-Khách Sạn 22
Khôi An, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013, từng là một thuyền nhân. Từ tuổi học trò, cô cùng người em gái phải rời bố mẹ, vượt biển năm 1983. Mười năm sau, 1993, cô đã là một kỹ sư đại diện Intel đi “bàn giao kỹ thuật” cho các kỹ sư bản xứ tại phân xưởng Intel ở Penang, Mã Lai.
Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, Khôi An hiện là tác giả có lượng người đọc lớn nhất trên Việt Báo Online. Bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình", giải danh dư 2009, trên 407 ngàn; Bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu”, giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010, trên 325,000. Và mới nhất, bài “Những Đoạn Đường Cho Nhau”, một tự truyện về tình bạn giữa “đám con nít của Sài gòn thất thủ năm xưa”, giải Chung Kết 2013, chỉ mới sáu tháng, đã đạt gần 280 ngàn lượt người đọc.
Truyện này được viết từ những xúc động khi đọc hai bản tin của ký giả Mark Emmons đăng trên báo San Jose Mercury News vào cuối tháng Mười và đầu tháng Mười Một, 2013. Tên nhân vật và chi tiết trong truyện là hư cấu. Người viết trân trọng cám ơn ông Mark Emmons và San Jose Mercury News. Hình từ trang Web của San Jose Mercury News: Những người không nhà đang lên “Khách Sạn 22.”
* * *
Lisa choàng dậy, ngóc đầu nhìn. Xe bus vừa đi qua Palo Alto Highschool, nghĩa là chỉ còn vài phút nữa thì tới trạm. Nó gạt cái chăn mỏng sang một bên, chống tay ngồi dậy. Bên cạnh, Ba vẫn đang ngủ, đầu dựa vào cửa kính, miệng hơi há ra. Trong giấc ngủ mà trông ổng cũng như đang lo lắng chuyện gì, đôi lông mày nhíu lại. Lisa lặng lẽ xếp cái chăn rồi nhét vào túi xách dưới chân.
Đèn trong xe bật sáng, tiếng nói quen thuộc từ chiếc loa tự động phát lên “Xe bus đang vào trạm Palo Alto Transit Center, trạm cuối của tuyến đường 22. Xin mọi người chuẩn bị xuống xe.” Trong khoảnh khắc, trong xe ồn ào hẳn lên với tiếng ngáp, tiếng ho, tiếng lôi kéo hành lý, tiếng càu nhàu. Ba nó dụi mắt lia lịa, gài lại áo ấm rồi khoác mấy túi đồ đạc lên vai. Xe ghé trạm rồi từ từ ngừng lại. Người ta đổ xô ra cửa, Lisa và Ba cũng hòa vào dòng người, xuống xe.
Lisa đút hai tay vào túi áo. Tháng Mười rồi, đứng ngoài trời đêm mà không dấu kỹ thì chỉ một lát là hai bàn tay nó lạnh như nước đá. Từ xa, hai con mắt khổng lồ, vàng rực của chuyến xe đi hướng Đông đã hiện ra sau lớp sương mỏng. Lisa thở phào, nó sắp được chui vào trong xe ấm áp…
Chuyến xe về Eastridge Mall cũng gần đầy người. Như thường lệ, hai ba con Lisa nhanh chân giành được băng ghế cuối. Nó ngồi sát cửa sổ, nhìn ra ngoài. Con đường El Camino Real ở khúc này là đẹp nhất vì đi ngang qua thành phố Palo Alto, nơi nó nghe nói rằng chỉ có những người giàu kinh khủng mới có nhà ở đó. Xe đang đi dọc theo khoảng đất rộng hút mắt với những cây thông thật cao, dọc hàng rào có treo những tấm hình rực rỡ về trường đại học Stanford. Cái trường này nó biết vì mùa hè rồi trong những ngày trời nắng ấm hai ba con nó có lang thang đi bộ từ bến xe bus vô đó. Nó mê cái bãi cỏ mênh mông, xanh rờn ở phía trước tòa nhà mái đỏ ngay giữa trường, nhìn xéo qua ngọn tháp cao có cái nóc tròn trông giống như cây viết khổng lồ. Nằm ở đó nhìn lên thì trời xanh biếc, cây xanh nõn nà, nhìn chung quanh thì ai cũng tươi tốt, mạnh khỏe, tự tin. Nó nghĩ cảnh đó chắc giống như ở thiên đàng. Nó mê bãi cỏ đó đến nỗi có lần buột miệng hỏi “Ba ơi, nữa lớn con xin vô học trường này, được không Ba?” Ba nhìn nó, miệng há ra mà không nói được tiếng nào, một lát sau ổng mới thốt nên lời “Ờ…ờ…được chứ con… Con ráng hết sức thì… chắc được…” Nghe nói vậy nhưng nó không tin tưởng lắm vì điệu bộ của Ba nó giống y hệt như lần nó hỏi “Ba ơi chừng nào Mẹ về? “. Chỉ khác là hồi đó nó mới sáu tuổi và chưa hiểu “chết” nghĩa là không bao giờ về nữa.
Áp trán vào khung kính lạnh buốt và nhớ lại, nó nghĩ là muốn vô trường Stanford thì nó phải có cây đũa thần. Mà cũng chưa chắc, vì nếu cây đũa chỉ cho một điều ước thì nó sẽ ước cha con nó có một nơi để ở. Nó rất sợ thời gian ngủ lang thang trên mấy băng ghế lạnh ngắt trong những công viên tối thui. Có những đêm trời mưa lâm râm, hai ba con nó nằm ngược đầu đuôi trên băng ghế, đắp chung tấm nylon. Tiếng mưa lơi lộp độp trên nylon làm nó không ngủ được, thêm nữa nó cứ sợ ngủ quên mà trời mưa lớn thì ướt hết sách vở ở trong cái backpack gối dưới đầu. Sau mấy đêm như vậy, giờ hễ thấy trời âm u chuyển mưa là hai lòng bàn chân nó tự nhiên lạnh ngắt.
Cũng may mà hai cha con nó khám phá ra Khách Sạn 22.
Đó là cái tên mà những người không nhà đặt cho tuyến xe bus số 22.
Buổi chiều hôm đó, Lisa cứ nấn ná trên bãi cỏ xanh của trường Stanford nên tới hơn 8 giờ tối mới lên xe bus 22. Hai cha con định đi về khu phía Đông San Jose kiếm chỗ ngủ để ngày mai Ba còn đi xin việc làm ở mấy cái chợ Á châu gần đó. Lên xe, nó ngờ ngợ vì thấy xe đông hơn hẳn những chuyến bình thường, và ai cũng mang nhiều đồ đạc. Một bà ngồi ở băng ghế trước còn có cả một cái xe đẩy chất túi xách, chăn mền. Hơn hai tiếng sau, xe ghé trạm cuối ở Eastridge Mall, nó thấy phần đông khách trên xe lại xếp hàng chờ chuyến xe đi ngược lại. Lúc đó, hai ba con nó mới hỏi thăm và biết là có ba chiếc xe bus chạy vòng vòng trên tuyến đường này cho tới sáng. Từ ngày đó, hai cha con nó gia nhập Khách Sạn 22.
