Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

HỒ CHÍ MINH - CHÂN DUNG MỘT CUỘC ĐỜI (phần kết)


-

PHẦN KẾT

TỪ MỘT CON NGƯỜI ĐẾN MỘT HUYỀN THOẠI

Những lời bình luận đổ dồn về từ khắp nơi trên thế giới khi nghe tin Hồ Chí Minh qua đời. Các bài viết ca ngợi Hồ Chí Minh từ các thành phố lớn và thủ đô các nước trên thế giới tới tấp gửi đến và Hà Nội nhận được hơn 22.000 điện tín từ 121 quốc gia chia buồn với nhân dân Việt Nam khi biết nhà lãnh đạo của họ qua đời. Một vài nước xã hội chủ nghĩa tổ chức tang lễ và có thể thấy trước được lời lẽ các bài điếu văn của họ là thiện chí. Một tuyên bố chính thức từ Moscow ca ngợi ông Hồ là “người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc và quốc tế cộng sản, người bạn lớn của Liên Xô”. Các nước Thế giới thứ ba ca ngợi ông là người bảo vệ cho các dân tộc bị áp bức. Một bài báo ở Ấn Độ miêu tả ông là tinh hoa của “dân tộc, hiện thân cho khát vọng cháy bỏng vì tự do, cho tinh thần kiên cường và sự nghiệp đấu tranh của họ”. Những người khác nhắc đến đức tính giản dị và đạo đức cao cả của ông. Một bài xã luận trên báo Uruguay nói “ông có một tấm lòng bao la như vũ trụ và tình yêu thương vô bờ bến đối với nhi đồng. Ông là biểu tượng của đức tính giản dị trong mọi mặt”.[777]
Phản ứng từ các thành phố phương Tây im ắng hơn. Nhà Trắng tránh không bình luận, các quan chức chính quyền Nixon cũng như vậy. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông của phương tây cũng sôi nổi đưa tin về cái chết của ông. Các tờ báo ủng hộ sự nghiệp chống chiến tranh có khuynh hướng mô tả ông như một đối thủ đáng được kính trọng và là người bênh vực các dân tộc yếu hèn bị áp bức. Ngay cả những người kịch liệt phản đối chế độ Hà Nội cũng kính trọng ông vì những cống hiến toàn bộ đời mình trước hết cho độc lập, thống nhất đất nước và sự ủng hộ, bênh vực các dân tộc bị bóc lột trên thế giới.
Một vấn đề chủ chốt nhiều nhà bình luận suy nghĩ, việc ông qua đời có ảnh hưởng thế nào tới diễn biến của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Được biết đến như một người cộng sản kỳ cựu và một nhà cách mạng tận tuỵ, nhiều người xem Hồ Chí Minh như một người thực tiễn, nắm vững diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và biến động theo thời thế. Ngay cả Lyndon Johnson, có lẽ là đối thủ đáng gờm nhất của ông trong những năm 1960, đôi khi cũng nhận xét, nếu ông ta có thể ngồi với “ông Hồ”, hai nhân vật chính trị kỳ cựu bằng cách này hay cách khác có thể sẽ đi đến một thoả hiệp nào đó.
Với những người kế nhiệm, không ai được thế giới kính trọng như ông Hồ. Rất ít cộng sự của ông Hồ nổi tiếng ở thế giới bên ngoài. Trừ ông Hồ, không có quan chức cao cấp nào của Đảng từng sống hoặc đi khắp nước Pháp, huống hồ đi các nước phương Tây khác. Trong số những người từng ra nước ngoài, hầu hết họ được đào tạo tại Trung Quốc hoặc Liên Xô, thế giới quan của họ hạn chế bởi giáo lý cứng nhắc của chủ nghĩa Marx - Lenin. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người đã nhanh chóng thiết lập uy tín, người kế nhiệm chức của ông Hồ ở Hà Nội, hầu như không được phương Tây biết đến. Ngay cả ở Moscow và Bắc Kinh, ông Duẩn cũng không được biết đến nhiều.
Trong bản di chúc cuối cùng của mình và trong suốt đời mình, Hồ Chí Minh tìm cách cân bằng sự cam kết giành độc lập cho dân tộc Việt Nam với sự cam kết cống hiến cho phong trào thế giới. Trong bản di chúc khởi thảo lần đầu tiên năm 1965 và sau đó tự tay sửa đổi vào năm 1968 và 1969, mặc dù nhấn mạnh phải đặt ưu tiên hàng đầu cho hàn gắn vết thương chiến tranh và cải thiện mức sống của người dân Việt Nam, ông Hồ vẫn khẳng định tầm quan trọng của cả chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ông đặc biệt chú trọng thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ. Ông ca ngợi Đảng đóng vai trò hàng đầu trong cuộc cách mạng Việt Nam nhưng cũng kêu gọi phát động chiến dịch phê và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng nhằm dân chủ hoá tổ chức, nâng cao đạo đức cho số cán bộ Đảng sau khi chiến tranh kết thúc. Cuối cùng, ông nhiệt thành kêu gọi thôi thúc tình đoàn kết của phong trào cộng sản theo nguyên tắc chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Đám tang Hồ Chí Minh được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 8-9-1969 với hơn 100.000 người tham dự gồm cả đại diện từ các nước xã hộ chủ nghĩa. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Lê Duẩn hứa, các nhà lãnh đạo Đảng sẽ tìm cách thực hiện khát khao cháy bỏng của Hồ Chí Minh đánh bại quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Sau đó ông hứa Đảng sẽ đem hết nỗ lực xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và khôi phục tinh thần đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa.[778]
Về khía cạnh nào đó, Lê Duẩn cũng đã thực hiện lời hứa của mình. Dưới sự lãnh đạo cương quyết của ông, thời gian sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp tục theo đuổi chiến thắng cuối cùng ở miền Nam. Mục tiêu trước mắt của Hà Nội, củng cố lực lượng ở miền Nam chuẩn bị phát động một cuộc tấn công quân sự mới trong thời gian diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972. Các đại diện Bắc Việt tiến hành đàm phán với Mỹ ở Paris, nhưng hầu hết không đạt được kết quả gì vì cả hai phía đều tìm cách tạo ra một bước ngoặt quân sự ở Nam Việt làm phương tiện giành lợi thế trên bàn hội nghị. Mặc dù số thương vong của Hà Nội vẫn ở mức cao, các nhà lãnh đạo Đảng vẫn lạc quan vì tình cảm chống chiến tranh ở Mỹ đang dâng cao buộc tổng thống Nixon phải tuyên bố chương trình kêu gọi rút quân Mỹ về nước vào cuối nhiệm kỳ đầu.


 Tổng thống Nguyễn văn Thiệu (1923-2001)

