et coupe le chemin de Hang-Dong-Quan (53) pour atteindre la rivière qu’elle suivra jusqu’à Ly-Ban. Le chemin qui de la borne 53 conduit à Dốc-Khánh (57) à travers de très belles rizières devra être l’objet d’une surveillance constante. 

A partir de la belle cascade de 50m qui se trouve un peu en aval de la borne 53, le sông Qui-Xuân coule resserré entre des mamelons élevés ». 

Bắt đầu từ cái thác nước đẹp, cao 50 thước, ở phía hạ-lưu (aval) của cột mốc số 53, sông Qui Xuân chảy hẹp lại ở giữa những ngọn đồi cao. »

Ta thấy ông Détrie mô tả đường biên giới từ Tây sang Đông trong khi các cột mốc trong vùng này được cắm từ Đông sang Tây. Như biên bản phân giới mô tả, cột mốc 53 được cắm ở bên lề con đường.

Ta thấy ghi chú trong hình dưới, đoàn quân « tirailleurs tonkinois » qua sông (passage du gué) từ phía tả ngạn sang phía hữu ngạn. Đây là một yếu tố quan trọng cho thấy hai bờ con sông đều thuộc Việt Nam (hay do hành chánh thuộc địa Pháp quản lý). Đơn giản vì theo các công ước, quân đội hai bên không được đi qua lãnh thổ nước bạn. 

Bên kia thác ta không thấy con đường (đi Hang-Dong-Quan) có cắm mốc số 53 như Trung Úy Détrie mô tả. Hình thái núi non hiểm trở phía bên kia cũng như phía thượng lưu sông cho thấy không thể có con đường qua đây được. Nhưng rất có thể con đường đi dọc theo sông, đoàn quân trong hình theo con đường này, gần đến thác, qua sông. Riêng con đường, vì núi chận, phải đi vòng sau núi. Vì thế cột mốc 53 chỉ có thể ở phía hạ lưu thác Bản Giốc. 

Theo các lý luận này thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Qua song Qui Xuan

Hình trên : đoàn quân qua sông, dưới thác Bản Giốc. 

6/ Tài liệu Bulletin du service Géologique de l’Indochine, Volume XI, Fascicule I, Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin, (Feuilles de Bảo Lạc, Cao Bằng, Hà Lang, Bắc Kạn, Thất Khê và Long Châu), Réné Bourrret; Hà Nội - Hải Phòng Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922. (trang 32-33-34).

Xác nhận thác Bản Giốc của Việt Nam:

« Sông Qui Xuân theo hướng Ðông-Bắc trong vùng núi nầy, chảy ở giữa hai tường đá rất cao. Bờ tả ngạn, có chung hình thái với Phong Nam, là sự nối dài từ bên TQ. Nhiều bằng chứng đá vôi, được chuốc thành đỉnh nhọn, cao thấp đủ cỡ, rải rác khắp nơi trong thung lũng. 
….
Vùng này con sông Qui Xuân chảy qua gần ở Chi-Choi ( ?). Sông này sau khi ra khỏi vùng đá vôi Phong Nam, mở rộng phía hạ lưu thung lũng. Tại đây dân bản xứ lấy nước bằng hệ thống tưới bằng ống tre. Con sông này mở một con đường ngoằn ngoèo ở vùng phía Ðông phủ Trùng-Khánh, chảy xuống hết ghềnh thác nầy qua ghềnh thác khác để đến biên giới đông bắc, kế cận Bản Giốc, trước khi chảy qua vùng đồi Bồng Sơn. Công sự Bản Giốc, hiện nay bỏ trống, cheo leo trên một núi đá cao khoảng 30 thước, nhìn xuống ghềnh thác của con sông và vùng đồng bằng đông đảo dân cư, với những tường cao bao quanh. Ðây là một trong những vùng đẹp nhất của Tonkin, nếu không vì xa xôi và vì khó khăn phương tiện lưu thông, nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu hình chữ Z bắt lên những tảng đá để băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm Tụ Tổng, được người Châu Âu biết nhiều qua tên Thác Bản Giốc ».

cau hinh chu Z

Hình trên : cầu chữ Z bắt qua sông Qui-Xuân, gần thác Bản-Giốc.

-Sự thật trong tranh chấp lãnh thổ-Vừa qua, đã có một cuộc trao đổi về vấn đề biên giới giữa ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ, và ông Mai Thái Lĩnh, một trí thức có nhiều quan tâm đến chủ quyền đất nước. Cuộc trao đổi được thực hiện qua một báo điện tử của Nhà nước và hai trang mạng “lề trái”.
Trong khi thiện ý của những người tham gia, tạo điều kiện cho cuộc trao đổi xảy ra là điểm tích cực, đáng khen ngợi, ý kiến của ông Mai Thái Lĩnh chưa được trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng, trên báo điện tử của Nhà nước.
Nhiều năm trước, sau khi nhận được hai tài liệu của Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, người viết bắt đầu quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu chủ quyền đất nước, với tập trung chính vào nguồn tư liệu cổ phương Tây [1].

Để trả lời ông Mai Thái Lĩnh, ông Trần Công Trục nhấn mạnh nhu cầu “phân biệt sự khác nhau giữa CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” (mà trong dư luận hiện nay còn nhiều người lầm tưởng rằng đó là chủ trương của chúng ta trong giải quyết tranh chấp Biển Đông) với CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có sử dụng các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý.
Các bằng chứng lịch sử như bản đồ, thư tịch… chúng tôi đã tham khảo khi hoạch định đường biên giới chủ trương trước lúc mang đi đàm phán, và khi trao bản đồ đường biên giới chủ trương 2 bên đã trùng nhau 70%, 30% còn lại là các khu vực tranh chấp, lúc này mới là giai đoạn đưa các chứng cứ ra chứng minh. Khi chúng ta đưa ra các bản đồ, thư tịch và bằng chứng lịch sử khác không nằm trong phạm vi nguyên tắc chung quy định, thì Trung Quốc họ cũng làm tương tự, và tài liệu của họ còn nhiều hơn ta [2]. 
Ông Trần Công Trục nêu một ý kiến chính xác khi nói, mọi tranh chấp lãnh thổ cần giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua sử dụng chứng cứ lịch sử “có giá trị pháp lý”.
Trước Toà án Quốc tế, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý là yếu tố mạnh mẽ nhất.
Quan điểm này đã được người viết phổ biến trước đây, như trong đoạn: “Để khắc phục thiếu sót trong quá khứ, và để loại bỏ lỗ hổng trong lập luận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà nước Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền), thúc đẩy tham khảo tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và từ các nguồn khác (kể cả ngoài nước), chuyển dịch những nghiên cứu đúng đắn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (cụ thể như tiếng Anh, tiếng Hoa), tư vấn chuyên gia ở ngoài nước về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đào tạo lớp người trẻ với chuyên môn nghiệp vụ cao, v.v.” [3].
Tuy nhiên, chuyên gia luật quốc tế nhận định, trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trên đất liền hay trên biển, khả năng để hai bên có “các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý” không cao.
Theo Nuno Sergio Marques Antunes, “tranh chấp dựa duy nhất trên lập luận pháp lý…  tương đối hiếm. Tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lãnh thổ thiếu lập luận pháp lý có ý nghĩa. Trong phần lớn các trường hợp, những lập luận không mang tính pháp lý nổi bật hơn”.
Nói một cách khác, mỗi bên trong tranh chấp lãnh thổ phải tận dụng tất cả chứng cứ nghiêm túc, bất kể hình thức, như Brian Taylor Sumner khẳng định, bao gồm 9 loại khác nhau, trong đó có bằng chứng lịch sử [4].
Trong khi ông Trần Công Trục cho rằng nguồn tài liệu do Nhà nước CHXHCHVN phổ biến trong giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung, 1979-1990, là “tài liệu tuyên truyền”, không thích hợp để sử dụng, hay không đáng tin cậy, thử hỏi có điều gì ngăn chặn người khác đưa lập luận rằng thực chất những bài viết, bài phỏng vấn quan chức Nhà nước về vấn đề biên giới trong hơn 10 năm nay mới chính là tài liệu tuyên truyền, không đáng tin cậy?
Một chức năng không thiếu được của trí thức là nỗ lực tìm hiểu sự thật, qua thực hiện nghiên cứu độc lập với quan điểm của Nhà nước, hay với quan điểm phổ thông trong xã hội.
Người trí thức dứt khoát không để tài liệu tuyên truyền, bất cứ từ đâu đến, bất cứ ở trong thời điểm nào, ảnh hưởng đến nhận thức của họ.
Lời nói và hành động của trí thức, trong mọi trường hợp, phải trên cơ sở tôn trọng sự thật.
Giữa thông tin do Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố trước dư luận quốc tế hơn 30 năm trước và thông tin do quan chức Nhà nước cung cấp về thác Bản Giốc, ải Nam Quan, v.v., trong gần 15 năm nay, câu hỏi mọi người nên có là sự thật nằm ở đâu ?
Trong phạm vi giới hạn của bài, người viết tập trung vào chủ quyền thác Bản Giốc.
Các nguyên tắc nêu trong bài ứng dụng cho tranh chấp lãnh thổ dù nó ở biên giới cực Bắc, ở biên giới Tây Nam hay trên Biển Đông.
Sau đây là một số bản đồ khu vực thác Bản Giốc sau năm 1975:
Bản đồ bên trái hàng trên là do Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam trong quá trình đàm phán biên giới; bản đồ bên phải hàng trên là kết quả sau khi phân chia lại; bản đồ hàng dưới là từ google map hiện nay [5].
Trình bày quan điểm Nhà nước, ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc, nói:
“Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc
Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác…
Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét… Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh – Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện đấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được.
Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%”.
Ông Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm ủy ban biên giới, nói:
“Tại khu vực thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong, hai bên đã điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thủy văn xây dựng những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam” [6].
Ông Trần Công Trục nói:
Khi cả ta và TQ không đủ chứng cứ, tài liệu pháp lý để bảo vệ yêu sách chủ quyền đối với cồn Pò Thoong, 2 bên phải dựa vào nguyên tắc chung thỏa thuận ban đầu, đối với đường biên giới đi qua sông suối tàu thuyền không đi lại được thì đường biên giới đi qua trung tuyến dòng chảy chính. Khi phân giới cắm mốc, 2 bên đo đạc xác định dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam, nếu căn cứ vào nguyên tắc pháp lý trên thì cả cồn Pò Thoong sẽ thuộc về Trung Quốc…
Cuối cùng 2 bên thống nhất đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, hai phần ba thuộc về TQ và một phần ba thuộc về Việt Nam. Đó là giải pháp đã tính đến lợi ích của đôi bên, liên quan đến tình cảm và quá trình quản lý…
Chính tôi đã từng lội sông, lội suối lên khu vực thượng nguồn sông Quây Sơn, thác Bản Giốc, tận tay sờ vào cột mốc 53 và rõ ràng cồn Pò Thoong không được mô tả trong tài liệu 2 bên dựa vào làm căn cứ. Không có chuyện mốc 53 cắm trên cồn Pò Thoong” [7].
Nhận xét của người viết: 
1. Các bản đồ trích dẫn cho thấy, ban đầu, Trung Quốc đòi toàn bộ cồn Pò Thoong và 1/2 thác chính (còn gọi là thác thấp) ở Bản Giốc. Sau đàm phán, Việt Nam được chia khoản 1/4 đến 1/3 cồn Pò Thoong, 1/2 thác chính, và toàn bộ thác phụ (thác cao).
2. Kết quả phân chia thác Bản Giốc gần sát với đòi hỏi của Trung Quốc.
3. Tuyên bố của quan chức Nhà nước không minh bạch, rõ ràng: Việt Nam được 1/3 hay 1/4 cồn Pò Thoong, cột mốc 53 cắm trên cồn hay trên đất liền.
Bị vong lục do Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố trước dư luận quốc tế năm 1979, có đoạn nói:
Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối biên giới, phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt nam để nhận đường biên giới có lợi cho phía Trung Quốc.
Cầu ngầm Hoành Mô thuộc tỉnh Quảng Ninh được Trung Quốc giúp xây dựng vào năm 1968. Một thời gian dài sau khi cầu được xây dựng xong, hai bên vẫn tôn trọng đường biên giới ở giữa cầu, vật liệu dự trữ để sửa chữa cầu sau này cũng được đặt ở mỗi bên với số lượng bằng nhau tính theo đường biên giới giữa cầu. Nhưng do Trung Quốc có sẵn ý đồ chỉ xây một cống nước chảy nằm sát bờ Việt nam nên lưu lượng dòng chảy đã chuyển hẳn sang phía Việt Nam, từ đó phía Trung Quốc dịch đường biên giới trên cầu quá sang đất Việt Nam. Thủ đoạn như vậy cũng được thực hiện đối với cầu Pò Hèn (Quảng Ninh), đập Ái Cảnh (Cao Bằng), cầu Ba Nậm Cúm ( Lai Châu)…
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1976 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc…
Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong” [8].
 
Bị vong lục năm 1979 là tài liệu tuyên truyền hay không không là đề tài thảo luận. Điều quan trọng cần biết là bị vong lục có thông tin giá trị, đi gần với sự thật hay không ?
Câu trả lời phải đến từ đối chứng với chứng cứ lịch sử, không đến từ sự công nhận hay phủ nhận của quan chức Nhà nước hay của bất cứ ai khác, nhất là khi chứng cứ hậu thuẫn cho lập luận của họ không được đưa ra.
Trong hơn 100 năm nay, tư liệu cổ phương Tây nhiều lần đề cập đến thác Bản Giốc của Việt Nam, mà có tác giả gọi nó là thác bậc thềm Tụ-Tổng (cascade de Tu-Tong).
 
 
Tư liệu trên là đoạn tả cảnh và ảnh chụp khu vực thác Bản Giốc của Việt Nam trong cuốn sách của René Bourret, nhà địa chất người Pháp, đến Đông Dương năm 1900 [9].
Bản đồ bên trái là từ Vụ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp; bản đồ bên phải là từ Hồi ký của phó Trưởng đoàn biên giới Việt-Trung, xuất bản năm 1895, sau khi đàm phán biên giới hoàn tất [10]. 
Nhận xét của người viết: 
1. Chứng cứ lịch sử về chủ quyền thác Bản Giốc của Việt Nam là một trong các thể loại chuyên gia luật quốc tế nhận định có thể sử dụng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
2. Hai bản đồ từ Vụ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp và từ phó Trưởng đoàn biên giới Việt-Trung, giai đoạn 1894-1895, cho thấy biên giới Việt-Trung, từ hướng Đông-Nam ngược lên Tây-Bắc, nằm trên đường trung tuyến sông Quây-Sơn (hay Quy-Thuận, Quy-Xuân) khi chưa đến hạ lưu thác Bản Giốc. Khi tiến gần đến thác Bản Giốc, đường biên giới nằm hẳn ở phía Bắc của thác, hoàn toàn không xâm phạm đến khu vực thác Bản Giốc.
3. Cột mốc 53 cắm trên đất liền, ở thượng lưu phía Bắc của thác Bản Giốc.
4. Do cồn Pò Thoong nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, công ước Pháp Thanh không đề cập đến nó trong văn bản.
5. Hai bản đồ ở trên trùng hợp với trích dẫn trong tư liệu cổ phương Tây, trùng hợp với lập luận chủ quyền thác Bản Giốc của Việt Nam trong bị vong lục năm 1979, và bác bỏ lập luận quan chức Nhà nước ngày nay đưa ra là Việt Nam không có chứng cứ pháp lý chủ quyền cồn Pò Thoong và Việt Nam chỉ được 1/3 thác Bản Giốc theo công ước Pháp Thanh.
6. Cái gọi là chứng cứ lịch sử chủ quyền thác Bản Giốc của Trung Quốc chưa bao giờ được công bố.
Vào đầu năm 2011, nhân phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Thao về cuộc đàm phán và phân giới cắm mốc Việt – Trung đăng trên báo điện tử của Nhà nước, người viết có phản biện [11].
Sau đấy, trên blog cá nhân, ông Nguyễn Hồng Thao nhận định là người viết sử dụng “tài liệu tuyên truyền và Hồi ký”, không là “văn bản pháp lý chính thức có con dấu, chữ ký hai bên”. Theo ông Nguyễn Hồng Thao, Hiệp ước biên giới Việt-Trung là một “giải pháp chính trị” và “đã là giải pháp chính trị thì không phải ai cũng hiểu và còn không muốn hiểu” [12].
Trên thế giới, sử dụng giải pháp chính trị trong quan hệ quốc tế, khi cần thiết, là điều bình thường.
Cá nhân hay tổ chức vận động hay thực hiện giải pháp chính trị phải thoả mãn hai điều kiện:
1. Bảo đảm là giải pháp chính trị phục vụ quyền lợi đất nước, quyền lợi nhân dân, không để phục vụ quyền lợi cá nhân hay tổ chức.
2. Có bổn phận và trách nhiệm, trên cơ sở tôn trọng sự thật, trình bày cụ thể, minh bạch, rõ ràng với nhân dân của nước họ nguyên nhân và mục đích của giải pháp chính trị.
Mọi vướng mắc, hiểu lầm, chưa thông suốt, v.v., trong nhân dân là khiếm khuyết, thiếu sót của cá nhân hay tổ chức liên hệ đến giải pháp chính trị.
Thí dụ điển hình: Trong tranh chấp Biển Đông, mặc dù Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi cân nhắc mọi yếu tố, người viết đề nghị,“Nhằm tạo đột phá trong bế tắc và do các lý do khác nhau, từ điều kiện đảo đến nhu cầu giảm thiểu mức độ xung đột, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Việt Nam nên chủ trương quy định ngay cả đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa” [13].
Như một giải pháp chính trị, ý kiến đưa ra nhằm để Việt Nam tranh thủ hậu thuẫn của quốc tế và của ASEAN trước mối đe doạ ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đòi hỏi lãnh hải lớn hơn 12 hải lý ở Hoàng Sa-Trường Sa đào sâu hố ngăn cách giữa Việt Nam và ASEAN và kéo dài vô hạn định thời gian giải quyết tranh chấp. Tình huống này thuận lợi cho Trung Quốc nhiều hơn cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông [14].
Ông Nguyễn Hồng Thao, và ông Trần Công Trục không ít lần đề cập đến “văn bản pháp lý chính thức”hay “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”. 
Ông Trần Công Trục cũng nói: “Ở đây, tôi xin nói thêm rằng sự khác biệt trong nhận thức ngày hôm nay chính là hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua, khi chúng ta chưa kịp thay đổi, thích ứng theo những diễn biến mới của thời cuộc” [15]. 
Kể từ khi Hiệp ước biên giới Việt-Trung ký kết cuối năm 1999 cho đến nay, bằng chứng cho cái gọi là“văn bản pháp lý chính thức” hay “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”, cơ sở của nguyên tắc chung cho Nhà nước Việt Nam tiến hành đàm phán với Trung Quốc vẫn là tờ giấy trắng!
Sự khác biệt trong nhận thức ngày nay giữa Nhà nước và nhân dân không phải là do “hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua” hay do nhân dân thiếu hiểu biết về giải pháp chính trị mà do lập luận Nhà nước đưa ra về vấn đề biên giới không thuyết phục!
Trong thời đại tin học, khi mà hơn 1/3 dân số cả nước tiếp thu thông tin trên mạng từ nhiều nguồn khác nhau, tư duy thích hợp với thời đại phải là: Sự thật đi đôi với bằng chứng cụ thể, minh bạch, rõ ràng; sự thật không đi đôi với tuyên truyền!
Khi nói về chủ quyền đất nước, hơn 500 năm trước, vua Lê Thánh Tông cảnh báo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy: “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”[16].
Lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tuyên bố: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”;
hoặc là, “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả” [17];
hoặc là, Nhưng trong điều hành cũng có thể chúng tôi có lỗi chuyện này chuyện nọ, không loại trừ, nhưng ý thức cũng như hành động không bao giờ tách khỏi lập trường, quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” [18].
Chân lý là: Đất nước Việt Nam là của nhân dân Việt Nam!
Toàn vẹn lãnh thổ là điều cao quý nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Không một cá nhân, một tổ chức nào được tự quyền quyết định, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ mà không nghiêm túc chứng minh tính minh bạch và không có trách nhiệm giải trình.
Ông Trần Công Trục đề cập đến Mohan Malik khi nói về thác Bản Giốc.
Trước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông mang tính lịch sử giả tưởng của Trung Quốc, Mohan Malik nêu lên hai điểm chính : bằng chứng pháp lý và bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không thuyết phục và Trung Quốc tự mâu thuẫn giữa đòi hỏi chủ quyền trên đất liền và trên biển [19].
Nhà nước Trung Quốc tung hoả mù, đánh lừa dư luận thế giới (và đánh lừa nhân dân Trung Quốc) trong gần 30 năm khi ngang nhiên đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
So với các nghiên cứu trước năm 2000 của các tác giả như Dieter Heinzig, Marwyn Samuels, Daniel Dzurek, Greg Austin, v.v. đưa quan điểm thuận lợi cho Trung Quốc, sự chuyển biến trong nhận thức của học giả phương Tây gần đây cho thấy thủ đoạn lừa dối của Trung Quốc không còn hữu hiệu.
Bài học cho mọi Nhà nước là sự thật không thể bị che dấu hay bóp méo mãi mãi.
Ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục, không chỉ là quan chức Nhà nước, tham gia đàm phán biên giới với Trung Quốc, mà còn thuộc thành phần trí thức, có công trình nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông [20].
Tin tưởng ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục hành xử đúng chức năng của người trí thức, bảo vệ và phát huy sự thật, người viết đề nghị một cuộc thảo luận về đề tài “Sự thật trong Tranh chấp Lãnh thổ”, sử dụng phương thức hội thảo truyền hình trực tuyến (online video conference), thuận tiện cho trình bày tài liệu, văn bản, v.v., với thành phần tham dự bao gồm ông Nguyễn Hồng Thao, ông Trần Công Trục, ông Mai Thái Lĩnh, người viết, và với sự tham gia dự thính của đại diện báo điện tử vietnamnet, giaoduc (nơi thực hiện phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Thao và ông Trần Công Trục), đại diện trang mạng boxitvn, basam, diendanxahoidansu (nơi phổ biến ý kiến ông Mai Thái Lĩnh và tập thể một số nhân sĩ, trí thức quan tâm đến các vấn đề nghiêm trọng của đất nước).
Mặc dù Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc được ký kết hơn 10 năm nay, tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, với đòi hỏi đường chữ U của Trung Quốc không chỉ chiếm trọn hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa mà còn xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam.
Đây là một thực tế.
Không ai tiên đoán được những bước đi sắp tới của Trung Quốc đối với Việt Nam: Họ có tôn trọng đường biên giới trên đất liền vừa hình thành hay không ? Họ sử dụng thủ đoạn nào khác ở khu vực chưa giải quyết ngoài vịnh Bắc Bộ, ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, v.v.
Khi những người có quan điểm khác biệt nhưng có chung quan tâm đến quyền lợi đất nước, sẳn sàng ngồi xuống, chia sẻ, trao đổi ý kiến với nhau, trên tinh thần học thuật, tôn trọng sự thật, tôn trọng người đối diện, không quy kết, rút tỉa bài học của quá khứ trong vấn đề biên giới trên đất liền, để ứng dụng vào tranh chấp Biển Đông, vào quan hệ Việt-Trung trong những năm tháng tới, sẽ không bao giờ có kẻ thua mà người thắng sau cùng chắc chắn là dân tộc Việt Nam.
T.V.C.

