Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

3205. VIỆC CÚNG TẾ

-3205. VIỆC CÚNG TẾ
http://danhgiactau.com/

1.1 Có cầu có Thiêng.
Cúng Tế là bày tỏ Lòng Thành Kính đối với Người đã qua đời, hoặc với Vị Linh Thiêng được tin tưởng là đang sống động ở Thế Giới Siêu Linh, thế giới ngoài thế giới con người, nhưng lại có ảnh hưởng tới cuộc sống Con Người.
Văn hóa Việt xác định : Thế giới Siêu linh là nơi Tổ Tiên đã về, đang sống, và Các Ngài vẫn có thể liên lạc, phù trợ cho chúng ta. Đây cũng là kinh nghiệm sống của mọi con người thuần phác.*1
Điều kiện để liên lạc với Thế giới Siêu linh là Lòng Thành Kính. Chỉ có Lòng Thành Kính mới tác động tới các Vị Khuất Mặt. ‘Tâm động Thần tri’. ‘Có cầu có thiêng’ (thành ngữ). Nhờ Lòng Thành Kính mà con người nhận được Ơn Trên.
*     *

1.2 Biểu lộ Lòng Thành Kính.
Lòng Thành Kính là tâm tình của con người bộc lộ niềm tin được các Đấng Siêu Linh phù hộ. Lòng thành kính thường bao gồm việc kính quý, tôn sùng, cám ơn, và tạ lỗi.
Cử chỉ, điệu bộ bày tỏ Lòng Thành Kính có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, nhưng điều cốt yếu là thành khẩn bộc lộ, và do đó tăng cường niềm tin tưởng vào các Vị Khuất Mặt.
Cách thông thường nhất để bộc lộ lòng thành kính là khấn nguyện, âm thầm hướng tâm hồn về Vị Khuất Mặt và cầu xin ơn phù trợ.
Việc khấn nguyện có thể diễn tả bằng lời nói, kèm theo những cử chỉ bộc lộ sự cung kính và van nài, như vái, lạy, khấn vái.
Việc khấn nguyện cùng với lễ vật dâng hiến, thành việc Cúng bái.
Khi việc Cúng bái được tổ chức trọng thể, theo nghi thức định trước, trở thành Buổi Cúng Tế.*2
*     *
1.3 Nghi Thức Cúng Tế.
Việc Cúng Tế tạo môi trường nâng cao tâm hồn con người hướng về thế giới tâm linh, để bộc lộ lòng tôn thờ, cảm phục, tạ ơn, khấn nguyện, và hiệp thông với những Vị Khuất Mặt.
Nghi thức có thể từ đơn giản như đứng nghiêm, cúi đầu, chắp tay, hoặc vái, khấn, lạy, niệm hương, đến dâng lễ vật, đọc văn chúc... Bầu khí cũng có thể từ thinh lặng, đến khấn nguyện, ca hát, chiêng trống, ban nhạc...
Việc Cúng Tế, nhất là những Buổi Cúng Tế có đông người tham dự, đòi hỏi hệ thống qui định cử chỉ, bộ điệu, y phục, trang trí, lễ vật, cũng như ngôn từ, âm thanh, và bầu khí... giúp bộc lộ và tăng triển lòng thành kính của toàn thể mọi người tham dự Buổi Tế.
Vì vậy, Nghi Thức Cúng Tế phải vừa giữ những yếu tố truyền thống nền tảng, thấm nhuần tính cách linh thiêng, lại phải vừa thích nghi với hoàn cảnh sống, tâm trạng, và cách diễn tả tâm tình của con người đương thời.
*     *     *     *
2. ẢNH HƯỞNG NHO GIA TRÊN NGHI THỨC
2.1 Ảnh hưởng Nho gia.
Trước đây, Nghi thức Tế đã chịu ảnh hưởng nặng nề của nho gia. Sở dĩ vậy, vì thời trước, rất ít người biết chữ nho, nên việc Cúng Tế cộng đồng luôn do các quan chức hoặc nho gia chủ trì.
Do đó, nghi thức Buổi Tế, từ cách thức, rao xướng, chỉ dẫn, văn tế... không chỉ chịu ảnh hưởng Nho học, bằng chữ nho, tiếng hán việt, mà còn bị thay đổi theo thói tục nho gia Trung Hoa từng thời.
*     *
2.2 Vái lạy, Cây nhang, Hồi trống.
Ảnh hưởng rõ ràng nhất là từ thời Nhà Thanh tới nay, nho gia đã theo Trung Hoa mà dùng 3 lạy, 3 cây nhang, 3 hồi trống.
Theo Vũ Trung Tùy Bút, do Phạm Đình Hổ, (qua đời năm 1838 dl), tục dùng năm lạy ba váimới chỉ bắt đầu có từ triều nhà Minh của Trung Hoa, năm 1368-1644 dl; tục dùng ba lạy năm váilà theo phong tục dân Mãn Châu khi nhà Thanh thống trị Trung Hoa, năm 1644-1911 dl.*3
*     *
2.3 Dân Việt dùng Hai Lạy, Bốn Lạy, Hai Hồi Trống.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, và cả phong tục hiện nay, dân Việt luôn dùng hai và bốn lạy.
