-Bây giờ và tại đây
Tạp chí Da Màu - by Aleksandr Soljenitsin
Tạp chí Da Màu - by Aleksandr Soljenitsin
“[...]CS thích phân chia giai cấp cho nên có vụ “giai cấp mới” rồi bây giờ lại có “tư bản đỏ.” Theo Simon Leys trong Ombres chinoises (Union générale d’Edition, Paris 1977) tại Trung Cộng nay có 30 (Leys viết rõ ‘trente classes’ trong sách) giai cấp căn cứ theo trình độ được thụ hưởng phúc lợi Nhà Nước, trong một giai cấp còn phân ra nhiều giai cấp…” (Mặc Đỗ)]
Bài viết dưới đây, bản dịch của nhà văn Mặc Đỗ, là bài mới nhất trong 4 bài viết nhà văn Nga lưu vong Aleksandr Soljenitsin (Nobel Văn Chương 1970) nhận viết mỗi năm cho tuần báo Pháp L’Express xuất bản ở Paris.
Từ bị bức bách rời khỏi Liên Sô và hiện đang sống lưu vong cùng gia đình ở Hoa Kỳ, lên tiếng nào của Soljenitsin cũng gây chấn động. Như nhiều bài viết trước, bài viết được dịch toàn văn dưới đây của Soljenitsin cũng là một hồi chuông báo nguy và cảnh tỉnh nữa. Cho điều mà tác giả gọi là sự dại khờ và lầm lẫn lớn lao của Tây Phương về Liên Sô và về những thể chế chuyên chính vô sản trên toàn thế giới [Mai Thảo]
Cứ mỗi khoảnh khắc chúng ta đang sống lại có ít nhất một quốc gia (nếu không phải một lượt hai hay ba quốc gia) vô tình để cho nanh vuốt của độc tài đảng trị chụp lấy. Cứ như vậy không ngừng trong khoảng bốn chục năm nay. Nhưng, ở Tây Phương, nếu bạn mở máy truyền hình, lật bất kỳ một tuần san hay một nhật báo nào, bạn sẽ thấy toàn những miệng cười hoa nở, từ những nhà lãnh đạo quốc gia cho đến người dân thường ngoài phố. Mỗi ngày lại đánh dấu thêm sự teo nhỏ của cái hải đảo tiêu biếu cho thế giới tây phương: hỏa tiễn được đặt nhắm vô đó, vòng soắn ốc của lạm phát vít chặt lấy nó, đời sống thanh bình của nó mỗi bước lại bị rung chuyển vì bom nổ. Thế giới rõ ràng đang lăn xuống vực thẵm, nhưng Tây phương vẫn cười. Miệng cười đó được tập từ nhỏ, đúng với lề lối xã hội. Thanh niên Mỹ hầu như bao giờ cũng phải trả lời: ‘O.K’., bao giờ cũng phải vui chơi: kẻ nào nói ra sự ngờ vực hay tỏ lộ điều lo lắng là bị coi như đời hỏng hay mắc chứng tật xấu. Ý muốn ghê gớm phải tỏ ra bao giờ cũng vui làm cho hèn và sa đọa con người. Chúng tôi, ở Đông phương, cái nết ỳ ra cho khổ đau chồng chất trong bao thập niên đã gỡ cho chúng tôi khỏi cái bề ngoài vui tươi giả đó: trước ống kính, gương mặt của chúng tôi vẫn dài ra, y nguyên như ở ngoài đời.
Cứ mỗi khoảnh khắc chúng ta đang sống, đâu đó trên mặt trái đất, một, hai, có khi ba quốc gia bị độc tài đảng trị ngoạm mất. Nhưng chẳng hiều chi hết sự thảm khốc của những vụ đó, chắng kiếm cách ngăn chận, người ta lại hoan hỉ gởi tới những quốc gia đó từng đoàn chuyên viên thâu hình quay những cảnh máu, mồ hôi và nước mắt đổ, rồi cống hiến cho chúng ta thưởng thức nơi phòng khách ấm cúng. Những nhà sản xuất truyền hình – chẳng hạn những ông Hòa Lan trong vụ Salvador – gởi chuyên viên đi không phải để làm sáng tỏ sự thật toàn vẹn nhất, cũng chẳng phải để vạch rõ mối đe dọa trầm trọng đối với nền văn minh của chính họ, mà chỉ để, giống như hồi nào mấy hệ thống truyền hình Mỹ đã làm tại Việt-Nam, biểu thị, vừa đơn phương vừa thiên vị, rằng chẳng nên hỗ trợ chính phủ đầy tội lỗi đang lung lay. Sao họ chẳng cho người đến quay phim tại mấy phi trường Nicaragua, những trại huấn luyện lính, những cảnh chính thể Sandinista hà hiếp dân da đỏ.
