Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ngụ ngôn gửi người mất ngủ

-Ngụ ngôn gửi người mất ngủ
  • Tháng 7 20, 2014
    Từ Linh
    Có lẽ, khi trầm ngâm trước bàn thờ, hoặc khi trằn trọc mất ngủ, người ta không tư duy bằng thông tin, dữ liệu hay lập luận, mà bằng ngôn ngữ gần với ngụ ngôn. Nếu thông tin là lúa mạch, nho, gạo, nước, men, thì ngụ ngôn có lẽ là rượu.
    Những bài ngụ ngôn của Kahlil Gibran (1883-1931) trong tập Người điên(The Madman)[i] đầy tính thời sự, nhiều bài dữ dội như rượu mạnh, hoặc đắng chát lòng, như thuốc. Người đọc ngụ ngôn của Gibran, thời nào hay nơi nào, đều có thể liên tưởng đến chuyện nước mình. Trong những ngày ‘giàn khoan’ mất ngủ vì đau biển, đau nước, đau đất và đau đầu này, người Việt cũng thấy dường ông nói chuyện nước Việt.

    Xin phép dịch thoáng ý 10 ngụ ngôn của Gibran và ghi lại vài ngẫm nghĩ sau mỗi bài. Thứ tự các bài là của người viết.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ NHẤT
    MỘNG DU
    Ở nơi tôi sinh ra có một bà kia sống với cô con gái, cả hai đều mắc chứng mộng du.
    Vào một đêm kia, khi đó đây im ắng, bà và cô con gái bỗng cùng lúc mộng du. Họ vừa đi vừa ngủ giữa khu vườn sương trắng phủ.
    Giữa vườn, mẹ và con gặp nhau.
    Người mẹ nói: “Cuối cùng, cuối cùng, mày chính là kẻ thù của tao! Chỉ vì mày mà tuổi xuân tao mất trắng! Chỉ vì mày sống bám phổng phao lớn lên mà đời tao tàn! Phải chi tao giết mày!”
    Người con gái nói: “Mụ già gian ác hẹp hòi! Mụ chứ ai, mụ ngăn không cho tôi tự do làm người! Mụ chứ ai, mụ chỉ muốn đời tôi là bản sao cuộc đời vứt đi của mụ. Phải chi mụ chết đi!”
    Đúng lúc đó, gà cất tiếng gáy, và cả hai tỉnh dậy.
    Người mẹ nói, âu yếm, nhẹ nhàng: “Phải con đấy không, con yêu?” Và người con gái đáp nhỏ nhẹ: “Dạ vâng ạ, thưa mẹ.”
    Ngẫm nghĩ:
    Trong các sinh vật thì giống cái thường dữ dội hơn giống đực (xin lỗi quý bà). Muỗi cái, cọp cái, mèo cái, gà mái đều là những con chăm chỉ làm ăn, săn mồi, chăm con, giữ con. Trong khi đó, tuy được cho là “chủ của loài”, nhưng muỗi đực, sư tử đực, mèo đực, gà trống chỉ thích hút mật, khoe lông, đạp mái, và gáy (xin lỗi quý ông). Ngay trong ngôn ngữ tục tĩu, người ta cũng nhắc tới mẹ, ít nhắc đến ba (nói “mother f..ker”, “đ. mẹ” ít ai nói “father f..ker”, “đ. ba”) (xin lỗi quý ông bà). Dông dài vài dòng chỉ để nói: Quan hệ Việt-Tàu hiện nay thực ra là quan hệ có tính sinh tồn, dữ tợn, giả trá, cay đắng, ai cũng nước đôi và chẳng ai thật lòng, mặt ngoài thì vô cùng hữu nghị (cùng là mặt ngọt của nữ tính), nhưng trong bụng lại tua tủa dao găm, xe tăng, tên lửa, giàn khoan, tàu chiến.
    Tuy mẹ Tàu (cộng) và gái Việt (cộng) chẳng ai vừa, nhưng xét cho kỹ thì thực ra mẹ rất cần con, trong khi con có thể bỏ mẹ bất kỳ lúc nào. Nhưng tại sao đứa con gái đang ngậm đắng nuốt cay kia cứ phải ở mãi trong khu vườn mụ mị sương phủ? Hay Việt là mẹ, Tàu là con? Hay Việt là Tàu, Tàu là Việt? Hay cả hai hại đời nhau nhưng không dứt ra được vì không chơi với ai được?
    *
    NGỤ NGÔN THỨ HAI
    THÀNH PHỐ THÁNH THIỆN
    Khi tôi trẻ, người ta bảo tôi rằng ở một thành phố nọ, mọi người đều sống đúng như lời Kinh thánh.
    Tôi nói: “Vậy tôi sẽ tìm cho được thành phố kia và những con người đầy ân sủng nơi ấy.”
    Đường xa lắm. Tôi chuẩn bị đủ mọi sự cho hành trình. Sau 40 ngày đêm, tôi đến được thành phố. Qua ngày thứ 41, tôi bước vào thành phố.
    Nhưng, hỡi ơi! Tất cả mọi cư dân tôi gặp ở đây đều chỉ còn mỗi một con mắt và một bàn tay.
    Kinh hoàng, tôi tự hỏi: “Chẳng lẽ thành phố thánh thiện này chỉ toàn người cụt chột, chỉ còn một mắt, một tay?”
    Họ cũng kinh ngạc và hoang mang khi thấy tôi còn đủ hai tay, hai mắt. Trong lúc họ bàn tán xôn xao, tôi cất tiếng hỏi: “Thưa, đây có phải là Thành phố Thánh thiện, nơi ai nấy đều sống đúng như lời Kinh thánh?” Họ trả lời: “Không sai! Đây là thành thánh.”
    Tôi lại hỏi: “Điều gì đã xảy ra vậy, mắt phải và bàn tay phải của mọi người đâu rồi?”
    Nghe hỏi, họ đều xúc động. Họ bảo: “Hãy đến và xem.”
    Họ đưa tôi đến đền thờ ở trung tâm thành phố. Trong đền thờ, tôi thấy một đụn lớn đầy những bàn tay và con mắt, tất cả đều đã khô héo.
    Tôi hoảng hốt kêu lên: “Ôi trời! Kẻ thắng trận nào đã làm điều ghê rợn này với mọi người?”
    Họ thì thào bàn tán. Rồi một bô lão bước lên nói: “Chúng tôi tự làm đấy! Chúa đã biến chúng tôi thành những kẻ thắng trận, đánh bại bầy quỷ dữ cư ngụ trong lòng.”
    Nói đoạn, ông dẫn tôi đến trước một bàn thờ cao. Ai nấy đi theo.
    Bô lão chỉ cho tôi thấy dòng chữ khắc phía trên bàn thờ, dòng chữ viết:
    “Nếu mắt phải của ngươi khiến ngươi phạm tôi, hãy móc mắt vất đi, vì thà mất một phần thân thể còn hơn toàn thân sa hỏa ngục. Nếu tay phải của ngươi khiến ngươi phạm tội, hảy cắt bỏ nó đi, vì thà mất một phần thân thể còn hơn toàn thân sa hỏa ngục.”
    Tôi hiểu ra mọi chuyện. Tôi quay lại hỏi mọi người: “Vậy có ai ở đây còn đủ hai tay, hai mắt không?”
    Họ trả lời: “Không, không một ai, trừ các em còn quá trẻ chưa biết đọcKinh thánh, chưa hiểu điều răn kia.”
    Thế là vừa ra khỏi đền thờ, tôi đi thẳng một mạch rời thành thánh, vì tôi không còn trẻ, và tôi có thể hiểu Kinh thánh.
    Ngẫm nghĩ:
    Không tín đồ nào áp dụng cực đoan từng chữ Kinh thánh dạy như trong ngụ ngôn. Nhưng lại có những kẻ vô thần suy tôn chữ đến tận cùng mê tín.
    Phía trên bàn thờ cao nhất nước tôi, trong đền thờ quyền lực nhất nước tôi, cũng có khắc mười sáu chữ vàng và bốn tốt linh thiêng.
    Không, không phải “bốn tốt”, mà là “bốn ngoan”: Bạn bè ngoan, láng giềng ngoan, đối tác ngoan, đồng chí ngoan. Vâng, với “phụ mẫu”, ta phải “ngoan”, không được làm “con hoang”. Và để được xem là ngoan, người ta đã tự móc mắt phải cho mù, cắt tay phải cho bất lực, tự làm cho cụt chột mà không cần ai chặt chọc.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ BA
    BIỂN LỚN
    1.
