Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (8)


Chương 8:
Wishaw, Scotland

Ăn mày là ai? Ăn mày là ta.
Chỉ vì Lê Duẩn hóa ra ăn mày.
(Ca dao mới)

Chiếc 747 từ từ hạ cánh xuống phi trường Alaska, chạy trên đường băng chậm dần rồi dừng hẳn. Để phi cơ tiếp nhiên liệu, chúng tôi có hai giờ “giải lao”, vệ sinh, xuống máy bay vào siêu thị phi trường Alsaka làm khách ngó. Rất nhiều quầy hàng bày toàn thứ đẹp mắt, đắt tiền, dí mũi qua từng khung kính không chán mắt. Ngay giữa sảnh đường, một chú gấu Bắc cực nhồi to tướng, cao hơn hai mét, sừng sững như chào quý khách.
Khi ở Khải Đức, ngày đi làm đêm đi học Anh ngữ hoặc làm thêm giờ, tôi ít có thời gian ngó các siêu thị. Còn tuổi thiếu thời thì ”phở hít”, “hàng ngó”, “xi-nê cửa” là chuyện “thường ngày của trẻ con hàng phố”, theo cách nói bây giờ, nhưng làm gì có hàng siêu cao cấp, đẹp tuyệt như thế này để ngó.


Hồi nhỏ, bọn tôi rất mê phim, không tiền tìm cách chui rào cho đã cơn nghiền. Hải Phòng có bãi chiếu bóng Nhân Dân ở ngã 5 Lạc Viên, cứ tối Thứ Bẩy, hơn mươi đứa rủ nhau đi xem chạc. Từ Cầu Đất, đi bộ gần 4 cây số, không tiền mua vé -nếu có cũng không mua-, chia lượt, mỗi tuần một thằng, có lần hai, phải làm con mồi nhử. Mồi được cầm 5 xu.
Đợi lúc khách thật đông, con mồi cố tình chạy vào cho bọn xé vé, canh rào nhìn thấy. Chúng hò nhau đuổi theo. Chín thằng phía sau ù té chạy thục mạng theo nhiều hướng vào bãi, lẩn vào đám đông. Mồi bị tóm, mua vé vào đàng hoàng. Năm xu, mười thằng, rẻ quá trời!
Môt lần, trèo tường nhẩy dù vào sân Lạch Tray xem trận Cảng Hải Phòng găp Thanh Niên Bắc Kinh. Không ngờ đuôi áo mắc vào dây thép gai, 5 chiếc cúc đứt hết, may mà áo còn mới, chỉ toạc một miếng gấu. Về nhà bị mắng tơi bời khói lửa.
Nông thôn lại khác. Vợ tôi kể, còn nhỏ cũng mê xi-nê, cứ 2 hoặc 3 tháng đoàn chiếu bóng lưu động huyện đem máy nổ, máy chiếu về. Thích lắm, làm gì có tiền, mỗi lần đoàn về, con trai con gái xung phong khênh máy nổ, máy chiếu, phông bạt, phim, gác cổng… nhẩy dù chỉ có con trai, con gái xấu hổ sợ bị tóm.
Máy nặng, người bé khênh è cổ từ xã bên về xã nhà mấy cây số, thay nhau vẫn gần chết mà chỉ được xem 4 đêm miễn phí không thù lao gì. Hồi bé, vợ tôi chỉ ước làm cô thuyết minh, xem phim cả đời. Một lần gặp chị thuyết minh, hỏi, chị ta bảo, đi hết lượt mấy chục xã mới thay phim mới. Tính ra mỗi phim xem đi xem lại gần 200 lượt, thuộc lòng, chẳng cần bản dịch. Từ đó hết mơ thành cô thuyết minh.
Thoáng một lát đã đến giờ lên máy bay. Chiếc 747 bay tiếp hướng London. Xuống Heathrow khoảng 5 giờ sáng, 12-4-1980. Lấy hành lý xong chúng tôi đang ngơ ngác, một người Việt đến hỏi, có phải vừa từ Hong Kong sang không, muốn gặp trưởng đoàn. Anh tự giới thiệu là Thành đến nhận hồ sơ và đón người về trại London, giúp chuyển sang Terminal 2 để bay tiếp đi Edinburgh, Scotland.
