Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Cộng sản tàn sát con người

(NCTG) Vào cuối Thế chiến thứ hai, đúng vào những ngày Châu Âu thoát khỏi ách phát-xít và quốc xã, đã diễn ra những cuộc cưỡng hiếp hàng loạt lớn nhất của lịch sử thời hiện đại. Phụ nữ Berlin kinh hoàng trước những đơn vị Hồng quân tràn vào nước Đức và họ không có đường trốn chạy.
Phụ nữ Đức năm 1945 - Ảnh tư liệu
Phụ nữ Đức năm 1945 - Ảnh tư liệu
Nhiều phụ nữ chỉ có thể tránh được những cuộc hãm hiếp tập thể bằng cách tìm kiếm một sĩ quan cấp cao nào đó để làm nhân tình của họ, theo tư liệu đăng tải trên mạng tin lịch sử mult-kor.hu của Hungary.

Tại Công viên Treptower ngoài rìa thủ đô Berlin có một tượng đài mô tả người lính Xô-viết một tay cầm kiếm, tay kia ôm một cháu gái Đức trên trán có một chữ thập ngoặc gãy. Đây là nơi yên nghỉ của năm ngàn lính Hồng quân đã ngã xuống trong trận chiến công thành Berlin.

Theo những con số thống kê chính thức, có chừng 80 ngàn quân nhân Liên Xô đã hy sinh tại Berlin, và hơn 200 ngàn người bị thương. Trên tượng đài - mang tính chất như một thánh đường - nói trên, có một dòng chữ theo đó nhân dân Xô-viết đã cứu nền văn minh Châu Âu khỏi thảm họa phát-xít.

Tuy nhiên, có những người đã gọi tượng đài ấy bằng cái tên Ngôi mộ của Những kẻ bạo hành Vô danh, ám chỉ rằng lính Xô-viết đã bạo hành tình dục với vô số phụ nữ Berlin, những người đã chiến đấu trên đường phố thủ đô, hoặc thực hiện những công việc khác trong trận chiến Berlin.

Nhiều người Nga bác bỏ những tội ác như vậy của Hồng quân, cho rằng đó là huyền thoại do Phương Tây dựng nên. Cũng cần nhắc thêm rằng không chỉ lính Nga, mà theo một nghiên cứu công bố vào tháng Ba vừa rồi, lính Mỹ và Đồng minh cũng bị coi là đã hãm hiếp chừng 190 ngàn phụ nữ Đức trong năm 1945.
 
Đài kỷ niệm Chiến sĩ Hồng quân tại Công viên Treptower
Đài kỷ niệm Chiến sĩ Hồng quân tại Công viên Treptower
Đọc hai nhật ký viết trong thời gian từ mùa xuân đến mùa thu năm 1945, chúng ta có thể hiểu hơn những gì đã diễn ra trong những tháng kinh hoàng ấy. Cuốn thứ nhất là của trung úy Vladimir Gelfand, một người gốc Do Thái sinh sống ở mền Trung Ukraine - nhật ký được con trai ông, Vitaly tìm thấy trên tầng áp mái ngôi nhà nơi gia đình họ ở.

Cha tôi đã thấy nhiều cảnh tượng khủng khiếp trên đường tới Berlin”, Vitaly kể. “Ông đã hành quân qua rất nhiều làng bản mà cư dân tại đó hầu như bị bọn phát-xít tiêu diệt hoàn toàn, trẻ em chúng cũng không từ, còn phụ nữ thì trên cơ thể còn những dấu vết của sự cưỡng hiếp”.

Tuy nhiên, Vitaly cũng nói thêm: Hồng quân cũng không “kém cựa”, đặc biệt, sự căm thù được khởi dậy bởi bộ máy tuyên truyền thông qua báo chí: “Các đồng chí! Chúng ta đã ở trên đất Đức, trong hang hùm của bọn phát-xít! Giờ báo thù đã điểm!”.

Một trong những đoạn khiếp đảm nhất của cuốn nhật ký của trung úy Gelfand là khi đơn vị ông đi ngang qua một nhóm phụ nữ Đức tại ngoại ô Berlin. “Với nỗi sợ hãi trên gương mặt, họ kể cho chúng tôi nghe, điều gì đã xảy ra trong đêm đầu tiên khi Hồng quân đến. Một cô gái chỉ vào dưới váy và nói: “Hơn hai mươi người đấy!”. Rồi cô òa khóc!”.

