Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Việt Nam bỏ lỡ cơ hội được quốc tế bảo vệ

Nhưng, khi để ý Việt Nam đã ngay lập tức cam kết bồi thường, giảm thuế cho các doanh nghiệp Trung Quốc bị phá hoại tài sản trong đợt biểu tình chống Trung Quốc tại Bình dương; đồng thời còn nhanh chóng hơn nữa khi đưa ra xét xử, kết tội những người biểu tình trực tiếp phá hoại, thì có thể nói Việt Nam đã có một chiến lược trước sau như một đối với Trung Quốc. 
-Việt Nam bỏ lỡ cơ hội được quốc tế bảo vệ
GS TS Nguyễn Vân Nam

Để cho bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá bị phá hỏng, kiện Trung Quốc tại một Tòa án Việt Nam (Tòa án Nhân dân Đà Nẵng), Việt Nam có thể đã tự tước đi cơ hội của ngư dân Việt Nam khởi kiện Trung quốc tại Tòa án Luật biển quốc tế (ITCLOS), để được quốc tế bảo vệ một cách tốt nhất, lâu dài nhất. 
Vợ chồng chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa tuyên bố đang củng cố hồ sơ để khởi kiện phía Trung Quốc. Con tàu bị đắm chìm (ảnh nhỏ). Nguồn: vtv.vn

Hành động Trung Quốc dùng tàu lớn đâm trực diện, phá hỏng, nhấn chìm tàu cá cùng toàn bộ ngư dân VN không chỉ là hành động gây nguy hiểm đến tính mạng con người nói chung và ngư dân Việt Nam nói riêng, mà là ‘hết sức nguy hiểm’, vì hành động này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu ngang ngược coi thường các nguyên tắc ứng xử quốc tế, không tuân thủ các nghĩa vụ mà họ trong tư cách là một nước thành viên Liên Hợp quốc, một nước đã ký Công ước Luật biển của Liên Hiệp quốc phải thực hiện. 

Tuy vậy, điều quan trọng nhất, cấp bách nhất lúc này là phải đảm bảo an toàn tính mạng, phương tiện cho ngư dân đánh bắt tại vùng biển Trung quốc có thể xuất hiện quấy phá. 

Về lý thuyết, bà Hoa có thể kiện tại một Tòa án có thẩm quyền của Việt nam, Tòa án Đà Nẵng chẳng hạn, theo thủ tục hình sự và cả dân sự. Vì nơi xẩy ra hành vi hủy hoại tài sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển mà Việt Nam có chủ quyền và toàn quyền tài phán. 

Để vừa khẳng định hành vi phá hoại tài sản, vừa buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại, trước tiên bà Hoa phải làm đơn tố cáo yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án. 

Thủ tục tố tụng hình sự sẽ được tiếp tục khi cơ quan điều tra xác định được có dấu hiệu phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội là ai. 

Hàng loạt khó khăn xuất hiện trong quá trình điều tra, đặc biệt là xác định thủ phạm, sẽ khiến việc khởi tố bị can và đưa ra xét xử rất dễ trở thành bất khả thi. 

Nếu chỉ muốn bồi thường thiệt hại, bà Hoa có thể trực tiếp khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Đà Nẵng theo thủ tục dân sự. Thủ tục này cũng vấp phải những trở ngại lớn, trong đó có việc xác định bị đơn là ai? và liệu Tòa án Việt Nam có thẩm quyền hay không? 
Dù thắng kiện, bà Hoa cũng rất khó nhận được tiền bồi thường. Việc thi hành án, kể cả ở Việt Nam, là rất khó khăn. Về lý thuyết, cơ quan thi hành án Việt Nam có quyền phong tỏa tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Việt Nam để buộc họ phải trả tiền bồi thường cho bà Hoa. 

Nhưng hậu quả chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc do sự phong tỏa này gây ra sẽ lớn hơn, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với số tiền cần thi hành án, khiến không cơ quan nào dám cho phép thi hành án cả. 