Không gì vui hơn khi gặp đồng hương ở ngay tại phi trường London. Chúng tôi vui lắm, hỏi đủ thứ chuyện. Anh bảo, ai cũng phải vào trại một thời gian để kiểm tra sức khỏe, học Anh ngữ, chờ trại tìm nơi định cư, nhanh 2 đến 3 tháng, có khi nửa năm. Anh cởi mở, nhiệt tình chỉ dẫn, cái gì nên, không nên làm khi ở trại. Anh nói, hai người anh đón về đoàn tụ với chồng. Anh bảo, ở London có mấy trại, trại lớn số lượng lên đến vài trăm, đoàn tôi về trại mới mở ở Wishaw, rồi dặn, nên che thùng loa, dàn nhạc, radio cassette, hàng hoá… kẻo hải quan đánh thuế.
Hơn một giờ bay, chiếc Airbus lượn vòng trên bầu trời Edinburgh trước khi hạ cánh. Qua cửa sổ, kinh thành cổ kính ngàn năm tuổi, thật hoành tráng dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Những bãi xe hơi đậu kín, tưởng như có phái đoàn quốc tế đến thăm, ấu trĩ như “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ” (thơ Việt Phương). Xe hơi đỗ đầy bãi là của người đi làm, của người dân, đâu phải chỉ có cán bộ cao cấp như ở Việt Nam mới có!
Lấy hành lý xong đang đứng túm tụm chưa biết phải làm gì, bỗng nhiên một đoàn nhà báo, truyền hình, nhiếp ảnh… đi nhanh về phía chúng tôi. Anh Hoàng đi đầu, tự giới thiệu, thông dịch viên của trại Coltness House, Wishaw đến đón chúng tôi. Thấy nhà báo, phóng viên quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn… chúng tôi thật bất ngờ, vừa vui sướng vừa xấu hổ. Anh Hoàng giới thiệu với đoàn báo chí tôi là trưởng đoàn, họ quay sang hỏi về chuyến đi, về mọi thứ. Tự nhiên bệnh ngọng và nghễng ngãng của tôi tái phát. Trời ạ, giọng địa phương xứ Scot sao khó bắt thế, nhất là với người mới thoát lớp vỡ ruột như tôi. Thấy tôi lúng túng không trả lời được, anh Hoàng đỡ lời và giúp chúng tôi ra xe coach về trại.
Xe chạy gần hai tiếng mới đến. Xe vừa dừng, chúng tôi xuống xe đã thấy một đoàn người chờ sẵn ngay sân. Trưởng phó trại, hơn mười anh chị người Việt nam ở trại kế bên, ân cần đón tiếp, hỏi han, giúp chúng tôi chuyển đồ. Cảm động quá, mắt ai cũng thấy cay sè.



Tự giới thiệu với trưởng và phó trại cùng anh Hoàng, tôi, trưởng đoàn tạm thời do cảnh sát Hong Kong chỉ định, giữ cặp hồ sơ của 12 gia đình, nay trao tận tay cho bà phụ trách trại.
Cặp hồ sơ chính là sơ yếu lý lịch của từng gia đình mà hải quan Hong Kong “phỏng vấn” chúng tôi ngày đầu tiên vào Kho Đen và ảnh chụp bổ sung trước khi chuyển sang trại A Cai Lau Cai 2. Hồ sơ thật đơn giản, ghi họ tên, năm sinh không ghi ngày tháng, ảnh chụp cá nhân. Có 2 bản, bản cho chủ hộ và bản gồm vợ và trẻ em dưới 18 tuổi. Đây cũng chính là “Giấy Chứng Nhận Cái Bang” của Liên Hiệp Quốc cấp cho chúng tôi và được chính phủ và nhân dân Vương quốc Anh chấp nhận nuôi dưỡng.