Tháng 4-1972, khi quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam còn chưa tới 50.000 quân, Hà Nội phát động một chiến dịch tấn công Nam Việt Nam. Giống như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tấn công trong ngày lễ Phục Sinh lần này không đem lại chiến thắng hoàn toàn nhưng nó khiến cho cả hai phía đẩy nhanh tiến trình hoà bình. Tháng 1-1973, Hà Nội và Washington cuối cùng đi đến một hiệp định thoả hiệp. Hiệp định hoà bình Paris kêu gọi ngừng bắn và rút toàn bộ đơn vị lính chiến đấu của Mỹ về nước. Các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ quyết định phân chia lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và chính quyền Sài Gòn thông qua việc thành lập một cơ cấu hành chính bên cạnh chính phủ (Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc) gồm đại diện của cả hai phía cũng như những phần tử trung lập. Hội đồng này sau đó sẽ bàn vấn đề tổ chức tổng tuyển cử.
Đại tướng Văn Tiến Dũng (2-5-1917-17-3-2002)
Giống như Hiệp định Genève cách đây hai thập niên, hiệp định Paris không chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Hiệp định này chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề quân Mỹ rút khỏi Việt Nam và khôi phục nguyên trạng tình hình đầu những năm 1960 ở miền Nam Việt Nam. Khi chẳng bên nào tỏ thái độ mong muốn tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Paris, xung đột ở các vùng nông thôn lại nổ ra. Đầu năm 1975, Hà Nội mở một cuộc tấn công mới với mục tiêu hoàn thành việc chiếm lại miền Nam một năm sau đó. Nước Mỹ suy yếu vì mùa hè trước Nixon buộc phải từ chức và người kế nhiệm của ông, tổng thống Gerald Ford, không dám đưa quân Mỹ trở lại miền Nam Việt Nam. Trên đà thắng lợi, tháng 3-1975 quân đội Bắc Việt hành quân ra khỏi Tây Nguyên, tiến thẳng tới Sài Gòn trong khi các lực lượng khác đã chiếm được Đà Nẵng và toàn bộ phía Bắc trung bộ. Vào tuần cuối cùng của tháng Tư, lực lượng cộng sản gần như giành được chiến thắng khi các lực lượng kháng cự Sài Gòn suy sụp và những người Mỹ còn lại được trực thăng đưa đi từ nóc toà nhà đại sứ quán Mỹ tới hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi. Sau cuộc đấu tranh ác liệt kéo dài 15 năm khiến hơn một triệu người Việt Nam thiệt mạng, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố “cuộc chiến đã chấm dứt”. Đồng thời trước đó hai tuần, lực lượng Khmer Đỏ đã nắm được chính quyền ở Phnom Penh và một chính phủ cách mạng lên nắm chính quyền ở Lào vào cuối năm.
Đầu tháng 7-1976, hai miền Việt Nam được thống nhất thành nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lê Duẩn đã thực hiện lời hứa của mình hoàn thành một trong những ước nguyện của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi thực hiện các điểm khác trong di chúc của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn không tạo ấn tượng như vậy. Năm 1968, một chuyên gia của Liên Xô bí mật tới Hà Nội dạy Việt Nam kỹ thuật ướp xác. Tháng 3-1968, một đội chuyên gia Việt Nam sang Moscow tham khảo thêm ý kiến và báo cáo những tiến triển trong việc áp dụng kỹ thuật đó. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, đây vẫn là một vẫn đề nhạy cảm trong giới lãnh đạo Đảng vì bản thân Hồ Chí Minh chắc sẽ phản đối rất mạnh bất cứ kế hoạch nào đi ngược lại ý nguyện được hỏa táng của ông. Vào thời điểm Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị chưa có quyết định cuối cùng về cách thức giải quyết vẫn đề này. Sau khi tham khảo ý kiến khẩn cấp với Moscow, một chuyên gia khác của Liên Xô đến Hà Nội giữa tháng 9-1969 giúp chuyên gia y tế của Việt Nam giữ gìn thi hài của ông Hồ.[779]
Ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch khởi công xây dựng lăng để lưu giữ thi hài ông Hồ nhằm giáo dục thế hệ trẻ tương lai. Một uỷ ban gồm đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng được chỉ định giám sát công trình với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô. Trong báo cáo cuối cùng gửi các nhà lãnh đạo Đảng, Uỷ ban này kết luận, lăng cần được thiết kế hiện đại nhưng phải thấm nhuần bản sắc dân tộc. Phù hợp với tính cách của Hồ Chí Minh, vẻ bề ngoài của lăng phải đơn giản, đặt ở địa điểm thuận tiện và dễ đi lại. Để đưa ra được khuyến nghị về thiết kế công trình, Uỷ ban đã nghiên cứu một số cấu trúc lăng khác bao gồm cả Kim Tự Tháp Ai Cập, tượng đài kỷ niệm Victor Emmanuel ở Rome, đài kỷ niệm Lincoln ở Washington D.C. và lăng Lenin ở Moscow. Sau khi Bộ Chính trị đưa ra gợi ý bổ sung, mô hình cấu trúc lăng được trưng bày ở khắp cả nước để trưng cầu ý kiến của công chúng. Cuối cùng có hơn 30.000 gợi ý khác nhau được trình lên Uỷ ban.
Tháng 12-1971, Bộ Chính trị thông qua đề xuất cuối cùng và công việc xây dựng bắt đầu ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Địa điểm được chọn xây lăng là một trong những thánh địa của cách mạng Việt Nam - Quảng trường Ba Đình, gần Phủ Chủ tịch và nhà sàn Hồ Chí Minh. Vào ngày 29-8-1975, khi chính thức được mở công khai cho dân chúng, lăng Hồ Chí Minh gợi nhớ đến lăng Lenin ở Quảng Trường Đỏ. Các mặt của lăng được ốp đá cẩm thạch xám, hầu hết được khai thác ở núi đá cẩm thạch, một mỏ đá lộ thiên ở phía nam Đà Nẵng - nơi quân Việt cộng sống tại một hang đá trong núi có thể xem lính Mỹ bơi tại bãi biển nổi tiếng gọi là “bãi biển Trung Hoa”, đây cũng là một trong những khu nghỉ mát nổi tiếng nhất trong vùng. Lăng được thiết kế mô tả hình tượng bông sen vươn lên từ bùn đen với vẻ hiện đại, do đó tạo ra sự tương phản với một ngôi chùa Phật thế kỷ XI ở một khuôn viên gần đó. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng kiến trúc của lăng nặng nề chán ngắt hoàn toàn trái với tính cách hài hước và khiêm tốn của Hồ Chí Minh - người đang nằm trong lăng, hai tay bắt chéo và mặc bộ đại cán giản dị kiểu Tôn Trung Sơn. Như nhà sử học Huế, Tâm Hồ Tài, nhận xét, điều đó có tác dụng mô tả Hồ Chí Minh như một nhà lãnh đạo Cộng sản quốc tế chứ không tạo ra hình ảnh gần gũi hơn về Bác Hồ được các đồng bào của ông yêu mến - hơn 15.000 lượt người đến thăm lăng mỗi tuần.[780]
Khi thực hiện kế hoạch giữ gìn thi hài Hồ Chí Minh trong lăng, các nhà lãnh đạo Đảng rõ ràng đã không tổ chức lễ tang và lễ hoả táng đơn giản theo như yêu cầu của ông Hồ. Ông coi thường và luôn luôn tránh mọi cạm bẫy vật chất xa hoa dành cho lãnh tụ cao cấp. Năm 1959 thậm chí ông còn phản đối đề nghị xây một bảo tàng nhỏ tại làng Kim Liên khi mọi người biết ông là nhà cách mạnh nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc, với lập luận, sử dụng số tiền hiếm hoi đó để xây trường học thì tốt hơn. Để tránh bị công chúng chỉ trích vì quyết định làm trái với di nguyện của ông Hồ, các nhà lãnh đạo Đảng đã lược bỏ một vài phần trong di chúc nói về việc thiêu xác. Bản di chúc công bố năm 1969 cũng không nói tới yêu cầu của ông Hồ miễn một năm thuế nông nghiệp cho nông dân và lời cảnh báo của ông đối với đồng bào rằng chiến tranh ở miền Nam còn có thể kéo dài một vài năm nữa. Đảng cũng tuyên bố, ông Hồ mất ngày 3 tháng 9, một ngày sau khi ông Hồ thực sự qua đời để khỏi ảnh hưởng đến không khí kỷ niệm ngày quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình.[781]
