Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

NỀN TẢNG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI và XÃ HỘI - TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG

-NỀN TẢNG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI và XÃ HỘI - TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG -http://danhgiactau.com/
   Nhuận Chính   
2102 - NỀN TẢNG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG
1. DẪN NHẬP
Truyền kỳ Tiên Rồng kể chuyện Bà Tiên và Ông Rồng phối hiệp, sinh ra một Bọc chứa Một Trăm Người Con. Rồi 50 con theo Mẹ lên núi, 50 con theo Cha xuống biển.

Đây là truyện tích với những Biểu tượng Văn hóa. Tiên và Rồng là biểu tượng của hai nhóm đặc tính được nhận diện trong Con Người. Một Bọc Trăm Con lại là biểu tượng của Xã Hội Loài Người.  
Biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp xác định Con Người là một Cá Thể tự tại, biểu tượng Một Bọc Trăm Con, hễ có con người là có 100 người một lần, lại xác quyết đặc tính Xã Hội bẩm sinh của con người.
Biểu tượng ‘50 theo Tiên, 50 theo Rồng’ thêm xác định con người, và mọi sinh hoạt của con người, luôn là sự hòa hiệp sóng đôi giữa hai cấu tố tương đồng, như giữa Tiên và Rồng, giữa vật chất và tinh thần, giữa tình và lý, giữa vợ và chồng, giữa gia đình và làng nước, giữa cá nhân và xã hội v.v...
*     *     *     *
2. TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG
Tộc Việt khởi nguyên từ khi một bà Tiên và một ông Rồng phối hiệp nhau, và bà Tiên sinh ra cái bọc chứa một trăm người con.
Sau đó ông Rồng nói với bà Tiên : ‘Nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển. Khi cần thì gọi, ta về ngay’.
Từ đó Tộc Việt ngày một phát triển.
*     *     *     *
DIỄN TRUYỆN
3. TRUYỀN KỲ
3.1 Quan niệm thông thường về Tiên và Rồng.
Tiên được quan niệm là người sống ở núi, hiền từ, thanh thoát, sống mãi không chết... Nghe nói tới Tiên, nghe ca tụng Tiên, nhưng chưa ai thực sự gặp một bà Tiên. Không biết có Tiên thực hay không.
Giống Rồng cũng vậy. Rồng được coi là chủ tể của biển cả, làm gió làm mưa, thiên biến vạn hóa... Nhưng cũng chưa ai gặp Rồng. Nghe nói tới Rồng, thấy hình vẽ về Rồng cũng nhiều, đủ loại đủ kiểu... Nhưng không ai dám quả quyết là có giống Rồng hay không.
*     *
3.2 Truyền thuyết kỳ lạ.
a. Sinh ra Con Người.
Vậy mà nguồn gốc một giống dân, người Tộc Việt, lại được lưu truyền là do sự phối hiệp giữa một bà Tiên và một ông Rồng.
Nếu Tiên và Rồng giống như hình ảnh phụng và long hiện nay, thì chuyện kết hiệp thực là trái khuấy. Việc truyền sinh càng vô lý hơn.
Lại nữa, Mẹ Tiên thêm lạ kỳ, mẹ không sinh sản cách bình thường, mà sinh ra cái bọc chứa một trăm đứa con. Mẹ là chim hay là cá ? Nhưng sao lại sinh ra những Con Người ?
Và rồi, không biết vì sao mà một hôm cha Rồng bỗng đòi chia tay và chia con. Năm mươi con theo mẹ Tiên lên núi, năm mươi con theo cha Rồng về biển cả vẫy vùng.
Đã đòi chia tay và chia con, vậy mà cha Rồng lại nói thêm : Khi cần thì gọi, ta về ngay. Tưởng rằng tình nghĩa đã dứt, lưu luyến không còn, mà sao vẫn hẹn hò ? Vậy thì chia làm gì ? đã chia nhau kẻ lên núi, người xuống biển, thì sao còn gọi nhau được ? Mà nếu có gọi, làm sao có thể về được ngay ? Không lý thời đó đã có hệ thống viễn liên, phương tiện phản lực ?...*1
b. Chuyện lạ khó tin.
Xét theo thông thường, truyền thuyết về nguồn gốc Tộc Việt như vậy là gồm toàn những chuyện lạ lùng khó tin.
Thực khó tin chuyện có Tiên, có Rồng. Thực vô lý khi hai loài hoàn toàn khác biệt nhau, như Phụng và Long, lại lấy nhau và sinh được con cái. Tin làm sao được chuyện sinh cái bọc chứa một trăm con người.
Nguồn gốc đã dị kỳ, tình tiết lại càng quái lạ. Tại sao khi dạy về nguồn gốc dân tộc, Tổ Tiên ta lại nói tới việc chia tay và chia con ? Không lý Tổ Tiên muốn nêu gương vợ chồng không nên sống đời ở kiếp với nhau ?
Khi đã chia tay, chia con, thì sao cha Rồng lại thêm : hễ gọi thì về ngay ? Truyền thuyết thêm chi tiết đó để làm gì ? Chia tay để làm gì ? Tại sao phải chia con, và tại sao phải chia đồng đều ?
Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn, là tại sao các tình tiết kỳ dị đó, chẳng những đã không được sửa đổi, mà còn được truyền tụng phổ cập trong toàn dân, và được trang trọng truyền miệng từ đời nầy qua đời khác, trong mấy ngàn năm ? Truyền dạy nhau như vậy để làm gì ?
*     *
3.3 Ẩn ý khác thường.
Nếu chỉ để dạy những chuyện khó tin như bà Tiên ông Rồng, nếu chỉ kể những chuyện vô lý như Tiên Rồng sinh ra bọc chứa một trăm con người, nếu chỉ nêu những gương không đẹp như ly dị, chia con... thì không lý nào Tổ Tiên ta lại phải cố công phổ biến đến mọi người, và truyền miệng ghi nhớ ròng rã suốt hai ba trăm đời không dứt.
Như thế, những tình tiết có vẻ kỳ quái đó không phải là những sơ sót, mà phải là những dấu chỉ đặc biệt. Qua những kỳ quái đó, Tổ Tiên muốn chúng ta đừng coi Truyền kỳ là những câu chuyện thường tình, mà chứa đựng những ẩn ý khác thường và quan trọng đặc biệt.
Do đó, chúng ta không thể nghe và hiểu loại chuyện nầy một cách bình thường. Bổn phận của chúng ta là khám phá và khai thác những gia tài quý báu đang tiềm ẩn. Nếu không, thực uổng công Tổ Tiên mấy trăm đời đã liên tục trao truyền đến chúng ta.
