Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

CẤU TRÚC XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI Theo Văn Hóa Việt - qua 9 TRUYỀN KỲ

-2202. CẤU TRÚC XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

http://danhgiactau.com/
1. DẪN NHẬP
Bộ Truyền kỳ Việt Nam gồm 9 bài. Đặc điểm của 9 bài nầy là sự thống hợp đồng nhất của tất cả 9 Bài. 9 Bài hợp thành một toàn bộ ở tất cả mọi phương diện.*1
Sau đây là phần nhìn chung toàn bộ 9 Truyền Kỳ dưới một số đề mục :
Nhìn chung toàn Bộ 9 Truyền Kỳ qua Lý Lịch của các Nhân Vật trong mọi truyện. Các Nhân vật nầy thay nhau ứng dụng thực tế cuộc sống của mọi thành phần trong Xã Hội Việt.
Nhìn chung Bộ 9 Truyền kỳ trong những Hoàn Cảnh Sinh Sống thực tế của Con Người. Mọi cảnh sống đều được tuần tự đề cập và hướng dẫn.
Nhìn chung Bộ Truyền kỳ như là Những Bài Học Sống Trọn cuộc sống con người. Bộ Truyền kỳ hướng dẫn cuộc sống của mỗi người, của mỗi cơ cấu xã hội, của tất cả mọi người.
Nhìn chung toàn Bộ 9 Truyền Kỳ với Cấu trúc Xã hội Loài Người. Trong cấu trúc nầy, đặc biệt chú ý tới vai trò của Làng Việt, một đặc điểm độc đáo của Xã Hội Việt.
*     *     *     *
2. LÝ LỊCH CÁC NHÂN VẬT của BỘ 9 TRUYỀN KỲ
2.1 Lý Lịch các Nhân Vật.
Đặc điểm đầu tiên là sự thống hợp của lý lịch các nhân vật trong toàn thể Bộ Truyền kỳ Việt Nam.
Tuy có nhiều nhân vật, với nhiều sắc thái và hoàn cảnh sinh sống khác nhau, nhưng tất cả đều liên hệ chặt chẽ và tiếp nối nhau. Nhân vật sau chính là sự bộc lộ hiện thực của nhân vật trước, trong một cảnh sống cụ thể hơn.
*     *
2.2 Những Truyền kỳ Nền Tảng.
Truyền kỳ Tiên Rồng [1] khởi đầu và là nền tảng của Bộ 9 Truyền Kỳ, với biểu tượng BàTiên và Ông Rồng Phối Hiệp và với biểu tuợng sinh Một Bọc Trăm Con.*2
Biểu tượng Tiên Rồng Phối Hiệp được khai triển thành Truyền kỳ Chử Đồng [2]. Như Mẹ Tiên ở núi, công chúa Tiên Dung ở trên đất; như Cha Rồng ở biển, Chử Đồng cũng sống trênsông nước. Rồi Tiên Dung Chử Đồng gặp nhau, nhận biết nhau, kết hiệp và sống một cuộc sống trọn vẹn, cho chính mình và cho mọi người chung quanh.*3
Từ Trăm Anh Em trong Một BọcTruyền kỳ Trầu Cau [3] rút ra hai Anh Em để ứng dụng vào thực tế. Hai Anh Em ‘thương nhau rất mực’, vì cùng một Mẹ Tiên Cha Rồng; họ ‘không bao giờ lìa nhau’, vì cùng chung trong Một Bọc. Nhưng trong đời sống thực tế, họ phải giải quyết những khó khăn khi người Anh có vợ.*4
*     *
2.3 Những Truyền kỳ Việc - Sinh Hoạt.
Những Truyền kỳ về Sinh Hoạt đặt nền tảng trên Truyền kỳ Chử Đống. Ở Truyền kỳ Chử Đồng, sau khi nàng Tiên Tiên Dung và chàng Rồng Chử Đồng kết hiệp, nàng công chúa dùng tiền của mở phố xá nuôi dân, và chàng phò mã ra biển vẫy vùng, đem tài trí giúp dân phát triển cuộc sống an vui thịnh vượng.
