Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Cải cách chính trị ở Miến Điện (con đường thoát khỏi ảnh hưởng của TC)

 Nguyễn Hồng Bắc (tạp chí NVDKTTG, số 1/2014)
1. Cải cách chính trị ở Miến Điện
Trong 63 năm giành được độc lập, Miến Điện đã từ một nước giàu nhất Đông Nam Á (năm 1948) trở thành nước kém nhất khu vực. Miến Điện đã trải qua 3 giai đoạn chính sau:
1) 1948-1958: Tướng Aung San (13/02/1915 – 19/07/1947) bị ám sát 6 tháng trước khi Miến Điện giành được độc lập. Năm 1948, Miến Điện giành được độc lập và là một nước dân chủ nghị viện dựa trên hiến pháp Anh quốc.
2) 1962-1988: Sau cuộc đảo chính năm 1962, trực tiếp hay gián tiếp quân đội đã nắm quyền cai trị Miến Điện. Miến Điện nằm dưới sự cầm quyền của tướng Ne Win, người đi theo con đường XHCN, mang tính dân tộc, chủ trương đóng cửa và chuyên chế [1].. Trong giai đoạn này, Miến Điện được xem là một trong những nước chuyên chế nhất trên thế giới, không tôn trọng quyền con người và thiếu tự do chính trị. Ông U Thant  (22/01/1909 – 25/11/1974) đã giữ chức Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc từ 1961 đến 1971.
3) 1992-2011: dưới sự cầm quyền của tướng Than Shwe, đã đưa Miến Điện quay lại nền kinh tế thị trường, cân bằng lại ngân sách nhờ xuất khẩu khí tự nhiên sang Thái Lan và đưa Miến Điện theo con đường dân chủ qua một lộ trình 7 bước. Việc chính quyền quân chủ không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử năm 1990 với chiến thắng của đảng NLD (Liên đoàn Dân chủ Quốc gia với lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi), cũng như cuộc đàn áp đẫm máu năm 1988 đã khiến cho các nước phương Tây[2] lên án và cấm vận Miến Điện.
Tháng 7-1997 SLORC[3] đổi tên thành  Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và Phát triển (State Peace and Development Council - SPDC). Tháng 5-2008, Miến Điện thông qua hiến pháp mới theo chế độ lưỡng viện và đa đảng, dù vậy trên thực tế, hiến pháp thừa nhận quyền lực bất khả xâm phạm của quân đội bằng việc quy định quân đội được giữ cố định 110/440 ghế của quốc hội và 56/224 ghế của nghị viện liên bang. Chính quyền tiếp tục củng cố quyền lực của các tướng lĩnh, loại bỏ các đảng đối lập - trong đó có NLD, vận dụng Luật Hình sự 1996 để tiếp tục đàn áp phe đối lập. Trong giai đoạn này Miến Điện vẫn bị phương Tây cấm vận do vi phạm nhân quyền và đàn áp các sắc tộc thiểu số. [4]
Miến Điện đã thay đổi từ tháng 3/2011 sau khi Tổng Thống Thein Sein lên nắm quyền với quá trình cải cách chính trị dần dần. Từ tháng 3, 2011, Miến Điện đã thực hiện tự do báo chí, thả tù chính trị và bắt đầu đối thoại chính trị giữa chính quyền của Tổng Thống Thain Sein với lãnh tụ của phe đối lập và các nhóm sắc tộc thiểu số.
Cuộc cải cách được đẩy mạnh với cuộc bầu cử bổ sung vào 1 tháng 4, 2012, với chiến thắng áp đảo của  Liên đoàn Dân chủ Quốc gia với 43/45 ghế. Nhìn chung, cải cách chính trị tại Miến Điện đã được khởi xướng từ "bên trên”. Cuộc cải cách này được giới tinh hoa tiến hành và khởi xướng từ Tổng Thống và các thành viên cấp tiến trong đảng Liên minh vì đoàn kết và phát triển (Union Solidarity and Development Party -USDP), một đảng mà quân nhân chiếm đa số. Nhìn chung, quá trình cải cách ở Miến Điện mang những đặc điểm chung sau:
1) Cải cách chính trị tại Miến Điện là hành động của chính quyền đối phó với những biến động trong và ngoài nước. Ảnh hưởng của giới quân đội trong hệ thống chính trị và nền kinh tế vẫn còn rất lớn, họ cảm thấy đủ tự tin để tiến hành một quá trình tự do hóa hệ thống chính trị dần dần. Dù vậy quá trình cải cách này còn chậm. 
2) Ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng gây lo ngại cho các tướng lĩnh trong chính quyền. Miến Điện muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc nhờ quan hệ với phương Tây. Phương Tây đã có các chương trình viện trợ phát triển cho Miến Điện trước những hành động cải cách ban đầu.
3) Xung đột sắc tộc là một lực cản trong quá trình cải cách chính trị
Bài viết này trình bày một số đặc điểm chính của tiến trình cải cách chính trị tại Miến Điện và đưa ra dự đoán trung hạn cho quá trình này.

