--Chương 21
Nỗi ưu tư buổi xế chiều
Cửa mở, cô Helen thò đầu ra, nhưng không mời vào, cứ để bà già đứng ngay thềm. Họ nói chuyện rất lâu như thể ngoài trời là ngày hè nắng ấm. Thấy cảnh lạ, tôi gọi vợ tôi lại. Vợ tôi bảo, bà Emily mẹ chồng Helen đấy. Mẹ chồng đến nhà con dâu giữa ngày mưa tuyết tầm tã, âm 18 độ C, rét cắt da cắt thịt như thế mà cô con dâu cũng không nỡ đưa mẹ chồng vào nhà, kéo ghế gần lò sưởi để bà ngồi, mời một chén trà sữa nóng cho đỡ giá lạnh. Tay Ted, con đẻ đâu mà không thấy? Cháu nội đâu không dắt bà vào trong nhà? Cuộc nói chuyện kéo dài mươi mười lăm phút, bà Emily lại đội tuyết ra về. Helen sập cửa như vừa gặp một người xa lạ gõ cửa, hỏi nhầm nhà.
Tôi tuyên bố với 2 thằng con, cứ tiếp tục học cho thành tài, chuyện lấy vợ bố mẹ sẽ lo. Từ đó, hễ có điều kiện vợ chồng tôi đi thăm viếng các gia đình người Việt ở các quận khác nhau tìm con dâu tương lai. Chả lẽ, cả London có hàng vạn người Việt mà không tìm nổi mấy đứa dâu rể hay sao. Tôi không bao giờ có ý định về Việt Nam lấy vợ cho con hay người Việt rơm. Trời không phụ, chúng tôi tìm được dâu rể theo ý nguyện.
Mấy năm nay, chúng tôi sáng sáng đi bách bộ, hàng tuần đến Hội Hoa Liên tập Tai Chi, khiêu vũ, bơi, tắm hơi… cuối tuần đàn cháu nội ngoại đến thăm, nhà đầy ắp tiếng con trẻ. Hè hàng năm đi du lịch trong và ngoài nước, nghỉ mát vài tuần.
Nỗi ưu tư buổi xế chiều
Mùa đông 1980, mùa đông đầu tiên của đời tôi ở miền Hàn đới. Năm ấy, lại là mùa đông lạnh nhất ở Scotland, phá kỷ lục của nhiều năm trước. Những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi lả tả ngay từ đầu tháng 10 dương lịch kéo dài sang tháng Tư năm sau.
Một trưa Chủ Nhật, sau tết dương lịch, nhìn qua cửa kính hành lang trên lầu ra ngoài, tuyết rơi tầm tã, ngập đầy đường. Tất cả trắng xóa, chìm trong mưa tuyết. Thỉnh thoảng từng cơn gió thổi mạnh, kéo theo từng đống tuyết trên mái nhà đổ xuống làm khung cảnh càng thêm buồn thảm. Một người đàn bà Anh, có tuổi, tay cầm ô che đầu, bước từng bước nặng nề, chậm chạp, lội trên đống tuyết, gõ cửa căn nhà đối diện.
Cửa mở, cô Helen thò đầu ra, nhưng không mời vào, cứ để bà già đứng ngay thềm. Họ nói chuyện rất lâu như thể ngoài trời là ngày hè nắng ấm. Thấy cảnh lạ, tôi gọi vợ tôi lại. Vợ tôi bảo, bà Emily mẹ chồng Helen đấy. Mẹ chồng đến nhà con dâu giữa ngày mưa tuyết tầm tã, âm 18 độ C, rét cắt da cắt thịt như thế mà cô con dâu cũng không nỡ đưa mẹ chồng vào nhà, kéo ghế gần lò sưởi để bà ngồi, mời một chén trà sữa nóng cho đỡ giá lạnh. Tay Ted, con đẻ đâu mà không thấy? Cháu nội đâu không dắt bà vào trong nhà? Cuộc nói chuyện kéo dài mươi mười lăm phút, bà Emily lại đội tuyết ra về. Helen sập cửa như vừa gặp một người xa lạ gõ cửa, hỏi nhầm nhà.
Vợ chồng tôi nhìn nhau, lắc đầu, chịu không hiểu phong tục gì kỳ lạ như vậy. Thấy người lại nghĩ đến ta. Một câu hỏi bật ra, mươi mười năm nữa, con tôi trưởng thành, chúng có vợ có chồng, không biết đến nhà chúng, con dâu, con rể có mời mình vào nhà uống chén trà hay cũng phải đứng ngoài cửa, mặc cho giá rét và bão tuyết phả cái lạnh chết người như người đàn bà bất hạnh kia không?
Người Việt chúng ta, từ Bắc xuống Nam có lẽ chẳng có con dâu nào dám làm chuyện khủng khiếp như vậy, dù mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn còn nhức nhối trong nhiều gia đình. Phải chăng tội lớn nhất của ngườI Việt là tộI bất hiếu, chúng ta dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất vẫn thuộc lòng câu ca dao Việt Nam về đạo làm con:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Câu chuyện bà Emily và nàng dâu Helen làm chúng tôi bắt đầu phải tìm hiểu kỹ hơn về đời sống, phong tục tập quán, tình cảm giữa người với người của xứ Tây phương này. Đây có phải lối sống “phớt-lờ Ăng-lê” không? Hay chỉ là trường hợp cá biệt?
