Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Dân tố UBND huyện lừa lấy đất

-Dân tố UBND huyện lừa lấy đất
01/09/2014 Dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn yêu cầu trả lại đất cho người dân nhưng UBND huyện Krông Năng lại “năn nỉ” dân hiến đất cho chính quyền địa phương rồi sau đó cấp cho nhiều người khác
Báo Người Lao Động vừa nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Thắng (ngụ xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khiếu nại UBND huyện Krông Năng đã lừa lấy đất của ông cấp cho người khác.
16 năm đòi đất

Theo đơn ông Thắng trình bày, năm 1998, Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chuẩn bị thu hồi 12.400 m2 đất của gia đình ông và dự kiến đền bù với số tiền là 32 triệu đồng để quy hoạch khu trung tâm xã. Khi ông Thắng chuẩn bị nhận tiền và ký vào biên bản thỏa thuận thì lực lượng chức năng huyện Krông Năng đình chỉ vụ việc. Nguyên do là Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng không đủ thẩm quyền thu hồi đất.
Ông Thắng bên mảnh đất của mình đã bị UBND huyện cấp cho người khác
Ông Thắng bên mảnh đất của mình đã bị UBND huyện cấp cho người khác
Thế nhưng vào thời điểm đó, Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng đã “lỡ” phân lô, bán đất của ông Thắng cho một số hộ dân nên mặc dù chưa có quyết định thu hồi nhưng thực tế số diện tích này ông Thắng không được quyền sử dụng mà thuộc quản lý của cơ quan chức năng. Ông Thắng đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng trả 32 triệu đồng tiền đền bù theo thỏa thuận hoặc giải tỏa số hộ dân để trả đất lại cho ông nhưng không được giải quyết. Đến năm 2007, UBND huyện Krông Năng lại tiếp tục cấp phép xây dựng Phòng Giao dịch Tân Phát (thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng) và một số cơ sở hạ tầng trên một phần diện tích đất của ông Thắng.
Nhận được khiếu nại của ông Thắng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn số 4482/UBND-NC ngày 31-8-2010 giải quyết vụ việc. Theo đó, do chưa được bồi thường nên 12.400 m2 đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Thắng. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND huyện Krông Năng giải quyết khiếu nại của ông Thắng theo hướng: Công nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất trên, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất đối với phần diện tích còn lại (sau khi trừ của chi nhánh ngân hàng, bưu điện văn hóa và một số hộ gia đình đã sử dụng). Đối với diện tích 1.000 m2 mà ngân hàng và bưu điện đang sử dụng trên diện tích đất của ông Thắng thì lập thủ tục thu hồi và bồi thường cho gia đình ông.
Chỉ đạo một đằng làm một nẻo
Văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk đã hướng dẫn rất rõ ràng nhưng thay vì thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên thì cuối năm 2010, UBND huyện Krông Năng lại “năn nỉ” ông Thắng hiến tặng 3.640 m2 đất đã lỡ sử dụng và hứa sẽ cấp GCNQSD đất cho diện tích còn lại (8.760 m2) và được ông Thắng chấp nhận. Thế nhưng sau đó, UBND huyện Krông Năng lại không cấp GCNQSD cho ông Thắng.
Tháng 5-2011, UBND huyện Krông Năng tiếp tục “xin” ông Thắng thêm 2.400 m2 đất. Đổi lại, UBND huyện sẽ cấp 100 m2 đất tại khu giáp ranh với chi nhánh ngân hàng nằm trên khu đất cũ của ông Thắng và cấp GCNQSD đất cho ông Thắng sau khi trừ các diện tích đã hiến. Điều đáng nói là đến năm 2013, UBND huyện Krông Năng lại lấy diện tích đất mà ông Thắng hiến tặng chia lô giao cho hàng chục hộ dân nhưng lại “quên” cấp 100 m2 đất cho gia đình ông như đã thỏa thuận. “UBND huyện không cấp 100 m2 đất cho tôi, đồng nghĩa với việc thỏa thuận bị phá vỡ nhưng huyện vẫn vô tư lấy đất của tôi đem cấp cho người khác. Như vậy, chẳng khác nào UBND huyện lừa lấy đất của tôi” - ông Thắng bức xúc.
Nói về sự bất nhất trên, ông Trương Hoài Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, vòng vo: “Khi có quy hoạch thành lập chợ tại khu Bãi Bằng, nhiều hộ dân đã nộp tiền mua đất trên phần đất của ông Thắng. Việc này kéo dài đã nhiều năm nên để ổn định tình hình an ninh trật tự, lúc ông Thắng hiến đất và đưa ra thỏa thuận, huyện có đồng ý cấp 100 m2 đất nhưng thực ra chỉ là “ghi nhận”(!?). Do vị trí “ghi nhận” cấp đất cho ông Thắng trước đó đã được quy hoạch đất chuyên dùng nên giờ không thể cấp cho ông Thắng được”.
Trả đất trên giấy!
Thực hiện 1 trong 2 nội dung thỏa thuận hiến đất, tháng 10-2011, UBND huyện Krông Năng đã cấp GCNQSD đối với 6.360 m2 cho ông Thắng, đồng nghĩa trả lại số diện tích chưa sử dụng. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết: “Mang tiếng được huyện trả đất nhưng gia đình tôi không sử dụng được vì đất đã bị lấn chiếm mà huyện không có biện pháp giải tỏa. UBND huyện hướng dẫn tôi làm đơn kiện các hộ đó ra tòa nhưng tòa không xử được vì bản đồ địa chính xã ghi số thửa khác so với GCNQSD đất do UBND huyện cấp”.
Bài và ảnh: Cao Nguyên

