Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Khi nhà báo đến “địa ngục trần gian”

Đọc bài này mới thấy, dù sao Phó tổng thống Trần Thiện Khiêm cũng đã giữ lời hứa, không như ông Thủ Tướng 3X chỉ nổ rõ to rồi chằng thấy gì, hay ông CTN 4S cũng vậy. Dưới thời VNCH dù sao người dân còn có tiếng nói và được lắng nghe.
-“Trường học” báo chí ở Côn Đảo
Bài 4: Khi nhà báo đến “địa ngục trần gian”QĐND - Thứ bảy, 21/06/2008 | 12:32 GMT+7
Trong lịch sử 113 năm của địa ngục trần gian Côn Đảo, mặc kệ nhân quyền, phớt lờ luật pháp quốc tế, tìm mọi cách bưng bít thông tin, kẻ thù yên tâm rằng ở quần đảo mù khơi này, chúng chính là chúa tể! Nhưng rồi duy nhấtmột lần, sự thật bẩn thỉu về những cái “chuồng” giam giữ con người đã bị phơi bày. Đó là khi một nhà báo tiến bộ từ nước Mỹ đã đến Côn Đảo và được chính những tù nhân chính trị thông minh bày cho cách tiếp cận sự thật...

Người “khui” vụ chuồng cọp là một nhà báo Mỹ...
Sáng ngày 2-7-1970, một sự kiện gây chấn động dư luận thế giới đã diễn ra khi báo Tin sáng Sài Gòn và tạp chí Time đồng loạt đưa tin bài của nhà báo Don Luce và nhà báo John Helmil với thiên phóng sự điều tra “Tố cáo vụ chuồng cọp Côn Đảo”. Lần đầu tiên, cả thế giới được biết đến sự thật “rùng mình” về cái gọi là “chuồng cọp”, nơi giam giữ, đày ải tù nhân dã man, phi nhân bản mà trước đó, chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn cố tình bưng bít. Sau đó, các hãng thông tấn xã phương Tây đều đồng loạt đưa tin về cuộc họp báo của hai dân biểu Hạ nghị viện Hoa Kỳ là ông Williamm R Anderson và ông August Hawkins về “Vụ chuồng cọp Côn Đảo” trình lên Hạ nghị viện tại tòa Bạch Ốc. Trước đó hai ngày, phái đoàn dân biểu Mỹ và báo chí quốc tế đã đến chuồng cọp Côn Đảo, họ tận mắt thấy những tù nhân bệnh tật bại liệt, những người phụ nữ yếu đuối, cụ bà, trẻ em đang bị giam nhốt. Vừa bị đàn áp, còn nằm nguyên trên vôi bột với những tấm thân tàn phế, ốm gầy bò lết.

Ông Võ Huy Quang và nhà báo Don Luce (2005).

Người có công to lớn trong việc “khui vụ chuồng cọp” là nhà báo Don Luce, là phóng viên đã ở chiến trường Việt Nam 12 năm. Ông là nhà báo người Mỹ tiến bộ, là Thư ký Hội đồng Nhà thờ thế giới, từng làm Giám đốc cơ quan tình nguyện quốc tế ở Việt Nam, nói thạo tiếng Việt nên ông rất am hiểu tình hình. Cái gọi là “chuồng cọp” có tổng diện tích là 109.194m2, trong đó có 13.408m2 dùng làm nơi giam giữ với 127 phòng giam, 42 xà lim và đặc biệt là 504 phòng giam “biệt lập chuồng cọp”. Khu “chuồng cọp” được xây dựng từ thời Pháp vào những năm 40 của thế kỷ trước đặt lọt trong hệ thống trại giam chằng chịt để giam giữ những chính trị phạm kiên trung mà chúng cho là nguy hiểm. Sang thời Mỹ - ngụy, khu “chuồng cọp” tiếp tục mở rộng và phần mở rộng này gọi là “chuồng cọp Mỹ”. Ở “chuồng cọp Mỹ” mức độ tàn khốc, thủ đoạn tra tấn dã man ở “đẳng cấp” cao hơn rất nhiều so với thời Pháp. Mặc dù đã có dư luận đề cập vấn đề này nhưng Oa-sinh-tơn và Sài Gòn luôn bưng bít. Với lối ra, vào lắt léo, bí mật nên ngay cả người tù bị đưa vào đây khó hình dung đường đi, lối lại chứ chưa nói đến nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra quốc tế đến đây đều bị đánh lừa. Họ luôn được đưa vào những trại giam “ngon lành” do bọn chúa ngục “dàn dựng” để đánh lừa dư luận.