Chẳng qua là phe kia đâu có cho phép họ làm vậy. Và họ liền chấp nhận rồi quay ra đi quan sát chỉ riêng một phe vui lòng cho họ đến. Ở đó, chỉ một chút lem nhem, một chút bậy bạ, đã đủ khiến họ làm rùm beng lên.
Thật đáng tội nghiệp những chính quyền được chỉ định làm mồi cho cộng sản, bốn chục chính quyền đó hiện đã bị chôn vùi vô phương hồi phục: đã bị ung thối do bàn tay độc tài đảng trị lại bị khủng bố đe dọa, những chính quyền đó phải phô bày được một nền dân chủ tuyệt hảo, nếu không thì chính họ, chớ không phải bọn khủng bố, sẽ bị phỉ nhổ bởi toàn bộ những hệ thống truyền thông trên thế giới, cái thế giới đáng lẽ phải binh vực những quốc gia đó lại xô đẩy thêm cho chết chìm. Người ta còn một lối dìm chết khác nữa là bày ra những vụ đàm phán đang được bọn chủ hòa Mễ và Pháp hăng hái thôi thúc, bọn họ đã quên lú hết những bài học góp nhặt được trong sáu mươi lăm năm vừa qua: đàm phán nhất thời do cộng sản thúc đẩy cốt che đậy, dưới những lời hứa xuông, mục tiêu xâm lấn tàn hại của chúng. Bởi vì, không một nơi nào trên mặt đất này cộng sản đã bị ngăn chận bởi những vụ đàm phán; bao giờ chúng cũng có cách thủ lợi hết (ta chỉ cần nhớ lại cuộc đàm phán bất hủ giữa Kissinger và Bắc-Việt). Tại sao lương tri dân chủ có thể dám đề nghị với một chính thể hợp pháp một cuộc hòa đàm với bọn nổi dậy?
Hiện nay, cuộc tấn công thủ thắng của cộng sản đang bày ra thật rõ rệt tại Trung-Mỹ. Sau khi đã dễ dàng nhường Cuba (rồi qua bàn tay Cuba, nhường thêm Angola và Ethiopie), sau khi cung cấp cho phe Sandinista viện trợ tài chánh và tinh thần của Mỹ quốc, người ta thấy tốt hơn là nên tung ra, trong trường hợp Salvador, Honduras và Guetemala, sáng kiến mở đàm phán trang trọng với bọn bạc bịp. Thế là một lần nữa những hàng ngũ chủ hòa Mỹ bèn đứng dậy và kết tập, chẳng hề cảm thấy đẻ trên lưng gánh nặng của vụ ngu xuẩn để mất Đông-Dương: đấy nhé chớ có can thiệp vào, chớ có để cho dù một cố vấn Mỹ được mang súng ở trong rừng. Can thiệp bây giờ là sớm quá. Và, cứ thế, bọn họ sẽ cầm giữ chính phủ của họ không được hành động, và chính bọn họ cũng sẽ lùi cho đến ngày, chẳng bao xa, cộng sản sẽ tiến sát tới ranh giới Texas. Ngay đây tôi đã nghe thấy bọn họ khi đó sẽ bải hải: Bây giờ chậm quá mất rồi, chúng ta không thể động viên kịp thanh niên Mỹ, chúng ta đành phải đầu hàng.
Ở khắp nơi, Tây Âu cũng như Mỹ châu, ở đâu cộng sản cũng đang tiến tới. Những khán giả bây giờ ngồi coi từ xa sẽ được nhìn tận mắt chẳng cần máy truyền hình; rồi họ sẽ hiểu hết, nhưng họ sẽ phải gánh chịu một khi đã bị quái vật xâu xé.
Còn may mắn nào hơn cho Pháp và Anh nếu những toán chuyên viên truyền hình đã hoạt động từ 1981. Chắc chắn Trotsky đã không cho phép họ thâu hình bộ đội của hắn. Ống kính của họ chẳng khi nào bắt gặp bộ đội cộng sản đang tàn sát nhân dân Iaroslay bằng trái phá hóa học hay do những đơn vị quốc tế, hoặc hành quyết khỏi phải đưa ra tòa án những công nhân nổi loạn tại xưởng máy ở Ijevsk và Votkinsk. Ngược lại, họ đã kéo đến rất đông tại khu vực của Deniline và Koltchack, và họ đã hăng say biết bao phơi bày bất kỳ một hành động nhỏ phản dân chủ nào của phe này; những thiên phóng sự của họ tất đã thoa dịu biết chừng nào lương tâm những người Tây phương bằng cách biểu tỏ tại sao không nên giúp mà cẩn phản bội đồng minh trong trận chiến đó.
