Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tại sao Trung Quốc lại đầu tư lớn vào tỉnh Nam Định, và đâu là mục tiêu sâu xa?

-Son Tran 

Tại sao Trung Quốc lại đầu tư lớn vào tỉnh Nam Định, và đâu là mục tiêu sâu xa? - Hoàng Mai
"Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Nam Định mới chỉ là bước đầu. Sâu xa hơn đó chính là xây dựng cảng Nghĩa Hưng, và mở tuyến hàng hải từ Trung Quốc đi Nghĩa Hưng trong lòng Vịnh Bắc Bộ. Và như đã nói, trong tương lai, Vịnh Bắc Bộ sẽ tràn ngập tàu Trung Quốc, đến nỗi ngư dân Việt Nam ra Vịnh thấy tràn ngập tàu Trung Quốc và từ từ bỏ chủ quyền khai thác cá xa bờ trong lòng Vịnh."

_________________

Những ngày giữa và cuối tháng 3 năm 2014 này, báo chí đưa tin, Trung Quốc đã đăng ký để đầu tư vào tỉnh Nam Định gồm 2 dự án lớn, với tổng mức đầu tư là 480 triệu đô la.

- Dự án 1: đó là Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, một huyện nằm về phía Bắc huyện Nghĩa Hưng).

- Dự án 2: liên danh gồm 3 nhà đầu tư: Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc), Luenthai (Hồng Kông) và Công ty CP Đầu tư Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã quyết định thực hiện Đề án thành lập KCN Dệt may Rạng Đông tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đề án dự kiến cho thấy, KCN Dệt may Rạng Đông có quy mô khoảng 1.500 ha, thu hút khoảng trên 200 nghìn lao động”. Tổng vốn đầu tư 400 triệu USD (tương đương hơn 8.235 tỷ đồng).

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tỉnh Nam Định có diện tích 1.669 km2; dân số năm 2010 là 2,005 triệu người; Vùng đồng bằng ven biển của tỉnh: gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển; Trung tâm tỉnh lỵ là Thành phố Nam Định cách Thủ đô Hà Nội 90 km về phía đông nam, cách thành phố Thái Bình-Tỉnh Thái Bình 18 km và cách thành phố Hải Phòng 90 km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 28 km về phía đông.

A/ Những lý do khách quan để Trung Quốc đầu tư vào Nam Định

Việc Trung Quốc chiếm 90% công trình trọng điểm của Việt Nam, và đang có mặt hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đang là mối lo chung của người Việt. Để thuyết phục người Việt khi chọn tỉnh Nam Định để đầu tư lớn, ta thấy phía Trung Quốc sẽ đưa ra các cơ sở mang tính khách quan, đó là:

- Đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ không mời TQ tham gia, vì vậy, buộc Trung Quốc phải tìm đến Việt Nam.

- Vị trí của tỉnh Nam Định chỉ cách Hà Nội hơn một giờ ô tô, lại có tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, và cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Lại có tuyến QL10 nối Nam Định với các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh (phía Bắc) và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa (phía Nam), thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm sau này cũng như tuyển dụng lao động…

- Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “láng giềng hữu nghị”, việc tìm đến và đầu tư tại Việt Nam được lãnh đạo cấp cao của Đảng và hai nhà nước khuyến khích, tạo việc làm cho người lao động, đóng thuế cho địa phương…

B/ Những toan tính của Trung Quốc khi đầu tư vào tỉnh Nam Định

Nhìn lên bản đồ ta thấy, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định có vị trí gần như là Trung tâm ven biển của miền Bắc khi nhìn ra Vịnh Bắc Bộ; vì vậy, nếu tại huyện Nghĩa Hưng đầu tư một cảng biển, thì dễ thấy rằng, cảng Nghĩa Hưng sẽ là cảng Trung tâm có thể phong tỏa toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Rõ ràng, như trong một bài viết trước đây (3), chắc chắn rằng, ngay trong khi đang tiến hành đầu tư KCN Dệt may Rạng Đông (Dự án 2), thì phía Trung Quốc sẽ đề nghị tỉnh Nam Định và phía Việt Nam cho phép đầu tư cảng Nghĩa Hưng, lấy lý do để vận chuyển nguyên liệu cho KCN Dệt may Rạng Đông sau này.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Nam Định mới chỉ là bước đầu. Sâu xa hơn đó chính là xây dựng cảng Nghĩa Hưng, và mở tuyến hàng hải từ Trung Quốc đi Nghĩa Hưng trong lòng Vịnh Bắc Bộ. Và như đã nói, trong tương lai, Vịnh Bắc Bộ sẽ tràn ngập tàu Trung Quốc, đến nỗi ngư dân Việt Nam ra Vịnh thấy tràn ngập tàu Trung Quốc và từ từ bỏ chủ quyền khai thác cá xa bờ trong lòng Vịnh.

