Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

TÌNH YÊU NAM NỮ

-2108 - TÌNH YÊU NAM NỮ
-
TRUYỀN KỲ TRƯƠNG CHI



1.1 Truyền kỳ TRƯƠNG CHI kể câu chuyện tình giữa nàng thiếu nữ khuê các say mê tiếng sáo, và chàng lái đò chết vì tương tư sau một thoáng gặp gỡ. Đây quả là một thiên tình sử lãng mạn.
Tình tiết câu chuyện lại diễn tả tài tình về ý nghĩa và vai trò của Tình Yêu trong cuộc sống Con Người.
Những tưởng là Tình yêu chân thành, mà thực tế Mỵ Nương chỉ mới yêu tiếng sáo, và Trương Chi cũng chỉ mới yêu một bóng hình thoáng qua.
Không được ‘hình bóng’ Mỵ Nương đáp tình, Trương Chi gục chết. Nhưng trong trái tim, Trương Chi vẫn sống, vẫn chèo đò, vẫn thổi sáo... Không tình yêu, con người không thể sống. Trong tình yêu, con người vẫn luôn sống.
* Đây là bản ca tụng tuyệt vời của Văn hóa Việt dành cho Tình Yêu Nam Nữ, mà cũng là nền tảng giúp củng cố những mối tình vững bền, tốt đẹp.
*     *
1.2  Sống Thực Làm Người.
Tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế đã giúp đời sống vật chất thêm nhiều thoải mái, tiện nghi. Nhưng lợi nhuận và quảng cáo đã khiến cơ khí lấn át và nhận chìm tâm hồn con người.
Các chủ nghĩa hôm nay còn làm cho con người phải ngoi ngóp trong xã hội được khuôn rập theo các phản ứng và cách sống đã khảo sát nơi thú vật.
Thì đây, Truyện Trương Chi nêu tiên chuẩn cho một cuộc sống đích thực Con Người, với tâm hồn chứa chan tình cảm, với hạnh phúc đích thực, tràn đầy ý nghĩa và đáng sống !*1
*     *     *     *
Thời Vua Hùng, có chàng lái đò Trương Chi nổi tiếng về tài thổi sáo. Lại có nàng Mỵ Nương, vì say mê tiếng sáo và vì quá mong gặp người nghệ sĩ tài hoa, nên nhuốm bịnh tương tư. Nhưng khi gặp mặt Trương Chi, nàng bỗng thấy lòng dửng dưng.
Trái lại, chỉ vừa thoáng thấy Mỵ Nương, Trương Chi đã đắm đuối rồi tương tư mà chết. Tim chàng hóa thành ngọc và được tiện thành chén trà quý. Mỗi lần chén có trà, bóng Trương Chi chèo đò lại hiện lên, và tiếng sáo lại văng vẳng.
Một hôm, cầm chén ngọc, nghe lại tiếng sáo, Mỵ Nương bỗng nhớ lại chuyện xưa và để rơi một giọt nước mắt vào chén. Chén ngọc liền tan ra thành nước.
*     *     *     *
DIỄN TRUYỆN
3.1 Tình sử Việt.
Đây quả là một thiên tình sử lãng mạn, khác hẳn quan niệm khắc khe về tình ái của Nho học, mà chúng ta thường nghe nói là của người xưa. Thiên tình sử nầy được lưu truyền rộng rãi trong đại chúng Việt suốt mấy ngàn năm, chứng tỏ Văn hóa Việt có những nét đặc thù. Đặc điểm nầy khác hẳn bộ mặt khô cằn mà giới trí thức Tống nho đã cố ngụy tạo, và giới phục vụ tây học đã cố khai thác.
Cùng với tục ngữ ca dao tình tứ tràn ngập trong đại chúng, thiên tình sử nầy đã phản ảnh đích thực quan niệm sống của dân tộc ta.
Trong suốt dòng lịch sử, Tổ Tiên ta chưa bao giờ coi rẻ hoặc gò bó tình yêu nam nữ. Sách vở Trung Hoa cũng đã nhiều lần ghi nhận cách sống đặc biệt nầy, dĩ nhiên với những thêm thắt lố bịch như họ thường làm.