Sau đó, một tình huống bất ngờ diễn ra. “Cô khẩn cầu tôi: “Anh ở lại đây với em! Ngủ với em, hay muốn làm gì em cũng được. Nhưng chỉ anh thôi!”. Hóa ra, cô gái bị làm nhục muốn bằng cách cay đắng ấy để tránh việc một lần nữa bị cưỡng bức tập thể.

Cuốn nhật ký thứ hai của một ký giả Đức không rõ tên, khi đó chừng hơn ba mươi tuổi - với tựa đề “Phụ nữ ở Berlin”, những trang viết này sau trở thành “best-seller”. Được khởi viết mười ngày trước khi Hitler tự sát, nhật ký kể về câu chuyện một phụ nữ cùng những người hàng xóm phải ẩn náu dưới tầng hầm một tòa nhà.

Trong cảnh khốn cùng ấy, người phụ nữ cùng các bạn đồng cảnh đã nghĩ ra một câu nói tự trào từ chính cảnh ngộ cay đắng của họ: “Một thằng Nga ở trên, còn hơn một thằng Mẽo trên mây”. Nghĩa là thà để lính Nga hãm hiếp tập thể còn hơn cháy thành than trong một trân không kích của quân đội Mỹ.

Khi Hồng quân tràn đến trước cánh cửa tầng hầm, bằng chút tiếng Nga biết được, người phụ nữ nọ đã tìm cách khuyên giải những người lính đừng hãm hiếp phụ nữ dưới hầm. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thoáng, chị đã trở thành nạn nhân của tệ bạo hành tình dục.

Năm 1959, cuốn nhật ký được ấn hành lần đầu. Theo những chia sẻ trong đó, rốt cục, người phụ nữ rút ra rằng cần phải kiếm được một “con sói” cho riêng mình, nghĩa là một sĩ quan cấp cao để tránh bị hãm hiếp tập thể. Rồi chị cũng kiếm được một trung úy người Leningrad, và hai người còn trò chuyện được với nhau về văn học và ý nghĩa cuộc sống.

Bị hãm hiếp cũng không phải là cái quan trọng nhất. Tôi còn phải làm thế để có được thịt mỡ hun khói, bơ, đường và thịt hộp” - người phụ nữ thổ lộ trong nhật ký.

Sau năm 1945, tại Đông Đức việc phê phán những anh hùng Xô-viết đã “giải phóng” đất nước này là một việc làm bất kính. Còn tại miền Tây, sự hổ thẹn và cảm giác tội lỗi trước những tội ác của Đức quốc xã đã khiến người dân và chính giới bỏ qua, không nhắc tới những đau khổ mà phụ nữ Đức phải chịu đựng thời 1945.

Năm 2008, nhật ký “Phụ nữ tại Berlin” được dựng thành phim, và trở thành động lực để ngày càng có nhiều phụ nữ còn sống chia sẻ trước công luận những khổ ải mà họ phải chịu đựng trong thời gian cuối của cuộc Thế chiến, cũng như những ngày tháng sau đó.

Dầu vậy, rất có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết những tội ác đáng hổ thẹn đó, một phần cũng vì Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua một đạo luật cho phép bỏ tù với khung hình phạt 5 năm đối với bất cứ ai “nói xấu” nước Nga, hoặc “bôi nhọ” vai trò của Liên Xô thời Đệ nhị Thế chiến.

Vitaly Gelfand cũng thừa nhận rằng, “các quân nhân Xô-viết đã chứng tỏ tinh thần quả cảm vô song, và đã hy sinh vô bờ bến trong những năm tháng diễn ra chiến tranh, nhưng đây chưa phải là sự thật hoàn toàn”.



-BẠO HÀNH TÌNH DỤC, TỘI ÁC CỦA HỒNG QUÂN TRONG ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Một đề tài được coi là cấm kỵ, hoặc ít nhất cũng không mấy khi được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu sử của Hungary, vừa được tái hiện trong một bộ phim phát trên Đài Truyền hình Quốc gia Hungart ngày 3-10 vừa qua.


Đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina - Ảnh: Hegedűs Márta (“Dân tộc Hungary”)

Bộ phim tư liệu “Sự ô nhục bị che đậy” của nữ đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina về chủ đề những tội ác của quân đội Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến - đặc biệt là những tội ác đối với phụ nữ - được coi là đã đả động đến một tấn thảm kịch xưa nay chưa được chính thức nghiên cứu một cách có hệ thống tại Hungary.

Chưa có những dữ liệu chính xác, tuy nhiên theo bộ phim, ước tính cho thấy có chừng 400-800 ngàn phụ nữ Hungary đã bị Hồng quân Liên Xô cưỡng hiếp và làm nhục khi quân đội Xô-viết tràn vào đất Hung. Đạo diễn bộ phim cho rằng, trong số một triệu quân nhân Liên Xô có mặt tại chiến trường Hungary, cứ 10 người lại có một người đã cưỡng bức phụ nữ, và sự cưỡng bức diễn ra nhiều lần!

Bộ phim phá đổ một taboo (cấm kỵ)

Khi binh lính Nga vào đất Hung, Mária mới lên mười. Một nhân vật của bộ phim, hiện đã là một phụ nữ đứng tuổi, buồn rầu thuật lại tấn thảm kịch mà gia đình bà đã phải chịu đựng: bà nội của bà sống tại một trang trại xa xôi đã bị 7 người lính thay nhau Xô-viết hãm hiếp.

Mária không được chứng kiến cảnh tượng đó, nhưng người chú của bà đã là một nhân chứng bất lực khi bị một quân nhân Nga dí súng vào trán ngay tại nơi diễn ra sự việc. Bà Mária cho hay, về sau, bà nội của bà đã lặng thinh và giữ nỗi đau ấy trong lòng suốt cuộc đời!

Câu chuyện đau lòng của Mária, đáng tiếc, không phải là một trường hợp cá biệt. Hầu như không một gia đình nào, không một ai đã trải qua thời kỳ đó lại chưa từng nghe về những chuyện như thế, tuy nhiên, thảm kịch của những phụ nữ Hungary bị quân đội Liên Xô làm nhục cho đến giờ vẫn là một vết thương chưa lành.

Hơn hai mươi năm sau ngày nước này chuyển đổi thể chế chính trị, hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào, hoặc đối thoại xã hội nào đề cập tới “mảng trắng” đó của lịch sử Hungary thế kỷ 20, cho đến khi nữ đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina bắt tay vào cuộc.

Trả lời phỏng vấn báo chí, tác giả bộ phim chia sẻ rằng bô phim đã ra đời rất khó nhọc. Không còn những thủ phạm có thể vạch mặt chỉ tên để có thể lên án và quy trách nhiệm, và việc tìm kiếm những người có liên quan để phỏng vấn cũng vô cùng khó khăn.

Mặc dù đã ấp ủ ý tưởng về bộ phim từ rất lâu, nhưng Fruzsina không tìm được nạn nhân trực tiếp nào để phỏng vấn. Chỉ có một người có mẹ bị làm nhục đã lên tiếng; một nhân chứng gián tiếp khác có người chị bị lính Nga hãm hiếp rồi dí súng vào đầu bắn, trong khi vẫn nắm chặt tay hai con gái nhỏ.

Đoàn làm phim đã có những thước phim quý báu tại Nga, khi họ đến Hội Cựu chiến binh Nga để phỏng vấn những cựu chiến binh đã kinh qua Đệ nhị Thế chiến và có những trải nghiệm về cách hành xử của quân đội Xô-viết với cư dân trong thời chiến.

Vì tại Nga các cựu chiến binh được coi là những anh hùng dân tộc được tôn vinh ở mức cao nhất, nên đạo diễn phim nghĩ rằng, việc đề nghị nhóm cựu chiến binh góp mặt trong một bộ phim mà đề tài là những tội ác nghiêm trọng của Hồng quân trong thời chiến, là một sự bất kính lớn.