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976, các nhà lãnh đạo Đảng tuyên bố sẽ xây dựng “về cơ bản” chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc vào thập niên này. Để biểu trưng cho giai đoạn mới của cuộc cách mạng, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng cộng sản Việt Nam. Những người kế vị Hồ Chí Minh cố dùng hình ảnh của ông để giành sự ủng hộ của dân chúng cho chương trình đầy tham vọng của bản thân họ. Chân dung vị cố chủ tịch xuất hiện trên tem, tiền và tường của các toà nhà trên khắp cả nước trong khi sách giáo khoa, các cuốn sách nhỏ viết về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức cách mạng của ông được in rất nhiều. Các nhà lãnh đạo Đảng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp kể lại chi tiết những kỷ niệm về ông Hồ và nhấn mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh như một công cụ cốt yếu giúp xây dựng Việt Nam trong tương lai. Người ta khuyến khích thanh niên Việt Nam đi theo con đường Hồ Chí Minh, lấy đó làm định hướng cho hành động hằng ngày của mình và tên của ông được đặt cho các tổ chức thanh niên được thành lập trên khắp cả nước. Một số nước xã hội chủ nghĩa khác cũng sử dụng danh tiếng của ông phục vụ mục đích riêng của mình, lấy tên đặt cho trường học, nhà máy, đường phố, quảng trường, tổ chức các cuộc hội thảo học tập di chúc và những thành công trong sự nghiệp của ông.[782]
Giá trị thực sự của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng này được hoàn thành vào mùa Thu năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Được xây ngay sau lăng gần Quảng Trường Ba Đình, kích thước của Bảo tàng gây ấn tượng mạnh nhưng không nặng nề như những công trình cạnh đó. Với các mặt được ốp đá cẩm thạch trắng, bảo tàng cũng được thiết kế giống hình bông sen, mặc dù đối với một số quan sát viên, cấu trúc bốn mặt với đường vào ở một góc gợi nhớ đến mũi của một con tàu.[783]
Cho dù Đảng rất cố gắng nêu bật tư tưởng Hồ Chí Minh như hiện thân của một nước Việt Nam mới, nhiều quan sát viên vẫn nhận ra những khác biệt lớn giữa phong cách của Lê Duẩn và phong cách của người tiền nhiệm nổi tiếng của ông. Trong khi ông Hồ kiên trì khuyến khích cần phải từng bước tiến hành cách mạng Việt Nam nhằm phát huy tối đa sự ủng hộ của quần chúng từ mọi thành phần xã hội, Lê Duẩn lại thường áp dụng sách lược tham vọng hơn, gây chia rẽ trong ban lãnh đạo Đảng và cô lập bộ phận dân chúng. Và trong khi ông Hồ luôn chú trọng thích đáng tới thực tế tình hình thế giới khi tìm cách thực hiện chiến lược của mình thì những người kế nhiệm của ông lại theo đuổi chính sách đối ngoại hung hăng, không chỉ gây thù địch với các nước láng giềng của Hà Nội ở Đông Nam Á mà còn khiến Trung Quốc - từng là đồng minh thân cận nhất và là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Hà Nội - khó chịu. Những người phản đối chính sách của Lê Duẩn bị đưa ra khỏi ban lãnh đạo Đảng (một thí dụ nổi bật là Võ Nguyên Giáp) hoặc chọn giải pháp sống lưu vong ở nước ngoài (trường hợp Hoàng Văn Hoan).[784]
Kết quả đó là tấn thảm kịch đối với một đất nước vừa mới thoát khỏi chiến tranh. Khi chế độ này đột nhiên tuyên bố quốc hữu hoá ngành công nghiệp và thương mại tháng 3-1978, hàng ngàn người bỏ nước ra đi tìm nơi tỵ nạn ở nước ngoài. Chương trình tập thể hoá nông nghiệp khiến hầu hết nông dân miền Nam phản kháng. Những năm cuối cùng của thập niên 1970, nền kinh tế của Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng đáng xấu hổ, bởi nỗ lực kém cỏi và thiếu khôn ngoan của những nhà hoạch định kế hoạch của Đảng định hoàn thành xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trước khi thập niên kết thúc.
Khủng hoảng bên ngoài đã làm tình hình trong nước trầm trọng hơn. Khi lên nắm quyền, chế độ diệt chủng và cuồng tín Pol Pot ở Campuchia phản đối gợi ý của Việt Nam thành lập liên minh quân sự giữa ba nước Đông Dương. Tháng 12 năm 1978, Hà Nội xâm lược Campuchia và dựng lên một chế độ bù nhìn ở Phnom - Penh. Để trả đũa, các lực lượng Trung Quốc mở chiến dịch tràn qua biên giới Việt Nam. Mặc dù không kéo dài, chiến dịch đã buộc Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tập trung những nguồn nhân tài vật lực quý báu cho sự nghiệp bảo vệ đất nước. Giữa thập niên 1980, thái độ bất bình của dân chúng đối với ban lãnh đạo Đảng đã lên tới mức báo động - vì ban lãnh đạo chỉ còn là một nhóm người không làm theo lời khuyên của Hồ Chí Minh là phải mang lại hạnh phúc cho nhân dân sau khi giành chiến thắng.
Mùa hè năm 1986, sau khi Lê Duẩn qua đời, các nhà lãnh đạo Đảng tuy muộn màng nhưng đã nhận ra sai lầm của mình (như một ai đó mô tả “say sưa chiến thắng”) và bước vào một con đường mới. Dưới sự lãnh đạo của vị Tổng Bí thư mới, một nhân vật hiếu chiến người miền Nam, ông Nguyễn Văn Linh, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch khôi phục nền kinh tế trì trệ bằng việc áp dụng thị trường xã hội chủ nghĩa đồng thời mở cửa cho nước ngoài đầu tư, khuyến khích tự do tư tưởng của dân chúng. Được gọi là “đổi mới” chương trình mới này làm người ta nhớ lại chính sách cải tổ của Gorbachev ở Liên Xô, mặc dù những nguồn tin ở Hà Nội quả quyết, chiến lược này là của Việt Nam tìm ra.
Tuy nhiên, trước khi đến cuối thập niên, các lực lượng bảo thủ trong Đảng đã suy nghĩ lại. Mặc dù chương trình giúp kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc áp dụng ý tưởng của nước ngoài ngày càng dẫn đến (ít nhất theo những người có quan điểm bảo thủ) những tệ nạn như ma tuý, gái điếm, bệnh AIDS và chủ nghĩa hưởng lạc trong thanh niên Việt Nam cũng như làm tăng thái độ chỉ trích sự thống trị của Đảng trên tất cả các mặt trong vấn đề nội bộ. Được báo động bởi sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở Đông Âu và nỗi lo lắng ngày càng tăng trước tác động của văn hoá phương Tây làm suy yếu dần những thể chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng bắt đầu thẳng tay đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và những người mà các nhân vật bảo thủ coi là “cỏ độc của chủ nghĩa tư bản”. Dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Mười - người kế nhiệm Nguyễn Văn Linh, một đảng viên lão thành - Hà Nội cũng áp dụng chính sách hậu Thiên An Môn của Trung Quốc thẳng tay đàn áp những nhà hoạt động bất đồng chính kiến dưới khẩu hiệu “cải cách kinh tế, ổn định chính trị”. Trong khi tự do hoá kinh tế tiến triển với một nhịp độ khiêm tốn, Đảng khẳng định lại vai trò truyền thống của mình là một lực lượng chính trị duy nhất trên toàn quốc.[785]
Những người Việt Nam chủ trương cải cách nhanh chóng dùng di sản của Hồ Chí Minh để thúc đẩy sự nghiệp của chính họ. Khi nhắc đến ông Hồ như một người thực tiễn, họ cho ông có thể đã hiểu cần phải nâng cao mức sống cho nhân dân trước khi tiến lên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi nhắc tới hình ảnh ông như một người theo chủ nghĩa nhân văn với tinh thần vị tha cao cả trước những ý kiến đối lập, họ quả quyết ông có thể đã ngăn cản sự chia rẽ trong ban lãnh đạo Đảng và tiến hành mọi biện pháp nhằm giành được sự ủng hộ của nhân dân. Vào cuối những năm 1980, phe cải cách thắng thế khi người thư ký riêng cuối cùng của Hồ Chí Minh tiết lộ, Lê Duẩn và một số cộng sự đã chữa lại bản di chúc của ông Hồ bằng cách không thực hiện lời kêu gọi miễn thuế nông nghiệp và tổ chức một lễ tang đơn giản. Bộ Chính trị buộc phải thừa nhận lỗi lầm này, nhưng bào chữa cho hành động của mình rằng Bộ Chính Trị làm như vậy vì lợi ích cao cả của nhân dân Việt Nam và phù hợp với mục tiêu suốt đời của Hồ Chí Minh.[786]
Không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng không biết nên hiểu thế nào về nhân cách đích thực và di sản mà Hồ Chí Minh để lại. Nhiều người xem ông là một vị thánh suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng người dân bị áp bức khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc phương Tây, người làm cho chuyên chính cộng sản phát triển khắp thế giới (có lẽ đây là quan điểm tệ hại nhất) hoặc là nhân vật cơ hội chủ nghĩa vô nguyên tắc, người đã sử dụng danh tiếng đứng đắn và giản dị của mình để ca tụng bản thân. Khi UNESCO tài trợ cho một hội nghị tại Hà Nội năm 1990 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, những lời ca ngợi Hồ Chí Minh tại hội nghị bị bác lại bằng rất nhiều quan điểm chỉ trích của những người đến từ khắp nơi trên thế giới, những người phản đối sự sùng bái một con người mà họ cảm thấy phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của quá nhiều đồng bào mình.
