Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (20)

-(ttngbt đã bổ sung đoạn còn thiếu do sơ sót lúc đăng hình. Cảm ơn tác giả đã nhắc)

--Chương 20
Thuyền nhân
“Thuyền nhân, cái danh từ có một ấn tượng mỗi khi chính quyền Hà Nội nghe đến nó, họ nghĩ ngay đến từ đồng ‘đô la’. Thế nhưng cho đến bao giờ người ta mới biết hết được những bất hạnh xẩy ra cho danh từ đó.”
               (Michelle Tauriac – Viet Nam Le Dossier Noir Du Communism)
Việt kiều gửi hàng, gửi tiền cho thân nhân trong nước từ bao giờ?
Đây là câu hỏi khó trả lời chính xác vì chưa có tài liệu, công trình nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.
Người Việt Nam đi du học và định cư ở nước ngoài từ những năm đầu thế kỷ XX khi phong trào Đông Du của cụ Phan Chu Trinh phát động.
Bên cạnh đó, một số gia đình giàu có, cho con sang Pháp du học. Những du học sinh ấy, không gửi tiền hay gửi hàng về cứu trợ cho thân nhân trong nước mà chính thân nhân hay hội đoàn phải cung cấp tiền bạc cho họ.

Có lẽ phải sau hiệp định đình chiến Genève 7-1954, một số gia đình sang Pháp định cư, mới bắt đầu có quà -hàng/đồ- gửi về Việt Nam cho thân nhân.

Sau khi người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Bến Nghiêng, Đồ Sơn, Hải Phòng,13 tháng 5 -1955, chính phủ VNDCCH chính thức kiểm soát và cai trị nửa nước Việt Nam, từ Mục Nam Quan cho tới cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, Vĩnh Linh.


Theo hiệp định đình chiến, hai miền Nam Bắc tạm thời chia cắt, đến năm 1956 sẽ có cuộc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Trong lúc giao thời, người dân hai miền được trao đổi thư tín trong giới hạn, người ta gọi là “Bưu-Thiếp”.
Bưu thiếp đó là một mẫu thư in sẵn, lấy ở nhà bưu điện, người viết chỉ điền ô để trống, nội dung thông báo về sức khỏe, gia cảnh, tránh mọi thông tin chính trị, có tên người gửi và người nhận, chỉ cần dán tem, bưu chính sẽ chuyển đi.
Có nghĩa là ai cũng có thể đọc nội dung lá thư. Viết thêm ngoài câu hỏi in sẵn, coi như không hợp lệ, hủy bỏ. Không biết lá thư này có trong điều khoản của bản hiệp định đình chiến Geneve 1954 hay không, nhưng thư chỉ thực hiện được gần 2 năm thì chấm dứt.
Chính phủ cả hai miền Nam Bắc -VNCH và VNDCCH- đều đổ lỗi cho nhau, chỉ biết từ năm 1958 người dân cả hai miền mất liên lạc cho đến 1975
Mấy năm trước đó, năm 1952, bộ film nhựa tựa đề Cô Gái Việt, Bến Cũ do các nữ diễn viên Thanh Hương và Lan Hương thủ vai ra mắt tại Hà Nội. Diễn viên Thanh Hương chính là con gái bà Cạo, em ruột bà nội tôi, tôi gọi là cô Thành. Nếu tôi nhớ không nhầm, Cô Gái Việt là film đầu tiên của nền điện ảnh non trẻ Việt Nam.
Nội dung film tôi không nhớ, nhưng cảnh diễn viên Thanh Hương- tức cô Thành của tôi- mặc váy đầm, lái xe hơi chạy ven bờ hồ Hoàn Kiếm, trên cầu Long Biên, Hà Nội… là một trong những cảnh rất ấn tượng thời bấy giờ, gây nhiều tranh cãi trên diễn đàn thanh niên, trên báo chí Hà Nội.
Phái ủng hộ lối sống mới, khen bộ film đã vượt qua lễ giáo phong kiến, cổ hủ, đề cao vai trò bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội.
Phái bảo thủ, bảo vệ nếp sống cũ, chê hết lời, coi những cô gái tân thời đó là đồ bỏ, đạo đức suy đồi, đáng bỏ rọ trôi sông, không nên khuyến khích.