1. Đặc điểm của quá trình cải cách chính trị tại Miến Điện

-- Cải cách chính trị tại Miến Điện là hành động của chính quyền đối phó với những biến động trong và ngoài nước.
a. Sự tự tin của chính quyền quân phiệt trong việc tiến hành dân chủ hóa dần dần
Các nhà lãnh đạo Miến Điện đang chứng minh là họ có ý chí chính trị và tầm nhìn để đưa đất nước ra khỏi quá khứ chuyên chế. Đầu năm 2003, tướng Than Shwe đã công bố Lộ trình dân chủ 7 bước (2003-2011) bao gồm:
Bước 1: Phục hồi triệu tập Đại hội quốc dân (không hoạt động từ năm 1996).
Bước 2: Xây dựng một chế độ dân chủ và có kỷ cương.
Bước 3: Soạn thảo một Hiến pháp mới dựa trên những nguyên tắc Đại hội quốc dân thông qua.
Bước 4: Tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp mới.
Bước 5: Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
Bước 6:  Triệu tập họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
Bước 7:  Xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ; lãnh đạo đất nước do Quốc hội bầu; chính phủ và các tổ chức trung ương do Quốc hội thành lập.
Năm 2004, Miến Điện đã thực hiện các bước nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và chủ động giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Quá trình cải cách chính trị tại Miến Điện đã được bắt đầu khởi động từ năm 2008. Tháng 5-2008 thông qua hiến pháp mới theo chế độ lưỡng viện và đa đảng, dù vậy trên thực tế, hiến pháp thừa nhận quyền lực bất khả xâm phạm của quân đội bằng việc quy định quân đội được giữ cố định 110/440 ghế của quốc hội và 56/224 ghế của nghị viện liên bang.
Chính quyền Miến Điện đã nhận thức rất rõ rằng muốn được cộng đồng quốc tế công nhận và dỡ bỏ lệnh cấm vận thì phải tiến hành cải cách thể chế chính trị. Cách đơn giản nhất là phải thay đổi từ một chế độ quân phiệt sang dân sự. Để thực hiện điều này 22 tướng lĩnh đã nghỉ hưu vào 26/4/2010 cùng với Tổng Thống Than Shwe vào tháng 3/2011. 3 ngày sau đảng Liên minh vì đoàn kết và phát triển - USDP (Union Solidarity and Development Party) đăng ký tại Ủy Ban Liên minh Bầu cử (UEC) với sự lãnh đạo của Thein Sein. [5] Như vậy, việc Tổng Thống Than Shwe và các tướng lĩnh trong chính quyền quân phiệt từ chức đã tạo ra một sự chuyển dịch quyền lực sang một thế hệ tướng lĩnh trẻ hơn cũng như từ chính quyền quân phiệt sang dân sự một cách hòa bình. Như vậy, hoàn toàn không có những đổ vỡ trong quyền lực quân sự. Dưới thời Than Shwe một con đường dân chủ với lộ trình 7 bước đã được vạch ra và được thực hiện từ 2003-2011. Năm 2004, một văn kiện quan trọng đã được soạn thảo bởi Trung tá Aung Kyaw Hla, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quốc phòng Miến Điện. Luận án tối mật dày 346 trang, nhan đề “Bản Nghiên cứu về Quan hệ Miến-Mỹ”, đã đề ra những chính sách cải thiện quan hệ với Washington và giảm bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh.[6] Một bản Hiến pháp mới đã được xây dựng, và một cuộc trưng cầu dân ý đã được thực hiện vào năm 2008, và cuối cùng một cuộc bầu cử đã được diễn ra vào 2010. Tháng 10/2010, Miến Điện đã đổi tên nước từ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Miến Điện” trở thành “Cộng Hòa Liên Bang Miến Điện”. Trong giai đoạn này, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được trả lại tự do ngày 13.11.2010. Quá trình này đã được thực hiện một cách chủ động hoàn toàn không có sức ép của phe đối lập cũng như các nhóm sắc tộc thiểu số. Điều này cũng phản ánh tầm nhìn của chính quyền quân phiệt Miến Điện dưới thời Tổng Thống Than Shwe.
Tổng Thống Thein Sein tiếp tục thực hiện quá trình cải cách chính trị từ tháng 3/2011. Tổng Thống Thein Sein đã tuyên bố rằng những thay đổi là không thể đảo ngược và sẽ tiếp tục xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp lâu dài với phe đối lập. Quá trình cải cách này được sự ủng hộ của tầng lớp tướng lĩnh cầm quyền, quan trọng nhất là bộ National Defense and Security Council, với 11 thành viên đứng đầu là Thein Sein và tướng Min Aung Hlaing.[7] Như vậy, quá trình cải cách diễn ra chậm chạp nhưng là kết quả đồng thuận của Hội đồng tướng lĩnh, và giảm thiểu rủi ro của việc xẩy ra một cuộc đảo chính.
