-Một kiểu “lấy dân làm… thớt”!(PetroTimes) - Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về việc chính quyền huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ra quyết định thu hồi hơn 12 hécta đất nông nghiệp để giao cho một doanh nghiệp xây dựng khu dân cư số 3 tại thị trấn Thắng.
>> Bắc Giang: "Cường hào mới" ở huyện Hiệp Hòa
>> Bắc Giang: "Cường hào mới" ở huyện Hiệp Hòa
Trước hết, phải khẳng định việc thu hồi đất nông nghiệp cho dự án này của chính quyền huyện Hiệp Hòa là vượt quá thẩm quyền, bởi đã có quy định, với những dự án xây dựng mà lấy đất lúa, phải được sự đồng ý của Chính phủ.
Thu hồi đất cho một dự án lớn như vậy, ấy thế nhưng chính quyền huyện không thèm bàn bạc gì với dân, doanh nghiệp không thèm bàn gì với dân. Chính quyền ra ngay một quyết định thu hồi đất và đền bù cho những người bị thu hồi đất với giá 100 triệu đồng cho mỗi sào Bắc Bộ (360m2).
Dĩ nhiên là rất nhiều gia đình không đồng ý.
Thay vì thương lượng, bàn cách giải quyết cho hợp tình, hợp lý, chính quyền huyện đã “giở một ngõn võ bẩn” và thâm độc chưa từng thấy, ấy là tìm cách o ép, khống chế, dọa dẫm những gia đình có con em đang là công chức Nhà nước, bắt họ phải ép buộc cha mẹ, phải nhận đền bù.
Có những người là giáo viên thì lệnh cho nhà trường bắt người đó phải nghỉ dạy, về vận động gia đình nhận đền bù, nếu không thì sẽ cắt thi đua nhà trường, dọa chuyển công tác.
Khu dự án Khu dân cư số 3 thị trấn Thắng
Thậm chí, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hiệp Hòa còn có công văn gửi Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Sơn, yêu cầu Chi ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường phải “vận động, tuyên truyền bà Nguyễn Thị Hương (là giáo viên của trường) phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của UBND huyện về giải phóng mặt bằng khu dân cư số 3… Bố trí sắp xếp người thực hiện nhiệm vụ của bà Nguyễn Thị Hương, được giao ở trường, để bà Nguyễn Thị Hương tập trung thực hiện nhiệm vụ của UBND huyện: Tiếp tục vận động gia đình nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng… - Hiểu một cách nôm na văn bản này thì rõ ràng là một kiểu “cưỡng bức” chưa từng có.
Có những người đi công tác xa được xét duyệt kết nạp Đảng, họ không chịu ký xác nhận lý lịch nếu gia đình không chịu nhận tiền đền bù...
Có thể nói, trong thời gian gần đây, chưa có nơi nào, việc thu hồi và đền bù đất đai lại dám làm những việc bất chấp đạo lý, bất chấp nguyên tắc như chính quyền huyện Hiệp Hòa.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là các tổ chức chính trị, đoàn thể của huyện như Huyện ủy, Mặt trận Tổ Quốc… cũng đều phớt lờ việc làm này.
Vậy điều gì đang xảy ra ở đây?
Chỉ có thể lý giải là một số người có trách nhiệm trong chính quyền huyện đã có một “liên minh ma quỷ” với doanh nghiệp, để nhắm mắt làm bừa. Vậy tại sao họ dám làm những việc như vậy?
Họ kém hiểu biết ư?
Không! Trăm lần không!
Không, họ biết cả đấy. Nhưng họ vẫn làm, bất chấp tất cả. Và để họ dám làm như vậy thì có nghĩa là họ đã bị đồng tiền của doanh nghiệp sai khiến. Chỉ có sức mạnh của tiền mới đủ sức sai khiến họ. Chính đồng tiền đã biến những người có trách nhiệm ở huyện Hiệp Hòa thành “tay sai” cho doanh nghiệp.
Còn nếu như không có yếu tố tiền ở đây thì việc gì họ phải giở những ngón võ ấy ra?
Việc xây dựng một khu dân cư phục vụ các dự án dân sinh, chính quyền, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thương thảo với dân và quan trọng nhất là làm thế nào để lợi ích của người dân được đảm bảo.
Nếu Nhà nước thu hồi đất để xây dựng những công trình an ninh quốc phòng, phúc lợi công cộng thì thường là người dân sẽ chấp hành rất nghiêm túc và ít khi đặt ra những đòi hỏi về giá cả. Nhưng khi đã thu hồi đất của người dân để làm kinh tế thì phải sòng phẳng. Làm gì có chuyện đền người dân 100 triệu cho mỗi sào, rồi lại bán ngay đi với giá cao hơn rất nhiều lần như thế.
