Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Biên giới Việt-Trung 15 năm nhìn lại : Việt Nam có nên ký hiệp ước phân định lại biên giới với Trung Quốc ?

-Biên giới Việt-Trung 15 năm nhìn lại : Việt Nam có nên ký hiệp ước phân định lại biên giới với Trung Quốc ?Nhan Tuan Truong
-LTG : Sau khi nhà nước CSVN ký kết lại Hiệp định biên giới trên đất liền với Trung Quốc ngày 30 tháng 12 năm 1999 thì sau đó nhiều nghi vấn đã đặt ra, trong đó có các câu hỏi về « nhượng đất, nhượng biển » cho Trung Quốc. Đến hôm nay, việc cắm mốc đã hoàn tất từ hơn một năm nhưng bộ bản đồ chính thức vẫn không thấy công bố. Trong khi tin tức cho thấy phía Trung Quốc đã đào lấy các cột mốc lịch sử cắm từ thời Pháp-Thanh 1887, lý do là « đưa vào viện bảo tàng », nhưng việc này sẽ xoá mọi dấu vết đường biên giới ngày xưa. Đây là một hành vi phản văn hóa tương đương với việc xóa, sửa lịch sử. Từ nay không ai có thể so sánh đường biên giới lịch sử và đường biên giới hiện nay trên thực địa để thẩm định việc VN có mất đất hay không và mất bao nhiêu. Việc thẩm định do đó chỉ có thể làm trên bản đồ. Riêng vấn đề có cần phân định lại biên giới hay không thì hình như chưa thấy ai đặt câu hỏi. Xin trích dẫn bài viết này từ cuốn « Biên giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp », in năm 2005, tác giả xin trình bày ý kiến chủ quan của mình về việc VN có nên phân định lại biên giới hay không.


I. Khái niệm về Ðường Biên Giới (frontière, boundary) và Biên Giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa:

Theo Quốc Tế Công Pháp (Droit International Public) thuật ngữ « biên giới – frontière » chỉ mới có từ hồi đầu thế kỷ 20, được hiểu như là « enveloppe continue d’un ensemble spacial, d’un Etat », « vỏ bao bọc liên tục của một tập hợp không gian, một quốc gia » ; « le point où expire la compétence territoriale », « điểm chấm dứt thẩm quyền thuộc về lãnh thổ ».

Người Việt Nam cũng đã có một quan niệm về biên giới rất sớm, tương đối rõ ràng và khá phù hợp với khái niệm biên giới của công pháp quốc tế theo định nghĩa trên.

Từ năm 1077 dân Việt đã xuất hiện những câu thơ : « Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư, Tiệt Nhiên Ðịnh Phận Tại Thiên Thư » (Lý Thường Kiệt). Nam quốc sơn hà, sông núi của nước Nam, hay lãnh thổ nước Nam là do vua nước Nam trị vì, việc nầy trong sách trời đã ghi rõ. 

Hai câu thơ đã minh thị sự hiện hữu của một nước Nam do hoàng đế nước Nam trị vì, phân biệt với một nước ở miền Bắc, đó là nước Trung Hoa.

“Ðường biên-giới” của nước Nam đó có thể tìm thấy qua các phụ chú trong bộ Hồng Ðức Bản Ðồ, được thực hiện dưới triều Lê Thánh Tôn (1460-1497):

An Nam Ðồ Thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam)
An Nam Chi Ðịa (đất đai An Nam)
Tây Khóa Ai Lao (phía Tây chận ngang xứ Ai Lao)
Ðông Chí Hải Tân (phía Ðông chạm đến tận biển)
Bắc Du Lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng)
Nam Khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành)[1].

Ðường biên giới, nếu được hiểu theo « vỏ bao bọc một tập hợp không gian, một quốc gia », thì vỏ bọc của nước An Nam cũng liên tục, cũng xác định rõ ràng, tuy có phần sống động, vì có khả năng co giản. Bốn phía biên giới đều được xác định bằng các động từ. Biên giới phía Bắc của nước ta được xác định bằng động từ “du”, tức là đi vượt qua: Bắc Du Lưỡng Quảng. Có nghĩa là biên giới phía Bắc của nước ta vượt qua khỏi Quảng Ðông và Quảng Tây.

Nước Trung Hoa có tên « Trung ». Từ cái tên đặt người Hán đã tự cho rằng đất nước của Hán tộc là cái rốn của vũ trụ. Trung là giữa, là « thiên triều ». Các nước chung quanh họ gọi là phiên bang (nước hàng rào) hay các chư hầu. Các nước chư hầu phải có nhiệm vụ triều cống thiên triều. Ngoài tộc Hán, các dân tộc khác đều bị cho là man di mọi rợ, kể cả các sắc dân Tây Phương. Trung Hoa đã từng xếp nước Pháp (và Anh) vào danh sách các nước chư hầu đã « thần phục ». Lý do là vì vua Louis XIV nước Pháp có tặng cho Hoàng Ðế Trung Hoa một số đồng hồ quả lắc và một số máy móc khác để làm quà giao hảo. Nhưng người Hán xem tặng vật đó là phẩm vật của Pháp cống thiên triều, tỏ ý thần phục. Ðiểm nầy nên nhấn mạnh là vì một số học giả Trung Hoa quá đề cao liên hệ thượng quốc chư hầu giữa Trung Hoa và Việt Nam để dành lấn biển Ðông. Dựa lên quan hệ này những người này cho rằng biển Ðông là « nội hải » của Trung Quốc. Nếu diễn giải như thế thì vùng biển Ðịa Trung Hải cũng thuộc Trung Quốc một phần. Không phải Pháp đã là « chư hầu » của Trung Hoa đó sao ? Riêng Việt Nam thì người Hán gọi chúng ta là Nam Man.

