Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

VIỆC GIỮ NƯỚC Theo Văn Hóa Việt - Truyền kỳ MỴ CHÂU

http://danhgiactau.com -Truyền kỳ MỴ CHÂU lưu truyền sự kiện Vua An Dương xây thành, được nỏ thần, gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy, và diễn tiến đưa tới việc mất nước.
Kinh nghiệm đau thương của xây thành và làm mất nước đã là đề tài suy tư của nhiều thế hệ, và, qua Truyền kỳ Mỵ Châu, Tổ Tiên đã để lại bài học chi tiết cho Việc Giữ nước.
Qua Việc Giữ Nước, Truyền kỳ Mỵ Châu cũng là bài học chỉ dẫn tỉ mỉ phương thức Giữ Con Người khỏi vong thân, khỏi tha hóa.

10.1 Tóm Lược. (trích)
4. BÀI HỌC HỒN NƯỚC
     4.1 Triệu Đà xâm lấn : Giặc Xâm Lấn.
     4.2 Bỏ Hồn Nước : Rồng An Dương.
           a. Xây thành Ốc : Xao lãng công tác.
           b. Thành sập nhiều lần : Xa thực trạng Nước.
           c. Nhờ thần Rùa Vàng : Từ bỏ truyền thống.
           d. Được nỏ thần : Ảo tưởng thần thánh.
     4.3 Nhận Hồn Giặc : Tiên Mỵ Châu.
           a. Nhận Trọng Thủy : Chấp nhận giặc.
           b. Đưa nỏ thần : Theo ý giặc.
           c. Nhổ lông ngỗng : Quên mình vì giặc.
           d. Bị chém : Chết cho giặc.
     4.4 Diễn Tiến Mất Hồn Nước : Hồn mất trước, Nước mất sau.
5. BÀI HỌC DÂN NƯỚC
     5.1 Bỏ Dân Nước.
           a. Quyết định xây thành : Bỏ chăm sóc Dân.
           b. Thành sập nhiều lần : Hành hạ Dân.
           c. Ở trong thành : Xa lánh Dân.
           d. Dân ngoài thành : Coi Dân như giặc.
           e. Dân và Việc Giữ Nước : Giữ Nước là việc của Toàn Dân.
     5.2 Trở thành Giặc.
           a. Diễn biến của vua An Dương : các giai đoạn :
           b. Cấu kết với thần Rùa Vàng : Tự thần thánh hóa.
           c. Dùng Thành Ốc, nỏ thần : Chuyên dùng bạo lực.
           d. Gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy : Lập nhóm Đặc quyền.
           e. Tráo lãy nỏ : Tranh giành Quyền lực.
           g. An Dương thành Giặc cướp Nước.
6. BÀI HỌC SỨC NƯỚC
     6.1 An Dương bỏ Sức Do Dân.
           a. Xây thành, bỏ thuyền thống : bỏ Sức mạnh Tinh thần.
           b. Thành sập nhiều lần : bỏ Sức mạnh Kinh tế.
           c. Sống trong thành, xa dân : bỏ Sức mạnh Chính trị.
           d. Nỏ thần, không cần dân : bỏ Sức mạnh Xã hội.
     6.2 An Dương bỏ Sức Chiến Đấu.
           a. Mắc mưu của giặc : bỏ Sức mạnh Ngoại giao.
           b. Rước giặc vào nhà : bỏ Sức mạnh Phòng thủ.
           c. Mỵ Châu tiết lộ bí mật quốc phòng : thua Sức mạnh Gián điệp.
           d. Bị tráo lãy nỏ : mất Sức mạnh Kỹ thuật.
7. BÀI HỌC ĐẤT NƯỚC
           a. Khi chưa xây thành : Giữ toàn thể Nước.
           b. Xây thành : Bỏ Nước giữ Thành.
           c. Rước Trọng Thủy : Bỏ Thành giữ Nhà.
           d. An Dương chạy trốn : Bỏ Nhà giữ Mình.
8. BÀI HỌC NƯỚC VÀ NHÀ
     8.1 Mỵ Châu bị chém : Đền Tội Hại Nước.
     8.2 Máu thành ngọc : Khen Thưởng Tình Nhà.
     8.3 Trọng Thủy nhảy xuống giếng : Đền Tội Hại Nhà.
     8.4 Vừa Nhà Vừa Nước : xử tử chủ nghĩa cá nhân, tập thể.
     8.5 Ngọc rửa trong nước giếng : Tình Nghĩa Việt.
9. VẤN ĐỀ GIỮ NƯỚC

1. DẪN NHẬP
Truyền kỳ MỴ CHÂU lưu truyền sự kiện Vua An Dương xây thành, được nỏ thần, gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy, và diễn tiến đưa tới việc mất nước.
Kinh nghiệm đau thương của xây thành và làm mất nước đã là đề tài suy tư của nhiều thế hệ, và, qua Truyền kỳ Mỵ Châu, Tổ Tiên đã để lại bài học chi tiết cho Việc Giữ nước.
Qua Việc Giữ Nước, Truyền kỳ Mỵ Châu cũng là bài học chỉ dẫn tỉ mỉ phương thức Giữ Con Người khỏi vong thân, khỏi tha hóa.*1
*     *     *     *
2. TRUYỀN KỲ MỴ CHÂU
Vào cuối Thời Hùng, Triệu Đà đem quân xâm lấn nước ta. Vì vậy vua An Dương xây thành để phòng thủ. Nhưng thành cứ sập đổ mãi. Sau nhờ thần Rùa Vàng tới giúp, mới xây được Thành hình xoắn ốc. Thần Rùa Vàng còn để lại một cái móng làm lãy nỏ, bắn một phát là giết cả vạn người.
Thấy vậy, Triệu Đà lập mưu cho con là Trọng Thủy kết hôn với công chúa Mỵ Châu. Trong thời gian ở tại Thành Ốc, Trọng Thủy được Mỵ Châu cho coi nỏ thần, và chàng đã tráo cái lãy nỏ.
Lấy được lãy nỏ thần, Trọng Thủy liền về nước và cùng Triệu Đà đem quân đánh Thành Ốc. Khi biết nỏ thần hết linh nghiệm, vua An Dương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn.
Dọc đường, Mỵ Châu nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc để làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Thấy thế, vua An Dương rút gươm chém Mỵ Châu. Máu nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai.
Trọng Thủy chiếm được Thành Ốc, nhưng thương nhớ vợ nên nhảy xuống giếng mà chết. Từ đó, lấy nước giếng ấy mà rửa thì ngọc trai thành sáng đẹp hơn.
