Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HỒ CHÍ MINH - CHÂN DUNG MỘT CUỘC ĐỜI (2)


CHƯƠNG II

CON TUẤN MÃ


Mặc dù hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi rời Sài Gòn không được ghi lại đầy đủ, nhưng nhân chứng cho thấy Thành đã lênh đênh trên biển trong gần hai năm trời. Thế giới bên ngoài Việt Nam đã tác động tới suy nghĩ và thái độ của Thành về cuộc sống. Hơn một thập niên sau, Thành bắt đầu viết những bài báo cho các nhà xuất bản ở Pháp. Những bài viết xúc động lòng người của Thành về những điều tồi tệ trong cuộc sống ở những thành phố cảng thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh đã kể lại nỗi thống khổ trong cuộc sống cũng như sự đối xử dã man tàn bạo của những người châu Âu với dân bản xứ. Vào đầu thế kỷ XX, nhiều nơi trên thế giới đã rơi vào ách thuộc địa. Các thành phố cảng ở châu Phi và châu Á tràn ngập công nhân cảng, phu kéo xe tay và những người lao động chân tay, tất cả đều làm theo lệnh của người da trắng. Có thể trong thời gian ở nước ngoài những suy tư về sự nghiệp cách mạng sau này của Thành đã được hình thành.

Cuộc hành trình trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville từ Sài Gòn đi Marseilles mất vài tuần. Điều kiện ngoài khơi rất khó khăn; con tàu quá nhỏ so với một tàu chở khách xuyên đại dương, chỉ dài khoảng 100 mét và nặng chưa tới 6.000 tấn. Trong các cuốn tự thuật, là nguồn thông tin duy nhất về cuộc đời ông trong thời kỳ đó, Thành kể “Những cơn bão với những ngọn sóng “cao như núi” nhiều lần suýt nữa hất Thành khỏi tàu”.
Những ngày Thành sống trên biển thường rất dài và đơn điệu, phải dậy từ sáng sớm và chỉ hoàn thành công việc sau khi trời tối. Nhiều năm sau, Thành dùng một nhân vật khác để kể lại trong cuốn tự truyện:
“Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá v.v. Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành”.[37]
Tuy nhiên, Thành dường như an tâm chịu đựng và nhiệt tình làm việc. Trong một lá thư gửi cho một người quen ở Sài Gòn, Thành đã đùa:“Người anh hùng vui vẻ suốt ngày làm những gì anh ta cảm thấy thích như đánh bóng các vật dụng bằng đồng, lau chùi nhà vệ sinh, buồng tắm, dọn sạch thùng phân”. Hàng ngày làm xong mọi việc khoảng 9 giờ tối, Thành lại đọc sách hoặc viết lách đến tận nửa đêm, thỉnh thoảng giúp những người không biết chữ trên tàu viết thư cho gia đình. Kỹ sư nông học kiêm nhà báo Bùi Quang Chiêu - sau này là lãnh đạo tổ chức đối lập phong trào cộng sản của Hồ Chí Minh - kể lại, “Ông đã gặp Thành trong chuyến đi và hỏi tại sao một người thông minh như thế lại kiếm một công việc nặng nhọc như vậy”. Thành chỉ cười, “Muốn tới Pháp để tìm cách lật ngược quyết định của triều đình cách chức cha Thành”.[38]
Sau khi dừng lại ở Singapore, Colombo và Port Said, tàu Đô đốc Latouche - Tréville cập cảng Marseilles ngày 6-7-1911. Thành nhận được tiền công - khoảng mười quan tiền Pháp - số tiền chỉ đủ ăn ở vài ngày trong khách sạn rẻ tiền. Thành rời tàu cùng với một ngưòi bạn để chiêm ngưỡng phong cảnh đầu tiên về nước Pháp. Lần đầu tiên Thành nhìn thấy tàu điện “nhà di động”, (người Việt Nam lúc đó gọi), cũng là lần đầu tiên Thành được người ta gọi là “ông” khi dừng lại uống một ly cà phê trong tiệm nằm trên đường Cannebiere nổi tiếng của thành phố. Điều này làm Thành nhớ mãi, kể với bạn, “Người Pháp ở trong nước rất tử tế, lịch sự, khác hẳn bọn Pháp ở Đông Dương”. Thành đã phát hiện ra, ngay tại nước Pháp cũng có những người nghèo giống như ở vùng Đông Dương thuộc Pháp. Hồi ấy cũng như bây giờ, Marseilles vẫn là một thành phố xô bồ, đường phố đầy thuỷ thủ, ma cà bông, lái buôn và những tên trộm cắp gồm đủ các dân tộc. Trông thấy các cô gái điếm lên tàu với các thuỷ thủ, Thành hỏi bạn “Tại sao người Pháp không khai hóa văn minh cho đồng bào của họ trước khi khi đi “khai hoá” chúng ta”.[39]
Thành quay trở lại tàu trước khi tàu rời đi Le Havre; tàu tới Le Havre ngày 15-7. Vài ngày sau tàu tới Dunkirk, sau đó trở lại Marseilles và cập cảng thành phố vào giữa tháng chín. Tại đây, Thành đã viết một bức thư gửi tổng thống Cộng hoà Pháp. Sự kiện này rất lạ do vậy cần in lại toàn văn bức thư bằng Pháp ngữ:

Marseille le15 Septembre 1911
Monsieur le President de la République
J'ai l'honneur de solliciter de votre bienveillance la faveur d'être admis à suivre les cours de l ' École Coloniale comme interne .
Je suis actuellement employé à la Compagnie des Chargeurs Réunis pour ma substance à soi de l'Amiral Latouche Tréville.
Je suis entièrement dénué de ressources et avide de m' instruire . Je désirerais devenir utile à la France vis à vis de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de l' instruction .
Je suis originaire de la province de Nghê-an, en Annam.
En attendant votre réponse que j ' espère favorable, agréez, Monsieur le Président, mes plus respectueuses hommages et l ' assurance de ma reconnaissance anticipée .
Nguyễn-tất Thành,
né à Vinh, en 1892 ,fils de Mr Nguyễn sinh Huy, sous docteur es-lettre
Étudiant Francais , quốc ngữ, caractère chinois

 Marseilles ngày 15 tháng 9 năm 1919

Thưa Ngài Tổng thống,
Tôi rất vinh dự đề nghị ngài giúp đỡ để tôi có thể được nhận vào học tại Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú.
Tôi đang làm việc cho công ty Chargeurs Réunis (Đô đốc Latouche-Tréville) để sinh sống. Tôi hoàn toàn không có nguồn giúp đỡ và tôi rất muốn được đi học. Tôi mong muốn có thể giúp nước Pháp trong vấn đề có liên quan tới đồng bào tôi đồng thời có thể tạo thuận lợi cho đồng bào tôi thông qua việc truyền đạt lại kiến thức.
Tôi sinh ra tại tỉnh Nghệ An, Trung Kỳ. Tôi hy vọng ngài ủng hộ đề nghị của tôi. Tôi xin gửi tới ngài Tổng thống lời cảm ơn trân trọng nhất.
Nguyễn Tất Thành
Sinh tại Vinh, 1892
Con trai Nguyễn Sinh Huy (tiến sỹ văn chương)
Sinh viên Tiếng Pháp và Trung Quốc

Trường Thuộc địa thành lập năm 1885 để đào tạo các công chức của chính phủ tại các vùng thuộc địa của Pháp, trường có “khoa bản xứ” dạy các vấn đề liên quan đến thuộc địa với khoảng hai mươi xuất học bổng dành cho các sinh viên từ vùng Đông Dương thuộc Pháp. Một số học giả băn khoăn không hiểu tại sao, một thanh niên như Nguyễn Tất Thành, người kịch liệt phản đối sự thống trị của người Pháp, lại muốn học trường thuộc địa để phục vụ nước Pháp. Họ đã phỏng đoán, có thể Thành đã có ý định đổi lòng yêu nước lấy sự nghiệp trong bộ máy chính quyền Pháp. Tuy nhiên, nhìn vào việc học tập trước đây của Thành tại trường Quốc Học Huế, hành động của Thành không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù thái độ thù nghịch của Thành đối với chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương rất rõ ràng, Thành vẫn chưa quyết định cụ thể đi con đường nào để giải phóng đất nước. Theo Thành kể lại, ông rất muốn tiếp tục học để nâng cao hiểu biết về tình hình thực tế. Trong một bức thư viết vào năm 1911, Thành đã nói với người chị, hy vọng tiếp tục được học ở Pháp và sẽ trở về Đông Dương trong vòng năm hoặc sáu năm. Hơn nữa, như trong bức thư Thành gửi cho Tổng thống Pháp đã nêu rõ mục tiêu cuối cùng là trở thành người có ích cho đất nước. Có lẽ và không phải là lần cuối, Thành đã che giấu ý định thật sự của mình để đạt được mục đích.[40]
Từ Marseilles, Thành trở lại Sài Gòn trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville. Thành đã rời tàu khi tàu tới nơi vào giữa tháng mười và cố liên hệ với cha. Ông Sắc vẫn chưa tìm được công việc ổn định từ khi bị triều đình cách chức và đã bị bắt trong một lần vì say rượu. Sau khi làm việc trong một thời gian dài tại đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, gần biên giới Campuchia, ông Sắc bắt đầu bán thuốc bắc trên khắp Nam Kỳ. Mặc dù có thể ông Sắc sống ở đâu đó trong vùng phụ cận Sài Gòn khi con trai tới, nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ cả hai cha con biết nhau đang ở đâu. Ngày 31-10-1911, Thành viết thư gửi toàn quyền Pháp ở Trung Kỳ giải thích rằng Thành và cha bị ly tán vì cảnh bần cùng trong hơn hai năm và gửi kèm theo mười lăm đồng cho cha. Thành đã không nhận được thư trả lời.[41]
Từ Sài Gòn, Thành quay trở lại Marseilles, tại đó Thành được biết đơn xin học của mình tại Trường Thuộc địa đã bị từ chối. Đơn xin học đã được gửi tới giám hiệu nhà trường và họ trả lời rằng “chỉ các thí sinh được quan Toàn quyền Đông Dương giới thiệu mới được nhận vào học,” một quy định rõ ràng đã loại Thành khỏi việc được xét đơn. Sau đó, Thành quyết định trở lại tàu cho tới khi tàu rời đi xưởng sửa chữa tại Le Havre. Hầu hết các thuỷ thủ nhận làm việc trên một con tàu khác và trở lại Đông Dương; Thành trở lại Le Havre và nhận làm vườn tại nhà một chủ tàu ở Saint Adresse, khu nghỉ mát trên bãi biển cách thành phố vài dặm về phía tây. Sau này, Claude Monet (hoạ sĩ Pháp), theo trường phái ấn tượng vẽ tranh sơn màu về bãi biển này. Trong lúc rảnh rỗi, Thành đọc các tạp chí trong tủ sách và học tiếng Pháp với con gái của người chủ tàu. Thỉnh thoảng Thành vào thành phố nói chuyện với những người Việt Nam. Có thể Thành đã tới Paris gặp Phan Chu Trinh. Theo một số tài liệu, cha của Thành đã đưa cho Thành thư giới thiệu gửi người bạn cùng đỗ phó bảng trước khi Thành rời Việt Nam. Sau khi được trả tự do khỏi nhà tù, ông Trinh đã tới Paris vào khoảng mùa xuân năm 1911. Nếu họ gặp nhau, hẳn họ đã trao đổi về những tin vui từ Trung Quốc. Những người cách mạng Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Tôn Dật Tiên đã lật đổ triều đình nhà Thanh và thành lập một nền cộng hoà kiểu phương Tây.[42]
Thành sống rất hòa hợp với gia chủ và họ đã giúp Thành trở lại làm việc cho công ty Chargeurs Reunis trên một con tàu tới châu Phi. Mặc dù một người bạn đã nói với Thành rằng châu Phi nóng hơn nhiều so với Việt Nam, Thành vẫn thích đi đó đây. “Tôi muốn được nhìn thấy thế giới” - Thành đáp lại, và vẫn quyết định đi. Vài tháng sau, Thành đã tới nhiều nước châu Phi và châu Á, trong đó có Algeria, Tunisia, Morocco, Ấn Độ, Đông Dương, Saudi Arabia, Senegal, Sudan, Dahomey, và Madagascar.
           Những gì trông thấy Thành rất thích và học hỏi thêm nhiều điều khi tàu cập bến. Thành đã kể lại trong hồi ký của mình:
“Chiếc tàu nhỏ rời Ha–vơ–rơ. Đỗ lại ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An Giê Ri, Tuy Ni Di và những cửa bể Đông châu Phi cho đến Công Gô. Đến đâu anh Ba cũng để ý xem xét. Mỗi lần tàu cập bến, thế nào anh Ba cũng kiếm cách đi thăm thành phố. Khi trở về, anh có những ảnh và những hộp diêm đầy túi. Anh thích thu thập những thứ ấy.”
Thành thường nhớ lại hình ảnh ghê rợn chế độ thuộc địa. Tại Dakar, Thành đã nhìn thấy những người châu Phi bị chết đuối khi người Pháp ra lệnh cho họ bơi ra những con tàu trong bão. Sau này Thành viết:
“Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.[43]
Trong những năm tháng lênh đênh trên biển, Thành đã tới một số cảng vùng Tây Bán Cầu. Nhiều năm sau, Thành nói với người Cuba quen biết là anh đã tới Rio de Janeiro và Buenos Aires. Đôi khi tàu của Thành dừng lại ở các thành phố cảng dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ trong đó có thành phố New York, nơi Thành đã quyết định rời tàu đi tìm việc làm. Hình như Thành ở lại Mỹ vài tháng.
Giai đoạn Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ vẫn là một trong những thời kỳ bí ẩn và khó hiểu nhất trong cuộc đời ông. Theo ông kể với những người quen, ông đã ở một thời gian tại New York và rất sửng sốt khi nhìn những ngôi nhà chọc trời khu Manhattan. Đi dạo với bạn bè khu phố Tầu đã gây cho ông ấn tượng, những người nhập cư châu Á ở Mỹ dường như có đủ các quyền lợi theo luật pháp, chứ không phải chỉ trên pháp lý. Ông làm lao công, công việc vặt cho một gia đình giàu có - lương bốn mươi đô-la một tháng - nhưng vẫn có thời gian tham dự các cuộc họp hoạt động xã hội của “Phong trào vì sự tiến bộ cho người da đen” ở Harlem, một tổ chức được thành lập dưới sự tài trợ của một người theo chủ nghĩa dân tộc da đen sinh ra ở Jamaica là Marcus Garvey. Nhiều năm sau, ông phát biểu với các nhà hoạt động vì hoà bình tới thăm Hà Nội - giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam ác liệt nhất - ông đã rất xúc động bởi nỗi thống khổ của người da đen trên toàn thế giới và đã đóng góp rất nhiều cho phong trào của họ. Khi một đại biểu trong đoàn hỏi tại sao ông đã tới New York, ông trả lời, lúc đó ông nghĩ Hoa Kỳ phản đối chủ nghĩa đế quốc phương tây và có thể sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Việt Nam lật đổ chế độ thuộc địa của Pháp. Nhưng ông kết luận, ở đó không hề có sự giúp đỡ nào.[44]
Những năm sau này, Hồ Chí Minh thường nói, ông cũng đã từng sống ở Boston, nơi ông làm đầu bếp trong một thời gian ngắn tại khách sạn Parker House và đã tới một số bang ở miền nam trong một chuyến đi ngắn, tại đó ông đã chứng kiến đảng Ku Klux Klan (3 K) hành hình người da đen. Sống ở Moscow trong thập niên 1920, ông đã viết một bài báo kể lại những sự việc đó với những chi tiết sinh động. Thật không may, không một chi tiết nào về chuyến đi của ông tới Hoa Kỳ có thể chứng thực. Hầu như chỉ có một bằng chứng duy nhất không thể chối cãi khẳng định ông đã có mặt tại nước Mỹ là hai bức thư ông đã gửi đi. Bức thư thứ nhất, được ký tên Paul Tất Thành gửi toàn quyền Pháp tại Trung Kỳ ngày 15-12-1912 với dấu bưu điện của thành phố New York. Bức thư thứ hai là một tấm bưu thiếp từ Boston gửi cho Phan Chu Trinh ở Pháp; bức thư có nói rằng đang làm phụ bếp trong khách sạn Paker House.[45]
Rất có thể Thành rời Mỹ năm 1913. Thành công nhận, thời gian ở Mỹ đã ảnh hưởng rất ít đến thế giới quan của Thành khi ông nói với nữ ký giả Mỹ - Anna Louis Strong - trong khi ở Hoa Kỳ ông chẳng biết gì về chính trị. Sau một lần dừng chân ở Le Havre, Thành đã tới nước Anh để học Anh ngữ. Trong một bức thư ngắn gửi cho Phan Chu Trinh ở Pháp, Thành đã kể, trong bốn tháng rưỡi vừa qua Thành đã ở London học tiếng Anh, giao lưu với những người nước ngoài. Thành viết, “Trong vòng bốn hoặc năm tháng nữa, cháu hy vọng được gặp lại chú”. Bức thư không đề ngày, tuy nhiên bức thư đó phải được viết trước khi nổ ra Thế chiến I vào tháng 8-1914, vì trong thư Thành hỏi ông Trinh dự định nghỉ hè ở đâu.
Trong bức thư thứ hai, Thành nhận xét về xuất phát điểm nguyên nhân xảy ra Thế chiến I. Theo Thành, bất kỳ nước nào cố gắng can thiệp vào vấn đề này sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh và kết luận: “Cháu cho rằng trong vòng ba hoặc bốn tháng nữa, tình hình châu Á sẽ thay đổi và sẽ thay đổi rất lớn. Tình hình sẽ tồi tệ hơn, gây rối loạn đối với những người phải chiến đấu. Chúng ta chỉ có một cách là đứng sang một bên”.
Có thể Thành đã lường trước được rằng cuộc chiến sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa Pháp.[46]
Trong bức thư đầu tiên gửi Phan Chu Trinh, Thành cũng đã nói rằng Thành cũng phải làm việc cơ cực để khỏi bị đói. Việc làm đầu tiên của Thành là dọn tuyết ở một trường học, sau này trong cuốn tự thuật Thành đã viết:
“Một công việc rất mệt nhọc. Mình mẩy tôi đẫm mồ hôi mà tay chân thì rét cóng. Và cuốc được đống tuyết cũng rất khó khăn vì tuyết trơn. Sau tám giờ làm công việc này, tôi mệt lử và đói bụng. Tôi đành phải bỏ việc”.
Thành nhanh chóng từ bỏ công việc này để làm một người đun lò hơi. Tuy nhiên, công việc này thậm chí còn tồi tệ hơn:
 “Từ năm giờ sáng, một người nữa với tôi chui xuống hầm để nhóm lửa. Suốt ngày chúng tôi đổ than thay than trong lò. Ở đây thật đáng sợ. Luôn luôn ở trong cảnh tranh tối tranh sáng. Tôi không biết người ta làm cái gì ở tầng trên, vì không bao giờ tôi lên đấy. Người bạn tôi là một người âm thầm, có lẽ anh ta câm. Suốt hai ngày làm việc, anh ta không hề nói một tiếng. Anh vừa làm việc vừa hút thuốc. Khi nào anh ta cần tôi làm việc thì anh ta ra hiệu. Nhưng không nói một tiếng. Trong hầm hết sức nóng, ngoài trời hết sức rét, và không có đủ quần áo, tôi luôn bị cảm”.
Cuối cùng thì Thành đã tìm được việc làm trong nhà bếp của khách sạn Drayton Court ở trung tâm London. Sau đó Thành chuyển sang khách sạn Carlton và làm việc cho đầu bếp nổi tiếng Auguste Escoffier. Nếu như trong cuốn tự thuật của Hồ Chí Minh là chính xác thì Thành thật sự đã là một đầu bếp:
“Mỗi ngày có một người dọn dẹp đồ đạc. Những người phục vụ, sau khi dọn chỗ khách ăn, phải dọn bát đĩa bỏ tất cả chén bát và thức ăn lẫn lộn vào trong một cái thang điện đưa xuống bếp. Lúc bấy giờ người dọn dẹp phải để đồ đạc riêng một bên, bát đĩa để riêng một bên để người ta đem đi rửa. Khi đến lượt anh Ba, anh làm rất cẩn thận. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng, đôi khi còn cả phần tư con gà, những miếng bít-tết to tướng v.v. thì anh giữ gìn sạch sẽ và đưa lại cho nhà bếp. Chú ý đến việc này, ông già Ét-cốp-phi-e hỏi anh: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng, như những người kia?”
“Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”.
“Ông bạn trẻ của tôi ơi, anh nghe tôi”. Ông Escoffier vừa nói vừa cười và có vẻ bằng lòng. “Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp. Làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?”
Và ông Escoffier không để cho anh Ba phải rửa bát nữa mà đưa anh vào chỗ làm bánh, với một số lương cao hơn.
Thật là một việc lớn xảy ra trong nhà bếp, vì chính là lần đầu tiên mà ông “vua bếp” làm như thế.[47]
Trong lúc rảnh rỗi Thành đã dùng số tiền ít ỏi của mình để học tiếng Anh với một thầy giáo người Ý, như Thành kể lại, thường ngồi “trong Hyde Park với quyển sách và một cái bút chì trên tay”, Thành cũng đã trở thành người hoạt động trong các tổ chức chính trị, rất nhiều tài liệu cho thấy Thành đã tham gia các hoạt động công đoàn và trở thành thành viên của Hiệp Hội Công Nhân Hải Ngoại, một tổ chức bí mật bao gồm chủ yếu những người lao động Trung Quốc ở nước ngoài mong muốn cải thiện điều kiện trong các nhà máy ở Anh. Thành đã tự tuyên bố là đã tham gia những cuộc biểu tình trên đường phố ủng hộ nền độc lập của Ireland cũng như những sự nghiệp khác của phe phái cánh tả. Có thể trong thời gian này, lần đầu tiên Thành được biết đến các tác phẩm của Karl Marx, nhà cách mạng người Đức.[48]
Cao hơn sự nghiệp trên, Thành còn canh cánh nỗi thống khổ của đất nước. Trong bài thơ ngắn đề trên tấm bưu thiếp gửi cho ông Trinh, Thành viết:

Đứng làm trai sinh trong trời đất
Phải làm sao cho rõ mặt non sông.
Kìa kìa mấy bực anh hùng…” [49]
Nhưng Thành đâu hay, những bức thư của ông gửi cho ông Trinh đã rơi vào tay nhà cầm quyền Pháp. Cuối mùa hè năm 1941, ông Trinh và luật sư Phan Văn Trường - người đồng sự thân tín của ông - đã bị chính quyền pháp bắt giữ do bị tình nghi đã tiếp xúc với các điệp viên Đức. Tuy sau đó họ được trả tự do vì thiếu chứng cớ, cảnh sát Pháp đã lục lọi căn phòng của họ ở Paris và phát hiện ra các bức thư của một người Việt Nam tên là Nguyễn Tất Thành ngụ tại số 8 Stephen Street, gần Tottenham Court Road, London. Trong khi điều tra cảnh sát còn phát hiện thấy trong một bức thư gửi cho ông Trinh (hiện không còn nữa), Tất Thành đã phàn nàn về tình hình ở Đông Dương và hứa rằng trong tương lai sẽ tìm cách tiếp tục công việc của Trinh. Theo yêu cầu của Đại sứ quán Pháp tại London, cảnh sát Anh tiếp tục tìm kiếm nhưng không tìm được ai có tên như vậy ở địa chỉ trên. Họ đã tìm thấy hai anh em, tên là Tất Thành và Thanh, tại một địa chỉ khác. Những người này lại là sinh viên cơ khí và vừa rời đi học ở Bedford và đương nhiên họ không tham gia các hoạt động chính trị”.[50]
Những năm tháng trong thời chiến ở Vương Quốc Anh là thời kỳ ít có tư liệu nhất về cuộc đời của Thành. Những tư liệu về các hoạt động của Thành chủ yếu dựa trên những cuốn tự thuật của Thành những năm sau này. Một số nhà sử học không tin rằng Thành đã hư cấu ra chuyện này nhằm tăng lòng tin của mọi người vào một nhà cách mạng có nguồn gốc từ giai cấp lao động. Điều này rất có thể không đúng vì Thành thường không mấy khi che giấu về bản thân gia đình mình, là con của một nhà nho. Mặc dù thực tế cho thấy không thể chứng kiến được những giai thoại trong thời kỳ này, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Thành đã sống tại London mặc dù thực chất những hoạt động của Thành tại đó như thế nào thì vẫn còn là điều bí ẩn.[51]
Việc xác định ngày Thành quay lại Pháp cũng là một số vấn đề gây tranh cãi. Chính quyền Pháp không hề biết việc Thành có mặt ở Pháp cho tới tận mùa hè năm 1919 khi Thành tham gia một sự kiện đã làm cho Thành trở thành một người nổi tiếng nhất trên đất Pháp. Trong tự thuật của mình, Hồ Chí Minh viết, ông đã trở lại Pháp trong lúc chiến tranh. Một số người quen của ông ở Paris cho rằng Thành đã quay trở lại Pháp vào năm 1917 hoặc 1918 và một mật vụ cảnh sát theo dõi Thành vào năm 1919 lại báo cáo rằng Thành đã “đến Pháp từ lâu”. Hầu hết các tài liệu lại cho rằng thời điểm đó là vào tháng 12 năm 1917.[52]
Động cơ quay trở lại Pháp của Thành không rõ, nhưng xét trên khía cạnh mục tiêu dân tộc ông đã đề ra là rất lô-gic. Trong thời gian chiến tranh, hàng ngàn người Việt Nam buộc phải làm việc trong các công xưởng của Pháp để thay thế cho các công nhân Pháp tham gia quân đội. Từ khoảng dưới 100 người năm 1911 con số người Việt sống tại Pháp đã tăng rất nhanh trong thời chiến. Đối với một người yêu nước quyết tâm giải phóng đất nước mình thì Pháp là nơi thích hợp để hoạt động và tuyển mộ những người cùng chí hướng. Thành coi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường - đồng sự của ông Trinh - là địa chỉ liên lạc để qua đó thâm nhập vào thế giới của những người nhập cư hoạt động chính trị Việt Nam ở Paris. Do nổi tiếng khi viết thư cho Paul Beau năm 1906, Trinh được công nhận là người lãnh đạo cộng đồng người nhập cư tại Pháp. Sau khi bị bắt do bị nghi ngờ mưu phản khi cuộc chiến bắt đầu, Trinh đã rất thận trọng mặc dù đã có lời đồn đại cho rằng Trinh vẫn hoạt động tích cực trong phong trào Việt Nam độc lập.
Sau khi đến Pháp, Thành lập tức tham gia vận động công nhân Việt Nam. Sự mất ổn định trong xã hội xảy ra do Thế chiến I tàn khốc kéo dài. Năm 1917, binh biến đã xảy ra trong quân đội Pháp. Các phần tử cấp tiến bắt đầu các chiến dịch chống chiến tranh và tổ chức các công đoàn trong toàn quốc. Công nhân các nhà máy, xưởng đóng tàu tại các nước thuộc địa do lương thấp và điều kiện sống tồi tệ đã hưởng ứng sự vận động đó. Một chiến sĩ trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết chống thực dân đã đóng một vai trò rất hữu ích trong các hoạt động này.[53]
Thành bắt đầu tham gia các hoạt động đó như thế nào vẫn còn chưa rõ. Có thể Thành đã trở lại Paris với tư cách là đại biểu Hiệp Hội Công Nhân Hải Ngoại để thiết lập liên lạc với các nhóm công nhân tại Pháp. Trong trường hợp này, có thể Thành đi đi về về giữa hai nước vài lần. Hoặc có thể đơn giản hơn là Thành đã thiết lập được mối quan hệ độc lập với một số nhân vật lãnh đạo cánh tả ở Paris, những người đã tận dụng lòng nhiệt tình của Thành để hỗ trợ các hoạt động của họ.
Boris Souvarine - một sử gia nổi tiếng sau này - hồi đó là một nhà hoạt động xã hội cấp tiến ở Paris, kể lại, “ông đã gặp Thành lần đầu ngay sau khi Thành tới London và cho rằng đó là vào năm 1917”. Thành đã tìm được một chỗ tạm trú trong một nhà trọ tồi tàn trong một ngõ cụt ở khu Montmartre và bắt đầu tham dự các cuộc họp của một chi bộ địa phương của Đảng Xã hội Pháp. Chính tại đây, Thành đã gặp Boris Souvarine là người đã giới thiệu Thành với Léo Poldes, sáng lập và phát ngôn viên của Câu lạc bộ Faubourg. Thành tham dự các cuộc họp hàng tuần của câu lạc bộ bàn về nhiều vấn đề khác nhau, từ các vấn đề chính trị cấp tiến cho tới tâm lý học và những điều huyền bí. Các cuộc họp này diễn ra tại nhiều phòng họp khác nhau ở Paris. Thành hay xấu hổ, dụt dè, (Souvarine kể lại anh là “một người đàn ông trẻ rụt rè, khiêm tốn, rất nhã nhặn, ham học hỏi,”) đến nỗi những người tham dự cuộc họp gán cho Thành biệt danh “Người câm của Montmartre”.
Tuy nhiên, cuối cùng Poldes đã khuyến khích Thành nói trước đám đông để xua tan sự rụt rè. Lần đầu tiên, Thành đã rất lo lắng nên đã nói lắp. Mặc dù chỉ có ít người hiểu được những gì Thành nói, họ đã rất thiện cảm với chủ đề của Thành. Khi Thành phát biểu xong, mọi người đã vỗ tay nhiệt liệt. Sau đó Thành đã được mời phát biểu tiếp.[54]
Nguồn tin của Souvarine trùng hợp với nguồn tin của Léo Poldès, người đã nói với nhà văn Mỹ - Stanley Karnow - ông đã gặp Thành lần đầu tiên tại một cuộc họp của câu lạc bộ Faubourg. Ông nhớ lại “Người ta thấy anh giống như danh hài Charles vừa buồn vừa khôi hài”. Poldès có ấn tượng về đôi mắt sáng và sự khao khát hiểu biết những điều xung quanh của Thành. Thành đã vượt qua sự ngại ngùng của mình, tham gia tích cực vào các cuộc bàn luận trong các cuộc họp hàng tuần của câu lạc bộ. Một lần nhân việc chỉ trích quan điểm của một người ủng hộ thuật thôi miên, Thành cho rằng nhà cầm quyền thuộc địa Pháp thường sử dụng thuốc phiện và rượu để thôi miên những người dân ở Đông Dương. Anh bắt đầu làm quen với các nhà lãnh đạo của phong trào cấp tiến và trí thức ở Paris như nhà văn thuộc đảng xã hội - Paul Louis, nhà hoạt động quân sự - Jacques Doriot - và tiểu thuyết gia cấp tiến Henri Barbusse là người có các tác phẩm mô tả sinh động điều kiện cùng cực của các binh lính ngoài mặt trận.[55]
Giờ đây Nguyễn Tất Thành đã gần 30 tuổi. Kinh nghiệm quốc tế rất ít ỏi, mới chỉ ở việc dạy học, nấu ăn và một vài công việc làm thuê. Có lẽ Thành đã gặp rất nhiều khó khăn để tìm được một việc làm ổn định tại Pháp vì Thành không có giấy phép lao động. Có nhiều tài liệu nói rằng Thành từng bán đồ ăn Việt Nam, đeo biển hàng quảng cáo, dạy tiếng Trung Quốc và làm nến. Cuối cùng Thành đã nhận được công việc sửa ảnh, tô màu những bức ảnh đen trắng (công việc phổ biến thời đó), trong cửa hiệu do Phan Chu Trinh quản lý. Lúc rỗi Thành thường tới thư viện Quốc gia hoặc thư viện Sorbon đọc sách. Thành là một người ham đọc và ngoài những tác phẩm của Barbusse, Thành đặc biệt thích những tác phẩm của Shakespeare, Charles Dickens, Victor Hugo, Emile Zola, Léo Tolstoy và Lỗ Tấn. Tài sản của Thành có độc một chiếc va-li và thường xuyên di chuyển từ một quán trọ hay một căn phòng tồi tàn sang một khu khác của người lao động trong thành phố.[56]
Paris sau chiến tranh, một nơi hấp dẫn đối với người châu Á trẻ tuổi quan tâm đến chính trị. Thủ đô của nước Pháp vẫn được coi như trung tâm chính trị, văn hoá của thế giới phương Tây. Nhiều nhân vật cấp tiến nổi tiếng của thế kỷ XIX sống và hoạt động tại Paris. Sự hung tàn của cuộc chiến vừa qua tiếp thêm sinh lực cho những người kế thừa tư tưởng cấp tiến tiếp tục cuộc khẩu chiến chống lại hệ thống tư bản chủ nghĩa. Dọc theo tả ngạn sông Seine, trí thức, sinh viên Pháp và thế giới thường tập trung trong các quán cà phê, nhà hàng thảo luận về vấn đề chính trị và vạch kế hoạch cho các cuộc cách mạng. Trong đó một số người được bí mật tuyển mộ làm mật thám cho Pháp để theo dõi các đồng nghiệp của mình, báo cáo lại bất kỳ hoạt động lật đổ nào cho cảnh sát.
Sau chiến tranh, cộng đồng người Việt đông đảo nhất trong số các cộng đồng sống lưu vong tại Paris. Khi chiến tranh kết thúc, có khoảng năm mươi nghìn người Việt tại Pháp. Đa số họ làm việc tại các nhà máy, nhưng có vài trăm người là du học sinh, con các gia đình giàu có. Do bầu không khí chính trị sôi động trong cộng đồng trí thức ở Pháp, những sinh viên này đã đủ độ chín muồi tham gia những cuộc vận động về chính trị. Tuy tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ trong người Việt sống tại Pháp, nhưng có rất ít cuộc vận động biến tinh thần đó thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Trong chiến tranh, Pháp khẳng định, bổn phận của công dân các nước dưới đế chế thuộc địa là phải bảo vệ mẫu quốc. Thật bất ngờ, một số chiến sĩ nòng cốt lại cho rằng, phải đổi sự ủng hộ người Pháp ở Châu Âu bằng tăng quyền tự trị, thậm trí còn đòi độc lập hoàn toàn cho Việt Nam sau chiến tranh. Nhiều người còn đi xa hơn nữa, thân với gián điệp Đức, hy vọng sự thất bại của Pháp sẽ phá bỏ bộ máy cai trị ở nước ngoài, dẫn tới việc lật đổ chính quyền thuộc địa.
  Di ảnh cụ Phan Chu Trinh 1872-1926. (Nguồn internet).

Hình như người Pháp có bằng chứng Phan Chu Trinh và cộng sự Phan Văn Trường, nên đã tìm cách kiểm tra cả hai. Sinh năm 1878 tại Hà Đông gần Hà Nội, ông Trường được đào tạo trở thành luật gia, định cư tại Pháp từ năm 1910, đã trở thành công dân có quốc tịch Pháp. Trước khi xảy ra chiến tranh, ông Trường và ông Trinh thành lập Hội Người Việt Nam Lưu Vong. Ông Trinh, người đầy lý tưởng nổi trội, nhưng chưa bao giờ biểu lộ có quyền lực lớn trong tổ chức chính trị. Hội Ái Hữu thành lập - một tổ chức không được sự ủng hộ rộng rãi của người Việt trong và ngoài Paris - chỉ có khoảng 20 thành viên, hầu như không hoạt động gì. Tuy nhiên người ta đồn rằng - tin này được cơ quan mật thám Pháp coi là thật - hai người đã ngấm ngầm tổ chức một phong trào nhằm thúc đẩy một cuộc tổng nổi dậy ở Việt Nam. Chính vì vậy ngay khi chiến tranh bùng nổ, họ bị giam giữ trong thời gian ngắn do bị nghi ngờ đã tham gia các hoạt động tạo phản. Chính vì họ bị bắt nên những bức thư của Thành đã rơi vào tay của nhà cầm quyền. Sau khi được trả tự do, Trinh và Trường tránh không đối đầu với chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, và phải một thập niên sau thì mới có người đưa ra được thách thức đối với chính quyền. Có thể người Pháp đã có những hành động ngăn chặn hiệu quả hoặc vì thiếu năng lực, cộng đồng người Việt tại Pháp hầu như chẳng làm được gì trong thời gian chiến tranh để thúc đẩy sự nghiệp dành độc lập dân tộc. Trên thực tế, cộng đồng người Việt Nam đã dậm chân tại chỗ về chính trị.
Thành đã nhanh chóng làm thay đổi tình hình. Mãi đến năm 1919, mặc dù đã làm quen được với một vài nhân vật quan trọng trong phong trào chống thuộc địa của Việt Nam, thành tích chính trị của Thành mới chỉ làm phiên dịch trong cuộc biểu tình của nông dân Huế. Bề ngoài không gây được ấn tượng, ăn mặc xuềnh xoàng, vì thế những người dân qua lại chẳng ai để ý đến Thành. Tuy nhiên, bạn bè nhớ lại, Thành có một đặc điểm đặc biệt chứng tỏ anh không phải là một con người bình thường - đôi mắt đen rực sáng, mỗi khi nói chuyện dường như Thành có sức thuyết phục đi sâu vào tâm hồn người nghe. Một người quen thậm chí nhận xét, tính mãnh liệt của Thành làm cho vợ anh ta e sợ.
Mùa hè đó, được hai đồng sự lớn tuổi đồng ý, Thành đã lập một tổ chức mới của người Việt Nam sống tại Pháp; Hội Những Người Yêu Nước An Nam. Vì Thành chưa được nhiều người biết tới, ông Trinh và Phan Văn Trường trong danh sách là những người lãnh đạo của tổ chức, nhưng Thành, với tư cách là thư ký, hiển nhiên là người lãnh đạo. Những hội viên ban đầu của tổ chức là những người trí thức, nhưng người ta kể rằng Thành đã sử dụng những mối liên hệ của mình để chiêu mộ một số người lao động Việt Nam, trong đó có một số thủy thủ ở các cảng biển Toulon, Marseilles và Le Havre.[57]
Bề ngoài, Hội không theo đuổi các mục tiêu cấp tiến. Thực ra, những người sáng lập hội đã hy vọng tránh các mục tiêu này để có thể giành được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng người Việt và tránh bị nhà chức trách nghi ngờ. Việc dùng từ “An Nam” thay cho từ “Việt Nam” trong tên gọi của hội có lẽ là một thông điệp gửi tới chính quyền là Hội sẽ không tạo ra một mối nguy hiểm thực sự cho chính quyền thuộc địa.
Nhưng ngay mới thành lập hội, Thành đã có ý định biến hội trở thành cộng đồng người Việt nam trực tiếp chống lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương. Anh đã thường xuyên liên hệ với các nhóm thuộc quốc gia khác như Hàn Quốc, Tunisia… họ cũng thành lập những tổ chức tương tự và tìm cách giành độc lập trong tay chính phủ thuộc địa.
Thành lập các tổ chức như vậy khi đó là thích hợp. Sau Thế chiến I, Paris trở thành trung tâm vận động thế giới của các nhóm chống thực dân. Các cuộc tranh luận về chủ nghĩa thực dân diễn ra thường xuyên trong Quốc hội Pháp. (Trong một bài phát biểu tại Hà Nội tháng 4-1918, nhà hùng biện Albert Sarraut - Toàn quyền Đông Dương, được giữ chức vụ này lần thứ hai trong một thời gian ngắn - đã hứa, nhân dân Việt Nam sẽ sớm được thấy các quyền của mình được mở rộng về chính trị). Vấn đề này cũng được nêu ra vào tháng 1-1919 khi các nhà lãnh đạo các cường quốc Đồng Minh thắng trận họp tại điện Versailles để thương lượng thoả ước hoà bình với các lực lượng bại trận và đưa ra các nguyên tắc điều phối quan hệ quốc tế sau chiến tranh. Tổng thống Mỹ, Woodrow Wilson, đã khích lệ tinh thần các dân tộc dưới ách thuộc địa trên toàn thế giới bằng việc đưa ra Tuyên Bố Mười Bốn Điểm nổi tiếng, trong đó kêu gọi trao quyền tự quyết cho tất cả các dân tộc.
Vào đầu mùa hè, một số tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc có trụ sở tại Paris đã phát hành các bản tuyên ngôn, công khai cho mọi người biết mục tiêu của mình. Thành và các đồng sự trong Hội Những Người Yêu Nước An Nam đã quyết định tranh thủ thời cơ đưa ra một bản yêu sách. Với sự hỗ trợ của Phan Văn Trường về tiếng Pháp, Thành đã soạn yêu cầu 8 điểm, kêu gọi các nhà lãnh đạo đồng minh tại Versailles vận dụng ý tưởng của Tổng thống Wilson vào các vùng thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á. Với tiêu đề “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Bản yêu sách có thái độ ôn hoà, không đề cập độc lập dân tộc nhưng yêu cầu quyền độc lập chính trị cho người Việt Nam, quyền tự do dân chủ cơ bản như quyền lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, ân xá cho các tù nhân chính trị, bình đẳng giữa người Việt Nam và người Pháp ở Việt Nam, bãi bỏ chế độ lao dịch, các loại thuế cao đánh vào muối, thuốc phiện và rượu. Bản yêu sách đề ngày 18-6-1919, tác giả của bản yêu sách là Nguyễn Ái Quốc, 56 đường Monsieur-le-Prince dưới danh nghĩa Hội Những Người Yêu Nước An Nam. Cho dù đối với một độc giả Việt Nam, cái tên Nguyễn Ái Quốc chỉ là biệt danh có nghĩa là “Nguyễn yêu nước” thì không ai biết ai là của tác giả ngoài nhóm đồng sự của ông.
Đã có nhiều tranh luận diễn ra giữa những người viết tiểu sử về Hồ Chí Minh và những người nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam về việc liệu Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả của bản yêu sách đó không hay đó là nỗ lực chung của một số thành viên trong nhóm người Việt tại căn hộ của Phan Chu Trinh trong biệt thự Villa des Gobelins. Nhà chức trách Pháp lúc đó rất bối rối; họ chưa bao giờ biết tới cái tên đó. Một số phỏng đoán, tác giả thực sự chính là Phan Văn Trường người được coi là “thế lực ma quỷ” đứng đằng sau nhóm và là thành viên khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, trong hồi ký của mình, Hồ Chí Minh đã xác nhận rằng ông chính là tác giả “bản yêu sách” mặc dù ông cũng xác nhận Phan Văn Trường đã giúp ông soạn thảo yêu sách bằng tiếng Pháp để dễ hiểu.[58]
 Cho dù Thành có là tác giả bản yêu sách hay không có lẽ không quan trọng bằng việc Thành là người chịu trách nhiệm chính công bố bản yêu sách. Vài tháng sau, người ta đã xác minh được tên Nguyễn Ái Quốc, một biệt danh Thành sử dụng với niềm kiêu hãnh trong ba thập niên sau. Thành đã tự tay chuyển bản yêu sách tới các thành viên quan trọng trong Quốc hội và tới Tổng thống Pháp, Thành cũng đã đi dọc các hành lang trong cung điện Versailles để gửi bản yêu sách tới các phái đoàn của các cường quốc lớn. Để đảm bảo bản yêu sách phát huy hết tác dụng, Thành đã thu xếp xuất bản bản yêu sách trên báo Nhân Đạo, một tờ báo cấp tiến ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Thành cũng tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động để in thêm sáu nghìn bản và phân phát trên các đường phố Paris.[59]