Chính phủ Miến Điện đã ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với 6 nhóm vũ trang. Ngày 19-08-2011 Tổng Thống Thein Sein chính thức tiếp bà Suu Kyi và thừa nhận tính hợp pháp của NLD là một sự kiện quan trọng trong quá trình cải cách chính trị. Tại cuộc gặp mặt này,  Tổng thống Thein Sein đã trao đổi và nhất trí với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bốn điểm: 1) Cùng nhau nỗ lực vì hoà bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân; 2) Hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; 3) Nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi; 4) Tiếp tục thúc đẩy mạnh đối thoại. Ngày 04/11/2011, tổng thống Thein Sein đã ký sắc lệnh “Sửa đổi luật đăng ký đảng phái” và theo đó đảng NLD của bà San Suu Kyi được đăng ký và khôi phục vị trí hợp pháp.
Tháng 10/2011, Chính phủ Myanmar quyết định trả tự do cho 6000 tù nhân, trong đó có hơn 200 tù nhân chính trị (trong tổng số 2000 người bị giam về tội bất đồng chính kiến). Việc thả tù chính trị vào 13//1/2012 với những điều kiện kèm theo cho thấy những người tù này có thể bị đưa trở lại vào tù bất kỳ lúc nào do họ hoàn toàn có thể bị kết tội lại. Một vấn đề khác liên quan tới việc thả tù nhân là vai trò của Ủy ban Nhân quyền Miến điện (HRC). HRC được chính quyền Miến Điện thành lập vào 5/09/2011. Vai trò độc lập của HRC đã bị nghi ngờ khi chủ tịch của HRC, Win Mra trả lời phóng viên vào 2/2012 là HRC sẽ không điều tra những nghi vấn về những hành động vi phạm nhân quyền trong các khu vực xung đột vũ trang sắc tộc vì điều này không phù hợp do chính quyền hiện đang nỗ lực đàm phán ngừng bắn.[8] .
Ngày  03 /12 / 2011, Quốc hội Myanmar thông qua luật biểu tình.[9] Luật mới yêu cầu người dân phải xin phép ít nhất là năm ngày trước khi tổ chức biểu tình, và được được đưa vào thực hiện vào 05/07/2012. [10] . Dù vậy, luật biểu tình của Miến Điện đã bị tổ chứa HRW phê phán là chưa theo đúng với tiêu chuẩn quốc tế, khi buộc người dân phải được sự cho phép của chính quyền mới được quyền biểu tình. [11].
Miến Điện đã thực hiện tự do báo chí và cải cách bầu cử. Năm 2011, Miến Điện đứng thứ 191 trong 193 nước được Freedom House xếp hạng tự do báo chí. Trong 2012, Miến Điện đã nới lỏng các quy định kiểm duyệt cho dù chưa có sửa đổi lớn về luật [12]. Một thay đổi khác là Miến Điện đã dỡ bỏ một số rào cản trong việc chặn Internet, ví dụ như BBC, Youtube và một số trang nước ngoài đã vào được tại Miến Điện. Dù vậy, blogspot và wordpress vẫn còn bị chặn.[13] Cuộc bầu cử 1/04/2012 bầu tiếp 45 ghế còn trống trong Quốc hội và Nghị viện liên bang với khoảng 35 đảng tham gia tranh cử, với thắng lợi của đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi (43/45 ghế) cho thấy thành công trong cải cách bầu cử. Dù vậy cũng cần thấy rõ cuộc bầu cử này không tạo ra một mối đe dọa cho chính quyền. Hiến pháp 2008 đảm bảo quyền lực vẫn nằm trong tay phe quân sự với 1/4 ghế.[14]
Tiến triển của tình hình cải cách đã khiến chính quyền ngày 20-08-2012 tuyên bố bãi bỏ việc kiểm duyệt báo chí. Ngày 24-01-2013, chính quyền xóa bỏ các cơ quan kiểm duyệt báo chí. Đây là lần đầu tiên sau 48 năm Myanmar có tự do báo chí. Tháng Tư, 2013: Sau gần 50 năm nhà nước độc quyền báo chí, lần đầu tiên 4 tờ báo do tư nhân điều hành xuất hiện, là một bước tiến lớn tiếp nối với quyết định hủy bỏ chính sách kiểm duyệt báo chí vào tháng Tám năm 2012.
Ngày 16-01-2013 tổng thống Thein Sein tuyên bố bãi bỏ luật đàn áp những người chống chế độ được ban hành từ năm 1996. [15]. Cũng trong tháng 01/2013, chính quyền Miến Điện đã bỏ luật cấm người dân tụ tập quá 5 người tại nơi công cộng.[16] . Reuters dẫn lời của chủ tịch quốc hội Miến Điện - Shwe Mann - cho biết, tổng thống Thein Sein quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tới vào 2015[17]. Trong khi đó bà Aung San Suu Kyi đòi hỏi phải tu chính bản Hiến pháp 2008, với những nhiều đặc quyền chính trị cho quân đội với 25% ghế dân biểu, lại vừa ngăn chặn bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử Tổng thống.[18]
Nhìn chung, quá trình cải cách chính trị đã tạo ra một hệ thống nghị viện chính trị mở và minh bạch hơn. Có thể thấy rõ rằng, chính quyền Miến Điện đã thực hiện những bước đi rõ ràng trong việc xóa bỏ những rào cản truyền thông, dỡ bỏ tường lửa, giảm kiểm duyệt, và tổ chức cuộc bầu cử bổ sung đã đưa NLD vào Quốc hội. Nhưng dường như những bước đi này vẫn chưa đủ khi vẫn chưa có những cải cách thực sự trong hiến pháp, tạo nền tảng cho những thay đổi này trở nên có giá trị hơn.


b. Ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng gây lo ngại cho các tướng lĩnh trong chính quyền.
Trung Quốc đã có mặt tại Miến Điện sau khi Miến Điện bị phương Tây cấm vận vào năm 1990. Miến Điện đã bị cô lập trong hai mươi năm. Vai trò của Trung Quốc được nhắc tới tại Miến Điện như là nhà cung cấp vũ khí chính để đàn áp các dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực dầu khí, sau 2004, 16 công ty quốc doanh Trung Quốc làm chủ 21 dự án khai thác dầu khí lớn. Năm 2006, tổ hợp CNPC được quyền xây dựng hai ống dẫn khí đốt và dầu hỏa, với một tổng trị giá 2,5 tỷ USD, từ cảng Kyaukphyu trong vịnh Bengal đến Côn Minh. Khởi công xây dựng từ tháng 9-2009, sau khi hoàn tất vào năm 2013, ống dẫn dầu dài 1.200 km có khả năng tải 400.000 thùng dầu/ngày và ống dẫn khí đốt dài hơn 2.800 km sẽ chuyển 12 triệu m3/năm vào tỉnh Vân Nam. [19].
Nguồn: Vũ Quang Việt (2013) [20].
Về thủy điện, doanh nhân Trung Quốc gần như chiếm độc quyền xây dựng và khai thác các đập thủy điện trên thượng nguồn các sông Irrawaddy, Salween và Sittang. Cho đến năm 2007, 45 công ty Trung Quốc làm chủ 65 dự án xây đập thủy điện nhằm chuyển toàn bộ điện năng sản xuất sang Vân Nam sau khi hoàn tất.  [21]. Dù vậy, vai trò của Trung Quốc như là nhà tài trợ và đầu tư tại Miến Điện vẫn còn được tranh cãi. Theo nhà tư vấn Vũ Quang Việt (2013), đầu tư nước ngoài trong thời gian này cộng lại chỉ khoảng 16 tỷ trong đó 10 tỷ USD là từ Thái Lan. Vai trò quan trọng của Trung Quốc được các nhà quan sát nhấn mạnh, nhưng chỉ là bán vũ khí và bán hàng hóa rẻ tiền. Đầu tư của Trung Quốc không đáng kể. 40% xuất khẩu của Miến Điện (khoảng 7 tỷ USD) là vào Thái Lan, chủ yếu là bán khí đốt. [22].
Dù vậy, sự lo lắng của nhà cầm quyền quân sự Miến Điện trước ảnh hưởng của Trung Quốc là không còn tranh cãi. Ngoài nguyên nhân lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, việc chính quyền Miến Điện tìm cách nối lại quan hệ với phương Tây còn do những hành động lôi kéo các sắc tộc thiểu số tại hai bang vùng biên giới với Trung Quốc là Kachin và Shan. Năm 2004, chính quyền Miến Điện đã bắt Thủ tướng đương nhiệm và cũng  là cựu Giám đốc tình báo, Trung tướng Khin Nyunt, nhân vật số 3 trong chính quyền quân đội về tội phản bội quốc gia vì Trung Quốc. [23]. Quyết định vào tháng 9, 2011 của tổng thống Thein Sein hủy bỏ hợp đồng thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy, với tổng đầu tư 3,6 tỷ USD do công ty Asia World Company - giám đốc là Tun Myint Naing (Steven Law), con trai ông trùm Khun Sa đã ký với tập đoàn điện lực China Power Investment, Trung Quốc chỉ với mục đích duy nhất là cung cấp điện cho Trung Quốc. Hiện nay đầu tư của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn tại Miến Điện, ví dụ như mỏ đồng Monywa (vì tranh chấp đền bù giải tỏa); bỏ cuộc đấu thầu vào điên thoại di động năm 2013, dự án đường sắt nối liền Côn Minh với cảng ở vịnh Bengal cũng bị xếp xó.  [24].
Miến Điện muốn cân bằng lại quan hệ của họ, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, bằng quan hệ với Phương Tây. Các nước phương Tây cũng nhìn thấy các cơ hội cho kinh doanh và một lối vào Miến Điện rất bất ngờ, nhằm ngăn lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại nơi Bắc Kinh từng cho là sân sau của mình. Miến Điện đã đón tiếp Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. ASEAN đã trao quyền chủ tịch năm  2014 cho Miến Điện. Mỹ đã khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao sau 22 năm, và sau đó là EU và Anh đã giảm bớt các biện pháp trừng phạt đầu tư và tài chính vào tháng 5/2012. Nhật, ADB tuyên bố xóa nợ cho Miến Điện, Mỹ viện trợ, WB cũng tuyên bố cho Miến Điện vay phát triển, cùng các khoản đầu tư của các nước phương Tây đổ vào Miến Điện.


