Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Sáu thành viên đoàn cưỡng chế nhà bị chém

-Sáu thành viên đoàn cưỡng chế nhà bị chém
Lúc 20 giờ ngày 22.11, theo thông tin từ Cơ quan CSĐT - Công an Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), cơ quan này đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Ngô Văn Hảo (50 tuổi) và Ngô Văn Hiếu (20 tuổi, cùng ngụ 139/1B Vành Đai Phi Trường, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều) để điều tra làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
Sáu thành viên đoàn cưỡng chế nhà bị chém
Hung khí chém thành viên đoàn cưỡng chế bị thu giữ - Ảnh: Mai Trâm
Theo kết quả xác minh ban đầu, khoảng 8 giờ cùng ngày, Cơ quan Thi hành án Q.Ninh Kiều thi hành quyết định cưỡng chế trục xuất giao nhà, đất tại căn nhà số 139/1B Vành Đai Phi Trường của ông Ngô Văn Hảo và bà Đỗ Thị Mỹ. Khi lực lượng chức năng đọc quyết định cưỡng chế, ông Hảo và con trai là Ngô Văn Hiếu không chấp hành mà khóa cửa cố thủ bên trong. Lúc này, lực lượng xung kích Q.Ninh Kiều (thành viên đoàn cưỡng chế) tiếp cận ngôi nhà thì ông Hảo và Hiếu dùng đá và chai nhựa đựng xăng ném vào lực lượng cưỡng chế, cầm dao và rựa cố thủ trong nhà. Đến lúc lực lượng xung kích Q.Ninh Kiều và Cảnh sát 113 tiếp cận được vào nhà thì bị Hảo và Hiếu dùng dao, rựa tấn công, gây thương tích cho 6 người trong lực lượng cưỡng chế.
Sau đó, ông Hảo và Hiếu bị khống chế, bị giao cho Công an P.An Hòa lập biên bản phạm tội quả tang. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm: 1 bình gas (loại 12 kg), 1 cây rựa cán dài, 3 cây dao gỗ cán dài, 2 dao Thái Lan và inox, 1 can nhựa màu trắng đựng xăng cùng nhiều tang vật khác. Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, trong số 6 người bị tấn công, có Hà Thanh Long (20 tuổi) bị chém ở cánh tay rất sâu, những người khác bị chém ở đầu, mặt.
- Tự thiêu trước nhà trung tá công an phường (TN).

- Đề xuất lùi thông qua Luật Đất đai (VnEco). - Thu hồi đất phải vì lợi ích quốc gia (CP). - Bao giờ hết chính sách hai giá đất?(VNN). - Xác định trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thu hồi đất (TTXVN). - Cần giới hạn trường hợp thu hồi đất (NLĐ). - Phải đưa tư tưởng của Bác Hồ vào Luật Đất đai (ĐT).- Dân đồng thuận mới thông qua quy hoạch sử dụng đất (TN). - Quốc hội thảo luận Luật Đất đai: Băn khoăn cụm từ ‘Thu hồi đất’ (TP). - Nhà nước không can thiệp thu hồi đất cho dự án thương mại (LĐ). - Thu hồi đất phải sát giá thị trường (ANTĐ).
- Chất vấn (HQ). - Tự vấn sau chất vấn (LĐ).- Khiếu nại hành hung lại bị hành hung (RFA).

- CÂU CHUYỆN TẠI 38 KỲ ĐỒNG… (Facebook Anthony Le/ Huỳnh Ngọc Chênh).
Dân đồng thuận mới thông qua quy hoạch sử dụng đất
Nhiều ĐBQH cho rằng, chính sách “hai giá đất” là nguyên nhân làm phát sinh đầu cơ đất, phát sinh những vụ việc tiêu cực tham nhũng...
- Campuchia: Nhà hoạt động đất đai được phép tại ngoại (VOA).


Nghĩ về giải pháp cho những xung đột
13.08.2009

(WHĐ) - 1. Trong thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về nhà đất diễn ra công khai, được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc lan truyền trong dư luận, đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt một số vụ việc cụ thể mới đây, liên quan đến đất đai của cơ sở Công giáo, đã kết thúc bằng việc chính quyền sử dụng công lực (bắt giam và khởi tố hình sự nhiều người liên quan), càng khiến dư luận quan tâm với nhiều quan ngại. Mối quan ngại trong các tầng lớp nhân dân nảy sinh từ diễn tiến và cách giải quyết một số vụ tranh chấp.

