- TIÊU CHUẨN ĐỂ SỐNG TÌNH NGƯỜI Theo Văn Hóa Việt - TRUYỀN KỲ TRẦU CAU
http://danhgiactau.com/
Tải về: epub, docx, pdf
http://danhgiactau.com/
1. DẪN NHẬP
Truyền kỳ TRẦU CAU khởi đầu bằng việc giới thiệu hai Anh Em sinh đôi, giống nhau như đúc. Người Anh lấy Vợ, người Em bỏ đi. Họ đi tìm nhau rồi chết bên nhau, và hóa thành Vôi, Cau, Trầu.
Hai Anh Em là hai Người từ Bọc Mẹ Trăm Con của Truyền kỳ Tiên Rồng. Họ sinh đôi, vì được sinh ra cùng một lần, trong Một Bọc. Họ được rút riêng ra để ứng dụng vào cuộc sống thực tại.
Khi người Anh lấy Vợ cũng là lúc phát sinh những xung khắc thực tế của hai mối tương quan Anh-Em và Vợ-Chồng.
Truyền kỳ nêu phương thức giải quyết ổn thoả giữa hai mối tương quan và xác quyết quan niệm sống của Văn hóa Việt .
Với Truyền kỳ Trầu Cau, Tổ Tiên đã đặt những Tiêu chuẩn để Sống Tình Người làm Nền Tảng cho mọi Tương Quan giữa Con Người và Con Người.
Đây cũng là nền móng căn cội của một Xã Hội thanh bình hạnh phúc đích thực.
* * * *
Thời Hùng, có hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, thương nhau rất mực, và không bao giờ lìa nhau.
Khi khôn lớn, họ gặp một cô gái, và người anh cưới cô gái đó làm vợ.
Vì hai anh em giống nhau như đúc, nên một hôm người chị dâu lầm tưởng người em là chồng mình, và tỏ ý săn sóc.
Sợ gây hiểu lầm làm hại gia đình anh, người em bỏ nhà ra đi. Khi chết, chàng hóa thành đá vôi.
Người anh không thấy em về, nên đi tìm đến kiệt sức mà chết, và hóa thành cây cau.
Người vợ chờ chồng không thấy, cũng đi tìm. Cuối cùng, nàng ngồi dựa gốc cau mà chết, và hóa ra dây trầu.
Trầu Cau Vôi nhai chung thành màu đỏ, với mùi vị thơm ngon.
Vua Hùng truyền dân ta ăn trầu cau là để luôn ghi nhớ sự tích nầy.
* * * *
DIỄN TRUYỆN
3.1 Tục Ăn Trầu.
Trước đây, nhiều người cho rằng sự tích trên chỉ là chuyện hoang đường để giải thích tục ăn trầu ở nước ta. Làm sao có thể có chuyện người chết hóa thành đá, thành cây ? Việc đi tìm nhau để rồi cùng tới một nơi, gục chết bên nhau, và mỗi người hóa thành một thứ, lại là những trùng hợp khó tin.
Lại nữa, việc đặt ra chuyện tích để giải thích tập tục là sự kiện rất thông thường ở thời xưa. Không riêng gì người Việt mà nhiều giống dân khác cũng có tục ăn trầu, và họ cũng có truyền thuyết về trầu cau. Như vậy, tích trầu cau của ta cũng không có gì là đặc biệt.*1
* *
3.2 Quan Trọng Đặc Biệt.
Tuy nhiên, Truyền kỳ Trầu Cau bắt nguồn từ thời các Vua Hùng, và được phổ biến rộng rãitrong đại chúng qua suốt mấy ngàn năm.
Lại nữa, tục ăn trầu không phải chỉ là một thói quen bình thường, mà là một tập tục có tầmquan trọng đặc biệt trong nếp sống của dân Việt.
Trong suốt mấy ngàn năm, trầu cau không những thông dụng một cách cưỡng bách, mà còn được đặt lên bàn thờ, và trở thành phẩm vật không thể thiếu trong bất cứ nghi thức hay giao tếnào.
Từ những lễ nghi quan trọng nhất như tế tự, tết lễ, cưới hỏi... đến thông thường và phổ quát như để bắt đầu cuộc đối thoại giữa hai người vừa gặp nhau... sự hiện diện của trầu cau luôn luôn là cần thiết. Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Trầu cau đã có địa vị đặc biệt như thế, nên sự tích giải thích tục ăn trầu không thể chỉ là một chuyện không đâu, mà trái lại, phải mang nhiều ẩn ý văn hóa thâm thúy khác thường.
* * * *
4.1 Hai Mối Tương Quan.
a. Tương quan Anh - Em.
Sự tích khởi đầu bằng việc giới thiệu : hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, thương nhau rất mực, và không hề lìa nhau.
Tất cả những chi tiết đó đều nhắc nhớ Truyền kỳ Tiên Rồng, với biểu tượng Trăm Anh Em được Mẹ Tiên Cha Rồng sinh ra cùng một lần, trong cùng Một Bọc. Vì cùng một mẹ một cha, mà lại còn được sinh ra cùng một lần, nên họ là sinh đôi, giống nhau như đúc.
