Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Một Lời Xin Lỗi: Vũ Thư Hiên - Lời xưng tội lúc nửa đêm

đã bị xóa, có thể xem ở DLDCV
-Vũ Thư Hiên - Lời xưng tội lúc nửa đêm
-Theo blog Vũ Thư Hiên

Khi linh mục già dò dẫm từng bước qua được những bậc thềm khấp khểnh của nhà kẻ liệt thì trời đã khuya lắm. Mấy vệt sáng vàng vọt của đèn dầu lọt qua khe cửa làm cho nó chìm thêm trong bóng tối mịt mùng. Trong đêm tối ông chỉ có thể cảm chứ không thấy được rằng nơi ông tới là một thôn nhỏ đìu hiu với những mái tranh thấp thoáng dưới tán lá rừng rậm rạp.
Linh mục vươn người vặn mình cho đỡ mỏi, mấy đốt sống kêu lục cục. Chủ nhà dựng chiếc Honda dưới thềm, bước vội lên đỡ ông:
- Trình cha, xin cha cẩn thận chỗ bậu cửa.
Linh mục ừ hử gật đầu. Ông mệt lử sau hai chục cây số ngồi ôm eo vượt con đường hết đèo lại suối lổn nhổn đá và rễ cây. Không hiểu sao người ta lại cứ phải tìm ông, trong khi cách đây vài thôn có một xứ đạo khác, tuy không lớn, với một linh mục trẻ?

Linh mục có quyền khước từ cuộc viếng kẻ liệt mà không bị ai trách cứ. Ông đã quá già. "Cha lẫn rồi", cả xứ đạo ồn lên sau một lần ông đứng trên toà giảng lẩm bẩm hồi lâu những câu không ai hiểu, mặc cho đàn chiên ngẩn ngơ phía dưới. Cha bận thông công với Đức Chúa Giê Su, bõ già giải thích, nhưng chẳng ai tin. Bõ cũng già, có dễ còn già hơn cả cha. Bề trên vội cử một linh mục khác về thay chân ông. Cha trẻ này mới được truyền chức. Mọi việc bây giờ cha phó làm hết. Nói theo cách thế tục, Toà Giám Mục cho cha xứ về hưu.

Sau tiếng mở then hấp tấp, một người đàn bà rũ rượi, cây tọa đăng giơ cao trên đầu, hiện ra trong khung cửa.

- Con xin phép lạy cha.

Bà ta lùi lại một bước và lễ độ khuỵu một chân xuống khi nhìn thấy mái tóc bạc phơ, gương mặt đầy nếp nhăn hằn sâu như những nét khắc trên gỗ và đôi mắt mờ đục của cha xứ.

"Lạy Chúa tôi, liệu một cha già thế kia có còn làm được phép xức dầu cho kẻ chết nữa không?", cái nhìn của bà ta nói.

Sau lưng bà ta là mấy đứa trẻ mới lớn cao lộc ngộc. Chúng giương mắt nhìn linh mục, lí nhí chào ông. Chủ nhà kéo một cái ghế ba nan xiêu vẹo ra khỏi cái bàn đen đủi không cùng bộ với nó.

- Xin cha ngồi ngơi...

Linh mục để mặc cho chủ nhà đỡ ông ngồi xuống.

- Thưa cha dùng gì ạ? Trà hay cà phê?

- Vẽ, – ông xua tay – Ta nghỉ một lát rồi làm việc. Ta không khát.

- Xin cha cứ tự nhiên ạ. Đường thì xa, lại xóc nữa. – ông chủ nhà phàn nàn - Đến con đây còn mệt nữa là...


Linh mục nhìn quanh. Bóng tối che khuất số đồ đạc hiếm hoi trong gian phòng nhỏ. Không khí có mùi ẩm mốc, mùi của cái nghèo.


- Việc sửa soạn cho kẻ liệt dọn mình về với Chúa là quan trọng. - linh mục nói - Chớ chia trí cho việc khác.


Chủ nhà đưa mắt cho vợ. Người vợ bối rối nhìn lại chồng. Họ có vẻ băn khoăn.


- Đội ơn cha đã hạ cố đến với chúng con. – chủ nhà cúi mặt nói – E hèm..., chúng con sở dĩ phiền đến cha tuổi cao sức yếu, phải đi lại đêm hôm cực nhọc thế này là vì..., hèm...


Linh mục bảo:


- Có chuyện gì khó ông cứ cho ta hay. Đừng ngại.


Người vợ đỡ lời chồng, thẽ thọt:


- Chẳng giấu gì cha, chả là thế vầy: con có ông chú ruột…


- Người sắp sinh thì... - người chồng tiếp – Dạ, trình cha, người cứ một hai đòi gặp cha...


- Hừm.


- Có điều chú con... – người vợ nói - Người trước kia cũng là con chiên bổn đạo ta đấy ạ. Quê chúng con chả toàn tòng, thưa cha.


- Tức là?


- Thưa cha, - người chồng cúi mặt - hiềm nỗi chú con...người trót nghe theo kẻ ngoại đạo vô thần nên đã bỏ đạo...


Linh mục nhắm mắt lại. Cả ba nín lặng.



- Chuyện ấy thường thôi. – linh mục thấy cần phải nói một điều gì đó để phá đi bầu không khí nặng nề, và để an ủi hai vợ chồng chủ nhà - Thời Lucifer mà, người bỏ đạo không ít... Ông ấy còn tỉnh trí chứ?


Không thể làm lễ xức dầu cho kẻ ngoại đạo, cha xứ nghĩ. Oái oăm quá. Nếu người liệt đã hôn mê, ta có thể ban phước lành cho ông ta, cái đó thì được, Chúa lòng lành không hẹp với ai.


Người vợ thấy cha xứ hiền, không quở trách, trở nên bạo dạn hơn:


- Trình cha, còn, người còn tỉnh trí ạ. – bà ta nhanh nhảu đáp với nụ cười như mếu - Ơn trên soi sáng, người đã nghe chúng con, nay người xin giở lại đạo rồi...


Linh mục nói:


- Cũng lại chuyện thường thôi. Người bỏ vẫn bỏ. Người theo vẫn theo. Người giở lại đạo vẫn giở lại...Ông ấy đâu?


Ông nhìn quanh.


Người vợ bối rối:


- Trình cha, chúng con chưa kịp thưa với cha: chú con quên ráo kinh bổn rồi. Nói ra thật xấu hổ, cơ mà chúng con cứ trình thật thế vậy...


- Chuyện ấy có gì quan trọng. – linh mục chống tay đứng lên - Hãy đưa ta đến với ông ấy. Ta biết phải làm gì.


Chủ nhà cầm cây tọa đăng, đi trước. Linh mục theo sau. Họ đi qua gian trong, nơi mấy đứa con trai đã nằm lại chỗ của chúng. Cánh cửa kêu kèn kẹt mở ra một khoảng trời tối với những ngôi sao bất động.


Trong ánh đèn linh mục nhìn thấy mấy quả cà tím loáng sáng trên những luống rau. Hai bên lối đi nhiều cỏ may đến nỗi ông phải cẩn thận vén áo chùng lên tận đầu gối. Có mùi lá tre mục, mùi sương đêm tinh khiết. Mùa thu mát, nhưng ẩm ướt. Thời tiết trước khi vào đông bao giờ cũng vậy. Mình ở vùng này đã bao lâu rồi? - ông bâng khuâng tự hỏi - dễ đến ba mươi năm chứ không kém.


- Chú con không chịu ở trên nhà với chúng con, người kêu ồn – chủ nhà phân trần - Người đòi nằm một mình cho tĩnh. Chứ chúng con không muốn thế...


- Người già thường khó tính. – linh mục nói


Mình cũng thế, ông nghĩ. Ông biết gần đây chính ông cũng trở nên khó tính khó nết. Ông khảnh ăn, không chịu được mùi hôi và mọi sự bề bộn, động một tí là bẳn gắt. Hẳn ông cũng làm phiền các thầy hầu cận và bõ già không ít. Có điều họ chẳng nói ra thôi. Đôi lúc tỉnh ra, ông thấy mình hành mọi người một cách thậm vô lý, nhưng đáp lại họ chỉ nhẫn nhục im lặng. Những lúc tỉnh ra ấy ông giận mình lắm. Ông tự hỏi: họ buộc phải chịu đựng ông vì trách nhiệm được giao phó? Hay chỉ vì lòng tôn kính với bảy chức thánh của ông, vì lòng biết ơn sự tận tụy nhiều năm của ông ở xứ đạo của họ?

Chủ nhà đẩy cửa vào ngôi nhà nhỏ cô độc ở cuối vườn. Gọi nó là lều thì đúng hơn, bởi vì nó rất hẹp và tuềnh toàng. Ánh toạ đăng soi tỏ cái giường tre, trên đó một thân hình còm nhom nhô lên dưới tấm chăn dạ rách, của còn lại từ một thời chinh chiến.


Linh mục tưởng người nằm đấy chết rồi, bởi vì dưới ánh đèn vàng vọt trên gương mặt xương xẩu, khắc khổ của ông ta hầu như không còn dấu hiệu của sự sống.


Chủ nhà cúi xuống nghe ngóng rồi quay mặt lại:


- Người ngủ. Để con đánh thức.


Ông ta nắm lấy vai người bệnh, lay khẽ:


- Chú ơi, chú! Cha đến đấy.


Linh mục chắp hai tay trước bụng, kiên nhẫn đợi.


Trong yên lặng, một con tắc kè bỗng kêu to ở đầu hồi làm ông giật mình.


Người bệnh khẽ rên một tiếng. Ông ta gượng mở mắt:


- Cha hử?


- Vâng, thưa chú, người đã đến ạ.


Linh mục đặt tay lên vai chủ nhà:


- Ông cứ lên đi đi, mặc chúng tôi với nhau.


- Nước! - người bệnh thều thào.



Chủ nhà cầm lấy phích nước trên cái bàn làm bằng một mảnh ván mộc kê trên đôi mễ xiên xẹo, rót chầm chậm vào cái chén sứt sẹo. Đoạn, mang đến bên giường, nâng đầu người bệnh, cho ông ta uống từng ngụm nhỏ. Mái tóc thưa và bơ phờ của người bệnh run rẩy khe khẽ cùng với nhịp chuyển động của yết hầu.


Linh mục chăm chú nhìn người bệnh và ân hận đã không đem theo một cậu giúp việc để đỡ đần ông trong trường hợp này. Nhưng ông sực nhớ rằng cái xe Honda ọp ẹp của chủ nhà chỉ có thể chở hai người.


Chủ nhà lễ phép đi giật lùi ra khỏi lều, khép cửa lại.


Người bệnh khó nhọc rút một tay ra khỏi chăn. Những ngón tay gầy, cong queo vẫy linh mục lại gần hơn.


Linh mục đến bên giường, chăm chú nhìn vào khuôn mặt vàng nhợt và cứng đơ như được nặn bằng sáp. Cất giọng trịnh trọng, như ông vẫn thường làm trong những trường hợp tương tự, ông nói câu thuộc lòng:


- Ta đã đến với con, hỡi con chiên lạc bầy muốn trở về trong lòng Chúa!


Linh mục bỗng giật mình. Ông nhận thấy giọng ông vang vang trong túp lều yên lặng hoàn toàn không có hồn, như thể nó phát ra từ máy ghi âm. Tự nhiên ông đâm ra bối rối. Vì tia sáng phát ra từ mắt người bệnh, cái tia sáng đi cùng với nụ cười thoảng qua, hóm hỉnh, hay bởi chính giọng không hồn của mình?