Cách giải quyết tranh chấp đất đai, dựa trên Luật đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành, đã bộc lộ những bất cập. Do đó Luật đất đai 2003 đang được tu sửa cho phù hợp với tình hình mới.

Giáo Hội tại Việt Nam, qua văn kiện Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay do Đức cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký ngày 25-09-2008 tại Xuân Lộc, đã từng chính thức đưa ý kiến về sự cần thiết phải “sửa đổi cho hoàn chỉnh” đối với Luật đất đai 2003.

Trong văn kiện này, HĐGMVN thẳng thắn góp ý về tinh thần mà bộ luật về đất đai cần phải thể hiện:

“Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.”

Đất đai vốn là một tài sản, tư liệu sản xuất không thể thiếu được trong mọi nền kinh tế. Vì thế quản lý nhà nước về đất đai là một trong những chức năng đặc biệt quan trọng của các nhà nước.

Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Dù mang tư cách là đại diện chủ sở hữu nhưng Nhà nước có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đối với đất đai. Ví dụ, theo điều 5, Luật Đất đai, Nhà nước có các quyền: quyết định mục đích sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; định giá đất; quyết định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất... Với những quyền to lớn đó, nếu không có quy định ràng buộc chặt chẽ và cơ chế giám sát hữu hiệu thì khó tránh khỏi sự lạm dụng cuả những người nắm giữ quyết định đối với mọi vấn đề liên quan đến đất đai. Đó là tình trạng lạm dụng để đoạt lợi, nhất là khi đất đai trở thành một thứ hàng hóa có giá trị như hiện nay.

Thực tế cho thấy, đất đai hiện đã trở thành “tài sản”, “nguồn vốn”, “hàng hóa” trong nền kinh tế thị trường. Đây là tiền đề phát sinh lòng tham chiếm đoạt, thủ lợi trên đất đai.

Có thể nói, đất đai đã và đang trở thành một nguồn lợi béo bở nhất, đồng thời cũng dễ dàng nhất cho nạn tham nhũng. Do đó, không được bỏ qua mục tiêu ngăn chặn tham nhũng trong nội dung của Luật Đất đai.

Công nhận và bảo vệ quyền tư hữu của con người đối với đất đai, ngăn chặn tham nhũng, đó là những mục tiêu phải đạt được khi sửa đổi Luật Đất đai.

Thể hiện được tinh thần vừa nêu, Luật Đất đai mới thực sự được thiết lập vì con người và cho con người.

Đó cũng là một trong những cách giải quyết thiết thực những vướng mắc về đất đai, trong đó có vướng mắc về lịch sử sở hữu đối với nhà, đất, trường học, bệnh viện, cơ sở thờ tự của tôn giáo đã từng bị trưng thu, chiếm dụng.

2. Những vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai đang tồn đọng thành núi “hồ sơ chờ giải quyết” tại các cơ quan hữu trách, từ địa phương đến trung ương. Hơn nữa nó đã chuyển thành nhiều cuộc tụ tập đông người tại những cơ quan tiếp nhận dân nguyện ở Hà Nội, TP.HCM. Nhất là trong thời gian gần đây, đã xảy ra sự việc tại nhà thờ Tam Tòa (Quảng Bình) từ ngày 20-07-2009, khi sự kiện Tòa Khâm sứ Hà Nội, nhà thờ Thái Hà vẫn còn dư âm, chưa dứt.

Tại ba nơi vừa kể, đã diễn ra những sự việc đáng tiếc và đau lòng: xô xát giữa nhân viên công lực và giáo dân; chỉ trích nhau trên các phương tiện thông tin.

Trước tình hình đáng bi quan của hai sự kiện Tòa Khâm sứ và Thái Hà năm 2008, đặc biệt bàu khí đối đầu do các phương tiện thông tin tạo ra, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong văn kiện Quan điểm của Hội đồng giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, đã phải đưa ra nhận định:

“Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ.”

Và thẳng thắn yêu cầu những người có trách nhiệm truyền thông xã hội:

“Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính.”