Dầu ngạo mạn như vậy, Hán tộc cũng lấy làm lo ngại việc các nước chư hầu chung quanh “chinh phục” họ. Ðiều lo ngại nầy rất hợp lý. Các « chư hầu », cũng như bọn « Hồng Mao », « bạch quỉ » Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Ðức, Nga… hay « giặc lùn » Nhật Bản đã phân liệt nước Trung Hoa thành nhiều mảnh và nước này đã chịu một giai đoạn nhục nhã nhất trong lịch sử. Chưa hết, lịch sử của dân Hán cũng là lịch sử của sự đô hộ triền miên ô nhục bởi nhiều « bọn rợ » khác nhau. Nhà Liêu đô hộ Trung Hoa từ năm 907-1125 là rợ Khiết Ðan, nhà Kim từ 1115-1234 là rợ Nữ Chân. Nhà Nguyên từ 1206-1368 là dân Mông Cổ, nhà Thanh từ 1616-1911 là nước Mãn Châu… tất cả đều là rợ. Các nước Mông Cổ, Mãn Châu... xem ra thế lực, văn hóa và văn minh không trội hơn hay xuất sắc hơn Việt Nam. Ðiểm đáng nhớ, quân Mông Cổ chinh phục gần trọn thế giới nhưng họ cũng đã thua ba lần ở Việt Nam.

Vì thế Trung Hoa mới xây những thành quách hay cửa ải để bao bọc và che chở nước của họ lại. Các kiến trúc như Trấn 鎮, Quan 關, Ải 隘, Khóa hay Ca 卡, tức những công sự hay cửa ải (cửa biên giới) xây trên những đường thông thương giữa hai nước, như dọc trên biên giới Việt Nam, hay kiến trúc Vạn Lý Trường Thành (xây lên để ngăn giặc Hung Nô), dựng lên là nhằm mục đích đó. Vô tình, do vậy mà đường biên giới giữa hai nước Việt và Trung Hoa lại được cụ thể hoá. Nếu ta nối các thành quách, những cửa ải, những công sự đóng chốt trên các đường lối thông thương giữa hai nước, ta sẽ có một đường biên giới. Một « vỏ bao bọc » cố định, có khả năng qui định « thẩm quyền lãnh thổ » của hai nước. Ngoài ra ta cũng có thể nhắc tới những giới hạn qui ước (biên giới) có tính pháp lý và lịch sử đã đặt ra như trụ đồng, bia đá, biên giới thiên nhiên sông, núi như : sông Ðổ Chú (biên giới tổng Tụ Long, thuộc tỉnh Hà Giang với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam); sông Ðàm Lân giới hạn động Kim Lạc; sông Mang Khê là biên giới của động Liễu Cát; sông Tam Kỳ là biên-giới của động Tư Lâm (Tư Phù); Sông Cổ Sâm là biên-giới của động Cổ sâm... với đất Trung Hoa. Núi Phân Mao, phía Ðông Nam phủ Khâm Châu, là một trái núi nằm trong rặng Thập Vạn Ðại Sơn, dưới chân của nó có trụ đồng của tướng Mã Viện dựng lên vào năm 41 Tây Lịch, đánh dấu biên giới tỉnh Quảng Ðông với Việt Nam.

Quan niệm về biên giới của người Việt ta xưa, như vậy phù hợp ít nhiều với quan niệm kim thời của Quốc Tế Công Pháp về biên giới. Riêng về biên giới Việt Trung, chắc chắn đây là một ngoại lệ đặc biệt: Nó đã thể hiện hầu như hoàn toàn tinh thần và nội dung “frontière, boundary” của Công Pháp Quốc Tế.

Ðến hậu bán thế kỷ thứ IXX, Pháp vào chiếm nước ta. Ngày 6 tháng 6 năm 1884 Việt Nam và Pháp ký hiệp ước Bảo Hộ. Ðiều 1 hiệp ước qui định: « L'Annam reconnaît et accepte le Protectorat de la France. La France représentera l'Annam dans toutes ses relations extérieures. Les Annamites à l'étranger seront placés sous la protection de la France. An Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho An Nam trong mọi liên hệ với các nước khác. Người An Nam sống ở ngoại quốc sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của nước Pháp ». Dựa vào điều nầy nước Pháp đã đại diện nước ta để phân định biên giới giữa nước ta với Trung Hoa. Hai công ước liên quan đến biên giới Việt Trung đã được nhà nước bảo hộ Pháp và triều đình nhà Ðại Thanh ký-kết vào ngày 26-6-1887 và ngày 20-6-1895, cùng ký tại Bắc Kinh.

Theo các tài liệu nghi nhận được có 17,2% đường biên giới trên thế giới đã được nước Pháp phân định. 21,5% là do nước Anh[2]. Cả lục địa Phi Châu, các nước Trung Ðông, các nước Châu Á như Irak, Jordanie, Iran, Do Thái, Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Việt Nam v.v... đều do hai nước Anh và Pháp phân định biên giới. Ðiều quan trọng là các đường biên giới nầy vẫn còn hiệu lực pháp lý cho đến ngày hôm nay.