*     *
3.4 Truyền kỳ.
Vì vậy, loại truyện nầy được gọi là Truyền Kỳ. Truyền Kỳ là những truyện tích với nhiều Biểu tượng Văn hóa.
Tính cách không thiết thực của biểu tượng nhắc nhớ Truyền Kỳ không phải là những truyện tích thông thường, cũng không nhất thiết có tính cách lịch sử hiện thực.
Người xưa đã biến một số yếu tố lịch sử thành biểu tượng để truyền lại kinh nghiệm sống và những bài học quan trọng.
* Đặc điểm của Văn hóa Việt là Tổ Tiên ta không suy luận, mà chỉ nhận định cuộc sống thực tại của con người, và đúc kết thành những nhận thức cô đọng, và diễn tả qua các Biểu tượng Văn hóa.
*     *     *     *
4. TIÊN RỒNG PHỐI HIỆP : NHẬN DIỆN CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
4.1 Biểu tượng Tiên, Biểu tượng Rồng.
a. Ý nghĩa bóng bảy.
Thực là quá câu nệ hình thức, quá duy lý và duy thực, khi đoan quyết Tổ Tiên truyền lạiTruyền kỳ Tiên Rồng vì các Ngài đã tin rằng Tiên và Rồng là những sinh vật có thực và có thể cùng nhau truyền sinh.*2
Trong cuộc sống thường ngày, dầu luôn miệng nhắc tới Tiên, nhưng có bao giờ ta cảm thấy cần phải gặp mặt, hoặc tìm hiểu đích xác về một nàng Tiên ? Chúng ta sẵn sàng hiểu chữ Tiên với nhiều nghĩa bóng bảy tốt đẹp, mà không cần thực tại của Tiên.
Ta cũng thường nhắc tới Rồng với nhiều đức tính đặc thù. Nhưng không ai màng tới việc tìm cho ra một con Rồng thực.
b. Biểu tượng.
Vậy thì, khi kể chuyện Tiên Rồng, Tổ Tiên không buộc ta phải tin như đó là hai sinh vật có thực. Tiên và Rồng chỉ là hai biểu tượng : BIỂU TƯỢNG TIÊN và BIỂU TƯỢNG RỒNG.
Tiên là biểu tượng, vì hễ nói tới Tiên, chúng ta nghĩ ngay tới hình ảnh của xinh đẹp, dịu hiền, từ tâm, khoan ái, yêu thương... mà cũng thoát tục, siêu phàm, như thần như thánh, sống động nhưng vượt thời gian vượt không gian, trường sinh bất tử.
Cũng vậy, Rồng biểu trưng cho oai dũng trổi vượt, cho sức mạnh vô song, sức sống vô tận, biến hóa không lường, như linh như hiển... khi thì ẩn mình dưới đáy biển cả, lúc lại vẫy vùng trên tầng trời cao, làm mây làm mưa, giáng ơn giáng phước.*3
*     *
4.2 Tiên Rồng Phối Hiệp.
Như vậy, khi nói chúng ta là kết tinh của việc Tiên Rồng phối hiệp, Tổ Tiên diễn đạt nhận thức của các Ngài về Con Người.
Khi nói chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, Tổ Tiên muốn diễn tả Con Người là một hiệp thể sinh động, và là kết tinh toàn hảo của mọi đặc tính tập trung trong hai Biểu Tượng Tiên và Rồng.*4
Là hiệp thể do Tiên Rồng phối hiệp, có nghĩa là Con Người vừa biến hóa như Rồng vừa trường cửu như Tiên, vừa vật thể vừa siêu phàm, vừa trong thời không vừa vượt thời không, vừa linh động vừa thường hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền vừa hùng dũng cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa chan chứa yêu thương lại vừa uy lực vô song...
Trong đời sống thực tế, những đặc tính nầy bộc lộ thành những Sức Sống của Con Người.
*     *
4.3 50 theo Mẹ, 50 theo Cha.
a. Tiên Rồng Sóng đôi.
Tổ Tiên không chỉ diễn đạt những đặc tính nhận diện nơi Con Người, mà còn đặc biệt nhấn mạnh tới tỷ lệ giữa các đặc tính đó.
Khi cha Rồng nói : Năm mươi con theo mẹ, năm mươi con theo cha, chính là xác quyết sự tương đồng tuyệt đối giữa hai nhóm đặc tính trong Con Người : một nửa do Mẹ, một nửa do Cha, năm mươi phần trăm là Tiên, năm mươi phần trăm là Rồng.
Tỷ lệ ‘50% Mẹ, 50% Cha’ nhấn mạnh đặc tính ‘Sóng Đôi’ của Tiên và Rồng trong Con Người.
Đôi là một cặp, hai thành một, nhưng vẫn là hai. Hai mà là một, một mà vẫn hai. [Đôi đủa, đôi giày, đôi mắt, đôi vợ chồng, kết đôi...].
Sóng là ngang nhau, bằng nhau, tương đồng... 50-50, Song. [Sóng vai, sóng bước... song hành, song song, song thân...].
Vì vậy, tiếng Sóng Đôi vừa hàm ý hiệp nhất [hai mà là một, một đôi], vừa tương song (sóng), tự tại [một mà vẫn hai], và toàn vẹn.
Tiên Rồng Sóng Đôi diễn đạt hai nhóm đặc tính cốt yếu luôn hiệp nhất, tương đồng, tự tại và toàn vẹn, của con người bất khả phân.
b. Tiên Rồng Song Hiệp.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều trào lưu tư tưởng và văn hóa bị ám ảnh bởi mâu thuẩn, đối lập, và phân biệt tốt xấu, hơn kém, giữa các thành tố của Con Người.
Vì vậy, cần nhấn mạnh đặc điểm của Văn hóa Việt, qua Truyền kỳ Tiên Rồng, là đặc tínhhiệp nhất sóng đôi của Tiên và Rồng, tức là của hai thành tố biểu tượng cuộc sống Con Người toàn vẹn.
Do đó, ta dùng chữ Tiên Rồng Song Hiệp.
Song vừa có nghĩa là hai, như chữ lưỡng, nhị, vừa có thêm ý niệbằng nhau, sóng đôi, như trong chữ song toàn, vô song... Ở đây, để diễn tả 50-50. Song thân : 50 mẹ, 50 cha.
Chữ Hiệp không những có nghĩa là ghép chung lại, như chữ hợp, mà còn thêm ý hòa lẫn vào nhau. Ở đây, chỉ sự phối hiệp để trở thành một hiệp thể tự tại toàn nhất.