*     *
3.2 Hai chuyện Tình.
Hình ảnh Trương Chi chèo đò trên sông nhắc nhớ Chử Đồng khi chưa gặp Tiên Dung. Cả hai đều sống vất vưởng, cô đơn, túng thiếu và kiếm ăn nhờ sông nước.
Hơn nữa, Truyền kỳ Trương Chi và Truyền kỳ Chử Đồng còn giống nhau ở chỗ cùng nói về chuyện gặp gỡ giữa một chàng và một nàng. Tuy nhiên hoàn cảnh, tâm trạng, và kết cục của hai cuộc gặp gỡ lại hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, để thâm hiểu tình ý của Truyền kỳ Trương Chi, ta so sánh với Truyền kỳ Chử Đồng.*2
*     *     *     *
4.1 Mỵ Nương mê tiếng sáo.
Chuyện tình Mỵ Nương Trương Chi khởi đầu bằng tiếng sáo.
Tiếng sáo Trương Chi ngày đêm văng vẳng trên sóng nước, khi thì réo rắc dìu dặt như gió thoảng mây bay, lúc lại dồn dập hùng tráng như cuồng phong bão tố, khi thì bập bềnh trầm buồn da diết, lúc lại vút cao bay bổng lên chín tầng mây... Tiếng sáo của chàng như Rồng thiêng vẫy vùng thỏa thích giữa sóng nước mây trời.
Trách gì tiếng sáo huyền diệu đó đã ru hồn nàng Mỵ Nương hương sắc. Với trí tưởng tượng thần tiên của một thiếu nữ mới lớn, Mỵ Nương đã dệt tiếng sáo thành hình ảnh người tình muôn thuở. Mê mẩn trong tiếng sáo du dương, nàng đã hình dung ra chàng nghệ sĩ hào hoa phong nhã. Theo nhịp tim rộn rã với điệu nhạc trầm hùng, nàng mường tượng người tráng sĩ hiên ngang... Nàng lẫn lộn giữa mộng và thực.
Tiếng sáo bay lượn vẫy vùng của chàng Rồng nghệ sĩ đã làm cho nàng Tiên tương tư. Nàng tương tư người tình hào hoa chưa một lần gặp mặt.
*     *
4.2 Trương Chi si bóng hình.
Để trị bịnh tương tư của Mỵ Nương, Trương Chi được mời tới.
Mỵ Nương đang tương tư một chàng trai huyền ảo, dệt bằng tiếng sáo phiêu du. Lạ gì khiTrương Chi xuất hiện thì dáng dấp người lái đò đã làm nàng thất vọng.
Trương Chi bằng xương bằng thịt làm sao có thể ứng hợp với người tình trong mộng của nàng tiểu thơ khuê các ! Mỵ Nương bừng tỉnh trước thực tế phũ phàng.
Trương Chi còn tệ hơn. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, Trương Chi bỗng bị tiếng sét ái tình. Chàng chỉ mới thoáng thấy hình bóng mỹ nhân trong giây phút, mà đã tưởng là duyên kiếp trăm năm.
Từ đó chàng ôm ấp bóng hình người kiều nữ trong mơ, mà không hề tìm hiểu con người và tâm trạng của nàng. Chàng mê đắm một bóng hình. Mà đã là bóng hình thì làm sao có thể đáp lại tình yêu !
*     *
4.3 So sánh với Truyền kỳ Chữ Đồng.
Cặp Mỵ Nương Trương Chi và cặp Tiên Dung Chử Đồng hoàn toàn trái ngược nhau.
Dầu say mê tiếng sáo của Trương Chi, Tiên Mỵ Nương vẫn kín cổng cao tường, vẫn cố thủ trong cảnh sống của mình. Đang khi đó, Rồng Trương Chi lại chỉ chèo đò, vui sống và trổ tài trên sông nước, mà không hề biết có nàng Tiên đang say mê tài năng của mình. Mỗi người đóng khung trong cuộc sống riêng, chỉ biết có mình.
