Oan sai ngày càng nhiều, nhân dân sẽ mất lòng tin vào chế độ
(GDVN) - Đại biểu Huỳnh Nghĩa: "Ngành công an, kiểm sát cần báo cáo trước Quốc hội đã xử lý những điều tra viên, kiểm sát viên để xảy ra oan sai như thế nào?".
Lòng Tin Chết Lặng
Nguyệt Quỳnh
Sửa án do lỗi của thẩm phán quá lớn
Thảo luận tại hội trường về công tác của ngành tòa án, kiểm sát, chiều 25/10, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) chỉ rõ, những bản án kém đang gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Đại biểu Nghĩa nêu thí dụ: Năm 2014, ngành công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can, nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đình chỉ điều tra 2.300 bị can. Đặc biệt, có 91 công dân bị oan sai, trong đó phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được bị can cấu thành tội phạm. Ngành toà án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.
“Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp phụ trách vụ án có vấn đề, hoặc là trình độ, năng lực hạn chế, nóng vội, chủ quan hoặc xem nhẹ trách nhiệm của mình trước nhân dân. Khi khởi tố bị can không cân nhắc, xem xét thấu đáo các tình tiết.
Đề nghị các ngành công an, kiểm sát báo cáo trước Quốc hội đã xử lý những điều tra viên, kiểm sát viên này như thế nào?Nếu không xử lý thì không có tác dụng răn đe, số người bị oan ngày càng tăng lên, mất lòng tin của nhân dân vào công lý, chế độ”, Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa đặt ra vấn đề, ở nhiều vụ án dù thẩm phán giỏi nhưng vì sao vẫn phải sửa án? |
Về công tác xét xử, năm 2014, ngành toà án đã giải quyết xét xử hơn 385.300 vụ án, trong đó có trên 6.200 vụ án sửa lỗi chủ quan của thẩm phán.
“Đây là con số không hề nhỏ, gợi nhiều suy nghĩ. Thực tế, lỗi chủ quan là lỗi chính của thẩm phán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi này, như nhận thức, năng lực hạn chế, tuy nhiên cũng không ít thẩm phán giỏi nhưng án bị huỷ, sửa rất nhiều.
Vậy vấn đề ở đây là gì, đây là câu hỏi lớn cần được trả lời từ những người có trách nhiệm của ngành toà án, trong đó đặc biệt thụ lý những vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị tranh chấp lớn, huỷ đi huỷ lại nhiều lần, qua các phiên toà sơ thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm kéo dài nhiều năm gây hoang mang bức xúc cho đương sự, đồng thời làm tốn kém tiền bạc của nhà nước, mất lòng tin của người dân đối với ngành toà án, đề nghị quốc hội tăng cường giám sát việc xét xử các toà án này, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật", Đại biểu Nghĩa nhận định.
Không thể vì sợ đền bù mà để xảy ra oan sai
Đại biểu Bùi Văn Hùng (đoàn Bình Phước) nhận định, công tác giải quyết xét xử khiếu kiện hành chính chưa đạt yêu cầu. Qua tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư của người dân, ông thấy rằng người dân chưa thực sự tin tưởng việc đưa ra toà để phán quyết xử đúng sai các quyết định hành chính của chính quyền.
Tình trạng thụ lý án kéo dài quá lâu gây bức xúc cho dư luận, người dân thấy bế tắc và hệ quả tất yếu là sẽ dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện vượt cấp.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: Tình trạng thụ lý án kéo dài đang gây bức xúc trong nhân dân, dẫn tới khiếu kiện vượt cấp. |
Đại biểu Hùng nêu thí dụ vụ kéo dài nhiều năm tại tỉnh Bình Phước, xét xử Lê Bá Mai với tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra năm 2013.
“Vụ án này đương sự là Lê Bá Mai đã lần lượt nhận các mức án tử hình, một bản án tuyên vô tội và tha bổng tại toà, và đến nay là bản án là chung thân về hành vi hiếp dâm trẻ em. Dư luận rất bất bình và đặt tên vụ án là kỳ án vườn mít.
Kỳ án bởi vì kéo dài quá lâu, bởi vì hai mức án quá khác biệt, hơn nữa có nhiều tình tiết đưa ra để kết tội chưa thực sự thuyết phục. Tôi đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét lại bản án trên, không để lọt tội phạm, nhưng cũng không để xảy ra oan sai, đặc biệt là không sợ vì bồi thường trách nhiệm mà để oan sai cho người vô tội”, Đại biểu Hùng nói.