Cuộc tranh cãi chưa kết thúc, film tiếp theo vẫn chủ đề về lối sống mới, chuẩn bị bấm máy thì cứ điểm Điện Biên thất thủ, hiệp định Genève chuẩn bị ký kết, thế là dẹp.
Đình chiến, Việt Nam tạm thời chia cắt 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới.
Gia đình bà Cạo, cô Thành, gia đình bác Bê di cư vào Nam trong khi bà nội tôi không muốn di cư và các cô các chú nghe theo, ở lại miền Bắc.
Bà Cạo, từ người buôn bán lâm-thổ-sản ở Hà Nội, làm ăn phát đạt, bà tậu đồn điền ở Lai Châu. Dinh cơ của bà rất lớn, giàu có. Khi Việt Minh mở chiến dịch Hòa Bình (10-12-1951 – 25-2-1952), chiến dịch Tây Bắc (14-10 – 10-12-1952), đồn điền của bà lần lượt rơi vào tay Việt Minh. Năm 1954, Pháp xây dựng cứ điểm Điện Biên cũng là lúc cơ ngơi của bà phá sản.
Bác Bê mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với dì là bà Cạo, học nội trú ở Hà Nội, nghỉ hè thường lên đồn điền Lai Châu. Ông thích cưỡi ngựa, săn bắn.
Năm ông 20 tuổi, bà Cạo ép ông lấy vợ, người con gái ông không ưng. Ông bỏ trốn, đăng ký đi lính.
Đẹp trai, tháo vát, bắn súng cưỡi ngựa giỏi, ông được chọn làm lính cận vệ cho một sĩ quan cấp tá người Pháp. Không ngờ, ông lọt vào mắt xanh cô gái lai Pháp-Việt của vị thượng cấp. Sau khi hai người kết hôn, con đường quan lộ của ông cứ thế lên như diều.
Ông được nhập tịch làng Tây, học trường võ bị.
Trước khi ông di cư vào Nam, chức vụ trung tá, trưởng phòng X. ở Hà Nội.
Từ năm 1958, gia đình ông định cư tại Marseille và khoảng năm 1980 ông về hưu với chức vụ Trung Tướng, qua đời năm 1994.
Năm 1988, sau hơn 8 năm định cư ở Anh, gia đình tôi sang Marseille viếng thăm cô Thành. Khi ấy cô đã gần 60, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của nữ tài tử điện ảnh Việt nam. Riêng bà Cạo-bà dì tôi- tạ thế năm 1984 và hai bác Bê già yếu, cháu chắt chút chit đầy đàn.
Sau hơn 34 năm chúng tôi mới lại gặp được nhau.
Năm 1954, bà Cạo cùng gia đình ông bà Bê di cư vào Nam. Những năm đầu, hai gia đình sống ở Đà Nẵng.
Bẵng đi một thời gian dài vắng tin, 1960, cô Nga tôi nhận được thư của bà Cạo từ Marseille.
Hóa ra, khi Mỹ hất cẳng Pháp, bà Cạo và cô Thanh Hương cùng gia đình ông Bê theo quốc trưởng Bảo Đại sang Pháp định cư.
Tôi không rõ vì chuyện gì, bác Bê tôi gửi thư bảo đảm cho cô Nga. Theo quy định thời bấy giờ, muốn nhận thư bảo đảm phải mang sổ hộ tịch đến đồn công an khu phố đóng dấu chứng nhận. Vào thời điểm này chưa ai có chứng minh thư. Do đó công an biết cô tôi có thân nhân định cư ở Pháp.
Ngay lập tức kể từ đó, gia đình cô chú tôi được công an khu phố “chăm sóc kỹ lưỡng.” Tổ trưởng và dân phòng khu phố thường xuyên sang nhà dò la, muốn biết người bên Pháp là ai, quan hệ ra sao, trước đây làm gì?
Chuyện có người định cư ở Pháp gây khốn đốn cho cô chú tôi, nhất là ông chú rể có “thành tích bất hảo, xỏ nhầm giày, theo Tây đánh Việt Minh.”
Gia đình tôi, trước kia sống ở thị xã Sơn Tây, năm 1955 chuyển về Hải Phòng. Nhờ vậy, bà dì Cạo và bác Bê không biết địa chỉ, không gửi thư, nên không có trong sổ đen. Cô chú tôi hồi âm còn yêu cầu đừng liên hệ tới gia đình tôi và mọi người làm theo. Lý lịch tôi giữ được “sạch sẽ”, không liên quan “yếu tố nước ngoài.” Gia đình cô chú tôi không được may mắn như thế.