Như vậy, Truyền kỳ Trầu Cau rút từ biểu tượng Một Bọc Trăm Con ra hai người, hai Anh Em, để đem vào cuộc sống thực tại. Do tương quan nền tảng nầy, Truyền kỳ Trầu Cau chính là phần áp dụng cụ thể của Truyền kỳ Tiên Rồng.*2
Để nhấn mạnh sự mật thiết của Tương Quan Anh Em, Truyền kỳ đi vào từng chi tiết. Ngoài việc sinh đôi, đồng nhất về nguồn gốc, hai người còn giống nhau như đúc, tức là đồng nhất vừa về thể chất vừa về tinh thần. Và rồi, họ còn đồng nhất cả trong tình thân, thương nhau rất mực; mà cũng đồng nhất cả về cuộc sống, họ không hề lìa nhau.
Họ đồng nhất về mọi phương diện. Tình thắm thiết của tương quan Anh-Em thực tột cùng.
b. Tương quan Vợ - Chồng.
Thế nhưng, trong cuộc sống thực tế, ngoài anh em ruột thịt, Con Người bao giờ cũng liên hệ thêm với nhiều người khác, đặc biệt với người khác phái. Do đó, Truyền kỳ thêm một nhân vật thứ ba, một cô gái.
Cái cộng đoàn ba người nầy đặt ra một vấn đề mới, vấn đề vị thứ trong giao tiếp. Dầu tự căn cơ, hai anh em sinh cùng một lần và giống nhau như đúc, nhưng hai người vẫn là hai. Trong xã hội đông người, luôn phải có sự phân biệt giữa người nầy với người kia.
Việc phân biệt lại càng cần thiết hơn khi mà người thứ ba muốn có liên hệ đặc biệt. Vì vậy, Truyền kỳ phân biệt một người là Anh, một người là Em. Và Cô Gái kết hôn với người anh.
Do việc kết hôn, người anh và cô gái tạo thêm một tương quan khác, Tương Quan Vợ Chồng. Tương quan nầy lặp lại mối tương quan phối hiệp giữa Tiên và Rồng, như ở Truyền kỳ Tiên Rồng. Từ đây hai người kết hiệp trọn vẹn với nhau, và cùng nhau thể hiện một cuộc sống chung toàn vẹn.*3
c. Ruột thịt và Phối hiệp.
Vậy là từ nay, giữa ba người có hai mối tương quan : tương quan thân thương ruột thịt giữa hai ANH-EM trong Bọc Trăm Con, và tương quan phối hiệp toàn hảo giữa hai VỢ-CHỒNG, giữa Tiên và Rồng.
* *
4.2 Xung Đột và Giải Pháp.
a. Xung đột.
Nhưng rồi hai mối tương quan Anh-Em và Vợ-Chồng đã trở thành xung đột, khi người chị dâu lầm tưởng người em là chồng mình.
Trong cuộc sống thực tế, dầu vì bất cứ lý do gì, sự xung đột giữa hai tương quan trên cũng thường xảy ra.
b. Giải pháp.
Để giải quyết xung đột đó, Truyền kỳ Trầu Cau tiếp : Người Em, vì hạnh phúc gia đình anh chị, đã ra đi, rồi chết, và hóa thành đá vôi.
- Người Anh, vì giống em như đúc và chưa bao giờ xa em, nên thấy thiếu vắng và đi tìm em, rồi chết bên người Em, và hóa thành cây cau.
- Phần Cô Gái, vì có tương quan Vợ-Chồng với người anh, nên nàng đã ra đi tìm chồng, vàchết bên gốc cau. Nàng hóa thành dây trầu.
* Như thế, tình người Em đối với người Anh vẫn không vì người chị dâu mà biến đổi; người Anh dầu đã lập gia đình, vẫn giữ nguyên mối tương quan Anh-Em; và người Vợ đã sống trọn mối tương quan Vợ-Chồng.
c. Ràng Buộc Hiệp Nhất.
Điều kỳ diệu là hai mối tương quan đó đã có vẻ xung đột, đã gây chia cách giữa ba người, thì lại được Truyền kỳ Trầu Cau giải quyết bằng cách kết hiệp ba người thành một, với cả hai mối tương quan còn nguyên vẹn. Trầu, Cau, và Vôi được sống bên nhau, rồi được Con Người nhai chung với nhau, hòa lẫn vào nhau, hóa thành mùi vị thơm cay và màu máu đỏ.
Trước kia, chỉ vì Vợ Chồng và Anh Em thương nhau mà họ trở thành xung đột, chia cách. Nhưng cũng chính tình anh em và tình vợ chồng đó thúc đẩy họ lặn lội tìm nhau, để rồi quấn quít lấy nhau, và nhờ đó, được hòa lẫn vào nhau, được hiệp nhất trọn vẹn.
d. Tình Nghĩa vẹn toàn.
Thế là họ vẫn sống. Dầu diễn tả họ đã chết, nhưng thực sự họ vẫn sống, sống bên nhau qua Trầu Cau Vôi, và sống chung nhau trong những con người đang ăn trầu.