Trái lại, ở Truyền kỳ Chử Đồng, Tiên Dung bỏ cung điện xuống thuyền đi tìm Rồng, và Chử Đồng cũng đã quanh quẩn trên bờ sông để kiếm nàng Tiên của chàng. Tiên bỏ đất xuống nước tìm Rồng, Rồng bỏ nước lên bờ tìm Tiên.*3
*     *
4.4 Sống Thực Với Tình.
Tiên Dung và Chử Đồng đã tận tình tìm kiếm nhau, nên họ có thể vượt qua mọi trở ngại để hòa hiệp hai cuộc sống làm một, chung sống với nhau hạnh phúc suốt đời.
Đang khi đó Mỵ Nương chỉ say đắm tiếng sáo, và Trương Chi chỉ si mê một bóng hình thoáng qua. Mỵ Nương và Trương Chi mới chỉ yêu gió yêu bóng, nên cuộc tình đó cũng tan mau như tiếng sáo thoảng, và hão huyền như bóng hình.
Gái tham tài, trai tham sắc. Trai tài gái sắc gặp nhau thì thực đẹp duyên trời. Nhưng tài sắc không phải là tất cả. Tài sắc hay bất cứ gì khác, phải là cửa ngõ dẫn tới sự gặp gỡ giữa hai con người, dẫn tới trọn vẹn con người, trọn vẹn cuộc sống.
Biết bao cuộc tình, bao cuộc đời, đổ vỡ đắng cay cũng chỉ vì tự giới hạn ở tài sắc. Vì đã không gặp nhau trọn vẹn, nên cũng không thể chung nhau cuộc sống hạnh phúc và vững bền.
Nói TÌNH YÊU là nói trọn vẹn, TRỌN VẸN CON NGƯỜI và trọn vẹn CUỘC SỐNG, yêu với trọn vẹn chính mình và yêu trọn vẹn Con Người và cuộc Sống của người mình yêu.
Vì vậy, ý thức và sống trọn vẹn với cuộc tình không chỉ là điều kiện khởi đầu Cuộc Tình, mà còn là yếu tố thiết yếu cần được củng cố từng ngày. Sống Thực Với Tình.
*     *     *     *
5. TÌNH YÊU KẾT HỢP
Khi vừa gặp mặt Trương Chi, Mỵ Nương bỗng thấy lòng dửng dưng. Còn Trương Chi, chàng trở về lái đò với tiếng sét ái tình.
Tuy có lúc những tưởng là mối tình duyên kiếp, Trương Chi và Mỵ Nương vẫn giữ một cách sống riêng, không ai nghĩ tới chuyện kết hợp, không ai thực tâm thay đổi cuộc sống để trở thành một cuộc sống chung.
Trong khi đó, ở Truyền kỳ Chử Đồng, Tiên Dung bỏ cung điện, Chử Đồng bỏ bờ sông, hai người thay đổi để thành lập một cuộc sống chung.
Cần phân biệt cuộc sống và con người. Mỗi người có thể có những riêng tư. Nhưng cuộc sống chung cần trọn vẹn.
Cuộc sống thực tế luôn phức tạp, biến chuyển, và thách thức. Thời gian càng dài, biến chuyển và thách thức càng dồn dập và gay gắt. Vì vậy, hai người cần thoải mái và thực tâm chung nhau cuộc sống một cách trọn vẹn. Nếu không, những đa đoan của cuộc sống, thường ngày và lâu dài, sẽ tràn ngập và chôn lấp cuộc tình.
Cuộc tình chỉ thực sự khởi đầu khi hai người Sống Thực Với Tình, và quyết tâm Tạo Cuộc Sống Chung.
*     *     *     *
Mỵ Nương đã dửng dưng, Trương Chi đã trở về lái đò. Cuộc tình chưa kịp khởi đầu.
Nhưng Văn hóa Việt không dừng lại nơi đây. Văn hóa Việt còn nhìn xuyên suốt cái chết của Trương Chi, và nỗi lòng của Mỵ Nương, để đánh giá Tình Yêu của Con Người.