Đây là tuyến xe duy nhất chạy suốt ngày đêm của quận hạt Santa Clara, cũng là tuyến đông khách nhất và chạy con đường dài nhất. Bắt đầu từ Eastridge Mall ở phía Đông thành phố San Jose xe chạy qua đường Tully, quẹo trái đường King, dọc theo đường Santa Clara qua downtown San Jose, nối qua đường Alameda, lên El Camino Real, chạy qua ba thành phố Santa Clara, Sunnyvale, Mountain View trước khi vào thành phố Palo Alto rồi ghé vô trạm chót.
Bây giờ thì Lisa rành lắm rồi. Nó biết rõ đi một chuyến xe thì phải trả hai đô la. Nhưng hầu hết những người trên Khách Sạn 22 đều dùng vé tháng, mỗi tháng bảy chục đô la. Valley Transportation Authority của quận hạt Santa Clara, mà mọi người gọi là VTA, thỉnh thoảng còn cho những người không nhà hoặc những người sắp mất chỗ ở một tấm vé dùng được trong ba tháng. Mấy tấm vé miễn phí đó cũng hiếm hoi như một chỗ ngủ trong những nhà tạm trú (homeless shelter). Dù sao, chỉ tốn bảy mươi đô la mà có phương tiện đi lại và chỗ ngủ trong cả một tháng dài, đối với cha con nó lúc này, là một sự may mắn và vô cùng quan trọng.
*Dù đã lang thang không nhà gần năm tháng, Lisa vẫn không nghĩ hai cha con nó là người homeless. Nó thấy chữ “homeless” nghe buồn bã quá, và chỉ hợp với những người chấp nhận là từ nay về sau họ sẽ không có nhà ở nữa. Ba con nó là những người “between homes”, nghĩa là đang kiếm chỗ ở.
Hồi xưa, lúc còn Mẹ, gia đình nó cũng có “home” trong một khu chung cư rất dễ thương, ở gần cái công viên thật rộng. Cuối tuần Ba tập cho nó chạy xe đạp còn Mẹ thì trải khăn trên thảm cỏ xanh rờn và nướng thịt bay mùi thơm phức. Tới giờ thỉnh thoảng nó vẫn còn nằm mơ thấy Mẹ cười thật tươi dưới tàn lá xanh lấp loáng ánh nắng công viên, và khi tỉnh dậy nó gần như chắc chắn là trong mơ nó đã ngửi thấy mùi thịt nướng.
Ngày đầu tiên nó vô lớp Một, Mẹ nó còn dắt nó đi học, còn đứng lấp ló ngó chừng, khi thấy nó không khóc Mẹ mới đi làm. Ngày Giáng Sinh năm đó nó còn vẽ tấm hình có nó, Ba, và Mẹ đánh son đỏ chót thiệt là đẹp. Vậy mà chỉ vài tháng sau Mẹ vô nhà thương. Bữa cô Cindy, em của Ba, hớt hải chạy vô xin cho nó về thăm Mẹ, cô giáo nắm tay nó và nói “Poor baby” (tội nghiệp cưng). Đó là lần đầu tiên nó thấy Ba khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Và đó cũng là lần chót Mẹ mở mắt ra nhìn nó.
Sau đó Ba con nó dọn về ở chung với cô Cindy và chú Ben. Những chuyện xảy ra trong vài năm sau khi Mẹ mất, Lisa chỉ nhớ lác đác, tựa như đầu óc nó lạc trong một giấc ngủ dài sau khi Mẹ ra đi. Nhưng những chuyện gì đã nhớ thì nó nhớ rõ, thí dụ như là nó mới vô lớp Bốn thì Ba bị đau lưng. Chú Ben nói tại Ba làm cực, khiêng nặng mà không đeo thắt lưng bảo vệ. Ba bịnh chưa hết thì chú Ben mất việc làm. Ngày chú tìm được việc làm ở xa, hai cô chú và mấy đứa con phải dọn đi. Cô Cindy ôm hôn nó và nói “Con ráng ngoan nha”. Giọng cổ nghẹn ở mũi, nó nghĩ cổ nói vậy để khỏi khóc chứ ở chung mấy năm trời, cổ biết lúc nào nó chẳng ngoan.
Từ đó, hai cha con dọn một qua căn phòng nhỏ xíu. Ba vẫn đau lưng rề rề. Ba thuờng phải nghỉ làm, nằm một mình trong căn phòng đóng cửa tối mờ. Một ngày kia đi học về nó thấy trước nhà dán một phong thư. Đem vô đưa Ba coi, Ba không nói tiếng nào. Mãi đến khi ăn xong bữa tối Ba mới lấy thùng dọn đồ đạc vô và nói mình không có trả tiền nhà tháng rồi, chủ nhà gởi thư bắt dọn đi.
Bữa đầu hai cha con tới Commercial Street Inn ở San Jose. Sau khi đứng chờ ở một hàng dài, tới phiên hai cha con nó, cô thư ký lắc đầu:
- Ở đây là nơi tạm trú của các bà mẹ có con nhỏ.
Ba nó nài nỉ:
- Con tôi cũng nhỏ nhưng mẹ nó chết rồi. Cô làm ơn!
Cô ta vẫn lắc đầu:
- Mỗi phòng có bốn, năm đàn bà, con nít ở chung, làm sao tôi cho ông vô? Mà không có ông, ai chịu trách nhiệm cho con bé?
Thấy cha con nó ngần ngừ, ngơ ngác, không biết đi đâu, cô thư ký thương tình cho nằm đỡ dưới đất ngay trong phòng chờ đêm hôm đó. Hôm sau hai cha con lại dắt nhau đi.