– Con hãy nhận lấy tên thánh của con trước khi dọn mình xưng tội cùng Chúa. Nhân danh Chúa trên Lời...ta đặt tên thánh cho con là Đôminicô để ghi lại giờ khắc con giở lại đạo trên đất đai của dòng Đa Minh.


Trong khi linh mục cố tập trung tư tưởng để làm phận sự trước cái nhìn chòng chọc của người bệnh thì người ấy lại vẫy ông:


- Này, linh mục...


Linh mục cúi xuống, lắng nghe tiếng thều thào từ đôi môi khô héo:


- Con muốn nói gì? Ta nghe đây.


- Xin cảm ơn ông đã đến với tôi - người bệnh nói – Cảm ơn.


Linh mục sững người thấy người bệnh không gọi ông bằng "cha" xưng "con" như thói thường. Người bệnh hiểu tâm trạng của linh mục.


- Ông đừng bực mình. Cách xưng hô không làm nên con người, cũng như cái áo không làm nên thày tu...


- Hừ. Không sao, tôi không câu nệ...


- Cảm ơn ông. Ông đã đến với tôi, thế là tốt lắm rồi. Ông khỏi cần làm lễ.


- Hử?


- Vâng, ông không cần làm lễ. Nó vô ích. Tôi có tin ở Chúa của ông đâu.


Người bệnh cố diễn đạt ý mình cho mạch lạc, với giọng khao khao của thanh quản bị tổn thương.


- Vậy ông cho mời tôi đến đây làm gì? – linh mục hỏi.


Người bệnh nhìn quanh rồi đặt ngón tay trỏ lên miệng.


- Cái gì vậy? – linh mục lo lắng nhìn quanh.


- Ông chớ nói to. Các cháu tôi nghe tiếng. Tôi không muốn chúng nghe câu chuyện giữa chúng ta.


- À! Tôi hiểu. – linh mục tự nhiên vào giọng với người bệnh, như một đồng lõa ông thì thào - Được, tôi sẽ nói khẽ.


Người bệnh động đậy mấy ngón tay.


- Phiền ông đỡ tôi ngồi lên.


Linh mục vòng tay ra sau gáy người bệnh, đặt ông ta dựa lưng vào vách. Làm xong việc đó, ông thở dốc.


- Thế. Tốt rồi. Khi ngồi tôi dễ thở hơn, nói cũng dễ hơn.


- Không cần làm lễ hử? Thật vậy sao: không cần? – linh mục thì thào.


Người bệnh nhìn ông, vẻ ái ngại:


- Ông cũng già quá rồi đấy, linh mục ạ. Ông ngồi xuống đây với tôi.


Linh mục ngồi ghé xuống mép phản.


- Sang năm tôi vừa đúng tám mươi hai.


- Nhiều quá rồi. - người bệnh thở dài - Linh mục đừng giận, nhưng sau lưng các cháu tôi, tôi phải nói thẳng với ông điều tôi nghĩ. Tôi không quen dối trá.


- Hừm...Tôi hiểu. – linh mục nói, giọng nhẹ nhàng, thậm chí vui vẻ, cố chứng tỏ ông không phật ý - Ông muốn chiều lòng các cháu?


- Đúng thế. Các cháu tôi tin ở Chúa. Tôi thì không. Chúng sốt sắng muốn tôi giở lại đạo.


- Họ cũng nói với tôi như vậy.


- Tôi chiều các cháu, tôi mới bảo chúng: tôi chỉ chịu xưng tội chịu lễ với cha ít nhất cũng phải ngang tuổi tôi. Hì hì..., tôi biết trong vùng này chỉ có một mình cha...


- Ông muốn chính tôi đến với ông?


- Cái đó có nguyên uỷ của nó, linh mục ạ, tôi sẽ nói vì sao. Tôi chỉ e ông không đến được. Tôi chờ ông đến. Nghe nói ông không còn làm công việc mục vụ nữa.


- Nhưng tôi đã đến.


- Cảm ơn ông. Tôi muốn trước khi chết tôi có dịp tâm sự với người cùng một thế hệ. Các cháu tôi yêu tôi, nhưng chúng không hiểu tôi bao nhiêu. Tôi rất muốn được nói chuyện với người ít nhất cũng đã sống trên trái đất này bằng số năm mà tôi đã sống. Chỉ người đó mới hiểu được những lời tâm sự của tôi, kẻ sắp qua đời…


- Vậy là ông đã có người mà ông cần để đóng vở kịch của ông. Còn để tâm sự, tôi e rằng ông chọn lầm người. Một linh mục thì có gì để tâm sự với một người thế tục cơ chứ?


Linh mục nhắp chân, toan đứng dậy. Người bệnh nắm lấy tay ông, giữ lại. Nắm chắc. Như một cái kìm.


- Nghe tôi đây này, thật mà, ông lầm người rồi. – linh mục cố gỡ ra, nhưng không được - Việc của linh mục là giảng đạo Chúa, nghe con chiên xưng tội và nhân danh Chúa giải tội cho họ. Còn tâm sự thì không. Việc đó không phải của linh mục.


- Tại sao lại như thế? – người bệnh chống tay muốn ngồi dậy, gân cổ lên khao khao phản bác - Nghe lời tâm sự của kẻ sắp chết để hiểu người thế gian cũng là một việc nên làm lắm chứ...


Linh mục thở dài:


- Được, nếu ông muốn thế thì tôi sẽ ngồi đây với ông thêm một lát.


Trên đôi môi khô héo nhếch một nụ cười:


- Cảm ơn ông.


- Có gì mà ơn với huệ. – linh mục phẩy tay - Tôi cho phép ông nói dối các cháu ông rằng ông đã được làm lễ xức dầu. Chúa cũng sẽ tha cho ông tội nói dối ấy, bởi vì nó vô hại...Xong, ông để tôi đi.


- Ông đừng đi. – người bệnh vật nài - Ông sẽ ở lại với tôi cho đến lúc tôi đi khỏi đây nhá? Đi khỏi thế gian ấy mà. Ông gật đầu? Tôi biết: ông là người tốt. Một linh mục chân chính thì phải ở lại trước lời thỉnh cầu trước giờ lâm tử của một kẻ ngoại đạo, cho dù kẻ đó là tín đồ của Mohammed, của Thích Ca Mầu Ni, của chư thần Ấn Giáo. Hoặc là kẻ vô thần chẳng tin ở cái gì hết.


- Ông tự tin quá đấy, nhưng trong chuyện này, ông có lý – linh mục nói - Tôi sẽ ở lại. Bao lâu cũng được. Tôi đã hết bận công kia việc nọ rồi.


Trên đôi môi khô héo của người bệnh nở một nụ cười rất hiền.


- Cảm ơn ông. “Điểu chi tương tử kỳ thanh tắc ai, nhân chi tương tử kỳ ngôn tắc thiện”, con chim gần chết thì tiếng kêu ai oán, người ta gần chết thì nói lành, ông có nhớ câu ấy không? Chẳng lẽ lúc này tôi lại nói với ông những điều xấu xa hay ác độc?



Ông ta nói phải, linh mục nghĩ. Ai rồi cũng sẽ qua cái cầu ấy. Không biết rồi mình có sẽ cần gặp ai đó trong giờ lâm tử để trút bầu tâm sự không? Có lẽ mình cũng cần đấy, nhưng mình sẽ không nói ra, nói cho đúng, mình không dám nói ra. Xấu hổ lắm. Chẳng ai muốn bày ra chỗ yếu đuối của mình.


Như đọc được ý nghĩ của linh mục, bàn tay xương xẩu của người bệnh bóp nhẹ cổ tay ông. Linh mục mỉm cười. Ông thấy trong lòng vui vui. Ông nhớ đến một người bạn trong thời thơ ấu, với cái bóp tay đồng loã khi hai đứa trèo vào vườn người ta hái trộm khế ngọt.


- Ông sẵn sàng nghe tôi nói chứ, linh mục?


- Ông cứ nói đi, tôi đã ở lại thì tôi sẽ nghe ông.


Người bệnh im lặng một lát, có vẻ ông ta muốn sắp xếp lại những ý nghĩ lộn xộn trong đầu trước khi nói ra. Đêm yên tĩnh lạ thường. Nghe rõ những giọt sương nặng từ mái lá rơi xuống lộp độp.


- Tôi xin lỗi đã làm ông buồn.


- Không, tôi không buồn. Có gì mà buồn?


- Tôi không tin có Chúa, bởi vì nếu có Chúa thì tại sao trái đất của chúng ta lại như thế này? Chúa có quyền lực vô biên mà. Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tốt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện?


- Chúa đặt ra những thử thách cho con người để nó khẳng định mình, tự hoàn thiện mình – ông nói - Chỉ có một nơi ngự trị toàn sự tốt lành, ấy là Thiên Đàng, nước Chúa.


- Nhưng nó ở xa lắm. Mãi đời sau kia - người bệnh cười méo mó - Đạo Phật cũng có một cái tương tự là Niết Bàn – Nirvana. Linh mục có bao giờ nghĩ về sự vô lý này không? Với quyền lực vô biên, tại sao Chúa không dựng nước thiên đàng ở ngay đây, trên mặt đất nhầy nhụa mà chúng ta đang sống? Phải, tại nơi mà hàng triệu sinh mạng chết trong những cuộc chiến tranh chẳng có ích lợi gì cho họ, hoặc sống quằn quại dưới gót sắt của những bạo chúa, hoặc đi ra pháp trường bởi những lời xúi giục của đám chính trị gia lưu manh? Tại nơi có những giống nòi tự xưng thượng đẳng để đẩy những giống nòi khác vào chỗ diệt vong, nơi có hằng hà sa số nhà tù để giam đến chết những con người lương thiện thích sống bằng suy nghĩ chứ không thích sống để nghe lệnh?


Linh mục thấy mỏi mệt. Chẳng lẽ con người này lại dùng những phút cuối cùng của đời mình vào cái việc bàn luận chính trị chán ngắt? Như đoán được linh mục nghĩ gì, người bệnh lắc đầu:


- Tôi hiểu, ông chán. Ông chẳng lạ gì điều tôi vừa nói. Ông biết quá đi ấy chứ. Nhưng tôi dám chắc chẳng bao giờ ông trả lời được câu hỏi đó, bởi vì ở các chủng viện người ta cũng chẳng bao giờ dám động đến nó. Các ông, những linh mục, các ông chỉ là những ông thủ từ, làm việc canh đền. Trong đầu các ông chỉ có kiến thức của những con vẹt. Trước những câu hỏi như thế các ông thủ từ của mọi thứ đền lập tức chạy vội đến chỗ ẩn náu tiện lợi gọi là đức tin, và thế là xong. Tin và đừng bàn cãi. Amen!


- Lạy Chúa tôi lòng lành chẳng cùng! Trước khi chết ông muốn phỉ báng đạo Chúa hử? Có phải vì ý muốn đó mà ông mời tôi tới đây? - linh mục tuyệt vọng kêu lên – Ông nghĩ tôi là ai? Kẻ thù của ông chăng? Kẻ gây ra đau khổ cho ông chăng?


Đến lượt người bệnh thở dài. Đó là tiếng thở dài chán ngán. Nó giống như luồng hơi cuối cùng trong bễ lò rèn trôi ra khi người phụ rèn dừng tay.