Cho đến hiện nay, trong các nghi lễ và nghi thức tế của làng thôn Việt Nam, chúng ta luôn dùng 4 lạy dành cho các vị Thần hoặc người đã qua đời, và 2 lạy cho người còn sống.
Trong Chiến Quốc Sách, quyển ghi chép những truyện cách đây hơn 2000 năm, những người liên hệ tới Tộc Việt đều lạy nhau hai lạy.*4
Nhiều dấu vết chứng tỏ ở thời xa xưa, dân Việt chỉ gióng hai hồi chiêng trống.
Vì sống xa quê từ năm 1232 dl, dân gốc Đại Việt làng Lý Hoa Sơn, ở thủ đô Hán Thành của Đại Hàn hiện nay, vẫn còn giữ nhiều phong tục từ hơn bảy trăm năm trước. Họ vẫn đánh trống hai hồi.*5
*     *
2.4 Phụ Nữ Việt trong Lễ Tế.
Trái ngược với nho học, trong việc tế lễ, địa vị phụ nữ Việt không thua sút địa vị nam nhân.
Thời gian qua, vì bị ảnh hưởng Nho học, phụ nữ không có mặt trong các Ban Tế cộng đồng. Tuy nhiên, ở Lễ Tế tư gia, người phụ nữ Việt luôn ngang hàng với chồng. Ngoài ra, ở các Lễ Tế thuần túy Việt, như tế Nữ quan và tế các Mẫu, nữ giới lại chủ động.*6
*     *
2.5 Cần cải tổ.
Việc xử dụng chữ Nho trong việc Cúng Tế đã làm cho nghi thức cổ truyền trở thành xa lạ với đại chúng, và lỗi thời.
Tuy nhiên, dầu ngôn từ có cập nhật, dầu Nghi thức có thể cải biến, thời gian Buổi Tế được rút ngắn, điều quan trọng là nội dung, tinh thần, và tác động tâm hồn... vẫn luôn là yếu tố hàng đầu.
Nhờ đó, khi thành tâm sống trọn Lễ Tế và những sinh hoạt Lễ Hội thích đáng, Con Người bộc lộ và phát triển Sức Sống thâm sâu nhất của mình.
(Cần có một Ủy Ban được tuyển chọn với những tiêu chuẩn khắc khe, để việc cải tổ nghi thức được thích đáng. Có thể có những nghi thức thích ứng với những lứa tuổi, hoặc với hoàn cảnh đặc biệt).*7
*     *     *     *
3. THÀNH PHẦN THAM DỰ VIỆC CÚNG TẾ
Sau đây là phần tổng quát cho những Buổi Tế cộng đoàn lớn. Tuy nhiên tinh thần, lòng thành kính và mọi chuẩn bị cá nhân... đều giống nhau trong mọi Lễ Tế.
3.1 Người tham dự.
Việc Cúng Tế là cho mọi người, giúp con người bộc lộ và tăng trưởng Sức sống Tuệ Linh.
Điều kiện để tham dự các Buổi Cúng Tế là lòng thành kính và trang nghiêm. Cần chuẩn bị trước, củng cố lòng thành kính, từ tinh thần tới thể xác, động thái, cử chỉ, lời nói.
Mọi người tham dự cần có y phục chỉnh tề và trang trọng. Trang sức cần cao quý sung túc, nhưng không loè loẹt khoe khoang.
Số người tham dự càng đông thì việc tổ chức càng cần chu đáo. Cũng cần chú tâm tới việc chuẩn bị và thời gian thích đáng cho số đông.
*     *
3.2 Tham gia Việc Cúng Tế.
Những người đóng góp vào việc tổ chức Buổi Cúng Tế... cũng phải ý thức tầm linh thiêng, tầm ảnh hưởng quan trọng và ơn ích mình hưởng nhận qua việc đóng góp... mà thành tâm chuẩn bị và thể hiện cho xứng đáng.
Tùy thành tâm thành kính mà mỗi người được hưởng nhận Ơn Trên.
*     *
3.3 Ban Tế.
Ban Tế đại diện toàn thể người tham dự để bày tỏ lòng thành kính thích đáng lên các Vị Khuất Mặt.
Vì vậy, việc tuyển chọn Ban Tế được căn cứ trên lòng thành kính, đời sống gương mẫu.
Đặc biệt, vị Chủ Tế còn cần có tính cách đại diện tâm linh cho cộng đoàn, xứng đáng đại diện mọi người để Tế Lễ.*8
Cách thức thích hợp để quyết định Chủ Tế là thành kính rút thăm giữa những vị đạt tiêu chuẩn.*9
*     *
3.4 Chuẩn bị.
a. Chuẩn bị Người tham dự.
Công việc chuẩn bị cho Buổi Cúng Tế cũng là phần chính yếu. Cuộc sống chật vật hiện nay càng làm cho việc chuẩn bị thêm cần thiết.
Nhiều ngày trước Cuộc Tế, tinh thần, nội dung, ý nghĩa, bài học, gương sáng... của Buổi Tế, cần được nhắc nhớ và phát động, qua những phương tiện truyền thông đại chúng.
Mọi người tham dự, cũng cần có thời khoảng và môi trường thích đáng để được chuẩn bị và hướng dẫn chu đáo tinh thần và tâm hồn, để lắng đọng tâm tư, tập trung, thành kính... để luôn tăng triển lòng thành kính và ơn ích.
b. Chuẩn bị Ban Tế.