Mọi giai đoạn họ trải qua chỉ là những biến chuyển trong cuộc sống. Và chính qua những biến cố đó, họ đã bộc lộ, đã thể hiện tình nghĩa vẹn toàn với nhau.
Đây là bài học Sống Làm Người.
* *
4.3 Đặc Tính Con Người.
Như thế, những thể hiện tình cảm cao quý của Con Người đã giải quyết ổn thỏa sự xung khắc thực tế của hai mối tương quan Anh-Em và Vợ-Chồng. Không thể coi thường mối tương quan nào, vì cả hai đều là nền tảng của Cuộc Sống Con Người.
Chính liên hệ hỗ tương mọi mặt giữa những người có tương quan Anh-Em và Vợ-Chồng đã tạo thành một ràng buộc hiệp nhất cho cuộc sống, thể hiện Đặc Tính Cá Biệt của Con Người.
Mối ràng buộc thiết yếu, thực tại và cao quý nầy, đã được Tổ Tiên gói trọn trong ba chữ :TÌNH GIA ĐÌNH.
* * * *
5.1 Tương Quan Người Với Người.
Truyền kỳ Trầu Cau đã mở đầu bằng việc diễn tả tương quan giữa hai Anh Em, rồi giữa hai Vợ Chồng, và kết thúc bằng việc cả ba người ở luôn bên nhau, hòa hiệp với nhau thành một. Như vậy, chủ điểm của Truyền kỳ chính là mối tương quan giữa ba người.
Vậy mà, hai Anh Em chính là tượng trưng của Trăm Người cùng Một Bọc, và hai Vợ Chồng là hình ảnh của Tiên và Rồng. Tiên Rồng và Anh Em Một Bọc lại là biểu tượng nền tảng của Con Người và của Xã Hội Loài Người.
Vì vậy, tuy nói về tương quan giữa ba người, mà cũng là nói về tương quan giữa mọi Con Người, giữa Con Người với Con Người.
* *
5.2 Giống Nhau Như Đúc.
Mối tương quan nầy được Truyền kỳ Trầu Cau xác định rất rõ ràng. Ngay từ mở đầu, Truyền kỳ nhấn mạnh tới sự liên hệ căn nguyên : hai người là Anh Em sinh đôi trong Một Bọc. Vì cùng một Mẹ một Cha, và được sinh ra cùng một lần, nên họ hoàn toàn giống nhau về mọi phương diện, họ giống nhau như đúc.
Đang khi đó, người Anh và Cô Gái đã kết duyên Vợ Chồng, đã trở thành Tiên Rồng phối hiệp, đã kết hợp hai người thành một. Họ cũng trở thành giống nhau như đúc.
Đây chính là nền tảng của mọi tương quan giữa hai Con Người. Khi nào nhận nhau là sinh đôi, là GIỐNG NHAU NHƯ ĐÚC, thì khi đó tương quan đích thực giữa Người và Người mới khởi hiện.*4
* *
5.3 Quyết Chẳng Lìa Nhau.
Giữa hai Anh Em, vì sinh ra như nhau và vì không có bất cứ điểm nào khác biệt, nên hai người thương nhau tận tình. Vì giống nhau như đúc, và thương nhau tận tình, họ không để bất cứ hoàn cảnh hay lý do gì có thể chia cách họ. Họ Quyết Chẳng Lìa Nhau.
Cũng vậy trong đời sống Vợ Chồng, tương quan Vợ Chồng đã kết hiệp cuộc sống của hai người thành một cuộc sống chung. Họ cũng Quyết Chẳng Lìa Nhau.
* Như vậy, trong thực tại, tương quan giữa Con Người với Con Người phải đặt nền tảng trên xác quyết rằng không gì có thể chi phối tình thân thương Anh Em Một Bọc, hoặc tình phối hiệp Vợ Chồng Tiên Rồng. Quyết không để bất cứ gì có thể tách lìa chúng ta. QUYẾT CHẲNG LÌA NHAU.
* *
5.4 Sống Chết Cho Nhau.
Khi đã đặt nền tảng tương quan trên Giống nhau như đúc và Quyết chẳng lìa nhau, ta mới có thể thâm cảm trọn vẹn lý do và hình ảnh tuyệt vời của phần Truyền kỳ kế tiếp.
Hai Anh Em đã thương nhau khắng khít, hai Vợ Chồng đã kết hiệp thành một cuộc sống. Nhưng ba người lại vì hai mối tương quan đó mà chia lìa nhau. Và rồi, nhờ thể hiện tình thân thương cách trọn vẹn, nên họ lại gặp nhau.
Có mối tình nào cao cả bằng tình của người Em sẵn sàng chết vì hạnh phúc gia đình Anh? bằng tình của người Anh đi tìm Em đến chết? và bằng tình của người Vợ chết vì tìm Chồng? Họ thương nhau đến nỗi hy sinh mạng sống cho nhau.
