Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Chuyện một người Đan Mạch tự xây cầu tại Việt Nam mà vẫn trắng tay

-Những tấm lòng lớn và những cái đầu nhỏ
Vũ Xuân Tráng
(Trích Facebook Tiến sỹ Nguyễn Đông Hải - một đồng nghiệp tại Đại học Sư phạm TP.HCM)
Vợ chồng ông bà Ken và Pat
Một đôi vợ chồng người Mỹ – Ken và Pat – đã quyết định dùng toàn bộ số tiền họ dành dụm được trong cả đời mình để làm một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam. Kết quả là một thư viện khang trang trị giá hơn 50 ngàn USD mọc lên trên vùng đất Bồng Sơn còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Định. Với sự háo hức muốn nhìn thấy công trình của cả đời mình đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho trẻ em Việt Nam, hai vợ chồng vừa sang VN dự lễ khánh thành thư viện, để rồi hôm nay họ lên máy bay trở về Mỹ với hai chữ "very disappointed" và câu nhận xét "they have small minds".

Ken là một cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến VN. Ông là lính trực thăng ở khu vực Bồng Sơn – Bình Định trong những năm 1969 – 1970. Hai năm chiến đấu ở đó đã để lại nhiều kỷ niệm giữa ông và mảnh đất này. Nay ông trở lại với tư cách một thành viên của "The Library of Vietnam Project" nhằm xây dựng một thư viện và trung tâm học tập cộng đồng (mà ông gọi là "library and learning center") cho trẻ em và người dân Bồng Sơn, vợ chồng ông là nhà tài trợ chính. Kinh phí dự kiến ban đầu là 35.000 USD, nhưng sau đó đã được đẩy lên tới 58.000 USD, trong đó vợ chồng ông hứa tài trợ 48.000 USD, hơn cả khoản tiền hai người dành dụm được và dự định dùng cho công việc từ thiện. Bà Pat đã quyết định không mua xe hơi mới thay cho chiếc xe cũ của bà để dành tiền xây thư viện. Ngày khánh thành thư viện 9/12/2011 đã được xác định từ một năm trước, và vợ chồng ông luôn coi đó là một mốc thời gian rất có ý nghĩa với họ. Ông Ken nói với vợ rằng dịp này ông sẽ dẫn bà sang thăm VN và xem "chiếc xe hơi mới" của bà ở Bồng Sơn.
Hai vợ chồng đến VN ngày 3/12 và đã tham gia chuyến khám bệnh từ thiện của Từ thiện Minh Tâm tại Bến Tre ngày 4/12 và họ thực sự thích thú khi tiếp xúc những con người VN hiền hòa, hiếu khách nơi đó, cũng như khâm phục tinh thần làm việc vì cộng đồng của các thành viên Từ thiện Minh Tâm. Sau đó họ bay ra Bồng Sơn dự lễ khánh thành thư viện. Chiều 14/12, mình đã mời họ một buổi café như một lời chào tạm biệt trước khi họ về Mỹ ngày 15/12. Không ngờ, cuộc gặp mặt lần này lại là dịp để họ trút ra những nỗi bức xúc và thất vọng mà họ trải qua ở Bồng Sơn.
Dưới đây là những điều Ken và Pat kể lại với mình.
- Đặt chân đến Bồng Sơn, họ vô cùng bất ngờ khi thấy tấm bảng "Trường Tiểu học Bồng Sơn" nằm chễm chệ trên tòa nhà mà lẽ ra phải là thư viện. Ken và Pat muốn đặt tên cho thư viện này là "Bong Son – Lucky Star Library and Learning Center" vì Lucky Star chính là đơn vị mà Ken phục vụ thời chiến tranh. Chính quyền địa phương đã tự ý đổi tên và đổi cả chức năng của tòa nhà mà không hề báo một lời với vợ chồng ông – những người đã bỏ tiền xây nên tòa nhà đó – chưa nói đến việc xin ý kiến của vợ chồng ông. Ken nói với mình "I paid for it, but they changed the name. I want my money back".
- Lãnh đạo Phòng Giáo dục Bồng Sơn, người mà ông đã làm việc trực tiếp trong quá trình xây thư viện, đã không có mặt trong buổi lễ khánh thành thư viện (đã được xác định từ 1 năm trước) với lý do… bận họp. Ken nói, ông không thể hiểu vì sao họ lại họp đúng vào thời điểm mà đã được chọn từ trước cho việc khánh thành thư viện.
- Ken và Pat cảm thấy như họ là những vị khách không mời mà tới trong buổi lễ khánh thành thư viện do chính họ tài trợ xây dựng. Ken nói, khi tôi đến tài trợ xây thư viện, họ tay bắt mặt mừng, cảm ơn rối rít, rồi sau khi nhận tiền và xây thư viện xong, họ "bye bye" như thể tôi đã hết nhiệm vụ ở chỗ này. Không hề có một dòng chữ ghi ơn hai vợ chồng trong thư viện, mà chỉ có một tấm bảng ghi chung chung là "món quà của người Mỹ dành cho người dân Bồng Sơn". Ken bảo ông không biết sau khi ông đi rồi họ có gỡ bỏ tấm bảng này không nữa.
- Ngoài việc nâng kinh phí từ 35.000 USD lên 58.000 USD, họ còn "vòi vĩnh" thêm 20.000 USD để trang bị phòng máy tính cho thư viện. Vợ chồng ông cũng nghĩ đến việc sẽ vận động tài trợ khoản này, thậm chí ông còn lên kế hoạch cho những chương trình dạy tiếng Anh qua mạng cho học sinh Bồng Sơn do nhóm ông thực hiện. Nhưng với những gì đã diễn ra, Ken khẳng định "Everything is finished. Now". Ông nói với mình rằng ông quá thất vọng về những con người đó và đừng hòng có thêm một đồng tài trợ nào từ ông, mà thật sự ông cũng chẳng còn tiền vì đã trút hết vào dự án này. Ông nói rằng ông đến VN với thiện chí không chỉ xây dựng thư viện mà còn để tạo mối quan hệ giữa hai bên cho những sự hợp tác sau này. Thế nhưng cái người ta cần ở ông chỉ là tiền mà thôi. Ông kết luận "I value the relationship with them, but they have small minds".
Điều đáng trân trọng ở Ken và Pat là họ không vì những chuyện này mà mất đi tình cảm và hình ảnh đẹp về con người VN trong lòng họ. Khi tôi nói lấy làm tiếc về "bad experience" họ đã trải qua, họ đã sửa lại "chúng tôi không coi đó là khoảng thời gian tồi tệ. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhưng với những người không tốt. Tôi không nghĩ người VN là như vậy".
Cảm ơn Ken và Pat về tấm lòng và những việc làm của hai người dành cho người dân VN. Tạm biệt và hẹn gặp lại trong một ngày không xa.

