Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

HỒ CHÍ MINH - CHÂN DUNG MỘT CUỘC ĐỜI (8)


CHƯƠNG VIII

HANG PÁC PÓ


Nước Trung Hoa mà Nguyễn Ái Quốc trở lại vào mùa thu năm 1938 khác xa thời kỳ ông ra đi cách đây gần năm năm, vì bây giờ trong chiến tranh. Cuộc xung đột khởi nguồn bắt đầu Sự Kiện Thẩm Dương năm 1931, khi binh sĩ quân đội Nhật Bản đột nhiên chiếm Mãn Châu Lý, lập ra quốc gia bù nhìn Mãn Châu Quốc. Trong thời gian năm năm, quân đội Nhật bành trướng vững chắc về phía nam, chiếm những vùng đất đai rộng lớn thuộc các tỉnh bao quanh cố đô Bắc Kinh đặt dưới quyền quân quản Nhật Bản. Lúc đầu, Tưởng Giới Thạch khước từ yêu cầu khẩn khoản của nhân dân Trung Hoa đòi ông chấm dứt những chiến dịch quân sự đánh chiếm khu vực do cộng sản kiểm soát phía nam sông Dương Tử - những chiến dịch này tiến hành đến cuối năm 1934 khiến lực lượng cộng sản buộc phải di chuyển trong cuộc Trường Chinh nổi tiếng tới vùng căn cứ mới tại Diên An, phía bắc Trung Hoa - và sau đó tìm được sự đồng tâm nhất trí của dân tộc chống lại sự xâm lăng của Nhật. Nhưng đầu năm 1937, sau khi Tưởng Giới Thạch bị một số sĩ quan của ngay chính quân đội của ông bắt cóc một cách kỳ lạ khi ông thăm Tây An, Tưởng bị thuyết phục phải ký thành lập một mặt trận thống nhất thứ hai với Đảng cộng sản Trung Quốc và hướng sự chú ý của nhân dân vào mối đe doạ từ Nhật. Vài tháng sau đó, cuộc chiến tranh công khai nổ ra sau một đụng độ vũ trang tại Lư Cầu Kiều (Marco Polo Bridge) phía nam Bắc Kinh.

Sự đe đoạ của Nhật Bản đưa nhân dân Trung Quốc vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, nhưng nó mở ra dịp may cho Nguyễn Ái Quốc. Thứ nhất, việc thành lập mặt trận thống nhất giữa Chính phủ Quốc Dân Đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc tạo cho ông tự do đi lại để liên lạc với những người cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Hoa Nam. Thứ hai, nó dẫn đến tăng bóng ma một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á, sẽ nhanh chóng lan rộng xuống Đông Nam Á và đi tới kết liễu nửa thế kỷ cai trị của Pháp ở Đông Dương.
Rời Moscow bằng tàu hoả vào ngày đầu thu 1938, Nguyễn Ái Quốc đi về phía tây băng qua vùng thảo nguyên bao la Trung Á thuộc Liên Xô. Sau khi dừng ở Alma - Ata, thủ đô Kazakhstan, ông tiếp tục tới biên giới Trung Hoa, ở đây ông theo đoàn xe đi Tân Cương, qua Turkistan tới thành phố Lan Châu, điểm cuối cùng phía đông của Con đường Tơ lụa và giờ đây là trung tâm đường sắt nhộn nhịp, thủ phủ tỉnh Cam Túc. Tại Lan Châu ông được Ngô Tú Quyền đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc đón tiếp, thu xếp để ông đến Tây An. Ngô Tú Quyền phụ trách văn phòng địa phương của Giải Phóng Quân Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc dùng văn phòng này làm điểm liên lạc với khách đến từ Liên Xô. Như Ngô Tú Quyền hồi tưởng trong hồi ký: “Được cấp trên cho biết, tôi phải đón một nhân vật quan trọng người Á châu, nhưng không nói tên. Cấp trên ra lệnh phải chăm sóc ông ta hết sức chu đáo, lễ độ và tôi phải tháp tùng ông tới Diên An an toàn”.[333]
Sau hai ngày ở lại Tây An, ông phải chịu đợt ném bom đầu tiên của máy bay Nhật, Nguyễn Ái Quốc theo một nhóm du khách đi xe bò, xe ngựa trên quãng đường mòn hai trăm dặm lên phía bắc qua những dãy núi để tới Diên An. Do có nhiều binh sĩ Quốc Dân Đảng đóng dọc đường, Quốc phải cải trang là “người áp tải” những xe ngựa chở quần áo, giầy dép cho dân nghèo sống trên núi, vì thế ông phải đi bộ đoạn đường dài.
Như Nguyễn Ái Quốc hồi tưởng nhiều năm sau này, Diên An năm 1938 tràn ngập gần 200.000 chiến sĩ Giải Phóng Quân Trung Quốc, phần lớn sống trong những hang đào khoét khắp sườn đồi, tường trát đất màu vàng. Nhiều cán bộ ưu tú Đảng cộng sản Trung Quốc sống trong những hang, ấm về mùa đông và mát về mùa hè hơn chỗ ở thông thường trong vùng. Tuy nhiên, ông khó phân biệt nổi sĩ quan Trung Quốc và lính trơn, vì tất cả họ mặc quân phục, giầy vải màu xanh lá mạ thẫm đồng loạt giống nhau. Quốc ở trong khu Vườn Táo, một biệt thự bẩy buồng tương đối rộng rãi, sau này dành cho chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ở Diên An, ông gặp nhiều người Trung Quốc từng quen biết ở Moscow, nhưng không gặp Mao, mặc dù sau này Mao nhanh chóng trở thành người nắm quyền lực chính trong Đảng cộng sản Trung Quốc.[334]
Sau khoảng hai tuần lễ ở Diên An, Nguyễn Ái Quốc xuống miền nam Trung Hoa trên một đoàn xe năm chiếc ô tô chở đoàn tuỳ tùng cùng tướng Diệp Kiếm Anh, tư lệnh Giải Phóng Quân Trung Quốc. Nguy hiểm đến không phải từ phía Nhật, vừa chỉếm được Thượng Hải đang vượt sông Dương Tử tiến đến Hán Khẩu, mà là từ chỗ khác. Dù mặt trận thống nhất giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã trải qua hơn một năm, cuộc ngừng bắn cũng rất mong manh, dễ đổ vỡ và không phải luôn luôn được chính quyền Quốc Dân Đảng địa phương tuân thủ nghiêm ngặt. Để che giấu danh tính, Quốc lấy tên Hà Quang, một cái tên rất Trung Quốc, cải trang thành một cần vụ của một sĩ quan cao cấp đi cùng nhóm. Theo những tài liệu của cộng sản, những binh sĩ chính phủ (Tưởng Giới Thạch) liên tục quấy phá, tấn công chuyến đi của đoàn cho tới khi đến gần sát những đơn vị Giải Phóng Quân Trung Quốc đóng ở đó chúng mới rút lui.[335]
 Đích đến của Nguyễn Ái Quốc là Quế Lâm, một thị trấn quê mùa, buồn tẻ nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Tây nổi tiếng về những rừng đá bao quanh, nơi đem lại cảm hứng cho những hoạ sĩ vẽ tranh thủy mặc Trung Hoa cổ điển. Ông trú ở một dinh thự tại đại bản doanh Bát Lộ Quân Đảng cộng sản Trung Quốc ở làng Lưu Mã, nằm sát ngoại ô. Ông được phân công làm nhà báo kiêm cán bộ y tế cộng đồng tại Cơ Quan Cứu Tế Dân Tộc địa phương - một tổ chức quần chúng dưới quyền Mặt trận Thống Nhất Quốc - Cộng. Một trong những người Trung Quốc quen ông sau này nhớ lại:
Tôi làm việc với Hồ Chí Minh tại trụ sở Bát Lộ Quân ở Quế Lâm từ cuối năm 1938 tới mùa xuân và cả mùa hè năm 1939. Chúng tôi sống chung với nhau trong một ngôi nhà rộng phía tây làng Lưu Mã. Lúc đó, ông dùng tên Hà Quang, nghe giọng nói tôi nghĩ ông là người Quảng Đông. Cơ quan chúng tôi giống như một câu lạc bộ, nhưng chẳng phải là câu lạc bộ, vì nó thực hiện chức năng học chính trị và văn hoá… và cũng có nhiều cán bộ phụ trách về kinh tế, tài chính, y tế, báo chí… v.v…. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ về trông coi vệ sinh nhưng cũng là một nhà báo, do vậy cũng lại là một trong những người lãnh đạo ở cơ quan chúng tôi. Tôi nhớ, trong công việc kiểm tra vệ sinh ông làm việc nghiêm túc, đưa ra tiêu chuẩn rất cao. Nếu điều kiện vệ sinh không tốt, ông phê bình thẳng thừng. Ông được phân công biên tập Tạp Chí Đời Sống của chúng tôi. Ông thiết kế bìa, viết tựa đề bài, tham gia viết báo cũng như làm thơ Đường luật bằng chữ Hán.
Người bạn ấy nói tiếp:
Khi Quốc ở Quế Lâm, ông để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Hàng ngày ông dậy sớm, quét sàn nhà… Sàn nhà rất bẩn, nên khi quét, bụi bay khắp nơi, Hà Quang phải đeo khẩu trang. Công việc thanh tra y tế và viết báo chiếm một phần ba đến một nửa thời gian của Hà Quang. Thời gian còn lại ông đọc sách hoặc đánh máy chữ với chiếc máy ông đem theo. Chiếc máy chữ của ông do nước ngoài sản xuất. Tôi có thể nói ông ta đánh máy rất thành thạo. Lúc bấy giờ tôi không biết ông là ai. Sau nay tôi mới biết ông quan hệ rất rộng, vì một lần tôi phê bình ông về một chuyện nhỏ trong cơ quan. Ngày ấy, chuyện phê và tự phê bình là một hình thức tu dưỡng đạo đức trong cơ quan. Nhưng ngày hôm sau, một cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc đến gặp và hỏi có phải tôi đã phê bình Hà Quang không. Tại sao - ông ta hỏi - anh lại dám phê bình bừa bãi mọi người như vậy? Vì thế tôi nhận ra Hà Quang không phải là người bình thường mà là người có thế lực.
Nguyễn Ái Quốc rất cẩn trọng việc kết giao với các đồng nghiệp. Khi đến câu lạc bộ Bát Lộ Quân ở Quế Lâm ông phát hiện ở đấy chỉ có những máy chữ gõ chữ Anh. Thật may mắn, một trong những đồng sự Trung Quốc của ông thường có công việc đi Hong Kong, Hải Phòng có thể mua máy chữ gõ chữ Pháp. Trong một chuyến đi, người đồng sự đã mua một chiếc máy chữ cho Quốc. Để trả ơn, Quốc đãi ông bạn của mình bữa tối tại nhà hàng địa phương, không những thế còn vung tay mua hai chai rượu vang để mời.
Một số bài báo của Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp ký tên P. C. Line, gửi về Hà Nội, được in trong báo Tiếng Dân (Notre Voix) - một tờ báo Việt Nam xuất bản bằng tiếng Pháp. Phần lớn chủ đề liên quan tới tình hình chiến tranh ở Trung Hoa, các vụ tấn công quân đội Nhật Bản và ca ngợi tinh thần can đảm, bất khuất của nhân dân Trung Quốc chống xâm lược. Một mẩu tin, viết tháng tháng 12-1938, chế nhạo những cố gắng mà Tokyo đã “khai hoá văn minh” ở Trung Hoa, vạch rõ vụ thảm sát đẫm máu diễn ra ở thành phố Nam Kinh hồi đầu năm là tội ác điển hình man rợ của Nhật Bản. Một bài khác ca ngợi tinh thần hợp tác được xem là tấm gương trong mặt trận thống nhất Quốc - Cộng, đồng thời bài báo thứ ba vạch ra, mặc dù ưu thế công nghệ Nhật Bản đã thu được kết quả trong thời gian đầu, nhưng trang bị cơ giới của quân đội Nhật bây giờ đang bị sa lầy trên những con đường mòn ở Trung Hoa, vì thế càng gia tăng sự vô dụng. Ông nói, chính phủ Nhật Bản hứa sẽ chiến thắng trong vòng ba tháng, sau đó sáu tháng. Nhưng ông chỉ rõ, cuộc chiến tranh tiếp tục không ngừng.[336]
Tờ Tiếng Dân được xuất bản công khai dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương ở Hà Nội. Sự xuất hiện của nó chính là một trong những kết quả của sự chuyển hướng chính sách thuộc địa của Pháp xảy ra sau khi Mặt trận Bình Dân ra đời năm 1936. Với sự tham gia của các đảng phái cánh tả vào chính phủ mới ở Paris, tù chính trị sớm được thả khỏi trại giam ở Đông Dương. Các đảng phái chính trị của mọi xu hướng được phép tham gia những hoạt động hữu hạn có tổ chức.