c. Xung đột sắc tộc là một lực cản trong quá trình cải cách chính trị
Xung đột sắc tộc luôn là một thách thức tại Miến Điện. Các dân tộc thiểu số đều tập trung ở vùng phía Bắc, tiếp giáp với Trung Quốc. Miến Điện và Trung Quốc có một đường biên giới dài 2185 km, tại hai bang Kachin và Shan (người Shan có dân số 5,6 triệu, người Karen 4,3 triệu). Tháng 12/ 2011, Chính phủ đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với một nhóm người sắc tộc thiểu số có vũ trang, nhóm Quân đội Quốc gia Miền nam Shan, theo nguồn tin của nhóm Myanmar Egress.[25]  Quân chính phủ và nhóm Kachin vẫn còn ở trong tình trạng đánh nhau. Tháng Giêng và Hai, 2013, quân đội Miến Điện mở một cuộc tấn công bao vây vùng Laiza, một thành phố lớn nhất được kiểm soát bởi nhóm nổi dậy Kachin gần biên giới Trung quốc, làm tan vỡ chương trình ngừng bắn của chính quyền. Chính quyền Miến Điện và quân nổi dậy tiến tới thỏa thuận ngưng chiến và bắt đầu đối thoại chính trị, sau cuộc thương lượng được Trung Quốc bảo trợ ở thành phố Ruili, phía nam Trung quốc. Vào ngày 2 tháng 1, 2013, Miến Điện xác nhận rằng phi cơ đã được sử dụng để tấn công nhóm Kachin.
Hai nhóm Kachin và Shan đang dựa vào Trung Quốc để đòi hỏi quyền tự trị. Đây cũng là một mâu thuẫn và thật mỉa mai khi Trung Quốc hiện đang đàn áp những người Tây Tạng và Tân Cương.[26] .
Các cuộc đàm phán hòa bình với nhiều nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang tại Miến là một trong những đòi hỏi then chốt mà các nước phương Tây đưa ra nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận .[27]
Ngoài ra, Miến Điện đang gặp phải những vấn đề về chủng tộc và tôn giáo. Ngày 22.3.2013, tổ chức Human Rights Watch đã công bố một bản phúc trình dày 153 trang nói về thảm họa này. Bản phúc trình có đầu đề là “Tất Cả Những Gì Các Bạn Có Thể Làm Là Cầu Nguyện": Tội Ác Chống Nhân Loại và Diệt Chủng đối với người Hồi Giáo Rohingya ở Bang Arakan của Miến Điện”. [28]  và “Miến Điện: chấm dứt "diệt chủng” người Hồi Giáo Rohingya”. [29]. Human Rights Watch cho thấy 800 cơ sở hạ tầng và nhiều khu vực trong thành phố Meiklita bị tàn phá trong đợt bạo động từ ngày 20 đến 22.3.2013, và ước lượng khoảng 450.000 người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nơi cư trú của họ. Tháng Tám, 2012, Tổng thống Thein Sein thành lập một ủy ban điều tra vụ bạo động xảy ra giữa nhóm Phật giáo Rakhine và Hồi giáo Rohingya thuộc vùng phía tây Miến Điện với khoảng vài chục người thiệt mạng.