Tôi đề cập tới: lịch sử hiện đại của Nga như thể Tây phương (vốn rất ham thích những tin đồn mọc lên chung quanh điện Kremlin) quan tâm tới và thấu hiểu. Sau khi bài viết mới đây của tôi được đăng tải trên tuần báo L’Express, có những độc giả Pháp, không phải những người không có một trình độ văn hóa cao, đã đưa ra vấn nạn, những tù binh đó là ai mà tôi đưa ra cho rằng họ đã tiếp tay vào vụ thiết lập chính quyền cộng sản tại Nga. Thưa đó là những tù phạm người gốc Trung Âu mà cộng sản không những đã phóng thích sau cuộc Đảo Chánh Tháng Mười mà còn cho toàn quyền công dân, tức là quyền sinh sát một quốc gia xa lạ đối với chúng. Người ta hồ hởi thâu nhận chúng vào Hồng Quân đông đảo đến độ chín chục thành phố Nga bị chiếm đóng bởi những đoàn quân quốc tế trong khi Quân đội Nga được giải giáp toàn bộ. Trong bao năm dài mọi cố gắng của tổ chức cộng sản đều nhắm một mục tiêu che giấu nhân dân chúng tôi (và Tây phương nữa) tiến trình thật sự của những biến cố hồi đầu thế kỷ XX, nhất là những năm 1917-1922, và trỉnh bày những biến cố đó theo nhãn quan cộng sản. Kế sách đó đã hoàn toàn thành tựu: ở Nga sô người ta hiểu biết về hồi đầu thế kỷ XIX tường tận hơn hồi đầu thế kỷ XX. (1)
Ký ức lịch sử bị gián đoạn đến độ hiện nay phần đông những người Nga phản đối chế độ bắt buộc phải lập luận và dự phóng trên những tài liệu không lâu quá thời Stalin, hoặc căn cứ trên những quan điểm chính trị ngoại-lịch sử. Nói chi tới Âu châu xa xôi hơn, nơi những cố gắng, không phải do bộ máy chính quyền, mà do một đám đông những người sốt sắng với Cách Mạng, cũng đã dập xóa hay làm sai lạc đi những dữ kiện lịch sử? (Giờ đây mà ông Souvarine còn vận dụng toàn lực để chối cãi rằng bọn cộng sản (duy nhất trong số các chính đảng Nga khác) không nhận tiền của Đức thời Đức hoàng. Những nhà văn nghệ khả nghi cũng cố gắng cùng một phách, chẳng hạn Eisenstien với cuốn phim Thiết giáp hạm Potemkin I, mức danh vọng ngang với mức dối trá, trong phim đó chúng ta gặp những cảnh tuyệt đối do tưởng tượng không liên quan chút nào với thực tế.
Duy có cái không khí bất thông sâu xa nó bao trùm cuộc Cách Mạng của chúng tôi cũng đủ giải thích vụ thành công, tại Hoa Kỳ, của một cuốn phim như phim Red I. Rồi đây đạo diễn sô-viết Bondartchuck sắp thi thố trên một đề tài tương tợ và biến đổi, đúng như chúng ta đang được hứa hẹn, vụ ngơ ngác dậm chân tại chỗ của đám đông trước một tòa lâu đài Mùa Đông không phòng vệ thành một cuộc tấn công vũ bão do mười ngàn quân mà thật ra hồi năm 1917 đó chẳng hề có mặt.