-Chuyện một người Đan Mạch tự xây cầu tại Việt Nam mà vẫn trắng tay
10/06/2014
Họ là đôi vợ chồng già, chồng người Đan Mạch – vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam. Thế nhưng, cuộc đời họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý, thậm chí họ còn bị người Việt lừa trắng tay, giờ phải sống trong một ngôi nhà xây tạm bợ. Nhiều người không biết tới họ nhưng vẫn đi qua những cây cầu họ đã xây, Sống Mới đã được sự đồng ý của facebooker Tung Xich Lo – người đã chia sẻ những thông tin về cặp vợ chồng Kurt Lender Jensen - Ngọc Nhung (Sang) trên trang mạng xã hội - để gửi tới bạn đọc câu chuyện về những con người, dù không mang dòng máu Việt nhưng vẫn nhiệt tâm với nước Việt.
Ông Kurt trên mảnh đất sa mạc gần QL1.
Lần đầu tiên, tôi gặp ông Kurt và bà Nhung là qua sự hướng dẫn của ông anh tôi khi anh giới thiệu về họ: “cặp vợ chồng này có chung 1 trái tim tốt”, Tùng nên đến thăm họ. Trong nhiều năm qua, tại Đan Mạch, ông Kurt và bà Nhung đã được nhiều người dân Đan Mạch biết đến khi họ khởi đầu xây một cây cầu treo tại khu vực trồng cà phê, thuộc Bảo Lộc, Lâm Đồng bằng chính công sức và sự cần cù của họ.
Tác giả bài viết - Tùng Xích Lô - người đã từng đạp xe xích lô xuyên Việt bên cạnh ông bà Kurt - Sang