2. Dự báo trung hạn
Dù vậy, cũng có những nghi ngờ về động cơ cải cách của chính quyền Miến Điện chỉ muốn hài lòng phương Tây và để dỡ bỏ cấm vận, và tìm mọi cách duy trì quyền lực và không muốn thay đổi sang một thể chế dân chủ thật sự. Miến Điện vẫn là một chế độ độc tài quân sự. Các vị tướng dù còn đang phục vụ hay đã về hưu kiểm soát tất cả các cơ quan quan trọng, còn hiến pháp thì đảm bảo cho quân đội thống trị. Tuy nhiên, dường như có điều gì đó sâu sắc đang thay đổi, mặc dù điều này không – hoặc chưa – phải là quá trình chuyển đổi triệt để sang nền dân chủ. Trong bài phát biểu tại Oslo vào tháng 6/2012 bà Aung San Suu Kyi đã nói rằng những thách thức chính vẫn còn ở phía trước, bao gồm vấn đề về hệ thống nghị viện, sắc tộc và nhân quyền.
Tiến trình cải cách của Miến Điện đang được thúc đẩy nhưng rất mong manh, hiện giờ khó có thể nói rằng quá trình này có thể dẫn tới dân chủ hóa thật sự hay chỉ là một vỏ bọc của một chính quyền chuyên chế. Động lực đứng sau những cuộc cải cách là Tổng Thống mới và những thành phần cấp tiến trong  đảng cầm quyền Liên minh vì đoàn kết và phát triển (USDP). Họ cũng phải đối mặt với những chống đối của thành phần bảo thủ trong chính đảng này. Do vậy, con đường dẫn tới dân chủ là con đường khó khăn và rất nguy hiểm.
 Quá trình này là quá trình đấu tranh giữa các bên như phe quân đội trong chính quyền Miến Điện có thể chấp nhận cải cách chính trị ở mức còn giữ được những quyền lợi của họ trong chính quyền mới và những khao khát dân chủ của đại đa số người dân. Bên cạnh đó là những tính toán của các nước phương Tây như Mỹ, EU và cả những con bài sắc tộc của Trung Quốc được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc tại Miến Điện. Ngoài ra, còn những nỗ lực phi thường của lực lượng dân chủ đang phải đấu tranh nghị trường để từng bước thực hiện quá trình cải cách chính trị. Lực lượng dân chủ tại Miến Điện có một lợi thế là đã có kinh nghiệm trong khoảng 10 năm từ 1948 tới 1958 là một nước dân chủ nghị viện dựa trên hiến pháp Anh quốc. Hơn nữa, người dân Miến Điện thành thạo tiếng Anh nên dễ dàng tiếp thu những khái niệm và tư tưởng dân chủ.
Đất nước Miến Điện đã may mắn có được 2 người lãnh đạo xuất sắc cùng hợp tác để đưa nước này thoát ra khỏi chế độ chuyên chế cũng như sự phụ thuộc vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cả hai cùng thoát ra khỏi những nghi ngại và cùng nhau thúc đẩy một sự khởi đầu cho quá trình dân chủ hóa tại Miến Điện. Cả Tổng Thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đều ở trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn và Tổng Thống Thein Sein còn được Straits Time (Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012.
Dù vậy, nỗ lực của Tổng Thống Thein Sein và thiện chí của bà Aung San Suu Kyi liệu có vượt qua được những thách thức rất lớn phía trước như vấn đề sắc tộc, tôn giáo đang nổi lên và tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách. Bà Aung San Suu Kyi đã chấp nhận một sân chơi không bình đẳng với quyền lực thuộc về chính quyền quân phiệt và phải nỗ lực bảo vệ những thành quả dân chủ nhỏ bé mới đạt được, như khoảng hơn 700 tù chính trị mới được tha từ 10/2011 đến 1/2012, tự do thông tin đã được nới lỏng, chế độ kiểm duyệt cũng như hệ thống tường lửa đã được dỡ bỏ, hệ thống báo chí cũng được phép đăng tin các hoạt động của phe đối lập. Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia (NHRC) của Miến Điện cũng được thành lập, luật mới cũng đã cho phép biểu tình, đình công và thành lập công đoàn. Tuy rằng những luật mới vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và bị chỉ trích nhưng cũng là thành công bước đầu khi chính quyền Miến Điện chấp nhận những quy định về nhân quyền. Hơn nữa, Tổng Thống mới đã chấp nhận đối thoại với cả phe đối lập chính trị và các nhóm sắc tộc thiểu số.
Có thể nói chính quyền Miến Điện đã chủ động tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập của thế giới và sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng việc chấp nhận đi trên con đường dân chủ hóa và thực hiện cải cách chính trị. Tiến trình này đã được sự chấp nhận hợp tác của phe đối lập là đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia của bà Aung San Suu Kyi. Như vậy quá trình này cũng là  là quá trình hòa giải dân tộc. Dù vậy, khó khăn phía trước còn nhiều và quá trình dân chủ hóa tại Miến Điện vẫn còn rất mong manh./.



