-1103 - TỘC VIỆT THỜI KHỞI NGUYÊN 5000 - 2879 TTL-http://www.danhgiactau.com
1.1 Định kiến.
Trong mấy ngàn năm qua, người Trung Hoa luôn huyênh hoang rằng nền văn minh và văn hóa vùng Á Đông đều phát xuất từ tộc Hoa ở lưu vực Hoàng Hà.
Sách vở Trung Hoa đã áp đặt định kiến Tộc Hoa là giống dân cổ xưa và tiền tiến nhất ở vùng Á Đông. Người Trung Hoa là nguồn phát xuất nền văn minh và văn hóa tuyệt vời của Á Đông.
Mọi giống dân trong vùng có được như ngày hôm nay là nhờ Trung Hoa ban phát ơn ích, nhờ học hỏi người Trung Hoa.
* *
1.2 Khảo cổ.
Ngày nay, khảo cổ chứng tỏ Dân Hoa đã thành hình trong vùng thung lũng Sông Vị không lâu trước khi thành lập Nhà Chu, năm 1046 ttl, cách đây 3150 năm.
Các khoa địa lý hình thể, khí hậu, môi sinh, nhân văn... lại phát hiện vùng Hoàng Hà khô cằn lạnh giá chỉ có thể là cái nôi của nền văn minh và văn hóa gốc du mục.
Đang khi đó, Tộc Việt đã phát xuất từ vùng Hồ Đồng Đình trước tộc Hoa gần 4000 năm. Vùng Hồ Đồng Đình và phụ cận lại là vùng đã phát triển ngành Nông nghiệp Lúa Nước từ hơn 6000 năm trước.
* *
1.3 Nông Nghiệp Lúa Nước và trước 1046 ttl.
Như thế, về thời điểm lẫn địa điểm, khảo cổ hiện nay đã minh xác những sự kiện trái ngược với những gì Trung Hoa tuyên truyền và áp đặt trong suốt 3000 năm qua.
Như thế, những gì mang vết tích và đặc tính Nông nghiệp Lúa Nước trong lịch sử, văn minh và văn hóa của vùng Á Đông, đều không phát xuất từ vùng du mục Thiểm Tây, đều không có nguồn gốc Hoa.
Như thế, tất cả những gì xảy ra ngoài vùng thung lũng Sông Vị trước năm 1046 ttl, đều không có sự tham dự của tộc Hoa, đều không có nguồn gốc Hoa.*1
* *
1.4 Đặt lại toàn bộ vấn đề Nguồn gốc.
Với phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu ngày một tinh vi và chính xác hơn, những nhà khảo cứu vô tư đều phải đặt lại toàn bộ nguồn gốc đích thực của nền văn minh và văn hóa Á Đông.
* *
Ghi chú Phần 1 :
*1 - Sách vở Trung Hoa có nhiều truyện tích về thời khai thiên lập địa, và nhiều trận đánh giữa các vị ‘thần’ đương thời. Nhưng tất cả đều do tưởng tượng và suy đoán, không có giá trị thực tế. - Bàn Cổ để ra 18.000 năm để tạo ra trời đất (!).
- Đọc bài Vài Minh định về Lịch sử Văn hóa Địa lý, đoạn 2.8.
* * * *
2.1 Vùng Hồ Đồng Đình.
Tộc Việt khởi nguyên ở vùng Hồ Đồng Đình khoảng năm 5000 ttl, cách đây 7000 năm.*2
Cũng như nhiều tộc dân khác trong lịch sử nhân loại, Tộc Việt và Văn hóa Việt khởi nguyên từ khi một cộng đoàn thể hiện và kiện toàn một nếp sống cá nhân và xã hội với những nét đặc trưng Việt.*3
Theo thời gian và điều kiện sinh sống, dòng tộc Việt dần dần tăng triển, lan rộng và ảnh hưởng tới các vùng chung quanh.
* *
2.2 Cư Dân Địa Phương.
Sự khởi nguyên của Tộc Việt và của Văn hóa Việt không có nghĩa là Tổ Tiên ta xuất hiện ở những chỗ không người. Cùng với các Ngài và chung quanh các Ngài, còn có những nhóm người cư dân lâu đời, với những nét đặc thù địa phương.