Hành trình xây cầu chỉ bằng sự trợ giúp
Theo lời ông Kurt kể lại cho tôi, chyện xây cầu xuất phát từ một lần về thăm quê hương vợ, có người nhờ ông gắn giúp lại vài tấm ván cho chiếc cầu treo. Thoạt đầu nhìn chiếc cầu cũ kỹ, ông đã thốt lên rằng ông hoàn toàn có khả năng làm một cây cầu treo mới, còn chiếc cầu cũ như hiện tại thì vô phương sữa chữa. Lúc ấy ông nghĩ, chắc mọi người đều nghĩ “ông ta nói phét lác”. Nhưng ông Kurt đã bắt tay vào làm đúng như lời nói của mình.

Trở lại Đan Mạch, ông đã tích cực liên lạc với nhiều chuyên gia để xin vật liệu xây cầu. Công ty đầu tiên nhận giúp đỡ là một công ty sản xuất dây cáp, họ đã trả lời ngay lập tức rằng sẵn sàng trợ giúp mớ dây cáp ông cần dùng. Nhưng cáp của họ lại bọc nhôm, không có sự co giãn, e là không thích hợp cho việc làm cầu treo. Cùng lúc đó, ông lại được một người bạn thân cung cấp cho ông một thông tin quan trọng: Hệ dây cáp căng giữa các tuyến cao tốc của Đan Mạch đang được tháo bỏ vì quá nguy hiểm. Thế là ông Kurt bắt tay liên lạc với sở đường bộ. Họ kết nối ông với một công ty đang thi công tháo gỡ của Đức. Công ty này đã không ngần ngại cho ông lấy những gì ông muốn.

Tuy nhiên, để cuộn những sợi dây cáp lại, ông phải liên lạc với một cơ sở điện lực tại địa phương. Sau khi nghe ông Kurt trình bày, công ty này vui vẻ chở những ống cuộn dây điện trống, đến thẳng đường cao tốc, nơi họ đang tháo gỡ dây. Để cho đôi vợ chồng Kurt - Nhung tự lăn dây cáp vào ống cuộn.

Cũng trong thời gian đó, ông Kurt tiến hành làm thử một chiếc cầu mẫu trong khu vườn của nhà mình. Ông cũng liên lạc với một công ty lớn của Đan Mạch, chuyên về nghành xây cầu có tên là Carl Bro và nhờ họ trợ giúp ông một bản vẽ sơ sài. Nhưng nhờ bản vẽ này, ông Kurt đã nhẩm tính được sẽ cần bao nhiêu mét cáp cho chiếc cầu trong thực tế. 

Rồi ông lại tiếp tục nhờ đến một công ty chuyên về kỹ nghệ cung cấp các vật liệu cho ghe đánh cá có tên là Claus Harbo. Họ cũng rất ân cần giúp ông số trang thiết bị xiết dây cáp… mà ông cần dùng. Ngoài ra, Câu lạc bộ thể thao Lions Club, đã hỗ trợ thêm một máy phát điện và máy trộn bê tông cho công việc xây cầu của ông. Không dừng tại đây, ông xin tiếp được một số lượng sơn để bảo trì dây cáp của công ty Sadolin.

Cuối cùng ông liên lạc với hãng vận chuyển tàu Maersk mạnh nhất thế giới và đã được phép nói chuyện trực tiếp với tổng giám đốc, A. P. Muller. Tuy các tàu bè của hãng này không cập cảng Việt Nam, nhưng ông tổng giám đốc cũng vui lòng giúp ông Kurt chuyển số hàng ấy về Singapore, rồi nhờ các hãng khác chuyển tiếp số hàng trên về Việt Nam.