    Một hôm, tôi và hồn tôi cùng ra biển chơi.
    Đến nơi, chúng tôi đi quanh, tìm cho mình một bãi tắm riêng tư, im ắng.
    Đang đi, chúng tôi gặp một người ngồi trên bãi đá đen, ông đưa tay bốc trong túi ra từng nắm muối rồi ném xuống biển.
    Hồn tôi bảo: Đó là người bi quan. Ta đi thôi, không nên tắm nơi này.
    2.
    Đến một lạch nước, chúng tôi thấy có người đứng trên tảng đá trắng, tay ôm hộp nạm ngọc. Anh bốc từ hộp ra từng nắm đường rồi ném xuống biển.
    Hồn lại bảo: Đây là người lạc quan. Đừng để y thấy ta trần truồng tắm lúc này.
    3.
    Chúng tôi đi xa nữa, thấy có người ngồi ở mép biển, anh nhặt từng con cá chết rồi nhẹ nhàng thả cá về với nước.
    Hồn tôi bảo: Cũng không tắm ở đây được, y là kẻ theo chủ nghĩa nhân đạo.
    4.
    Chúng tôi lại đi, gặp một người đang lom khom vẽ viền cái bóng của mình trên cát. Các đợt sóng ùa đến xóa sạch mọi đường nét, nhưng hắn vẫn chăm chỉ lom khom vẽ rồi vẽ.
    Hồn bảo tôi: Y là tay thần bí, không chơi được, đi thôi.
    5.
    Đến một trảng nước yên tĩnh, chúng tôi gặp một người cứ vốc bọt biển cho vào chiếc bát sành.
    Hồn tôi nói: Hắn là tay lý tưởng, đừng cho hắn thấy ta tắm truồng.
    6.
    Chúng tôi lại đi, bỗng nghe tiếng la to: “Đây chính là biển, biểu sâu, biển rộng, biển hùng vĩ.”
    Thì ra đấy là một người đang xoay lưng lại biển, anh ta kê sát bên tai một vỏ ốc lớn và đang chăm chú nghe tiếng kêu từ vỏ ốc.
    Hồn tôi bảo: Đi thôi, hắn là kẻ xoay lưng với những gì hắn không nắm bắt được, và chỉ nhìn biển bằng cách nghe mảnh vụn.
    7.
    Và cứ thế chúng tôi đi, đến một bãi đá cỏ mọc, chúng tôi thấy một người đang vùi đầu trong cát.
    Tôi bảo hồn rằng: Ta có thể tắm ở đây vì hắn không thấy gì hết.
    Hồn tôi đáp: Không! Hắn mới là kẻ gây chết chóc nhiều hơn hết thẩy. Hắn là tay giáo điều thuần túy.
    Chợt một nỗi buồn sâu phủ xuống mặt hồn tôi, thấm vào giọng nói, hồn tôi thổn thức:
    Chúng ta đi thôi, ở đây không có chỗ nào riêng tư tĩnh lặng để đắm mình. Ta không muốn gió nơi này thổi bồng tóc mình, không muốn không khí nơi này lọt vào buồng phổi lồng ngực mình, không muốn phơi mình trần trụi giữa thứ ánh sáng này.
    Thế là chúng tôi lại đi, đi tìm một vùng biển lớn hơn.
    Ngẫm nghĩ:
    Phải chăng, khi đứng trước biển (Đông), có ba tội nhẹ và bốn tội nặng?
    Ba tội nhẹ:
    Ném muối xuống biển: Ném thù oán vào người yêu nước, vào cả phương Tây, thay vì oán kẻ thù.
    Ném đường xuống biển: Liếm láp đại cục bồ hòn làm ngọt, khởi đi từ cú liếm Thành Đô, quyết không cho ai bênh, cứ để chúng đánh, không đỡ.
    Thả cá chết về biển: Thúc giục ngư dân bám biển rồi lại ú ớ khi ngư dân bị giặc bắt.
    Bốn tội nặng:
    Vẽ lại bóng của mình trên cát: Bảo vệ Đảng bằng mọi giá, bám víu quá khứ “giành độc lập” trong tư thế quỳ.
    Vốc bọt biển cho vào bát: Nói mà không làm. Bảo kiện mà chẳng kiện. Nhưng dù chịu nhục vẫn vô ích.