Ba dắt nó vô thư viện coi nhờ Internet và xin tài liệu để đi tìm những shelter (nhà tạm trú) khác. Được bà coi thư viện tốt bụng in ra cho một danh sách các shelter trong quận Santa Clara con Lisa mừng quá. Nhìn thấy tới mười chỗ trong danh sách, nó chắc là cha con nó sẽ tìm được một nơi ở tạm vài tuần. Nhưng coi vậy mà không phải vậy…
Tuần lễ đó, hai cha con nó chỉ được ngủ trong shelter có hai ngày vì ở đâu cũng đầy người, nếu tới sau sáu giờ thì chắc chắn không còn giường trống. Có những shelter chỉ dành riêng cho những người bị bệnh tâm thần, và chỉ có một shelter dành cho gia đình chịu cấp phòng cho cha độc thân và con nhỏ. Có lần nó hỏi tại sao quận Santa Clara có tới hai chỗ cho những người mẹ có con nhỏ mà không có chỗ nào dành cho cha với con nhỏ, cô thư ký suy nghĩ một chút rồi nói:
- Bởi vì hầu hết những người có con nhỏ đến nhờ giúp đỡ đều là đàn bà. Em thông minh lắm, nhưng rất tiếc tôi không giúp được em. Người ta đặt ra những chương trình để phục vụ số đông. Cha con em là trường hợp đặc biệt.
Nó thấy buồn nhưng chỉ nắm tay Ba và trả lời: Vâng, cha của con là người rất đặc biệt.
Chỉ có một câu vậy thôi mà cả hai người lớn, cha nó và cô thư ký, đều chớp mắt như muốn khóc.
Trong mấy tháng cha con nó ngày nào cũng vô thư viện tìm thêm tài liệu về những shelter rồi đi xin khắp nơi. Nhờ đọc nhiều nên nó biết được là cứ mỗi đêm ở trong quận Santa Clara có tới hơn năm ngàn người không nhà cần chỗ ngủ. Mỗi shelter thường chỉ có mấy chục phòng, và có những nơi chỉ mở cửa vào mùa Đông. Hèn gì mà cha con nó thường phải ghi tên chờ tới phiên, có khi cả mấy tuần mới được.
Thời đó, cứ sau bữa ăn trưa là hai cha con lo tìm chỗ ngủ. Đi mấy chuyến xe bus mới tới nơi, người ta hết chỗ, đứng ngẩn ngơ vài phút rồi lại ráng đoán xem chỗ nào còn chỗ, leo lên xe đi tiếp. Rồi đêm xuống, vẫn còn ngoài đường, hai cha con thất thểu dắt nhau kiếm tòa nhà nào có chút mái che và sáng sủa cho đỡ nguy hiểm, rồi ráng quấn chăn cho ấm và ráng ngủ. Có nhiều đêm nó biết Ba sợ cho nó, bắt nó nằm vô sát vách rồi lấy chăn trùm kín mít. Vậy mà khi nó giật mình thức giấc vẫn thấy Ba mở mắt nằm thao thức.
*Từ khi có Khách Sạn 22 làm nơi trú mỗi đêm, Lisa thấy đời sống của nó khá hơn nhiều.
Lúc đầu nó hơi khó ngủ vì xe cứ chạy rung rung rồi lại thắng ken két. Mỗi lần tới trạm loa phóng thanh còn phát tiếng nhắc nhở làm nó giật mình hoài. Những khi không ngủ được nó ngồi ngắm các hành khách. Lúc đầu khuya còn có những người đi làm ca đêm hoặc đi chơi về trễ. Những người này có vẻ vội vã, họ thường chăm chú bấm lia lịa trên điện thoại di động trong suốt chuyến xe. Qua hai giờ đêm, xe chỉ còn toàn là những người đi xe mà không có chỗ đến như cha con nó. Họ ngồi gật gù trong giấc ngủ chập chờn hoặc nằm co ro trên các băng ghế. Rồi nó cũng từ từ nằm xuống, gối đầu lên chiếc backpack, và thiếp đi.
Sau vài tuần nó đã quen. Nó có thể ngủ say nhưng luôn thức dậy khi xe tới bến chót, rồi lại ngủ tiếp trên chuyến xe ngược lại.
Điều làm Ba nó mừng nhất là trên xe bus an toàn. Về phần nó, nó thích nhất vì Khách Sạn 22 giúp mọi chuyện trở nên đều đặn. Mỗi sáng nó đi xe tới trường học, chiều về đón xe bus tới thư viện ở đường Alum Rock học bài. Tới giờ thư viện đóng cửa thì nó đi bộ qua tiệm Goodwill ngay gần đó. Tiệm này là nơi bán đồ cho người nghèo, những ngày Ba không đi xin việc thì ổng làm không có lương ở đây.
Những người lái xe chuyến 22 đều biết rõ là nhiều người không nhà dùng chiếc xe làm nơi ngủ nhưng họ không làm khó dễ. Chỉ cần những “hành khách đi không bao giờ tới” này tuân theo luật lệ, không ăn uống, hút thuốc, xả rác, hay làm ồn ào trên xe. Ông Tom, một trong những người lái xe, có lần nói:
- Đối với tôi, những người không nhà cũng như mọi hành khách khác. Nếu họ có vé thì họ được đi xe. Thường thường họ đều là người tốt, chỉ đang gặp khó khăn.
Thoát khỏi nổi lo lắng về chỗ ngủ đeo đuổi suốt ngày, Lisa học giỏi hơn trước. Có lẽ nhờ ngày nào cũng học trong thư viện nên năm nay nó đạt nhiều điểm cao nhất. Từ khi khai trường vô lớp Năm, nó thường xuyên được điểm A. Lần đi họp phụ huynh về, Ba nó ôm nó thật chặt rồi nói “Ba thiệt không dám tưởng tượng là con giỏi vậy!”
Bạn bè nó không ai biết là nó không có nhà, có lẽ vì hai cha con nó luôn giữ sạch sẽ, gọn gàng. Ngày nào sau giờ học nó cũng tới một trung tâm sinh hoạt cộng đồng có hồ bơi và phòng tắm cho người đi bơi. Nó hòa vô đám người đó tắm rửa rồi giặt quần áo, vắt khô bỏ vô bịch, sau đó trải một tấm nylon phơi lén ở cái bãi đậu xe đằng sau Goodwill.
Từ hồi tháng Chín, mỗi sáng khi xuống xe ở trạm gần trường, nó đều gặp một cặp vợ chồng với một đứa con trai nhỏ đón xe ở đó. Đứa bé chắc đang học lớp Một, giống như nó thời còn Mẹ. Lần đầu tiên nó nhìn họ từ trên xe bus, bà mẹ đang cúi xuống gài lại áo lạnh cho thằng bé. Không hiểu sao nó thấy cái cử chỉ đó, cái dáng điệu đó, giống in như mẹ nó ngày xưa. Lần đó, sau khi xuống xe, nó chậm bước nhìn họ cho rõ. Từ đó, lần nào gặp họ nó cũng phải nhìn, vừa nhìn vừa thầm mong cái buồn buồn xốn xang trong bụng đừng hiện ra trong con mắt. Có lẽ vì nó nhìn họ hoài, họ cũng nhớ mặt nó. Gần đây, ngày nào hai bên cũng nói Hello chào nhau. Thỉnh thoảng có ngày không gặp họ, nó cảm thấy chút gì như là mong nhớ…
Một đêm cuối tháng Mười, trên Khách Sạn 22 xuất hiện vài khuôn mặt lạ. Họ tự giới thiệu là phóng viên của báo San Jose Mercury News, nghe nói về nơi này và muốn tìm hiểu thêm. Lisa không muốn nhắc đến chuyện không có nhà nên kéo chăn che mặt, làm bộ ngủ. Ba chỉ miễn cưỡng trả lời vài câu hỏi và không đưa tên tuổi gì hết.