Chú thích:
1.”Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 Năm qua”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979
“Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979
2. “TS Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc”
Xem phản biện của ông Mai Thái Lĩnh:
“Thác Bản Giốc – những căn cứ pháp lý (Phản biện bài trả lời của ông Trần Công Trực[1])”, Mai Thái Lĩnh
“Thư trao đổi giữa ông Mai Thái Lĩnh và Ban quản trị báo Giáo dục Việt Nam”

3. “Hướng đi tới cho tranh chấp HS-TS”, Thái Văn Cầu, 2011
4. “Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement”, Nuno Sergio Marques Antunes, 2000, p. 5
“Territorial Disputes at the International Court of Justice”, Brian Taylor Sumner, 2004, pp. 1781-1782
5. “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Nguyễn Ngọc Giao, 2003
“Sự thật về Thác Bản Giốc”, Mai Thái Lĩnh, 2012
6. “Phân định biên giới vì mục tiêu bảo vệ lãnh thổ và tạo môi trường hữu nghị”, Lê Công Phụng, 2002
“Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị”, Nguyễn Hồng Thao, 2009
7. “Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử”, Trần Công Trục, 2013
8. “Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, pp. 11, 14
“Delimitation of maritime boundary between Vietnam and China in the Gulf of Tonkin”, Dongdong Huang, 1992, p. 270
9. “Au Tonkin et sur la frontiere du Kwang-Si”, Pierre Paul Famin, 1895, pp. 142-143, Pl. 36
“Deux ans dans le haut-Tonkin”, Albert Billet, (Bulletin scientifique de la France et de la Belgique (XXVIII), Alfred Giard), 1896-1898, p. 165
Theses presentee a la faculte des sciences de l’Universite de Paris: Etudes geologiques
sur le Nord-Est du Tonkin (Feuilles de Bao Lac, Cao Bang, Ha Lang, Bac Kan, That Khe et Loung Tcheou), René Bourret, 1922, p. 34
L’Indochine Francaise: Les Montagnes, Album XXIV, 1934, F.C. 701: Chutes de Ban Gioc (Haut-Tonkin)
10. “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Nguyễn Ngọc Giao, 2003
“Au Tonkin et sur la frontiere du Kwang-Si”, Pierre Paul Famin, 1895, Pl. 36
11. “Biên giới Việt – Trung và sức ép công tội người đàm phán”, Nguyễn Hồng Thao, 2010
“Thư ngỏ gửi PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao”, Thái Văn Cầu, 2011
12.  Bản chụp blog Nguyễn Hồng Thao:

 
 13. “Hành động thiết thực cho Hoàng Sa – Trường Sa”, Thái Văn Cầu, 2012
14. “Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, Thái Văn Cầu, 2013
Mặc dù Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa vững chắc hơn Trung Quốc và mặc dù trong hơn 10 năm nay, Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá định kỳ mỗi năm, đánh đập, phá hủy tài sản ngư dân Việt Nam, v.v., Việt Nam vẫn bị động, lúng túng trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Trong khi đấy, vào đầu năm 2013, Philippines đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) về đường chữ U, sử dụng Phụ lục VII nêu trong bài trên.
“Hỗ trợ ngư dân bị phá hủy tài sản ở ngư trường Hoàng Sa”
“Philippines submits South China Sea disputes with China to UNCLOS Annex VII arbitration”
“Vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông: Philippines lách qua cửa hẹp”
15. “TS Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc”
16. “Hãy hành động như những gì mọi người nói”, Tương Lai
17. “Ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải”, 2007
18. “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, 2012

19. “Historical Fiction: China’s South China Sea Claims”, Mohan Malik, 2013
20. “Le Vietnam face aux problemes de l’extension maritime dans la mer de Chine meridionale”, Nguyễn Hồng Thao, 1998
“Le Vietnam et ses differends maritimes dans la mer de Bien Dong”, Nguyễn Hồng Thao, 2004
“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, Trần Công Trục, 2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


-
--Thư gởi BBT Bô-XítKính gởi quí vị BBT Bô Xít,
Cách đây vài hôm tôi có viết một lá thư mở gởi đến quí vị (cùng với BBT Dân Luận), mục đích yêu cầu gỡ « công trình » vẽ bản đồ của các tác giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông xuống khỏi trang web Bô Xít. Hôm nay tôi viết thêm thư này để giải thích lý do vì sao. 

Vẽ bản đồ là một vấn đề kỹ thuật, tôi đưa vào một số dữ kiện và cố gắng giải thích, hy vọng vấn đề sẽ rõ ràng hơn. 
1/ Một thí dụ về hệ quả hình cầu (géodésique) lên các bản đồ vẽ trên mặt phẳng.


Hai mảnh bản đồ dưới đây thuộc bộ bản đồ Đông Dương, tỉ lệ 1/250.000, vẽ theo hệ thống géodésique. Hai bản đồ này chỉ có giá trị thông tin, nhằm so sánh độ dài hai đoạn biên giới trên hai vĩ tuyến khác nhau, có cùng một cung 15’, cùng trên một đường kinh tuyến. 

Bản đồ 1 : góc bản đồ ở vĩ độ 20°, kinh tuyến 107°

20-107

Bản đồ 2 góc bản đồ ở vĩ độ 10°, kinh tuyến 107°.

10-107

Hình 3 so sánh hai cung 15’ trên hai bản đồ. Ta thấy độ dài cung ở vĩ tuyến 10° dài hơn cung ở vĩ tuyến 20°. Độ dài khoảng trên 1’.

107-20 107-10

Điều này cho thấy các đường kinh tuyến không phải là đường thẳng, ngoại trừ đường kinh tuyến được chọn làm trục chính. Các đường vĩ tuyến cũng không phải là đường thẳng. Các cung trên các vĩ tuyến khác nhau có độ góc bằng nhau nhưng chiều dài cung (arc) không bằng nhau. Cách vẽ này nhằm giảm bớt sai số géodésie đem lại do cách vẽ chiếu thẳng (Mercator direct). 

Trên các bản đồ này, theo các tính chất nhận được, đã sử dụng phép chiếu Gauss-Krüger, tương tự phép chiếu của bộ bản đồ VN hiện nay. Đặc điểm của phép chiếu này là các phương hướng (đông-tây-nam-bắc) thì không chính xác. Phép chiếu này giống như phép chiếu thẳng, chỉ khác nhau, thay vì mặt hình trụ tiếp tuyến với đường xích đạo, thì lại tiếp tuyến với một đường vĩ tuyến chọn trước (VN chọn đường 6° thì phải). 

2/ Sai số géodésie của đường biên giới Việt-Trung giữa phép chiếu thẳng và phép chiếu UTM.

Ở đây dùng phép chiếu Gauss-Krüger, lấy vĩ tuyến 22°30’ làm trục chiếu, mục đích để nhấn mạnh độ sai số géodésie của phép chiếu thẳng.

Đường biên giới Việt-Trung, cột mốc số 1 có tọa độ (22°25’48’’ – 102°09’33’’) 

Cột mốc cuối có tọa độ (21°28’12’’ – 108°06’04’’)

Cột mốc ở vĩ độ cao nhất là cột số 428 (23°22’47’’ – 105°18’23’’).

Tác giả đã giản lược bớt các số lẻ.

Như vậy đường biên giới Việt-Trung trải từ kinh tuyến 102°09’33’’ đến kinh tuyến 108°06’04’’. Tức có biên độ 5°56’31’’, hoặc tính chẵn 357’.

Nếu đường biên giới này ở vĩ tuyến 0°, chiều dài của nó là : 357’ x 1,851km, tức khoảng 660km. 

Trong phép chiếu thẳng, 1’ ở bất kỳ vĩ tuyến nào cũng dài như nhau : 1851m. 

Chiều rộng đường biên giới Việt-Trung vẽ theo phép chiếu thẳng (mercator direct) vì vậy là 660km.

Nếu lấy vĩ tuyến trung bình đường biên giới Việt-Trung là 22°30’ (trục chiếu), chiều dài 1’ ở vĩ tuyến này tương ứng 1717m. 

Bề rộng thật của đường biên giới Việt-Trung như thế là 611km.

Sai số giữa hai cách chiếu là 47,7km.

3/ Xét bản đồ dưới đây của các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông :

Hình 1

Bản đồ này vẽ theo cách vẽ trực tiếp tọa độ các mốc giới (đã được lấy theo một hệ thống géodésie) lên một hệ thống trục thẳng. Vì thế đường biên giới có bề rộng là 660km.

Bản đồ của CIA, vì lấy từ các bản đồ của Sở Địa dư Đông dương (SGI của Pháp), dĩ nhiên vẽ theo hệ thống tọa độ géodésique, phép chiếu UTM, (tương tự như các bản đồ Đông Dương ở trên), có bề rộng ước chừng 610km. 

Hai bản đồ chồng lên vừa khít với nhau. Sai số 47,7km đã đi đâu ? Chiều dài này tương ứng một cung có biên độ khoảng 27’’, tức khoảng 5 hoặc 6 ô vuông trên bản đồ của các học giả. Đây là khoảng cách rất lớn để mà “không thấy” trên bản đồ.

Các tác giả không thể chồng bản đồ này lên bản đồ kia khít khao như vậy mà không có phép “phù thủy”.

Phép phù thủy đó có thể là kéo bản đồ CIA phình ra, để chiều rộng hai bản đồ bằng nhau.

4/ Xét bản đồ biên giới khu vực Lào Cai của các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông. Đường biên giới khu vực này, theo công ước Pháp Thanh 1887 và Hiệp ước biên giới Việt-Trung 1999, đi qua sông Lũng Pô, sông Hồng, sông Nậm Thi và sông Bá Kết. 

Hai đường biên giới 1887 và 1999 thì trùng nhau ở đoạn biên giới này.

Hinh 6

Những dòng sông này cố định trên quả địa cầu. Như thế, đường biên giới theo những dòng sông này cũng cố định, trên bất kỳ bản đồ nào có cùng tỉ lệ, cùng phép chiếu.

Bản đồ của các tác giả không ghi tỉ lệ, không một ghi chú bất kỳ. Nó cũng quá nhỏ để có thể so sánh. Dầu vậy ta cũng thấy được các mốc giới lệch ra ngoài đường đỏ (tức đường biên giới theo bản đồ CIA), mà đa số chiều dài đoạn này là những con sông. 

Sự lệch lạc này do đâu ? 

5/ Đây là bản đồ đoạn biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, của các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông, tương ứng vùng đất Tụ Long mà VN đã mất cho TQ trong dịp phân định biên giới 1885-1895. Đoạn này tương ứng các bản đồ 13, 14, 15 và 16 trong bộ bản đồ biên giới 2009. 

Hình 3

Ta thấy đường biên giới khu vực này đi qua một số điểm cố định, đó là hai nhánh hợp lưu của sông Chảy. 

Theo HUBG 1999, « đường biên giới xuôi sông Qua Sách… đến hợp lưu sông này với sông Chảy…, biên giới theo sông cho đến hợp lưu sông này với sông Xiao Bai ». 

Theo công ước 1887, « đường biên giới theo sông Qua Sách, xuôi sông này cho đến hợp lưu của nó với sông Chảy (Hắc Hà), sau đó theo sông Chảy cho đến hợp lưu sông này với sông Nam-Len (Đông Nhai Hà)… »

Nếu không có gì sai lầm, sông Xiao Bai cũng là sông Nam-Len (tức Đông Nhai Hà). Như thế đoạn biên giới này, sau khi phân định lại 1999, thì không thay đổi.

Nhìn lên bản đồ ta thấy các mốc giới lệch ra ngoài đường đỏ (bản đồ CIA). Một số điểm lệch ra ngoài khoảng 10mm. Điểm 170, tức ngả ba sông, lệch ra ngoài khoảng 5mm. 

Điều này vô lý, vị trí các con sông không thay đổi, đường biên giới cố định, cho dầu ở trên bản đồ của CIA, hay trên bản đồ cắm theo tọa độ các mốc giới, hay trên bất kỳ bản đồ nào. 

Việc lệch lạc này do đâu ?

6/ Vấn đề đổi trục: Hai bản đồ chênh lệch nhau ở chiều rộng là 50km. Các tác giả đã chia đường biên giới thành nhiều đoạn để vẽ. 

Tọa độ các điểm không thay đổi. Bản đồ CIA không thay đổi. Vậy sai số 50km chạy đi đâu trên các đoạn bản đồ ? 

Phép phù thủy ở đây chỉ có thể là dời đổi trục tọa độ hay dời đổi trục chiếu, sao so các sai số bị triệt tiêu. Nếu lấy một trung tuyến chuẩn thì dời trung tuyến chuẩn (là trường hợp ở đây). Nếu chiếu theo phương pháp Gauss-Krüger thì thay đổi trục chiếu. Việc làm này nhằm “tiêu hóa” sai số 50km (5 ô vuông trên bản đồ), nhưng nó làm cho các đoạn biên giới, đáng lẽ phải cố định (sông, suối biên giới), thì lại chênh lệch với nhau.

7/ Kết luận: 

Các tác giả cho rằng bộ bản đồ đó là « bản đồ đầu tiên được công bố với toàn bộ các điểm xác định đường biên giới, bao gồm cột mốc, cột mốc phụ, cột mốc kép, và đỉnh cao biên giới. » Lý do công bố là vì « dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ ». 

Theo những chi tiết đã phân tích ở trên, 

- bản đồ này có độ sai số quá lớn để có thể được nhìn nhận là bản đồ các mốc giới. (Các trường hợp cắm mốc ở Bản Giốc, Tục Lãm, Nam Quan… tranh chấp hai bên chỉ vài chục hay vài trăm mét, tương ứng vài giây trên bản đồ, cho ta thí dụ cụ thể về tầm quan trọng về độ chính xác của bản đồ phân giới). 

- Bản đồ của các học giả có độ sai số quá lớn (và tỉ lệ quá nhỏ) để có thể so sánh với một bản đồ bất kỳ.

- Các bản đồ này không được vẽ theo một phương pháp nào đó mà con người kim thời có thể công nhận. Các tác giả đã vẽ trái đất hình vuông thay vì hình cầu. Các tác giả cho rằng cách vẽ này là phép chiếu “mercator”. Nhưng phép chiếu “mercator” có nhiều phương pháp khác nhau. Cách chiếu gần giống với cách vẽ của các học giả, cũng là cách đơn giản nhất, là cách chiếu thẳng (mercator direct). Nhưng phép chiếu này, do việc sai số về bề ngang (đông tây) trở thành quan trọng ở các vùng phía bắc vĩ tuyến 20° của địa cầu, do đó các cung kinh tuyến trên 20° (theo phép chiếu này) được kéo dài ra, nhằm giảm bớt sai số (đông-tây, nhưng lại tạo ra sai số nam-bắc)). Các học giả hoàn toàn không để ý các chi tiết kỹ thuật này.

- Phương pháp so sánh của các tác giả không trung thực, như cố ý thay đổi bề rộng bản đồ CIA, thay đổi trục chiếu trên bản đồ các đoạn biên giới để triệt tiêu sai số…

Vì vậy, 

Các bản đồ này không có giá trị tham khảo như ý kiến của các tác giả. Kết quả so sánh cũng không có giá trị để tham khảo. Các tài liệu tham khảo phải đúng và chính xác. 

Các bản đồ và kết quả việc so sánh này không có giá trị thông tin để hướng dẫn dư luận quần chúng. Mục tiêu của các tác giả là “vì dư luận đang quan tâm đến vấn đề biên giới”. Một thông tin sai là tuyên truyền, chỉ có mục đích hướng dẫn quần chúng vào đường sai lạc. 

Do đó, thiển nghĩ rằng, với tư cách là một diễn đàn mở rộng đông đảo độc giả, Bô Xít (và Dân Luận) có thiên chức quan trọng hướng dẫn quần chúng. Nhất là ở các điểm quan hệ chung đến mọi người. Ở đây là vấn đề lãnh thổ và biên giới. Để tránh mọi ngộ nhận (và chấm dứt các bút chiến vô ích), tôi nghĩ rằng BBT Bô Xít nên gỡ bỏ bộ bản đồ này càng sớm càng tốt. 

Tôi cũng nhận thấy có nhiều tiếng nói bênh vực cách vẽ của các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông trên trang Bô Xít. Nhưng một thông tin sai, cho dầu đã có nhiều tiếng nói bênh vực, thì cũng không thể thay đổi cái sai thành đúng. 
-So sánh bản đồ hay so sánh trái banh với mặt trăng?Bên Bô xít có đăng bài viết « phản biện » của Dương Danh Huy. Nhóm chủ trương Bô Xít có đăng lời giới thiệu.

Thật là phiền, nhóm Bô xít phê bình :

Thiết tưởng “thái độ phê bình” của ông Trương Nhân Tuấn rất có hại cho học thuật và cho phong trào yêu nước và dân chủ. Thay vì thảo luận, nó quy chụp. Thay vì tôn trọng, nó phỉ báng. Thay vì đoàn kết, nó chia rẽ.

1/ « Công trình nghiên cứu » của các tác giả thuộc quĩ Nghiên cứu Biển Đông, mà nhóm Bô Xít gọi là « công phu », có chút « học thuật » nào không mà nói việc phê bình của tôi có « hại cho học thuật » ?

« Công trình nghiên cứu » này không thể xếp vào phạm vi « văn chương » để nói đến « học thuật ». Nó chỉ là một « công trình » vẽ bản đồ (so sánh với bản đồ CIA). Đây là một công trình khoa học rất « phi khoa học ». Trong khoa học người ta chỉ có thể so sánh những gì có thể so sánh được. Các tác giả đã làm công việc so sánh ở đây tương tự như việc so sánh mặt trăng với cái bánh tráng. Việc so sánh đưa ra một kết quả sai lệch (với sai số từ 20 đến 25%).

2/ Mục đích của công trình so sánh bản đồ này, theo các tác giả, là vì « dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ ».


Kết quả của việc so sánh hiển hiện ra trên bản đồ : VN được lợi to trong kỳ phân giới này với TQ.
Công việc phản biện của tôi chỉ nói lên một điều : các học giả chơi ăn gian ! Các học giả ném trái bom hỏa mù để đánh lạc hướng dư luận.

Quí vị chơi ăn gian thì tôi nói quí vị chơi ăn gian. Nói vạy là nói lên sự thật hay « phỉ báng » ?

Nhóm Bô Xít nói là tôi làm hại cho « học thuật và cho phong trào dân chủ và yêu nước ». Tôi vạch ra cái sai, cái « ăn gian » của các học giả thuộc nhóm quĩ Nghiên cứu biển Đông, thiết lập lại một sự thật về hiện trạng biên giới Việt-Trung, đó là làm hại cho « phong trào yêu nước và dân chủ » à ? Như thế, theo nhóm Bô Xít, « yêu nước và dân chủ » là phải ăn gian, nói dối như các học giả vẽ bản đồ à ?

Ai có thể đoàn kết được với những người ăn gian, nói dối mà nói đoàn kết với chia rẽ ?

Tôi yêu nước và hô hào dân chủ theo cách của tôi. Cách của tôi là tất cả vì sự thật, vì lẽ công bằng, vì công lý. Trong các bài phản biện này, nhân danh khoa học, tôi nói lên sự thật.

3/ Tôi cũng rất lấy làm phiền khi nhóm Bô Xít càm ràm về « dân chủ » ở đây. Quí vị nắm trong tay một « cơ quan ngôn luận », nhưng quí vị chỉ sử dụng quyền ngôn luận cho quí vị. Quyền ngôn luận của quí vị ở đây không thể hiện được cái gì, ngoài sự hàm hồ.

Ngôn – luận, lời nói phải có qua có lại. Quí vị chỉ thực hiện ngôn luận một chiều, theo chiều có lợi cho cá nhân bè phái, chứ không nhằm thiết lập lại « công lý » hay nói lên một sự thật khách quan nào đó. Điển hình ở đây, quí vị đăng một « công trình », mà quí vị cho là « công phu », kết quả hoàn toàn sai. Quí vị không đăng bài phản biện của tôi, mà lại đăng tiếp bài phản biện lại tôi. Việc đăng hay không đăng bài, rộng đường dư luận hay hẹp đường dư luận, tôi không quan tâm. Điều quan tâm là quí vị tiếp tục chồng chất những cái sai, tiếp tục làm công tác tuyên truyền.

Nói láo (và tiếp tục nói láo), không phải là tuyên truyền thì là gì ?

4/ Về bài phản biện của « học giả » Dương Danh Huy, quí vị này có biện hộ thế nào cũng không thể bênh vực được cách làm phi khoa học của quí vị.

Tôi đã nói phương pháp vẽ của quí vị là phương pháp vẽ từ thời trung cổ, trái đất hình vuông. Điều cần nói rõ thêm, thời trung cổ là thời nào ? Đó là khoảng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15. Tôi có viết trong một comment là cách vẽ của quí vị là cách vẽ mercator (cách vẽ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 16).

Tôi nói quí vị vẽ theo cách từ thời trung cổ là không oan cho quí vị đâu. Có điều phương pháp Mercator này hiện nay không ai sử dụng, kể cả cho các học sinh ở tiểu học.

Cách vẽ của quí vị là cách vẽ của học sinh mới học trung học, sơ đẳng. Nhìn lên bản đồ mà quí vị vẽ, ta thấy thiếu các ghi chú không thể thiếu : hệ thống qui chiếu, kinh tuyến trung ương (tức kinh tuyến chuẩn, thí dụ kinh tuyến Paris hay kinh tuyến Greenwich) và tỉ lệ.

Cách vẽ « trụi lũi » này chỉ có ở thời thuợng cổ - nhấn mạnh – thuợng cổ. Vì thời trung cổ, (hay phương pháp Mercator), người ta đã có các khái niệm về toán học sâu xa, như khái niệm về tỉ lệ trên bản đồ.

Nói rằng cách vẽ của quí vị là cách vẽ « Mercator » là « tán dương » quí vị lắm.

5/ Vấn đề cần thảo luận, quí vị đem bản đồ của CIA, một bản đồ đã được thực hiện theo tọa độ géodésie, vào trong một hệ thống mercator. Việc đem một bản đồ bất kỳ (ở đây là bản đồ CIA) vào hệ thống tọa độ nào đó, không phải là hệ thống mà nó được thực hiện, là việc làm sai.


Làm việc này là quí vị lấy mặt trăng đưa vào cái khuôn bánh tráng.


Không thấy quí vị biện luận cho các vấn đề này. Vì làm sao biện luận phải không ?

6/ Quí vị lấy các tọa độ các mốc giới, được đo đạc theo tiêu chuẩn géodésie, vẽ trên một trục tọa độ thẳng. Quí vị có thể biện luận rằng quí vị vẽ theo phương pháp Mercator. Nhưng điều quan trọng trước đó phải cho mọi người biết việc này. Vì nếu không nói, mọi người sẽ không biết sai số ở các vĩ tuyến (sai số ở các vĩ tuyến 22°, 23° khoảng 20-25%).

Làm việc này quí vị đưa trái banh vào khuôn bánh tráng.

7/ Quí vị so sánh hai bản đồ. So sánh như thế là so sánh trái banh với mặt trăng. Đây là việc làm phi khoa học.

Việc so sánh hai bản đồ trước tiên là lựa một trục chuẩn. Bao nhiêu lần quí vị thay đổi trục chuẩn ? Nhận xét trên các bản đồ trong “công trình” của quí vị, có bao nhiêu bản đồ đoạn biên giới là có bấy nhiêu lần quí vị thay đổi trục.

Làm việc này tương tự hai đội đang chơi banh. Một đội đưa banh tới khung thành định « sút » thì quí vị thổi còi, chờ đội kia đưa toàn bộ hậu vệ, trung vệ về giữ thành, rồi chơi tiếp. Chơi vậy là chơi ăn gian phải không ?

Dĩ nhiên, phải ăn gian thôi, nếu không đổi trục chuẩn, bản đồ « các mốc giới » của quí vị sẽ chạy lệch ra ngoài bản đồ CIA.

8/ Quí vị biện luận rằng việc so sánh bản đồ này chỉ để « tham khảo ».

Quí vị hiểu gì về tham khảo ? Tham khảo, theo các tự điển Pháp Việt, có các ý nghĩa là consulter, de référence, documentaire… Các tài liệu để tham khảo vì thế phải là các tài liệu đúng, chính xác. Có ai tham khảo cái sai bao giờ ?

Kết quả « công trình » vẽ và so sánh bản đồ của quí vị cho thấy VN lợi to trong việc phân giới với TQ. Nhưng nó hoàn toàn sai, không có một giá trị nào, ngoài giá trị của trái hỏa mù.

Kết quả có mất hay không mất đất sẽ được trình bày bằng một công trình nghiêm túc, của ai đó, sau này.

Các báo, như trang Bô Xít, tiếp tục đăng tải và bênh vực nó, là đồng lõa trong việc tạo hỏa mù. Đó là việc tuyên truyền chứ không phải là tự do ngôn luận.

9/ Chuyện biên giới, lãnh thổ là chuyên liên quan đến đất nước, là quan trọng. Vì thế tất cả các bài viết chung quanh vấn đề này đều phải thận trọng.