Tuy nhiên, theo đà phát triển đông đúc của dân Việt và của Văn hóa Việt, sau một thời gian, những đặc tính văn hóa và huyết thống của cư dân bản địa đã dần dần bị pha loãng, và đã không còn ở một tỷ lệ đáng kể.*4
* *
Ghi chú Phần 2 :
*2 - Thói quen hiện nay dùng lẫn lộn cách nói Việt : Tộc Việt, hoặc cách nói Hán Việt : Việt Tộc. Tuy nhiên, vào thời trước năm 1046 ttl, thời chỉ có Tộc Việt, chưa có tộc Hoa, thì chỉ có cách nói Việt. Ví dụ : Tộc Việt, Hồ Đồng Đình, Việt Thượng, Việt Lạc.
*3 - So sánh với sự khởi phát tộc dân và văn hóa của Do Thái ở thời xưa, và của Hoa Kỳ thời cận đại.
*4 - Đặc biệt đối với các di chứng khảo cổ về văn hóa, cần cứu xét tầm ảnh hưởng thực tại và hợp lý của chúng, qua thời gian.
* * * *
3.1 Vùng Đất Đồng Đình.
Ngoài những yếu tố chủ quan, việc khởi nguyên và hưng thịnh của một tộc dân còn tùy thuộc vào Vùng Đất Tổ, vào những điều kiện liên hệ mật thiết với cuộc sống Con Người.
Theo Truyền Thuyết, Tộc Việt phát xuất từ vùng Hồ Đồng Đình.
Hồ Đồng Đình ở sát phía nam trung lưu sông Dương Tử, vùng đất nay là tỉnh Hồ Nam. Mùa khô, hồ gồm sáu hồ nhỏ. Mùa nước, diện tích hồ tăng lên tới 20.000 km2, tích tụ nhiều phù sa màu mỡ. Sáu bảy ngàn năm trước, hồ còn rộng hơn nhiều.
Giữa hồ có hòn đảo lớn với 72 ngọn núi. Đảo thường được coi là nơi ẩn cư của đạo sĩ, nổi tiếng với phong cảnh thơ mộng. Nơi đây có thể được coi là tâm điểm khởi nguyên Tộc Việt.*5
* *
3.2 Đất Tổ ưu ái.
Tộc Việt và nền Văn hóa Việt đã khởi nguyên, tăng triển và lưu truyền lâu dài, phần lớn là nhờ những ưu ái Vùng Đất Nước Đồng Đình.
Tuy cũng là nền văn hóa gốc nông nghiệp Lúa nước, nhưng vùng đất Đồng Đình đã giúp cho nền Văn hóa Việt trở thành đặc biệt hơn nhiều văn hóa Lúa Nước khác.
Thành quả của Văn Hóa Việt đã giúp nhận ra một số điểm đặc biệt của vùng Đất Tổ.
1. Nơi phát sinh nền Văn hóa Việt đã là một vùng rộng lớn, ruộng đất phì nhiêu, sông hồ thanh khiết, nhiều tôm cá, mưa thuận gió hòa, không khí trong lành... thích hợp cho việc sản xuất thặng dư thực phẩm canh nông và ngư nghiệp, và cho sự sinh sôi nảy nở của Con Người.
Vùng đất lại không quá gần rừng núi xích đạo rậm rạp ẩm ướt độc hại, cũng không ở nơi lạnh giá, khô cằn, không sức sống.
Sông nước thanh khiết và khí hậu trong lành đã góp phần giúp con người khỏe mạnh sống lâu, ít bịnh tật, ít nạn trẻ sơ sinh chết sớm và giúp phát triển tài năng, phát triển đời sống tri thức và tinh thần.
2. Việc đồng áng và đánh cá thịnh vượng còn cần sự đóng góp công sức của tất cả mọi người.
Đây là môi trường góp phần tạo nên quan niệm sống quân bình giữa nam và nữ, giữa già và trẻ, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa gia đình và cộng đoàn.*6
3. Cuộc sống định cư sung túc, và bận rộn theo mùa, đã cho mọi người nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhờ đó, Tộc Việt đã sớm phát triển các ngành nghệ thuật như ca ngâm, múa hát, đàn địch, vẽ vời, ghi chép... võ thuật, điêu khắc, kiến trúc... Công nghệ cũng theo đó mà phát triển, đặc biệt ngành đồ gốm và luyện kim.