Từ một ông chủ hiệu giày có 5 người thợ và một hiệu ảnh có 3 người giúp việc, chính phủ cộng sản về, gia đình ông bị liệt vào danh sách tư sản bóc lột.
Đầu năm 1958, thành phố Hải Phòng rầm rộ phong trào cải tạo tư bản tư doanh, quốc hữu hóa, “Trí Phú Địa Hào đào tận gốc, trốc tận rễ.” Cả hai cửa hàng phải đóng cửa, đồ đạc cứ đội nón ra đi.
Nhà ông bà ngay mặt phố, đành mở quán bán thạch găng, nước mía, kiếm sống qua ngày.
Nếu cứ như thế, cuộc đời ông bà còn là may, nhưng không, chỉ sau một năm cửa hàng giải khát phải đóng cửa. Lâm vào cảnh cùng cực, ông bà đành bán nhà mặt phố, mua nhà trong ngõ.
Số tiền còn lại, ông mua chiếc xích-lô làm cu ly xe, nuôi đàn con.
Chỉ sau 5 năm sống dưới chế độ, từ 1954 đến 1959 gia đình cô chú tôi rơi xuống đáy vực khốn cùng:
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Quần áo bán trước, cửa nhà bán sau.
Ăn cơm nên ăn những rau
Đừng ăn cá, thịt mà đau dạ dày.

(Ca dao mới)
Ấy thế, mỗi khi trả lời thư cho bà dì Cạo và cho bác Bê, cô chú tôi không dám kể cuộc sống khốn cùng, sợ thư bị kiểm duyệt sẽ lôi thôi. Chỉ cần kể cuộc sống khốn khổ không thôi, cũng bị kết tội bêu riếu, nói xấu chế độ.
Chú tôi đã dính sổ đen “ngụy quân” nay thêm “liên quan đến yếu tố nước ngoài”, hai tội ấy quá đủ ảnh hưởng cho tương lai 7 đứa con. Ông bà không muốn thêm tội nói xấu chế độ, cho nên thư viết sang Marseille bao giờ cũng “khỏe, vẫn bình thường.”
Vì thế, gia đình chúng tôi chưa bao giờ có “viện trợ không hoàn lại” từ Pháp, trừ một lần cô chú tôi nhận được 2 ki-lô len năm 1963, phải bán 1 kí lấy tiền nộp thuế. Tiền thuế ngang tiền mua, coi như mất trắng.
Cô chú tôi viết thư sang Pháp, bảo, đừng gửi hàng về nữa.
Suốt từ năm 1955 đến 1975, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không khuyến khích người dân trong nước nhận hàng nước ngoài.
Hàng hóa gửi về đánh thuế 100%, có mặt hàng phải chịu thuế 200%. Chính sách bế quan tỏa cảng làm người dân miền Bắc nghèo khổ, càng căm ghét chế độ. Nhà nước thiếu hàng hóa vì không có ngoại tệ, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của 12 nước Xã Hội Chủ Nghĩa.
Từ năm 1952, chính phủ Việt Minh đã ngấm ngầm cử người sang Nga du học, nhưng phải đến năm 1960 trở đi, số lượng du học sinh sang Nga, Đức, Tiệp, Ba Lan… mới công khai, tăng hàng năm. Những khóa đầu, họ học tập rất nghiêm túc, nhưng từ năm 1965 các du học sinh bắt đầu buôn lậu gửi hàng về Việt Nam cho thân nhân.
Năm 1972, ông Phạm văn Đồng, thủ tướng thời bấy giờ, trong một cuộc gặp mặt với du học sinh hồi hương, đã phải lên tiếng: “Chào các nhà buôn, những du học sinh có tiền và có đồ đã trở về nước!”
Ông Viện trưởng bệnh viện tôi, năm 1972 sang Đông Đức tu nghiệp 22 tháng, ông bảo, nhà nước cấp sinh hoạt phí rất ít, phải tiết kiệm tối đa. Về nước ông mua được một số đồ second hand như máy thu thanh điện tử, xe gắn máy Simpson, 2 chiếc xe đạp Mifa, quần áo cho vợ con.
