Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Gián, Chuột Và Machiavelli - Alan Phan

Gián, Chuột Và Machiavelli - Alan Phan-Những ai muốn thành công bền vững phải thay đổi cách hoạt động theo thời thế – Whoever desires constant success must change his conduct with the times – Niccolo Machiavelli

Trong tất cả các thành phần kinh tế của bất cứ xã hội nào, tôi vẫn thường cho “chính trị gia” là những sinh vật tinh ranh nhất và mang nhiều đặc điểm của loài gián (không bao giờ có thể bị huỷ diệt dù sau một trận chiến tranh nguyên tử toàn cầu) pha lẫn loài chuột (biết đủ cách để ăn mà không cần bỏ sức lao động). Cho nên tôi thường nhăn mặt khi các bạn trẻ phê bình những nhân vật chính trị là đầu đất hay ngu dốt. Cái hay của loài gián-chuột biến thái này (xin gọi là GC cho khoa học) là dù “ngu”, họ vẫn là kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong xã hội. Dù không bao giờ ôm mộng “làm chính trị”, hay dính líu đến bất cứ chính quyền nào, và coi thành phần GC này là một gương xấu cho thế hệ trẻ (với lòng tham vô độ và các thủ đoạn cướp chiếm bất lương), tôi vẫn thích la cà gần họ, để “học”. Và tôi đã học rất nhiều…

GC Mỹ
Vào thập niên cuối 90’s, tôi kinh doanh được khá nhiều tiền. Những đồng tiền này mở rộng cánh cửa vào thế giới của GC Mỹ qua sự đóng góp và vận động tài chánh của tôi và bạn bè cho các cuộc tranh cử. (Với những bạn trẻ chưa sống qua các cuộc bầu cử dân chủ, tranh cử là bước đầu bắt buộc cho chức vụ.) Và trong một xã hội mà 30 giây quảng cáo trên TV vào giờ cao điểm có thể tốn trung bình đến 125 ngàn đô (tuỳ số lượng khán giả), thì những “ứng viên chính trị” quốc gia rất cần tiền và cần những thằng …điếu đóm như tôi thời trẻ.
Khác với Việt Nam là khi mua quan bán chức, GC Việt cần một thế lực lớn hơn để chống lưng, thì nơi đây, GC Mỹ cần tiền để tạo “ảnh hưởng PR” trên quần chúng. Nói nôm na, họ cũng dùng tiền để mua quan bán chức, nhưng phần lớn các vận động đều công khai minh bạch (ở tù nếu dối trá). Tiền được trao cho nhiều doanh nghiệp truyền thông, thay vì chỉ lót tay một vài “bộ phận không nhỏ” của cái bình đẹp.
Nhưng tóm lại đâu cũng cần tiền “đầu tư”. Và những tay đứng sau hậu trường cung ứng tài chánh là những người “bạn thân thiết” nhất của GC Mỹ (hay Việt). Dĩ nhiên, bộ máy tranh cử Mỹ cũng cần những “tình nguyện viên” hăng hái làm việc sau khi nuốt phải “hào quang” hay “chém gió” của các GC; cũng như rất cần những lãnh tụ cộng đồng có thể đem lá phiếu về cho GC sau vài cuộc đổi chác.
Sân Chơi Của GC Mỹ
Hiểu thế để biết rằng phương tiện cần và đủ cho GC Mỹ là làm sao để “hốt phiếu” nhiều hơn đối thủ. Những chánh sách, những triết thuyết, những giải pháp quản trị…phải được mài dũa sao cho hợp với chương trình kiếm phiếu. Chuyện các GC Mỹ có tin hay không tin vào những lời tuyên bố của mình, vào các hứa hẹn tầm phào…là chuyện hậu sự, sẽ tính đến sau khi chiếm lĩnh quyền lực. Họ sẽ có cả một bộ tham mưu để đối phó với tình huống. Và dĩ nhiên, họ còn cả trăm việc phải làm để thoả mãn nhóm “đồng minh” đã giúp họ chiến thắng. Không thực hiện nổi lời hứa thì coi như chỉ đắc cử một lần.