- Linh mục ạ, vậy mà nhìn ông tôi nghĩ học vấn và tuổi đời đã làm cho ông tỉnh táo nhiều hơn cơ đấy, và ông sẽ là người đối thoại tốt trong đêm chót của cuộc đời tôi. Tại sao ông lại lảng tránh những câu hỏi tự chúng nảy ra trong đầu chúng ta, chứ không phải chỉ trong cái đầu tôi? Sau bằng ấy năm ta sống? Chao ôi, linh mục ơi linh mục! Tôi chẳng còn dịp nào khác đâu. Tôi cũng chẳng còn ai để nói ra những gì chất chứa trong lòng. Tôi đâu có định gây sự với ông. Bây giờ tôi chỉ còn có ông để mà tâm sự thôi. Tôi xin thề rằng tôi không hề có thù riêng với Chúa của ông.


- Thế thì ông báng bổ đạo Chúa mà làm gì? – linh mục bực bội, nhưng ông lại nghe thấy giọng mình rền rĩ - Sự xúc phạm tới Chúa của tôi chính là sự xúc phạm tới tôi, bởi vì tôi, phần xác cùng là phần hồn, đều thuộc về Chúa.


Ông phản bác người bệnh, nhưng lại cảm thấy những lời phản bác ấy là để cho chính ông. Cứ mỗi phút trôi qua ông lại thấy gần hơn với con người khốn khổ sắp lìa bỏ cõi đời. Ông tự phân tích tình cảm của mình và hiểu rằng cái làm ông không thể chối bỏ cuộc gặp gỡ này, bây giờ đã trở thành cuộc đối thoại, chính là vì ngay từ phút đầu tiên ông đã cảm thấy rằng con người này thực sự cởi mở cõi lòng với ông, một người hoàn toàn xa lạ, nhưng tin cậy ông trước khi ông tin cậy ông ta. Ngay cả những con chiên ngoan đạo khi xưng tội với ông cũng không có sự cởi mở thực tâm từ đáy lòng như thế.


Người bệnh lẩm bẩm điều gì, linh mục nghe không rõ. Để nghe rõ hơn ông phải ghé sát vào mặt ông ta.


- Cuộc đời bao giờ cũng rối rắm hơn ta tưởng. – người bệnh nói khẽ, đôi môi mấp máy, rõ ràng không chỉ để nói với linh mục - Hình như để cho cuộc sống dễ chịu hơn, hoặc để giải thích cuộc đời một cách giản đơn hơn, con người nào cũng cần đến Chúa…


- Giê-su, lạy Chúa tôi, ông lại báng bổ nữa rồi, chẳng lẽ ông chỉ nhìn thấy nơi Chúa một vật dụng tiện lợi?


Linh mục kêu lên.


- Không phải Chúa Trời hay Chúa Giê-su đâu, linh mục. – người bệnh nói, linh mục nghe trong giọng nói của ông ta có tiếng cười – Tôi nói về một Chúa nói chung cơ, Chúa với tư cách niềm tin ấy, Chúa không phải của riêng đạo nào, với tư cách Đấng Tối Cao ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự. Nếu Chúa không có sẵn thì chính con người cần có Chúa sẽ tự mình tạo ra Chúa, cho nhu cầu của nó. Khi đã có Chúa trong tay, bất kể là Chúa nào - Chúa tìm thấy, Chúa tạo ra, Chúa vay mượn, Chúa mua sắm, Chúa nhập cảng, tức thì nó lấy ngay Chúa mà nó sở hữu, Chúa của riêng nó, của phe phái nó tròng vào cổ đồng loại, coi đó là ưu thế của nó trên đồng loại, để được cảm thấy mình cao sang hơn đồng loại, chung cuộc là để thống trị đồng loại...


Linh mục không nói gì. Ông biết nói gì với những lời lảm nhảm ấy. Điều làm ông ngạc nhiên là bên trong những lời có vẻ báng bổ của người bệnh, có cái gì đó hữu lý, có thể cảm giác đó là do tính chất chân thành của lời nói gây nên.


- Linh mục, ông vẫn còn ngồi bên tôi đấy chứ? – người bệnh lặng đi một lát, bỗng kêu lên, thảng thốt.


- Tôi đây, - linh mục vội vã nói khi người bệnh làm một cử chỉ cố gắng để chồm dậy – tôi vẫn ngồi ngay bên cạnh ông đây mà.


Người bệnh thở ra một hơi dài.


- Vậy mà tôi thấy ông bị trôi ra xa đến nỗi tôi muốn với tới mà không được.


Linh mục đụng mấy ngón tay lên mí mắt nhắm nghiền của người bệnh. Cặp mắt mở ra, nhìn mà không thấy. Linh mục nghĩ có lẽ ông ta đang bước vào giai đoạn hấp hối. Nhưng người bệnh lại bừng tỉnh, cặp mắt lại trở nên có thần.


- Linh mục có gặp một người chết sống lại bao giờ không?


- Không, ông ạ.


- Tôi đã gặp hai người rồi đấy, họ chết hẳn rồi, cũng tin chắc như thế, nhưng rồi họ sống lại. Tôi hỏi họ thấy gì ở phút họ qua đời thì họ nói...


- Họ nói sao?


- Họ kể rằng lúc họ trút hơi thở cuối cùng, họ biết. Lúc đó, trí óc họ minh mẫn lạ thường, như thể chưa bao giờ họ minh mẫn như thế.


- Rất có thể.


- Họ còn kể rằng người họ nhẹ như một sợi bông vậy, và họ rơi vào một bầu trời xanh kỳ lạ, mầu xanh trong cuộc đời họ chưa từng gặp. Cả hai người hỏi mà tôi hỏi đều kể giống nhau.


- Người Thiên Chúa Giáo chẳng tin điều đó. – linh mục nói, bất giác rùng mình - từ trái đất mà đi chỉ có hai con đường: một là bị quỷ dữ kéo xuống địa ngục, hai là được các thánh thiên thần rước lên thiên đàng.


- Ông lại nói như sách rồi, linh mục ơi. - đôi môi khô héo của người bệnh đụng đậy, như thể ông ta cười - Ông chớ tin hoàn toàn ở Kinh Thánh. Đến cả Chúa Ki-Tô không phải bao giờ cũng thực thà. Trong Kinh tuần giảng bảy ngày có kể chuyện để hạ nhục bọn lái buôn thành Giê-ru-sa-lem, Chúa đã giả vờ không rửa tay trước khi ngồi vào bàn tiệc để cho chúng có cớ cười nhạo ông, để rồi sau đó có dịp mắng chúng về chuyện sơn hào hải vị bày ra trên bàn tiệc chẳng phải do chúng làm ra, bằng chính những bàn tay sạch sẽ đã được rửa trước khi ăn. Giả vờ, thưa linh mục, cũng là một dạng dối trá, tuy có nhẹ hơn. Xin linh mục đừng giả vờ bác tôi, khi trong lòng ông, ông lắng nghe tôi, bởi vì ông hiểu tôi đang nói thật và điều tôi nói đáng để nghe.



Linh mục giật mình. Người bệnh như nhìn thấy ông trần truồng đứng trước ông ta và ông cảm thấy hổ thẹn.


- Ông cũng đã nhìn thấy màu xanh ấy rồi chăng?


- Đúng, tôi đã thấy nó. Mới vài phút trước đây thôi. Đó là một màu xanh hết sức lạ lùng, màu xanh trời, thiên thanh, chứ không phải xanh nước biển, trong vắt và sâu vô cùng tận, cái nhìn của ta không thể xuyên thấu. Nó đẹp một cách vô cùng quyến rũ, đẹp đến nỗi không sao dứt ra nổi, tưởng chừng cứ nhìn thêm vào nó một lát thôi là ta sẽ trôi tuột vào trong đó, vào cõi mà vô thức bảo ta rằng chính đó là cõi vĩnh hằng.


Linh mục bối rối im lặng:


- Ông nằm yên một lát chăng? Nói nhiều, ông mệt đấy.


- Ồ không, không sao, tôi đã mệt cả cuộc đời rồi, có mệt thêm một chút cũng chẳng hại gì...- người bệnh khẽ lắc đầu, hoặc linh mục cảm thấy thế - tôi mệt vì bị dối trá, tôi mệt vì tôi dối trá người khác...Tôi còn mệt cả vì tôi tự dối mình nữa, linh mục ạ. Con người nào mà không giăng cho mình sợi tơ nhện dối trá để cho chính mình sa vào? Sự dối trá êm ái ấy mấy ai thoát khỏi? Êm ái và tiện lợi.


- Cuộc sống nào chẳng do Chúa cho ta.


- Một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa, phải thế không? Như vậy thì, thưa linh mục, ta tồn tại làm gì? Tồn tại không phải để làm cái gì khác ngoài sự thực hiện ý Chúa hay sao? Nếu chỉ để làm như thế thì Chúa của ta thật trái tính trái nết. Và cái sự thực hiện mù quáng của ta mới vô duyên làm sao!


Linh mục cảm thấy sức lực rời bỏ ông. Tại tuổi già, tại chuyến đi xa mệt nhọc, hay tại chính những lời lảm nhảm này. Tranh luận để làm gì khi mỗi con người nhìn chân lý từ một phía, như những anh mù sờ con voi, anh nói giống cái cột, anh nói giống cái quạt?


Hai người im lặng một lúc lâu.


Linh mục nghe rõ tiếng khò khè trong cuống họng của người bệnh và tiếng đập đôi lúc đứt quãng trong huyết quản mình. Trái tim ông sắp hết hạn làm việc mà Chúa ban cho nó rồi. Khoảng hai năm nay nó bắt đầu làm việc ì ạch, đập năm bảy nhịp rồi ngừng một nhịp, sau đó lại tiếp tục đập. Bao giờ nó sẽ ngừng hẳn không đập nữa? Và trong phút đó ta có nhìn thấy màu xanh ma quái mà người này vừa nói tới không?


Con tắc kè đầu hồi lại lên tiếng rất gần. Nó kêu lúc đầu dõng dạc, từng tiếng phân minh, rồi nhanh dần và nhỏ dần như ngán ngẩm không buồn kêu nữa.


- Ông ngủ đấy ư? – linh mục hỏi.


- Không, tôi suy nghĩ.


- Ông nghĩ gì?


Người bệnh mỉm cười, mắt nhắm nghiền.


- Tôi nghĩ không biết có nên xưng tội với linh mục không?


Linh mục vuốt ve bàn tay khô xác của người bệnh.


- Đừng cưỡng bức mình làm cái việc mà mình không muốn. Cái đó chẳng có lợi cho ai.


- Nhưng nếu tôi lại rất muốn?


- Tôi sẵn sàng nghe ông, bởi vì tôi đã ở lại đây, bên cạnh ông, như ông đòi hỏi.


Đầu người bệnh gục xuống ngực, không cất lên nữa. Mái tóc bạc xõa xuống che lấp cả vẻ ủ rũ ấy làm động lòng linh mục. Ý nghĩ về cái chết tràn ngập tâm hồn ông.


- Tôi đã sống trên tám mươi năm trên thế gian. Tôi đã phạm phải vô vàn tội lỗi và hằng hà sa số sai lầm. Nhưng điều tôi muốn nói với linh mục lại liên quan tới một con chiên của Chúa, do đó tôi mới muốn xưng tội với ông, hay là với Chúa của ông thì cũng thế, bởi vì tôi coi mình đã làm thiệt hại cho Chúa mặc dầu theo thuyết tiền định của chính đạo Chúa thì mọi việc xảy ra đều do một ý Chúa. Tôi thấy ân hận vì việc mình làm, có nghĩa là trong việc đó tôi có tội...


Linh mục đặt tay lên đầu người bệnh:


- Tôi xin nghe ông, ông bạn già ạ.


- Sao linh mục lại gọi tôi như thế?