*     *     *     *
DIỄN TRUYỆN
3. GIỚI THIỆU VIỆC GIỮ NƯỚC
Việc Triệu Đà từ phương Bắc đem quân xâm lấn, và việc vua An Dương xây Thành Ốc, được coi là những sự kiện lịch sử. Từ lâu, di tích của một thành tại làng Cổ Loa, cách Hà Nội 15 cây số, luôn được coi là thành của vua An Dương.*1
Việc vua An Dương xây Thành Ốc và làm mất nước, đã là đề tài suy tư của nhiều thế hệ.
Và rồi, với hơn hai ngàn năm tích lũy và truyền đạt, kinh nghiệm trên đã trở thành bài học dạy việc Giữ nước.
* Nhìn dưới khía cạnh Bài Học Làm Người, Truyền kỳ Mỵ Châu cũng nói lên diễn tiến của một con người làm mất chính mình, để bị tha hóa.
Tuy nhiên, bài nầy chỉ bàn về phương diện Giữ Nước.*2
*     *     *     *
4. BÀI HỌC HỒN NƯỚC
4.1 Giặc Xâm Lấn.
Trước hết, Truyền kỳ Mỵ Châu đưa ra bối cảnh làm khung cho Bài Học Giữ Nước. Đó là việcTriệu Đà đem quân xâm lấn. Những nhân vật chính trong Truyền kỳ là vua An Dương, Mỵ Châu và Trọng Thủy.*3
Trong tinh thần Văn hóa Việt, vua An Dương và Mỵ Châu biểu trưng cho Rồng và Tiêntrong việc Giữ Nước. Phần Trọng Thủy, chàng là con của Triệu Đà, là hiện thân của tham vọng thống trị từ phương Bắc.*4
*     *
4.2 Bỏ Hồn Nước.
a. Xao lãng công tác.
Để chống Triệu Đà, Rồng An Dương khởi công xây Thành Ốc.*5
Điểm đặc biệt là trong suốt dòng lịch sử của dân tộc, chưa bao giờ có việc xây thành kiên cố cho vua chúa. Trong suốt mấy ngàn năm, nước ta không hề xây thành. Các Vua Hùng luôn sống gần dân và cùng với toàn dân chia sẻ mọi trách nhiệm.
Vì vậy, việc xây Thành Ốc đánh dấu việc xao lãng công tác Giữ nước của vua An Dương. Từ nay ông không còn lo cho toàn dân trên khắp nước, mà chỉ lo cho những người trong thành.*6
b. Xa thực trạng Nước.
Ngoài ra, sự kiện thành sập nhiều lần lại chứng tỏ hoàn cảnh đất nước lúc đó không đủ cung ứng cho việc xây thành.
Như vậy, không những vua An Dương đã xao lãng công tác, mà còn xa lìa đời sống thực tế,xa thực trạng hiện hữu của đất nước.
c. Từ bỏ truyền thống.
Khi thành sập nhiều lần, đáng lý vua An Dương phải tìm hiểu và thay đổi kế hoạch cho ứng hợp với hiện trạng, và tận dụng sức mạnh thiết thực của dân nước. Nhưng vua An Dương lại cậy nhờ tài sức của thần Rùa Vàng.
Như thế, vua An Dương đã bỏ truyền thống Người Dân Giữ Nước của Văn hóa và lịch sử Việt. Ông giao việc Giữ Nước cho người từ phương xa tới.
- Nhìn chung Bộ Truyền Kỳ, việc lìa bỏ truyền thống dân tộc của vua An Dương lại thêm rõ rệt.
Ở các Truyền kỳ Tiết Liêu và Phù Đổng, khi cần An Dân và Cứu Nước, Tiết Liêu và Vua Hùng đều khẩn cầu Tổ và đã được Tổ về chỉ dạy. Ở đây, vua An Dương không cầu Tổ, mà lại đi cầu Rùa Thần.*7
d. Ảo tưởng thần thánh.
Không những giúp xây được Thành Ốc, Rùa Vàng còn cho thêm cái móng chân để làm lãy nỏ. Với móng chân của Rùa Vàng, cái nỏ trở thành nỏ thần, bắn một phát giết vạn người.
Với chiếc nỏ thần nầy, tài thiện xạ nổi tiếng của dân Việt Lạc cũng trở thành vô dụng. Từ nay, cả tài năng xuất chúng của dân nước cũng không còn cần thiết cho việc giữ nước.*8
Thế là, với hai vũ khí an toàn, với thành vững để thủ và với nỏ thần để công, từ nay việc giữ nước của vua An Dương chỉ còn tùy thuộc vào một mình Thần Rùa Vàng. Vua An Dương tự ru ngủ trong ảo tưởng mình Giữ Nước một cách thần thánh.
*     *
4.3 Nhận Hồn Giặc.
a. Chấp nhận giặc.
Đã xa nếp sống người dân, đã chỉ cậy nhờ người ngoài, vua An Dương lại còn đem công chúa Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy.
Mỵ Châu là biểu tượng của tinh thần Việt, Tiên Việt. Trọng Thủy là con của giặc Triệu Đà.
Đang là một tên xâm lăng, khiến vua An Dương phải xây thành để ngăn chận, Trọng Thủy bỗng ngang nhiên bước vào tung hoành tận thâm cung của Thành Ốc. Đang là một tên giặc nguy hiểm, Trọng Thủy đã trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu.
Như vậy, từ chỗ tùy thuộc vào người ngoài, Rùa Vàng, vua An Dương bước tới giai đoạnrước giặc vô nhà, nhận Trọng Thủy làm rể. Và nàng Tiên Mỵ Châu, biểu tượng cho tâm hồn Việt, cũng đã chấp nhận giặc, ôm ấp giặc.
b. Theo ý giặc.
Cớ sự đã vậy, mà Mỵ Châu còn tiến thêm một bước. Nàng yêu chiều Trọng Thủy đến nỗiđưa nỏ thần cho Trọng Thủy.
Tuy không hoàn hảo, nhưng đất nước đang được tạm thời yên ổn là nhờ có thành vững và nỏ thần. Thế mà sau khi cho giặc phá lủng thành vững, giờ đây Mỵ Châu còn theo ý giặc, trao luôn nỏ thần.
Mỵ Châu đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng đã yêu quý giặc hơn đồng bào, hơn quê hương. Còn gì Nước, còn gì Dân !
c. Quên mình vì giặc.
Nhưng nàng vẫn cho là chưa đủ. Trên lưng ngựa cùng cha chạy trốn, Mỵ Châu nhổ lông ngỗng từ chiếc áo đang mặc, để ghi dấu cho Trọng Thủy tìm theo.