 



Quá khổ vì được... thi hành án

Thứ Hai, 22:06 01/09/2014
Mất mát tài sản, thiệt hại về tính mạng người thân nhưng khi bản án tòa tuyên có hiệu lực thì người được thi hành án phải trầy trật, cực khổ mới lấy được những gì thuộc về mình
Chúng tôi trở lại gia đình anh Lê Văn Hiền (SN 1976, tạm trú quận Thủ Đức, TP HCM) sau 4 năm xảy ra vụ tai nạn đau lòng, cướp đi sinh mạng của chị Phan Thị Hải Lý (SN 1978, vợ anh Hiền). Khi được hỏi về hành trình yêu cầu thi hành bản án phúc thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên, anh Hiền cho biết: “Tốn công sức, thời gian đi lại nên nhiều lúc nản quá muốn buông xuôi”.
Chây ì và nhỏ giọt
Năm 2011, sau khi TAND TP HCM xử phúc thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH Vận tải Văn Linh bồi thường cho anh Hiền số tiền 110 triệu đồng, anh cầm bản án đến Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Thủ Đức thì được trả lời đã ủy thác cho Chi cục THA dân sự quận 8 (nơi có trụ sở của Công ty TNHH Vận tải Văn Linh) xử lý vụ việc. Sang Chi cục THA dân sự quận 8, anh Hiền được trả lời rằng chưa nhận được hồ sơ và yêu cầu chờ.
Sau đó, anh tiếp tục nhiều lần đến Chi cục THA dân sự quận 8 yêu cầu THA thì được trả lời rằng Công ty TNHH Vận tải Văn Linh đã chuyển trụ sở sang nơi khác và yêu cầu anh tiếp tục chờ kết quả xác minh. “Sau hơn 2 năm rưỡi đi lên, đi về và nhờ không biết bao nhiêu người tư vấn pháp luật để đòi tiền THA, cuối cùng tôi phải thuê luật sư, ủy quyền cho họ lấy tiền giùm với tỉ lệ 50/50” - anh Hiền nói.
Anh Lê Văn Hiền phải tốn nhiều thời gian, công sức mới được thi hành án Ảnh: Phạm Dũng
Anh Lê Văn Hiền phải tốn nhiều thời gian, công sức mới được thi hành án Ảnh: Phạm Dũng
Vẫn chưa hết phiền phức, luật sư còn yêu cầu anh Hiền phải tự đi xác minh Công ty TNHH Vận tải Văn Linh có bao nhiêu chiếc xe để làm cơ sở yêu cầu THA. Anh Hiền lại bỏ thời gian, công sức đi thu thập, xác minh những chiếc xe của Công ty TNHH Vận tải Văn Linh đang hoạt động trên địa bàn
TP HCM. Sau khi có đầy đủ kết quả, gần 3 năm bản án phúc thẩm được tuyên, công ty mới bồi thường cho gia đình anh Hiền số tiền 110 triệu đồng.
Nhớ lại quá trình “đòi nợ” công ty có tài xế gây ra cái chết cho vợ mình, anh Hiền nói: “Thiệt tình tôi cũng không biết phải kể như thế nào, bắt đầu từ đâu để nói hết nỗi khổ của người được THA. Mất người thân đã đau khổ biết chừng nào nhưng khi đi đòi tiền lại bị hành lên hành xuống, nhiều lúc tôi thấy những người bị THA coi thường pháp luật nhưng họ chẳng bị xử lý”.
Cũng khổ sở không kém anh Hiền, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Quảng cáo Sông Hương (Công ty Sông Hương), phải oằn mình trả nợ ngân hàng, bạn bè. Theo bản án của phúc thẩm của TAND TP HCM ngày 5-3-2009, Công ty 27/7 (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM quản lý) phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Sông Hương 1,46 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mỗi tháng Công ty 27/7 chỉ trả cho ông Dũng từ 10-20 triệu đồng và chuyển qua ngân hàng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dũng cho biết: “Sau hơn 5 năm bản án phúc thẩm có hiệu lực, công ty chỉ mới thi hành được hơn phân nửa số tiền tòa tuyên. Thời gian qua, tôi phải đi vay bạn bè, ngân hàng để trả số tiền hơn 3 tỉ đồng đã đầu tư vào xưởng in. Trong khi đó, Công ty 27/7 chỉ thanh toán nhỏ giọt và không biết vì lý do gì mà gần 6 tháng qua, họ ngưng chuyển tiền THA”.