* Trong cuộc sống và trong toàn bộ Học thuyết Việt, Tiên Rồng Song Hiệp bàng bạc khắp nơi và là nhận thức nền tảng thâm sâu nhất trong việc nhận diện Con Người, và Cuộc Sống Con Người.*5
*     *
4.4 Tiên lên núi, Rồng về biển : Tiên Rồng Đặc Thù.
Khi Cha Rồng nêu rõ : Tiên lên núiRồng về biển, chính là muốn chú trọng tới tính chất đặc thù của mỗi nhóm đặc tính Tiên và Rồng được nhận diện trong Con Người.
Do Tiên Rồng phối hiệp, Con Người là một hiệp thể tự tại, toàn nhất, bất khả phân. Tuy nhiên, dầu vậy, những đặc tính của hai nhóm Tiên và Rồng không bị pha trộn hay biến đổi.
Mỗi nhóm vẫn nguyên vẹn và thể hiện đầy đủ mọi điểm đặc thù của mình, như đang sinh động nơi môi trường thích hợp nhất, như Tiên đang ở núi cao, như Rồng đang vẫy vùng giữa biển khơi.
*     *
4.5 Khi cần thì gọi, ta về ngay : Tiên Rồng Toàn Vẹn.
Ngoài ra, việc Cha Rồng dặn dò : ‘khi cần thì gọita về ngay’, cũng lại là một nhận định đích xác về cuộc sống con người.
Tuy Con Người là hiệp thể Tiên Rồng toàn nhất, nhưng ở thực tại cuộc sống, trong khi một số đặc tính tỏ hiện rõ rệt, thì một số đặc tính khác có vẻ như thiếu vắng.
Dầu vậy, lúc cần thiết thì phần thiếu vắng lại xuất hiện ngay. Nhóm đặc tính đó chỉ ẩn diện, nhưng vẫn luôn luôn hiện hữu trong Con Người. Ta không thể vì khó nhận thức mà chối bỏ sự hiện hữu của nó.*6
Chi tiết nầy nhấn mạnh đặc tính toàn vẹn của hai nhóm đặc tính Tiên và Rồng của Con Người. Hễ là con người thì có đầy đủ mọi đặc tính của Con Người, không tùy thuộc vào sự ‘có mặt’ hay ‘vắng mặt’, không tùy thuộc thời gian hoặc điều kiện.
(Toàn là trọn, đầy đủ, tất cả, không bỏ sót. - Song toàn, toàn hảo, toàn quốc. Vẹn là trước sao sau vậy, nguyên trọn, không hao hụt, không thay đổi. - Vẹn nghĩa, vẹn vẽ).
*     *
4.6 Con Người Tiên Rồng.
a. Tiên Rồng : kết tinh của 4 Sức Sống.
Trên thực tế, qua nhận định đời sống thường ngày, thể hiện trong tất cả mọi Truyền kỳ, cuộc sống con người gồm 4 Sức sống Thân Lực, Trí Tài, Tâm Tình và Tuệ Linh.*7
Từ kinh nghiệm sống thực 4 Sức sống nầy, Tổ Tiên ta tóm kết thành nội dung chính yếu của biểu tượng Tiên và Rồng.
Sức sống Thân Lực được diễn tả thành Đặc tính Cha Rồng oai dũng, trổi vượt, hùng mạnhvô song... Sức sống Trí Tài được ghi nhận thành Đặc tính biến hóa khôn lường, như linh như hiển... của Cha Rồng.
Cũng vậy, Sức sống Tâm Tình được biểu tượng hóa thành Mẹ Tiên khoan ái, từ tâm, tràn đầy yêu thương... Sức sống Tuệ Linh được biểu trưng bằng Mẹ Tiên thoát tục, siêu phàm, trường sinh bất tử.
Hai nhóm đặc tính Tiên và Rồng nầy phối hiệp sóng đôi, Song Hiệp, trong con người tự tại, bất khả phân. Nhưng mỗi nhóm vẫn giữ toàn vẹn nét đặc thù của mình.
b. Khai triển chi tiết.
Vì biểu tượng Tiên Rồng và nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp là kết tinh nền tảng của Cuộc sống Con Người, ở bất cứ nơi nào có con người thì đều có hai yếu tố nầy.
Vì vậy, tất cả mọi Truyền Kỳ, và toàn thể Tinh hoa Văn hóa Việt, đều có thể được coi là phần khai triển vào thực tế, mọi chi tiết của biểu tượng Tiên Rồng, và của nguyên lý Tiên Rồng song hiệp.
*     *     *     *
5. MỘT BỌC TRĂM CON : NỀN TẢNG CUỘC SỐNG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
5.1 Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh : Đặc điểm Văn Hóa Việt.
Cùng với việc đặt nền tảng cho nhận thức về Con Người, Truyền kỳ Tiên Rồng đặt nền tảng cho Xã Hội Loài Người.
Khi Tiên Rồng là biểu tượng của hai nhóm đặc tính được nhận diện nơi Con Người, thì Một Bọc Trăm Con không còn là cái bao lúc nhúc một trăm đứa bé.
Một Bọc Trăm Con chính là hình ảnh biểu trưng một nhóm người sống quây quần và liên hưởng với nhau, tức là cộng đoànxã hội.
Biểu tượng Tiên Rồng sinh Một Bọc Trăm Con nêu lên hình ảnh : ngay từ khởi thủy, khi bắt đầu có con người là đồng thời có Một Trăm Con Người cùng một lúc. Đã không hề có một Con Người đơn độc. Hễ có Con Người là có anh em, có cộng đoàn.
Đây là điểm tuyệt diệu đầu tiên của biểu tượng Một Bọc Trăm Con : Văn hóa Việt xác quyếtĐặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh của Con Người.*8
*     *
5.2 Hai Nguyên lý Nền Tảng Cuộc Sống Xã Hội.
a. Một Mẹ Một Cha, sinh cùng một lần.
Như vậy, với biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp và sinh ra Một Bọc Trăm Con, Văn hóa Việt xác quyết rằng mọi Con Người trong xã hội đều do cùng một mẹ một cha và được sinh ra cùng một lần.
Xác quyết nầy khác biệt với nền tảng của nhiều nền văn hóa khác. Nhiều văn hóa đã phân chia xã hội loài người thành nhiều giai cấp, và chủ trương quyền thống trị là đặc ân thiên phú của một giai cấp, một dòng họ, hoặc một giống dân.*9
Đang khi đó Văn hóa Việt dùng biểu tượng Một Bọc Trăm Anh Em để lưu truyền nền tảng của một Xã Hội Loài Người bình đẳng căn cơ và thân thương toàn tâm.
b. Trong cùng Một Bọc : Bình Đẳng Căn cơ.