Thực là chua chát. Nàng tiên Việt đã hoàn toàn quên mình vì giặc ! Giờ đây, người nàng chỉ còn chiếc áo lông ngỗng, hình ảnh cuối cùng của Tiên, mà nàng cũng nhẫn tâm rứt bỏ để làm dấu dẫn đường cho giặc. [Hiện biểu của Tiên là phụng, công, ngỗng, chim].
Còn hình ảnh nào phũ phàng hơn, đau nhức hơn ? Ôi thân phận của những kẻ lìa xa tinh thần dân tộc ! Chúng đem bản thân chúng, đem máu thịt của Tổ Tiên, để làm phương tiện lót đường cho giặc cướp nước.
d. Chết cho giặc.
Lông đã nhổ, lớp áo tiên mỏng manh bên ngoài cũng không còn, nên Mỵ Châu gục chết. Lâu nay, tuy tâm hồn đã đổi thay, nhưng nàng vẫn còn giữ chiếc áo Tiên. Giờ đây nàng đã lộ nguyên hình. Nàng là giặc. Nàng chết cho giặc.
Mỵ Châu là Tiên, là biểu tượng cho tinh thần, cho ý thức văn hóa trong việc Giữ Nước. Nay đã mất Tiên.
Mất theo nàng, theo vua An Dương, là toàn thể Dân Nước. Chua chát, đắng cay !
*     *
4.4 Diễn Tiến Mất Hồn Nước.
Thế là vua An Dương và Mỵ Châu đã làm cho Nước mất Nhà tan.
Đó cũng chỉ vì Rồng An Dương đã từ bỏ truyền thống và xa lìa hiện trạng của dân nước, để rồi cậy nhờ và lệ thuộc người ngoài.
Từ đó nàng Tiên Mỵ Châu lại chấp nhận kết thân với giặc, rồi làm theo ý giặcquên mình vì giặc, và chết cho giặc !
Vua An Dương và Mỵ Châu đã để Hồn Nước dần dần bị tiêu hao bởi những quyến rủ hào nhoáng của những lợi ích hời hợt.
Khi nền tảng dân tộc phai lạt nơi bất cứ dạng thức nào của đời sống dân nước, thì tại phần đó, Nước đã bắt đầu mất.
* Dưới khía cạnh Con Người, đây cũng là diễn tiến Con Người đánh mất chính tâm hồn mình. Điều đáng sợ là diễn tiến rất tuần tự, nên nhiều khi mình đã đánh mất chính mình, đã trở thành giặc, đã làm hại mình, mà mình cũng không ngờ.
HỒN MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU.*9
*     *     *     *
5. BÀI HỌC DÂN NƯỚC
5.1 Bỏ Dân Nước.
a. Bỏ chăm sóc Dân.
Việc bỏ mất Hồn Nước luôn kéo theo việc bỏ dân, làm mất dân. Khi giới quyền chức đã tin tưởng và ỷ lại vào người ngoài, thì người dân trong nước bị rẻ rúng khinh khi và bị coi là phương tiện để phục vụ quyền lợi riêng của nhóm người thống trị.
Sự kiện vua An Dương quyết định xây thành đã tố cáo việc ông bỏ quên trách nhiệmchăm sóc đời sống cho toàn thể mọi người dân trong nước.
Trước đây, mọi người đều là con dân, đều được ông chăm sóc. Nhưng từ nay, người dân ở ngoài thành sẽ bị phó mặc cho bất trắc.
b. Hành hạ Dân.
Thế mà thành lại hư sập nhiều lần. Gánh nặng lại đổ xuống trên người dân. Họ phải chịu thêm sưu cao thuế nặng, mưa nắng dãi dầu, gia đình ly tán, vợ con nheo nhóc.
Đã hết lo cho dân, vua An Dương còn hành hạ dân, bắt dân phục vụ ông.
c. Xa lánh Dân.
Khi xây xong thành, ở trong thành, vua An Dương đã thực sự xa lánh dân.
Trước kia, trong suốt mấy ngàn năm, các vua dân Việt không hề xây thành, mà luôn sống với dân, chia sẻ cuộc sống người dân. Nhưng nay, vua An Dương rút mình vô trong vỏ ốc.
Đối với ông, dân chỉ còn có nghĩa là nhóm người đang lo phục dịch ông, ở trong thành.*10
d. Coi Dân như giặc.
Thêm vào vòng thành vỏ ốc, chiếc nỏ thần của Rùa Vàng càng làm vua An Dương xa dân hơn.
Đã hết gần dân, giờ đây ông lại không cần dân. Một phát nỏ đã có thể giết hàng vạn quân giặc, nên sự góp sức của dân không còn cần thiết nữa. Trong việc giữ nước, người dân đã trở thành thừa thãi, thành người ngoại cuộc.
Không những vậy, từ nay, ngoài đám phục dịch trong thành, toàn thể dân ở ngoài thànhđều ở trong tầm tàn sát của nỏ thần. vua An Dương coi dân như giặc.*11
e. Dân và Việc Giữ Nước.
Bài Học Dân Nước thực thấm thía. Bỏ nhiệm vụ chăm sóc dân, hành hạ dân, xa lánh dân, coi dân như giặc, để chỉ dựa vào thành lũy, vào nỏ thần, vào nhóm thân cận, thì việc Giữ Nước đã vô hiệu, việc Mất Nước đã gần kề.
GIỮ NƯỚC LÀ VIỆC CỦA TOÀN DÂN. Dân không giữ nước thì giặc giữ !
*     *
5.2 Trở thành Giặc.
a. Diễn biến của vua An Dương.
Tuy Truyền kỳ có nhiều nhân vật góp phần làm mất nước, nhưng vua An Dương là người mang trách nhiệm lo cho Dân.
Chính vua An Dương đã lìa bỏ truyền thống dân tộc mà quyết định xây thành. Chính ông đã nhờ thần Rùa Vàng, đã xin nỏ thần. Chính ông đã hành hạ dân, đã từ khước dân. Ông cũng đã đón rước Trọng Thủy, đã đặt nỏ thần trong tầm tay của Trọng Thủy. Chính ông đã cho Triệu Đà mọi điều kiện để đặt ách thống trị lên toàn dân.
Trong diễn biến đó, ta có thể thấy tất cả đều chỉ là những giai đoạn của con người vua An Dương.
b. Tự thần thánh hóa.
