Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

3.000 USD một suất “chạy” trường

-3.000 USD một suất “chạy” trường
- Tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 - 800 USD cho một suất vào trường "thường thường bậc trung".

Mức phí 3.000 USD được so sánh "cao hơn thu nhập bình quân đầu người" của Việt Nam hiện nay.

Đây là thông tin vừa được đưa ra trong khảo sát về "tham nhũng trong giáo dục phổ thông" của nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam.

Để đăng ký được một chỗ học cho con tại trường tiểu học có điều kiện giảng dạy tốt, các phụ huynh phải chen lấn ở cổng trường trong ngày phát đơn đăng ký nhập học để mua đơn. Ảnh: Văn Chung


'Tuy nhiên, tiền không thôi chưa đủ"- bản khảo sát lưu ý.

“Việc khoảng 30% phụ huynh tìm cách xin cho con vào học ở trường "điểm" trái tuyến dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ ba xúc tiến cho quá trình này”.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân đầu tiên của tình trạng "chạy" trường là do nhu cầu lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, việc "chạy" trường được nhiều người chấp nhận. Có 67% phụ huynh coi chuyện này là bình thường.



"Phí" chạy trường ở Việt Nam năm 2011. Nguồn: Cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, WDI và GDF, "GDP đầu người, USD", 20111


Một phụ huynh khi được hỏi cho biết, mức giá 1.000 USD để"chạy" vào một trường tiểu học hàng đầu là "hợp lý" và"chấp nhận được" bởi "mong muốn con cái được giáo dục tốt là bình thường" và "gia đình nào cũng mong con em mình được học ở môi trường danh tiếng".

Khảo sát trên 1.500 thanh niên ở 11 tỉnh, thành cũng cho thấy, thanh niên và người lớn tuổi đều sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào một trường (hoặc công ty) tốt.

Phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu cho rằng yếu tố cơ bản đằng sau nhu cầu trên là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công ở Việt Nam.

"Hiện tượng hối lộ phổ biến trong các trường phổ thông và sự thừa nhận rộng rãi rằng học sinh bị buộc phải học thêm đại trà (nếu không sẽ có nguy cơ bị phân biệt đối xử khi đánh giá học tập) cho thấy cảm nhận chung của phụ huynh là "hệ thống trường công không có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu của học sinh" - báo cáo viết.

"Tham nhũng đang trở thành chuẩn mực"?

Nhóm nghiên cứu chỉ ra "tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục".

"Đưa hối lộ để được nhận vào trường "điểm" đã được coi là hiện tượng thông thường mà chỉ có các gia đình khá giả mới có điều kiện thực hiện, từ đó khiến cho trẻ em ở các gia đình nghèo phải chịu thiệt thòi" -báo cáo diễn giải.

Một nguy cơ khác mà báo cáo cảnh báo: Bản chất lan rộng của những hành vi như "chạy" trường khiến cho tham nhũng đang trở thành chuẩn mực xã hội hơn là ngoại lệ.

Nhóm nghiên cứu đánh giá các biện pháp hành chính (các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GD-ĐT) chỉ có tác dụng khiêm tốn và ngắn hạn.

Việc đầu tiên cần làm là chú trọng tới các biện pháp xã hội rộng hơn như truyền thông.

Đặc biệt, với vai trò "vừa là nạn nhân vừa là chủ thể chính", phụ huynh cần đồng lòng chấm dứt nạn "chạy trường".

Nghiên cứu cho thấy 80% các bà mẹ đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường học cho con, và khả năng họ chạy trường hoặc đồng tình với hành động này cao hơn các ông bố.

Báo cáo cũng khuyến nghị tiếp tục cải cách lương giáo viên nhằm giảm bớt động cơ tham gia vào các hành vi tham nhũng của giáo viên.

Khảo sát "tham nhũng trong giáo dục phổ thông" là một trong bốn chủ đề của “Báo cáo tham nhũng toàn cầu: Giáo dục” do Tổ chức Minh Bạch quốc tế thực hiện.

Báo cáo có 442 trang với 5 phần, với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Báo cáo toàn cầu này được công bố ngày 1/10. Thông điệp được phát đi trong báo cáo: "Giáo dục thế hệ trẻ sẽ không thể thành công khi tham nhũng làm hư hỏng các trường phổ thông và đại học".




Tham nhũng đang hủy hoại uy tín của ngành giáo dục ở nhiều quốc gia. Theo Phong Vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), cứ khoảng năm người trên thế giới thì có một người đưa hối lộ cho dịch vụ giáo dục trong năm trước đó.

Ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, con số này lên tới một trên ba (cứ ba người lại có một người đưa hối lộ).

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục cho thấy nhiều hình thức tham nhũng trong giáo dục, từ biển thủ công quỹ quốc gia dành cho giáo dục tới không công khai các chi phí trường học hay mua bán bằng giả.

TI là tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Năm 2011, tổ chức này ra báo cáo phân tích về biến đổi khí hậu. Tiếp theo sau báo cáo về giáo dục, IT sẽ tập trung vào lĩnh vực thể thao.
-

-Dạy con trẻ thói lưu manh
Tạp ghi Huy Phương
Nếu bạn đặt một câu hỏi với đứa cháu của bạn, “Mùa này theo cháu, ở đâu lạnh nhất?” Bạn nghĩ sao, thay vì câu trả lời là ở Oymyakon, nước Nga hay Nam Cực, thì thằng bé trả lời bạn, đó là ở trong tủ lạnh? Một câu trả lời khá hỗn láo, không phải là câu giải đáp của một đứa trẻ hiền lành, tử tế.



Một quầy sách ở Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Một câu hỏi vớ vẩn khác, “Vì sao một người rơi xuống sông mà không ướt tóc?” Trong khi bạn đang phân vân, chưa biết trả lời sao thì thằng bé đã trả lời thay bạn, “Vì người đó trọc đầu.” Các bạn có thể bật cười cho rằng đứa trẻ nhanh trí, thông minh, nhưng rõ ràng đây là thứ lém lỉnh ngoài đường phố, mà không bao giờ chúng ta muốn cho con em có thứ thông minh, nhanh trí kiểu láu cá như vậy!