*Lá phong trên hàng cây dọc con đường Alameda đã đổi màu, cửa kính của các nhà hàng đã xuất hiện hình vẽ gà tây bên cạnh những trái bí rợ. Màu cam, màu đỏ của mùa lễ làm Lisa thấy buồn buồn. Cái vui vẻ, ấm áp của người ta làm nó chợt nhớ rằng lâu lắm rồi nó không được nhìn thấy một nồi súp đang bốc khói, trên cái lò cháy đỏ, trong một căn bếp. Nơi mà các gia đình quây quần ăn bữa tối…
…Thứ Bảy, buổi sáng trời nắng ấm. Hai cha con nó xuống xe ở đường Santa Clara rồi đi bộ tới công viên Cesar Chavez. Có một nhóm người đang phát những thức ăn nóng tại đó. Nghe nói có súp đậu, gà nướng, khoai tán, và cả bánh nhân bí đỏ nữa. Những món ăn tuyệt vời, chỉ nghĩ thôi mà đã phát thèm! Nó nắm tay Ba nối đuôi xếp hàng, và háo hức chờ đợi. Chỉ còn năm, bẩy người nữa là tới phiên nó.
Bỗng tim nó thót lại!
Nó vừa nhìn thấy bà-mẹ-của-thằng-bé mà nó gặp hàng ngày đang tươi cười đứng trong đám múc đồ ăn cho đoàn người không nhà. Nó lôi Ba tách khỏi hàng, quay ngoắt đi, vội vàng như chạy trốn. Ba nó vừa rảo bước theo vừa hỏi “Sao vậy? Cái gì vậy? Lisa?” Nó không nói gì, chỉ cắm đầu đi. Qua một khúc quẹo, khi biết chắc là bà ta không thể thấy hai cha con nó, Lisa mới đứng lại. Rồi tự nhiên nó thấy giận. Giận vì mình không có nhà, giận vì mình sợ người ta biết, giận vì mình đã làm Ba mất một bữa ăn ngon. Nó bật khóc nức nở…
- Lisa, con ăn đi!
Tiếng Ba nó nhắc nhở làm nó trở về hiện tại. Nó đang ngồi trong một nhà hàng sang trọng ngay trung tâm thành phố San Jose, đối diện với ông Sam, bà Nancy, và thằng bé Danny (bây giờ nó đã biết tên của họ.) Ánh mắt của bà Nancy thật là vui và ấm áp. Nhưng nó vẫn thấy ngại ngùng, thắc mắc không hiểu tại sao họ cất công mời Ba và nó đi ăn. Không lẽ bà Nancy đã thấy nó bỏ chạy từ đoàn người xếp hàng xin thức ăn hôm nọ, và muốn đền bù cho hai cha con một bữa?
Sáng hôm qua, thứ Sáu, Ba và nó cũng mỉm cười chào gia đình thằng bé như mọi ngày. Bỗng ông Sam tiến tới bắt tay Ba rồi nói:
- Chào ông. Tôi là Sam, đây là vợ tôi, Nancy, và cháu trai Daniel. Chúng ta biết nhau khá lâu rồi, hôm nay tôi muốn được hỏi tên ông và cháu gái.
- Chào ông bà. Tôi là John, con gái tôi là Lisa.
Sau vài câu trao đổi, họ mời cha con nó đi ăn vào ngày mai. Ba nó cũng rất ngạc nhiên, ấp úng từ chối. Nhưng họ thuyết phục mãi, và bây giờ cha con nó đang ngồi đây.
Dù sao những món ăn trên bàn cũng quá hấp dẫn, và vẻ cởi mở, ân cần của hai ông bà cũng không có dấu hiệu gì đáng lo. Lisa bắt đầu cắn vào miếng thịt gà vàng rộm và mỉm cười với thằng bé Danny.
Khi Lisa vét xong muỗng kem tráng miệng cuối cùng, bà Nancy ngồi thẳng lên. Bà nhìn Lisa, rồi nhìn Ba, rồi nói:
- Cách đây hai tuần tôi thấy hình ông và cháu Lisa trên báo San Jose Mercury News.
Lisa nghe máu chạy một cái rần lên mặt. Nó không biết mặt nó đang đỏ bừng hay tái mét. Bên cạnh nó, Ba cũng có vẻ sững sờ. Hai cha con mở to mắt nhìn những người phía bên kia bàn.
Bà Nancy phác một cử chỉ như muốn nắm lấy tay nó. Bà tiếp tục nói, thật dịu dàng:
- Tôi có đưa bài báo đó cho nhà tôi coi. Ổng là giám đốc chương trình của một cơ quan thiện nguyện tên là Dịch Vụ Về Chỗ Ở Vùng Vịnh, và tôi là giáo sư ở trường Đại Học San Jose. Chúng tôi muốn giúp ông và cháu rời khỏi chiếc xe bus 22. Từ đó tới nay, chúng tôi đã gọi cho những người quen biết và tìm được một nơi có thể giúp ông và cháu. Thứ Hai, mời ông tới văn phòng….
*Bây giờ hai cha con Lisa đã được cấp một căn phòng tại một nơi tạm trú cho các gia đình đang gặp khó khăn. Trong thời gian ở đây, Ba nó được đi học những lớp dạy nghề, và người ta hứa sẽ giúp Ba đi kiếm việc.
Mỗi khi nghĩ lại, Lisa thấy có nhiều việc liên hệ với nhau một cách diệu kỳ. Không biết có phải Mẹ đã đưa đẩy cho nó quen được những người tốt bụng để họ giúp đỡ cha con nó hay không.
Bây giờ ước mơ của nó là khi lớn lên sẽ làm giám đốc chương trình giúp đỡ nhà cửa cho người nghèo, giống như người ân nhân của nó. Khi đó, nó cũng có thể làm điều kỳ diệu cho những đứa bé không nhà khác, những đứa bé mà nó biết là có rất nhiều ở khắp nơi. Nó tin là nó sẽ làm được, chỉ cần ráng học thật giỏi và quyết tâm.
Và Lisa còn học được một điều mới nữa trong thời gian nương náu trên Khách Sạn 22.