    Xoay lưng với biển nghe vỏ ốc: Nhìn thực tại bằng cách xoay lưng bịt tai với dân, nhưng ngoan ngoãn nghe ‘đường dây nóng’, nghe chúng  dậy cho bài “bốn không được”, không chỉ mụ nội Bắc Kinh khinh bỉ dạy bảo, mà mụ ngoại Quảng Đông cũng hống hách ra lệnh.
    Vùi đầu xuống cát: Chỗ của người lãnh đạo là đầu sóng ngọn gió. Vùi đầu xuống cát là dấu hiệu gần đất xa trời.
    Tạm kết: Nhật có phim Bảy Võ sĩ đạo (The Seven Samurai) lừng danh, nói về bảy tay kiếm áo vải giúp dân làng chống cướp, tuy năm tay kiếm hy sinh nhưng họ được dân yêu quý suốt đời. Nay, nước ta lại lồ lộ “bảy anh ngớ ngẩn” với “bảy tệ nạn chính trị” rước cướp vào nhà. Chẳng trách dân bỏ nước mà đi, bỏ hết những niềm tin đổ bể, và rất có thể rồi đây sẽ có 700, hay 7.000 Đảng viên bỏ Đảng.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ TƯ
    THẦN THIỆN THẦN ÁC
    Thần Thiện và Thần Ác gặp nhau trên đỉnh núi.
    Thần Thiện nói: “Chào người anh em, dạo này vui vẻ chứ?”
    Thần Ác im không nói.
    Thần Thiện hỏi: “Sao, bác hôm nay không vui?”
    Thần Ác đáp: “Vui thế nào được! Gần đây chúng cứ tưởng tôi là bác, gọi tên tôi bằng tên bác, đối xử với tôi y như đối xử với bác, buồn chết đi được!”
    Thần Thiện bảo: “Thì tôi cũng thế thôi, cũng bị nhận vơ là bác, bị gọi bằng tên bác!”
    Thần Ác bỏ đi, nguyền rủa loài người ngu xuẩn.
    Ngẫm nghĩ:
    Dân gặp Giặc tại hội nghị thượng đỉnh.
    Giặc than: Buồn chết đi được! Chúng gọi Giặc là Dân, xem Giặc như Dân, đối xử với Giặc như với Dân, không biết đâu mà lần!
    Dân nói: Tớ cũng thế thôi. Chúng xem Dân là Giặc, đối xử với Dân như với Giặc!
    Rút cuộc, cả hai cùng quay qua nguyền rủa… Đảng!
    *
    NGỤ NGÔN THỨ NĂM
    THAM VỌNG
    Ba người nhậu chung quán. Một thợ dệt, một thợ mộc và một thợ đào huyệt.
    Thợ dệt nói: Tớ mới bán được tấm khăn liệm bằng vải lanh, được trả đến hai cây vàng. Ta tha hồ uống rượu!
    Thợ mộc nói: Tớ vừa bán được cái quan tài siêu hạng. Không uống chay, ta có thể tha hồ kêu thịt các loại!
    Thợ đào huyệt nói: Tớ thì chỉ đào một cái huyệt thôi mà chủ trả công gấp đôi! Rượu thịt xong ta có thể bánh trái tăng hai!
    Thế là cả buổi tối, quán bận suốt vì ba vị khách luôn miệng gọi rượu thịt bánh trái. Ai nấy hả hê. Chủ quán cũng hỉ hả xoa tay cười khoái trá vì những vị khách vung tay tiêu xài.
    Họ rời quán khi trăng đã lên cao, vừa đi vừa hò hét.
    Ngoài cửa, chủ quán đứng cạnh vợ nhìn theo. Người vợ nói:
    Thật là những vị khách phong lưu vui vẻ! Ước gì ngày nào họ cũng mang may mắn đến nhà ta như thế! Ừ nhỉ, thế thì con trai mình lớn lên bán quán vất vả làm gì nữa? Cứ dạy nó theo nghề thầy cúng là đủ bộ!