Sự chuyển hướng chính sách ở Paris, cùng với sự thay đổi chiến lược ở Moscow tại Đại hội Quốc tế Cộng sản VII, khiến giới lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương ngạc nhiên. Tại Hội nghị Macao tháng 3-1935, Hà Huy Tập và các đồng chí của ông đã chấp nhận đường lối tả khuynh được thông qua tại Đại hội VI năm 1928, với niềm tin vững chắc chiến lược đó sẽ tiếp tục.
Từ Moscow về nước vào mùa xuân 1936, Lê Hồng Phong lập tức triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ở Thượng Hải để thảo luận kết quả của Hội nghị VII. Ông giải thích ý nghĩa sự chuyển hướng chính sách mới đây ở Moscow, dự kiến từng bước đưa Đảng cộng sản Đông Dương đi đúng đường lối chiến lược mới. Do sức ép của ông, Ban Chấp Hành tán thành việc lập Mặt trận Thống Nhất Dân Chủ Đông Dương mới chống lại chủ nghĩa phát - xít toàn cầu và chế độ thực dân Pháp. Nghị quyết không đả động gì tới sự tiếp xúc với những đảng phái chính trị cạnh tranh, nhưng sau hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương gửi một bức thư ngỏ tới toàn thể đảng viên để giải thích chính sách mới. Bức thư cũng được gửi tới Việt Nam Quốc Dân Đảng và những đảng dân tộc chủ nghĩa khác đề xuất hợp tác với mục đích chung, giành độc lập dân tộc và đem lại cải cách xã hội.[337]
Dù chỉ là nguồn tin nội bộ cho rằng Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí tán thành đường lối mới của Moscow, nhưng chắc chắn đó là viên thuốc đắng khó nuốt cho một số người chủ trương cứng rắn và giáo điều như Hà Huy Tập. Trong nội bộ Đảng đã xuất hiện sự chống đối, trước hết từ các đảng viên nhiều năm ngồi tù, có nhiều kinh nghiệm riêng cay đắng với chế độ thực dân Pháp.
Dù thế nào đi nữa, giới lãnh đạo đảng cũng thông qua chiến lược mới và sau khi hội nghị kết thúc, Ban Chấp hành Trung ương chuyển về Đông Dương, một đại bản doanh mới ở làng Hóc Môn, bắc ngoại ô Sài Gòn. Lê Hồng Phong đại diện Cộng sản Quốc tế của Đảng cộng sản Đông Dương, trở về cùng họ. Hai năm sau, Đảng chuyển dần ra công khai đồng thời tăng số đảng viên trong tất cả những tầng lớp tiến bộ xã hội Việt Nam. “Hội Ái Hữu”, đại diện cho những lợi ích của các nhóm khác nhau như nông dân, công nhân, thanh niên và phụ nữ được thành lập ở những thành thị, thôn xã, nhà máy, trường học là mảnh đất đào tạo và trung tâm tuyển mộ những người ủng hộ, cũng là vỏ bọc cho những hoạt động của Đảng cộng sản Đông Dương. Những tờ báo của Đảng, do các cán bộ trẻ đầy hứa hẹn như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Huy Liệu đảm nhận, được thành lập trong tất cả những thành phố lớn để trình bày đường lối ôn hoà mới trong một cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu yêu nước.
Ở mặt nào đó, chiến lược đã thành công. Trong suốt thời gian hai năm tiếp theo, số lượng đảng viên tăng vài lần, tỷ lệ phần trăm những người ủng hộ thuộc giai cấp công nhân và nông dân tăng vọt. Nhưng chính phủ thuộc địa chỉ có một sự khoan dung giới hạn đối với những hoạt động dân tộc chủ nghĩa, khi những tờ báo của Đảng cộng sản Đông Dương lớn tiếng phê bình những chính sách hiện hành, nhà cầm quyền trở mặt. Một số nhà phê bình xuất sắc, gồm nhà dân tộc cấp tiến Nguyễn An Ninh và ngay cả Lê Hồng Phong, bị bắt và giam giữ một thời gian ngắn rồi được thả.
Chính sách thuộc địa thay đổi thất thường, khuấy lên sự căng thẳng trong nội bộ Đảng về vấn đề hoạt động công khai hay bí mật, trở thành chủ đề chính tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương diễn ra tại làng Hóc Môn năm 1937 và 1938. Tại cuộc họp tháng 3-1938, vấn đề này được đem ra bàn trước tiên. Tổng bí thư Hà Huy Tập, nhà phê bình xuất sắc nhất của chiến lược Mặt trận Bình Dân mới, còn Lê Hồng Phong là người biện hộ mạnh mẽ lớn tiếng nhất, tranh cãi ủng hộ chính sách cộng tác với tất cả những đảng dân tộc chủ nghĩa tiến bộ. Đứng giữa là Nguyễn Văn Cừ, đảng viên trẻ từ đồng bằng sông Hồng, người muốn duy trì thế cân bằng giữa công khai và bí mật, cộng tác với những tổ chức tiến bộ khác đồng thời tiếp tục chống lại những người theo chủ nghĩa hợp hiến. Cuối cùng, quan điểm của Cừ thắng Hà Huy Tập, do tính đối đầu và đa nghi khiến phần đông các đồng chí của ông không hài lòng, bị thay thế bằng Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư mới.[338]
Nguyễn Ái Quốc theo sát những thay đổi diễn ra ở Đông Dương từ căn cứ tạm thời ở miền nam Trung Quốc. Để tránh khả năng mật thám dò ra nơi ở của mình, sợ lộ diện là tác giả những bài báo ký tên P. C. Line, nhưng ông hy vọng những đảng viên trong toà soạn Tiếng Dân (Notre Voix) - một số biết Lin, bí danh của ông ở Moscow - có thể nhận ra văn phong và tiết lộ tên tác giả. Tháng 7-1939, ông đánh liều, qua người quen gửi một thư ngắn chứa những lời khuyên tới Ban Chấp Hành Trung ương cùng địa chỉ của mình ở Trung Hoa, để họ có thể liên lạc. Bức thư là một tuyên bố nghiêm túc ủng hộ những chính sách mặt trận thống nhất được chấp nhận tại Đại hội Quốc tế Cộng sản VII.
1. Trong thời gian này, Đảng không nên quá tham vọng vào những đòi hỏi của mình (độc lập dân tộc, một nghị viện, v.v…). Làm như thế sẽ chỉ có lợi cho bọn phát - xít Nhật. Do vậy chỉ nên đòi hỏi những quyền dân chủ, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tổng ân xá cho tất cả những tù chính trị và đấu tranh để hợp pháp hoá Đảng.
2. Để giành được mục tiêu này, phải tìm cách tổ chức một Mặt trận Dân Chủ Dân Tộc rộng rãi. Mặt trận đó không chỉ gồm nhân dân Đông Dương mà còn bao gồm tất cả những người Pháp tiến bộ sống ở Đông Dương, không chỉ bao gồm nhân dân lao động mà còn cả tầng lớp tư sản dân tộc.
3. Đảng cần phải có thái độ mềm dẻo và khôn ngoan đối với giai cấp tư sản dân tộc. Nên tìm cách lôi kéo họ vào Mặt trận, tập hợp những phần tử có thể tập hợp được và trung lập hoá những người có thể trung lập hoá được. Chúng ta phải bằng mọi cách đừng để họ đứng ngoài Mặt trận, đừng để họ rơi vào tay kẻ thù cách mạng và làm tăng sức mạnh của bọn phản cách mạng.
4. Chúng ta không thể liên minh hay có bất kỳ sự nhượng bộ nào với nhóm Trotskist. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể vạch trần bộ mặt của họ là những con chó săn của bọn phát - xít và thủ tiêu họ về mặt chính trị.
5. Để tăng cường và đoàn kết lực lượng cũng như để mở rộng ảnh hưởng của nó và làm việc một cách hiệu quả, Mặt trận Thống Nhất Dân Chủ Đông Dương cần phải có quan hệ chặt chẽ với Mặt trận Bình Dân ở Pháp, vì Mặt trận Bình Dân cũng đấu tranh vì tự do, dân chủ và có thể giúp đỡ chúng ta rất nhiều.
6. Đảng không nên đòi hỏi Mặt trận phải thừa nhận sự lãnh đạo của đảng. Đảng cần phải thể hiện là một tổ chức đóng góp những hy sinh lớn lao và là một tổ chức bao gồm những người trung kiên, hăng hái. Chỉ nhờ vào công tác đấu tranh hàng ngày, quần chúng nhân dân sẽ thừa nhận chính sách đúng đắn, khả năng lãnh đạo của Đảng và có thể giữ được vị trí lãnh đạo.
7. Để có thể tiến hành những nhiệm vụ nói trên, Đảng cần phải chiến đấu không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa bè phái và cần phải tổ chức một cách có hệ thống sự hợp tác Marxist - Leninist để nâng cao hiểu biết chính trị, văn hoá cho toàn thể đảng viên. Đảng cần phải trợ giúp những cán bộ ngoài đảng để nâng cao mức hiểu biết của họ. Đảng cần phải duy trì chặt chẽ mối liên lạc với Đảng cộng sản Pháp.[339]
Nguyễn Ái Quốc kèm bản sao bức thư vào bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản. Đây là sự liên lạc chính thức đầu tiên của ông với các đồng chí của mình ở Moscow kể từ khi rời Moscow một năm trước đây. Quốc xin lỗi vì chậm trễ báo cáo tình hình châu Á, do cuộc khủng hoảng hiện thời phá hỏng những kế hoạch của ông. Ông báo cáo đã làm một số việc để liên lạc xúc với Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng không có kết quả. Trong lúc chờ đợi, ông nói, ông viết tay tác phẩm Khu vực đặc biệt (nói về những vùng giải phóng của Đảng cộng sản Trung Quốc ở bắc Trung Hoa) và một số bài báo.
Nguyễn Ái Quốc cũng cáo lỗi vì những thiếu sót nếu có về mặt lý luận trong bức thư khuyên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, giải thích (có lẽ không đúng sự thật), đã đánh mất cuốn hướng dẫn chiến lược Quốc tế Cộng sản mà ông luôn mang theo người từ Moscow nên buộc phải sử dụng trí nhớ. Bằng cách nói bóng gió, đề nghị các đồng chí ở Liên Xô soát lại cẩn thận xem liệu ông có sai sót nào không. Rồi ông kết luận bằng việc thảo luận tình hình hiện tại ở Đông Dương, chỉ rõ rằng cuộc bầu cử Mặt trận Bình Dân ở Pháp đã tạo ra một số cải thiện từ năm 1936, nhưng ông nói thêm, nhiều cải cách đã bị đảo ngược do sự bổ nhiệm nhiều nhân vật bảo thủ vào chính phủ của Thủ tướng Edouard Daladier cuối năm 1938. Sự nghiêng ngả của chính phủ sang phía cánh hữu đã nổ ra một số cuộc đình công của công nhân, nhiều người trong số này được sự ủng hộ của những tầng lớp khác ở Việt Nam.[340]
Tháng 2-1939, Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ thị Tư lệnh Diệp Kiếm Anh mở ra một chương trình huấn luyện quân sự tại Hoành Dương, cách Quế Lâm tỉnh Hồ Nam 200 dặm về phía đông bắc. Chương trình này là một thử nghiệm hợp tác giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Quốc Dân Đảng có kế hoạch từ mùa thu năm trước. Một viện được thành lập gần thị trấn Nam Dương để huấn luyện binh sĩ Quốc gia Trung Hoa tiến hành chiến tranh du kích trong vùng địch. Tưởng Giới Thạch chỉ thị Diệp Kiếm Anh chọn một vài cán bộ cộng sản để hướng dẫn những lớp học này. Lớp học đầu tiên khai giảng ngày 15 tháng 2, kết thúc vào giữa tháng 5. Lớp thứ hai khai mạc ngay sau đó. Tháng 6, vẫn giữ tên Hà Quang nhưng mang hàm thiếu tá, Nguyễn Ái Quốc được cử từ Quế Lâm tới Hoành Dương làm nhân viên hành chính tại viện. Ông cũng là người vận hành điện đài của đơn vị. Ông sống cùng với nhân viên hành chính khác trong một ngôi nhà có vườn của một địa chủ địa phương nằm ở phía tây thị trấn.
