Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

VIỆT LẠC CUỐI THỜI HÙNG VÀ THỜI NHÀ TRƯNG

-VIỆT LẠC CUỐI THỜI HÙNG VÀ THỜI NHÀ TRƯNG --http://www.danhgiactau.com
214 ttl - 43 dl

1. VIỆT LẠC cuối THỜI HÙNG
1.1 Khởi đầu Áp Lực Trung Hoa trên Việt Lạc.
Nhà Chu chấm dứt năm 256 ttl, bị Tần diệt. Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 ttl. Tần bị Hán diệt năm 206 ttl.
Năm 214 ttl, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư dẫn 50 vạn quân xâm lấn Việt Lạc, ở vùng Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Nhưng sau 3 năm Đồ Thư thua trận, bị giết.*1
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vùng đất Việt Lạc bị áp lực của Trung Hoa.

[Trước đó, năm 1218 ttl, Việt Lạc đã bị Ân Cao Tôn xâm lấn, sau 3 năm, Ân Cao Tôn bị đánh bại. Nhưng Ân Cao Tôn không phải người Hoa. Tộc Hoa chỉ thành hình năm 1046 ttl, ở Thiểm Tây, 172 năm sau].*2 
*     *
1.2 Việt Lạc với Triệu Đà.
a. Nước Nam Việt.
Năm 207 ttl, Triệu Đà, tướng Nhà Tần, đã chiếm phần đất của Việt Lạc, nay thuộc Quảng Tây, Quảng Đông.
Nhân việc Tần bị Hán diệt năm 206 ttl, Triệu Đà giết tất cả quan tướng của Tần, tự xưng Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Nam Việt, đóng đô tại Phiên Ngung, nay là Quảng Châu.
Triệu Đà đã cố gắng thâu phục lòng dân Việt Lạc trong vùng. Triệu Đà cũng đặc biệt phát triển về chính trị, quân sự, và văn hóa bản địa, để trở thành một đế quốc biệt lập với triều Hán. Chính Ông đã thay đổi nếp sống, thay đổi trang phục, thay đổi cách xưng hô, theo phong tục Việt Lạc, lấy vợ Việt.
Đang khi đó, Việt Lạc Đồng Đình có Trường Sa Vương, và Việt Lạc Sông Hồng có Vua An Dương.
Năm 181ttl triều Hán đưa quân đánh phá Nam Việt, nhưng đại bại.*3
b. Triệu Đà chiếm Thành Ốc - Chấm dứt Thời Hùng, năm 180 ttl.
Năm 180 ttl, Triệu Đà chiếm đóng Thành Ốc [Loa Thành], trị sở của Việt Lạc Sông Hồng, [nay là Cổ Loa]. Theo truyền kỳ Mỵ Châu,Triệu Đà đã đánh bại Vua An Dương, với kế Trọng Thủy ở rể làm gián điệp. [Năm 180 ttl, ghi theo Sử Ký, do Tư Mã Thiên, viết năm 109-91 ttl].*4
Năm 180 ttl chấm dứt Thời Hùng.
*     *
Ghi Chú Phần 1 :
*1 - Theo Việt Nam Sử Lược, do Trần Trọng Kim, nxb Trung Tâm Học Liệu, Sàigòn 1971, q1, tr 18 tt. - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, tr 174, đoạn 8.3.
*2 - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 121, đoạn 4.2.
*3 - Đọc Việt Nam Sử Lược, q1, tr 30.
*4 -  Đọc Việt Sử Toàn Thư, do Phạm văn Sơn, Sàigòn 1960, tr 60, chú thích 1.
*     *     *     *
2. VIỆT LẠC thời SUY VI
2.1 Nước Phụ dung của Nhà Triệu.
Tuy Triệu Đà cai trị, nhưng chính Triệu Đà lại tự thay đổi theo Dân Việt để mong thành lập một đế quốc riêng.