Những việc làm sai luật pháp, trái đạo lý của chính quyền huyện Hiệp Hòa không phải là cá biệt.
Trong thời gian gần đây, nạn khiếu kiện kéo dài liên tục xảy ra ở nhiều địa phương, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền có những mệnh lệnh hành chính thu hồi đất mà không tôn trọng quyền lợi chính đáng của người dân. Ấy là chưa kể chuyện sau khi thu hồi đất, họ đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng. Người nông dân vốn hay ham cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi cái họa lâu dài. Đang không có tiền, nay bỗng dưng giàu có vì “bán đất”, nhận được ít tiền đền bù, thế là hoa hết cả mắt, vội vàng xây nhà xây cửa; rồi mua xe máy chạy vung lên, rồi ăn nhậu, rồi cờ bạc… có mấy người biết đem tiền đó đi đầu tư sản xuất sinh lời đâu. Đến lúc hết tiền, bừng tỉnh ra thì đã muộn rồi...
Một kiểu công văn lạ đời của Phòng GD&ĐT huyện Hiệp Hòa.
Tình hình đất đai của nước ta đang “nóng hầm hập” bởi hậu quả của các khu công nghiệp, các dự án nhà cửa… Nhưng hình như cũng chưa có một nghiên cứu nào của các cơ quan chức năng đánh giá về hậu quả tại các vùng nông dân bị mất ruộng do thu hồi đất, xây dựng các công trình. Người nông dân vốn dân trí thấp, hiểu biết nông cạn, không biết làm kinh tế… Bao đời nay, họ chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai, con gà, con lợn. Nay hết ruộng thì họ còn biết làm gì? Và thế là dòng người thất nghiệp từ nông thôn tràn ra thành phố, gây nên đủ thứ phức tạp.
Từ cổ chí kim, các vụ xung đột xảy ra do đất đai luôn là nguyên nhân hàng đầu: Chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia cũng phần lớn từ nguyên nhân tranh chấp lãnh thổ. Nhiều vụ án tày đình, nhiều vụ huynh đệ tương tàn, thậm chí cha con tàn hại nhau cũng chủ yếu từ tranh chấp đất đai. Các vụ khiếu kiện kéo dài, mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền cũng chủ yếu là từ đất đai.
Điều này dễ hiểu bởi đất đai là nguồn sống của người nông dân. Vậy bây giờ lấy đi nguồn sống của họ, mà không mở cho họ lối thoát, không có sự đền bù thỏa đáng, quyền lợi của người dân không được đảm bảo, ý kiến người dân không được tôn trọng… thì thử hỏi, làm sao mà không sinh chuyện cho được?
Bài học từ vụ án Đoàn Văn Vươn còn sờ sờ ra đó. Và nếu nhìn xa hơn chút nữa thì bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, cũng là có yếu tố đất đai.
Tất cả những vụ việc liên quan đến đất đai đều rất phức tạp. Chẳng thế mà từ xưa, người ta đã nói về công tác xét xử là “Tiền hôn, hậu thổ” - có nghĩa là trong xử án, phức tạp, rắc rối nhất là án ly hôn và thứ nhì là các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai.
Nhận thấy các vấn đề về đất đai là nguy cơ gây bất ổn xã hội, nên từ nhiều năm nay, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách, quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và để cho đất đai được đúng với giá trị thật.
Có thể nói, các quy định của Chính phủ về đất đã có rất đầy đủ và chặt chẽ. Nhưng không hiểu sao, một số quan chức của huyện Hiệp Hòa lại phớt lờ tất cả và đơn phương bắt dân phải thực hiện theo cái gọi là “quyết định”.
Các cụ từ xưa đã có câu “Con giun xéo lắm cũng quằn”, “Quan bức, dân phản”.
Những việc làm của chính quyền huyện Hiệp Hòa đã đẩy người dân có đất bị thu hồi sắp bước vào đường cùng.
Có câu “Quốc dĩ dân vi bản” - nước lấy dân làm gốc. Nhiều nhà lãnh đạo không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới cũng đều thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Còn Nguyễn Trãi thì đã từng nói Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước.
Không hiểu những người có trách nhiệm ở huyện Hiệp Hòa có học hành gì không mà tại sao lại không biết điều này? Với cách hành xử của họ như vậy, rõ ràng, họ đang “lấy dân làm… thớt”.
Để tháo ngòi nổ ở huyện Hiệp Hòa, rất mong các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang, của Trung ương sớm vào cuộc. Đừng để đến lúc “quá mù ra mưa”, khi người dân chịu không nổi, khiếu kiện đông người thì lại vu cho họ cái tội “bị kẻ xấu kích động”, rồi không khéo lại đưa công an vào cuộc.
Như Thổ