-Đại diện Tổng thống Mỹ tới Hà Nội
HÀ NỘI (NV) .- Tòa Bạch ốc cử ông Evan Medeiros, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama, đến Hà Nội thảo luận về các vấn đề liên quan đến đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) và vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp ông Evan Medeiros hôm Thứ hai 14/7/2014. (Hình: VGP) |
Ông Evan Medeiros, Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ và đồng thời là Giám đốc cấp cao về Á châu vụ của Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ có mặt ở Hà Nội hôm Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014. Theo bản tin của Văn phòng Chính phủ CSVN, ông đã gặp và thảo luận với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cử ông Evan Medeiros đến Việt Nam “nhân một năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước để trao đổi, thúc đẩy quan hệ song phương cũng như hợp tác liên quan đến một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm (trong đó có vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và tình hình Biển Đông), đặc biệt là những biện pháp nhằm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.” Bảntin của 'chinhphu.vn' viết.
Chuyến đi Hà Nội của cố vấn Medeiros diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 vẫn tiếp diễn từ hơn hai tháng qua. Ngoại trưởng John Kerry vừa tới Bắc Kinh đối thoại nhiều mặt trong đó có cả vấn đề Biển Đông.
Cách đây ít ngày, Thượng viện Hoa Kỳ ra nghị quyết lên án Trung Quốc khiêu khích, đe dọa các nước nhỏ phía nam và dùng áp lực quân sự để thay đổi hiện trạng tình hình an ninh khu vực Biển Đông. Thượng viện Mỹ đòi Trung Quốc rút giàn khoan HD981 và các lực lượng bảo vệ và phụ thuộc về nước. Bản nghị quyết cũng tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ với đồng minh về bảo vệ an ninh và quyền tự do hải hành trên Biển Đông.
Cùng với thời gian này, trong một cuộc hội thảo ở Hoa Thịnh Đốn, phụ tá thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Fuchs đề nghị Trung Quốc xuống thang bằng cách ngừng tất cả các hành động xây dựng công sự, pháo đài ở trên Biển Đông. Nếu được vậy sẽ dẫn đến cơ hội các nước thảo luận cho một giải pháp hòa bình lâu dài cho khu vực.
Đầu Tháng Sáu vừa qua, Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kelly E. Magsamen tới Hà Nội, gặp thứ trưởng Quốc phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh. Nhiều phần, lý do chính mà bà Magsamen đến Hà Nội, theo TTXVN cho biết, là hai bên “trao đổi một số nội dung liên quan phục vụ các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam và chuẩn bị các nội dung cho hội nghị Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 9 năm 2014.”
Cấp cao hơn của bà Magsamen ở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiển nhiên là ông bộ trưởng Chuck Hagel. Theo tinh thần bản tin của TTXVN, rất có thể ông Bộ trưởng Hagel sẽ đến Việt Nam khi có cuộc “Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ” vì tình hình thời sự căng thẳng trên Biển Đông đang là nỗi quan ngại của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam.
* Hà Nội đã 'đầu hàng'
Trong một bài viết trên tờ Myanmar Times ngày Thứ Hai 7/7/2014, chuyên gia phân tích thời sự Roger Mitton nói rằng việc Bắc Kinh đưa giàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm “rúng động, sợ hãi” đồng thời “gây chia rẽ nghiêm trọng” trong giới đứng đầu chế độ Hà Nội.
Tuy nhiên, phe muốn tiếp tục dựa vào Bắc Kinh do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đã thắng thế các cuộc tranh luận gay gắt ở nhóm lãnh tụ chóp bu của đảng CSVN. Bởi vậy, Việt Nam từng bắn tiếng cho biết Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đến Mỹ thảo luận (trong Tháng Bảy) như một dấu hiệu Hà Nội tìm sự yểm trợ cụ thể của Hoa Thịnh Đốn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, đã không xảy ra.
Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) viên chức cao cấp nhất về Ngoại giao của Bắc Kinh đến Hà Nội đưa ra lời đe dọa “dùng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ giàn khoan và chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời ông ta cảnh cáo Hà Nội rằng Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu hợp tác với những nước khác chống lại Trung Quốc, hiển nhiên ám chỉ đến Hoa Kỳ trước hết rồi đến Philippines và Nhật Bản.
Sau chuyến viếng thăm của cố vấn Evan Medeiros, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel có tới Việt Nam hay không, vẫn còn là một dấu hỏi. Trong sự nhận xét của ông Roger Mitton thì “Hà Nội đã đầu hàng. Không còn thấy các cuộc biểu tình chống TQ, không còn lời đe dọa kiện Trung quốc ra LHQ, không có tập trận với Mỹ và cũng không thấy vận động đoàn kết cả khối ASEAN chống lại Trung Quốc.”
Các cuộc thảo luận về Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, đã được gia hạn quá thời hạn chót 2013 và hiện chưa rõ tới bao giờ các bên sẽ đạt được một sự đồng thuận hay không. (TN)