Tuy nhiên, nhà làm phim cho báo giới hay, tất cả các cựu chiến binh hợp tác với cô đều không tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về đề tài này, và không ai đứng dậy, bỏ đi trong những cuộc trao đổi kéo dài nửa tiếng đó!

Những tội ác bị che khuất

Cho đến nay, việc nghiên cứu về những tội ác của Hồng quân thời Đệ nhị Thế chiến - trong đó có những tội ác đối với cư dân, và đặc biệt là đối với phụ nữ - vẫn gặp phải nhiều khó khăn đáng kể. Những kho thư khố quân sự ở Moscow vẫn đóng cửa trước giới nghiên cứu, sử gia Hungary.

Pető Andrea, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa Giới tính xã hội, Đại học Trung Âu (Budapest) cho biết, phía Nga đã hai lần bác đơn xin nghiên cứu và tiếp cận thông tin của bà. Cho nên khi tìm hiểu về con số các nạn nhân tại Hungary, bà chỉ có thể dựa trên những báo cáo của giới bác sĩ và các cơ sở chữa trị bệnh hoa liễu.

Tuy nhiên, những tội ác của quân đội Liên Xô thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù ít được nhắc đến, đã là một thực tế lịch sử không ai phủ nhận. Tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ, sát hại trẻ em, cướp bóc và tự báo thù, “tự xử” một cách bừa bãi là điểm đặc trưng cho Hồng quân tại các xứ sở thù địch ở Đông Âu mà họ đặt chân tới.
 

Quân đội Xô-viết tại Hungary - Ảnh tư liệu

Điểm đáng nói nhất là Ban lãnh đạo quân sự Xô-viết, kể từ cấp cao nhất, đều nhắm mắt, bỏ qua, thậm chí trong nhiều trường hợp, còn tỏ ra khích lệ những sự bạo hành này, nhất là trên đất Đức. Ilya Ehrenburg, nhà văn lớn của Liên Xô thời đó, đã có những bài viết hô hào chém giết người Đức, được coi là hiệu lệnh chính thức của chính quyền Stalin.

Hãy giết người Đức bằng mọi cách, bất kẻ họ là ai, vì họ không phải là những con người, và càng giết nhiều càng tốt, coi đàn bà Đức như những “chiến lợi phẩm” để có thể mặc sức bạo hành, v.v... là một số thông điệp kinh hoàng mà Ehrenburg đã đưa ra trong những ngày tháng khốc liệt nhất của Đệ nhị Thế chiến, như quan điểm chính thống của Ban lãnh đạo Xô-viết.

Chính Stalin, khi nhận được lời phàn nàn của lãnh đạo cộng sản Nam Tư Milovan Dilas (về sau đoạn tuyệt với CNCS Stalinist) về những tội ác kinh hoàng của Hồng quân, cũng cho rằng giới quân nhân của ông do luôn phải chịu gian khổ và hiểm nguy, nên cũng cần “một chút giải trí”, và phụ nữ các vùng bị chiếm đóng được coi là phần thưởng dành cho họ.

Còn một phóng viên chiến trường Liên Xô là Lev Kopeliev, khi viết một cuốn sách về tệ bạo hành tình dục của Hồng quân đối với phụ nữ Đức và Ba Lan, thì đã bị đày đi trại tập trung cải tạo Gulag về sự can đảm nói thẳng nói thật đó của mình.

Được sự dung dưỡng của chính quyền, chỉ trong những tháng cuối của cuộc chiến, đã có gần 2 triệu phụ nữ Đức bị hãm hiếp, nhiều người còn bị làm nhục nhiều lần. Tất cả phụ nữ ở độ tuổi 13-70 ở Đức thời đó đều bị coi là “nạn nhân tiềm ẩn” của Hồng quân. Không ít phụ nữ đã tự vẫn vì không chịu nổi nỗi nhục này, nhiều người buộc phải nạo phá thai.

Những đứa trẻ ra đời trong tội lỗi như vậy bị tẩy chay và sống trong nhục nhã. Thống kê cho thấy, thời gian 1945-1948 hàng năm ở Đức đã có tới hai triệu ca phá thai bất hợp pháp, và những căn bệnh hoa liễu cũng lan tràn đến mức vào năm 1947, chính quyền Liên Xô buộc phải ra tay để ngăn chặn những bạo hành tình dục của binh lính chính họ.