Rằng, có những người thật sự có chiếc đũa thần, nhưng khi mới gặp mình không thấy được.
Bởi vì, chiếc đũa đó, họ cất ở trong tim.
Khôi An
Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, Khôi An hiện là tác giả có lượng người đọc lớn nhất trên Việt Báo Online. Bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình", giải danh dư 2009, trên 407 ngàn; Bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu”, giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010, trên 325,000. Và mới nhất, bài “Những Đoạn Đường Cho Nhau”, một tự truyện về tình bạn giữa “đám con nít của Sài gòn thất thủ năm xưa”, giải Chung Kết 2013, chỉ mới sáu tháng, đã đạt gần 280 ngàn lượt người đọc.
Truyện này được viết từ những xúc động khi đọc hai bản tin của ký giả Mark Emmons đăng trên báo San Jose Mercury News vào cuối tháng Mười và đầu tháng Mười Một, 2013. Tên nhân vật và chi tiết trong truyện là hư cấu. Người viết trân trọng cám ơn ông Mark Emmons và San Jose Mercury News. Hình từ trang Web của San Jose Mercury News: Những người không nhà đang lên “Khách Sạn 22.”
* * *
Lisa choàng dậy, ngóc đầu nhìn. Xe bus vừa đi qua Palo Alto Highschool, nghĩa là chỉ còn vài phút nữa thì tới trạm. Nó gạt cái chăn mỏng sang một bên, chống tay ngồi dậy. Bên cạnh, Ba vẫn đang ngủ, đầu dựa vào cửa kính, miệng hơi há ra. Trong giấc ngủ mà trông ổng cũng như đang lo lắng chuyện gì, đôi lông mày nhíu lại. Lisa lặng lẽ xếp cái chăn rồi nhét vào túi xách dưới chân.
Đèn trong xe bật sáng, tiếng nói quen thuộc từ chiếc loa tự động phát lên “Xe bus đang vào trạm Palo Alto Transit Center, trạm cuối của tuyến đường 22. Xin mọi người chuẩn bị xuống xe.” Trong khoảnh khắc, trong xe ồn ào hẳn lên với tiếng ngáp, tiếng ho, tiếng lôi kéo hành lý, tiếng càu nhàu. Ba nó dụi mắt lia lịa, gài lại áo ấm rồi khoác mấy túi đồ đạc lên vai. Xe ghé trạm rồi từ từ ngừng lại. Người ta đổ xô ra cửa, Lisa và Ba cũng hòa vào dòng người, xuống xe.
Lisa đút hai tay vào túi áo. Tháng Mười rồi, đứng ngoài trời đêm mà không dấu kỹ thì chỉ một lát là hai bàn tay nó lạnh như nước đá. Từ xa, hai con mắt khổng lồ, vàng rực của chuyến xe đi hướng Đông đã hiện ra sau lớp sương mỏng. Lisa thở phào, nó sắp được chui vào trong xe ấm áp…
Chuyến xe về Eastridge Mall cũng gần đầy người. Như thường lệ, hai ba con Lisa nhanh chân giành được băng ghế cuối. Nó ngồi sát cửa sổ, nhìn ra ngoài. Con đường El Camino Real ở khúc này là đẹp nhất vì đi ngang qua thành phố Palo Alto, nơi nó nghe nói rằng chỉ có những người giàu kinh khủng mới có nhà ở đó. Xe đang đi dọc theo khoảng đất rộng hút mắt với những cây thông thật cao, dọc hàng rào có treo những tấm hình rực rỡ về trường đại học Stanford. Cái trường này nó biết vì mùa hè rồi trong những ngày trời nắng ấm hai ba con nó có lang thang đi bộ từ bến xe bus vô đó. Nó mê cái bãi cỏ mênh mông, xanh rờn ở phía trước tòa nhà mái đỏ ngay giữa trường, nhìn xéo qua ngọn tháp cao có cái nóc tròn trông giống như cây viết khổng lồ. Nằm ở đó nhìn lên thì trời xanh biếc, cây xanh nõn nà, nhìn chung quanh thì ai cũng tươi tốt, mạnh khỏe, tự tin. Nó nghĩ cảnh đó chắc giống như ở thiên đàng. Nó mê bãi cỏ đó đến nỗi có lần buột miệng hỏi “Ba ơi, nữa lớn con xin vô học trường này, được không Ba?” Ba nhìn nó, miệng há ra mà không nói được tiếng nào, một lát sau ổng mới thốt nên lời “Ờ…ờ…được chứ con… Con ráng hết sức thì… chắc được…” Nghe nói vậy nhưng nó không tin tưởng lắm vì điệu bộ của Ba nó giống y hệt như lần nó hỏi “Ba ơi chừng nào Mẹ về? “. Chỉ khác là hồi đó nó mới sáu tuổi và chưa hiểu “chết” nghĩa là không bao giờ về nữa.
Áp trán vào khung kính lạnh buốt và nhớ lại, nó nghĩ là muốn vô trường Stanford thì nó phải có cây đũa thần. Mà cũng chưa chắc, vì nếu cây đũa chỉ cho một điều ước thì nó sẽ ước cha con nó có một nơi để ở. Nó rất sợ thời gian ngủ lang thang trên mấy băng ghế lạnh ngắt trong những công viên tối thui. Có những đêm trời mưa lâm râm, hai ba con nó nằm ngược đầu đuôi trên băng ghế, đắp chung tấm nylon. Tiếng mưa lơi lộp độp trên nylon làm nó không ngủ được, thêm nữa nó cứ sợ ngủ quên mà trời mưa lớn thì ướt hết sách vở ở trong cái backpack gối dưới đầu. Sau mấy đêm như vậy, giờ hễ thấy trời âm u chuyển mưa là hai lòng bàn chân nó tự nhiên lạnh ngắt.
Cũng may mà hai cha con nó khám phá ra Khách Sạn 22.
Đó là cái tên mà những người không nhà đặt cho tuyến xe bus số 22.
Buổi chiều hôm đó, Lisa cứ nấn ná trên bãi cỏ xanh của trường Stanford nên tới hơn 8 giờ tối mới lên xe bus 22. Hai cha con định đi về khu phía Đông San Jose kiếm chỗ ngủ để ngày mai Ba còn đi xin việc làm ở mấy cái chợ Á châu gần đó. Lên xe, nó ngờ ngợ vì thấy xe đông hơn hẳn những chuyến bình thường, và ai cũng mang nhiều đồ đạc. Một bà ngồi ở băng ghế trước còn có cả một cái xe đẩy chất túi xách, chăn mền. Hơn hai tiếng sau, xe ghé trạm cuối ở Eastridge Mall, nó thấy phần đông khách trên xe lại xếp hàng chờ chuyến xe đi ngược lại. Lúc đó, hai ba con nó mới hỏi thăm và biết là có ba chiếc xe bus chạy vòng vòng trên tuyến đường này cho tới sáng. Từ ngày đó, hai cha con nó gia nhập Khách Sạn 22.