Không có gì diễn tả đầy đủ sự bình đẳng giữa Con Người với Con Người bằng hình ảnh : ngay ở cấu thành, ngay tự khởi nguyên, con người nào cũng được hưởng nhận cùng một sức sống từ Mẹ từ Cha, trong cùng một lúc, và mọi người đều ra đời cùng một lần, trong cùng một bọc.
Vì được sinh ra cùng một lần, nên giữa Con Người không thể có bất cứ một dị biệt nào : chẳng những không dị biệt về sức sống, về di truyền, mà cũng không dị biệt cả về tuổi tác, hoặc về ngôi thứ giữa anh em. Mọi người hoàn toàn như nhauhoàn toàn bằng nhau.
Qua biểu tượng Một Bọc Trăm Con, Văn hóa Việt đã nêu lên nguyên lý sâu vững nhất cho Xã Hội Loài Người về bình đẳng : con người bình đẳng tự căn cơ, BÌNH ĐẲNG CĂN CƠ.
c. Anh Em Sinh Trăm : Thân Thương Toàn tâm.
Ngoài ra, có xã hội nào thân thương bằng những anh chị em ruột thịt, cùng do một mẹ một cha?
Tuy vậy, anh chị em ruột cũng ít khi thương nhau đồng đều. Anh chị thường thương yêu chăm sóc cho em nhiều hơn là người em lo lắng cho anh chị. Do đó, khi nhấn mạnh rằng mọi người cùng được sinh ra một lượt với nhau, Tổ Tiên muốn nhấn mạnh tới sự đồng nhất ngay cả trong tình yêu thương nhau.
Trong biểu tượng Một Bọc Trăm Con, Trăm Anh Em giống nhau như đúc, giống nhau hoàn toàn về mọi phương diện. Giữa họ, không có gì dị biệt, nên không có gì xung khắc, cũng không có gì hạn chế hay cản trở họ thương nhau. Sự khắng khít giữa họ thực chan chứa, trọn vẹn, và đồng đều. Họ thương nhau tận tình, toàn tâm toàn trí.
Trong đời sống thực tế, không có những người được cha mẹ sinh ra cùng một lúc và hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, tình thân thương của Trăm Anh Em cùng Một Bọc, vượt quá mọi kinh nghiệm yêu thương thường tình của chúng ta. Đây là tình THÂN THƯƠNG TOÀN TÂM.
Sự diễn đạt của Tổ Tiên thực tuyệt diệu !*10
*     *
5.3 Xã Hội Bình Đẳng và Thân Thương.
a. Tương quan Thân thương, Sinh hoạt Bình đẳng.
Một Bọc Trăm Con là biểu tượng của Xã Hội Loài Người. Cuộc Sống Xã Hội lại gồm hai yếu tố chính là Tương Quan giữa người và người, và Sinh Hoạt Chung của mọi con người.
Biểu tượng Một Bọc Trăm Con lại đặt Tương Quan trên nền tảng Thân Thương toàn tâm, và đặt Sinh Hoạt Chung trên nền tảng Bình Đẳng căn cơ.
b. Sống Tình Nghĩa.
Theo các nói truyền thống, con người Sống là Sống Tình Nghĩa Làm NgườiSống Tìnhtrong Tương quan giữa người và người. Sống Nghĩa trong mọi Sinh hoạt Chung.
Sống trọn Tình Nghĩa là sống trọn cuộc sống con người, là sống một đời đáng sống, là đóng góp lớn nhất cho xã hội loài người.
Điểm tuyệt diệu của Tổ Tiên, của Văn hóa Việt, là gom tất cả mọi nguyên tắc của một cuộc sống phức tạp, của một đời người, vào trong chỉ hai chữ : Tình Nghĩa.
c. Khai triển chi tiết.
Để ứng dụng vào cuộc sống hiện thực, để nền tảng xã hội được thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống, Tổ Tiên ta đã khai triển chi tiết ở Truyền kỳ Trầu Cau và Truyền kỳ Chử Đồng.
Truyền kỳ Trầu Cau chỉ cách sống nguyên lý Thân Thương Toàn Tâm qua thực tế Tương Quan giữa những người thân.
Truyền kỳ Chử Đồng khai triển nguyên lý Bình Đẳng Căn Cơ vào thực tế Sinh Hoạt Chung.
*     *     *     *
6. DÂN VIỆT PHÁT TRIỂN : MỌI CON NGƯỜI
6.1 Cá thể và Xã hội.
Như thế, với biểu tượng Tiên Rồng Phối Hiệp, Truyền kỳ Tiên Rồng xác quyết đặc tính hiệp thể tự tại của từng Con Người, và với Một Bọc Trăm Con, Truyền kỳ xác quyết đặc tính xã hội của mọi Con Người.
Hai đặc tính Cá thể và Xã hội được xác định đồng thời bởi Truyền kỳ Tiên Rồng, đã biểu lộ tính chất đặc biệt của Văn hóa Việt.
Đây chính là tổng hợp đã trở thành mẫu mực cho trọn Nếp sống dân Việt suốt mấy ngàn năm.
*     *
6.2 Mọi Con Người.
Truyền kỳ Tiên Rồng kết với câu : ‘Từ đó, Tộc Việt ngày một phát triển’.
Đây là truyền thuyết của mọi người dân Việt, nên khi nói nguồn gốc của tất cả mọi người Việt, cũng có thể hiểu là nguồn gốc của tất cả mọi con người. Lại nữa, những nhận thức sâu xa về con người cũng có nghĩa là nhận thức về con người cách chung, về mọi con người.
Vì vậy, Một Bọc Trăm Con cũng là biểu tượng của Xã Hội Loài Người, tức là của toàn thể mọi người, không trừ ai.
*     *     *     *
7. TIÊN RỒNG SONG HIỆP Và MỘT BỌC TRĂM CON : QUYỀN LÀM NGƯỜI TOÀN VẸN
Với hai Biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp và Một Bọc Trăm Con, Truyền kỳ Tiên Rồng đã xác quyết hai Quyền căn bản của Cuộc sống Con Người. Đó là Quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp và Quyền Làm Anh Em Một Bọc
Quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp là Quyền và Trách nhiệm Sống Cuộc Sống Cá Nhân bộc lộ và phát triển toàn diện những đặc tính, các Sức sống, diễn đạt nơi biểu tượng Tiên và biểu tượng Rồng.