6.1 Chết Vì Yêu.
Từ ngày mê đắm hình bóng Mỵ Nương và không được bóng hình đó đáp tình, Trương Chitương tư mà chết. Không được yêu lại, Trương Chi gục ngã. Thân xác chàng đã không chịu đựng nổi sự thiếu vắng của tình yêu.
Ôi sức mạnh của tình yêu ! Dầu chỉ là ảo tưởng, dầu mới như bóng hình, tình yêu cũng đã ảnh hưởng sâu đậm tới con người. Không tình yêu, tình không được đáp tình, con người không thể sống.
Khi không có tình yêu, cuộc sống con người không có ý nghĩa, cuộc sống không còn đáng sống.
*     *
6.2 Sống Trong Tình.
a. Trái Tim thành Ngọc.
Trương Chi đã chết. Nhưng trái tim chàng không tan rã, mà lại hóa thành ngọc.
Cho trái tim, cho tình yêu của Trương Chi thành ngọc, Tổ Tiên ta đã xác nhận sự quý chuộng đặc biệt dành cho Tình Yêu. Thân xác chàng lái đò si tình không còn nữa, nhưng tình yêu của chàng vẫn tồn tại. Trái tim ngọc còn đó, trong ngời, sáng đẹp.
b. Sống trong Tim.
Trái tim ngọc lại được gọt dũa thành chén trà.
Tuy trở thành chén trà, nhưng không phải là chén trà đất đá vô tri. Mỗi khi có trà, hình bóng Trương Chi chèo đò lại hiện lên và tiếng sáo thu hồn của chàng lại văng vẳng.
Như thế, sau khi chết vì tương tư, Trương Chi vẫn sống trong trái tim của chàng. Óc diễn đạt của Tổ Tiên thực thần diệu. Không được đáp tình, Trương Chi gục chết. Nhưng trong trái tim, trong tình yêu của chàng, chàng vẫn sống, vẫn chèo đò, vẫn thổi sáo, vẫn sống nguyên vẹn đời sống trước kia.
*     *
6.3 Sống Chết vì Tình.
Không còn hình ảnh nào đầy đủ và tài tình hơn để diễn tả ý nghĩa và vai trò của Tình Yêu trong Cuộc Sống Con Người. Không tình yêu, con người không thể sống. Trong tình yêu, con người vẫn luôn sống. Tình yêu quyết định sự sống chết của con người. Có tình yêu, đời sống con người mới thực là sống.
Ngày nay, văn minh vật chất đã nhận chìm tâm hồn con người trong máy móc cơ xưởng, trong rộn ràng của phương tiện truyền thông, trong chật vật bon chen... và biến con người thành những cái máy, những con vật phản xạ theo điều kiện.
Các tà thuyết đủ loại đã chối bỏ tình yêu, thủ tiêu tâm hồn con người. Chúng lấy các phản ứng và cách sống đã khảo sát được ở thú vật để làm khuôn mẫu cho con người. Trong cái xã hội chỉ biết theo thú vật mà sống, mà cư xử, mà giao tiếp nam nữ... mà đấu tranh sinh tồn, mà mạnh được yếu thua, mà áp bức, hận thù... thì trách gì con người đối xử với nhau như loài thú, kiếp người thua cả súc vật !
Không tâm hồn, không tình yêu, con người là ác thú tàn bạo nhất. Con Người khác quỉ dữ ở Tình Yêu.
TÌNH YÊU LÀM CHO CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC LÀ NGƯỜI. Con Người sống vì Yêu, chết vì yêu. Sống Chết vì Tình.*4
*     *     *     *
7. ĐÍCH ĐIỂM TÌNH YÊU
7.1 Nước Mắt và Trái Tim.
 Trong trái tim ngọc, trong chén trà, Trương Chi vẫn sống, vẫn khắc khoải, vẫn đợi chờ, vẫn tương tư. Tình yêu của chàng vẫn nguyên vẹn. Về phần Mỵ Nương, nàng đã dửng dưng, nàng đã quên.