Từ hôm nay, chúng tôi chính thức là kẻ ăn mày chính phủ và nhân dân quốc đảo Sư Tử. Hai bàn tay trắng, một xu không dính túi, không giấy tờ tùy thân, không bằng cấp, không nghề nghiệp, ngôn ngữ tập quán bất đồng… tất cả là con số không to tướng. Chúng tôi chỉ trông chờ lòng hảo tâm, lòng từ thiện của chính phủ và nhân Vương quốc Anh giúp chúng tôi đứng dậy, tự khẳng định lại mình, sau những ngày sa cơ, thất thế bị xua đuổi, chạy trốn cộng sản.

 Trại Coltness House giống như một lâu đài cổ kính, thế kỷ 18 hay 19, gồm 5 tầng kể cả tầng hầm, -basement-, với hàng chục buồng lớn nhỏ có toilet.
Đây là một bệnh viện từ thiện của Dr. Barnardo bỏ hoang từ bao giờ cũng không rõ, nay được sửa sang, dọn dẹp thành trại tỵ nạn. Lâu đài chắc đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần nên trông sáng sủa và hiện đại. Theo kinh nghiệm cá nhân, bệnh viện đủ sức chứa từ 30 đến 50 giường, điều trị nội nhi, đây có thể là Cô nhi viện. Dưới tầng hầm, còn sót lại rất nhiều bô (cho đại tiện), vịt (cho tiểu tiện), dụng cụ vệ sinh, cột truyền dịch (treo thuốc), nạng gỗ, chân giả, đồ chơi trẻ em… từng đống trong kho, đầy màng nhện.
Có lẽ chủ nhân tòa lâu đài là hoàng thân quốc thích (?), vì trại Coltness House dưới sự bảo trợ của The Save the Children Fund do Princess Ann, công chúa cả của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, làm chủ tịch. Dr. Barnardo cho Quỹ Cứu trợ Trẻ Em sử dụng làm trại tỵ nạn miễn phí. Thoáng nhìn khu lâu đài ai cũng thấy sự giàu có và đầy quyền lực bởi con đường quốc lộ từ thị xã Wishaw dẫn vào có tên Coltness Road, một quán rượu cách không xa, Coltness Pub.
Toàn bộ khu Coltness House rất lớn, ít cũng vài chục héc-ta. Xung quanh có bãi đậu xe, phía sau một khu đất rộng cỏ xanh mướt, một vài tượng đài, hòn non bộ nước chảy róc rách ngày đêm. Bên phải một khu vườn cỏ xanh mướt, hàng cây cổ thụ bao bọc khu vườn, tỏa bóng mát xuống con đường mòn dành cho người đi dạo.
Từ tay vịn cầu thang, hành lang, khung cửa gỗ… đều được trạm trổ hoa, chim, nét hoa văn, tinh xảo, ai đến trại cũng trầm trồ khen ngợi. Nhiều bức tranh sơn dầu theo trường phái cổ điển treo ở các tầng, tăng thêm sức sống của khu nhà.
Tầng 1 làm kho chứa quần áo cũ, giầy dép, đồ chơi, bàn ghế, tủ lạnh, máy giặt cũ… của các tổ chức từ thiện khuyên góp, các nhà hảo tâm cho, tặng. Một số buồng khóa kín. Phía sau tầng, hệ thống lò sưởi đun than cung cấp nước nóng và sưởi ấm vào mùa đông. Theo phó trại, Lyli, một tháng £3000 tiền than củi, số tiền này rất lớn so với thời giá 1980.
Tầng 2 gồm phòng khách khá rộng, kê nhiều bộ sô-pha cũ. Có lẽ là lớp học cũ vì trên tường còn chiếc bảng đen. Đây chính là nơi chúng tôi gặp gỡ, xem truyền hình, tán gẫu, ngoài ra còn có nhà bếp, nhà ăn và một số buồng ngủ, toilet.
Tầng 3 và tầng 4 có rất nhiều buồng to nhỏ.
Thu xếp xong, chúng tôi vào sảnh đường tầng 2, bàn ghế kê ngay ngắn, nước ngọt, bánh kẹo… bày sẵn. Trên tường có băng rôn với hàng chữ “Well come to Coltness House”. Chúng tôi yên vị, cô trưởng trại khoảng 24 tuổi, Mandy, phó trại Lyli -nhiều người gọi nhầm Lazy- nói chuyện, anh Hoàng thông dịch lại bằng tiếng Việt, giới thiệu về trại và well come chúng tôi, những người tỵ nạn từ Việt Nam vượt ngàn cây số đường biển đến Hong Kong.