Sau khi hoàn thành trách nhiệm vào cuối tháng Chín, Nguyễn Ái Quốc trở lại Quế Lâm. Vài ngày sau ông tới Long Châu, một thị trấn của tỉnh Quảng Tây nơi Lê Hồng Phong từng sống năm 1932, với hy vọng bắt liên lạc với hai cán bộ được Ban Chấp Hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đặc cách cử sang vì mục đích này. Tuy nhiên, trước lúc Quốc tới nơi, hai cán bộ này đã cạn tiền và trở về Đông Dương.[341]
Cố gắng đầu tiên của ông để tái lập liên lạc với giới lãnh đạo đảng ở Đông Dương thất bại, Nguyễn Ái Quốc trở lại Quế Lâm để có thu xếp khác. Lúc này ông quyết định tới Trùng Khánh, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi Tưởng Giới Thạch đã lập thủ đô kháng chiến sau khi Nhật chiếm thung lũng Dương Tử. Chuyến đi của Quốc tới Trùng Khánh tìm sự giúp đỡ của cơ quan liên lạc Đảng cộng sản Trung Quốc ở đó. Trên đường, ông dừng chân tại Quế Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, tạm trú trong một phòng ở tầng trên một cơ quan Bát Lộ Quân địa phương. Ngày 7 tháng 11, ông rời Quế Dương tới Trùng Khánh. Thu xếp một chỗ ở Văn Phòng Liên Lạc của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông làm bạn với Chu Ân Lai - người ông từng biết ở Paris và sau này ở Quảng Đông. Tại đây Chu là chính uỷ của Tưởng Giới Thạch tại Trường Quân Sự Hoàng Phố. Lúc này Chu Ân Lai đang là trưởng ban liên lạc Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Một đồng nghiệp Trung Hoa sau này nhớ lại, Quốc sống đơn giản, ăn mặc theo lối nông dân, giọng Quảng Đông, đi đâu cũng đem theo chiếc máy chữ. Ít người trong cơ quan biết được danh tính thực của ông.[342]
Thật trớ trêu, chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc tới Trùng Khánh khiến ông lỡ dịp may bắt liên lạc với các đồng chí từ Việt Nam. Ngày 11 tháng 11, Phùng Chí Kiên và đồng sự Đặng Văn Cáp đến Quế Dương để gặp ông. Là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương từ hội nghị Macao năm 1935, Kiên từng sống ở nam Trung Quốc và Hong Kong. Mới đây đã cộng tác với hai đảng viên kỳ cựu khác, Hoàng Văn Hoan và Vũ Anh, thành lập “chi nhánh đảng ở hải ngoại” tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, để giải quyết công việc Đảng ở nam Trung Hoa. Họ phải cạnh tranh gay gắt những thành viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hội Thanh Niên Cách mạng - kẻ thù của họ, do cựu trào dân tộc chủ nghĩa Vũ Hồng Khanh lãnh đạo. Cuối tháng 10-1939, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Kiên bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc ở Quế Dương. Khi biết vừa lỡ hẹn không gặp được Quốc, Kiên trở lại Côn Minh, còn Đặng Văn Cáp ở lại chờ Nguyễn Ái Quốc quay lại. Nhưng kế hoạch một lần nữa cũng không thành. Quốc trở lại Quế Dương ngày 18 tháng 11, nhưng do tắc nghẽn người trên đường phố xung quanh cơ quan, Cáp không thể gặp Quốc.
Lúc này, Nguyễn Ái Quốc cũng vừa biết đến chi nhánh mới của đảng ở hải ngoại tại Côn Minh, tháng 2-1940 ông đến đó gặp Phùng Chí Kiên và các đồng chí. Vũ Anh, một cán bộ xuất thân từ công nhân, bí danh Trịnh Đông Hải, lái xe tải ở nhà máy xẻ gỗ, sau này viết:
Một hôm vào cuối tháng Hai, một người tuổi trung niên, mặc âu phục, cà vạt, đến công ty Vĩnh An, hỏi bằng tiếng Trung Quốc: “ở đây có vị nào tên Trịnh Đông Hải không?” Tôi lên tiếng và chạy ra gặp. Ông ta lại dùng tiếng Việt nói nhỏ với tôi: Tôi là Trần. Chúng ta hãy ra công viên nói chuyện… Tới công viên, tôi mới chợt để ý, ông Trần đi rất nhanh, có đôi mắt sáng. Tôi đoán, phải là một cán bộ trọng yếu, nhưng vẫn không thể tưởng tượng nổi đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Lúc đó tôi chỉ biết, đó là người mà Trung ương đã phái cán bộ đi tìm, hơn nữa, được đảng anh em giúp đỡ tìm kiếm, nhất định phải là người hoàn toàn đáng tin cậy”.[343]
Vũ Anh thông báo cho người khách, Đảng đã lập một mạng lưới bí mật ở tỉnh Vân Nam, sử dụng vỏ bọc của một công ty thương mại và dẫn ông tới gặp Phùng Chí Kiên. Họ đã gặp Hoàng Văn Hoan, người tốt nghiệp trường huấn luyện của Hội ở Quảng Châu, từng nhiều năm làm việc tại chi nhánh của Đảng ở Xiêm và lúc này là một thợ may ở Côn Minh. Quốc trọ tại một hiệu sách địa phương, đồng thời khuyên các đồng chí tiến hành hoạt động cách mạng trong vùng. Như thường lệ, ông mang theo máy chữ bên mình, viết một số bài báo cho báo Đồng Thanh - tờ báo của chi nhánh đảng ở hải ngoại. Tháng Tư, ông tháp tùng Phùng Chí Kiên thăm những căn cứ của Đảng dọc đường xe lửa từ Côn Minh tới biên giới Đông Dương. Người Pháp đã xây dựng đường xe lửa đó, sử dụng vài ngàn công nhân Việt Nam làm đường, để tạo thuận lợi giao thông giữa Đông Dương và những tỉnh phía nam Trung Hoa. Giả trang ông già nông dân trong bộ quần áo ka - ki bạc màu, “ông Trần” dừng lại ở một vài thị trấn dọc đường trong thời gian vài tuần lễ, xem xét tình hình và đưa ra những lời khuyên về chính trị, sau đó trở lại Côn Minh cuối tháng 5-1940.[344]
Trong lúc đó, tình hình đảng viên đang trở nên sôi động ở Đông Dương. Chính phủ Daladier báo hiệu sự kết thúc Mặt trận Bình dân ở Pháp. Chính phủ thuộc địa cấm đoán khắc nghiệt những hoạt động của Đảng ở Đông Dương. Tiếp đó, cuối tháng Tám, một tuyên bố gây sốc dư luận: Đức Quốc Xã và Liên Xô đã ký một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Một tuần sau, quân đội Đức vượt qua biên giới Ba Lan. Anh và Pháp tuyên chiến với Đức.
Những tin tức này đã có tác động thảm hoạ đến hoạt động của Đảng ở Đông Dương. Toàn quyền mới, tướng Georges Catroux, tức khắc ra lệnh thẳng tay đàn áp những hoạt động công khai và bán công khai của Đảng cộng sản Đông Dương cũng như những tổ chức chính trị cấp tiến khác. Lê Hồng Phong, đại diện Đảng cộng sản Đông Dương tại Cộng sản Quốc tế, bị mật thám theo dõi sát sao từng bước, lại bị bắt tại Sài Gòn cuối tháng Chín. Hà Huy Tập, người phê phán mạnh mẽ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Macao, đã nằm trong tù khi cảnh sát vây ráp trong cuộc tuần hành ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm trước. Trong một cố gắng tuyệt vọng để tránh thảm hoạ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương tại một địa điểm an toàn ở ngoại ô Sài Gòn đầu tháng Mười Một. Do mật thám tăng cường theo dõi, chỉ có bốn uỷ viên đến dự, không có đại diện Xứ uỷ Bắc Kỳ, (vừa phải chuyển trụ sở ra ngoại ô Hà Nội), dự định tiến hành một cuộc biểu tình. Cả bốn người cố gắng có mặt để thể hiện sự can đảm. Dù chính phủ đàn áp thẳng tay buộc Đảng quay về bí mật, nhưng khả năng gia tăng chiến tranh ở châu Âu đã tạo ra triển vọng sụp đổ của Pháp, sự can thiệp của Nhật Bản vào Đông Dương, làm tăng cơ hội cho cuộc nổi dậy của nhân dân giải phóng dân tộc. Tóm lại, không có ai đủ niềm tin hơn Lenin khi tuyên bố, thời gian tốt nhất để phát động cuộc cách mạng là khi chiến tranh thế giới nổ ra. Kết luận sự đàn áp thẳng tay của Pháp khiến chiến lược Mặt trận Bình Dân trở thành vô nghĩa, Ban Chấp Hành vạch ra đường lối mới kêu gọi chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hội Thanh Niên Cách mạng sụp đổ một thập niên trước đây, vấn đề độc lập dân tộc của Việt Nam thu hút sự chú ý trực tiếp và tức thời của Đảng. Hai tháng sau, Nguyễn Văn Cừ và đồng sự Lê Duẩn, uỷ viên trẻ Ban Chấp hành Trung ương Xứ uỷ Trung Kỳ, người tham dự hội nghị tháng Mười Một, bị Pháp bắt và tống giam ở nhà tù Sài Gòn.[345]
Ngay sau khi Quốc trở lại Côn Minh vào tháng 5-1940, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp - hai uỷ viên dự khuyết của Đảng tới thành phố này, theo lệnh của Ban Chấp Hành Trung ương để huấn luyện thêm hoạt động cách mạng. Phạm Văn Đồng, một cựu trào của Đảng, đã tham dự Hội nghị Hội Thanh Niên Cách mạng ở Hong Kong vào tháng 5-1929, sinh năm 1908 ở tỉnh Quảng Ngãi, phía nam thành phố Đà Nẵng. Đồng là con trai của một viên quan đứng đầu đám quan lại dưới thời vua Duy Tân, Đồng đã tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế, sau đó tham gia phong trào cách mạng và bỏ sang Quảng Châu, ở đây ông học Trường Quân Sự Hoàng Phố. Với xương gò má cao, đôi mắt sâu, Đồng vẻ ngoài lặng lẽ, khác thường, ẩn bên trong tính cách mạnh mẽ, các đồng chí coi ông là người lãnh đạo có tiềm năng. Bị bắt trong hoạt động chống chính phủ tại Sài Gòn tháng 4-1931, ông bị giam vài năm ở nhà tù Côn Đảo. Sau vài năm trong “chuồng cọp”, buồng giam đầy tai tiếng rất dã man mà Pháp giam những tù chính trị nguy hiểm trong thời kỳ thuộc địa, ông được ân xá năm 1937, làm nhà báo trong thời kỳ Mặt trận Bình Dân.
Cộng sự của ông, Võ Nguyên Giáp, sinh năm 1911 ở tỉnh Quảng Bình. Giáp cũng xuất thân gia đình quan lại, nhưng ông ngoại của ông đã tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp thập niên 1880. Năm 1924, Giáp theo học Trường Quốc Học Huế, tính tình sôi nổi và mạnh mẽ, sớm bị cuốn vào những hoạt động cấp tiến sau khi dự đám tang Phan Chu Trinh. Bị đuổi khỏi trường năm 1927, ông tham gia Đảng Tân Việt nhưng sau chạy sang Đảng cộng sản Đông Dương, bị bắt vì tham gia những cuộc biểu tình của sinh viên ở Huế trong thời kỳ Nghệ Tĩnh nổi dậy. Được thả khỏi nhà tù năm 1933, ông trở lại đi học, cuối cùng nhận bằng cử nhân luật tại Đại học Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông không trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp mà nhận làm giáo viên sử học tại một trường trung học tư thục ở Hà Nội. Ở đó ông gặp Nguyễn Thị Minh Giang (Quang Thái), em gái của vợ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai. Họ kết hôn, Minh Giang sinh một cô con gái, đồng thời Giáp (bí danh Văn) làm nhà báo của tờ báo Tiếng Dân của Đảng. Ông cộng tác với Trường Chinh, viết tài liệu tóm tắt tình hình nông thôn ở Đông Dương. Lúc này dưới sự theo dõi chặt của cảnh sát, Giáp trở nên say mê lịch sử quân sự, đọc ngấu nghiến nhiều cuốn sách về quân sự tại thư viện quốc gia thành phố Hà Nội.