Đối với Ban Tế, những người trực tiếp và chủ động của Buổi Cúng Tế, điều kiện thiết yếu là lòng thành kính, tin tưởng, và nghiêm chỉnh vượt bực.
Để chuẩn bị, Ban Tế không những cần tập dượt thuần thục nghi thức tế, mà đặc biệt cần thấu hiểu và cảm nhận ý nghĩa, tinh thần, những đặc điểm, và nhất là sự linh hiển của Vị Khuất Mặt.
Cùng với việc chuẩn bị nghi thức và tâm hồn, cần có sự chuẩn bị, kiêng cữ thể xác, tinh thần.
c. Tập dượt.
Tất cả mọi người trong Ban Tế cần phải tập dượt nhiều lần cho thành thục.
Trong Buổi Tế, mọi cử chỉ và hành động phải thể hiện lòng thành kính cao độ, trang nghiêm, chững chạc, rập ràng.
Chủ Nghi và Chủ Xướng phải nằm lòng từng chi tiết Buổi Tế. Phải quan sát mọi người trong Ban Tế, khi thấy xong việc nầy mới qua việc khác.
Người đọc văn tế phải tập xướng cho thực đúng cách, trang trọng, và thấm đượm tâm tình đích thực.
Khi có thể, mọi người tham dự cũng nên được tập dượt.
*     *     *     *
4. THÀNH PHẦN BAN TẾ
4.1 Bốn Vị Chủ trong Buổi Tế.
Ban Tế giữ vai trò chủ yếu trong Buổi Tế, đặc biệt đại diện, và cùng với mọi người, dâng kính Lòng Thành Kính lên Vị Khuất Mặt.
Chủ yếu, Ban Tế có 4 vị Chủ : Chủ Tế, Chủ Lễ, Chủ Nghi, và Chủ Nhạc. Ở trường hợp đặc biệt, có thể có thêm vị Chủ Sự.
Phận vụ chi tiết của mỗi người được định rõ trong bài Nghi Thức Tế.*10
*     *
4.2 Chủ Tế.
a. Chủ động Cử hành.
Chủ tế là người chủ động cử hành Nghi thức Tế, để thành tâm dâng lòng thành kính của mọi người tham dự lên Vị Khuất Mặt.
Chủ Tế : khi có thể, nên là hai vợ chồng, tượng trưng Tiên Rồng, lớn tuổi, nhiều phúc đức.*11
b. Thành Phần trợ giúp Chủ Tế.
Thành phần trợ giúp Chủ Tế gốm các Trợ Tế, Chấp Sự, ban Chiêng Trống, và ban Túc Trực.
1. Trợ Tế.
Trợ Tế phụ giúp Chủ Tế, và hầu như khuôn rập theo các tác động và cử chỉ của Chủ Tế. Khi cần thiết, có thể làm thay Chủ Tế trong một số động tác.
Hai người. Cũng nên là 2 vợ chồng.*12
2. Chấp Sự.
Có nhiệm vụ cầm đèn chầu, mời, và phụ dâng lễ vật.
Gồm 4 người. Có thể là 2 cặp vợ chồng.
3. Ban Chiêng Trống.
Hai người gióng Chiêng Trống. Theo những chỗ ghi trong Nghi Thức mà gióng hoặc điểm chiêng trống... đánh động tâm tư mọi người tham dự.
Cần thuần thục, dõng dạc, thành kính.
4. Ban Túc Trực.
Ban Túc Trực, mặc lễ phục, thay nhau đứng hầu 2 bên Bàn Thờ, thêm phần trang nghiêm và trật tự.
*     *
4.3 Chủ Lễ.
a. Hướng dẫn.
Chủ Lễ hướng dẫn toàn thể mọi người tham dự Buổi Tế, giúp mọi người tích cực tham gia và nâng cao Lòng Thành Kính. Đối với người tham dự, Lời Hướng Dẫn có ảnh hưởng trọng yếu.
Lời hướng dẫn của vị Chủ Lễ giúp Buổi Tế thêm phần hấp dẫn, dễ theo dõi, và nhất là giúp mọi người dễ tập trung, thêm hiểu biết, nâng cao tâm hồn, bộc lộ và sống thực đời sống Tâm Linh.
Vì vậy, vị Chủ Lễ phải ý thức nhiệm vụ trọng đại của mình trong Buổi Tế, và chuẩn bị chu đáo, từ công tác tới tinh thần, tâm hồn, thể chất.
Cần trang nghiêm, từ tốn, khoan thai... tránh mọi động thái trình diễn kịch nghệ.
Hai người. Nên một nam một nữ.
b. Nội dung Hướng dẫn.
Chú trọng và khai triển tính cách giáo dục của mỗi Tết Lễ. Cần chú ý tới vị trí của mỗi Tết Lễ trong toàn bộ Tết Lễ trong năm.*13
Các Bài Hướng Dẫn của vị Chủ Lễ là tài liệu quan trọng của Buổi Tế. Cần lưu giữ và kiện toàn, cập nhật... cho ngày một thêm thành tâm và hiện thực, đắc dụng trong việc nâng cao tâm hồn và cuộc sống mọi người.