Đây là dấu chỉ việc thể hiện tình thân thương trong cuộc sống. Khi thực sự thương nhau, hai người phải luôn đặt mình trong tâm trạng sẵn sàng sống chết cho người mình thương. Cái chết nầy không chỉ có nghĩa là hy sinh tính mạng, mà còn là mọi giây phút của cuộc sống được dành để cho người thương. SỐNG CHẾT CHO NHAU.
Nếu không đạt tới mức thâm sâu nầy, tình thân thương nhiều khi chỉ là những cảm xúc hời hợt và gây tổn hại.*5
* *
5.5 Có Nhau Mãi Mãi.
Thế nhưng, dầu đã sẵn sàng và đã chết vì thương nhau, những nhân vật trong Truyền kỳ Trầu Cau vẫn chưa cho là đủ. Sau khi chết, họ còn quấn quít nhau, che chở cho nhau.
Còn hình ảnh nào cao đẹp và ý nghĩa hơn cái cảnh tượng : bên tảng đá Vôi Người Em, dâyTrầu Người Vợ âu yếm quấn quanh cây Cau Người Chồng ; đang khi đó, cây cau Người Chồng vươn lên cao vút, nâng đỡ vợ, và tỏa bóng che sương nắng cho vợ, cho em ? Họ vẫn ở mãi bên nhau, thương yêu và che chở cho nhau.
Tình thương khắng khít đó lại vươn tới tột đỉnh khi Trầu Cau Vôi được nhai chung. Khi đó, cả ba người, với hai mối tương quan Anh-Em Vợ-Chồng, hòa lẫn vào nhau để thành một phẩm vật với mùi vị thơm cay, với màu tươi đỏ thắm. Ba người đã thành một trong tình máu mủnồng nàn.
Dầu trải qua mọi biến cố trong cuộc sống, họ CÓ NHAU MÃI MÃI.
* *
5.6 Cuộc Sống Thân Thương.
Thực là trọn tình anh em, vẹn nghĩa vợ chồng. Họ đã thương nhau bằng tình Anh Em Một Bọc, và tình Tiên Rồng Phối Hiệp. Họ đã không để bất cứ hoàn cảnh nào ngăn cách họ. Họ lại đã thể hiện tình thương đó bằng việc sẵn sàng chết cho nhau, và rồi sau khi chết vì nhau, họ còn quấn quít nhau, hòa lẫn vào nhau.
Để khởi đầu Tương Quan, nền tảng đầu tiên là tự mỗi người, Tự Bản Thân, mỗi người phải biết rõ, phải nhận thực chính mình và mọi con người khác đều Giống Nhau Như Đúc.
Nền tảng thứ hai : để có thể bộc lộ chính mình và kết thân Với Người Khác, mỗi người phải quyết tâm không để bất cứ hoàn cảnh hay ngoại vật nào có thể phân cách, Quyết Chẳng Lìa Nhau.
Trên hai nền tảng đó, Tương Quan được thể hiện Ở hiện Tại, ở mọi giây phút của cuộc sống, bằng mọi sinh hoạt, với mọi tài của, phương tiện... tất cả đều được xử dụng để tăng triển tình thân, để sống trọn cho nhau. Sống Chết Cho Nhau.
Và Cho Tương Lai, Tình Thân luôn được thể hiện để cùng nhau luôn vui hưởng trọn vẹn Một Cuộc Sống Chung, Có Nhau Mãi Mãi.
* Những nguyên tắc nầy bảo đảm một tương quan hỗ tương đích thực giữa hai Con Người. Có như thế thì Tương quan giữa Người và Người mới thực sự là Tình Thân Thương toàn tâm,Hiệp Nhất trọn vẹn.
* *
5.7 Phát Huy Tình Thân Thương Toàn Tâm.
Khi Truyền kỳ Trầu Cau kể Vua Hùng dạy dân ta ăn trầu, chính là dùng uy thế của Quốc Tổ mà nhấn mạnh tầm quan trọng vượt bực của việc ứng dụng thực tế bốn tiêu chuẩn của nguyên lý Thân Thương Toàn Tâm.
Trong mọi cuộc giao tiếp, không những giữa người sống với người sống, giữa người sống với người đã khuất, mà còn cả với những Vị Linh Thiêng, trầu cau vôi là phẩm vật không thể thiếu. Với bất cứ ai, trong bất cứ trường hợp nào, miếng trầu luôn là nghi thức khởi đầu tương quan, khởi đầu câu chuyện.
Khi mời nhau miếng trầu, tức là đã cùng nhau nhắc nhớ và chia sẻ tiêu chuẩn Giống nhau như đúc, Quyết chẳng lìa nhau, Sống chết cho nhau, và Có nhau mãi mãi, thì sự giao tiếp cũng phải theo đó mà cư xử.
Vì vậy, mỗi lần ăn trầu, mỗi lần đặt trầu cau lên bàn thờ... là một dịp nhắc nhớ những bài học quý giá của Tổ Tiên, và phát huy truyền thống siêu việt của dân tộc.