Coi như các công việc tại Đan Mạch tiến triển quá tốt. Tuy nhiên, khi số hàng trên về tới cảng Sài Gòn lại gặp vấn đề lớn nhất mà không nhận được sự trợ giúp nào khi phải chi tiền, thì hàng mới ra khỏi cổng. Ông Kurt đã phải thương lượng rằng cho ông lấy số hàng trước, còn tiền thì chiều ông mới đích thân đến nhà chủ kho để trả, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế để ông Kurt đối phó với những “nhũng nhiễu” thường nhật ở Việt Nam, bởi ông lấy đâu ra tiền để trả cho chủ kho, khiến ông phải… nói phét như vậy.
Khi nguyên vật liệu đã có mặt tại Việt Nam, lãnh sự quán Đan Mạch đã trợ giúp bê tông, sắt thép và cây ván, cùng với chi phí vận chuyển.

Thế nhưng, ngày khởi công xây cầu, ông chủ tịch tỉnh Bảo Lộc chỉ điều giúp ông Kurt một đội quân 20 người, trong đó chỉ có một người cầm theo cái xẻng, là công cụ lao động duy nhất. Ông Kurt đã bức xúc với hành động thờ ơ này của chính quyền địa phương và tuyên bố sẽ làm cây cầu tại một địa phương khác nếu sự trợ giúp nhân lực “èo uột” như vậy.

Ngày hôm sau, ông Kurt nhận được một đội quân gấp đôi là 40 người. Với kinh nghiệm của một người thợ hồ, hiểu biết nhìn bản vẽ, ông đóng vai trò chỉ huy và phân chia công việc lớn nhỏ cho thợ, thậm chí chia từng điếu thuốc lá cho thợ. Cô Nhung – vợ ông đóng vai trò thông dịch và chị nuôi cho 40 người nông dân đến giúp việc xây cầu.

Sau 25 ngày, chiếc cầu treo dài 65 mét và ngang 1,2 mét hoàn tất với tổng chi phí là 4500 USD. Khi chiếc cầu được khánh thành, một bà cụ đòi nắm tay ông Kurt dẫn bà qua cầu. Cụ bà này đã bật khóc vì nỗi vui sướng và tâm sự rằng, “Đã 20 năm nay, tôi chưa bước qua được sang bên này đồi”.

Sau khi hoàn thành cây cầu treo đầu tiên, ông Kurt đã có đủ tư liệu để hoàn tất hồ sơ gửi đến lãnh sự quán của Đan Mạch tại Việt Nam kèm một câu “Chiếc cầu đã xây xong”. Họ đã trao cho vợ chồng ông đảm nhận những công trình xây dựng trợ giúp sau này. Ông Kurt đã phấn khởi và thốt lên: “Tôi có thể xây thêm cả 10 chiếc cầu nữa, nếu có ai đó thanh toán chi phí”. Vợ chồng ông chấp nhận công việc với điều kiện chỉ nhận lương tương ứng với một người lãnh tiền thất nghiệp tại Đan Mạch. Vì nếu nhận lương cao hơn, coi như chương trình trợ giúp không còn đúng ý nghĩa.

Trong khi đó, Danida - một hội chuyên gia về việc giúp phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn nghèo trên toàn cầu đã đánh giá cao tính tiết kiệm của chiếc cầu, khi chỉ làm hết ¼ chi phí so với giá trị thật của nó. 6 năm tiếp theo, cặp vợ chồng này đã hoàn tất 24 cây cầu nằm trong chương trình trợ giúp của chính quyền Đan Mạch. Họ còn tham gia xây luôn cả 5 ngôi trường học. 