*     *
4.4 Chủ Nghi.
Chủ Nghi điều hành Nghi thức Buổi Tế.
Chủ Nghi chỉ dẫn từng động tác của Ban Tế, giúp Ban Tế và mọi người theo đúng nghi thức Buổi Tế.
Nhờ Chủ Nghi chỉ dẫn, Ban Tế, và mọi người tham dự, không bị phân tâm về cử động mà tập trung toàn tâm, toàn ý, toàn thân, vào từng động tác, giúp bộc lộ trọn Lòng Thành Kính lên Đấng Khuất Mặt.
Cần 2 người để luôn tuần tự chính xác. Nên một nam một nữ.
*     *
4.5 Chủ Nhạc.
Ban nhạc và Ca đoàn cũng là thành phần trọng yếu trong những Buổi Tế long trọng. Vì vậy Nhạc tế cũng cần theo đúng nội dung và tinh thần của từng phần của Buổi Tế.
Ca và nhạc quan trọng không chỉ trong Buổi Tế, mà cả ở phần chuẩn bị trước Buổi Tế, và phần kết thúc sau Buổi Tế.*14
*     *
4.6 Chủ Sự.
Khi có sự tham dự của một vị Trưởng Thượng đặc biệt, vị đó có thể trở thành vị Chủ Sự trong Buổi Tế.
* Phận vụ chi tiết được ghi nhận trong bài Nghi Thức Tế.
*     *     *     *
5. THÀNH PHẦN BUỔI TẾ
5.1 Lễ Phục.
Lễ phục Ban Tế góp phần quan trọng cho tâm lý và cho bầu khí trang nghiêm của Buổi Tế. Nên có lễ phục đặc biệt dành cho việc Tế Lễ.
Lễ phục cần được chỉnh đốn qui củ, theo truyền thống, thích hợp, cao trọng, trang nhả, lộng lẫy, không loè loẹt. Tất cả phải xứng đáng, trang nghiêm, không trang trí tạm bợ.
Cần giữ những nét tôn quý thanh cao của Lễ phục cổ truyền, với vài chỉnh đốn thích ứng với cách diễn tả của cuộc sống đương thời.
*     *
5.2 Ngôn Từ.
Ngôn từ, rao, đọc, cần nghiêm chỉnh, trang trọng, nhưng phải ở tầm thông dụng, cho mọi người tham dự cùng tích cực tham gia, cùng thông hiệp tâm tình.
Bầu khí luôn trang nghiêm, tránh mọi vọng động, để giúp mọi người dễ dàng tập trung vào diễn tiến và ý nghĩa Buổi Tế.*15
*     *
5.3 Cử Điệu.
Cử chỉ bên ngoài cần bộc lộ trung thực và giúp tăng triển tâm tình bên trong. Cử điệu của Ban Tế cần có những nét đặc biệt góp phần trang trọng và thành kính của Buổi Tế.*16
*     *
5.4. Vái và Lạy.
Ở mọi nền văn hóa, vái lạy là cử chỉ tỏ lòng quý mến, thần phục, thờ kính.
Từ nhiều ngàn năm trước cho đến hiện nay, trong tất cả mọi lễ nghi riêng của từng người và của gia đình, đại chúng Việt luôn luôn dùng hai và bốn lạy.
Nhiều tài liệu xưa cũng ghi nhận phong tục dùng hai và bốn lạy của Dân Việt. Lạy người sống hai lạy. Lạy người đã khuất và các Vị Thần : bốn lạy.
Trong nếp sống căn cứ trên nhận thức và biểu tượng Tiên Rồng song hiệp, cùng với bốn Sức Sống của con người, việc dùng hai và bốn cũng là điều đương nhiên.*17
*     *
5.5 Kiêng Cử.
Do lòng thành kính, phong tục ta có nhiều kiêng cử trong những dịp Tết Lễ quan trọng.
Đây là những dịp tụ họp đông người. Vì vậy, những kiêng cử có mục đích chính yếu là giúp tâm lý và phong thái mọi người thêm thích đáng, giúp cho việc tụ họp và bộc lộ lòng thành kính thêm hòa hợp và thoải mái, giúp Buổi Tế thêm trang trọng và thân tình.*18
*     *
5.6 Ngày Giờ.
Nhiều ngày trước Buổi Tế, cần chuẩn bị tinh thần của mọi người, bằng nhiều cách.
Gần ngày Tế, cử hành nghi thức trình Buổi Tế lên Vị Khuất Mặt.
Vào ngày Tế, trước và sau Buổi Tế, cần có thời gian cho người tham dự cảm thấy thanh thản, thoải mái, tránh bộn rộn, chật vật.*19
* Khi không thể tổ chức Buổi Tế vào đúng ngày Tết Lễ, có thể cử hành vào một ngày trong ‘ba ngày trước hoặc trong hai ngày sau’ ngày chính Lễ. Vào ngày chính Lễ, những người đại diện niệm hương trước Bàn thờ.
*     *     *     *
6. VĂN TẾ VÀ NHẠC TẾ
6.1 Văn Tế.
Văn tế là bài văn chính trong Buổi Tế. Văn tế cần trang trọng, không những thay mặt mọi người tham dự bộc lộ tâm tình chung, mà còn thôi thúc lòng thành kính của từng người.