Nhiều lần tôi phê bình « công trình » nghiên cứu của quí vị trong Quĩ Nghiên cứu Biển Đông. Có lần quí vị « copy » ý kiến của các học giả khác. Có lần quí vị diễn giải sai nội dung các phán quyết của tòa. Có lần quí vị nói sai về « quốc gia VNDCCH »… nhiều kể không hết những sai sót về kiến thức của quí vị. Tuy vậy, những sai lầm này không nặng lắm. Sửa được. Quí vị đáng lẽ phải cám ơn tôi, vì đã chỉ ra cái sai của quí vị. Nhưng lần này, thú thực, hết chữa…
Về các bản đồ mốc giới Việt-Trung
Dương Danh Huy
21/09/2013
http://www.boxitvn.net/bai/19611

Ngày 20 tháng 9/2013 ông Trương Nhân Tuấn có gửi cho chúng tôi một lá “thư mở”, cho biết ngày 18 tháng 9/2013, ông có viết một bài phê bình công trình Bản đồ mốc giới… của hai tác giả Dương Danh Huy và Phan Văn Song vốn đăng trên Bauxite Việt Nam và Dân Luận. Chúng tôi hoan nghênh mọi lời phê bình – nhất là đối với những vấn đề hệ trọng đối với đất nước, rất cần sự đóng góp trí tuệ của mọi người dân Việt. Tiếc thay, ông Trương Nhân Tuấn đi quá đà, không còn giữ trong phạm vi tranh luận khoa học, khi viết những dòng rất nặng nề, có ý kết tội chúng tôi thuộc loại hàng trăm, hàng ngàn học giả “cừu”, “dư luận viên” mà Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng để “định hướng dư luận”: “Nếu đã biết sai, bài báo vẫn không rút xuống, đây không còn nằm trong lãnh vực báo chí thuần túy mà nó bước qua lãnh vực tuyên truyền. Có điều, trong nước có đến 700 tờ báo để làm việc này, nghe nói dóc như vậy chưa đủ hay sao?
Đây là một vấn đề của đất nước. Đảng CSVN đã có hàng trăm, hàng ngàn học giả “cừu”, “dư luận viên” chuyên về việc định hướng dư luận.
“Công trình khoa học” này điển hình là một công trình “công phu” định hướng dư luận.
Thiết tưởng “thái độ phê bình” của ông Trương Nhân Tuấn rất có hại cho học thuật và cho phong trào yêu nước và dân chủ. Thay vì thảo luận, nó quy chụp. Thay vì tôn trọng, nó phỉ báng. Thay vì đoàn kết, nó chia rẽ.
Còn về “nội dung phê bình” của ông, chúng tôi xin đăng bài trả lời dưới đây của ông Dương Danh Huy, một trong hai tác giả.
Bauxite Việt Nam
————————————-
Gần đây ông Trương Nhân Tuấn (TNT) có viết một số bài về các bản đồ mốc giới mà chúng tôi gửi cho BVN và Dân Luận.
Quan điểm của TNT dựa trên những điểm chính sau:
“Các bản đồ được các tác giả gọi là “bản đồ mốc giới Việt Nam – Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc” đã được thực hiện không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế “cartographie – vẽ bản đồ” nào [1]. Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu [2].
Thật vậy, các tác giả đã vẽ các bản đồ biên giới Việt-Trung theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông [3]. Điều này được kiểm chứng ở các đường thẳng đứng vẽ song song [4]. Tức các ô ca-rô trên bản đồ đều là hình vuông và bằng nhau [5]. Trong khi các bản đồ, từ thế kỷ thứ 19 trở lại đây, người ta đã biết tới yếu tố “hình cầu – géodésie” của quả đất [6]. Từ hệ quả đó, ta thấy trên bất kỳ một tấm bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều bắc-nam, không phải là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm: cực bắc và cực nam (cực địa lý – khác với cực từ) [7]. Các đường ngang – tức vĩ tuyến – cũng là các đường cong, song song với nhau, chiều dài của các đường này không bằng nhau [8]. Những “tứ giác” trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến. [9]”
Điều [1] và [2] là bậy bạ. Bản đồ của chúng tôi là bản đồ dùng phép chiếu Mercator, một trong những phép chiếu thông dụng của ngành vẽ bản đồ, mà TNT nói là “không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế “cartographie – vẽ bản đồ” nào”, là “cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu”.
Điều [3] cũng thật lạ lùng, khi TNT khẳng định rằng bản đồ dùng phép chiếu Mercator của chúng tôi là “theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông”. Dĩ nhiên là trái đất là hình khối bầu dục ba chiều, và người ta dùng phép chiếu Mercator như một trong những phép chiếu có thể để chiếu lên một hình hai chiều (nghĩa là lên một bản đồ), chứ không phải là “theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông”.
Điều [4] giải thích ba điều lạ lùng [1], [2], [3]: TNT không biết rằng trên một bản đồ dùng phép chiếu Mercator thì các đường kinh tuyến là các đường thẳng đứng song song.
Điều [5] là TNT nói đại mà không nhìn vào thực tế. Ai kiểm chứng cũng có thể thấy được rằng,
(a) các ô trên bản đồ của chúng tôi là các ô kinh tuyến, vĩ tuyến,
(b) chúng không phải là ô vuông như TNT nói đại mà là ô chữ nhật,
(c) chúng không phải bằng nhau như TNT nói đại mà có kích thước khác nhau.
Ở đây tôi cũng xin nói thêm là trên bản đồ Mercator thì các ô kinh tuyến, vĩ tuyến có những đặc điểm (b) và (c).
Điều [6]: Thật ra trong bản đồ Mercator mà chúng tôi dùng thì người ta, và chúng tôi cũng biết tới yếu tố hình khối bầu dục của trái đất.
Điều [7] cho thấy rõ ràng là TNT không biết về bản đồ Mercator. Trên bản đồ Mercator, các đường kinh tuyến là đường thẳng song song với nhau. Điều đó được dạy ở từ trường trung học. Vậy mà TNT lại dạy cộng đồng rằng “ta thấy trên bất kỳ một tấm bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều bắc-nam, không phải là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm: cực bắc và cực nam”.
Điều [8] cũng là sai hoàn toàn về bản đồ Mercator. Trên bản đồ Mercator, các đường vĩ tuyến là các đường thẳng song song với nhau và có chiều dài bằng nhau.
Chỉ có điều [9] thì TNT nói đúng, “Những “tứ giác” trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến”, nhưng mà trên thực tế các hình chữ nhật trên bản đồ của chúng tôi không bằng nhau khi chúng khác vĩ tuyến. Nhưng TNT đã nói đại là chúng bằng nhau (mà không kiểm chứng)  để có gì mà phê phán.
“Cái sai khác nữa là đem tấm bản đồ của Mỹ, vẽ theo các nguyên tắc khoa học, lên một mặt phẳng kẻ ô vuông [10].”
Điểm [10] là hệ quả của TNT không biết bản đồ của chúng tôi là bản đồ Mercator, hiểu sai cơ bản về bản đồ Mercator, và cho rằng bản đồ Mercator của chúng tôi là “mặt phẳng kẻ ô vuông”. Cũng xin nói thêm là dù không hiểu về bản đồ Mercator thì cũng có thể kiểm chứng là các ô trên bản đồ của chúng tôi không phải là vuông mà là chữ nhật.
Thật ra, các bản đồ của chúng tôi đã được vẽ theo đúng tiêu chuẩn của một bản đồ Mercator dùng hệ địa trắc WGS84. Những bài TNT viết thật ra chỉ là ông ấy không hiểu các bản đồ đó là gì, không hiểu về bản đồ Mercator, và có một số mục đích cá nhân.
Vấn đề mà người xem cần lưu ý khi xem các bản đồ đó là như tôi đã viết trên Dân Luận:
“Xin lưu ý rằng chúng ta không biết CIA World DataBank II đã dùng cơ sở nào để vẽ biên giới Việt-Trung (trước hiệp định 1999), và mức độ đáng tin cậy của nó là bao nhiêu.
Nếu so sánh biên giới của CIA World DataBank II với Google Maps ở những đoạn mà biên giới là sông thì có thể thấy rằng CIA World DataBank II đã đơn giản hóa biên giới. Quan trọng hơn, có vẻ như là biên giới trong CIA World DataBank II chỉ có độ phân giải khoảng một vài trăm mét, và sẽ không chính xác dưới độ phân giải đó.
Thí dụ như khi biên giới là Sông Hồng, và cột mốc nằm hai bên sông, thì vị trí của sông và biên giới trong CIA World DataBank II rõ ràng là sai, và CIA World DataBank II không thể hiện các khúc quanh của sông có trong Google Maps.
Tôi chỉ xem đường đỏ như có giá trị tham khảo (eg nó cho ta biết biên giới công bằng có lẽ ở đâu đó lân cận) và khuyến cáo mọi người không nên kết luận gì từ nó.
Cũng xin nói thêm là trong 5 năm qua TNT có một số mục đích cá nhân cho nên hay đi theo các bài viết của tôi và Quỹ Nghiên cứu Biền Đông để “phản biện”. Trên nguyên tắc thì phản biện nào cũng là quý, bất kể động cơ. Đáng tiếc là trên thực tế “phản biện” của TNT dựa quá nhiều trên mục đích cá nhân và quá ít trên hiểu biết, cho nên nó thường đem kiến thức sai lầm đến cho cộng đồng.
D. D. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

————————————————————————
Trương Nhân Tuấn     jeudi 19 septembre 2013
Trương Nhân Tuấn    mercredi 18 septembre 2013
Bauxite Việt Nam    17/09/2013
Bauxite Việt Nam    15/09/2013



-Thư mở gởi các trang web Bô xít và Dân Luận.-Nhan Tuan Truong
« Công trình » vẽ bản đồ của các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu biển Đông có đăng trên trang Bô Xít và Dân Luận. Các tác giả có viết : « bản đồ đầu tiên được công bố với toàn bộ các điểm xác định đường biên giới, bao gồm cột mốc, cột mốc phụ, cột mốc kép, và đỉnh cao biên giới. » Lý do công bố là vì « dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ ».

Mục tiêu công bố công trình như vậy là rõ rệt : các tác giả muốn giải tỏa những xôn xao trong dư luận từ bấy lâu nay về việc đảng CSVN bán đất nhượng biển cho TQ.

Kết quả cũng hiện ra trên các bản đồ : VN không hề bị mất đất, ngược lại, VN được lợi to, vài trăm cây số vuông chứ không ít.

Sự khả tín của các bản đồ càng tăng lên, nếu ta đọc lời cám ơn của người phụ trách trang Bô Xít : « BVN xin chân thành cảm ơn sự tín nhiệm của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Phan Văn Song thể hiện trong việc gửi gắm cho BVN  công bố công trình công phu này, và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ».

Công trình « vẽ bản đồ » này được các học giả Bô Xít xem là « công trình công phu ». Các tác giả cũng nhấn mạnh : « Trên bản đồ cũng có biên giới theo CIA World DataBank II. Đó là biên giới do chính phủ Mỹ vẽ từ trước, và có thể có giá trị tham khảo ».

Nhưng « công trình công phu », « có giá trị tham khảo » của các học giả Quĩ nghiên cứu Biển Đông không có giá trị thực tế, vì nó hoàn toàn sai. Sai, đơn giản vì các « học giả » này vẽ bản đồ theo phương pháp thời trung cổ trái đất hình vuông. Sai lầm vì vậy cũng rất… công phu. Sai số ở mỗi điểm trên bản đồ là từ 20 đến 25% theo hướng đông-tây (vì biên giới Việt-Trung ở khoảng 21°-23° bắc vĩ độ).

Tôi đã viết bài cho mọi người thấy cái sai sơ đẳng của các học giả Quĩ Nghiên cứu Biển Đông hôm qua.  

Một tài liệu dùng để tham khảo là một tài liệu khoa học. Nếu tài liệu sai, người nghiên cứu phải rút lại công trình nghiên cứu và xin lỗi công chúng.

Một tài liệu, dưới dạng một bài báo, đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí. Nếu tài liệu sai, lỗi lầm trước hết là do người phụ trách tờ báo. Thông thường, ở một tờ báo bình thường ở các nước văn minh, người trách nhiệm tờ báo rút bài này xuống, đính chánh các điểm sai, và xin lỗi độc giả. Lỗi là do người phụ trách vì không đủ kiến thức chuyên môn.

Nếu đã biết sai, bài báo vẫn không rút xuống, đây không còn nằm trong lãnh vực báo chí thuần túy mà nó bước qua lãnh vực tuyên truyền. Có điều, trong nước có đến 700 tờ báo để làm việc này, nghe nói dóc như vậy chưa đủ hay sao ?

Đây là một vấn đề của đất nước. Đảng CSVN đã có hàng trăm, hàng ngàn học giả « cừu », « dư luận viên » chuyên về việc định hướng dư luận.

« Công trình khoa học » này điển hình là một công trình « công phu » định hướng dư luận.

Tôi không thấy lý do nào mà « công trình » này vẫn còn tồn tại trên các trang web Bô Xít và Dân Luận. Những người trách nhiệm có thể cho biết vì sao ?


-Vẽ vậy được hay sao ?
-Nhan Tuan Truong
Các bản đồ được các tác giả gọi là « bản đồ mốc giới Việt Nam - Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc  » đã được thực hiện không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế « cartographie – vẽ bản đồ » nào. Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu.

Thật vậy, các tác giả đã vẽ các bản đồ biên giới Việt-Trung theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông. Điều này được kiểm chứng ở các đường thẳng đứng vẽ song song.
Tức các ô ca-rô trên bản đồ đều là hình vuông và bằng nhau. Trong khi các bản đồ, từ thế kỷ thứ 19 trở lại đây, người ta đã biết tới yếu tố « hình cầu – géodésie » của quả đất. Từ hệ quả đó, ta thấy trên bất kỳ một tấm bản đồ nào, các đường kinh tuyến, tức các đường theo chiều bắc-nam, không phải là đường thẳng mà là đường cong, hội tụ lại với nhau ở hai điểm : cực bắc và cực nam (cực địa lý – khác với cực từ). Các đường ngang – tức vĩ tuyến – cũng là các đường cong, song song với nhau, chiều dài của các đường này không bằng nhau. Những « tứ giác » trên bản đồ không bằng nhau, nếu khác vĩ tuyến.

Một thí dụ, hình dung quả địa cầu được phân chia thành nhiều đường kinh tuyến, mỗi đường cách nhau 1’. Lấy hai điểm A và B, giao điểm hai kinh tuyến kế cận với đường xích đạo, ta có khoảng cách là 1 mille (1852m). Đoạn AB tưởng là thẳng, nhưng không phải, nó cong (vì trái đất hình cầu). Người ta gọi đó là « một cung – arc » tương ứng 1’. Nếu lấy hai điểm A’ và B’ tương tự, giao điểm với đường vĩ tuyến 45°, đường này cũng tương ứng với một cung 1’. Chiều dài của cung này không phải là 1852m mà là 1852m/2 = 926m. Vì vậy, một đoạn đường tương ứng với một cung 1’ ở Cà Mau sẽ dài hơn đoạn đường tương ứng một cung 1’ ở Lạng Sơn.

Nhưng trên một mặt phẳng, hai đoạn AB và A’B’ có chiều dài bằng nhau.

(Trên đường kinh tuyến, các cung cùng độ rộng có chiều dài bằng nhau.)

Cái sai của các tác giả là chiếu trực tiếp tọa độ các điểm trên mặt một hình cầu lên một mặt phẳng mà không qua tính toán, hoán chuyển các dữ kiện bằng một hệ thống géodésie nào đó.

Cái sai khác nữa là đem tấm bản đồ của Mỹ, vẽ theo các nguyên tắc khoa học, lên một mặt phẳng kẻ ô vuông. Cái sai này ta có thể nhận ra ngay khi so sánh hai bản đồ, ở các nơi đường biên giới đi theo chiều thẳng đứng. Tại đây ta thấy hai bản đồ gần như trùng nhau, vì hệ quả géodésique ít thấy trên đường kinh tuyến. Trong khi các đoạn biên giới khác, theo chiều dài hay chiều nghiêng, bản đồ VN có khuynh hướng vượt ra ngoài (do không tính hệ quả géodésique).

Do đó, nhìn lên các bản đồ của các tác giả, ta có cảm tường VN được lợi to qua cuộc cắm mốc với TQ kỳ này.

Nhưng không phải vậy. Cách đo này không nói lên được cái gì, ngoài sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc vẽ bản đồ của các tác giả.

Vẽ bản đồ có nhiều nguyên tắc khác nhau. Tựu trung là các phương pháp tính toán để trình bày (projection – chiếu) một cách chính xác bề mặt một vùng quả địa cầu trên một mặt phẳng.

Công tác vẽ bản đồ (cartographie)gồm hai việc hệ trọng :

Topographie – trắc địa : đo lường kích thuớc, tọa độ, cao độ, độ chênh thẳng đứng (déviation de la verticale) của các điểm đồng thời chiều dài của các cung kinh tuyến và vĩ tuyến  (arc de méridien – parallele).

Géodésie : gồm những hệ thống tính toán quan hệ đến dạng hình cầu của quả đất. Các hệ thống thường thấy Clarke1880, Clarke1880IGN, HAYFORD1909, GRS80,WGS84.

Bộ bản đồ VN-Trung Quốc vừa được công bố được vẽ theo hệ thống tọa độ WGS 84 (World Geodetic System 1984), theo phép chiếu Gauss-Kruger, lấy kinh tuyến trung tâm 105° và múi chiếu 6°.

Các tác giả chỉ có thể so sánh bản đồ Mỹ với bản đồ vẽ từ các tọa độ của các nghị định thư với điều kiện : bản đồ phải vẽ đúng theo tiêu chuẩn của bản đồ mà Mỹ đã vẽ. Tức cùng hệ thống géodésie, cùng một phép chiếu, có cùng kinh tuyến trung ương và có cùng múi chiếu, và nhất là cùng một tỉ lệ. Chỉ khi vẽ được như vậy thì mới có thể so sánh hai bản đồ.

Người ta nói « chỉ có thể so sánh những cái so sánh được » là quá đúng.

Các tác giả cũng có thể, từ bản đồ của Mỹ, lấy tọa độ các điểm trên bản đồ, hoán chuyển ngược lại để có các tọa độ đúng như tiêu chuẩn và hệ thống géodésie mà VN và TQ sử dụng. Từ đó, không cần phải vẽ lên một tấm giấy vẽ ca-rô vuông như các tác giả đã làm, người ta có thể so sánh bằng cách đối chiếu hai tập hợp tọa độ đó, bằng phương cách tính toán (chứ không vẽ ra giấy), rồi kết luận rằng có mất đất hay không mất đất và mất bao nhiêu.



VN có nhượng bộ TQ về biên giới không? (BBC). Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được ký năm 1999

Vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn thu hút sự quan tâm và tranh cãi trong dư luận người Việt trong và ngoài Việt Nam.


Cho đến hôm nay, Hiệp ước Biên giới trên đất liền được hai nước ký năm 1999 vẫn gây ý kiến trái ngược.

Một nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, Dương Danh Huy, mới đây gửi cho BBC bài viết về chính sách thông tin của Việt Nam liên quan biên giới lãnh thổ và ranh giới biển. Bài viết đặt ra một số câu hỏi cho Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, sau khi ông Trục, trên báo Việt Nam, kể lại những năm đàm phán biên giới với Trung Quốc.

Khi được Lê Quỳnh của BBC liên lạc, ông Trần Công Trục đồng ý trả lời những "băn khoăn" về cuộc đàm phán biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xin giới thiệu với quý vị hai bài viết muốn giải đáp thêm các câu hỏi về quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ý kiến ông Dương Danh Huy
Ý kiến ông Trần Công Trục

Cho đến nay vẫn có có nhiều ý kiến khác nhau về tính công bằng của hai hiệp định Việt-Trung về ranh giới trên bộ và về vịnh Bắc Bộ được ký vào năm 1999 và 2000.

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên báo Giáo dục Việt Nam về hai hiệp định này, TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói:

“Điều đáng nói là không chỉ dư luận người dân mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học lẫn những nhà quản lý, lãnh đạo vẫn còn nhiều người mơ hồ, lăn tăn về chuyện này. Thậm chí có người suy đoán “chắc là dư luận nói đúng” bởi vì họ nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, nước yếu ở cạnh một nước mạnh, nước lớn như TQ thì phải có sự nhượng bộ không thể tránh khi đàm phán tranh chấp biên giới, lãnh thổ.”

Điều TS Trần Công Trục nói đến là do một khuyết điểm cơ bản trong chính sách của Việt Nam về thông tin liên quan đến biên giới lãnh thổ và ranh giới biển.
Trấn an?

Nếu Việt Nam công bố minh bạch và đầy đủ thông tin thì đã không có nhiều người làm công tác nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo “mơ hồ, lăn tăn” về các hiệp định lãnh thổ và biển, mà dư luận người dân cũng đã đỡ xôn xao. Thông tin đó không thể dựa trên việc quan chức hé ra một phần, không thể được thay thế bằng thông tin hành lang, hay những lời khẳng định, trấn an. Ngược lại, Việt Nam phải có chính sách cung cấp cho nhân dân thông tin chính thức, minh bạch và đầy đủ, theo tư duy 3C, “Công khai, Công luận, Công pháp quốc tế”.



"Cho tới nay, mặc dù tọa độ của các cột mốc đã được công bố, vẫn chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về cuộc đàm phán dẫn đến chúng."

Không thể bác bỏ những suy đoán mà TS Trần Công Trục đề cập đến, hay những suy đoán khác, bằng những lời phủ định “chay”. Để bác bỏ chúng, cần công bố những thông tin như: trong đàm phán Việt Nam đã đòi gì, Trung Quốc đã đòi gì, mỗi bên đã đưa ra dẫn chứng và lập luận gì cho yêu sách của mình, và cuối cùng mỗi bên được gì với lý do gì. Người quan tâm sẽ dùng những thông tin đó để đánh giá giá trị pháp lý của chứng cứ của mỗi bên và tính công bằng của thỏa hiệp.

Nếu thay thế những thông tin đó bằng những lời trấn an thì nhân dân không thể biết có bên nào đã ngang ngược hay không, và bên kia có đã đành phải chấp nhận hay không; họ chỉ có thể lựa chọn giữa có tin lời trấn an hay không. Lãnh thổ là của nhân dân cho nên họ phải được hơn như thế: họ phải được có thông tin về đàm phán lãnh thổ và biển. Các lời khẳng định, các lời trấn an, tin hành lang và tin đồn là không đáp ứng đủ quyền được biết của nhân dân.

Nhưng cho tới nay, mặc dù tọa độ của các cột mốc đã được công bố, vẫn chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về cuộc đàm phán dẫn đến chúng.

Khu vực Núi Đất

Một thí dụ là khu vực Núi Đất, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn và đánh chiếm vào tháng 4 năm 1984. Vào tháng 7 năm 1984 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch kéo dài nhiều năm, chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng. Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần.

Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi. Theo thông tin không chính thức từ phía Trung Quốc và phía Việt Nam thì có một mỏm có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm.


Việt Nam có cuộc chiến biên giới với Trung Quốc tháng Hai 1979

Có việc đó hay không? Nếu có thì vì ly do nào mà Việt Nam đã chấp nhận? Vì nhân đạo và địa chính trị, hay vì không có đủ chứng cứ pháp lý, hay lý do nào khác? Tại sao thông tin không được công bố?
Vịnh Bắc Bộ

Một thí dụ khác là ranh giới trong vịnh Bắc Bộ. Ban đầu Việt Nam chủ trương kéo dài đường phân định trong Hiệp định Pháp-Thanh 1887 để chia cả lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế bên ngoài 12 hải lý, nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận. Sau đó Việt Nam chủ trương chia theo luật quốc tế về phân định biển. Theo tài liệu đã công bố của nhân viên nhà nước có chức năng thì Trung Quốc chủ trương chia đều 50:50, không cần đến lập luận pháp lý. Cuối cùng hai bên đã thỏa hiệp bằng tỷ lệ 53:47 nghiêng về Việt Nam.

"Điều quan trọng ở đây là phải có thông tin chính thức và có tranh luận khoa học, duy lý. Đó cũng là nguyên tắc chung cho việc nhận định về các hiệp đinh biên giới, ranh giới."

Theo bản đồ độ phân giải cao thì nhiều điểm trong đường phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vịnh Bắc Bộ nằm gần lãnh thổ Việt Nam hơn lãnh thổ Trung Quốc. Nổi bật nhất là điểm 17 nằm gần bờ biển Hà Tĩnh hơn đảo Hải Nam khoảng 50 km, và điểm 14 nằm gần bờ biển Nam Định hơn đảo Hải Nam khoảng 37 km. Trong khi đó, không có điểm nào nằm gần lãnh thổ Trung Quốc hơn lãnh thổ Việt Nam. Nếu lấy một đường trung tuyến nào đó làm chuẩn (có thể có vài đường trung tuyến khác nhau đều tương đối hợp lý) thì có thể nói là Việt Nam được ít hơn đường trung tuyến ít nhất là nhiều trăm cây số vuông.

Vì vậy, mặc dù lời phê phán rằng Hiệp Định Pháp-Thanh 1887 đã chia toàn bộ vịnh Bắc Bộ là lời phê phán không hợp lý, nhưng quan điểm chính thức của Việt Nam, rằng Hiệp Định vịnh Bắc Bộ 2000 là công bằng, cũng là quan điểm chưa thuyết phục.