Thật vậy, theo Convention sur le Droit des Traité de Vienne – Công Ước về Luật của các Hiệp Ước ký tại Vienne (thủ đô Áo Quốc) ngày 29 tháng 5 năm 1969 - Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties : một nước có thể ngưng thi hành một hiệp ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các hiệp ước nầy vì tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các hiệp ước ký dưới thời một nước bị bảo hộ). Tuy nhiên, Ðiều 11 của Công Ước Vienne có nội-dung:

« Boundary regimes:
A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary. »

“Qui tắc về biên giới: Một sự kế tục của Quốc Gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một qui tắc về biên giới.”

Ðiều nầy cho ta thấy rằng, đứng trên quan điểm công pháp quốc tế, các công ước về biên giới Việt-Trung ký giữa Pháp và nhà Thanh vẫn còn giá trị pháp lý.

Ta sẽ thấy việc này một cách cụ thể hơn, nếu ta xét lại hiệu quả của các hiệp ước về biên giới ký kết giữa nước Nga và nhà Thanh, đại diện cho nước Trung Hoa ngày trước. Một số vùng lãnh thổ có diện tích khoảng 1.000.000 km² của Trung Hoa đã phải nhượng cho Nga qua hiệp ước 1860 (Hiệp Ước Bắc Kinh) và hiệp ước 1858 (Hiệp Ước Aigun). Ðó là các phần đất, gọi là nhượng địa, phía Bắc Mãn Châu, Bắc Tân Cương và đảo Sakhaline. Các phần đất nầy hiện nay vẫn thuộc Nga. Thí dụ khác về trường hợp đặc biệt là Hong-Kong (đảo Victoria). Ðây là nhượng địa vĩnh viễn của Trung Hoa cho Anh Quốc sau vụ chiến tranh Nha Phiến lần thứ 1 (1840-1842) qua hiệp ước Nam Kinh ngày 29 tháng 8 năm 1842. Ðến năm 1860, Trung Hoa phải nhượng vĩnh viễn thêm cho Anh quốc phần đất đối diện Hong-Kong là Kowloon và đảo Stonecutters, qua hiệp ước Bắc Kinh 1860. Ðến ngày 9 tháng 6 năm 1898, Trung Hoa lại phải nhượng thêm cho Anh Quốc qua Hiệp Ước ký tại Bắc Kinh, một số đất-đai, gọi là « đất mới », ở chung quanh Hong-Kong và 235 hải đảo. Lần nhượng nầy có thời hạn 99 năm, bắt đầu từ 1 tháng 7 năm 1898, hết hạn 1 tháng 7 năm 1997. Việc trả lại đất và đảo này năm 1997 đặt lại vấn đề chủ quyền Hong-Kong và Kowloon. Việc thương thuyết xãy ra giữa bà thủ tướng Margaret Thatcher với thủ tướng Chao Tse-yang (Triệu Tử Dương) và thỏa thuận trả lại đất được ký vào ngày 19 tháng 12 năm 1984 với một số điều kiện chính trị đặc biệt cho Hong-Kong.

Sau khi dành lại độc lập năm 1949, Trung Hoa đã hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng về kinh tế đã ký với các cường quốc. Nhưng Trung Hoa đã không thể hủy bỏ các hiệp ước liên quan đến vấn đề đất đai, biên giới. Tranh chấp về lãnh thổ giữa Trung Hoa với các nước khác có tới 21 vụ, trong đó có tranh chấp với Ấn Ðộ, Nga, các nước Trung Á, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản v.v… Trường hợp đặc biệt khác, Nhật Bản đã thắng trận nhà Thanh, được nhường vĩnh viễn đảo Ðài Loan (1895) và đất Mãn Châu. Trung Hoa đã chỉ lấy lại được các vùng đất này sau khi Nhật bại trận năm 1945, theo Hòa Ước San Francisco 1951.

Hậu quả cuộc phân định giữa chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh năm 1887 về đường biên giới Việt Trung đã gây thiệt hại cho phía Việt Nam về đất đai. Lãnh thổ Việt Nam bị nhượng ở khắp mọi nơi trên đường biên giới. Quan trọng hơn cả là mất đất vùng tổng Tụ Long, khoảng 750 cây số vuông, thuộc châu Vị Xuyên, nay thuộc tỉnh Hà Giang. Ðặc biệt là vùng nầy rất phong phú về quặng mỏ mà người Hán ngày xưa đã từng âm mưu chiếm lấy, nhưng sau đó phải trả lại cho nước ta. Kế đến là tổng Ðèo Lương, ở về phía Ðông Bắc tỉnh Cao Bằng. Sau đó là 9 xã rưởi thuộc tổng Kiến Duyên và tổng Bát Trang thuộc tỉnh Hải Ninh. Cuối cùng là mũi Bạch Long (Paklung), là một địa điểm rất trọng yếu về kinh tế chiến lược. Về phần lợi, người Pháp được hưởng một số nhượng bộ về kinh tế qua công ước bổ sung về kinh tế, thí dụ như thuốc phiện ở Vân Nam được nhập cảng sang bán tại Việt Nam và Pháp cũng được đặt một số cơ sở kinh tế vùng Hoa Nam. Nhưng Pháp không thành công trong vấn đề bán muối cho vùng Hoa Nam. Về phía người Việt Nam thì nhờ vậy chúng ta mới có một đường biên giới qui ước và có được một sự an ninh, không bị Tàu lấn áp, hay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi người Hoa hơn một trăm năm nay.