Sau một thời gian dài, tôi nhận ra, người già xứ Anh sống cô đơn lắm. Các cụ thường ở riêng hoặc sống trong nhà dưỡng lão, hầu như không có chuyện sống chung với con, với cháu. Chuyện ba bốn thế hệ sống chung một mái nhà là điều khó gặp. Trên phố, thỉnh thoàng vẫn nhìn thấy hình ảnh cụ bà lưng còng, gập xuống gần 40 độ, lọ mọ, chậm chạp đẩy chiếc trolley 4 bánh đi siêu thị gần nhà, không phải là chuyện hiếm gặp.
Điều gì đã làm cho mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách quá lớn đến như vậy?
Đồng tiền? Lối sống độc lập? Thói ích kỷ? Một vài chính sách sai lầm của chính phủ?
Những năm tháng đầu tiên tỵ nạn, chúng tôi không thể tin, mai đây, mối quan gia đình người Việt cũng rạn nứt và đổ vỡ như nhiều gia đình dân bản xứ. Thế mà chỉ sau hơn 10 năm định cư, mối quan hệ gia đình mang chút lễ giáo phong kiến Á Đông đã bị phá vỡ. Không biết có phải vì “tiền” nên con người “bạc” với nhau hay vì những nét văn hóa Tây Âu đã “thấm dần” vào tư tưởng và tình cảm của người Việt sau nhiều năm định cư ở xứ người.
Người Việt định cư tại Anh bắt đầu li dị từ bao giờ? Tại sao lại li dị? Nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp nào đã đưa đến sự đổ vỡ này? Chưa có một điều tra, một đề tài nghiên cứu nghiêm túc nào về sự đổ vỡ quan hệ gia đình của người tỵ nạn Việt Nam định cư tại Anh.
Năm 1982, chính phủ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Margaret Thatcher ban hành chính sách ưu tiên cấp nhà và các khoản trợ cấp ưu đãi cho single parent, có nghĩa là, những cô gái không chồng có con, được ưu đãi trong vấn đề xin nhà council và trợ cấp xã hội.
Khu Knightsridge, Livingston nơi tôi ở, rất nhiều cô gái trẻ, tuổi 16, 17, 18 không chồng, có con, được cấp nhà thật dễ dàng, còn những cô gái có đăng ký kết hôn, chồng đi làm đóng thuế đàng hoàng, xin nhà council thật khó. Không những thế, khi được cấp nhà, council còn trợ cấp £500 bảng/gia đình để mua nồi niêu, xoong chảo, bếp, giường, máy giặt… tuy là đồ second hand, nhưng như thế cũng tạm đầy đủ với kẻ mới ra định cư.
Có đứa mới 13, 14 tuổi đã sinh con, trẻ con làm mẹ trẻ con, hàng ngày council lại phải cử người đến tận nhà giúp đỡ, dạy dỗ, bảo ban cách chăm nuôi trẻ sơ sinh. Tin ấy được đưa lên các bản tin truyền hình BBC, ITV, Channel 4. Mục đích của ban biên tập là cảnh báo gia đình và trẻ vị thành niên, không ngờ đã phản tác dụng. Số trẻ vị thành niên có con năm sau tăng hơn năm trước, không những chỉ xảy ra với người bản xứ da trắng mà còn lan sang cộng đồng sắc tộc da màu khác, trong đó có người Việt tỵ nạn.
Luật lệ giữa England và Scotland có nhiều điều khác biệt. Ở Scotland, nam nữ từ 16 tuổi đã có quyền kết hôn trong khi đó ở England phải 18. Khu tôi ở Knighstridge đầy dẫy những cặp vợ chồng “nứt mắt” này, nói theo cách nói của người Việt. Nếu chúng đăng ký kết hôn, xin nhà council khó khăn hơn không chồng mà có con. Thật đúng là:
“Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa, thế gian thiếu gì.”
Năm 1988, bà Thủ tướng Thatcher lại có chính sách mới về bất động sản. Điều luật mới này “tiếp tay” cho lối sống single-parent.
Trước kia, hễ ai mua nhà, người chồng và người vợ mỗi người được trừ 30 ngàn/người không phải đóng thuế thu nhập (income tax), có nghĩa là một cặp vợ chồng được trừ 60 ngàn bảng trước khi đóng thuế.
Nhưng từ năm 1988, độc thân hay một cặp vợ chồng cũng chỉ được trừ 30 ngàn bảng mà thôi. Như vậy, người kết hôn hay người độc thân quyền lợi như nhau, bình đẳng, không hơn không kém. Như thế bà Thatcher không “động viên, cũng chẳng khuyến khích chuyện kết hôn” chỉ vì chính phủ muốn thu thêm thuế.