Công ty Sông Hương thuê mặt bằng của Công ty 27/7 (trụ sở quận Gò Vấp) làm xưởng in. Do cần ngăn lối đi nên ông Hà Văn Lành, Quản đốc Phân xưởng Rượu thuộc Công ty 27/7, nhờ người tìm giúp công nhân thực hiện. Ngày 18-3-2007, Nguyễn Ngọc Phú cùng 2 người khác đến làm vách ngăn, lợp tôn. Trưa cùng ngày, trong lúc sử dụng máy hàn, những người trên đã làm cháy kho thiêu rụi 2 máy in, 1 máy cắt của Công ty Sông Hương trị giá hơn 1,6 tỉ đồng.
Xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM nhận định Công ty 27/7 thuê người vào sửa kho nên phải có trách nhiệm bồi thường, Công ty Sông Hương hoàn toàn không có lỗi. Kể từ khi Công ty Sông Hương có đơn yêu cầu THA và Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp có quyết định, nếu Công ty 27/7 chưa bồi thường xong thì phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. “Họ THA theo kiểu chây ì, đến nay chưa xong thì nói gì chuyện yêu cầu chịu thêm lãi suất mà bản án đề cập” - ông Dũng ngao ngán.
Đi xác minh: Trầy vi tróc vảy
Trên cơ sở bản án của TAND quận 3, TP HCM, ngày 21-2-2013, Chi cục THA dân sự quận 3 đã ban hành quyết định THA buộc Công  ty H.Hà (trụ sở tại quận 3) phải trả 258 triệu đồng cho một công  ty sản xuất nhôm đóng trên địa bàn quận Tân Phú, TP HCM. Theo đơn kiện dân sự trước đó tại tòa, công ty sản xuất nhôm kiện Công ty H.Hà vì không thanh toán tiền lắp đặt cửa kính nhôm là 258 triệu đồng như hợp đồng đã ký.
Theo quy định của Luật THA dân sự,  công ty sản xuất nhôm - bên được THA - phải xác minh điều kiện THA của Công ty H.Hà - bên bị THA - để cung cấp cho cơ quan THA dân sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo công ty sản xuất nhôm than trời:  “Tưởng tòa tuyên là xong nhưng ai ngờ chúng tôi phải làm công việc xác minh điều kiện THA. Sau 6 tháng chạy đôn chạy đáo, gõ cửa nhiều nơi, chúng tôi mới tìm được số tài khoản của bên bị THA để cung cấp cho chấp hành viên”.
Tuy nhiên, công việc tiếp theo của chấp hành viên Chi cục THA dân sự quận 3 cũng không kém phần nhiêu khê. Ông Lê Văn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 3 - người theo dõi vụ án, cho biết sau khi bên được THA cung cấp số tài khoản tại ngân hàng của bên bị THA, tháng 8-2013, Chi cục THA dân sự quận 3 đã gửi văn bản yêu cầu ngân hàng có trụ sở ở quận 1 cung cấp số dư tài khoản của Công ty H.Hà và phong tỏa tài khoản nhằm bảo đảm THA. Thế nhưng, ngân hàng này đưa ra lý do Công ty H.Hà vay nợ ngân hàng nên tài khoản đã bị phong tỏa! Không thể khoanh tay, Chi cục THA dân sự quận 3 tiếp tục yêu cầu ngân hàng cung cấp hợp đồng vay tiền của  Công ty H.Hà nhưng cũng bị từ chối. “Mất vài tháng chờ đợi với rất nhiều thông báo được gửi tới ngân hàng nhưng họ không hợp tác. Thậm chí, ngân hàng còn hỗ trợ để Công ty H.Hà trốn tránh nghĩa vụ THA bằng cách ký hợp đồng bảo đảm tài khoản sau khi TAND quận 3 tuyên án” - ông Kiệt lắc đầu. Cuối cùng,  được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 3-2014, ngân hàng trên mới chịu chuyển tiền từ tài khoản của Công ty H.Hà để thi hành án.
Theo Chi cục THA dân sự quận 3, vụ án trên đã  kéo dài 1 năm rưỡi: Kể từ khi bản án có hiệu lực (tháng 10-2012) đến tháng 3-2014 thì  mới hoàn tất việc THA. Hành trình THA nan giải như đã nêu không phải là hy hữu mà là chuyện thường xuyên mà Chi cục THA dân sự quận 3 gặp phải!
Kỳ tới: Luật còn nhiều bất cập
Quý Hiền - Phạm Dũng

Tổng số lượt xem trang