Tuy nhiên điều đặc biệt nguy hiểm ở đây lại là: a) nếu bản án có hiệu lực của một Tòa án Việt Nam (Tòa Đà Nẵng cho đơn kiện của bà Hoa, chẳng hạn) đã có thể tuyên buộc Trung Quốc phải bồi thường được, thì toàn bộ các trường hợp ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc làm thiệt hại trong tương lai đều bắt buộc phải do Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam xét xử (nguyên tắc “Hết quyền tài phán quốc gia” trong công pháp quốc tế); b) Tương tự, một sơ hở khi dùng từ ngữ trong bản án của một Tòa án Việt Nam có thẩm quyền, cũng có thể  loại trừ quyền khởi kiện của ngư dân Việt Nam tại một Tòa án quốc tế (Tòa án luật biển quốc tế, chẳng hạn).

Tất nhiên bà Hoa cũng có thể khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án luật biển quốc tế yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại và thực hiện các yêu cầu khác của bà. 

Nhưng phải nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa án luật biển quốc tế chỉ có hiệu lực và giá trị đối với bà Hoa chứ không phải cho tất cả ngư dân Việt Nam.

Yêu cầu khởi kiện của bà Hoa là yêu cầu của một ngư dân bị Trung Quốc phá hoại tài sản, cản trở mình đánh bắt hải sản. Mục đích của bà Hoa, do đó, cũng khác với mục đích khởi kiện của ngư dân Việt Nam muốn được đảm bảo tự do đánh bắt trên vùng biển mà họ được quyền đánh bắt; muốn được bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi hành nghề đánh bắt hải sản. 
Phán quyết của Tòa án biển quốc tế chỉ có hiệu lực đối với nguyên đơn là bà Hoa, nên cũng không buộc được Trung Quốc phải bảo đảm tự do đánh bắt, bảo đảm an toàn cho ngư dân Việt Nam.

Để bảo vệ ngư dân lâu dài và toàn diện, có 03 hướng khởi kiện - đều khả thi cả - tại Tòa án luật biển quốc tế (ITCLOS): (1) Ngư dân khởi kiện thông qua đại diện của mình là Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng, với điều kiện quyền khởi kiện quốc tế này không bị bản án vụ bà Hoa làm vô hiệu, và Hiệp hội được sự cho phép của đảng, chính phủ Việt Nam ; (2) Nhà nước khởi kiện yêu cầu tòa này ra phán quyết xác định (declaratory judgement) việc Trung Quốc dùng tàu đâm tàu Việt Nam, phá hoại phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực; và (3) Kết hợp một cách khéo léo cả hai hình thức khởi kiện trên.

Thủ tục khởi kiện, tố tụng xét xử tại Tòa án luật biển quốc tế khá phức tạp. Điều cần lưu ý đặc biệt là các thủ tục này hoàn toàn xa lạ và khác hẳn thủ tục tố tụng tại Việt Nam. Ngay cả việc thu thập chứng cứ, chuẩn bị hồ sơ cũng theo các chuẩn mực không giống như Việt Nam vẫn quen thuộc.


Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Nguổn: RFI

Trình tự tố tụng trong khuôn khổ ITCLOS gồm giai đoạn: Tố tụng văn bản và tố tụng trực tiếp (tranh luận tại phiên Tòa). Sau khi quyết định thụ lý đơn kiện, Tòa ITCLOS (hoặc Tòa trọng tài theo phụ lục VII của ITLOS), sẽ cho nguyên đơn 06 tháng lập hồ sơ và trình bày chi tiết chứng cứ, các cơ sở pháp lý và lập luận cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa sẽ tống đạt toàn bộ hồ sơ và lập luận của nguyên đơn cho bị đơn; bị đơn cũng có 06 tháng để trình bày chứng cứ và lập luận phản bác. Mỗi bên đều có quyền xin gia hạn thời gian trình bày lập luận.