Vì vậy, trong 69 năm, 180-111 ttl, vùng Sông Hồng [và trong 96 năm, 207-111 ttl, các vùng Nam Việt khác], dầu sống dưới triều Nhà Triệu, dân Việt Lạc vẫn tiếp tục sống nếp sống Văn hóa của Tổ Tiên, các Trưởng Lão Việt Lạc tiếp tục cai quản dân theo truyền thống, kinh tế và lực lượng an ninh cũng tiếp tục được củng cố.
Trên thực tế, Việt Lạc Sông Hồng chỉ là một nước phụ dung. Thời kỳ nầy không thể coi là thời Bắc thuộc.*5
*     *
2.2 Thời Phụ Dung Tây Hán, 111 ttl – 30 dl.
Năm 111 ttl, Nam Việt bị Hán xâm lăng.
Từ 111 ttl tới 30 dl, trong suốt 141 năm, tuy danh nghĩa là Nam Việt bị Nhà Hán xâm lăng, sách vở Trung Hoa không nói tới vùng đất Việt Lạc.*6
Đây là dấu chỉ vào thời kỳ nầy, Việt Lạc vẫn chưa có liên hệ nhiều với Hán.
Lại nữa, theo cách hành xử của Nhà Hán thời đó, Tây Hán 206ttl - 8dl, quan thứ sử các vùng đất phụ dung chỉ có nhiệm vụ mỗi năm 3 tháng đi thâu thuế về nộp cho triều đình. Đã không có hệ thống cai trị trực tiếp, không có quân ngoại xâm trên phần đất Việt Lạc.
Từ năm 8 dl tới năm 25 dl là thời loạn lạc của Trung Hoa, việc thu thuế cũng lơ là.
Như vậy, trong suốt thời nầy, Việt Lạc chỉ là một nước phụ dung đóng thuế cho triều Hán. [Như việc triều cống của các thời sau].*7
*     *
2.3 Hán Quang Vũ xâm lăng, 30 dl.
Tình hình thay đổi từ năm 30 dl, khi Hán Quang Vũ áp đặt chính sách hà khắc, đưa quan lại tới trực tiếp cai trị các vùng Việt Lạc. Từ đó xuất hiện quan quân trú đóng, chiếm đoạt, tham ô, tàn ác.
Bốn năm sau, 34 dl, xuất hiện thái thú Tô Định, thêm khắc nghiệt, thêm nhiều điều luật, nhiều sắc thuế mới.*8
*     *
Ghi Chú Phần 2 :
*5 - Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 58; và tr 86-87.
*6 - Đọc Việt Nam Sử Lược, q1, tr 38; và Việt Sử Toàn Thư, tr 105.
*7 - Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 101-102, 105.
*8 - Đọc nt, tr 106.
*     *     *     *
3. VIỆT LẠC thời NHÀ TRƯNG
3.1 Việt Lạc kháng chiến, năm 30 dl.
a. Nếp sống Truyền thống.
Theo thực trạng đương thời, từ 111 ttl tới 30 dl, ngoài việc mỗi năm một lần đóng thuế cho thứ sử, đời sống dân Việt Lạc vẫn không thay đổi. Trung Hoa chưa ảnh hưởng trên nếp sống xã hội, văn hóa, chính trị, kể cả quân sự, an ninh... của Việt Lạc.
Trong suốt 141 năm đó, dân Việt Lạc vẫn tiếp tục sống nếp sống truyền đời của Tổ Tiên.
Việc cai trị vẫn ở trong tay các Trưởng Lão Việt Lạc. Thành phần bảo vệ an ninh cho Làng, Nước, vẫn sinh hoạt bình thường.
Đời sống thường ngày của người Dân, nếp sống văn minh Lúa Nước, kỹ thuật trồng cấy, kỹ nghệ đồ đồng đồ gốm, văn học, thơ văn, chữ viết... của Việt Lạc, vẫn tiếp tục phát triển.