Tạo ra một tiền lệ cho một âm mưu sâu xa bao giờ cũng rất khó khăn. Nhưng Trung Quốc sẽ dễ dàng có được khi có mặt tại tỉnh Nam Định. Với nguồn vốn lớn, thời gian thực hiện lâu dài, và một lần nữa lòng tham của các quan chức Việt đang đặt đất nước trước hiểm họa khôn lường.

25.3.2014
H.M.

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Băn khoăn khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư 400 triệu đô la vào tỉnh Nam Định

Sau khi đăng bài “Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào tỉnh Nam định, thêm lo?”(1) ngày 11.3.2014, nói về Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), thì sau 10 ngày, tức là hôm 21.3.2014, báo Đất Việt đăng tiếp bài “Trung Quốc “đổ” 400 triệu USD vào Nam Định để làm gì?” (2). Bài báo cho biết: Theo đề án của các nhà đầu tư Trung Quốc, sắp có khu công nghiệp dệt may quy mô lớn nhất Việt Nam được xây dựng tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định vừa cho biết, sau quá trình khảo sát thực tế, liên danh gồm 3 nhà đầu tư: Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc), Luenthai (Hồng Kông) và Công ty CP Đầu tư Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã quyết định thực hiện Đề án thành lập KCN Dệt may Rạng Đông tại tỉnh Nam Định.