Bản yêu sách đã không nhận được hồi âm chính thức từ phía nhà chức trách Pháp. Mặc dù vấn đề thuộc địa vẫn là chủ đề chính vẫn được tranh luận tại Quốc hội và cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong Hội nghị hoà bình Versailles, và khi kết thúc hội nghị những người tham gia hội nghị đã không đưa ra được một hành động cụ thể để giải quyết vấn đề. Đại tá House, cố vấn cao cấp của Tổng thống Wilson trong phái đoàn Hoa Kỳ tại Versailles, đã trả lời ngắn gọn thư của Nguyễn Ái Quốc, thông báo đã nhận được thư và cảm ơn tác giả đã gửi thư nhân dịp thắng lợi của đồng minh. Lá thư thứ hai ngày hôm sau chỉ nói rằng thư của Nguyễn Ái Quốc có thể được trình cho Tổng thống Wilson xem xét. Từ đó không thấy phái đoàn Hoa Kỳ trao đổi lại về vấn đề này. Trên thực tế, Woodrow Wilson đã gặp phải sự chống đối quyết liệt đối với tuyên bố mười bốn điểm của mình tại Versailles, buộc phải nhượng bộ để đạt được một hiệp định hoà bình, một quyết định đã gây tức giận và thất vọng trên toàn thế giới thuộc địa.[60]
Tuy nhiên, bản yêu sách đã gây hoảng sợ trong giới chức Paris. Ngày 23-6 Tổng thống Pháp gửi thư cho Albert Sarraut, nay đã trở lại Paris sau khi hết nhiệm kỳ làm Toàn quyền Đông Dương, nói rằng ông đã nhận được bản yêu sách, yêu cầu Sarraut nghiên cứu vấn đề và tìm hiểu tác giả bản yêu sách. Tháng tám năm đó, viên Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi điện về Paris thông báo rằng yêu sách đã được rải khắp các đường phố Hà Nội và được báo chí địa phương bình luận. Đến tháng chín, Thành đã chấm dứt những phỏng đoán về tác giả của bản yêu sách, bằng công khai nhận mình là Nguyễn Ái Quốc trong cuộc trả lời nhà báo Mỹ làm việc cho một tờ báo của Trung Quốc đóng tại Paris. Tuy nhiên, Thành làm như vậy mà không tiết lộ tên thật của mình. Cũng trong thời gian đó, Thành đã làm quen với Paul Arnoux, một cảnh sát có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của người Việt Nam nhập cư ở Paris. Khi dự một buổi nói chuyện của một viện sĩ người Pháp từng chỉ trích chính sách thuộc địa ở Đông Dương, Arnoux đã nhìn thấy một người đàn ông trẻ sôi nổi đang phân phát những tờ truyền đơn. Sau vài lần nói chuyện trong một quán cà-phê gần nhà hát Opera, Arnoux đã liên lạc với Bộ Thuộc địa và gợi ý Albert Sarraut thu xếp gặp anh ta.
Ngày 6-9, Thành được Bộ Thuộc địa nằm trên đường Oudinot triệu đến phỏng vấn trong khi đó mật vụ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam lưu vong đã chụp ảnh Thành và bắt đầu dò la tin tức về tên thật của Thành.[61]
Rất khó biết, liệu Nguyễn Ái Quốc, như Thành thường xưng như vậy, thực sự hy vọng những yêu sách về công lý và quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam sẽ được đáp lại, hay Nguyễn Ái Quốc chỉ dựa vào tác động của bản yêu sách để truyền bá sự nghiệp chống chủ nghĩa thực dân và cấp tiến hoá cộng đồng người Việt ở Pháp.
Không thể không cho rằng Nguyễn Ái Quốc lúc đầu đã hy vọng bản yêu sách của mình có thể đem lại những thay đổi tích cực ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc lạc quan và dường như luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất của con người kể cả kẻ thù của mình. Thái độ đó không chỉ giành cho đồng bào của Nguyễn Ái Quốc, hay ngay cả cho những người châu Á, mà còn cho cả những người châu Âu. Trong một chuyến đi ngắn ngày tới Đức, Thuỵ Sĩ và Italy trong khoản thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã nói với một người bạn rằng: “Tất cả đều là con người. Mọi nơi chúng ta đều gặp những người tốt và những người xấu, thật thà và dối trá. Nếu chúng ta là người tốt chúng ta sẽ gặp được những người tốt ở khắp mọi nơi”, Nguyễn Ái Quốc tin rằng chính mối quan hệ thuộc địa đã làm mất phẩm chất và làm đồi bại bản chất con người. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc đã rất thất vọng vì yêu sách của mình không được đáp ứng. Một thập niên sau Nguyễn Ái Quốc đã phàn nàn với các cộng sự của mình rằng nhiều người đã thất vọng vì “bài ca quyền tự do” của Woodrow Wilson.
Cũng có thể là như những người Việt Nam khác, Thành đã bị những lời lẽ của viên Toàn quyền Albert Sarraut thuyết phục. Trong cuộc phỏng vấn của Thành với ký giả Hoa Kỳ của tờ tạp chí Trung Quốc “Ích Dạ Báo” vào tháng chín, Thành đã phàn nàn về những điều kiện tồi tệ tại Đông Dương, nhưng thừa nhận rằng bước đi đầu tiên là đạt được quyền tự do ngôn luận giáo dục người dân và sau đó phấn đấu cho quyền tự trị và độc lập dân tộc.[62]
Tuy vậy, có bằng chứng cho thấy sự kiên nhẫn và lạc quan của Thành chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Ngày hôm sau cuộc phỏng vấn với Sarraut, Thành đã gửi cho Sarraut một bản sao yêu sách với thư kèm theo có nội dung:
“Như chúng ta đã trao đổi ngày hôm qua, tôi xin gửi ngài bản yêu sách. Bởi ngài đã nói với tôi rằng ngài sẵn sàng nói chuyện thẳng thắn nên tôi mạnh dạn yêu cầu ngài cho chúng tôi biết tám yêu sách của chúng tôi đã được giải quyết như thế nào… Bởi tôi cho rằng tám yêu cầu đó vẫn chưa được giải quyết, không có yêu cầu nào được giải quyết thoả đáng.
Tôi xin gửi tới Ngài Toàn quyền lời chào trân trọng.
Nguyễn Ái Quốc”[63]
Vài ngày sau, hai mật vụ được giao nhiệm vụ theo dõi mọi mọi hành động và hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Đến tháng 12, Nguyễn Ái Quốc đã tạm thời được xác định là Nguyễn Tất Thành, con trai của viên quan bị cách chức Nguyễn Sinh Sắc và cũng là người đàn ông trẻ đang lẩn trốn từng bị trục xuất khỏi trường Quốc Học Huế vì các hoạt động nổi loạn năm 1908.
Bất kể động cơ trong việc công bố và vận động thực hiện yêu sách là gì, Nguyễn Ái Quốc đã làm mọi người biết đến sự nghiệp phấn đấu cho quyền tự quyết của người Việt Nam. Tin tức về yêu sách đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng người Việt ở Pháp và đã tác động mạnh đến đồng bào của ông. Những người yêu nước cao tuổi rất ngạc nhiên vì sự táo bạo của người thợ sửa ảnh trẻ tuổi. Những người trẻ hơn thì biểu lộ thái độ nhiệt tình hăng hái trong sự nghiệp đấu tranh. Những người thận trọng hơn thì cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người “cuồng ngôn” và bắt đầu lảng tránh Nguyễn Ái Quốc. Họ rỉ tai nhau, “ta có thể trông cậy gì vào một con trâu ương ngạnh xứ Nghệ?”.
Thất vọng về những yêu sách đòi độc lập dân tộc đã khiến rất nhiều trí thức yêu nước ở các nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi theo đuổi chính trị cấp tiến. Rất có thể Hồ Chí Minh cũng không phải là một ngoại lệ, rõ ràng ông đã quan tâm tới chính trị chủ nghĩa xã hội trước khi soạn thảo yêu sách. Việc tham gia vào các hoạt động công đoàn khi sống ở Anh đã tạo ra những mối liên hệ giúp ông trở thành người hoạt động tích cực trong các tổ chức tương tự ngay sau khi ông đến Pháp. Michel Zecchini, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đã gặp Nguyễn Tất Thành vào cuối Thế chiến I và nhận thấy Thành đã quen biết với những nhân vật có ảnh hưởng lớn của Đảng Xã hội Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant-Couturier, Léon Blum, Edouard Herriot, Henri Barbusse và Jean Longuet - cháu ngoại của Karl Marx. Qua các đầu mối của Đảng Xã hội Pháp, cuối cùng Thành đã có được các giấy tờ tùy thân và giấy phép lao động. Tuy nhiên, theo Michel Zecchini, Thành chưa được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng Xã hội Pháp cho tới khi Thành chứng tỏ mình là Nguyễn Ái Quốc vào tháng 6-1919. Là tác giả của bản yêu sách nổi tiếng, đồng chí Nguyễn - hay ông Nguyễn như đôi khi người ta gọi - rất được mọi người kính trọng.
Hồ Chí Minh có lẽ được những người theo chủ nghĩa xã hội chú ý tới vì, theo ông, họ “đồng cảm với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”. Đồng thời, khuynh hướng tư tưởng của ông thiên về chủ nghĩa xã hội có thể được nhìn nhận như kết quả tất yếu của việc ông căm ghét chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Như nhiều người châu Á khác, kinh nghiệm đầu tiên của ông về hệ thống tư bản chủ nghĩa là kết quả của sự bóc lột của bọn thực dân trên đất nước ông đã gây ra những hậu quả tàn khốc đối với cuộc sống của nhiều đồng bào ông. Quan điểm đó càng được củng cố trong những năm tháng ông lênh đênh trên biển, từ hải cảng này đến hải cảng khác trên khắp thế giới thuộc địa và có lẽ trong cả thời gian sống ở Anh và Mỹ. Nhiều năm sau đó ông thường chỉ trích bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản Mỹ, mặc dù đôi khi ông biểu lộ sự thán phục đối với tính năng động và khả năng của người Mỹ. Có thể là, giống như những người theo chủ nghĩa dân tộc châu Á khác, sự quan tâm ban đầu của ông tới chủ nghĩa xã hội là kết quả của việc phát hiện ra sự tương phản giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.[64]
Tuy nhiên, khuynh hướng của những người theo Chủ Nghĩa Dân Tộc Á Châu thiên về chủ nghĩa xã hội không thể hoàn toàn quy về vì động cơ cá nhân. Đối với nhiều trí thức Á châu, nguyên tắc xử thế của những người theo chủ nghĩa xã hội phương Tây phù hợp với những quan điểm họ thừa hưởng hơn là của những người theo chủ nghĩa cá nhân với nguyên tắc xử thế dựa trên lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Và không ở đâu điều này được thể hiện rõ như trong xã hội Nho giáo Trung Quốc và Việt Nam. Người Trung Quốc và Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc xuất thân từ những gia đình quý tộc Nho giáo thường nhìn thấy cảnh hào nhoáng của những thành phố thương mại mới một cách khó chịu mơ hồ. Theo cách suy nghĩ của những người Nho giáo, nền công nghiệp phương Tây dễ dàng sinh ra thói tham lam và tự phụ. Ngược lại chủ nghĩa xã hội chú trọng nỗ lực cộng đồng, lối sống giản dị, đồng đều về của cải và cơ hội. Tất cả những điều này có tác động mạnh tới đời sống Nho giáo. Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi về mặt triết học từ Khổng Tử sang Marx dễ hơn nhiều sang Adam Smith và John Stuart Mill - những người luôn coi trọng chủ nghĩa thực dụng và cá nhân chủ nghĩa - không phù hợp với người châu Á.[65]