Bạn sẽ gặp phải một câu hỏi khác khá dơ bẩn, nhưng lại được in trong một cuốn sách để giáo dục trẻ em. Câu hỏi là, “Cứt gì có thể lấy tay móc?” và sau đây là câu trả lời, “Cứt mũi, cứt mắt, cứt tai!” Hoặc, “Trong con mắt của người đang yêu, bạn gái của họ đều là Tây Thi, vậy trong con mắt của Tây Thi thì có gì? Đáp, “Dử mắt (ghèn)!”

Trước bàn viết chúng tôi là một bộ sách loại bỏ túi, khổ nhỏ, gồm có bốn tập, mang nhan đề “Hỏi Đáp Nhanh Trí” do tác giả Đức Trí sưu tầm biên soạn, nhà xuất bản Văn Hóa-Thông Tin, số 43 Lò Đúc, Hà Nội, ấn hành, mỗi cuốn bán 14,000 đồng Việt Nam. Nội dung tập sách là một thứ văn hóa, giáo dục lưu manh thô lỗ, được trình bày dưới dạng “hỏi-đáp” tràn đầy trong gần 800 trang sách.

Chúng tôi xin dẫn chứng thêm những điều tệ hại trong bộ sách này để các bạn có thể hiểu thêm loại văn hóa tồn tại và đang phát triển mạnh mẽ trong xã hội bây giờ. Câu trả lời, trong nước bây giờ gọi là “đáp án.”

Hỏi: Kiểm tra cuối kỳ, Tuấn bị điểm 0 liền 6 môn, điều này chứng minh cái gì?
Đáp án: Chứng minh cậu ta không hề quay cóp.

Hỏi: Cái gì còn nhỏ hơn cả vi khuẩn?
Đáp án: Con của vi khuẩn.

Hỏi: Tại sao cổ của hươu cao cổ lại dài như vậy?
Đáp án: Tại vì nó thích chơi trội.

Hỏi: Người nào thích bóng tối nhất?
Đáp án: Những người yêu nhau!

Hỏi: Tại sao Cường ngủ gật trên lớp mà không bị thầy giáo phê bình?
Đáp án: Vì thầy giáo không nhìn thấy.

Hỏi: Loài vật nào không bị muỗi đốt?
Đáp án: Là con muỗi!

Hỏi: Khi thả chim bồ câu thì ai vui nhất?
Đáp án: Chim bồ câu!

Hỏi: Đa số vĩ nhân đều sinh ra ở đâu?
Đáp án: Trong nhà hộ sinh.

Hỏi: Nên làm gì khi cây kim rơi xuống biển?
Đáp án: Đi mua cây kim khác!

Hỏi: Vì sao về mùa Đông, chim én lại bay về phương Nam.
Đáp án: Vì nó đi rất chậm!

Hỏi: Đánh cái gì vừa không tốn sức lại rất thoải mái.
Đáp án: Đánh một giấc!

Và văn hóa “búa liềm” này luôn ẩn náu một tâm tính ác độc:

Hỏi: Ông A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái ông A bị làm sao?
Đáp án: Bị mồ côi!

Hỏi: Một người sau khi bị chặt đầu sẽ thế nào?
Đáp án: Biến đổi chiều cao!

Hỏi: Làm thế nào khi gặp người sống?
Đáp án: Phải luộc chín!

Trong sách còn có những câu chuyện khó hiểu, ngu ngốc, ngớ ngẩn và vô nghĩa. Đây là một vài ví dụ:

Tại sao mũi bị tẹt?

Một hôm, một bé trai 4 tuổi hỏi ông nội:
- Ông ơi! Vì sao mũi của ông không giống của cháu, tại sao mũi của ông lại bẹt?
- Bởi vì khi còn nhỏ, ông không cẩn thận đã giẫm lên mũi của mình nên mũi của ông bây giờ bị bẹt!

Hỏi: Làm cách nào để mọi người không uống nước?
Đáp án: Đổi tên của nước (?)

- Khi ta có một hình tứ giác, vậy có 4 góc, ta cắt bỏ một hình tam giác ở giữa, tương đương ba góc, ta sẽ có một hình ngũ giác, có 5 góc. Vậy ta có: 4-3= 5!

Sách soạn ra nói là để dạy cho trẻ “hỏi đáp nhanh trí,” nhưng chính là để dạy con trẻ lưu manh, tập dối trá, như câu chuyện dưới đây:

Vẫn còn đang tắm

Cô gái đang rửa bát đĩa ở trong bếp thì có tiếng chuông điện thoại vang lên, người mẹ muốn tìm mẹ của cô gái, cô gái trả lời: “Mẹ cháu có lẽ đang tắm, bác đợi một lát để cháu đang tìm.”

Cô gái vặn vòi nước thật to, tạo âm thanh ồn ào và trả lời điện thoại nói, “ Mẹ cháu vẫn đang tắm.”

Xếp hàng

Một quý bà chạy vội vàng đến trước quầy thịt và lớn tiếng: “Ông chủ, bán cho tôi 10 ngàn đồng thịt bò cho chó.” Sau đó bà quay sang một quý bà khác đang đứng chờ và giải thích: “Cô thông cảm, tôi đã xếp hàng ở đây trước rồi!”

Thêm ba cuốn tự điển tiếng Việt “kiểu Vũ Chất” vừa được xuất bản tại Hà Nội với kiểu giải nghĩa “ba phải” như: “Chú bác: nói chung chú và bác!” “Cào cấu: Cào và cấu.” “Tao đàn: Chỗ nằm của tao nhân thi sĩ!” Điều này chứng minh rằng những người soạn sách (thường không thấy ghi tiểu sử - hoặc có bằng đại học mua ở chợ trời) không trí tuệ mà cũng chẳng đạo đức, là những người dốt nát, thất học, thiếu tự trọng, vô lại, sao chép. Nhà xuất bản thì do những người ngu dốt cầm đầu, thiếu lương tâm, vùi đầu vào lợi nhuận.

Về phía chính quyền, nhất là trong ngành văn hóa, thì những viên chức, cán bộ trong ngành xuất bản, thường là dốt nát, cũng là loại phi văn hóa, vô giáo dục. Họ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền và biết báo cáo về số lượng xuất bản mỗi năm để nêu thành tích, dù với cái đống rác sách vở vĩ đại, đưa cả một thế hệ vào chỗ ngu dốt, lưu manh.