Từ chỗ là một người chăm lo cho cuộc sống an thịnh của dân nước, như Tiết Liêu, ông đã để tham vọng cho ông ảo tưởng ông là thần thánh. Qua việc cấu kết với thần Rùa Vàng, qua việc xây xong thành và làm chủ chiếc nỏ thần, ông tự thần thánh hóa, coi mình là siêu nhân, là có ‘thiên mạng’, là vượt xa khỏi người Dân.
Ông đã bỏ nguyên tắc nền tảng đầu tiên của Người Làm Việc Nước là xác tín thân phận Con Người Thừa Hành của mình.*12
c. Chuyên dùng bạo lực.
Từ chỗ tự coi mình là thần thánh, vua An Dương khinh rẻ người dân, không còn nhớ tới điều kiện thứ hai của Người Làm Việc Nước, là mình đang Mang Nặng Trách Nhiệm chăm lo cho đời sống toàn dân. Ông dùng thành Ốc để bảo vệ ông và dùng nỏ thần để uy hiếp mọi người.
Thay vì cùng với toàn dân chia sẻ gánh nặng giữ nước, vua An Dương chỉ còn chuyên dùng bạo lực của thành ốc nỏ thần.*13
d. Lập nhóm Đặc quyền.
Từ chỗ đối xử với dân như với giặc, vua An Dương đem Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của giặc.
Với việc sui gia giữa hai dòng vua, vua An Dương đã tạo ra giai cấp đặc quyền. Ông muốn từ nay gia đình ông phải là một dòng họ đặc biệt, không còn liên hệ với người dân.
Thế là vua An Dương đã rước giặc vào cung. Ông hủy bỏ công dụng của Thành Ốc, và bỏ quên những người ở trong thành.
Giờ đây ông chỉ còn biết có gia đình ông. Quanh ông chỉ còn có hai người : một là Mỵ Châu, hai là tên giặc nằm vùng Trọng Thủy.
Từ đây, Ông hoàn toàn tách rời dân, tách rời truyền thống văn hóa đặt nền tảng trên bài họcnàng công chúa lấy chàng không khố.*14
Với việc lập Nhóm Đặc Quyền, Vua An Dương đã không còn biết tới nhu cầu của người Dân, đã không để tâm để trí, không còn biết tới đời sống người Dân.*15
e. Tranh giành Quyền lực.
Vua An Dương chỉ còn Mỵ Châu là con, là dân, người dân cuối cùng. Vì vậy, ông giao cho Mỵ Châu trách nhiệm gìn giữ chiếc nỏ thần, báu vật bạo lực thần thánh của ông.
Ông giao trọn việc giữ nước, giờ đây chỉ còn là chiếc nỏ thần, vào tay đứa con gái ngờ nghệch của ông. Ông tập trung quyền lực vào gia đình, vào những người thân cận ông.
Cũng vì vậy, Trọng Thủy đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt cái lãy nỏ. Nhóm đặc quyền chỉ còn biết tranh giành quyền lực, tranh nhau xương máu của dân.
Từ nay, người dân trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng không đáy của nhóm quyền chức. Ai làm chủ nỏ thần, ai nắm giữ quyền lực, người đó có toàn quyền trên sinh mạng và tài sản của dân.
Với việc tranh giành quyền lực, vua An Dương đã đi ngược chủ đích của người Làm Việc Nước là thực thi công tác cải tiến cuộc sống người Dân.*16
g. Thành Giặc cướp Nước.
Như vậy, thời suy thoái khởi đầu khi vua An Dương xây thành, tự tách xa dân, và đặt dân dưới sự kềm tỏa của nỏ thần. Đó là chế độ, dầu dưới bất cứ danh xưng nào, xây dựng trên bạo lực, trên lý của kẻ mạnh, trên mạnh được yếu thua.
Khi vua An Dương đón nhận hoàng tử phò mã và trao nỏ thần cho con gái, chính là lúc thành lập giai cấp đặc quyềntranh giành quyền lực, và hưởng thụ trên xương máu người dân.
Đây chính là hình thức lộ liễu của thống trị, chuyên chế, tham quyền cố vị, bóc lột hà hiếp...
Thế là, đối với nước, đối với dân, vua An Dương không còn là người giữ nước, mà đã trở thành tên giặc cướp nước. Ông trở thành Triệu Đà.*17
*     *     *     *
6. BÀI HỌC SỨC NƯỚC
6.1 An Dương bỏ Sức Do Dân.
a. Sức mạnh Tinh thần. Dưới khía cạnh Sức Nước, khi vua An Dương từ bỏ truyền thống và xa lìa cuộc sống người dân, để quyết định xây thành, chính là lúc ông làm băng hoại sức mạnh tinh thần của Nước.
b. Sức mạnh Kinh tế. Việc xây thành làm hao tổn của cải, tài năng, và nhân lực của Nước. Vậy mà thành còn bị hư sập nhiều lần, nên sức mạnh kinh tế lại càng suy sụp thêm.
c. Sức mạnh Chính trị. Khi sống trong thành, sống xa dân, không còn biết đến đời sống người dân, vua An Dương đã bỏ mất sức mạnh chính trị.
d. Sức mạnh Xã hội. Khi được nỏ thần, khi không còn vận dụng sức dân, khi làm cho dân trở thành người ngoại cuộc thừa thãi, chính là lúc vua An Dương đánh mất sức mạnh xã hội trong công cuộc Giữ Nước.
*     *
6.2 An Dương bỏ Sức Chiến Đấu.
Làm mất dân, vua An Dương đã bỏ mất những sức mạnh nền tảng của việc Giữ Nước. Nhưng ông vẫn chưa thấy nguy cơ, vì ông đặt trọn niềm tin vào Thành Ốc và Nỏ Thần. Thành Ốcbảo đảm thế thủ an toàn, Nỏ Thần đang làm mọi người khiếp sợ.
Thành Ốc và Nỏ Thần là biểu trưng của sức mạnh quân sự, khả năng giữ nước cuối cùng của vua An Dương.
a. Sức mạnh Ngoại giao. Nhưng rồi vua An Dương thua kém trong trận chiến ngoại giao. Ông đã rơi vào thủ đoạn của giặc, bị Triệu Đà lập mưu cầu hòa và nhận cho Trọng Thủy tới nằm vùng.
b. Sức mạnh Phòng thủ. Sau khi hao tốn biết bao công của để xây thành ngăn giặc, ông lại long trọng rước giặc vào tận thâm cung, bỏ công dụng của thành.
c. Sức mạnh Gián điệp. Thành đã bị phá lủng, vua An Dương chỉ còn chiếc Nỏ Thần. Nhưng ông lại thua ở mặt trận gián điệp. Trọng Thủy đã biến Mỵ Châu thành nội tuyến, và nàng đã tiết lộ bí mật quốc phòng.
d. Sức mạnh Kỹ thuật. Khi để Trọng Thủy đánh tráo lãy nỏ, trao vũ khí giữ nước cuối cùng vào tay giặc, vua An Dương đã để mất luôn sức mạnh kỹ thuật.