Năm 1920, ông Nguyễn bắt đầu thường xuyên tham dự các cuộc họp của Đảng Xã hội Pháp và Tổng Liên đoàn Lao động cũng như của Liên đoàn nhân quyền, (một tổ chức không giống như Hội Quyền tự do dân sự Mỹ) - và đóng một vai trò tích cực hơn trong các cuộc tranh luận chính trị. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông đã bắt đầu khó chịu với thái độ của các đồng sự. Đối với Nguyễn Ái Quốc, vấn đề cốt lõi của thời đại là các dân tộc thuộc địa bị chủ nghĩa đế quốc phương Tây bóc lột. Ông phát hiện ra, đối với hầu hết những người Pháp ông quen, -chủ nghĩa thực dân chỉ là một mặt của vấn đề lớn hơn - đó là chủ nghĩa tư bản thế giới. Marx có thiên hướng lấy châu Âu làm trung tâm cuộc vận động và hầu hết những người theo Marx ở châu Âu đã đi theo hướng của ông. Sau cùng, thuộc địa đã đem lại sự giàu có cho nước Pháp và việc làm cho công nhân Pháp. Chính vì vậy, ông Nguyễn nhận được rất ít sự ủng hộ khi nêu ra các vấn đề thuộc địa tại các cuộc họp chính trị. Điều này dẫn tới việc trong cơn thất vọng ông đã to tiếng với một đồng sự “Nếu như anh không tố cáo chủ nghĩa thực dân, nếu như anh không đứng về phía các dân tộc thuộc địa, làm sao anh có thể làm cách mạng được?”
Chia rẽ nghiêm trọng đã xảy ra trong hàng ngũ phong trào chủ nghĩa xã hội giữa những người lãnh đạo ôn hoà như Jean Longuet, Léon Blom và những người cứng rắn hơn như Marcel Cachin, Paul Vaillant-Couturier là những người dường như có quan điểm cấp tiến hơn về tương lai xã hội loài người. Nguyễn Ái Quốc đứng về phía những người cấp tiến. Một trong những vấn đề mà hai phe có quan điểm khác nhau là cuộc cách mạng Bolsevich. Nhóm cứng rắn chủ trương hành động đảng phải thống nhất, ủng hộ một số sáng kiến quan trọng: phản đối dàn xếp hoà bình Versailles; thành lập phong trào chủ nghĩa xã hội quốc tế mới tiến bộ hơn (năm 1889, Quốc tế thứ nhất của Marx được thay thế bằng Quốc tế thứ hai ôn hoà hơn nhằm tiến tới chủ nghĩa xã hội thông qua con đường nghị viện), đồng cảm với các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa và tích cực ủng hộ cách mạng Bolsevich. Cuối năm 1919, Đảng Xã hội Pháp đã thành lập một ủy ban ủng hộ Quốc tế III mới của Lenin có lập trường nghiêng về việc cần phải tiến hành bạo lực cách mạng và thành lập chuyên chính vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã đóng một vai trò tích cực trong các hoạt động đó và thường tham dự các cuộc họp nhằm quyên góp tiền bảo vệ cách mạng Xô viết trước kẻ thù tư bản chủ nghĩa.
Nguyễn Ái Quốc vẫn còn thiếu kinh nghiệm về chính trị cấp tiến thế giới. Một số đồng sự của ông trong những năm đầu đó kể lại, “Lúc đó Nguyễn Ái Quốc hầu như không biết gì về lý thuyết hay về sự khác biệt giữa Quốc tế thứ Hai và Quốc tế thứ Ba”. Có lần Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Jean Longuet giải thích về chủ nghĩa Marx. Longuet lưỡng lự và nói rằng câu hỏi quá phức tạp, gợi ý Nguyễn Ái Quốc đọc bộ “Tư bản” của Marx. Sau đó Nguyễn Ái Quốc đã tới một thư viện gần Quảng trường Place d'Italie để mượn tác phẩm đồ sộ đó để đọc cùng với một số tác phẩm Marxist khác. Sau này trong cuốn tự thuật của mình ông kể lại rằng ông đã dùng cuốn Tư bản làm gối đầu giường.
Tuy nhiên, chính tác phẩm nổi tiếng của Lenin “Luận cương về các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa” gửi cho Đại hội Quốc tế Cộng sản II mùa hè năm 1920 đã khiến cho Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước đơn thuần đến với thiên hướng xã hội chủ nghĩa trở thành một người cách mạng Marxist. Trong một bài báo viết cho một nhà xuất bản Liên Xô năm 1960, Nguyễn Ái Quốc đã xác nhận, trong các cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ Quốc tế thứ Hai và thứ Ba trong Đảng Xã hội Pháp ông đã “không thể hiểu được hết” diễn biến của các cuộc tranh luận. Sau này, vào giữa tháng bảy năm 1920, một người đã đưa cho ông bản “Luận Cương” của Lenin trên báo Nhân đạo. Ông kể lại việc này một cách sôi nổi:
“Luận cương có những thuật ngữ chính trị rất khó hiểu, tuy nhiên, khi đọc đi đọc lại cuối cùng tôi đã hiểu được ý chính của bản luận cương. Sự xúc động, nhiệt huyết, tầm nhìn rộng và niềm tin của bản luận cương đã thấm đẫm trong tôi. Tôi mừng phát khóc. Mặc dù ngồi một mình trong phòng tôi đã nói to như đang phát biểu trước công chúng: Đồng bào ơi! Đây là cái chúng ta cần, đây chính là con đường giải phóng chúng ta”.
Ngay sau đó, ông đã gửi một bức thư cho Ủy ban Đoàn kết với Quốc tế III yêu cầu được kết nạp. Đơn xin gia nhập của ông đã được chấp thuận.[66]
Bỏ qua vấn đề ý thức hệ tạp nham, thông điệp của Lenin rất đơn giản và rõ ràng. Trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa ở các nước công nghiệp phát triển, các đảng cộng sản ở phương Tây cần phải phối hợp chặt chẽ với các phong trào của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở các thuộc địa tại châu Á và châu Phi. Lenin cho rằng phần nhiều trong số các phong trào này do tầng lớp trung lưu cầm lái và về lâu dài tầng lớp này sẽ không ủng hộ cách mạng xã hội. Do đó, bất kỳ sự liên minh nào với các nhóm của những người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc giai cấp tư sản cần phải được tiến hành một cách thận trọng và chỉ với điều kiện, các đảng cộng sản địa phương phải duy trì được bản sắc riêng của mình và được tự do hành động. Mặc dù có những hạn chế như vậy, Lenin cho rằng các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và châu Phi là liên minh tất yếu, dù chỉ là tạm thời, của những người cộng sản chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Chính việc các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây tìm kiếm thị trường và tài nguyên ở các nước kém phát triển đã duy trì và tránh được sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tư bản chủ nghĩa trên thế giới.
Ách thống trị đế quốc tại các thuộc địa không những trì hoãn ngày cách mạng xã hội tiêu diệt bất công và bất bình đẳng tại phương Tây, mà còn ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng tiến bộ trong các xã hội châu Á và châu Phi. Tầng lớp tư sản trong nước bị ngăn cản không được đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển công - thương nghiệp do sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc phương Tây đem lại, cho nên giai cấp tư sản địa phương vẫn còn yếu và chưa phát triển; do vậy giai cấp tư sản không thể thực hiện được vai trò tiến bộ của mình trong việc tiến hành cách mạng tư sản chống lại các thế lực phong kiến trong xã hội là bước đầu cần thiết dẫn tới chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Giai cấp tiểu tư sản ở các nước thuộc địa cần đến sự giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ khác - như tầng lớp nông dân nghèo và giai cấp vô sản ở thành thị còn mỏng nhưng đang lớn mạnh - để lật đổ chế độ phong kiến và mở cửa phát triển thương mại và công nghiệp.
Trên thực tế, Lenin kêu gọi những người cộng sản ở các nước phương Tây sát cánh với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Á và châu Phi trong sự nghiệp cách mạng chung. Liên minh này chỉ là tạm thời; khi chủ nghĩa đế quốc và các đồng minh phong kiến trong các xã hội kém phát triển bị lật đổ, phong trào cộng sản cần phải tự tách mình khỏi liên minh với các lực lượng chính trị tư sản lúc này ngày càng trở nên phản động, và cần phải đấu tranh để tiến tới giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng, giai đoạn xã hội chủ nghĩa.
Lenin đã đề nghị giúp đỡ nhân dân Việt Nam và các dân tộc khác khi họ đang rất cần. Lenin đã thể hiện rất rõ quan điểm - đây cũng là cốt lõi đối với thế giới quan của Nguyễn Ái Quốc - cho rằng các khu vực thuộc địa là một tuyến phòng thủ quan trọng của hệ thống tư bản trên thế giới. Mất đi những cái vòi bạch tuộc của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa rộng lớn, hệ thống tư bản có thể bị lật đổ.
Những người theo chủ nghĩa xã hội ở Paris, trừ một số ít người, đều có xu hướng nói mà không làm. Lenin không phải là một nhà lý thuyết mà là một con người hành động. Đối với Nguyễn Ái Quốc, Lenin là một người gây cảm hứng đặc biệt và là người đáng để ông phụng sự.
Được những người quen giỏi văn chương Pháp như nhà báo cấp tiến Gaston Monmousseau và Jean Longuet giúp trau chuốt văn phong, ý tứ còn yếu kém và lộ liễu, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu viết cho các tờ báo cánh tả ở Paris vào cuối mùa hè năm 1919, và tiếp tục là người ủng hộ tích cực sự nghiệp tiến bộ cho tới khi ông rời Pháp gần bốn năm sau. Bài báo đầu tiên của ông với tiêu đề “Vấn đề thuộc địa” được đăng trên tờ Nhân đạo ngày 2-8-1919, chỉ trích chính sách của Pháp ở Đông Dương mà theo ông đã không mang lại gì ngoài nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam. Mặc dù trên lý thuyết người Pháp thực hiện sứ mệnh truyền bá văn minh, nhưng trên thực tế, chính sách giáo dục của họ chỉ là tuyên truyền và làm cho người Việt Nam không sẵn sàng cạnh tranh với những người láng giềng trong tương lai. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã khôn ngoan chuẩn bị cho nhân dân của họ phát triển kinh tế. Sau cùng, ông tiên đoán, các thương nhân Nhật Bản sẽ vào Đông Dương và làm cho cuộc sống của người Việt Nam thậm chí còn khổ sở hơn.
Nguyễn Ái Quốc đã có lý. Cuối Thế chiến I, hệ thống giáo dục được người Pháp áp dụng nhằm trang bị cho nhân dân Đông Dương những kiến thức phương Tây chỉ đến được một bộ phận nhỏ dân chúng. Chí có 3.000 trong số hơn 23.000 làng xã ở Việt Nam có trường theo kiểu phương Tây. Giáo dục truyền thống nho giáo Hán học tiếp tục được các nhà nho dạy ở nông thôn, nhưng sau khi người Pháp bãi bỏ chế độ thi cử kiểu cũ, hệ thống giáo dục này đã mất đi tính hướng nghiệp ban đầu. Giáo dục tại các bậc học cao hơn được giành cho những người Việt sống ở các thành phố. nhưng chủ yếu chỉ giới hạn trong một số trường trung học giành cho các công tử và tiểu thư của tầng lớp thượng lưu.
Về chiến lược mở rộng sự tham gia chính trị của Sarraut đưa ra, Thành cho rằng chẳng có chính sách nào hết. Khi nhân dân đứng lên phản đối, như năm 1908, họ đã bị đàn áp đẫm máu. Ông kết luận, “Liệu người Pháp có nhận ra rằng đến lúc phải giải phóng những người dân bản xứ và giúp họ sẵn sàng cạnh tranh với láng giềng trong tương lai?”[67]
Tiếp sau bài báo đó, Nguyễn Ái Quốc viết tiếp một bài báo khác có tựa đề “Đông Dương và Triều Tiên” và “Thư Gửi Ngài Outrey” đăng trên tờ Dân Chúng (Le Populaire) vào tháng Mười. Cũng như bài báo trước, bài này, tuy cực lực lên án một số chính sách của Pháp, nhưng khá ôn hoà và đưa ra những giải pháp. Các bài báo này không nhắc đến việc sử dụng bạo lực hay một liên minh công nông theo chủ nghĩa Lenin. Trong bài báo tháng 10, tác giả ưu ái nhắc đến các chính sách, nhận xét của cựu Toàn quyền Albert Sarraut và tuyên bố phản đối Maurice Outrey, một quan chức thuộc địa và đại diện của Nam Kỳ trong Quốc hội Pháp - người mà có tin đồn rằng sẽ thay Sarraut làm Toàn quyền. Outrey đã chỉ trích Hội Những Người Yêu Nước An Nam ở Quốc hội, đồng thời bác bỏ việc chế độ thực dân Pháp đàn áp người An Nam. Nguyễn Ái Quốc hỏi một cách châm biếm, anh đại diện cho ai? Hai mươi triệu người An Nam, Outrey thậm chí còn không biết tên, trừ một số viên chức và một vài cử tri giàu có ở Nam Kỳ? Ông kết luận, giữa quan điểm của Outrey và Sarraut có một “khoảng cách lớn”.[68]
Nghề sửa ảnh tô màu của Nguyễn Ái Quốc không cần nhiều thời gian, trong khi viết những bài báo ngắn, ông cũng bắt đầu chuẩn bị một bản thảo dài hơn có tựa đề “Những Người Bị Áp Bức”, phê phán chính sách của Pháp ở Đông Dương. Hầu như ít khi người ta thấy những nỗ lực viết sách không thành công của một tác giả lại được ghi lại một cách kỹ lưỡng như vậy, bởi vì cảnh sát được thông báo rõ về hoạt động của ông qua các báo cáo định kỳ của các đặc vụ. Ông bắt đầu viết vào cuối năm 1919 với sự giúp đỡ của một ông chủ nhà xuất bản chống thực dân là Paul Vigné d'Octon và miệt mài đọc báo và các tạp chí ở Thư viện Quốc gia để thu thập các tư liệu, những trích dẫn có ích. Khi có người bạn cảnh báo Quốc về những trích dẫn không nêu xuất xứ, ông bảo, “các nhà xuất bản khác sẽ đòi tiền vì những trích dẫn và điều đó sẽ giúp quảng bá cho cuốn sách”. Lại có người khuyên ông không nên sử dụng tựa đề mang tính thách thức nhưng ông vẫn khăng khăng giữ nguyên như vậy.
Theo các báo cáo của mật thám, Nguyễn Ái Quốc không đủ kinh phí để xuất bản và định tự mình xuất bản bản thảo đó. Nhưng chẳng bao lâu sau khi hoàn thành, một đêm trở về nhà ông phát hiện bản thảo bị mất cắp. Một số nhà viết tiểu sử cho rằng, cảnh sát đặc nhiệm đã đánh cắp. Khả năng này là có thật, mặc dù hồ sơ cảnh sát không hề đề cập.  Nội dung bản thảo không được đề cập rõ ràng, rất có thể ông đã sử dụng nhiều tư liệu từ những ghi chép trong một cuốn sách xuất bản năm 1925- Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Francaise). Quyển sách này phê phán mạnh mẽ các chính sách của thực dân Pháp đồng thời phản ánh rõ nét ảnh hưởng chủ nghĩa Marx và phản ánh rõ nét ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx đối với thế giới quan của ông.[69]
Nguyễn Ái Quốc dọn đến căn hộ của Phan Chu Trinh ở Villa des Gobelins vào tháng 7-1919, sau khi đưa ra “Bản yêu sách đối với lực lượng đồng minh” ít lâu. Nằm trong một quận trung lưu có đủ tiện nghi gần Place d'Italie ở tả ngạn sông Seine, nơi này khá hơn nhiều so với chỗ ở tồi tàn trước kia. Ông không chỉ ở chung với Phan Chu Trinh mà cả với một số cộng sự khác nữa.
Tuy nhiên, việc chuyển chỗ ở làm nảy sinh một số vấn đề. Đầu tháng 12-1919, một thám tử trong nhóm đặc vụ cảnh sát, báo cáo có một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh tại căn hộ về việc nên tiếp tục đi theo con đường nào. Quốc lên án quan chức Việt Nam như những chú cừu nhu nhược và trở thành kẻ đồng lõa với người Pháp kiềm chế dân chúng và bóc lột họ. Trinh phản đối coi quan điểm đó thật nông cạn. Ông cho rằng người Việt Nam vẫn còn quá yếu, chưa đủ khả năng chống Pháp. Ông lập luận, chống đối giai đoạn này đồng nghĩa với tự sát. Ông nhắc nhở: “Này anh Quốc, cho tôi được nhận xét đôi lời, anh còn trẻ, nhưng ai cũng thấy anh bướng bỉnh. Anh muốn 20 triệu đồng bào của chúng ta vùng lên trong khi họ không có vũ khí trong tay để chống lại vũ khí tối tân của người châu Âu. Tại sao chúng ta lại tự sát một cách vô ích?”
Theo Phan Chu Trinh, vẫn cần dựa vào người Pháp để thúc đẩy quá trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam, xã hội vẫn còn chịu ảnh hưởng của bàn tay tử thần của truyền thống Nho giáo. Nhưng Quốc cảm thấy rằng người Pháp là kẻ thù số một và không thể tin cậy để thực hiện lời hứa cải cách của họ. Ông hỏi:
“Tại sao hai mươi triệu đồng bào ta lại không làm gì để buộc chính phủ đối xử với chúng ta như đối với con người? Chúng ta là người và chúng ta phải sống như con người. Bất kỳ ai không muốn đối xử với chúng ta như đồng loại đều là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta không muốn sống chung với họ trên trái đất này. Nếu những người khác không muốn sống chung với ta như với đồng loại, thì thật là chẳng có lý gì để sống cuộc sống nhục nhã và bị xúc phạm trên trái đất này”.
Về quan điểm cho rằng người Việt Nam phải dựa vào người Pháp để thực hiện cải cách cần thiết, Nguyễn Ái Quốc lập luận, Pháp đã chẳng làm gì để giáo dục người dân hay chỉ cho họ cách tự trị. Ông công nhận “Bác lớn tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn cháu, nhưng đồng bào của ta đã yêu cầu điều đó trong 60 năm qua và đã nhận được cái gì? Chẳng được gì cả”.[70]