Nếp sống Làng thôn, với tất cả đặc tính và sức mạnh của thể chế Làng-Nước Việt Lạc, vẫn sống động và tăng trưởng.
Văn hóa Việt Lạc vẫn ngày một thêm tốt đẹp, sâu sắc.*9
b. Việt Lạc chống xâm lăng.
Từ năm 30 dl, do việc áp đặt quan lại của Hán Quang Vũ, cuộc sống của Dân Nước khắp toàn vùng Việt Lạc, từ Đồng Đình, qua Lưỡng Quảng, tới Sông Hồng, bỗng bị xáo trộn.
Do đó, toàn thể Việt Lạc ở khắp nơi đều sẵn sàng đứng lên.
Toàn bộ hệ thống và sức mạnh của xã hội, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... đều được vận dụng để đối phó với giặc.
Mọi nơi, mọi đơn vị lớn nhỏ, đều sẵn sàng, với lực lượng, tổ chức, và thủ lãnh sẵn có.
Trong tình trạng sôi động đó, do ưu thế của vùng Sông Hồng, do việc liên kết và chủ động của 2 vùng Mê Linh và Châu Diên, [quê của vợ chồng Trưng Trắc và Thi Sách], qua biến cố Tô Định giết hại Lạc Tướng Thi Sách, và do truyền thống mẫu hệ mấy ngàn năm của Việt Lạc, Đức Trưng Trắc đã trở thành Thủ Lãnh kháng chiến của toàn Dân Việt Lạc.
* Từ năm 30 dl,  toàn thể Việt Lạc đã vùng lên chống giặc Hán xâm lăng, với sự lãnh đạo của Đức Trưng Vương.
*     *
3.2 Thời Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, 30-43 dl.
a. Tài Liệu.
Cho tới gần đây, sử Việt có rất ít tài liệu về cuộc khởi nghĩa của Dân Việt Lạc vào đầu thế kỷ thứ nhất dl, do Đức Trưng Vương lãnh đạo.
Hầu hết những gì được ghi chép đều đã được trích dẫn từ sách vở Trung Hoa, tức là từ phía đối nghịch. Tài liệu của đối phương luôn thiếu xác thực, nhiều chủ quan.
Gần đây, nhờ những phát hiện ở Việt Nam và trên vùng đất của Việt Lạc xưa, đặc biệt qua các Đền thờ, Thần tích, và di tích, chúng ta có thêm nhiều chi tiết đã không được sách vở Trung Hoa ghi chép chính xác.
b. Theo lịch sử, thần phả và di tích.
Lịch sử Nước Ta đã nhiều lần ghi lại việc các Sứ thần Đại Việt đã kính viếng Đền thờ Đức Trưng Vương và các Danh Tướng của Ngài tại Hồ Đồng Đình, Thẩm Giang, Trường Sa, Phiên Ngung, Khúc Giang, Uất Lâm... hiện nay thuộc các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam. Nhiều nơi vẫn còn truyện tích và di tích của các trận đánh thời Đức Trưng Vương.*10
Căn cứ trên các thần phả và di tích, hiện nay chúng ta có tên tuổi và tiểu sử của 162 vị danh tướng thời Đức Trưng Vương. Các Vị đã được dân Việt Lạc thờ kính trong suốt hai ngàn năm qua. Đền thờ của các Ngài đầy dẫy nhiều nơi khắp vùng nay là Nam Trung Hoa, Bắc Phần và Bắc Trung Phần Việt Nam. Trước năm 1945 dl, chỉ vùng ven sông Đáy, đã có Đền thờ của 94 vị. Hiện nay, di tích vẫn còn nhiều.
Tiểu sử của các vị Anh Hùng cộng sự của Đức Trưng Vương càng chứng tỏ tinh thần của Toàn Dân Việt Lạc đương thời. Các Ngài nổi dậy ở khắp nơi, chứ không chỉ ở vùng Sông Hồng. Nhiều vị đã đánh đuổi giặc trước khi liên hợp với Đức Trưng Vương.*11
c. Tiểu sử Mã Viện.