Nhưng dầu tình thoáng qua, kỷ niệm vẫn còn đó với con người. Trong những buổi thưởng trà ngắm cảnh, tiếng sáo vẫn văng vẳng trong hồn Mỵ Nương. Và rồi trong một giây xúc động, nàng đã không cầm được nước mắt.
Đây là giọt nước mắt ân tình đầu tiên nàng dành cho chàng lái đò tài hoa. Trước kia, nàng chỉ biết có người tình huyền ảo trong mộng, giờ đây nàng thực sự xúc động vì mối tình trọn kiếp của chàng.
Vì vậy, khi giọt nước mắt chân tình đó chạm vào trái tim ngọc, cũng là giây phút đầu tiên hai trái tim, hai tâm hồn bỗng chạm nhau, rung động vì nhau.
Ngay tại thời điểm linh diệu nầy, trái tim ngọc của Trương Chi cũng vụt tan ra thành nước, để kịp hòa lẫn với giọt nước mắt của người tình. Bao năm tháng đợi chờ, bao khổ sầu buồn tủi, cũng chỉ mong nhận được một giọt nước mắt đáp tình !
*     *
7.2 Chung Một Nhịp Tình.
 Đây chính là bản ca tụng tuyệt vời cho Tình Yêu. Con Người chỉ toại nguyện khi được yêu thương. Con người sẵn sàng đợi chờ, khắc khoải, chịu gọt dủa miệt mài, chịu nóng lạnh đắng cay, cũng chỉ để được giây phút kết hiệp tâm tình. Và khi gặp được, dầu chỉ là một giọt nước mắt, quá khứ khổ đau, năm tháng đợi chờ, cũng vụt tan biến.
Tình yêu đòi kết hiệp, đòi tan biến vào nhau. Đích điểm tối hậu của TÌNH YÊU LÀ KẾT HIỆP, là hiệp nhất hai tâm hồn, là hòa lẫn hai cuộc sống. Chung Một Nhịp Tình.
*     *     *     *
8. CHUNG SỐNG CUỘC TÌNH
Sống Thực Với Tình và Tạo Cuộc Sống Chung không chỉ là ở thời gian đầu của Cuộc Tình, mà kéo dài suốt đời. Mỗi ngày, từng ngày, hai người luôn chia sẻ buồn vui và tâm trạng của nhau. Mỗi ngày mỗi mới, không vì kề cận mà trở thành lơ là, nhàm chán.
Cũng vậy, thực tế cuộc sống luôn trắc trở nhiêu khê, tương lai luôn bấp bênh vô định.
Vì vậy, Tình Yêu cần được bảo đảm bằng quyết tâm Sống chết vì Tình, hai người luôn gìn giữ và tăng trưởng Cuộc Tình với bất cứ giá nào, dầu gặp bất cứ hoàn cảnh nào, và Chung Một Nhịp Tình, hoàn toàn cảm thông nhau, hoàn toàn tin tưởng nhau.
Có như thế, Tình Yêu mới ngày một tăng triển, vững bền, và trở thành nguồn hạnh phúc căn cội của cuộc sống con người.
* Dầu do bất cứ hoàn cảnh hoặc lý do gì mà gặp nhau, dầu từ cảnh ngộ ngỡ ngàng và từ cuộc sống cách biệt, nếu hai người biết sống thực với tình, lưu tâm tới nhau từng ngày, biết tạo cuộc sống chung, tức là từng ngày chấp nhận nhau, biết sống chết vì tình, dầu gặp bất cứ hoàn cảnh nào, và biết chung một nhịp tình, cảm thông nhau trong cuộc sống... thì cuộc tình mỗi ngày một thêm tràn đầy, hạnh phúc.*5
*     *     *     *
9. TÌNH NAM NỮ TRONG VĂN HÓA VIỆT
9.1 Với các Truyền kỳ khác.
Văn hóa Việt là một toàn bộ, vì vậy bài học Tình Yêu càng thêm thiết thực khi nhìn chung với các Truyền kỳ khác.
Toàn bộ Văn hóa Việt, và tất cả mọi Truyền kỳ, cũng đều kết tinh vào hai mối Tình : Tình Tiên Rồng Hiệp Nhất và Tình Anh Em Một Bọc, của Truyền kỳ Tiên Rồng. Sống Tình Yêu là kết tinh tuyệt đỉnh của nhận diện về Con Người.