Cuộc sống thanh bình sung túc và việc phát triển nghệ thuật, lại cũng giúp con người nhận ra sức sống sáng tạo trổi vượt của mình, và giúp quân bình quan niệm đóng góp công sức giữa thể chất và tinh thần.*7
4. Cuộc sống ít bận tâm tới bon chen, giành xé đã giúp đời sống xã hội phát triển tốt đẹp, với nhiều thăng tiến tinh thần, tương thân tình nghĩa... qua nhiều hội họp vui chơi, hội hè đình đám, tết lễ...
Đời sống tâm linh của cộng đoàn theo đó mà khởi phát, với lễ nghĩa, với cưới hỏi, mừng sơ sinh, khao vọng, và nhất là với tang chế.
Cũng từ đó, cuộc sống con người và nhân phẩm được quý trọng thêm, con người nhận ra vị thế đặc biệt của mình trong trời đất, và thêm xác tín về Thế giới Bên kia, với sự hiện hữu và độ trì của Tổ Tiên Ông Bà.
5. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng góp phần quyết định việc phát triển và lưu truyền. Đó là vùng Đất Tổ đã không quá gần những tộc dân du mục hiếu chiến.
Nhờ đó, Tộc Việt đã có thời gian dài 5000 năm để tăng nhân số, mở rộng vùng sinh sống, và phát triển vững chắc một nền văn hóa đặc thù, trước khi bị bạo lực du mục từ phương Bắc xâm lăng và cướp phá.
* *
3.3 Nền Văn hóa tôn quý Con Người.
Tất cả đều bổ túc và hỗ trợ nhau, tất cả đều góp phần cho việc tăng triển nhân số nhanh chóng, cho việc khởi phát và kiện toàn một nền văn hóa quân bình giữa vật chất và tinh thần, giữa nam và nữ, giữa cá nhân và xã hội, giữa gia đình và cộng đoàn, giữa làng và nước, 50/50 trong mọi phương diện.
Cũng nhờ đó, con người được tôn quý đúng mức, mọi sức sống của con người được bộc lộ và phát triển toàn vẹn trong một xã hội cũng trọn vẹn là Người.
* *
Ghi chú Phần 3 :
*5 - Thời xưa, trước khi có tổ chức và có phân định ranh giới rõ ràng, nơi nào một tộc dân tập trung sinh sống thì nơi đó là vùng đất của tộc dân đó.
*6 - Trái lại, cuộc sống du mục lại cần sức mạnh thường trực. Phụ nữ bị yếu thế trong thời thai nghén.
*7 - Đang khi đó, đời sống khó khăn ở vùng đất khô cằn đã tạo ra nếp sống du mục thiên về bạo lực.
* * * *
4.1 Tên của Tộc Dân.
Từ nhiều ngàn năm trước, người Tộc Việt đã ý thức và hãnh diện về một nền văn hóa đặc thù ơn ích, và một nền văn minh kỹ thuật vượt bực, đặc biệt về canh tác, ngư nghiệp, đồ gốm, đồ đồng.
Vì vậy, ngay trong thời kỳ đầu, Tổ Tiên ta đã tự xưng là Việt. Việt còn có nghĩa là Vượt lên trước, đi trước, tiên tiến.
Cùng một tên ‘Việt’, nhưng thời xưa lại có ba chữ để ghi tên ‘Việt’ 越,粤,鉞. Mỗi chữ ghi nhớ một đặc điểm nổi bật của Tộc Việt.*8
* *
4.2 Tiếng Nói.
a. Sánh với tiếng Hoa, tiếng Việt khác tiếng Hoa không những trong từ ngữ, mà cả trong giọng điệu, cấu trúc và cách hành văn. Ngữ pháp Việt cũng tinh tế hơn ngữ pháp Trung Hoa.*9
Khác biệt rõ ràng nhất giữa tiếng nói Việt và Hoa là cách đặt trợ từ. Tiếng Việt đặt trợ từ ở sau tiếng chính, tiếng Hoa đặt trợ từ ở trước. [Ví dụ : Việt : áo đỏ, Việt Lạc. Hoa : hồng y, Lạc Việt].
b. Cách xưng hô.