Quyền Làm Anh Em Một Bọc là Quyền và Trách nhiệm Làm Thành Viên Xã Hội Loài Người, tức là Quyền Mỗi Người được chung sức thể hiện một Xã Hội sống đầy đủ mọi đặc tính Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ.
Đây chính là Quyền Làm Người Toàn Vẹn.
Như vậy, Quyền Làm Người Toàn vẹn cũng có nghĩa là Quyền vừa Sống Cuộc sống tự tại Tiên Rồng Song Hiệp, vừa sống Thân Thương và Bình Đẳng trong mọi tương quan và sinh hoạt với Anh Em Một Bọc, với mọi Con Người khác.
*     *     *     *
8. TIÊN RỒNG SONG HIỆP Trong VĂN HÓA VIỆT
8.1 Tính Cách Phổ Quát.
a. Tìm hiểu thấu đáo.
Phần nầy, ở đây cũng như ở các Truyền kỳ khác, đòi hỏi công trình khảo cứu chi tiết vào tận nếp sống thường ngày của đại chúng. Ở đây, chỉ nêu vài nét đại cương với những điểm đặc trưng.
Cần nhấn mạnh đến việc thực sự tìm hiểu thấu đáo cuộc sống, phong tục, tâm tư... của đại đa số dân chúng, chứ không chỉ lặp lại những sáo ngữ, những luận điệu sẵn có trong sách vở, hoặc uốn nắn theo thành kiến, giáo điều.*11
b. Nền Văn hóa đặc thù : Tiên Rồng Song Hiệp.
Trong suốt mấy ngàn năm, dòng giống Việt, đặc biệt dân tộc Việt Nam, đã luôn hãnh diện với hai biểu tượng Tiên Rồng, tự xưng mình là con cháu Tiên Rồng, đã sống một nếp sống thể hiện toàn diện nền tảng Tiên Rồng Song Hiệp.
Tuy có những thời suy thoái, nhưng đã có nhiều giai đoạn dân tộc Việt sống đúng di huấn của Tổ Tiên, đặt nền tảng trên Truyền kỳ Tiên Rồng. Nhờ đó, dân Việt đã phát huy được một nền văn hóa đặc thù, với nhiều nét đặc trưng.
Thời kỳ nào sống đúng Văn hóa Tiên Rồng, thì thời kỳ đó dân Việt được sống trọn vẹn Con Người nhất, được hạnh phúc nhất, và đất nước được thịnh vượng hùng cường nhất.
Ở những giai đoạn đó của lịch sử và của Văn hóa Việt, trong mọi khía cạnh của Cuộc Sống Con Người, từ cá nhân đến gia đình, làng xóm, dân nước, qua chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quân sự... Tiên Rồng Song Hiệp luôn được ứng dụng triệt để.
Nhờ đó, Văn hóa Việt luôn kết hợp thành công những yếu tố nhiều khi như đối nghịch.*12
*     *
8.2 Mỗi Người.
Mỗi Người luôn cố gắng sống thực trọn vẹn Con Người Tiên Rồng. Mọi người thể hiện cuộc sống vừa thể chất vừa tinh thần, vừa tình vừa lý, vừa trí vừa nhân, vừa dũng cảm vừa hiền hòa, vừa lo ăn mặc vừa để thảnh thơi, vừa cho hiện tại vừa cho tương lai, vừa cho cá nhân vừa cho cộng đoàn... năm mươi theo mẹ năm mươi theo cha. Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.3 Gia Đình.
Gia Đình là nền tảng sống thực và phát triển toàn diện Cuộc Sống Con Người, mà cũng vừa là đơn vị cấu thành Dân Nước. Trong gia đình, vợ chồng sống vừa tình vừa nghĩa, vừa yêu thương vừa kính trọng, vừa thể xác vừa tinh thần, năm mươi Tiên năm mươi Rồng.
Vợ chồng luôn bình đẳng, cả khi cúng tế. Luôn theo tiêu chuẩn thuận vợ thuận chồng... Thích con trai mà thương con gái. Vô nam dụng nữ... Có vợ chồng mà cũng có thân tộc. Có gia đình mà cũng có làng nước.
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.4 Xã Hội.
Xã Hội có trên dưới mà không có thống trị. Nay là dân, mai là quan, mốt lại là dân. Có khác biệt mà không có ngăn cách. Có nhân tước mà cũng có thiên tước. Có giàu nghèo mà không có chế độ nô lệ.
Có pháp lý mà trọng tình nghĩa... Đầy tình đủ lý... Có cộng đoàn mà cũng có cá nhân. Có ta mà cũng có người. Có gần mà cũng có xa. Có nước mà cũng có nhà, có nhà mà cũng có nước.
Có hiện tại mà cũng có quá khứ, có tương lai. Có bản thân mà cũng có Tổ Tiên, có con cháu. Với người tại thế mà cũng với người khuất mặt.
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.5 Chính Trị.
Có thể chế đặc thù làng-nước, nên vừa có vua quan mà cũng vừa có nếp sống dân chủ. Chăn dắt dân mà cũng tùy thuộc dân. Có lãnh đạo mà không có thống trị. Có triều đại mà không có giai cấp đặc quyền.
Có tài mà cũng có đức. Có mưu lược mà cũng có đạo lý. Có uy nước mà cũng có tình dân. Trọng văn mà cũng trọng võ...
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.6 Kinh Tế.
Mục tiêu chính của Kinh tế là phát triển, để tất cả mọi người no cơm ấm áo và tăng trưởng trọn vẹn.
Có gạo trắng mà cũng phải có trăng thanh. Có cần kiệm mà cũng thảnh thơi. Muốn tiền của mà không sợ nghèo. Không chịu thiếu mà không quá thừa.
Sự bình sản dựa trên cộng tác tương thân và cơ chế thích đáng, chứ không dựa trên đấu tranh hay bức chế. Theo chế độ rút thăm chia đất định kỳ, để vừa hữu sản mà cũng vừa vô sản. Không để kinh tế lũng đoạn Cuộc Sống Con Người, và gây nguy hại cho xã hội, cho làng nước...
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.7 Quốc Phòng, Quân Sự.
Giữ nước là việc của vua quan mà cũng là việc của toàn dân. Làng thôn vừa là đơn vị xã hội, vừa là đơn vị chiến đấu. Vừa là lũy tre làng, vừa là thành trì chống giặc. Để giữ nhà mà cũng để giữ nước.
Có quân sĩ mà cũng có toàn dân. Đang là dân mà cũng đang là quân... Trọng võ mà cũng trọng văn. Cần tài mà cũng cần đức.