Sau một thời gian dài, từ năm 1984 trở đi, nhiều người Việt đã đi làm, nhưng khi thấy hàng xóm, “anh Tây” đi làm, còn “chị Tây” ở nhà ôm con vẫn lĩnh tiền trợ cấp đều đều, hỏi ra, “chị Tây” mách nước, không đăng ký kết hôn, vợ và con vẫn được lĩnh trợ cấp xã hội, tiền nhà miễn phí, cái gì cũng miễn phí. Nhưng đã kết hôn từ Việt Nam thì sao? Ly dị chứ sao! Ly dị thì ở với ai? Ly dị giả, vẫn sống chung, khi nào người của council đến kiểm tra thì “tạm lánh nạn” sang nhà bạn là xong. Đơn giản thế thôi!
Nghe lời quân sư, nhiều cặp vợ chồng người Việt bắt đầu ly dị giả. Từ một vài cặp, thấy lợi, người nọ mách bảo người kia, đến năm 1990 chuyện ly dị giả của người Việt tại Anh trở thành phong trào, lan rộng đến chóng mặt. Đi đến đâu, người ta cũng kháo nhau, nhà anh chị A, bác B, ông bà H,… đã ly thân hay li dị rồi.
Vậy quyền lợi của gia đình ly dị hơn người không ly dị ở những điểm nào?
Chính sách trợ cấp an sinh xã hội của Anh còn nhiều kẽ hở, nhưng từ sau năm 2000, những cô gái không chồng mà có con hoặc ly dị, council truy tìm bằng được “tác giả những đứa trẻ” đó để truy cứu trách nhiệm, bắt phải đóng tiền nuôi dưỡng, nếu như đi làm.
Những kẽ hở trước năm 2000 như sau:
1-Người đàn bà ly hôn hay không chồng mà có con (single parent) dưới 16 tuổi hầu như không bị áp lực phải kiếm việc làm, được hưởng trợ cấp xã hội dài dài. Khoản trợ cấp ấy gồm: sinh hoạt phí, tiền nhà, bé dưới 5 tuổi cấp sữa miễn phí, lớn đi học được miễn phí bữa trưa. Khi đứa bé sắp sang tuổi 16, họ lại tiếp tục “sản xuất” một bé kế tiếp để hưởng chế độ, có nghĩa, ở tại Anh này, chính sách và chế độ trợ cấp xã hội đã giúp những “máy đẻ” sản xuất trẻ em rất đều theo chu kỳ. Vì thế nhiều người suốt đời chưa hề đi làm và chả biết làm nghề gì ngoài đẻ con! Mười lăm hay mười sáu tuổi đã con bồng con bế. Những đứa trẻ đó lớn lên lại “nối nghiệp” mẹ, vòng đời cứ thế nối tiếp, họ chính là những ký sinh trùng của xã hội, là gánh nặng quỹ trợ cấp an sinh, gây khó khăn cho kinh tế quốc gia, bắt người đi làm đóng thuế nuôi họ một cách vô lí.
Không những không phải đi làm, quyền lợi của họ thường được ưu tiên vì khoác chiếc áo thất nghiệp, kẻ nghèo khổ, khốn cùng của xã hội.
Theo chế độ phúc lợi xã hội (state welfare), những gia đình nghèo, đông con có thể xin trợ cấp tiền mua thảm, bếp, sô-pha… (đồ second hand), tổng số tiền trên dưới 1000 bảng/gia đình. Năm 1985, gia đình tôi được cấp nhà, thấy vợ chồng Sinh xin được trợ cấp mua thảm, tôi cũng điền form, nhưng bị khước từ, lý do, có công ăn việc làm. Vợ chồng Sinh từ Scotland chuyển đến ở nhờ nhà anh chị, sau khi diễn vở “Võ mồm” được council xếp nhà khẩn cấp, không những thế còn được lĩnh 1000 bảng để mua thảm, máy giặt, bếp… vì thuộc diện thất nghiệp có thâm niên, tuy túi tiền của vợ chồng Sinh căng phồng, hơn đứt chúng tôi nhiều lần, vì vừa lĩnh trợ cấp xã hội vừa làm chui nhiều năm.
2. Nếu ly hôn, anh chồng cứ việc đi làm, vợ con đã có nhà nước lo. Chuyện ly hôn của người Việt trở thành đề tài nóng bỏng. Tôi quen một số gia đình cũng bị hút vào vòng xoáy này. Đến chơi, khi hỏi chuyện thật hư, có gia đình, không những không ngượng, cô vợ còn cười tươi, bảo, “Quanh đây ai cũng đều thế cả, chỉ có gia đình anh chị chưa làm thôi. Em á, không những làm, em còn xúi người ta. Tội gì không làm, chết ai đâu, đây này, chúng em ra tòa ly dị. Có giấy ly hôn hẳn hoi, ông xã lấy cớ thăm con, vẫn ngủ ở nhà đấy chứ. Chỉ khi nào council cho người đến kiểm tra mới “tạm sơ tán” thôi. Mà ở đây lạ lắm, họ gửi giấy báo trước, rồi mới xuống. Đấy, ông xã nhà này vẫn đi làm đều, chỉ phải đóng thêm chút thuế, theo diện độc thân, còn em và tụi trẻ bây giờ khỏe re, lĩnh tiền trợ cấp single parent lại cao, tiền nhà không phải đóng, các cháu được miễn phí bữa trưa. Sướng chưa! Anh chị còn chần chừ gì nữa mà không làm.”