- Ông không phải con chiên của Chúa, nhưng ông là một con người thật thà.


- Cảm ơn linh mục.


- Nào, ông nói đi, nói đi cho nhẹ lòng.


Người bệnh tử từ ngẩng đầu lên. Linh mục nhìn thấy trước mắt mình đôi mắt không có hồn đang rõi ra xa.


- Khoảng năm chục năm trước – khi tôi còn trẻ, tôi đã giết một người.


- Giết người, đối với bất cứ tôn giáo nào cũng đều là trọng tội.


- Nói cho đúng, trong cuộc đời tôi, tôi đã giết nhiều người, nhưng tôi không thấy ân hận bởi vì nếu tôi không giết họ nhanh hơn họ giết tôi thì tôi cũng chẳng còn. Nhưng người mà tôi nói lại là người khác hẳn.


Người bệnh ngừng nói để lấy hơi. Mà cũng có thể ông ta chọn lời.


- Hồi đó tôi chỉ huy một trung đội trinh sát. Chúng tôi đi qua một làng mà năm trước giáo dân vừa nổi loạn. Họ đã giết một số bộ đội. Giết một cách dã man, bằng cách trói họ trong tư thế quỳ trong đám xú vẹt ven biển để cho họ phải chết từ từ trong nước triều dâng lên chậm chạp.


- Lạy Chúa tôi! - linh mục kêu lên, làm dấu thánh.


- Đám nổi loạn mà tôi nói tới đã bị dẹp, tình hình đã bình ổn, một năm rồi mà. Tôi nghĩ rằng đi qua đó chẳng có gì đáng lo ngại. Đến giữa làng mới biết là mình nhầm. Chuông nhà thờ bỗng nổi lên lanh lảnh, trống thúc dồn dập, tiếng người hò la dậy đất, rồi hàng loạt giáo dân xông ra. Một số trong bọn họ nổ súng vào chúng tôi. Thế là chúng tôi nổ súng bắn trả…


- Giê-su!


- Tôi bỡ ngỡ, tôi bàng hoàng, nhưng tôi còn đủ tỉnh táo để hạ lệnh cho bộ đội chúc nòng xuống mà bắn. Tôi không muốn gây ra chết chóc...


- Có phải ở Nam Định không?


- Vâng, ở đấy. Trên đường truy kích những tên cầm súng bắn chúng tôi - tôi gặp một thanh niên nằm ngửa, mắt mở to. Anh ta đã chết, đạn xuyên qua bụng phá ra hông thành một lỗ toác hoác.


Linh mục nín thở theo dõi câu chuyện.


- Tôi dừng lại, vuốt mắt cho anh ta. Tại sao tôi lại làm như thế, tôi không hiểu. Tôi đã dự nhiều trận đánh, đã thấy nhiều xác chết trong đủ mọi kiểu chết...


Người bệnh dừng lại như để hồi tưởng.


- Tôi dừng lại vì vẻ thánh thiện trên gương mặt trong sáng của người chết. Anh ta đẹp quá. Mà cái đẹp sinh ra để làm gì nếu không phải để tạo ra niềm vui, để dành cho tình yêu? Lẽ ra anh ta phải sống, để ôm ấp trong tay một người con gái đẹp, xứng đáng với anh ta. Để rồi cô gái sẽ sinh cho anh những đứa trẻ đẹp như bố mẹ chúng. Vậy mà anh ta đã chết...


Linh mục nuốt nước bọt. Họng ông bỗng khô khốc.


- Ông đã có ý nghĩ của Chúa. – linh mục nói – Người có ý nghĩ của Chúa là người có lòng lành.


- Có thể chính tôi đã giết anh ta. Trong chiến trận nói chung chẳng ai biết kẻ nào phía bên kia đã chết vì viên đạn của mình...Khi những người sẵn sàng tử vì đạo kia xông lại, tôi đã bắn, và không phải chỉ một băng đạn. Họ hung hăng quá, tôi nghĩ họ đã nốc rượu vào khi xung trận...


Người bệnh lặng đi trong cơn xúc động, cái đầu nặng nề lại gục xuống, mái tóc bơ phờ lại che khuất gương mặt mà linh mục rất muốn được thấy trong lúc này.


Linh mục bối rối, ông muốn nói điều gì, nhưng không cất nổi lời. Người sắp chết ngẩng mặt lên. Nhưng đôi mắt đã đục chẳng còn thấy gì ở phía trước.


Hai người im lặng một lúc lâu.


- Rồi sau thì sao? – linh mục run run hỏi.


Người bệnh thở dài:


- Đoạn kết ông đã biết nó thế nào.


Linh mục rùng mình.


- Vâng, tôi biết. – ông xúc động nói – Ông đã nhận ra tôi.


- Vâng, đến vùng này tôi đã gặp ông, đã nhận ra ông.


- Ông đã giết em tôi?


- Tôi không dám nói chắc. Tôi chỉ nói rằng rất có thể chính tôi đã giết anh ấy. Xác chết nằm trên đường đi của những viên đạn của chúng tôi. Nhưng tôi đinh ninh chính tôi đã làm điều đó...


- Sao hôm ấy ông lại ngăn không cho những người lính của ông bắn chết tôi khi tôi vác dao lăn xả vào chém ông? Vết thương ở vai chắc còn đấy. Tôi nhớ, máu chảy ra xối xả, vọt đẫm mặt tôi...


- Còn cái sẹo, linh mục ạ. Nó đây.


Người bệnh đưa tay lên để vạch áo, nhưng cánh tay vừa giơ lên đã rơi thõng xuống. Linh mục nhích lại gần giúp ông ta. Khi linh mục trật vai áo của người bệnh ra ông nhìn thấy một vết sẹo thâm xì sâu hoắm.


Người bệnh nhìn ra phía trước, xuyên qua linh mục xuyên qua bức vách, tới một nơi nào rất xa.


- Bây giờ thì tôi hiểu vì sao ông không mời linh mục nào khác mà cứ đòi gặp chính tôi. – linh mục buồn bã nói, kéo cổ áo cho người bệnh để che đi vết sẹo – Ông muốn biết tôi bây giờ thế nào...


- Cái quả đã xứng với cái cây. – người bệnh nói – Tôi chẳng than phiền.


- Hạt thiện gieo xuống đâu thì cây thiện mọc lên ở đó. Tôi hằng cầu nguyện cho ông. Nếu không có ông gạt nòng súng ra thì viên đạn của người lính đã kết liễu đời tôi...


- Tôi không nghĩ tới làm ơn. Bản năng thiện trong tôi đã làm việc đó.


Linh mục đặt tay lên vai người bệnh:


- Ông không có vợ con sao? Ở đây tôi chỉ thấy những người cháu.


- Có chứ. Rồi tôi cũng có một gia đình. Tôi có vợ, có hai đứa con. Nhưng chiến tranh đã xoá sạch dấu vết cái gia đình ấy. Như thể bằng một nhát chổi...


Con tắc kè lại kêu lên một hồi, tiếng của nó vang động trong rừng đêm.


- Mấy giờ rồi, thưa linh mục?


- Có lẽ đã gần hai giờ sáng. Tôi không mang đồng hồ. Từ lâu, thời giờ đối với tôi chẳng còn ý nghĩa.


- Ông ở lại với tôi đến cùng nhé?


- Tôi sẽ ở lại.


Người bệnh ngẩng đầu lên, hướng cái nhìn mà không thấy vào mặt linh mục. Linh mục bối rối đảo mắt qua nơi khác.


- Tôi đã xưng tội. Bây giờ ông hãy nhân danh Chúa của ông mà tha tội cho tôi đi.


Linh mục ngập ngừng, rồi làm dấu thánh trên đầu người bệnh.


- Chúng ta đều có tội trong điều răn thứ nhất...


- Chớ giết người! – người bệnh nói.


- Tôi cũng có tội. Như ông. Hôm đó tôi đã bắn về phía các ông.


Tôi nhìn thấy một người lính ngã xuống trước họng súng của tôi. – linh mục nói – Viên đạn bắn trúng anh ta có thể không phải là của tôi, tôi không dám nói chắc, nhưng cũng như ông tôi nghĩ viên đạn là của tôi. Lúc đó tôi còn trẻ. Có lẽ trẻ hơn ông. Lúc đó chúng tôi nhìn các ông như kẻ thù không đội trời chung. Chúng tôi đã quên lời dạy của Chúa: "Hãy thương yêu người ta như mình vậy". Chính tôi là một trong những người được bề trên sai trói chín anh bộ đội vào đám xú vẹt năm trước đó. Trong số chín người ấy có một anh bộ đội rất trẻ. Khi tôi trói anh ta, anh ta nhìn tôi và thật ngạc nhiên, tôi không thấy trong đôi mắt ấy có một chút oán giận, một chút căm thù. Chỉ có sự ngỡ ngàng, bối rối, như trước một điều khó hiểu. Tôi đứng gần đấy cho đến khi nước triều lên chậm chạp, bắt đầu vượt qua đầu gối họ, lên tới bụng họ, rồi tới ngực họ. Cả chín người đều im lặng. Tôi chờ anh thanh niên kia van xin tha chết, nhưng anh ta im lặng. Tôi không chịu nổi cái nhìn ấy hơn nữa, tôi không còn sức để chịu đựng hơn nữa, tôi hấp tấp bỏ đi vài phút trước khi nước lên tới cằm họ...



Linh mục quỳ xuống trong một dáng điệu trịnh trọng.


- Tôi cũng xưng tội ấy với ông. Chính việc làm của ông đã làm bản năng thiện trong tôi bừng tỉnh. Ông đã cắt đứt sợi dây của cái ác luân phiên. Từ đó tôi nguyện suốt đời làm tôi tớ Chúa, ghé vai vác cây thập ác nặng nề của ý Chúa cứu rỗi loài người…


Người bệnh ngồi im lặng như nhập định.


Linh mục ngước mắt lên, hai tay chắp trước ngực.


- Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần, kẻ tôi tớ Chúa xin Chúa lòng lành tha mọi tội lỗi cho những đứa con dốc lòng chừa cải…


- A-men!


Cầu nguyện xong, linh mục ngồi lên giường, đối diện với người bệnh, nắm lấy hai bàn tay lạnh giá của ông ta. Người bệnh hiểu cái nắm bàn tay gần gũi và thân thiết ấy:


- Xin vĩnh biệt linh mục. Ông có thể đi được rồi đấy. Ý nguyện của tôi đã được thực hiện. Từ khi biết linh mục ở đây, tôi rất mong được gặp lại...


- Chúng ta đã gặp nhau. – linh mục bóp mạnh bàn tay khô xác – Tôi mừng gặp lại ông, ân nhân của tôi.


- Ân nhân gì? Đó là ý Chúa. Vĩnh biệt!


- Khoan hãy vĩnh biệt. – linh mục thảng thốt kêu lên – Bây giờ tôi không muốn đi đâu hết. Tôi muốn ngồi lại với ông.


- Chúng ta còn có chuyện gì để nói nữa đâu? Những gì cần nói, thì tôi đã nói hết rồi.


Linh mục một lần nữa bóp chặt hai bàn tay người bệnh.


- Bây giờ đến lượt tôi muốn hỏi ông. - ông nói, hổn hển vì quyết định của mình – Chúa của ông là ai?


- Tôi không có Chúa.


- Ông có Chúa của ông. Như chúng tôi có Chúa của chúng tôi.


- Không, tôi không có Chúa. Nói cách khác, tôi từng có một thứ như thế...


- Ông đã là người cộng sản, phải không?