Tại Hungary, một đất nước cũng bị coi là thù địch với Liên Xô vì đã đứng về phía Đức trong Đệ nhị Thế chiến, những tội ác của Hồng quân còn được coi là chưa ở đâu, và chưa bao giờ tàn bạo như thế. Ít nhất có tới nửa triệu người (đa phần là đàn ông) bị đưa sang các trại tập trung Gulag ở Siberia - và riêng tại Budapest đã có chừng 50 ngàn phụ nữ bị hãm hiếp.

Tàn nhẫn nhất là trong nhiều trường hợp, trước khi hãm hiếp người vợ, lính Nga đã giết người chồng ngay trước mặt họ. Những phụ nữ bị làm nhục phần nhiều còn bị đánh đập, ai tìm cách chống lại hoặc chạy trốn đa phần đều bị sả súng bắn chết. Đó là thảm kịch của phụ nữ tại các nước Tiệp, Ba Lan, Áo, Romania và Hungary, khi đó bị Hồng quân chiếm đóng!

Lịch sử cần được làm sáng tỏ

Lý do gì khiến một nữ đạo diễn trẻ theo đuổi một đề tài bị coi là cấm kỵ trong nhiều thập niên? Theo chia sẻ của nhà làm phim Skrabski Fruzsina, bà luôn quan tâm đến lịch sử của CNCS, đặc biệt là những phần còn được làm sáng tỏ, những tội ác còn chưa bị vạch trần và trừng phạt một cách chính thức, và vấn đề trách nhiệm vẫn bị bỏ ngỏ.

Đạo diễn cho biết, sau gần 7 thập niên, đề tài này vẫn hết sức nhạy cảm. Mặt khác, tìm kiếm được người để phỏng vấn, tìm hiểu là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhận và tế nhị. Tuy nhiên, bà quan niệm rằng đến giờ vẫn không nói ra, hoặc đến giờ vẫn chưa tạo điều kiện để những người có liên quan được lên tiếng, thì còn chờ đến bao giờ?

Một chủ đề quan trọng và ít được nhắc đến của Thế chiến thứ hai - tội ác của Hồng quân Liên Xô - theo Fruzsina phải được sự quan tâm và chú ý của giới trẻ, vì đến nay nó vẫn mang tính thời sự. Và do đó, bà đã đặt trọng tâm cho bộ phim, làm sao để độc giả đã bắt đầu xem trên TV, thì không chuyển sang kênh khác.

Trả lời những ý kiến phản đối kiểu “không nên bới móc quá khứ”, “hãy để quá khứ ngủ yên”, v.v..., đạo diễn phim khẳng định: những tội ác chiến tranh không bao giờ hết thời hiệu, căn cứ các hồ sơ lưu trữ tại các kho thư khố của Nga, hiện vẫn có thể truy trách nhiệm những kẻ còn sống. Do đó, nhắc lại một chuyện cũ cũng không bao giờ là điều quá muộn hoặc vô ích!

Trong phim, cũng có sự hiện diện và lên tiếng của các nhà nghiên cứu Nga. Một sử gia Nga cũng thừa nhận, quân đội Liên Xô tàn bạo và hung hãn hơn bất cứ quân đội nào khác trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Đây là điều rất đáng để tâm, vì nó cho thấy một nét khác của khái niệm “quân giải phóng Xô-viết”, thường được tung hô một cách vô điều kiện thời XHCN.

Cuối cùng, nhà làm phim cho rằng, bà có thể vui mừng khi bộ phim rất được sự để tâm của công luận Hungary ngay từ khi nó chưa được công chiếu. Đối với bà, quan trọng nhất là sự thật phải được nói ra, và phải được giới trẻ biết đến. Đối với những nạn nhân, bộ phim có thể là sự đền bù nho nhỏ, rằng tấn thảm kịch của họ không bao giờ rơi vào quên lãng!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.
CHỦ NGHĨA LENIN VÀ DI SẢN BẠO LỰC

Lê Công Định, tháng 4/2015

Phân tích nền tảng kinh tế của xã hội tư bản, Karl Marx kết luận sự chuyển hóa hình thái kinh tế-xã hội từ tư bản sang cộng sản sẽ diễn ra một cách tiệm tiến tự nhiên. Giai cấp công nhân tiên tiến, bao gồm cả giới quản lý cao cấp, sẽ đóng vai trò lãnh đạo trụ cột trong phương thức sản xuất mới. Vì thế, chỉ ở những nước tư bản phát triển cao nhất, sự chuyển hóa ấy mới có thể diễn ra.