Tập giấy lộn mang tên “Hỏi Đáp Nhanh Trí” xấu hổ phải mang trên là “một cuốn sách,” nó dạy cho trẻ em kiểu nhanh trí, lanh mưu, không cần trí tuệ, học hỏi để hiểu biết, mà đối đáp cho xong, đào tạo cho chúng trong tương lai, trở thành những người giảo hoạt, lưu manh theo nhu cầu trồng cây ngắn ngày của “bác” và nhu cầu của “đảng” đào tạo những mầm non ngây ngô của dân tộc trở thành những công dân xảo trá mai hậu.

Về chuyện “sao chép,” nếu xem kỹ thì đây là một cuốn sách được “luộc” lại từ một loại rác rưởi của Trung Cộng, với hình minh họa nguyên gốc của Tàu, còn rõ những chữ Tàu trên hình vẽ.

Chỉ thị của Lê Duẩn sau 30 Tháng Tư, 1975, kỳ họp Quốc Hội Khóa 5: “Sau ngày giải phóng nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để!”

Miền Bắc đã tịch thâu, thiêu hủy, bán ra vỉa hè hay ve chai là khoảng 180 triệu cuốn sách giá trị của miền Nam, để bây giờ, 40 năm sau, nhà nước Cộng Sản cho in ra những loại sách rác rưởi như cuốn sách trên. Phải chăng đó là “cách mạng văn hóa” của những người Cộng Sản.

Chúng ta tự hỏi, con em mình nếu phải lớn lên trong nước, sẽ học được gì trong những cuốn sách như loại này.
-Vì sao 12 nhà vô địch Olympia không trở về?
Cập nhật lúc: Thứ 2, 07:00, 04/08/2014-VOV.VN - Trong 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có 1 người trở về Việt Nam lập nghiệp. Cá nhân tôi không bất ngờ, chỉ thấy thú vị và háo hức nếu ai đó viết về người duy nhất quay về cố hương.

Chẳng phải chờ lâu đâu, trong bối cảnh báo chí thèm tin như hôm nay thì chỉ mai kia, thể nào anh em đồng nghiệp cũng “săn” được nhân vật đặc biệt này. Còn 12 người đang làm việc tại Úc hoặc một nước nào đó thì chắc hơi khó, mà có tìm được cũng dễ gì tiếp xúc.


Họ sẽ ngại trò chuyện với nhà báo. Ngộ nhỡ nhà báo trưng ra cái clip cách đây vài năm, trên truyền hình hùng hồn tuyên bố: Nào là đến cuộc thi này để học hỏi, giao lưu là chính; nào là sẽ đem kiến thức về xây dựng quê hương đất nước…

Chọc vui vậy để các em tỉnh táo, tránh rập khuôn, sáo rỗng khi phải nói trong các cuộc thi (nhất là trên TV) thôi. Với tôi, 12 em đang học tập làm việc ở nước ngoài là một cơ hội tốt cho cá nhân các em và cho cả đất nước.

Khoa học đâu có biên giới. Thành tựu khoa học là phục vụ chung nhân loại cơ mà. Hà cớ gì cứ nhất nhất đòi hỏi các em phải về nước sau khi hoàn thành việc học? Chúng ta đã chấp nhận thế giới này là thế giới phẳng, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, thế hệ 8x, 9x giờ phải là công dân toàn cầu… vậy chẳng nên bó buộc ở phạm vi lãnh thổ trong việc lao động, học tập và nghiên cứu. Ở đâu người ta phát huy tốt nhất khả năng bản thân thì không nên cản trở.

Trong một quốc gia cũng thế thôi. Ở đâu trên thế giới cũng đều chấp nhận quyền tự do cư trú của công dân trong hiến pháp. Họ ở Bắc hay Nam là quyền của họ. Hà Nội là thủ đô nhưng không nhất thiết chỉ có người Tràng An thanh lịch. Người Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn vẫn thoải mái sống và làm việc. Một nền kinh tế thị trường, một thế giới chấp nhận sự cạnh tranh để làm động lực cho sự phát triển thì cần thiết có một tư duy mở, thoáng đãng, tránh cục bộ, đố kị hẹp hòi. Nước Mỹ hùng cường một phần vì biết phát triển chính sách đa sắc tộc, đa văn hóa. Người giỏi luôn có cơ hội, có vị trí xứng đáng, bất kể màu da và xuất thân ra sao.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liệu có một Đặng Thái Sơn không, nếu như anh không được học tập tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của những người thầy tài năng như Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov?

Liệu có một Ngô Bảo Châu không, nếu như anh không được đào tạo và nghiên cứu ở những trung tâm toán học hàng đầu thế giới?

Chẳng nói đâu xa, cứ kiểm kê lại chính sách trải thảm đỏ nhận thủ khoa sẽ rõ. Cũng là trọng dụng nhân tài về với địa phương đấy nhưng có cái gì đó hình thức, kiểu thùng rỗng kêu to, hời hợt và thiếu bền vững. Kết quả ra sao đến giờ này mọi người đều biết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách đây khoảng trên chục năm, tôi nhớ không chính xác lắm, hình như tại Đồng Mô - Hà Nội, diễn ra một hội thảo khá lớn, quy tụ nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp (phần đông là Việt Kiều) để trả lời mỗi câu hỏi: Vì sao sau làn gió mát lành của ĐỔI MỚI, họ quay lại cố hương hăm hở, hào hứng bao nhiêu, thì khi ra đi, lại âm thầm và xót xa bấy nhiêu. Vì sao họ chán nản và rút dần khỏi Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản: Môi trường làm việc, nghiên cứu không có, trong khi lại đầy rẫy những thủ tục “rất Việt Nam”.

Chỉ lấy vài ví dụ gần đây ai cũng biết: Tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu loay hoay, “lên bờ xuống ruộng” với biết bao thủ tục; tàu bay VAM 2 đắp chiếu nằm kho sống chung với nhện và bóng tối thay vì chao liệng trên bầu trời cùng nắng, gió và mây.