- Ông muốn nói một đảng viên cộng sản?


- Vâng.


- Trong ý nghĩa ấy thì không. Bây giờ thì không.


Người bệnh cười to theo cách của ông ta, há miệng không thành tiếng và đôi vai gầy rung rung.


Khi hai vợ chồng người cháu hé tấm liếp nhìn vào căn lều, họ thấy linh mục và người sắp chết ngồi ôm nhau trên giường, người nọ gục vào vai người kia, hai đôi vai gầy thỉnh thoảng giật lên khe khẽ trong ánh sáng nhợt nhạt của cây tọa đăng đã cạn dầu.


1988-2004

Tâm Như - Cảm Nhận về bài viết "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" của Vũ Thư Hiên

-


Con đường dài hai mươi cây số dẫn đưa linh mục đến gặp kẻ liệt gập ghềnh khúc khuỷu. Căn nhà ẩn sâu giữa rừng hoang vắng. Sự sống leo lét như mấy vệt sáng vàng vọt của đèn dầu lọt qua khe cửa*, cho thấy đời nghèo khó là một ngõ hẹp, ai đã vào không tìm được lối ra. Nhưng cảnh thanh bần chẳng khiến chủ nhân phải bận tâm, họ chỉ lo lắng trước nguy cơ kẻ liệt sẽ bị mất linh hồn. Chính vì thế theo đúng ước muốn của bệnh nhân, họ đã cất công mời linh mục đến, để người đã quên sạch kinh bổn được ơn giở lại đạo, được sinh thì trong tay Chúa.


Linh mục lắng nghe người bệnh kể chuyện. Những lời hiền lành của người sắp chết như mũi tên xuyên thủng tấm bia tôn giáo, cắm phập vào hồng tâm điểm của tín lý nhiệm mầu, chọc thủng niềm tin của linh mục bằng sự thật phũ phàng, mà người bệnh cảm nghiệm suốt tháng năm sống trong chốn khách đầy: "Tôi không tin có Chúa, bởi vì nếu có Chúa thì tại sao trái đất của chúng ta lại như thế này? Chúa có quyền lực vô biên mà. Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tốt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện?" *


Linh mục trả lời: "Chúa đặt ra những thử thách cho con người để nó khẳng định mình, tự hoàn thiện mình. Chỉ có một nơi ngự trị toàn sự tốt lành, ấy là Thiên Đàng, nước Chúa." *


Người bệnh đáp lại: "Nhưng nó ở xa lắm. Mãi đời sau kia. Đạo Phật cũng có một cái tương tự là Niết Bàn – Nirvana. Linh mục có bao giờ nghĩ về sự vô lý này không? Với quyền lực vô biên, tại sao Chúa không dựng nước thiên đàng ở ngay đây, trên mặt đất nhầy nhụa mà chúng ta đang sống? Phải, tại nơi mà hàng triệu sinh mạng chết trong những cuộc chiến tranh chẳng có ích lợi gì cho họ, hoặc sống quằn quại dưới gót sắt của những bạo chúa, hoặc đi ra pháp trường bởi những lời xúi giục của đám chính trị gia lưu manh? Tại nơi có những giống nòi tự xưng thượng đẳng để đẩy những giống nòi khác vào chỗ diệt vong, nơi có hằng hà sa số nhà tù để giam đến chết những con người lương thiện thích sống bằng suy nghĩ chứ không thích sống để nghe lệnh? " *



Tại sao thế nhỉ? Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tốt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện? Một vấn nạn đến lúc gần lìa đời, người bệnh vẫn không tìm ra câu trả lời. Ai người trước đã qua. Ai người sau chưa đẻ. Ai đang sống hôm nay. Có ai biết vì sao Đức Chúa quyền phép vô biên ở khắp mọi nơi, mà trên trái đất vẫn dư đầy chiến tranh, tội ác, nghèo đói? Có ai biết vì sao Đức Chúa hằng hữu là sự thật là sự sống, mà nhân loại vẫn phải gian dối, vẫn phải chết tức tưởi hay không? Có ai biết vì sao Đức Chúa hiền lành và khiêm nhường, lại để cõi người ta rơi vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một cuộc chiến tranh giành hơn thiệt mà phần thắng chẳng thuộc về bất cứ một phe phái nào. Cùng đường tận số lao lung, cơn giông biển động ngàn trùng bể dâu! Người bệnh mở ra, rồi đóng sầm ngay lại một chân trời tôn giáo huyễn mông, mặc nhiên đặt Đức Chúa trong phương trình vô nghiệm, tách bạch rạch ròi cảm quan riêng, khi cân đo đong đếm nỗi đau nỗi khổ của cuộc đời. Suốt tháng năm làm lính ông nổ súng không ít lần, nhưng chưa bao giờ ông hối tiếc hay đau khổ, bởi vì như ông nói "...tôi không thấy ân hận nếu tôi không giết họ nhanh hơn họ giết tôi thì tôi cũng chẳng còn..." * Điều khiến ông day dứt cho đến phút cuối đời, là cái chết của người thanh niên tại xứ đạo ngày xưa. Ông nói với linh mục mà như nói với chính mình: "...Trên đường truy kích những tên cầm súng bắn chúng tôi - tôi gặp một thanh niên nằm ngửa, mắt mở to. Anh ta đã chết, đạn xuyên qua bụng phá ra hông thành một lỗ toác hoác... Tôi dừng lại, vuốt mắt cho anh ta. Tại sao tôi lại làm như thế, tôi không hiểu. Tôi đã dự nhiều trận đánh, đã thấy nhiều xác chết trong đủ mọi kiểu chết...Tôi dừng lại vì vẻ thánh thiện trên gương mặt trong sáng của người chết. Anh ta đẹp quá. Mà cái đẹp sinh ra để làm gì nếu không phải để tạo ra niềm vui, để dành cho tình yêu? Lẽ ra anh ta phải sống, để ôm ấp trong tay một người con gái đẹp, xứng đáng với anh ta. Để rồi cô gái sẽ sinh cho anh những đứa trẻ đẹp như bố mẹ chúng. Vậy mà anh ta đã chết..." *


Lời xưng tội của người bệnh khiến toàn thân linh mục ớn lạnh. Ông chân thành qùy xuống, thú nhận: " Tôi nhìn thấy một người lính ngã xuống trước họng súng của tôi. Viên đạn bắn trúng anh ta có thể không phải là của tôi, tôi không dám nói chắc, nhưng cũng như ông tôi nghĩ viên đạn là của tôi. Lúc đó tôi còn trẻ. Có lẽ trẻ hơn ông. Lúc đó chúng tôi nhìn các ông như kẻ thù không đội trời chung. Chúng tôi đã quên lời dạy của Chúa: 'Hãy thương yêu người ta như mình vậy.' Chính tôi là một trong những người được bề trên sai trói chín anh bộ đội vào đám xú vẹt năm trước đó. Trong số chín người ấy có một anh bộ đội rất trẻ. Khi tôi trói anh ta, anh ta nhìn tôi và thật ngạc nhiên, tôi không thấy trong đôi mắt ấy có một chút oán giận, một chút căm thù. Chỉ có sự ngỡ ngàng, bối rối, như trước một điều khó hiểu. Tôi đứng gần đấy cho đến khi nước triều lên chậm chạp, bắt đầu vượt qua đầu gối họ, lên tới bụng họ, rồi tới ngực họ. Cả chín người đều im lặng. Tôi chờ anh thanh niên kia van xin tha chết, nhưng anh ta im lặng. Tôi không chịu nổi cái nhìn ấy hơn nữa, tôi không còn sức để chịu đựng hơn nữa, tôi hấp tấp bỏ đi vài phút trước khi nước lên tới cằm họ..." *

Tôi thinh lặng nghe sóng triều vang động, cả một đại dương khắc khoải sầu, khi đọc "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" của kẻ liệt và linh mục. Tưởng như hôm xưa, tôi chứng kiến máu chàng trai nhuộm đỏ xứ đạo. Tưởng như hôm xưa, tôi nhìn thấy con nước triều dâng nhận chìm anh bộ đội. Hai thanh niên còn rất trẻ đã bị tước đoạt quyền được sống làm người, đã chết vì hận thù của kẻ khác, đã chết vì những lỗi lầm không do họ gây ra. Lòng thanh trong như ngọc, họ chết mà vẫn không hiểu vì sao mình lại trở thành vật tế thần cho những ông chúa nào đó, mà đảng phái này hay phe nhóm nọ đã nhào nặn thành, như lời người bệnh minh họa: "Khi đã có Chúa trong tay, bất kể là Chúa nào - Chúa tìm thấy, Chúa tạo ra, Chúa vay mượn, Chúa mua sắm, Chúa nhập cảng, tức thì nó lấy ngay Chúa mà nó sở hữu, Chúa của riêng nó, của phe phái nó tròng vào cổ đồng loại, coi đó là ưu thế của nó trên đồng loại, để được cảm thấy mình cao sang hơn đồng loại, chung cuộc là để thống trị đồng loại..."


"Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" hay là tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn? Người bệnh xưng tội không chỉ vì chàng trai là em ruột của linh mục, mà bởi vì ông còn muốn được linh mục - người đại diện cho tầng lớp từng bị thể chế của ông truy sát, giết hại - nói lời tha thứ cho ông. Ông muốn tháo gỡ gút thắt ở trong lòng, muốn được là anh em bạn hữu của "kẻ thù" trước khi đi vào cõi vĩnh hằng có màu trời xanh trong suốt, không vương máu người vô tội. Linh mục xưng tội không chỉ vì đã can dự vào việc giết anh bộ đội trẻ, mà còn muốn thay mặt giáo đoàn của ông thú nhận rằng, ông đã không sống đúng lời kinh thánh giảng dạy "Hãy thương yêu người ta như mình vậy." Ông đã khiến cả và thiên hạ thấy Chúa Chiên Lành của ông cũng "độc tài," như bất cứ vị chúa nào trên thế gian này. "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" còn là ẩn dụ giúp tôi hiểu một điều vô cùng quan trọng: Họ - người bệnh và linh mục - đến phút cuối đời đã nhận biết, họ thật là anh em cùng giống nòi, cùng tổ quốc, cùng quê hương. Tay đứt ruột xót. Họ không thể bất hòa, không thể không khiêm tốn thú nhận lỗi lầm với nhau, bởi vì dù ở đâu, làm gì, họ vẫn có chung một nguồn cội.


Xin chân thành cảm ơn tác giả Vũ Thư Hiên, người đã viết "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm", một bài học thâm thúy về sự hòa giải, sự tha thứ, và lòng yêu thương.


Ước mong tôi và những người cùng chung nguồn cội, không phải đến cuối đời mới nhận ra nhau.