Có thể cho rằng hiệp định đó là đại khái công bằng ở một mức nào đó, nhưng mức đó có là công bằng đủ hay không thì là điều có thể tranh luận. Trong tranh luận đó, thể có người cho rằng trước một Trung Quốc vừa mạnh, vừa tham, bất chấp luật quốc tế, thì việc Việt Nam đạt được mức công bằng đó là khá rồi, và có thể có người có quan điểm ngược lại.

Cũng có thể có người cho rằng việc được ít hơn đường trung tuyến đó là giá phải chăng cho việc có một ranh giới ổn định trong vịnh Bắc Bộ, và có thể có người có quan điểm ngược lại.

Điều quan trọng ở đây là phải có thông tin chính thức và có tranh luận khoa học, duy lý. Đó cũng là nguyên tắc chung cho việc nhận định về các hiệp đinh biên giới, ranh giới.


- Bản đồ mốc giới Việt Nam – Trung Quốc theo toạ độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc (Dân luận).

-Thác Bản Giốc – những căn cứ pháp lý (Phản biện bài trả lời của ông Trần Công Trực[1])
Trước hết, tôi ghi nhận thiện ý của ông Trần Công Trục khi ông viết: “tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.”
Tuy nhiên, để có thể “thu hẹp khoảng cách” trong nhận thức của xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể dựa trên ý chí của từng cá nhân, từng nhóm người hay thậm chí dựa trên ý chí của một đảng chính trị – cho dù đảng đó đang nắm giữ bộ máy Nhà nước. Khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp và tạo nên sự đồng thuận một khi dựa trên quyền lợi chung của toàn dân tộc, và nhất là phải tôn trọng sự thật. Ngày nay, với phương tiện truyền thông có tính toàn cầu, không thể bưng bít sự thật hay tìm cách khuôn sự thật theo ý muốn của một cá nhân hay một nhóm người nào cả.

Về những bằng chứng lịch sử liên quan đến Thác Bản Giốc, tôi có một cách nhìn hoàn toàn khác với ông Trần Công Trục, bởi vì đối với đường biên giới Việt-Trung – vốn là một đường biên giới có lịch sử lâu đời và có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc ta, đất nước ta, không thể không đề cập đến phương diện lịch sử. Hơn thế nữa, những bằng chứng lịch sử đó có từ rất lâu – trước khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền trên toàn miền Bắc, thậm chí trước khi Đảng Cộng sản ra đời, vì thế không thể nói rằng đó là kết quả của “hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức” trong giai đoạn cuối thập niên 1970 – khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Chính vì lẽ đó, tôi đã giới thiệu lại các bài viết của ông Diệp Đình Huyên (tức Hàn Vĩnh Diệp) để chứng minh rằng “Thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam” từ rất lâu và suốt trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước vẫn còn hữu hảo, phía Trung Quốc không hề thắc mắc gì về “sự thật” này. Hơn thế nữa, nếu Việt Nam thật sự là một quốc gia dân chủ bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho mọi công dân thì sẽ có rất nhiều người noi gương ông Diệp Đình Huyên sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho “sự thật” đó.
Trong phạm vi của bài phản biện này, tôi tạm thời gác lại khía cạnh lịch sử của chủ đề “Thác Bản Giốc”, để tập trung bàn về những căn cứ pháp lý.
1) Tại sao các tài liệu liên quan đến Thác Bản Giốc và Cồn Pò Thoong không được mang đi đàm phán?
Ông Trần Công Trục viết: “Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của  Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý  để hai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Như vậy, theo ông Trục, các tài liệu này không được sử dụng vì “không phải là bộ phận cấu thành của  Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý  để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Thế nhưng, việc lấy hai công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 để làm cơ sở đàm phán trong vấn đề biên giới không phải là điều mới mẻ. Theo cuốn VĐBG (Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc)[2] thì vào năm 1977, để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán biên giới, phía Việt Nam đã đưa ra một “dự thảo hiệp định”[3], trong đó điều 1 có nội dung như sau:
[Điều 1] Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có: (1) Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (2) Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (3) Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”.
Nội dung này không có gì khác với “nguyên tắc chung” mà ông Trần Công Trục nêu ra.
Vấn đề đặt ra là : tại sao dựa vào điều khoản căn bản đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối thập niên 1970  vẫn có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định rằng phía Trung Quốc đã “vi phạm  ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay.”?[4] Bất cứ ai đọc được điều này cũng có thể đặt câu hỏi: Bộ Ngoại giao Việt Nam vào thời kỳ đó đã căn cứ vào hệ thống bản đồ nào và những chứng cứ pháp lý nào để khẳng định Trung Quốc vi phạm đường biên giới?
Mặt khác, ông Trần Công Trục lại viết: “Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán.”
Điều này quả thật rất khó hiểu. Hãy lấy một ví dụ: các tài liệu chứng minh “vào năm 1976 Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong – một địa điểm hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam” thì cho dù vào năm 1979 hay vào năm 1999 cũng đều có giá trị như nhau chứ sao lại “chỉ có giá trị vào năm 1979” và đến thập niên 1990 lại “không thể mang đi đàm phán”?
Để hiểu rõ vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của các tài liệu mà tôi nêu ra trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc”:
- Tài liệu 1 về việc Trung Quốc đã “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc: đây chính là bằng chứng về việc Trung Quốc đã sửa chữa bản đồ, làm sai lạc vị trí của cột mốc 53; nói cách khác qua tài liệu này chúng ta được biết cột mốc 53 nằm ở vị trí khác chứ không phải nằm ở vị trí của cột mốc 835 (mới) hiện nay (xem bản đồ – hình 1 và hình 2):
 
Hình 1 : Sơ đồ Thác Bản Giốc được phân chia lại
Hình 2: Bản đồ khu vực Thác Bản Giốc hiện nay. Cột mốc 835 chính là vị trí mới của cột mốc 53
- Tài liệu (2) về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960: chứng minh vào thập niên 1960, cồn Pò Thoong hoàn toàn thuộc về Việt Nam;
- Tài liệu (3) về việc Trung Quốc đưa quân lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 : chứng minh Trung Quốc đã lấn chiếm cồn Pò Thoong bất hợp pháp, vì vậy việc chia cồn này theo công thức “1 phần 4 thuộc về Việt Nam, 3 phần 4 thuộc về Trung Quốc” là hoàn toàn bất hợp lý;
- Tài liệu (4) gồm hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980: cho phép xác định vị trí của các cột mốc cũng như đường biên giới một cách chính xác (xem bản đồ tại hình 3).
 
Hình 3 : Vị trí nguyên thủy của cột mốc 53 (Trích bản đồ Trùng Khánh 6354-IV)
Có thể nói: từ bỏ các tài liệu đó đồng nghĩa với việc từ bỏ các vũ khí pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ “chủ quyền của nước ta đối với cồn Pò Thoong và toàn bộ Thác Bản Giốc”.
Theo ông Trần Công Trục: “Những người làm công tác đàm phán chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu ông Mai Thái Lĩnh vừa nêu nên chúng tôi rất hiểu và chia sẻ những băn khoăn của dư luận cũng như của ông Mai Thái Lĩnh.” Nếu đã nghiên cứu kỹ thì các vị làm công tác đàm phán không lẽ không biết vị trí nguyên thủy của cột mốc 53? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã sửa bản đồ để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và đã “cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới” và như vậy là đã làm biến dạng cồn Pò Thoong?
2) Tại sao lại công nhận vị trí mới của cột mốc 53?
Nhưng tại sao trong khi từ bỏ các chứng cứ pháp lý có sẵn trong tay, các nhà ngoại giao nước ta lại “sốt sắng” công nhận vị trí mới của cột mốc số 53 được đoàn khảo sát “phát hiện” ra tại một địa điểm ngay trước mặt cồn Pò Thoong?
Vào năm 2002, ông Lê Công Phụng trả lời phóng viên Thu Uyên của VASC Orient[5] như sau:
VASC Orient: Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?
Ông LCP: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm thước. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.
Điều kỳ lạ là không biết dựa vào bằng chứng nào, ông Lê Công Phụng lại công nhận cột mốc đã được cắm ở đó từ đời nhà Thanh:
VASC Orient: Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?
Ông LCP: Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.
Hình 4: Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng trả lời phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng Biên Tập báo Dân Quyền (2009)
Vào năm 2009, ông Vũ Dũng – lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã dành cho báo Dân Quyền ở Hoa Kỳ một cuộc trả lời phỏng vấn, qua đó ông cho biết:
Trước khi ký hiệp ước 1999, chúng tôi đã cử rất nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm các hồ sơ liên quan đến Thác Bản Dốc, vào tất cả các kho lưu trữ và tìm được một bản đồ tốt nhất về vị trí Thác Bản Dốc. Căn cứ theo bản đồ, đường biên giới đi theo trung tuyến của sông Quây Sơn (đúng như công ước Pháp – Thanh mô tả), khi đó, vẽ đường biên giới đi ở nhánh phía bắc của cồn Pò Tho, có diện tích khoảng 2,7 ha. Ngay bản đồ tốt nhất mà ta tìm được, thác này vẫn là thác chung. Tôi xin khẳng định ta không có bất kỳ tài liệu gì cho thấy thác Bản Dốc là của Việt Nam. Nói về luật pháp quốc tế, sông này là sông chung, thác này không thể là thác riêng được, không thể có nước nào chấp nhận.”[6]
Tại sao phải cử nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm kiếm trong khi ngay tại Việt Nam đã có những bản đồ 1/50000 rất chính xác? Nhưng “tấm bản đồ tốt nhất” mà ông Vũ Dũng nói là bản đồ nào? Phải chăng đó chính là tấm bản đồ đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ Diễn đàn vào năm 2003?[7] Theo trình bày của ông Nguyễn Ngọc Giao, đây là bản đồ được tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp:
Hình 5:Bản đồ tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp
Nhìn bản đồ này, chúng ta thấy có nhiều nhược điểm: thể hiện không chính xác khu vực xung quanh thác, không có vòng cao độ, không có tọa độ địa lý, không xác định được mặt cắt của thác ba tầng, v.v… Nhưng đường biên giới vẽ trên bản đồ này vẫn cho thấy toàn bộ khu vực thác (hình trái xoan hơi giống quả trứng, trên có chữ chute) thuộc về lãnh thổ nước ta. Không có điều gì chứng tỏ “thác này vẫn là thác chung“. Nếu đặt bản đồ này bên cạnh bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, nhờ có các vòng cao độ chúng ta có thể thấy rõ mặt cắt của thác nước nằm xiên góc theo hướng từ bắc – tây-bắc đến đông – đông-nam, và đường biên giới chạy giữa dòng sông về phía hạ lưu thác không hề động chạm gì đến mặt cắt của thác nước. Điều đó chứng tỏ toàn bộ thác nước thuộc về Việt Nam (xem hình 6). Nói cách khác, nếu các nhà đàm phán của Việt Nam có trong tay tấm bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, thì họ càng có thêm chứng cứ để chứng minh toàn bộ Thác Bản Giốc là thuộc về lãnh thổ Việt Nam, và có thể xác định dễ dàng vị trí cũ của cột mốc 53.
 Hình 6 : So sánh bản đồ tại Bộ Ngoại giao Pháp và bản đồ Trùng Khánh6354-IV
Bây giờ ta thử đặt bản đồ Trùng Khánh 6354-IV bên cạnh tấm bản đồ do Trung Quốc cung cấp[8] (xem hình 7).  Chúng ta sẽ thấy rõ: vạch răng cưa trên bản đồ thể hiện mặt cắt của thác nước gần như thẳng đứng theo hướng bắc-nam – khác hẳn thực tế. Hơn nữa, cột mốc 53 đáng lẽ nằm gần đầu mút phía bắc của vạch răng cưa đã bị dời đi một khoảng khá xa đến một vị trí đối diện với cồn Pò Thoong. Chính vì lẽ đó, đường biên giới đáng lẽ phân chia dòng Quây Sơn ở phía hạ lưu của thác nay lại cắt ngang cồn Pò Thoong và chia đôi phần thác chính cho phía Trung Quốc. Nói cách khác, nếu có tấm bản đồ Trùng Khánh trong tay thì ông Lê Công Phụng không thể xác định cột mốc 53 cắm ở vị trí đó “từ đời nhà Thanh” và ông Vũ Dũng không thể chia Thác Bản Giốc cho phía Trung Quốc.
 Hình 7: So sánh bản đồ do Trung Quốc cung cấp với bản đồ Trùng Khánh 6354-IV
Ví dụ minh họa trên đây cho thấy: hoặc các nhà ngoại giao Việt Nam không hề biết đến các tờ bản đồ của QĐND, hoặc họ biết rõ (như lời ông Trần Công Trục đã nói) nhưng lại không được phép dùng, buộc phải sử dụng các tài liệu do Trung Quốc cung cấp. Nhưng nếu không biết thì tại sao ông Trần Công Trục lại khẳng định là đã nghiên cứu kỹ ? Mà nếu đã biết rõ thì tại sao quý vị lại dễ dàng công nhận vị trí mới của cột mốc 53, dẫn đến việc chia cồn Pò Thoong và Thác Bản Giốc? Chính những lời nói mâu thuẫn của các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán về Thác Bản Giốc đã bộc lộ sự lúng túng, bởi vì họ không dựa trên những tài liệu chính xác có tính khách quan, khoa học.
3) Tại sao không được phép sử dụng những tài liệu pháp lý mà Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có sẵn trong tay?
Tại sao phía Việt Nam không được quyền sử dụng những tài liệu mà tôi đã nêu trên đây? Tại sao ông Trần Công Trục một mặt “ không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta” nhưng lại cho rằng chúng “chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó” và đi đến kết luận “ những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán”? “Thời điểm đó” và “bối cảnh đó” có gì khác với “thời điểm” cũng như “bối cảnh” sau này – tức là từ thập niên 1990 cho đến khi hoàn thành việc cắm mốc vào đầu năm 2009?
Theo tôi, để có thể hiểu được điểm tế nhị này, phải đọc kỹ cuốn VĐBG ­– tức là “bị vong lục” của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1979Như trên đã trích dẫn, vào năm 1977, phía Việt Nam đã đưa ra một dự thảo hiệp định, trong đó điều 1 ghi rõ căn cứ đàm phán là các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895. Thế nhưng ngoài điều 1 còn có điều 2 như sau:
[Điều 2] “Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1. Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia. “ (VĐBG, tr. 23)
Phía Trung Quốc đã bác bỏ bản Dự thảo Hiệp định này. Bộ Ngoại giao Việt Nam viết tiếp như sau: “Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.” (VĐBG, tr. 26)
Như vậy, đàm phán vào cuối thập niên 1970 bị bế tắc là do chỗ Trung Quốc muốn duy trì “hiện trạng biên giới” chứ “không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử”. Nói cách khác, họ không chịu rút lui khỏi các khu vực mà họ đã dùng vũ lực lấn chiếm. Mục đích của họ là “giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.”
Về sau, Trung Quốc còn tiếp tục đánh chiếm thêm một số địa điểm khác nữa, ví như cao điểm Núi Đất (1509) ở phía bắc tỉnh Hà Giang, mà phía Trung Quốc đã chiếm vào năm 1984 và đặt tên là Lão Sơn. Nhà văn Phạm Viết Đào đã công bố điều này trên blog của ông và đã phỏng vấn một số sĩ quan từng tham gia các trận đánh này. Rất tiếc là ngày nay nhà văn đã bị bắt giam nên không thể tham gia “đối thoại” với ông Trần Công Trục.
Dựa trên thực tế này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao vào lúc đó Trung Quốc khăng khăng không chịu đàm phán với phía Việt Nam mà mãi đến thập niên 1990 mới thay đổi thái độ, đồng ý đàm phán và tiến hành cắm mốc biên giới? Phải chăng phía Việt Nam đã chấp nhận đàm phán mà không đòi hỏi phía Trung Quốc rút quân ra khỏi các vùng mà họ đã chiếm đóng, nghĩa là chấp nhận đàm phán dựa trên “hiện trạng” thay vì dựa trên “nguyên trạng đường biên giới lịch sử”?
Vào tháng 8 năm 2012, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã công bố bài viết “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”[9], trong đó có đoạn:
“Nhìn lại hơn 20 năm qua, điểm lại toàn bộ những việc trong quan hệ hai nước đã làm được, từ đàm phán biên giới trên bộ và dưới biển, phát triển quan hệ kinh tế, việc Trung Quốc trúng thầu hàng trăm công trình kinh tế quốc gia quan trọng của Việt Nam, thuê đất, thuê rừng, bô-xít Tây Nguyên, ti-tan ven biển miền Trung, những hoạt động tăng cường quan hệ thực ra là nhằm tăng cường chi phối nhân sự nước ta, những hoạt động tăng cường giao lưu.., tất cả đều chịu sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc.”
Việc các nhà ngoại giao Việt Nam không được phép sử dụng các tài liệu pháp lý về Thác Bản Giốc có liên quan gì đến “sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc” mà ông Nguyễn Trung vừa nêu hay không? Phải chăng Hội nghị cấp cao tại Thành Đô (tháng 9 năm 1990) – một hội nghị cực kỳ bí mật trong đó các nhà lãnh đạo hai bên đàm phán chuyện gì và cam kết điều gì cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ, chính là khởi điểm của sự thay đổi lập trường của phía Trung Quốc trong vấn đề biên giới trên bộ? Và phải chăng sự thay đổi lập trường đó đồng nghĩa với việc phía Việt Nam chịu từ bỏ điều 2 trong Dự thảo Hiệp định năm 1977, nghĩa là không đòi hỏi Trung Quốc phải trả lại cho phía Việt Nam những vùng đất “vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1“?
Nếu những điều suy đoán trên đây là đúng sự thật thì trách nhiệm chính không thuộc về các nhà ngoại giao Việt Nam – dù là tầm cỡ như các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng hay Trần Công Trục. Nó thuộc về trách nhiệm của một cơ quan quyền lực cao hơn –một cơ quan quyền lực không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan quyền lực Nhà nước nào trên đất nước Việt Nam, một cơ quan quyền lực có thể quyết định bất cứ điều gì và không bị ai kiểm soát.
Ông Trần Công Trục viết: “Và về quy trình đàm phán, chúng tôi đã có bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó nói rõ đường biên giới chủ trương do nhóm chuyên gia thực hiện công phu và nghiêm túc đã phải được các tỉnh có đường biên giới đi qua xác nhận, các bộ ngành có liên quan xác nhận, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, được Quốc hội chấp thuận thông qua, chúng tôi mới đem đi đàm phán.”
Tôi hoài nghi ý kiến này, nhất là về vai trò của Quốc hội. Không biết khi nói “Quốc hội chấp thuận thông qua”, ông Trục muốn nói đến “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, “Đảng đoàn tại Quốc hội” hay “toàn thể Quốc hội”? Nếu quả thật Hiệp định biên giới năm 1999 đã được toàn thể Quốc hội chính thức thông qua thì xin ông vui lòng cho biết phiên họp đó diễn ra lúc nào, nội dung thảo luận ra sao và khi biểu quyết, đã có bao nhiêu đại biểu tán thành, bao nhiêu phản đối, bao nhiêu bỏ phiếu trắng (kèm theo danh tính của các đại biểu đã biểu quyết từng loại phiếu).
Biên bản của phiên họp đó chắc chắn sẽ là một tài liệu vô cùng quý giá để các thế hệ sau này tham khảo khi cần xác định công, tội của từng vị đại biểu trước lịch sử và trước nhân dân Việt Nam. Nhưng riêng tôi, tôi không tin rằng đã có một phiên họp như thế.
Đà Lạt, 15/9/2013
M.T.L.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
[1] “Ts Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc“, Giáo dục Việt Nam, Thứ ba 10/09/2013:
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ts-Tran-Cong-Truc-tra-loi-ong-Mai-Thai-Linh-ve-thac-Ban-Gioc/316179.gd
[2] Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979
[3] Tên đầy đủ là “Dự thảo Hiệp định về đường biên giới quốc gia trên bộ giữa Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, VĐBG, sđd, tr. 21-26.
[4] VĐBG, sđd, tr. 8.
[5] Có thể xem nguyên văn bài phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng công bố trên VASC – Orient 2-2-2002 được lưu giữ tại địa chỉ:
http://home.scarlet.be/lngu1008/tl_pvlecongphung.html
[6] Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng biên tập báo Dân Quyền phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng,Dân Quyền 13-3-2009:
http://danquyen.com/thamluan/thamluan13032009a.html
Tôi ghi nguyên văn, kể cả những lỗi chính tả (vd: Bản Dốc, Pò Tho, v.v…)
[7] Nguyễn Ngọc Giao, “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Diễn Đàn  số 129 tháng 5/2003.
[8]  Bản đồ này cũng do báo Diễn đàn công bố trong bài báo nói trên.
[9] “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”, Bauxite Vietnam 13/8/2013:
http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/phai-chan-ung-nguy-co-tai-dien-kich-ban.html

-Bản đồ mốc giới trên biên giới Việt – Trung
Trích thư của nhà nghiên cứu Dương Danh Huy gửi BVN:
“Gần đây anh Phan Văn Song (một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đôn) và tôi có điểm các cột mốc lên bản đồ dùng tọa độ đã được công bố (http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-36_2010_SL-LPQT-(5924)?cbid=6117).
Chúng tôi tính làm thêm một số phiên bản có nhiều chi tiết hơn, nhưng vì dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ, chúng tôi sẽ công bố phiên bản này trước.
Tôi đã đề nghị với anh Song gửi phiên bản này tới BVN, và anh ấy đã đồng ý. Đây sẽ là bản đồ đầu tiên được công bố với toàn bộ các điểm xác định đường biên giới, bao gồm cột mốc, cột mốc phụ, cột mốc kép, và đỉnh cao biên giới.
(Trên bản đồ cũng có biên giới theo CIA World DataBank II. Đó là biên giới do chính phủ Mỹ vẽ từ trước, và có thể có giá trị tham khảo.)”

BVN xin chân thành cảm ơn sự tín nhiệm của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Phan Văn Song thể hiện trong việc gửi gắm cho BVN công bố công trình công phu này, và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.






Thái Bình

Nhận xét thứ nhất: Rất hoan nghênh Tiến sỹ Trần Công Trực đã phúc đáp kịp thời ông Mai Thái Lĩnh một cách rất cởi mở và thẳng thắn, tuy nhiên có một số nội dung cần chú ý sau.
Ông Trần Công Trực “chỉ mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận thông qua việc NHẬN THỨC đúng đắn những gì đã diễn ra ngày hôm qua để rút ra bài học cho ngày hôm nay và ngày mai trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của dân tộc.” Nội dung điều này tự nó đã phản ánh tâm trạng thiếu tự tin về kết quả đàm phán, vì thế mới mong sự đồng thuận, rồi rút ra bài học có lợi hay có hại cho toàn vẹn lãnh thổ dân tộc thì mọi người đều rõ. Nếu kết quả đàm phán biên giới đất liền phía Bắc có lợi hoặc ít nhất cũng như biên giới Pháp-Thanh ký năm 1887 và 1895 thì có gì phải mong sự đồng thuận.
Ông Trần Công Trực nói nguyên tắc đàm phán “theo nguyên tắc thỏa thuận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”. Đã là thỏa thuận thì phải có nhượng bộ mà phần thiệt bao giờ cũng thuộc về kẻ yếu, kẻ mạnh lại là anh hàng xóm gian manh sảo quyệt; Về Thác Bản Giốc tôi chưa có căn cứ để khẳng định 100% của ta, nhưng những năm 70 của Thế kỷ trước tôi có cơ hội làm việc tại Cao Bằng thì người dân Đàm Thủy Trùng Khánh Cao Bằng khẳng định Thác Bản Giốc thuộc chủ quyền của ta. Còn Ải Nam quan(cửa khẩu Hữu Nghị) hiện nằm sâu trong đất Trung Quốc ước chừng gần 300m, vậy xin hỏi ông Trần Công Trục liệu đây có phải đường biên giới Pháp-Thanh không?
Nhận xét thứ hai:  Ông cho rằng các tài liệu sau năm 1979 của ta đưa ra có tính chất tuyên truyền khi hai bên lâm chiến là không khách quan. Ông viết “Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến  đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân. Điển hình là việc ta luôn luôn nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam trong khi người Trung Quốc họ nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ.”
Ông Trần Công Trục sai lầm cơ bản khi ông viết như trên. Vậy hỏi ông các công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta hiện nay cũng như tương lai thì sao? Nói như ông, người dân sẽ nghĩ: tất cả những điều Đảng, Nhà nước đang ra sức tuyên truyền như chân lý vĩnh cửu, bắt mọi người phải chấp nhận, ai cãi lại thì bị gán ngay là “phản động”, nhẹ nhất cũng là “suy thoái”, nhưng chẳng qua chỉ mang tính thực dụng nhất thời, rồi cũng sẽ có ngày bị nói ngược lại? Ông Trần Công Trục còn sai lầm rất lớn là đồng hóa luận điệu tuyên truyền của kẻ đi xâm lược và người chống xâm lược; chỉ có kẻ đi xâm lược vì không có chính nghĩa mới phải bịa đặt ra lý do để có cớ phát động chiến tranh xâm lược, ngược lại Việt Nam bị xâm lược thì có gì phải bịa đặt ra để tuyên truyền. Mặt khác, ông Mai Thái Lĩnh dẫn chứng là “bị vong lục”, nó như tuyên bố của một quốc gia, sao ông lại nhầm lẫn vậy, ông đánh giá thấp bị vong lục của Nhà nước ta là vì sao? Ông Trần Công Trực cho rằng Trung Quốc “nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ”, hỏi ông với lòng tham và mưu mô của Trung Quốc thì có phải nhờ ông tài giỏi quá trong đàm phán nên họ chia cho Việt Nam một nửa thác chính và toàn bộ thác phụ một cách dễ dàng thế?
Câu cuối cùng hỏi ông: Khi Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực thì dân Trung Quốc đào cột mốc cũ có từ thời hiệp định Pháp-Thanh bỏ đi, xin ông giải thích cho dân Việt hiểu được vì sao lại có hành động đó từ phía Trung Quốc, còn ta thì không?
Tóm lại, câu hỏi cốt lõi mà tất cả người dân VN đặt ra vẫn chưa được ông trả lời minh bạch và thuyết phục: Với Hiệp định trên, Việt Nam có mất đất không?
Xin cảm ơn ông và mong được hồi âm.
Hà Nội ngày 13/09/2013
T.B.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
- Hàn Vĩnh Diệp: Nỗi day dứt về biên giới phía Bắc (Boxitvn). tác giả bác bỏ ý kiến của ông Vũ Dũng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ông này tuyên bố với báo chí rằng ‘hoàn toàn không có chuyện mất đất!’.”