Dù khác biệt về quan điểm chính trị giữa họ ngày càng tăng, Nguyễn Ái Quốc vẫn tôn trọng Phan Chu Trinh, cố gắng thuyết phục ông thay đổi quan điểm. Vài lần ông đã dẫn người đồng chí lớn tuổi hơn đến các cuộc họp cấp tiến ở Paris. Cảnh sát luôn theo sát Quốc và cố thu thập thông tin chính xác về xuất thân của ông. Các nhà chức trách tin rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn Tất Thành - người đã tham gia vụ bạo động ở Huế vào mùa hè năm 1908. Họ đã phỏng vấn cha ông, chị gái ông, anh trai ông và tìm kiếm những đặc điểm trên người ông để nhận dạng. Thí dụ, họ nghe nói ông có một cái sẹo trên tai do tai nạn lúc nhỏ. Khi phải vào bệnh viện năm 1920 để điều trị áp-xe khuỷu tay phải, cảnh sát đã cố chụp hình ông.[71]
Ngày 17-8-1920, Albert Sarraut, bấy giờ là Bộ Trưởng Thuộc địa, gửi công văn cho quận trưởng cảnh sát yêu cầu cung cấp thêm chi tiết chính xác về Nguyễn Ái Quốc. Sarraut nổi xung, giải thích: “Anh ta không có quyền làm xáo trộn nền chính trị của chúng ta dưới một cái tên giả”. Tháng sau, Quốc bị gọi đến Bộ Thuộc địa một lần nữa để thẩm vấn. Lời tự thuật của ông về việc này:
“Một hôm tôi viết một bức thư cho một văn sĩ, bốn ngày sau, tôi nhận được một bức thư từ Bộ Thuộc địa, do ngài Guesde ký, trong đó ông ta bảo rằng đã nhận được thư tôi và yêu cầu tôi đến văn phòng của ông. Cái gì? Tôi tự hỏi. Tôi không biết ông Guesde! Tôi chưa bao giờ viết thư cho ông ta cũng như cho bất kỳ ai trong bộ đó. Một ý nghĩ lóe sáng. Tôi tự nhủ, Ngài Guesde không biết tôi, vì vậy để làm quen và mua chuộc, ông ta tìm cớ gọi tôi đến cơ quan của ông ta”.
Vài ngày sau, tôi đến Bộ Thuộc địa. Ngài Guesde không có ở đó, vì đang công du nước Anh. Ông Pasquier một quan chức cao cấp của Bộ tiếp và hỏi xem tôi có cần gì ở chính phủ không. Nếu có thì ông ta sẽ cố gắng giúp.
Tôi trả lời là tôi chẳng cần gì, trừ tám yêu sách mà tôi đã đưa ra ở Hội nghị Hoà bình. Nếu ông có thể can thiệp với chính phủ Pháp để đáp ứng những yêu sách, chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn. Ông Pasquier không trả lời câu hỏi của tôi và nói lảng sang chuyện khác”.[72]
Không ai biết sự phản ứng của Pasquier đối với cuộc đối thoại này như thế nào. Nhưng sự phẫn nộ ngày càng gia tăng của các nhà chức trách được thể hiện trong một báo cáo về Nguyễn Ái Quốc do Pierre Guesde viết gửi Bộ Trưởng Thuộc địa ngày 12 tháng 10. Nguyễn Ái Quốc đã bị triệu đến quận cảnh sát, ba ngày sau Bộ Thuộc địa đã thẩm vấn ông. Tại quận cảnh sát, ông khai là sinh ngày 15 tháng 1 năm 1894 tại Vinh và cả 6 anh chị em đều đã qua đời.
Guesde giận dữ: “Nguyễn Ái Quốc là ai?”
“Ông ta thường xuyên thay đổi tên và đang giấu tung tích dưới một cái tên giả mà cái tên đó không thể đánh lừa được bất cứ ai kể cả những người không thông thạo tiếng Việt. Ông ta cho rằng không có tài liệu nào của nhà cầm quyền Đông Dương có thể nhận dạng ông ta, nhưng ông ta đã can thiệp vào nền chính trị của chúng ta, tham gia các nhóm chính trị, nói chuyện ở các tổ chức cách mạng và ngay cả chúng tôi còn không biết mình thuộc nhóm nào. Những thông tin mà ông ta cung cấp rõ ràng là giả dối”.
Thực ra, Guesde nói, sau những nỗ lực hết mức, các nhà chức trách có bằng chứng rõ ràng là Quốc chính là Nguyễn Tất Thành, “một kẻ kích động nguy hiểm”, đã tham gia cuộc biểu tình ở An Nam vào năm 1908”.[73]
Trong thời gian hơn một thế hệ, phong trào chủ nghĩa xã hội ở Pháp bao gồm các nhà tư tưởng tiến bộ thuộc nhiều mầu sắc khác nhau: những nhà hoạt động theo Auguste Blanqui, nhà cách mạng thế kỷ XIX, chủ trương tiến hành nổi dậy ngay lập tức và không chú ý gì đến vấn đề xây dựng một xã hội tương lai; các nhà cải cách theo con đường tiệm tiến của Eduard Bernstein và Quốc tế II; những người có quan điểm cấp tiến lý thuyết, xuất phát từ cuộc cách mạng Pháp hơn là từ tư tưởng Karl Marx; và những người lãnh đạo công đoàn, những người đã làm dấy lên cuộc đấu tranh giai cấp chống giới chủ, nhưng hầu như không dùng đến hệ tư tưởng. Thế chiến I đã giáng một đòn mạnh vào lợi ích chung trước đó còn đeo đẳng trong các nhóm hỗn tạp này, và khi Lenin đưa ra yêu cầu đối với những người theo Đảng Xã hội ở khắp nơi tham gia một cuộc chiến tranh thần thánh chống chủ nghĩa tư bản, ông đã buộc các đảng viên phải có quan điểm dứt khoát.
Tại Hội nghị Đảng Xã hội Pháp tổ chức ở Strabourg tháng 2-1920, đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn về việc liệu gia nhập Quốc tế II tương đối ôn hoà hay gia nhập Quốc tế III mới của Lenin. Nguyễn Ái Quốc cũng có mặt nhưng không tham gia thảo luận. Khi bỏ phiếu, đại đa số muốn từ bỏ phe Quốc tế II, nhưng cũng có một đa số tương tự tỏ ý chống việc gia nhập Quốc tế cộng sản III. Cánh tả Pháp không sẵn sàng chọn lựa.
Trong những tháng tiếp theo, cuộc thảo luận về con đường tương lai của phong trào xã hội đã trở nên sôi nổi hơn. Mùa hè đó, hai đảng viên xuất chúng, Marcel Cachin và Tổng bí thư Louis Frossard tham gia Hội nghị Quốc tế Cộng sản II ở Moscow. Hội nghị này đã thông qua “Luận cương về các vấn đề quốc gia và thuộc địa” của Lenin. Khi trở về Pháp, họ triệu tập cuộc mít tinh lớn ngày 13-8 để bàn bạc về kết quả của hội nghị. Trong số 30.000 người đứng chật quảng trường Paris ở phía tây thành phố có Nguyễn Ái Quốc. Ông đã nghe Marcel lớn tiếng ủng hộ Quốc tế Cộng sản mới của Lenin, cho rằng chỉ có Quốc tế Cộng sản mới có thể giải phóng các dân tộc nô lệ trên thế giới và tiến hành đấu tranh tới tận sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu.[74]
Những lời đó dĩ nhiên được Nguyễn Ái Quốc hoan nghênh, mặc dù có thể Nguyễn thất vọng điều kiện thứ tám của Lenin đối với việc gia nhập Quốc tế Cộng sản mới - kêu gọi các Đảng cộng sản ở các nước đế quốc chủ nghĩa tiếp tục đấu tranh tích cực chống lại các chính sách đế quốc của chính phủ - hầu như không được chú ý tại hội nghị. Tuy nhiên, có thể ông cảm thấy phấn khởi vào tháng 9 khi nghe tin về hội nghị của các dân tộc phương Đông được tổ chức sau đó ít lâu tại Baku, khi Platovich - một đại diện của Quốc tế Cộng sản - kêu gọi đấu tranh mạnh mẽ để giải phóng cho các dân tộc bị áp bức ở châu Á.[75]
Đảng Xã hội Pháp dự kiến tổ chức Hội nghị Toàn quốc tại Tours cuối tháng 12 để quyết định khả năng gia nhập Quốc tế Cộng sản mới của Lenin. Trong những tháng trước khi diễn ra hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã dự tất cả các phiên họp cấp quận và nghe tất cả các lập luận từ cả hai phía. Một đảng có ba phe, với những người theo trường phái ôn hoà và cấp tiến ở hai thái cực và một nhóm của Jean Longuet ở giữa. Nguyễn Ái Quốc hầu như không đóng góp ý kiến gì vào các cuộc tranh luận. Khi tham gia tranh luận thì ông bao giờ cũng phàn nàn về việc thiếu quan tâm tới các vấn đề thuộc địa. Theo lời tự thuật của ông thì có lúc ông đã kêu gọi thống nhất mục đích chung:
“Các bạn thân mến! Các bạn đều là những người xã hội rất tốt! Tất cả các bạn đều muốn giải phóng giai cấp công nhân? Vâng. Như thể dù thứ hai, thứ hai rưỡi, hay Quốc tế thứ ba phải chăng cũng thế cả. Những Quốc tế ấy đều không là cách mạng cả sao? Dù các bạn gia nhập Quốc tế này hoặc Quốc tế nọ, các bạn cũng phải đoàn kết nhất trí. Tại sao tranh luận nhiều thế? Trong khi các bạn tranh luận ở đây, thì đồng bào chúng tôi đang rên siết ở Việt Nam…”
 Khi chọn đại biểu tham gia hội nghị, ông tìm cách để được mời với tư cách là đại diện cho một nhóm nhỏ các đảng viên của Đông Dương.[76]
Ngày 25 tháng 12-1920, đại hội khai mạc tại trường đua ngựa gần nhà thờ Saint Julian nam bờ sông Loire. Hội trường ở tầng hầm chăng đèn kết hoa cùng với bức chân dung nhà hoạt động xã hội kỳ cựu Jean Kaures và những băng rôn, biểu ngữ kêu gọi toàn thể giới cần lao trên thế giới đoàn kết lại. Đối diện với bục diễn đàn được trải khăn trắng, ngay phía trước là hàng ghế bằng những tấm ván xẻ xếp ngang. Hai trăm tám mươi nhăm đại biểu và những khách mời thay mặt cho 178 ngàn đảng viên toàn quốc, ngồi theo từng phe phái chính trị. Nguyễn Ái Quốc ngồi cùng phái cánh tả do Marcel Cachin năng nổ lãnh đạo.      
Các đại biểu bắt tay vào thảo luận chủ đề chính của hội nghị ngay hôm ấy để đưa ra quyết định có hay không tham gia Quốc tế Cộng sản III. Là người châu Á duy nhất, mặc một bộ đồ sẫm màu quá khổ so với vóc dáng gầy của mình, Nguyễn Ái Quốc dường như lạc lõng trong hàng trăm người châu Âu râu ria xồm xoàm. Ngay lập tức ông làm xôn xao trong hội nghị. Ngày đầu tiên, một nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh ông và tấm ảnh đó đã được đăng trên số báo “Buổi Sáng” ngay ngày hôm sau xuất bản ở Paris. Cảnh sát được báo về sự có mặt của ông và ngay lập tức xuất hiện với lệnh bắt ông. Nhưng một số đại biểu đã vây quanh và ngăn không cho họ bắt. Cuối cùng cảnh sát đã bỏ cuộc.[77]
Cũng ngày hôm đó, Nguyễn Ái Quốc đã đứng lên phát biểu. Ông nói liền trong 12 phút không có sự chuẩn bị trước. Ông đi thẳng vào vấn đề, lên tiếng chỉ trích các chính sách thuộc địa của Pháp đàn áp và bóc lột đồng bào của ông. Ông nói, “Bất cứ ai phản đối đều bị bắt, nhà tù nhiều hơn trường học và các nhà tù chật cứng người bị bắt giữ. Người dân không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do đi lại. Họ ép dân chúng hút thuốc phiện và uống rượu để mang lại lợi nhuận cho chính phủ Pháp, đánh thuế đối với cả hai mặt hàng trên.” Ông đề nghị, “Những người Pháp theo chủ nghĩa xã hội phải hành động để ủng hộ dân thuộc địa bị áp bức.”
Về điểm này, Nguyễn Ái Quốc bị Jean Longuet ngắt lời. Nhà lãnh đạo xã hội phản đối vì ông đã lên tiếng ủng hộ người bản xứ. Quốc đã trả lời bằng một giọng hài hước về quan niệm của Marx về chuyên chính vô sản “Tôi áp đặt chuyên chính im lặng”, và nói thêm, đảng Xã hội phải thúc đẩy mạnh mẽ tuyên truyền chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước thuộc địa. Ông nói, quyết định gia nhập Quốc tế Cộng sản III khẳng định, Đảng đã dự đoán đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. Ông kết thúc với một lời kêu gọi: “Nhân danh toàn nhân loại, nhân danh tất cả những người theo phe xã hội chủ nghĩa cả cánh tả và cánh hữu, chúng tôi kêu gọi các bạn, các đồng chí hãy cứu chúng tôi”.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu, Jean Longuet lại tiếp tục phát biểu và khẳng định công khai ủng hộ sự nghiệp của người Việt Nam tại Quốc hội và nói thêm rằng vấn đề này đang được thảo luận ở Quốc hội. Nhưng Paul Vaillant-Couturier, một ngôi sao đang lên của phong trào cấp tiến, đồng thời là người ủng hộ Nguyễn Ái Quốc mạnh mẽ nhất, vặn lại, điều cần thiết hiện nay không chỉ là cuộc thảo luận tại Quốc hội mà là hành động của Quốc hội vì các dân tộc bị áp bức.[78]
Ngày 27-12, Marcel Cachin đã chính thức đề nghị Đảng Xã hội Pháp chấp nhận điều kiện của Lenin về gia nhập Quốc tế Cộng sản III và Nguyễn Ái Quốc đã lên tiếng ủng hộ đề nghị này. Hai ngày sau, bản kiến nghị được hơn 70% số đại biểu ủng hộ. Các đại biểu phản đối việc gia nhập Quốc tế Cộng sản đã ùa ra khỏi phòng họp để phản đối. Những người còn lại bỏ phiếu từ bỏ Đảng Xã hội Pháp, thành lập Đảng cộng sản Pháp mới. Nhưng không có thêm cuộc thảo luận nào nữa về vấn đề thuộc địa và giới lãnh đạo đã bác bỏ một đề nghị, chắc chắn do Nguyễn Ái Quốc đưa ra, việc đưa ra một tuyên bố công khai ủng hộ nhân dân các nước thuộc địa.[79]
Tại Đại hội Tours, Nguyễn Ái Quốc đã thông báo cho các cộng sự biết, ông quyết tâm trở thành một người tích cực phát biểu đòi hỏi quan tâm nhiều hơn nữa đến nhu cầu của nhân dân các nước thuộc địa, coi đó là một nhân tố mang tính quyết định của cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản. Ông đã chứng minh bằng cả những lời bình luận công khai và không công khai, ông không chỉ lo lắng về thành công của cuộc cách mạng thế giới mà còn về số phận của đất nước ông. Tinh thần đó đã được phản ánh trong một lời nhận xét của ông với một người quen lúc đó: “Tôi đã không được may mắn theo học các khóa tại trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và thậm chí cả khoa học quân sự. Con người ta nên yêu thích cái gi và nên coi thường cái gì? Đối với người Việt Nam chúng tôi, cần phải yêu độc lập, yêu công việc và yêu tổ quốc”.[80]
Nhưng chẳng bao lâu sau ông đã thất vọng vì tất cả đảng viên của Đảng mới không theo theo quan điểm của ông. Tháng 2-1921, ông bị ốm và nằm viện một thời gian. Sau khi ra viện, ông viết một bài “Đông Dương” cho tờ “Tạp chí Cộng sản” số tháng tư. Trong bài báo đó, ông đã chỉ trích các đảng viên của Đảng cộng sản Pháp không quan tâm đúng mức tới các vấn đề thúc đẩy cách mạng ở thuộc địa và không nghiên cứu vấn đề này một cách có hệ thống. Ông lý giải, mặc dù người Pháp đang cố tình hủy diệt tinh thần nhân dân Đông Dương, nhưng người Đông Dương không chết, không những thế “dân Đông Dương vẫn sống và sẽ sống mãi” – thật khó diễn đạt của chủ nghĩa Quốc tế vô sản Marxist. Qua bài báo cho thấy ông đã từ bỏ hy vọng làm cách mạng mà không cần đến bạo lực. Trong khi cho rằng Đông Dương vẫn chưa chín muồi để tiến hành cách mạng, chủ yếu là vì dân không được học hành, không có quyền tự do ngôn luận hay hành động – Theo ông dưới cái vỏ ngoài dễ bảo và thụ động “Có một cái gì đó đang âm ỉ trỗi dậy và chuyển động, đến một thời điểm thích hợp nó sẽ nổ tung khủng khiếp.” Ông lập luận, tiến trình đó nhanh chóng xảy ra hay không tuỳ thuộc vào tầng lớp trí thức. Ông kết luận “Sự chuyên chế của Chủ nghĩa Tư bản là sự chuẩn bị đất trồng. Chủ Nghĩa Xã Hội chỉ cần gieo hạt giải phóng”.[81]
Trong bài báo thứ hai cùng với tựa đề vào tháng năm, Nguyễn Ái Quốc đã thảo luận vấn đề liệu có nên áp dụng chủ nghĩa cộng sản ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không. Đây là một vấn đề rất thích hợp, vì tại thời điểm đó hầu hết những người châu Âu cấp tiến vẫn tin rằng ở hầu hết các nước “lạc hậu” nhất, còn lâu mới có cách mạng. Joseph Stalin cũng có bài đăng trên tờ “Sự Thật” (Pravda) cùng tháng vạch ra rằng các quốc gia tiến bộ, sau khi tự giải phóng mình, có nhiệm vụ giải phóng cho các “dân tộc lạc hậu”.
Trong bài báo của mình, Nguyễn Ái Quốc đã tranh luận với các quan điểm như vậy, lập luận rằng học thuyết và chiến lược Marx-Lenin phù hợp cả ở châu Á và phương Tây. Ông chỉ ra rằng ở Nhật Bản, nước châu Á đầu tiên trở thành nước tư bản chủ nghĩa, một đảng xã hội đã được thành lập. Trung Quốc tuy vẫn phụ thuộc vào châu Âu, Hoa Kỳ, vừa mới thức tỉnh và một chính phủ cách mạng mới do lãnh đạo phe nổi dậy Tôn Dật Tiên cầm đầu ở Nam Trung Quốc hứa hẹn khai sinh “một Trung Hoa được tái tổ chức và vô sản hoá”. Ông dự đoán, có thể một ngày không xa, Nga và Trung Quốc sẽ cùng tiến bước. Các dân tộc khác ở châu Á đang phải chịu đau khổ, Triều Tiên vẫn nằm dưới ách đô hộ của Nhật Bản, trong khi Ấn Độ và Đông Dương nằm trong tay những kẻ bóc lột Anh, Pháp.
Dự đoán của Nguyễn Ái Quốc về hợp tác giữa Trung Hoa và Nga mang tính tiên tri. Lúc đó, ông đang bình luận về những sự kiện vừa xảy ra tại Trung Quốc, dẫn đến việc Tôn Dật Tiên liên minh với một nhà lãnh đạo quân sự để thành lập một chế độ cách mạng ở thành phố Quảng Châu. Tôn Dật Tiên sống lưu vong trong vài năm, sau khi nhà lãnh đạo chính trị Viên Thế Khải làm thất bại nỗ lực của các môn đệ của Tôn Dật Tiên xây dựng một Trung Quốc phương Tây hoá và tự mình giành quyền kiểm soát. Sau khi Viên Thế Khải qua đời năm 1916, Trung Quốc rơi vào rối loạn, do các tướng lãnh tranh quyền kiểm soát nhiều vùng ở Trung Quốc.