Văn tế gồm ba bài : bài Cung thỉnh, bài Chúc Tụng, và bài Tạ lễ.
Cung Thỉnh là phần dâng trình ngày giờ, địa điểm, thành phần tham dự, lý do Buổi Tế, và thành kính thỉnh mời các Vị Khuất Mặt hiển linh chứng giám.
Nội dung bài Chúc Tụng gồm hai phần chính. Phần đầu nhắc nhớ và ca tụng sự nghiệp, công đức, sự linh hiển của Vị Khuất Mặt. Phần sau trình dâng hiện trạng, cám ơn, đền tạ, cũng như cầu ơn phù trợ cho người tham dự, cho cộng đoàn, cho dân nước, cho nhân loại.
Phần Tạ Lễ trình lên các Vị Khuất Mặt, và chúc tụng, khấn nguyện lần cuối.
Tất cả đều phải được nói lên với tâm tình thành kính, biết ơn và tin tưởng.
*     *
6.2 Ca và Nhạc Tế.
a. Chiêng trống.
 Ở mọi nền văn hóa và mọi thời, chiêng và trống luôn được xử dụng, và âm hưởng lớn trong các Buổi Cúng Tế.
Những điệu trống tế, trống thỉnh truyền thống... đã vang vọng tới thế giới siêu linh.
Đặc biệt, Thạp đồng và Trống đồng (Đông Sơn) là tiêu biểu của nền văn minh, và lưu truyền toàn bộ học thuyết Việt Lạc, từ hơn 3000 năm qua. Khi hoàn cảnh cho phép, tiếng Nắp Thạp đồng (chiêng) và tiếng Trống đồng sẽ vang vọng quá khứ linh thiêng trầm hùng vào tận sâu thẳm tâm hồn người tham dự.*20
* Để thể hiện Biểu tượng Tiên Rồng và Trăm Con, không những chiêng trống đánh sóng đôi, mà mỗi hồi còn gồm 50 tiếng đôi. 50 tiếng chiêng nhắc nhớ 50 theo Mẹ, 50 tiếng trống nhắc nhớ 50 theo Cha.*21
b. Ban Nhạc, Nhạc tế.
Ta có ban nhạc Bát âm, với loại nhạc thực thâm thúy. Tuy nhiên ngày nay, nhiều loại nhạc khí khác cũng cần góp phần tích cực vào các Buổi Tế.
Nhạc tế cần những nét sáng tạo, mang tâm hồn và sắc thái linh thiêng của dân tộc. Điệu nhạc, không những trầm hùng và thanh thoát, nâng cao tâm hồn con người, mà còn bộc lộ được nét tươi vui sống động của một xã hội thanh bình thịnh vượng.
c. Lời Ca.
Lời Ca là tiếng thân thưa tâm tình, ca tụng Vị Khuất Mặt, nâng cao tâm hồn và cuộc sống người tham dự.
Lời ca góp phần quan trọng đặc biệt cho Buổi Tế thêm tôn nghiêm, thâm thúy. Tốt đẹp nhất là những lời ca giúp mọi người tham dự diễn đạt lòng thành kính sâu xa, và, tăng trưởng sức sống tâm linh.
Cần những bản nhạc có Lời Ca đặc thù cho mỗi Tết Lễ, để nâng cao tâm hồn, bộc lộ tâm tình, và bài học thâm thúy, thực hành... thích đáng với Đạo sống Tiên Rồng, với tinh hoa Văn hóa Việt.
* Cần nhiều tâm hồn, tài năng, và thâm cảm, để sáng tạo và tuyển chọn những âm điệu và lời ca nền tảng cho nhạc tế linh thiêng của Dân Tộc.*22
*     *     *     *
7. TRANG TRÍ
7.1 Đền Thờ.
Đền, nơi thờ cúng, cần được trang trí xứng đáng, cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh, nâng cao tâm hồn con người. Bầu không khí toàn Đền toát ra nét tôn nghiêm và linh thiêng.
Phần chính điện cần tỏ lộ những nét đặc trưng, những biểu tượng nền tảng của Dân Tộc, và của chính Vị Đang Được Thờ Kính... tất cả đều góp phần tạo bầu khí linh thiêng.
Thông thường, Đền được trang trí với liễn, câu đối, lọng, tàn, bình, đèn, lư đồng, hương án, bình phong, trống, chiêng...*23
* Không có bất cứ dấu vết gì của thương mại, làm tiền, quyên góp, quảng cáo, kể cả thùng dâng cúng và việc mua bán nhang đèn ảnh tượng.*24
*     *
7.2 Bàn Thờ.
Bàn Thờ là nơi tôn quý nhất của Đền. Bàn Thờ cần có nét trang trí tinh vi, súc tích, mỹ thuật, cổ kính... xứng đáng vị trí quan trọng, trang nghiêm, và linh thiêng.
Dầu tại nhà riêng, Bàn Thờ luôn ở nơi trang trọng nhất, sạch sẽ, tinh tấn.
Linh Vị, Hình ảnh, Tượng của Vị Khuất Mặt phải được chăm sóc chu đáo, với trọn lòng thành kính. Trước các Lễ, có nghi thức thanh tẩy trang trọng, tỉ mỉ...