Lenin, tuy nhiên, lại nhìn thấy ở giới lao động nghèo khổ một lực lượng cách mạng mà ông cần để đảo chính Sa hoàng, vì ông muốn cầm quyền và thực hiện các ảo vọng của mình. Do vậy, Lenin cố lý luận bằng quan niệm gượng ép về sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, trong đó bạo lực cách mạng là phương thức đấu tranh lật đổ chế độ đương thời, sau đó xây dựng một chế độ mới do giai cấp công nhân (bần cùng hóa) liên minh với nông dân (bần hàn) lãnh đạo.

Với Marx, khi các điều kiện kinh tế-xã hội chín muồi do nhu cầu đòi hỏi phải có một phương thức sản xuất mới đáp ứng sự phát triển tột độ của tư liệu sản xuất, tự khắc sự chuyển hóa sẽ diễn ra. Còn với Lenin, kể cả khi điều kiện trên chưa sẵn sàng, một lực lượng cách mạng được huấn luyện đấu tranh bạo lực vẫn có thể giúp lật đổ thể chế chính trị hiện hữu, đưa những người vô sản lên cầm quyền và áp đặt một hệ thống kinh tế theo ý muốn chủ quan.

Cướp chính quyền bằng bạo lực do vậy là sản phẩm của Lenin và trở thành lý thuyết cốt lõi trong tư tưởng của ông. Nói cách khác, khi cần lực lượng gây bạo loạn lật đổ, Lenin đã không ngần ngại cải sửa học thuyết của Marx. Từ đó xuất hiện cái gọi là "chủ nghĩa Marx-Lenin", một thảm họa thật sự của nhân loại trong thế kỷ 20 trên toàn cầu và cả đầu thế kỷ 21 tại một số quốc gia.

Sau khi Marx qua đời, những người theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa tập hợp lại trong phong trào gọi là "Đệ nhị Quốc tế", chủ trương giành chính quyền bằng con đường tranh cử nghị trường theo đường lối ôn hòa của Engels. Về sau xuất hiện một nhóm gọi là "Đệ tam Quốc tế" theo đường lối bạo động của Lenin, chủ trương cướp chính quyền bằng vũ lực. Thế chiến thứ nhất nổ ra khiến Đệ nhị Quốc tế thoái trào ở Âu châu, còn các thành viên của Đệ tam Quốc tế ở Nga nắm cơ hội cướp chính quyền trên thực tế vào năm 1917 và trở thành phong trào cộng sản ưu thắng, kéo dài đến tận lúc Liên Sô sụp đổ vào năm 1991.

Nhìn vào lịch sử thế giới từ khi Liên bang Sô Viết ra đời, các nhà nước xã hội chủ nghĩa khác nhau đã lần lượt xuất hiện tại Âu châu và Á châu, tất cả đều từ họng súng, hoặc có sự can thiệp bằng quân sự của Liên Sô, hoặc do phong trào cộng sản tại chính quốc. Giành chính quyền bằng lực lượng vũ trang, không thông qua bầu cử dân chủ, là khởi đầu chung của hầu hết các chế độ cộng sản ở thế kỷ 20. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng tháng Tám cướp chính quyền, thực chất là đảo chính, của Việt Minh đi đến thành công cũng nhờ vào vũ lực. Những người cộng sản, núp dưới danh nghĩa ngọn cờ "giải phóng dân tộc", tiến hành một cuộc chính biến đoạt lấy chính quyền từ tay chính phủ hợp pháp của Thủ tướng Trần Trọng Kim.