Do đó, phần lớn GC Mỹ quản lý bộ máy công quyền dựa trên quyền lợi của nhóm tài trợ và dựa trên những khảo sát về mức độ quan tâm của cử tri với các vấn đề thời sự, nhất là túi tiền của từng nhóm người dân. Dù hệ thống sẽ không bao giờ hoàn hảo, nhưng cơ chế chính trị tự do và dân chủ của Mỹ tạo ra một ổn định xã hội cho mọi thành phần kinh tế, theo nguyên tắc “live and let live”. Dù ai cũng tham lam, từ nhà tỷ phú đến anh chị không nhà, dù ai cũng đòi những “bữa ăn miễn phí” và tiêu xài OPM, GC Mỹ biết điều chỉnh cán cân xin-cho để phần lớn người dân tạm thoả mãn. Trong khi đó, họ bòn rút phần lớn tiền thuế và ngân sách cho những dự án của phe nhóm và trong vai trò “cò” (broker), GC Mỹ cũng kiếm được cho mình và gia đình khá nhiều tiền.

GC Việt Nam
Dù xuất thân từ rừng rậm và không biết nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng các GC Việt rất bén nhậy và hiểu rõ quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc. Thông minh, tàn nhẫn và thủ đoạn, biết cóp nhặt kinh nghiệm từ các đàn anh Nga-Tàu, họ đã tạo ra được một hệ thống cai trị khá ổn định suốt 70 năm qua từ ngày nắm chánh quyền (1945). GC Việt lợi dụng được thời cơ khi các đối thủ còn yếu kém, sử dụng một chương trình PR tuyệt vời bằng cách phong thánh cho các ngài lãnh tụ; và trên hết, không ngần ngại áp dụng nguyên lý của Mao (quyền lực chính trị phát sinh từ họng súng).
Kết quả là bản thân và gia đình họ có được một đời sống “giàu có và thoải mái” gấp vạn lần các GC Mỹ, dù thu nhập người dân Việt chỉ bằng 1/25 người dân Mỹ.
Sân Chơi Của GC Việt
Vì không quan tâm đến là phiếu và nhu cầu thu nhập của người dân, GC Việt dã tiết kiệm được khối tiền trong “trò chơi dân chủ”. Các mạng truyền thông nằm trong chỉ đạo tuyệt đối của chính phủ và ngay cả với Internet, các bức tường lửa ngăn chận mọi thông tin trái chiều. Thực ra, đa số người dân vẫn “hạnh phúc” với nhậu nhẹt, bóng đá, chân dài và chuyện “cướp-hiếp-giết”.
Trong khi đó, việc mua quan bán chức diễn ra âm thầm sau bức màn nhung. Giá cả được thảo luận, thương thuyết giữa các “đồng chí” nên thoải mái hơn…không stress như công việc của các GC Mỹ. Sự phân bổ chức vụ cũng bị tranh dành gay go; nhưng hệ thống nhân sự HR được tổ chức theo mô hình pyramid (kim tự tháp) nên khá êm thắm. Trách nhiệm duy nhất của GC Việt là những đòi hỏi rõ ràng và trực tiếp từ thế lực chống lưng, không mông lung khó đoán như chính trường Mỹ..
Tuy nhiên, cuộc chơi của GC Việt đang gặp vấn đề vì nền kinh tế què quặt. Sau thời gian khởi đầu của chính sách mở cửa cho bọn tư bản (1993-2006), thu nhập người dân bắt đầu trì trệ và sự so sánh “tiền bạc” với các láng giềng ASEAN đã tạo ra nhiều bất mãn trong dân, nhất là sự thù ghét thành phần COCC của các GC. Sự cách biệt quá lớn về khoảng cách giàu-nghèo tạo ra bất ổn xã hội, trong khi các cột trụ như FDI, xuất khẩu và kiều hối sẽ phải giảm sút vì năng suất công nhân ngày càng tụt hậu. Trong khi đó, tài sản tạo được từ hệ thống xin-cho và nợ công như bất động sản, chứng khoán…cũng bị hư hại nặng vì dòng tiền OPM mới không xuất hiện để bù vào dòng tiền đã thất thoát.