    Ngẫm nghĩ:
    Cả ba thượng khách vung vít kia đều là những kẻ kiếm sống trên cái chết của kẻ khác và hôm nay được thưởng gấp đôi. Rõ ràng kẻ thưởng lớn phải là tay mưu đồ. Đọc bỗng liên tưởng ngay đến những kẻ đang tẩm liệm, đóng quan tài, đào huyệt chôn dân tộc này, để mua lấy vàng bạc, quyền lực và bảo bọc từ bọn gian hùng phương Bắc.
    Điều lạ nhất là cái tung tiền vung vít của họ lại làm cho nhiều kẻ thèm khát, muốn đứng chung chiếu, làm chung nghề, nhập chung nhóm lợi ích. Chẳng lạ gì khi người ta nhắc đến cái sổ hưu, muốn cho con cháu “vào biên chế nhà nước”. Lại cũng có ông Tổng tích cực tìm cách bổ sung kịch bản mai táng khăn-liệm-quan-tài-huyệt-mộ kia bằng màn hô hoán “bài chòi tư tưởng” nhảm nhí, như thày cúng nhảy múa trước xác chết.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ SÁU
    BÙ NHÌN
    Có lần tôi bảo một ông bù nhìn rằng: “Chắc bác mệt lắm nhỉ, cứ đứng suốt chỗ đồng không mông quạnh này!”
    Bù nhìn đáp: “Niềm vui dọa nạt người khác là niềm vui rất sâu và tồn tại rất lâu, tôi không hề thấy mệt!”
    Tôi ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: “Ừ nhỉ, đúng đấy, tôi cũng từng biết niềm vui ấy.”
    Bù nhìn lại nói: “Chỉ những ai bụng đầy rơm khô mới biết niềm vui ấy thế nào.”
    Tôi đi rồi, cứ thắc mắc không hiểu bù nhìn khen tôi hay xem thường tôi với câu vừa nói.
    Một năm trôi qua. Thời gian đó, bù nhìn hóa thành triết gia.
    Nhưng khi đi qua chỗ ấy lần nữa, tôi thấy có hai con quạ làm tổ ngay dưới nón bù nhìn.
    Ngẫm nghĩ:
    Bài này xin được dịch để tặng riêng cụ Tổng nay đã hóa triết gia.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ BẢY
    CHIẾN TRANH
    Một đêm kia, hoàng cung mở tiệc linh đình. Bỗng có một người đến sấp mình trước mặt nhà vua. Mọi người dự tiệc quay nhìn, họ thấy hắn mất một mắt và hố mắt trống rỉ máu.
    Vua hỏi hắn: “Điều gì đã xảy ra cho ngươi?”
    Hắn đáp: “Thưa ngài, tôi sống bằng nghề trộm cướp. Đêm nay, tôi toan đến trộm một tiệm đổi tiền. Nhưng vì trời không trăng, nên khi trèo qua cửa sổ vào tiệm đổi tiền, tôi lại vào nhầm tiệm dệt. Tối quá, tôi chạy vấp phải khung cửi và khung cửi móc mất của tôi con mắt. Bây giờ, thưa ngài, tôi muốn tên thợ dệt phải trả lại sự công bằng cho tôi!”
    Vua cho gọi người thợ dệt. Khi ông đến nơi, vua ra lệnh móc một mắt của thợ dệt đền cho tên trộm cướp.
    Người thợ dệt phân bua: “Ôi thưa ngài, phán quyết của ngài thì đúng. Thật công bằng khi ngài cho móc một mắt tôi để đền tội. Nhưng tôi cần hai mắt để nhìn thấy cả hai mặt vải dệt. Tôi biết một anh láng giềng là thợ giày còn hai mắt, nhưng trong công việc thì hắn không cần cả hai mắt làm gì!”
    Thế là vua cho gọi thợ giày đến. Ông đến nơi, và họ móc lấy một mắt của thợ giày.
    Và thế là công lý được thực hiện!
    Ngẫm nghĩ:
    Không phải vô tình mà tựa ngụ ngôn này là “Chiến tranh”. Quả thực, một khi kẻ trộm cướp lộng hành muốn đòi gì thì đòi, một khi kẻ cầm cán cân công lý chỉ lo ăn uống, côn đồ bảo gì nghe nấy, và một khi kẻ bị lôi đến công đường biết dẻo miệng ngụy biện thì cuối cùng người vô tội sẽ bị hại, côn đồ thắng thế, và chiến tranh dứt khoát sẽ xảy ra.