Nhờ như thế, Văn hóa Việt đã sống thực Tình Tương Thân, đã thực sự đối xử với nhau như Con Người với Con Người, và giúp thể hiện Tình Thân Thương Toàn Tâm, TÌNH NGƯỜI, một cách đích thực và trọn vẹn.
* * * *
6.1 Tình theo Văn Hóa Việt.
Nếp sống Việt đã được kết tinh trong các Truyền kỳ, nên nền tảng Tương quan, Tình Thân Thương, cũng giữ vai trò chính yếu trong cuộc sống và trong ngôn ngữ Việt.
a. Tình.
Thông thường, tình là những xúc cảm tự nhiên do giác quan và tâm tư. Có 7 tình : mừng giận thương sợ yêu ghét muốn.
Tuy nhiên, trong Văn hóa Việt, Tình luôn được hiểu là Tương quan Thân Thương giữa những con người. Tình bạn, tình vợ chồng, tình cha con...*6
b. Tình, Nghĩa và Đạo.
Trong xã hội Việt, Tình, Nghĩa, và Đạo luôn đi chung, và là tiêu chuẩn thiết thực của cuộc sống mỗi ngày.
Trong đời sống thực tại thường ngày, hai yếu tố của cuộc sống xã hội, là Tương quan Tìnhvà Sinh hoạt Nghĩa, cũng luôn được ghép chung : Tình Nghĩa. Tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa làng xóm, tình sâu nghĩa nặng...
Tình nói tới Tương Quan Thân Thương, với chủ đích Kết hiệp, Có nhau mãi mãi.
Nghĩa nói tới Sinh Hoạt Bình Đẳng, với chủ đích Mọi người cùng hưởng.*7
Đạo tổng hợp Tình và Nghĩa thành tiêu chuẩn sống từng ngày.
Một số thí dụ :
Tình : Nghĩa : Đạo :
Tương quan Sinh hoạt chung Tiêu chuẩn sống
Tình Vợ Chồng Nghĩa Vợ Chồng Đạo Vợ Chồng
Tình Thầy Trò Nghĩa Thầy Trò Đạo Thầy Trò
Tình Bạn Bè Nghĩa Bạn Bè Đạo Bạn Bè
Tình Vua Tôi Nghĩa Vua Tôi Đạo Vua Tôi
Tình Người Nghĩa Làm Người Đạo Làm Người
** Cần chú ý là trong thời gian qua, sách vở đã cóp nhặt tài liệu của các Nho gia, nên ý nghĩa những tương quan trên đã bị ảnh hưởng Nho học Trung Hoa, và bỏ mất đặc tính Tiên Rồng Song Hiệp.
Cần nhận định đúng ý nghĩa của đại chúng Việt, trong nền Văn hóa Tiên Rồng Song Hiệp đích thực của Dân Việt.*8
* *
6.2 Cách Xưng Hô.
a. Đối thoại.
Không đâu bộc lộ rõ ràng quan niệm về tương quan giữa Người với Người bằng chính việc đối thoại, tức là sự liên lạc trực tiếp giữa hai Con Người. Cách thức xưng hô lại là dấu chỉ hiển nhiên nhất.
Vậy mà, trong cách xưng hô, thay vì chỉ dùng những tiếng đơn giản như Ngộ - nị, I - you, Je - vous, dân Việt đã dùng mấy chục từ ngữ khác nhau.
Điểm đặc biệt là trừ một số từ ngữ tổng quát hoặc theo chức vụ, chúng ta đều tự xưng, nói với người đối diện, và cả về người vắng mặt, bằng những tiếng ông, bà, chú, bác, cô, cậu, dì,thím, anh, chị, em, con, cháu...
Nhờ cách xưng hô hiện thực và tinh tế như vậy, nên ngay từ câu nói đầu tiên, mối tương quan giữa hai người được thiết lập một cách cụ thể, rõ ràng.
Cách xưng hô của dân Việt quan tâm tới mối tương quan thiết thực với Người đối diện, giữa Con Người với Con Người.
b. Một Gia Đình.
Ngoài ra, tất cả những từ ngữ xưng hô đều là những tiếng ưu tiên được dùng cho những người có liên hệ ruột thịt máu mủ trong gia đình.
Tình gia đình phổ quát đến nỗi những tiếng đó cũng được dùng cho cả những người chưa quen, cho mọi người.
Đã đối xử với nhau là thành phần ruột thịt của một gia đình, thì không lạ gì việc mọi người trong nước coi nhau như anh em, vua quan lo lắng cho dân như mẹ cha chăm sóc con thơ, và người dân sẵn sàng sống chết cho làng nước như sống chết cho người thân yêu.
Xã hội loài người, từ hai vợ chồng son, gia tộc, làng thôn, tới quốc gia, dân tộc, nhân loại... tất cả đều được Văn hóa Việt quan niệm như một gia đình. Cũng do đó, tất cả đều được cư xử theo Truyền kỳ Trầu Cau.
Với Truyền kỳ Trầu Cau, Tổ Tiên đặt nền tảng vững chắc và chính xác cho mọi tương quan giữa Con Người với Con Người, cho nếp sống Tình Người trọn vẹn.