Có thể nói sân chơi Ponzi của các GC Việt đang nằm trong giai đoạn chuyển tiếp và phải thay đổi để tồn tại.

Sự Kết Hợp của GC Mỹ và Việt
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các tỷ phú Nga, nhóm GC mệnh danh là tư bản đỏ đang nhắm tới một chiến dịch mới: biến tài sản công thành tư hữu để trở thành tỷ phú đô la trong thời gian ngắn nhất. Những tranh chấp đã bùng nổ và “bên thắng cuộc” của trận chiến sẽ bắt đầu lộ diện trong vòng 2 năm tới.
Dù ai thắng, một điều gần như chắc chắn là tài sản mới chiếm được phải được “bạch hoá” và có thể sử dụng tự do, an toàn và hợp pháp trên khắp thế giới.
Nhu cầu này chỉ có thể đáp ứng được với những cuộc đi đêm với GC Mỹ. Do đó, dù có muốn “trung thành” với 16 chữ vàng, 400 chữ tốt xấu gì đó, ngoài miệng lưỡi, để giữ thể diện cho Trung Quốc, các GC Việt sẽ được “chiêu hồi” về với “chính nghĩa quốc gia”. Đã đến lúc, họ phải “vượt biên” thôi.
Trong khi đó, dù phải lo giữ gìn vài trăm ngàn lá phiếu của hơn triệu người Mỹ gốc Việt với chiêu PR đòi hỏi “nhân quyền”, các GC Mỹ (Dân Chủ hay Cộng Hoà) đều sẽ vui vẻ “làm ăn” với GC Việt. Hay nhất là thời điểm trước khi Obama rời chính quyền vào năm 2016 (ông này là Tổng Thống khuynh tả mạnh mẽ và không có gì để mất). Tuy nhiên, Hilary hay Biden hay Kerry của đảng Dân Chủ vẫn sẽ là một đồng minh. Còn nếu một ngài GC Cộng Hoà khác lên ngôi, vì quyền lợi kinh tế của tư bản trắng, thì ông ta cũng sẵn sàng thoả hiệp với tư bản Việt như họ đã và đang làm với tư bản đỏ của Tàu.



Như tôi đã trình bày ở một bài trước, It’s The Money, Stupid.




--Chúa Nhật Với Alan Phan Tại Newport Beach

Bayview5-17-11-002Lương Tại:  Nhà Báo Tự Do tại Dallas Phỏng Vấn TS Alan Phan
Tôi là nhà báo kiểu amateur về California để dự buổi Lễ Mãn Khoá Lớp MBA Tại Đại Học Bristol vì tôi là một trong 40 sinh viên sẽ nhận bằng ngày 15/11/2014 này. Hôm qua, tôi tình cờ và hân hạnh gặp ngài Alan yêu quí của tôi tại nhà hàng AnQi ở South Coast Plaza. Dù là ngày chúa nhật và ông đang bận đi chơi với gia đình, tôi nằng nặc theo ông về văn phòng ông tại Newport Beach và may mắn được ông dành cho hơn 1 tiếng để trả lời cuộc phỏng vấn tự phát. Quá “excited”, tôi thức suốt đêm để ghi lại tóm lược từ recorder của chiếc Iphone. Xin chia sẻ ngay với bạn đọc trên Facebook này.
-          Sau 8 năm đi về thường xuyên ở Việt Nam, ông quay về Mỹ để định cư. Ông cho biết là “Khá thất vọng với tình trạng trì trệ của nền kinh tế…” Ông có thể cho biết những thất vọng khác của ông về cuộc sống tại quê nhà?