Vậy nên, thay vì trách cứ các em, mà cũng chẳng ai trách đâu, rằng sao không phụng sự tổ quốc, thì hãy hỏi làm cách nào để gỡ bỏ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện để tài năng trở về nước. Và cũng chẳng nên bận tâm lắm với cuộc thi của truyền hình. Họ tạo ra sân chơi để phát hiện tài năng như thế cũng là quý lắm rồi. /.
Ngô Thiệu Phong/VOV.VN



-Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước có nền giáo dục tụt hậu nhất ASEAN
Cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang tụt hậu rất nhiều so với giáo dục thế giới, các đại biểu tham dự hội thảo cải cách giáo dục đại học cho rằng, phải cải cách lại giáo dục ngay từ cấp phổ thông chứ không riêng gì hệ đại học. 
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các diễn giả lần lượt nói đến các vấn đề còn nổi cộm trong giáo dục như việc quản trị, tự chủ, tài chính, chất lượng và số hóa hay việc giảng viên nghiên cứu khoa học... Các diễn giả đã chỉ ra những mặt còn yếu kém, lạc hậu của giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM còn cho biết: Việt Nam đang nằm trong nhóm 4 nước có nền giáo dục tụt hậu nhất ASEAN.
Ngược đời trong việc quản trị giáo dục
GS Ngô Bảo Châu trong phần trình bày Xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học đã chỉ ra những cái ngược đời của giáo dục đại học. Trong khi các trường đại học ở các nước tiên tiến tận dụng những nguồn lực bên ngoài để đổi mới cách giáo dục thì Việt Nam lại tập trung đào tạo các nguồn nhân lực, các ứng viên do chính mình tạo ra. Việc này sẽ làm cho cách dạy và học tiếp tục lặp lại phương thức cũ, không có sự đổi mới. Sinh viên sẽ không được học những cái mới. Dần dà, nền giáo dục sẽ ngày càng kém, càng giật lùi so với thế giới.
Trong khi các nước luôn dành những chính sách, chế độ ưu tiên để khuyến khích các giáo sư ngoại quốc đến giảng dạy, không phân biệt giáo sư trong và ngoài nước thì VN lại không có bất cứ chính sách nào khuyến khích giảng dạy. Thậm chí, Trung Quốc cũng đã có những chính sách nhằm thu hút các giáo sư nước ngoài. Thành ra nhiều giáo sư muốn tự nguyện sang VN giảng dạy thì lại không nhận được bất cứ ưu đãi nào.
Ở các nước, năng lực nghiên cứu là tiêu chí đầu tiên để tuyển dụng một giảng viên thì ở VN vấn đề này còn nặng tính hành chính. Tuyển chọn giảng viên còn tuân theo quy trình tuyển chọn công viên chức nhà nước, không có đặc thù của một trường đại học. Thêm vào đó, với mức lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống trung lưu đòi hỏi các giảng viên chạy “show”. Vì thế, các giảng viên không còn thời gian và trí tuệ để tập trung vào nghiên cứu khoa học.
Nên bắt đầu từ đâu?
Trong buổi đối thoại, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh - phó viện trưởng Viện Kinh tế và thương mại quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng: Việc đổi mới giáo dục cần phải được đổi mới từ bậc phổ thông. Sinh viên thụ động, thiếu sáng tạo... được hình thành từ bậc phổ thông mà có, đại học không thể thay đổi được. Muốn cải cách giáo dục thì phải thực hiện từ gốc chứ ngọn thì không thể thay đổi được.
Tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam, đại diện cho doanh nghiệp cũng nói rằng: Việc giáo dục đại học giống như một nhà máy và sản phẩm đầu ra là các sinh viên. Các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của hệ thống giáo dục. Thế nhưng, với các sản phẩm này thì doanh nghiệp “thỉnh thoảng khen, thường xuyên phàn nàn”. Vấn đề phàn nàn ở đây chính là chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp buồn ngay từ vòng phỏng vấn.
Để sản phẩm có chất lượng hơn đòi hỏi các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thế nhưng, DN không chỉ tạo các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ mà nhiều lúc còn phải đào tạo về việc sử dụng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Việc cải cách giáo dục cần có sự đồng thuận ở tất cả các phía và phải có sự nhìn nhận bất cập tốt.
“Nhà nước tổ chức tuyển sinh chung cho tất cả các trường. Nhà nước chung tất cả các văn bản cho các trường, quy định mô hình cho các trường giống nhau. Thế thì chúng ta làm sao tự chủ được?”
Nguyễn Quân - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII lại cho rằng bất cập nên xét từ hạn chế của các trường đại học. Giáo dục đại học Việt Nam thiếu năng lực và sự sẵn sàng. Đội ngũ giảng viên thiếu và yếu. Đặc biệt, việc “tự túc tự cấp” làm cho lực lượng các trường ngày càng yếu đi. Ngoài ra, giáo dục đại học còn thiếu sự sẵn sàng, thiếu trách nhiệm giải trình. Việc minh bạch hóa các thông tin còn miễn cưỡng và mang tính hình thức.
Muốn thay đổi trước hết cần sửa đổi những bất cập ngay trong Luật Giáo dục, GD đại học và các văn bản quy phạm pháp luật. Cần bổ sung thêm các quy định trách nhiệm cụ thể, bãi bỏ quy chế tự quản. Cuối cùng, cần kết thúc hình thức “3 chung” để các trường tự tuyển sinh.
Ngoài ra, vấn đề tài chính trong giáo dục đại học cũng được khá nhiều người quan tâm. Theo ông Nguyễn Trường Giang – phó Vụ trưởng Vụ tài chính (Bộ Tài chính), nguồn thu của các trường chủ yếu từ các cơ sở đào tạo. Thế nhưng,  mức thu đó chỉ đảm bảo 50-60% chi phí hoạt động. Trong khi đó, các nguồn thu từ khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ đại học chiếm tỷ trọng rất thấp.
Cũng theo ông Giang, cần phải sửa đổi chính sách thu học phí phù hợp. Một trường hợp cụ thể là sinh viên sư phạm được miễn giảm học phí. Thế nhưng, có một số trường hợp cụ thể nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường lại không làm việc trong ngành sư phạm. Vì thế trường hợp này nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Sinh viên học sư phạm sẽ vay học phí trong quá trình học thay vì miễn giảm hoàn toàn như hiện nay. Nếu sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành này thì mới có chính sách miễn giảm.

Trên cả nước có tất cả 433 trường ĐH, CĐ. Trong đó, có 247 trường công lập và 186 trường ngoài công lập. Số sinh viên trong năm 2014 là 1.662.665 người. Sinh viên công lập là 1.407.864 người, chiếm 84,6%. Ngoài công lập là 254.804 người, chiếm 15,32%. Mục tiêu của nền giáo dục là tăng số sinh viên ngoài công lập.
Đối với vấn đề thay đổi học phí, trên cả nước từ năm 1998 – 2009 có mức nâng trần học phí đầu tiên từ 50.000-180.000 đồng/ tháng/ sinh viên. Để đảm bảo chi phí, dự kiến mức học phí sẽ được nâng trần để phù hợp với chất lượng và chi phí giáo dục.
Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học từ năm 2011-2014 cũng có những chuyển bước đáng kể. Năm 2011 số tiền chi cho nghiên cứu khoa học là 144,41 tỉ đồng. Số tiền được nâng cao trong các năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2012 là 183,954 tỉ đồng, năm 2013 là 196,616 tỉ đồng. Và năm 2014 là 205,665 tỉ đồng.