- Ts Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc (GDVN). (GDVN) - Cá nhân tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.

Lời Tòa soạn: Ngày 7/9/2013 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được e-mail phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, tác giả bài viết “Sự thật về thác Bản Giốc” được chúng tôi đề cập trong bài báo ““Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử” do phóng viên Hồng Thủy phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 3/9.


Nhận thấy vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi và đòi hỏi có những thông tin khách quan, rõ ràng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, ông Trục đồng ý trả lời các câu hỏi, chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh xung quanh vấn đề thác Bản Giốc mà bài báo hôm 3/9 đã đề cập.

Nội dung email phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh về bài báo đã được ông Mai Thái Lĩnh công bố rộng rãi trước đó, do đó chúng tôi không nhắc lại, trong nội dung bài trả lời Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ tập trung làm rõ các câu hỏi, chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh xung quanh vấn đề thác Bản Giốc, và đây cũng là tâm điểm chú ý của dư luận. Tôn trọng nguyên tắc khách quan, thông tin đa chiều, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời ông Mai Thái Lĩnh của Tiến sĩ Trần Công Trục.


Tiến sĩ Trần Công Trục

Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi nhận được e-mail phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh đưa ra 5 vấn đề chất vấn xung quanh bài trả lời phỏng vấn của tôi đối với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 3/9.

Trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, cùng nỗ lực thu hẹp khoảng cách sự khác biệt trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của công luận quốc tế trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, chúng tôi đã đưa ra những phân tích những NHẬN THỨC về quá trình đàm phán phân giới cắm mốc trên biên giới phía Bắc với mong muốn cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác từ những người trực tiếp tham gia công việc này đến dư luận.

Trong quá trình đó chúng tôi có sử dụng bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh để làm sáng tỏ vấn đề dư luận đang quan tâm, chúng tôi không nhằm vào mục đích công kích bất kỳ cá nhân nào, chỉ mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận thông qua việc NHẬN THỨC đúng đắn những gì đã diễn ra ngày hôm qua để rút ra bài học cho ngày hôm nay và ngày mai trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của dân tộc. Xin trao đổi cùng ông Mai Thái Lĩnh và dư luận quan tâm xung quanh 5 câu hỏi nhưng tập trung vào 3 vấn đề đã nêu ra trong phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, như sau:

Thứ nhất, việc đưa vấn đề Sam Rainsy và nhóm chính trị đối lập Campuchia bám vào CHỦ TRƯƠNG “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” để lật lại quá trình đàm phán phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã diễn ra một cách công khai, minh bạch và đúng luật để “đòi” Việt Nam “trả” cho người Campuchia các bộ phận lãnh thổ của Việt Nam như đảo Thổ Chu, Phú Quốc, thậm chí là toàn bộ miền Nam vào bài trả lời phỏng vấn nhằm phân tích kỹ, phân biệt sự khác nhau giữa CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” (mà trong dư luận hiện nay còn nhiều người lầm tưởng rằng đó là chủ trương của chúng ta trong giải quyết tranh chấp Biển Đông) với CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có sử dụng các “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”.

Cá nhân tôi đã nhiều lần phân tích công khai về sự khác biệt đó bởi rất nhiều người trong thực tế còn mơ hồ giữa 2 CHỦ TRƯƠNG này, dẫn đến đánh đồng hoặc lẫn lộn dẫn tới những hậu quả nguy hiểm, đó chính là quan điểm chính thức của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay cũng như phe đối lập Campuchia ở biên giới Tây Nam mà thực tế không ai chấp nhận được.

Về việc này, nhiều học giả quốc tế đã có những bình luân, đánh giá rất khách quan; chẳng hạn, theo Giáo sư Mohan Malik, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao trùm tới hơn 80% diện tích Biển Đông dựa vào yêu sách “yếu tố lịch sử” đang đi ngược lại với UNCLOS mà chính nước này đã phê chuẩn năm 1996. Hay nói cách khác, các tuyên bố ngang ngược từ quan chức trong chính quyền Bắc Kinh nhận các đảo, đá và các rạn san hô trên Biển Đông là “lãnh thổ từ thời xa xưa” của Trung Quốc; hay việc nước này in cả “đường lưỡi bò” phi pháp lên hộ chiếu và bản đồ mới đây đã trái với tinh thần của UNCLOS về việc bác bỏ các yêu sách “dựa trên lịch sử”.

Do đó, mặc dù Trung Quốc trắng trợn yêu sách hơn 80% Biển Đông là “vùng nước lịch sử” của họ, thì theo cách đó, Mexico cũng được độc quyền chiếm vịnh Mexico, hay Iran đòi Vịnh Ba Tư, và Ấn Độ lấn Ấn Độ Dương y như vậy. Tóm lại, theo giáo sư Mohan Malik, “vấn đề lịch sử” là rất phức tạp và không thể giải thích một cách dễ dãi. Ngay cả khi các yêu sách lịch sử có giá trị nào đó, thì Mông Cổ còn có thể yêu sách tất cả các khu vực tại châu Á, vì họ đã từng chinh phục các vùng đất của châu lục này.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong đàm phán giải quyết tranh chấp lănh thổ dù là ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam hay trên Biển Đông đều chủ trương thông qua đàm phán hòa bình, theo nguyên tắc thỏa thuận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta không dựa vào quan điểm “chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử hay bằng chứng lịch sử” chung chung để giải quyết tranh chấp như nhiều người còn đang nhầm lẫn. Chúng ta chỉ sử dụng các bằng chứng, chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Thông điệp, mục đích, nội dung xuyên suốt trong bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 3/9 đều chỉ xoay quanh vấn đề này, cho nên các tư liệu nêu trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh được tôi đưa ra làm ví dụ để làm rõ sự khác biệt nói trên, chúng tôi không công kích cá nhân ai, chỉ phân tích, phản biện các quan điểm liên quan đến “lịch sử”, trong đó có quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh. Chúng tôi muốn làm rõ những điều đó, giải đáp thắc mắc lâu nay trong dư luận do thiếu thông tin. Những nội dung cụ thể cũng như nguyên nhân của sự khác biệt trong NHẬN THỨC cùng 1 vấn đề, tôi sẽ lần lượt trả lời phía dưới.

Thứ 2, về các tư liệu lịch sử mà ông Mai Thái Lĩnh nêu ra trong phần đầu của bài “Sự thật về thác Bản Giốc”, ông Mai Thái Lĩnh cũng đã thừa nhận trong email phản hồi là nó không nằm trong phạm vi của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà hai bên đã thỏa thuận dùng làm cơ sở để đàm phán, thường được gọi là “đường biên giới do lịch sử để lại”. Các tư liệu do ông Mai Thái Lĩnh trích dẫn chỉ có giá trị tham khảo.

Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ một số tài liệu chính thức của ta được phát hành trong giai đoạn những năm 1979 trở về sau, trong đó có cuốn tài liệu “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” và 4 hồ sơ: [1] Tài liệu về việc Trung Quốc “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc, [2] Tài liệu về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960, [3] Tài liệu về việc Trung Quốc lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và [4] Hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980” được ông Mai Thái Lĩnh sử dụng để bảo vệ luận điểm của mình xung quanh vấn đề thác Bản Giốc, tôi xin nói rõ như sau:

Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của  Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thoa thuận lấy làm căn cứ pháp lý  để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.

Những người làm công tác đàm phán chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu ông Mai Thái Lĩnh vừa nêu nên chúng tôi rất hiểu và chia sẻ những băn khoăn của dư luận cũng như của ông Mai Thái Lĩnh.

Giai đoạn cuối những năm 1970, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức căng thẳng và cuối cùng dẫn tới xung đột, vấn đề tranh chấp biên giới trong nhận thức đơn phương của mỗi bên lúc đó rất khác nhau, đây cũng chính là một trong những cái cớ Trung Quốc vin vào để tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam…

Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến  đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân. Điển hình là việc ta luôn luôn nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam trong khi người Trung Quốc họ nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ.

Đó là một thực tế lịch sử đã xảy ra. Có thể những tài liệu tuyên truyền như vậy là cần thiết, phù hợp trong thời điểm đó khi quan hệ hai bên căng thẳng, xung đột. Nhưng sau khi đã bình thường hóa quan hệ với chủ trương của 2 bên là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” thì nó không còn phù hợp nữa.

Chúng ta “khép lại” nhưng quên mất việc giải thích, nói rõ cái đúng, cái sai cho dư luận người dân nắm rõ, trong khi cái đúng, cái sai ấy lại liên quan trực tiếp tới vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ sau này, chính điều đó mới tạo ra những khác biệt về mặt nhận thức dẫn đến băn khoăn trong xã hội về vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc như ngày hôm nay, thác Bản Giốc là một điển hình.

Chúng tôi những người làm công tác đàm phán về biên giới lãnh thổ, trước khi đề xuất nội dung thỏa thuận nguyên tắc giải quyết biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đương nhiên đã nghiên cứu những tài liệu này, so sánh đối chiếu các nội dung liên quan đến đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc được đề cập trong đó với Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các bản đồ, văn kiện đi kèm 2 Công ước.

Ý kiến thống nhất từ trung ương đến địa phương đều cho rằng một số nội dung liên quan tới đường biên giới trên bộ của các tài liệu nêu trên đều không phù hợp, do đó không có căn cứ để đem ra tranh luận, đàm phán. Phía Trung Quốc cũng có những tài liệu tuyên truyền tương tự như vậy, thậm chí còn nhiều hơn ta, nhưng không thể đem những tài liệu này, dù là chính thống, đặt lên bàn đàm phán.

Chúng ta đã chấp nhận nguyên tắc dựa vào Công ước Pháp Thanh 1887, 1895 cùng những bản đồ, biên bản phân giới cắm do Công ước quy định để đàm phán thì phải tuân thủ. Và về quy trình đàm phán, chúng tôi đã có bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó nói rõ đường biên giới chủ trương do nhóm chuyên gia thực hiện công phu và nghiêm túc đã phải được các tỉnh có đường biên giới đi qua xác nhận, các bộ ngành có liên quan xác nhận, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, được Quốc hội chấp thuận thông qua, chúng tôi mới đem đi đàm phán. Điều này có thể trả lời câu hỏi của ông Mai Thái Lĩnh rằng các nhà đàm phán có tham khảo các cơ quan liên quan và các tài liệu như ông nêu ra trong bài viết hay không.

Ở đây, tôi xin nói thêm rằng sự khác biệt trong nhận thức ngày hôm nay chính là hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua, khi chúng ta chưa kịp thay đổi, thích ứng theo những diễn biến mới của thời cuộc. Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán. Tôi cũng không đổ lỗi cho ai, chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử có quá nhiều biến động và còn thiếu nhiều thông tin, nên ngày nay chúng ta cần bình tĩnh để nhìn nhận lại cho rõ cái đúng, cái sai.

Chúng ta muốn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thì phải hết sức cầu thị, cái gì đúng chúng ta kiên quyết bảo vệ, cái gì sai, chúng ta phải dũng cảm điều chỉnh. Có như vậy đàm phán mới có kết quả, nguyên tắc pháp lý mới được tôn trọng. Tôi tin rằng đại đa số người dân cũng như công luận quốc tế, khu vực và ngay cả đối tượng đàm phán của chúng ta cũng đều hoan nghênh thái độ cầu thị này.

Đối với phía Trung Quốc, những gì họ nêu ra là bất hợp lý, không thuyết phục khi đàm phán biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, chúng tôi đều bác bỏ để tôn trọng và giữ thỏa thuận nguyên tắc chung. Ngày nay, chúng ta muốn bác bỏ đường lưỡi bò “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông thì chính chúng ta phải sòng phẳng với nhau về các bằng chứng lịch sử của chúng ta, trong đó nghiên cứu tìm tòi và đưa ra những bằng chứng lịch sử có giá trị và sức nặng pháp lý nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chứ không thể dựa vào “chủ trương lịch sử, quan điểm lịch sử hay bằng chứng lịch sử” chung chung như chính cách Trung Quốc đã và đang làm.

Nói rõ điểm này, tôi thiết nghĩ không cần phân tích sâu vào khái niệm “đường biên giới do lịch sử để lại” được đề cập trong các tài liệu mà ông Mai Thái Lĩnh trích dẫn, độc giả cũng có thể dễ dàng hiểu được tại sao.

Thứ 3, quan điểm ông Mai Thái Lĩnh cho rằng những người đàm phán chúng tôi đã “mắc mưu Trung Quốc” khi chấp nhận lấy Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các bản đồ, văn kiện mô tả đường biên giới được quy định bởi 2 Công ước trên làm căn cứ đàm phán, vì trình độ kỹ thuật thời đó không thể mô tả, vẽ một cách chính xác đường biên giới, nhất là chưa có tọa độ địa lý chính xác, chúng tôi xin thưa lại như sau: Nếu cuối thế kỷ 19 Pháp với vai trò Nhà nước bảo hộ của Việt Nam về mặt đối ngoại cùng với nhà Thanh, Trung Quốc mà phân giới cắm mốc thành một đường biên giới rõ ràng, hoàn chỉnh và hiện đại như ngày nay thì làm gì còn tranh chấp. Lúc đó nếu có tranh chấp vì nguyên nhân nào đó thì chỉ cần sau khi thỏa thuận nguyên tắc chung xong, 2 bên lôi Công ước và bản đồ văn kiện đi kèm ra đối chiếu là xong, cần gì đàm phán.

Các bằng chứng lịch sử như bản đồ, thư tịch...chúng tôi đã tham khảo khi hoạch định đường biên giới chủ trương trước lúc mang đi đàm phán, và khi trao bản đồ đường biên giới chủ trương 2 bên đã trùng nhau 70%, 30% còn lại là các khu vực tranh chấp, lúc này mới là giai đoạn đưa các chứng cứ ra chứng minh. Khi chúng ta đưa ra các bản đồ, thư tịch và bằng chứng lịch sử khác không nằm trong phạm vi nguyên tắc chung quy định, thì Trung Quốc họ cũng làm tương tự, và tài liệu của họ còn nhiều hơn ta. Chưa bàn đến độ chính xác đến đâu, nhưng đàm phán như vậy sẽ rơi vào ngõ cụt, bế tắc vì đánh mất nguyên tắc chung khi ai cũng khăng khăng là “bằng chứng lịch sử” của mình đúng.

Dưới góc độ cá nhân là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán, hoạch định phân giới cắm mốc biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, vịnh Bắc Bộ, tôi phân tích cụ thể ví dụ về thác Bản Giốc vừa để cung cấp thêm thông tin cho dư luận đang quan tâm, thắc mắc, nhưng đồng thời còn muốn nói rõ câu chuyện đang diễn ra ngoài Biển Đông, để tránh lặp lại những nhận thức sai lệch không đáng có.

Những chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh, đồng thời cũng là những thông tin tôi nghĩ nhiều người đang quan tâm tìm hiểu, tôi đã đề cập trong nội dung trả lời này. Nhưng câu chuyện về biên giới lãnh thổ luôn luôn không hề đơn giản, những ai quan tâm có thể đọc những bài trả lời phỏng vấn của tôi trên các phương tiện truyền thông để có thêm các thông tin một cách hệ thống, đầy đủ và có điều kiện để so sánh, đối chiếu, tìm ra cái đúng, cái sai.

Cuối cùng, cá nhân tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.
Tiến sĩ Trần Công Trục

- Biển Đông: Trung Quốc dòm chủ quyền, Hoa Kỳ ngó lợi ích (SM). - Chuyên gia TQ lo tàu sân bay chỉ là “hổ giấy” trên Biển Đông, Hoa Đông (GDVN).













  • “Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử









  • Ts Trần Công Trục: Tôi từng bị chửi là bán đất cha ông cho Trung Quốc









  • Ts Trần Công Trục: Ta cần khởi kiện TQ vi phạm UNCLOS ở Biển Đông









  • Ta cần ủng hộ Philippines chống bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông









  • Ts Trần Công Trục: Cảnh giác TQ cháo nóng húp quanh, chiếm các bãi cạn



  • ———-« Thư trao đổi giữa ông Mai Thái Lĩnh và Ban quản trị báo Giáo dục Việt Nam.

    5- Thư hồi đáp của ông Mai Thái Lĩnh (9/9/2013):
    Kính gửi Ông Phan Doãn Phúc
    Trưởng ban Quốc tế – Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam,
    Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của ông. Điều quan trọng nhất là nội dung của vấn đề cần trao đổi, và đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của những người có tấm lòng đối với vận mệnh của đất nước, chứ không phải những tiểu tiết về mặt hình thức. Còn về những sơ xuất trong cách ăn nói, cư xử của những người đã từng nắm chút quyền hành trên đất nước ta thì qua những năm tháng còn làm việc trong ngành giáo dục cũng như trong hệ thống chính quyền, tôi không hề xa lạ. Do căn bệnh thiếu dân chủ “kinh niên”, các cán bộ, đảng viên hễ có chút quyền hành trong tay thì khi “đối thoại” chẳng khác gì “độc thoại”, bởi lẽ họ tự tin rằng không ai dám cãi lại mình, và chỉ cần “tuân theo nghị quyết, chỉ thị của cấp trên” thì làm bất cứ việc gì, nói sai điều gì cũng sẽ có người che chắn, không sợ bị trừng phạt.

    Nhưng nhìn theo một phương diện khác thì báo chí cũng chính là một công cụ hữu hiệu để từng bước khắc phục căn bệnh đó, và nếu thật sự có tấm lòng với dân tộc thì chúng ta cần làm điều đó để mai này đất nước ta ngày càng văn minh hơn, có thể mở mày mở mặt với năm châu bốn biển.
    Vấn đề biên giới trên bộ cũng như vấn đề Biển Đông là những vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm – kể cả những người đang làm việc trong hệ thống chính trị hiện nay lẫn những người dân bình thường. Nhưng vì lâu nay những vấn đề đó vẫn được xem là “nhạy cảm”, thuộc vào diện cấm kỵ, cho nên rất nhiều người e ngại, không dám nói lên ý kiến của mình – kể cả những người nắm được bằng chứng xác thực trong tay.
    Tôi hy vọng một khi cuộc trao đổi thẳng thắn giữa chúng tôi với những người có trách nhiệm xung quanh chủ đề “Thác Bản Giốc” được tiến hành thuận lợi thì đó sẽ là điều kiện để ngày càng có nhiều người lên tiếng góp phần làm sáng tỏ những điều lâu nay vẫn còn là uẩn khúc, gây thắc mắc trong dư luận. Trong cuộc trao đổi này, báo chí đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, và để làm được điều đó, những người làm báo cần làm đúng vai trò truyền tải thông tin một cách trung thực, khách quan, không thiên vị.
    Về phần tôi, vì không có một phương tiện truyền thông nào trong tay, tôi đã đề nghị hai trang mạng giúp đỡ. Đó là hai trang mạng Bauxite Vietnam và Ba Sàm – nơi có nhiều độc giả thường xuyên theo dõi, và cũng là nơi tôi tin tưởng sẽ chuyển tải một cách trung thực ý kiến của tôi cũng như của nhiều độc giả khác quan tâm đến chủ đề nói trên.
    Một lần nữa, tôi xin gửi lời chào trân trọng và chúc sức khỏe  đến toàn thể Ban biên tập của quý báo. Chúc quý báo hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin của mình, làm tốt vai trò “chiếc cầu nối” giữa người dân với những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị hiện hành.
    MAI THÁI LĨNH
    ———--Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trả lời thư của ông Mai Thái Lĩnh
    Kính gửi ông Mai Thái Lĩnh,
    Chúng tôi đã nhận được email xác nhận và tài liệu ông gửi kèm theo như đề nghị, một lần nữa chúng tôi bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn và cởi mở của ông.
    Chúng tôi không cảm thấy phiền lòng khi ông cho đăng tải nội dung phản hồi trên các trang mạng xã hội trước khi gửi nó chính thức cho chúng tôi, chúng tôi thấy rằng vấn đề gây tranh cãi là sự quan tâm của đông đảo dư luận, nên thông tin minh bạch, công khai sẽ càng tốt hơn.