Vừa du kích mà cũng vừa diện địa. Vừa uy lực mà cũng vừa mưu lược. Vừa đánh giặc mà cũng lo cứu người...
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
8.8 Niềm Tin.
Sống Đạo Người mà cũng sống Đạo Trời. Vừa thờ Trời mà cũng vừa thờ Người. Đạo tại tâm nhưng trọng nghi lễ. Cho cá nhân mà cũng cho cộng đoàn. Cho hiện tại mà cũng cho quá khứ vị lai... Cõi dương sao cõi âm vậy.
Lấy nếp sống truyền thống làm tiêu chuẩn hòa hợp tinh hoa các tôn giáo. Sẵn sàng đón nhận chân lý của tôn giáo, mà cũng quyết liệt gạt bỏ những thực hành không thích hợp...
Tất cả đều Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *     *     *
9. TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG với Các CHỦ THUYẾT
9.1 Biểu tượng Tiên Rồng.
a. Tiên, Rồng : hai Nhóm Đặc tính của con người.
Tiên và Rồng là biểu tượng của hai nhóm đặc tính được Tổ Tiên nhận ra nơi Cuộc sống của Con người. Hai nhóm đặc tính nầy lại gồm tóm 4 Sức sống. Biểu tượng Tiên bao gồm hai Sức sống Tâm Tình và Tuệ Linh, biểu tượng Rồng gồm hai Sức sống Thân Lực và Trí Tài.*13
b. Tiên Rồng phối hiệp : Hiệp thể Tiên Rồng.
Vì vậy, con người được trình bày là một hiệp thể đồng nhất, tự tại, bất khả phân của Tiên và Rồng.
Những đặc tính của biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp, cũng như 4 Sức sống bất khả phân, đã hoàn toàn trái ngược với các học thuyết ‘duy’, như duy vậtduy tâm...
Cuộc sống phải thể hiện mọi đặc tính của con người đích thực và toàn vẹn. Không chỉ đơn thuần là thú vật, hoặc là siêu nhân, thần thánh... Không lấy cách sống của thú vật làm tiêu chuẩn cho cuộc sống con người, (như nhiều xã hội ‘văn minh’ hiện nay). Cũng không dùng mục tiêu ‘thần thánh’ mà kéo con người ra khỏi đời sống thực tại.
c. 50 theo Mẹ, 50 theo Cha : Tiên Rồng Song Hiệp.
Đặc tính Song Hiệp giúp tạo ra nếp sống quân bình, cân xứng... giữa hai nhóm đặc tính Tiên Rồng.
Khi thể hiện cuộc sống quân bình với mọi Sức sống, con người mới có thể thăng tiến trọn vẹn, và hạnh phúc đích thực.
Đặc tính Song Hiệp nầy trái ngược với chủ trương mâu thuẫn nội tại, cũng như với chủ trương con người có hai phần tốt xấu, hơn kém, và nhiều chủ trương khiếm khuyết khác.
d. Tiên lên núi, Rồng về biển : Tiên Rồng đặc thù.
Tuy Tiên Rồng đã hiệp nhất, tuy 4 Sức sống bất khả phân trong con người, nhưng mỗi Sức sống vẫn giữ trọn đặc tính của mình, không pha trộn, không biến đổi.
Mỗi Sức sống có một phương cách nhận thức riêng, (được gọi là Thân thức, Trí thức, Tâm thức, và Tuệ thức). Không thể căn cứ trên nhận thức của một Sức sống mà nhận định những Sức sống khác.
Đặc tính nầy đi ngược với chủ trương duy lý, duy thực, duy khoa học... dưới nhiều hình thức.
e. Cần thì gọi, ta về ngay : Tiên Rồng toàn vẹn.
Hễ là con người thì có mọi đặc tính, mọi Sức Sống của con người, kể cả khi không đủ điều kiện để thể hiện bên ngoài. Không thể vì khó nhận ra, mà chối bỏ sự hiện hữu của nó.
Đặc tính Toàn vẹn của Tiên Rồng cũng là nền tảng của nhận thức thực tế về con người, và nói lên sự tôn quý của con người, kể cả những con người tàn tật hoặc mới tượng hình...
Đặc tính nầy trái ngược với nhiều chủ trương chối bỏ một số Sức Sống hoặc giai đoạn sống của con người.
*     *
9.2 Biểu tượng Một Bọc Trăm Con : Hai Nguyên tắc Nền tảng Cuộc sống Xã Hội.
Biểu tượng ‘Trăm Anh Em được sinh ra một lần’ đã đặt nền tảng cho cuộc sống Xã Hội trên hai nguyên tắc Bình Đẳng căn cơ và Thân Thương toàn tâm.
Thân Thương toàn tâm trái ngược với chủ trương hận thù, hoặc lãnh đạm với người khác, mạnh được yếu thua, kẻ quyền lực bức hiếp người cô thế...
Bình Đẳng căn cơ đối nghịch với chủ trương nô lệ hóa con người, biến con người thành phương tiện tranh đoạt quyền lực và tiền tài.
Hai nguyên tắc nền tảng nầy đối nghịch với chủ trương đấu tranh sinh tồn của những nền văn hóa gốc du mục, xưa cũng như nay.
*     *
9.3 Biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp và Một Bọc Trăm Con.
Với hai biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp và Một Bọc Trăm Con, Truyền kỳ Tiên Rồng đồng thời xác quyết con người vừa là Cá nhân Tự tại, vừa có đặc tính Xã Hội bẩm sinh. Đây là nét đặc trưng độc đáo của Văn hóa Việt.
Trong cuộc sống con người, cuộc sống cá nhân và xã hội song hiệp. Có cá nhân mà cũng có xã hội, có đời sống riêng tư mà cũng có đời sống cộng đoàn, có nhà mà cũng có làng nước...
Việc xác định đồng thời đặc tính Tự Tại và đặc tính Xã Hội Bẩm Sinh của con người, đã giải quyết những khiếm khuyết và xung đột của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.
*     *
9.4 Quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp.
Quyền Làm Tiên Rồng là Quyền sống Cuộc sống Cá Nhân toàn diện, bộc lộ và phát triển đầy đủ những đặc tính diễn đạt nơi biểu tượng Tiên và biểu tượng Rồng, nơi 4 Sức sống.
Quyền Làm Tiên Rồng trái ngược với chủ trương mâu thuẫn nội tại, và hạn chế việc phát triển toàn diện của mọi con người, ở mọi lãnh vực.