Trang trí cần xứng đáng, thanh thoát, không làm mất nét trang nghiêm, không lòe loẹt giả tạo.
Cảnh Nền Bàn Thờ là những biểu hiệu cao quý của Tổ Tiên, của Văn hóa Việt.*25
*     *
7.3 Đồ thờ.
Đồ thờ nên có phẩm chất quý đẹp hơn đồ thường dùng, và cần được dành riêng cho việc thờ cúng.
Tất cả mọi đồ thờ, đặc biệt những kỷ vật tiêu biểu của Vị Khuất Mặt, cần được lưu tâm chăm sóc cho tinh sạch, nguyên vẹn, với lòng kính quý.
*     *     *     *
8. LỄ VẬT
8.1 Lễ Vật thường trực.
Đèn nến, trầm hương, nước lả, gạo, hoa trái... là những Lễ vật thường trực được dâng cúng mỗi ngày lên Bàn Thờ.
a. Đèn nến.
Đèn nến đem ánh sáng, sức sống, mà cũng tượng trưng cho sự hiển linh của Vị Khuất Mặt, và cho lòng thành kính của con người. Trên Bàn Thờ cần có một ngọn Đèn Tượng Trưng luôn được thắp sáng.
Với điện khí, đèn nến góp phần trang hoàng lộng lẫy cho cảnh trí. Nhưng tránh những quá đáng làm giảm trang nghiêm.*26
b. Trầm, hương.
Trầm, hương, được xử dụng trong mọi nghi thức của mọi niềm tin, ở mọi sắc dân.
Trầm hương tạo bầu khí thơm tho thanh khiết, tẩy sạch bầu khí ô trọc trần gian, tạo môi trường thích hợp cho sự linh hiển của các Vị Khuất Mặt. Khói hương trên Bàn thờ nhắc nhớ sự hiện diện của các Ngài.
Cũng như đối với việc bái lạy và các hồi trống chiêng, ta dùng hai hoặc bốn nén hương.*27
c. Nước và Gạo.
Nước và gạo là lương thực nền tảng sống còn của con người, là phẩm vật thiết yếu và quý giá nhất, mà cũng phổ biến nhất của dân Việt.*28
Dâng Nước Gạo lên Bàn Thờ không chỉ biểu trưng cho sức sống và lòng thành kính, mà còn thực sự nâng cao giá trị cuộc sống hằng ngày và tâm linh của con người.
d. Hoa trái.
Hoa trái là tinh anh của thực vật, là tươi đẹp, hương thơm, và là thức ăn bổ dưỡng, tinh khiết. Hoa trái biểu trưng cho kết quả của quá khứ, mà cũng là mầm sống.
Dâng hoa trái tượng trưng cho lòng chân thành tinh khiết, là công lao đóng góp, là vui tươi của hiện tại, và là hy vọng vào tương lai tươi đẹp.
*     *
8.2 Lễ Vật cúng tế.
Lễ vật là thức ăn thức uống, hoa trái, và tất cả những gì được dâng cúng để tỏ lòng thành kính của con người đối với Vị Khuất Mặt.
Dâng cúng lễ vật là theo cách người sống mà bày tỏ lòng thành kính đối với Vị Khuất Mặt. ‘Thờ lúc chết cũng như thờ lúc sống’, ‘Dương sao âm vậy’ (thành ngữ).*29
Ngoài việc gia tăng những lễ vật thường trực cho đúng phần quan trọng, còn có :
a. Lễ vật nấu nướng.
Lễ vật nấu nướng biểu lộ rõ ràng lòng thành kính, và cố gắng công góp sức của con người. Lễ vật được chọn lựa tinh khiết, tươi ngon, và chăm chút chuẩn bị.
Qua Lễ Vật Nấu Nướng, con người dâng cúng trọn vẹn tâm thức, và tài năng, chuyên tâm, sức lực, thời gian của mình.
Khi có thể, dâng cúng những thức ăn uống mà Vị Khuất Mặt ưa thích lúc còn sống.
b. Trà rượu.
Trà rượu là thức uống phổ thông và kích thích của con người. Dâng trà rượu là dâng thức uống quý giá và bày tỏ niềm phấn khởi và hân hoan của tâm hồn.
c. Lễ vật biểu tượng.
Một số lễ vật đã trở thành biểu tượng và được đưa lên Bàn Thờ để nhắc nhớ những nguyên tắc nền tảng của Nếp sống Việt, của cuộc sống con người.
Trầu Cau nhắc nhớ tình Gia Đình, mà cũng là nền tảng của cuộc sống Xã hội Loài Người, với nguyên lý Thân Thương toàn tâm.*30
Dưa hấu được đưa lên bàn thờ để nhắc nhớ đời sống yên vui dân chủ với định chế Làng-Nước.*31
Bánh dày bánh chưng biểu trưng cho bài học của Tổ Tiên về đời sống xã hội, về những đặc điểm và điều kiện để những người Làm Việc Nước giúp toàn dân sống an bình thịnh vượng.*32
d. Lễ vật đặc trưng.
Mỗi Tết Lễ đều có ý nghĩa và lễ vật đặc trưng.