Tài liệu tham khảo:

AFP. (2012, Feb 15). No Probe into ethnic Abuse: Rights Body. Democratic Voice of Burma. truy cập 5 /09 /2012 tại http://www.dvb.no/news/no-probe-into-ethnic-abuse-burma-rights-body/20255

All You Can Do is Pray, (2013, Apr 04). HRW.

Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu cải tổ hiến pháp (2013, Nov 27) VOA.

Burma: End ‘Ethnic Cleansing’ of Rohingya Muslims, (2013, Apr 22). HRW.

Burma: New Law on Demonstrations Falls Short, (2012, Mar 15). HRW, truy cập 11/09/2013 tại http://www.hrw.org/news/2012/03/15/burma-new-law-demonstrations-falls-short

Freedom of expression and opinion in Myanmar: Still a Long way to Go, (2012, Jan 23). Burma Partnership, Chiang Mai, p.2. truy cập 13/09/2013 tại http://www.burmapartnership.org/2012/01/freedom-of-expression-and-opinion-in-burma-still-a-long-way-to-go/

Has China Lost Myanmar? , (2013, Jan 15). Foreign Policy,

Htet, T.L.Z. (2013, Nov 01). Military MP says Army Chief could become candidate for President. The Irrawaddy.

Miến Điện hủy đạo luật từng được dùng để đàn áp đối lập, (2013, Jan 16). VOA

Miến Điện ra luật biểu tình. (2011, Dec 03). BBC. truy cập 11/09/2013 tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/12/111203_burma_protest_law.shtml

Ministry enacts protest by-laws, (2012, Volume 32, No. 635 July 16 – 22). Mmtimes, truy cập 11/09/2013 tại http://www.mmtimes.com/2012/news/635/news63509.html

Mow, W. (2010, May 05). Tight Censorship on Reporting USDP. BurmaNet News, truy cập 10 /9 / 2013 tại http://www.burmanet.org/news/2010/05/05/irrawaddy-tight-censorship-on-reporting-usdp-wai-moe/

Myanmar bỏ luật cấm người dân tụ tập. (2013, Jan 3). Tuổi Trẻ.