Nhưng về sau nhiều chương trình trợ giúp, phải trải qua nhiều thủ tục rắc rối. Những khoản tiền trợ giúp không đến nơi cần nhận mà lọt thẳng vào túi những kẻ tham nhũng. Đến lúc này, cặp vợ chồng già tự nhận thấy “cuộc vui” đã kết thúc nên họ muốn rút lui về lại xứ xở Đan Mạch yên tĩnh. Ông Kurt cũng kể rằng, sau mỗi lần khánh thành cầu, vị chủ tịch tỉnh lại vui mừng khai tiệc ăn nhậu, thậm chí đã có lần hỏi ông: “Thủ tục đến Đan Mạch có dễ không?”
Những sóng gió khó ngờ trên mảnh đất Việt

Tưởng chừng như sau những phần đóng góp công sức cho xã hội, hai vợ chồng già sẽ được hạnh phúc an hưởng tuổi già, thì ngờ đâu Bộ nhập cư Đan Mạch đã bác bỏ đơn xin trở lại sống tại nước này của bà Nhung. Trong khi với khả năng tài chính của mình, ông Kurt không đủ khả năng nuôi vợ.
Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, thay mặt cho quốc gia Đan Mạch trong trương trình trợ cấp, cặp vợ chồng Đan - Việt này đã xây biết bao nhiêu cái cầu treo, các ngôi trường trong những vùng hẻo lánh
Tại Đan Mạch, ông Kurt cũng đang sống bằng đồng lương hưu ít ỏi bởi ông xuất thân từ một gia đình lao động. Từ năm 14 tuổi ông đã rời khỏi nhà và tự đi tìm việc kiếm sống bằng nhiều nghề. Rồi sau đó ông đã làm thủy thủ cho những hãng tàu khách đi khắp toàn cầu. Thời gian tiếp theo, ông trở lại Đan Mạch và làm thợ hồ trong 6 năm. Sau đó ông mua một chiếc ghe đánh cá và trở thành ngư dân. Ngay từ thời ấy, ông đã có những hành động được cho là khác người khi đoàn tàu đánh cá của Đan Mạch thường được sơn màu xanh da trời, còn thuyền của ông Kurt lại được sơn màu đỏ.

Năm 1992, lần đầu tiên ông về Việt Nam chơi cùng với một gia đình Việt Nam ông quen tại Đan Mạch. Trong chuyến đi này, ông đã yêu một người phụ nữ bản xứ, chính là bà Nhung. Sau nhiều lần thư từ và vài lần đi lại giữa Việt Nam – Đan Mạch. Đến mùa thu năm 1994, ông mới bảo lãnh được người vợ mới cưới sang Đan Mạch.
Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, thay mặt cho quốc gia Đan Mạch trong trương trình trợ cấp, cặp vợ chồng Đan - Việt này đã xây biết bao nhiêu cái cầu treo, các ngôi trường trong những vùng hẻo lánh…Thế nhưng, đến tuổi già, họ chỉ mong có được một mảnh đất nhỏ để hưởng thụ những năm cuối đời tại Việt Nam mà cũng không xong. Họ đã bị cả những người thân, những người gần gũi lừa gạt khiến cặp vợ chồng già phải bán nông trại cà phê tại Bảo Lộc, nơi họ gắn bó hơn 10 năm để tìm nơi yên tĩnh tại một eo biển đẹp.

Lần đầu tiên gặp tôi, họ sống trong một túp lều bằng bạt, dựng tạm bợ tai khu du lịch Bình Tiên, Ninh Thuận. Nơi đây họ đã bị lừa một cú “ngoạn mục” bởi một ngư dân và cả  chức trách của địa phương khi “đồng lòng” bán cho họ miếng đất nằm trong quy hoạch của một dự án du lịch.