Thói quen sử dụng bạo lực càng được phản ánh rõ nét nhất ở hình ảnh đoàn xe tăng của quân đội Bắc Việt húc đổ cổng Dinh Độc Lập, biểu tượng quyền lực của chế độ Sài Gòn, vào ngày 30/4/1975, bất chấp Hiệp định Paris mà Hà Nội đã ký kết hai năm trước đó yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử hòa bình thống nhất hai miền Nam Bắc. Trận tấn công cuối cùng ấy tuy mang tiếng là kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, nhưng chính toàn bộ cuộc chiến tranh "chống Mỹ xâm lược" lại được chuẩn bị và phát động bởi những bộ não thấm nhuần chủ nghĩa Lenin, vốn xem bạo lực là một loại bùa chú linh nghiệm.

Chưa bao giờ trong não trạng của người cộng sản tồn tại khái niệm ôn hòa, trừ phi giả trá. Giáo huấn của Lenin về việc giành và giữ chính quyền trong mọi hoàn cảnh luôn dựa vào phương thức bạo lực, vì chỉ như vậy mới có thể dựng nên và duy trì một nhà nước độc tài toàn trị, tự nhận là "chuyên chính vô sản". Họ định danh mọi chính kiến đối lập là "kẻ thù của nhân dân" hoặc "thế lực thù địch", không ngần ngại thẳng tay trấn áp giới đối lập bằng nhà tù và họng súng, bất chấp nhân quyền. Để biện minh cho một chế độ bất nhân, người cộng sản sử dụng bộ máy tuyên truyền dối trá một chiều, cấm đoán tự do báo chí và ngôn luận.

Tuy nhiên, điều may mắn của nhân loại là mọi nhà nước cộng sản đều phải đối diện tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau một thời gian dài cai trị thiếu hiểu biết về cách thức quản trị chuyên nghiệp nền kinh tế quốc gia. Chính hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung hoang tưởng đã phá hỏng nền tảng xã hội và bào mòn các nguồn lực quốc gia, dẫn đến khủng hoảng không cứu vãn trên mọi phương diện, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Những nỗ lực cải cách theo hướng thị trường đã đẩy các chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ nhanh chóng. Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn sẽ không tránh khỏi vết xe đổ đó trong tương lai gần, dù có vẻ chính quyền ở hai nước này đạt được một số thành tựu mong manh có tính chất an thần.

Từ năm 1989, khi các nhà nước cộng sản theo mô hình Lenin lần lượt bị phá sản tại Đông Âu, việc giật sập các tượng đài Lenin khắp nơi đã chứng nghiệm câu nói danh tiếng của Abutalib, "nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn súng thần công vào bạn." Những người cộng sản lên cầm quyền đã phá hủy các di sản tinh thần và vật chất của quá khứ, nên mọi di sản của họ hiện đang bị đào thải. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn, cái giá dành cho những kẻ quen dùng bạo lực có thể chính là sự chuốc lấy bạo lực thảm khốc gấp nhiều lần hơn.

LCĐ

-Cộng sản tàn sát con người

Vì sao chủ nghĩa công sản bị cáo buộc chống nhân loại? http://wwwvietnamquehuong.blogspot.co...

Bộ phim Câu Chuyện Xô Viết - của đạo diễn Edvins Snore

Tội ác chống lại loài người cuả Cộng sản và Xtalin.Bảy triệu dân lành của UCRAINA bi chết dưới bàn tay của Chính quyền xô viết và Xtalin năm 1933. HayThucTinh _ X-cafe.org.






-Bài liên quan Cộng sản chống lại bản chất con người. 2 
http://www.youtube.com/watch?v=erYSNH...

3 năm LiênXô đã xử tử 11 triệu ng .Ph3 . 
http://www.youtube.com/watch?v=RTpE_S...

17/9/1939 Liên xô xâm lược Balan.Ph4.
http://www.youtube.com/watch?v=eiPm7X...

Liên xô đã cấu kết với phát xít ?Ph5 . 
http://www.youtube.com/watch?v=GCHmLn...

Xtalin tàn sát người Do Thái.Ph 6.
http://www.youtube.com/watch?v=GE1GRF...

Sau1945 Xtalin tiếp tục phạm tội ác.Ph 7
http://www.youtube.com/watch?v=rJVfbJ...

Cảm giác Tự ty và nôĩ nhục của nước NGA .Ph 8.
http://www.youtube.com/watch?v=yius38...

Tổng số lượt xem trang