    Sao giống chuyện giàn khoan đến vậy? Cướp Tàu leo vào nhà Việt cắm giàn khoan lộng hành, rồi lu loa bảo Việt đánh Tàu, đòi bồi thường, đòi móc mắt. Trong khi đó, kẻ giữ trật tự quốc tế thì về vườn ẩm ương, chủ nhà Việt thì ươn hèn không dám nói, chịu nhục, chịu chặn họng, móc mắt. Hậu quả là họ hóa đui chột sứt mẻ trước toàn dân và cả thế giới.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ TÁM
    THƯỢNG ĐẾ
    Thuở hồng hoang, khi miệng tôi bập bẹ tiếng người, tôi lên đỉnh núi thiêng thưa chuyện cùng Thượng đế. Tôi thưa ngài rằng: “Lạy ông chủ, con là tôi tớ của ông. Ý ông là điều răn con nằm lòng, kể cả những ý thầm kín, và con sẽ vâng lời ông suốt đời con.”
    Thượng đế không trả lời, ngài bỏ đi như một trận cuồng phong dữ dội.
    *
    Một ngàn năm sau, tôi lại lên đỉnh núi thiêng thưa chuyện cùng Thượng đế. Tôi thưa ngài rằng: “Kính lạy Đấng Sáng tạo. Con là tạo vật của ngài. Ngài dùng đất sét nắn thành con, và con nợ ngài cả cuộc đời con.”
    Thượng đế không trả lời, ngài bỏ đi như ngàn cánh chim bay vút qua bầu trời.
    *
    Một ngàn năm sau nữa, tôi lên đỉnh núi thiêng thưa chuyện cùng Thượng đế. Tôi thưa ngài rằng: “Cha ơi, con là con cha đây. Vì lòng xót thương và yêu mến, cha đã sinh ra con, và với tình yêu và thờ phụng, con sẽ kế thừa đất nước của Cha.
    Thượng đế vẫn không trả lời, ngài bỏ đi như màn sương mù kéo ngang chân trời, che phủ núi đồi xa.
    *
    Lại một ngàn năm nữa, tôi lên đỉnh núi thiêng thưa chuyện cùng Thượng đế. Tôi thưa ngài rằng: ”Thượng đế của tôi, mục đích của tôi, sự viên mãn của tôi. Tôi là hôm qua của ngài, ngài là ngày mai của tôi. Tôi là rễ của ngài trong đất và ngài là hoa của tôi trên trời. Và chúng ta cùng lớn lên trước mặt trời.”
    Thượng đế cúi xuống bên tôi, thì thầm vào tai tôi lời ngọt ngào. Và như biển lớn đón nhận dòng suối vào lòng thế nào thì ngài cũng ôm lấy tôi như vậy.
    Và khi tôi rời núi xuống thung lũng và đồng bằng, Thượng đế ở bên tôi.
    Ngẫm nghĩ:
    Có lẽ, Thượng đế không xa lạ, ngài là Người, là Bụt, là Phật, là sự Thật, là sự Sống, là Con Đường. Không phải vô tình mà Thánh kinh kể chuyện Jesus con Thượng đế “hóa thành người và ở giữa chúng ta” (emmanuel). Nhưng để con người trở nên bình đẳng với chủ mình, cha mình, chúa mình, phải mất đến 3.000 năm.
    Không chỉ con người cá nhân cần trưởng thành để bình đẳng với những gì được xem là tối cao, một đất nước cũng cần quan hệ ngang hàng với mọi đối tác. Bằng không sẽ chỉ có bão tố kéo qua, chiến đấu cơ ùa tới và sương mù ngu muội phủ đầu.
    Quan hệ Việt-Tàu mất 4.000 năm rồi, nhưng vẫn cứ lụi đụi ở vị trí chủ-tớ với tên đầy tớ chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cả đời, hoặc ở vị trí vật-chủ với tay chủ muốn nắn đồ vật kiểu gì thì nắn. Vị trí cha-con thì sao? Việt là “con” thật, nhưng Tàu chỉ xem là “con hoang”.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ CHÍN
    THẤT BẠI
    1.
    Thất bại, thất bại của tôi, nỗi cô đơn và lạc loài của tôi! Bạn thân thiết với tôi hơn vạn ngàn chiến thắng, bạn ngọt ngào với tim tôi hơn mọi vinh quang trần gian.