Đây là tuyến xe duy nhất chạy suốt ngày đêm của quận hạt Santa Clara, cũng là tuyến đông khách nhất và chạy con đường dài nhất. Bắt đầu từ Eastridge Mall ở phía Đông thành phố San Jose xe chạy qua đường Tully, quẹo trái đường King, dọc theo đường Santa Clara qua downtown San Jose, nối qua đường Alameda, lên El Camino Real, chạy qua ba thành phố Santa Clara, Sunnyvale, Mountain View trước khi vào thành phố Palo Alto rồi ghé vô trạm chót.
Bây giờ thì Lisa rành lắm rồi. Nó biết rõ đi một chuyến xe thì phải trả hai đô la. Nhưng hầu hết những người trên Khách Sạn 22 đều dùng vé tháng, mỗi tháng bảy chục đô la. Valley Transportation Authority của quận hạt Santa Clara, mà mọi người gọi là VTA, thỉnh thoảng còn cho những người không nhà hoặc những người sắp mất chỗ ở một tấm vé dùng được trong ba tháng. Mấy tấm vé miễn phí đó cũng hiếm hoi như một chỗ ngủ trong những nhà tạm trú (homeless shelter). Dù sao, chỉ tốn bảy mươi đô la mà có phương tiện đi lại và chỗ ngủ trong cả một tháng dài, đối với cha con nó lúc này, là một sự may mắn và vô cùng quan trọng.
*Dù đã lang thang không nhà gần năm tháng, Lisa vẫn không nghĩ hai cha con nó là người homeless. Nó thấy chữ “homeless” nghe buồn bã quá, và chỉ hợp với những người chấp nhận là từ nay về sau họ sẽ không có nhà ở nữa. Ba con nó là những người “between homes”, nghĩa là đang kiếm chỗ ở.
Hồi xưa, lúc còn Mẹ, gia đình nó cũng có “home” trong một khu chung cư rất dễ thương, ở gần cái công viên thật rộng. Cuối tuần Ba tập cho nó chạy xe đạp còn Mẹ thì trải khăn trên thảm cỏ xanh rờn và nướng thịt bay mùi thơm phức. Tới giờ thỉnh thoảng nó vẫn còn nằm mơ thấy Mẹ cười thật tươi dưới tàn lá xanh lấp loáng ánh nắng công viên, và khi tỉnh dậy nó gần như chắc chắn là trong mơ nó đã ngửi thấy mùi thịt nướng.
Ngày đầu tiên nó vô lớp Một, Mẹ nó còn dắt nó đi học, còn đứng lấp ló ngó chừng, khi thấy nó không khóc Mẹ mới đi làm. Ngày Giáng Sinh năm đó nó còn vẽ tấm hình có nó, Ba, và Mẹ đánh son đỏ chót thiệt là đẹp. Vậy mà chỉ vài tháng sau Mẹ vô nhà thương. Bữa cô Cindy, em của Ba, hớt hải chạy vô xin cho nó về thăm Mẹ, cô giáo nắm tay nó và nói “Poor baby” (tội nghiệp cưng). Đó là lần đầu tiên nó thấy Ba khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Và đó cũng là lần chót Mẹ mở mắt ra nhìn nó.
Sau đó Ba con nó dọn về ở chung với cô Cindy và chú Ben. Những chuyện xảy ra trong vài năm sau khi Mẹ mất, Lisa chỉ nhớ lác đác, tựa như đầu óc nó lạc trong một giấc ngủ dài sau khi Mẹ ra đi. Nhưng những chuyện gì đã nhớ thì nó nhớ rõ, thí dụ như là nó mới vô lớp Bốn thì Ba bị đau lưng. Chú Ben nói tại Ba làm cực, khiêng nặng mà không đeo thắt lưng bảo vệ. Ba bịnh chưa hết thì chú Ben mất việc làm. Ngày chú tìm được việc làm ở xa, hai cô chú và mấy đứa con phải dọn đi. Cô Cindy ôm hôn nó và nói “Con ráng ngoan nha”. Giọng cổ nghẹn ở mũi, nó nghĩ cổ nói vậy để khỏi khóc chứ ở chung mấy năm trời, cổ biết lúc nào nó chẳng ngoan.
Từ đó, hai cha con dọn một qua căn phòng nhỏ xíu. Ba vẫn đau lưng rề rề. Ba thuờng phải nghỉ làm, nằm một mình trong căn phòng đóng cửa tối mờ. Một ngày kia đi học về nó thấy trước nhà dán một phong thư. Đem vô đưa Ba coi, Ba không nói tiếng nào. Mãi đến khi ăn xong bữa tối Ba mới lấy thùng dọn đồ đạc vô và nói mình không có trả tiền nhà tháng rồi, chủ nhà gởi thư bắt dọn đi.
Bữa đầu hai cha con tới Commercial Street Inn ở San Jose. Sau khi đứng chờ ở một hàng dài, tới phiên hai cha con nó, cô thư ký lắc đầu:
- Ở đây là nơi tạm trú của các bà mẹ có con nhỏ.
Ba nó nài nỉ:
- Con tôi cũng nhỏ nhưng mẹ nó chết rồi. Cô làm ơn!
Cô ta vẫn lắc đầu:
- Mỗi phòng có bốn, năm đàn bà, con nít ở chung, làm sao tôi cho ông vô? Mà không có ông, ai chịu trách nhiệm cho con bé?
Thấy cha con nó ngần ngừ, ngơ ngác, không biết đi đâu, cô thư ký thương tình cho nằm đỡ dưới đất ngay trong phòng chờ đêm hôm đó. Hôm sau hai cha con lại dắt nhau đi.
Ba dắt nó vô thư viện coi nhờ Internet và xin tài liệu để đi tìm những shelter (nhà tạm trú) khác. Được bà coi thư viện tốt bụng in ra cho một danh sách các shelter trong quận Santa Clara con Lisa mừng quá. Nhìn thấy tới mười chỗ trong danh sách, nó chắc là cha con nó sẽ tìm được một nơi ở tạm vài tuần. Nhưng coi vậy mà không phải vậy…
Tuần lễ đó, hai cha con nó chỉ được ngủ trong shelter có hai ngày vì ở đâu cũng đầy người, nếu tới sau sáu giờ thì chắc chắn không còn giường trống. Có những shelter chỉ dành riêng cho những người bị bệnh tâm thần, và chỉ có một shelter dành cho gia đình chịu cấp phòng cho cha độc thân và con nhỏ. Có lần nó hỏi tại sao quận Santa Clara có tới hai chỗ cho những người mẹ có con nhỏ mà không có chỗ nào dành cho cha với con nhỏ, cô thư ký suy nghĩ một chút rồi nói:
- Bởi vì hầu hết những người có con nhỏ đến nhờ giúp đỡ đều là đàn bà. Em thông minh lắm, nhưng rất tiếc tôi không giúp được em. Người ta đặt ra những chương trình để phục vụ số đông. Cha con em là trường hợp đặc biệt.