Đối với nhiều quan sát viên, trọng tâm của cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh tập trung vào vấn đề nên xác định ông là nhà cộng sản hay là người dân tộc chủ nghĩa. Rất nhiều người bạn nước ngoài của ông khăng khăng cho rằng ông Hồ là người yêu nước hơn là nhà cách mạng theo chủ nghĩa Marx. Dường như ông Hồ khẳng định quan điểm này năm 1961 khi ông công khai tuyên bố, chính lòng mong muốn cứu vớt đồng bào ngay từ đầu đã đưa ông đến với chủ nghĩa Lenin. Nếu ông cũng nói như vậy trong một số dịp khác, có lẽ không có lời giải thích nào rõ ràng hơn lời giải thích mà ông nhận xét với một điệp viên của Mỹ Charles Fenn năm 1945 rằng ông xem chủ nghĩa cộng sản là phương tiện đạt được mục tiêu dân tộc chủ nghĩa. Khi được yêu cầu giải thích, ông nói:
“Trước hết, bạn phải hiểu, giành độc lập từ một cường quốc lớn như Pháp là một nhiệm vụ nặng nề không thể đạt được nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, không nhất thiết là trang thiết bị như súng đạn mà bằng các cuộc tiếp xúc và những lời khuyên. Trên thực tế, không thể giành được độc lập bằng ném bom hay làm những việc tương tự như vậy. Đó là sai lầm mà các cuộc cách mạng trước đó thường gặp phải. Phải giành độc lập bằng tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện và kỷ luật. Cũng cần phải có niềm tin, nguyên tắc chỉ đạo, phân tích thực tiễn, có thể bạn phải vận dụng cả kinh thánh. Chủ nghĩa Marx - Lenin đã trao cho tôi những khuôn mẫu như vậy”.
Charles Fenn hỏi ông Hồ lý do tại sao ông không chọn chế độ dân chủ hay một hệ thống chính trị khác mà lại chọn một chế độ mà rõ ràng sẽ làm tổn thương thiện chí của Mỹ, đất nước mà ông nói ông rất ngưỡng mộ? Hồ Chí Minh trả lời chỉ khi ông đến Moscow ông mới nhận được viện trợ thực tế. Liên Xô là nước cường quốc duy nhất trong số các cường quốc thể hiện “bạn lúc khó khăn mới là bạn chân thành”. Lòng trung thành của Liên Xô đã giành được lòng trung thành của Hồ Chí Minh.[787]
Điều rõ ràng đối với Hồ Chí Minh sự sống còn của đất nước là trước tiên và luôn luôn là mối quan tâm lớn nhất của ông. Quả thực, điều đó khiến các nhà lãnh đạo Đảng cao cấp ở Hà Nội, Bắc Kinh và Moscow nghi ngờ không biết ông Hồ có phải là một nhà Marxist thực thụ hay không. Tuy nhiên, điều đó rõ ràng, không cần nói đến chuyện ông có phải là một nhà Marxist chân chính hay không, ông chính là một nhà yêu nước có trái tim của nhà cách mạng tận tâm. Khuynh hướng cách mạng trong quan điểm của ông rất có thể là kết quả của những điều ông chứng kiến trong khi làm việc trên tàu thuỷ trước Thế chiến I. Ông nhận thấy nỗi đau khổ của đồng bào ông cũng là nỗi đau khổ của các dân tộc Á, Phi sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Điều đó càng được củng cố thêm trong thời gian ở Paris. Tại đó, ông nhận thấy thái độ giả dối của người Pháp không vận dụng những lý tưởng của mình vào các dân tộc thuộc địa. Hai năm ở Moscow trong những ngày đầu đầy sóng gió của cuộc thử nghiệm Xô viết dường như đã làm dấy lên lòng nhiệt thành ngây thơ mong muốn xây dựng một xã hội cộng sản trong tương lai. Trong thế giới hoàn toàn mới mẻ của ông Hồ, chủ nghĩa yêu nước bị thay thế bởi quan điểm của Lenin về một liên bang xã hội chủ nghĩa cộng sản toàn cầu trong tương lai.
Rõ ràng, những sự kiện sau này có tác động cảnh tỉnh thái độ của ông. Những vụ thanh trừng ở Moscow, gần như đe doạ tới sự an toàn của ông, chắc hẳn làm tổn hại tới niềm tin vào cuộc thử nghiệm của Liên Xô. Việc Moscow không tôn trọng cam kết tích cực ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc thuộc địa khiến ông nghi ngờ chủ nghĩa quốc tế vô sản trong một thế giới chính trị cường quyền. Tuy nhiên, không gì có thể làm lung lay niềm tin vào tính siêu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cho tới cuối đời, ông vẫn theo quan điểm cho rằng mô hình tư bản chủ nghĩa đã gây đau khổ vô hạn cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.
Do đó, vấn đề không phải liệu ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa hay một người cộng sản - bằng con đường riêng của chính mình, ông là cả hai. Nói đúng hơn đó là vấn đề sách lược của ông. Hồ Chí Minh, một người tin vào nghệ thuật nắm bắt thời cơ, điều chỉnh lý tưởng của mình tuỳ theo điều kiện của phong trào. Đối với nhiều người, ngay cả những người trong đảng mình, lối cư xử của ông có vẻ như không có nguyên tắc, nhưng theo ông có thể đạt được tiến bộ bằng những bước rất nhỏ. Đối với Hồ Chí Minh, theo một câu trích nổi tiếng của một nhà khoa học xã hội Anh Walter Bagehot, “chín quá hoá nẫu”. Ông Hồ có thái độ thực dụng trong chính sách đối ngoại. Thí dụ, ông thà chấp nhận những giải pháp thoả hiệp năm 1946 và 1954 chứ không tiến hành chiến tranh trong những điều kiện bất lợi. Ông còn có thái độ thực dụng trong những vấn đề nội bộ, luôn tin rằng cần từng bước tiến hành quá trình chuyển sang xã hội chủ nghĩa đồng thời với nỗ lực giành được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng.
Giống như tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Hồ Chí Minh cho rằng ông là một nhà giao tế lớn, một người lãnh đạo tận dụng mọi cơ hội để đạt được mục đích của mình không cần bằng sức mạnh mà bằng lý lẽ. Trong một số trường hợp, ông đã thành công. Một số trường hợp khác, sự sẵn lòng thoả hiệp của ông đã tước đi vũ khí của đối thủ và cho phép ông biến yếu điểm quân sự trở thành thế mạnh chính trị. Đồng thời, hình ảnh giản dị, tốt bụng, vị tha tạo ra sức quyến rũ mạnh mẽ, do vậy giành được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước cũng như ngoài nước đối với cách mạng và cuộc đấu tranh giành độc lập. Khó có thể tưởng tượng được làn sóng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong những năm 1960 trên toàn thế giới nếu như gương mặt ở Hà Nội lúc đó lại là Lê Duẩn hay Trường Chinh chứ không phải là Hồ Chí Minh.
Liệu hình ảnh Hồ Chí Minh có xác thực không? Có lẽ không dễ dàng trả lời cho câu hỏi này. Rõ ràng ông không thích sống xa hoa mà chỉ thích sống giản dị, khiêm tốn. Tuy nhiên, nhiều người hiểu rõ ông Hồ hơn nhận xét, điều đó có vẻ giả tạo bên ngoài, cách ông sống như một người khổ hạnh, một học giả Nho giáo trở thành một nhà cách mạng theo chủ nghĩa Marx. Trong thời gian sống ở Pháp sau Thế chiến II, ông nói với thư ký riêng của mình, ông Vũ Đình Huỳnh, đôi khi những giọt nước mắt giả dối cũng có ích để truyền đạt ý tới người nghe. Nhiều năm sau, đại diện của Ba Lan tại Uỷ ban giám sát và kiểm soát tại Hà Nội nhận xét, mặc dù công khai phản đối tệ sùng bái cá nhân, ông Hồ dường như vẫn thích được đồng bào khen mình. Cái tôi của ông rõ ràng đã nổi lên trong những năm 1940 và 1950 khi ông viết hai cuốn tự truyện tự khen mình dưới bút danh khác. Không chỉ những người khác nói về hình ảnh có tính chất thần thánh của Hồ Chí Minh mà bản thân ông còn khai thác điều này.