Alan Phan: Tôi đi nhiều nơi và nhận xét thấy môi trường sinh hoạt tại Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia: Bangladesh, Nigeria, Zimbabwe bây giờ…hoặc Philippines, Indonesia vào thời đầu 1970s. Nhưng mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi. Và 40, 50 năm sau, có lẽ đời sống người dân Việt Nam cũng tiến bộ như các nước Asean hiện nay. Điểm thất vọng là quê hương mình không phải chờ lâu đến thế, chỉ cần vài thay đổi…nhưng có lẽ tại quá khó và tại ”số phận”? (phải biết đổ thừa vậy). Tuy nhiên, cần nói thêm là một thiểu số quyền lực rất “enjoy” cuộc sống nơi đây, và chắc chắn là họ “hạnh phúc” gấp vạn lần các người dân Âu Mỹ.
Ngoài cái thất vọng lớn lao đó, còn những chuyện nhỏ hơn như ăn không còn thấy ngon (vì quá nhiều thực phẩm nhiễm độc); thở không còn toàn vẹn (vì ô nhiễm không khí khủng khiếp tại Saigon, Hà Nội); thính quan ù ờ (vì quá ồn ào); giấc ngủ không còn đẹp (vì quá nhiều chuyện kinh dị mỗi ngày). Tệ hơn là phải chứng kiến cảnh nghèo đói mạt vận của đa số người dân, cảnh nhậu nhẹt quên ngày giờ của những người vô dụng; sự lãng phí thời gian của tuổi trẻ và trí tuệ; sự lạm dụng tài sản công và tư của các “đầy tớ”; sự vô cảm vô văn hoá của xã hội; và sự bất lực của những người thiện tâm.
Có thể nói sự ngập lụt nước thải gần như hàng ngày của Saigon là biểu tượng của các tâm hồn tữ tế đang bị chìm sâu và chết đuối bởi những cay nghiệt của cuộc sống.
-          Nếu có thể, xin ông cho biết về những điều ông cảm thấy hạnh phúc khi về Việt Nam?
Alan Phan: Tôi vẫn có một cảm giác gì thân thuộc và êm đềm khi về lại Việt Nam (nếu biết quên đi những đống rác, theo nghĩa đen và nghĩa bóng). Vẫn thấy vui khi lè phè cà phê, chém gió với bạn bè. Vẫn say mê lao mình xuống những ngọn sóng biển tươi mát của một ngày hè vắng lặng du khách. Vẫn cười vô tư khi nghe những ngây ngô dễ thương của các đứa trẻ bán hàng rong (dù mình luôn bị gạt). Vẫn rung động khi thoáng nhìn được một khuôn mặt diễm kiều (dù không làm gì). Vẫn bị những cơn mưa rào nhiệt đới đánh thức mỗi đêm để thả ký ức về với ngày xưa. Vẫn yêu những cao nguyên mít mù hay những cành phượng đỏ chói trong những khu phố nhỏ. Và vẫn thông cảm cho những nghẹn ngào đóng kín của tuổi già bị lường gạt hay tuổi trẻ bị kềm kẹp. Vẫn vui khi họ biết thoát ra được cái hộp oan nghiệt và tìm ra tương lai.
-          Cảm nhận của ông có khác gì những kinh nghiệm của các Việt kiều khác?
Alan Phan: Tôi không nghĩ mình là một Việt kiều, một người mang quốc tịch Việt. Tôi là công dân Mỹ gốc Việt qua đây từ 1963, nên các định kiến của tôi về thế giới chắc khác xa nhiều Việt kiều (tôi luôn bị gọi là mất gốc). Nói như thế để chúng ta hiểu rằng người Mỹ gốc Việt hay Việt kiều là một cộng đồng phức tạp, khó có nhiều mẫu số chung. Chẳng hạn đa số đều chống chánh phủ Việt Nam, nhưng lớp thì chống vì triết thuyết và cơ chế Cộng Sản, lớp thì đòi nhân quyền dân chủ, lớp thì chống nhưng hoàn toàn không quan tâm. Thêm vào đó, qua nhiều thế hệ, những lối sống và tư duy đã thay đổi rất nhiều.