Thật hết thuốc chữa!
Tôi ngán ngẩm ra về và từ đó ít giao lưu. Chỉ vì một chút lợi ích vật chất mà họ đã cắt luôn giây thần kinh xấu hổ, làm những điều không thể chấp nhận đối với lương tâm, đạo đức của con người bình thường.
Chuyện không dừng ở mức độ giả mà từ giả thành thật là khoảng cách không xa.
Tin thời sự trên BBC1, BBC2, ITV và London BBC năm 1997 cho hay: “Một người đàn ông Việt Nam đã bắt cóc con ngay tại trường học. Theo tố cáo của người vợ cũ, mẹ đứa trẻ, đã tìm thấy vết máu trên chiếc xe hơi bỏ lại gần phi trường Heathrow.” Bản tin này được phát nhiều lần trong ngày, kèm theo ảnh cháu bé, tên tuổi và ảnh người cha tội đồ đó, yêu cầu cộng đồng người Việt giúp đỡ, cứu cháu bé!
Cộng đồng người Việt ở London xôn xao khi nghe tin nay. Cái gì vậy? Bố bắt cóc con rồi giết? Làm gì có chuyện đó! Người nọ phôn cho người kia báo tin và kháo chuyện, bình luận. Chuyện vợ chồng B. trở thành thời sự nóng bỏng của dân tỵ nạn Việt Nam.
Thực hư câu chuyện ra sao?
Một anh rất thân gia đình này, kể với tôi mọi sự.
Cũng như nhiều gia đình người Việt khác, vợ chồng B. cũng ly hôn giả. Anh ta làm cai đầu dài của một nhóm người Việt dọn dẹp hotel ở khu vực sân bay X tại London. Tiền rủng rỉnh, lại là chàng “độc thân vui tính” cho nên có nhiều em người Việt, nhân viên tạm tuyển “phải lòng.” Người ta khuyên, anh ta đã có vợ, có con, chớ có dính vào, nhưng ai nói thế nào, các cô cũng không tin, hơn nữa anh ta xòe giấy ly hôn ra làm bằng chứng. Thế là anh có bồ, không phải một mà nhiều em, từ kín đáo, đến công khai. Khi đến tai, cô vợ ra sắc lệnh “cấm cửa”, nhất là không cho gặp đứa con mới 5 tuổi kháu khỉnh mà anh rất thương yêu. B. ăn phở, tại sao Y. lại không ăn nem? Vô lý! Cả hai người có giấy ly hôn, chuyện yêu và lấy ai là quyền tự do. Thế là anh có vợ (hờ), chị cũng có chồng (hờ). Phở và nem đều ngon nếu như được chiêu đãi miễn phí. Nhưng cái khoản con cái mới là cái sợ dây duy nhất ràng buộc giữa hai người, vì nó mà họ còn nghĩ đến nhau. Khi biết vợ có bồ, anh cũng nổi cơn ghen. Không biết anh đánh ghen như thế nào, chỉ biết chị vợ cao thủ hơn, bẩm báo, B. bị tòa đưa giấy “cấm cửa” không được gặp con. Theo phong tục Việt Nam, con phải theo cha, đâu có chuyện con theo mẹ, bất công. Anh phải đòi bằng được sự công bằng đó. Chính quyền không giải quyết, anh phải tự tìm công bằng cho chính mình. Nghĩ sao làm vậy, một chiều Thứ Sáu, anh đến trường đón con gái, giấu biệt một nơi. Cô vợ thuộc hàng “võ lâm cao thủ”, bẩm báo cảnh sát và còn tố thêm, “thấy có vết máu phía sau xe mà anh ta bỏ lại, có thể đã thủ tiêu đứa bé?” Bắt cóc, giết người là chuyện động trời. Vì thế các bản tin thời sự của các hãng truyền hình BBC 1, BBC 2, ITV, Channel 4, Sky… đưa sự việc này trở thành chuyện hình sự. Cục Điều tra Scotland Yard phải vào cuộc. Bản tin còn nêu giả định, đứa trẻ bị bắt cóc có thể đã bị giết, hung thủ có thể đã trốn ra nước ngoài. Bạn bè khuyên B. ra đầu thú, không lại rách việc. Người cho ở nhờ, bảo “Thôi đi ông, thua con yêu tinh rồi, không đầu thú, tôi không dám chứa chấp nữa đâu, đừng để tôi lại mang vạ vì ông.” B. lo lắm, tính kế ra thuê nhà riêng hay hostel, nhưng lại sợ mặt mũi mình và con đăng hình lên tivi, thò mặt ra là vào lưới, nên đành ra tự thú.
Tội B. nặng mà hóa nhẹ. Ra tòa, anh thông dịch viên và luật sư bào chữa đã đưa nhiều lí do trong đó có lí do phong tục tập quán Việt Nam, kém hiểu biết về pháp luật, trình độ văn hóa thấp, chỉ vì muốn giành con về phần mình chứ không phải bắt cóc để thủ tiêu, đã đầu thú. Anh bị tòa phạt cảnh cáo, án treo, cấm tái diễn.