II. Việt Nam có nên ký lại hiệp ước về biên giới hay không ?

Nhà nước CSVN đã ký lại với Trung Hoa Hiệp Ước Biên Giới Trên Ðất Liền vào ngày 30 tháng 12 năm 1999 và Hiệp Ước Phân Ðịnh Lãnh Hải Trong Vịnh Bắc Bộ 31 tháng 12 năm 2000 là đã chính thức phủ nhận Công Ước Bắc Kinh 1887 và 1895 về biên giới. Câu hỏi đương nhiên đặt ra, tại sao phải ký lại, (và có nên ký hay không), lúc công ước 1887 về biên giới vẫn còn hiệu lực ? Hiệu quả của hai hiệp ước mới nầy sẽ thay đổi biên giới của Việt Nam như thế nào?

Nên hay không, lợi hay hại, xin đưa một số dữ kiện dưới đây để chúng ta đi tìm một kết luận.

Đường biên giới giữa hai nước cần phải phân định nếu đường biên giới này chưa được hai nước chính thức công nhận qua các văn kiện pháp lý. Phân định biên giới giữa hai nước được hiểu đại khái là hai nước liên hệ cử đại diện ngồi vào bàn hội nghị để bàn thảo về số phận các vùng đất chưa được xác định chủ quyền chung quanh vùng biên giới, nhằm tiến tới một thỏa ước mà hai bên cùng đồng ý về mọi điểm ở một đường ranh. Đường đó gọi là đường biên giới. Hai bên đã ký cam kết thi hành đúng đắn các điều khoản đã ghi đồng thời có trách nhiệm gìn giữ và bảo trì các cột mốc trên đường biên giới. Các việc này nhằm đem lại ổn định nơi vùng biên giới và hòa bình cho hai nước. Việc phân định biên giới thường có hai thời kỳ: Thời kỳ bàn thảo trên bản đồ (phân định) và thời kỳ cắm mốc trên thực địa (phân giới).

Như đã viết, theo các công ước về luật các công ước ký tại Vienne, Công Ước Pháp Thanh về biên giới Việt Trung 1887 và 1895 vẫn còn hiệu lực. Có nghĩa là biên giới Việt Trung đã được phân định và nội dung của sự phân định đó vẫn còn giá trị bất biến cho tới khi nào một Hiệp Ước mới có cùng mục tiêu được ký kết giữa hai nước.

Đường biên giới Việt-Trung đã có những vùng đất nào chưa xác định được chủ quyền hay không xác định được chủ quyền để ngày hôm nay phải phân định lại ?

Để có một trả lời đứng đắn cho việc này, thiển nghĩ nên tìm hiểu tình trạng đường biên giới Việt Trung sau khi công việc phân định và cắm mốc chấm dứt. Có nghĩa là tổng hợp lại các biến cố liên quan đến việc thay đổi biên giới từ năm 1897 cho đến nay.

Việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất, người nghiên cứu hải ngoại không thể tìm được các dữ kiện ghi lại một cách trung thực các biến cố xảy ra - nếu có - từ 1954 đến ngày nay tại vùng biên giới Việt-Trung.

Thứ hai, từ năm 1954 trở về trước, hồ sơ về biên giới Việt-Trung (Công-Ước 1877, 1895) được tồn trữ ở Văn Khố Đông Dương (Centre des Archives d’Outre-Mer – CAOM), thuộc tỉnh Aix-en-Provence, Pháp quốc. Nhưng một số hồ sơ do Sở Địa Dư Đông Dương để lại thì vẫn còn được xếp vào loại « mật », chưa công bố, một số hồ sơ bị thất lạc.

Các việc này đã được ghi nhận trong bản tường trình của một nhân vật có trách nhiệm về Sở Địa Dư Đông-Dương (SGI) năm 1948 (vẫn còn xếp vào loại mật) ghi lại sau đây [3]:

« J’ai l’honneur de vous adresser une note sur la délimitation et l’abornement de la frontière entre l’Indochine et la Chine, avec une copie de la lettre de présentation à la Direction des Archives à qui je demande quelque secours.
A mon arrivée en Juin 1946, j’ai trouvé au Service Geographique de l’Indochine un grand desordre dans les archives techniques. Les évènements de 1945 en sont moins la cause que la crise de 1932 qui a fait supprimer une grande partie du personnel du Service Geographique de l’Indochine, à partir de ce moment ces archives ont été pratiquement abandonnées a elles-mêmes. Deux déménagements successifs: Hanoi-Gia Dinh-Dalat ont encore aggrave la situation. »

Tạm dịch : « Tôi kính gởi đến quí ông một ghi nhận về việc phân định và việc phân giới đường biên giới giữa Đông Dương và Trung Hoa, với một bản sao lá thư giới thiệu đến ban trách nhiệm Văn Khố mà tôi đã xin quí vị nầy một vài giúp đỡ.