Có lần vui, tâm sự, ông bảo, 22 tháng rất thèm cơm, nhưng không dám ra nhà hàng, một bữa cơm Việt ngang nửa tháng lương. Ông cười, ngày ngày ông ăn món móng chân lợn -pig’s trotters- hầm với cà-rốt, khoai tây với bánh mỳ, món ăn rẻ tiền nhất ở Đông Đức, có thế mới dành được chút đỉnh, mua đồ đem về. Thế mà sau 22 tháng ở Đức, ông tăng hơn 8 kí, khuôn mặt tròn, hồng hào dáng Việt kiều lắm!
Sau một năm về Việt Nam, má ông tóp lại, xương sườn ông lại trơ ra như chúng tôi.
Sau cuộc chiến tranh biên giới (17-2-1979), người Việt gốc Hoa miền Bắc đổ ra biển tìm đường chạy sang Hong Kong. Phía Nam, các cựu binh lính, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa cũng tìm mọi cách vượt biên bằng ghe thuyền chạy sang Thái Lan, Mã-lai, Singapore, Indonesia…
Chuyện người Việt Nam vượt biên bằng thuyền trở thành tâm điểm thời sự nóng bỏng của thế giới suốt từ năm 1975 đến 1990. Từ năm 1979, đài BBC Việt ngữ bắt đầu dùng danh từ “Thuyền Nhân -Boat People-” để chỉ người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do. Từ điển Oxford tái bản có danh từ “Boat People” chính thức ghi trong từ điển Anh sau năm 1982. Danh từ “Boat People”ghi dấu ấn của một thời kỳ lịch sử đen tối, đầy tội ác và sai lầm của chính quyền cộng sản Việt Nam sau khi chiếm Sài Gòn và toàn cõi miền Nam.
Không biết những người tỵ nạn cộng sản miền Nam sau ngày 30-4-1975 sang Mỹ định cư, bắt đầu gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam từ bao giờ, nhưng người Việt gốc Hoa miền Bắc ở các trại tỵ nạn Hong Kong từ cuối năm 1979 đã gửi hàng về, nhất là dịp tết Nguyên đán 1980. Chuyện gửi hàng, gửi tiền như một món nợ truyền kiếp kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo tin tức từ Việt Nam, từ năm 1997, số kiều hối chuyển về Việt Nam sấp sỉ 1 tỷ Mỹ kim, theo đường chính ngạch. Hàng năm con số này tăng lên đều đều, con số được nhà nước Việt Nam ca tụng nhiều nhất là năm 2010, kiều hối đã đạt mức trên 8 tỷ Mỹ kim!
Như vậy trong hơn 10 năm, năm nhiều bù năm ít, tính trung bình 5 tỷ như vậy chỉ trong 10 năm chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được “bọn lưu vong phản động” viện trợ không hoàn lại 50 tỷ Mỹ kim. Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không cần xuất khẩu cũng đã lãi ròng 50 tỷ Mỹ kim!
Chưa hết, ngoài con đường chính ngạch, còn dịch vụ tiểu ngạch (gửi chui) rất phát triển. Riêng tại London này, ai muốn gửi tiền về Việt Nam, xin đến tất cả cửa hàng của người Việt bán đồ khô, băng đĩa CD, DVD… tại các quận hoặc tới trung tâm buôn bán của người Việt ở Mare Street, Hackney, nơi mỗi lần quan chức lớn nhỏ từ Việt Nam viếng thăm Vương quốc Anh, đều đến gặp gỡ “khúc ruột (thừa)” ngàn ki-lô-mét, nơi chính phủ Việt Nam rất quan tâm, muốn “túm tóc, sờ gáy” Việt kiều định cư tại London.
Ai muốn gửi, chỉ cần nộp tiền, ghi họ tên số điện thoại người nhận ở Việt Nam, trả lệ phí 10%, chỉ sau 24 giờ sẽ nhận được tiền. Dịch vụ này hơn hẳn con đường chính ngạch (Bank, Post office hay West Union), thu hút nhiều người Việt tại London.
Lý do sau:
- Gửi bảng Anh, Euro… người thân ở Việt Nam được nhận bảng Anh hay Euro không phải chuyển sang đô-la Mỹ.
- Gửi số tiền lớn (tiền bẩn) không bị sở thuế, chính phủ sở tại dòm ngó.
- Người Việt Rơm rất yêu chuộng dịch vụ này.