KHÔNG SỨC MẠNH, LẤY GÌ GIỮ NƯỚC ?
*     *     *     *
7. BÀI HỌC ĐẤT NƯỚC
Công cuộc giữ nước thường bộc lộ rõ ràng nhất trong việc bảo vệ từng tấc Đất của quê hương. Nhưng vua An Dương cũng bỏ mất dần.
a. Giữ toàn thể Nước. Trước kia, khi chưa xây Thành Ốc, vua An Dương đã để tâm chăm sóc toàn thể đất nước.
b. Bỏ Nước giữ Thành. Nhưng khi xây thành, ông đã chỉ còn giữ lại mảnh đất trong thành. Đối với ông, đất nước không còn trải rộng ra khắp bờ cõi, mà thu hẹp lại trong các hào lũy. Ông chểnh mảng việc giữ trọn nước, để chỉ chú tâm tới cái làng ông đang ở.
c. Bỏ Thành giữ Nhà. Thế nhưng, khi lo cưới chồng cho Mỵ Châu, rước tên giặc Trọng Thủy vào nội cung, vua An Dương lại vì tình nhà mà hủy bỏ sự phòng thủ của thành. Ông chỉ còn thấy cái nhà của ông.
d. Bỏ Nhà giữ Mình. Và rồi, ngay trong cung điện của Ông, khi để Mỵ Châu trao nỏ thầnvào tay giặc, ông đã không giữ nổi mấy chục thước đất cuối cùng. Vua An Dương đã thực sự không còn đất sống.
Tuy nhiên, khi Triệu Đà xua quân tới, vua An Dương nhận ra mình đã mất tất cả. Ông chạy trốn, ông Bỏ Nhà để Giữ Mình.
*     *     *     *
8. BÀI HỌC NƯỚC VÀ NHÀ
Cũng như ở các Truyền kỳ khác, Truyền kỳ Mỵ Châu không kết thúc ở chỗ mất nước.
Trong mọi Truyền kỳ, Văn hóa Việt luôn bộc lộ tính cách độc đáo và thống hợp của Nếp sống Việt, của Tâm hồn Việt.
8.1 Đền Tội Hại Nước.
Bi kịch Thành Ốc thất thủ đưa tới việc vua An Dương chém chết Mỵ Châu.
Mỵ Châu đã có phần trách nhiệm trong việc làm mất nước, nên dầu là con một của vua An Dương, nàng cũng phải chết. Sở dĩ vua An Dương đưa nàng chạy trốn, vì nàng còn mặc chiếc áo lông ngỗng, hiện biểu của Tiên. Khi nàng nhổ lông ngỗng, lộ nguyên hình là giặc, nàng không có lý do sống còn.
Dầu vô tình hay vì bất cứ lý do gì, việc làm hại nước, làm hại cả một dân tộc, cũng là một trọng tội. Không một lý do gì, dầu chủ quan cách mấy, có thể bào chữa cho việc gây tổn hại Dân Nước.
*     *
8.2 Khen Thưởng Tình Nhà.
Mỵ Châu đã phải đền tội vì liên can trong việc làm mất nước. Nhưng sự thể ra nông nỗi đó cũng chỉ vì nàng quá yêu thương và tin tưởng chồng.
Tổ Tiên ta thưởng phạt phân minh. Có tội làm hại nước thì phải chết. Nhưng nàng đã trọn tình nhà, thì thưởng phần tình nhà.
Tình nhà của Mỵ Châu đã được Tổ Tiên phong thưởng bằng cách cho máu nàng chảy xuống biển và được giống trai nuốt vào mà hóa thành ngọc.
Cách phong thưởng nầy chẳng những không lạ kỳ, mà lại nằm trong hệ thống giá trị của Văn hóa Việt. Những kẻ trọn tình nhà như người Em trong Truyền kỳ Trầu Cau, người Vợ trongTruyền kỳ Vọng Phu, Trái Tim của Trương Chi, và ở đây, Máu của Mỵ Châu, tất cả đều được hóa thành đá ngọc, nghĩa là được trở thành trường tồn với thời gian, được quý chuộng, và được làmnền tảng xây dựng lâu dài.*18
*     *
8.3 Đền Tội Hại Nhà.
Về phần Trọng Thủy, dầu thành công trong mưu đồ xâm lăng, nhưng chàng nhớ tình vợđối với mình, nên nhảy xuống giếng mà chết.
Chàng đã vì tham vọng, mà phụ nghĩa vợ chồng, thì chàng cũng phải chết. Vì danh lợi mà không trọn Tình Nhà thì cuộc đời không đáng sống, thì không có quyền sống.
*     *
8.4 Vừa Nhà Vừa Nước.
Vì tình nhà mà hại nước thì phải chết. Vì tham vọng mà hại nhà, thì cũng phải chết.
Đây là tuyệt đỉnh Bài học Làm Người của Văn hóa Việt. Bài học nầy đi ngược hẳn chủ trương của nhiều văn hóa khác.
Với cái chết của Mỵ Châu, Tổ Tiên ta đã xử tử hình các chủ thuyết cá nhân vị kỷ. Với việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng, Tổ Tiên ta nhận chìm các chủ nghĩa tập thể bá quyền.
Con Người chỉ có thể sống xứng đáng, trọn vẹn, và hạnh phúc, khi thể hiện đầy đủ các đặc tính bẩm sinh vừa cá thể vừa xã hội của mình.
CÓ NHÀ MÀ CŨNG CÓ NƯỚC, CÓ NƯỚC MÀ CŨNG CÓ NHÀ. Tiên Rồng Song Hiệp hoàn chỉnh.*19
*     *
8.5 Tình Nghĩa Việt.
Mỵ Châu và Trọng Thủy đều đã chết. Nhưng thực cảm động khi những viên ngọc do máuMỵ Châu lại trở thành sáng đẹp hơn, nhờ rửa trong nước giếng chôn xác chồng.
Nàng đã yêu thương và tin tưởng chồng đến nỗi giao phó cả nước non, đã đưa nỏ thần cho chàng xem. Nàng đã yêu chàng trong tuyệt vọng đến liều lĩnh, khi nhổ lông ngỗng làm dấu hiệu trên đường chạy trốn chàng. Và giờ đây, cả những giọt máu của nàng cũng tươi sáng lên khi được tắm trong nước tẩm xác chàng.