Một trưa năm 1992, ông V. đang ăn cơm, nghe thấy có người gõ cửa, buông bát, trốn vào nhà cầu.
Cháu nội 7 tuổi hỏi:
- Why are you hiding? (Sao ông đi trốn vậy?)
Bà giơ tay ra hiệu “suỵt”. May quá không phải người của council đến kiểm tra. Hú vía. Lão V., thân nhân của một “Việt kiều yêu nước”, doanh nhân thành đạt Anh quốc, đang được chính phủ Việt Nam o bế, tung hô.
Cho đến nay, chuyện ly hôn vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu dừng, không những ở lứa tuổi trung niên mà còn lan sang đến các các cụ tóc màu muối tiêu, cháu nội cháu ngoại đầy đàn.
Số người Việt định cư thế hệ I, từ những năm 1977, 78, 79, 80… nay đã lớn tuổi, nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, trong túi cũng dành được chút đỉnh. Họ nghĩ đến chuyện xả láng, đi du lịch, nhất là về Việt Nam, nơi Việt Kiều còn cao giá!
Từ năm 2000, số Việt kiều về Việt Nam tăng rất nhanh, thời gian thăm viếng cũng dài hơn và những chuyện “lộn xộn” cũng bắt đầu nảy sinh.
Không biết có phải vì “ăn no rửng mỡ”, các Việt kiều hay về Việt Nam thường có những “phi vụ bí mật” chỉ họ mới biết. Tìm hiểu kỹ, phi vụ đặc biệt gồm: đàn ông “cặp bồ nhí”,đàn bà kẹp “phi công trẻ”. Mốt thời thượng của “Vịt cừu” ngày nay.
Năm 2007, trong một bữa tiệc mừng nhà mới của gia đình người bạn, sau vài tuần rượu, một bà trong số khách tới dự, khoe với vợ chồng tôi, “Năm nào cũng về Việt Nam 6 tháng.”Thấy ánh mắt tôi lộ vẻ nghi ngờ, hỏi “Bác không tin à?” Tôi đâu có nhẹ dạ mà dễ tin! Bà ta kéo một bà cũng tuổi “hồi xuân” để làm chứng. Ừ, bây giờ tôi tin, nhưng ở gì mà những 6 tháng, mà năm nào cũng về, không chán à? Sao chán, cũng số tiền ấy, tiêu ở London sao bằng ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có ô-sin cơm bưng nước rót, ới một tiếng, có người tẩm quất, mát-sa, sướng như ông hoàng bà chúa. Ở London này, còn khuya nhá! Lát sau, chồng bà, một ông già tóc bạc, da mồi, gày gò, cầm cốc rượu vang, chậm chạp đi đến, tôi hỏi:
- Bác với bác gái năm nào cũng về Việt Nam 6 tháng?
Thật thà, ông bảo:
- Mình bà ấy về thôi, chứ tôi ít về Việt Nam lắm. Sức đâu mà về lắm thế.
Phải, nhìn thì biết, “síu quách” của ông hết, bà về Việt Nam 6 tháng là phải. Nhà “hết gạo” làm gì có cơm, bà phải đi “ăn chả ăn nem” chứ!
Bạn bà, sau này kể, bà ta có “phi công trẻ” ở Việt Nam. Có thế chứ! Việt Nam có gì hay ho đâu mà năm nào cũng mò về ở những 6 tháng, trong khi người Việt trong nước đua nhau bỏ ra 20 đến 30 ngàn Mỹ kim để được sang Anh làm “người rơm.”
Tỷ lệ li hôn, thật và giả, của các gia đình người Việt định cư tại UK bao nhiêu phần trăm?
Thật khó trả lời, chưa có ai làm cuộc điều tra này, mặc dù có thể thống kê dễ dàng nếu như có ai đó muốn làm một công trình nghiên cứu nghiêm túc, có thể lấy tài liệu của Bộ Nội Vụ.
Những gia đình vẫn giữ được nề nếp, nhìn sự xuống cấp của bà con đồng hương người Việt không khỏi lo lắng trong chuyện dựng vợ gả chồng cho con khi chúng đến tuổi trưởng thành. Mai này, cho chúng kết hôn với người bản xứ hay với người Việt là chuyện khá đau đầu của các bậc làm cha mẹ.
Khu Brixton, rất nhiều người Việt, người da đen và người nước ngoài định cư. Nơi đây rất ít dân da trắng, họ chuyển đi đã lâu. Khu này rất phức tạp, chẳng khác gì một số vùng New York, tệ nạn hút chích, buôn bán ma túy, cướp giật, giết người do các băng đảng khử nhau trong những phi vụ làm ăn là chuyện thường xảy ra, dù lâu nay bản tin BBC hay I.T.V ngày nay ít đưa tin, trừ trường hợp điển hình.
Tôi có nhiều người quen ở khu này.
Hè 2006, anh chị T, gửi thiếp mời nhân dịp cưới vợ cho thằng con đầu mới 20 tuổi. Chúc mừng anh chị, nhưng cáo lỗi, mong thông cảm vì đã booked đi du lịch. Chỉ 4 tháng sau, con dâu chuyển dạ.