Theo chính ông kể, Võ Nguyên Giáp được Hoàng Văn Thụ ra lệnh rời Hà Nội tới Trung Hoa. Hoàng Văn Thụ, đảng viên trẻ, dân tộc Thổ, được bầu vào Ban Chấp Hành Trung ương năm 1938 và lúc đó là bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Thụ thường trao đổi với Giáp về vấn đề quân sự, chỉ thị Giáp xem xét cẩn thận khả năng chiến tranh du kích trong một cuộc chống Pháp trong tương lai, (điều này không làm Giáp lạ lẫm, vì ông biết rõ chiến thuật Maoist ở Trung Hoa và cách sử dụng tương tự trong chiến tranh giữ nước qua các thời kỳ cổ đại ở Việt Nam), gợi ý nên đến Trung Hoa, lần đầu tiên Giáp cũng muốn gặp Nguyễn Ái Quốc.
Sau cuộc thảo luận với Hoàng Văn Thụ, Võ Nguyên Giáp chuẩn bị cho chuyến đi Trung Hoa. Đầu tháng Năm, sau khi tan lớp buổi dạy học cuối cùng, ông đi bộ tới Hồ Tây, phía bắc ngoại ô Hà Nội, từ biệt người vợ trẻ và đứa con gái mới sinh. Họ thoả thuận, vợ chồng sẽ đoàn tụ ở Trung Hoa ngay khi bà thu xếp được người chăm sóc con gái. Nhưng họ không bao giờ gặp lại nhau. Đi cùng Phạm Văn Đồng vẫn còn ốm yếu xanh xao do những năm tù đày ở Côn Đảo, Giáp rời Hà Nội đi về phía biên giới Trung Hoa. Đi tàu hoả tới Lào Cai, họ vượt biên giới vào Trung Hoa, tiếp tục đi Côn Minh. Nhà cầm quyền theo dõi sát sao đoàn tầu nên khi nhân viên thanh tra cảnh sát đến từng toa kiểm tra thẻ căn cước, hai người phải trốn vào xó kín cho đến khi chúng đi khỏi.[346]
Đầu tháng Sáu, khi tới Côn Minh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng gặp Phùng Chí Kiên và Vũ Anh, hai cán bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở đó, nói họ chờ gặp ông Vương, người sẽ trao cho họ nhiệm vụ mới. Vương (chính là Nguyễn Ái Quốc) gặp họ tại một địa điểm ven Hồ Thanh Thiên - một địa điểm thơ mộng trong khu thương mại Côn Minh - chỉ thị họ đi tới Diên An theo học một khoá quân sự ở trường quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc ở đấy. Vài ngày sau Giáp và Đồng đi Quế Dương, ở đây họ buộc phải chờ tại văn phòng liên lạc Bát Lộ Quân Đảng cộng sản Trung Quốc lấy giấy phép đi đường tới Diên An. Nhưng ngay khi họ vừa xuất phát lên phía bắc, đột nhiên nhận được điện của Nguyễn Ái Quốc nói ông sẽ tới Quế Dương, yêu cầu chờ ông ở đó hơn là đi tiếp.
Kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc phải thay đổi do những biến cố mới xảy ra ở châu Âu, cuộc tấn công của Đức tháng 5-1940 dẫn đến sự đầu hàng của Pháp ngày 22 tháng 6. Như Quốc giải thích, việc Đức chiếm đóng Pháp và sự hình thành chế độ bù nhìn Vichy ở nam nước Pháp có nghĩa“những thay đổi mới chắc chắn sẽ xảy ra ở Đông Dương”. Vài ngày sau, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh cũng đến Quế Dương, Quốc cùng họ đi tới Quế Lâm. Ở đây ông triệu tập cuộc họp ban biên tập tạp chí Đồng Thanh, tờ báo hải ngoại của Đảng, để thảo luận tình hình. Quốc nhấn mạnh,”Việc Pháp thất bại đem lại cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Chúng ta cần phải tìm mọi cách trở về nước tận dụng cơ hội này. Chậm trễ sẽ làm hại cho cách mạng”. Một trong các đồng chí của ông hỏi về lấy vũ khí ở đâu, Quốc đáp:
Chúng ta sẽ có vũ khí khi chúng ta phát động tổng khởi nghĩa. Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nhưng nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người bảo quản? Vì vậy chúng ta phải tìm cách về nước, phát động quần chúng. Khi quần chúng thức tỉnh, họ sẽ có vũ khí.[347]
Sau khi thảo luận với với các đồng chí của mình, Nguyễn Ái Quốc ra lệnh Vũ Anh và Phùng Chí Kiên trở về Quế Dương gặp Giáp và Phạm Văn Đồng, tháp tùng họ quay về Quế Lâm. Ở đó họ sẽ được hướng dẫn để chuẩn bị cho việc giới lãnh đạo đảng hải ngoại trở về Đông Dương. Quốc chỉ thị các đồng chí khác bắt liên lạc với giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tại Diên An, sau đó ông thu xếp để bay tới Trùng Khánh hội ý với Chu Ân Lai và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc về chiến lược. Ông trở lại Côn Minh bằng xe khách, tới đây vào cuối tháng 7.[348]
Dù những điều kiện đang chín muồi cho khởi đầu một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, một số quyết định quan trọng phải được thực hiện. Thứ nhất, quyết định thành lập trụ sở hải ngoại cho Đảng vì nó chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Nguyễn Ái Quốc đã điều động các đồng chí của ông tới phía nam tỉnh Vân Nam, giáp giới Bắc Kỳ, nhưng cuối cùng ông quyết định, những điều kiện ở đó chưa thuận lợi do Đảng thiếu sự ủng hộ của quần chúng ở hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai dọc biên giới. Hơn nữa, cả hai tỉnh này có nhiều núi non hiểm trở khó đi lại và khá xa đồng bằng sông Hồng. Theo ông, chỗ tốt nhất là khu vực dọc biên giới phía nam tỉnh Quảng Tây. Phần đông nhân dân có thiện cảm với đảng ở cả hai phía biên giới, đồng thời những quan chức Trung Hoa những huyện biên giới có thể sẽ có thiện ý cộng tác với những người lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương để huấn luyện những đơn vị vũ trang chống chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Sau khi từ Trùng Khánh về Côn Minh, Quốc nhận được bức thư của Hồ Học Lãm, một sĩ quan Quốc Dân Đảng, người có thiện cảm và ủng hộ cách mạng Việt Nam từ cuối thập niên 1920, khi Phan Bội Châu trú ở nhà ông tại Hàng Châu. Lãm cho Quốc biết Trương Bội Công, tướng Quốc Dân Đảng, gốc dân tộc thiểu số Việt nam, vừa được cấp trên chỉ thị tổ chức những người Việt Nam yêu nước ở khu vực biên giới phía bắc tỉnh Cao Bằng để chuẩn bị cho những chiến dịch ở Đông Dương. Vì tướng Công khét tiếng chống Cộng, Lãm khuyên Quốc cử một số đồng chí của mình vào vùng này để bảo vệ quyền lợi của Đảng.
Sở dĩ Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến Đông Dương thuộc Pháp do quân đội Nhật xuất hiện tại vùng này. Đầu năm 1940, những hoạt động quân sự của Nhật Bản bắt đầu lan rộng xuống phía nam sông Dương Tử tiến đến xung quanh Quảng Đông, cũng như đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông. Cuối mùa xuân, Tokyo bắt đầu gây áp lực mạnh đối với chính quyền thực dân Pháp để cấm việc vận chuyển vũ khí và tiếp liệu cho lực lượng Quốc Dân Đảng từ sông Hồng vào nam Trung Hoa. Toàn quyền Đông Dương Georges Catroux tỏ ý chống lại áp lực này, nhưng do không có sự ủng hộ của chính phủ Paris, ông quay sang phía Mỹ, đề nghị Mỹ cho máy bay chiến đấu từ Philippines sang. Tuy nhiên, tổng thống Franklin Roosevelt đã từ chối lời thỉnh cầu, viện cớ máy bay chiến đấu Mỹ trong khu vực cần phải bảo vệ quyền lợi dân tộc Mỹ. Vì vậy Catroux phải chấp nhận những đòi hỏi ngang ngược của Nhật Bản đóng cửa biên giới, một hành động khiến ông bị chính phủ bù nhìn Pháp ở Vichy cách chức vào tháng Bẩy.
Đô đốc Jean Decoux, thay thế Catroux, ngay lập tức gặp phải một loạt những yêu cầu mới của Nhật Bản đòi sử dụng những sân bay và cho phép đồn trú vài ngàn quân đội Nhật ở Bắc Kỳ. Decoux miễn cưỡng đồng ý. Nhưng ngày 22 tháng 9, thậm chí trước khi đặt chân tới đây, các đơn vị quân đội Nhật Bản khu vực dọc biên giới Trung Hoa đã doạ dẫm Catroux bằng một cuộc tấn công vào những đồn bốt Pháp dọc biên giới Lạng Sơn. Sát cánh với họ là những lực lượng dân tộc chủ nghĩa Việt Nam thuộc Quang Phục Hội, một tổ chức thân Nhật mới được hình thành dưới sự lãnh đạo Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lưu vong đang sống ở Tokyo, đồng sự cũ của Phan Bội Châu.
Cuộc tấn công của Nhật Bản ở biên giới khiến những đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương sống trong vùng phải cảnh giác. Trong thập niên 1930, Đảng đã thận trọng xây dựng một cơ sở nhỏ được sự ủng hộ của nhân dân vùng núi quanh Lạng Sơn. Phần đông nhân dân trong vùng thuộc sắc tộc thiểu số Tày, Nùng và Thổ. Đa số làm nông nghiệp qua nhiều thế kỷ và ít quan hệ với người Việt ở đồng bằng, hoặc với chính quyền thực dân Pháp tại những thị xã và thành phố lớn. Các chi bộ đảng đầu tiên được thành lập gần thị trấn Cao Bằng vào mùa xuân 1930, trong những năm sau một số ít cán bộ dân tộc ít người được đưa vào những vị trí quan trọng của Đảng cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị Macao tháng 3-1935, Hoàng Đình Giong, dân tộc Tày, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Hoàng Văn Thụ, dân tộc Thổ, người ra lệnh Võ Nguyên Giáp tới Trung Hoa, vài năm sau cũng trúng cử ban chấp hành. Những cố gắng trong công tác tổ chức tạo thuận lợi do cương lĩnh chính trị của Đảng, theo đường lối Leninist - hứa hẹn đem lại quyền tự quyết vận mệnh cho tất cả dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng Việt Nam tương lai. Trong khi đưa ra những lời cường điệu họ tin tưởng đã chuyển khối quần chúng sang thân cộng sản, Đảng có một cơ sở vững mạnh nằm trong những người thiện cảm trong vùng.[349]
Mùa thu năm 1940, những cố gắng đó bắt đầu đem lại kết quả. Ngày 27 tháng 9, khi tin Nhật can thiệp lan ra khắp khu vực, cán bộ đảng tận dụng thời cơ quân đội Pháp hoang mang, đã ra lệnh cho nhân dân thiểu số địa phương tấn công những làng ở huyện Bắc Sơn, phía tây Lạng Sơn. Thoạt đầu, lực lượng nổi dậy nhân lúc địch hoang mang, chiếm một số làng và thu được vũ khí từ các kho súng. Nhưng sau khi chính quyền thực dân thoả thuận ngừng bắn với Nhật, lực lượng Pháp quay lại phản công, bình định khu vực. Cuối tháng Mười, lực lượng nổi dậy tan rã thành những nhóm du kích nhỏ chạy vào rừng, trong khi số còn lại chạy qua biên giới Trung Hoa hy vọng được huấn luyện và nhận vũ khí từ Trương Bội Công.
Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm đầu tháng Mười, khi khởi nghĩa Bắc Sơn - cách gọi sau này - đang tiếp diễn. Ông sống trong một túp lều ở nông thôn và phát hiện khi vắng mặt, các đồng chí của ông đã gặp Lý Tế Thâm, tham mưu trưởng chiến trường tây - nam của Quốc Dân Đảng ở thành phố, chính viên tư lệnh Quốc Dân Đảng này từng đàn áp cuộc nổi dậy của cộng sản ở Quảng Châu mùa xuân 1927. Tuy nhiên, tướng Lý lịch thiệp đề nghị những vị khách đưa ra kế hoạch giúp đỡ của địa phương phục vụ cho cuộc can thiệp sắp tới của Đồng Minh vào Đông Dương. Nghe những tin tức từ các cộng sự, Quốc cảnh giác. Ông cảnh báo, chúng ta chỉ có hai đồng minh thật sự, Hồng Quân ở Liên Xô và Giải Phóng Quân Trung Quốc. Dù Tưởng Giới Thạch bây giờ đang chiến đấu chống Nhật, chính phủ ông ta về cơ bản là phản cách mạng. Nếu Đảng cộng sản Đông Dương bị họ lừa bịp “sẽ rất nguy hiểm”.[350]
Lời cảnh báo của Nguyễn Ái Quốc đúng như thực tế xảy ra. Tình hình ở Quế Lâm trở nên hiểm nghèo, chính quyền Tưởng lại bắt đầu tấn công phe cộng sản. Với quyết định phải thành lập căn cứ hoạt động sát biên giới, Quốc cử Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp đến Liễu Châu đánh giá tình hình, chuẩn bị cở sở tại đó. Tới Liễu Châu, họ liên lạc với Trương Bội Công, người có ý đồ lôi kéo hai người với mục đích riêng, nhưng Giáp cảnh giác. Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc bí mật tới Liễu Châu, thay đổi tên, khuyên các cộng sự trở về Quế Lâm để xây dựng cơ sở hoạt động tạm thời.
Trong lúc ấy, Quốc đưa ra một số ý kiến quan trọng để thành lập mặt trận thống nhất mới phù hợp với tình hình mới. Mặt trận đó phải chịu sự chỉ đạo và đường lối của Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng vai trò của Đảng phải được ngụy trang kín đáo, làm giảm nỗi lo sợ của những người ngoài đảng trong và ngoài nước có khuynh hướng chính trị khác nhau của mặt trận. Quốc dự kiến thành lập một tổ chức rộng rãi thống nhất tất cả những lực lượng yêu nước cùng chiến đấu đánh đuổi chính quyền thực dân Pháp. Nguyễn Ái Quốc đưa ra ba tên để lựa chọn cho tổ chức mới, Việt Nam Giải Phóng Đồng Minh, Việt Nam Phản đế Đồng Minh, hoặc Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, nhưng ông tỏ ra ưa thích tên Việt Nam Độc lập Đồng Minh. Mấy năm trước, một tổ chức cũng mang tên đó do Hồ Học Lãm sáng lập, đóng góp một thời gian ngắn như một cỗ xe cho sự hợp tác giữa những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa và cộng sản đang sống ở khu vực thành phố Nam Kinh. Giờ đây hy vọng nó có thể phụng sự một mục đích tương tự trong việc hồi sinh này.[351]
Sau khi thảo luận, mọi người đồng ý chấp nhận đề xuất của Nguyễn Ái Quốc tên nhóm mới, gọi tắt Mặt trận Việt Minh. Để thu hút những người ôn hoà, Hồ Học Lãm, đang sống ở Quế Lâm, được mời làm Chủ tịch tổ chức, đồng thời Phạm Văn Đồng (tên giả Lâm Bá Kiệt) làm phó chủ tịch. Che đậy dưới vỏ bọc mới, nhóm này gặp tướng Lý Tế Thâm một lần nữa để tìm kiếm sự ủng hộ trong việc huy động Việt kiều ở nam Trung Hoa cho những hoạt động quân sự sắp tới ở Đông Dương. Dù một số thuộc cấp của ông nghi ngờ mục đích chính trị của tổ chức, song Lý Tế Thâm chấp thuận, mặt trận mới được chính thức công nhận. Tuy vậy Lý Tế Thâm cũng cảnh cáo những vị khách, không cho phép những người cộng sản chiếm vai trò chủ đạo trong tổ chức này.[352]
Trong lúc Nguyễn Ái Quốc và các đồng sự ở Quế Lâm cố gắng hết sức để người cầm đầu quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa ủng hộ những hoạt động sắp tới ở Đông Dương, kẻ thù của họ Trương Bội Công, cũng tích cực lôi kéo quần chúng dọc biên giới. Sau khi biết tin bốn mươi chiến sĩ kháng chiến Việt Nam đã vượt biên giới vào tỉnh Quảng Tây để thoát khỏi bị Pháp bắt, Công rời Liễu Châu đến Tĩnh Tây, một thị trấn nhỏ cách Cao Bằng ba mươi dặm về phía bắc theo đường núi, với toan tính lôi kéo họ.
Lúc này Ban Chấp hành Trung ương, trụ sở đặt tại Sài Gòn, hầu như đã hoàn toàn rồi loạn. Tất cả uỷ viên Ban Chấp Hành đã vào tù, trừ Phan Đăng Lưu, đồng thời mối liên kết giữa Xứ uỷ Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã bị phá vỡ.
Thiếu liên lạc với những khu vực khác và với ban lãnh đạo hải ngoại ở nam Trung Hoa, Xứ uỷ Nam Kỳ phải hoạt động độc lập theo cách riêng. Trần Văn Giàu, xứ uỷ viên, ra tù tháng 5-1940, nhưng sau năm ngày lại bị bắt. Trước đó từng có cuộc thảo luận phát động cuộc tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ để lợi dụng sự bất mãn đang tăng lên của nhân dân địa phương. Điều kiện sản xuất nông nghiệp ở đây không xấu như những vùng khác trong cả nước, nhưng thuế cao và có hơn 30 phần trăm nhân dân có thiện cảm với những người cộng sản. Mùa xuân năm ấy, tình hình căng thẳng tăng lên khi chính phủ thuộc địa bắt đầu bắt lính người Việt đưa vào phục vụ các đơn vị đóng ở châu Âu, hoặc đưa sang Campuchia, chuẩn bị chiến tranh với chính quyền Xiêm, do Bangkok đòi lại lãnh thổ bị Pháp chiếm năm 1907. Hoạt động của Đảng khai thác sự bất mãn trong hàng ngũ binh sĩ, bằng cách tung ra những khẩu hiệu “không chết thay cho bọn thực dân (Pháp kiều ở Đông Dương) ở Campuchia”. Phát động những cuộc biểu tình quần chúng nổ ra tại những huyện lỵ đồng bằng Cửu Long. Đối với nhiều nông dân nghèo ở Nam Kỳ, việc bắt lính không chỉ đe đoạ chết chóc hoặc thương tật trên chiến trường, mà còn làm gia đình họ khó khăn hơn về kinh tế.
Tháng Bẩy, Xứ ủy Nam Kỳ, dưới sự lãnh đạo của bí thư Tạ Uyên, thông qua kế hoạch nửa vời, không dứt khoát chuẩn bị cho cuộc nổi dậy được Hội nghị VI thông qua tháng 11-1939 (phiên họp toàn thể lần thứ VI kể từ Đại hội toàn thể thứ Nhất của Đảng vào tháng 3-1935). Tuy vậy, trước hết, giới lãnh đạo khởi nghĩa cử Phan Đăng Lưu ra miền Bắc gặp Xứ uỷ Bắc Kỳ xin tư vấn. Trong ba tháng đó, hàng ngàn binh lính Việt Nam bạo động tại Sài Gòn và những thành phố khác trong vùng này để phản đối kế hoạch đưa họ đến biên giới Xiêm. Tạ Uyên vội vã phát lệnh nổi dậy cuối tháng Mười Một, bất chấp Phan Đăng Lưu chưa trở lại từ sứ mệnh tới Bắc Kỳ.
Thực ra, Phan Đăng Lưu đã tới Hà Nội, gặp Xứ uỷ Bắc Kỳ ngay trong lúc họ đang họp đánh giá tình hình chung tại trụ sở ở ngoài Hà Nội trong bối cảnh khởi nghĩa Bắc Sơn bị thất bại. Ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Kỳ gồm Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ, phản đối kế hoạch của Tạ Uyên, viện lẽ, tình hình cả nước chưa chín muồi để cuộc khởi nghĩa thành công. Đồng thời đưa ra lời khuyên, phải tăng cường chuẩn bị từng bước cho những cuộc nổi dậy địa phương ở nơi tình hình thuận lợi. Cử Hoàng Văn Thụ trợ giúp những nhóm kháng chiến tại Bắc Sơn, tái tổ chức thành những đơn vị du kích trong rừng núi gần biên giới. Cuối cùng, để lấp chỗ trống cho Xứ uỷ Nam Kỳ bị Pháp bắt, Ban Chấp Hành Xứ uỷ Bắc Kỳ tự thân chuyển thành Ban Chấp Hành Trung ương lâm thời, do Trường Chinh tạm thời làm tổng bí thư.[353]
Trước khi kết thúc, Ban Chấp hành chỉ thị Phan Đăng Lưu trở về Nam Kỳ, yêu cầu hoãn cuộc nổi dậy. Phan Đăng Lưu đến Sài Gòn ngày 23-11, bị cảnh sát Pháp bắt ngay tại sân ga. Dù thế nào đi nữa, ông về muộn, cuộc nổi dậy đã nổ ra một ngày trước đó ở vùng nông thôn phía tây - nam Sài Gòn, vài huyện từ tỉnh Mỹ Tho tới tỉnh Đồng Tháp Mười đã bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ một thời gian ngắn. Những vụ bạo động hưởng ứng cũng nổ ra tại Sài Gòn, nhưng nhà cầm quyền đã biết trước nên dễ dàng đè bẹp cuộc nổi dậy. Thời gian đó, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu sau bốn ngày phản công của Pháp, với hơn một trăm người bị giết và hàng ngàn người bị bắt và bỏ tù. Tại Sài Gòn, hàng trăm đảng viên cộng sản bị vây bắt, trong đó có Nguyễn Thị Minh Khai, vợ cũ của Nguyễn Ái Quốc. Cảnh sát tìm thấy trong nhà bà một số tài liệu để buộc tội. Tháng 3-1941, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Tập bị Toà án quân sự Sài Gòn kết án tử hình. Tất cả bị hành quyết ngay sau đó. Tạ Uyên hình như chết trong cuộc nổi dậy. Trước khi chết, Nguyễn Thị Minh Khai có cuộc gặp mặt ngắn ngủi với chồng là Lê Hồng Phong, bị tù từ tháng 6-1939. Ông chết do tra tấn dã man hoặc vì bị nhốt trong “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo vào tháng 9-1942.[354]
Ở Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc vẫn theo dõi những hoạt động lôi kéo của Trương Bội Công ở Tĩnh Tây qua những bức thư của một người có thiện cảm với cộng sản nằm trong hàng ngũ Trương Bội Công. Cuối cùng, Quốc ra lệnh Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh tới vùng biên giới để đánh giá tình hình, đưa ra những lựa chọn sao cho có lợi cho Đảng. Tới nơi, họ thuyết phục tướng Trương Bội Công mời Hồ Học Lãm, chủ tịch Việt Nam Độc Lập Hội mới thành lập, tới Tĩnh Tây để trợ giúp công việc tuyển mộ. Quốc biết tin đàn áp cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ, dự đoán tác động đó tới bộ máy Đảng ở miền Nam có thể rất lớn. Khi Trương Bội Công mời Hồ Học Lãm tới trụ sở của Quốc ở Quế Lâm, ông nhấn mạnh với các đồng chí của mình: “Tình hình thế giới và trong nước đang có lợi cho chúng ta, nhưng giờ phút khởi nghĩa vẫn còn chưa tới. Tuy nhiên, vì tình hình sẵn sàng bùng nổ, cần phải nhanh chóng tìm chỗ rút lui cho những người yêu nước ẩn náu để bảo vệ phong trào”.[355]
Sự thật tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh, với những hậu quả khó lường. Đức Quốc Xã củng cố việc chiếm đóng Pháp và Hà Lan, bây giờ đang cố gắng san phẳng nước Anh bằng không lực. Dù Hiệp ước Xô-Đức ký tháng 8-1939 vẫn còn hiệu lực, nhưng việc Đức đưa quân vào vùng Balkans đã gây ra căng thẳng giữa hai nước. Ở Trung Hoa, Nhật Bản tiếp tục tiến quân vào miền trung đánh bại chính phủ Tưởng Giới Thạch, đồng thời đưa quân vào Đông Dương với sự miễn cưỡng đồng ý của chính quyền thực dân Pháp.