Khi tôi đến đây vào tháng 6 năm 1946, thấy rằng văn khố tại Sở Địa Dư Đông Dương vô cùng bề bộn. Biến cố 1945 là nguyên nhân nhưng ít trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng 1932 đã bãi bỏ một số lớn nhân viên của sở SGI. Từ lúc đó hồ sơ lưu trữ tại đây đã bị bỏ quên. Hai cuộc dời chỗ liên tiếp : Hà Nội – Gia Định – Đà Lạt càng làm cho tình trạng thêm bi đát. »

Điều nầy cho thấy những hồ sơ liên-quan đến biên giới Việt Trung đã có những thất thoát quan trọng. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số dữ kiện sưu tập được, ghi lại qua hồ sơ của Cảnh Sát Biên Giới (Police Frontière). Theo đó cho thấy đường rằng biên giới bị thay đổi tại vài nơi. Hai bên Pháp và Trung Hoa có làm biên bản và đã thỏa thuận với nhau ở các việc thay đổi nầy (thí dụ việc cắm thêm cột mốc 14 bis năm 1937).

Do đó, mặc dầu thiếu sót về dữ kiện từ 1954 tới nay, ta vẫn tạm thời có thể dựa lên các hồ sơ đó để làm căn bản cho một khuynh hướng về việc nên hay không phân định lại đường biên giới.

Việc nghiêm trọng và tệ hại nhất đã xảy ra làm thay đổi đường biên giới, qua các hồ sơ tìm thấy, là do việc nhiều cột mốc biên giới không còn ở đúng vị trí ban đầu. Hồ sơ lưu lại không tìm thấy những dấu vết điều chỉnh lại vị trí các cột mốc đã dời đi. Điều nầy có nghĩa là các Công Ước về biên giới 1887, 1895 không những không được tôn trọng mà còn vi phạm nặng nề.

Bản báo cáo mật ghi trên kết luận : 

« Si maintenant l’on compare le document de 1893 au 1/100.000 à la carte régulière à la même échelle faite 10 ou 11 ans plus tard, on constate que les deux documents ne sont pas superposable. Ceci n’est pas surprenant, mais ce qui l’est, c’est que le tracé de la frontière et l’emplacement des bornes ne concorde pas toujours. On a aucun moyen d’expliquer ces différences. »

Tạm dịch : « Nếu người ta so sánh bản đồ 1/100.000 vẽ năm 1893 với bản đồ cùng tỉ lệ 10 hay 11 năm sau thì thấy rằng hai bản đồ đó không chồng lên được với nhau. Việc nầy không lạ nhưng điều đáng ngạc nhiên là vị trí cột mốc không còn trùng hợp. Người ta không có phương tiện nào để làm sáng tỏ việc này ».

Vùng biên giới Quảng Tây, nhân viên sở SGI cũng nhìn thấy khuyết điểm của biên bản cắm mốc của Ðại Tá Galliéni. Phần Ðông Quảng Tây, các cột mốc thiếu phần ghi chú vị trí vì lý do biên bản của ông Frandin đã không tìm thấy. (Biên bản cắm mốc của Frandin đã được tác giả tìm thấy trong hồ sơ phân định biên giới CAOM, có chụp hình đăng lại ở chương 3).

Ngày 15 đến ngày 30 tháng 6 năm 1914, trong dịp kiểm soát các cột mốc vùng Lạng Sơn[4], bản báo cáo về vị trí các cột mốc ghi lại như sau :

4 cột mốc ghi trên bản đồ nhưng không thấy trên thực địa.
6 cột mốc có trên thực địa nhưng không có trên bản đồ.
7 cột ở đúng vị trí trên bản đồ nhưng không đúng số đã ghi.
21 cột mốc chính xác.
5 cột mốc không ghi số đã tìm thấy. Có lẽ các cột mốc nầy hiện hữu trước năm 1886 (tức các mốc lịch sử đã được hai bên Việt-Trung cắm).

Vùng biên giới Vân Nam, từ Sông Hồng đến biên giới Quảng Tây, được phân giới và cắm mốc rõ ràng. Nhưng phía hữu ngạn sông Hồng thì hoàn toàn mù mờ. Từ sông Hồng đến sông Ðà thuộc đoạn thứ 5, không cắm mốc nào. Ðoạn nầy chỉ được phân định năm 1887 trên bản đồ, bằng những đường nối các điểm mà các điểm nầy chưa chắc đã hiện hữu.

Xin ghi lại một đoạn trích trích tài liệu « Historique d’apres le rapport de M. DUREAU de VAULCOMTE, député, fait au nom de la Commission parlementaire chargée d’examiner la convention du 26 juin 1887 relative à la frontière - Câu chuyện qua tờ trình của ông Dân Biểu DUREAU de VAULCOMTE, thực hiện nhân danh Ủy Ban Quốc Hội khảo xét Công Ước biên giới ngày 26 tháng 6 năm 1887 ». Báo cáo này cho ta có cái nhìn về giá trị công trình phân định 1887:

« Nous possedons une feuille d’une de ces cartes, plus exactement une reproduction d’une copie conforme. On y trouve les indications suivantes: Cinquieme section de la frontiere. Echelle 1/24000. Signe: Constans, Prince King Soung.

Les seuls noms identifiables sont: Riviere Noire, Lai-Chau, Phong To; tous les autres sont chinois; il s’agit donc bien d’une carte chinoise. La frontiere est marquee d’un trait ponctue de lettres A a E; elle correspond exactement au descriptif de la convention. Cette carte n’est qu’un croquis tres mal dessine, etabli de chic, sans mesures faites sur le terrain. Elle ne ressemble que de tres loin a la carte reguliere faite ulterieurement. Sauf au depart du Fleuve Rouge, la frontiere tracee sur ce croquis n’a aucun rapport avec la frontiere actuelle. C’est celle du Vice-Roi.