Tâm Như


6:25am Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2013

*. Những câu trích từ "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm"

- Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến:
Một Lời Xin Lỗi
Trong hơn nửa thế kỷ qua, có lẽ, đây là lần đầu tiên công luận mới được biết đến một điểm son (hiếm hoi) trong hệ thống lao tù ở Việt Nam – theo như tường thuật của phóng viên Trọng Thịnh, trên Tiền Phong Online:

Ngày 28/6, tại Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Sau hơn nửa năm, đã có gần 600 bức thư...
Ông Nguyễn Văn Quý (Xã Phú An, Nhơn Trạnh, Đồng Nai), cha của nạn nhân Nguyễn Văn Lợi đã rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư xin lỗi của phạm nhân Từ Khánh Thiện – người đang thụ án về tội giết con ông...
Bà Nguyễn Kim Oanh (Hố Nai, Trảng Bom, Đồng Nai), mẹ của nạn nhân Lê Văn Vũ thì không tin rằng kẻ trong băng nhóm giết con mình là Nguyễn Minh Quang lại gửi thư cho bà. Dù còn nguyên đó nỗi đau mất con nhưng dòng chữ chân thành của kẻ giết người đã khiến bà cảm động: “Hôm nay con muốn viết lên hai từ xin lỗi dù đã quá muộn màng và con biết rằng không thể nào làm cho bác quên hết buồn đau của những chuyện đã qua”.
Bà Oanh kể: “Tôi đã suy nghĩ nhiều lắm. Tội của thằng Quang thì pháp luật đã xử nó, mình giữ lại thù oán cũng chẳng được gì. Tuổi của nó còn trẻ, còn tương lai ở phía trước. Vì thế tôi muốn đích thân lên trại để nói tôi tha thứ cho cháu”.
Nguyen Minh Quang
Phạm nhân Nguyễn Minh Quang và bà Nguyễn Kim Oanh.
Ảnh:
Trọng Thịnh


Cũng trên Tiền Phong Online, vào ngày 21 tháng 10 năm 2013 vừa qua, lại có thêm một bài báo nữa (Trào Lưu Tự Thú Về Cách Mạng Văn Hoá Ở Trung Quốc) cũng cảm động không kém – do ký giả Sơn Duân lược dịch:


Với tư cách Chủ tịch Hội Cựu học sinh giai đoạn 1966 -1968 tại Trường trung học Bắc Kinh số 8, Trần Tiểu Lỗ (67 tuổi) đứng dậy, cúi đầu và đại diện cho các học sinh nói lời xin lỗi vì làm nhục và đánh đập thầy cô giáo trong thời Cách mạng Văn hóa. Các cựu học sinh khác cũng làm theo Trần. Những lời nói hối hận hòa lẫn với ngôn từ an ủi và nước mắt tuôn tràn trên các khuôn mặt. Theo tờ China Daily, trước khi tổ chức cuộc gặp, Trần đã đăng tải lời xin lỗi trên trang blog của nhóm cựu học sinh vì “trách nhiệm trực tiếp trong việc lên án và đưa nhiều người đến trại cải tạo”. Theo ông Trần, lời xin lỗi tận đáy lòng của ông với các thầy cô và bạn cũ “dù muộn nhưng cần thiết”.


Cuối bài viết này, sau khi đăng lại trên trang Đàn Chim Việt, có vị độc giả đã gửi đến phản hồi như sau:


Tudo.com says: Vậy khi nào CS VN sám hối về Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm miền Bắc ?


Câu hỏi (khá) bất ngờ này khiến tôi chợt nhớ đến một đoạn văn của blogger Cu Làng Cát:


Gia đình tôi, bị quy địa chủ trong những năm tháng cải cách ruộng đất. Đó là điều vô lý, thật là vô lý. Đến bây giờ bố tôi và tôi vẫn không hiểu vì sao một gia đình nghèo đói như thế này, bỏ tất cả theo kháng chiến, không một mảnh đất cắm dùi thời kỳ đó mà vẫn bị quy là địa chủ... Bố tôi kể, đợt cải cách ruộng đất oan sai nhiều lắm.


Người oan toàn người giỏi, người tài và rất nhiều Đảng viên bị giết... Tôi đã nhiều lần ngồi nhậu với nhà thơ Ngô Minh, ông cũng mang trong mình nổi đau của oan sai cải cách ruộng đất. Khirượu vào mềm môi, tôi hỏi: “Chuyện gia đình chú bị quy sai địa chủ chú có đau không?”. Ông cười nhưng từng thớ thịt trên mặt giật liên tục, như đang cố nuốt một nổi đau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi…”


Nỗi đau này (chắc chắn) sẽ giảm bớt ít nhiều – nếu trong lần nhậu tới, vào lúc rượu vừa mềm môi thì bưu tá viên xuất hiện và đưa cho nhà thơ Ngô Minh một bức thư gửi từ Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ của nước CHXHCNV, với nội dung (đại khái) như sau:


Ngày … tháng… năm …


Kính gửi ….ông/bà…


Thay mặt Chính Phủ của nước CHXHCNV, chúng tôi xin trân trọng gửi đến ông/bà lời xin lỗi chân thành nhất về những mất mát, thiệt hại cũng như đau buồn đã xẩy ra cho gia đình và thân quyến do nhiều sai lầm (vô cùng đáng tiếc, và đáng trách) đã khiến cho cụ ông Ngô Văn Thắng bị oan mạng trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất – vào năm 1956. Chúng tôi kính mong được ông/bà bao dung chấp nhận lời xin lỗi muộn màng này




Ký tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng


Thử tưởng tượng xem hai vị nhà thơ và nhà báo của chúng ta sẽ ngạc nhiên cỡ nào khi đọc những dòng chữ ngắn ngủi và giản dị trên? Bữa đó, hai chả – không chừng – dám uống tới sáng luôn vì xúc động!


Hãy tưởng tượng tiếp: có chiều, khi ngày đã đi dần vào tối, một bưu tá viên (khác) sùm sụp áo mưa len lách vào đến căn nhà số 24 ngõ 267 2/16 Dường Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội để giao cho bà Ngô Thị Kim Thoa một bức thư khác – cũng gửi từ Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ:


Ngày … tháng… năm …


Kính gửi …


Thay mặt Chính Phủ của NCHXHCNV, chúng tôi xin trân trọng gửi đến bà lời xin lỗi chân thành nhất về những mất mát, thiệt hại cũng như đau buồn đã xẩy ra cho gia đình và thân quyến do nhiều sai lầm, vô cùng đáng tiếc, đã khiến ông nhà (thi sĩ Phùng Cung) vô cớ bị bắt đi biệt tích và giam giữ rất nhiều năm – sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm – vào đầu thập niên 1950. Chúng tôi kính mong được bà bao dung chấp nhận lời xin lỗi muộn màng này…
Ký tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng


Cũng vào buổi chiều mưa này, một bức thư khác nữa – với nội dung gần tương tự – đã được gửi đến bà Lê Hồng Ngọc ở ngõ số 26 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nộị… Đêm hôm ấy ngọn đèn dầu trên bàn thờ của Phùng Cung và Hoàng Minh chính có thể sẽ được khêu sáng hơn một tí, chỉ tí xíu thôi nhưng chắc cũng đủ làm cho những gian nhà quạnh quẽ của các bà quả phụ (đang bước vào tuổi tám mươi) được đỡ phần lạnh lẽo.
me gia
Nguồn ảnh: haigt.dva.vn


Có những bức thư khó chuyển hơn vì người nhận sinh sống ở những nơi xa xôi, và hẻo lánh hơn nhiều:


Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Địa Dư không bao giờ có địa danh “Đèo Bá Thở”. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn … Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang …


Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.


Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi “bá thở”. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.”



“Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Được vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:


- Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi... (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Đèo Bá Thở”. Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn: Westminster, CA 2001).


Tôi hy vọng (mỏng manh) rằng có thể vẫn còn đủ thời gian để thêm một bức thư khác nữa, cũng từ Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ, đến kịp Bên Kia Đèo Bá Thở. Dù đây chỉ là một bức thư chung, gửi đến hàng vạn người, với chữ ký đã in sẵn chăng nữa – chắc chắn – nó vẫn được người nhận trang trọng cất giữ mãi cho đến khi nhắm mắt.


- Cứ thư từ linh tinh khắp nơi như thế (e) nhiêu khê, phiền phức, và tốn giấy mực quá không?


- Dạ, không đâu. Tôi tin rằng số tiền hơn bốn trăm tỉ đồng (để xây Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng) không chỉ đủ để gửi thư xin lỗi mà còn có thể gửi thêm cả hài cốt (thật) của rất nhiều người lính đến (vô số) những bà mẹ đang thoi thóp – Bên Kia Đèo Bá Thở.


Còn với hàng trăm ngàn tỉ đã chi cho Vinashin thì (ôi thôi) cả nước – từ Nam ra Bắc – chắc ai cũng có thể nhận được một lá thư xin lỗi về những chuyện đáng tiếc đã qua vì gia đình có người bị chôn sống trong hồi Tết Mậu Thân, có người bị vùi thây trong trại cải tạo, có người bị chìm nghỉm trong lòng đại dương, hay cả dòng họ tan nát và tứ tán vì những cuộc cải tạo công thương nghiệp…


Những bức thư xin lỗi kể trên, nếu được viết bằng thiện ý và lòng thành – chắc chắn – sẽ tạo dựng lại được ít nhiều niềm tin đã mất (từ lâu) trong lòng người, và làm mờ bớt (phần nào) nào cái nét bất nhân của chế độ hiện hành. Điều đáng tiếc là “thiện ý” cũng như “lòng thành” vốn không hề có trong thâm tâm của những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, bất kể thế hệ nào.


Tưởng Năng Tiến

-Nước mắt thứ tha và những lá tâm thư của phạm nhânVNExpress
"Suốt thời gian qua con chưa từng ngừng dằn vặt về tội ác của mình. Cứ đến đêm con lại cầu cho linh hồn anh ấy được siêu thoát", phạm nhân giết người thổ lộ trong lá gửi cho cha nạn nhân. Ngày 9/11, trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước) đã tổ chức ...
Phía sau những lá thư xin lỗi
Phạm nhân viết thư xin lỗi gia đình, người bị hại- Làm thế nào để chống bức cung? Tuổi Trẻ
10/11/2013 08:07 (GMT + 7). TT - Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra với những người tiến hành tố tụng nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi. Tin bài liên quan. Làm thế nào để chống bức cung? (10/11) · Gia đình học sinh tự tử có đơn khiếu nại (19/10) ...

6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn

Công lý đã được bảo vệ như thế nào?

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Triệu tập những người bị cho là ép cung

-

-Mỹ: 34 năm ngồi tù oan

-SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN

-


-

--
-SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN (P1) (11/07/2013)
Mời các bạn cùng xem PHẦN 1 (trong ba phần) của phim tài liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN do đài SBTN thực hiện để nói lên những tội ác mà Đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc gần 70 năm vừa qua. Từ Cải Cách Ruộng Đất tại nông thôn miền Bắc trong những năm 1953-1956; cải tạo Công Thương Nghiệp khởi động năm 1957 tại các thành thị Bắc vĩ tuyến 17; lần khởi động cuộc chiến xâm chiếm miền Nam năm 1960 để tạo nên những cuộc thảm sát của Mậu Thân Huế 1968; Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị; Thị Xã An Lộc năm 1972; tiếp theo đó là hiệp định chính trị được gọi là Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam 1973 để làm tiền đề cho lần chung cuộc đánh chiếm miền Nam bằng vũ lực của năm 1975 gây nên đau thương cho cả dân tộc và sau đó gần 2 triệu người phải bỏ nước ra đi bắt đầu từ 30 Tháng 4, năm 1975...

Để xem trọn các chương trình của SBTN, xin hãy liên lạc với DirecTV hoặc các hãng cable địa phương của quý vị. 
To watch the full programs of SBTN, please contact Direct TV or your local cable providers. 