    2.
    Thất bại, thất bại của tôi! Nhờ bạn, tôi hiểu được mình và nhận ra tôi phản kháng! Nhờ bạn, tôi biết mình không còn trẻ nữa, biết chân mình không còn nhanh nữa, biết tỉnh táo để không bị trói chặt trong cạm bẫy của những vòng nguyệt quế tàn úa. Cũng nhờ bạn, tôi biết mình cô độc, biết cả niềm vui của một người bị ai nấy lẩn tránh chê cười.
    3.
    Thất bại, thất bại của tôi, thanh gươm và lá chắn sáng chói của tôi! Qua đôi mắt bạn, tôi đọc được rằng: Được tấn phong là trở thành nô lệ. Được thấu hiểu là bị cào bằng. Được giữ chặt là đã đến cuối hạn, như trái cây chín mọng, không rụng cũng bị hái xuống ăn.
    4.
    Thất bại, thất bại của tôi, bạn đồng hành dũng cảm của tôi! Bạn đã nghe khúc ca của tôi, tiếng khóc của tôi, im lặng của tôi, nhưng chỉ mình bạn kể tôi nghe ngàn cánh vỗ thế nào, biển thôi thúc thế nào, núi hực lửa trong đêm ra sao, và cũng chỉ mình bạn chịu vất vả leo lên dốc núi lởm chởm đá hồn tôi.
    5.
    Thất bại, thất bại của tôi, lòng dũng cảm bất tử của tôi! Bạn và tôi sẽ cùng cười vang trong giông bão, cùng đào huyệt chôn hết những gì cần chết trong mình, rồi ta sẽ cùng đứng thẳng giữa thanh thiên bạch nhật với ý chí bất khuất, và ta sẽ cùng hóa đáng gờm.
    Ngẫm nghĩ:
    Nhìn đúng góc, thất bại có thể là bạn, không hẳn là thù. Thất bại có khi là tai nạn, là hậu quả của sai lầm, cũng có khi đó là chọn lựa có ý thức.
    Khi dịch bài này, tôi nghĩ đến với lòng kính trọng những tù nhân lương tâm, những người đang bị trù dập, bị người đời xem như “thất bại” vì mải mê làm việc “trời ơi”, dù việc ấy là dấn thân, chấp nhận mọi khổ đau cho bản thân, vì quyền con người, tự do, độc lập và dân chủ. Họ tham dự vào một cuộc đối đầu khốc liệt giữa một bên là hiểu biết để tiến bộ, và một bên là ngu dốt gây biến thái. Họ thà “thất bại” vì yêu thương con người, hơn được “tấn phong” vì hèn và ích kỷ.
    *
    NGỤ NGÔN THỨ MƯỜI
    CON GÁI SƯ TỬ
    Bốn tên nô lệ đứng quạt hầu cho mụ nữ hoàng đang ngủ ngồi trên ngai vàng. Mụ già ngáy khò khò. Và trên đùi mụ có con mèo lười nằm rên hừ hừ liếc mắt nhìn bốn tên nô lệ.
    Tên nô lệ thứ nhất nói: “Mụ già ngủ xấu quá đi mất. Nhìn miệng mụ ấy trễ xuống kìa, mụ thở khò khè cứ như đang bị ma quỷ đè!”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Mụ ngủ xấu thì xấu nhưng chỉ xấu bằng nửa bọn nô lệ đang thức chúng mày!”
    Tên nô lệ thứ hai nói: ”Tớ cứ tưởng khi ngủ mặt mụ sẽ bớt nhăn, ai ngờ còn nhăn nhúm tợn! Chắc mụ đang gặp ác mộng gì khủng khiếp lắm.”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Chúng mày cũng nhăn nhúm thế thôi khi gặp ác mộng của chúng mày là tự do!”
    Tên nô lệ thứ ba nói: “Chắc mụ mơ thấy tất cả những kẻ mụ đã giết đang diễu hành rần rần.”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Có gì đâu, đấy là đám diễu hành của tổ tiên chúng mày và cả con cháu chúng mày đấy!”
    Tên nô lệ thứ tư nói: “Nói xấu về mụ nghe thì cũng hay hay, nhưng chẳng làm ta bớt mệt mỏi tí nào, vì ta cứ phải đứng đây quạt hầu cho mụ!”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: Hừm! Chúng mày sẽ cứ thế mà quạt cho đến mãn kiếp mãn đời, ở dưới đất cũng như trên trời!”