Cách xưng hô bộc lộ mối tương quan giữa con người với con người, và bộc lộ nét đặc thù của một nền văn hóa.
Dân Việt có cách xưng hô và đối đáp khác lạ với nhiều giống dân khác. Thay vì dùng những từ ngữ tổng quát với người đối diện, như you, vous, nị... dân Việt dùng những chữ xác định rõ tương quan giữa hai người. Tiếng Việt dùng những chữ chỉ tương quan thân thích trong gia đình, như ông, bà, cô, bác, anh, chị, con, cháu... với cả những người mới gặp.
Thay vì chính thức gọi nhau bằng tên họ, như người Hoa, Pháp, Anh... người Việt gọi nhau bằng tên riêng. Tên họ nhắc tới một dòng họ, trong khi tên riêng chỉ chính cá nhân đó, từng người. [Ví dụ : Nguyễn Du. Thay vì ‘Mr Nguyễn, Nguyễn tiên sinh’... dân Việt gọi ‘Ông Du’].
Cách trả lời của dân Việt cũng độc đáo. Thay vì trả lời theo câu hỏi, người Việt trả lời theo ý nghĩ của người hỏi.*10
* *
4.3 Phong Tục.
Văn hóa Tộc Việt còn biểu lộ qua nhiều phong tục và tập quán đặc thù... khác hẳn với nhiều định kiến do giới thống trị Trung Hoa áp đặt.
Phong tục Việt vẫn trổi vượt hơn phong tục Trung Hoa, ở tinh thần quý trọng con người, quý trọng tình người, quý trọng nữ giới, vợ chồng bình đẳng, hạn chế kết hôn trong thân tộc, thể hiện nếp sống dân chủ, tinh thần dân tộc... và đặc biệt sự quân bình trong tâm tư, trong quan niệm sống.
Những phong tục đó vẫn còn tồn tại trong nếp sống hiện nay của đại chúng Việt Nam.*11
* *
4.4 Biểu Tượng.
Tộc Việt có biểu tượng Tiên và Rồng với nhiều hàm ý cao siêu tốt đẹp. Tiên Rồng cũng biểu trưng cho hai Ông Bà Khởi Tổ của Tộc Việt. Biểu tượng Tiên Rồng còn có thêm hiện biểu phụng long.
Các con số và màu sắc cũng có khác biệt. Màu đỏ là màu của Tộc Việt phương Nam. Người Tộc Việt quý thích số 2, 4, 9, mà ghét số 3.*12
Số 9 là số tròn đầy của Tộc Việt. Dân ta luôn tính theo bội số của số 9. [Từ thời Hán, số 9 đã bị giới thống trị Trung Hoa độc chiếm để dùng cho vua chúa, hoàng tộc].
* *
4.5 Niềm tin và Tết Lễ.
Thờ Trời và thờ kính Tổ Tiên là của Tộc Việt. Người Việt Lạc chúng ta, nay là Việt Nam, đã liên tục thờ Trời và thờ Tổ Tiên suốt sáu bảy ngàn năm qua. [Đang khi đó, ở phía Bắc, giới thống trị Trung Hoa lại giành quyền thờ Trời cho vua chúa, và quyền thờ Tổ Tiên cho giới quý tộc].
Nếp sống Việt lại còn lưu truyền và nổi bật nơi tinh thần và phương thức giáo dục mọi người qua các nghi thức và tục lệ của các ngày Tết Lễ.