© Saigon Broadcasting Television Network (SBTN): http://sbtn.net
© Youtube: http://youtube.com/SBTNOfficial
© Facebook: http://facebook.com/SBTNOfficial
© Twitter: http://twitter.com/SBTNOfficial

Address: 10517 Garden Grove Blvd. Garden Grove, CA 92843
Email: sbtn@sbtn.tv



SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN (P2) (11/07/2013)



Mời các bạn cùng xem tiếp PHẦN 2 (trong ba phần) của phim tài liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN do đài SBTN thực hiện để nói lên những tội ác mà Đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc gần 70 năm vừa qua.
Xem thêm




SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN (P3) (11/07/2013 )
*******************************

Việt Cộng thảm sát dân Phú Yên năm 1964




Việt Cộng thảm sát dân Phú Yên năm 1964





Sau khi Tổng Thống Diệm bị ám sát năm 1963 , Việt Cộng nằm vùng trong miền Nam tăng cường khủng bố , liên tục dùng mìn gài trong xe cho nổ giữa thành phố và chôn mìn trên các đường lộ có đông dân qua lại để giết người khủng bố tinh thần , gây hoang mang sợ hãi .




Từ năm 1962 đến giữa năm 1965, theo số liệu của Ủy ban kiểm soát quốc tế , ít nhất 54.235 thường dân ở miền Nam đã bị thiệt mạng , bị thương , hoặc bị bắt cóc bởi Việt Cộng .




Bấm vào link dưới đây để xem nguồn từ bài viết từ báo chí tiếng Anh , hình ảnh lấy từ link này , bài viết cũng dịch từ bài tiếng Anh trong link này




>>> http://vnafmamn.com/VNWar_atrocities.html




Một vài tháng trước tờ báo LA Times đã có một loạt các bài báo tiết lộ hành động tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam . Bạn nghĩ gì về những hành động tàn bạo này? Bill Laurie, một thú y từng làm việc ở Việt Nam cũng là một nhân vật quen thuộc trong nhiều hoạt động chính trị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là tại UTA , Texas vào năm 2006 , đã trả lời 1 bằng loạt những hình ảnh cho thấy Việt Cộng khủng bố giết dân miền Nam như thế nào . Mời xem một số hình ảnh phim tài liệu và một số hình "mẫu" của Việt Cộng khủng bố.




Nhưng hãy nhớ , từ lâu trước khi từ "Al-Qaeda" trở thành một tên quen thuộc , Việt Cộng đã là "mẹ của tất cả các khủng bố !" Và nếu bạn nhạy cảm với những hình ảnh của cái chết bạo lực , suy nghĩ kỹ trước khi bấm vào các bức ảnh thu nhỏ dưới đây.




VIỆT CỘNG GÀI MÌN TẠI PHÚ YÊN




Mìn do Việt Cộng gài đã giết 54 người dân VN , bao gồm 4 trẻ em . ( Những hình ảnh trên đây được thực hiện bởi Dịch vụ Thông tin Việt Nhiếp ảnh gia ) Sài Gòn , vào ngày 14 tháng 2 năm 1964 .




54 dân thường Việt Nam , trong đó có 4 trẻ em, đã thiệt mạng và 18 người bị thương bởi 3 trái mìn Việt Cộng chôn tại một con đường ở tỉnh Phú Yên . Việt Cộng gài mìn trên đường là nhằm trả đũa cho một hoạt động của đồng minh bảo vệ thu hoạch vụ lúa . Khu vực này đã phải nhập khẩu 600 tấn gạo hàng tháng vì Việt Cộng kiểm soát phần lớn của cây trồng khiến người dân không có gạo ăn .




Vụ nổ đầu tiên , tạo ra 1 một hố rộng ba mét trên đường và khiến 1 xe buýt bắn tung lên trời , đã làm chết 27 nông dân trên đường đến làm việc trong các lĩnh vực gần Tuy Hòa . Mười một người khác bị thương .




Một chiếc xe buýt ba bánh , chở nam giới, phụ nữ và trẻ em , đã cán nhầm trái mìn thứ hai giết chết 20 và làm bị thương bảy người.




Một xe buýt ba bánh khác bị trúng trái mìn thứ ba , giết chết 7 người .




Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến các vụ Việt Cộng gài mìn kể từ đầu năm 1964 khi 22 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã thiệt mạng khi xe buýt của họ cán vào 1 trái mìn được gài bởi Việt Cộng.




Vụ việc điển hình cho các tội giết người và cướp bóc mà Việt Cộng đang khủng bố miền Nam .




Từ năm 1962 đến giữa năm 1965, theo số liệu của Ủy ban kiểm soát quốc tế , ít nhất 54.235 thường dân ở miền Nam đã bị thiệt mạng , bị thương , hoặc bị bắt cóc.







*********************************************************************
GiẾt cán bỘ vƯỢt ngỤc



Mấy ngày nay tôi đã đọc quyễn sách” Không Quân hằn nổi nhớ” của bạn gửi tặng. Trong quyển sách có 1 số bài viết về tù cải tạo của anh em KQ nói riêng và QLVNCH nói chung làm tôi liên tưởng đến cái chết của Nguyễn Hưng Quốc khoá 72G và không cầm đươc nước mắt khi nhớ đến Quốc. Chuyện đau lòng nầy, tôi đã giử kín suốt hơn 30 năm, chỉ kể cho vài người bạn thân… Ngày đại hội Liên Khóa 72,73 tại Cali năm 2003, tôi có đưa danh sách anh em đã chết cho MNT cất giử để làm tài liệu khi cần thiết.

Thật là đau lòng cũng như hoài niệm về Dỉ Vãng đã qua 30 năm mà Tôi cứ tưởng mới xảy ra hôm qua. Hôm nay Tôi gửi mail này đến với anh em để được làm Nhân Chứng sống trong câu chuyện những Anh Hùng thật Gan Dạ, thật Dũng Cãm, bất khuất trước mũi súng Cộng sản Dã Man Vô Lương tâm không có tình người, giết đồng loại như giết thú vật không hơn không kém ..


Ngày 19 tháng 1 năm 1979, sau 3 ngày 2 đêm từ thành Ông Năm trại Công Binh Hốc Môn. Một đoàn xe tải ( loại xe hàng chở rau cải hoặc chở heo ) chở 426 tù Cãi Tạo đến Trại Gia Trung vào lúc 5 giờ chiều. Với khí hậu lành lạnh của miền Cao Nguyên cũng làm cho mọi người hoang man lo sợ, từ trong xe anh em nhìn qua khe hở của tấm bạt phủ kín thấy toàn là những công an áo vàng trang bị súng AK ,B40.. đứng đầy đặc dưới sân dàn hàng ngang để chuẩn bị lùa đám cải tạo vào trại. Ngoài trời tuy lạnh nhiệt độ khoãng chừng 18 độ C mà người nào cũng cảm thấy mồ hôi ra ướt cả áo… Không biết chuyện gì sẽ xảy đến đây? Chúng nó để anh em ngồỉ trong xe trên 3 giờ đồng hồ, mọi người trên xe quá mệt mỏi, có người bắt đầu muốn xĩu vì quá lo sợ. Với không gian im lặng chưa từng thấy, bốn bề chỉ thấy rừng và rừng mà thôi. Mổi người theo đuổi 1 suy nghĩ riêng về số phận sắp xảy đến cho mình. Viễn ảnh người thân gia đình,cha mẹ, vợ con có lẽ từ giờ phút nầy sẽ vĩnh viển không bao giờ gặp lại nữa. Có những câu kinh Phật,Thiên chúa bắt đầu phát lên nho nhỏ của ai đó….. Việc gì đến rồi cũng phải đến, bọn công an ra lệnh mở bung cửa sau xe cam nhong, bên ngòai tiếng đạn lên nòng răn rắc. Chúng nó lùa bọn tù cải tạo vào bên trong hàng rào kẻm gai đi vào từng dãy nhà đã xây sẵn từ bao giờ. Mỗi nhà khoảng 50 mét vuông chứa 70 tù cải tạo ( các bạn tưỡng tượng với 50 mét vuông ấy cho 70 người tù ấy sẽ nằm ngủ ra sao ???). Bên ngoài chúng khóa cửa lại thât chắc chắn bởi những tên Trật Tự (tù hình sự). Trứơc tương lai đen tối mù mịt của những người tù đã phát sinh trong đầu “ Vượt ngục” không thể sống như thế nầy nửa.

Công an thành lập nhiều đội… từ đội 1 đến 24. Tất cả Thiếu Úy của mọi quân binh chũng đều được tập trung vào ĐỘI 11 là đội được trại chú ý nhiều nhất, cũng là đội ba gai nhất, chống đối nhiều nhất.. Trong đó có những người sau đây đã đi vào huyền thoại câu chuyện “” GIẾT CÁN BỘ VƯỢT NGỤC”” :

1. Nguyễn Hưng Quốc KQ72G,

2. Nguyễn Hòang Sơn KQ72B,

3. Thái Sỉ quan Không Lưu Pleiku (mất tích)

4. Nguyễn Mạnh Hùng Hải Quân ( nghe nói định cư tại Canada )

5. Giám Hải Quân,

6.Tiền Quốc Quyền Biệt Kich 81,

7.Trần văn Hòa Biệt Kích 81,

8. Khánh Trinh sát SD5BB ( anh Giám và Khánh tôi không nhớ họ và chử lót).

Thưa các bạn bây giờ tôi xin đi thẳng vào câu chuyện vượt ngục theo trí nhớ của tôi..

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 12 tháng 4 năm 1979, Đội 11 được phân công lao động trên sườn đồi cách trại khỏang gần 1 cây số. Trước 2 ngày cũng lao động tại chổ nầy anh Tiền Quốc Quyền (BK81) có hỏi tôi trong giờ giải lao :

Quyền:

-ê Sơn mầy nhắm từ đây tới chân núi trước mặt là bao xa?

Sơn:

-Tôi là Không Quân làm sao mà tính chính xác được, Nhưng tôi cũng nói đại khái là khỏang hơn 10 cây số, nếu đi cả ngày cũng không tới. Ủa mà mầy dân biệt kích mà sao hỏi tao? ( Chính sự đối đáp nầy lọt vào tai người nào đó mà tôi phải chịu mọi hậu quả sau khi tóan người nầy giết cán bộ vượt ngục).

Trong khi đội trưởng đội 11 Lý Lai Bữu ra lệnh cho anh em thu dọn đồ nghề gồm có cuốc, xẻng, rựa gom lại 1 chổ có tóan khác vác về.. mọi ngày cũng như mọi ngày, công việc cũng như vậy thôi..Vừa lúc ấy Nguyễn Hưng Quốc đi lại gần tôi nói nhỏ:

-Niên trưởng cho Quốc mượn cái rựa.

Tôi cũng vô tình đưa cho Quốc (vì hôm nay tôi xữ dụng để chặt cây rừng). Quốc cười cười thật tươi nói với tôi:

- Xin lổi niên trưởng nha !!

Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì lệnh thu dọn mà sao Quốc lại mượn rựa để làm gì? Tôi đứng nhìn theo Quốc,thật không ngờ Quốc đã dùng cái rựa oan nghiệt ấy nhào người tới chém liên tục trên đầu tên cán bộ Quản giáo đến khi máu tuôn xối xả mà Quốc vẩn không ngừng tay, còn tên quản giáo vẫn ôm xiết cây AK47 đang dằng co với Quyền. Tất cả mọi người trong đội chứng kiến tại chổ mà không 1 ai dám lên tiếng vì sự việc xảy ra quá bất ngờ đối với anh em. Mọi người chưa kịp nghĩ phải ứng phó thế nào, thì nghe tiếng súng ở phía đội lò gạch đang làm việc dưới chân đồi bắn lên báo động. Trên trung tâm trại Gia Trung đang ở trên đồi phía trái cũng đồng loạt nổ súng về hướng đội 11 ( anh em cứ nghĩ ngày xưa ở quân trường mình đã từng bò hỏa lực như thế nào thì ở đây trong trường hợp nầy còn nguy hiểm gấp ngàn lần). Lúc nầy mọi người lo sợ cùng nằm rạp xuống và tìm nơi ẩn nấp tại chổ, khi tôi nhìn lại hướng của Quốc và Quyền thì thấy quản giáo nằm bất động, còn Quốc và Quyền đã biến mất……!!!!!!!!!…….??????