Từ năm 2000, phong trào du học phát triển, gia đình có con du học ở Anh, Pháp, Mỹ, Úc… họ không gửi tiền qua ngân hàng mà giao tiền qua thân nhân của các dịch vụ tiểu ngạch (chui) tại Việt Nam, con cái họ ở Anh, Mỹ, Pháp… đến các cửa hàng người Việt nhận tiền. Dịch vụ này thu lệ phí hai chiều, giàu rất nhanh.
Trước kia, muốn chuyển tiền về Việt Nam hay ngược lại, họ qua đường hàng không, có nghĩa, Việt kiều về Việt Nam được thuê, trực tiếp đem về. Cách vận chuyển này thật nguy hiểm, với số lượng lớn, hàng trăm ngàn, hệ thống hải quan phi trường phát hiện được, coi như tiêu! Chuyện này đã từng xảy ra ở London năm 2004, một người phụ nữ đem gần 200 ngàn bảng Anh bị phát hiện tại phi trường Heathrow, không chứng minh được lý do chuyển tiền và nguồn gốc, đã bị tịch thu.
Vụ tịch thu tiền tại sân bay, chấn động giới chuyển tiền chui, buộc họ phải kiếm con đường khác, con đường “tại chỗ”, tức chuyển tiền mà tiền vẫn không vượt biên!
Từ năm 2005, cách chuyển tiền trực tiếp đem về Việt Nam ít sử dụng, khi ở Anh quốc có tới trên dưới 5 ngàn du học sinh. Du học sinh này là người rửa tiền cho thân nhân họ.
Người ta kháo nhau, nhiều du học sinh Việt Nam học ở London, đã tiêu trên 5 ngàn bảng/tháng vào ăn nhậu, hút, trích, hộp đêm, gái điếm! Tiền ở đâu ra mà chúng tiêu xài dữ vậy? Đó chính là đồng tiền cha mẹ chúng bóp hầu, bóp cổ dân đen trong nước. Việt kiều chúng ta đã gián tiếp tiếp tay cho chúng khi gửi ngoại tệ về Việt Nam, tạo điều kiện cho cha mẹ chúng có ngoại tệ trong tay.
Việt kiều về nước từ 1988, thời kỳ này con số rất hạn chế. Từ năm 1995, một năm sau khi cựu tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận, người về Việt Nam nhiều và thường xuyên. Theo báo Việt Nam đưa tin, năm 2009 có tới 500 ngàn Việt kiều về ăn tết (?). Nếu tính bình quân trong từ năm 1995 đến nay 2010, hàng năm khoảng 100 ngàn người về Việt Nam, trong thời gian từ 1 đến 3 tháng, bình quân chi tiêu 2000 Mỹ kim/người nhà nước Việt Nam thu được 3 tỷ Mỹ kim du lịch trong 15 năm! Chính vì thế chính phủ Việt Nam coi ngành du lịch là ngành Công Nghiệp không khói.
Tổng cộng số tiền sau khi Boat-people-Salmon thả ra biển Đông, nói như cách viết của nhà văn Tưởng Năng Tiến, sau 35 năm họ đã thu được Còi-hụ-Salmon trên dưới 100 tỷ Mỹ kim viện trợ không hoàn lại. Chủ  nhân của đoàn đánh cá “Lưới Vét 36” trúng lớn, họ “định hướng” sẽ rê-quét lưới từ biển Thái Bình Dương, qua Đại Tây Dương, Ấn Độ dương, kéo xuống tận ven bờ Úc Châu, còn dài hơn đường Lưỡi Bò của Đại-Hán-Trung-Hoa-Bành-Trướng ở biển Đông, hy vọng bội thu mùa còi-hụ-Salmon 2010 và những năm kế tiếp.
Việt kiều về nước, đem tiền bạc cho thân nhân và bạn bè cũng có nhiều chuyện vui buồn, bởi không phải cứ hễ cho tiền, cho hàng mà thân nhân quý hóa tôn trọng Việt kiều.
Năm 1988, cô Lan vợ LVCh., sau gần 10 năm chắt chiu được 10 ngàn bảng Anh, đổi được gần 17 ngàn Mỹ kim -thời ấy, Việt Nam chưa xài bảng Anh- về Việt Nam thăm gia đình. Bạn bè hàng xóm sang thăm, đông vui như tết. Ai đến, Lan cũng có chút quà, ít 50 đô, nhiều 2 đến 3 vé (1). Ai cũng khen Lan hết lời. Bà Hoàng xứ Anh-Cát-lợi về thăm cố hương.