Tìm sự thật theo kiểu... nhà báo
Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có hai “nhà nghiên cứu về nhà tù Côn Đảo” là ông Bùi Văn Toản mà chúng tôi đã đề cập ở các kỳ trước, và ông Võ Huy Quang, cũng là một cựu tù Côn Đảo, người vừa tổ chức một triển lãm riêng về nhà tù Côn Đảo vào tháng Tư vừa qua. Thật may hôm tôi đến, mới hay, ông cũng vừa sưu tầm được tư liệu về vụ “nhà báo Don Luce khui vụ Côn Đảo”. Được tiếp cận những bài báo Sài Gòn và báo chí quốc tế ngày ấy, tôi không khỏi xúc động trước sự thật về “địa ngục trần gian”…
Từ cuối những năm 60, các nhà báo người Việt cũng như người Mỹ đã nghe đồn thổi về một trại giam có tên chuồng cọp ở Côn Đảo nhưng tất cả mọi cuộc điều tra đều bị thất bại. Chỉ đến khi phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn diễn ra mạnh mẽ, đầu năm 1970, một nhóm sinh viên có lần đã được gặp Phó tổng thống Trần Thiện Khiêm, yêu cầu phải thả ngay những sinh viên bị giam giữ tại “chuồng cọp”. Trong một phút ngẫu hứng, ông Khiêm nói ở Côn Đảo không hề giam học sinh, sinh viên, đã “hứa” rằng: “Nếu các anh tìm thấy danh sách chứng minh có học sinh, sinh viên bị giam giữ ở Côn Đảo, tôi sẽ thả ngay lập tức”.
Nhóm sinh viên yêu nước trên đã may mắn tìm và làm quen được với nhà báo Don Luce. Rồi họ cử mẹ anh Cao Nguyên Lợi, một sinh viên bị giam ở Côn Đảo ra thăm con. Qua bà mẹ, anh Lợi nhận được thông điệp từ đất liền, cần phải có danh sách những sinh viên bị giam giữ, sơ đồ đường tới chuồng cọp. Anh vội vã thêu tên những sinh viên lên một chiếc khăn gửi mẹ, giả vờ là khăn tặng người yêu. Nhưng mới chỉ thêu được tên 5 người thì hết chỉ. Còn sơ đồ chuồng cọp, anh đã may mắn tìm ra, nhờ sau một lần bị đánh nhừ tử, anh được gặp một bác sĩ, tranh thủ hỏi mình bị đưa vào chuồng cọp bằng cách nào. Anh âm thầm vẽ lại sơ đồ “đường tới địa ngục”.
Bà mẹ trở về. Mẹ mang chiếc khăn tặng cho người yêu anh. Cô gọi bạn bè anh đến giải mã. Họ đã giải mã được tên 5 sinh viên là Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long. Yêu sách được đưa lên Trần Thiện Khiêm. Thế là chính quyền Sài Gòn buộc phải trả tự do cho 5 sinh viên. Ngày 24-5-1970, về đất liền, họ tới gặp nhà báo Don Luce. Sau đó, họ lại được Don Luce đưa tới một khách sạn, gặp vị dân biểu của Mỹ. Họ nói lên tất cả sự thật, kèm theo cả sơ đồ chuồng cọp mà anh Cao Nguyên Lợi đã vẽ. Các dân biểu Mỹ và cả nhà báo Don Luce ban đầu không tin. Họ từng nghe báo cáo về những trại giam “hoàn hảo”, có cả nhà nguyện, câu lạc bộ, nhà ăn, không có chuyện tù nhân bị đánh đập dã man. 5 sinh viên xin lấy mạng sống của chính mình để khẳng định chuồng cọp là có thật.
Một tuần sau, ngày 30-6-1970, phái đoàn dân biểu Mỹ cùng các nhà báo quốc tế cùng đến Côn Đảo để điều tra… Nhà báo Don Luce cầm trên tay tấm sơ đồ do các sinh viên vẽ và tìm đến được đúng nơi mà các sinh viên mô tả là trại có hai lần cửa vào, nếu vào thẳng thì sẽ vào một trại tù bình thường, nếu rẽ ngang thì sẽ dẫn đến vườn rau, ở vườn rau sẽ có cánh cửa nhỏ dẫn sang chuồng cọp. Nhưng lúc này, một tình huống khó đặt ra, do các sinh viên bị bịt mắt nên họ không nhớ quẹo trái hay phải. Don Luce cầm trên tay tấm bản đồ vẽ lối vào chuồng cọp, vô cổng lao rẽ phải đi vòng phía sau đám rau lang mà tù nhân khổ sai trồng để cải thiện bữa ăn, đến ngay bức tường chắn ngang có một cửa nhỏ để vào bên trong, nhưng Phái đoàn đến đây thì không thấy cánh cửa nào cả mà chỗ đó đã chất một đống củi cao lên bằng đầu tường, Don Luce và William R Anderson trèo lên, nhìn bên trong là những ô đất, có tường bao quanh và bên trong là hai dãy chuồng cọp. Chớp thời cơ một cách đầy nhạy cảm nghề nghiệp, họ nhảy vào bên trong. Nguyễn Văn Vệ-tên chúa đảo nổi tiếng tàn ác ở Côn Đảo quá bất ngờ, cố ngăn lại nhưng không kịp. Phái đoàn đã vào tận bên trong, nhìn thấy một mặt của chuồng cọp, với 30 cánh cửa đen ngòm, đối lưng bên kia cũng 30 ô cửa sắt đen như thế, bên trong có tiếng người rên, vì đau đớn, lại có cả tiếng phụ nữ nói chuyện và tiếng trẻ thơ khóc!”.