Việc công chúa Tiên Dung 'đem của cải giúp dân' lại được khai triển chi tiết hơn ở Truyền kỳ Tiết Liêu [4]. Tiết Liêu cũng là con vua như Tiên Dung, cũng dùng của cải, loại quý nhất, là gạo, để chế biến thành bánh chưng bánh dày, ngon ngọt lâu hư, giúp dân sống sung túc hơn.*5
Chàng Chử Đồng, con rể của vua, ra biển và dùng tài trí giúp dân, lại được diễn đạt đầy đủ hơn nơi một người con nuôi của vua, ở Truyền kỳ An Tiêm [5]. An Tiêm cũng một mình ra biển, khai phá đảo hoang và qui tụ dân, phát triển thành làng thôn.*6
*     *
2.4 Những Truyền kỳ Tình - Tương Quan.
Những Truyền kỳ về Tương Quan có nền tảng là Truyền kỳ Trầu Cau. Truyền kỳ Trầu Caucó hai Anh Em từ Trăm Anh Em Một Bọc bước vào đời sống thực tế. Họ thương nhau rất mực, không bao giờ lìa nhau. Nhưng rồi, người Anh lấy vợ, người Chị dâu tưởng lầm, và người Em bỏ nhà ra đi, rồi người Anh đi tìm Em, người Vợ đi tìm Chồng.
Tình vợ chồng của Anh Cau và Chị Trầu lại được khai triển hiện thực và chi tiết hơn ởTruyền kỳ Vọng Phu [6]. Như Anh Cau bỏ nhà đi tìm Em, ở Truyền kỳ Vọng Phu người Chồng cũng đi xa. Nhưng trong khi Chị Trầu đi tìm Chồng, thì nàng Vọng Phu ở nhà nuôi con, lo việc nhà và chờ Chồng từng ngày.*7
Đang khi đó, đời sống của người Em Vôi lại tiếp diễn ở Truyền kỳ Trương Chi [7]. Như Chị Trầu tưởng lầm, nàng Mỵ Nương cũng mê tiếng sáo mà lầm tưởng mình đã yêu chàng nghệ sĩ. Như người Em Vôi bỏ nhà ra đi rồi chết, chàng Trương Chi cũng ra khỏi nhà Mỵ Nương, tương tư, rồi chết. Nhưng trong khi Em Vôi trở thành viên đá, thì trái tim Trương Chi trở thành ngọc.*8
*     *
2.5 Những Truyền kỳ Việc Nước.
Truyền kỳ Tiết Liêu có hoàng tử Tiết Liêu nhờ dâng bánh chưng bánh dày, hàm ý quan niệm và phương thức làm Việc Nước thích đáng, nên được làm vua, để an dân thịnh nước.
Nối tiếp Truyền kỳ Tiết Liêu là Truyền kỳ Mỵ Châu [8]. Vua An Dương chính là một Tiết Liêu không làm tròn nhiệm vụ. Ông làm mất nước.*9
Nối tiếp Truyền kỳ Mỵ Châu là Truyền kỳ Phù Đổng [9]. Trong Truyền kỳ Phù Đổng, Vua Hùng là một Vua An Dương đã mất dân mất nước và tìm cách cứu lại dân, cứu lại nước.*10
*     *
2.6 Thống Hợp Toàn Bộ.
Tất cả các Truyền kỳ đều khởi phát và quy tụ về Truyền kỳ Tiên Rồng. Nhân Vật của Truyền kỳ sau nối tiếp Nhân Vật của Truyền kỳ trước, Truyền kỳ nầy nối tiếp và khai triển Truyền kỳ kia, để ứng dụng vào một cảnh sống cụ thể hơn, hiện thực hơn. Tất cả đều thống hợp chặt chẽ với nhau thành một bộ.
*     *
 
*     *     *     *
3. ĐỜI SỐNG THỰC TẾ QUA BỘ 9 TRUYỀN KỲ
Bộ Truyền Kỳ Việt Nam còn diễn tả cuộc sống con người qua những Cảnh Sống thực tế khác nhau.
3.1 Truyền kỳ Biểu tượng Nền tảng.
Truyền kỳ Tiên Rồng phát khởi mọi cuộc sống, với hai biểu tượng : Bà Tiên Ông Rồng phối hiệp, và sinh ra Một Bọc Trăm Anh Em.