En somme, deux ans apres la signature du traite de paix, on avait tout juste reconnu 120 kilometres de frontiere; tout le reste, plus de 1,000 kilometres figurait sur des cartes fantaisistes. La Convention n’etait pratiquement qu’un chiffon de papier et tout restait a faire. »

Tạm dịch như sau : « Chúng tôi có một tấm trong nhiều tấm bản đồ đó, đúng hơn là một bản sao y bản chánh. Ta thấy trong đó những dấu hiệu sau đây : Vùng thứ 5 của đường biên giới. Tỉ lệ 1/24.000. Ký tên Constans, Prince King Soung.

Các tên nhận diện được là: Sông Đà, Lai Châu, Phong Thổ; tất cả những tên khác là chữ Tàu; như vậy đúng đây là một bản đồ của Tàu. Đường biên giới được vạch bằng một đường nối các chữ A đến E. Phù hợp hoàn toàn với các điểm mô tả trong công ước. Tấm bản đồ này chỉ là một sơ đồ vẽ rất sai, lập nên do sự khéo tay, không hề dựa lên những đo đạc trên thực địa. Nó không giống một tí nào bản đồ thông thường vẽ sau này. Ngoại trừ khởi điểm của sông Hồng, đường biên giới vẽ trên sơ đồ này không có một tương quan nào với đường biên giới hiện nay. Đây là bản đồ của Tổng Đốc (Vân Nam).

Kết cuộc, hai năm sau khi ký hiệp ước hòa bình, người ta chỉ biết có 120 Km đường biên giới; phần còn lại, hơn 1.200 Km vẽ trên các bản đồ vô căn cứ. Công ước trên thực tế chỉ là một mảnh giấy vụn và tất cả đều phải làm lại. »

Bản đồ biên giới vùng Vân Nam theo công ước 1887

Hình trên : Bản đồ phân định 1887 vùng biên giới Vân Nam.

Ðoạn 5 được phân định lại năm 1895 (xem chương 4) và toàn vùng biên giới nầy chỉ cắm có 4 cột mốc.

Một bản tường trình khác, cũng của nhân viên SGI, ghi :

« En face d’une Chine anarchique et impuissante tout specialement en 1900 (Boxers – siège des légations, etc.) des initiatives individuelles de Chefs de Postes ou de leurs administres avaient beau jeu. Peut-être pourrait-on leur attribuer cette pérégrination des bornes qui s’étend presque à la totalité de la frontière du Kouang Si – de nôtre côte Province à Lang Son et deuxième territoire militaire. Toutefois cette explication entraine un nouveau mystère: quelle peut être la raison de ces pérégrination (sic)? En principe ce nouveau système d’abornement devrait constituer une amélioration du premier. Or l’examen des cartes montre qu’il n’en est rien. Par example au Nord de Chi-Ma, la commission Gallieni avait placé la borne 40 dans un col au bord d’une piste; les bornes 39 et 41 l’encadraient a environ trois kilomètres. Sur le 1/100.000, vérifié en 1914, ces deux bornes se sont rapprochées a 100m de la borne 40 et le No. 42 en est a 600m, de sorte qu’entre 42 et 43, il y a un trou de pres de 10 km d’une frontière très sinueuse. »

Tạm dịch như sau : « Đối diện với một nước Trung Hoa hỗn loạn và bất lực , đặc biệt vào năm 1900 (vụ Boxers tức khởi nghĩa Nghĩa Hòa Ðoàn, bao vây sứ quán v.v.. ) những hành động cá nhân của các trưởng trạm hay của các nhân viên thì rất tự tiện. Người ta có thể qui trách cho họ về việc "viễn du" của các cột mốc, trải dài hết cả biên giới Quảng Tây, từ bờ biển cho đến Lạng Sơn, qua vùng 2 Quân-Sự . Nhưng sự giải thích nầy đem đến một bí ẩn mới: Lý do nào dẫn đến việc viễn du (sic) nầy ? Thông thường thì việc phân giới và cắm mốc lần sau cùng sẽ bổ khuyết cho lần phân giới trước. Nhưng khi khảo sát bản đồ thì việc nầy không đúng. Thí dụ phía bắc Chí Mã, phái đoàn Gallieni đã cắm cột mốc số 40 trên một cái đèo, bên lề một đường mòn; các cột số 39 và 41 bao bọc cột này cách khoảng 3 Km. Trên bản đồ 1/100.000, kiểm lại năm 1914, hai cột nầy xít lại cột 40 khoảng 100 m và cột số 42 khoảng 600m, kết quả là giữa hai cột 42 và 43, có một lỗ hổng 10 Km trên một đường biên giới ngoằn ngoèo ».

Như thế, ta thấy từ vùng Lạng Sơn ra đến biển, hầu như toàn bộ cột mốc đã bị thay đổi vị trí từ những năm 1900.