Myanmar constitution, art.74(a), 109(b), Naypyitaw, September 2008. Government of Myanmar.

Myanmar president will not seek second term: party. (2013, Aug 24). Reuters.

Nguyễn Văn Huy. (2012, Mar 20). Miến Điện nhìn từ trong ra ngoài. BBC. truy cập 15/09/2013 tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120320_burma_ethnics_powers.shtml

Realpolitik and the Myanmar Spring. (2011, Nov 30). Foreign Policy.

The New Light of Myanmar, (2011, Dec 11), Myanmar. truy cập 12/09/2013 tại http://www.myanmar.cm/newspapers/the-new-light-of-myanmar.html

Vũ Quang Việt (2010, Nov 01). Đông Nam Á qua một chuyến đi. Diễn Đàn. truy cập 11/09/2013 tại http://www.diendan.org/the-gioi/111ong-nam-a-qua-mot-chuyen-111i

Vũ Quang Việt (2013 Aug 13). Vài nét về kinh tế & chính trị Myanmar. Diễn Đàn. truy cập ngày 1/09/2013 tại http://www.diendan.org/the-gioi/vai-net-ve-kinh-te-chinh-tri-myanmar



[1]      Trong những năm 1960s, Miến Điện là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á, thu nhập theo đầu người trong năm 1960 là $670 - hơn gấp 3 mức của Indonesia, hơn gấp đôi mức của Thái Lan, và thấp hơn Philippines một chút (Booth 2003). Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 08-08-1988 do nhóm các tướng lĩnh trong Hội đồng Quốc gia phục hồi Luật pháp và Trật tự (SLORC) chỉ huy quân đội thực hiện, nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân đòi dân chủ. Hàng trăm sinh viên, nhà sư và những người chống đối khác đã bị giết, và bị cầm tù.
[2]      Bao gồm EU, Mỹ, Canada, Nauy và Úc.
[3]                  Hội đồng Quốc gia Vãn hồi Trật Tự và Luật pháp - State Law and Order Restoration Council (SLORC)
[4]               Đàn áp năm 1988, xóa bỏ kết quả bầu cử 1990 và vi phạm nhân quyền (tàn sát và bỏ tù những người chống đối, sử dụng trẻ em trong quân đội và lao động trẻ em…)
[5]      Mow, W. (2010, May 05).
[6]      Realpolitik and the Myanmar Spring. (2011, Nov 30). Foreign Policy.
[7]      Htet, T.L.Z. (2013, Nov 01).
[8]      AFP. (2012, Feb 15).
[10]     Ministry enacts protest by-laws, (2012, Volume 32, No. 635 July 16 – 22). Mmtimes.
[12]     Xem những sửa đổi Luật Báo chí và TV vào tháng 4/2011, St Media and TV nới lỏng kiểm duyệt trong thời đại mới. The New Light of Myanmar, (2011, Dec 11). Myanmar.
[13]     Freedom of expression and opinion in Myanmar: Still a Long way to Go, (2012, Jan 23). Burma Partnership, Chiang Mai, p.2.
[14]     Myanmar constitution, art.74(a), 109(b), Naypyitaw, September 2008. Government of Myanmar.
[19]     Nguyễn Văn Huy. (2012, Mar 20). Miến Điện nhìn từ trong ra ngoài. BBC.
[20]     Vũ Quang Việt (2013 Aug 13). Vài nét về kinh tế & chính trị MyanmarDiễn Đàn.
[21]     Nguyễn Văn Huy. (2012, Mar 20). Miến Điện nhìn từ trong ra ngoài. BBC.
[22]     Vũ Quang Việt (2010, Nov 01).  Đông Nam Á qua một chuyến đi. Diễn Đàn.
[23]     Nguyễn Văn Huy. (2012, Mar 20). Miến Điện nhìn từ trong ra ngoài. BBC.
[24]     Vũ Quang Việt (2013 Aug 13). Vài nét về kinh tế & chính trị MyanmarDiễn Đàn.
[26]     Has China Lost Myanmar? , (2013, Jan 15). Foreign Policy,

Tổng số lượt xem trang