Đứng trước bao nhiêu xung đột trên thế giới, nhiều quốc gia đã khéo léo sớm tìm cho mình một con đường đi riêng để thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực hùng mạnh, một trong các nước đó là Mông Cổ.
Mông Cổ là một quốc gia Trung Á giáp với Nga về phía bắc và Trung Quốc về phía nam, đông và tây. Với diện tích rộng lớn đứng hàng thứ 19 trên thế giới (1.564.115km²) nhưng dân số chỉ khoảng 3 triệu người, Mông Cổ trở thành nước có mật độ dân cư thấp nhất hành tinh.
Phần lớn đất đai Mông Cổ không thể trồng trọt được, chủ yếu là thảo nguyên, đồi núi và sa mạc, tổng sản lượng quốc gia ước tính chỉ 10,2 tỉ USD, nhưng nhờ dân số ít nên GDP đầu người lên đến 3.627 USD, cao hơn chúng ta (hiện chỉ mới 931 USD). Thủ đô Ulan Bator là thành phố lớn nhất của Mông Cổ, nơi sinh sống của gần 38% dân số.
Đường phố Ulan Bator ngày nay |
Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn gây chiến tranh từ Á sang Âu và dựng nên đế quốc Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới. Tiếp theo, người cháu là Hốt Tất Liệt chinh phục Trung Quốc lập ra nhà Nguyên vào năm 1271.
Sau khi nhà Nguyên sụp đổ, người Mông Cổ rút về chính quốc và thường xảy ra những cuộc tranh chấp biên giới với Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ XVII, toàn bộ Mông Cổ chịu sự cai trị của triều đình Mãn Thanh đang làm chủ Trung Quốc thời bấy giờ. Vào năm 1911, nhà Thanh bị Cách mạng Tân Hợi khai tử, Mông Cổ tuyên bố độc lập, chấm dứt 220 năm lệ thuộc Mãn Thanh – Trung Quốc.
Năm 1921, dưới sự bảo trợ của Liên Xô, Mông Cổ chính thức tách khỏi Trung Quốc, xây dựng mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa. Mãi đến năm 1945, Mông Cổ mới được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập với tên gọi Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.
Vào năm 1990 do tác động của trào lưu cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu khiến các nước XHCN châu Âu tan rã, Mông Cổ bắt đầu tiến trình dân chủ hóa, cải tổ kinh tế, chính trị, xây dựng một thể chế đa đảng.
Bản Hiến pháp công bố ngày 13/1/1992 minh xác những quyền tự do căn bản, tôn trọng nhân quyền, công lý và đoàn kết dân tộc, đưa Mông Cổ chuyển sang thể chế Cộng hòa đại nghị và kinh tế thị trường. Hiện nay Mông Cổ có 18 chính đảng trong đó đảng Nhân dân Mông Cổ có truyền thống lãnh đạo lâu đời nhất đang chiếm ưu thế.
Sống bên cạnh một nước nhiều tham vọng bá quyền, người Mông Cổ vẫn giữ mối nghi ngờ, lãnh đạm với Trung Quốc, kể cả với người Mông Cổ đã bị Hán hóa sinh sống tại khu tự trị Nội Mông thuộc Trung Quốc. Điều này được biểu hiện rõ nét qua luật lệ khắt khe, định mức số lượng người Hoa thường trú tại Mông Cổ.
Để giữ thế tồn tại với người láng giềng khổng lồ phía nam, hầu hết người dân Mông Cổ đều hiểu rằng một số kết thân về kinh tế với Trung Quốc là việc chẳng đặng đừng, vì thế họ luôn luôn cảnh giác và giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc trong mọi hoạt động.
Có vị trí địa chính trị quan trọng giữa hai nước lớn Nga và Trung Quốc, Mông Cổ chủ trương chính sách Người Láng giềng Thứ ba (Third Neighbor Policy), vươn cánh tay giao thiệp với những quốc gia khác trên thế giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự.
Trong bối cảnh chính trị phức tạp tại nhiều điểm nóng của thế giới hiện nay, Mông Cổ cũng mong muốn Nga và Trung Quốc có sự giao hảo tốt đẹp để không bị vạ lây hoặc bị áp lực lôi kéo về một phía, phá vỡ chính sách độc lập và tự chủ.