Tuy nhiên, tất cả mọi người đều phải sống trong một môi trường rất cần tiền; do đó, trừ một thiểu số, phần lớn phải đầu tắt mặt tối lo cơm áo gạo tiền (hơn cách sống ở Việt Nam nhiều) và phải sống khá thực tế. Theo tôi, càng sống lâu nơi xứ người, càng thấy cách biệt với đa số người Việt tại quê nhà. Cũng dễ hiểu thôi,” xa mặt cách lòng”.
-          Như vậy, ông có nghĩ là lượng kiều hối kỷ lục đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam sẽ lần hồi sụt giảm và tạo ra những hệ luỵ cho đảng cầm quyền?
Alan Phan: Tôi không nghĩ kiều hối sẽ sụt giảm đáng kể trong vài thập niên tới. Lý do là khi người định cư cũ không gởi tiền về nữa thì có lớp định cư mới và nhóm xuất khẩu lao động (con số đang trên đà gia tăng) sẽ nhẩy vào thay thế. Tuy nhiên, tôi dự đoán là người Việt bỏ xứ mà đi càng ngày càng nhiều và ảnh hưởng của họ trên quyền lực chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền sẽ thay đổi bộ mặt của xã hội.
-          Nhiều người cho rằng sự tranh đấu cho dân quyền Việt sẽ kém hữu hiệu khi chúng ta phải bận rộn sống và kiếm tiền ở hải ngoại như ông vừa nói?
Alan Phan: Nó chỉ đúng một phần. Chính trị tại các quốc gia Âu Mỹ vận hành theo sức mạnh của đồng tiền. Dòng chảy của tiền vào mạng truyền thông và PR mua vũ khí chính của dân chủ là “lá phiếu”. Khi người Việt hải ngoại “giàu” lên, họ sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhân quyền và các thay đổi xã hội ở Việt Nam qua sự vận động (lobby) các chính trị gia Âu Mỹ.
Theo kinh nghiệm tranh đấu vài chục năm qua của cộng đồng Việt tại Mỹ, chúng ta thấy những tổ chức được quần chúng tin cậy và đóng góp tiền bạc – thời gian là những nhóm tạo nhiều ảnh hưởng nhất ở Washington. Tuy nhiên, người Việt hải ngoại chưa đủ giàu như người Do Thái để “cấu trúc” các chế độ, nhất là quê hương yêu dấu ngày xưa.
-          Ông có nói là “ông có suy nghĩ hơi nghịch lý là Việt Nam sẽ thay đổi tận cốt lõi trong vài năm tới”. Ông có thể nói rõ thêm lý do cũng như những tử huyệt của nền kinh tế xã hội Việt Nam?
Alan Phan: Tôi nghĩ tử huyệt lớn nhất của kinh tế Việt Nam là bộ máy cồng kềnh của chính phủ và chính sách “sở hữu của toàn dân”.  Vì cha chung không ai khóc, vì quan chức cán bộ quá nhiều (mà ai cũng tham lam đòi phần bánh của mình), vì doanh nghiệp tư nhân không thể cõng nổi trên lưng gánh nặng của ngân sách, nợ xấu và tham nhũng tràn lan… nên kinh tế không thể cất cánh để gia tăng thu nhập của mỗi đầu người. Dân nghèo thì nước yếu.
Cho nên đến một thời điểm nào đó, cơ chế, chính sách và nhân sự phải thay đổi để tránh những hệ luỵ cho giới cầm quyền. Lãnh đạo tại Việt Nam rất tinh nhanh và biết thay đổi thoát xác để tránh bạo động, như Nga và Đông Âu đã làm cách đây vài chục năm. Vì quyền lợi cá nhân, hệ thống lãnh đạo Việt Nam sẽ thay đổi kịp thời để bảo tồn tài sản. Trong lịch sử, họ đã biết bỏ Pháp theo Nga, bỏ Nga theo Tàu, và trong tương lai rất gần, sẽ bỏ Tàu theo Mỹ. Ngay cả giới chính trị gia Trung Quốc cũng nhìn nhận diều này về “sự trung thành” của lãnh đạo Việt Nam. Kịch bản phải được thực hiện từng bước chậm nên nhiều người trong chúng ta hay sốt ruột. Nhưng tôi tin là chuyện thay đổi sẽ xẩy ra. Và các chính trị gia Mỹ đang tích cực hổ trợ.