Văn hóa Việt đã nhận ra cuộc sống con người, cá nhân cũng như cộng đoàn, đều đặt nền tảng trên Tình yêu và để tăng trưởng Tình yêu.
 Tình Yêu bao trùm cuộc sống. Tình Yêu mở rộng tầm nhìn và trái tim con người, bao trùm tất cả mọi con người, tất cả vạn vật, và hướng tới vô biên, tiến về trường cửu.
CuỘc SỐng CON NGƯỜI LÀ CUỘC SỐNG TÌNH YÊU. Cuộc Sống Tình Yêu làm cho Con Người sống cuộc sống đích thực là Người. Tình Yêu là tuyệt đỉnh cuộc sống con người.
*     *
9.2 Gương Xưa.
a. Gương các Cụ.
Thời trước, hơn 95% đại chúng Việt ở nông thôn và hoàn toàn sống theo truyền thống Việt. Vì vậy, việc trai gái gặp gỡ sinh tình cũng là chuyện thường ngày. Nhiều cuộc tình đã đưa tới đời sống vợ chồng tốt đẹp.
Tuy nhiên, dầu ở những trường hợp hôn nhân không dựa trên tình cảm, tâm trạng và nề nếp ‘thành hôn là chung sống trọn đời’ lại giúp hai vợ chồng cố gắng sống ‘trọn tình trọn nghĩa’, cố gắng nhường nhịn, tìm hiểu và thông cảm nhau... Nhờ đó, đưa tới cuộc sống thuận hòa, nảy sinh tình cảm, cảm nhận tình yêu, đằm thắm và gắn bó không rời.
Đời sống gia đình, lo cho con cái, và cho đại gia đình hai bên, càng làm cho ý chí vượt trở ngại được củng cố thêm.
* Vì không thấu triệt Nếp sống Dân tộc, phái tân học đã hời hợt ồ ạt theo nếp sống trôi nổi phương Tây... và đem xáo trộn đổ vỡ cho nhiều cuộc đời, cho nhiều gia đình, và cho xã hội.
b. Tục Ở Rể.
Để chuẩn bị cho hôn nhân, ta còn có tục ở rể trước khi cưới. Chưa cưới, nhưng chàng đã tới nhà mỗi ngày! Thói tục nầy trái ngược với quan niệm nam nữ cách biệt, ngày cưới vẫn chưa thấy mặt... của Nho học Trung Hoa.
Với nếp sống làng thôn, tục ở rể không cần thiết cho việc trai gái gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, đây lại là phương thức tuyệt hảo để cô gái và gia đình tìm hiểu chàng rể tương lai. Sau một thời gian sinh hoạt cận kề, dầu chàng trai có xảo trá bao nhiêu, gia đình gái cũng nhận ra được phần lớn tính nết và phẩm hạnh của chàng. Nhờ đó, bậc trưởng thượng có thể thẩm định tầm hạnh phúc nhân duyên suốt đời của con cháu mình.
Đây cũng là dịp để chàng và nàng tìm hiểu nhau, tập chấp nhận nhau, yêu nhau... trước khi chung sống với nhau.
Ở thời suy thoái, nhiều phong tục tốt đẹp của Tổ Tiên đã bị thực hành hoặc trình bày sai lạc.
c. Vấn Đề Tình Dục.
Trước đây Nho học, cũng như nhiều xã hội và trào lưu, cả đông lẫn tây, chủ trương tình dục là cấm kị. Người ta cấm đoán cả việc gọi đích danh những cơ quan của con người.
Đang khi đó, đại chúng Việt đã không e ngại mà dùng những từ ngữ chỉ cơ quan sinh dục để đặt tên cho con cái, và gọi chúng một cách tự nhiên, không mặc cảm.
Ngoài ra, những câu đố, những chuyện cười, và ca dao tục ngữ Việt, cũng đề cập tới những vấn đề quanh khía cạnh tình dục... một cách vui tươi, không hậu ý.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chấp nhận những lố lăng và cách sống thú vật của những trào lưu phương Tây hiện nay. Chúng hạ thấp nếp sống và phẩm giá Con Người.