Dĩ nhiên có những lý do chính trị đáng để ông khuyến khích thái độ sùng bái cá nhân. Năm 1947, một nhà báo Mỹ hỏi, tại sao ông lại được ca tụng nhiều như vậy, ông trả lời, một phần người ta xem ông là biểu tượng của những ước nguyện của chính bản thân họ. Ông nói thêm, có lẽ lý do là ông yêu tất cả trẻ em Việt Nam như thể chúng là cháu ông và để đáp lại họ dành tình yêu đặc biệt cho “Bác Hồ”. Thời gian đầu của cuộc đời ông khi dân tộc và nền văn hoá dường như đứng trên bờ vực của sự diệt vong, ông đã chứng kiến sự sùng kính mà thanh niên Việt Nam dành cho những ông đồ nho quê mùa, những người dành trọn cuộc đời và những lời giáo huấn của họ theo đuổi nguyên tắc bất dịch của chủ nghĩa nhân văn Nho giáo. Trong suốt đời mình, ông Hồ dùng tính cách đó làm phương tiện cứu vớt nhân dân và phong trào nổi dậy của dân tộc.[788]
Không biết quyết định đó đem lại lợi ích chính trị gì nhưng đôi khi Hồ Chí Minh phải trả giá cho hình ảnh vị tha và thực dụng. Ông là một nhà hoà giải luôn tin vào sức mạnh của thuyết phục hơn là hăm doạ khi chỉ đạo Đảng cộng sản Đông Dương. Ngay từ đầu ông dựa vào sách lược lãnh đạo tập thể hơn là dựa vào sự thống trị của một cá nhân như cách của Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông. Trong thời gian những năm 1930 và 1940, sức mạnh thuyết phục, trên cơ sở uy tín và những gì ông đã trải nghiệm trong suốt một thời gian dài là đặc vụ Quốc tế Cộng sản, nhìn chung là thành công. Tuy nhiên, điều đó bắt đầu không có hiệu quả trong những năm 1950 khi các cộng sự cao cấp bắt đầu đặt câu hỏi về tính đúng đắn trong những khuyến nghị của ông và xác lập vai trò của họ khi vạch ra chiến lược. Cuối cùng, Hồ Chí Minh gần như bất lực. Những cộng sự chỉ hứa sẽ cân nhắc những ý kiến của ông, song những ý kiến đó ngày càng bị phản đối và bị xem là không thích hợp.
Phải chăng Hồ Chí Minh đã ngây thơ, tin vào châm ngôn của Tôn Tử cho rằng chiến thắng thành công nhất là chiến thắng không dùng bạo lực? Nhìn lại, có thể nói, ông có phần nhẹ dạ vì hy vọng sẽ thuyết phục được Pháp rút khỏi Việt Nam một cách hoà bình sau Thế chiến II. Sau đó một vài năm, Hồ lại tính toán sai khi ông lập luận, Mỹ có thể quyết định chấp nhận chính phủ do Đảng cộng sản thống trị ở Việt Nam nếu như chính phủ đó được thành lập không làm Mỹ bẽ mặt. Tuy nhiên, có bằng chứng cho rằng ông thường đánh giá tình hình quốc tế rất chính xác và nhận thấy cần phải có chính sách linh hoạt lường trước được tất cả các khả năng có thể xảy ra khác nhau. Mặc dù ông luôn cố đạt được mục tiêu của mình mà không dùng đến bạo lực, ông cũng sẵn sàng dùng tới lực lượng quân sự khi cần thiết. Những cộng sự của ông không thể làm những điều tương tự vì họ thiếu đi sự tinh tế và kiên nhẫn theo đuổi một giải pháp ngoại giao.
Người ta thường nói Mỹ mất đi cơ hội vàng, tránh được một cuộc xung đột trong tương lai ở Đông Dương khi Mỹ không đáp lại những cử chỉ thiện chí của Hồ Chí Minh cuối Thế chiến II. Xét cho cùng, là người thực dụng, ông Hồ chắc đã nhận ra sau chiến tranh, Việt Nam có thể giành được nhiều viện trợ hơn từ Washington chứ không phải từ Moscow. Ông cũng thú nhận mình là người ngưỡng mộ văn minh Mỹ, đã đưa những lý tưởng của Mỹ vào bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhiều nhà chỉ trích quả quyết, sau khi xem xét lại tình hình Đông Dương trong bối cảnh Mỹ và Liên Xô cạnh tranh ngày càng quyết liệt về tư tưởng, chính quyền Truman đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Mặc dù điều này có phần đúng, cũng có thể phần nào là vì người Mỹ chỉ có hiểu biết mang tính huyền thoại về Hồ Chí Minh. Trước hết, có chứng cứ cho thấy ông Hồ đã tính toán chứ không phải là vấn đề hệ tư tưởng khi ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Mỹ. Ông Hồ ca ngợi văn minh Hoa Kỳ cũng giống như ông ca ngợi nhiều đồng minh của mình và những đối thủ tiềm tàng của ông, chủ yếu để giành được lợi thế chiến thuật. Mặc dù ông luôn nghĩ, có khả năng các nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng sẽ nhận ra sự can thiệp vào Đông Dương là vô ích. Ông luôn luôn tin những nhà lãnh đạo đó là đại diện cho hệ thống tư bản chủ nghĩa bóc lột ở mức độ nào đó có thể nguy hiểm cho các nước thành viên của khối xã hội chủ nghĩa. Ông không nghi ngờ về lòng trung thành của mình trước các cuộc đụng độ.[789]
Vấn đề nổi lên là liệu Hồ Chí Minh có được toàn quyền vạch ra chiến lược ở Hà Nội giống như Stalin thống trị chính trường ở Moscow hay không. Trên thực tế, rất nhiều đồng nghiệp của ông Hồ không có chung niềm tin với ông về khả năng không dùng vũ lực để giải phóng dân tộc và có thể phản đối những điều mà họ cho là thoả hiệp vô nguyên tắc với kẻ thù giai cấp. Giống như các tổng thống Mỹ phải cân nhắc những vấn đề nội bộ khi họ đề ra những mục tiêu chính sách đối ngoại. Hồ Chí Minh cũng gặp mặt phát biểu với các cử tri nơi ông ứng cử, nhưng sự khó khăn chủ yếu là với những cộng sự luôn luôn sốt ruột trong Bộ Chính trị - rất nhiều người trong số họ như Trường Chinh và Lê Duẩn không thể chia sẻ thái độ cả tin vào sức mạnh của lý lẽ.
Có những lý do xác thực cho thấy cử chỉ hoà giải của Nhà Trắng năm 1945 và năm 1946 đủ để đưa Hồ Chí Minh và các cộng sự của mình theo con đường tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng việc Mỹ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rất được Hà Nội hoan nghênh song điều đó chưa đủ làm cho Đảng cộng sản Đông Dương từ bỏ miền tin vào Moscow và từ bỏ học thuyết Marx - Lenin. Rất giỏi trong việc cân bằng quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, ông Hồ và các cộng sự chắc đã phải cố lèo lái trong quan hệ với Washington nhằm đạt được mục tiêu của mình. Như chúng ta đã biết, một số mục tiêu này có liên quan tới các nước khác. Cuối cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Đông Nam Á đã trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị và xã hội tương đối lớn. Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về khả năng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có sẵn sàng ngồi đàm phán hay không trong khi Hà Nội tìm cách thúc đẩy phong trào cách mạng đang còn trong thời kỳ trứng nước ở các nước láng giềng Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, việc các nhà hoạch định chính sách ở Paris và Washington không nắm lấy bàn tay hữu nghị mà Hồ Chí Minh chìa ra cho họ sau Thế chiến II đã đem lại hậu quả xấu cho nhân dân Việt Nam và toàn thế giới. Tuy có mạo hiểm khi trao quy chế chính đáng cho một chính phủ mới ở Hà Nội, rõ ràng chính phủ này còn tốt hơn sự lựa chọn khác. Nếu vấn đề đạo đức và chính trị trong những nguyên tắc tư tưởng của Hồ Chí Minh ưu việt hơn so với những nguyên tắc của những đối thủ của ông là một vấn đề cần phải tranh luận, rất khó có thể bác bỏ luận điểm cho rằng trong điều kiện lúc đó các nhà lãnh đạo Việt Minh là lực lượng được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với rất nhiều vấn đề có tác động đến các đồng bào của họ. Khả năng duy trì sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ít nhất là ở miền Bắc, phụ thuộc và khả năng duy trì thái độ trung thành của một thế hệ đấu tranh chống lại những âm mưu của Pháp và sau này là của Mỹ.
Ngày nay, đã hơn ba thập niên sau khi ông qua đời, tệ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ở Hà Nội. Tệ sùng bái này chủ yếu làm chỗ dựa cho một chế độ tuyệt vọng tìm cách duy trì tính chính đáng của mình khi tình hình đã thay đổi theo thời gian. Đối với nhiều người Việt Nam (đặc biệt ở miền Bắc sự sùng kính ông Hồ vẫn rất mạnh mẽ), hình ảnh ông vẫn còn đậm nét. Hình ảnh của ông mờ nhạt hơn ở miền Nam và ở chính nơi đây chính phủ trung ương thường bị mất lòng tin, những người đại diện của Hà nội bị coi là những kẻ đầu cơ chính trị. Tuy nhiên, những ước vọng suốt đời không dứt của ông Hồ về một đảng với nền tảng là sự trong sáng chính trị, quan tâm đến người dân ngày nay không còn nguyên vẹn nữa. Trong những năm gần đây, hầu như chẳng ai làm gì để giải quyết nạn tham nhũng đang đe doạ nhấn chìm cuộc cách mạng trong sự giận giữ và bất bình đang dâng cao của nhân dân.