Nếu tôi không đưa rựa thì Quốc có hành động hay không??? Tôi đã ân hận về chuyện nầy suốt 30 năm.

Chừng 10 phút sau tôi nghe tiếng hò hét của CACS đang tấn công lên đồi. Họ vừa tiến lên , vừa bắn xối xả trên đầu anh em trong đội 11. Khi họ tiến được lên đội 11, họ đạp bừa bải lên anh em tù đang nằm tại chổ và dí súng vào đầu những ai muốn đứng dậy. Một tóan CACS tiếp tục truy đuổi những người vượt ngục nổ súng liên tục về hướng Quốc và Quyền, một tóan khác thì dìu tên quản giáo đi cứu cấp ( tên nầy may mắn chỉ bị thương, chưa phải đi thăm già hồ). Tất cả mọi người vẫn nằm yên tại chổ đến khi trời sắp tối thì bọn CACS mới kêu mọi người đứng dậy tập họp điểm danh. Tôi nghiệp anh đội trưởng Ly Lại Bửu già ( khỏang 40 tuổi người Hoa run lập cập điểm danh anh em, nói không ra lời và thiếu tất cả 7 người… Quốc, Quyền, Hùng, Giám, Hòa, Khánh và Thái.

Sau khi về trại chúng lùa anh em vào nhà giam, không cho ăn uống gì hết… Khỏang hơn 2 giờ sau, ngoài trời tối như mù, ai cũng lo sợ cho số phận của 7 anh em mình, thì bên ngòai có tiếng mở khóa phòng bởi trật tự viên và 1 công an tên Phòng kêu anh Ly Lai Bửu đi nhận diện xác người. Đi với anh Bửu còn có khỏang 6 người tù hình sự mang theo cuốc xẻng để đào mồ chôn anh em nào đó đã chết. Khỏang gần nửa đêm anh Bửu trở về trong tâm trạng thất thần, mặt anh Bửu xanh xám thảm hại chưa từng thấy trên gương mặt già khắc khổ của anh, không ai ngủ được, có người quá bi quan sợ ngày mai chúng đem ra bắn bỏ hết. Anh Bửu kể lại việc chôn anh Quốc và Quyền không có hòm, không có gì để quấn xác hai anh. Quyền bị bắn ngay trên trán và trên ngực chết tại chổ cách nơi giựt súng không bao xa.. Riêng Quốc cũng bị bắn nát ngực nhưng không bị trúng trên đầu nên không chết liền, chắc anh đã oằn oại đau đớn dử lắm cho nên trên mặt đầy đất, cát và miệng thì ngậm đầy đất. Năm người còn lại thì đã chạy biến vào trong rừng sâu. Anh Bửu nghe cán bộ nói chuyện với nhau là: Quyền và Quốc đã can đảm đúng lại dùng súng bắn cản đường công an để cho đồng đội chạy thóat cho nên mới chết gần nơi lao động cách đó không xa, nhưng rất tiếc vì công an trang bị đạn trong súng chỉ có 2 viên để dành bắn báo động khi có người vượt trại .

Sau một tuần không ra khỏi trại đi lao động, mọi người trong đội 11 đều phải làm tờ tường trình sự việc và phải tố giác những ai có liên quan đến tóan người vượt ngục. Hơn một tuần lể hơn 40 người sống trong lo sợ, đầu óc căng thẳng. không ai nói chuyện với ai, ngày nào cũng ngồi viết từng trang giấy nầy sang trang giấy khác dù nội dụng mọi người có khác nhau, nhưng cũng giống như những gì đã khai viết ngày hôm qua (biết viết gì đây?). Đây là sự hành hạ của cán bộ công an CS đang giết chết từng người qua từng bản kiểm thảo. Họ khủng bố tinh thần những con người còn lại một cách tàn nhẫn, nhìn lại những khuôn mặt anh em hiện diện không còn hình thù của con người nửa mà giống như những xác chết biết cử động mà thôi…

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, buổi sáng lần đầu tiên tù nhân được kêu ra ngoài tập họp để đi lao động. Sau khi tòan trại viên hơn 700 người từ tù cãi tạo và tù hình sự đang ngồi ngòai sân chờ cán bộ trực trại đọc tên từng đội đi ra ngoài trại, nhưng buổi sáng hôm nay ngồi gần tiếng đồng hồ thì ban chỉ huy trại xuống với hơn mười tên cán bộ chỉ huy và một số vệ binh cầm súng AK47 bao quanh tòan trại. Trại trưởng là trung tá TUNG đứng trước mặt tù cải tạo cầm danh sách đọc tên những người tình nghi có liên quan đến tóan 7 người vượt ngục :

1. Nguyễn Hòang sơn,

2. Trần văn Hòa,

3. Nguyễn văn Quốc.

Tất cả 3 người nầy cùng đội 11 có liên quan mật thiết đến tóan 7 người “ Giết cán bộ vượt ngục”, tất cả được lệnh tống vào phòng biệt giam cách ly. Một tuần sau khi bị đánh đập tàn nhẩn, bị cùm 1 chân không cho ăn uống, bắt phải nhận tội là mình có tham gia vào chuyện vượt ngục, có lẻ cũng không khai thác được gì ở hai anh Hòa và Quốc… Hay vì lý do nào đó họ lại thả 2 anh Hòa và Quốc trở về trại. Còn tôi tiếp tục bị tra tấn dã man, mỗi ngày bị 2 trận đòn thù ( vì có người khai là tôi hướng dẩn cho Quyền đi tới chân núi).

Ngày 15 tháng 5 năm 1979, buổi tối khỏang 7 giờ, tôi nghe tiếng la hét ,tiếng cửa xích sắt mở ngòai phòng giam. Một tên cán bộ đút đầu vô cửa nói:

-Sơn ! bạn mầy đã về tới rồi, coi mầy còn chối cãi nửa không .

Thât sự lúc ấy tôi thật hoang mang, không biết ai bị bắt lại và bắt lại mấy người ? Vì trời tối như mực, nhìn ra thì không thấy rõ người nào…chỉ thấy rất nhiều công an đã nhào vô đánh tới tấp ai đó liên tục. Tôi chỉ nghe tiếng rên la cũa người bị đánh và tiếng cười nói thõa mãn của bọn công an đánh người bị nạn. Mãi đến 2 ngày sau, tôi mới biết được đó là Nguyễn Mạnh Hùng và Khánh. Khánh bị đạn bắn xuyên thẳng từ bụng ra sau lưng không được băng bó vết thương. Trong thời gian nầy có BS Hòang Huy Cơ (là em của BS Hòang cơ Bình ứng cử viên phó Tổng Thống thời Ông Ngô Đình Diệm???) thay băng tạm thời vì đã có giòi và mủ ra thật nhiều.. không 1 mũi kim tiêm thuốc, không 1 viên thuốc nào hết, nhưng tinh thần của Khánh rất là vững tâm và lạc quan, xem như không có chuyện gì.

Phòng biệt giam của tôi ở sát bên Khánh cho nên anh em đã tâm sự thật nhiều mỗi khi trời tối và nhờ vậy tôi biết và xin kể tiếp hành trình cũa 5 người sau khi chạy thóat ra bìa rừng…

Khánh kể lại: Trong kế họach Quốc và Quyền sẻ hành động ngày 12 tháng 4 nhưng ngày đó chỉ có 1 cán bộ quản giáo mà không có vệ binh đi theo ( thường thì có 2 vệ binh và 1 quản giáo đi theo đội lao động) không hiểu sao ngày nầy chỉ có 1 tên quản giáo? Nhiệm vụ của Quyền là cướp súng AK vì Quốc không biết xử dụng, phần Quốc là hạ gục tên quản giáo vì Quốc có Karate, còn tất cả anh em còn lại phải rút chạy về hướng núi trước mặt và hẹn gặp nhau ở ngã ba tam biên. Xin lưu ý các bạn điểm nầy, anh Thái KQ kiểm Báo ở Pleiku không có nằm trong tóan nầy như đã bàn bạc trước. Theo tôi và Khánh nghĩ là anh Thái tự động bỏ chạy khi thấy có biến động, cho nên trong tóan nầy không có mặt anh và cho đến nay Thái đã mất tích hòan tòan, không thấy bị bắt về và cho đến ngày hôm nay gần 30 năm không có ai biết được Thái còn sống hay đã chết trong rừng…..

Trở lại câu chuyện trên, sau khi Quốc và Quyền ở lại bắn yểm trợ cho anh em chạy vào rừng gồm có Khánh, Hòa, Giám, Hùng. Họ đã đi liên tục không có ngày và cũng không có ban đêm, chỉ biết nhắm về hướng Tây mà thôi. Cuối cùng họ cũng đã đến ngã ba biên giới. Vì lầm tưởng đã ra khỏi biên giới VN, họ tính chuyện nằm nghỉ xã hơi sau những ngày chạy liên tục, nhưng vì đói quá nên lẻn vào nhà dân trộm khoai mì đã bị du kích phát hiện, Giám và Hòa 1 lần nửa giựt súng du kích và bị bắn chết tại chổ, còn Khánh bỏ chạy nên bị bắn theo 1 loạt AK , may mắn chỉ có 1 viên trúng vào lưng bị bắt về với Hùng.

Trong thời gian biệt giam, 3 người Sơn, Khánh, Hùng vẩn tiếp tục bị đánh đập và bỏ đói, nhịn khát . Tôi bị biêt giam và cùm chân cho đến ngày thứ 53 thì được khiêng ra cho về trại với hình thù như 1 con quái vật ( nhà bếp đem cân tôi chỉ còn 29kg) và trong 53 ngày có 19 ngày ói ra máu tươi, có lẽ vì vậy họ thả tôi ra khỏi biệt giam?? Hai ngày sau Khánh đã chết không đươc nhắm mắt trong khi chân vẫn còn bị cùm khi phát hiện. Còn Hùng thì được trả về 1 tháng sau trong hòan cảnh thân xác không khác gì tôi.

Thưa các bạn, đã 30 năm qua rồi, tôi rất sợ khi nói chuyện nầy vì đau lòng cho những anh em đã nằm xuống mà tôi không giúp gì được cho họ. Cuối năm 1981 tôi được thả về, thì gia đình Tiền Quốc Quyền (người Hoa) có đến gặp tôi và cho biết đã bốc mộ của Quyền đem về chùa tại quận 10 Sàigòn , ngoài ra còn những anh em khác tôi không liên lạc được. Hôm nay không hiểu sao tôi lại nói lên tất cả những bí ẩn về cái chết của anh em trại tù Gia Trung, mà chỉ có tôi và Nguyễn Mạnh Hùng là nhân chứng sống. Nếu Nguyễn Mạnh Hùng ở đâu đó tình cờ đọc chuyện nầy, xin anh hãy giúp bổ túc những gì còn thiếu sót.

Hôm nay tôi viết bài nầy để thay thế nén hương lòng thấp lên cho những Anh Hùng tuổi trẻ của QLVNCH sống Hào Hùng , chết Vẽ Vang cho Tổ Quốc VN dù trong trại ngục tù cộng sản hay ngòai chiến trường..

Nguyễn Hoàng Sơn

72B KQVN, PD231, tù cải tạo K1, trại Gia trung 1975-1981

Tổng số lượt xem trang