Đoàn nhà báo, truyền hình, nhiếp ảnh tác nghiệp, họ hỏi từng gia đình, ai không biết tiếng Anh, anh Hoàng thông dịch giúp. Chúng tôi lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao. Hàng chục vạn người vượt biển đâu chỉ có chúng tôi. Họ bảo, rất khâm phục chúng tôi dám vượt biển bằng chiếc thuyền đánh cá cũ mèm, thách thức cả thủy thần và hàm răng cá mập. Họ hỏi, có gặp cướp biển như thuyền phía Nam không.
Sau một tuần, cuộc triển lãm ảnh “Người tỵ nạn Việt Nam” ở trại Coltness House trưng bày tại nhà thông tin Wishaw. Nhiều người trong trại xem, bảo, chúng tôi gày gò, cổ ngỏng, má hóp… trông như lũ ma đến phát khiếp. Phát khiếp là phải. Một năm lang thang, nay trại tỵ nạn này, mai trại khác, làm nhiều, nghĩ lắm, tương lai mơ hồ, giữa đường hầm mới nhìn thấy ánh sáng le lói. Từ hy vọng đến hiện thực là cả một khoảng cách dài ngắn khôn lường, ai đoán được tương lai ra sao.

Bức ảnh chụp con tôi ngày 12-4-1980 của anh chàng cựu sinh viên cao đẳng nghệ thuật trẻ tuổi, Douglas, đã được giải thưởng ảnh chụp chân dung. Qua đôi mắt trong sáng, chan chứa niềm hy vọng, mảng sáng tối tương phản đầy nghệ thuật của cháu bé trong ảnh, tài năng nghệ sĩ nhiếp ảnh của anh đã được khẳng định.
Hai tuần đầu, chúng tôi bị cấm trại, nội bất xuất ngoại bất nhập, để tổng kiểm tra sức khoẻ. Một tổ bác sĩ địa phương đến khám, lấy mẫu máu, phân, nước tiểu đưa xét nghiệm. Chuyện lấy máu căng thẳng lắm.
Đối với người miền Bắc, ai cũng sợ mất máu, chỉ lấy vài giọt xét nghiệm cũng khó. Lần này, mỗi người, bác sĩ lấy 5 ống nghiệm, mỗi ống nghiệm 5 ml. Rất nhiều người phản đối, có người còn nghi ngờ bác sĩ lấy máu tỵ nạn đem bán!
Y học miền Bắc thời bấy giờ rất lạc hậu, hầu hết xét nghiệm sinh hóa không làm được bao nhiêu, nên lấy máu rất ít. Theo quy trình sinh hóa, tối thiểu 5 ml máu, quay li tâm, các tế bào (hồng, bạch cầu, tiểu cầu…) lắng xuống mới đủ một lượng huyết tương làm sinh hóa. Để kiểm tra nhiều chức năng khác nhau, người thầy thuốc phải lấy nhiều ống nghiệm. Bà con trong trại không hiểu, trưởng và phó trại nhờ tôi giải thích.
Giải nhưng họ không thích, biết làm sao.
Anh chàng người Móng Cái còn phát ngôn sai lệch, bảo bọn bác sĩ lấy máu tỵ nạn đem bán! Anh làm con tính cộng trừ nhân chia, bảo, mười hai gia đình, 62 nhân mạng, mỗi người 5 (ống nghiệm) x 5 ml = 25 ml, nhân lên 62 người = 1550 ml, hơn một lít rưỡi máu, bao nhiêu tiền, đâu bỡn! Nói thế nào cũng không tin, còn vặn, xét nghiệm gì mà lấy lắm máu thế.
Tôi chịu, nhường cho anh Hoàng thông dịch viên.