Một số lễ vật cũng nhắc nhớ những kỳ tích, những ưa thích của Vị Khuất Mặt, hoặc là đặc sản địa phương.
Những lễ vật nầy không chỉ nhắc nhớ những đặc điểm của mỗi Tết Lễ, mà còn tích cức thúc đẩy người tham dự cảm nhận, học hỏi, và ghi nhớ những bài học quý báu.
*     *
8.3 Lộc.
Lộc tượng trưng cho ơn phúc từ Buổi Tế, giúp tăng triển và nhắc nhớ tâm tình, quyết tâm... đem theo bình an, ơn phúc.
Lộc thích đáng nhất là hưởng nhờ Lễ vật trên Bàn thờ. Nhưng Lộc cũng có thể là nhánh cây, nhánh hoa, mảnh vải, hình, tượng...*33
*     *     *     *
9. CƠ SỞ CÚNG TẾ
9.1 Hệ thống Đền Thờ.
Để thể hiện lòng kính quý đối với Tộc Tổ và Quốc Tổ, cũng như để nung đúc tinh thần và phát huy nếp sống tốt đẹp của Dân tộc, cần có các Đền Thờ Tổ xứng đáng, ít nhất ở các thủ phủ và các nơi phồn thịnh.
Mỗi quận huyện làng thôn, mỗi ngành nghề, hội đoàn, tổ chức... có Đình, Đền, Miếu... kính nhớ các vị Thần Thánh, Thần Làng, Thánh Tổ, Phúc Thần... để nhắc nhớ kính quý, hun đúc lòng thành kính, noi gương, và kết đoàn.
Các họ tộc thì có Phủ thờ, Nhà thờ Tổ Tiên của riêng mình.
*     *
9.2 Cơ sở Đền Thờ.
Đền thờ là cơ sở sinh hoạt của Dân Tộc, là nơi tôn quý nhất của Nước. Đền Thờ là biểu tượng linh thiêng và tôn quý của toàn dân, của mọi người, mọi thế hệ.
Đền phải được xây cất trên địa điểm xứng đáng và thanh tú nhất trong vùng.*34
Kiến trúc cần xứng đáng, cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh, linh thiêng, và ấm cúng, nâng cao tâm hồn con người.
Trang trí Đền phải mang sắc thái truyền thống cổ kính của lịch sử, với những nét đặc trưng, những biểu tượng nền tảng của Dân Tộc, và của chính Vị Được Thờ Kính.
Khuôn viên Đền luôn giữ nét tôn nghiêm. Trong và ngoài Đền luôn được quét dọn sơn phết tươm tất và trang trọng.
Khu vực quanh Đền phải luôn được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, và tươi tốt, cho đúng phần tôn nghiêm và thu hút sự cảm mến, quý trọng của mọi người.
Trong khuôn viên Đền, không có dấu vết của thương mại, quảng cáo, khuyến khích đóng góp, hoặc của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
*     *
9.3 Điều hành Đền Thờ.
a. Hội đồng Quản trị.
Vì Nếp sống Tâm linh Việt là một Đạo Sống, không phải là một Tôn giáo, nên Nếp sống Việt không có hàng giáo sĩ.*35
Vì vậy, thời trước, việc chăm sóc Đền Thờ thường nhờ cậy vào hàng tu sĩ Phật Giáo, các Sư Vãi. (Và cũng vì vậy, bên cạnh Đền luôn có Chùa).
Ngày nay, theo cách tổ chức hiện đại, việc quản trị và điều hành Đền có thể do một Hội đồng Quản trị.
b. Trách nhiệm.
Có cơ quan cấp quốc gia chịu trách nhiệm vừa tinh thần, vừa hệ thống điều hành Đền Tổ và những Đền quan trọng... cho tôn nghiêm, xứng đáng, phong phú, và sống động hiện thực.
Cơ quan kế toán, và cơ quan thanh tra đặc biệt, độc lập với điều hành, chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ và xử dụng tiền dâng cúng.
Ngoài những chi phí chính đáng cho việc bảo trì và phát triển Đền, tất cả tiền quyên cúng được xử dụng vào việc từ thiện và giáo dục, đặc biệt cho những vùng kém trù phú trong nước.
*     *     *     *
10. GHI CHÚ
* - 3205 : ký số của bài trong danhgiactau.com.
*1 - Đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt, đoạn 6.2.
*2 - Tự nó, Nghi Thức không mang tính chất tôn giáo, nhưng tùy theo đối tượng, tùy niềm tin. Có nhiều nghi thức khắc khe như nghi thức chầu vua thời xưa, và nghi thức ngoại giao thời nay.
*3 - Đọc Vũ Trung Tùy Bút, do Phạm Đình Hổ, (t. 1838 dl), nxb Văn Học, Hà Nội 1972, tr 187.
- Hiện nay, ảnh hưởng của phim ảnh Trung Hoa càng gây thêm lẫn lộn. - Số 3 được giải thích là Tam tài Thiên Địa Nhân. Về Tam Tài, đọc bài 1305. Nguồn gốc Việt Nam của Học thuyết Trời Đất Năm Hành, phần 6.
*4 - Đọc thêm Chiến Quốc Sách, do Giản Chi, nxb Xuân Thu, Houston, in lại, tr 296, 406, 484.