    Về phía cá nhân PV Hồng Thủy, ông Trần Công Trục hay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không có mâu thuẫn hay thành kiến gì đối với ông cũng như bất kỳ ai bày tỏ sự quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, có thể giữa chúng ta còn những khác nhau trong nhận thức về từng vấn đề cụ thể, nhưng đó là hệ quả tất yếu của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Chúng tôi tin rằng khi có thiện chí trao đổi với nhau một cách thẳng thắn và sòng phẳng, những khác biệt trong nhận thức, suy nghĩ về vấn đề chủ quyền sẽ ngày càng được thu hẹp.
    Do đó, chúng tôi đồng ý để ông công khai email trả lời của tôi để dư luận quan tâm và tiện theo dõi, tránh những thắc mắc không cần thiết.
    Quay trở lại nội dung chính, có thể do cách đặt vấn đề của PV Hồng Thủy dễ khiến dư luận hiểu lầm là chúng tôi quy chụp ông, bằng email này tôi xin khẳng định chúng tôi không có ác ý nào nhằm vào cá nhân ông, chỉ do muốn nêu bật vấn đề về CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp dựa vào “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử, bằng chứng lịch sử” với CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế trong đó sử dụng các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý để bảo vệ tuyên bố, yêu sách chủ quyền nên chúng tôi gắn vấn đề thời sự biên giới Tây Nam để độc giả dễ hình dung. Và sự so sánh giữa 2 NHẬN THỨC về cách giải quyết tranh chấp chứ không có ý so sánh 2 TRANH CHẤP. Cách đặt vấn đề như vậy có thể khiến người khác hiểu lầm, chúng tôi thành thực xin lỗi ông và xin rút kinh nghiệm nghiêm túc.
    Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Công Trục, ông Trục sẵn sàng gửi bài trả lời các chất vấn ông nêu ra xung quanh vấn đề chủ quyền thác Bản Giốc. Qua email ông vừa gửi, chúng tôi thấy rõ cả ông và chúng tôi đều rất có thiện chí muốn làm rõ vấn đề, vì vậy trong đầu tuần tới chúng tôi sẽ đăng bài ông Trục trả lời cụ thể từng câu hỏi chất vấn của ông liên quan đến nội dung, còn phần chất vấn về cách đặt vấn đề của PV Hồng Thủy trong bài báo trước, chúng tôi xin phép trao đổi như trên và không đăng lại, tránh gây những đồn đoán, căng thẳng trong dư luận.
    Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam, ở góc độ của mình, mỗi người có cách nghĩ, cách bày tỏ khác nhau. Chúng tôi cho rằng thời điểm hiện nay cần cố kết khối đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, muốn như vậy chúng ta phải công khai, minh bạch và sòng phẳng dần đối với từng vấn đề tồn tại, cái gì chúng ta đúng, chúng ta kiên quyết bảo vệ, cái gì chúng ta sai, chúng ta phải sửa.
    Chúng tôi chân thành cảm ơn ông đã sớm phản hồi, và chúng tôi chờ đợi ý kiến của ông về những vấn đề đã nêu phía trên.
    Xin gửi tới ông lời chào trân trọng!
    Phan Doãn Phúc
    Trưởng ban Quốc tế
    Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam


    -Thư trao đổi giữa ông Mai Thái Lĩnh và Ban quản trị báo Giáo dục Việt Nam (Basam)
    Đôi lời: Sau khi trang Boxit Việt Nam đăng bài Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm? của ông Mai Thái Lĩnh, phản hồi bài phỏng vấn TS Trần Công Trục trên báo Giáo dục Việt Nam, một độc giả của trang Ba Sàm đã chủ động liên lạc với báo Giáo dục VN để giới thiệu bài viết của ông Mai Thái Lĩnh. Rất nhanh chóng, báo Giáo dục VN và ông Mai Thái Lĩnh đã có thư trao đổi.
    .
    Được sự đồng ý của báo Giáo dục VN và theo thiện ý của ông Mai Thái Lĩnh, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến trao đổi này. Thiết nghĩ đây cũng là một tín hiệu tốt cho sự đối thoại thẳng thắn, minh bạch, cần được khích lệ, nhất là giữa báo giới với mạng xã hội, lại liên quan tới một vấn đề rất hệ trọng của đất nước.
    1- Thư độc giả:
    Kính gửi Ban quản trị trang Basam,
    Hôm nay, sau khi xem bài về phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, tôi đã chuyển tiếp đến địa chỉ của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và họ đã trả lời như sau:
    .
    Vì không biết địa chỉ mail của ông Mai Thái Lĩnh nên tôi nhờ Ban quản trị trang Basam chuyển mail này tới cho ông Mai Thái Lĩnh.
    .
    Xin cảm ơn.
    .
    Quang Vinh 098335[...]
    .
    ———————
    .
    .
    2- Thư của báo Giáo dục VN (6/9/2013):
    .
    Kính gửi ông Mai Thái Lĩnh,
    Chúng tôi đã nhận được e-mail đề ngày 5/9/2013 của ông Mai Thái Lĩnh phản hồi về bài báo “Sự thật về thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử, do phóng viên Hồng Thủy phỏng vấn ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và đăng trên Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/9.
    Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự trao đổi thẳng thắn của ông trong bài phản hồi này gửi ông Trần Công Trục. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cùng ông để làm rõ những vấn đề khác biệt ông nêu ra trong nội dung e-mail phản hồi ngày 5/9. Ðể quá trình trao đổi được thuận lợi cũng như đảm bảo thông tin được chính xác, xin ông cung cấp một số thông tin cá nhân để chúng tôi có thể xác nhận người gửi e-mail phản hồi đế ngày 5/9/2013 chính là ông Mai Thái Lĩnh, tác giả bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” mà bài báo của chúng tôi đề cập hôm 3/9.
    Ngoài ra, những vấn đề ông nêu ra và phản biện lại quan điểm của ông Trần Công Trục còn liên quan đến một bên thứ 4, đó là Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chủ quản về các vấn đề biên giới, lãnh thổ hiện nay. Do đó, những tài liệu một khi chúng tôi trích dẫn và đưa lên mặt báo phải đảm bảo khách quan và chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy xin ông vui lòng gửi cho chúng tôi bản tài liệu phô tô có xác nhận của ông  mà ông đã đề cập trong nội dung phản biện, bao gồm cuốn “bị vong lục” (memorandum) do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào năm 1979 và cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc xuất bản năm 1979, mục II (Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay).
    Chúng tôi và cá nhân ông Trần Công Trục sẵn sàng trao đổi trên tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật và làm sao để có lợi nhất cho việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định. Chúng tôi hiểu rằng những việc mình đang làm cũng như ông hay bất cứ ai quan tâm đến vấn đề biên giới lãnh thổ đều xuất phát từ tình cảm yêu nước chân thật, nhưng có sự khác nhau trong quan điểm và nhận thức, vì vậy chúng tôi mong muốn được trao đổi và làm rõ những sự khác biệt. Qua quá trình trao đổi, nếu chúng tôi có sai sót chỗ nào, chúng tôi sẽ thành thực nhận lỗi và đính chính.
    Xin gửi ông lời chào trân trọng!
    Phan Doãn Phúc
    Trưởng ban Quốc tế
    Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam.
    .
    ———————
    .
    3- Thư của ông Mai Thái Lĩnh (7/9/2013):
    Kính gửi: Ông Phan Doãn Phúc
    Trưởng ban Quốc tế – Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
    Tôi có nhận được lá thư của ông do một độc giả chuyển tới qua trang mạng Ba Sàm. Trước hết, tôi xin lỗi về việc đã không đợi quý báo phản hồi mà đã cho đăng trước ý kiến của tôi trên trang Bauxite Vietnam và các trang mạng khác.
    Nhưng thú thật với ông từ năm 2000 đến nay, tôi không còn chút tin tưởng nào đối với quyền tự do báo chí trong nước – mặc dù từ khoảng 1987 cho đến năm 1995, tôi thường xuyên viết bài cho các tờ báo lớn như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, v.v… và một số bạn bè tôi từng là Phó tổng biên tập, Tổng biên tập các tờ báo lớn trong nước.
    Đầu năm 2001, sau khi nhà báo Nguyễn Như Phong (lúc đó là trung tá công an) viết bài xuyên tạc, nói xấu tôi và tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu) trên tờ An ninh Thế giới, tôi đã viết bài phản bác gửi cho Tòa soạn báo bằng đường bưu điện, yêu cầu phải đăng lại trên trang báo theo đúng quy định của Luật báo chí, nhưng họ lờ đi. Sau đó, căn cứ vào Luật báo chí, tôi cũng đã gửi thư khiếu nại đến các vị lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền (trong đó có cả ông Nông Đức Mạnh – lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đang chuẩn bị lên chức Tổng bí thư), nhưng họ cũng lờ đi không giải quyết và cũng không thèm trả lời (mặc dù tôi đã từng là Phó hiệu trưởng Trường PTTH Thăng Long trong 13 năm, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Đà Lạt từ 1989 đến 1995).
    Kể từ đó, tôi tự nhủ: từ nay sẽ đăng bài ở bất cứ đâu, không cần phải xin phép ai cả.
    Kể dông dài như thế để thấy rằng trước khi nhận được thư của ông, tôi không tin rằng quý báo có thể đăng bài viết phản biện của tôi. Vì vậy tôi đã mạn phép công khai bài viết của tôi trên khắp thế giới. Mong ông thông cảm.
    Theo yêu cầu của ông, tôi gửi lại bài viết của tôi, trong đó có sửa một chi tiết: việc TQ chiếm cồn Pò Thoong là vào ngày 29 tháng 2 năm 1976 chứ không phải ngày 20 tháng 2 năm 1970. Về chi tiết này, trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc” tôi viết đúng, nhưng khi viết bài phản biện này, tôi dựa trên một bản điện tử trước đây đăng trên trang Bauxite Vietnam do một độc giả đánh máy lại nên có sự nhầm lẫn (do chữ in trong cuốn sách không rõ lắm).
    Ngoài ra, còn có một số tài liệu sau:
    (1)  Một số trang có liên quan (bản scan) trích từ cuốn “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”;
    (2)  Ngoài ra còn có toàn văn của cuốn sách nói tên từ một bản khác mà tôi lưu từ trên mạng (có lẽ sao từ một bản sách trong một thư viện ở nước ngoài); bản scan này mờ hơn bản trước. *
    Hai bản này có nội dung giống hệt nhau, vì cuốn sách nói trên đã phát hành rộng rãi vào năm 1979.
    Như đã giới thiệu ở trang 4: “Cuốn sách gồm toàn bộ bản ‘Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt nam ở vùng biên giới’ công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội.” Nói cách khác, bản bị vong lục (memorandum, trong miền Nam trước 1975 thường gọi là Giác thư) và cuốn “Vấn đề biên giới giữa VN và TQ” chỉ là một. Vì đây là một cuốn sách được xuất bản công khai, Tòa soạn có thể kiểm tra lại ở các thư viện lớn tại Hà Nội hay tại Bộ Ngoại giao.
    Gửi thư này, tôi cũng hy vọng quý báo có thể giúp làm sáng tỏ được phần nào một vấn đề đã làm cho nhân dân, và cả các cán bộ, đảng viên thắc mắc từ lâu nay. Tất nhiên đó là mong ước, còn việc mong ước đó có thực hiện được hay không còn phải qua một chặng đường chông gai nữa.
    Dù sao, tôi cũng thành thật cảm ơn thiện chí của ông cũng như của quý báo.
    Chúc sức khỏe ông Trưởng ban và toàn thể Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
    MAI THÁI LĨNH
    Số 31 đường 3/2 thành phố Đà Lạt
    Điện thoại: 0903937322 (nên hạn chế sử dụng vì số ĐT này thường xuyên bị nghe lén từ hơn 15 năm nay).
    T.B.: Quý báo có thể cho phép tôi công bố nội dung lá thư email của ông Trưởng ban trên trang Bauxite Vietnam? Tôi cho rằng công bố lá thư này sẽ góp phần giảm bớt bầu khí căng thẳng ban đầu – ít nhất là giữa tôi và Tòa soạn báo.
    ———————
    .
    4- Thư trả lời của báo Giáo dục VN (7/9/2013):
    .
    Kính gửi ông Mai Thái Lĩnh,
    Chúng tôi đã nhận được email xác nhận và tài liệu ông gửi kèm theo như đề nghị, một lần nữa chúng tôi bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn và cởi mở của ông.
    Chúng tôi không cảm thấy phiền lòng khi ông cho đăng tải nội dung phản hồi trên các trang mạng xã hội trước khi gửi nó chính thức cho chúng tôi, chúng tôi thấy rằng vấn đề gây tranh cãi là sự quan tâm của đông đảo dư luận, nên thông tin minh bạch, công khai sẽ càng tốt hơn.
    Về phía cá nhân PV Hồng Thủy, ông Trần Công Trục hay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không có mâu thuẫn hay thành kiến gì đối với ông cũng như bất kỳ ai bày tỏ sự quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, có thể giữa chúng ta còn những khác nhau trong nhận thức về từng vấn đề cụ thể, nhưng đó là hệ quả tất yếu của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Chúng tôi tin rằng khi có thiện chí trao đổi với nhau một cách thẳng thắn và sòng phẳng, những khác biệt trong nhận thức, suy nghĩ về vấn đề chủ quyền sẽ ngày càng được thu hẹp.
    Do đó, chúng tôi đồng ý để ông công khai email trả lời của tôi để dư luận quan tâm và tiện theo dõi, tránh những thắc mắc không cần thiết.
    Quay trở lại nội dung chính, có thể do cách đặt vấn đề của PV Hồng Thủy dễ khiến dư luận hiểu lầm là chúng tôi quy chụp ông, bằng email này tôi xin khẳng định chúng tôi không có ác ý nào nhằm vào cá nhân ông, chỉ do muốn nêu bật vấn đề về CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp dựa vào “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử, bằng chứng lịch sử” với CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế trong đó sử dụng các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý để bảo vệ tuyên bố, yêu sách chủ quyền nên chúng tôi gắn vấn đề thời sự biên giới Tây Nam để độc giả dễ hình dung. Và sự so sánh giữa 2 NHẬN THỨC về cách giải quyết tranh chấp chứ không có ý so sánh 2 TRANH CHẤP. Cách đặt vấn đề như vậy có thể khiến người khác hiểu lầm, chúng tôi thành thực xin lỗi ông và xin rút kinh nghiệm nghiêm túc.
    Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Công Trục, ông Trục sẵn sàng gửi bài trả lời các chất vấn ông nêu ra xung quanh vấn đề chủ quyền thác Bản Giốc. Qua email ông vừa gửi, chúng tôi thấy rõ cả ông và chúng tôi đều rất có thiện chí muốn làm rõ vấn đề, vì vậy trong đầu tuần tới chúng tôi sẽ đăng bài ông Trục trả lời cụ thể từng câu hỏi chất vấn của ông liên quan đến nội dung, còn phần chất vấn về cách đặt vấn đề của PV Hồng Thủy trong bài báo trước, chúng tôi xin phép trao đổi như trên và không đăng lại, tránh gây những đồn đoán, căng thẳng trong dư luận.
    Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam, ở góc độ của mình, mỗi người có cách nghĩ, cách bày tỏ khác nhau. Chúng tôi cho rằng thời điểm hiện nay cần cố kết khối đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, muốn như vậy chúng ta phải công khai, minh bạch và sòng phẳng dần đối với từng vấn đề tồn tại, cái gì chúng ta đúng, chúng ta kiên quyết bảo vệ, cái gì chúng ta sai, chúng ta phải sửa.
    Chúng tôi chân thành cảm ơn ông đã sớm phản hồi, và chúng tôi chờ đợi ý kiến của ông về những vấn đề đã nêu phía trên.
    Xin gửi tới ông lời chào trân trọng!
    Phan Doãn Phúc
    Trưởng ban Quốc tế
    Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam.
    ———-
    * Tài liệu ông Mai Thái Lĩnh gửi báo Giáo dục VN:
    12
    3
    4
    5
    6
    7
    8


    - 2021. Thư trao đổi giữa ông Mai Thái Lĩnh và Ban quản trị báo Giáo dục Việt Nam (Ba Sàm).






    Đôi điều với Tiến Sĩ Trần Công Trục về vấn đề biên giới (Trương Nhân Tuấn). 
    Hai bài phỏng vấn TS Trần Công Trục ở đây và ở đây, nội dung ngoài việc đề cập đến một số dữ kiện biên giới, còn có quan điểm riêng của TS Trục về các lãnh vực khác, liên quan đến lãnh thổ và hải phận của VN với các nước láng giềng. Theo ý kiến cá nhân của tôi, với tư cách một người thường xuyên quan tâm đến tình hình của đất nước, có tham khảo khá tường tận các hồ sơ phân định biên giới giữa hai bên Pháp-Thanh trong thời kỳ 1885-1897, hồ sơ phân định biên giới Pháp-Thái 1904 và hồ sơ biên giới nội địa Đông Dương (các hồ sơ gốc) tại Trung tâm Văn khố Hải ngoại (CAOM - Centre des archives d’outre-mer) tại Aix-en-Provence, Pháp quốc, tôi cho rằng những ý kiến của Trực có cái đúng, có cái sai, có cái nửa sai nửa đúng. Các ý kiến khác của ông, có điểm tôi chia sẻ nhưng một số điểm khác tôi không chia sẻ. Bài viết này nhằm trình bày những ý kiến của tôi về các cái (mà tôi thấy) đúng, sai, vừa đúng vừa sai, hay các ý kiến mà tôi chia sẻ cũng như không chia sẻ.

    1/ Theo tôi, TS Trục đã không sai khi phê bình về lãnh đạo CSVN đã sử dụng chiêu bài « biên giới, lãnh thổ » để « chơi nhau », hạ bệ lẫn nhau tranh giành quyền lực. TS Trục cho rằng :

    « có những cá nhân vì tranh giành lợi ích này lợi ích khác, để hại nhau thì cái nguy hiểm nhất và dễ “hạ” nhau nhất là sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, tung tin ông này ông kia nhân nhượng vô nguyên tắc với TQ, “cắt đất”, “bán đất” cho TQ nhằm tư lợi cho mình ».

    Điều này khẳng định giả thuyết đưa ra từ một bài viết của Nguyễn Chí Trung (thư ký Lê Khả Phiêu) từ đầu thập niên 2000, cho biết quí ông Đổ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt đã sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ như là vũ khí để hạ bệ ông Phiêu. Tài liệu viết như sau :

    Ngày 3-1 đến 11-1-2001 Đại Hội đảng toàn quân, cố vấn tấn công đợt 2.
    Trong đại hội này LĐ Anh đột ngột buộc LK Phiêu 10 tội:
    1.- Bán đất, bán biển cho Trung Quốc.
    2.- Lộ bí mật ý đồ chiến lược với Giang Trạch Dân.
    ...
    LĐ Anh nêu vụ Phiêu đi thăm TQ đối thoại với Giang Trạch Dân là phạm tội bán đất , bán biển, là lộ bí mật chiến lược của đảng, là độc đoán. Đi về không báo cáo với Bộ chính trị, không cho Nguyễn Mạnh Cầm cùng dự họp là biểu hiện sự thậm thụt sao đó... 

    Ông Lê Khả Phiêu bị hạ bệ oan ức. Trong khi những người « bán nước » thực sự là những kẻ điThành Đô « chầu » lãnh đạo TQ đầu thập niên 90, trong đó có cả ông Phạm Văn Đồng. Chi tiết mật ước ký ở Thành Đô, trao đổi giữa VN và TQ để TQ ưng thuận việc « bình thường hóa ngoại giao » chưa được công bố, nhưng có nhiều tiếng đồn cho thấy VN nhượng bộ TQ về vấn đề Biển Đông. Ông Trục thấy vụ này thế nào ? Người ta đồn vậy là đúng hay sai ? 

    Mà lãnh đạo CSVN không chỉ dùng lãnh thổ để « hạ » lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực như ông Trục đã nói.

    Trong quá khứ, nhiều lần họ đã sử dụng lãnh thổ như là một phương tiện để phục vụ cho mục tiêu bá quyền của nước lớn, cho cá nhân hoặc cho bè phái ý thức hệ… gây ra ba cuộc chiến tranh vô ích, làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam.
    Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Vì nhu cầu cấp bách cần sự trợ giúp vũ khí, đạn dược của Trung quốc để đánh miền Nam, ông Hồ Chí Minh đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS qua công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký. Hệ quả của nó, hôm nay VN có thể mất, không chỉ chủ quyền hai quần đảo HS và TS, mà còn phần lớn khu vực biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của VN.

    Về cuộc chiến biên giới Việt-Trung đầu năm 1979. Theo tài liệu của CIA về vấn đề tranh chấp biên giới do Vũ Quí Hạo Nhiên tóm lược, ta thấy thực ra phía VN đã « thay đổi nguyên trạng đường biên giới », lấn 60km² về phía TQ đồng thời làm công sự phòng thủ, khiến TQ có cớ gây trận chiến biên giới 1979. Tài liệu viết :

    Phía Trung Quốc giận dữ vì Hà Nội đã cả gan thay đổi status quo tại biên giới, và cho rằng nếu im lặng chấp nhận những thay đổi này thì sẽ trở thành tưởng thưởng cho Hà Nội và sẽ dẫn đến nhiều vi phạm khác tại biên giới…
    Cụ thể, hành động của Hà Nội xây dựng tuyến phòng thủ (phía Hà Nội tuyên bố là để bảo vệ chống sự xâm nhập của biên phòng và gián điệp Trung Quốc) làm thay đổi luật chơi của cuộc tranh chấp chính trị…
    Tổng cộng vùng đất Việt Nam “chiếm đóng” không phải là lớn – khoảng 60 km vuông. Nhưng việc Việt Nam tự cho là có thể tùy tiện tự nhận bất kỳ một chút đất nào của Trung Quốc là điều phía Trung Quốc không chấp nhận được. Và, mặc dù chỉ có khoảng 300 người Trung Quốc bị chết và bị thương, chính sự thách thức công khai của phía Việt Nam đã khiến bất kỳ một chút tổn thất nào cũng không chấp nhận được [đối với Trung Quốc]…

    Nếu tài liệu này nói đúng, ta có thể kết luận rằng cuộc chiến biên giới 1979 phía VN có chuẩn bị trước, nếu không nói VN đã chuẩn bị một « kịch bản » để dụ cho TQ vào tròng. Ta cũng không quên cùng thời điểm, VN mở đầu cuộc « khủng bố » người Việt gốc Hoa, ra chính sách tập trung những người này, từ nam ra bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của họ, bắt họ « hồi tịch » (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở VN từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), sau đó buộc họ rời khỏi VN với hai bàn tay trắng. Việc làm này lãnh đạo VN đã phạm tội ác chống nhân loại, trái với mọi nguyên tắc về các quyền được sống của con người theo qui định của Hiến chương LHQ.

    TQ có đủ lý do chính đáng để can thiệp : « bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ » và « bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của kiều dân bị đe dọa ». TQ « cho VN một bài học ».

    Câu hỏi đặt ra : Ai chủ trương các việc đó để TQ có cớ đánh VN ? VN được gì và lãnh đạo VN được gì ?

    Qua cuộc chiến, các tỉnh biên giới miền bắc tan hoang. Phía VN hy sinh có đến 30.000 người. Cộng với cuộc chiến Campuchia phía nam, VN bị thế giới lên án và cô lập. VN « chảy máu » xém chết, kinh tế kiệt quệ, gần trở về thời đồ đá cuối thập niên 80. VN lọt hẵn vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô trong lúc nhóm Lê Duẩn nắm hết quyền lãnh đạo.
    Cái VN « được » là « thanh lọc » được các thành phần « chống đối », còn gọi là « đạo quân thứ 5 ». Nhưng xét lại, thì thấy vơ đũa cả nắm. Hầu hết thành phần người Hoa ở VN có nguồn gốc ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Đài Loan… là thành phần chống cộng, bỏ xứ từ lâu, thân Quốc Dân đảng. Thành phần này không thể là « đạo quân thứ 5 » của Bắc Kinh, mà họ là thành tố năng động của không chỉ kinh tế miền nam, mà còn của cả khu vực, (dĩ nhiên ngoại trừ một thiểu số nhỏ « Trung Cộng » kiểm soát được). Trục xuất nhóm người này VN vẫy tay « adieu » với nền kinh tế phồn thịnh. Điều trớ trêu, hiện nay, ông Trương Tấn Sang vừa ký kết với lãnh đạo Bắc Kinh một loạt hiệp ước mà tôi gọi là bất bình đẳng, mở cửa biên giới các tỉnh miền bắc, cho phép người Hoa vào các tỉnh biên giới hợp tác đầu tư. Bất bình đẳng vì việc này chỉ xảy ra một chiều, chỉ có người hoa vô VN kiểm soát và khuynh đảo kinh tế của VN chứ người VN không thể vào lục địa để làm các việc tương tự. Ngoài ra còn mở cửa rộng cho hàng chục « đạo quân thứ 5 », chính thức đến từ Hoa lục, nằm phục ở VN chờ ngày hữu dụng. Tức là các chính sách về người Hoa mà ông Diệm làm từ trước (bắt nhập tịch VN, hạn chế các nghề nghiệp…), hay cái « được » của cuộc chiến 1979, bỗng chốc trở thành zéro.

    Về cuộc chiến với nước láng giềng Campuchia. Đáng lẽ cuộc chiến này cũng không xảy ra nếu lãnh đạo VN không hứa hẹn về lãnh thổ với Sihanouk cũng như với các lãnh đạo của Khmer đỏ.

    Năm 1954 (sau đó nhắc lại ngày 8-6-1967), lãnh đạo CSVN đã tuyên bố « tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia » với Sihanouk. « Đường biên giới hiện trạng » này là bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước năm 1958. Đồng thời, theo một nguồn tin khác, lãnh đạo MTGPMN cũng hứa hẹn trả lại đảo Phú Quốc và Thổ Chu cho Campuchia để Sihanouk cho phép đặt bản doanh trên đất Miên.

    Vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam – Campuchia là một vấn đề thuộc về lịch sử, bắt đầu từ năm 1949, sau khi quốc hội Pháp quyết định trả lại Nam kỳ cho VN thay vì cho Cam Bốt, mặc dầu những vận động hành lang (suýt thành công) của Sihanouk. Việc này khiến Sihanouk hận người Pháp suốt đời !

    Điều nên biết, đường biên giới Việt-Trung (theo công ước Pháp-Thanh 1887) hay đường biên giới Thái-Miên (1904) là các đường biên giới « quốc tế », được phân định theo các qui tắc của công pháp quốc tế, được quốc tế nhìn nhận, trong khi đường biên giới Việt-Miên không phải là đường biên giới « quốc tế ». Đường biên giới này chỉ là đường biên giới « nội địa », có giá trị hành chánh do thực dân Pháp tự động phân định. Trước 1975, VNCH kế thừa lãnh thổ của thực dân Pháp để lại, áp dụng thực tiễn và tập quán quốc tế, theo nguyên tắc « uti possidetis » mà quốc tế thừa nhận, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của VN và không nhìn nhận đường biên giới « hiện trạng » của Sihanouk đòi hỏi. Ý nghĩa nguyên tắc « uti possidetis » là « trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó ». Tức là, sau khi được trả độc lập, đất nơi nào do VN quản lý thì VN sẽ tiếp tục quản lý (như các đảo Phú Quốc, Thổ Chu…) cũng như các vùng đất tranh chấp dọc đường biên giới (mà hiện nay có thể đã trả lại cho Campuchia vì phải tôn trọng « đường biên giới hiện trạng » mà Sihanouk đòi hỏi).

