- Thế giới lo lắng cho sự yếu kém của Trung Quốc?
T/S Alan Phan trả lời cuộc phỏng vấn của Báo Đất Việt ngày 7/7/2014
Trung Quốc còn loay hoay với nhiều vấn đề nội bộ, nhiều quốc gia lo cho sự yếu kém của Trung Quốc hơn là sức mạnh gì đó của họ.
Chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan nêu quan điểm trước những thông tin công bố khác nhau giữa các chuyên gia kinh tế và Chính phủ Trung Quốc.
TS Alan Phan cũng khẳng định việc Trung Quốc “thổi phồng” số liệu là chuyện bình thường và Trung Quốc không đủ khả năng để có thể thao túng thị trường thế giới.
“Thổi phồng” số liệu là chuyện bình thường
Báo ĐV: Mới đây, một Tổ chức nghiên cứu kinh doanh đã công bố báo cáo trích dẫn công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Harry Wu, trong đó ước tính rằng trong giai đoạn 1978-2012, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trung bình 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 9,8%/năm mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong thời kỳ đó.
Ông Wu cho rằng các số liệu chính thức của Bắc Kinh về giai đoạn 1952-1977 nói chung là chính xác, ít nhất là khi xem xét chúng trong một tổng thể. Điều này cho thấy rằng các số liệu của Trung Quốc ngày càng trở nên kém tin cậy. Công trình của ông Wu cũng cho thấy quy mô của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ bằng 2/3 so với những gì mà Bắc Kinh tuyên bố.
Ông bình luận như thế nào về thông tin trên? Theo ông, liệu có hay không việc Trung Quốc gian dối, tô hồng số liệu thống kê?
Alan Phan: Ngay trong cơ chế dân chủ và tự do như Âu Mỹ, các chính trị gia thường cố gắng nặn bóp những số liệu thống kê để đạt mục tiêu PR của mình hay đảng phái mình. Tuy nhiên, họ không thành công lắm vì có quá nhiều chuyên gia độc lập chuyên phân tích những số thống kê chính thức để tìm sai trái hay nghịch lý.
Ở những quốc gia độc đoán nơi chánh phủ kiểm soát 100% thông tin thì “những con số trên trời” rơi rất tự do, đôi khi không cần biện giải hay minh chứng. Do đó, chuyện Trung Quốc “nổ bậy” và “ thổi phồng” số liệu là chuyện bình thường. Một điều cần nói thêm là phần lớn nhà đầu tư ngoại, cũng như các cơ quan tình báo của phương Tây, biết rõ những thủ thuật thổi phồng này.
Chuyên gia tư nhân của các ngân hàng, quỹ, công ty đa quốc…thì im lặng vì không muốn làm phật lòng chính phủ, hại cho chuyện làm ăn. Các cơ quan quốc tế thì có những mục tiêu chính trị riêng để khuyến khích các chiêu PR của Trung Quốc khi họ muốn biến “ếch thành bò”.
Báo ĐV – Có ý kiến cho rằng, sức mạnh của kinh tế Trung Quốc tạo ấn tượng về lượng nhưng yếu về chất, mặc dù là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới nhưng xuất khẩu của nước này nhìn chung là các mặt hàng tiêu dùng cấp thấp, khẳng định đây vẫn là một nền kinh tế gia công và lắp ráp, không phải nền kinh tế phát minh và sáng tạo.
Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao, ông có thể dẫn chứng những ví dụ cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình?
Alan Phan: Một thực trạng không chối cãi là nền kinh tế Trung Quốc, mặc cho nhãn hiệu siêu cường, đã không tạo được một thương hiệu toàn cầu nào ngay cả trong top 100. Sự sáng tạo, năng động, trí tuệ… cần để cạnh tranh trong nền kinh tế của thế kỷ 21 hoàn toàn thiếu vắng trong lối vận hành của Trung Quốc.
Không phải Trung Quốc không có người tài hay tinh thần làm doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn bản để tạo thành công và kiếm tiền khủng cho các công ty Trung Quốc, từ quốc doanh đến tư nhân, vẫn là sự quan hệ và chống lưng của những quan chức quyền lực.
Gần đây, khi ông Chu Vĩnh Khang bị phe Tập Cận Bình bắt giữ thì khoảng 6 tỷ phú (đô la) của phe Khang bị bắt theo và các tập đoàn họ làm chủ bị thu tóm trong nháy mắt. Trước đó, nhiều tỷ phú từ phe Giang Trạch Dân bị phe Hồ Cẩm Đào hất cẳng khi Dân về hưu; và lịch sử cứ thế mà tiếp diễn.