Mặc khác, theo những biên bản ghi lại vị trí các cột mốc, một số lớn đã không xác định rõ rệt. Một vài thí dụ :

Cột số 1 : giao điểm giữa sông Thiên Hà với con đường từ Cúc Phương đến Lão Ao Trang, dưới chân một cụm núi chắn ngang.
Cột số 2 : trên đường từ Long Ba Mỹ (龍波美) đến Bạch Thạch Nhai (白石崖).
Cột số 3 : ở một cái đèo, trên đường từ Nam Trại (南寨) đến Giáp Mã Thạch (夾馬石).
Cột số 4 : ở một cái đèo, trên đường từ Nam Trại (南寨) đến Tân Trại (新寨)..
Cột số 5 : đường từ Nam Trại đến Thủy Ðối Phòng (水碓防).
Cột số 6 : đường từ Thiên Hà Trại (千河寨) đến Thủy Ðối Phòng.
Cột số 7 : đường từ Tân Trại đến Tân Ðiếm (新店), ở gần Ðộc Mộc Kiều (獨木橋).
Cột số 8 : đường từ (Mãnh Khang) Mường Khương (猛康) đến Tien Tang.

Ðây là những mốc tiêu biểu được cắm trên đoạn thứ 1 thuộc biên giới Vân-Nam[5], nguyên bản tiếng Pháp và Hoa. Những mốc số 2, 5,6, 8 không được mô tả chính xác. Thí dụ, « trên đường từ Nam Trại đến Tân Trại », nhưng không nói rõ cột mốc cách Tân Trại hay Nam Trại là bao nhiêu ? Rất nhiều cột mốc được ghi chú như vậy trong các biên bản. Như thế, giả sử có một cột mốc bị dời đi , nay khám phá ra, chính phủ hai bên làm thủ tục cắm lại. Trường hợp như vậy phải cắm ở đâu, lấy thí dụ trên, phải cắm ở đâu trên đường từ Nam Trại đến Tân Trại ?

Xin ghi tiếp phần kết luận bản tường trình của sở Địa Dư Đông Dương thực hiện năm 1948 ghi trên. Hồ sơ nầy (vào thời điểm tác giả làm nghiên cứu) vẫn còn được CAOM xếp vào loại mật. Có nghĩa là người nghiên cứu được quyền công bố chi tiết nhưng không được tiết lộ tên người liên hệ viết trong tài liệu:

« La construction, si l’on peut dire, de la frontiere entre l’Indochine et la Chine a demande douze ans d’efforts.

De ce travail que rest-t-il? Des bornes placees sur le terrain d’une part et sur la carte au 1/100,000 d’autre part. Il faut remarquer toutefois que la carte au 1/100,000 s’arrete avant le Mekong, laissant en blanc environ 150 kilometres de frontiere. En outre, la reconnaissance de 1914 a montre qu’entre la carte et les bornes la concordance n’etait pas absolue; comme il semble bien que cette reconnaissance ait ete isolee – et elle a ete faite il y a plus de 24 ans – on peut se demander dans quelle proportion cette concordance existe aujourd’hui.

En la matiere, la carte au 1/100,000 est insuffisante. Sans meme parler des erreurs qu’ont pu commettre des topographes debutants dans le leve du terrain, la precision du 1/100,000 est en planimetrie de 15 a 20m; la carte ne pourrait donc deceler eventuellement que des deplacements de borne d’assez grande amplitude.
….
Une autre question peut-etre posee: les bornes ont-elles ete placees judicieusement? N’y en a-t-il pas trop a certains endroits et pas assez a d’autres? L’examen de la carte au 1/100,000 donne la reponse. Il est indeniable que nombre de bornes sont parfaitement inutiles tandis que certains points qui appellent une borne en sont depourvus. Une revision de l’abornement serait donc justifiee. C’est bien entendu une vue d’avenir assez lointain. » 

Tạm dịch như sau : « Việc xây dựng, nếu ta có thể gọi thế, đường biên giới Việt Trung đã đòi hỏi 12 năm nỗ lực.

Công trình nầy còn lại gì ? Các cột mốc được cắm một mặt trên thực địa và mặt khác được ghi trên bản đồ 1/100.000. Phải nhấn mạnh rằng, bản đồ 1/100.000 ngừng lại trước sông Mékong, bỏ một khoảng trống khoảng 150 Km biên giới. Mặt khác, một cuộc kiểm sát vào năm 1914 cho thấy rằng sự phù hợp (về vị trí) giữa bản đồ và các cột mốc thì không tuyệt đối. Chắc rằng việc kiểm sát nầy là duy nhất – và nó đã làm từ 24 năm qua – người ta tự hỏi với sai số nào cho vị trí (giữa cột mốc ghi trên bản đồ và cột mốc trên thực địa) đó hiện hữu hôm nay.

Theo chuyên môn thì bản đồ 1/100.000 không đủ chính xác. Không nói đến những sai lầm có thể phạm phải của các trắc địa viên mới vào nghề trong lúc đo đạc, sự chính xác của 1/100.000 (có sai số) trắc diện là từ 15 đến 20 m. Bản đồ vì vậy chỉ có thể phát hiện khi khoảng cách dời cột mốc tương đối lớn.