Tiểu sử của tướng giặc Mã Viện, qua sách vở Trung Hoa, đặc biệt qua Mã Viện Truyện trongHậu Hán Thư, do tên quan lại Trung Hoa Phạm Diệp, viết cách đây hơn 1500 năm, cũng ghi nhận tầm quan trọng, sức mạnh và địa bàn hoạt động của nghĩa quân Việt Lạc thời bấy giờ.
Theo Mã Viện Truyện, sau khi tướng tá của 65 thành thua chạy, triều đình Hán hoảng hốt, không một tướng nào dám lãnh nhận quân ‘chinh phạt’. Vì vậy, Quang Vũ phải phong tước vị tột bực cho danh tướng già Mã Viện, để Mã Viện dám liều chết. Trước khi đi, Mã Viện còn để lại thư tuyệt mạng cho gia đình.*12
Mã Viện kéo theo 2000 chiến thuyền lầu cao cũng không phải để chen nhau vào Sông Hồng để diệt ‘đám giặc cỏ’, mà là trận chiến ở Hồ Đồng Đình...*13
d. Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.
Như vậy, từ năm 30 dl, toàn thể dân Việt Lạc đã vùng lên chống quân ngoại xâm Đông Hán.
Từ năm 40 dl, Đức Trưng Vương đã hoàn tất việc tái chiếm toàn thể vùng đất Việt Lạc. Ngày nay, ngoài phần đất Nước ta, còn gồm Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, và một phần Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến. (Bản đồ).
 
Đây là phần đất thuộc hai Vùng Đồng Đình và Lĩnh Nam. Vì vậy, Đức Trưng Vương đáng được tôn hiệu Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.*14
Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam về thần ngày 6 tháng 2 năm 2922 lịch Việt, 43 dl, khi mới 31 tuổi.
Trong suốt lịch sử Nhân loại, cho đến hiện nay, chưa hề có một Nữ Nhân nào tạo chiến công hiển hách, thần tốc, tái chiếm vùng đất mênh mông, như Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.
Nam nhân có được mấy người ?*15
*     *
Ghi chú Phần 3 :
*9 - Về tầm quan trọng của định chế Làng-Nước Việt Lạc, đọc thêm Con Người và Xã Hội Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, đb tr 146, phần 7; và tr 280, đoạn 7.1.
*10 - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 346, đoạn 5.2. Hoặc bài Đức Trưng Vương đã chiếm lại Hồ Đồng Đình, đoạn 5.2.
*11 - Danh sách và tiểu sử của nhiều Vị được ghi nhận ở phần "Di Tích Lịch Sử" trong bộAnh Hùng Lĩnh Nam, của Trần Đại Sỹ, 4q, nxb Nam Á, Paris 1986. Nhiều chi tiết cũng trích dẫn từ Bộ sách nầy.
*12 - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 358, đoạn 6.4. Hoặc bài Đức Trưng Vương đã chiếm lại Hồ Đồng Đình, mục 6.4a.
Thực oái oăm và bêu xấu, trong thư tuyệt mạng, một câu đã trở thành danh ngôn của Mã Viện : ‘Thôi thì [!], làm tướng da ngựa bọc thây, hơn là chết tại xó nhà’. [Họ Mã !].
*13 - Đọc Việt Sử Toàn Thư, tr 109-111.
*14 - Theo Dư Địa Chí của Đức Nguyễn Trãi, [viết năm 1438 dl], Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam đặt tên nước là Hùng Lạc. - Đọc Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản dịch Viện Sử Học, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976, tr 215.
*15 - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, tr 327 tt. Hoặc bài Đức Trưng Vương đã chiếm lại Hồ Đồng Đình.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.

Tổng số lượt xem trang