Nó thấy buồn nhưng chỉ nắm tay Ba và trả lời: Vâng, cha của con là người rất đặc biệt.
Chỉ có một câu vậy thôi mà cả hai người lớn, cha nó và cô thư ký, đều chớp mắt như muốn khóc.
Trong mấy tháng cha con nó ngày nào cũng vô thư viện tìm thêm tài liệu về những shelter rồi đi xin khắp nơi. Nhờ đọc nhiều nên nó biết được là cứ mỗi đêm ở trong quận Santa Clara có tới hơn năm ngàn người không nhà cần chỗ ngủ. Mỗi shelter thường chỉ có mấy chục phòng, và có những nơi chỉ mở cửa vào mùa Đông. Hèn gì mà cha con nó thường phải ghi tên chờ tới phiên, có khi cả mấy tuần mới được.
Thời đó, cứ sau bữa ăn trưa là hai cha con lo tìm chỗ ngủ. Đi mấy chuyến xe bus mới tới nơi, người ta hết chỗ, đứng ngẩn ngơ vài phút rồi lại ráng đoán xem chỗ nào còn chỗ, leo lên xe đi tiếp. Rồi đêm xuống, vẫn còn ngoài đường, hai cha con thất thểu dắt nhau kiếm tòa nhà nào có chút mái che và sáng sủa cho đỡ nguy hiểm, rồi ráng quấn chăn cho ấm và ráng ngủ. Có nhiều đêm nó biết Ba sợ cho nó, bắt nó nằm vô sát vách rồi lấy chăn trùm kín mít. Vậy mà khi nó giật mình thức giấc vẫn thấy Ba mở mắt nằm thao thức.
*Từ khi có Khách Sạn 22 làm nơi trú mỗi đêm, Lisa thấy đời sống của nó khá hơn nhiều.
Lúc đầu nó hơi khó ngủ vì xe cứ chạy rung rung rồi lại thắng ken két. Mỗi lần tới trạm loa phóng thanh còn phát tiếng nhắc nhở làm nó giật mình hoài. Những khi không ngủ được nó ngồi ngắm các hành khách. Lúc đầu khuya còn có những người đi làm ca đêm hoặc đi chơi về trễ. Những người này có vẻ vội vã, họ thường chăm chú bấm lia lịa trên điện thoại di động trong suốt chuyến xe. Qua hai giờ đêm, xe chỉ còn toàn là những người đi xe mà không có chỗ đến như cha con nó. Họ ngồi gật gù trong giấc ngủ chập chờn hoặc nằm co ro trên các băng ghế. Rồi nó cũng từ từ nằm xuống, gối đầu lên chiếc backpack, và thiếp đi.
Sau vài tuần nó đã quen. Nó có thể ngủ say nhưng luôn thức dậy khi xe tới bến chót, rồi lại ngủ tiếp trên chuyến xe ngược lại.
Điều làm Ba nó mừng nhất là trên xe bus an toàn. Về phần nó, nó thích nhất vì Khách Sạn 22 giúp mọi chuyện trở nên đều đặn. Mỗi sáng nó đi xe tới trường học, chiều về đón xe bus tới thư viện ở đường Alum Rock học bài. Tới giờ thư viện đóng cửa thì nó đi bộ qua tiệm Goodwill ngay gần đó. Tiệm này là nơi bán đồ cho người nghèo, những ngày Ba không đi xin việc thì ổng làm không có lương ở đây.
Những người lái xe chuyến 22 đều biết rõ là nhiều người không nhà dùng chiếc xe làm nơi ngủ nhưng họ không làm khó dễ. Chỉ cần những “hành khách đi không bao giờ tới” này tuân theo luật lệ, không ăn uống, hút thuốc, xả rác, hay làm ồn ào trên xe. Ông Tom, một trong những người lái xe, có lần nói:
- Đối với tôi, những người không nhà cũng như mọi hành khách khác. Nếu họ có vé thì họ được đi xe. Thường thường họ đều là người tốt, chỉ đang gặp khó khăn.
Thoát khỏi nổi lo lắng về chỗ ngủ đeo đuổi suốt ngày, Lisa học giỏi hơn trước. Có lẽ nhờ ngày nào cũng học trong thư viện nên năm nay nó đạt nhiều điểm cao nhất. Từ khi khai trường vô lớp Năm, nó thường xuyên được điểm A. Lần đi họp phụ huynh về, Ba nó ôm nó thật chặt rồi nói “Ba thiệt không dám tưởng tượng là con giỏi vậy!”
Bạn bè nó không ai biết là nó không có nhà, có lẽ vì hai cha con nó luôn giữ sạch sẽ, gọn gàng. Ngày nào sau giờ học nó cũng tới một trung tâm sinh hoạt cộng đồng có hồ bơi và phòng tắm cho người đi bơi. Nó hòa vô đám người đó tắm rửa rồi giặt quần áo, vắt khô bỏ vô bịch, sau đó trải một tấm nylon phơi lén ở cái bãi đậu xe đằng sau Goodwill.
Từ hồi tháng Chín, mỗi sáng khi xuống xe ở trạm gần trường, nó đều gặp một cặp vợ chồng với một đứa con trai nhỏ đón xe ở đó. Đứa bé chắc đang học lớp Một, giống như nó thời còn Mẹ. Lần đầu tiên nó nhìn họ từ trên xe bus, bà mẹ đang cúi xuống gài lại áo lạnh cho thằng bé. Không hiểu sao nó thấy cái cử chỉ đó, cái dáng điệu đó, giống in như mẹ nó ngày xưa. Lần đó, sau khi xuống xe, nó chậm bước nhìn họ cho rõ. Từ đó, lần nào gặp họ nó cũng phải nhìn, vừa nhìn vừa thầm mong cái buồn buồn xốn xang trong bụng đừng hiện ra trong con mắt. Có lẽ vì nó nhìn họ hoài, họ cũng nhớ mặt nó. Gần đây, ngày nào hai bên cũng nói Hello chào nhau. Thỉnh thoảng có ngày không gặp họ, nó cảm thấy chút gì như là mong nhớ…
Một đêm cuối tháng Mười, trên Khách Sạn 22 xuất hiện vài khuôn mặt lạ. Họ tự giới thiệu là phóng viên của báo San Jose Mercury News, nghe nói về nơi này và muốn tìm hiểu thêm. Lisa không muốn nhắc đến chuyện không có nhà nên kéo chăn che mặt, làm bộ ngủ. Ba chỉ miễn cưỡng trả lời vài câu hỏi và không đưa tên tuổi gì hết.