    Vấn đề lãnh thổ, biên giới VN – Campuchia phức tạp, phải viết thành sách mới đầy đủ. Đại khái, lập trường của VNCH về lãnh thổ và hải phận đối với các nước láng giềng xem ra « mạnh » hơn lập trường của VN hiện nay. Không phải « mạnh » về sức vóc mà mạnh về tư thế pháp lý. VNCH không bị ràng buộc ở bất kỳ điều gì. Trong khi VN hiện nay phải tôn trọng những gì mình đã tuyên bố. Cam kết 1954 (hiệp định Genève), sau đó khẳng định lại năm 1967, là những tuyên bố công khai, (tương tự công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng), nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Campuchia, có hiệu lực rằng buộc pháp lý.
    VN không thủ tín, chiến tranh vì vậy xảy ra.

    Cuộc chiến này, cùng với cuộc chiến biên giới phía bắc, không biết bao nhiêu xương máu thanh niên Việt Nam đã đổ xuống. Đất nước VN kiệt quệ, đến 3 thập niên sau chưa gượng lại được. Các cuộc chiến này đáng lẽ đã không xảy ra.

    Lãnh đạo VN đã hứa hẹn những điều không thể thực hiện được. Mà cuộc chiến 1978 với Campuchia vẫn chưa giải quyết được tất cả các vấn đề. Hiện nay lãnh tụ đảng phái chính trị Campuchia, được TQ ủng hộ, lên tiếng đòi lại đất đai, hô hào dân chúng bài Việt, đòi đuổi những người Việt đang sinh sống bên Miên về nước. Các việc đe dọa sự yên ổn của các kiều dân Việt sống hợp pháp ở Campuchia là hành động kỳ thị chủng tộc, có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay VN vẫn chưa gởi công hàm phản đối.

    Về vấn đề biên giới, nếu các lãnh đạo chính trị Campuchia dựa lên các lời hứa của lãnh đạo VN hay các tuyên bố chính thức của VN để đòi lại lãnh thổ đất đai, đòi hỏi này sẽ là chính đáng, nếu một đường biên giới được quốc tế nhìn nhận giữa hai bên vẫn chưa được thực hiện.

    Như thế, ngoài việc sử dụng lãnh thổ, đất đai để hạ bệ nhau, tranh giành quyền lực, thì việc lãnh đạo VN hứa hẹn lãnh thổ cho TQ (tại HS và TS) hay với Campuchia, cho thấy sẽ còn đem lại cho VN trong tương lai nhiều phiền phức. Chiến tranh có thể xảy ra nếu VN không giữ lời hứa. Mà nếu giữ lời hứa thì thiệt hại cho đất nước không biết bao nhiêu mà kể.

    Nhân dịp TS Trục nói ra, tôi đề cập lại các vấn đề này để mọi người cùng suy gẫm : Làm thế nào để hóa giải các hứa hẹn, các tuyên bố có giá trị ràng buộc của lãnh đạo VN trước quốc tế ? Khi mà các hứa hẹn, các tuyên bố này chưa hóa giải hiệu lực, VN không nhiều hy vọng giữ được toàn vẹn lãnh thổ (kể cả khi phải nhờ đến chiến tranh).

    2/ Về ý kiến sử dụng các tài liệu lịch sử như là một bằng chứng có giá trị pháp lý, tôi hoàn toàn chia sẻ với TS Trục.

    Nhắc lại để nhớ, khoảng năm 2001 thì phải, tin tức trong nước dồn dập tung ra nào là VN mất ải Nam quan, mất thác Bản Giốc... làm báo chí xôn xao. Học giả các nơi lục sử liệu viết bài biên khảo về Ải Nam Quan, về thác Bản Giốc... Cá nhân tôi cũng bị cuốn vào cơn lũ thông tin này. Dĩ nhiên, cũng như bao người VN khác, vấn đề đất đai lãnh thổ là điều thiêng liêng, không ai có thể tự tiện cắt nhượng cho ngoại bang. Để đi tìm sự thật, có lẽ tôi là người đầu tiên đã vào văn khố Pháp lục lọi hồ sơ cũ, tìm hồ sơ phân định biên giới 1885-1897 giữa Pháp và nhà Thanh, sau đó công bố những tài liệu liên quan đến các vùng đất tranh chấp. Tuy nhiên, đôi khi sự thật pháp lý cũng phải nhường chỗ cho tình cảm yêu nước dạt dào. Tôi có bằng chứng chỉ ra rằng ải Nam Quan thuộc về đất Tàu, đường biên giới cách đó 100m, nhưng điều này ít ai tin. Đến nay nhiều người vẫn tưởng rằng Nam Quan thuộc VN, vì sách vở lịch sử VN viết như thế. Có thể sau này mọi việc sẽ đâu vào đấy, tình cảm mà, không thể trách cứ ai được.

    Những năm tháng gần đây, lại dấy lên phong trào truy tầm bản đồ cổ và thư tịch cổ, chứng minh rằng HS và TS không thuộc TQ. Nhưng các việc đó sẽ không nói lên được điều gì, nếu ta chịu khó đọc các tài liệu pháp lý, các bản án mẫu của Tòa quốc tế phân xử các tranh chấp về biên giới giữa các nước. Thực ra, bản bồ tự nó không hề có giá trị như một « bằng chứng ». Nhiều lần tôi đã cảnh báo việc này (ở đây và ở đây).

    Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn TS Trục nói :

    Tôi đã đọc kỹ bài viết này của ông Mai Thái Lĩnh. Đây là một trường hợp điển hình về việc nhầm lẫn giữa chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử, quan điểm lịch sử với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.

    Gần đây những vấn đề về quan điểm về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử đã trở thành vấn đề nếu như chúng ta không nhìn nhận một cách khách quan, thực tế, cầu thị, có căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng hết sức phức tạp, không chỉ những vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đất liền mà cả đối với các hải đảo và các vùng biển. 

    Tôi cho rằng TS Trục chỉ muốn mượn bài viết của tác giả Mai Thái Lĩnh nhằm gởi gấm đến một số « học giả » trong nước, đến những tờ báo trong và ngoài nước đã đăng những bài viết sử dụng những tài liệu lịch sử để khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS hay tại biên giới Việt-Miên.

    Ý kiến của TS Trục chung quanh vấn đề « chủ quyền lịch sử », qua tấm bản đồ chữ U của TQ, hay việc các nhà chính trị Campuchia sử dụng lá bài biên giới lãnh thổ, khơi động tinh thần kỳ thị chủng tộc với Việt Nam để kiếm phiếu. Điều tiếc là không thấy TS Trục phản biện « quyền lịch sử » của TQ như thế nào ? Cũng không thấy phản biện lại các lý lẽ của Sam Rainsy ra sao ? Tôi cho rằng sẽ hết sức gượng ép khi so sánh ý nghĩa « chủ quyền lịch sử » và giá trị của các dữ kiện lịch sử với nội dung bài viết của tác giả Mai Thái Lĩnh. Theo tôi, không có điểm nào trong bài viết của MTL mà TS Trục có thể dựa vào đó để dàn trải ý kiến của mình. Tôi thì có bài viết ngắn ở đây về « chủ quyền lịch sử của TQ ở biển Đông ».

    Nhận định của TS Trục về bài viết của MTL :

    Trong tài liệu này, ông Mai Thái Lĩnh căn cứ vào sách giáo khoa, vào lịch sử, văn chương, bưu ảnh, bản đồ cho đến cả ghi chép cá nhân của một người trong đoàn đàm phán Pháp - Thanh. Tất cả các tài liệu này, như đã phân tích ở trên rõ ràng nó nằm ngoài phạm vi nguyên tắc pháp lý mà 2 bên Việt Nam và TQ có thể thống nhất và đã thống nhất với nhau làCông ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các văn kiện bản đồ phân giới cắm mốc đi kèm, do đó những tài liệu ông Lĩnh đưa ra chỉ có tính chất tham khảo và không thể dùng làm chứng cứ để khẳng định chủ quyền của anh hay của tôi. Phía TQ cũng có các tài liệu tương tự như vậy, và ta không chấp nhận.

    Có thể TS Trục đọc không kỹ bài của ông MTL. Bài viết này có lấy một số tài liệu của tôi (có cái thì dẫn nguồn, có cái thì không), cũng như một số tài liệu lịch sử trong nước, đồng thời dựa lên một tấm bản đồ (do Hoa Kỳ sản xuất). Dĩ nhiên tấm bản đồ này cũng như các tài liệu lịch sử khác có một giá trị nhứt định về « thông tin », hữu ích cho việc soi sáng một vấn đề từ nhiều phía. Còn các tài liệu trích dẫn của tôi là các tài liệu phân định biên giới (chụp hình từ tài liệu gốc). Đó là hình chụp biên bản phân giới, hai bản chữ Pháp và chữ Hán, mô tả vị trí mốc 53, cùng đính kèmbản đồ của Sở địa dư Đông dương ấn hành. Các tài liệu này thuộc bộ phận của công ước Pháp-Thanh 1887 mà TS Trục đã nhắc nó như là mẫu mực để phân định lại biên giới.

    TS Trục không thể phủ nhận các tài liệu này khi chưa đưa ra được các tài liệu « có giá trị pháp lý » cao hơn để phản biện. (Sẽ nói cụ thể hơn các chi tiết liên quan đến thác Bản Giốc ở phần dưới.)

    Hay là TS Trục muốn qua bài viết của ông MT Lĩnh để đáp trả bài trả lời phỏng vấn trên BBC vừa qua của một học giả VN ? Nếu vậy thì tôi hoàn toàn chia sẻ, nếu nói thẳng như Tây « con chó là con chó, con mèo là con mèo ». Thật vậy, ta không thể tranh biện về chủ quyền, lãnh thổ với nước ngoài mà chỉ đưa ra các « bản đồ », các « bằng chứng » lịch sử hết sức chung chung như vậy. Vấn đề tranh chấp giữa VN và TQ, hay Việt-Miên, không chỉ liên quan lãnh vực lịch sử, mà còn liên quan đến các lãnh vực pháp lý, về địa lý – kinh tế - chính trị - chiến lược. Các học giả VN hình như chỉ muốn dùng lịch sử để giải quyết cho tất cả.

    TS Trục đặt vấn đề hôm nay là kịp lúc, nhưng nội dung trình bày qua hai bài phỏng vấn, có lẽ không mấy ai nắm được điều muốn gởi gấm.  

    Tôi cũng nghĩ TS Trục muốn dựa vào bài viết của MTL để « tính toán sổ sách » với những người đã từng « chửi ông đã bán đất cha ông cho Trung Quốc ».

    Theo tôi, TS Trần Công Trục, cũng như TS Nguyễn Hồng Thao, những người từng lãnh trách nhiệm « trưởng ban biên giới », là những người đáng được mọi người trân trọng. Tranh luận là một chuyện, nhưng quan hệ giữa « con người », tôi nghĩ mọi người nên dành cho nhị vị này một cách đối xử xứng đáng. Quí vị này nhận lãnh một chức vụ cực kỳ khó khăn, đòi hỏi kiến thức cao về lịch sử và pháp lý, nhưng không được phần thưởng tương xứng. Đây là một phần vụ, có thể là duy nhất, người lãnh đạo có thể cấp bậc ngang hàng thứ trưởng, như trong thực tế không « chấm mút » được cái gì, trong khi những thẩm định sai lầm, nếu có, có thể bị tai tiếng, thậm chí bị trừng phạt nặng nề. Tôi cho rằng quí vị là những người có công với đất nước, qua các đóng góp trong công trình phân giới cắm mốc, cũng như những đóng góp quan trọng về văn hóa. Không ai có thẩm quyền phê phán quí vị « bán nước » cả. Thực ra, ở các địa điểm tranh chấp, các quyết định tối hậu đều do lãnh đạo cấp cao. Khu vực Bản giốc và bãi Tục Lãm, quí vị trình bày các chứng cớ lịch sử và pháp lý, còn quyết định là do TT Nguyễn Tấn Dũng.

    3/ Vấn đề « lưỡi gỗ ».

    TS Trục nói :

    Nhóm thứ 2 thì chúng ta đều biết, có những đối tượng, thế lực muốn lật đổ, bôi nhọ chính thể này. Hiện nay ngoài những vấn đề về kinh tế, tôn giáo, xã hội thì câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ chính là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng này có thể lợi dụng.

    Tôi hết sức thất vọng khi TS Trục sử dụng « lưỡi gỗ » để phê bình những người bất đồng chính kiến. TS Trục đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy không bị mất đất, lại còn phê bình những người nói đến việc này là « bôi nhọ » VN. Nào thấy TS Trục đưa ra các bản đồ vùng Nam Quan, Bản Giốc, Tục Lãm của công ước Pháp Thanh 1887 để so sánh với bản đồ theo tinh thần hiệp ước vừa ký ?

    Theo tôi, mọi mặt về kinh tế, tôn giáo, xã hội... bộ mặt VN đã đen tối đến mức có người muốn « bôi nhọ » thêm cũng không còn chỗ để bôi.

    Xã hội VN là một xã hội theo khuôn khổ XHCN. Nhưng có còn cái gì là XHCN ? Nhà thương, trường học phải trả phí. An sinh xã hội là con số zéro. Trong khi xã hội VN lại mang những khuyết tật chỉ có ở các nước tư bản man rợ nhứt. Không cần báo chí nước ngoài, TS Trục hãy đọc các báo trong nước, của công an để biết về tình hình xã hội, hay các trang báo đặc biệt về kinh tế để biết tình trạng bi đát của VN hôm nay.

    Về tôn giáo, chính những báo cáo của các tổ chức ONG (ở các vùng Tây bắc, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...) cho thấy vấn đề tín ngưỡng ở VN bị đàn áp nặng nề. Các vấn đề khác về nhân quyền, báo cáo đã nhiều đến mức không còn nơi để chứa đựng.

    TS Trục có lẽ phải biết, toàn vùng Tây bắc (nơi có huyện Mường Nhé, thuộc Phong Thổ...), toàn vùng hữu ngạn sông Hồng, đáng lẽ thuộc về TQ theo công ước 1887. Công ước 1895 kịp thời lấy lại các vùng đất này, do sự thần phục của các tù trưởng dân tộc ở đây với chính quyền Pháp. Lớp người dân tộc này bị đàn áp, bị bạc đãi, bị hất hủi bên lề xã hội VN. Đối với họ, tổ quốc Việt Nam sao tàn ác và xa lạ. Họ sẵn sàng từ bỏ tổ quốc này để nhận lấy một tổ quốc khác bao dung và ân cần với họ hơn.

    TS Trục có lẽ cũng không quên rằng vùng cao nguyên Darlac chỉ mới sát nhập vào VN thôi, qua các quyết định của nhà cầm quyền Pháp (dưới danh nghĩa trao đổi vùng Trấn Ninh về Lào). Những người dân tộc ở đây cũng lần hồi trở thành người lạ, bị xua đuổi ngay trên chính mảnh đất của mình. Họ đứng bên lề mọi thành quả phát triển quốc gia, họ sống trên đất của tổ tiên họ mà như đang sống tầm gởi ở một chốn nào. Những người dân tộc này cũng không thể yêu mến tổ quốc VN, một tổ quốc đã cướp đi những gì quí báu nhứt của cuộc đời : đất đai. Họ không có gì quyến luyến với tổ quốc này và sẵn sàng chối bỏ nó.

    TS Trục cũng không thể không biết Nam kỳ chỉ được quốc hội Pháp trả cho VN năm 1949, trong khi khuynh hướng trả cho Cam Bốt (do nhóm Gaston Defferre cầm đầu) cũng gây áp lực đáng kể. Còn vương quốc Chăm thì cũng mới bị diệt vài thế kỷ nay. Một điều cần nhớ rằng những người Miên người sinh sống ở miền Nam hay người Chàm ở miền Trung, họ không phải là dân « thiểu số » mà họ là dân « bản địa ». Họ có các quyền « lịch sử » của họ.

    Nói như thế để biết cái « mong manh » của đất nước VN. Nó có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
    Vấn đề biên giới lãnh thổ không phải là mảnh đất « màu mỡ » để bọn « phản động hải ngoại » sử dụng chống phá nhà nước như TS Trục nói đâu ! Người yêu nước nào lại không quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ ? Đâu phải chỉ có những người theo cộng sản mới là yêu nước ? Đâu phải người nào lên tiếng về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là chống nhà nước ? Chính thái độ vô trách nhiệm của lãnh đạo CSVN, hay những tuyên bố bừa bãi, lưỡi gỗ của các viên chức nhà nước (như thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mới đây)... mới là nguy cơ tiềm ẩn làm cho chất keo đoàn kết tan rã.

    Nhiều người tiên đoán rằng tương lai TQ sẽ tan vỡ ra thành nhiều mảnh, thành nhiều quốc gia độc lập khác nhau. Giả thuyết này có thể đúng, và nó cũng sẽ đúng hơn cho VN nếu chính sách hòa giải quốc gia vẫn chưa áp dụng để giải tỏa mọi mâu thuẫn về dân tộc, về tôn giáo, về hệ quả của các phong trào NVGP, XLCD, CCRD… trong quá khứ.

    4/ Về các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân và đường biên giới ở Nam quan.

    Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Trục ở việc này :

    Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.

    Các khu vực bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân, khu vực Nam Quan, Thác Bản Giốc, TS Trục cho rằng :

    các khu vực được xếp loại C là những vùng tranh chấp pháp lý, về mặt thực tế quản lý có tất cả 164 khu vực loại C với tổng diện tích hơn 200 km vuông.

    ... các khu vực loại C thì là khu vực tranh chấp, quan điểm và cơ sở pháp lý khác nhau. 2 bên ngồi lại và đem tất cả tài liệu căn cứ pháp lý ra chứng minh, thu hẹp dần dần những vùng tranh chấp, còn lại những vùng mấu chốt nhất 2 bên không thuyết phục được nhau thì lúc bấy giờ phải tính đến những nguyên tắc để giải quyết tiếp. Điển hình của các khu vực C chính là Hữu Nghị Quan (tức Ải Nam Quan), Thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm.

    Tôi không cho rằng đường biên giới khu vực Nam Quan, thác Bản Giốc và các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân lại có những khác biệt quan điểm pháp lý giữa đôi bên.

    Khu vực Nam quan, hồ sơ phân định biên giới 1887 đề cập tới lui nhiều lần.

    Biên bản phân giới của Công ước Pháp-Thanh xác định đường biên giới khu vực Nam Quan bằng cột mốc số 18. Cột mốc này cách cổng Nam Quan 100m về phía nam.

    Biên bản không thể viết cụ thể hơn.

    Đường biên giới được nhà nước phân định lại không đi qua cột mốc 18 mà đi qua cột cây số zéro (của quốc lộ), mang số 1116. (« Bị vong lục » của VN viết rằng cột mốc 18 bị TQ ủi nát từ năm 1955). Trong khi cột mốc 19, theo công ước Pháp-Thanh, lẽ ra phải cắm trên đỉnh núi lại cắm dưới chân núi, mang số 1118.

    Xem hình vị trí các mốc mới ở đây. Hình của báo chí trong nước.

    Bản đồ khu vực Nam Quan do Sở Địa dư Đông dương in, ở đây. Bản đồ khu vực Nam Quan năm 1892 ở đây. Nguồn CAOM.

    Tôi không ra thực địa, không biết cột km Zéro cách cổng Nam Quan là bao nhiêu mét ? Nhiều người đi tham khảo về nói rằng ít ra cổng Nam Quan cách cột cây số zéro ít ra là 300 mét. Nếu vậy thì VN bị thiệt 200m. Đó là chưa nói ở cột mốc 19 (cắm trên núi nay dời xuống cắm dưới chân núi, mà không biết núi này có phải là ngọn núi ngày xưa hay không ?).

    Về các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân. Đây là các bãi mới bồi, thành hình sau khi công ước 1887 được ký kết. Liên quan đến việc phân chia các bãi bồi, chiếu theo các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895, có hai phương cách để phân chia : bãi bồi trên sông hay bãi bồi trên biển (đảo, cù lao).

    Nếu các bãi bồi thuộc sông, việc xác định chủ quyền các bãi bồi, lý ra chỉ cần xác định đường biên giới trên sông là đủ.

    Theo tinh thần các công ước Pháp Thanh 1887, đường biên giới trong trường hợp này là dòng chảy chính, hay là dòng chảy sâu nhất. Cù lao ở gần bờ nào thì thuộc chủ quyền của nước đó.

    Tôi không ra thực địa, nhưng nếu xem trên Google Earth thì thấy được dòng chảy chính, cũng là đường sâu nhứt (có màu xanh đậm hơn các nơi khác), tức là đường biên giới, đường này ở phía bắc các bãi mới bồi. Tức các bãi này phải thuộc VN mới đúng.

    Giả sử rằng các bãi bồi này được tính theo cù lao trên biển, thì chúng cũng thuộc chủ quyền của VN. Công ước Pháp-Thanh 1887 qui định đường biên giới vùng này là đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông của đảo Trà Cổ. Xem trên Google Earth thì rõ ràng các cù lao này ở về phía tây của đương kinh tuyến, tức chúng phải thuộc VN.

    Xem thêm bài viết chi tiết ở đây. Như thế, cũng không có vấn đề về pháp lý ở khu vực này.
    Vậy mà TS Trục nói :

    Những người vẫn còn đang theo đuổi “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” để chỉ trích Việt Nam bán đất cho TQ ở thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan hay sông Bắc Luân, thử hỏi họ có thể chấp nhận được quan điểm vô lý của một số người Campuchia như Sam Rainsy khi đòi “chủ quyền” đối với đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, thậm chí là cả Nam Bộ của Việt Nam hay không? Tôi tin là hoàn toàn không.

    TS Trục không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh rằng VN không bị thiệt hại ở các vùng Nam Quan hay bãi Tục Lãm (và thác Bản Giốc nói bên dưới). TS Trục đã sai ít nhất ở 3 điểm :

    Một, TS Trục không thể so sánh biên giới Việt-Trung, một đường biên giới quốc tế (theo công ước 1887) với biên giới Việt-Miên, chỉ là đường biên giới nội địa Đông Dương, không có giá trị quốc tế.

    Hai, việc đòi hỏi đất đai của Sam Rainsy sẽ không vô lý nếu nó đặt căn bản từ những tuyên bố của CSVN (1954 và 1967) và hứa hẹn của lãnh đạo CSVN.

    Ba, việc phân định lại vùng cửa sông Bắc Luân, vùng Nam quan và thác Bản Giốc là không công bằng. Việc phân định này phía VN đều thiệt hại.

    Có đến 164 địa điểm tranh chấp, TS Trục nói ra 3 điểm. Điều đáng buồn là cả ba điểm VN đều thiệt hai cả ba. Tôi nghĩ rằng, TS Trục thay vì dùng « lưỡi gỗ » chỉ trích bọn « phản động », bênh vực cái chế độ mà người dân đã chán ngán đến tận cổ, nên dành thời giờ của mình nghiên cứu làm thế nào hủy bỏ hiệu lực các tuyên bố, các hứa hẹn của các lãnh đạo VN trong quá khứ về vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng.

    5/ Về thác Bản Giốc.

    Sự thật cần được thiết lập lại ở thác Bản Giốc.

    Theo tài liệu phân định biên giới, biên bản phân giới ký tại Long Châu ngày 19 tháng 6 năm 1894 giữa Ðại Tá Galliéni và Commandant Famin, đại diện chính phủ Pháp và ông Thái Hy Bân, TriPhủ Long Châu, đại diện nhà Thanh, cột mốc 53, bản tiếng Pháp tên Pan-Ngo, cắm tại « bên lề một con đường  ở phía tây-tam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ », « au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois ». Bản tiếng Hoa ghi tên Bách Nga khẩu, mô tả cột mốc cắm dưới chân núi.

    Ta thấy nội dung hai bản văn không « ăn khớp » với nhau.

    Theo các tài liệu của Pháp Bulletin du service Géologique de l’Indochine, Volume XI, Fascicule I,Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin, (Feuilles de Bảo-Lạc, Cao-Bằng, Hà-Lang, Bắc-Kạn, Thất-Khê và Long-Châu), Réné Bourrret; Ha-Noi - Hải-Phòng Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922. (trang 32-33-34), thác Bản Giốc thuộc VN. Khuyến cáo của các nhân viên sở địa chất Đông dương là nên khai thác kinh tế ngọn thác này vì cái đẹp của cảnh trí thiên nhiên của khu vực.