Công việc chuẩn bị cho chiến dịch trong tương lai gần như đã hoàn thành, Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Hoan và Đặng Văn Cáp rời Quế Lâm bằng ô tô. Từ Nam Ninh họ thong thả đi thuyền về phía tây dọc theo nhánh sông Châu Giang tới Điền Đông. Để giữ bí mật, Nguyễn Ái Quốc đóng vai nhà báo Trung Quốc và dùng tên mới, Hồ Chí Minh. Ông chỉ nói tiếng Pháp, có một lần tình cờ, ông lỡ lời. Khi một đồng chí làm rơi tàn thuốc lá vào quần áo ông, Quốc đột nhiên cảnh cáo đồng chí này bằng tiếng Việt, quần của ông bị cháy.[356]
Nguyễn Ái Quốc ở lại Điền Đông ít ngày, còn Phạm Văn Đồng tiếp tục đến Tĩnh Tây, gần biên giới, chuẩn bị điều kiện trước khi nhóm tới. Quãng đường cuối cùng phải đi bộ qua một đường mòn trên núi vào tháng 12. Tới Tĩnh Tây, Quốc phát hiện một nơi ở thuận lợi gần làng Tân Tô, sau đó chỉ thị Vũ Anh vượt biên giới vào Đông Dương để tìm một địa điểm thuận lợi cho hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương. Ông chỉ thị, địa điểm này phải ở nơi dân chúng địa phương có thiện cảm với cách mạng và phải có đường thoát trở lại Trung Hoa khi cần thiết.
Mục đích chính việc dời trụ sở đảng ở hải ngoại từ Quế Lâm về Tĩnh Tây là để tận dụng sự có mặt của lực lượng kháng chiến, đang nhận được vũ khí và đào tạo chống Nhật và Pháp. Sau khi đến nơi, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Phạm Văn Đồng lập một chương trình đào tạo của Đảng ở Tĩnh Tây nhằm huấn luyện công tác truyên truyền chính trị và đào tạo cán bộ trẻ. Khoá đầu tiên, học hai tuần vào tháng Một 1941, gồm ba phần chính: Tình hình thế giới và Đông Dương; Phương pháp lãnh đạo quần chúng như thế nào; Những phương pháp tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Tài liệu huấn luyện được Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, in bằng litô đóng thành cuốn sổ tay mỏng mang tên “Con đường giải phóng”. Lớp học dưới tán cây bên sườn đồi sát ngoại vi thị trấn. Nguyễn Ái Quốc đóng vai trò thầy giáo năng động, liên tục dặn đi dặn lại cho từng lớp tầm quan trọng trong cách cư xử đúng mực với dân địa phương, chẳng hạn cố gắng học tiếng dân tộc, tuân theo phong tục địa phương, cũng như ăn mặc quần áo địa phương để giữ bí mật. Những người tốt nghiệp dự lễ bế giảng tại một khoảng đất trống trong rừng, từng người bước lên phía trước hôn vào lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng tương lai của dân tộc. Sau đó họ trở về Đông Dương.
Nguyễn Ái Quốc cố gắng hàn gắn mối quan hệ mỏng manh của Đảng với Trương Bội Công. Quốc cử Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng hội đàm với Công để thành lập một tổ chức mới gọi là Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam để tạo điều kiện hợp tác giữa những người ủng hộ Công với đảng viên Đảng cộng sản. Phần đông những người ủng hộ Công trước đây từng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tổ chức mới đã chính thức thành lập vào tháng 12-1940 và Quốc, hoạt động dưới bí danh Hoàng Quốc Quyền làm chủ tịch uỷ ban điều hành của tổ chức này.[357]
Nhưng Nguyễn Ái Quốc dành đa số thời gian cho việc chuẩn bị hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương sắp tới, được ghi nhận trong lịch sử đảng như Hội nghị VII nổi tiếng. Đầu tháng 1-1941, Ban Chấp Hành lâm thời gồm Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt được thành lập ở Bắc Kỳ hai tháng trước đó, tới Tĩnh Tây để báo cáo với Nguyễn Ái Quốc về tình hình trước đó trong nước. Vũ Anh cũng đã trở về sau chuyến trinh sát qua biên giới, báo cáo tìm được địa điểm thích hợp để tổ chức hội nghị, đó là một cái hang rộng cạnh làng Pác Bó trong khu vực núi đá vôi chồi ra trong một cánh rừng xanh thẳm. Đa số dân địa phương là dân tộc Nùng.
Ngày 26-1, Quốc chia đoàn thành hai nhóm. Nhóm đi cùng ông trở về Việt Nam đóng ở Pác Bó, nhóm thứ hai tạm thời ở lại Tĩnh Tây. Trước khi nhóm của ông xuất phát, mọi người trong cùng dân địa phương ăn Tết âm lịch. Theo phong tục địa phương, Quốc tặng mỗi gia đình một phong bao nhỏ màu đỏ bên ngoài ghi mấy chữ Hán “Cung Chúc Tân Xuân” (Chúc mừng năm mới). Ngày 28-1-1941, Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba (người thiểu số) và một số đồng chí khác ăn mặc theo trang phục Nùng cùng Nguyễn Ái Quốc rời Tĩnh Tây, trực chỉ biên giới.
Chặng đường chừng 70 cây số, nhưng rất vất vả vì phải luồn rừng lội suối. Đầu tháng 2-1941, họ vượt biên giới tại một địa điểm có cắm cột mốc bằng đá. Từ chỗ đó, có một con đường mòn qua núi đá xuyên rừng xuống làng Pác Bó. Với sự giúp đỡ của dân địa phương thiện cảm với cách mạng, họ đã thu xếp được một chỗ ở tại một cái hang dân địa phương gọi là Cốc Bó (có nghĩa là Nguồn), nằm sau một khối đá một bên vách núi nhô ra. Khoảng 50 mét phía dưới miệng hang là con suối Nguyễn Ái Quốc đặt tên Suối Lenin. Từ chỗ này ngước nhìn lên cao là một đỉnh núi, Quốc đặt tên Đỉnh Núi Karl Marx. Trong hang, có một đường mòn bí mật chạy thẳng đến biên giới Trung Hoa gần một cây số.
Những năm sau này, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của ông nhớ lại những ngày sống ở Pác Bó. Điều kiện sống ở đây rất cực khổ. Họ ngủ trên chiếu lót bằng cành cây, sáng dậy lưng bầm tím. Bản thân hang ẩm ướt và lạnh, vì thế phải đốt lửa suốt đêm. Theo thói quen, Nguyễn Ái Quốc dậy sớm, xuống suối tắm, tập thể dục buổi sáng, sau đó làm việc trên một phiến đá bên góc suối Lenin. Như thường lệ, ông mất nhiều thời gian viết bài, thời kỳ này ông viết cho tờ báo địa phương của Đảng, Việt Nam Độc lập, in litô. Đồ ăn gồm gạo, thịt băm hoặc cá câu dưới suối. Buổi sáng, cả nhóm tập hợp ở góc hang để nghe Nguyễn Ái Quốc giảng về lịch sử thế giới và cách mạng hiện đại. Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Giờ nọ tiếp giờ kia, chúng tôi ngồi xung quanh đống lửa, nghe Bác nói chuyện, giống như những đứa trẻ nghe kể chuyện cổ tích”. Tuy nhiên, cảnh giác là việc rất cần thiết. Đám lính tuần biên giới từ thị trấn Sóc Giang gần đó thường xuyên tuần tiễu, cảnh sát địa phương thỉnh thoảng tới Pác Bó tìm tội phạm và bọn nấu rượu lậu. Có lần, cả nhóm buộc phải ẩn nấp dưới chân núi đá để tránh lính đi tuần địa phương. Đêm hôm ấy, trời mưa to, nước suối dâng cao, khi trở lại Pác Bó, họ thấy rắn, chồn cáo vào hang tránh lụt. Nguyễn Ái Quốc chịu đựng những bất tiện đó bằng sự hài hước vốn có của ông, nhân dịp này cảnh báo đồng chí phải luôn luôn giữ bí mật và chú ý “ba không” (người lạ hỏi, phải trả lời “không thấy, không nghe, không biết”). Quốc cảnh báo “giữa kẻ thù và chúng ta, đó là một cuộc chiến giữa sống và chết. Chúng ta phải chịu đựng mọi gian khổ, vượt mọi khó khăn và chiến đấu đến cùng”.[358]
Suốt ba tháng sau đó, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cố gắng mở rộng căn cứ ở vùng biên giới bằng cách bán báo Việt Nam Độc Lập. Để dân địa phương dễ hiểu, báo viết theo cách thật đơn giản. Bán với giá rẻ hơn chứ không cho để tạo ấn tượng tờ báo có giá trị. Những tổ chức quần chúng - theo cách của Trung Quốc - như Hội Cứu Quốc được thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng cho nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính và lập một mạng lưới bí mật khắp các vùng xung quanh để chống gián điệp.
Hội nghị lần thứ VIII Đảng cộng sản Đông Dương tiến hành ngày 10-5-1941 tại Pác Bó. Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản. Đây là lần đầu tiên ông chủ trì một cuộc họp của đảng kể từ hội nghị thống nhất tháng 2-1930 ở Hong Kong. Tham dự có Vũ Anh, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu từ Đông Dương và hải ngoại. Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan và Phạm Văn Đồng vẫn ở Tĩnh Tây thành lập Ủy ban Giải Phóng Dân Tộc Việt Nam hợp tác với Trương Bội Công vừa phát động phong trào mới. Nhưng Quốc và các cộng sự bây giờ có kế hoạch thành lập một tổ chức đối lập “Hội Giải Phóng Dân tộc” để thu hút những phần tử không cộng sản trong vùng này vào tay Việt Minh.[359]
Nhiệm vụ chính của Hội nghị VIII là thành lập Mặt trận Việt Minh mới, được giới lãnh đạo Đảng đã dự tính từ cuối năm ngoái. Cương lĩnh của Mặt trận thể hiện giai đoạn mới trong cách mạng Việt Nam. Theo nghị quyết được thảo ra tại Hội nghị, nhiệm vụ trước mắt đối với nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách chế độ thực dân Pháp và sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản. Cuộc chiến tranh đang lan rộng khắp thế giới thực chất là cuộc xung đột giữa hai thế lực cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu, tuy nhiều quốc gia cố gắng đứng trung lập trong cuộc chiến, nhưng không tránh khỏi bị lôi kéo vào cuộc chiến. Kết thúc Thế chiến I đã dẫn đến cách mạng Bolsevich ở Nga vì thế cuộc xung đột mới toàn cầu lần này chắc chắn sẽ dẫn tới sự hình thành thêm nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ chính của mặt trận là chuẩn bị cướp chính quyền khi thời điểm thích hợp.
Nhấn mạnh vào vấn đề độc lập dân tộc trong chương trình của mặt trận, tất nhiên là xa rời những chính sách được chấp nhận tại Đại hội đảng toàn quốc đầu tiên ở Macao vào tháng 3-1935, nhưng nó thể hiện đỉnh cao của tính logic đang có xu hướng thay đổi bắt đầu bằng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow sau đó cùng năm. Sự tập trung mới vào những chủ đề dân tộc được phản ánh ở tên mặt trận, Hội Độc lập Việt Nam, không những chỉ nhấn mạnh vấn đề độc lập mà còn thay thuật ngữ “Đông Dương” trong tên Đảng cộng sản bằng từ “Việt Nam” xúc cảm hơn, việc sử dụng tên này suốt một thời gian dài bị thực dân Pháp cấm đoán. Tên mới này cũng thể hiện khát vọng gửi tới tất cả nhân dân sau khi kết thúc hội nghị. Trong một bức thư gửi nhân dân ngày 6- 6-1941, được in bằng hai thứ chữ Trung Quốc và Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu lên khí phách, tinh thần của những vị anh hùng tiền bối, những nhân vật yêu nước gần đây như Phan Đình Phùng, thức tỉnh độc giả bảo vệ di sản dân tộc. Trong thư ông khẩn thiết mong mỏi tất cả những người yêu nước, không đơn thuần chỉ nông dân, công nhân mà còn cả địa chủ yêu nước, tầng lớp trí thức, cùng liên kết với nhau trong cố gắng chung.