Từ mấy ngàn năm trước, dân Việt đã chú trọng đến các Lễ Giỗ Tổ, Lễ các Vị Anh Hùng, Tết Đầu Năm, Tết Mặt Trời, Tết Mừng Trăng, Tết Mừng Mưa, Tết Xá Tội...*13
* *
4.6 Thiên về Mẫu Hệ.
Từ khởi nguyên cho đến cách đây 1700 năm, thế kỷ 3 dl, dân Việt thiên về mẫu hệ, phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Trên thạp Đông Sơn, cách đây 3000 năm, có hình vị Thủ Lãnh là một Bà.*14
Mãi tới 220 năm sau Thời Hùng, năm 40 dl, trong số các anh hùng tái chiếm toàn thể vùng đất Việt Lạc, vẫn có nhiều đội nữ binh, và số nữ tướng nhiều hơn nam tướng. Lại nữa, người nhận trách nhiệm lãnh đạo toàn dân, cũng lại là một nữ nhân, Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam Trưng Trắc.*15
Sau Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam hơn 200 năm, năm 248 dl, khi sử Trung Hoa phải ghi nhận thêm một cuộc khởi nghĩa khác của dân Nam, thì cuộc khởi nghĩa nầy cũng lại do một nữ nhân lãnh đạo. Vị lãnh tụ đó là Cô thanh nữ 23 tuổi, Bà Vua Triệu.*16
Mãi đến năm 541 dl, gần 300 năm sau Bà Vua Triệu, và cách đây chưa được 1500 năm, sử Trung Hoa mới để lại cho chúng ta tên một nam nhân làm thủ lãnh dân Việt Lạc, Đức Lý Nam Đế.*17
* *
4.7 Nghề Nông và Nghề Cá, Nghề Biển.
Kỹ thuật trồng lúa nước của Tộc Việt đã phát triển tinh xảo. Dân Việt đã sáng tác lịch chỉ dẫn việc cày cấy, và đã phát minh ra kỹ thuật dùng trâu cày ruộng.*18
Chính cuộc sống thịnh vượng, hồn nhiên, hiền hòa, và đầy tình người, đã giúp Tộc Việt hình thành một nền văn hóa xứng đáng và trọn vẹn Con Người, cho mọi con người. [Nên so sánh với mọi nền văn hóa trên toàn thế giới, đương thời và hiện nay].
Ngoài ra, trên vùng sông nước mênh mông, nghề đánh cá và ghe thuyền của dân Việt cũng đã phát triển tột bực.
Cho đến hiện nay, người dân miền biển vùng Tộc Việt luôn nổi tiếng thành thạo, và là chủ tể về hàng hải quanh vùng. [Dân Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Việt Nam].
* *
4.8 Tài Bắn Cung Nỏ.
Tài bắn cung nỏ cũng đã là một đặc điểm của dân Việt Lạc, vùng Việt Thượng. Thời trước, dân Việt Lạc đã có thể bắn tên vào búi tóc của nhau để truyền tin.
Thiên tài nầy đã thành truyền thuyết nỏ thần, bắn một phát giết ‘vạn’ quân giặc.
* *
Ghi chú Phần 4 :
*8 - Thứ chữ nay gọi là chữ nho, cũng là chữ của Tộc Việt. - Đọc bài Tộc Việt Thời Hùng 3, mục 5.1a và 5.2a.
Về 3 chữ ‘Việt’, đọc bài Bốn Chữ Việt Linh Thiêng, phần 2.
*9 - Đọc Nghiên Cứu Chữ Hán, do Vũ Thế Ngọc, nxb East-west Institute, San Jose, CA 1989, tr 134.
*10 - Ví dụ câu hỏi : ‘Anh không muốn phải không ?’. - Để tỏ ý không muốn, người Anh, Pháp... trả lời : ‘No, Non’ (Không). - Nhưng người Việt trả lời : ‘Ờ, Phải’ (Yes, Oui), tức ngụ ý : ‘Phải, anh nghĩ đúng, tôi không muốn’.
Người Anh, Pháp chú ý đến câu nói. Người Việt trả lời theo ý người hỏi, chú trọng tới Con Người.
*11 - Đọc bài Dân Việt không Sống theo Nho Học, phần 3.
Cả đến hiện nay, người Hoa chấp nhận hôn nhân giữa anh chị em cô cậu ruột, bạn dì ruột.
*12 - Tiếng Việt với số 3 : ba trợn, ba đá, ba kẹo, ba xạo, ba lơn, ba nhe, ba hoa... Trong khi đó người Hoa thích số 3, 8 và sợ số 4 (vì họ phát âm chữ tứ như chữ tử).