Ơ xứ Anh này, “ăn cơm trước kẻng” là chuyện thường ngày ở quận. Hai nhà mừng lắm, đến bệnh viện chầu, chờ đón quý tử. Sau nhiều giờ chờ đợi, bệnh viện cho phép vào thăm. Ông bà nội ngoại vui mừng, hỉ hả muốn xem mặt cháu cưng.
Bốn người, tám đôi mắt sững sờ, không ngờ một cháu trai bụ bẫm, đang nhắm mắt ngủ lại là một “oẳn-tà-roằn” chính hiệu. Da quý tử bóng nhoáng, đen như “vỉa than Quảng Ninh”. Cả bốn người chết đứng. Bên nội bỏ về, kéo tay ngay thằng con đi theo. Hú vía, may chúng chưa đăng kí kết hôn, phúc nhà bà còn lớn.
Cậu M. gần khu tôi, cô con gái mới 18, lấy chồng được 4 tháng cũng sinh được quý tử. Hai đứa đều thất nghiệp, ở nhờ ông bà nhạc. Chả biết thế nào, thằng bé càng lớn vợ chồng chúng càng to tiếng, cãi nhau thường xuyên. Rồi thằng chồng tẩn cô vợ, nhưng con vợ chịu phép không bẩm báo cảnh sát.
Một lần, tay Z kể với tôi về con gái tay M. bị thằng chồng vũ phu đánh, Z buông một câu xanh rờn, “Chắc thằng này muốn đào mỏ.” Tôi cười “Sao ông ngây thơ thế, nó tẩn vì thằng bé kia càng lớn càng không giống nó, mà giống thằng hàng xóm, chứ tay M. giàu có mẹ gì mà nó đào mỏ.”
Năm sau, anh đường anh, tôi đường tôi, cô cậu giải tán. Gia đình thằng kia bỏ tiền làm DNA, không phải con nó. Hai đứa chưa kết hôn, mới sống thử. Giải tán. Nhẹ cả hai!
Nhớ lại năm 1967, tôi đưa bạn gái -vợ tôi bây giờ- về nhà. Bà nội tôi gọi lên, cụ sờ tay, ngắm kỹ lắm, hỏi đủ chuyện! Cụ gật, cả họ OK. Thế mới xong. Nhà tôi nhớ kỹ lắm kỳ “kiểm tra”, khi chọn dâu cũng y hệt. Lớn lên, có vợ có con, nề nếp gia phong tôi vẫn cố giữ. Khi các con tôi vào đại học, tôi cũng tuyên bố như các cụ ngày xưa “cấm bồ bịch khi chưa tốt nghiệp.” Tôi rất nghiêm, các con tôi cũng “chấp hành” tuyệt đối mệnh lệnh. Năm 1992, trong lễ sinh nhật con gái tôi 21 tuổi, tổ chức tại nhà, rất nhiều sinh viên Việt Nam cùng trường đến dự, trong đó có 5 chàng trai. Đây là cách kén rể của tôi. Trong số 5 cháu, có cháu V. dân Sài Gòn, cha mẹ cũng là boat people, cháu đang làm luận án Ph.D., đẹp trai, thông minh, hai đứa có cảm tình với nhau. Vợ chồng tôi “tính OK”, nhưng trước khi cho con gái tiếp cận, tôi phải tìm hiểu kỹ gia cảnh cháu.
Không ngờ gia đình cháu theo đạo Thiên Chúa Giáo. Tôi tiếc lắm, chúng rất đẹp đôi, nhưng đối với tôi, chuyện tình bà cô tôi là bài học cho dòng họ.
Dẹp. Chờ cơ hội khác.
Năm 1995, tôi tổ chức sinh nhật 21 tuổi cho 2 thằng sinh đôi, mục đích kiểm tra chúng thi hành lệnh của bố đến đâu. Thằng anh không có cô bạn gái nào, riêng thằng em có cô bạn gái cùng lớp đại học khá xinh.
Hỏi ra, con của bí thư sứ quán Ả Rập, theo đạo Hồi. Thế là dẹp nốt.
Năm 1993, hai thằng vào đại học, vợ tôi nghỉ may, đi học Anh ngữ lớp bán thời gian, dành cho người có tuổi, gần nhà, học liền 4 năm. Năm 1997, tất cả con tôi đều ra trường. Con gái làm bác sĩ ở King’s College Hospital, sau 1 năm tập sự (Houseman), năm 1998 thi đỗ vào The Royal of Surgeon of England, đào tạo chuyên viên phẫu thuật, đi tiếp con đường bố nó dang dở. Hai thằng đều lấy được bằng Master I.T, thằng út xin được học bổng học tiếp.Tôi tuyên bố với 2 thằng con, cứ tiếp tục học cho thành tài, chuyện lấy vợ bố mẹ sẽ lo. Từ đó, hễ có điều kiện vợ chồng tôi đi thăm viếng các gia đình người Việt ở các quận khác nhau tìm con dâu tương lai. Chả lẽ, cả London có hàng vạn người Việt mà không tìm nổi mấy đứa dâu rể hay sao. Tôi không bao giờ có ý định về Việt Nam lấy vợ cho con hay người Việt rơm. Trời không phụ, chúng tôi tìm được dâu rể theo ý nguyện.
