Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Tuyên bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Miền Trung phải chấp nhận sống chung với lũ.

--Thủy điện hâm nóng miền Trung
QUẢNG NAM 25-7 (NV) - Không chỉ dân chúng mà đại diện chính quyền nhiều tỉnh miền Trung cũng tỏ ra hết sức giận dữ trước tuyên bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Miền Trung phải chấp nhận sống chung với lũ.
Thủy điện Đăk Mi 4, công trình được cho là tác nhân đe dọa tính mạnh, sinh kế của hàng triệu dân sống ở hạ du sông Vu Gia. (Hình: Tiền Phong)



Việc phê duyệt, cho phép xây dựng hàng trăm công trình thủy điện ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam đã tạo ra đại họa cho hàng chục triệu người ở hai khu vực này. Mùa khô thiếu nước trầm trọng vì các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn trữ nước để chạy máy phát điện. Mùa mưa tạo lũ khắp nơi vì các nhà máy thủy điện xả nước để tránh vỡ đập chắn nước.
Tháng trước, chính quyền các tỉnh miền Trung liên tục yêu cầu Bộ Tài nguyên – Môi trường can thiệp, buộc các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả nước vì hàng chục ngàn héc ta ruộng vườn cháy khô, hàng chục triệu người thiếu nước ăn uống, sinh hoạt.
Đáp lại, Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành quy trình liên quan tới quản lý nguồn nước trong khu vực Tây Nguyên và miền Trung, các nhà máy thủy điện vẫn có thể tích nước để chạy máy phát điện, nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa từ 2.53 mét trở lên.
Cũng vì vậy, chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đã chỉ trích kịch liệt Bộ Tài nguyên – Môi trường. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đà Nẵng, tuyên bố, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã đặt lợi ích của thủy điện lên hàng đầu và bỏ qua lợi ích của hàng ngàn hàng vạn gia đình vùng hạ du.
Mới đây, khi đến làm việc với tỉnh Phú Yên về quy hoạch, đầu tư, vận hành thủy điện trên hệ thống sông Ba, cùng với đại diện Bộ Công Thương, đại diện của EVN, tuyên bố,  đừng kỳ vọng thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Lũ sẽ còn tiếp diễn và “phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Đại diện Bộ Công Thương tán thành tuyên bố này. Theo đó, các công trình thuỷ điện ở miền Trung chỉ có khả năng giảm lũ, chứ không thể phòng chống lũ.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Phú Yên gọi những tuyên bố vừa kể là “vô trách nhiệm”. Ông Trần Văn Tiến, một nông dân ngụ ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, khu vực thường xuyên bị ngập lụt khi thủy điện xả lũ thì gọi đó là “lật lọng”.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đà Nẵng, lên án EVN đã lừa gạt cả chính quyền lẫn dân chúng. Khi lập dự án thủy điện họ luôn luôn nêu rằng công trình sẽ tham gia cắt lũ nên dự án được phê duyệt rất nhanh. Song khi thiết kế, thi công, họ chỉ chú ý sao cho có lợi nhất.
Năm ngoái, tỉnh Quảng Nam loan báo, riêng tại tỉnh này đã có 42 dự án thủy điện được phê duyệt, trong đó có 15 công trình đã hoàn tất và đang phát điện. Những công trình thủy điện này đã gây xáo trộn cuộc sống, sinh kế của 3,300 gia đình, Trong đó có 1,760 gia đình bị buộc phải di dời do ruộng vườn, nhà cửa nằm trong khu vực là lòng hồ thủy điện hoặc khu vực xây dựng các hạng mục khác của công trình thủy điện.
Riêng năm ngoái, tại miền Trung, những trận lũ do các công trình thủy điện đột ngột xả nước, không thèm thông báo làm 41 người chết, 5 người mất tích, 74 người bị thương, 410 ngôi nhà bị nước cuốn, 425,573 ngôi nhà bị ngập. Chưa kể thiệt hại do ruộng vườn mất trắng vì lũ.
Sự phẫn nộ của dân chúng khiến Thủ tướng Việt Nam yêu cầu, nếu muốn xả lũ, các nhà máy thủy điện phải thông báo cho dân trước 4 tiếng. Tuy bốn tiếng là khoảng thời gian quá ngắn để di chuyển tài sản và di tản nhưng các viên chức của EVN vẫn cho rằng, buộc báo trước 4 tiếng như thế là “áp lực”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công Thương, nói thêm, việc thực hiện quy trình mới sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy thủy điện. Tuy phải tính toán để giảm lũ cho hạ du song phải bảo đảm lợi ích cho các nhà máy thủy điện! (G.Đ)


Tổng số lượt xem trang