Giải trình làm rõ những nội dung ĐBQH quan tâm, cụ thể là kỳ án vườn mít - Lê Bá Mai, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cho biết: “Vụ án kéo quá dài nên chúng tôi rất thận trọng lập hai tổ phản biện độc lập. Một bên chỉ ra những vấn đề còn vướng, một bên phản biện.
Phiên toà phúc thẩm công khai có tranh tụng, có sự tham gia đông đảo của phóng viên và dư luận. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, bản thân Lê Bá Mai không thấy phản ứng gì, không có đơn thư kêu oan.
Chúng tôi nhân được một số phản ánh nguyên là đại biểu Quốc hội. Chúng tôi thành lập liên ngành có sự tham gia của kiểm sát viên, thẩm phán… xác minh lại những điều các đồng chí nêu, kết quả không thay đổi. Mặc dù trong quá trình điều tra có sơ suất, nhưng những điều đó không làm thay đổi vụ án. Chúng tôi sẽ có trả lời bằng văn bản, VKSND Tối cao sẽ họp và kết luận.
Lòng Tin Chết Lặng
Nguyệt Quỳnh
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ
(Nguyễn Trãi trước giờ tru di - Trần Mạnh Hảo)
Chẳng hiểu do đâu những câu thơ Trần Mạnh Hảo viết vào năm 1993 lại có thể tiên tri như câu sấm Trạng Trình. Làm sao ông biết được rằng cái mảnh đất mà tiền nhân quý như xương thịt này tuy chưa chính thức mất vào tay giặc nhưng đã mất rồi trong tay của đám nịnh thần. Cả nước ngẩn ngơ trước hàng tá những văn kiện bán nước mà Trung Cộng đã thu thập từ thế kỷ trước và nay trưng ra trước Liên Hiệp Quốc. Cả nước đắng cay trước chính sách hành xử nhu nhược hèn kém với giặc nhưng lại rất hung bạo với dân của lãnh đạo CSVN. Một đất nước thấm nhuần đạo lý nhân nghĩa giờ đây luân thường đem bỏ ở gác bếp. Và số phận dân tộc như Ức Trai ngày xưa, nhìn ra chỉ thấy con đường nào rồi cũng dẫn ba họ đến pháp trường, bàn tay chỉ đường nào cũng là bàn tay đao phủ.
Thế mà bài phát biểu của lãnh đạo tại Shangri-La lại nói đến “Xây dựng lòng tin chiến lược” !? Ngài Thủ Tướng còn nhấn mạnh với thế giới rằng: “... nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ ‘mất lòng tin là mất tất cả’ ...”
Hiển nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng đang muốn nói đến "lòng tin chiến lược" giữa các nước trong vùng, nhưng còn một "lòng tin chiến lược" còn quan trọng hơn nữa. Đó là Lòng Tin Chiến Lược giữa đảng Cộng Sản và dân tộc Việt Nam. Vì muốn xây dựng được lòng tin nơi xóm giềng thì chính gia đình mình phải tin được nhau trước đã. Ở cấp quốc gia cũng vậy, một quốc gia mà chính người dân trong nước còn không tin vào chính phủ thì khó mà các quốc gia khác có thể tin vào chính phủ đó được.
Thật vậy, giữa lúc cái lòng tin chiến lược quốc tế chưa thành hình nổi vì các nước khác cứ thấy Hà Nội tiến 1 bước lại lùi 2 bước trong cách đối phó với Trung Cộng, thì lòng tin chiến lược với dân tộc đang trên đà phá sản nhanh chóng.
Tục ngữ dân gian có câu mà ông Nguyễn Tấn Dũng và giới lãnh đạo CSVN biết rõ: Một lần thất tín, vạn sự không tin. Huống chi sự thất tín của đảng đã lặp lại hàng trăm hàng ngàn lần từ chuyện lớn như công hàm Phạm Văn Đồng, Bôxít Tây Nguyên, Vinashin, Vinalines, ... đến các trò gạt gẫm của các quan chức hàng ngày đối với dân và ngay trước mắt dân chứ chẳng cần che giấu gì nữa. Lòng tin của dân đối với đảng quả thật đã cạn kiệt, khô héo tận cốt lõi!