Phan Diệu

-Bill Gates không có “cửa” vào Việt Nam

Nhiều lao động nước ngoài (LĐNN) có trình độ chuyên môn khốn khổ vì vướng mắc trong việc xin giấy phép vào Việt Nam làm việc.

Theo quy định
mới, Bill Gates cũng không được làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo quy định mới, Bill Gates cũng không được làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dư luận cho rằng, với những quy định thiếu thực tế hiện nay, ngay cả tỷ phú Bill Gates hay ông chủ facebook cũng không có “cửa” để vào Việt Nam làm việc (vì chưa có bằng đại học).
Sính bằng cấp
Thông tư 03 của Bộ LĐ-TB&XH (có hiệu lực từ 3/2014) hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 102 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về LĐNN làm việc tại Việt Nam) đang gây khó cho nhiều LĐNN có trình độ chuyên môn muốn vào Việt Nam làm việc. Theo đó, đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài là chuyên gia, phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc (mà NLĐ dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam).
Liên quan đến quy định này, đại diện Cty Baker & McKenzie, ông Fred Burke cho biết, Cty ông vừa bị TPHCM từ chối cấp giấy phép lao động cho một LĐNN đã từng làm việc cho hãng được 3 năm và tốt nghiệp ở một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Có chuyện tréo ngoe này là do đối chiếu với quy định “5 năm kinh nghiệm” còn thiếu.
Ông Colin Blackwell, một kỹ sư Hàn Quốc cũng cho biết, nhiều người là chuyên gia quan trọng trong quá trình sản xuất thiết bị, nhưng vì không đủ 5 năm kinh nghiệm nên cũng bị từ chối cấp giấy phép lao động.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ mới đây, ông Yoshihira Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cũng phản ánh: Kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực đến nay, một số doanh nghiệp Nhật Bản được các cơ quan chức năng thông báo những lao động đến Việt Nam nếu lưu trú dù chỉ một ngày cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp của địa phương. Thời gian quá ngắn nên nhiều cơ quan chức năng đã từ chối cấp lý lịch tư pháp cho các lao động Nhật Bản.
Ai xác nhận “thâm niên 5 năm”?
Với giáo viên tiếng Anh, khi nộp hồ sơ xin cấp phép, bị xếp vào đối tượng chuyên gia. Theo quy định tại Nghị định 102 và Thông tư 03, chuyên gia phải là người “có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành đào tạo”. Quy định này đang khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tuyển dụng LĐNN vào giảng dạy.
Theo TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương), trường có 190 giảng viên, trong đó có 85 giảng viên nước ngoài. Trước khi có Nghị định 102 của Chính phủ, mọi thứ diễn ra bình thường.
Từ khi có nghị định, trường gặp khó khăn trong việc tuyển giảng viên nước ngoài. Giảng viên ở trường nhiều người đã giảng dạy 20 năm, nhưng không có giấy xác nhận kinh nghiệm. “Họ không biết xin ở đâu, lãnh sự quán cũng không cấp. Đây là loại giấy xa lạ với phong cách và học thuật của người nước ngoài”, ông Phúc nói.
Với quy định hiện hành, lãnh đạo một số trường sử dụng giảng viên nước ngoài khẳng định, có cảm tưởng các nhà làm luật sính bằng cấp. “Họ thích thì quy định, chứ không cần biết nỗi khổ thực thi ra sao”, Hiệu trưởng một trường đại học tại Hà Nội nói.
Theo vị này, quy định hiện hành rõ ràng là rất nhiêu khê. Chẳng lẽ, những giáo viên từng dạy ở nhiều nước (Mỹ, Hàn Quốc...) họ lại phải đến từng nước đã giảng dạy để xin xác nhận về thâm niên công tác(?). “Với quy định hiện hành, đến như tỷ phú Bill Gates cũng khó được cấp giấy phép vào Việt Nam làm việc. Quy định như vậy là quá sính bằng cấp. Trong khi đó, nếu ông Bill Gates đến Việt Nam, có lẽ tất cả chúng ta phải ngả mũ chào đón”, vị này nói.
Phải thay đổi
Ngày 8/7, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, quy định hiện hành có ưu điểm là hạn chế được LĐNN bất hợp pháp. Tuy nhiên, lại gây bất lợi cho những đối tượng có trình độ kỹ thuật chuyên môn muốn cống hiến cho Việt Nam. Do đó, tới đây, khi sửa Nghị định 102, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng. “Với lao động có hợp đồng rõ ràng, chuyên môn cụ thể, cần được ưu tiên về thủ tục cấp giấy phép lao động”, bà Minh nói.
“Với quy định hiện hành, đến những tỷ phú như Bill Gates cũng khó được cấp giấy phép vào Việt Nam làm việc. Quy định như thế là quá sính bằng cấp. Trong khi đó, nếu ông Bill Gates đến Việt Nam làm việc, có lẽ tất cả chúng ta phải ngả mũ chào đón”. Hiệu trưởng một trường đại học tại Hà Nội.


Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục này đang trong quá trình tham gia sửa Nghị định 102. Theo bà Vân, đã là chuyên gia, phải có bằng cấp đàng hoàng. “Trong thời gian chờ sửa Nghị định 102, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để tạo điều kiện cho một số đối tượng LĐNN khi vào Việt Nam làm việc”, bà Vân nói.
Theo bà Vân, tất cả những vướng mắc hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã xin ý kiến Chính phủ. “Việc sửa Nghị định 102 thế nào, hiện chưa thể nói được. Chúng tôi còn phải đánh giá lại tất cả các điều kiện đưa ra trước đây cái gì được, chưa được”, bà Vân nói.
Một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các quy định hiện hành là nhằm mục đích để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến LĐNN, trong đó có việc cấp phép. Tuy nhiên, khi thực thi, đã có một số vướng mắc, bất hợp lý ở một số lĩnh vực. Chính phủ đã biết việc này và đang giao các cơ quan liên quan nghiên cứu tìm hướng tháo gỡ.
Theo Phong Cầm
Tiền Phong



-NVP- Nhập nhằng công tư

(Liên quan đến chuyện chương trình "tiếng Anh tích hợp" của Sở GD-ĐT TPHCM, tôi có viết mấy bài đăng trên TBKTSG, TBKTSG Online và Tuổi Trẻ)

Bài 1
Nhập nhằng công tư

Giả thử có người muốn khởi sự kinh doanh trong ngành giáo dục, đưa một chương trình rất hay, rất bổ ích ở nước ngoài về Việt Nam dạy cho học sinh trong nước. Nhưng cách làm bình thường quá sức tốn kém, rủi ro thất bại lại rất cao vì phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải đủ chỗ cho hàng ngàn học sinh. Lỡ tiền bỏ ra rồi mà tuyển sinh không được thì sao? Tuyển sinh cách nào để ngay lập tức có cả ngàn học sinh?



Giả thử tiếp, có một cách bảo đảm thành công, đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể, số lượng học sinh tăng đến đâu cũng có cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng ngay. Không cần quảng bá, tiếp thị; sẽ có một bộ phận chính thống tuyên truyền giùm cho chương trình.


Đó là làm sao để thuyết phục sở giáo dục địa phương đồng ý và bảo trợ cho bạn triển khai chương trình vào các trường công có sẵn, trường sẽ nhường phòng học tốt nhất cho bạn, nhường luôn tên tuổi của trường, bạn hoàn toàn chủ động tuyển giáo viên bên ngoài vào dạy, nhà trường không tham gia gì cả, thậm chí không được vào dự giờ. Nguồn tuyển sinh là từ hàng chục ngàn học sinh ở ngay các trường công lập. Học sinh và phụ huynh nào đủ tiền đóng mỗi tháng vài ba triệu đồng sẽ được học chương trình của bạn, bất kể sau đó các em phải nhồi nhét thêm chương trình bình thường. Nhà trường do được nhận 15% hoa hồng nên sẵn sàng dồn các lớp bình thường lại, chật chội – kệ, miễn sao dành sự thuận lợi nhất cho bạn.


Đọc đến đây sẽ có người thốt lên, làm gì có chuyện phân biệt trắng trợn như thế, làm gì có chuyện “thương mại hóa” công khai như thế trong môi trường công lập?


Cách kinh doanh mượn cơ sở công lập để nhanh chóng triển khai các dự án tư nhân một cách ít tốn kém nhất đã diễn ra trong nhiều lãnh vực mà đầu tiên phải nói đến giáo dục.


Chương trình tiếng Anh Cambridge đã từng được công ty EMG Education với sự bảo trợ của Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM triển khai theo cách đó. Bởi cách làm này trái với tinh thần của Cambridge là cùng đội ngũ giáo viên nhà trường xây dựng và giảng dạy, chứ không phải là “khoán trắng” cho EMG như thế nên Cambridge đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với EMG từ đầu năm nay.


Nay EMG lại cùng Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục tìm cách giới thiệu một chương trình khác, lần này thậm chí không có một tổ chức uy tín như Cambridge đứng tên nên phải dùng đến Bộ Giáo dục Anh một cách tùy tiện và sai lệch (xem thêm bài “Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!”).


* * *


Lãnh vực phổ biến thứ nhì trong việc sử dụng cơ sở công lập cho việc thương mại hóa là y tế nơi các công ty, thậm chí một nhóm người mua sắm một loại máy xét nghiệm nào đó rồi bỏ vào một bệnh viện công và kinh doanh một cách thoải mái. Không cần đầu tư xây cơ sở vật chất, không cần quảng cáo tiếp thị để tìm khách, không cần nhân lực để vận hành máy – chưa thấy một mô hình kinh doanh nào với những lợi thế cao như vậy. Chẳng lạ gì hình thức được mệnh danh “xã hội hóa” đã nở rộ ở mọi bệnh viện công, lại được Bộ y tế đánh giá như một bước đột phá!


Mới nhìn qua tưởng đâu các dự án “xã hội hóa” này có lợi cho bệnh viện vì được chia 15% đến 20% lợi nhuận. Nhưng các bệnh viện đâu biết họ phải gánh chịu những chi phí khấu hao mà do là cơ sở công lập nên họ chưa phải tính.


Hai cột trụ của xã hội là giáo dục và y tế mà bị thương mại hóa như thế thì rõ ràng người dân trở thành miếng mồi ngon cho hoạt động kinh doanh. Chẳng lạ gì mọi người sẽ nghe như lời ca ngợi sự cần thiết cho con em được học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học; chẳng lạ gì người bệnh bình thường cũng bị ép làm hàng loạt xét nghiệm không cần thiết. Cả một thế hệ bị đánh mất tuổi thơ vì bị người lớn ép học bằng đủ cách.


Ở những lãnh vực khác, sự “hợp tác công tư” có thể tế nhị hơn, ít lộ liễu hơn nhưng lại thiên hình vạn trạng hơn.


Giải pháp ở đây là gì? Rạch ròi công tư, đâu ra đó. Sở giáo dục hay sở y tế địa phương không thể trở thành nơi bảo kê cho mô hình kinh doanh kiểu này. Cái sai là nó làm méo mó môi trường làm cạnh tranh trong kinh doanh không còn bình đẳng khi doanh nghiệp dựa vào quan hệ. Cái sai nữa là nó tạo ra sự phân biệt ngay trong những môi trường cần sự bình đẳng. Nếu chúng ta phê phán cái trường chỉ cho học sinh mua vé xuống xem văn nghệ, các em không mua vé phải tránh đi chỗ khác thì việc một số em được học chương trình “cao cấp” hơn chỉ vì nhà các em đủ điều kiện sẽ tạo ra tâm lý không hay ho chút nào ở học sinh.


Cách làm như miêu tả ở trên còn không được chấp nhận ở những nước theo đuổi nền kinh tế thị trường thuần túy thì làm sao nó lại được chấp nhận ở một nước tự xem mình có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?








Bài 2
Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!


Thông tin Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM ngưng tuyển sinh cho chương trình Cambridge rồi thay bằng một chương trình “tích hợp - quốc gia Anh” đang gây ra sự hoang mang trong giới phụ huynh. Từ các phát biểu của đại diện Sở với báo chí, từ nội dung buổi giao lưu trực tuyến của Giám đốc Sở GD-ĐT với phụ huynh, có thể nhận định là Sở đang lao vào một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro mà người gánh hậu quả chính là học sinh của chúng ta.