Che dấu hoặc lộ liễu quá đáng đều là những khiếm khuyết.
*     *
9.3 Văn Hóa Việt và Tống Nho.
a. Phân biệt Nho sĩ và Đại chúng Việt.
Cần phân biệt hạng người theo Nho học, với đại đa số dân chúng. Có thời người ta chỉ căn cứ vào sách vở và sáo ngữ của thiểu số 5% theo Nho học, mà gán ghép cho toàn thể dân Việt, và đã gây nhiều hiểu lầm.
Vào đầu thế kỷ hai mươi, trong trào lưu cổ võ văn hóa phương Tây, và trong chủ trương triệt hạ uy tín của tầng lớp đang lãnh đạo đại chúng chống thực dân Pháp, nhiều nhóm ‘Tây học’ đã điêu ngoa đả phá những tệ đoan của giới học thức khuôn rập Tống Nho.
Dĩ nhiên, thời suy thoái có nhiều tệ đoan cần được sửa chữa. Nhưng vì không phân biệt đâu là tệ đoan của thiểu số và đâu là văn hóa dân tộc, nên trào lưu đó đã tiếp tay với thực dân và các chủ nghĩa ngoại lai mà hủy hoại tinh thần của nhiều thế hệ.
b. Sáo Ngữ Tai Hại.
Thực lố bịch khi dùng những sáo ngữ : gái phải tam tòng, môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nam nữ thọ thọ bất thân... mà gán ghép là xã hội Việt trước đây gò bó tình yêu. Những sáo ngữ đó có thể đúng với 5% dân số khuôn rập theo Tống nho. Nhưng lấy đó mà gán ghép cho toàn thể dân Việt thì thực là sai lầm và tai hại.
Môn đăng hộ đối : xứng giàu xứng sang. Cha mẹ nào mà không muốn con cái mình được xứng đôi vừa lứa ? Nhưng môn đăng hộ đối là gì đối với 95% dân số vừa đủ cơm ngày ba bữa ?
Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Với 95% dân số sống ở thôn xóm làng mạc, có cùng một hoàn cảnh và cùng một nếp sống thuần phác, thì còn được bao nhiêu chỗ khác nữa mà đặt ?
Nam nữ thọ thọ bất thân : trai gái đưa nhận không trao tay, giữ sự cách biệt giữa nam nữ. 95% trai gái hằng ngày gặp gỡ nhau trong thôn xóm, đầu đường cuối ngõ, trên sông ngoài ruộng, cấy cày gặt hái, giã gạo đạp lúa, đi chùa đi lễ, hội hè đình đám... thì sao lại cứ nói là chưa hề gặp mặt, chưa biết gì nhau, chưa nhóm yêu thương ?
Cứ thử hỏi các cụ thì biết !*6
*     *     *     *
10. TÓM LƯỢC và SƠ ĐỒ : TÌNH YÊU NAM NỮ
10.1 Tóm Lược.
Truyền Kỳ TRƯƠNG CHI : Quan niệm Việt về Tình Yêu Nam Nữ.
a. Chuyện Tình Yêu.
a1. Người đâu gặp gỡ.
1. Mỵ Nương mê tiếng sáo : tương tư người trong mộng. - Gặp chàng lái đò, Mỵ Nương tỉnh mộng.
2. Trương Chi chợt say đắm bóng hình Mỵ Nương : chàng si mê một bóng hình.
3. Vì chỉ mê tài đắm sắc, không gặp con người thực sự, nên tình cũng chỉ là gió thoảng.
4. Để có cuộc tình, phải thực sự tìm hiểu nhau. Sống Thực Với Tình.
a2. Tình yêu kết hợp.
1. Mỵ Nương đã dửng dưng. Nhưng Trương Chi trở về nhà với mối tương tư.
2. Hai người không có ý định kết hợp, chung nhau cuộc sống, nên chưa có cuộc tình..
3. Để khởi đầu cuộc tình, phải cùng nhau Tạo Cuộc Sống Chung.
a3. Tình Yêu và Cuộc Sống.