Lòng tin đó khô héo, vì các đòn ngày càng hung bạo và ngày càng hèn kém của công an, bất kể uy tín và bộ mặt của một nhà nước, từ những trò "bao cao su đã qua xử dụng", đến các cảnh ban đêm ném lén đồ dơ nước bẩn vào chỗ ở của các nhà tranh đấu cho nhân quyền, đến những chuyện dân tự treo cổ trong tư thế "ngồi" tại đồn công an, ... Nỗi bức xúc và sự khinh bỉ của người dân đối với giới lãnh đạo đang sống nhờ công cụ bạo lực công an đã tràn lan trên mạng Internet. Một đảng viên về hưu thấy chị Trần thị Nga, người tranh đấu bền bỉ cho dân oan, bị côn an (công an giả dạng côn đồ) đánh đến gãy chân đã chua chát lắc đầu: “Đối với Tàu Cộng xâm lược thì các nhà quân sự ta nhũn như con chi chi. Đối với dân thì thẳng tay đàn áp, đánh cả đàn bà con trẻ. Hèn nhát nhục nhã thì lại bảo tại ta yêu chuộng hoà bình, thế đánh dân thì yêu cái “con tự do” gì?”.
Lòng tin đó khô héo, vì thái độ trịch thượng tự xem mình là cha mẹ và coi toàn dân như một lũ trẻ con. Chỉ cần đọc thử vài hàng trong một bài viết tiêu biểu Những kẻ ‘ấu trĩ tả khuynh trong chính trị’ đang lợi dụng tình hình nóng bỏng trên Biển Đông, đăng trên báo Pháp Luật Thành Phố, là đủ thấy rất rõ. Và sau kiểu lý luận vừa dạy vừa phán trong cả bài thì Ban Tuyên Giáo kết luôn “… nhân dân luôn cần có Đảng để soi đường chỉ lối, ...”. Thái độ xem dân như con nít đó không chỉ nằm trên mặt báo mà hiện ra bằng xương bằng thịt hàng ngày qua từng bộ mặt công an cau có, hống hách, la mắng, và chỉ chực đánh "con nít" ngay trên đường phố.
Lòng tin đó khô héo, vì đầu óc lãnh đạo đã xơ cứng với những giáo điều của thế kỷ trước. Thế giới cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đã nằm trong đống rác lịch sử gần 25 năm rồi nhưng lãnh đạo vẫn phân tích, vẫn nhìn vạn vật dưới lăng kính "giai cấp", dưới sự phân chia "tả khuynh, hữu khuynh", và vẫn dè bỉu ước vọng chính đáng của người dân về một xã hội công bằng dân chủ văn minh mà cả thế giới đang theo đuổi. Xin tạm dùng tiếp bài báo tiêu biểu bên trên để dẫn chứng về lập luận mà lãnh đạo đảng đã nói ở nhiều nơi: “…họ tự cho rằng chủ nghĩa cộng sản sắp sụp đổ và là thời cơ để thay đổi, đổi mới. Họ mong muốn xây dựng ‘một quốc gia cường thịnh’, điều này hoàn toàn chính xác và cũng là mong ước của 90 triệu người Việt Nam. Nhưng tiếc thay, cái ‘quốc gia dân chủ’ là ‘dân chủ nhập khẩu, rập khuôn từ các nước Phương Tây…”. Trong khi thực tế trước mắt, cái gọi là "dân chủ tập trung" đã hiện nguyên hình là trò lừa bịp, và các quốc gia dân chủ Tây Phương đã bỏ chúng ta lại với “thiên đường xã hội chủ nghĩa” cách xa họ hàng thế kỷ về mọi mặt từ dân sinh đến khoa học, văn hóa và kinh tế.
Lòng tin đó khô héo, vì các khuôn mặt đại diện Đảng nói dối quá trắng trợn. Và có lẽ vì nói dối quá nhiều, quá thản nhiên nên cũng quên lời mình nói rất nhanh. Nhưng trong thời đại Internet ngày nay, người dân có nhiều phương tiện để kiểm chứng đâu là sự thật, và các dữ kiện, các câu phán đang nằm vĩnh viễn trong kho dữ kiện kỹ thuật số (digital database) của nhân loại. Đơn cử như chuyện nói dối rất gần đây của ông Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ. Ngày 4/6 vừa qua, nhiều trang mạng báo chí của nhà nước ta đã đăng tải hình ảnh về cuộc biểu tình của nhân dân Trung Quốc và cuộc tàn sát đẫm máu đêm ngày 3 rạng ngày 4 tại quảng trường Thiên An Môn 25 năm trước. Tuy nhiên đến cuối ngày, loạt bài này đã đồng loạt bị kéo xuống và không còn truy cập được nữa. Sáng ngày 5/6 trả lời phỏng vấn của BBC về sự kiện trên, ông Nguyễn Thế Kỷ nói tỉnh bơ: “hoàn toàn không có chuyện kiểm duyệt tin tức trong nước về sự việc này”. Hay như ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thông điệp đầu năm 2014 tuyên bố rất hùng hồn rằng "Dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm" nhưng khi dân dự tính xuống đường biểu tình phản đối giàn khoan 981 của Trung Cộng vào tháng 6/2014 thì cũng chính "ngài" len lén gởi tin nhắn riêng đến điện thoại của dân để cấm trong khi tại Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình, nghĩa là "pháp luật không cấm".