-          Ông mong ước gì khi khởi nghiệp lại ở tuổi 70? Ông có ngại mất danh tiếng khi thất bại?
Alan Phan: Tôi chẳng mong ước gì cả. Tôi quay lại với kinh doanh vì đây là một hoạt động tạo hứng khởi cho tinh thần. Như khi tôi viết bài trên Góc Nhìn Alan hay đi nói chuyện, phỏng vấn…chỉ đơn thuần là vì tôi thích. Cũng may là ở tuổi này, tôi không còn lo nghĩ nhiều đến cơm áo gạo tiền, nên tự do hơn và sẵn sàng chấp nhận thất bại hơn. Từ nhỏ, tôi đã thực sự không quan tâm lắm đến danh tiếng. Xin nhường khen chê cho thiên hạ. Bây giờ mình tự mắng mình là đủ.
-          Ông có nghĩ là cộng đồng Việt hải ngoại có thể làm đầu cầu cho những doanh nhân quốc nội? Cái thế mạnh tiềm năng lớn nhất của người Việt ở hải ngoại là gì? Làm sao có thể tận dụng?
Alan Phan: Đây là sức mạnh và đóng góp đáng kể của cộng đồng Hoa Kiều, trước tại Đông Á và sau tại Âu Mỹ, trong việc hoá rồng của kinh tế Hoa Lục. Mặc dù không có bang hội và không đoàn kết như cộng đồng Hoa Kiều, tôi nghĩ rất nhiều doanh nhân Việt đã thành công ở quốc nội nhờ sự tiếp sức của bà con bạn bè Việt nơi hải ngoại. Một mạng lưới rất thực dụng, nhiều tài năng và kinh nghiệm cần nắm bắt. Chỉ tiếc là trong khi chính phủ Trung Quốc biết trân trọng và đãi ngộ các nhân tài hải ngoại (ít nhất là trong giai đoạn đầu mở cửa) thì chính phủ Việt Nam lại tỏ nhiều thái độ nghi kỵ, hiềm khích và vắt chanh bỏ vỏ…tạo một ấn tượng xấu mà đến bây giờ vẫn chưa thể gạt bỏ.
Một lần nữa, các lãnh đạo Việt nam sẽ phải thay đổi tư duy và cách hành xử khi bị bắt buộc. Tôi nghĩ họ sẽ biết tận dụng sức mạnh này, mềm và cứng, trong thời gian tới.
-          Ông nói không muốn dính líu đến chính trị. Nhưng chắc chắn kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng của chính trị. Ông nghĩ gì về chính sách của người Mỹ trong vấn đề nhân quyền, TPP, vũ khí sát thương, vụ Điếu cày…Chúng sẽ có tác động như thế nào vào chính trường Việt?
Alan Phan: Như tôi nói rất nhiều lần, đa số chính trị gia trên khắp thế giới đều vận hành theo quyền lợi cá nhân của mình, rồi của phe nhóm mình…sau cùng, mới đến quyền lợi quốc gia. Một thực tai hơi khó nuốt, nhưng đó là thực tại. Chính trị gia Mỹ quan tâm đến 2 điều: làm thế nào để hốt phiếu (do đó họ luôn quan tâm đến các khảo sát về dư luận quần chúng) và làm thế nào để PR cho rằng họ đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết (dù họ nghĩ đến phe nhóm lợi ích nhiều hơn).
Hiểu được 2 điều căn bản này là có thể suy ra “chính sách Mỹ”. Các sự kiện vặt khác thực ra chỉ quay quanh 2 yếu tố cốt lõi này. Đừng nên có ảo tưởng mà chỉ nên chăm chú vào “nhu cầu” của các chính trị gia.
-          Xin cám ơn ông rất nhiều cho chút thì giờ quý báu này.


Tổng số lượt xem trang