*     *
3.2 Bốn Truyền kỳ Tình.
Truyền kỳ Trầu Cau đem Hai Anh Em từ ‘Bọc Trăm Anh Em’ vào thực tế. Họ gặp một Cô Gái. Thực tế cuộc sống lại đưa tới 2 trường hợp : - Người Anh và Cô Gái thành Vợ Chồng, - Người Em và Cô Gái không duyên.
a. Thành Vợ Chồng.
Người Anh thành chồng vợ với Cô Gái là thực tế của biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp. Trong thực tế, đời sống Vợ Chồng lại đưa tới 3 hoàn cảnh khác nhau, được khai triển chi tiết ở 3 Truyền kỳ :
1. Hai Vợ Chồng chung lòng và chung sống. Họ gặp nhau trọn vẹn, thông cảm nhau, và cùng nhau chung lo việc nhà việc chung... Họ sống cuộc sống toàn vẹn, và giúp mọi người cùng phát triển và vui sống. Họ chính là Tiên Dung và Chử Đồng.
2. Hai Vợ Chồng chung lòng nhưng xa cách. Họ xa cách vì chia nhau công tác, vợ việc nhà, chồng việc nước. Nhưng họ có nhau từng ngày trong tâm tưởng... rồi nàng Vọng Phu trở thành Núi cao.
3. Hai Vợ Chồng chung sống nhưng xa lòng, như Mỵ Châu và Trọng Thủy. Chồng chỉ mưu đồ chiếm đoạt, vợ lại chỉ biết có chồng... nên hại nhà hại nước.
b. Không duyên số.
Phần không duyên số giữa Người Em Vôi và Cô Gái, ở Truyền kỳ Trầu Cau, được diễn tả chi tiết và thực tế với mối tình bâng quơ và bất thành của Trương Chi và Mỵ Nương. Họ sống cảnh độc thân.
*     *
3.3 Bốn Truyền kỳ Việc.
Cuộc thi ‘Tìm lễ vật dâng cúng Tổ Tiên’ để được nối ngôi vua, ở Truyền kỳ Tiết Liêu, cũng đã xảy ra 2 trường hợp : - Tiết Liêu ở nhà, làm vua, và - các Anh Em đi xa.
a. Làm Việc Nước.
Việc làm vua, Làm Việc Nước, lại có 3 hoàn cảnh, ở 3 Truyền kỳ :
1Tiết Liêu dâng bánh chưng bánh dày, chứng tỏ Tiết Liêu đã thấu hiểu quan niệm và phương thức an dân thịnh nước, làm một vị vua xứng đáng.
2. Vị vua không xứng đáng, làm mất nước, là vua An Dương, ở Truyền kỳ Mỵ Châu.
3. Khi đã mất nước, tìm cách và cứu lại nước. Đó là Vua Hùng trong Truyền kỳ Phù Đổng.
b. Làm Việc Làng.
Các Anh Em của Tiết Liêu ‘ra đi tìm của ngon vật lạ’ được diễn tả chi tiết ở Truyền kỳ An TiêmAn Tiêm ra đảo và có được dưa hấu vừa lạ vừa ngon. An Tiêm biến đảo hoang thành làng,Làm Việc Làng, và trở thành người đại diện Làng, gởi dưa về dâng vua, chung phần với Nước.
*     *
 
*     *     *     *
4. NHỮNG BÀI HỌC SỐNG Qua BỘ 9 TRUYỀN KỲ
4.1 Ba Bài Học Nền Tảng.
a. Những Nguyên tắc nền tảng.
Truyền kỳ Tiên Rồng nêu Nguyên lý nền tảng cho kinh nghiệm của người sống trọn vẹnCuộc Sống Làm Người : sống vừa là Tiên Rồng song hiệp, vừa là Anh Em Một Bọc.
Truyền kỳ Chử Đồng đặt những Nguyên tắc nền tảng cho Sinh Hoạt Chung, Bình Đẳng tận căn cơ, như cuộc gặp gỡ và sống chung suốt đời của chàng không khố và nàng Công Chúa cổi hết áo quần, rửa sạch son phấn.