Thứ nhất, giả thử chương trình được triển khai thông suốt và một em theo học chương trình này vài ba năm, lúc đó em sẽ được học các môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh tức kiến thức các em có được sẽ bằng một ngôn ngữ khác, không phải là tiếng mẹ đẻ (theo Sở GD-ĐT, học sinh tiểu học không phải học toán, khoa học chương trình Việt Nam nữa).


Giả thử đến lớp 6 em phải chuyển sang trường khác, nơi đó không có chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này, em ấy làm sao theo học chương trình dạy bằng tiếng Việt bình thường? Kiến thức của em ấy giờ đây phải “dịch” trọn vẹn sang tiếng Việt để em có thể theo kịp bạn bè ở trường mới hay sao?


Giả thử trường triển khai chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này với hàng trăm học sinh đăng ký theo học. Sau vài năm, vì lý do gì đó, chương trình bị hủy bỏ (như từng xảy ra với chương trình Cambridge hiện nay, hay do sĩ số học sinh theo học giảm dần, hay do phụ huynh bỗng không thể kham nổi học phí trên 3 triệu đồng/tháng). Lúc đó các em sẽ làm sao với mớ kiến thức Toán và khoa học bằng tiếng Anh? Không lẽ phải bắt các em học lại những năm học đó, lần này bằng tiếng Việt?


Ở môi trường một trường quốc tế, nơi ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh thì việc học các môn như Toán và khoa học bằng tiếng Anh là điều tự nhiên vì ở đâu các em cũng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trong trao đổi nội dung bài vở, trong tranh luận về kiến thức. Thử hỏi trong nhà trường công lập hiện nay, các em theo học chương trình này có làm được điều đó không? Vậy kiến thức các em thu lượm được có phải lại “dịch” về tiếng Việt để từ đó mới tham khảo được sách vở khác, mới trao đổi với cha mẹ khi về nhà...


Tự dưng Sở Giáo dục & Đào tạo bắt tay với EMG Education, một công ty tư nhân để giới thiệu một chương trình dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh trong nhà trường công lập là một thí điểm liều lĩnh, nhất là khi chưa tính đến hết mọi tình huống nói trên.


Việc cho phép EMG sử dụng cơ sở vật chất và học sinh công lập để triển khai một chương trình giáo dục mang tính thương mại hóa là một sai lầm, đã được phân tích ở bài “Nhập nhằng công tư”. Ở đây chỉ xin nói thêm một số thông tin không chính xác, có thể gây hiểu nhầm ở phụ huynh.


Có thể khẳng định ngay là hoàn toàn không có chuyện Bộ Giáo dục Anh cấp bằng cho học sinh nào theo học chương trình này. Bộ Giáo dục Anh, cũng như bộ giáo dục các nước, công bố chương trình khung mang tính chuẩn mực cho các trường tham khảo (chương trình được chia làm bốn giai đoạn gọi là Key Stages). Lấy ví dụ Key Stage 1 là chương trình dành cho học sinh 5 đến 7 tuổi, Key Stage 2 dành cho học sinh 7 đến 11 tuổi... Sau đó, học sinh được đánh giá bằng kỳ thi do Cục Tiêu chuẩn và Khảo thí (STA) tổ chức. Đó là chuyện của nước họ. Đây không phải là chương trình mà Anh xuất khẩu ra nước ngoài như chương trình Cambridge.


Nói cách khác, có thể EMG xin hay mua hay nhượng quyền sử dụng chương trình Key Stages và các bài thi của STA để đem về sử dụng ở Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa Bộ Giáo dục Anh sẽ cấp bằng cho học sinh Việt Nam. Ngay ở Anh nhiều nhà giáo và nhiều tổ chức giáo dục phản đối dữ dội các kỳ thi cuối khóa các Key Stages này vì chúng làm cho việc học chỉ nhắm đến mục đích thi, tạo ra áp lực không cần thiết.


Chúng tôi cũng chưa hiểu làm sao để Sở GD-ĐT có thể xây dựng một “chương trình tiên tiến, mang bản sắc văn hóa của Việt Nam”? Đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam được hiểu theo nghĩa gì, bản địa hóa nội dung giảng dạy dù ngôn ngữ sử dụng vẫn bằng tiếng Anh chăng?


Chúng tôi cũng không hiểu làm sao để không gây quá tải cho học sinh khi đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình này vừa “đánh giá kết quả học tập của học sinh là thi lấy chứng chỉ của nước ngoài (nếu đủ điều kiện và có nhu cầu) và bắt buộc phải kiểm tra đánh giá bằng tiếng Việt theo quy định hiện hành của chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam”.


Phụ huynh làm sao yên tâm cho được khi Sở thì nói học sinh không cần học các môn Toán và khoa học theo chương trình Việt Nam còn Bộ thì nói “khi triển khai bắt buộc phải tổ chức kiểm tra đánh giá theo chuẩn hiện hành của Bộ GD-ĐT”?


Chưa bao giờ câu nói “xin đừng lấy học sinh ra làm chuột bạch” cho các chương trình thí điểm nữa lại mang tính khẩn thiết như bây giờ.


Bài 3
Thâm lạm quyền lực công


Câu chuyện chương trình “tích hợp quốc gia Anh” nay đã rõ sau khi các bên liên quan trực tiếp hay miễn cưỡng tiết lộ thông tin.


Nói tóm tắt thì đây là chương trình chủ yếu nhằm để dạy tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có học tiếng Anh dùng trong môn Toán và Khoa học. Sở dĩ không nói học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh vì chắc chắn chỉ với 6 tiết/tuần cho cả ba môn thì không thể nào học đầy đủ đúng như chương trình quốc gia của Anh. Chỉ là học theo kiểu cỡi ngựa xem hoa là chính.


Chương trình này không có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh, cũng chẳng được cơ quan khảo thí của nơi này cấp chứng nhận, chưa được Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm định hay phê duyệt và chưa được UBND TPHCM phê duyệt cho triển khai.