Khi một doanh nghiệp không có sản phẩm đặc thù, không có công nghệ trí tuệ, không có truyền thống chất lượng…mà chỉ dựa vào vài “giấy phép” khai thác tài nguyên hay đất đai hay đặc quyền, thì không thể có sự bền vững và sáng tạo.
Những thế hệ doanh nhân mới của Trung Quốc cũng muốn ra khỏi vết lầy trì trệ này để sánh vai cùng thế giới. Họ có đủ yếu tố nội tại để thành công. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế chỉ huy, đảng vẫn chi phối toàn bộ nguồn lực, nhiều người trẻ Trung Quốc đã phải bỏ cuộc…Họ đành tìm đến Âu Mỹ để có cơ hội tại xứ người.
Không thể thao túng thị trường thế giới
Báo ĐV- Năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc chỉ đứng thứ 17 trên thế giới và chỉ bằng 1/4 Mỹ, các chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn so với các chương trình của những nước như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hoặc Ngân hàng Thế giới.
Các công ty của Trung Quốc ở nước ngoài được đánh giá là thiếu cạnh tranh, các công ty Trung Quốc có trong danh sách năm 2013 có rất ít công ty hoạt động ở nước ngoài và cũng chỉ một số ít trong đó kiếm được hơn một nửa doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Điểm yếu chính của các công ty đa quốc gia Trung Quốc là nguồn nhân lực – đặc biệt là khâu quản lý…
Như vậy, với những phân tích trên, Trung Quốc có đáng sợ như người ta tưởng không, thưa ông? Theo ông, nền kinh tế Trung Quốc đứng ở đâu liệu có phải là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và theo một chuyên gia ngân hàng Thế giới WB dự báo, Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong năm nay, chuyên gia ngân hàng HSBC dự báo là 10 năm nữa với điều kiện Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở tốc độ 7%/năm còn Mỹ chỉ đạt 3%. Còn nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 6% còn Mỹ là 3% thì thời điểm đó sẽ phải là 2034?
Alan Phan: Hiện nay, kinh tế tài chánh Trung Quốc đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Lớn nhất là bong bóng BDS, và nợ xấu ngân hàng và nợ công từ các chính phủ địa phương. Tất cả bắt đầu từ tệ trạng tham nhũng sâu rộng khắp nước. Do đó, khi nói về cải cách kinh tế, phe Tập Cận Bình muốn giải quyết nạn tham nhũng trước đã.
Vần đề là ngay cả phe Tập cũng không dám đụng đến “cơ chế” vì bứt dây thì động rừng; và phe ông ta còn phài tuỳ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của bộ máy công an quân đội (mang tiếng tham nhũng nhất xứ).
Tôi không quan tâm lắm đến những con số của WB hay HSBC. Đây là dự đoán của các học giả mới ra trường, hay các ông bà Tây Ba Lô, còn mù mờ giữa thực tế và sách vở. Ba cái xếp hạng 1, 2 …cũng chỉ là hư vị. Quan trọng nhất vẫn là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp Trung Quốc và liệu họ có đủ khả năng để thao túng thị trường thế giới? Câu trả lời là không.
Theo tôi, Trung Quốc còn loay hoay với nhiều vấn đề nội bộ. Nhiều quốc gia khác, kể cả Mỹ, lo cho sự yếu kém của Trung Quốc hơn là sức mạnh gì đó của họ. Vì khi họ ở vào thế kẹt, họ có thể hành xử liều lĩnh và vô trách nhiệm hơn. Để thoả mãn tự ái dân tộc và kéo dân về phía đảng, họ có thể gây những chiến tranh nhỏ như Nga đang làm tại Ukraine.
Báo ĐV- Xin ông cho biết, việc nhìn nhận đúng sức mạnh của kinh tế Trung Quốc có giúp gạt bỏ đi ám ảnh về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tự tin đối diện với “người khổng lồ Trung Quốc” không? Trong trường hợp của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Alan Phan: Việt Nam thì vẫn là Việt Nam với lối tư duy quen thuộc từ trăm năm nay. Như tôi lập đi lập lại, sức mạnh nội tại của một nền kinh tế là điều quan trọng. Kinh tế bị lệ thuộc vào một quốc gia khác hay một chủ nghĩa kiên định hay cách quản trị du kích …hoàn toàn là do sự lựa chọn của chúng ta. Và muốn điều chỉnh thì phải hành động, không chỉ bàn cho qua chuyện.
Đề tài “theo” hay “thoát” Trung là một thừa thải. Nếu ta thực sự mạnh và độc lập, thì người khổng lồ cũng phải kính nể. Còn yếu hèn và nghèo đói thì ngay cả mấy ông chân đất đen ngòm tận bên châu Phi cũng coi thường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo