Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

PHÚC ĐỨC : TINH ANH NẾP SỐNG VIỆT

http://danhgiactau.com -PHÚC ĐỨC : TINH ANH NẾP SỐNG VIỆT
1. TỔNG QUAN
Văn hóa Việt tóm kết toàn bộ mọi nhận định và mọi nguyên tắc sống vào chỉ có hai chữ :Phúc Đức.
Đối với đại chúng Việt, Phúc Đức trở thành tiêu chuẩn nền tảng căn cơ cho Cuộc sống Con Người. Phúc Đức chỉ đạo và huy động toàn thể mọi sinh hoạt của con người và của xã hội loài người.
Phúc Đức còn là biểu thức giải quyết mọi biến cố của một đời người, mà cũng là tiêu chuẩn thẩm định giá trị mọi hành động và tâm tư của Con Người.
Nền tảng của Phúc Đức, cũng như của toàn thể Văn Hóa Việt, là con người thêm xứng đáng, thêm hạnh phúc, khi giúp những người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
*     *     *     *

2. PHÚC ĐỨC
2.1 Phúc và Đức.
Theo niềm tin Việt, Phúc là điều tốt lành do Trời ban cho người làm việc nhân đức, hoặc do Tổ Tiên Ông Bà để lại. Phúc Trời và phúc ấm đó được thể hiện thành những điều may mắn, số may, cơ hội, lợi ích... xảy ra trong cuộc sống con người. Những may mắn thường được kể là mạnh khỏe, bình an, giàu có, sang trọng, và sống lâu.
Như vậy, khi làm việc nhân đức, làm điều tốt cho người khác, làm Phúc, thì chính mình cũng được hưởng phúc. Làm Phúc thì hưởng Phúc.
Đức là phẩm hạnh, là cách ăn ở tốt lành, hợp với đạo lý. Đức còn được thể hiện qua các việc từ thiện, các ân huệ làm cho người khác, tức là qua việc Làm Phúc. Như vậy, Đức không chỉ do tu luyện bản thân, mà đặc biệt do quyết tâm trở thành ích lợi hơn cho người khác. 
Đức là kết quả của việc Làm Phúc, làm Phúc thì có Đức. Tuy nhiên, Đức cũng là căn cơ của việc hưởng Phúc, người có Đức thì hưởng Phúc.
*     *
2.2 Phúc Đức.
Như vậy, theo quan niệm Việt, người làm Phúc thì có Đức, người có Đức thì được Phúc. Làm Phúc cũng là tạo Đức, có Đức cũng là có Phúc.
Trong Nếp sống Việt, Làm Phúc Tạo Đức, và Có Đức Có Phúc, đã trở thành phổ quát sâu rộng và quyện lấy nhau, đến nổi hai chữ Phúc và Đức trở thành một chữ đôi ‘Phúc Đức’.
Khi làm việc Phúc Đức, không những ta giúp ích cho người khác, mà chính ta cũng được hưởng nhờ. Phúc Đức vừa do thành tâm thiện ý, vừa do kết quả công việc sinh lợi cho người khác.
*     *     *     *
3. PHÚC ĐỨC VỚI CUỘC SỐNG MỖI NGƯỜI
3.1 Phúc Đức và Số Phận con người.
Theo Văn hóa Việt, con người sống yên vui sung sướng là do hưởng nhờ ơn Phúc của Trời, và của Tổ Tiên Ông Bà.
Tầm độ hưởng nhờ Phúc Trời và Phúc Đức Tổ Tiên chính là Phúc Phận của mỗi con người. Mọi sự xảy đến trong một đời người đều do phúc phận. Do phúc phận mà con người có hay không, được hay mất, bất cứ sự gì trên đời. 'Có phúc có phần'. 'Phúc ai nấy hưởng'. (Thành ngữ).
Tuy nhiên, việc tạo Phúc Đức lại có thể thay đổi phúc phận. Đức có thể thắng số mạng. 'Đức năng thắng số'. Nhờ làm nhiều Phúc Đức, do tâm thành và do kết quả ơn ích, số phận con người trở thành tốt đẹp hơn, tai qua nạn khỏi, phúc thọ gia tăng. (Thành ngữ).
*     *
3.2 Việc Phúc Đức.
a. Trong Cuộc sống Riêng tư.
Làm Việc Phúc Đức, giúp ích cho đời, trở thành tiêu chuẩn của cuộc sống mỗi người.
Việc Phúc Đức thường tình nhất là việc cứu giúp người khác bớt đau khổ, ở bất cứ trường hợp nào, trên bất cứ phương diện gì.
'Dù xây chín bậc Phù Đồ, Không bằng Làm Phúc cứu cho một người'. (Ca dao).
b. Trong Cuộc sống Xã hội.
Văn hóa Việt cũng có bảng định giá trị của Việc Phúc Đức. Đây cũng chính là Bậc Thang Giá Trị của Cuộc Sống Con Người trong Xã Hội.*1
Cách chung, theo bộ Truyền Kỳ, từ dưới lên, Giá trị Cuộc Sống Con Người đi từ :
Bậc 1. Thấp nhất là người chỉ biết có Tình Riêng, đến nỗi làm hại việc chung, như Mỵ Châu, ở Truyền kỳ Mỵ Châu.
Bậc 2. Khá hơn, là người sống cho Tình, không hại người mà cũng không giúp ích cho ai, như Trương Chi.
Bậc 3. Đáng nêu gương, là cuộc sống của những người sống chết vì Tình Nhà, vì anh em, như người Em Vôi trong Truyền kỳ Trầu Cau.
Bậc 4. Cao hơn một bậc là những cuộc sống vừa trọn Tình Nhà vừa trọn Tình Nước, như hai vợ chồng nàng Vọng Phu. Họ chung nhau cuộc sống, nhưng chia nhau công tác : nàng trọn Tình Nhà, chàng trọn Tình Nước.
Bậc 5. Những người làm Việc Làng, giúp phát triển một thành phần xã hội, như An Tiêm.
Bậc 6. Những người làm Việc cho cả Nước, cho những công cuộc giúp ích nhiều người, như Tiết Liêu.
Bậc 7. Cuộc sống lý tưởng của con người, là những cặp Vợ Chồng, như Tiên Dung và Chử Đồng, đã sống trọn vẹn đời sống bản thân, chung nhau xây dựng cuộc sống gia đình và cùng nhau giúp làng giúp nước.
Bậc 8. Cao nhất là người sống trọn cuộc sống Bản thân, phát triển Tình Nhà, chấn hưng Làng thôn, và góp phần khôi phục Dân Nước, đánh tan mọi thứ giặc, mở đầu kỷ nguyên thanh bình hạnh phúc cho mọi người, như Phù Đổng.
*     *
3.3 Trọng tâm Phúc Đức.
Như vậy, theo Văn hóa Việt, mỗi cuộc sống có một tầm độ giá trị khác nhau. Giá trị thấp nhất là cuộc sống chỉ sống cho riêng mình. Cuộc sống càng đáng giá khi càng sống cho nhiều người khác, khi càng làm nhiều việc Phúc Đức.
Mỗi người cũng là một cái Bọc chứa những Anh Em khác. Càng chứa nhiều, càng hữu ích cho nhiều người, càng làm Việc Phúc Đức, thì càng thể hiện được chính mình, và càng đáng quý đáng trọng.
Với tiêu chuẩn nầy, nếp sống Phúc Đức không loại bỏ, nhưng cũng không quá chú trọng tới cuộc sống cá nhân, tới những tu tập, khắc kỷ...
Theo Văn hóa Việt, sống trọn vẹn tâm thành Phúc Đức, làm Phúc cho người mà cũng là tạo Phúc Đức cho mình, chính là việc tu tâm dưỡng tính tuyệt hảo. 'Cứu một người bằng tu bảy kiếp'. (Tục ngữ).*2
*     *     *     *
4. DI TRUYỀN PHÚC ĐỨC
4.1 Thông truyền Phúc Đức.
Đặc tính độc đáo của Phúc Đức là : người Làm Việc Phúc Đức không những cũng được hưởng Phúc Đức, mà còn có thể thông truyền Phúc Đức cho con cháu, cho những người khác. Đây là cuộc sống thể hiện Sức sống Tâm tình thông hiến và Sức sống Tuệ linh vĩnh hiệp của Con Người.*3
Trong các tôn giáo, việc Phúc Đức, dưới những hình thức khác nhau, cũng có thể được thông truyền cho người đang sống, cũng như cho người đã qua đời. Phật giáo có Cầu siêu, hồi hướng công đức... Kitô giáo có cầu nguyện, Lễ cầu hồn... và tín điều Các Thánh thông công.
*     *
4.2 Di Truyền Phúc Đức.
a. Di truyền Tâm Linh.
Từ ngàn xưa, mọi người đều nhận biết sự di truyền phần thể xác từ cha mẹ qua con cái, trong dòng họ. Tuy nhiên, Văn hóa Việt nhấn mạnh tới việc di truyền Phúc Đức.
Thực vậy, tuy di truyền thể chất dễ được nhận biết, nhưng thân xác thuộc phần vật chất, hạn hẹp trong thời không, cá biệt, trì trệ... Đang khi đó, Phúc Đức thuộc phần tâm linh, là phần linh động, dễ thông truyền, và trường cửu của con người.
Vì vậy, đặc tính di truyền của Tâm linh, của Phúc Đức, hiện hữu, sống động, và thiết thực hơn di truyền thể chất.
Con cháu luôn được hưởng nhờ, được di truyền Phúc Đức Tổ Tiên, được thừa kế ơn ích, ảnh hưởng tốt lành Ông Bà Cha Mẹ để lại. 'Phúc Đức tại mẹ'. (Tục ngữ). 'Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để Đức cho con'. (Ca dao).
b. Phúc phận và Tương thông Phúc Đức.
Những tương quan thân cận giữa con người, như giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa anh chị em, giữa thân thích, tất cả đều là do Phúc Phận, và đều thông truyền Phúc Đức cho nhau, đều tương thông Phúc Đức.
Giữa Cha Mẹ Kế và con cái, tuy không có di truyền thể chất, nhưng cũng do phúc phận và tương thông Phúc Đức.
Giữa Cha Mẹ Nuôi và con nuôi cũng có phúc phận và tương thông Phúc Đức, dầu ở tầm độ khác.
Giữa bạn thân, bằng hữu, quen biết... cũng vậy.
c. Đặc điểm Văn hóa Việt.
Điểm đặc biệt của Văn hóa Việt là thăng hoa Di Truyền Phúc Đức thành nền tảng liên hệgiữa Tổ Tiên đã khuất với con cháu đang sống.
Niềm tin Di truyền Phúc Đức căn cứ trên xác tín Ông Bà Cha Mẹ không chỉ trực tiếp thay Trời thông truyền Nguồn Sống cho con cháu, mà đồng thời, cùng với Sự Sống, các Ngài cũngthông truyền Phúc Đức của các Ngài.
Xác tín nầy là nền tảng của niềm tin Ông Bà Tổ Tiên luôn hiển linh độ trì con cháu, và cũng là nền tảng, và là động lực thực tế, của việc Thờ Kính Tổ Tiên.*4
*     *
4.3 Kinh nghiệm về Di truyền Phúc Đức.
Khoa Tướng Số đặc biệt chú trọng tính cách kiên định của số phận mỗi người. Tuy nhiên, dầu số mạng đã định, Phúc Đức lại có thể thắng vượt số mạng. 'Đức năng thắng số'. Làm Phúc thì có Đức, nhiều Phúc Đức thì số mạng cũng chuyển thành tốt đẹp hơn. Muốn giải tỏa vận rủi, phải làm Việc Phúc Đức. (Thành ngữ).
Khoa Tử Vi có cung Phúc Đức để đặc biệt nhận định về tầm độ mỗi người được hưởng Phúc Đức Ông Bà truyền lại. Người có nhiều Âm Đức, nhiều Phúc ấm, thì được hưởng cuộc sống sung túc, tốt đẹp, may mắn. Người Mệnh tốt mà cung Phúc Đức kém thì hạnh phúc ở đời không được như ý. Ngoài ra, việc tương thông Phúc Đức còn được nhận ra ở các truyền tinh, ở các lá số hợp nhau.
Ở khoa Phong Thủy, việc hưởng nhờ ‘cuộc đất kết phát’ lại mang một sắc thái đặc biệt. Trước hết, điều kiện để hưởng nhờ cuộc đất là ‘tiên tích Đức hậu tầm Long’. Ngoài ra, hễ có đủ tiêu chuẩn trùng hợp, thì bất cứ con cháu nào, không kể trai gái, không kể nội ngoại... cũng có thể hưởng cuộc đất, cũng có thể được hưởng nhờ Phúc Đức Ông Bà một cách đặc biệt. (Thành ngữ).
*     *     *     *
5. PHÚC ĐỨC VÀ ĐẠO SỐNG TIÊN RỒNG
5.1 Đạo sống Phúc Đức.
a. Một Bọc Tiên Rồng.
Với Đạo Sống Phúc Đức, con người nhận thực niềm Hạnh Phúc của mình hệ thuộc vào việc mình phụ giúp cho người khác được thêm hạnh phúc. Con người vươn lên, phát triển, thêm hạnh phúc, là do làm ích cho người khác.*5
Đây chính là thể hiện đặc tính thiết yếu của Con Người. Con người vừa là một cá thể độc đáo vừa bẩm sinh cuộc sống xã hội, vừa là Hiệp thể Tiên Rồng vừa là Anh Em Một Bọc.*6
b. Thân Thương toàn tâm.
Việc hưởng nhờ Phúc Đức lại nói lên mối liên đới mật thiết giữa mỗi người với những con người khác, cả trong hiện tại, quá khứ, lẫn tương lai. 
Sự liên tục Phúc Đức nầy không bao giờ dứt. Mỗi người đang hưởng nhờ Phúc Đức của Tổ Tiên, đồng thời cũng tạo thêm Phúc Đức để lưu truyền cho con cháu.
Như thế, sống Phúc Đức chính là bộc lộ và tăng trưởng đặc tính kết hiệp và trường cửu của con người, của nếp sống Tâm linh, của đặc tính Tiên.
Đây cũng là phần thể hiện tình Thân Thương toàn tâm của Anh Em Một Bọc. Mọi người hiệp nhất trong tương thân, đùm bọc nâng đỡ nhau, cùng giúp nhau tăng triển hạnh phúc của mỗi người và của mọi người.*7
c. Bình Đẳng căn cơ.
Chính niềm tin Được Hưởng Phúc Đức nầy đã giải quyết những cách biệt trong cuộc sống xã hội.
Sự khác biệt trong xã hội là do phúc phận.
Những người yếu kém, là vì không có số phận hưởng nhiều Phúc Đức, chứ không phải vì thấp hèn, vì đền tội. Cũng vậy, những kẻ may mắn, ở mọi phương diện, cũng không tự mãn là mình tài đức, đã có quá khứ xuất chúng, mà chỉ nhờ có phúc phận.
Cũng vì vậy, những người càng hưởng nhiều Phúc Đức thì càng có nhiều trách nhiệm giúp đời, để tạo thêm Phúc Đức, để san sẻ cho những người kém may mắn, để Mọi Người Cùng Hưởng thêm Hạnh Phúc. Những người ít phúc phận lại cũng phải gia tăng việc Phúc Đức, để cải thiện số phận.
Mọi người cùng nhau làm việc Phúc Đức, giúp nhau cải thiện cuộc sống của từng người và của mọi người. Xã hội thăng tiến trong hòa đồng yên vui, không mặc cảm. Bình Đẳng tận căn cơ.*8
*     *
5.2 Trọn Vẹn Con Người.
a. Vừa từng người vừa xã hội.
Với Đạo sống Phúc Đức, con người vừa đang sống hiện tại mà cũng vừa kiến tạo tương lai, vừa thể hiện chính mình trong không gian và thời gian mà cũng vừa bồ đắp đặc tính thông hiệp và trường cửu. Vừa trọn phần Rồng vừa trọn phần Tiên. Con người thể hiện chính mình cách trọn vẹn.
Với việc Phúc Đức, con người vừa sống cho chính mình vừa sống cho người khác. Sống cho người khác cũng là sống cho chính mình.
Sống Phúc Đức tạo nên xã hội Thân thương và Bình đẳng ngay trong thực tại từng ngày. Mọi người tích cực Phát triển trong Tương thân.
b. Hạnh phúc Làm Người.
Đối với từng người cũng như đối với xã hội, Phúc Đức giải thích cuộc sống, Phúc Đứchướng dẫn cuộc sống, Phúc Đức thúc đẩy cuộc sống, Phúc Đức thẩm định cuộc sống, Phúc Đức làm cuộc sống có ý nghĩa.
Sống Phúc Đức là tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống từng người, cũng như của cơ chế xã hội.
Tất cả đều tập trung vào việc làm cho mỗi người và mọi người đều được thăng tiến, đều được hưởng Hạnh Phúc đích thực, Hạnh Phúc Làm Người.*9
*     *     *     *
6. PHÚC ĐỨC và CUỘC SỐNG DÂN NƯỚC
6.1 Nền tảng Chính Nghĩa.
Làm Việc Phúc Đức, mưu cầu hạnh phúc cho Con Người, là Căn cơ của Chính nghĩa. Ai làm hại Con Người thì dầu đạt được quyền uy hay giàu sang tột bực, kẻ đó vẫn không có Chính nghĩa, mà chỉ là ngụy, chỉ là giặc.
Trong cuộc chiến đấu, Chính nghĩa chính là quyết tâm đánh giặc cứu người. Đó là Nghĩa Cả, là Đại Nghĩa, nghĩa quân, khởi nghĩa... - Giặc là tất cả những ai và những gì làm suy hại Hạnh phúc của Con Người và của xã hội loài người.*10
Cũng vì vậy, trong Việc Làng Nước, trong cuộc chiến đấu, Làm Việc Phúc Đức chính là nền tảng và là tiêu chuẩn để phân định đâu là chính nghĩa đâu là gian tà, đâu là cứu dân cứu nước hay cướp nước hại dân.
*     *
6.2 Phúc Đức và An Dân Thịnh Nước.
Phúc Đức của người Làm Việc Làng Việc Nước là nền tảng của xã hội, của nền chính trị Việt. Những vua quan xứng đáng, lo dân an nước thịnh, như An Tiêm, như Tiên Dung Chử Đồng, như vợ chồng nàng Vọng Phu, như Tiết Liêu, như Phù Đổng trong bộ Truyền kỳ... thì trường tồn, thành Thần thành Thánh, và được toàn dân thờ kính.*11
Khi dân bị khổ, gặp tai ương, thì vua quan, những người làm Việc Làng Nước, phải theo tiêu chuẩn ‘Làm Việc Phúc Đức’ mà xét lại tư cách của mình, tìm cách cải thiện chính sách cai trị, về mọi mặt... và tạ tội với Trời, với Dân.
*     *
6.3 Phúc Đức và Đánh Giặc.
a. Chém giết.
Chính trị có mưu mô, chiến tranh có chém giết. Nhưng theo Văn hóa Việt, dầu có quyền biến mưu lược, chính trị là để củng cố xã hội thêm hạnh phúc, trợ giúp cuộc sống con người. Chiến tranh có máu lửa, nhưng không phải vì hiếu sát hay cưỡng đoạt, mà để thắng giặc, để giải cứu người vô tội.
Làm Việc Phúc Đức cũng không có nghĩa là phải tránh xa mọi nguy hại.
Khi không thể tránh, thì chẳng những không có quyền tránh, mà còn có bổn phận dấn thânvào gian nguy, để giải trừ ác nhân và cứu người bị nạn. Khi đó, càng dấn thân diệt trừ trở lực thì Phúc Đức càng nhiều. Khi đó, kẻ ác thì đền tội, người dấn thân thì thêm nhiều công phúc.*12
b. Phúc Đức cứu Dân.
Công cuộc giải cứu đồng bào khỏi tay giặc, là việc Phúc Đức hết sức to lớn. 'Dầu xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người'. 'Cứu một người bằng tu bảy kiếp'. Đây lại là công cuộc cứu nguy cả một Dân Tộc, cứu giúp mấy chục triệu con người.
Thực vậy, mỗi giây phút dấn thân cho Quê Hương Đồng Bào một cách thực sự, tận tâm tận lực, tận dụng mọi khả năng và mọi phương tiện thích đáng, là những việc Phúc Đức to lớn khó thể lường được.
c. Cộng tài cộng đức.
Lại nữa, không ai đủ tài đủ đức để cứu dân cứu Nước. Nhưng nếu kết hợp lại với nhau, cộng tài góp sức, toàn tâm toàn trí, giúp nhau phát triển tài năng, giúp nhau tạo thêm Phúc Đức, thì sẽ đủ tài đủ đức. 
Các vị Anh Hùng trong lịch sử, đã được coi là đủ tài đủ đức, cũng chỉ vì các Ngài đã có cộng tài cộng đức, trong tổ chức của các Ngài, trong toàn Dân, mà các Ngài là tiêu biểu.*13
d. Giải cứu Toàn Dân.
Có như vậy, mới thực sự Cứu Dân Cứu Nước.
Có Nền tảng Phúc Đức, cuộc chiến đấu và chiến thắng mới đem lại ơn ích cho mọi người, cho mỗi người. Cuộc sống dân nước mới thực sự ấm no, thanh bình, thăng tiến, và hạnh phúc.*14
*     *     *     *
7. GHI CHÚ
* 3103. : ký số của Bài trong danhgiactau.com.
*1 - Đọc bài 2203. Giá trị Cuộc sống Con Người, phần 4.
*2 - Như vậy cũng có nghĩa là : cố tình hại một người, uổng công tu bảy kiếp ! - Thời trước, đã có những tên nhắc nhớ chủ trương sống Phúc Đức. Tu viện, tu sĩ được gọi là Nhà Phúc, Dì Phước. Tu là Làm Phúc.
*3 - Về Sức sống Tâm tình thông hiến và Sức sống Tuệ linh vĩnh hiệp, đọc bài 2205. Bốn Sức sống Con Người, đb đoạn 4.3, và 5.3.
*4 - Đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt, mục 3.2a.
*5 - Chứ không phải đấu tranh sinh tồn, không phải lợi dụng kẻ khác phục vụ quyền lợi mình. - Lợi vật chất là do thu góp, ích phúc đức thì do san sẻ.
*6 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 4.2, và 5.1.
*7 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đb đoạn 5.6. - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, mục 5.2c.
*8 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng, đb đoạn 4.5. - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, mục 5.2b.
*9 - Đọc bài 2206. Chủ Tâm và Thành Quả Cuộc sống Con Người, đoạn 1.4, và 4.2.
*10 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng, đoạn 5.1.
*11 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, mục 13.1b.
*12 - Đọc bài trên, mục 12.4b. - Vấn đề Thể hiện Nhân Thứ, mục 14.2c.
*13 - Vị tiêu biểu đặc biệt là Đức Phù Đổng. Truyền kỳ Phù Đổng cũng là sách lược của Công cuộc Cứu Nước Cứu Dân. - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân.
*14 - Ngược lại, nếu không có Nền tảng Phúc Đức là không có chính nghĩa, là hại Dân hại Nước, là giặc.
Nguyễn Thanh Đức 2013. (Lễ Tế Cáo 9.5.1982).

Tổng số lượt xem trang