Đảng quan tâm trước tiên và trước hết vào độc lập của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc và các đồng sự đã phải từ bỏ khái niệm, (đưa ra tại hội nghị Đảng toàn thể tháng 10-1930), giải phóng Đông Dương và tạo ra một liên bang gồm các nước độc lập riêng rẽ trên bán đảo, rồi khi đó thực hiện những giai đoạn tiếp của cách mạng. Trên thực tế, sự nghiệp của nhân dân Lào và Campuchia trên bán đảo Đông Dương bị chậm lại, nhưng không phải bị bỏ quên. Trong nghị quyết, Xứ uỷ Nam Kỳ và Trung Kỳ được chỉ thị thành lập nhiều cơ sở trên đất Campuchia và Lào, cũng như ở các khu vực dân tộc thiểu số, để tất cả có thể sau này đứng dưới chiếc ô mang nhãn hiệu cách mạng Đông Dương.[360]
Dù mặt trận mới nhấn mạnh nhiệm vụ lật đổ chủ nghĩa đế quốc, vấn đề chống phong kiến và thay đổi xã hội hoàn toàn không bỏ qua, vì giới lãnh đạo đảng hiểu, họ cần chăm sóc những cử tri trong hàng ngũ công nhân và dân nghèo để làm chỗ dựa vững chắc cho chiến đấu. Tuy nhiên, trong hành động cương lĩnh xã hội của mặt trận phải mềm mỏng để tránh làm những người yêu nước và cấp tiến trong giới địa chủ và giai cấp tư sản xa lánh. Những khẩu hiệu đã từng được sử dụng trong quá khứ như chủ trương tịch thu tất cả ruộng đất của địa chủ nay được thay thế bằng kêu gọi giảm tô và chiếm tài sản của bọn đế quốc Pháp và Việt gian. Như nghị quyết Đảng vạch ra:
Địa chủ, phú nông và một bộ phận giai cấp tư sản dân tộc đã có thay đổi lớn về thái độ. Trước đây, họ ác cảm với cách mạng, muốn tiêu diệt nó hoặc dửng dưng. Bây giờ tình hình đã thay đổi, và trừ một số ít làm “chó săn”, những kẻ nịnh bợ, theo đuôi bọn Nhật thù địch, phần đông những người đó nay có thiện cảm với cách mạng hoặc ít nhất cũng trung lập… Nếu trước đây địa chủ và giai cấp tư sản dân tộc là quân dự bị của bọn sĩ quan phản động, nay họ trở thành nguồn dự bị của cách mạng.
Tuy vậy chính sách này rõ ràng chỉ là chiến thuật:
Điều này không có nghĩa Đảng bỏ qua vấn đề đấu tranh giai cấp trong cách mạng Đông Dương. Không, vấn đề đấu tranh giai cấp tiếp tục tồn tại. Nhưng tại thời điểm hiện tại, vấn đề dân tộc có tầm quan trọng trên hết và mọi đòi hỏi đem lại lợi ích của một giai cấp riêng nhưng không hại đến lợi ích của dân tộc cần phải cho xuống hàng thứ yếu vì sự tồn vong của dân tộc và giống nòi. Lúc này, nếu chúng ta không giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi hỏi độc lập, tự do cho toàn dân, không những toàn thể nhân dân ta tiếp tục kiếp súc vật, mà những lợi ích riêng của các tầng lớp xã hội riêng biệt sẽ không thu được suốt hàng ngàn năm.[361]
Do đó, mục đích trước mắt xây dựng phong trào quần chúng rộng rãi vì độc lập dân tộc. Mục đích này không những lôi cuốn sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, thậm chí còn nhận được sự thiện cảm của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi sẽ biểu tượng cho chiến thắng của cách mạng dân chủ tư sản và dẫn đến sự hình thành của chính phủ vô sản - nông dân mà Đảng cộng sản chiếm ưu thế. Lúc đó sẽ có dư thời gian để chuyển tới giai đoạn thứ hai của cách mạng, giai đoạn xã hội chủ nghĩa vô sản. Đồng thời, Đảng hy vọng những phần tử chống đối trong nhân dân sẽ hăng hái ủng hộ sự nghiệp.
Bằng việc thành lập Mặt trận Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc đã cố gắng tái tạo cương lĩnh tiến bộ hơn thời kỳ ban đầu thành lập Hội Thanh Niên Cách mạng giữa thập niên 1920. Hai trụ cột của mặt trận là vấn đề độc lập dân tộc và công bằng xã hội, những khát vọng có thể thu được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước. Gần hai thập niên sau khi Lenin qua đời, chiến lược của ông được hồi sinh ở Đông Dương xa xôi. Bằng việc thành lập một mặt trận mới ở Đông Dương, Quốc đang mạo hiểm toan tính tình hình thế giới sẽ thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Liệu sự chiếm đóng của Nhật Bản có làm suy yếu chế độ thực dân Pháp không? Bọn phát - xít Nhật cuối cùng có bị lực lượng dân chủ và Đồng Minh trên thế giới đánh bại không? Liệu những nước Đồng Minh chiến thắng có thiện cảm với việc thành lập một chính phủ mới độc lập của công - nông ở Hà Nội không? Tất cả những điều đó phải chờ đợi sau này mới rõ.[362]
Tất nhiên, mục đích tối thượng của Mặt trận Việt Minh để trợ giúp Đảng trong cuộc chiến đấu giành chính quyền. Hội nghị toàn thể tháng 11-1939 đã đặt ra giai đoạn này bằng cách kêu gọi một cuộc nổi dậy vũ trang cướp chính quyền, khôi phục độc lập dân tộc. Mục tiêu đó tạm thời từ bỏ vì Nguyễn Văn Cừ bị bắt, sau đó vài tháng nhiều uỷ viên còn lại của Ban chấp hành cũng rơi vào tay Pháp. Do bùng nổ xung đột toàn cầu, mục tiêu được giới lãnh đạo Đảng ở hải ngoại làm hồi sinh ở dạng cụ thể hơn. Nơi giới lãnh đạo đảng trước đây không chú trọng làm thế nào tiến hành cuộc nổi dậy trong tương lai chống lại chế độ thực dân, nay họ bắt đầu chú ý nhiều đến các hình thức đấu tranh thuận lợi nhất trước thời cơ.
Trọng tâm của nhiệm vụ, đảm nhận một cuộc kiểm tra chiến lược và chiến thuật được Đảng cộng sản Trung Quốc chấp nhận trong cuộc xung đột với chính phủ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch và sau này chống lại bọn can thiệp Nhật Bản. Đầu thập niên 1930, những người lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương theo đuôi một cách trung thành đường lối chỉ đạo chiến lược được hình thành ở Moscow, chiến lược này kêu gọi một cuộc nổi dậy tương lai tập trung vào việc kiểm soát những thành phố lớn. Nhưng cuối thập niên 1930, những đảng viên trẻ tận tuỵ như Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thụ bắt đầu quay sang học kinh nghiệm Trung Hoa. Họ đọc những tác phẩm của Mao Trạch Đông, bắt đầu bày tỏ sự ham mê áp dụng chiến lược của ông, dựa trên phát động chiến tranh du kích ở nông thôn Việt Nam. Trong thời kỳ sống ở Trung Hoa cuối thập niên 1930, chính Nguyễn Ái Quốc đã hình thành ý tưởng giống Mao về chiến tranh cách mạng, chắc chắn ông thấy hình mẫu “chiến tranh nhân dân” của Mao là phù hợp, một thứ vũ khí tạo ra một vùng căn cứ giải phóng ở chính nước ông. Nhưng với Quốc, không chỉ là vấn đề áp dụng chiến thuật cách mạng nào, mà điều quan trọng là quyết định khi nào sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất để cướp chính quyền khi kết thúc chiến tranh. Là một nước nhỏ bị hai kẻ thù mạnh xâm chiếm, Việt Nam không có những lợi thế về kích thước lãnh thổ như Mao và các đồng chí của Mao có được để lập một căn cứ rộng lớn ở bắc Trung Hoa. Một cuộc nổi dậy chưa chín mùi do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo có thể dẫn tới sự đàn áp dã man và phá vỡ phong trào ngay khi triển vọng giải phóng dân tộc vừa loé sáng. Quốc bây giờ phải chú ý các đồng sự bảo thủ, đó là điều cần thiết để xây dựng lực lượng quân sự nhỏ bé của Đảng cho một cuộc nổi dậy khi thời cơ tốt nhất đến để chuẩn bị cho cuộc tổng nổi dậy khi Nhật Bản nằm trên bờ vực thất bại trước lực lượng Đồng Minh. Lúc đó, họ tự giới hạn củng cố cơ sở chính trị bằng cách xây dựng một mạng lưới Việt Minh trong toàn quốc, đồng thời tạo ra một lực lượng vũ trang nhỏ lựa thời gian tung ra những cuộc nổi dậy địa phương để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Với những đơn vị du kích đã thành lập ở núi rừng Việt Bắc, làm căn cứ địa ở đó, cách xa trung tâm cai trị của Pháp lại gần biên giới Trung Hoa, trở thành cơ sở vững mạnh.
Nhiệm vụ cuối cùng của Hội nghị VIII bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Các đồng chí của Nguyễn Ái Quốc tiến cử ông gánh vác chức vụ Tổng bí thư. Khi Nguyễn Ái Quốc khiêm tốn từ chối đề nghị, mọi người bầu Trường Chinh, người từng tạm thời đảm nhận chức vụ này từ mùa thu 1940. Cuộc bầu Tổng bí thư được nhất trí thông qua.
Sinh ra trong một gia đình giáo học ở Bắc Việt Nam năm 1907, Trường Chinh (tên thật Đặng Xuân Khu) đã nhận được bằng tú tài tại trường Lycée Albert Sarraut danh tiếng ở Hà Nội. Sau khi gia nhập Hội Thanh Niên Cách mạng cuối thập niên 1920, ông bị tù vì hoạt động cách mạng. Được thả năm 1936, ông bắt đầu sự nghiệp là một nhà báo đồng thời là uỷ viên có uy tín của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Thái độ tự trọng, chín chắn và cẩn trọng trong hành động, mô phạm trong quan hệ với các đồng chí, Trường Chinh giàu ý tưởng nhưng thiếu sự chân thành nồng ấm của Nguyễn Ái Quốc, nhưng ông được mong chờ đưa tiếng nói trưởng thành của đảng đã bước sang giai đoạn mới, đây cũng là định mệnh trong vai trò mới trong sự nghiệp của ông. Ngay sau khi hội nghị kết thúc ngày 19 tháng 5, Trường Chinh về Hà Nội lập trụ sở bí mật của Ban Chấp Hành Trung ương. Những uỷ viên khác trở lại nam Trung Hoa tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài. Thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc cũng ở lại vùng biên giới. Nhưng tinh thần của ông rất phấn chấn, vì bây giờ ông đã trở lại Việt Nam sau ba mươi năm ở nước ngoài.
Khi Nguyễn Ái Quốc bí mật trốn khỏi Hong Kong đi đến Hạ Môn tháng 1-1933, chức vụ của ông là người lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương, một chức vụ mong manh. Chiến lược ông từng áp dụng tại thời điểm thành lập Hội Thanh Niên Cách mạng năm 1925 đã bị Moscow gạt bỏ và bị những đảng viên trẻ của đảng, phần đông được đào tạo về lý luận tại Trường Stalin, tấn công kịch liệt. Trở lại vào mùa xuân 1940, vai trò lãnh đạo phong trào của Quốc hầu như được các đảng viên trong nước chấp nhận. Nói riêng, đây là giấy chứng nhận sự thật quan điểm chiến lược của ông đã được minh oan tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, muộn màng ghi nhận cách mạng ở châu Á có đặc thù riêng và không cần bám theo mô hình Bolsevich. Ông lại là người được hưởng lợi ngoài ý muốn việc mật thám đã loại bỏ hầu hết những đối thủ tiềm năng của ông, bao gồm Trần Phú, Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong. Tại thời điểm này, dù sao đi nữa, không có ai trong Đảng có thể tranh giành vai trò lãnh đạo của Quốc trong đảng, ông chiếm thế thượng phong về uy thế với sự nghiệp huyền thoại của nhà cách mạng, ông có đầy đủ điều kiện làm lãnh tụ của Đảng.
Ở hoàn cảnh đó, không rõ vì sao Nguyễn Ái Quốc lại quyết định từ chối chức vụ tổng bí thư, chức vụ tạo cho ông nắm chắc đòn bẩy quyền lực trong Đảng. Có lẽ ông còn tự coi mình là một người điều hành sân khấu thế giới, là một đặc vụ Quốc tế Cộng sản sẽ một ngày nào đấy nâng cao làn sóng cách mạng quét sạch sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc khắp khu vực Đông Nam Á. Có lẽ, ông cũng bắt đầu để mắt đến tương lai khi là một chủ tịch, ông có thể hy vọng sẽ đứng trên đấu tranh giai cấp mà Đảng cộng sản chủ trương để đại diện cho toàn thể nhân dân trong cuộc chiến đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập và phồn vinh.