*13 - Giới thống trị Hoa đã xuyên tạc bằng đủ cách, đặc biệt bằng cách tạo ra những truyền thuyết quái đản về nguồn gốc các Tết, Lễ. - Đọc bài Ý nghĩa và Nguồn gốc của 7 Ngày Tết trong Năm, đoạn 2.2.
*14 - Hình thủ lãnh, đọc bài Văn Minh Văn Hóa Lạc Hồng trên Thạp và Trống đồng, đoạn 2.4.
- Trong suốt mấy ngàn năm, trống đồng luôn là hiệu lịnh, là biểu hiệu của uy quyền. Cho tới ngày nay, dân ta vẫn còn tập tục để một Bà đánh tiếng trống khai trương trống đồng mới đúc.
*15 - Đọc bài Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, đoạn 4.2.
*16 - Về Bà Vua Triệu, đọc Việt Nam Sử Lược, q1, tr 44.
*17 - Theo Hậu Hán Thư, q 116 : ‘Người Giao Chỉ không phân biệt trưởng ấu… không biết tình cha con… không tổ chức gia tộc theo chế độ phụ hệ…’ - Theo Tam Quốc Chí, q 9 : Người Giao Chỉ còn nhiều phong tục theo mẫu hệ.
Trước thế kỷ thứ 2 dl, dân ta còn sống trong trạng thái gia đình mẫu hệ… - Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 34.
* Gần đây, với nếp sống thành thị, với nền kinh tế phát triển đa dạng, xã hội lần lần chuyển qua phụ hệ.
*18 - Truyền thuyết Sứ thần Việt Thượng tặng Đế Nghiêu Rùa ngàn năm có ghi lịch. - Đọc bàiTộc Việt Thời Hùng 1, mục 4.3e và mục 5.4b. - Về kỹ thuật Trâu kéo cày, đọc bài Tộc Việt Thời Hùng 2, đoạn 6.2.
* * * *
Thời Khởi Nguyên, 5000-2879 ttl, có thể chia thành 3 giai đoạn, phát triển ở 3 Vùng chính.
5.1 Giai đoạn I : Lưu vực Đồng Đình Sông Tương.
Đất Tổ Đồng Đình ưu ái cho Tộc Việt phát triển nhanh chóng. Sông hồ mênh mông lại tăng trưởng tài nghệ đánh bắt cá tôm và xử dụng ghe thuyền.
Từ vùng Hồ Đồng Đình, Tộc Việt tỏa lan ra các vùng chung quanh. Hình thể địa lý, sông núi, phong thổ, đã tác động thành nhiều vùng dân cư với nhiều đặc tính khác nhau.
Vùng thượng lưu Dương Tử nhiều núi rừng hiểm trở, gây khó khăn cho việc sinh sống đông đúc. Nhiều nhóm người sống rải rác.
Trái lại, thời đó vùng hạ lưu Dương Tử còn sình lầy, úng nước, chưa thể khai khẩn trồng trọt. Dân chúng tập trung thành những xóm ghe thuyền. [Gần 3000 năm sau, vào đầu thời Hạ, 2070 ttl, với việc Đại Vũ trị thủy, vùng nầy mới bắt đầu phát triển].*19
Vì vậy, ở giai đoạn nầy, vùng phát triển chính của Tộc Việt là Hồ Đồng Đình và lưu vực Sông Tương. Sông Tương có nhiều đồng ruộng thuận hợp cho việc phát triển nghề trồng Lúa Nước.
* *
5.2 Giai đoạn 2 : Lưu vực Tây Giang.
a. Việt Thượng.
Khi đã thêm đông đúc, vì hạ lưu Sông Dương Tử còn úng nước, và vì thượng lưu lại nhiều núi rừng hiểm trở, Dân Việt đã phát triển ngược lên vùng Thượng lưu Sông Tương. Cũng vì vậy, vùng nầy được gọi là Việt Thượng.
b. Vùng Tây Giang.
Theo đường sông và thung lũng, vượt thượng nguồn Sông Tương, dân Việt qua Sông Quế xuôi về nam, tới vùng sông lớn Tây Giang. Từ khi có ghi chép, đây là những con đường nổi tiếng, nối liền Trường Sa, Hàng Dương, Quế Lâm, Liễu Châu.