    Trong khi tài liệu của Cd Famin, cuốn Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, thì có lúc ghi nhận thác Bản Giốc cách biên giới 2 km (trang 12), có lúc thì ghi thác Bản Giốc ở trên đường biên giới (trang 143).

    Với những dữ liệu không rõ ràng và mâu thuẩn như vậy, thời gian tôi mất cho việc xác định vị trí và chủ quyền thác Bản Giốc mất gần một năm, đọc và tham khảo không biết bao nhiêu là tài liệu.

    Lại còn nghe trả lời phỏng vấn của ông Lê Công Phụng, ông này lại cho rằng cột 53 được cắm trên một cái cồn nhỏ ở giữa suối.

    Sau đó lại nhận được tài liệu « Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay. » của VN. Hầu như tất cả những người VN đều bị thuyết phục nội dung của « Bị vong lục », viết ra để tố cáo TQ lấn đất. Theo đó thác Bản Giốc thuộc về VN :

    Tại khu vực cột mốc 53 (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày dặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên cồn Pò-Thoong và ngang nhiên nhận cồn nầy là của Trung Quốc.

    Trong khi từ đầu tôi đã tham khảo và chụp hình được bản đồ SGI vùng thác Bản Giốc, nhưng lại tưởng rằng cái chấm ghi « Ban Giot » trên bản đồ là thác Bản Giốc (và ở đây), trong khi đó là đồn Bản Giốc. Vì thế, những bài viết hay bài phỏng vấn, tôi tổng hợp tài liệu để cho rằng thác Bản Giốc cách biên giới 2km.

    Sau này, khi xem xét lại các tài liệu, mới thấy rằng thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới, đúng như vẽ trên các bản đồ hay bản Nhật ký của Trung Úy Détrie về đoạn biên giới từ Lũng Ban đến Ðèo Lương (28 tháng 6 năm 1894) : thác Bản Giốc ở hạ lưu cột mốc 53.

    La frontière regagne ensuite le pied des rochers en face du village de Ban-Mong (54) longe le pied de ces rochers et au pied du blockhaus chinois de Pia-Mu, suit la lisière d’un petit bois et coupe le chemin de Hang-Dong-Quan (53) pour atteindre la rivière qu’elle suivra jusqu’à Ly-Ban. Le chemin qui de la borne 53 conduit à Dốc-Khánh (57) à travers de très belles rizières devra être l’objet d’une surveillance constante.
    A partir de la belle cascade de 50m qui se trouve un peu en aval de la borne 53, le sông Qui-Xuân coule resserré entre des mamelons élevés ».

    Sự thật về thác Bản Giốc là như vậy. Vấn đề là, chủ quyền cồn Pò Thoong thì thuộc nước nào ?

    Xét tất cả các bản đồ SGI, ta thấy cồn Pò Thoong đã hiện hữu trước khi phân định biên giới. Theo qui tắc phân định biên giới, văn bản có giá trị cao hơn bản đồ. Nếu văn bản không mô tả cồn Pò Thoong thuộc nước nào, thì bản đồ phân định sẽ xác định chủ quyền. (Trường hợp nếu bản đồ không xác định, thì phải truy lục hồ sơ lúc bàn thảo).

    Trong trường hợp này, văn bản có hiệu lực thứ tự 1, bản đồ hiệu lực 2, nhật ký của Trung Úy Détrie, là người cắm mốc trong khu vực, có giá trị thứ tự 3.

    Ta thấy đường biên giới trên các bản đồ luôn đi về phía bắc cồn Pò Thoong, chứ không đi ngang qua cồn. Nhứt là bản đồ ở đây. Như vậy, theo tinh thần các bản đồ, cồn này thuộc chủ quyền của VN.


    Tóm lại, về thác Bản Giốc, TS Trục nói có phần đúng, có phần sai. Theo tôi, việc phải phân chia cồn Pò Thoong cho TQ là điều không hợp lý.




      - Giấy bạc của hai nước Việt Nam (DLB). -Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm?

    Mai Thái Lĩnh
    6/09/2013

    Ngày 3-9-2013 vừa qua, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài “Sự thật về Thác Bản Giốc và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử”[1], thực ra là một bài phỏng vấn ông Tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, người trực tiếp tham gia đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam – Trung Quốc nói chung, khu vực Thác Bản Giốc nói riêng) do phóng viên Hồng Thủy thực hiện. Vì bài phỏng vấn nhằm vào cá nhân tôi và bài viết của tôi nhan đề “Sự thật về Thác Bản Giốc”[2], tôi thấy cần phải làm rõ một số điểm được nêu trong bài phỏng vấn, nhằm tránh sự hiểu lầm cho người đọc.
    1) Bài phỏng vấn được mở đầu như sau: “Thời gian gần đây một số hãng truyền thông phương Tây và các trang mạng xã hội đăng tải bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh, trong đó có những nhận định và quy chụp hết sức chủ quan khi cho rằng Việt Nam đã bán đất cho Trung Quốc khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều người vẫn cảm thấy mơ hồ khi nhắc tới địa danh này”.
    Ngay từ lời giới thiệu này, Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam đã tỏ ra không sòng phẳng và thể hiện sự “quy chụp”.
    Trước hết, nói “thời gian gần đây” là không đúng sự thật. Bài viết của tôi hoàn thành xong đã gửi đăng trên một số trang mạng vào thượng tuần tháng 2 năm 2012 (trên trang Bauxite Vietnam là vào hai ngày 10 và 11-2-2012). Ngoài ra còn có nhiều trang mạng khác đã đăng lại, nhưng chậm nhất cũng chỉ trong tháng 3 năm 2012, như vậy là đã một năm rưỡi.
    Khi rút ngắn thời gian một năm rưỡi bằng cụm từ “thời gian gần đây”, cả tòa soạn báo lẫn phóng viên Hồng Thủy đã cùng với ông Trần Công Trục tìm cách gán ghép bài viết của tôi với một sự kiện nóng hổi mới xảy ra gần đây. Đó là việc ông Sam Rainsy – lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia, đang tố cáo phía Việt Nam lấy đất của Kampuchea. Đây là một dụng ý không tử tế nhằm đánh lạc hướng dư luận. Bởi vì bất cứ ai đọc kỹ các bài viết của tôi đều thấy rõ giữa quan niệm của tôi và quan niệm của ông Sam Rainsy, không có gì giống nhau. Điểm căn bản là ở chỗ: ông Sam Rainsy là một nhà chính trị, đứng đầu một đảng chính trị ở nước láng giềng, muốn lấy lòng cử tri nên kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi, còn tôi tuy luôn luôn bàn đến chính trị, nhưng lại không liên quan đến một đảng chính trị nào, vì thế không có động cơ phe phái. Hơn thế nữa, tôi cũng không liên quan gì đến cái mà ông Tiến sĩ Trần Công Trục gọi là “quan niệm về chủ quyền lịch sử”, nghĩa là “ngày xưa cha ông ta ở đâu thì đất đó là của Việt Nam”. Hãy đọc kỹ các bài viết của tôi về vấn đề biên giới Việt-Trung. Bất cứ bài nào cũng chỉ nhằm để bảo vệ “đường biên giới lịch sử” đã tồn tại từ khi có các công ước Pháp-Thanh vào cuối thế kỷ 19. Mà đường biên giới lịch sử này thì chính các tiền bối của ông Tiến sĩ Trần Công Trục trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trong ngành ngoại giao cũng đã từng coi là căn cứ quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc.
    Tôi xin phép trích dẫn một đoạn văn trong cuốn “bị vong lục” (memorandum) do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào năm 1979 để làm rõ vấn đề:
    Lập trường của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được nêu rõ trong Công hàm ngày 2 tháng 3 năm 1979 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc: những người cầm quyền Trung Quốc đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì họ phải vĩnh viễn chấm dứt xâm lược; phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về phía bên kia đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
    Ngày 6 tháng 3 năm 1979, phía Việt Nam đã tuyên bố:
    Nếu Trung Quốc thật sự rút toàn bộ quân của họ khỏi lãnh thổ Việt Nam như họ đã tuyên bố, thì sau khi quân Trung Quốc rút hết về bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thoả thuận tôn trọng, phía Việt Nam sẵn sàng đàm phán ngay với phía Trung Quốc ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước. Địa điểm và thời gian sẽ do hai bên thoả thuận. 
    Nếu những người cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chính sách xâm lược chống Việt Nam thì quân và dân Việt Nam sẽ dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới. 
    Nhân dân Việt Nam quyết tiếp tục làm hết sức mình gìn giữ tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết đòi nhà cầm quyền Trung Quốc: 
    [1] Vĩnh viễn chấm dứt xâm lược, phải rút ngay, rút không điều kiện quân đội của họ về nước; chấm dứt mọi hành động tội ác đối với nhân dân Việt Nam; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; phải chấm dứt ngay việc dời cột mốc biên giới và những hành động khác nhằm thay đổi đường biên giới đó. 
    [2] Cùng phía Việt Nam sớm mở cuộc thương lượng nêu trong Công hàm ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đem lại hoà bình và ổn định ở vùng biên giới giữa hai nước, khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước.[3]
    “Đường biên giới lịch sử” mà văn bản này nói đến chính là đường biên giới được hoạch định bởi các công ước Pháp-Thanh ký hồi cuối thế kỷ 19.
    2) Ngay trong lời giới thiệu bài phỏng vấn cũng như trong câu hỏi của phóng viên, câu trả lời của ông Tiến sĩ Trần Công Trục, đều có những sự xuyên tạc đầy ác ý nhằm kích động người đọc nghĩ xấu về tôi. Xin dẫn chứng một số ví dụ sau:
    - PV: Quay lại câu chuyện tài liệu “Sự thật thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh đưa ra các tài liệu lịch sử, chứng cứ lịch sử để khẳng định rằng toàn bộ ngọn thác này thuộc chủ quyền của Việt Nam và quy kết các nhà đàm phán, lãnh đạo Việt Nam đã nhân nhượng vô nguyên tắc, bán đất cho TQ.[…]”
    Câu chuyện về Sam Rainsy và một số nhóm chính trị đối lập tại Campuchia viện dẫn những quan điểm sai trái về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử để đưa ra những tuyên bố vô lý về vấn đề chủ quyền, gây rối loạn xã hội Campuchia, chia rẽ quan hệ Campuchia – Việt Nam. Điều này không khác gì hiện nay trong dư luận đang sử dụng yếu tố lịch sử để lật lại vấn đề đàm phán biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và tung tin các nhà đàm phán Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam bán đất cho Trung Quốc. (Trích lời ông Trần Công Trục).
    Đây là điều bịa đặt nhằm mục đích kích động dư luận. Trong toàn bộ bài viết của tôi, tuyệt nhiên  không có chỗ nào nói “lãnh đạo Việt Nam bán đất cho Trung Quốc.” Chỉ có một đoạn như sau liên quan đến chữ “bán”: “Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.” Nhưng câu này không phải là lời của tôi, mà chỉ là câu trích dẫn lời nói của ông Lê Công Phụng – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
    3) Ông Trần Công Trục nói: “Công ước Pháp – Thanh 1887 và Công ước Pháp – Thanh bổ sung 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định cắm mốc kèm theo được công ước trên xác nhận và quy định mới được xem xét là có giá trị khi đưa ra đàm phán các khu vực có tranh chấp về chủ quyền. Tất cả các tài liệu, chứng cứ lịch sử như bản đồ, thư tịch, sách giáo khoa, bưu ảnh, ghi chép cá nhân nằm ngoài phạm vi của 2 bản Công ước trên đều không được chấp nhận, kể cả là ta hay TQ.
    Đúng là một số tài liệu tôi nêu ra chỉ là tài liệu dùng để tham khảo, không phải là căn cứ pháp lý. Nhưng nêu những tài liệu đó là điều cần thiết để chứng minh một sự thật: ít nhất là từ khi nhà Thanh và người Pháp ký các công ước về biên giới vào cuối thế kỷ 19 cho đến khi có hiệp định 1999, toàn bộ Thác Bản Giốc vẫn thuộc về nước ta.
    Mặc dù ông Trục khoe rằng “đã đọc kỹ bài viết này của ông Mai Thái Lĩnh”, trong thực tế ông đã không đọc kỹ bài viết đó. Vì vậy ông đã không nhận ra “những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý”. Trong phần kết luận, tôi đã viết như sau:
    “Trước hết, về căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền của nước ta đối với Thác Bản Giốc, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có trong tay ít nhất là 4 hồ sơ: [1] Tài liệu về việc Trung Quốc “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc, [2] Tài liệu về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960, [3] Tài liệu về việc Trung Quốc lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và [4] Hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980.”
    Và tôi đã đặt câu hỏi: “… tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đã bỏ qua, không sử dụng những tài liệu này trong đàm phán?”.
    Nếu ông Trục không coi đây là những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý thì ông phải nói rõ lý do, chứ không nên lờ đi, vì các bằng chứng này có liên quan đến chính quyền mà ông Trục phục vụ, và cả Đảng Cộng sản Việt Nam – mà ông Trục là một thành viên.
    4) Ông Trần Công Trục luôn mồm rao giảng về sự khác nhau giữa một bên là “chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử, quan điểm lịch sử” và bên kia là “các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”. Tự coi mình là người am hiểu và nắm vững vấn đề hơn người khác, ông luôn mồm chê bai người khác là “nhầm lẫn”, là “nhận thức hạn chế”, v.v. và v.v.
    Vì vậy, tôi thấy cần nhấn mạnh đến “những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý” trích từ cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc xuất bản năm 1979, mục II (Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay), nói về việc “nhà cầm quyền Trung Quốc đã lần lượt lấn chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt Nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế”:
    [3] Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
    Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất. 
    Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.” (tr. 11-12)
    [7] Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới.
    Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.” (trang 14)
    Đề nghị ông Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết: những hồ sơ nêu trên có phải là “những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý” hay không?
    Riêng tôi thì tin rằng khi viết những dòng chữ này trong bản “bị vong lục” năm 1979, Bộ Ngoại giao do cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch[4] lãnh đạo đã có sẵn những chứng cứ pháp lý cụ thể kèm theo. Nếu ông Trần Công Trục thật sự có “tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc và có lợi cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển đất nước”  thì ông nên đề nghị ông đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mở kho lưu trữ để công bố các hồ sơ nêu trên cho toàn dân biết. Trong các hồ sơ đó, dĩ nhiên có cả những bản đồ chi tiết về cột mốc 53, về cồn Pò Thoong, v.v… – nhất là chứng cứ về việc Trung Quốc đã sửa bản đồ tỷ lệ 1/100.000 như thế nào nhằm “chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong”
    Cũng cần nhấn mạnh đến ý kiến của ông Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng chỉ có “các văn kiện, bản đồ hoạch định cắm mốc kèm theo” hai công ước Pháp-Thanh và được hai công ước ấy “xác nhận và quy định”  mới được xem xét là có giá trị khi đưa ra đàm phán, còn tất cả các chứng cứ khác (kể cả bản đồ) “nằm ngoài phạm vi của 2 bản Công ước trên” đều không được chấp nhận. Theo tôi, một khi đã chấp nhận điều kiện này, ông Trục và những người tham gia đàm phán về phía Việt Nam đã rơi vào bẫy của phía Trung Quốc.
    Vì sao? Vào cuối thế kỷ 19, khi ký kết các công ước giữa Pháp và nhà Thanh, trình độ kỹ thuật chưa cho phép người ta vẽ bản đồ với độ chính xác cao, nhất là chưa có tọa độ địa lý. Vì vậy nếu chỉ dựa vào những bản vẽ ấy, không thể xác định được chính xác các cột mốc biên giới. Chính phía Trung Quốc cũng biết rõ như thế cho nên họ mới tìm cách “sửa bản đồ”, “dời cột mốc”, và sau khi đã ký được hiệp định 1999, hoàn thành việc cắm mốc, họ đã vội vàng dỡ bỏ mọi cột mốc lịch sử để “phi tang”, xóa dấu tích nhằm che giấu những việc làm ám muội của họ.
    Vì thế, cần phải căn cứ vào các tài liệu – nhất là bản đồ của thời Pháp thuộc, để xác định đường biên giới Pháp-Thanh đã được thể hiện rõ ràng trên thực tế. Cho đến nay, các nhà ngoại giao tham gia đàm phán (kể cả ông Trần Công Trục) đều cố tình lờ đi hai tài liệu quan trọng: bản đồ gốc tỷ lệ 1/100.000 (tức là bản đồ do người Pháp in trước năm 1954) và bản đồ in lại đã bị Trung Quốc sửa chữa. Chính sự mờ ám đó khiến cho nhân dân hoài nghi vào “lòng yêu nước”, “tính trung thực” của những người tham gia đàm phán hiệp định biên giới Việt-Trung, chứ không phải là do những bài viết của tôi và các nhà nghiên cứu khác.
    Điều mà các bài viết của tôi nhắm tới chính là “đường biên giới do lịch sử để lại” mà bản “bị vong lục” năm 1979 đã nhiều lần nhắc tới. Đường biên giới lịch sử ấy chính là đường biên giới do các công ước Pháp-Thanh quy định vào cuối thế kỷ 19. Đường biên giới lịch sử ấy có thật sự được tôn trọng hay không? Hiệp định biên giới trên bộ năm 1999 có bảo đảm được “đường biên giới lịch sử” ấy hay không? Đó mới thật sự là điều những người Việt Nam yêu nước băn khoăn, lo nghĩ.
    Vì vậy, không thể đánh lận con đen, quy tôi vào quan niệm “chủ quyền lịch sử” theo kiểu của Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam và ông Tiến sĩ Trần Công Trục. Tôi đâu có đòi lại đất Quảng Tây hay Quảng Đông mà bảo tôi “nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử”?
    Cuối cùng, tôi đọc được câu sau đây trên trang mạng Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của “Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập”: “Mọi ý kiến nhận xét, phản biện về các nội dung trong bài viết trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc và có lợi cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẵn sàng đăng tải. Tiến sĩ Trần Công Trục sẵn sàng trao đổi để làm rõ những thắc mắc, nghi vấn xung quanh vấn đề này.”
    Dựa trên tinh thần đótôi chính thức đề nghị báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết này cùng với toàn văn bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” bên cạnh bài trả lời phỏng vấn của ông Trần Công Trục để độc giả tiện so sánh, đánh giá, phản biện.
    Đà Lạt ngày 5-9-2013
    M. T. L.
    Tác giả gửi trực tiếp cho BVN



    [1] “Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thứ ba 3-9-2013:
    [2] Mai Thái Lĩnh, Sự thật về Thác Bản Giốc, Bauxite Vietnam 10 và 11-2-2012:
    [3] Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979, trang 34-36. Những đoạn gạch dưới là do tôi nhấn mạnh (MTL).
    [4] Theo Wikipedia bản tiếng Việt, ông Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) là thân sinh của ông Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay

    http://www.boxitvn.net/bai/19225




    - Xích Tử – Thêm những nghi vấn về Hồ Chí Minh (Dân luận).

    - Không hiểu trong lịch sử nước nhà, đã có một giai cấp thống trị nào chẳng những bất tài mà còn tàn nhẫn với người dân như hiện nay. Tìm hoài trong cổ sử mà chưa thấy. Tạm thời có thể nói đảng viên là giai cấp tàn nhẫn nhất với người dân trong lịch sử Việt Nam? (BS Đỗ Hồng Ngọc/ Nguyễn Đăng Hưng).

    - Nguyễn Minh Cần – Chuyện dài ra Đảng và đa đảng (Bài 2) (Dân luận).

    - Hữu Quả: “Theo Đảng đến còng” (Ba Sàm).


    - Nỗi sợ từ nhà tù (RFA Blog).

    - CNXH GIÀU SINH LỰC (Thùy Linh).

    - Mặt trận không phải là cây kiểng… cho nên mới… chọn cây này!!!??? (DLB).

    - HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG (Góc nhìn Alan).


    Ngân hàng chúng ta “chẳng giống ai”


    - Quy hoạch Vùng Thủ đô tồn tại nhiều bất cập (LĐ). - Đơn giản hóa thủ tục hành chính-vì lợi ích của công dân (VOV). - Tràn lan phòng công chứng (LĐ). - Thả nổi việc lập văn phòng công chứng? (SGTT).

    - Mặt thảm tuyến quốc lộ nghìn tỷ bị “xé toang” (DT). - Phê bình 6 địa phương buông lỏng quản lý vận tải (Tin tức).

    - Bộ trưởng Bộ KHĐT: “Môi trường đầu tư của Việt Nam còn rất nhiều yếu kém” (CafeF). - Việt Nam cần nghe những lời thẳng thắn (TT) chứ đừng nghe nó tán láo kiểu này: - Việt Nam có “cú đảo ngược chính sách ngoạn mục” (ĐT). - Còn nhiều rào cản với nhà đầu tư Nhật (TBKTSG).

    - Bà Phạm Chi Lan: SCIC kinh doanh kém còn đòi tăng vốn (ĐV).

    - Mức sống tối thiểu của NLĐ khu vực doanh nghiệp: Không thể tích lũy! (LĐ).

    - Doanh nghiệp TP.HCM ngừng hoạt động, phá sản tăng gần 10% (TT).

    - Sếp ngân hàng thời đổi ‘ghế’ vòng quanh (VNN).

    - Đấu thầu vàng miếng mà 6.000 tỉ đồng “rót túi” Ngân hàng NN rồi đi đâu? (Tầm nhìn).

    - Không chuyển 2 cảng Nha Trang, Cam Ranh cho tỉnh quản lý (TT).

    - GS.TSKH Nguyễn Mại: Tôi không tin có dự án casino 7,5 tỷ USD ở Vân Đồn (GDVN).

    - “Nhắm mắt” buôn nông sản Trung Quốc vì lãi khủng (NLĐ).

    - Sản xuất manh mún, thiệt nông dân (NLĐ).

    - Nhà nước sẽ kiểm soát doanh nghiệp xuất khẩu gạo (TT).

    - VASEP phản đối quyết định sơ bộ của DOC (VOV).

    - Thứ trưởng TT&TT: Việt Nam sẽ không cấm OTT (TBKTSG). - Kinh tế khởi sắc từ năm 2014? (Công thương).

    - Các ngân hàng đã xử lý được 85.000 tỉ đồng nợ xấu (PLTP). - Ngân hàng chúng ta “chẳng giống ai” (VnEco). - Vì sao 6 ngân hàng lớn nhất giảm lãi? (LĐ).

    - Sếp ngân hàng thời đổi ‘ghế’ vòng quanh (VEF).

    - Đầu tư của Nhật Bản góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng (SGGP).


    - Nhiều cổ phiếu lớn bị loại khỏi danh mục margin (VnEco). - Hết “đại gia” chống lưng, Sao Việt hết “cửa sống” (ĐTCK).

    - Sky Garden- BĐS có vốn Vinashin: Phải bán dự án vì khó? (Infonet). - Nhiều nhà đầu tư buông dự án bất động sản(ANTĐ/DT). - BĐS TP.HCM: Mua đất nền, được… xi măng (SM).

    - Petrolimex lời ít hay nhiều? (TT). - Giá xăng ở Việt Nam đắt thứ 33 thế giới (VEF).- Tăng giá xăng dầu ảnh hưởng không lớn đến CPI? (LĐ).
    - Nhiều cơ hội đảo ngược quyết định của DOC với cá tra, basa (VOV).
    - Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức : Bài 1: Tăng tốc, khốc liệt (SGGP). - Lỗ nặng, nợ đầm đìa, siêu thị điện máy ngấp nghé bở vực phá sản (GDVN). - Làn sóng phá sản càn phá siêu thị điện máy (VEF).

    - Đừng thấy chuyện nhỏ mà chê (TT).

    - Sáng tạo để tiền tự tìm đến của vua cafe Việt (VEF).

    - Đại gia Việt có làm nên cơ đồ trên đất Mỹ? (KT).

    - Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá (PLTP).

    - Tái cơ cấu nông nghiệp: Chưa chuyển từ ‘thô’ sang ‘tinh’ (TN). - Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại: Đổi mới cơ chế, chính sách – yếu tố then chốt (SGGP).

    - Nghề nuôi nhím qua “thời hoàng kim” (DV).

    - Bánh trung thu “ngập” giữa tin đồn (SGTT).

    - Khó dự báo khả năng hồi phục (Góc nhìn Alan).

    - Chuyện dài EVN (TTT/Góc nhìn Alan).

    Tổng số lượt xem trang