Tây phương tưởng lầm rằng Nga sô hiện đại là tiếp nối của nước Nga thời xưa, trong khi thật ra Nga sô bây giờ đang phản lại, đang tiêu hao, tàn hại dưới Nga cũ. Các quan sát viên chẳng hề lưu tâm tới sự cắt đứt với mọi truyền thống tôn giáo, văn hóa, quốc gia, cũng như sự hủy diệt hằng chục triệu con người mang sứ mạng duy trì những truyền thống đó. Khoảng thập niên 20 người ta chỉ có thể nhắc tới nước Nga với lòng căm hờn hay ý phỉ báng, bất kỳ một ý tứ tích cực nào đều đưa đến tù tội. Đó là thời vang vọng mấy câu thơ của một thi sĩ sô-viết:
“Chúng ta đã xử bắn nước Nga đít to
Để cộng sản chủ nghĩa Giải-Phóng tiến tới đạp trên xác nó…”
Từ sau đó văn hóa Nga đã bị giết chết. Có bao giờ phục hồi được chăng? Cỏn dân tộc Nga, như những nhà dân số học Tây phương nhận định, đang đi vào một giai đoạn cơ năng suy đồi: trong vòng một thế kỷ, có thể mau hơn, dân tộc Nga sẽ tiêu tan bớt đi một nửa để rồi tan rã và hầu như biến hẳn khỏi mặt đất. Trình tự này xem ra không thể đảo ngược…
Về điểm này, sự táo gan của một Carrillo hay một Berlinguer thật đáng phục. Họ đang chống lại với kiểu mẫu sô-viết của xã hội chủ nghĩa. Cũng như Bắc Hàn, Trung Quốc hay Cuba đã tạo được một kiểu mẫu khác. Bốn chục vụ thử thách, và hết thảy, dường như, đều chưa đúng mức mác-xít. Thôi đi, cứ để cho bọn enrocommunistes hi sinh thêm 15 triệu người, thực hiện thêm hai kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa nữa mà những nhà phê bình tương lai, than ôi, sẽ còn cho rằng chưa đủ mức mác-xít (Bản Tuyên ngôn Cộng sản phải chăng đã chưa đủ rành mạch về thực chất cộng sản?) Hai chủ trương đó khác như thế nào? Với cộng sản Ý, cuộc Cách Mạng Tháng Mười to lớn sáu mươi lăm năm sau đã đánh mất vai lãnh đạo; với cộng sản Tây-ban-nha thì vai đó vẫn còn… Cuộc đảo chánh, do một lũ đạo tặc gây nên, chúng đã, ngay từ những ngày đầu dưới quyền Lênin, tước hết bất kỳ một thứ quyền nào của dân Nga chúng tôi, sau đó đã đoạt hết đất của nông dân (bốn phần năm tổng số diện tích có canh tác trên đất Nga, nhưng theo như tuyên truyền cách mạng thì chúng đã đem đất cho nông dân), đã biến một quốc gia rất giàu thành một quốc gia đói khổ, bằng cách tàn sát hẳng chục triệu dân quê. Nếu Carillo và Berlinguer là người lương thiện thì từ lâu chúng đã phải nguyền rủa cộng sản.
Với những thanh niên Tây phương ý thức được những nhược điểm trong hệ thống xã hội của nước văn minh, và đồng thời thực chất của cộng sản chủ nghĩa, với những thanh niên đang thành tâm tìm kiếm một đường lối thứ ba để tạo dựng xã hội, tôi cũng đồng ý với các anh, tôi nhận định thấy nhiều kẽ hở trong hệ thống Tây phương. Chẳng hạn trong thời đại những độc quyền, hệ thống này đã đánh mất một số đặc tính tiêu biểu cho nền tự do đích thực và hữu trách như đã được quan niệm ban đầu: sự khao khát tài sản và thú vui đã vượt quá mọi biện pháp đức lý; các chính quyền Tây phương, phần đông, được điều khiển không phải do những đại biểu dân cử mà do những thế lực bí ẩn; những nhà tư bản vô tâm tự tay nuôi dưỡng thú vật cộng sản đặng họ tự tiêu diệt và đồng thời tiêu diệt toàn thế giới. Dĩ nhiên trong tương lai chúng ta có nhiệm vụ cấu tạo một đường lối thứ ba, thứ tư, có thể thứ năm (vì một đường lối chưa chắc đã thích hợp cho tất cả), nhưng đường lối nào mục đích hướng thượng đều là củng cố những căn bản tinh thần của xã hội, tách xa hẳn những mưu toan kinh tế thô lỗ.
Tuy nhiên, những nguy cơ hiện tại đã thúc bách quá khiến chúng ta không còn thời giờ cần thiết cho những cuộc tìm kiếm đó nữa: cái mõm ham hố chinh phục của đường lối thứ hai đang há to chờ cắn cụt đầu chúng ta, tại đây và bây giờ. Chúng ta cần liệu đường xô ngược nó lại, không hèn nhát hãi sợ.
Mọi chuyện còn có thể được chừng nào cộng sản Nga chưa hòa với cộng sản Tàu. Hiện đã có những dấu hiệu báo trước vụ đó. Chừng đó thì mưu đồ của chúng sẽ thông suốt hẳn.
(1) Nhà xuất bản Ymca-Press (11, rue de la Montagne-Sainte-Genevière, Paris-V) mới khai trương một tủ sách mang tên: Nghiên cứu lịch sử hiện đại Nga do tôi chủ trương, có chủ đích lấp đầy phần nào sự thiếu sót này. Sẽ ấn hành những bản dịch ngoại ngữ (những bản Pháp dịch sẽ cho nhà Fayard).
Mặc Đỗ dịch
[Nguồn: Tạp chí Văn, chủ nhiệm Mai Thảo, Số ra mắt tháng 7/82-Chủ đề "Bảy năm Văn học Hải ngoại", trang 21-27. Bản điện tử do Tân nương tử thực hiện]