Thời xưa, bệnh viện miền Bắc ngân hàng máu thiếu trầm trọng, hầu như rất ít người tình nguyện, thường người nghèo đến bán máu. Theo định giá 100 ml máu, được lĩnh 15 VNĐ, cộng thêm tem phiếu: 1 kg tem thịt, 2 kg tem đậu phụ, 500 gr đường, 1 hộp sữa đặc. Như vậy ngoài tiền ra, bán hết tem phiếu cũng thêm được một khoản xấp xỉ ½ tiền lĩnh.
Cứ Thứ Hai và Thứ Năm, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội kiểm tra sức khỏe người cho máu.
Dịp Tết nguyên đán thường rất đông, sinh viên cuối khóa được bệnh viện cho phép khám. Một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi khá xinh, hai má điểm một chút phấn hồng, môi thoa chút son, vào phòng tôi, thoang thoảng mùi thơm. Khám xong, trong lúc ký tên vào bản chứng nhận, tôi buông một câu vu vơ, “Sắp Tết phải không?” nhưng không ngửng đầu. “Có hại lắm không anh”, cô thì thầm. “Không sao”, tôi nói nhỏ.
Tan tầm, vừa ra khỏi cổng.
- Anh Mạnh ơi! Chờ em một lát.
Nghe thấy tiếng gọi, ngơ ngác nhìn quanh. Bên kia đường, cô gái buổi sáng đang giơ tay vẫy vẫy, dắt chiếc xe Phượng Hoàng nữ sang đường. Cô đã xem kỹ chữ ký và tên nên gọi đúng. Tôi đứng chờ. Cô nói nhỏ:
- Anh đợi em cùng về với.
Chết thật, chuyện gì đây?
Té ra lần đầu tiên theo chúng bạn đi cho máu, mua mỹ phẩm cho dịp Tết. Thấy tôi ỡm ờ buông câu đúng tim, cô muốn gặp tôi hỏi chuyện cho máu tốt hay xấu, bảo, buồn và hối hận lắm. Sao lại hối hận?
Tôi bảo, hiến máu là tốt, nhưng đừng vì…
Tôi bỏ lửng. Từ đấy, chiều thứ Bẩy nào cô cũng đến ký túc xá thăm tôi.
Có ông y tá già, gày hom hem cũng cho máu, ông bảo, xích xe (đạp) gião quá, khoa nhường suất, không bán máu lấy tiền đâu ra, lương tháng nào xoẳn tháng ấy.
Thời ấy, người ta cho máu, chính xác là bán, chỉ vì nghèo, ít người nghĩ đến vì nhân đạo.
Tại Wishaw, khi lệnh cấm trại xóa, sáng Chủ nhật, một nhóm 3 người Hoa đến thăm chúng tôi. Các anh tự giới thiệu, từ Hong Kong sang làm ăn đã lâu, nay nghe tin có đồng hương Hoa kiều Việt Nam, đến thăm hỏi, giúp đỡ. Các anh còn mang cả đàn ghi-ta vừa hát vừa đàn, giúp vui. Tất cả chúng tôi mừng lắm, hỏi thăm đủ chuyện, các anh hứa sẽ giúp đỡ học Anh ngữ, mua gạo, thực phẩm khô nếu cần, sau khi ra trại.
Đến tuần thứ 3, ba anh chàng này bắt đầu tuyên truyền về Chúa Cứu Thế, Đức mẹ Đồng Trinh, Ki-Tô giáo, dạy trẻ con hát bài hát nhà thờ. Tất cả chúng tôi ngỡ ngàng về chuyện “gió đổi chiều” của các chàng “hiệp sĩ” Hương Cảng.
Mười hai gia đình chúng tôi và gia đình anh chị Hoàng đều là người đi lương, thờ tổ tiên, ông bà, không ai đi đạo Ki-Tô hay Tin Lành, vì thế “hiệp sĩ” Hong Kong đến tuyên truyền làm đảo lộn cuộc sống yên bình trong trại. Tôi hỏi phó trại, bà bảo, đây là đất nước tự do, kể cả tôn giáo.