Quan điểm trên được HĐGMVN phát biểu trong bối cảnh căng thẳng của hai sự kiện Tòa Khâm sứ và Thái Hà năm 2008. Tuy hiện nay chưa được nhắc lại trong sự kiện nhà thờ Tam Tòa, nhưng chắc chắn quan điểm của HĐGMVN về yêu cầu đặt ra cho giới truyền thông sẽ không hề thay đổi. Tinh thần cơ bản mà HĐGMVN mong muốn giới truyền thông, và không chỉ giới truyền thông mà còn mọi thành phần trong đời sống công cộng, là phải tôn trọng sự thật, vì:

“Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Phải luôn tôn trọng sự thật. Sự thật là trên hết. Nền tảng giải quyết mọi tranh chấp, đối đầu và xung đột là mưu tìm, thừa nhận và tôn trọng sự thật.

Sự thật của vấn đề tranh chấp vốn thuộc lãnh vực dân sự, thì không giải thích theo hướng chính trị.

Sự thật của việc diễn tả sự khiếu nại không phải là một hành vi hình sự, thì không dùng phương án giải quyết khiếu nại bằng con đường hình sự hóa vụ việc.

Sự thật của vấn đề đất đai thuộc về lịch sử quyền sở hữu, thì chỉ nên cùng nhau tìm kiếm và lắng nghe tiếng nói của các chứng cứ.

Sự thật của những việc “đòi đất” vừa qua - và của những đất đang được khiếu nại - không phải là những động thái đối đầu hoặc mưu tìm một lợi ích nào khác, ngoài việc phát biểu yêu cầu phải xác định sự chính danh khi sử dụng đất.

3. Người công giáo Việt Nam, qua các mục tử của mình trong chuyến Ad limina 2009, đã đón nhận những hướng dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về cuộc sống làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc:

“Anh Em cũng như Tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân.” (Trích Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại buổi triều yết dành cho các giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009 tại Vatican).

Quả thật, ngay trong những sự kiện “căng thẳng” giữa nhà chức trách ở một số địa phương với cộng đoàn công giáo tại đó, các Kitô hữu vẫn không từ bỏ và mất niềm tin về triển vọng “một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được” như lời ĐTC căn dặn.

Người công giáo Việt Nam thấu triệt hướng dẫn của Giáo Hội: “Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” (tlđd).

Vì thế, khi tình thế đòi hỏi phải nêu ý kiến phản biện, thì chỉ nhằm ích lợi chung của đất nước, không hề có bất kỳ tham vọng nào, ngoại trừ ước muốn góp phần thăng tiến đời sống vật chất và tinh thần của con người. Động thái phản biện của mọi người dân, trong đó có người công giáo Việt Nam, cần được hiểu đúng đắn là sự thực thi quyền được đối thoại thẳng thắn và chân thành, hướng đến mục tiêu công ích. Do đó mọi xuyên tạc đối với hành vi thiện chí nêu trên sẽ phá hoại con đường tìm kiếm chân lý, gây bàu khí bất hòa và bất tương kính, hơn nữa sẽ dập tắt nhiệt tình cống hiến cho đất nước của những công dân thành tâm.

Tất nhiên, cũng như mọi người dân thiện chí khác, người công giáo hoàn toàn hiểu rõ mọi thành quả đều phải có tiến trình. Muốn công cuộc đổi mới đạt kết quả tốt đẹp cũng phải có thời gian.

Cuộc sống xã hội ở nước ta, trong một thời gian dài, được tổ chức theo một lề lối khác với cộng đồng thế giới. Nay đất nước chuyển mình hội nhập, chưa thể ngày một ngày hai đạt đến những chuẩn mực đã mang tính toàn cầu. Vì thế cùng với mọi người dân thiện chí, người công giáo kiên nhẫn góp phần vào sự tiến bộ chung, khoan dung trước những thiếu sót, cùng ưu tư và cùng hy vọng với mọi anh chị em đồng bào của mình, trong đó có cả anh chị em đang đảm nhận chức trách trong bộ máy công quyền.

Mong ước thiết tha của chúng ta lúc này là, mọi thành phần trong xã hội đều được mời gọi bước vào mọi cuộc đối thoại, thảo luận, tranh biện.

Những cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.


BBT Website HĐGMVN (WHĐ)

Tổng số lượt xem trang