Đề án dự kiến cho thấy, KCN Dệt may Rạng Đông có quy mô khoảng 1.500 ha, thu hút khoảng trên 200 nghìn lao động”.
Không khó để nhận ra rằng, trong điều kiện các doanh nghiệp nhà nước và các Tập đoàn Nhà nước của Việt Nam đang nợ đầm đìa, có nguy cơ phá sản bất kỳ lúc nào, thì việc có mặt của Công ty CP Đầu tư Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) trong “liên danh” nói trên chỉ là hình thức, làm bình phong cho Trung Quốc mà thôi, tựa như 60% doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam hiện nay là của Trung Quốc mà báo chí đã đưa tin.
Quy mô KCN dự kiến là 1.500 ha (15 km2), tính ra, bằng 1/6 tổng diện tích toàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (250,47 km2); đặc biệt, quy mô sử dụng lao động khoảng 200 nghìn người, tương đương với dân số toàn huyện Nghĩa Hưng vào năm 2007 (202,281 nghìn người). Trong số 200 nghìn người mà dự án này yêu cầu, chắc chắn ít nhất sẽ có 20 nghìn (bằng 1/10 số yêu cầu) người Trung Quốc sang để vào làm việc, vì tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận không thể đáp ứng được. Đây rõ ràng là một bài toán “di dân” của người Trung Quốc một cách hợp pháp, chỉ cần đút lót cho quan chức địa phương thì sự việc sẽ rất dễ dàng.
Việc Trung Quốc “đổ bộ” vào tỉnh Nam Định một cách bất thường, cùng với cảm nhận từ bài viết Vài suy nghĩ khi Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào tỉnh Nam Định (3) đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 12.3.2014, chúng tôi thấy có những băn khoăn tiếp, như sau:
1. Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có một mặt giáp với Biển Đông, thì chỉ khoảng vài năm nữa thôi, sau khi có mặt ở KCN này, thì chắc chắn Trung Quốc thông qua tỉnh Nam Định (?!) sẽ đề nghị Trung ương đầu tư cảng biển tại huyện này (hoặc Trung Quốc bỏ vốn ra đầu tư), qua đó tạo nên một hành lang cảng biển ở miền Bắc Việt Nam, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh – Hải Phòng – Nghĩa Hưng (Nam Định) – Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Vũng Áng (Hà Tĩnh) – Cửa Việt (Quảng Trị), nơi mà Trung Quốc có mặt trong các hợp đồng đầu tư làm ăn lâu dài từ 50 đến 70 năm.
 Hệ thống cảng biển Việt Nam mà Trung Quốc sẽ có mặt trong hoạt động kinh doanh và đầu tư với thời gian dài 50-70 năm đang là nguy cơ biến miền Bắc Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc trên thực tế. 
 Tam giác quân sự Du Lâm – Vũng Áng – Cửa Việt, là tiền đề để Trung Quốc khống chế toàn bộ Vịnh Bắc Bộ cũng như để chia cắt Việt Nam làm hai tại dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang-Hà Tĩnh) khi cần thiết.
2. Để áp chế Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, lấy lý do cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ở các vị trí trên, tàu bè Trung Quốc đi lại dày đặc ở Vịnh Bắc Bộ, áp đảo hoàn toàn tàu đánh cá của Việt Nam cũng như các tàu của lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, và kèm theo là những âm mưu quân sự trong tổng thể âm mưu thôn tính lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Một khi ngư dân Việt Nam ra biển gặp tàu cá Trung Quốc, tàu vận tải biển, cũng như cảnh sát biển của Trung Quốc, và với sự hung hăng vốn có của họ, ngư dân Việt Nam dần dần bỏ biển vùng Vịnh Bắc Bộ, và để Trung Quốc gần như sẽ làm chủ toàn bộ khu vực này. “Bất chiến tự nhiên thành”, đó là châm ngôn của người Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay.
3. Nếu như hệ thống đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn góp phần để hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam với giá rẻ hơn (do chi phí vận chuyển rẻ hơn), qua đó áp đảo và tiêu diệt hoàn toàn hàng Việt từ Hà Nội trở lên phía Bắc (thực tế đã như vậy), thì hệ thống gồm các cảng: Nghĩa Hưng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Cửa Việt, thông qua vận tải biển (rẻ hơn đường bộ rất nhiều) là để thực hiện cho âm mưu tiêu diệt hàng Việt từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Trị. Như vậy, biến toàn bộ miền Bắc Việt Nam như là một tỉnh của Trung Quốc tiêu thụ hàng từ Trung Quốc.
Hàng Việt Nam không có cơ hội ngóc đầu lên, do không cạnh tranh được về giá, một khi Trung Quốc chở hàng đến Việt Nam bằng đường biển. Các cảng ở các vị trí nói trên thực sự là các cảng của Trung Quốc trên đất Việt Nam phục vụ cho vận chuyển đường biển của họ. Nền sản xuất hàng hóa gần như phá sản và hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai là đã được báo trước. Chưa nói đến hệ quả về môi trường, mà bầu trời Bắc Kinh đang là thảm họa ngay trên đất nước Trung Quốc.
4. Cùng với căn cứ tam giác quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt, mà có người đề cập đến, dễ nhận thấy rằng, toàn bộ Vịnh Bắc Bộ đã, đang và sẽ là cái ao nhà của Trung Quốc. Mọi hoạt động quân sự của Việt Nam ở miền Bắc đều bị Trung Quốc khống chế.
5. Lấy lý do, đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ không mời Trung Quốc tham gia, thông qua quan chức tỉnh Nam Định, và có thể là cấp cao hơn, Trung Quốc có vẻ đã thực hiện được mưu đồ đưa người sang lập làng, lập phố ngay giữa một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc bộ với quy mô khổng lồ, ước khoảng 15-20 ngàn người Trung Quốc lúc ban đầu. Chắc là tới đây sẽ có phái đoàn của tỉnh Nam Định, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, và Bộ ngành có liên quan… sẽ có chuyến đi thăm Trung Quốc để tăng độ tin cậy lẫn nhau?
6. Rất dễ nhận ra, hình hài để một Việt Nam đang trở thành một tỉnh, hoặc một khu tự trị của Trung Quốc đang trở thành hiện thực.
20.3.2014
H. M.
Bài tham khảo:
(1) Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào Nam Định, thêm lo?
(2) Trung Quốc “đổ” 400 triệu USD vào Nam Định để làm gì?
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tổng số lượt xem trang