Ôi tình nghĩa nàng Tiên Việt ! Nàng đã sống trọn Tình Yêu của Văn hóa Việt. Nàng đã thể hiện những nguyên tắc của Thân Thương Toàn Tâm : Quyết chẳng lìa nhauSống chết cho nhau, và Có nhau mãi mãi.
Chỉ tiếc là nàng đã không ứng dụng nguyên tắc đầu tiên, là hai người phải Giống nhau như đúc, tức là phải tìm hiểu nhau, phải gặp nhau trọn vẹn, nên nàng đã không nhận ra Trọng Thủy, và bị giặc lừa gạt.*20
*     *     *     *
9. VẤN ĐỀ GIỮ NƯỚC
9.1 Ảo tưởng Giữ Nước.
Thế là hết, vua An Dương đã để mất Hồn Nước, để mất Dân Nước, để mất Sức Nước, và cũng đã mất Đất Nước.
Tuy nhiên, ông vẫn không ngờ, ông vẫn có ảo tưởng ông đang giữ nước.
Thực vậy, dầu Hồn Nước có mất, cũng chỉ có nghĩa là ông đã thực hiện được quan niệm của riêng ông;
dầu người Dân đã bị loại khỏi việc giữ nước, nhưng nhờ đó ông lại càng dễ thống trị hơn;
dầu Trọng Thủy là con giặc, nhưng đã trở thành con ông;
dầu Mỵ Châu nằm trong tay giặc, nhưng nàng vẫn còn mặc chiếc áo lông ngỗng;
dầu giặc có tung hoành ở thâm cung, nhưng vòng thành bên ngoài vẫn kiên cố vô song;
và dầu lãy thần đã bị tráo, chiếc nỏ vẫn còn nguyên hình dạng cũ.
Tất cả đều cho vua An Dương ảo tưởng là đất nước vẫn an toàn, là ông đang hoàn thành nhiệm vụ giữ nước một cách tuyệt hảo.
Nhưng quả thực, sở dĩ đất nước còn, và ông vẫn còn như đang giữ nước, không phải là vì ông Giữ Nước hữu hiệu, mà vì giặc chưa xua quân tiến chiếm.
Vì vậy, khi Triệu Đà xua quân tới, vua An Dương chỉ còn cách lên ngựa chạy trốn. Ông không còn gì. Tất cả đều đã bị giặc chiếm. Cả đứa con ngồi sau lưng cũng đã thuộc về giặc, cũng đã là giặc.
Ôi dân tộc đồng bào ! Ôi giang sơn gấm vóc !
*     *
9.2 Yếu Tố Giữ Nước.
Muốn giữ Nước thì phải giữ Hồn Nước, giữ Dân Nước, giữ Sức Nước, và giữ Đất Nước.
Hồn Nước được giữ bằng việc sống thực và phát huy truyền thống cao quý của Dân tộc.
Dân Nước có được là nhờ chăm sóc đời sống người dân và để toàn dân chia sẻ trách nhiệm với nước.
Sức Nước mạnh được là nhờ các cơ cấu xã hội, chính trị, kinh tế, và tổ chức quân sự thích đáng và hữu hiệu.
Đất Nước chỉ còn khi thực sự được các yếu tố trên bảo vệ một cách trọn vẹn.
* Có được cả bốn, giữ được cả bốn, thì quê hương thanh bình thịnh vượng, đồng bào hạnh phúc yên vui.
*     *
9.3 Nếu mất.
1. Nếu mất Đất, vì quân xâm lăng tràn ngập, nhưng vẫn còn Hồncòn Dân và còn Sức, thì việc chiến đấu sẽ không ngưng nghỉ.
- Trường hợp nước ta thời quân Nguyên xâm lấn. Thời Đức Hưng Đạo Vương, Hội Nghị Diên Hồng... Dầu quân Mông Cổ đang chiến thắng ở khắp nơi... trong cả ba lần, năm 1257, 1284 và 1288 dl, không lần nào chúng có thể ở nước ta quá sáu tháng.
2. Nếu mất Đất, mất Sức, mà còn Dân, còn Hồn, thì ngày vùng dậy cũng không xa.
- Thời giặc Minh chủ trương đồng hóa dân ta, từ năm 1407 dl. Đức Lê Thái Tổ, với Quốc Sư Nguyễn Trãi và Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, đã hướng dẫn toàn dân đuổi sạch quân giặc năm 1427 dl.
3. Nếu Đất mất, Sức tan và Dân bị phân tán, mà còn Hồn Nước, thì tuy cần thời gian, vẫn còn cơ hội có lại Dân, có lại Sức và có lại Đất.
- Trường hợp dân Do Thái. Dầu bị phân tán khắp thế giới, Do Thái vẫn giữ được niềm tin và phong tục qua loại làng biệt lập và cuốn Kinh Thánh. Sau gần 1900 năm mất nước, họ có lại tổ chức Sion... Năm 1948 họ khởi sự trở về Đất Tổ.
4. Nếu mất Hồn, dầu còn Đất, còn Sức, còn Dân, thì cũng đã khô cạn sức sống, cái xác không hồn, ma giặc sắp ám.
- Có thể nói một phần về tình trạng dân ta vào đầu thế kỷ hai mươi... để rồi bị đầu độc bởi các phong trào thân nếp sống phương Tây... như sự đả phá nông nổi của các nhóm văn học, sự ứng dụng hời hợt các chủ nghĩa, sự khuôn rập ngu xuẩn của giáo điều, sự ồ ạt phách lối của văn minh vật chất...
5. Nếu mất Hồn, mất Dân, thì Sức và Đất trở thành đầy bất trắc, cực kỳ nguy hiểm, tai họa cận kề.
- Khi hồn là Ác thú đấu tranh... mà có thêm Đất và thêm Sức thì càng thêm độc hại cho Dân Nước, cho Hồn Nước.
6. Nếu mất Hồn, mất Dân, mất cả Sức, thì giang sơn gấm vóc của Tổ Tiên đang là miếngmồi ngon nằm bên miệng giặc.
7. Và nếu đã Nước mất Nhà tan, đồng bào khốn khổ, quê hương điêu tàn... thì Tổ Tiên minh hiển đã dạy cách tuần tự lấy lại Hồn Nước, lấy lại Dân Nước, lấy lại Sức Nước, và lấy lại Đất Nước, ở TRUYỀN KỲ PHÙ ĐỔNG, công cuộc Cứu Nước Cứu Dân.*21
*     *
9.4 Giữ Nước là việc của Toàn Dân.
Với truyền thống ngàn năm của Nếp sống Việt, với kinh nghiệm đau thương của Thành Ốc, Tổ Tiên ta quyết không xây thành cho vua chúa, không tập trung bạo lực.