    Đúng lúc này, cái đầu nữ hoàng đang ngủ bỗng gục xuống, vương miện của mụ rớt xuống đất.
    Một tên trong đám nô lệ thốt lên: “Ồ, điềm gở!”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Điềm gở của đứa này lại là điềm lành của đứa khác!”
    Tên nô lệ thứ hai nói: “Mụ mà thức dậy, thấy vương miện rớt mất, thế nào mụ cũng giết bọn mình chết tươi.”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Mụ đã giết chúng mày mỗi ngày, từ khi chúng mày sinh ra, nhưng chúng mày nào có biết gì!”
    Tên nô lệ thứ ba nói: “Đúng, mụ sẽ giết hết chúng ta rồi bảo là để cúng các vị thần.”
    Con mèo lười nghe thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Chỉ những kẻ yếu đuối mới là đồ cúng thần.”
    Tên nô lệ thứ tư bảo mấy tên kia im lặng, rồi nhẹ nhàng nhặt vương miện lên, đặt nó vào chỗ cũ, trên đầu mụ nữ hoàng, rất nhẹ, sao cho không làm mụ thức giấc.
    Con mèo lười thấy thế, hừ hừ trong miệng rằng:”Hừm! Chỉ bọn nô lệ chính hiệu mới trả vương miện đã rớt về chỗ cũ!”
    Sau đó một lúc, nữ hoàng tỉnh giấc, nhìn quanh, ngáp vặt, rồi mụ nói: “Ta vừa mơ giấc mơ kỳ dị. Ta thấy bốn con sâu bị một con bò cạp rượt quanh thân cây sồi già ngàn tuổi. Ta không thích giấc mơ này chút nào!”
    Rồi mụ nhắm mắt ngủ tiếp. Mụ lại ngáy khò khò. Và bốn tên nô lệ tiếp tục quạt hầu.
    Con mèo lười thấy thế, hừ hừ trong miệng rằng: “Hừm! Cứ quạt tiếp, quạt tiếp đi, bọn ngu xuẩn! Chúng mày đang quạt lửa thiêu đốt chúng mày đấy!”
    *
    Ghi chú: Ngụ ngôn “Con gái sư tử” không nằm trong tập Người điên, mà trích dịch từ tập Người Dọn đường, Ngụ ngôn và Thơ của Người (“The Forerunner, His Parables and Poems” của Gibran, xuất bản năm 1920 tại Mỹ.)[ii]
    Ngẫm nghĩ:
    Bốn tên nô lệ có thể là “tứ trụ”, cũng có thể là chính chúng ta, những người đang “quạt hầu” chế độ, đang nhặt vương miện đã rớt của chế độ đặt vào chỗ cũ. Giàn khoan 981 đã là cú rung lắc cực mạnh làm vương miện Đảng rớt tõm xuống đất, móp méo tệ hại. Phải chăng đang có kẻ nhặt nó lên, mông má, rồi đặt lại trên đầu Đảng, để Đảng tiếp tục cưỡi đầu dân, như cũ? Nếu vậy thì lời “đế” cuối cùng của con mèo lười rất đúng, và cái chết của kẻ nô lệ sẽ được gọi là “chết vì ngu” (death by stupidity).
    Tên bản dịch và bản gốc:
    1. MỘNG DU (The Sleep-Walkers); 2. THÀNH PHỐ THÁNH THIỆN (The Blessed City); 3. BIỂN LỚN (The Greater Sea); 4. THẦN THIỆN THẦN ÁC (The Good God and the Evil God); 5. THAM VỌNG (Ambition); 6. BÙ NHÌN (The Scarecrow); 7. CHIẾN TRANH (War); 8. THƯỢNG ĐẾ (God); 9. THẤT BẠI (Defeat); 10. CON GÁI SƯ TỬ (The Lion’s Daughter).
    © 2014 Từ Linh & pro&contra

    [i] “THE MAD MAN” (Người điên)
    [ii] “THE FORERUNNER, HIS PARABLES AND POEMS” (Người Dọn đường, Ngụ ngôn và Thơ của Người)https://archive.org/details/forerunnerhispa00gibrgoog

Tổng số lượt xem trang