Rất khó duy trì sự sùng bái ông Hồ trong tương lai. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy cho dù hầu hết thanh niên Việt Nam tôn kính Hồ Chí Minh vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp giành độc lập và thống nhất đất nước, nhiều người không còn coi ông là nhân vật trung tâm trong đời sống của họ. Gần đây, một thanh niên Việt Nam nói với tôi “Chúng tôi kính trọng ông Hồ, nhưng chúng tôi không quan tâm đến chính trị”. Đối với thế hệ trẻ lớn lên trước thềm thiên niên kỷ tới, ảnh hưởng của Hồ Chí Minh cũng chỉ như ảnh hưởng của Abraham Lincon đối với người dân Mỹ bình thường.
Ngay cả trong số những người thấy được giá trị của sự sùng bái ông Hồ, nhiều người xem đó như một thứ thuốc phiện đối với nhân dân. Như một trí thức Việt Nam nhận xét: Tất cả những người sống trong thời kỳ chiến tranh phải có những điều bí ẩn riêng của họ. Ngày nay, nhiều người cảm thấy quan điểm chính thức coi Hồ Chí Minh như một mẫu mực hoàn hảo về đạo đức cách mạng cần phải được thay thế bằng một hình ảnh thực tế hơn, mô tả ông như một con người có thể có sai lầm. Trong những năm gần đây, có những lời đồn đại không được kiểm chứng về những đám cưới trong quá khứ và những vụ tình ái - và thậm chí những người con hoang - đã được lưu truyền rộng rãi bất chấp những lời chối bỏ mạnh mẽ về tính xác thực của nó từ các nguồn tin chính thức. Tháng 4-2001, Nông Đức Mạnh được bầu làm tổng bí thư Đảng, người ta xì xầm bàn tán nói rằng ông Mạnh là con hoang của ông Hồ.[790]
Tương tự như vậy trên chính trường thế giới, hình ảnh của ông Hồ là một nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ XX không còn sức quyến rũ như cách đây một thế hệ, mặc dù sự hiện diện bức chân dung của ông trong một cửa hàng người di cư Việt Nam ở California đã đủ gây ra sự tức giận cho những người Mỹ gốc Việt. Cách đây một thế hệ, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nổ ra trên khắp Thế giới thứ ba lúc đó nước Mỹ dường như là một nền văn minh đang suy tàn. Trong điều kiện như vậy, ông Hồ có vẻ như là tiếng nói của tương lai. Với việc chủ nghĩa cộng sản mất uy tín và chủ nghĩa tư bản đang lên trước thềm thiên niên kỷ mới, sự kết hợp đặc biệt của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội của ông Hồ có vẻ như là điều kỳ quặc, giống như Cách mạng Văn Hoá của Mao Trạch Đông hoặc những ý tưởng tinh thần của Mahatma Gandhi. Ngày nay, Hồ Chí Minh thường được xem như là một nhà chiến thuật cách mạng thông minh của cuộc cách mạng và chỉ vậy thôi. Những bài viết của ông có vẻ như tẻ nhạt, phong cách tầm thường và không có nội dung tư tưởng. Tầm nhìn của ông về cách mạng thế giới xa rời thời gian không khác gì Marx nhìn người vô sản giận dữ đập cửa của những người áp bức tư bản.
Tuy nhiên, thái độ như vậy không đánh giá đúng tầm quan trọng của Hồ Chí Minh đối với thời đại của chúng ta. Nếu như tầm nhìn tương lai của ông về một xã hội cộng sản thế giới trong tương lai không hoàn mỹ (ít nhất giống như ngày nay người ta nhìn nhận) thì người ta cũng không phủ nhận rằng sự nghiệp mà ông thúc đẩy và chỉ đạo tạo ra những thời khắc có một không hai trong thế kỷ XX, là đỉnh cao của kỷ nguyên giải phóng dân tộc ở Thế giới thứ ba và sự thừa nhận rõ ràng đầu tiên về hạn chế của chính sách ngăn chặn cộng sản của Mỹ. Sau Việt Nam, thế giới không bao giờ như cũ nữa.
Khó tưởng tượng ra một cuộc cách mạng Việt Nam không có sự tham gia tích cực của Hồ Chí Minh. Mặc dù xu hướng lịch sử hiện tại nhấn mạnh tầm quan trọng của những lực lượng xã hội lớn trong việc tạo ra những sự kiện lớn của thời đại chúng ta, điều rõ ràng là trong nhiều trường hợp như trong cuộc cách mạng Bolsevich và cuộc nội chiến của Trung Quốc, vai trò cá nhân đôi khi rất lớn. Điều đó cũng đúng với Việt Nam. Ông Hồ không chỉ là người sáng lập Đảng và sau này là Chủ tịch nước, mà còn là một nhà chiến lược chủ chốt và là một biểu tượng giành được nhiều thiện cảm nhất. Một nhà tổ chức tài năng cũng như là một nhà chiến lược tinh tế và một nhà lãnh đạo lôi cuốn, Hồ Chí Minh là một nửa Lenin và một nửa Mahatma Gandhi, có lẽ thêm chút hơi hướng Khổng Tử. Đó là một sự kết hợp sống động. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam là một sự thực không thể phủ nhận làm thay đổi số phận của mỗi cá nhân, nếu không có ông thì có thể nó đã trở thành một vấn đề hoàn toàn khác và một kết cục hoàn toàn khác.
Đối với nhiều quan sát viên, bi kịch của cuộc đời Hồ Chí Minh là một tài năng kỳ lạ về nghệ thuật lãnh đạo mà đáng lẽ ra phải được sử dụng để hoàn thiện hệ tư tưởng chưa hoàn hảo và trên thực tế, hệ tư tưởng đó bị chối bỏ bởi nhiều người trước đây đã chân thành theo đuổi trên toàn thế giới, mặc dù vẫn chưa được từ bỏ trên đất nước của ông. Một câu hỏi chưa có trả lời, liệu trong hoàn cảnh khác, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành có quyết định theo đuổi lý tưởng và tập quán của nền văn minh phương Tây đương đại hay không. Giống như nhiều nhà lãnh đạo châu Á trong những ngày đó, những gì ông đã trải nghiệm khi sống ở các nước tư bản chủ nghĩa không phải là những điều dễ chịu và những tội ác gây ra bởi chủ nghĩa thực dân của phương Tây mà ông nhận thấy trong những năm đầu của cuộc đời mình đã làm tổn thương tới sự nhạy cảm của ông. Tuy nhiên, rất nhiều niềm tin triết lý của ông dường như đúng với các lý tưởng của phương Tây hơn là với Karl Marx và Lenin. Mặc dù ông tìm cách xây dựng hình ảnh của bản thân mình trước các cộng sự của ông như một nhà Marxist chính thống, dường như rõ ràng ông không thích những vấn đề mang tính học thuyết giáo điều và thường cố làm mềm những giáo lý khô khan của cộng sản khi áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, là người thành lập Đảng và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả đối với những hành động của mình, dù tốt hay xấu xuất phát từ điều kiện Việt Nam hiện nay, ngay cả nhiều người nhiệt tình bảo vệ ông cũng phải thừa nhận, di sản của ông là tốt xấu lẫn lộn.
Tại sao Hồ Chí Minh nhận thức được những khía cạnh nhân văn của Khổng Tử và truyền thống phương Tây, lại tiếp tục ôm chặt chủ nghĩa Marx - Lenin thậm chí sau khi nó không đủ sức bảo vệ những giá trị hiển nhiên đó? Một số nhà phê bình đoan chắc, chủ nghĩa nhân đạo của Hồ (nếu có) chỉ đơn thuần để đánh lừa những người cả tin. Nhưng có lẽ, cách giải thích thuyết phục hơn, ông tin rằng ông có thể tránh được cạm bẫy của chủ nghĩa Stalin và kết hợp những mặt tích cực của chủ nghĩa Marx cổ điển và những giá trị nhân văn ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tương lai. Giờ đây rõ ràng là chủ nghĩa xã hội Việt Nam là đối tượng của nhiều thói hư tật xấu giống như Liên Xô láng giềng, một bản sao, Hồ có lẽ không nhìn rõ, hoặc không đủ dũng khí chính trị để phát biểu mạnh mẽ chống lại.
Hồ Chí Minh là “người tạo ra sự kiện” (trong một đoạn trích đáng nhớ của Sidney Hook's, triết gia Mỹ), một “đứa con của khủng hoảng” hiện thân hai sức mạnh trung tâm trong lịch sử của Việt Nam hiện đại: Mong muốn độc lập dân tộc và tìm kiếm công lý xã hội và kinh tế. Do hai sức mạnh này vượt qua biên giới nước mình, ông Hồ có khả năng chuyển tải thông điệp cho các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới và lên tiếng đòi giá trị của chân lý và tự do thoát khỏi sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc. Cho dù người dân của ông có đánh giá cuối cùng về di sản của ông như thế nào chăng nữa, ông cũng đã nằm trong đền thờ các vị anh hùng cách mạng dành cho người đấu tranh vĩ đại đem lại cho những người thống khổ tiếng nói chân chính.[791]