Nó chẳng khác gì chuyện một trung tâm tiếng Anh mở lớp dạy thêm cho học sinh với học phí khá đắt – trên 3 triệu đồng/tháng. Nói là không khác vì học sinh cũng phải học song song các môn đó bằng tiếng Việt (có thể được giảm một số tiết), cũng phải dự kiểm tra đánh giá như các học sinh khác và cuối cấp cũng phải thi theo chương trình tiếng Việt như các bạn không học “chương trình tích hợp”.


Vậy thì tại sao dư luận lại phản đối Sở Giáo dục-Đào tạo? Bởi những thông tin nói trên chỉ xuất hiện sau khi báo chí vào cuộc còn trước đó thông tin không phải như thế. Đây là điểm mấu chốt vì giáo dục con người đòi hỏi sự minh bạch, trung thực, khách quan.


Dư luận còn phản đối vì như thế rõ ràng Sở đang tổ chức hay hỗ trợ cho một công ty tư nhân tổ chức các lớp dạy thêm ngay trong hệ thống công lập và thu tiền của học sinh. Không thể nào tưởng tượng nổi cảnh Sở đứng đằng sau một câu chuyện dạy thêm kiếm tiền mà lại huy động bộ máy công phục vụ cho nó, dùng hệ thống thông tin chính thức của ngành để quảng bá cho nó, thậm chí dùng hệ thống công văn chính thức để truyền đạt thông tin về nó cho các trường trong khắp thành phố.


Vì thế câu chuyện chương trình có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh hay không không còn quan trọng nữa rồi. Sở hợp tác với EMG hay với bất kỳ ai khác cũng không quan trọng vì với ai, học phí có rẻ hơn thì bản chất vấn đề cũng thế. Và bản thân chương trình Cambridge cũ cũng không khác là bao.


Vấn đề quan trọng là bình thường phụ huynh sẽ rất lưỡng lự, cân nhắc khi cho con đi học thêm tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết ở một trung tâm dù họ quảng cáo dạy cả Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, dù họ bảo đảm học xong là đủ sức theo học các môn này ở nước ngoài.


Đằng này cái giá khá đắt của “chương trình tích hợp” này đã được hóa giải phần nào bằng uy tín của Sở GD-ĐT, uy tín vay mượn của Bộ Giáo dục Anh (trước đây là uy tín và sự hợp tác thật sự của Cambridge), bằng thói quen tin vào hệ thống công lập, tin vào các lớp do chính nhà trường mở. Đó mới chính là “thâm lạm quyền lực” – một vấn đề nhức nhối, đáng nói hơn cả.


Một yếu tố quan trọng khác là cách tổ chức một chương trình như thế phá hỏng môi trường sư phạm bởi không thể nào chấp nhận cảnh một trường mà ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên bị gạt qua một bên, nhường một phần cơ sở vật chất cho một bên thứ ba vào tổ chức dạy thêm cho học sinh của chính mình. Thử nghĩ trường tự mở các lớp như thế cho người ngoài vào dạy để thu tiền thì Sở nghĩ như thế nào. Xin đừng tiếp tục biện bạch tương lai sẽ đào tạo giáo viên của trường cùng đảm trách nữa. Một môi trường giáo dục đúng nghĩa là tất cả các bên liên quan cùng nhau thực hiện sứ mệnh dạy và học, cùng nhau cải tiến dần để trở thành môi trường học tập tối ưu. Cũng không thể chấp nhận cảnh các em chỉ vì không đủ tiền để đóng học phí cao ngất này đành phải học ở lớp chật chội, đông đúc, dành lớp ít học sinh cho các em có tiền.


Tôi hy vọng UBND TPHCM sẽ có quyết định sáng suốt, chấm dứt việc thí điểm “liều lĩnh” này và có lời giải thích rõ ràng cho phu huynh trước thềm năm học mới.






Lộ diện tác giả đề Toán lớp 2 khiến người lớn đầu hàng

Bài toán "đầu cừu, đuôi thuyền trưởng" có nguồn gốc khá thú vị.


Những ngày qua cộng đồng mạng xôn xao về đề Toán lớp 2, đếm cừu tính tuổi thuyền trưởng. Thực tế, đây là một bài toán nghiêm túc và tác giả của nó chính là nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - Nguyên trưởng bộ môn phương pháp dạy Toán tiểu học của trường ĐH Sài Gòn.

Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực cho biết, cách ra đề kiểu này không phải là mới, lạ với thế giới. Vì đối với những người dạy học Toán, bài toán “Tuổi thuyền trưởng” đã trở thành kinh điển, không ai không biết.
Bài toán như sau:
Bên cạnh đó, nếu chú ý, có thể thấy bài toán được đánh dấu (*) - tức là bài toán khó nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài. "Thường để cho yên tâm và an toàn, cả tác giả và Nhà xuất bản ở Việt Nam ít khi mạnh dạn chấp nhận kiểu đề toán ra theo dạng này. Nhưng, theo quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và của Bộ GD&ĐT, tôi đã đề nghị nhà xuất bản chấp nhận ra đề kiểu này và tôi đã được ủng hộ.


Trong một bài toán có 2 phần là những cái đã cho và cái phải tìm. Câu hỏi này không đúng vì trong các dữ kiện không có yếu tố nào liên quan đến tuổi thuyền trưởng. Tác giả cố tình vi phạm để tập cho trẻ thói quen đọc kỹ đề, phân biệt cái đã cho và cái phải tìm trước khi giải bài toán. 

Cũng xin lưu ý thêm rằng, trong sách bên cạnh câu hỏi còn có phần gợi ý giải; và đáp án bài toán này trong sách có ghi rõ là: "Không giải được vì đề toán sai" - Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Thực bày tỏ. 

Hiện nay, thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy viết sách giáo khoa, sách tham khảo đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực của học sinh. 

Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá được coi là khâu đột phá trong công cuộc đổi mới GD&ĐT lần này. Từ hiện tượng bài toán lớp 2 gây tranh cãi, cho thấy phần nhiều độc giả thể hiện quan điểm ủng hộ việc đã đến lúc chúng ta không thể theo thói quen cũ bắt học sinh chỉ có một lựa chọn thuần nhất, thụ động trong việc tiếp nhận tri thức. Với trường hợp cụ thể này, theo lẽ thông thường, trước khi tranh luận, chúng ta nên trấn tĩnh, chí ít là tìm xem trong cuốn sách đó có phần đáp án không, và đáp án trả lời thế nào rồi sau mới bàn. Theo Hiếu Nguyễn/Giáo dục Thời đại

Tổng số lượt xem trang