Trong thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ XXI, Mông Cổ lo âu bị tràn ngập bởi cơn hồng thủy di dân Trung Quốc, đây sẽ là một cuộc xâm lăng không cần tiếng súng nhưng có khả năng xóa bỏ đất nước.
Chỉ cần nhìn qua khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc gồm khoảng 4 triệu người Mông Cổ đang bị vây quanh với hơn 20 triệu người Hán cũng có thể tiên liệu được nguy cơ diệt chủng. Vì vậy, các tầng lớp dân chúng và chính quyền luôn luôn bày tỏ thái độ phải giữ một khoảng cách với Trung Quốc đồng thời cố gắng điều hòa sự giao dịch với nước này ngang tầm mức liên hệ với Nga trong sự phát triển y tế, giáo dục… và cả quan hệ làm ăn.
Khai thác ở mỏ than Coke, Tavan Tolgoi |
Chính sách Người Láng giềng Thứ ba đã tỏ ra có hiệu quả trong cố gắng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Điển hình là trường hợp khai thác mỏ than Coke tại Tavan Tolgoi ở biên giới Mông – Trung.
Đầu tiên, xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc Shen Shua muốn chiếm phần chủ quản nhưng người Mông Cổ chỉ muốn Trung Quốc giữ phần thứ yếu, dành ưu thế cho xí nghiệp Tây phương (Công ty Mỹ Peabody Energy).
Giới quân sự Mông Cổ cũng biết rằng họ không đủ sức đánh trả nếu Trung Quốc gây sự, vì vậy trong những năm gần đây họ nhắm đến những phong trào hoạt động bảo vệ hòa bình ở hải ngoại và kết chặt giao hảo với những quốc gia khác.
Kể từ 2003, được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, hằng năm Mông Cổ chủ trì tổ chức cuộc diễn tập quân sự với nhiều quốc gia thân hữu mang tên Khaan Quest. Năm 2013, tại cuộc diễn tập kỷ niệm lần thứ 10 diễn ra từ ngày 3 đến 14/8 có sự tham dự của 14 quốc gia gồm Mông Cổ, Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Hàn Quốc, Tajikistan, Anh, Việt Nam. Ngoài ra, các nước Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan đều gởi quan sát viên.
Do quán tính cảnh giác, người Mông Cổ cố gắng tự cung ứng trong nhiều lĩnh vực và gây áp lực buộc chính quyền đi theo khuynh hướng này. Năm 2009 sau khi biết tin chính quyền dự tính vay 3 tỉ USD từ Trung Quốc để điều hòa những tác động do sự suy thoái của kinh tế thế giới, tất cả phương tiện truyền thông đại chúng đều đồng loạt chống đối, lên án chính quyền đã bán rẻ tương lai con cháu.
Ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc đối với Mông Cổ là sự trao đổi thương mại, trong đó 70% xuất khẩu là sản phẩm thiên nhiên cung cấp năng lượng hoặc nguyên vật liệu cho các nhà máy ở Trung Quốc.
Tương tự như ở Việt Nam, sự đầu tư của cá nhân hoặc xí nghiệp Trung Quốc vào Mông Cổ chủ yếu là đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực khoáng sản và xây dựng. Trong thập niên vừa qua, hơn 2/3 vốn FDI trong số tiền 2,5 tỉ USD đến từ Trung Quốc so với 200 triệu USD đến từ Mỹ.
Để thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Mông Cổ đang tiến hành phát triển quan hệ ngoại giao sâu đậm với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản đồng thời cũng phát triển thương mại tương xứng với Mỹ trong tương lai gần.
Chính quyền và các tầng lớp dân chúng Mông Cổ quan niệm rằng Hoa Kỳ là quốc gia thích hợp nhất giữa những quốc gia đang giao thiệp với Mông Cổ trong chính sách Người Láng giềng Thứ ba.
Hiện nay quốc gia Mông Cổ vẫn ở giữa hai gọng kềm Nga và Trung Quốc, tuy nhiên người Mông Cổ vẫn đầy đủ bản lĩnh vươn lên ngang tầm thời đại với tư tưởng tự do dân chủ.