1 Trương Chi tương tư mà chết : yêu mà không được yêu, con người không thể sống.
2. Trái Tim hóa thành ngọc : Tình yêu, dầu là một chiều, luôn được trân quý.
3. Tim ngọc bị gọt dũa thành chén trà. Trong trái tim, Trương Chi vẫn chèo đò thổi sáo : Trương Chi vẫn sống trong Trái tim, trong Tình yêu.
4. Chết vì tình, mà Sống trong tình. Sống Chết Vì Tình.
a4. Đích điểm Tình yêu.
1. Mỵ Nương uống trà, nhớ chuyện cũ : dầu tình thoáng qua, tình luôn còn đó với con người.
2. Mỵ Nương rớt nước mắt : giọt nước mắt ân tình đầu tiên dành cho mối tình của Trương Chi.
3. Giọt nước mắt chạm chén ngọc : lần đầu tiên 2 mối ân tình chạm nhau.
4. Trái tim ngọc tan ra thành nước : để hòa tan với giọt nước mắt của người tình !
5. Tình Yêu là kết hiệp, là Chung Một Nhịp Tình.
b. Bài Học Tình Yêu : Chung Sống Cuộc Tình.
1. Bốn tiêu chuẩn cho Tình Yêu : 1. Sống Thực với Tình, 2. Tạo Cuộc sống Chung, 3. Sống Chết Vì Tình, 4. Chung Một Nhịp Tình.
2. Bốn tiêu chuẩn, 4 phương diện : 1. Tự Bản Thân mỗi người, 2. Với Người Khác, 3. Ở Hiện Tại, 4. Đích điểm.
c. Tình Nam Nữ trong Văn Hóa Việt.
1. Với các Truyền kỳ khác.
2. Gương các Cụ
3. Tục ở rể.
4. Vấn đề Tình Dục.
5. Sáo ngữ Nho học tai hại.
d. Kết.
Nói Tình Yêu là nói trọn vẹn Con Người, trọn vẹn Cuộc Sống. TÌNH YÊU LÀM CHO CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC LÀ NGƯỜI. Con người sống, chết vì Tình.
*     *
*     *     *     *
11. GHI CHÚ
*1  - Trương Chi : Chi có nghĩa là cái chén rượu, chén trà. Trương là buồn vì thất ý. - Mỵ, mỹ là đẹp. Nương là nàng. - Trương Chi Mỵ Nương : chuyện ‘Chén Trà và Người Đẹp’.
*2 - Đọc  bài 2104 Nền Tảng Sinh Hoạt Chung.
*3 - Đọc thêm bài trên, đoạn 4.1.
*     *
*4 - Chân Thiện Mỹ Tình.
Người phương Tây thường lặp đi lặp lại Chân Thiện Mỹ như là ba tuyệt đối. Họ bỏ qua một tuyệt đối quan trọng khác là Tình.
Mỹ chú trọng tới thể chất, Chân thuộc phần tài trí và Thiện nối kết con người với phần siêu linh. Nhưng vì không chú trọng đúng mức đến Tình, vì thiếu Tình, nên không thể có nếp sống đạt được Thiện. Đây là nguyên nhân làm cho xã hội phương Tây phải ngụp lặn trong những bế tắc của vật chất hạn hẹp và của suy luận hàm hồ.
Vì phát xuất từ nền văn hóa thiếu Tình của xã hội phương Tây, nên nền văn minh hiện đại đem lại cho con người nhiều khốn đốn hơn là yên vui.
Khi thiếu Tình, Con Người không được sống trọn vẹn là Người.
*     *
*5 - Trái lại, dầu cuộc tình có khởi sự tuyệt vời, mà mỗi người cứ tự đóng khung, giữa hai người cứ xây thêm tường ngăn cách, thì còn gì ngoài đổ vỡ đắng cay.
*6 - Về Phụ Nữ trong Văn hóa Việt, đọc bài 1405 Dân Việt không Sống theo Nho Học, phần 3.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.

Tổng số lượt xem trang