Trong 12 gia đình, chỉ có gia đình tôi, gia đình bác Lâm, người Sài Gòn không ngồi nghe giảng. Bác Lâm lớn tuổi đã trên 50, rất kín đáo, lấy cớ đau đầu. Các gia đình khác chịu khó ngồi hết buổi. Từ hôm ấy, mọi người bàn ra tính vào ghê gớm lắm. Từng nhóm thì thào, bàn tán, bỏ hay không bỏ thờ cúng ông bà cha mẹ.
Cuối cùng họ tìm ra một lối thoát cải lương. Mười gia đình đều cải đạo, nhưng cải có một nửa, nghĩa là chồng đi nhà thờ thì vợ không và ngược lại.
Trại tôi, có anh Thịnh, thượng uý, cựu đảng viên cộng sản, tâm sự, sang xứ người thôi đành “gió chiều nào theo chiều ấy”, nhà em đi, em là con trai duy nhất của các cụ, phải thờ tổ tiên chứ. Tôi bảo, bà Lyli nói, đây là đất nước tự do, kể cả tôn giáo, sao chú lại sợ bóng sợ vía mấy tay xảo-voọc (xào xáo). “Anh tính, mai kia cần đong gạo, mua đồ, xe không có, đi taxi chết tiền, nhờ họ có hơn không”. Chép miệng, chú Thịnh bảo, “đức tin ở lòng mình, đi nhà thờ, cầu kinh ê a có chết ai đâu, miễn là được việc.”
Được hơn hai tháng, anh Hoàng thông dịch, phàn nàn anh Khuân. thiếu trung thực, anh Khuân bảo, “tôi mới tắm (rửa tội), đâu có nói dối anh”.
Tức quá, anh Hoàng nói ngay, “cái nỉ mới đi tắm”, từ xưa “nỉ không tắm?”
Chuyện tôn giáo thật tế nhị và cũng gây không ít nỗi oan khiên bao gia đình Việt nam.
Năm 1951, ông Thịnh -chú rể tôi sau này-, từ quê ra Hà Nội học nghề làm giầy, gặp cô tôi. Hai người yêu nhau, ông bên Thiên Chúa Giáo. Thời bấy giờ chuyện hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khác xa thời nay, “con muốn đâu, cha mẹ chịu đấy.” Bà tôi và cả họ chỉ đồng ý nếu ông không đi nhà thờ. Gia đình ông không cho lấy vợ ngoại đạo, căng thẳng lắm. Hai ông bà quyết tâm, ông hứa không đi nhà thờ. Bà tôi cho của hồi môn, mở xưởng làm giầy ở 101 phố Quan Thánh. Bố mẹ ông tuyên bố từ. Bố ông là ông trùm nay có thằng con hư, mất chức, buồn, ốm chết. Hai ông bà về chịu tang, cả họ vác gậy đuổi đánh, đe giết. Sợ quá, bán xới về Hải Phòng 1953.
Năm 1965, chiến tranh leo thang, ông Định, em ruột chú rể tôi, viết thư cho anh trai nói mẹ già cũng đã nguôi giận, nhắc cho bọn trẻ về quê, vừa an toàn vừa như tạ lỗi. Chả ai dám đưa bọn trẻ về gặp bà nội chúng.
Tôi nhận. Tối Thứ Bẩy, tôi đưa 4 em con cô theo ông bà Định về Bình Lục.
Chưa kịp uống chén nước, một đám đông dân làng trong đó có rất nhiều các cô gái trẻ 17, 18 theo sau vào sân, một cụ bà nói to, “xem mặt mũi cháu nhà bà Nga ra sao mà cướp được ông Thịnh làng này.”
Tôi vội ra cửa lễ phép chào.
Cụ già nhìn tôi chằm chằm, “cũng cao ráo, sáng sủa, chả thế mà ông Thịnh bỏ cả đạo theo cô anh chàng này”! Các cô gái bưng miệng cười rúc rích. Bạo miệng, tôi nói, “thưa các cụ, cháu cũng như mọi người, phải không ạ. Thôi cháu xin, tụi trẻ vô tội mà.”
Tại Wishaw sau vài năm, 10 gia đình “châu về Hợp Phố”, chẳng ai đến nhà thờ cầu kinh, rửa tội. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, anh thượng uý mặt đỏ, cười trừ. Ngây thơ quá!



Tổng số lượt xem trang