Cô chú Thịnh giúp chúng tôi nhiều, bù lại tôi “quân sư”, giúp chú cách “bón phân, tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ”, chăm sóc vườn hoa gia đình nở rộ, thắm tươi. Cả ba cháu đều vào được Old Palace và Whitgift of John Whitgift Schools, trường học nổi tiếng nhất của quận Croydon, trong Top 250 trường của xứ England. Năm 1997, thằng lớn vào đại học ngành Kinh tài, năm 1999, đứa thứ hai vào Đại học Cambridge, khoa Anh ngữ hệ báo chí, năm 2001, đứa út học Quản trị Kinh tế. Các cháu đều có công ăn việc làm ổn định.
Rất buồn, cô Linh đã qua đời năm 2001 vì căn bệnh ung thư, chưa kịp hưởng công lao bao năm khó nhọc chăm bón, vườn cây đơm hoa kết trái.
Từ khi cô Linh qua đời, chú Thịnh ít gặp gỡ hay phôn cho gia đình tôi, nhiều lần tôi phôn cũng không có ai cầm máy. Tôi nghĩ chắc chú ấy buồn, không muốn gặp gỡ ai. Đột nhiên tháng 3 năm 2013 gặp chú ở chợ trời Croydon, hơn 10 năm gặp lại, anh em tay bắt mặt mừng. Sau hồi hàn huyên chú khoe:
-Bây giờ em sướng lắm!
-Chú sướng như thế nào?
-Em về Việt nam mấy năm nay rồi, cộng tác với ông anh đồng hao (chú về Việt Nam lấy vợ) mở nhà hàng. Em học xong khóa học làm bánh Pizza và các món mỳ ống spaghetti ở London về mở cửa hàng bán món ăn toàn cho Tây ở khu du lịch Sa Pa, Lào Cai. Kiếm khá lắm.
-Xin chúc mừng chú.
Nói vậy thôi, chứ trong lòng tôi không tin chú ta sướng. Giời ạ, gần 70 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, thuộc loại “cổ lai hy”, đáng lẽ phải được an nhàn, vui chơi với đàn cháu nội ngoại, ai lại vẫn còn phải đi làm thằng đầu bếp, xảo voọc, đâm đầu vào bếp từ sáng đến khuya, nấu nướng hầu hạ khách để nuôi vợ và mẹ vợ. Nhưng tôi im lặng, bởi vì chú ấy đâu có trẻ, hơn nữa đây là chuyện riêng tư, không nên chê.
Tôi mời chú đến nhà chơi, nhưng chú cáo lỗi vì bận và sắp về Việt Nam.
Bất ngờ, tháng 9-2014, chú Thịnh phôn cho tôi, hẹn đến chơi. Tôi hẹn sáng thứ 6, chú đến, anh em tâm sự hàn huyên. Tôi tặng chú một số sách, trong đó có cuốn Buồn Vui Đời Thuyền Nhân, Sổ Tay Thành Ngữ Tục Ngữ Anh -Việt & Việt – Anh và cuốn Đời Tư Mao Trạch Đông do tôi dịch chung với Nguyễn Học. Sau hồi hàn huyên, chú khoe bây giờ thôi không làm nhà hàng, chuyển sang buôn thực phẩm chức năng. Chú mua trên Ebay UK loại thuốc Glucosamin Sulphate chữa đau xương người có tuổi. Khách hàng đa số là người nông thôn, giá mua kể cả tiền vận chuyển từ Anh quốc về Việt nam cứ 100 bảng sẽ bán được 16 triệu đồng tiền Việt. Vợ tôi đưa chú “lên mây”, ca ngợi hết lời, được thể chú dốc bầu tâm sự:
-Anh chị biết không, mỗi lọ em bán hữu nghị 1 triệu (giá mua 10 bảng = 350 ngàn, có khi khuyến mại, mua 1 biếu 1), bao nhiêu cũng hết.
Tôi hỏi:
-Bên Việt Nam không đánh thuế à?
-Không, vì các cháu gửi hàng từ London, tháng 1 lần, mỗi lần không quá 2 kg, coi như quà biếu, vả lại em cũng phải quà cáp cho bên bưu điện nên mọi chuyện okay.
Tưởng chú làm nghề gì, hoá ra buôn lậu cò con để kiếm sống qua ngày nuôi vợ và mẹ vợ. Hay ho gì mà khoe. Nhưng tôi vẫn im lặng để khỏi mất lòng.
Hai hôm sau, chú phôn gặp vợ tôi, chú nói:
-Em đã đọc cuốn Buồn Vui Đời Thuyền Nhân của anh 3 lần. Nhưng em nói thật, anh viết sách như thế về Việt Nam nó bắt đấy, chị nên khuyên anh đừng viết như thế nữa.
Vợ tôi hỏi:
-Chú đọc thấy có hay không?
-Anh viết rất hay.
-Chú đọc có thấy nhà tôi viết đúng sự thật hay bịa đặt?
-Không sai, đúng 100%, nhưng nhiều người cũng bị khổ như mình, có phải chỉ có gia đình anh chị và gia đình em đâu. Nhất là Thanh (tên cô vợ mới ở Việt Nam) là người Việt, nó đọc thì phiền lắm. Anh viết sách tố cáo chính phủ Việt Nam, anh chị về Việt Nam là nó bắt đấy.