Vẫn chưa hết, sau chuyến đến thăm của tôi, những con người trên mảnh đất họ yêu quý lại một lần nữa dụ họ mắc mưu, bỏ tiền ra mướn đất đang nằm trong dự án tại Hòa Phú, gần Phan Rí, Bình Thuận. Hơn nửa năm sau, họ được chính quyền địa phương hứa hẹn “đền bù” bằng cách cho mướn một bãi biển đẹp hơn, tại Bãi Dương, Minh Hóa, cũng gần cửa Phan Rí. Tuy nhiên, miếng đất “hứa hẹn” ấy cũng đã từng dùng để lừa một người đàn ông mang quốc tịch Úc khiến anh này mất gần nửa năm theo đuổi vụ “mướn đất” và cũng mất một số tiền kha khá trong túi. 
Đến lúc này thì sự chịu đựng của ông Kurt cho những gian xảo, lừa lọc của con người nơi đây cũng đã đến giới hạn, nhưng vì thương người vợ Việt Nam, ông không thể quay lại Đan Mạch mà bỏ vợ lại xứ này. Ông ta quyết định dành giụm số tiền ít ỏi còn lại, để mua được miếng đất sa mạc toàn cát, đầy mồ mả, ngay QL1, gần cây xăng Thắng Lợi, thuộc Chí Công, Bình Thuận.
Năm 1992, lần đầu tiên ông Kurt đến Việt Nam, ông đã yêu một người phụ nữ bản xứ, chính là bà Nhung. Sau nhiều lần thư từ và vài lần đi lại giữa Việt Nam – Đan Mạch. Đến mùa thu năm 1994, ông mới bảo lãnh được người vợ mới cưới sang Đan Mạch.

Vậy mà họ đâu có để đôi vợ chồng già này được yên. Hai ông bà vẫn thường xuyên bị lực lượng chức năng đến xét giấy tờ, hỏi tại sao họ lại thích về Việt Nam ở… Rồi xin tiền đổ xăng, sau vài lần đến nhà ông, thấy có cái máy vi tính của ông Kurt là giá trị trong căn nhà tuềnh toàng cũng lấy luôn mang về cơ quan, rồi xóa luôn hình ảnh các công trình, tài liệu của ông lưu trữ trong đó…

Ông Kurt kể rằng, hàng xóm xung quanh cũng có người tốt, nhưng cũng vẫn có kẻ thích “bắt nạt” hoặc “bành trướng” chủ quyền sang nhà người khác. Mới đây, không hiểu vô tình hay ác ý mà có người đã phá hoại cái giếng nhà ông bằng cách thả dây thun cũ (cắt từ ruột xe đạp) vào trong ống bơm. Thế là ông Kurt phải xây cái giếng mới.
"Ông già và biển cả"

Ông Kurt rất thích trò chuyện tiếng Đan Mạch với tôi. Lâu lâu ông mới có cơ hội bày tỏ sự bức xúc của cuộc sống với một người hiểu được tiếng nước ông. Hai vợ chồng già rất quý hóa khách đến thăm nên rất muốn tôi ở lại. Nhưng vì tôi cũng là thằng ngang bướng với ý nghĩ ngủ một đêm tại nhà bạn bè mà phải đi trình giấy tờ với chính quyền địa phương thì nhiêu khê cho tôi quá. Thôi để tôi đi ngủ bụi và để cho đôi bạn già của tôi ngủ yên giấc.
Hiện nay ông bà Kurt, vẫn kiên trì định cư tại Chí Công. Miếng đất sa mạc và đầy mồ mả này nằm ngay QL1, gần giữa trạm xăng Thắng Lợi và khu đồi quạt gió, thuộc tỉnh Bình Thuận.

Tôi chỉ thấy buồn là không giúp gì được cho họ. Bạn yêu Việt Nam? vậy bạn đã giúp được gì cho người Việt? công sức bỏ ra liệu đã bằng đôi bạn già này chưa? Họ chính là những người yêu nước Việt, những người có tâm hồn Việt nhưng cũng thật cực nhọc cho họ quá khi muốn yêu, muốn sống an bình cũng không được.
Bạn đọc có thể tới thăm và động viên gia đình ông Kurt gần chùa Cổ Thạch thuộc Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận.
Ngôi nhà sơ sài của ông bà nằm trên miếng đất sa mạc và mồ mả ngay QL1, gần giữa trạm xăng Thắng Lợi và khu đồi Quạt gió.
Chỉ cần ghé thăm họ, mua giúp cô Ngọc Nhung (0986902470) - vợ ông Kurt lon nước uống và nhìn những gì họ làm là bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hay rồi.

Tổng số lượt xem trang