*     *
9.5 Quyền Làm Anh Em Một Bọc.
Quyền Làm Anh Em Một Bọc là Quyền Làm Thành Viên Xã Hội Loài Người, tức là Quyền Mỗi Người được chung sức thể hiện một Cuộc sống Xã Hội đặt nền tảng trên Thân Thương và Bình Đẳng. Đây cũng là quyền và trách nhiệm của mỗi người can dự vào đời sống xã hội / chính trị của Dân Nước.
Quyền và Trách nhiệm nầy trái ngược với thái độ lãnh đạm với việc xã hội / chính trị, và giao xã hội / chính trị trong tay những kẻ đam mê tranh quyền đoạt lợi.
Đây là điểm mấu chốt khai mở việc cải hóa cuộc sống xã hội hiện nay.
*     *
9.6 Hai quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp và Làm Anh Em Một Bọc.
Hai quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp và Làm Anh Em Một Bọc là nền tảng đích thực và thiết yếu của Quyền Làm Người.
Phải thể hiện đồng thời, và song hiệp, Hai Quyền nầy, thì Cuộc sống Con người và Cuộc sống Xã hội mới thực sự và trọn vẹn là Cuộc sống của Loài Người, của Con Người, của Người.
*     *
9.7 Con Đường Sáng.
Truyền kỳ Tiên Rồng là kết tinh của một Cuộc sống Quân Bình, 50/50, không chỉ giữa Cuộc sống Cá Nhân và Cuộc sống Xã Hội, mà còn ở mọi khía cạnh, mọi chi tiết của Cuộc sống Con người.
Ở những nơi và những thời xảy ra sự phối hiệp Tiên Rồng không hoàn chỉnh, hoặc thiên bên nầy hoặc nghiêng phía kia, đều là những giai đoạn hạnh phúc Con Người bị khiếm khuyết, như tình trạng nhân loại hiện nay.
Con đường sáng của dân Việt, và của toàn thể Nhân loại, chính là phát huy nền Văn hóa Tiên Rồng Song Hiệp, giúp Con Người sống Cuộc sống Con người toàn vẹn trong một Xã hội Loài Người Thân thương và Bình đẳng tột cùng.
*     *     *     *
10. TÓM LƯỢC và SƠ ĐỒ
10.1 Tóm Lược.
Truyền kỳ TIÊN RỒNG : Nền tảng Cuộc sống Con Người và Xã Hội. 
1. DẪN NHẬP
1.1 Quan niệm nền tảng của Văn hóa Việt : vừa Cá nhân vừa Xã hội.
1.2 Truyền kỳ Tiên Rồng với Hiện tại.
2. TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG
3. TRUYỀN KỲ
3.1 Quan niệm thông thường về Tiên và Rồng : có thực không ?
3.2 Truyền thuyết kỳ lạ : a. sao lại sinh ra con người ?
     b. Chuyện lạ khó tin : sao mấy trăm đời không sửa đổi ?
3.3 Ẩn ý khác thường : dấu chỉ đặc biệt.
3.4 Truyền Kỳ : biểu tượng văn hóa.
4. TIÊN RỒNG PHỐI HIỆP : NHẬN DIỆN CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
4.1 Bà TiênÔng Rồng.
     a. Ý nghĩa bóng bảy : không cần thực tại.
     b. Biểu tượng : biểu tượng Tiên, biểu tượng Rồng.
4.2 Tiên Rồng Phối Hiệp : Con Người là một hiệp thể sinh động.
4.3 50 theo Mẹ, 50 theo Cha. a. Tiên Rồng sóng đôi.
     b. Tiên Rồng Song Hiệp : hiệp nhất sóng đôi.
4.4 Tiên lên núi, Rồng về biển : Tiên Rồng đặc thù.
4.5 Khi cần thì gọi, Ta về ngay : Tiên Rồng toàn vẹn.
4.6 Con Người Tiên Rồng.
     a. Tiên Rồng : kết tinh 4 Sức sống con người : Thân, Trí, Tâm, Tuệ.
     b. Khai triển chi tiết : tất cả mọi Truyền Kỳ.
5. MỘT BỌC TRĂM CON : NỀN TẢNG CUỘC SỐNG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
5.1 Một Bọc Trăm Con : Đặc tính Xã Hội Bẩm Sinh, đặc điểm Văn Hóa Việt.
5.2 Hai Nguyên lý Nền Tảng Xã Hội : a. Một Mẹ một Cha, sinh cùng một lần.
     b. Trong cùng Một Bọc : Bình đẳng căn cơ.
     c. Anh Em sinh trăm : Thân Thương toàn tâm.
5.3 Xã Hội Bình Đẳng và Thân Thương.
     a. Tương quan Thân thương, Sinh hoạt Bình đẳng.
     b. Sống Tình Nghĩa Làm Người.
     c. Khai triển chi tiết : Truyền kỳ Trầu Cau, Truyền kỳ Chử Đồng.
6. DÂN VIỆT PHÁT TRIỂN : MỌI CON NGƯỜI
6.1 Tiên Rồng phối hiệp và Một Bọc Trăm Con : Cá nhân và Xã hội.
6.2 Từ đó, Tộc Việt ngày một phát triển : Mọi Con Người.
7. TIÊN RỒNG SONG HIỆP Và MỘT BỌC TRĂM CON : QUYỀN LÀM NGƯỜI TOÀN VẸN
- Quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp : Quyền và Trách nhiệm Sống Cuộc sống Cá Nhân.
- Quyền Làm Anh Em Một Bọc : Quyền và Trách nhiệm Làm Thành Viên Xã Hội Loài Người.
8. TIÊN RỒNG SONG HIỆP Trong VĂN HÓA VIỆT
8.1 Tính Cách Phổ Quát. a. Tìm hiểu thấu đáo.
     b. Nền Văn hóa đặc thù : Tiên Rồng Song Hiệp.
8.2 Mỗi Người.
8.3 Gia Đình.
8.4 Xã Hội.
8.5 Chính Trị.
8.6 Kinh Tế.
8.7 Quốc Phòng, Quân Sự.
8.8 Niềm Tin.
9. TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG với Các CHỦ THUYẾT
9.1 Biểu tượng Tiên Rồng.
     a. Tiên và Rồng : hai Nhóm Đặc tính : - Tiên : Sức sống Tâm tình và Sức sống Tuệ linh,
                 - Rồng : Sức sống Thân lực và Sức sống Tài trí.
     b. Tiên Rồng phối hiệp : hiệp thể Tiên Rồng. - trái ngược với các thuyết ‘duy’, duy vật, duy tâm...
     c. 50 theo Mẹ, 50 theo Cha : Tiên Rồng Song Hiệp. - trái ngược với mâu thuẫn nội tại, hai phần tốt xấu...
     d. Tiên lên núi, Rồng về biển : Tiên Rồng đặc thù. - trái ngược với duy lý, duy thực, duy khoa học...
     e. Cần thì gọi, ta về ngay : Tiên Rồng toàn vẹn. - trái ngược với chối bỏ một số Sức sống, giai đoạn sống, của con người.