Một câu hỏi khác có thể đặt ra : Các cột mốc đã được cắm một cách hợp lý ? Phải chăng có chỗ thì nhiều, có chỗ thì không đủ ? Khảo sát bản-đồ 1/100.000 sẽ có câu trả lời. Không thể chối cải rằng số lượng cột mốc thì thực sự vô dụng, trong lúc nhiều nơi cần đến thì không có. Một sự xét lại việc phân giới cắm mốc sẽ là chính đáng. Nhưng chắc chắn là trong một tương lai khá xa. »

Như vậy, có ba yếu tố chi phối vị trí các cột mốc : Kỹ thuật cắm mốc, sự thiếu chính xác của biên bản cắm mốc và sự thiếu quan tâm của chính quyền. Dầu vậy nội dung tổng quát đường biên giới Việt Trung theo Công Ước 1877 và 1895 không thấy bị đặt vấn đề. Viên chức viết bản tường trình nầy cho rằng : « Une revision de l’abornement serait donc justifiée ». Một cuộc kiểm soát lại việc phân giới (tức việc cắm mốc) sẽ là việc chính đáng.

Kết luận :

Có cần phân định lại đường biên giới Việt Trung hay không ?

Ý kiến của các nhân viên trách nhiệm phân định biên giới (người Pháp) là kiểm soát lại các cột mốc và điều chỉnh cho thích hợp vị trí của nó theo Công Ước 1887-1995. Không thấy họ đặt vấn đề phải phân định lại biên giới.

Ý kiến Charles Fourniau, Giáo Sư (quá cố) viện Đại Học Aix-En-Provence, chuyên gia về Việt Nam, đường biên giới Việt-Trung, là « một thực tế đã bắt rễ sâu xa » giữa hai dân tộc Việt và Hán.

Ý kiến của viên chức sở Địa Dư Đông Dương : biên giới Việt Trung trên đất liền nên được phân giới lại.

Ðây là một đề nghị hữu lý. Các cột mốc đã bị dời đi phải được đem trở về vị trí cũ của nó.

Vấn đề là biên giới Việt Trung phân giới lại như thế nào để ít thiệt hại nhất cho Việt Nam, về hai mặt : biên giới trên đất liền và biên giới trong vịnh Bắc Việt ?

Quan chức VN gần đây cho rằng vịnh Bắc Việt chưa được phân định, do đó cần phân định lại. Bị Vong Lục của bộ Ngoại giao VN công bố thập niên 70 có nội dung :

« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »

Cũng theo tài liệu này, TQ đã đồng ý về « hai đường biên giới do lịch sử để lại » vào tháng 4 năm 1958. Hai đường biên giới ở đây dĩ nhiên là đường biên giới trên bộ và biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Dầu vậy, giả sử rằng phía TQ nói ngược lại, vịnh Bắc Việt chưa được phân định (theo công ước 1887). Vấn đề là hai bên phân định trên căn bản nào ?

Nếu hai nước cùng đồng ý đặt lại vấn đề biên giới, cùng đồng ý phủ nhận công ước 1887 để phân định lại vịnh Bắc Việt và biên giới trên đất liền, điều hợp lý là phải đặt lại tất cả những vấn đề về biên giới liên quan đến công ước 1887.

Có nghĩa là phía VN phải đặt lại vấn đề các vùng đất đã mất như Tụ Long, đất Ðèo Lương, đất Kiến Duyên và Bát Tràng, vùng mũi Bạch Long…

Việt Nam có thể nhượng bộ trên đường biên giới, nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các vùng đất đã mất (do công ước 1887), nhưng với điều kiện TQ làm tương tự trong Vịnh Bắc Việt.

Nhưng thực tế đã không như thế. Trung Quốc đã đạt được tất cả những gì họ muốn, trên biển cũng như trên đất liền (xem chương 8). Việt Nam bị thiệt hại mọi nơi, trên biển cũng như trên đất liền.

Hiệp Ước Phân Ðịnh Biên Giới Trên Ðất Liền ký ngày 30 tháng 12 năm 1999, trước hết nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các vùng đất của VN đã bị Pháp nhượng do công ước 1887. Hiệp ước này cũng nhìn nhận chủ quyền của TQ những vùng đất của VN do TQ chiếm được (trong cuộc chiến 1979).

Hiệp Ước Phân Ðịnh Lãnh Hải Trong Vịnh Bắc Bộ ký ngày 31 tháng 12 năm 2000 không bình đẳng. Việc phân định không đặt trên bất kỳ một nguyên tắc công bằng nào (như phân định theo Luật Biển 1982). Dĩ nhiên, việc làm vô nguyên tắc này đã gây thiệt hại lớn lao lãnh thổ, hải phận của tổ quốc VN.

Trương Nhân Tuấn

(Trích từ chương 7 cuốn « Biên Giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp ».)


[1] Xem Tâm-Quách Langlet, La Perception de frontières dans l’Ancien Vietnam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales, Les Frontière du Vietnam, nxb Harmattan, Paris 1989. (tr 26-57)
[2] Michel Foucher, Fronts et Frontières, nxb Fayard 1991, trb 111
[3] CAOM, HCI/ 49. Tài liệu nầy của GS Lê Xuân Khoa tìm thấy và tặng cho người viết trong lúc ông đang nghiên cứu tại CAOM. Trân trọng cám ơn GS LX Khoa.
[4] đội trưởng là thiếu úy Monère, thuộc chi khu Lạng Sơn. Ðoạn biên giới được kiểm soát thuộc vùng Bình Nhi từ cột 20 đến 55. Một nhóm khác kiểm soát các cột 8 đến 19 cũng thấy những sai biệt tương tự.
[5] CAOM.

Tổng số lượt xem trang

5180448