Sống đúng nguyên tắc Giữ Nước là việc của toàn dân, các Ngài lập hệ thống phòng thủ nơi toàn dân. Làng thôn của dân trở thành một màn lưới thành lũy và lực lượng trải rộng khắp đất nước.*22
Với định chế Làng-Nước, làng Việt chính là trung tâm sinh hoạt tự lập tự chủ của người dân, mà cũng là sức mạnh của dân tộc.
Trước mọi cuộc xâm lăng thuộc mọi lãnh vực, trước mọi mưu đồ làm tổn hại cuộc sống hạnh phúc của người dân, hệ thống làng thôn đã luôn luôn là cơ cấu chính yếu giúp dân ta bảo toàn lực lượng, phục hồi sức mạnh, và vùng lên phá tan giặc.
MỖI LÀNG LÀ MỘT CHIẾN LŨY, TOÀN DÂN LÀ CHIẾN SĨ.*23
*     *     *     *
10. TÓM LƯỢC VÀ SƠ ĐỒ
10.1 Tóm Lược.
1. DẪN NHẬP
2. TRUYỀN KỲ MỴ CHÂU
3. GIỚI THIỆU VIỆC GIỮ NƯỚC
4. BÀI HỌC HỒN NƯỚC
     4.1 Triệu Đà xâm lấn : Giặc Xâm Lấn.
     4.2 Bỏ Hồn Nước : Rồng An Dương.
           a. Xây thành Ốc : Xao lãng công tác.
           b. Thành sập nhiều lần : Xa thực trạng Nước.
           c. Nhờ thần Rùa Vàng : Từ bỏ truyền thống.
           d. Được nỏ thần : Ảo tưởng thần thánh.
     4.3 Nhận Hồn Giặc : Tiên Mỵ Châu.
           a. Nhận Trọng Thủy : Chấp nhận giặc.
           b. Đưa nỏ thần : Theo ý giặc.
           c. Nhổ lông ngỗng : Quên mình vì giặc.
           d. Bị chém : Chết cho giặc.
     4.4 Diễn Tiến Mất Hồn Nước : Hồn mất trước, Nước mất sau.
5. BÀI HỌC DÂN NƯỚC
     5.1 Bỏ Dân Nước.
           a. Quyết định xây thành : Bỏ chăm sóc Dân.
           b. Thành sập nhiều lần : Hành hạ Dân.
           c. Ở trong thành : Xa lánh Dân.
           d. Dân ngoài thành : Coi Dân như giặc.
           e. Dân và Việc Giữ Nước : Giữ Nước là việc của Toàn Dân.
     5.2 Trở thành Giặc.
           a. Diễn biến của vua An Dương : các giai đoạn :
           b. Cấu kết với thần Rùa Vàng : Tự thần thánh hóa.
           c. Dùng Thành Ốc, nỏ thần : Chuyên dùng bạo lực.
           d. Gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy : Lập nhóm Đặc quyền.
           e. Tráo lãy nỏ : Tranh giành Quyền lực.
           g. An Dương thành Giặc cướp Nước.
6. BÀI HỌC SỨC NƯỚC
     6.1 An Dương bỏ Sức Do Dân.
           a. Xây thành, bỏ thuyền thống : bỏ Sức mạnh Tinh thần.
           b. Thành sập nhiều lần : bỏ Sức mạnh Kinh tế.
           c. Sống trong thành, xa dân : bỏ Sức mạnh Chính trị.
           d. Nỏ thần, không cần dân : bỏ Sức mạnh Xã hội.
     6.2 An Dương bỏ Sức Chiến Đấu.
           a. Mắc mưu của giặc : bỏ Sức mạnh Ngoại giao.
           b. Rước giặc vào nhà : bỏ Sức mạnh Phòng thủ.
           c. Mỵ Châu tiết lộ bí mật quốc phòng : thua Sức mạnh Gián điệp.
           d. Bị tráo lãy nỏ : mất Sức mạnh Kỹ thuật.
7. BÀI HỌC ĐẤT NƯỚC
           a. Khi chưa xây thành : Giữ toàn thể Nước.
           b. Xây thành : Bỏ Nước giữ Thành.
           c. Rước Trọng Thủy : Bỏ Thành giữ Nhà.
           d. An Dương chạy trốn : Bỏ Nhà giữ Mình.
8. BÀI HỌC NƯỚC VÀ NHÀ
     8.1 Mỵ Châu bị chém : Đền Tội Hại Nước.
     8.2 Máu thành ngọc : Khen Thưởng Tình Nhà.
     8.3 Trọng Thủy nhảy xuống giếng : Đền Tội Hại Nhà.
     8.4 Vừa Nhà Vừa Nước : xử tử chủ nghĩa cá nhân, tập thể.
     8.5 Ngọc rửa trong nước giếng : Tình Nghĩa Việt.
9. VẤN ĐỀ GIỮ NƯỚC
     9.1 Ảo tưởng Giữ Nước.
     9.2 Yếu Tố Giữ Nước.
              1. Giữ Hồn Nước : Sống thực Truyền thống Dân tộc.
              2. Giữ Dân Nước : Chăm lo Toàn Dân Giữ Nước.
              3. Giữ Sức Nước : Cơ cấu, tổ chức thích đáng.
              4. Giữ Đất Nước : Được bảo vệ trọn vẹn.
     9.3 Nếu mất.
              1. Nếu mất Đất, mà còn Hồn, Dân, Sức : Chiến đấu không ngưng.
              2. Nếu mất Đất, Sức, mà còn Dân, Hồn : Vùng dậy không xa.
              3. Nếu mất Đất, Sức, Dân, mà còn Hồn  : Có Ngày Quật khởi.
              4. Nếu mất Hồn, mà còn Dân, Sức, Đất : Xác không Hồn.
              5. Nếu mất Hồn, Dân, mà còn Sức, Đất : Tai họa cận kề.
              6. Nếu mất Hồn, Dân, Sức, mà còn Đất : Miếng Mồi ngon.
              7. Nếu mất Tất Cả : Truyền kỳ PHỦ ĐỔNG.
     9.4 Giữ Nước là việc của Toàn Dân : Mỗi Làng là một chiến lũy, toàn Dân là chiến sĩ.
*     *
  
11. GHI CHÚ
*1 – Theo nghĩa gốc : - Mỵ Châu, Mỹ Châu là viên ngọc trai đẹp. - Trọng Thủy là nước quý. - Mỵ Châu Trọng Thủy là chuyện ‘Viên Ngọc Trai và Nước Quý’. [Rửa ngọc trai trong nước quý thì ngọc sáng đẹp hơn]. Tựa truyện trở thành tên riêng.