Nguyễn Ái Quốc lập luận, có những bằng chứng chắc chắn về lịch sử giải thích tại sao chủ nghĩa cộng sản thích nghi ở châu Á dễ dàng hơn ở châu Âu. Theo ông, người châu Á, dù bị người phương Tây coi là lạc hậu, hiểu rõ hơn sự cần thiết phải cải cách toàn diện xã hội đương thời. Họ cũng có thiện cảm đối với ý tưởng cộng đồng và công bằng xã hội. Trung Hoa cổ đại đã thực hiện một “sân chơi bình đẳng”, chia đất nông nghiệp ra thành các phần bằng nhau và để riêng một lô đất làm công thổ. Hơn 4.000 năm trước, Nhà Hạ đã áp dụng hình thức lao động bắt buộc. Ngay từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, đại triết gia Khổng Tử đã dự đoán trước về Quốc tế Cộng sản và giảng thuyết bình đẳng về tài sản. Vị sư phụ này đã dự đoán, hoà bình thế giới sẽ không có khi chưa thiết lập nền cộng hoà toàn cầu. Ông giảng giải: “Không sợ ít mà chỉ sợ không được phân phối bình đẳng”. Môn đồ Mạnh Tử của ông tiếp tục theo học thuyết của thầy, xây dựng một kế hoạch cụ thể để tổ chức sản xuất và tiêu dùng. Trả lời một câu hỏi của nhà cầm quyền, Mạnh Tử nói “nhu cầu của nhân dân là trên hết, sau đó là nhu cầu của quốc gia, cuối cùng mới đến nhu cầu của quốc vương”.
Quốc đưa thêm dẫn chứng về truyền thống xã hội Á châu, ví dụ như, theo luật đất đai của Việt nam hạn chế việc mua bán đất, một phần tư tổng số đất canh tác được coi là đất công thổ quốc gia. Ông kết luận, do đó đến cái ngày mà hàng triệu người châu Á bị áp bức thức tỉnh, họ sẽ trở thành một lực lượng khổng lồ có thể lật đổ chủ nghĩa đế quốc và sẽ giúp những người anh em ở phương Tây thực hiện sứ mạng giải phóng hoàn toàn khỏi sự bóc lột của tư bản. châu Á sẽ đóng vai trò tích cực trong cách mạng thế giới.[82]
Nguyễn Ái Quốc cũng dùng ngòi bút để xé toạc những bí ẩn của nền văn minh Pháp rực rỡ. Trong một bài báo viết vào tháng 9 “Nền văn minh ưu việt hơn”, ông chế nhạo ba trụ cột của cách mạng Pháp “Tự do, Bình đẳng và Bác ái”, nêu ra những thí dụ về sự tàn ác của Pháp như đã được kể lại trong nhật ký của một người lính Pháp. Trong một bài báo ngắn được đăng vào tháng mười trên tờ Tự do (Le Liberte), ông kể lại một thí dụ của chính ông, khi còn là sinh viên ở Quốc Học Huế năm 1908, đã chứng kiến một đồng môn bị giáo viên người Pháp sỉ nhục một cách tàn nhẫn. Ông nhận xét một cách châm biếm rằng việc này xảy ra ngay dưới tấm bảng được treo ở mọi lớp học: HÃY YÊU NƯỚC PHÁP, NƯỚC PHÁP BẢO VỆ BẠN (Aimez la France qui vous protégé).[83]
Thái độ càng ngày càng trở nên cấp tiến của Nguyễn Ái Quốc khiến nhà chức trách Pháp theo dõi ông rất sát sao. Đầu năm 1921, một lần nữa ông lại bị triệu đến Bộ Thuộc địa để ông Albert Sarraut thẩm vấn. Bộ trưởng tuyên bố:
“Nếu nước Pháp trao trả Đông Dương cho các anh thì các anh cũng không quản lý được vì các anh không có đủ phương tiện”. Quốc trả lời“Trái lại, hãy nhìn vào nước Xiêm và Nhật Bản. Nền văn minh của hai nước này không lâu đời hơn nền văn minh của chúng tôi, thế mà họ vẫn sánh ngang với các nước trên thế giới. Nếu Pháp trả lại đất nước cho chúng tôi, nước Pháp chắc chắn sẽ thấy chúng tôi biết cách quản lý nó”. Khi nghe những lời này, ông Sarraut lảng sang chuyện khác.[84]
Quyết định gia nhập Đảng cộng sản Pháp của Nguyễn Ái Quốc đã làm tăng thêm sự căng thẳng vốn đã có từ trước ở căn hộ Villa des Gobelins, nơi mà không phải tất cả các đồng sự đều tán thành những ý kiến của ông. Trong thời gian hội nghị Tours, Trần Tiến Nam, một người bạn thân nhất của ông, nói với một người quen rằng, các quan điểm cấp tiến của Quốc không được những người ở cùng căn hộ đồng tình. Vài tháng sau đó, cảnh sát tiếp tục báo cáo, các cuộc tranh luận gay gắt thường xuyên nổ ra.[85]
Mâu thuẫn giữa Nguyễn Ái Quốc và đồng sự của ông cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 7, sau khi trở nên căng thẳng hơn trong vài tháng. Ngày 6-7-1921, ông tham gia một cuộc biểu tình ở nghĩa trang Pere Lachaise, một quận phía đông Paris, nơi rất đông tầng lớp lao động sinh sống, để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong thời kỳ Công Xã Paris năm 1871. Quốc bị cảnh sát đánh đập dã man nhưng may đã chạy thoát được. Tin tức về vụ việc đó làm cho một số người quen của ông lo lắng. Vài tuần sau đó, Trần Tiến Nam, một trong những thành viên ôn hoà hơn của nhóm, chuyển khỏi căn hộ, vì cho rằng những quan điểm chính trị của Nguyễn Ái Quốc là quá cấp tiến.
Ngày 11-7-1921, theo mật vụ báo cáo, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra giữa Nguyễn Ái Quốc và những người bạn của ông, kéo dài từ 9 giờ tối đến tận sáng sớm hôm sau. Ngay hôm sau, cảnh sát bám đuôi thấy Quốc rời khỏi căn hộ đến ở với bạn là Võ Văn Toàn, số 12 đường Buot. Một tuần sau đó, bạn ông là Paul Vaillant-Couturier đã giúp tìm một căn hộ nhỏ ở số 9 ngõ Compoint, một ngõ cụt ở Batignolles, khu công nhân ở tây bắc Paris.[86]
Chỗ ở mới của Nguyễn Ái Quốc vô cùng đơn sơ, kém tiện nghi so với nơi ở tương đối rộng rãi và đầy đủ tiện nghi ở Villa des Gobelins. Căn hộ một phòng chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ và một tủ quần áo. Cửa sổ duy nhất lại nhìn sang bức tường của nhà kế bên, muốn nhìn trời, ông phải nghển cổ ra khỏi cửa sổ. Không có điện nên ông phải dùng đèn dầu; không có nước nên ông dùng một cái chậu để rửa mặt và giặt quần áo ở bên ngoài. Để sưởi ấm, ông dùng một viên gạch đã ủ nóng trong lò sưởi của chủ nhà, sau đó gói vào một tờ giấy. Ngày ăn hai bữa gồm một ít cá muối hoặc chút thịt. Đôi khi ông chỉ ăn một mẩu bánh mì và phô-mai.[87]
Nguyễn Ái Quốc chia tay nhóm bạn ở Villa des Gobelins, chuyển đến nơi ở mới cũng khiến ông phải thay đổi chỗ làm. Ông vẫn làm thợ sửa ảnh cùng với Phan Chu Trinh cho đến tháng 7-1920. Sau đó, theo đơn khai của ông gửi cho cảnh sát ngày 17-9, ông trở thành một người trang trí tranh tường Trung Quốc cho một người Hoa sản xuất đồ gỗ giả cổ ở khu La-tinh. Tháng 9, khi công nhân ở cửa hàng đình công, ông nhận một việc mới ở cửa hàng nhiếp ảnh ở phố Froidevaux, chỉ cách căn hộ mới của ông mấy nhà ở ngõ Compoint. Là thợ học nghề, ông chỉ kiếm được 40 quan một tuần.[88]
Hoàn cảnh túng quẫn của Nguyễn Ái Quốc không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Ông vẫn thường xuyên tham dự các cuộc họp chính trị, các cuộc biểu diễn nghệ thuật và thường xuyên đến Thư viện Quốc gia. Trong các hoạt động, ông gặp những nhân vật nổi tiếng như ca sĩ kiêm diễn viên Maurice Chevaliet và nhà viết truyện ngắn Colette. Theo báo cáo của cảnh sát, ông thường tiếp đãi khách thăm, nấu bữa tối gồm rau xanh và xì dầu, uống trà ướp hoa nhài ở bếp lò nhỏ trên một cái bàn ở góc căn hộ. Mặc dù lương của ông sau khi đã trả tiền thuê nhà, tháng chỉ còn lại chút xíu, ông vẫn cố gắng đến dự nhiều cuộc họp trên khắp nước Pháp, điều này làm cho mọi người thấy ông nhận được tiền trợ giúp từ Đảng cộng sản.
Việc Nguyễn Ái Quốc chia tay với nhóm ở căn hộ Villa des Gobelins diễn ra nhanh hơn dự đoán là do bất đồng về quyết định thành lập Uỷ ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng cộng sản Pháp, thúc đẩy việc học chủ nghĩa Marxist ở các thuộc địa của Pháp. Nguyễn Ái Quốc trở thành một thành viên tích cực và giữa tháng 6-1921, ông đưa Phan Chu Trinh đến một trong những cuộc họp của Uỷ ban. Vài tuần sau, ông dự cuộc họp thứ hai tại Fontainebleau, cách Paris 60 cây số về phía đông nam. Hai ngày sau khi trở về, ông đã có cuộc khẩu chiến cuối cùng tại căn hộ.[89]
Một trong những kết quả tức thì của việc thiết lập Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa là việc hình thành một tổ chức mới đại diện cho công dân các nước thuộc địa ở Pháp, đó là Liên hiệp Thuộc địa. Trong vài tháng, Nguyễn Ái Quốc đã cân nhắc việc thiết lập một nhóm như vậy. Trong một cuộc nói chuyện với một người quen khi nằm ở bệnh viện tháng 2-1921, ông có nhắc đến sự cần thiết phải thiết lập một tổ chức dưới hình thức của một hiệp hội tương hỗ để đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Cũng chỉ trong vài tháng, Hội những người yêu nước An Nam của ông đã hợp tác không chính thức với một nhóm người Madagasca - thuộc địa của Pháp - và thiết lập một uỷ ban hành động chung để điều phối các hoạt động chính trị. Các nhóm tương tự đã được những người châu Phi sống ở Paris và London thiết lập. Giờ đây, theo lệnh của uỷ ban, hình mẫu hợp tác không chính thức này được thể chế hoá bằng việc thành lập Liên hiệp Thuộc địa, Liên hiệp tự cho mình có tiếng nói chủ chốt trong việc bảo vệ lợi ích của mọi người dân của các nước thuộc địa đang sinh sống ở Pháp. Thành lập từ tháng 7-1921, liên hiệp này có gần 200 thành viên. Hầu hết là người Madagasca và Việt Nam, một số là người Bắc Phi và Tây Ấn. Theo bản tuyên ngôn đưa ra, mục tiêu công khai có tính ôn hoà của tổ chức này là chỉ tìm cách thông báo cho nhân dân các nước thuộc địa về những sự kiện xảy ra ở Pháp và nghiên cứu tất cả các vấn đề chính trị và kinh tế ở các nước thuộc địa - trừ mục tiêu cuối cùng là tìm cách xoá bỏ hệ thống thuộc địa Pháp.[90]
Ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc là động lực chính của tổ chức mới này. Ông được bầu vào Ban điều hành cùng với một số đảng viên có uy tín khác của Đảng cộng sản Pháp - người đồng hương của ông là Nguyễn Thế Truyền, Max Bloncourt, một thành viên người Madagasca và Hadj Ali người Algerie. Ông Quốc là ủy viên của ban điều hành và thường xuyên tham dự các cuộc họp của ban. Các cuộc họp lúc đầu diễn ra ở đại lộ Valois, gần công viên Monceau. Được Đảng cộng sản Pháp tài trợ một phần, trụ sở của Liên hiệp nằm ở số 3 Marché des Patriarches, một con đường hẹp gần ga Austerlitz ở tả ngạn sông Seine. Với nhiều nỗ lực, ông đã bước đầu hợp nhất được các quyền lợi khác nhau của các nhóm. Theo như báo cáo của cảnh sát Pháp, điều này không dễ thực hiện chút nào. Sự ghen tị và cạnh tranh giữa các nước thường xuyên làm gián đoạn các hoạt động của nhóm, trong khi những người cánh tả gốc châu Âu thỉnh thoảng than phiền, họ bị ngăn không cho gia nhập tổ chức này một cách bất công vì hàng rào sắc tộc. Một số thành viên người Việt cáo buộc, các hoạt động giao lưu văn hoá được chú trọng quá nhiều và yêu cầu lập lại một tổ chức thuần túy của người Việt. Người châu Phi vặn lại rằng các thành viên châu Á cố chấp và ngạo mạn. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng khó có thể đưa những người dân thuộc địa vốn rất khác nhau vào cùng một tổ chức hoạt động theo chung một nguyên tắc.[91]
Số người tham gia các cuộc họp toàn thể của đại hội liên hiệp đã giảm từ cao điểm 200 xuống còn 50 người mỗi phiên. Tại phiên họp tháng 2-1923 chỉ còn 27 thành viên tham dự. Trong đó có hai thành viên là phụ nữ Pháp. Hai người này đều được cho là tình nhân của các nhà hoạt động. Nguyễn Ái Quốc cũng có nữ liên lạc viên, mặc dù người ta không rõ người bạn gái của ông có tham gia các hoạt động cấp tiến hay không. Ông đạt được thành công nhỏ: Phan Văn Trường, một thời từng cộng tác với ông soạn thảo yêu sách gửi các nhà lãnh đạo đồng minh ở Versailles, đồng ý gia nhập Liên hiệp.[92]
Công tác tổ chức Liên hiệp Thuộc địa không phải là hoạt động duy nhất của Nguyễn Ái Quốc trong những năm cuối cùng sống ở Paris. Qua liên lạc với các nhân vật cấp tiến Pháp, ông đã nhận biết giá trị của báo chí trong việc tuyên truyền về công cuộc cách mạng. Đầu năm 1922, được sự khuyến khích của Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa và các thành viên khác của Liên hiệp Thuộc địa, ông quyết định thành lập một tờ báo mới có mục đích kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đang sống tại Paris, và cũng là tiếng nói của nhân dân các nước thuộc địa trên khắp đất Pháp. Tờ báo này có tên “Người Cùng Khổ” (Le Paria), bằng tiếng Pháp, nhưng tiêu đề của nó được in bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Ả-rập. Số báo đầu tiên ra ngày 1-4-1922, các số tiếp theo ra đều đặn hàng tháng; sau đó, do các khó khăn về tài chính chồng chất nên các số báo phát hành thưa dần. Tờ báo có hình thức và kiểu cách đơn giản, mục đích thông báo độc giả tin tức và quan điểm về các vấn đề thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc, hoạt động không mệt mỏi, là chủ biên của tờ báo này. Ông cũng là cây viết chính cho tờ báo và khi những người khác vắng mặt ông thậm chí kiêm vẽ tranh minh họa, duyệt báo và chuyển báo đến với người mua định kỳ. Như ông đã kể lại:
Có lần tôi vừa là chủ bút kiêm thủ quỹ, nhà phân phối tờ Người cùng khổ, vừa là người bán. Các đồng chí từ các nước thuộc địa châu Á, châu Phi viết bài và kêu gọi sự đóng góp, tất cả những việc còn lại đều do tôi đảm nhiệm”.
Qua các trang báo “Người Cùng Khổ”, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục cải tiến phong cách viết báo của mình. Trong các bài xã luận - thỉnh thoảng mỗi số báo có hai đến ba bài xã luận - ông viết về các vấn đề quốc tế. Lúc là một bài báo phê phán một khía cạnh nào đó của đời sống thuộc địa, thí dụ như hành động độc ác của chính quyền Pháp ở châu Phi hoặc Đông Dương. Lúc là một mẩu chuyện về cuộc sống ở nước Nga Xô Viết, luôn được tả như một bức tranh về cảnh đồng quê thơ mộng, dù ông chưa bao giờ đặt chân đến đó.
Bài viết của ông không có gì đặc biệt. Ông đã biết được tầm quan trọng của việc dùng lối viết đơn giản và trực tiếp qua việc đọc các tác phẩm của Lev Tolstoy, tác giả của những cuốn tiểu thuyết ông ưa thích. Những bài báo của ông cũng không đủ độ tinh tế. Ông chủ yếu dựa vào các thực tế và con số để đưa ra quan điểm, dường như đối với độc giả, ông là một cuốn từ điển thống kê sống về cuộc sống ở các nước thuộc địa, từ mức thuế thân ở Bờ Biển Ngà đến ngân sách thuộc địa giành cho Đông Dương thuộc Pháp. Khi ông không chôn vùi kẻ thù trong đống dữ liệu của mình thì ông sử dụng cách nói châm biếm, nhưng ngôn từ của ông không đủ sức mỉa mai, châm biếm như Lỗ Tấn, một nhà văn tài hoa của Trung Quốc. Ông có xu hướng bỏ qua lý luận, dựa vào việc chỉ trích một cách cay nghiệt trực diện hệ thống thuộc địa và những tác động tàn bạo đối với những người bị đè nặng bởi guồng máy cai trị.
Trong những năm sau, nhiều nhà nghiên cứu về ông ngỡ ngàng khi thấy một người có sức thu hút cá nhân lớn như vậy và một nhân cách tinh tế lại có một lối viết tẻ nhạt và tầm thường đến thế. Tuy nhiên, đây chính là điểm mấu chốt tính cách ông và hiệu quả chính trị trong nhiều năm. Không giống nhiều nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx khác, Nguyễn Ái Quốc thấy độc giả của mình không chỉ bao gồm chủ yếu là trí thức mà còn có cả dân thường như công nhân, nông dân, bộ đội và nhân viên hành chính. Ông không muốn gây ấn tượng đối với độc giả bằng trí tuệ uyên bác mà ông cố gắng thuyết phục họ bằng cách viết đơn giản, sinh động để chia sẻ thế giới quan và quan điểm của ông về phương cách tạo nên thay đổi. Những bài tệ nhất của ông gây nhàm chán đối với độc giả tinh tế. Những bài tốt nhất đôi khi gây phản ứng mạnh mẽ mỗi khi ông mô tả nỗi kinh hoàng của hệ thống thuộc địa.
 “Người Cùng Khổ” chẳng mấy chốc trở thành nổi tiếng, là tiếng nói chủ chốt ủng hộ những người bị áp bức ở Pháp. Như Nguyễn Ái Quốc đã viết sau này:
Chúng tôi bán báo cho các công nhân Việt Nam, tuy họ không đọc được Pháp ngữ, nhưng thích mua bởi vì họ biết rằng tờ báo chống Tây và sau khi mua nhờ các công nhân Pháp đọc hộ. Ngoài ra, ở Paris còn có những nơi mà chúng tôi có thể bán nhiều báo và có lãi. Bởi vì họ và chúng tôi đều là những người đồng chí, họ bán báo không lấy tiền thù lao, nhưng bán không được nhiều, bởi vì trên thực tế mọi số Người Cùng Khổ in ra đều bị Bộ Thuộc địa Pháp tìm mọi cách mua”.[93]