9.2 Biểu tượng Một Bọc Trăm Con : hai Nguyên tắc Nền tảng Xã Hội. - trái ngược với đấu tranh sinh tồn.
     - Thân Thương toàn tâm. - trái ngược với chủ trương hận thùlãnh đạmmạnh được yếu thua.
     - Bình Đẳng căn cơ. - trái ngược với nô lệ hóa con ngườicon người thành phương tiện.
9.3 Biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp và Một Bọc Trăm Con : đồng thời vừa là Cá Nhân Tự Tại
     vừa Xã Hội Bẩm Sinh. - trái ngược với chủ nghĩa cá nhânchủ nghĩa tập thể...
9.4 Quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp. - trái ngược với mâu thuẫn nội tại, hạn chế việc phát triển toàn diện.
9.5 Quyền Làm Anh Em Một Bọc. - trái ngược với lãnh đạm việc xã hội, chính trị...
9.6 Hai quyền Làm Tiên Rồng Song Hiệp và Làm Anh Em Một Bọc : Quyền Làm Người đích thực, toàn vẹn.
9.7 Con Đường Sáng : nền văn hóa Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
 
*     *     *     *
11. GHI CHÚ
*1 - Truyền miệng và Bản văn. Cần chú ý đến sự khác biệt giữa câu chuyện truyền miệng và các bản văn. Về sự tích con cháu Tiên Rồng nầy, bản văn xưa nhất còn lưu truyền là bài Truyện Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái do Trần Thế Pháp, viết cách đây hơn năm trăm năm. Bản dịch Lê Hữu Mục, Huế 1960, tr 43-45.
Đáng tiếc là bản văn nầy lại do một quan lại Trung Hoa sáng tác và tiềm ẩn mưu đồ đồng hóa thâm độc. - Đọc bài 1402. Nguồn gốc Tiên Rồng, đb đoạn 3.2.
*2 - Quan điểm duy lý và duy thực nầy đã gây ra biết bao sai lạc bất công và tai hại cho toàn thể quá khứ của nhân loại.
*3 - Đọc chi tiết ở bài 2206. Biểu tượng Con Người, đb phần 5.
*4 - Theo đặc tính của Văn hóa, con người đi từ việc nhận định và suy tư về thực tại cuộc sống thường ngày, rồi rút ra nguyên lý. Không phải ngược lại.
*5 - Khi hai thành tố ‘mẹ và cha’ đã hiệp nhất thành một hiệp thể bất khả phân, thì không thể tách rời ra để đối lập nhau, cũng không thể phân biệt phần hơn phần kém.
Đọc  bài 2206. Biểu tượng Con Người, đb phần 4.
*6 - Sự ẩn diện hay bộc lộ tùy thuộc vào một số điều kiện. Em bé mới sinh chưa đủ điều kiện thể xác để bộc lộ một số khả năng. Cũng vậy, người bị hư bộ óc thì không thể bộc lộ các khả năng liên hệ... Nhưng vẫn là những Con Người. - Đọc bài 2207. Sức sống Con Người, đb phần 6.
*7 - Về các Sức Sống.
Sức sống Thân Lực là sức sống thể hiện qua Thân thể của con người và chịu ảnh hưởng trực tiếp của ngoại vật, với thực tại.
Sức sống Trí Tài là khả năng nhận định, suy luận, sáng tạo, và tài cải tiến, biến hóa, ứng dụng vào cuộc sống thực tế.
Sức sống Tâm Tình là cuộc sống mỗi ngày trong Tình, cảm thông và sẵn sàng sống chết cho Tình, là Sức sống thúc đẩy con người Sinh hoạt chung, giúp nhau phát triển cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn của nhau, trong Tình Người.
Sức sống Tuệ Linh là Sức sống trường cửu, khả năng liên lạc và thông hiệp với thế giới linh thiêng.
Đọc bài 2207. Sức sống Con Người, đb phần 7 và 8.
*8 - Đây là biểu tượng của nhận diện, rút kinh nghiệm sống, không liên quan đến khảo cổ, tôn giáo, hay bất cứ gì.
*9 - Về Văn hóa Giai Cấp :
Văn hóa Trung Hoa biến vua quan thành Con Trời, Thiên tử, Thiên triều. - Đọc bài 1203. Đại họa và Tử huyệt của Trung Hoa, phần 2.
Văn hóa Hy Lạp, và Ai Cập, dành quyền ăn trên ngồi trốc cho một nhóm tự cho mình là con rơi của các vị thần loạn luân dâm đãng. Văn hóa Ấn Độ lại chủ trương con người sinh ra trong những giai cấp di truyền.
Dân Do Thái cho rằng dòng giống họ được Tạo Hóa đặc tuyển và phải tuyệt diệt mọi giống dân cản trở họ. Chủ thuyết của Quốc Xã Đức lại cho rằng dân Arya da trắng thuần chủng được đặc quyền thống trị loài người...
*10 - Đồng Bào. Mọi người đều là Anh Em cùng Một Bọc Tiên Rồng, đều là Đồng Bào. [Bào là Bọc Mẹ, cái nhau].
Khi dùng chung cho mọi người trong nước, chữ đồng bào nói lên truyền thống cao quý của Văn hóa Tiên Rồng.
Ta cũng có thể dùng chữ đồng bào để chỉ từng người. Ta gọi nhau là đồng bào để nhắc nhớ nhau rằng chúng ta thực sự là anh em, chúng ta do cùng Một Bọc Tiên Rồng.
Mà hễ là Con Người thì bất cứ ai cũng là đồng bào. Bình Đẳng và Thân Thương tột cùng.
*11 - Mặc cảm học thức. Ở mọi nơi và mọi thời, coi trọng sách vở và giới quyền chức, và khinh thường giới bình dân. Một câu trong một cuốn sách, một điều luật của giới cai trị... thường được lặp đi lặp lại như những bằng chứng xác thực... hơn là nếp sống của triệu người dân trước mắt.
*12 - Đọc bài 2207. Sức sống Con Người, đb đoạn 8.5 và Sơ đồ.
*13 - Đọc ghi chú *7 ở trên.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức, 2013. (Nhuận chính 3/2014).
 

Tổng số lượt xem trang