Truyền kỳ Trầu Cau lại đặt những Nguyên tắc nền tảng cho Tương Quan, Thân Thươngtoàn tâm, như cuộc sống trọn vẹn hai tương quan Anh Em ruột thịt và Vợ Chồng hiệp nhất. Ba người sống chết cho nhau, rồi khi đã chết, vẫn có nhau mãi mãi.
 
*     *
4.2 Bốn Bài Học Sống Thực.
a. Câu chuyện Trương Chi sống chết vì tình đã diễn đạt nền tảng hạnh phúc của đời sống Cá Nhân, và nêu những nguyên tắc để bộc lộ và phát triển Tình Yêu của từng Con Người.
Khi hai người đã thực sự yêu nhau, kết thành vợ chồng, thì Truyền kỳ Vọng Phu hướng dẫn về đời sống Gia đình, với gương người Vợ chu toàn Việc Nhà, trong khi người Chồng thi hành nhiệm vụ Việc Làng, Việc Nước.
Chu toàn phận vụ Làm Việc Làng lại được Truyền kỳ An Tiêm khai triển, với An Tiêm ra sức khai phá đảo hoang, tụ họp dân thành Làng và đóng góp cho nước, giúp cho đời thêm tươi mát. [Làng còn có nghĩa là cộng đoàn nhỏ].
Làm Việc Nước, qua sự chỉ dạy của Tổ và với tâm huyết, tài trí, của Tiết Liêu, nêu lên bài học ‘an dân thịnh nước’ cho những ai ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
* Bốn Truyền kỳ nầy hợp lại thành bốn tầm độ sinh sống của Con Người, bộc lộ cơ cấu giúp Con Người sống thực và phát triển trong cuộc sống thực tế hằng ngày.
 
*     *
4.3 Hai Bài Học Hưng Phục.
a. Vấn đề Giữ Nước.
Ở Truyền kỳ Mỵ Châu, vua An Dương lần lượt xao lãng công tác giữ Nước.
Vua An Dương đang giữ toàn nước, ông lại xây thành : ông đã bỏ nước để chỉ còn giữ cái làng ông đang ở.
Rồi ông cưới rể Trọng Thủy, rước giặc vào nhà, tức là loại bỏ sự hữu hiệu của thành. Ông đãbỏ làng, chỉ giữ nhà.
Và cuối cùng ông chạy trốn, chém Mỵ Châu. Ông bỏ nhà, chỉ giữ bản thân ông.
b. Việc Cứu Nước.
Ở Truyền kỳ Phù Đổng, vì muốn cứu nước,
Vua Hùng đã cầu Tổ, tìm về cội nguồn, về tinh thần, về Con Người đích thực của ông. Ông gặp lại Tổ. Ông đã cứu lại chính ông.
Sau khi gặp Tổ, ông lập đoàn sứ nhân, tụ họp thân tín, tức cứu lại Nhà.
Đoàn sứ nhân vào các Làng loan tin giải cứu cho toàn dân. Ông cứu lại Làng.
Khi toàn dân vùng lên, qua biểu tượng Phù Đổng vươn vai, công cuộc Cứu Nước đã được thực hiện.
 
*     *     *     *
5. CẤU TRÚC XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
5.1 Toàn Bộ Truyền Kỳ.
Qua toàn Bộ 9 Truyền kỳ, Cấu Trúc Xã Hội hiện ra rõ ràng :
a. Nền tảng Cuộc sống.
Truyền kỳ Tiên Rồng đặt nền tảng cho toàn thể Cuộc Sống Con Người, đời sống Sinh hoạt và đời sống Tương quan.
Truyền kỳ Chử Đồng đặt nền tảng cho Đời Sống Sinh Hoạt, Việc Làng Việc Nước.
Truyền kỳ Trầu Cau đặt nền tảng cho Đời Sống Tương Quan, đời sống Cá nhân và đời sốngGia đình.
b. Bốn Tầm độ Sinh sống.
Bốn Truyền kỳ Tiết LiêuAn TiêmVọng PhuTrương Chi kết thành những nguyên tắc sốngcho bốn tầm độ sinh sống của Con Người :
Truyền kỳ Trương Chi về đời sống cá nhân.
Truyền kỳ Vọng Phu về đời sống gia đình.
Truyền kỳ An Tiêm về sinh hoạt việc làng.