Đây cũng là nền móng căn cội cho một xã hội thanh bình hạnh phúc đích thực.
c. Gọi bằng Tên Riêng.
Cách gọi tên của dân Việt cũng đặc biệt. Người Trung Hoa, Pháp, Anh, Mỹ... gọi nhau bằng tên họ, và chỉ gọi tên riêng khi đã quen biết, thân mật. Đang khi đó, người Việt Nam thì luôn gọi nhau bằng tên riêng.
Tên Họ dùng cho nhiều người, còn Tên Riêng thì chỉ định đích xác một Con Người cá biệt. Mối tương quan Việt luôn rõ ràng, cá biệt, trong mọi trường hợp.
d. Theo ý người hỏi.
Tương quan Con Người và Con Người cũng tỏ lộ ngay trong cách phát biểu ý kiến. Ví dụ câu hỏi : ‘Anh không muốn phải không ?’.
Để tỏ ý không muốn, người Anh, Pháp... trả lời : ‘No, Non’ (Không).
Nhưng người Việt trả lời : ‘Ờ, Phải’ (Yes, Oui), tức ngụ ý : ‘Phải, anh nghĩ đúng, tôi không muốn’.
Người Anh, Pháp chú ý đến câu nói. Người Việt trả lời theo ý người hỏi, chú trọng tới Con Người.
* *
6.3 Trầu Cau với Cưới Hỏi.
Vì bài học đặc biệt của Truyền kỳ Trầu Cau, trầu cau vôi trở thành lễ vật thiết yếu cho mọi nghi thức trong việc cưới hỏi.
Mâm trầu và buồng cau giúp đôi tân hôn nhớ những bài học thiết thực về tình nghĩa và cuộc sống vợ chồng. Việc gởi trầu cau biếu bà con, lại phổ biến bài học về Tình Gia Đình tới thân thuộc bạn hữu.
* *
6.4 Trầu Cau với Tạ Tội, Hòa Giải.
Trong đời sống cộng đoàn, miếng Trầu không chỉ là chào hỏi và mở đầu cuộc tiếp xúc, mà còn là biểu hiệu sự tiếp nối mối tương quan, đặc biệt khi đã lơi lỏng vì hiểu lầm, hoặc vì hiềm khích, tranh giành.
Vì vậy, trầu cau cũng là lễ vật cần thiết cho những buổi tạ tội, làm hòa, kết thân, giữa những người sống, cũng như với các Vị ở Thế giới Bên Kia.
* *
6.5 Sự tích Ông Táo.
a. Tình Nghĩa Vợ Chồng.
Ngày xưa, có đôi vợ chồng thất lạc nhau trong biến loạn. Người vợ lấy chồng mới. Sau đó, trong khi chồng đi vắng, người vợ nhận ra một ông ăn mày là chồng cũ. Đang hàn huyên thì chồng mới trở về. Sợ gây hiểu lầm, người chồng cũ vội trốn trong đống rơm.
Người chồng mới đốt đống rơm để thui con vật vừa săn được. Thấy lửa cháy, bà vợ nhảy vô cứu người chồng cũ. Người chồng mới thấy vợ trong đống lửa, cũng nhảy vô cứu. Ba người chết.
Cảm động trước tình nghĩa vợ chồng, Trời cho ba người thành ba cục Ông Táo.
** Sự tích Một Bà Hai Ông tô đậm tình nghĩa Vợ Chồng, giữa những bất trắc của cuộc đời... và nhắc nhớ ba nhân vật của Truyền kỳ Trầu Cau.
Điểm khác nhau là Truyền kỳ Trầu Cau có hai anh em và người chị dâu. Ở đây là người đàn bà với chồng cũ và chồng mới.
Vì vậy, tích Ông Táo chú trọng tới Tình Nghĩa Vợ Chồng. Dầu không còn Tình, cũng còn Nghĩa. Cả ba người đều chết chung vì tình, vì nghĩa vợ chồng.
Bài học Tình Nghĩa Vợ Chồng nầy còn được đưa vào bếp, nơi gia đình sum họp mỗi ngày. Họ đã trở thành ba đầu Ông Táo, cả Ba Người cùng được ở bên nhau, trong mọi nhà, để làm gương.*9
b. Đưa Ông Táo Về Trời.
Hằng năm, vào ngày 23 tháng chạp, Ông Táo cởi cá chép về báo cáo với Trời chuyện gia đình trong năm cũ.
- Táo về Trời với quần áo tả tơi, nhắc nhớ Chử Đồng không khố, và cũng về Trời... củaTruyền kỳ Chử Đồng. Truyền kỳ Chử Đồng nêu những tiêu chuẩn cho một Cuộc sống Bình Đẳng và Phát Triển. Chính Chử Đồng và Tiên Dung cũng là biểu tượng của những người thành công, nhờ đem hết của cải và tài năng giúp đở người khác, để mọi người cùng hưởng. Chử Đồng và Tiên Dung đã về Trời cũng như Táo đang về Trời.*10
- Ông Táo về Trời bằng cá chép. Cá chép là tiền thân của long, cá chép hóa long... càng chứng tỏ nguồn gốc Việt của sự tích Ông Táo.