Hiến pháp hiện hành của Mông Cổ gồm 70 điều, bao gồm những quy định khuôn mẫu của một xã hội văn minh. Lời mở đầu của Hiến pháp này là một minh chứng về ý chí sinh tồn và sự trưởng thành của một dân tộc đã từng trải qua những vinh quang lẫn cay đắng:
Chúng tôi, nhân dân Mông Cổ:
Giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc,
Trân quý nhân quyền, tự do, công lý và đoàn kết dân tộc
Nối tiếp truyền thống tình nghĩa dân tộc, lịch sử và văn hóa,
Tôn trọng những thành quả của văn minh nhân loại,
Và hướng đến mục tiêu tối thượng là xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, nhân bản trong toàn quốc.
Trân quý nhân quyền, tự do, công lý và đoàn kết dân tộc
Nối tiếp truyền thống tình nghĩa dân tộc, lịch sử và văn hóa,
Tôn trọng những thành quả của văn minh nhân loại,
Và hướng đến mục tiêu tối thượng là xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, nhân bản trong toàn quốc.
Ngôi nhà đặc trưng của người Mông Cổ |
Người Mông Cổ từ trước tới nay vốn sống trên một kho than đá, đồng và vàng khổng lồ. Những tài nguyên quý giá ấy đang thay đổi số phận và hình ảnh của đất nước vốn gần như chẳng có gì.
Để có được điều này, một phần nhờ vào nhu cầu khoáng sản không ngừng tăng của láng giềng Trung Quốc. Việc xuất khẩu khoáng sản đã giúp Mông Cổ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Với người dân địa phương, thủ đô Ulan Bator của họ, nơi cư trú của một nửa trong số 2,7 triệu dân Mông Cổ, đã trở thành nơi kết hợp giữa niềm hy vọng và nỗi lo sợ. Giữa các khu nhà chung cư đổ nát và những tòa cao ốc đang mọc lên, đang nổi lên một cuộc tranh luận dữ dội về tác động của việc khai thác khoáng sản giữa những người mong muốn giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và những người muốn đưa đất nước phát triển nhanh chóng.
Dù có tán thành hay không, phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp khai khoáng đang thay đổi Ulan Bator. Vài năm trở lại đây, người dân đã khó có thể thấy được đường chân trời ở thành phố, do ảnh hưởng của những tòa cao ốc.
Ulan Bator vừa hoàn thành việc xây dựng công trình cao nhất thành phố, tích hợp hệ thống khách sạn với mức giá 300 USD cho một đêm. Tòa tháp này hướng ra quảng trường Soukhe Bator, trung tâm kinh tế và chính trị của đất nước, được bao quanh bởi rất nhiều công trình quan trọng như tòa nhà Quốc hội, Trung tâm Chứng khoán và trụ sở Tập đoàn Khai khoáng.
Bên kia đường, một trung tâm mua sắm mới được mở cửa với tên những thương hiệu nổi tiếng như Burberry và Armani. Nếu không nhờ khai khoáng, nơi này vẫn sẽ không thay đổi so với 50 năm trước đây. Năm nay, công nhân viên chức nước này được tăng lương tới 50%.
Sự bùng nổ kinh tế của Mông Cổ cũng giống như một nam châm hút những người từng rời bỏ đất nước tha phương cầu thực mười mấy năm về trước. Ngày nay nhiều người trong số họ đã quyết định trở về quê hương và nhanh chóng có được công việc mới tại các công ty khai khoáng.
Ai không thấy tiềm năng ở Mông Cổ thì rõ ràng đó không phải là một nhà kinh doanh đúng nghĩa. Gần đây đã xuất hiện một tầng lớp đi xe hơi hạng sang, dùng túi xách Louis Vuitton và sở hữu tác phẩm nghệ thuật đắt giá.
Saurabh Sinha, một nhà kinh tế học tại Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc ở Ulan Bator, nhận định: “Mông Cổ đang ở ngã ba đường. Liệu chính phủ sẽ sử dụng việc khai thác tài nguyên một cách vững mạnh và lâu dài để cải thiện cuộc sống của người dân trên khắp đất nước, hay sẽ trở thành một Nigeria thứ hai với hiểm họa môi trường”.
Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/quoc-te/kinh-te/2014/06/1082122/mong-co-tim-cach-thoat-khoi-anh-huong-cua-trung-quoc/