 


NGUỒN THAM KHẢO


Có một số vấn đề về tài liệu gây khó khăn đối với tiểu sử Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã viết hai cuốn sách ngắn tự thuật tiểu sử, cũng như một số bài báo, dưới tên giả. Một trong những cuốn sách tự thuật tiểu sử là “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tác giả T. Lan, có lẽ chưa hề được dịch ra tiếng nước ngoài. Cuốn khác, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” mang tên tác giả nhà sử học không có thực Trần Dân Tiên, được Hồ Chí Minh viết cuối thập niên 1940 và đã được dịch ra vài thứ tiếng. Bản tiếng Anh lược bớt cuốn sách này có tên “Glimpses of the Life of Hồ Chí Minh: President of the Democratic Republic ò Vietnam” được NXB Ngoại văn, Hà Nội phát hành năm 1958. Một bản dịch dài hơn sang tiếng Pháp xuất hiện trong cuốn sách “Những kỷ niệm về Bác Hồ” do NXB Ngoại văn, Hà Nội phát hành 1967 dưới nhãn “Nguyễn Ái Quốc”, tác giả Trần Dân Tiên. Một bản bằng tiếng Trung do NXB Ba Nguyên Tư Ốc, Thượng Hải, phát hành tháng 8-1949 dưới tên “Tiểu sử Hồ Chí Minh” có lẽ là bản hoàn chỉnh nhất, nhưng khó thu nhận. Vì bản tiếng Anh và Pháp là dễ đọc hơn cho độc giả, nên tôi quyết định trích dẫn chúng ở chú thích
Vấn đề thứ hai, sự giống nhau của nhiều cuốn sách tiếng Việt viết về Hồ Chí Minh cũng như về diện mạo cách mạng Việt Nam. Tôi làm hết sức mình để làm rõ ràng khi trích dẫn những nguồn như thế, nếu độc giả quan tâm đến gốc gác những tài liệu dó, có thể xem thông tin chính xác ở cuối trang này. Một trường hợp khác, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần I và II, thì bản in lần thứ hai thường không có những tài liệu như trong bản in đầu tiên. Vì bản in lần đầu tiên Hồ Chí Minh Toàn tập chắc chắn có trong nhiều thư viện ở Mỹ, nên tôi trích dẫn bản này bất cứ khi nào có thể được
Vấn đề thứ ba, việc sử dụng tiếng Việt. Tiếng Việt có các dấu trong nguyên âm để phân biệt khi phát âm. Một số sách gần đây về xã hội Việt Nam thường gắn dấu kết hợp với chữ. Tôi quyết định không làm như thế trong cuốn sách này, vì chúng chắc chắn làm rối độc giả không thạo tiếng Việt. Những độc giả biết tiếng Việt, trong mọi trường hợp, sẽ quen nhiều từ và cụm từ tiếng Việt xã hội trong bài hoặc chú thích
Cuối cùng, về tên gọi thích hợp. Nhân dân Việt Nam, giống Trung Quốc, đặt họ đầu tiên, rồi tên đặt tiếp theo. Tuy nhiên, trong thập niên gần đây, để chỉ những cá nhân, người ta thường dùng tên của họ. Ngô Đình Diệm, từng là Tổng thống Nam Việt Nam, được gọi Tổng thống Diệm. Tuy vậy, Hồ Chí Minh được gọi là Chủ tịch Hồ, Hồ Chủ tịch, có lẽ do tên Hồ Chí Minh là một bí danh lấy từ tiếng Trung. Những nhân vật khác như Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng, thường được dùng tên là Giáp và Đồng


VỀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

Để tránh dài dòng trong mục chú thích, với những tài liệu xuất hiện thường xuyên, chỉ ghi tên tác giả và tên tài liệu, lược đi phần xuất xứ. Nếu độc giả quan tâm đến xuất xứ tài liệu có thể xem dưới đây:
“Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” (NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1992)
Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, 1924-1927”, (NXB Chính tr Quốc gia, Hà Nội, 1998)
 “Những kỷ niệm về Hồ Chí Minh” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1967). Tập hợp những bài báo và hồi ức của những đồng sự của Hồ Chí Minh
“Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, (NXB Sự thật, Hà Nội, 1985)
Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969” (NXB L’Harmattan, Paris)
Alain Ruscio, ed. “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934 (NXB L’Harmattan, Paris, 1985)
Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, (NXB Praeger, New York 1967)
CAOM: Trung tâm lưu trữ Outre-Mer, tỉnh Aix-en, Pháp
Charles Fourniau và Léo Figueres, “Hồ Chí Minh: Người đồng chí của chúng tôi” (NXB Xã hội, Paris, 1970)
CO: Văn phòng Thuộc địa. Những tài liệu nằm ở Văn phòng Lưu trữ Công cộng, London và Hong Kong
Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài” (NXB Thông tin, 1990)
David G. Marr, “Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân, 1885-1925” (NXB Đại học California, Berkeley, California, 1971)
David Halberstam, “Sơ lược tiểu sử Hồ Chí Minh”, (NXB Random, New York, 1971)
Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, NXB Văn học Chính trị Moscow, 1986, dịch từ bản tiếng Việt, “Hồ Chí Minh trên đất nước Lenin”, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1980
Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, NXB Thanh niên, 1994
HZYZ: Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc” (NXB Jiefang Zhun, Bắc Kinh, 1987)
Jean Lacouture, “Hồ Chí Minh: Tiểu sử một chính trị gia”, Peter Wiles dịch sang tiếng Anh (NXB Vintage, New York, 1968)
JPRS: Cơ quan nghiên cứu liên hợp xuất bản (Washington D.C)
Kobelev, “Hồ Chí Minh”, NXB Tiến Bộ, Moscow, 1989
Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, NXB Trẻ, t.p HCM, 1999)
Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 186 (tháng 5 và 6-1979)
Nguyễn Khắc Huyến, “Mộng ước đã thành” (NXB Collier, New York, 1971)
Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp” (NXB Thông tin Lý luận, 1988)
Nguyễn Thanh, “Quốc tế Cộng sản và Cách mạng ở Đông Dương”, trong Tạp chí Cộng sản (tháng 2-1983)
OSS: Cơ quan công tác chiến lược (Tìền thân Cục tình báo Hoa Kỳ, giải tán 11-1945 thay bằng CIA)
Phan Bội Châu, “Phan Bội Châu niên biểu” (Tạp chí Văn Sử Địa, Hà Nội, 1955, trang 55)
SLOTFOM: Văn phòng Liên lạc các vùng lãnh thổ Outre-Me, Pháp
Sokolov, “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam”, NXB Iv Ran, Moscow, 1998
Sơn Tùng, “Chuyện thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế”, báo “Tin tức Việt Nam”, tháng 4-1976
SPCE: Cơ quan bảo vệ Quân đoàn Viễn chinh. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ tỉnh Aix-en, Pháp
Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới” (NXB Sage, London, 1991)
T. Lan “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, (NXB Sự thật, 1976)
Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Hà Nội)
Thép Mới, “Bác Hồ tại Quảng Châu”, báo “Tin tức Việt Nam, tháng 5-1976
Toàn Tập I: Hồ Chí Minh Toàn tập in lần thứ nhất (10 tập), NXB Sự thật, 1980-1989
Toàn Tập II: Hồ Chí Minh Toàn tập in lần thứ hai (gồm 12 tập), NXB Chính trị Quốc gia, 1995-1996
Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (NXB Ngoại văn Hà Nội, 1958)
Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, NXB Văn Học, t.p HCM, 1998
Trung tâm sao chép microfilms các tài liệu của Bộ Ngoại giao, Hoa kỳ, hiện nay được lưu trữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md)
UPA: NXB Đại học Mỹ
USNA: Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md)
Võ Nguyên Giáp, “Từ nhân dân mà ra” (NXB Quân đội Nhân dân, 1964)
William Duiker, “Sự trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam, 1900-1941” (NXB Đại học Cornell, Ithaca, New York, 1976)
ZYG: Quốc Minh, “Bốn mươi năm quan hệ Hoa-Việt”, NXB Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, 1992