- Ông Táo về Trời báo cáo chuyện gia đình của năm cũ. Vì gia đình vây quanh bếp ăn uống chuyện trò mỗi ngày, nên Táo đã nghe biết mọi biến cố, mọi tư cách, của mọi người trong gia đình. Vì vậy, việc ‘Táo báo cáo với Trời’ chính là thẩm định toàn bộ nếp sống của gia đình. Mọi người, từng người, phải luôn sống cho xứng đáng, cho ‘đẹp Lòng Trời’.
** Sự tích Ông Táo là ứng dụng thực tế, phổ biến tới mọi gia đình, những bài học về Tình Nghĩa Vợ Chồng của Truyền kỳ Trầu Cau, và về những tiêu chuẩn cuộc sống Bình Đẳng và Phát Triển của Truyền kỳ Chử Đồng... cho một Cuộc Sống tốt đẹp hơn.
* * * *
7.1 Tình Khỉ Đột và Tình Nuôi Heo. - Ác thú và Lợi dụng.
Khi Con Người bị coi là một sinh vật kinh tế, là phương tiện sản xuất và tiêu thụ, hoặc là mộtloài thú tiến bộ, đấu tranh sinh tồn, thì làm sao có thể đối xử với nhau như Anh Em Một Bọc, làm sao có thể Sống Chết Cho Nhau, và Có Nhau Mãi Mãi ?
Khi cho rằng Con Người chỉ là một bọn khỉ tiến bộ nhờ đấu tranh mạnh được yếu thua, thìtình người cũng chỉ là tình khỉ đột, mạnh hại yếu, thủ đoạn diệt ngay tình.
Khi coi nhau là phương tiện kinh tế, thì nhân quyền, nhân phẩm cũng lại là khả năng sản xuất và tiêu thụ của một đám thú vật dễ sai khiến. Tình người có khác gì tình nuôi heo nái.
Vì vậy, dầu có hô hào cho tình người, cho nhân quyền, cho cải tiến xã hội, thì rốt cuộc cũng ở trong vòng lẩn quẩn của mạnh được yếu thua, của thủ đoạn, của lợi dụng, của áp bức.
* Nhân phẩm, nhân quyền, xã hội, phải đặt nền tảng trên Tình Người, trên Bình Đẳng căn cơ, trên Con Người đích thực, tinh tuyền và trọn vẹn.
* *
7.2 Ngụy Quân tử.
Ngoài ra, dầu bề ngoài có Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, mà không có nền tảng Bình Đẳng Căn Cơ và Thân Thương Toàn Tâm, thì cũng chỉ là ngụy quân tử : nhân thành nông nổi, nghĩa thành che đậy, lễ thành hình thức, trí thành thủ đoạn, tín thành bịp bợm.
Cũng chỉ vì mất nền tảng Truyền kỳ Chử Đồng và Truyền kỳ Trầu Cau, mà thuyết Chính Danh đã giúp hôn quân thành bạo chúa, ác nhân thành lộng thần.
* * * *
8.1 Tóm Lược.
Truyền kỳ TRẤU CAU : Tiêu chuẩn để Sống Tình Người.
1. DẪN NHẬP
2. TRUYỀN KỲ TRẦU CAU
3. GIẢI THÍCH TẬP TỤC
3.1 Tục Ăn Trầu.
3.2 Quan Trọng Đặc Biệt.
4. TÌNH GIA ĐÌNH
4.1 Hai Mối Tương Quan.
a. Hai Anh Em sinh đôi : Tương quan Anh Em. - từ Một Bọc trăm Anh Em.
b. Người Anh lấy vợ : Tương quan Vợ Chồng. - Tiên Rồng hiệp nhất.
c. Ruột thịt và Phối hiệp.
4.2 Xung đột và Giải pháp.
a. Chị dâu lầm tưởng : xung đột giữa 2 tương quan.
b. Giải pháp : - Em bỏ đi, chết thành đá Vôi. - Anh tìm Em, chết thành cây Cau.
- Vợ tìm Chồng, chết thành dây Trầu.
c. Ràng Buộc Hiệp Nhất : Cau Trầu Vôi quấn quít, nhai chung, hòa lẫn : trở thành một, hiệp nhất.
d. Tục ăn trầu : Tình Nghĩa vẹn toàn.
4.3 Đặc Tính Con Người.
Anh-Em, Vợ-Chồng. Tình Gia Đình : 2 tương quan nền tảng của Con Người
5. BÀI HỌC THÂN THƯƠNG
5.1 Tương Quan Người Với Người.
5.2 Anh Em sinh đôi một Bọc, Vợ Chồng hiệp nhất Tiên Rồng : Giống Nhau Như Đúc.
5.3 Anh Em thương nhau rất mực, Vợ Chồng chung một cuộc sống : Quyết Chẳng Lìa Nhau.
5.4 Em chết vì gia đình Anh, Anh chết vì tình Anh Em, Vợ chết vì tình Vợ Chồng : Sống Chết Cho Nhau.
5.5 Em thành Vôi, Anh thành Cau, Vợ thành Trầu : ở bên nhau, được nhai chung, hiệp nhất : Có Nhau Mãi Mãi.
5.6 Cuộc Sống Thân Thương. Bốn nguyên tắc 4 phương diện : a. Tự bản thân, b. Với người khác, c. Ở Hiện tại, d. Cho Tương lai.
