Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

VN, Nhật, Ấn Ðộ nên cải thiện quan hệ hợp tác để đối phó với TQ

-VN, Nhật, Ấn Ðộ nên cải thiện quan hệ hợp tác để đối phó với TQ

14.08.2014
Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, nói rằng đó là hành động cần thiết để cân bằng chiến lược trong khu vực.

Bản tin của Press Trust of India dẫn lời ông Thắng nói rằng cần cải thiện quan hệ hợp tác Ấn-Việt-Nhật bằng cách chia sẻ kinh nghiệm về cách xử lý với Trung Quốc về các vấn đề biên giới, vì cả ba nước đều phải đối phó với cùng vấn đề này.

Ông Thắng cho rằng Ấn Độ là một nước bạn, và là một nước quan trọng có quan hệ quân sự và hợp tác quốc phòng với Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, rằng liệu 3 nước có nên thành lập một khối chống lại Trung Quốc, ông Thắng trả lời rằng ông tin rằng đó là điều không nên làm, bởi vì hình thành một khối chống lại bất kỳ nước nào khác cũng có thể dẫn tới xung đột.

Về mức độ ủng hộ thấp dành cho Đảng Cộng Sản tại Ấn Độ, dựa trên kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, ông Thắng nói Đảng Cộng Sản Ấn Độ cần phải cải cách theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mácxít.

Tin của Press Trust of India dẫn lời ông Thắng nói rằng “một đảng cộng sản, hay một đảng tự gọi mình là cộng sản, phải được đặt trên căn bản chủ nghĩa Mácxít, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không nên cải cách để theo kịp tình hình thay đổi.”

Ông nêu trường hợp của Việt Nam, nói rằng Việt Nam áp dụng từng theo hệ thống kinh tế kiểu Xô Viết, nhưng nay đã chọn áp dụng một nền kinh tế thị trường, và gọi đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó bản tin của Xinhua trong cùng ngày tường thuật phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm qua tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, nói rằng Hoa Kỳ mưu tìm một mối quan hệ với Bắc Kinh dựa trên việc mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực lợi ích chung. Các lĩnh vực này bao gồm hợp tác chống biến đổi khí hậu, đàm phán hạt nhân với Iran, việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, và ổn định tình hình Sudan.

Xinhua lặp lại phát biểu của ông Kerry nói rằng chính phủ của Tổng Thống Obama vẫn khẳng định Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của một nước Trung Quốc thịnh vượng và ổn định.

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Kerry nhắc lại lập trường của Washington, rằng Hoa Kỳ không ngả về phe nào trong các vụ tranh chấp, nhưng quan tâm tới cách giải quyết tranh chấp, và cực lực chống đối việc dùng những biện pháp hăm dọa hoặc cưỡng ép trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc nói đề nghị của Hoa Kỳ đã bị Bắc Kinh bác bỏ. Trung Quốc cho rằng Washington đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cách phóng đại những căng thẳng trong khu vực, khiến Philippines và Việt Nam có thái độ cứng rắn hơn trong các cuộc tranh chấp với Trung Quốc.

Nguồn: Shanghaidaily, Theglobeandmail





--Việt Nam mong 'thắt chặt' với Ấn, Nhật để đối phó Trung Quốc
HÀ NỘI (NV) .- Lần đầu tiên, một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đề cập sự mong muốn hợp tác với các quốc gia khác nhằm đối phó với Trung Quốc, khi trò chuyện với báo giới ngoại quốc.




Hộ tống hạm INS Shivalik của Ấn đến Việt Nam. (Hình: Kiến Thức)

Ông Nguyễn Xuân Thắng, một Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, đồng thời đang là Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, vừa nói với báo giới rằng, Việt Nam hy vọng ba quốc gia Việt Nam, Ấn Độ và Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong những vấn đề có liên quan tới Trung Quốc.

Theo tờ Press Trust of India, ông Thắng nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt - Ấn – Nhật trong những vấn đề có liên quan tới Trung Quốc là hết sức cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược của cả khu vực.

Ông Thắng giải thích thêm rằng, vì cả Việt Nam, Ấn Độ và Nhật đều phải đối phó với các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền nên việc chia sẻ kinh nghiệm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên khi được hỏi rằng, Việt - Ấn – Nhật có nên kết thành một khối để cùng chống lại Trung Quốc hay không thì ông Thắng cho rằng, không nên làm như thế bởi việc thành lập một khối nhằm chống lại quốc gia nào đó có thể dẫn tới xung đột.

Trung Quốc đã đẩy Nhật và đang đẩy Ấn xích lại gần hơn với Việt Nam. Hồi giữa tuần này, The Hindu – một nhật báo Ấn Độ loan báo, Bộ Ngoại giao Ấn Độ vừa đề nghị Trung Quốc dời chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc lại vài ngày vì thời điểm đó, ông Pranab Mukherjee, Tổng thống Ấn Độ sẽ… lên đường sang thăm Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng sắp đặt để ông Tập Cận Bình ghé thăm Ấn Độ vào 15 tháng 9, rồi từ Ấn Độ đi thăm Sri Lanka và Pakistan. Chưa thấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về đề nghị của Ấn Độ.

Do tranh chấp chủ quyền, quan hệ Trung - Ấn vốn không hữu hảo, song gần đây, Trung Quốc gửi nhiều tín hiệu muốn xích lại gần Ấn Độ. Hồi tháng 6 vừa qua, khi đến Ấn Độ, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các nỗ lực cải cách và phát triển của Ấn Độ. Tuy nhiên Ấn Độ vẫn tỏ ra không mặn mà.

Tuần trước, hộ tống hạm INS Shivalik, chiến hạm được xem là hiện đại nhất của hải quân Ấn Độ, vừa ghé thăm Việt Nam. INS Shivalik là hộ tống hạm do Ấn Độ tự chế tạo, có thể tàng hình trước các hệ thống radar, được trang bị nhiều loại hỏa tiễn và hai trực thăng vũ trang.

Một sĩ quan hải quân Ấn Độ nói với tờ Times of India rằng, việc INS Shivalik ghé cảng Hải Phòng trong bốn ngày, kể từ 5 tháng 8 đến 9 tháng 8-2014 là nhằm củng cố quan hệ song phương và phát triển hoạt động hỗ trợ giữa hải quân Ấn Độ với hải quân Việt Nam trong tìm kiếm, cứu nạn.

Còn giới truyền thông Ấn Độ thì nhận định, việc INS Shivalik thăm Việt Nam chính là nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam, bởi cả hai quốc gia cùng lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Truyền thông Ấn Độ cho biết thêm là Ấn Độ đang muốn phát triển chính sách hướng về phương Đông và muốn gia tăng hợp tác về an ninh, quốc phòng với Việt Nam. Tính từ 2008 đến nay, hải quân Ấn Độ đã điều động sáu chiến hạm đến thăm Việt Nam và giúp Việt Nam huấn luyện sĩ quan, binh sĩ hải quân. Ấn Độ cũng vừa mới cho Việt Nam vay 100 triệu Mỹ kim để mua bốn tàu tuần duyên. (G.Đ)

Tổng số lượt xem trang