Sau 4 tuần, người đi kẻ ở bịn rịn, hẹn ngày tái ngộ.
Ba năm sau, 1992, dành dụm được hơn 3 ngàn Mỹ kim, Lan lại về thăm “đại gia đình” Việt Nam. Lần này Lan không thể “phát chẩn” đô-la cho khắp bạn bè, hàng xóm như năm xưa. “Thóc kỳ này không đủ để đãi gà rừng”! Có người đến chơi, ra về tay không, bị họ chửi sau lưng, “tưởng làm vương làm tướng gì, chứ làm chân bưng bát, bưng mâm nhà hàng ở Anh, báu lắm đấy!”
Trở về London, Lan kể cho bạn bè, uất ức, thề không về Việt Nam nữa.
Anh Hùng từ Việt Nam trở về, còn độc chiếc túi xách tay, tất cả va-ly đồ đạc, com-lê cà vạt và giày cũng không. Cả nhà đón anh, nhìn thấy, phát hoảng.
Chân anh đi dép nhựa, không com-lê, cà vạt, không áo ấm, độc chiếc sơ-mi, mặt mày xanh xám, người run vì lạnh. Hóa ra, trước khi lên máy bay, anh em họ mạc, bạn bè đưa tiễn, mỗi người xin một thứ làm “vật kỷ niệm.” Cậu em vợ “đổi” nốt đôi giày cuối cùng bằng đôi dép nhựa, ngay sân bay Nội Bài trước khi anh làm thủ tục Check-in về London.
Những năm gần đây, một chiêu rất quái của người Việt trong nước phiền hà khủng khiếp cho Việt kiều tại London này. Xin kể để cảnh giác.
Số người giàu có ở Việt Nam tăng lên hàng ngày. Họ bận kiếm tiền, không còn thời gian lo cho gia đình, con cái họ được tự do lêu lổng, đàn đúm. Chuyện nghiệm xì-ke ma túy là điều không thể tránh khỏi. Để cai nghiện cho con, họ tìm cách gửi con ra nước ngoài, hy vọng nó không biết tiếng Anh, lạ nước lạ cái, không bị bạn bè cám dỗ… sẽ cai nghiện được. Họ tìm mọi cách lừa bạn bè, thân nhân ở Anh, gửi con sang “du học”, giấu biệt chuyện hút chích. Nhẹ dạ cả tin, nhiều Việt kiều ở London đã mắc bẫy. Con nghiện chỉ cần nhìn nhau là biết, cần gì tiếng Anh. Bao nhiêu tiền bạc đem theo con nghiện đốt hết. Tiến hết, lên cơn, đành ăn cắp gia chủ. Chủ nhà phát hiện kẻ cắp chính là con nghiện bấy lâu nay đang ăn cùng mâm, ở cùng nhà với mình. Tá hỏa, phôn về Việt Nam, bây giờ họ mới thú thật, mong giúp đỡ, Chẳng ai muốn chứa con nghiện trong nhà, đó chính là mầm gây tai họa cho con cái.
Chủ nhà tống khứ ra đường. Không nhà, không tiền, không thuốc… có kẻ chán đời đã nhảy xuống sông Thame làm thần dân Hà Bá kinh thành London. Từ năm 2007 đến nay đã có 3 “du học sinh” Việt Nam nhảy cầu xuống sông Thame vì thiếu thuốc, hết tiền và vô gia cư!
Cuối năm 1988, vợ tôi về chịu tang, bàn với nhau, trợ giúp là giúp các cậu, các dì “cần câu” tự kiếm sống. Cậu em nhà tôi rất mê chụp ảnh, tôi có chiếc Nikon, ống kính 2, mua khi còn ở Hong Kong, còn mới lắm, ở Việt Nam năm 1988, nó thuộc loại hàng quý hiếm, có thể kiếm tiền bằng cách chụp ảnh cưới, giỗ tết trong nông thôn. Vợ tôi làm quà tặng cậu em làm “cần cầu cơm.”Các dì, vợ tôi giúp chút vốn làm ăn, chính nhờ thế, hơn mười năm qua các cậu, các dì nhà tôi đã tự đứng lên bằng đôi chân của họ.-


Tổng số lượt xem trang