                                     Hết
-**********************************-


[777] Trích dẫn từ Ấn Độ có trong “Hồ Chí Minh” (NXB Uỷ ban Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989), trang 82. Xã luận của Uruguay trên tạp chí “Nhân Dân (Montevideo) ngày 4-9-1969. Cả hai trích trong” Thế giới ngưỡng mộ và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh” (NXB Sự thật, 1976). Phản ứng của Liên Xô trích trong Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 236.
[778] Điếu văn của Lê Duẩn trong “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (NXB Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, 1989), trang 57-64.
[779] Xem “Giữ yên giấc ngủ của Người” (NXB Quân đội Nhân dân, 1990), trang 36-39, 92-93. Theo báo cáo của nhà báo Úc Malcolm Salmon, tin Hồ Chí Minh qua đời đến Moscow rất nhanh, giới lãnh đạo Xô viết đề nghị Hà Nội có hành động tức thời để bảo quản thi hài ông. Vì Bộ chính trị vẫn chưa quyết định có xây lăng hay không, chuyên gia Liên Xô bay đến Hà Nội để thực hiện bảo quản thi hài trước khi Bộ Chính trị có quyết định xây lăng. Trong khi đó, thi hài ông được ướp đá. Xem Malcolm Salmon, “Hồi ức về Hồ Chí Minh”, “Việt Nam Ngày nay”, tháng 4-1980, trang 3.
[780] Về việc xây lăng, xem “Giữ yên giấc ngủ của Người”, trang 95-122. Về ý kiến của Hồ Tài Huệ Tâm, trong tài liệu của bà “Sự nhập nhằng hoành tráng: Sự tưởng niệm cấp Nhà nước đối với Hồ Chí Minh”, trong K. W. Taylor và John K.Whitmore, eds., “Tiểu luận về quá khứ Việt Nam” (Ithaca, N.Y.: Chương trình Đông Nam Á Đại học Cornell, 1995), trang 281.
[781] Bản fax của bản gốc tiếng Việt và bản dịch sang tiếng Pháp của Di chúc Hồ Chí Minh có trong “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Xem thêm Bùi Xuân Quang, “Công bố Di chúc của Hồ Chí Minh: Những điều dối trá”, “Những bình luận Việt Nam” (tháng 3 và 4-1990), trang 4-6. Giáo sư Quang, trích dẫn một bài báo của Hoàng Văn Hoan buộc tội Lê Duẩn thậm chí không thông báo cho các đồng chí của ông trong Bộ chính trị tình hình sớm hơn, sửa chữa Di chúc của Hồ và trình với họ chỉ một bản đánh máy mà Lê Duẩn chứng kiến và ký.
[782] Xem “Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1970), trang 188-95. Về một thí dụ quyết định để tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, xem “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, tập 2 (NXB Viện Hồ Chí Minh, 1993).
[783] Về sự mô tả ngắn, xem “Bảo tàng Hồ Chí Minh”, “Tin tức Việt Nam” (tháng 5-1986), trang 6. Trong chuyến thăm Hà Nội ngắn ngày trước khi khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi may mắn nói chuyện với một số thợ thủ công Tiệp đang làm công việc trưng bày trong Bảo tàng. Họ nói với tôi rằng mặc dù ý định chính thức là thể hiện những tồi tệ của xã hội tư bản thế kỷ XX, nhưng trong công việc của mình họ lén lút tìm cách trưng bày những ấn tượng tốt hơn của thời đại. Về ý kiến, xem Hồ Tài Huệ Tâm, “Sự nhập nhằng hoành tráng: Sự tưởng niệm cấp Nhà nước đối với Hồ Chí Minh”, trang 283.
[784] Võ Nguyên Giáp bị rớt khỏi Bộ chính trị tại Đại hội Đảng V, năm 1982. Sau này ông sang phụ trách khối khoa học kỹ thuật.
[785] Sự “thoả thuận ma quỷ” này rõ ràng được khẳng định trong hiến pháp mới thông qua năm 1991. Xem “Hiến pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (NXB Ngoại văn, 1992).
[786] “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trang 5-10; bài báo của Hoàng Văn Hoan trên “Tạp chí Bắc Kinh”, ngày 14-4-1981, và Vũ Kỳ, “Bác Hồ viết di chúc” (NXB Sự thật, Hà Nội 1989).
[787] Charles Fenn, “Chạy thử đến ngày tận số”, trang 238-39 (bản thảo do Charles Fenn cung cấp).
[788] Trích “Journal I'Union Française”, ngày 20-5-1947, trong hồ sơ nhãn “Hồ Chí Minh 1947-1948”, SPCE, hộp 370, CAOM. Xem thêm Vincent Hugeux, “Phỏng vấn Vũ Thư Hiên”, “Tạp chí Chính trị Quốc tế”, số 77 (Mùa thu 1997), trang 272, và Mieczyslaw Maneli, “Chiến tranh hạn chế” (New York: Harper & Row, 1971), trang 153.
[789] Trong một chuyến đi gần đây tới Hà Nội, tôi khám phá rằng một số học giả Việt Nam đã trở thành nạn nhân cho huyền thoại của Hồ đặc biệt gắn với Mỹ. Khi một số người hỏi tôi tại sao Tổng thống Roosevelt và Truman không trả lời những bức thư của Hồ Chí Minh yêu cầu công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi nhắc nhở họ rằng Joseph Stalin cũng không trả lời đề nghị của Hồ. Điều quan trọng là nhiều bài viết của Hồ Chí Minh chỉ trích khía cạnh khác nhau của xã hội Mỹ, được viết tất nhiên dưới bút danh, chưa bao giờ được dịch sang tiếng Anh.
[790] Nông Đức Mạnh đã phủ nhận những tin đồn này, nhưng ông thừa nhận mẹ ông, dân tộc Tày, là người phục vụ Hồ khi ông trở về Việt Nam đầu thập niên 1940. Ngẫu nhiên, là Chủ tịch Quốc hội, Nông Đức Mạnh kiếm được danh tiếng là trung hoà thuyết phục các đồng chí của ông chấp nhận thoả hiệp. Điều này, tất nhiên, là một trong những tính cách nổi tiếng của Hồ Chí Minh. Về nhận xét về sự cần thiết của huyền hoại, xem Olivier Todd, “Huyền thoại Hồ Chí Minh: Độ cao của thông tin sai”, “Bình luận Việt Nam” số tháng 5 và 6-1990), trang 13-14.
[791] Về ý tưởng của Sidney Hook trong vấn đề này, xem Sidney Hook, “Người anh hùng trong lịch sử” (NXB Beacon, Boston, 1943).

Tổng số lượt xem trang