Lòng tin đó khô héo, vì thái độ quá hèn kém của toàn giàn lãnh đạo đảng CSVN. Sau khi im lặng không dám nói một lời hoặc len lén nói với vài tổ dân phố, nay các lãnh đạo đảng lại bên ngoài khẳng định thái độ "không làm gì cả" là cách hành xử khôn ngoan, và bên trong gấp rút giáo dục tư tưởng đảng viên phải biết sợ Bắc Kinh để giữ ghế cai trị. Có lẽ tiêu biểu nhất cho thái độ "Hèn với Giặc là vinh quang" này là tuyên bố của ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á. Trước mắt cả thế giới và khu vực ông Phùng Quang Thanh không ngần ngại luồn cúi trước Trung Quốc bằng phát biểu xem việc khiêu khích trắng trợn của Bắc Kinh, việc mất dần chủ quyền đất nước, việc ngư dân Việt mất mạng hàng tuần trên Biển Đông, việc tàu cảnh sát biển Việt Nam bị đâm hàng ngày quanh giàn khoan, tất cả chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lục đục trong gia đình. Và tuyên bố kiểu đó hàm ý lời hứa hải quân Việt Nam sẽ không có phản ứng gì trước các "chuyện nhỏ trong gia đình" đó, Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.
Và lòng tin đó khô héo, vì những lạm dụng từ ngữ của giới lãnh đạo đảng và guồng máy tuyên truyền của họ, đến độ tưởng như người Việt không còn hiểu được tiếng Việt nữa. Chẳng hạn như cứ mỗi lần tàu Trung Cộng chạy từ giàn khoan ra thì tàu cảnh sát biển Việt Nam lại bỏ chạy; Và mỗi lần chạy không kịp lại bị đụng nát hông tàu, thành tàu. Nhưng báo chí cứ thoải mái ca ngợi đó là hành động "dũng cảm, mưu trí, linh hoạt”. Nó khôi hài đến độ người đọc chảy cả nước mắt không hiểu vì cười quá hay vì đau lòng quá. Một thí dụ khác là câu mà Ban Tuyên Giáo Trung Ương tung ra nhiều trong những ngày gần đây, đó là "kiên quyết thảo luận với Trung Quốc”. Kiên quyết thảo luận nghĩa là sao? Nghĩa là đối phương không chịu nghe thì ta vẫn nói, nói một mình? Có phải cái điện thoại không cắm dây trong hình Ngoại trưởng Phạm Bình Minh gọi sang Trung Quốc phản đối là một dẫn chứng cho sự kiên quyết này? Rồi sau kiên quyết thảo luận sẽ là gì? Là kiên quyết dũng cảm bỏ chạy mỗi khi thấy hải quân Trung Quốc? Kiên quyết không chấp chuyện nhỏ nhặt trong gia đình? Kiên quyết nhường cho Bắc Kinh những gì chúng muốn lấy? Và Kiên quyết tạ tội với Bắc Kinh để được tiếp tục đóng vai chư hầu?
Tóm lại, có thể nói lòng tin chiến lược đã trở thành lòng tin chết lặng, chính yếu là vì người dân Việt nhục quá, nhục đủ mọi mặt, nhục không chịu được nữa! Dân tộc Việt Nam không có khả năng chịu nhục như hàng ngũ quan chức đang nắm quyền, và lại càng không có khả năng chịu nhục như giàn lãnh đạo thượng tầng đảng CSVN.
Và chính nhờ khí phách không chấp nhận quốc nhục đó mà đất nước và dân tộc Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay, sau biết bao triều đại xâm lăng và bán nước.