*2 - Đọc bài 1112. Việt Lạc cuối Thời Hùng, đoạn 1.2.
Triệu Đà xâm lấn nước ta vào năm 180 ttl. Vào thời nầy, dân ta chưa bị ảnh hưởng Trung Hoa, nên chỉ có cách nói Việt [như Thành Ốc, vua An Dương, Việt Lạc]... chưa có cách nói kiểu Hoa [như Loa thành, (Loa là con ốc), An Dương Vương, Lạc Việt].
*3 - Triệu Đà.
Triệu Đà là tướng của Tần Thủy Hoàng. Năm 207 ttl Triệu Đà chiếm một phần đất vùng Quảng Tây, Quảng Đông của Việt Lạc, lập nước Nam Việt. Triệu Đà đã củng cố nếp sống Việt địa phương, trong cố gắng thành lập một đế quốc riêng. Năm 180 ttl, Triệu Đà chiếm Thành Ốc.
Một số người đã muốn coi Triệu Đà, sau khi chiếm nước ta, như là một ân nhân của dân ta.
Một số khác lại cho rằng từ khi Triệu Đà xâm lấn thì ta bị đồng hóa thành người Hoa. Họ làm như thể là hễ một người ngoại tộc làm vua là toàn thể dân bị trị đương nhiên đổi theo dòng máu của vua đó !
Với Truyền kỳ Mỵ Châu, Triệu Đà biểu trưng cho giặc cướp nước.
*4 - Vua An Dương.
Tiểu sử vua An Dương được bàn cải nhiều, đặc biệt với việc sách vở Trung Hoa gọi ông là Thục Phán.
Theo Thần phả ở đền thờ tại Cổ Loa, thì vua An Dương là Hùng gia chi phái, tức thuộc dòng Họ Hùng.
Tuy nhiên, vì không làm ích cho dân, mà còn làm mất nước, nên vua An Dương, cũng như nhiều vị vua trước đó, không được kể vào số Mười Tám Vị được toàn dân thờ kính.
*5 - Di tích Thành Ốc.
Di tích tại Cổ Loa xây hình xoắn ốc, - Loa có nghĩa là con ốc, - chu vi gần 8 cây số. Chân thành dày từ 20 tới 30 thước, có chỗ cao đến 4, 5 thước, mặt thành rộng 12 thước, ngoài thành có hào sâu ăn thông với các sông.
Trong thành nay còn có đền thờ vua An Dương, mộ Mỵ Châu, miếu thờ Mỵ Châu (với tượng không đầu), giếng Ngọc (nơi Mỵ Châu tắm, và Trọng Thủy trầm mình, lấy nước rửa ngọc trai), gò diễn binh...
*6 - Hệ lụy của Thành.
Để thấy rõ hậu quả khủng khiếp của thành trì trên người dân, nên tìm hiểu về các lâu đài ở Châu Âu...
Tất cả đều bắt nguồn hoặc đưa tới đàn áp, bóc lột, nô lệ... Kẻ có gươm, có súng, có lính, có quyền... lại có thêm thành lũy che chở... Người dân tay không, đơn độc, thì không cả nơi trú ẩn.
*7 - Đọc bài 2105. Làm Việc Nước, đoạn 5.3. - bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đoạn 5.1.
*8 - Theo truyền thuyết, người Việt Lạc có tài cung nỏ tuyệt nghệ đến nổi bắn tên vào búi tóc nhau để truyền tin. - Đọc bài 1103. Tộc Việt thời Khởi Nguyên, đoạn 4.8; bài 1303. Văn Minh Văn Hóa Việt Nam trên Thạp và Trống đồng, đoạn 2.3.
*9 - Hồn Nước là truyền thống, là tinh hoa văn hóa, là lịch sử, là niềm tự hào... tạo nên Tinh Thần và Tình Dân Tộc... thúc đẩy mọi người trong nước yêu thương nhau và đoàn kết hành động hữu hiệu cho lợi ích chung của toàn dân nước.
*10 - Hơn ngàn năm sau vua An Dương, sứ giả Trung Hoa đã ngạc nhiên vì vua dân Việt, Đức Lê Đại Hành, v.980-1005 dl, đi chân đất ra bờ hồ ngồi câu cá. Dân chúng bu quanh và vỗ tay reo hò khi cá cắn câu.
*11 -  Một chế độ, dầu quân chủ, dân chủ, hay bất cứ gì… trở thành băng hoại khi không còn phục vụ toàn dân, mà là phương tiện của một nhóm đặc quyền.
*12 - Đọc bài 2105. Làm Việc Nước, đoạn 4.1.
*13 - Đọc nt, đoạn 4.2.
*14 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để  Sống Bình Đẳng, đb đoạn 4.2.
*15 - Đọc bài 2105. Làm Việc Nước,  đoạn 4.3.
*16 - Đọc nt, đoạn 4.4, và 5.6.
*17 - Dưới mọi hình thức và mọi thời. Thành trì thời nay có thể là những thể chế, những điều luật, những cơ cấu của một xã hội do nhóm đặc quyền tạo ra và bảo vệ.
Giai cấp quí tộc’ là nhóm hưởng đặc quyền, ở mọi thời đại, trong mọi phương diện.
*18 - Đọc bài 2203. Giá trị Cuộc sống Con Người, đoạn 2.1.
*19 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 5.2 và phần 8.
*20 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đb pnần 5.
Vì trọn tình Nhà, Mỵ Châu được thờ kính, ở Cổ Loa. Nhưng vì có trách nhiệm trong việc làm mất Nước, nên được thờ với tượng không đầu.
Theo sử, cho tới thời Đức Quang Trung, ta phải cống nước giếng nầy để vua chúa Trung Hoa rửa ngọc trai.
*21 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đb đoạn 14.1.
*22 - Các đời sau, vua chúa Việt cũng xây thành lũy, nhưng không phải là nơi tập trung bạo lực. Thủ đô và thủ phủ chỉ là những cái làng lớn, với một số cơ sở thích ứng với nhu cầu hành chính, ngoại giao, nghi lễ... Khi nguy cấp, vua sẵn sàng bỏ thủ đô chạy qua làng khác... Mất thủ đô đã không có nghĩa là mất nước.
*23 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn, phần 7.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức, 2013.

- Tải về: epub, pdf, docx .

Tổng số lượt xem trang