Thượng nguồn Sông Tương còn có nhánh Sông Lỗi, qua Sông Bắc, dẫn tới cửa biển Tây Giang. Hiện nay trở thành con đường Trường Sa, Hàng Dương, Thiều Quan, Phiên Ngung [nay là Quảng Châu].
Tuy nhiên, lưu vực Tây Giang không đủ thuận hợp cho việc phát triển lớn của Tộc Việt chuyên nghề Lúa Nước và sông hồ.
* *
5.3 Giai đoạn 3 : Lưu vực Sông Hồng Sông Mạ.
a. Đường Sông.
Vì châu thổ Tây Giang không đủ điều kiện thuận hợp, dân Việt đã từ Tây Giang ngược thung lũng và giòng Sông Tả, vô Bắc Phần Việt Nam.
Vào thời kỳ sau, các sứ đoàn Đại Việt thường theo con đường nầy, ngang qua vùng Đồng Đình, lên phía Bắc. Hiện nay là đường Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Hàng Dương, Trường Sa.
b. Đường Biển.
Dân Việt còn theo Tây Giang ra biển, rồi ven theo biển vào Vịnh Bắc Phần, tới vùng Sông Hồng và Sông Mạ, trong lành phì nhiêu.
Với thời gian, nhờ vùng đất thuận hợp và phì nhiêu, Dân Việt vùng Sông Hồng Sông Mạ đã trổi vượt.*20
c. Tuyệt nghệ Vượt Biển.
Việc đi về trên đoạn biển Tây Giang - Sông Hồng đã giúp tài điều khiển ghe thuyền, [phát triển từ vùng Đất Tổ Hồ Đồng Đình], trở thành tuyệt nghệ vượt biển.
Hình vẽ chiếc thuyền vượt biển đã trở thành biểu hiệu của dân Việt, và sau đó trở thành chữ Việt 越.
Chữ Việt 越 được khắc trên đồ đồng Đông Sơn là hình ảnh của vị Thủ lãnh tay cầm cờ hiệu , đứng trên Thuyền chỉ huy đoàn tàu vượt biển.*21
Đây là chữ ‘Việt 越’ đầu tiên và phổ quát nhất. Chữ ‘Việt’ nầy trở thành chữ ‘Việt’ cho toàn thể Tộc Việt. Chữ ‘Việt’ lưu truyền tài năng và niềm hãnh diện của Tổ Tiên.
* *
5.4 Tỏa lan toàn vùng.
Như vậy, trong hơn 2000 năm thời Khởi Nguyên, từ 5000 tới 2879 ttl, Tộc Việt đã phát triển đông đúc, với 3 Vùng Phát Triển chính, là lưu vực Đồng Đình Sông Tương, lưu vực Tây Giang, và lưu vực Sông Hồng Sông Mạ.
Tuy nhiên, ngoài 3 vùng chính, Tộc Việt cũng đã có mặt trên khắp vùng từ Hồ Đồng Đình, rải rác dọc theo Sông Dương Tử ra tới Biển, lên phía Bắc tới ranh thiên nhiên Sông Hoài Tần Lĩnh, về miền rừng núi phía Tây tới sông Cửu Long, và xuống phương Nam tới vùng đường ranh Hải Vân.
Từ thời điểm nầy, 2879 ttl, là Thời Hùng.
* *
Ghi chú Phần 5 :
*19 - Đọc bài Tộc Việt Thời Hùng 2, đoạn 3.1.
*20 - Vào thời nầy, biển còn ăn sâu vô đất liền. - Gần cửa Sông Mạ, ở Thanh Hóa, là vùng đồ đồng Đông Sơn.
- Sông Mạ [sông mẹ, sông cái], tên tiếng Việt địa phương, nhưng khi ghi lại theo chữ hán, thành chữ Mã. - Đọc bài Vài Minh định về Lịch sử Văn hóa Địa lý, đoạn 3.2.
*21 - Về chi tiết hình vẽ và các nét của chữ 越, đọc bài Văn Minh Văn Hóa Lạc Hồng trên Thạp và Trống Đồng, đoạn 2.4.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.