5.7 Phát huy Tình Thân Thương toàn tâm, Tình Người.
6. TÌNH NGƯỜI Trong VĂN HÓA VIỆT
6.1 Tình theo Văn Hóa Việt.
a. Tình.
b. Tình, Nghĩa và Đạo.
6.2 Cách Xưng Hô.
a. Đối thoại : tinh tế.
b. Một gia đình : xã hội loài người.
c. Gọi bằng Tên Riêng : cá biệt người đối diện.
d. Theo ý người hỏi : chú trọng tới con người.
6.3 Trầu Cau với Cưới Hỏi : tình nghĩa và cuộc sống gia đình.
6.4 Trầu Cau với Tạ Tội, Hòa Giải. - cả với Thế giới Bên Kia.
6.5 Sự tích Ông Táo : Tình Nghĩa vợ chồng. Không còn Tình, cũng còn Nghĩa.
7. TRUYỀN KỲ TRẦU CAU Và NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN HỆ
7.1 Tình Khỉ Đột và Tình Nuôi Heo.
7.2 Ngụy Quân tử.
8. TÓM LƯỢC và SƠ ĐỒ
8.1 Tóm Lược.
8.2 Sơ Đồ.
9. GHI CHÚ
* *
* * * *
*1 - Về Bản văn TÍCH TRẦU CAU.
Bản văn của Lĩnh Nam Chích Quái (bản dịch Lê Hữu Mục, Huế, 1960, tr 50) lại nói người em hóa thành cây cau, người anh thành đá.
Bản văn nầy có điều không ổn. Nếu người em thành cây cau, như ở Lĩnh Nam Chích Quái, thì khi Tổ Tiên dùng dĩa trầu buồng cau trong hôn lễ không lý lại để chỉ chị dâu-em chồng.
Ngoài ra, Lĩnh Nam Chích Quái cũng đặt tên cho các nhân vật trong truyện. Hai anh em họ Cao, người anh tên Tân, người em tên Lang. Thực ra, ‘tân lang’ là tên tiếng Hoa có nghĩa là ‘cây cau’. Bản văn còn mưu đồ cho rằng tên Cau của tiếng Việt là do họ Cao mà ra.
Thiết tưởng các tên đó không những không cần thiết mà còn có hại. Khi đặt tên, mặc nhiên xem đó là ba con người có thực, chuyện người hóa thành đá thành cây cũng có thực. Như thế không những huyễn hoặc, mà còn loại bỏ hàm ý thâm thúy của Truyền kỳ.
- Về âm mưu của Trung Hoa ở Lĩnh Nam Chích Quái, đọc bài 1402. Nguồn gốc Tiên Rồng, đoạn 3.2 - 3.4.
*2 - Về Một Bọc Trăm Con, đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, phần 5, đb đoạn 5.2.
*3 - Về Tiên Rồng phối hiệp, đọc bài trên, phần 4, đb đoạn 4.2.
*4 - Như vậy, dầu chi tiết có khác nhau, như màu da, chủng tộc, lịch sử, tuổi tác, niềm tin, khả năng, tính tình, hoàn cảnh... nhưng nền tảng, bản chất, vẫn là Con Người toàn vẹn, vẫn hoàn toàn như nhau, vẫn Giống Nhau Như Đúc.
*5 - Trước đây, vào thời chiến, nhiều người xúc động vì hình ảnh máu lửa được trình chiếu hằng ngày, nên quá thương cảm mà ủng hộ phong trào phản chiến.
Tuy nhiên, vì không ‘sống chết cho nhau’, không thực sự dấn thân, không ‘giống nhau như đúc’, không đặt mình vào hoàn cảnh người đang chiến đấu, không thực tâm tìm hiểu lý do cuộc chiến... mà chỉ là người ngoại cuộc, chỉ thương hại, nên tình thương hời hợt của họ đã bị lợi dụng để gây thêm khốn khổ cho những người họ muốn cứu.
*6 - Tình khác với lòng Nhân. Tình nhấn mạnh mối tương quan giữa hai con người hiện thực. Nhân nói lên lòng thương chung cho mọi người, một cách tổng quát, không nhất thiết người đó là ai.
*7 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng, đoạn 4.4.
*8 - Về Tiên Rồng Song Hiệp, đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 4.3. Và bài 2206. Biểu tượng Con Người, đoạn 5.3.
*9. Sự tích Một Bà Hai Ông nầy lại được đưa vào bếp, là nơi sinh hoạt thường ngày của phụ nữ... trái ngược hẳn với nguyên tắc của Tống nho ‘gái chính chuyên một chồng’, dầu chồng đã chết (!).
*10 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013. (Nhuận chính 3/2014).
Tải về: epub, docx, pdf