***************************************
[333] Ngũ Tu Quyền, “Chuyến đi lịch sử của tôi” (NXB Quân giải phóng, Bắc Kinh, 1984), trang 61. Năm 1950, Ngũ Tu Quyền gặp lại Hồ Chí Minh khi Hồ tới thăm Trung Hoa và lần đầu tiên nhận ra Hồ thực sự là “người châu Á quan trọng” của mình
[334] Nguồn ở Hà Nội cho biết Hồ Chí Minh không gặp Mao Trạch Đông trong chuyến thăm Diên An ngắn ngày, chỉ giải thích Mao Trạch Đông thời điểm đó không có mặt. Một nguồn Việt Nam khác cho biết trong chuyến thăm Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sau hội nghị Geneva năm 1954, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ông đến thăm Diên An trước khi Mao Trạch Đông tới, và lúc đó ông có tiếp xúc gần gũi nhất với Diệp Kiếm Anh. Về chuyến đi của Hồ, xem Nguyễn Khánh Toàn, “Liên Xô với Bác Hồ, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 134, và “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 63. Về hồi ức của Hồ, xem T. Lan, “Vừa đi đường, vừa kể chuyện” (NXB Sự thật, 1976), trang 65-66
[335] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 125; Nguyễn Khánh Toàn, “Liên Xô với Bác Hồ, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ” trang 132; T. Lan, “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, trang 66
[336] Những bái báo bằng tiếng Việt có trong Toàn Tập I. Xem “Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào”, và hai lá thư, đều mang tiêu đề “Thư từ Trung-Quốc”, tập 3, trang 60-96
[337] Tham dự hội nghị tháng 7-1936 có Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Ngân, Hoàng Đình Giong và Tổng bí thư Hà Huy Tập. Không còn tài liệu nào về hội nghị này, nên những báo cáo dựa vào hồi ức của những người tham dự và những văn bản Đảng đưa ra sau khi kết thúc hội nghị toàn thể. Thông tin về cuộc họp, xem Vũ Thư, “Một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1936-1939” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 85 (tháng 4 1966), và Trần Huy Liệu, “Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam”, tập 7, trang 57 (Hà Nội, 1958)
[338] Những người khác tham dự tại cuộc họp này là Nguyễn Chí Điểu, Phan Đăng Lưu, Hoàng Quốc Việt và một cán bộ trẻ đang nổi tên là Lê Duẩn. Cuộc phỏng vấn với Nguyễn Thanh, Hà Nội, ngày 3-12-1990; cuộc phỏng vấn với Phạm Xanh ở Hà Nội, ngày 12-12-1990. Đầu năm 1939, Nguyễn Văn Cừ, biệt danh “thằng chột” do mật thám đặt, viết một bài ngắn “Tự chỉ trích”, gián tiếp chỉ trích Lê Hồng Phong về thái độ quá tin tưởng vào những phần tử phản cách mạng ở Đông Dương. Xem Văn kiện Đảng (1930-1945), Tập II, (NXB Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, 1977), trang 402-431
[339] Toàn Tập II, tập 3, trang 114-116. Tôi đã sửa lại chút ít bản dịch của Bernard Fall ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, trang 30-31. Theo Võ Nguyên Giáp, lúc đó là nhà báo tờ “Tiếng Dân” (Notre Voix), nhóm trị sự tờ báo đã thực sự tin P.C. Lin chính là Nguyễn Ái Quốc - xem Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội Cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 179
[340] “Tình hình chính trị ở Đông Dương từ 1936 đến 1939”, trong Toàn Tập II, tập 3, trang 117-44. Nguyễn Ái Quốc nhận được nhiều tin tức tình hình Đông Dương từ báo “Tiếng Dân” và những tờ báo khác do toà soạn báo “Tiếng Dân” gửi cho ông. Xem lá thư của ông gửi người bạn ở Quốc tế Cộng sản, ngày 20-4-1939, trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 72-76
[341] Theo Li Beiguan, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc, người hộ tống chuyến đi, kể rằng những phái viên Đông Dương bị lừa hết tiền ở Long Châu. Xem “Hồi ký Li Beiguan”, trích trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 58. Xem thêm Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 152-53. Về những hoạt động của Quốc ở Hoành Dương, xem T. Lan, trang 67-68, Hồ thuật lại ông chưa hề sử dụng radio sóng ngắn trước đó, và phải ở lại mất năm đêm để dò được kênh London. Xem thêm Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 55, và “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 69. Tài liệu cuối có chỗ sai sót bắt đầu lúc ông tham gia cả hai lớp học
[342] Có một số nhầm lẫn khi nào và lý do tại sao Quốc đi đến Trùng Khánh. Nguồn tin Việt Nam cho là chuyến đi vào thời gian đầu năm. Tôi đã kết luận từ những bằng chứng cho thấy nó diễn ra vào đúng thời điểm ấy và mục đích Quốc là tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc khôi phục liên lạc với Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Xem cuộc phỏng vấn với Liu Ang trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 59-60. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 70, 86-87. Trong cuốn “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1954” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 34, tác giả King Chen cho biết trong thời gian ở Trùng Khánh, Quốc làm quen với một giáo sư người Mỹ Franklin Liên Hồ. Trong một bức thư gửi Chen, giáo sư Hồ nói ông đã gặp Quốc (mặc bộ quần áo kiểu Tôn Dật Tiên và sử dụng tên Hồ, một đồng chí Việt Nam đến thăm) vài lần tại nhà ở của Chu Ân Lai
[343] Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 154. Về chuyện nhầm lẫn tức cười, xem Đặng Văn Cáp, “Con đường dẫn tôi đến với Bác” “Bác Hồ về nước” (NXB Cao Bằng: n.p., 1986), trang 48, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 87; và Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả” (NXB Ngoại văn, Bắc Kinh), trang 108
[344] Hoàng Văn Hoan cho biết “Ông Trần” rất hữu ích trong việc cải thiện công tác báo chí đồng chí của mình, giảng dạy họ về sự cần thiết phải sử dụng từ ngữ đơn giản (viết làm sao để Hải - tức Vũ Anh, xuất thân từ một gia đình tầng lớp lao động - có thể hiểu được) và gợi ý tên của tạp chí nên đổi thành ĐT, có thể hiểu theo nhiều nghĩa “Đảng Ta”, “Đầu Tranh”, “Đánh Tây”, cũng như Đồng Thanh, tên hiện tại của nó. Về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc dọc theo tuyến đường sắt Côn Minh, xem Hoàng Quang Bình, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 135-152. Quốc ở trong nhà Bình, câu chuyện được nhắc đi nhắc lại quá quen thuộc và cứng nhắc về sự khiêm tốn của Quốc. Quốc trả tiền nhà và không những tham gia công việc dọn dẹp trong nhà mà còn phê phán mỗi khi Bình đánh vợ. Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 91, ở Côn Minh Quốc sống tại nhà bà Tống Minh Phương, một Việt kiều xuất thân từ một gia đình từng tham gia lực lượng cánh tả suốt một thập niên trước đây. Ngôi nhà này ở đường Kim Bích
[345] Các tuyên bố đường lối hoạt động có trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 3, trang 26-88. Ngoài Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn, những người tham dự khác là Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần
[346] Võ Nguyên Giáp kể lại trong “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội Cách mạng Việt Nam”. Xem thêm “Từ nhân dân mà ra” (NXB Quân đội Nhân dân, 1964), trang 28
[347] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 98, trích dẫn Vũ Anh, “Những ngày gần Bác” trong “Bác Hồ về nước”, trang 15
[348] Theo một người Trung Quốc quen thân đã sống với Hồ tại hiệu sách ở số nhà 67 đường Huashan Nan Lu thời đó, Nguyễn Ái Quốc nhận được một bức điện của Chu Ân Lai - vừa trở về từ hội nghị ở Diên An - tới Trùng Khánh làm cố vấn. Theo nguồn tin này, Quốc thường gặp sinh viên Đại học Tây Nam Hoa để thảo luận về thế giới. - xem Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 66. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 98-100. Tin tức về nhiệm vụ tới Diên An, xem Chen, “Việt Nam và Trung Quốc”, trang 41. Tôi không thể xác nhận sự việc này, mặc dù được báo cáo bằng điện báo từ Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo gửi Bộ ngoại giao ngày 14-6-1954. Phái viên này mang tên Trần Văn Hinh
[349] Chính sách dân tộc của Đảng lần đầu tiên được thông qua tại hội nghị toàn thể tháng 10-1930. Để thảo luận, xem Lê Văn Lô, “Ba mươi năm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10 (tháng 1 1960), trang 69-71. Xem thêm Phan Ngọc Liễn, “Công tác vận động giáo dục quần chúng của Hồ Chủ tịch trong thời gian Người ở Pác Bó” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 149 (tháng 3 và 4-1973), trang 20
[350] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội Cách mạng Việt Nam”, trang 180-81; Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 11
[351] Xem Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 86. Thảo luận về việc lựa chọn tên cho mặt trận mới, xem Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 182-183
[352] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 113-115. Trong khi ở Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đã viết một số bài báo, dưới bút danh Bình Sơn, cho tờ báo “Jiuwong hàng ngày” của Đảng cộng sản Trung Quốc. Xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 105
[353] Trong lịch sử Đảng, cuộc họp này mang tên Hội nghị toàn thể lân thứ 7 của Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng các nguồn tin tại Hà Nội xác nhận thực tế là ban đầu chỉ là một cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng khu vực. Về cuộc họp, xem Hoàng Tùng, “Đồng chí Trường Chinh”, tập 1 (NXB Sự thật, 1990), trang 27-44
[354] Xem tư liệu các cuộc nổi dậy trong Rene Bauchar, “Cơn bão trên Đông Dương” (Paris: n.p., 1946), và Philippe Devillers, “Lịch sử Việt Nam, 1940-1952” (NXB du Seuil, Paris, 1952). Về báo cáo chính thức, xem điện tín Bombay gửi Bộ ngoại giao, ngày 18-2-1946, trong Bộ ngoại giao Mỹ, Hồ sơ trung tâm, RG 59, NXB Đại học Mỹ. Điện tín chứa báo cáo của Mật thám tiêu đề “Đảng cộng sản Đông Dương”, do một nhà báo Mỹ ở Đông Dương thu được
[355] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 182
[356] Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 160
[357] Xem Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 119-122. Về phát biểu mục tiêu của tổ chức mới, theo người Việt Nam gọi, Việt Nam Dân tộc Giải phóng Uỷ viên Hội, xem Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 75. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 121
[358] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 188. Võ Nguyên Giáp trở thành Đảng viên tại Pác Bó sau Hội nghị lần thứ tám Đảng cộng sản Đông Dương tháng 5-1941
[359] Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 163-165; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 128. Việc Hội nghị toàn thể họp trong một hang động, cũng không rõ ràng. Theo nguồn tin Pháp, một nhà sàn được xây dựng trong dịp này, Ban chấp hành Trung ương hop ở tầng trên và Ban chấp hành khu vực Bắc Kỳ triệu tập ở tầng dưới - xem Sở Mật thám Bắc Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ, 12234-S, ngày 10-6-1941, trong hồ sơ nhãn “1116 Nguyễn Ái Quốc”, SPCE, hộp 369, CAOM
[360] Tài liệu có trong Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, tập 1 (NXB Viện Marx-Lenin, 1979), trang 358. Xem thêm Văn kiện Đảng (1930-1943), tập 3, trang 177-221. Ngoài ra còn có một báo cáo chưa được xác nhận rằng Nguyễn Ái Quốc có thể đã liên kết đấu tranh cho nền độc lập Việt Nam với triển vọng của một làn sóng cách mạng toàn cầu do Liên Xô lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối cuộc chiến - xem báo cáo của R. Perroche, 30-5-1941, trong Archnote/410530-410531 và 410.612, CAOM. Theo nguồn tin này, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị lần thứ tám, Quốc chỉ trích nội bộ ban lãnh đạo của Đảng vì yếu kém vì không thích nghi với những sự kiện phát triển nhanh chóng. Tôi cảm tạ Stein Tonnesson đã cung cấp thông tin này
[361] Xem Văn kiện Đảng (1930-1943), tập 3, trang 199-200
[362] Như David Marr chỉ ra, không phải tất cả những dự đoán của Hồ Chí Minh đều đúng với sự thật. Công nhân ở Đức và Nhật Bản không đứng lên chống lại nhà cầm quyền, và Liên Xô cũng không đóng vai trò chính trong việc đánh bại Nhật Bản. Về nhận xét của ông, xem David G. Marr, “Việt Nam 1943: Vấn đề quyền lực” (Nhà in Đại học California, Berkeley, Calif., 1995), trang 168, fn 54

Tổng số lượt xem trang