Bất cứ ai bị bắt quả tang đang đọc báo này sẽ bị bắt ngay lập tức. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách bí mật chuyển báo đến các thuộc địa. Lúc đầu ông thu xếp để các thuỷ thủ có thiện cảm với cách mạng mang báo trong hành lý của họ. Khi các nhà chức trách Pháp bắt được lại có một cách mới. Cuối cùng, các báo được gửi đi bằng cách nhét vào các đồng hồ giả. Đó là một cách tuyên truyền tốn kém nhưng đạt được mục đích.
Tuy nhiên, thiếu kinh phí vẫn luôn là vấn đề phải lo liệu. Tờ báo nhận được trợ cấp thường xuyên từ Liên hiệp Thuộc địa, nhưng ít nhất nó phải tự trang trải một phần kinh phí. Nhìn chung, tờ báo bán không chạy. Số báo đầu tiên có 300 độc giả đặt báo, nhưng sau đó giảm xuống 200 trong tổng số 1.000 bản in cho mỗi số. Một số được bán tại các cuộc họp của Liên hiệp, vài trăm tờ được gửi qua nhiều đường khác nhau đến các nước thuộc địa. Số còn lại được bán tại các cửa hàng nhỏ. Chưa đủ, báo này còn được đem cho không. Cảnh sát vẫn lo ngại về tờ báo, họ cho là phương tiện tuyên truyền của cộng sản. Tất cả những người đăng ký mua báo dài hạn đều nằm trong sổ đen của cảnh sát.[94]
Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết bài cho các báo và tạp chí cánh tả khác ở Paris. Ông cũng đã chuyển sang viết truyện. Năm 1922, Vua Khải Định được mời sang Pháp nhân kỷ niệm và dự triển lãm thuộc địa được tổ chức tại Marseilles từ tháng tư đến tháng tám. Tin đồn có âm mưu ám sát và một số người nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc hoặc Phan Chu Trinh có liên quan đến vụ này. Nhằm tránh dư luận không có lợi, Albert Sarraut cố thuyết phục Phan Chu Trinh không tỏ ra phản đối chuyến thăm đó, nhưng Trinh đã bỏ qua đề nghị đó và viết một bức thư công khai gửi vua Khải Định. Trong thư, ông cực lực chỉ trích vai trò của nhà vua như một nhà cầm quyền bù nhìn một nước bại trận. Nguyễn Ái Quốc cũng nhân dịp đó thúc đẩy những mục tiêu của riêng, chủ biên các bài báo viết về chuyến thăm này, tự tay viết một bức thư, công bố vào ngày 9-8-1922, trên tập san Nhân Dân (Journal du Peuple). Bức thư mô tả Khải Định như một thứ đồ trang sức rẻ tiền trưng bày tại cuộc triển lãm hoặc bày trong tủ kính cửa hàng trong khi thần dân của ông sống khổ sở, ngập ngụa trong vũng bùn. Ông cũng sáng tác một vở kịch có tên “Con Rồng Tre”, nhạo báng vị hoàng đế và chuyến đi Pháp theo nghi lễ hoàng gia. Vở kịch trình diễn thời gian ngắn tại Câu lạc bộ Faubourg, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Tin đó lan sang Đông Dương, nó càng gây thêm sự chia rẽ giữa hai cha con Nguyễn Ái Quốc. Khi được thông báo về các nhận xét của Quốc, ông Sắc tuyên bố, “bất cứ người con trai nào không chấp nhận vua thì cũng chẳng công nhận cha mình”.[95]
Chuyến thăm của vua Khải Định là cơ hội cuối cùng để Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh cùng đứng về một phe trong vấn đề chính trị, nhưng họ đã không thể thống nhất về phương thức tốt nhất để giải phóng đất nước. Tháng 2-1922, ông Trinh gửi một bức thư cho người đồng sự trẻ tuổi trong khi ông thăm Marseilles. Bức thư không đả động đến sự khác biệt rõ ràng về ý thức hệ giữa hai người mà tập trung vào vấn đề chiến thuật.
Trong khi giữ quan điểm của mình, coi trọng việc nêu cao tinh thần và tri thức của người Việt Nam thông qua giáo dục, ông Trinh công nhận rằng ông là người bảo thủ và một “con ngựa già đã mệt” so sánh với Quốc, “con tuấn mã hăng say”. Nhưng ông lập luận rằng Quốc đang phí thời gian ở lại nước ngoài, viết những bài báo bằng thứ tiếng mà chẳng mấy người Việt Nam hiểu được. Ông nói, đó là sai lầm của Phan Bội Châu khi ông tìm cách tuyển những người yêu nước sang học ở Nhật Bản. Ông khuyên Quốc nên về nước, kêu gọi người dân trong nước. Ông kết luận, nếu được như vậy, “tôi tin rằng học thuyết mà anh hằng ấp ủ có thể được thấm nhuần trong tâm trí nhân dân chúng ta. Ngay cả nếu anh có thất bại thì những người khác sẽ tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đó”.[96]
Nguyễn Ái Quốc đang quá thiết tha với sự nghiệp đang tiến triển của mình trong phong trào cách mạng Pháp đến mức không lưu ý đến lời khuyên của ông Trinh. Trong vòng vài năm, từ chỗ được ít người biết đến, ông đã trở thành người đi đầu trong phong trào cấp tiến ở Pháp, thành viên có uy tín nhất của cộng đồng người Việt ly hương. Được sự trợ giúp của Georges Pioch, -trí thức cấp tiến uy tín có liên hệ với Câu lạc bộ Faubourg-, ông đã trau dồi kỹ năng nói và bắt đầu tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận với các đảng viên có uy tín của Đảng cộng sản Pháp. Tại Đại hội đầu tiên của Đảng tổ chức ở Marseilles cuối tháng 12-1921, ông đã phát biểu về vấn đề thuộc địa và được bầu làm đại diện của quận Seine.
Ngay sau khi Quốc đến Marseilles dự Đại hội, hai cảnh sát mặc thường phục tìm cách bắt, nhưng ông đã thoát hiểm và đến được toà nhà nơi đang diễn ra cuộc họp. Cuối thời gian diễn ra hội nghị, ông được các đại biểu hộ tống qua nhóm cảnh sát tuần tra đến một nơi bí mật cho tới khi ông có thể trở lại Paris.
Tại thủ đô, cảnh sát tiếp tục giám sát mọi hành động đi lại của Nguyễn Ái Quốc, vào tháng 11, có thể do áp lực từ cảnh sát, ông đã bị chủ đuổi việc tại cửa hàng nhiếp ảnh gần căn hộ ông ở. Thất nghiệp, ông tìm các công việc khác, nhưng cuối cùng ông đã quay lại với nghề nhiếp ảnh bằng cách mở một cửa hiệu nhỏ ở ngay căn hộ của ông. Ông chỉ làm việc vào buổi sáng, thời gian còn lại tham gia các hoạt động chính trị.[97]
Là đảng viên hàng đầu của Đảng cộng sản Pháp và đại diện có uy tín nhất của các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể của cơ quan an ninh Pháp. Cảnh sát theo dõi chặt chẽ các hoạt động hằng ngày và hai đặc vụ được cử riêng để theo dõi ông thường xuyên. Ngày 22-6-1922, Albert Sarraut một lần nữa mời ông đến Bộ Thuộc địa để thẩm vấn. Trong suốt cuộc gặp, Bộ trưởng hết đe doạ lại mua chuộc ông. Sarraut mở đầu cuộc nói chuyện bằng việc tuyên bố, những kẻ gây rối liên kết với các phần tử “Bolsevich” ở Pháp đang có dự tính gây rắc rối ở Đông Dương tất yếu sẽ bị đập tan. Nhưng ông ta nói thêm, ông ngưỡng mộ những người như Nguyễn Ái Quốc vì có mục đích vững vàng và quyết tâm đạt mục đích đó. Nhưng với sức mạnh của ý chí cần phải có sự hiểu biết, Sarraut kết luận, những gì đã qua thì cho qua. “Nếu ông cần bất cứ điều gì tôi luôn sẵn sàng phục vụ ông. Bây giờ chúng ta đã biết nhau, ông có thể đề cập thẳng với tôi”, Nguyễn Ái Quốc đứng dậy và cảm ơn Bộ trưởng, nói “Mục tiêu chính của cuộc đời tôi và cái mà tôi cần nhất là tự do cho đồng bào tôi. Tôi có thể đi được chưa?”[98]
Vài ngày sau, Quốc viết một bức thư gửi Bộ Thuộc địa, thư này được đăng trên tờ “Người Cùng Khổ”“Nhân Đạo” (nay là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp) và “Nhân Dân”. Ông bày tỏ lòng biết ơn về việc các nhà cầm quyền Pháp đã cung cấp cho ông một “sĩ quan cận vệ riêng” (rõ ràng là ám chỉ đến sự theo dõi của mật vụ) và nhận xét rằng:
“Trong khi Quốc Hội đang cố tìm cách tiết kiệm tiền, giảm biên chế hành chính do ngân sách thâm hụt quá lớn, ngành nông nghiệp và công nghiệp thiếu lao động, nhà nước tăng thuế đánh vào lương công nhân và khi việc tái ổn định dân số để có nhiều sức sản xuất chưa hoàn thành, nếu ai đó chấp nhận ân huệ mà ân huệ cá nhân ấy làm yếu quyền lực của công dân - các sĩ quan phụ tá - người đó không phải là người yêu nước, họ chỉ là kẻ vô dụng, xài đồng tiền mà giai cấp vô sản phải đổ mồ hôi mới kiếm được”.
Ông nói thêm, để giải quyết vấn đề này, ông thông báo công khai các hoạt động thường ngày của mình:
Buổi sáng: từ 8-12 giờ ở xưởng
Buổi chiều: ở toà báo (tất nhiên của cánh tả) hoặc thư viện.
Buổi tối: ở nhà hoặc tham dự các cuộc nói chuyện mang tính giáo dục.
Chủ nhật và các ngày nghỉ: thăm các bảo tàng và các nơi khác.
Chỉ có vậy.
Hy vọng rằng cách làm việc thuận tiện và hợp lý này sẽ làm cho Ngài hài lòng, chúng tôi xin gửi lời chào.
Nguyễn Ái Quốc[99]
Rất có thể Sarraut không thấy bức thư ngắn của Nguyễn Ái Quốc mang tính châm biếm một chút nào, vẫn tiếp tục quan tâm đến hành tung của Quốc. Có lần Sarraut gửi cho Toàn quyền Maurice Long ở Đông Dương một bức điện, thông báo chính phủ đang xem xét đề nghị bắt Nguyễn Ái Quốc và trả ông về nước. Tuy nhiên, Long nhìn nhận vấn đề theo một cách riêng, ông lập luận, nếu để Quốc ở Pháp sẽ dễ theo dõi các hoạt động của Quốc hơn. Khi Sarraut đề nghị đày Quốc đến một vùng chịu ảnh hưởng của Pháp ở nam Trung Hoa, Long trả lời ông Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đối với các sự kiện ở Đông Dương từ một nơi gần về mặt địa lý như vậy.[100]
Cho đến lúc đó, việc các nhà chức trách gây khó khăn chỉ gây khó chịu không đáng kể cho Nguyễn Ái Quốc, nhưng thái độ của các đồng chí đối với cuộc đấu tranh chung mới khiến ông buồn nản hơn nhiều. Mặc cho mọi nỗ lực, nhưng người bạn Pháp vẫn bỏ qua không coi vấn đề thuộc địa quan trọng. Sau sự khởi đầu được quảng cáo rầm rộ, Ủy Ban Nghiên Cứu Thuộc Địa đã thật sự rơi vào tình trạng suy thoái. Các tạp chí của đảng ít khi đề cập đến vấn đề thuộc địa. Ông phàn nàn, ngay cả tờ “Nhân Đạo” cũng không đề cập đến sự nghiệp của nhân dân thuộc địa trong một vai trò xứng đáng. Ông viết, các tờ báo của giai cấp tư sản còn đưa tin nhiều hơn đến các thuộc địa, trong khi đó rất nhiều chiến hữu “vẫn nghĩ rằng các thuộc địa chả có gì ngoài đất cát dưới chân và nắng chói chang trên đầu. Hầu như chỉ có vậy”.
Ông Quốc than vãn việc Đảng cộng sản Pháp không giải quyết vấn đề thuộc địa dẫn đến việc thiếu hiểu biết chung giữa giai cấp công nhân Pháp và giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa. Các công nhân Pháp coi dân bản xứ là kém cỏi hơn và không đáng kể, không hiểu biết chứ chưa nói gì đến hành động. Tuy nhiên, ông cũng công nhận thành kiến đến từ cả hai phía. Ở các thuộc địa, tất cả những người Pháp, bất kể thuộc tầng lớp nào, đều bị coi là “những kẻ bóc lột tàn ác”.[101]
Nguyễn Ái Quốc kiên trì thúc giục đồng chí của mình về vấn đề thuộc địa. Tại đại hội Đảng cộng sản Pháp tổ chức tại Paris tháng 10-1922, ông và đại diện các nước thuộc địa trình một nghị quyết thúc giục phong trào Cộng sản thế giới chú ý hơn nữa đến vấn đề thuộc địa. Nhưng sau hội nghị Tours và những người có ý kiến ôn hoà ra đi, thái độ trọng châu Âu vẫn bao trùm trong các phần tử cấp tiến gia nhập Đảng cộng sản. Đôi khi giới lãnh đạo có những cố gắng không dứt khoát trong việc tổ chức cộng đồng công nhân Việt Nam ở Pháp (đa số là những người lao động chân tay, công nhân bốc vác và đầu bếp). Một vài người Việt được bổ nhiệm vào các chức vụ có uy tín của đảng, nhưng chỉ là những chuyện nho nhỏ như vậy.
Sự bất bình của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề này có thể đã làm tăng giọng chống Pháp trong các bài viết của ông. Cuối năm 1921, khi trở về từ Marseilles, nơi ông chứng kiến điều kiện làm việc khổ sở của công nhân người Việt, ông bắt đầu ký các bài báo của mình với bút danh mới là Nguyễn O Pháp (Nguyễn Không Pháp), có nghĩa là “Nguyễn ghét người Pháp”. Có lần ông giận dữ bỏ đi sau một cuộc nói chuyện với một đảng viên kỳ cựu của Đảng, người có trách nhiệm giải quyết các vấn đề thuộc địa. Đáp lại, Jacques Doriot - đảng viên cộng sản Pháp trẻ tuổi mới nổi - chỉ ôn tồn khuyên ông bớt những từ ngữ cay độc trong các bài báo.[102]
Tháng 3 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời căn hộ nhỏ ở ngõ Compoint, chuyển vào trụ sở của tờ “Người cùng khổ”, bấy giờ là trụ sở của Liên hiệp Thuộc địa trên đường Marche des Patriarches. Có thể việc chuyển chỗ ở là để tạo thuận lợi hơn cho công việc của ông hoặc cho việc giữ quỹ. Văn phòng của tờ báo nằm ở tầng trệt, ông ở một phòng tầng trên với giá 100 quan một tháng. Đây là nơi trú ngụ cuối cùng của ông ở Paris.[103]
Trong việc xuất bản tờ báo, ông nhận được sự giúp đỡ của Nguyễn Thế Truyền - một ngôi sao trẻ đang lên trong phong trào dân tộc Việt Nam. Sinh năm 1898 gần Hà Nội, ông Truyền đến Paris năm 1920 học kỹ sư. Một năm sau, ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp, bắt đầu cộng tác với Quốc tại Liên hiệp Thuộc địa. Trong thời gian dài, ông hầu như là đồng sự gần gũi nhất của Quốc trong cộng đồng người Việt.
Tháng Mười trước đó, dự Đại hội Đảng ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gặp Dimitri Manunsky, một quan chức cao cấp của Quốc tế Cộng sản của Liên Xô. Tại Đại hội, Manunsky đã nghe Quốc công khai chỉ trích việc thiếu quan tâm đến vấn đề thuộc địa trong nội bộ đảng. Nhiều tháng sau đó, khi Manunsky được lệnh của Ủy ban Điều hành của Quốc tế Cộng sản chuẩn bị một báo cáo về các vấn đề quốc gia và thuộc địa để trình bày tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ năm mùa hè năm 1924, ông đã nhớ đến người Việt Nam trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ở Paris. Nguyễn Ái Quốc đã được mời đến Moscow theo đề nghị của đồng chí Manunsky để làm việc cho Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.[104]
Với Nguyễn Ái Quốc, lời mời đến Moscow là một phần thưởng cho những nỗ lực của ông và có thể là một cơ hội quay lại châu Á nhằm thúc đẩy công cuộc cách mạng ở Việt Nam, nhưng ông giải quyết việc này với sự thận trọng vốn có. Để tránh lộ tin tức về chuyến đi cho cảnh sát, ông thông báo với bạn bè ông sắp đi miền nam nước Pháp nghỉ 3 tuần. Sau khi đã lên lịch hoạt động thường xuyên nhằm đánh lạc hướng hai “vệ sĩ mật vụ” để họ nới lỏng việc giám sát, ngày 13 tháng 6 ông đã bí mật rời một rạp chiếu bóng bằng cửa sau, vội vã đến nhà ga phía Bắc, nơi một người bạn trao hành lý, ông đi tàu đến Berlin trong vai một thương nhân châu Á giàu có, miệng ngậm xì-gà. Ông đến Berlin vào ngày 18 khi tiền đã cạn nhanh chóng do tỉ lệ lạm phát khủng khiếp ở nước Đức thời hậu chiến. Nhờ liên lạc với Đảng Cộng sản Đức, ông tiếp tục đến Hamburg. Sau đó, ông lên tàu khách Karl Liebknecht để đến nước Nga Xô viết. Ông đến Petrograd vào ngày 30-6-1923 với thị thực mang tên Trần Vương - một thương gia người Trung Quốc.[105]
Việc Nguyễn Ái Quốc rời Paris đột ngột làm cảnh sát ngạc nhiên. Những người vẫn theo dõi ông lúc đầu báo cáo lên Bộ Thuộc địa rằng ông đã rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng nhưng không trở lại. Tiếp theo họ đã mắc mưu ông, cho rằng ông đã đi nghỉ ở phương nam. Nhiều tuần sau họ mới biết ông đi đến nước Nga Xô viết. Việc ông biến mất đã làm cho bạn bè của ông hoang mang. Ông gửi thư cho bạn bè nói, ông đã rời Pháp và xin lỗi vì đã không thông báo cho đồng sự về cuộc ra đi đột ngột này. Ông nói một cách gián tiếp, rút lui vào bí mật và không trở về sau nhiều năm, tuy có hứa sẽ viết thư cho họ.[106]
Rời Paris đi nước Nga Xô viết, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện cuộc đoạn tuyệt -mang tính biểu tượng- con đường cải cách của cộng sự Phan Chu Trinh, đi theo sự nghiệp cách mạng của Vladimir Lenin. Nhưng người bạn già của ông ở Villa des Gobelins chúc ông thành công. Trong một bức thư gửi người bạn Việt Nam vào tháng 9, ông Trinh đã bảo vệ ông Quốc trước những chỉ trích:“Mặc dù Nguyễn Ái Quốc còn trẻ và các hành động của ông ấy không được suy xét một cách khôn ngoan, nhưng điều đó không quan trọng bởi vì Nguyễn Ái Quốc có một trái tim yêu nước”. Ông Trinh kết luận, Quốc đã lựa chọn con đường khó khăn, đơn độc để giải phóng đồng bào và mọi người phải tôn trọng trái tim đầy nhiệt huyết của Quốc.[107]