“Vệ cố tình dẫn phái đoàn đi thăm các phòng giam lớn ở trên trại, vào nhà bếp, nhưng John Helmil, Don Luce và hai dân biểu hạ nghị viện Mỹ August Hawkins, William R Anderson đã luồn sang bên hông và đi được vào chuồng cọp leo lên cầu thang, đi dọc trên đầu tường, hai bên là hai dãy hầm, trên là chắn song sắt, bên dưới là những người tù tàn phế, đang nằm trên vôi bột trộn lẫn với DDT, nên những người tù thân trần trắng vôi, nồng nặc mùi hóa chất độc hại. Phái đoàn tiếp xúc với những người tù bên dưới chắn song sắt. “Chúng tôi đòi được ăn no, được sống tự do” - “Yêu cầu nhà cầm quyền bãi bỏ chế độ khắc nghiệt”. Đại đức Thích Hạnh Tuệ lên tiếng: Tôi là một nhà tu hành cũng bị đày ải như thế này! Dãy chuồng cọp bên kia, chúng đang nhốt cả phụ nữ, trẻ em, những người bệnh tật. Sau khi chứng kiến, chụp ảnh để làm bằng chứng, Don Luce, John Helmil sang chuồng cọp 1: tại đây trên 300 phụ nữ cũng bị giam nhốt trong các ô chuồng cọp như thế, đặc biệt có “Má sáu mù” - má đã mù cả đôi mắt không còn thấy đường mà nhà cầm quyền Sài Gòn cũng đày ải má ra Côn Đảo ngày 23-11-1969, giam nhốt tại chuồng cọp” – ông Võ Huy Quang kể lại.
Ánh sáng công lý
Để bưng bít thông tin, “chữa cháy” dư luận, Vệ cho đưa số chị em phụ nữ lên lao 5, 129 người bệnh nặng thì được đưa lên trại Sở muối. Tiếp theo đó, thì hai dãy chuồng cọp được phá tung phần nóc, một hình thức phi tang dấu vết tội ác, mặc dù đẩy số tù bệnh tật tàn phế lên trại giam Sở muối, dùng ánh nắng mặt trời gay gắt ở sát biển để cho những làn da xanh mét gầy còm bò lết này phải đen đi vì sạm nắng, hòng xóa đi những dấu vết khắc nghiệt của chốn địa ngục trần gian. Ít lâu sau, Vệ bị điều về Sài Gòn.
Sự thật về chuồng cọp bị phát hiện và bị đem ra chất vấn ở hạ nghị viện Mỹ cũng như bị tố cáo trên các tờ báo lớn đã gây ra một làn sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới. Trong lời tường thuật trước giới báo chí, hai dân biểu Mỹ khẳng định, các ông đã tận mắt thấy: “khoảng 500 người bị giam trong các “chuồng cọp”… Có những tu sĩ phật giáo… Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có cả những bà già bị mù mắt… họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình. Họ bị bỏ đói, bỏ khát bị nhốt như những con vật trong các “chuồng cọp”… Họ bị ngạt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ… Trong bảy tháng họ chỉ được ăn rau có 3 lần… Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được nữa… Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy…”. Năm 1971, nhà báo Don Luce tiếp tục lên tiếng trước Tiểu ban Chet Holifield của Quốc hội Mỹ về những hoạt động của chính phủ có liên quan tới hối lộ, tham nhũng và việc tra tấn người Việt Nam.
Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam - thống nhất Tổ quốc, cầu truyền hình Hà Nội - Huế - Sài Gòn tổ chức ôn lại truyền thống “Thiêng liêng Côn Đảo”, ông Võ Huy Quang cùng những cựu tù chính trị năm xưa được thấy hình ảnh Don Luce trên truyền hình cùng câu nói ấn tượng: “Người phát hiện và tố cáo chuồng cọp, với những người nằm trong chuồng cọp có cơ may sống còn để gặp lại nhau không?”. Những cựu tù Côn Đảo đã tới gặp ông tại khách sạn Majestic (Cửu Long) ở quận 1. Tất niên năm ấy, Don Luce lại trở về Việt Nam, ông được các cựu tù chính trị Côn Đảo mời cơm tại nhà hàng thủy tạ Đầm Sen. Ông ngồi cạnh má Sáu mù, nghe má kể chuyện, đọc thơ. Don Luce tươi cười, sung sướng! Từ đó đến nay, ông vẫn thường xuyên liên lạc với các cựu tù chính trị Côn Đảo, có nhiều nỗ lực giúp đỡ Việt Nam. Ông từng nói với các cựu tù chính trị Côn Đảo rằng: Côn Đảo, Việt Nam – những danh từ ấy đã để lại cho ông nhiều bài học máu thịt trong cuộc đời làm báo!
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Tổng số lượt xem trang