*Lá phong trên hàng cây dọc con đường Alameda đã đổi màu, cửa kính của các nhà hàng đã xuất hiện hình vẽ gà tây bên cạnh những trái bí rợ. Màu cam, màu đỏ của mùa lễ làm Lisa thấy buồn buồn. Cái vui vẻ, ấm áp của người ta làm nó chợt nhớ rằng lâu lắm rồi nó không được nhìn thấy một nồi súp đang bốc khói, trên cái lò cháy đỏ, trong một căn bếp. Nơi mà các gia đình quây quần ăn bữa tối…
…Thứ Bảy, buổi sáng trời nắng ấm. Hai cha con nó xuống xe ở đường Santa Clara rồi đi bộ tới công viên Cesar Chavez. Có một nhóm người đang phát những thức ăn nóng tại đó. Nghe nói có súp đậu, gà nướng, khoai tán, và cả bánh nhân bí đỏ nữa. Những món ăn tuyệt vời, chỉ nghĩ thôi mà đã phát thèm! Nó nắm tay Ba nối đuôi xếp hàng, và háo hức chờ đợi. Chỉ còn năm, bẩy người nữa là tới phiên nó.
Bỗng tim nó thót lại!
Nó vừa nhìn thấy bà-mẹ-của-thằng-bé mà nó gặp hàng ngày đang tươi cười đứng trong đám múc đồ ăn cho đoàn người không nhà. Nó lôi Ba tách khỏi hàng, quay ngoắt đi, vội vàng như chạy trốn. Ba nó vừa rảo bước theo vừa hỏi “Sao vậy? Cái gì vậy? Lisa?” Nó không nói gì, chỉ cắm đầu đi. Qua một khúc quẹo, khi biết chắc là bà ta không thể thấy hai cha con nó, Lisa mới đứng lại. Rồi tự nhiên nó thấy giận. Giận vì mình không có nhà, giận vì mình sợ người ta biết, giận vì mình đã làm Ba mất một bữa ăn ngon. Nó bật khóc nức nở…
- Lisa, con ăn đi!
Tiếng Ba nó nhắc nhở làm nó trở về hiện tại. Nó đang ngồi trong một nhà hàng sang trọng ngay trung tâm thành phố San Jose, đối diện với ông Sam, bà Nancy, và thằng bé Danny (bây giờ nó đã biết tên của họ.) Ánh mắt của bà Nancy thật là vui và ấm áp. Nhưng nó vẫn thấy ngại ngùng, thắc mắc không hiểu tại sao họ cất công mời Ba và nó đi ăn. Không lẽ bà Nancy đã thấy nó bỏ chạy từ đoàn người xếp hàng xin thức ăn hôm nọ, và muốn đền bù cho hai cha con một bữa?
Sáng hôm qua, thứ Sáu, Ba và nó cũng mỉm cười chào gia đình thằng bé như mọi ngày. Bỗng ông Sam tiến tới bắt tay Ba rồi nói:
- Chào ông. Tôi là Sam, đây là vợ tôi, Nancy, và cháu trai Daniel. Chúng ta biết nhau khá lâu rồi, hôm nay tôi muốn được hỏi tên ông và cháu gái.
- Chào ông bà. Tôi là John, con gái tôi là Lisa.
Sau vài câu trao đổi, họ mời cha con nó đi ăn vào ngày mai. Ba nó cũng rất ngạc nhiên, ấp úng từ chối. Nhưng họ thuyết phục mãi, và bây giờ cha con nó đang ngồi đây.
Dù sao những món ăn trên bàn cũng quá hấp dẫn, và vẻ cởi mở, ân cần của hai ông bà cũng không có dấu hiệu gì đáng lo. Lisa bắt đầu cắn vào miếng thịt gà vàng rộm và mỉm cười với thằng bé Danny.
Khi Lisa vét xong muỗng kem tráng miệng cuối cùng, bà Nancy ngồi thẳng lên. Bà nhìn Lisa, rồi nhìn Ba, rồi nói:
- Cách đây hai tuần tôi thấy hình ông và cháu Lisa trên báo San Jose Mercury News.
Lisa nghe máu chạy một cái rần lên mặt. Nó không biết mặt nó đang đỏ bừng hay tái mét. Bên cạnh nó, Ba cũng có vẻ sững sờ. Hai cha con mở to mắt nhìn những người phía bên kia bàn.
Bà Nancy phác một cử chỉ như muốn nắm lấy tay nó. Bà tiếp tục nói, thật dịu dàng:
- Tôi có đưa bài báo đó cho nhà tôi coi. Ổng là giám đốc chương trình của một cơ quan thiện nguyện tên là Dịch Vụ Về Chỗ Ở Vùng Vịnh, và tôi là giáo sư ở trường Đại Học San Jose. Chúng tôi muốn giúp ông và cháu rời khỏi chiếc xe bus 22. Từ đó tới nay, chúng tôi đã gọi cho những người quen biết và tìm được một nơi có thể giúp ông và cháu. Thứ Hai, mời ông tới văn phòng….
*Bây giờ hai cha con Lisa đã được cấp một căn phòng tại một nơi tạm trú cho các gia đình đang gặp khó khăn. Trong thời gian ở đây, Ba nó được đi học những lớp dạy nghề, và người ta hứa sẽ giúp Ba đi kiếm việc.
Mỗi khi nghĩ lại, Lisa thấy có nhiều việc liên hệ với nhau một cách diệu kỳ. Không biết có phải Mẹ đã đưa đẩy cho nó quen được những người tốt bụng để họ giúp đỡ cha con nó hay không.
Bây giờ ước mơ của nó là khi lớn lên sẽ làm giám đốc chương trình giúp đỡ nhà cửa cho người nghèo, giống như người ân nhân của nó. Khi đó, nó cũng có thể làm điều kỳ diệu cho những đứa bé không nhà khác, những đứa bé mà nó biết là có rất nhiều ở khắp nơi. Nó tin là nó sẽ làm được, chỉ cần ráng học thật giỏi và quyết tâm.
Và Lisa còn học được một điều mới nữa trong thời gian nương náu trên Khách Sạn 22.
Rằng, có những người thật sự có chiếc đũa thần, nhưng khi mới gặp mình không thấy được.
Bởi vì, chiếc đũa đó, họ cất ở trong tim.
Khôi An