Về nguyên tắc, không có giới hạn thời gian hai bên tranh luận bằng văn bản. Khi nhận thấy các bên đã trình bày đầy đủ lập luận và chứng cứ của mình, Tòa sẽ quyết định kết thúc giai đoạn tố tụng văn bản. Từ lúc này, bên nào muốn đưa thêm chứng cứ mới phải được sự đồng ý của bên kia và của Tòa. (Việt Nam hoàn toàn không có tố tụng văn bản. Thậm chí bị đơn muốn xem hồ sơ, chứng cứ chống mình cũng phải làm đơn xin xem và sao chụp. Tòa án có quyền không cho sao chụp).

Trong vòng 06 tháng sau khi kết thúc tố tụng văn bản, ITCLOS phải mở thủ tục tố tụng trực tiếp và sau đó sẽ ra phán quyết. Trong quá trình tố tụng trực tiếp, các chứng cứ mới trình bày sẽ không được chấp nhận. (Tại Việt Nam, việc giữ bí mật chứng cứ để trình bày trong phiên tòa xử công khai rất phổ biến và là một trong các yếu tố quyết định thắng kiện). Kết thúc mỗi giai đoạn tranh tụng, các thẩm phán sẽ thảo luận kín và yêu cầu các bên giải thích, làm rõ các vấn đề pháp lý cần thiết. Trong quá trình tố tụng, một sai lầm về hình thức cũng có thể dẫn đến hậu quả phải kéo dài quá trình tố tụng, hoặc thậm chí bị đình chỉ vụ án. Như vậy, trong mỗi giai đoạn của qúa trình xét xử tại ITCLOS đều có những trở ngại và ẩn chứa nguy hiểm có thể dẫn đến thất bại. 

Muốn thắng kiện, phía Việt Nam chắc chắn phải được một công ty luật nước ngoài chuyên về Luật biển quốc tế tư vấn và đại diện trước Tòa án luật biển quốc tế. 

Ngay cả khi có nhiều khó khăn, trở ngại như thế, ngư dân Việt Nam cũng nên nộp đơn kiện lên Tòa án luật biển quốc tế. Vì ngay từ khi Tòa án quốc tế này nhận đơn khởi kiện, ngư dân ta đã được bảo đảm an toàn rồi. 

Kể từ thời điểm đơn kiện được thụ lý, Trung Quốc có nghĩa vụ không được tiếp tục thực hiện những hành động làm hiện trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Nghĩa là không được tiếp tục phá hoại phương tiện, cản trở ngư dân ta đánh cá nữa. 

Nếu Trung Quốc vẫn làm, nguyên đơn (Hiệp hội nghề cá) có quyền yêu cầu Tòa án luật biển quốc tế quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Trung Quốc hoặc phải rút tàu ra khỏi vùng biển có ngư dân Việt Nam đánh bắt, hoặc phải bảo đảm các tàu của Trung Quốc giữ một khoảng cách an toàn xác định đủ để các tàu ngư dân Việt Nam an tâm đánh bắt.

Thoạt nhìn, việc chỉ đạo bà Hoa khởi kiện tại Tòa án Đà Nẵng với sự trợ giúp của một văn phòng luật sư địa phương, cho thấy dường như Việt Nam đang lúng túng, chưa biết cách sử dụng công cụ pháp lý nào cho hiệu quả. Nhưng, khi để ý Việt Nam đã ngay lập tức cam kết bồi thường, giảm thuế cho các doanh nghiệp Trung Quốc bị phá hoại tài sản trong đợt biểu tình chống Trung Quốc tại Bình dương; đồng thời còn nhanh chóng hơn nữa khi đưa ra xét xử, kết tội những người biểu tình trực tiếp phá hoại, thì có thể nói Việt Nam đã có một chiến lược trước sau như một đối với Trung Quốc. 

Tổng số lượt xem trang