----------------------------

[37] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 6. Theo cuốn này, Hồ nói, tầu thuỷ chở 700 đến 800 hành khách và thuỷ thủ đoàn, có thể chưa đúng với một chiếc tàu thuỷ nhỏ như thế. Sự thật, tàu chỉ có 40 khách hạng nhất và 72 sĩ quan và thuỷ thủ đoàn
[38] Báo cáo của Paul Arnoux ngày 21-9-1922, SPCE, hộp 365, CAOM. Xem thêm “Hồ Chí Minh: Từ Đông Dương tới Việt Nam” của Daniel Hemery trang 37 (NXB Gallimard, Paris, 1990)
[39] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 8
[40] Xem Daniel Hemery, “Hồ Chí Minh: Từ Đông Dương tới Việt Nam”, trang 40 (NXB Gallimard, Paris, 1990) về bản sao bức thư này gửi tổng thống Pháp. Có lẽ ông cũng gửi một thư y hệt tới bộ trưởng Bộ thuộc địa ở Paris. Xem Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu, “Từ mộng làm quan đến đường cách mệnh, Hồ Chí Minh và Trường Thuộc địa” Đường Mới, số 1 (tháng 6-1983), trang 14. Bản sao bức thư này cũng có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Xem thêm Daniel Hemery, “Quan lại trong các thời kỳ lịch sử”, trong tập bài của Georges Boudarel, ed., “Quan lại ở Việt Nam” (NXB L'Harmattan, 1983, Paris, trang 26-30), và Thu Trang Gaspard “Hồ Chí Minh ở Paris” (NXB L’Harmattan, Paris, 1992), trang 55-56. Có thể Thành hy vọng nếu nhập học sẽ giúp cha mình được phục hồi chức vụ trong triều đình. Không phải ngẫu nhiên tên cha cậu lại được nhắc đến trong thư. Thư của Thành gửi chị gái nằm trong Sở Cảnh sát Đông Dương, Giải mật 711, ngày 7-5-1920, trong hồ sơ “1920”, SPCE, hộp 364, CAOM
[41] Ngay sau khi rời Sài gòn, Thành gửi thư lấy địa chỉ hồi âm là tàu Đô đốc Latouche-Tréville, Colombo. Bức thư này trong Giải mật, 28-4-1920, SPCE, hộp 364, CAOM. Xem thêm “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 97. Về Nguyễn Sinh Sắc, xem “Père de Ho Chi Minh”, không ghi ngày tháng, trong hồ sơ “Hồ Chí Minh năm 1949”, SPCE, hộp 370, CAOM. Theo một nguồn tin gần đây, Sắc bí mật liên hệ với những nhân vật chủ chốt trong phong trào yêu nước ở Nam Kỳ, một phần vì mong muốn biết tin con trai. Xem “Từ Làng Sen đến Nhà Rồng”, của Trịnh Quang Phú trang 98-99
[42] Sau này, Hồ Chí Minh kể cho một người Pháp mà ông quen khi lần đầu tiên đặt chân tới Paris lúc 20 tuổi. Xem Thu Trang, “Nguyễn Ái Quốc ở Paris (1917-1925)” trang 20 (NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1989). Về Đơn xin học Trường Thuộc địa, dưới sự thẩm vấn của một quan chức Pháp nhiều năm sau này, Nguyễn Tất Đạt (anh cả của Thành) nói, em trai ông đã viết thư cho ông nói rằng đơn xin học Trường Thuộc địa đã được nhà cầm quyền ở Đông Dương xem xét. Bởi thế, thay mặt Thành, Đạt viết một bức thư gửi Toàn quyền Albert Sarraut, nhưng không có kết quả. Bản thân Đạt cũng bị nghi ngờ có dính dáng đến phong trào nổi dậy; xem Giải mật, 28-4-1920, SPCE, hộp 364, CAOM. Về vấn đề lá thư bị Bộ thuộc địa khước từ, xem thêm “Từ mộng làm quan đến đường cách mệnh” của Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu, trang 15. Về thời gian Thành ở Le Havre, xem Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp” (NXB Thông tin Lý luận, 1988), trang 23, và Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 28. Bản thân ông cũng thuật lại những ngày sống ở Le Havre trong cuốn Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 7-8. Xem thêm Trần Ngọc Danh, “Tiểu sử Hồ Chủ tịch” (NXB Liên Việt, 1949), SPCE, hộp 370, CAOM. Theo Trần Ngọc Danh - Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, quen biết Thành từ thời ở Pháp - Thành sống ở Sainte-Adresse chừng sáu tháng. Vài nguồn khác nói Thành rời tầu thuỷ ở Le Havre sau khi tàu cập bến đầu tiên tại cảng Marseilles năm 1911. Điều này xem ra không đúng, rõ ràng thời điểm đó Thành vẫn còn trên tầu thuỷ và trở lại Sài gòn. Có thể Thành lưu trú ở Le Havre khi tàu cập bến ở Pháp lần thứ hai vào năm sau. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 52
[43] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 8-9; “Tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Ba Nguyên Tư Ốc, Thượng Hải, 1949). Theo cả hai tài liệu, tầu chở rượu vang từ Algeria và Bordeaux đến các nước thuộc địa của Pháp. Rất nhiều thuỷ thủ cậy nắp thùng rượu vang uống vụng tùy thích. Thành hầu như không làm theo và cũng chẳng khuyên đồng nghiệp (chắc biết chẳng được) nên kệ họ
[44] Thông tin trong đoạn này từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả Charles Fenn “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Scribner, New York, 1973); Trần Thanh, ed., “Biên niên những mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mỹ” (Hà Nội, 1994, bản sao); một bài báo của David Dellinger (không rõ tiêu đề) đăng trên Liberation (tháng 10-1969); một đoạn trích “Bức thư từ Trung Quốc” của Anna Louise Strong (đăng trên báo Nhân Dân ngày 18-5-1965); và cuộc phỏng vấn giữa Robert Williams với Archimedes Patti L. Archimedes Patti, nằm trong lưu trữ của Archimedes Patti tại Đại học Trung tâm Florida ở Orlando. Robert Williams là thành viên phái đoàn hoà bình thăm Hà Nội từ tháng 11 tới tháng 12-1964. Williams nói đến Hồ có nhắc “người Mỹ da đen còn nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc bình đẳng sắc tộc”. Theo Hồ, người Mỹ da đen ở Mỹ ngày càng lệ thuộc vật chất và né tránh hy sinh cá nhân
[45] Bức thư của Thành gửi về An Nam ngày 15-12-1912, trong đó có yêu cầu Khâm sứ Pháp tạo cho Nguyễn Sinh Sắc có công việc làm để đủ sống, hoặc chí ít cho địa chỉ của Sắc để con trai ông có thể giúp đỡ ông về vật chất. Bức thư có trong SPCE, hộp 367, CAOM. Henry Prunier, người từng làm việc ở Cơ quan công tác chiến lược Hoa Kỳ (OSS) ở Đông Dương vào cuối Thế chiến II, nói rằng Hồ Chí Minh kể cho ông tóm tắt ngày sống ở Boston. Xem Raymond P. Girard, “Người huấn luyện du kích cho Hồ Chí Minh”, Worcester (Mass) Gazette (ngày 14-5-1968). Những tìm hiểu gần đây cho biết viên quản lý khách sạn Omni Parker House không thấy hồ sơ Hồ từng làm việc ở đây. Cũng như Cơ quan nhập cư và quốc tịch Hoa Kỳ không ghi chép việc Hồ Chí Minh đã vào Mỹ. Tôi cám ơn ông A. Thomas Grunfeld, người nghiên cứu vấn đề này kết hợp với dự án Quỹ Ford về “Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ” năm 1993, đã cung cấp cho tôi thông tin này. Xem Grunfeld, “Đường mòn Hồ Chí Minh”, báo cáo không tự đề, ngày 1-5-1994
[46] Về lá thư bằng tiếng Pháp, xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 57-60. Xem thêm Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 21. Bản tiếng Việt cả hai thư này, xem Toàn Tập, tập I, trang 477-78. Một thông tin khác cho thấy Thành rời Mỹ năm 1913 là bức thư của Thành gửi Khâm sứ Pháp từ New York tháng 12-1912 với địa chỉ số 1 phố Amiral Courbet ở Le Havre, cho thấy việc ông sắp trở lại Pháp. Trong những cuộc thẩm vấn nhiều năm sau này, bà Thanh - chị ruột ông - kể năm 1915 bà nhận được một bức thư của một viên chức toà án Việt Nam nói rằng con trai ông cùng Thành đã đến London. Bà không nhớ tên của viên chức này, hoặc địa chỉ của người em trai của bà ở London: Cảnh sát Đông Dương, Giải mật 711, ngày 7-5-1920, SPCE, hộp 364, CAOM
[47] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 10-12. Escoffier không đề cập tới sự cố trong hồi ký của ông. Hồ Chí Minh có thể bị ốm vì phải làm việc quá sức khi sống ở London. Nhiều năm sau, một đảng viên Đảng Xã hội Pháp kể rằng khi lần đầu tiên gặp Hồ ở Paris sau Chiến tranh thế giới I, bàn tay của Hồ bị biến dạng vì giá rét. Xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 72
[48] “Với Bác Hồ”, trang 26-27; Grunfeld, “Đường mòn Hồ Chí Minh”, trang 16, 21; Hemery, “Hồ Chí Minh”, trang 41; Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 73, đưa ra một điểm đáng chú ý, khi Hồ ở Pháp có dính líu với sự lộn xộn trên chiếc tầu thuỷ La Tamise. Việc tìm kiếm tư liệu của Công đoàn Lao động ở Anh không thấy thông tin nào về cái tổ chức gọi là Hội Công nhân Hải ngoại. Nguồn của Việt Nam trích dẫn một báo cáo không được kiểm chứng, Thành có lẽ đến Scotland và Liverpool. Nhiều năm sau này, Hồ Chí Minh phát biểu với những cộng sự trẻ, ông mất sáu tháng để học tiếng Anh ở Anh - xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, trang 15 (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998)
[49] Toàn Tập I, Tập I, trang 479
[50] Theo báo cáo từ London, lưu trữ tại Văn phòng Lưu trữ Công cộng, Hồ sơ Bộ ngoại giao ở London. Về điều tra ban đầu, xem Hồ sơ Bộ ngoại giao 83562, ngày 23-6-1915 và 24-6-1915. Kết quả điều trần trong Hồ sơ Bộ ngoại giao 372/668, ngày 8-9-1915. Về việc Thành lời hứa tiếp tục công việc của Phan Chu Trinh, xem “Nguyễn Ái Quốc đến Paris năm nào”, một tài liệu không xác định trong lưu trữ của Archimedes Patti. Một số nhà nghiên cứu kết luận rồi một trong hai người bị theo dõi là Nguyễn Tất Thành, cho biết Tất Thành đã học nghề tại Công ty điện Igranic ở Bedford và quen thân với con gái chủ nhà. Mặc dù trùng tên nhưng không có mối liên quan nào giữa người có tên Tất Thành với Hồ Chí Minh. Xem thêm Hemery, “Hồ Chí Minh”, trang 41
[51] Kể cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng cho rằng ông đã đến Anh vài lần, nhưng một số cho rằng thời gian đến Anh rất ngắn có thể vẫn ở trên tầu đỗ ở bờ biển mà thôi. Xem Nguyễn Thế Anh, “Vô sản hoá của Hồ Chí Minh: Hoang đường hay thực tế”; Huy Phong và Yến Anh, “Nhận diện Hồ Chí Minh: thực chất gian manh của huyền thoại anh hùng” (NXB Văn Nghệ, San José, California, 1988) trang 18-19. Chị gái ông bị bắt vì buôn lậu vũ khí và bị kết án tù 9 năm lao động khổ sai, nói rằng bà nhận được thư của em báo tin đã đi sang Anh khoảng thời gian trước chiến tranh và định cư ở London. Xem Giải Mật, số 711, ngày 7-5-1920, Sở cảnh sát Đông Dương, hồ sơ dán nhãn “1920” trong SPCE, hộp 364, CAOM. Cũng năm ấy, theo báo cáo của chính phủ Pháp vào năm 1917, ông gửi thư cho Toàn quyền Albert Sarraut thông qua cao ủy Anh ở Sài gòn hỏi về thư ông gửi cho cha. Mật thám không tìm được ông ở đâu. Bức thư ông viết thông qua lãnh sự Anh có thể từ Anh. Xem Giải mật, 17-12-1920, trong Feuiller số 116, S.G. Minute 1, tài liệu đã dẫn. Tôi xin cảm tạ Bob O’Hara đã không mệt mỏi tìm kiếm nguồn tài liệu trong Kho lưu trữ Công cộng và xác định các nguồn tài liệu liên quan đến cuộc sống của ông Hồ tại Anh
[52] Giải mật 1967, ngày 29-5-1931, trong SPCE, hộp 365, CAOM. Với Bác Hồ, trang 31-32. Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 61-63. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử sử tập 1, trang 59. Toàn tập I, Tập I, trang 545. Hémery, “Hồ Chí Minh”, trang 42. Christian Pasquel Rageau, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh” (NXB Đại học, Paris, 1970), trang 30, nói rằng bà đã đăng quảng cáo người thợ sửa ảnh có cái tên Nguyễn Ai Quốc- Bút danh của Thành được sử dụng ở Paris năm 1918
[53] Ragau, “Hồ Chí Minh”, trang 27, người ta phỏng đoán ông quyết định trở lại Pháp sau khi cuộc binh biến ở Pháp bị dập tắt. Tham khảo thêm ý kiến của Dennis Duncanson, “Di sản Hồ Chí Minh”, Ngoại giao châu Á số 23, phần 1 (tháng 2-1992). Một nghi ngờ bí ẩn trong kho lưu trữ của Pháp, có người nhớ ra đã gặp anh ta tại một bênh viện điều trị cho thương binh ở Limoges khi cả hai người cùng chữa bệnh và cùng nhau tập viết chính tả. Xem Ghi chép của Tổng thư ký A.S de Drujon, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Tham khảo thêm Esquires, “Hồ Chí Minh: Kẻ dấu mặt trong chiến tranh”, 1967, cho biết sau khi Thế chiến I kết thúc ông đã đến nhiều doanh trại của binh lính Pháp và những khu nhà đang xây cho công nhân Việt nam
[54] Boris Souvarine, “Nguyễn Ái Quắc chính là Hồ Chí Minh”, tạp chí Đông Tây (Paris) 1-15 tháng 3-1976, trang 567-568. Souvarine người đầu tiên tham gia và sau đó đã rời bỏ phong trào cộng sản, cuối cùng lại trở thành người chỉ trích Hồ Chí Minh cay nghiệt nhất
[55] Karnow mô tả trong cuộc phỏng vấn của ông với Léo Poldès “Paris trong những năm năm mươi” (NXB Random, New York, 1997) trang 216-217. Đồng thời ông cũng đề cập đến việc Thành quan tâm đến chủ nghĩa thần bí, trong một lần ông đã đấu khẩu với Emily Coue “có một công thức để tự hoàn thiện mình nằm trong câu thần chú được lặp đi lặp lại “Ngày ngày tôi nhận thấy tôi tốt hơn trong cách hành xử”. Xem Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 78 và Karnow trang 217. Có thể Thành đã viết cho tạp chí điện ảnh và đã làm đơn xin ra nhập Hội Tam Điểm
[56] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 76. Thật khó theo dõi hoạt động của ông trong giai đoạn đầu khi ông trở lại Pháp. Theo một số nguồn tin, ông sống phố Charonne, gần Place de la Basitille, sau đó chuyển đến thuê chung căn hộ với anh chàng người Tunisi, những nhanh chóng chuyển đi nơi khác vì bị theo dõi. Cho đến nay tôi kiểm chứng được, địa chỉ đầu tiên ông ở tại hotel nhưng rất ngắn (bây giờ là Hotel President Wilson) số 10 phố Stockholm vào khoảng đầu tháng 6-1919. Nơi ấy tiếp giáp gần với ga St. Lazare có thể cho thấy ông vừa trải qua một chuyến đi. Xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập I, trang 65, trích báo cáo mật của cảnh sát Pháp. Theo nguồn tài liệu khác, xem Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp” (NXB Thông tin Lý luận, 1988), trang 34; Toàn Tập I, Tập I, trang 545 và Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 71-73
[57] Chính quyền Pháp cho rằng chính Phan Văn Trường mới là người chủ mưu của “Hội người An Nam yêu nước”, còn Nguyễn Tất Thành chỉ là người thực hiện, nhưng sau này họ tập trung theo dõi Thành sát sao hơn. Xem Bộ thuộc địa, số 1735, ngày 5-12-1919, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Tổ chức này gọi theo Việt ngữ là “Hội những người Việt nam yêu nước”
[58] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 64-65; Với Bác Hồ, trang 33; “Hồ Chí Minh” của Hemery, trang 44. Khu nhà ở phố Monsieur-le-Prince ngày nay là Hotel thời trang Le Clos Médicis. Người quản lý hotel không có tài liệu ghi việc ông ta đến thuê buồng, mặc dù khu nhà này được xác định trước đây là khách sạn ở thời điểm đó. Có thể nơi đây là nơi tạm trú cho các sinh viên Sorbonne. Trong đơn thỉnh cầu, Thành dùng chữ “Quắc”, nhưng nhanh chóng thay tên “Quốc” phổ biến hơn
[59] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 31, kể lại, Thành bấm chuống cửa nhà Jules Cambon, một đại biểu của phái đoàn Pháp ở Versailles. Xem thêm Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 70-71. Nguồn tài liệu gần đây cho biết khi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường vừa trở về sau chuyến sang Đức khi đơn khiếu lại được chuyển đi đã nổi giận với Thành vì đã phát triển quan điểm cấp tiến. Một số cho rằng Thành không phải là Nguyễn Ái Quốc, xem Huy Phong và Yến Anh, “Nhận diện Hồ Chí Minh: thực chất gian manh của huyền thoại anh hùng”, trang 22. Thực tế cho thấy, Thành chính là tác giả khi đăng quảng cáo xuất hiện ở báo địa phương của Pháp như tờ Đời sống Người lao động (La vie Ourrière) từ năm 1918 nhận sửa ảnh với cái tên Nguyễn Ái Quốc (xem ghi chú 16 ở phần trên). Tôi chưa hề nhìn thấy bản quảng cáo này
[60] Bản tiếng Việt cả hai bức thư trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 67. Xem thêm Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 65-68
[61] Jean Lacouture, “Hồ Chí Minh: Tiểu sử một chính trị gia”, trang 23. Hàng loạt các sự kiện xảy ra đã giúp chính phủ Pháp xác định ra Thành từ những tài liệu không rõ ràng trong kho lưu trữ. Các báo cáo của cảnh sát đôi khi mơ hồ và mâu thuẫn. Thí dụ, ngày anh đến Pháp. Sở Mật thám vẫn chưa biết chính xác về những hoạt động của Thành ở Anh trong thời gian chiến tranh, xem Toàn quyền Đông Dương (GGI) bộ trưởng Bộ thuộc điạ, 20-10-1919, trong SPCE, hộp 364, CAOM
[62] Trích Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 68-69Theo một mật vụ, bí danh “Edouard”, người quen biết Thành. Nguyễn Ái Quốc nói chung đã được Albert Sarraut phê duyệt. Xem Giải mã hồ sơ mật, 20-12-1919, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Những nhận xét về Woodrow Wilson, xem tài liệu 5-3-1930 ông báo cáo Quốc tế Cộng sản trong Văn kiện Đảng toàn tập, Tập II, 1930 (Hà nội, NXB Chính trị quốc gia, 1998), trang 31
[63] Nguyễn Ái Quốc gửi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, ngày 7-9-1919, SPCE, hộp 364, CAOM
[64] Một số nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định ngày chính xác ông tham gia Đảng Xã hội Pháp. Theo Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”trang 73; “Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 43, không có người Việt nào trong đảng năm 1918. Nhưng năm sau có 80 đảng viên người Việt tham gia Đảng Xã hội Pháp vào năm 1918. Trích đoạn chương mở đầu trong cuốn “Con đường dẫn tôi đến với Chủ nghĩa Lenin” của Hồ Chí Minh, bài báo đầu tiên được viết vào tháng 4-1960 cho tạp chí Liên Xô “Những vấn đề Phương Đông” trong Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, trang 23-25
[65] Tôi đã thảo luận vấn đề này kỹ càng trong “Con đường Cộng sản lên nắm quyền ở Việt Nam” xuất bản lần thứ 2, trang 26-29. Xem thêm câu trả lời thú vị củaNguyễn Khắc Viện trong “Truyền thống và Cách mạng Việt Nam (Berkeley, California & Washington, DC, 1974) trang 15-74
[66] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 44Trích Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, trang 24. Với nhận xét trước đó của Jacques Duclos, xem Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 84. Sự ủng hộ đầu tiên cho Bolsevich, xem “Thông tin khác” trong SPCE, hộp 365, CAOM.  ý kiến cho rằng ​​ tư tưởng của ông còn ngây thơ, xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 113-115, và Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 52
[67] Bài được đăng lại trong Tạp chí Cộng sản (Hà nội) tháng 4-1984, trang 69-72
[68] Bài báo trong Biarritz ngày 16-10-1919, có trong Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 24-28. Tác giả nói “Ông Albert Sarraut không phải là không biết tôi”, như vậy người đọc hiểu, Nguyễn Ái Quốc đã thực sự gặp Sarraut ở B Thuộc địa, phố Oudinot trong buổi phỏng vấn vào đầu tháng Chín. TheoGaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 84-85, một số trong những bài báo đầu tiên viết chung với Phan Chu Trinh, vì vậy không nên cho rằng tất cả các bài báo đều là của Quốc. Mặt khác, không có lý do nghi ngờ quan điểm của họ ở thời điểm ấy
[69] Theo báo cáo của mật vụ và các phân tích khác trong tờ “Người bị áp bức có thể được tìm thấy trong Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”trang 94-110; Kobelev,trang 38-39;  Hemery, Hồ Chí Minh, trang 45-46. Bản sao “Sự thật về thực dân Pháp” nay đã có trong cuốn “Mùa thu và Cách mạngtrang 73-126 (bản dịch tiếng Anh)
[70] Báo cáo của Edouard, 20-12-1919, trong hồ sơ F7-13405, trong SPCE, hộp 364, CAOM, trích từ Nguyễn Phan Quang, “Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh ở Pháp (1917-1923)”, không ghi ngày tháng trong tài liệu tôi có
[71] Xem báo cáo ngày 10-8-1920, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Về vai trò của Quốc trong cuộc biểu tình 1908 ở miền trung Việt nam, xem “Chú thích của Jean” ngày 8-12-1919, trong SPCE, hộp 364, CAOM
[72] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 131-32. Tôi cho sự cố này xảy ra vào ngày 17 tháng 9, theo các tài liệu trong kho lưu trữ của Pháp, Nguyễn Ái Quốc được mời tới Bộ Thuộc địa đối thoại - xem Báo cáo theo dõi Nguyễn Ái Quốc, 18-9-1920, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Một báo cáo cho rằng ông phải khai báo trước khi rời khỏi Bộ, Quốc nói ông đã đến Paris vào tháng 7-1919, trên con tàu Chargeurs Reunis từ Sài Gòn đến Marseilles. Ông không nói tên con tàu. Nơi ông ở đầu tiên tại số nhà 5 hoặc 7 phố Monsieur-le-Prince, sau đó chuyển đến 6 Villa des Gobelins. Xem Nguyễn Ái Quốc, tuyên bố, ngày 17-9-1920, trong tài liệu đã dẫn
[73] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 107-108
[74] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 46-47, Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 88
[75] Trần Thanh“Biên niên Chủ tịch”, trang 67. Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 157, ngụ ý Nguyễn Ái Quốc có thể đã tham dự hội nghị này. Điều đó rất khó xảy ra, do thực tế ông đã bị Bộ Thuộc địa gọi lên vào giữa tháng Chín
[76] Trần Thanh, “Biên niên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trang 70-72. Trích trong “Với Bác Hồ”, trang 45-46. Theo Hồ Chí Minh thuật lại câu chuyện, người nghe cảm thông đối với người đồng nghiệp còn quá trẻ và ngây thơ nhưng cố nắm bắt sự phức tạp của vấn đề
[77] Những hồi ức về Hồ Chí Minh trong “Với Bác Hồtrang 46. ​​Xem thêm Kobelev, trang 46
[78] Bài phát biểu, bằng tiếng Pháp, xem Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 31-33. “Mùa thu và Cách mạng, trang 21-22. Trong một lần phát biểu, Nguyễn Ái Quốc đã bị một đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ cắt lờiĐể tham khảo, xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 114-123Trần Thanh“Biên niên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang 73
[79] Xem Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 33. Trong hồi , Hồ Chí Minh kể lại cuộc trò chuyện với  Rose, thư ký hội nghị, người đã cố gắng giải thích mọi vấn đề được thảo luận tại hội nghị cho nhà cách mạng ngây thơ trẻ tuổi Việt Nam. Khi bà biết Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ Đệ Tambà ta hỏi tại sao. “Rất đơn giản”, ông trả lời. “Tôi không hiểu các bạn nói về chiến lược chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng có một điều mà tôi hiểu rõ: Quốc tế Cộng sản trực tiếp quan tâm đến vấn đề giải phóng các thuộc địa, nó sẽ giúp các dân tộc bị áp bức dành lại quyền tự do, độc lập của họ. Đối với Đệ nhị Quốc tế, không bao giờ đề cập đến số phận của các thuộc địa. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho đất nước tôi, đó những gì tôi muốn. Đấy là lý do tại sao tôi đã bỏ phiếu cho Quốc tế Cộng sản và là những gì tôi hiểu. Bạn có đồng ý không?”Rose trả lời “Đồng chí đã thực sự tiến bộ.” Xem “Với Bác Hồ”, trang 47
[80] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 128, trích dẫn Charles Fourniau và Léo Figueres, “Hồ Chí Minh: Người đồng chí của chúng tôi” (NXB Xã hội, Paris, 1970), trang 203-204
[81] Những đoạn trích khác so với bản tiếng Pháp, xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 138-139
[82] Xem Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 34-37
[83] Xem Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 38-39. Về bài báo tháng Chín, xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 164-165
[84] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 132. Ngày của cuộc phỏng vấn không xác định. Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 107, Nguyễn Ái Quốc bịBộ Thuộc địa gọi vào tháng Hai. Theo tài liệu lưu trữ khác, ông nằm  Bệnh viện Cochin từ tháng 1 đến đầu tháng 3, một cảnh sát cho biết có trò chuyện với Quốc trong khi ông đang nằm bệnh viện, trong đó đề cập đến cuộc phỏng vấn của ông với Albert Sarraut. Xem Chú thích, 26-2-1921, SPCE, hộp 364, CAOM
[85] Chú thích của Devèze, 27-12-1920 trong SPCE, hộp 364, CAOM; xem thêm Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 108. Người phụ nữ liên quan vấn đế này là Mile Brière, cảnh sát tin rằng người phụ nữ này chính là người tình của Nguyễn Ái Quốc
[86] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 37; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 119; Báo cáo của Deveze, 16-7-1921, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Theo hồ sơ của cảnh sát, tháng 10-1920, Nguyễn Ái Quốc là người có lỗi trong việc chia tay với Võ Văn Toàn và vị hôn thê Mile của ông. Germaine Lambert, một đặc vụ báo cáo, nguyên nhân  do Quốc đã yêu cầu cô dùng tiền lương của mình để chi trả tiền dọn dẹp nhà cửa ngày Chủ nhật và cô đã tuân theo chồng một cách mù quáng. Nhưng cô từ chối và cắt đứt mối quan hệ. Theo đặc vụ, có lẽ cô ta không thích Đảng Cộng sản. Xem c thích, 12-10-1920, trong SPCE, hộp 364, CAOM
[87] Với Bác Hồ, trang 39; Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 34. Những người nhập cư Việt Nam nói ông có vợ và con, nhưng tôi không có thông tin về bằng chứng này. Xem bài trong tạp chí Thức Tỉnh (Paris) số 3, trang 19
[88] Giải thích của Deveze, 29-7-1921, trong SPCE, hộp 364, CAOM; “Thông tin khác” trong SPCE, hộp 365, CAOM. Nguyễn Ái Quốc, tuyên bố, ngày 17-9-1920, trong SPCE, hộp 364, CAOM. Tại thời điểm này một người nào đó trong Đảng, có thể Paul Vaillant Couturier kiếm được cho ông giấy phép lao động. Xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 76
[89] Theo báo cáo của cảnh sát, sáu người lạ mặt đã đến căn hộ của Phan Văn Trường một ngày trước ngày họp. Xem chú thích của Deveze, ngày 9 và 13-7-1921, SPCE, hộp 364, CAOM
[90] Bản sao bản tuyên ngôn, tháng 5-1922, xem Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 42-43
[91] Cuộc họp tổ chức ngày 14-2-1923,  một hiệu sách ở phố St. Severin, một người châu Âu tham dự phàn nàn về yêu cầu đối với thành viên, trong đó phải là dânthuộc địa và cần biết nguồn gốc mới được tham gia. Anh ta hỏi tại sao tổ chức không kết nạp những dân tộc khác? Quốc hỏi tại sao phải nhắc đến chuyện đó, và giải thích, nếu ông đến để làm gián điệp, xin mời ông vềNgười châu Âu vặn lại, chủ nghĩa xã hội không có biên giới, mọi người đều có quyền tham gia. Các câu hỏi của các thành viên đã được chuyển cho Ban chấp hành  nghiên cứu. Xem Tuyển tập tập III, Chú Thích của đặc vụ de Villier, ngày 15-6-1923, trong SLOTFOM, hộp 109, CAOM. Đặc vụ cũng cho biết Phan Văn Trường muốn chỉ có toàn người Việt Nam trong tổ chức, bởi vì Liên đoàn Quốc tế quá rộng, người Việt muốn thảo luận bằng ngôn ngữ của mình. Nguyễn Ái Quốc dường như đã dùng trụ sở của Hội người An Nam yêu nước khi ông chuyển đến ở ngõ Compoint, nó hầu như bị giải tán với sự hình thành của liên đoàn mới. Ông nói, giờ đây ông không phản đối tái lập tổ chức này, nhưng đừng thực hiện trước khi ông rời Paris. Xem Chú thích Hội người Đông Dương ở Paris, tài liệu đã dẫn
[92] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 180
[93] Cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc của tạp chí, xem Tap, “Người Paris” Học tập (tháng 4-1972). Bản tiếng Anh của bài viết này nằm ở JPRS, số 56.396, Bắc Việt Nam dịch, số 1186
[94] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 207-209. Trong hồi ký, Hồ Chí Minh nói, nhiều sinh viên Việt Nam không dám đọc vì sợ có thể bị nhà chức trách bắt giam. Xem “Với Bác Hồtrang 44
[95] Xem Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 200-201. Xem thêm Toàn Tập I, Tập I, trang 505-506. Thật không may, không có bản sao nào của vở kịch còn sót lại. Kobelev (trang 53) cho biết, vở kịch này được xuất bản ở Paris, và được biểu diễn tại buổi lễ được Nhân đạo tài trợ. Nguyễn Thanh“Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang130, nói rằng vở kịch được Câu lạc bộ Faubourg tổ chức. Nhận xét của cha ông đã được trích trong “Nguyễn Ái Quốc”, Ghi chú của mật thám, 01-1-1928, trong hồ sơ “1-1930”, trong SPCE, hộp 368, CAOM
[96] Bản tiếng Pháp của bức thư này trong Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 183-87. Gaspard lưu ý rằng mặc dù Trinh từ chối gia nhập Đảng cộng sản, ông tiếp tục được ngưỡng mộ vì ý tưởng nhân đạo và nguyên tắc (xem trang 188-89). Nhưng sự hiểu biết Trinh về lịch sử gần đây được thể hiện trong bình luận của ông rằng “ngay cả Marx  Lenin, người mà bạn ngưỡng mộ, cũng không ở nước ngoài mà về nước để đấu tranh theo lý tưởng của họ”
[97]Câu hỏi về việc làm của Hồ, nhiều năm sống ở Paris, thường gây nhầm lẫn. Nguồn tin cảnh sát xác nhận ông đã bị công ty sa thải tại số nhà ngõ Compoint tháng 11-1921. Lý do bao gồm cả chuyện ông nghèo và công nhân cùng làm phàn nàn việc ông mắc bệnh lao phổi. Xem chú thích không ghi ngày tháng của Deveze trong SPCE, hộp 364, CAOM. Sau đó ông thất nghiệp, đến giữa 1922 ông tìm được công việc mới - xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 138, 147. Kobelev, “Hồ Chí Minh” (trang 56-57) cho rằng ông bị sa thải tháng 12-1921 là kết quả của các hoạt động chính trị, người đứng đầu chính quyền đe dọa ông chủ vì sử dụng lao động không có giấy phép. Ngày tháng Kobelev đưa ra thiếu chính xác và không đưa ra nguồn tài liệu
[98] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 56. Mặc dù không có bằng chứng, nhưng khả năng cuộc trò chuyện này diễn ra tại Bộ Thuộc địa vào tháng 6-1922. Xem thêmNguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”trang 133
[99] “Thư ngỏ gửi M. Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa”, trong Tuyển tập Hồ Chí Minh, Tập I, trang 28-29. Xem thêm Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 133
[100] Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 114-115; Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 55
[101] Nguyễn Ái Quốc, “Một số câu hỏi liên quan đến vấn đề thuộc địa” trong báo L'Humanité, 25-5-1922, trích trong “Mùa thu và Cách mạng, trang 25-27
[102] Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 75. Jacques Doriot sau này bỏ Đảng cộng sản Pháp và trở thành người ủng hộ Đức Quốc Xã
[103] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 175; Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 40
[104] Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 47; Kobelev, “Hồ Chí Minh” trang 57. Gaspard, “Hồ Chí Minh ở Paris”, trang 243, đoán rằng bấy giờ Quốc ở lại Paris là quá nguy hiểm
[105] Ngày ông khởi hành đến Moscow từ lâu trở thành vấn đề tranh luận. Ruth Fischer, người cộng sản Đức, tuyên bố ông đã tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản ở Moscow vào năm 1922. Một tuyên bố tương tự do M.N. Roy (người cộng sản Ấn Độ) đưa ra. Các nguồn khác cho rằng ông đã ở lại Pháp cho đến mùa thu năm 1923. Nguồn lưu trữ ở Pháp xác nhận ngày đã mô tả ở đây. Xem Series III, hộp 103, Chú thích về Nguyễn Ái Quốc, SLOTFOM, CAOM. Ruth Fischer“Hồ Chí Minh: Người cộng sản kcương, trong Tp san Ngoại giao, tập 1 (tháng 10-1954), trang 88, Hồi ký của M.N. Roy (Bombay: NXB Đồng Minh), trang 511
[106] “Với Bác Hồ”, trang 51-52; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 184; Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, 1958, trang 28; Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 58-59
[107] Ông Phan Chu Trinh và ông Ái trong hồ sơ nhãn “1923”, SPCE, hộp 365, CAOM. Nguyễn Văn Ái sau này là người phê bình Nguyễn Ái Quốc mạnh mẽ nhất

Tổng số lượt xem trang