Truyền kỳ Tiết Liêu về sinh hoạt việc nước.
c. Hưng Phục toàn diện.
Hai Truyền kỳ Mỵ Châu và Phù Đổng lại tổng hợp chi tiết tường tận hơn :
Truyền kỳ Mỵ Châu từ chỗ bỏ việc Nước, qua bỏ việc Làng, rồi bỏ tình Nhà, và bỏ chính Mình.
Ngược lại, ở Truyền kỳ Phù Đổng, vua Hùng cứu lại Mình, rồi cứu lại Nhàcứu lại Làng, và cứu lại Nước.
*     *
5.2 Định Chế Xã Hội.
Như vậy, Cuộc Sống Con Người trong xã hội gồm đời sống tương quan và đời sống sinh hoạt.
Đời sống Tương Quan lại gồm đời sống Cá Nhân và đời sống Gia ĐìnhĐời sống Sinh Hoạt gồm sinh hoạt Việc Làng và sinh hoạt Việc Nước.
Đời sống Cá Nhân giúp mỗi người bộc lộ và phát triển trọn vẹn mọi đặc tính, mọi sức sống, của con người.
Đời sống Gia Đình phát huy những tương quan thiết yếu của cuộc sống con người, nền tảng của xã hội.
Sinh hoạt Việc Làng phát triển cuộc sống, và đặc tính Tự Lập Tự Chủ đích thực của người Dân.
Sinh hoạt Việc Nước bảo đảm và phát triển Nếp Sống Hạnh Phúc của toàn dân, an dân thịnh nước.
Cá Nhân, Gia đình, Làng, Nước, chính là cấu trúc nền tảng của Nếp Sống Việt suốt mấy ngàn năm.
Đặc điểm của Văn hóa Việt là đã đưa Cơ Cấu nầy lên thành Định chế Xã Hội của Cuộc Sống Con Người. Nhờ đó, Con Người được sống đích thực chính mình và phát triển trọn vẹn.
*     *
 
*     *     *     *
6. VĂN HÓA VIỆT và CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
6.1 Đặc điểm Xã Hội Việt : Định chế Làng-Nước.
Cấu trúc Xã hội Việt gồm Đời sống Cá Nhân, Đời sống Gia Đình, Sinh hoạt Việc Làng, và Sinh hoạt Việc Nước.
Tuy nhiên, đặc điểm độc đáo của Cấu trúc Xã hội Việt là Làng Việt. Tổ chức, tinh thần, sinh hoạt, và nếp sống của Làng Việt, cũng như liên hệ giữa Làng Việt và Nước Việt có những sắc thái mà làng thôn Trung Hoa và phương Tây đều không có.
Đây là định chế đặc biệt Việt, Định chế Làng-Nước Việt.
Đối với Nếp sống Việt, Làng và Nước là hai hệ thống chính trị độc lập.
Mỗi Làng Việt có cả một hệ thống qui ước riêng về hành chính, luật pháp, kinh tế, tài chính, an ninh, xã hội, văn hóavà cả vị Thần và nghi thức tế lễ riêng của Làng.
Làng Việt là một Nước nhỏ trong Nước Việt.
Làng Việt là cơ quan đại diện của Dân Làng trong mọi quan hệ với Nước. Quan chức của Nước chỉ liên lạc qua Làng, và không trực tiếp với người Dân, kể cả việc bắt línhnộp thuếxử phạt... Và phép vua thua lệ làng.
Đặc điểm quan trọng là Làng Việt không quá lớn. Mọi sinh hoạt và công tác của Làng Việt thích ứng với trình độ hiểu biết, việc tham gia, việc kiểm nhận, và tầm quyết định của người Dân Làng.
Nhờ đó, Làng Việt đã giúp người Dân sống Tự Lập Tự Chủ đích thực, trong khi tích cực đóng góp cho Nước.*10
* Theo nghĩa truyền thống, Làng còn có nghĩa là những Cộng Đoàn, nhóm, có chung một nghề hoặc cùng một mục tiêu chung, một hoàn cảnh chung. Phổ thông nhất là các Làng nghề, cho tất cả mọi nghề. Làng văn, Làng văn hóa...
*     *
6.2 Cuộc sống Toàn vẹn, Hiện thực, và Thích đáng.
a. Mọi Hoàn Cảnh của Cuộc Sống Thực Tại.