*5 - Làng nầy được thành lập do Bạch Mã Tướng Quân, tức hoàng tử Lý Long Tường của Đại Việt, và đoàn tùy tùng. Năm 1232 dl họ đi thuyền lạc tới Đại Hàn. Sau khi có công lớn, Lý Long Tường được lập làng.
*Vì không vững lịch sử, các cụ già hiện nay giải thích : sở dĩ dùng 2 hồi trống, vì dành hồi thứ 3 khi trở về lại cố hương Việt Nam.
*6 - Đọc bài 1406. Dân Việt không Sống theo Nho Học, đoạn 4.14.
*7 - Khi một nghi thức, ở bất cứ thời nào, giảm bớt tác động tâm hồn, nặng hình thức, thì cần được nghiêm chỉnh cứu xét và cải tổ.
*8 -  Tránh mọi thiên vị nể nang. Không là quan chức, không phải tu sĩ các tôn giáo.
*9 - Tổ chức bắt thăm công khai, trang trọng, nêu rõ ý nghĩa đại diện cộng đoàn. Mọi ganh tị, tranh giành đều là bất kính.
*10 - Đọc bài 3207. Nghi Thức Tế.
*11 - Khi không thể là cặp vợ chồng, thì một Chủ Tế và 2 Trợ Tế đồng phái tính.
Khi là những cặp vợ chồng thì vợ chồng song song, nhưng nữ đứng chung một bên, nam một bên.
Trước Buổi Tế, Chủ Lễ phải khéo léo giới thiệu những cặp vợ chồng trong Ban Tế với mọi người tham dự. Tránh khó coi, hiểu lầm, làm mất trang nghiêm thành kính.
*12 - Có thể là vợ chồng vị quan chức cao nhất địa phương, và phải được tập dượt thuần thục.
*13 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt; và bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc.
*14 - Đọc thêm về Nhạc Tế, ở đoạn sau, 5.2.
*15 - Đặc biệt tránh những phô diễn có tính cách kịch nghệ, tránh việc chạy lăng xăng, rộn ràng, (chụp hình, quay phim, điện thoại, gây tiếng động...).
*16 - Một vài cử điệu cổ truyền đã tỏ ra đa phức, cần cập nhật.
*17 - Đọc bài 2205. Bốn Sức sống Con Người, đoạn 7.1.
*18 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, mục 3.1c.
*19 - Mọi việc chuẩn bị, đặc biệt nấu nướng, chưng dọn, cần được kết thúc lâu trước Buổi Tế. Ngưng mọi việc không trực tiếp liên quan tới Buổi Tế.
*20 - Thời trước, Chiêng cũng là Nắp Thạp Đồng. Ngày Tế Tổ, nên xử dụng thích đáng những Trống đồng, và Nắp Thạp đồng cổ. - Đọc bài 1302. Thạp và Trống đồng Việt Nam, đoạn 4.2. (Theo hình trên mặt trống đồng, khi gióng, trống đồng được đặt trên hố ‘đất’. Như vậy, Nắp Thạp có thể cũng đã được đặt, hở, trên Thân Thạp).
Còn có bộ Khánh Đá, bộ Chuông Đồng. Nay vẫn có thể tìm thấy nhiều bộ nguyên vẹn ở vùng đất Tộc Việt. Việc xử dụng đúng cách cũng mang nhiều âm hưởng ơn ích.
*21 - Hai Hồi Chiêng Trống, mỗi hồi 50 tiếng, Trống theo Chiêng. Mỗi Hồi gồm XX XX, XX XX, 8X-8X-8X-14X, XX XX. (từ 8X...14X : nhỏ dần và dồn dập dần).
*22 - Cần tránh loại nhạc kích động vô hồn. Chúng ngăn cản tâm tình, suy tư... tạo nên những con người sống như máy móc, phản ứng theo điều kiện.
*23 - Liễn, câu đối... để ca tụng, nhắc nhớ những đức tính, những công trạng nổi bật của Vị Khuất Mặt.
Thời trước, nghi trượng còn có kiệu, long đình, cờ tiết, ngựa, voi, tù và, cờ lịnh, kiếm lịnh, khánh, chuông, trống lớn...
*24 - Thùng tiền dâng cúng, bảng ghi ơn, cũng ở nơi tế nhị, bên ngoài chính điện, ngoài Phòng Thờ.
*25 - Đọc bài 3206. Nền Bàn Thờ với Mặt Trống Ngọc Lũ, phần 1.
*26 - Không màu mè, chói chang, không chớp tắt, quay cuồng...
*27 - Trước khi chưng dọn lễ vật lên Bàn thờ, cần thắp hương trình, và luôn có hương cháy liên tục cho tới hết Buổi tế.
*28 - Đọc bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước, đoạn 5.4.
*29 - Đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt, đoạn 6.4.
*30 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đoạn 5.7.
*31 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn, đoạn 5.5.
*32 - Đọc bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước, đoạn 6.4.
*33 - Lộc luôn là miễn phí.
*34 - Khoa phong thủy truyền thống là thích đáng nhất để định địa điểm.
*35 - Về Phân biệt Đạo sống và Tôn giáo, đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt, đoạn 7.2 và 7.3.
Nguyễn Thanh Đức 2013.

Tổng số lượt xem trang