Như thế, nhìn theo Lý Lịch, các Nhân Vật ở 9 Truyền kỳ nối tiếp nhau, nhân vật của Truyền kỳ trước trở thành nhân vật của Truyền kỳ sau, và cứ thế mà ứng dụng thực tế và khai triển chi tiết hơn.
Nhìn vào Cảnh Sống thực tế của Con Người, các nhân vật lại thay nhau sống những hoàn cảnh khác nhau của đời sống thực tại.
Nhìn vào Bài Học Sống, Bộ 9 Truyền kỳ kết thành một hệ thống những nguyên tắc toàn hảo, khởi đầu với Truyền kỳ Tiên Rồng rồi lần lượt chuyển vào mọi cảnh ngộ thực tại của cuộc sống.
Theo đó, Cơ Cấu Xã Hội Việt giúp Con Người sống trọn vẹn Cuộc sống Làm Người. Mỗi người đều sống cuộc sống Cá Nhân trong tình thân Gia Đình, giữa Làng thôn, và trong cả Nước.
b. Mọi Nguyên Tắc thực tế.
Dầu dưới khía cạnh nào, Bộ Truyền kỳ Việt Nam cũng là một khối hợp nhất.
Toàn bộ là kinh nghiệm thực tế, ghi nhận những nguyên tắc thiết thực và chính xác cho từng người trong từng hoàn cảnh thường ngày, và cho toàn thể Cuộc Sống của tất cả mọi Người.
Chính sự thống hợp chặt chẽ ở mọi phương diện, của toàn bộ Truyền kỳ Việt Nam, là dấu chỉ đặc tính độc đáo và minh chứng sự đồng nhấttoàn vẹnhiện thực và thích đáng của Nhận Thức Việt về Cuộc Sống Con Người và về Xã Hội Loài Người.
Tất cả đều giúp Mỗi Người vui sống trọn vẹn cuộc sống của mình, và cùng những Con Người Kháctận hưởng Hạnh Phúc Làm Người.
Đây chính là điểm trổi vượt của Văn hóa Việt.
*     *     *     *
7. GHI CHÚ
** 2202. : ký số của Bài trong danhgiactau.com.
*1 - Việc tìm hiểu nếp sống đại chúng Việt đã giúp phát hiện một hệ thống gồm 9 truyện tích xưa với nhiều nét tương hợp và nhiều đặc điểm nổi bật :
- Tất cả đều phát xuất từ sự tích và niềm tin rằng Mọi Người Dân Việt đều Là Con Cháu Tiên Rồng.
- Phần cốt truyện đều nhắc tới thời các Vua Hùng.
- Truyện tích nào cũng có nhiều chi tiết kỳ lạ, không hiện thực, không đúng kinh nghiệm thực tại.
- Dầu vậy, tất cả những kỳ quặc đó vẫn được truyền miệng nguyên vẹn và phổ biến sâu rộng trong đại chúng Việt suốt mấy ngàn năm, qua hàng trăm thế hệ.
- Hơn nữa, mọi truyện tích đó đều được nhắc nhớ bằng những biểu hiệu tôn quý trong mọi dịp Tết Lễ của Dân tộc.
* Việc khảo sát bộ 9 Truyền kỳ đã phát hiện một hệ thống chặt chẽ gồm tóm những Nguyên Tắc Thực Dụng cho mọi phương diện và mọi hoàn cảnh của Cuộc Sống Con Người.
Đây không chỉ là kinh nghiệm sống của từng người, mà còn của đời sống gia đình, của nếp sống làng thôn, và của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Chín Truyện Tích đó được gọi chung là Bộ Truyền Kỳ Việt Nam. [Trích Lời Mở].
*2 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội.   
*3 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để  Sống Bình Đẳng.
*4 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người.
*5 - Đọc bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước.
*6 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn.
*7 - Đọc bài 2107. Đời Sống Gia Đình.
*8 - Đọc bài 2108. Tình Yêu Nam Nữ.
*9 - Đọc bài 2109. Việc Giữ Nước.
*10 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân.
*11 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn, đb phần 7.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.
Tải về: epub, docx, pdf .

Tổng số lượt xem trang