Vợ tôi bảo:
-Nếu chú sợ chính phủ cộng sản Việt Nam và sợ cô Thanh buồn thì những cuốn sách anh Mạnh tặng, chú cứ ném vào thùng rác đừng mang về Việt Nam khỏi liên lụy. Chúng tôi không sợ, nếu sợ anh Mạnh đã không viết, đã viết thì không sợ.
Nói xong vợ tôi cúp máy.
Hôm sau, chú phôn cho tôi:
-Anh Mạnh à, nói thật anh em mình bây giờ mỗi người đi theo hai con đường khác nhau rồi. Anh chống cộng ghê quá.
Tôi cười:
-Đúng thật, con đường của chú và tôi mỗi người một ngả, chú về Việt nam, còn tôi vẫn ở London. Tôi đâu có chống cộng, tôi viết sự thật mà chế độ cộng sản Việt Nam đối xử tàn tệ với gia đình tôi và những người Việt gốc Hoa đấy chứ. Không thêm bớt, không bịa đặt, sao chú lại chụp cho tôi cái mũ chống cộng? Hễ ai nói sự thật là chống cộng à?
Chú nói thêm:
-Giỏi như anh, anh nên về Việt Nam đến các thư viện xem cần sách gì thì dịch cho họ có phải hơn không, lại được tiếng nữa.
Tôi cười:
-Trời đất, ở London tôi thích dịch cuốn sách nào là tuỳ tôi, tự nhiên tôi phải về Việt Nam ngửa tay xin việc, có khi dịch xong họ phán 1 câu xanh rờn, “chất lượng dịch không đảm bảo nên không sử dụng” thì làm sao đây? Tôi đâu có cần tiền mà phải làm thêm. Viết và đọc sách đó là thú vui của tôi từ ngày còn là học sinh phổ thông. Nhưng thôi, chuyện này anh em mình chấm dứt, chuyển sang chuyện khác đi.
Thế là từ đó đến nay, mấy lần tôi phôn nhưng chú Thịnh không bắt máy. Tôi và chú mỗi người theo 2 ngả đường, chắc sẽ xa nhau mãi mãi, chỉ vì chú lấy cô vợ trẻ ở Việt Nam.
Thế mới biết, sức mạnh của ái tình hơn cả bom nguyên tử, kề cả với những ông già “thất thập cổ lai hy”, gần đất xa trời.
Dòng họ Lâm chúng tôi chuyển hết về London từ 1986, đến nay các em con chú đều có xưởng may, nhà hàng, công ty Trách nhiệm Hữu hạn, rất khá giả, nhiều cháu (con các em) đã tốt nghiệp đại học và đang học đại học.
Người ta bảo, muốn phân biệt ai là Việt kiều Anh, Mỹ, Canada, Đức… thế hệ I, hãy làm như sau:
- Bàn tay ai nhiều chai sạn, đó là Việt kiều Mỹ.
- Ai lưng còng còng, dáng đi cúi về phía trước, hay chăm chú nhìn là Việt kiều Canada.
- Ai ngồi thật lâu không thay đổi tư thế là Việt kiều Anh.
- Ai chịu rét giỏi, đứng lâu không biết mỏi là Việt kiều Đức.
Vâng thế hệ I người Việt và người Việt gốc Hoa, tỵ nạn cộng sản, cuộc đời lầm than cơ cực, phải kiếm sống bằng mọi ngành nghề khốn khổ trong những năm tháng đầu tiên đến xứ người như vậy đấy. Đó là những đồng tiền kiếm bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình, từ hai bàn trắng để có ngày hôm nay.
Mai đây, ai đó, có thể ví chúng tôi là những viên gạch lát đường, là móng, là nền… cho các thế hệ nối tiếp, xây những khu siêu thị hoành tráng, những lâu đài văn hóa, khoa học của người Việt ngày một bền vững trong khối cộng đồng các sắc tộc nước sở tại, kể cũng không sai.
Ngày nay, tất cả con cái chúng tôi đều có công việc ổn định, đã lập gia đình, vợ đẹp con khôn, ô-tô nhà lầu. Trai gái dâu rể đều có bằng tốt nghiệp từ Master trở lên. Ba mươi năm trước, lang thang ở bến Tam Bạc tìm thuyền, tôi chẳng bao giờ tưởng tượng có ngày hôm nay.
Đời tỵ nạn của gia đình tôi buồn nhiều, nhưng kết có hậu. Những gì chúng tôi có được do công sức giúp đỡ của bao người từ Chính phủ, nhân dân Vương quốc Anh, các thày cô giáo Anh ngữ tới bạn bè cùng cảnh ngộ. Kế tiếp cũng do chúng tôi đã biết dựa vào nhau, đứng lên làm lại cuộc đời.
Cảm ơn Đời, cảm ơn Người, cảm ơn tất cả những ưu ái đã dành cho gia đình tôi trong suốt 30 năm qua.Mấy năm nay, chúng tôi sáng sáng đi bách bộ, hàng tuần đến Hội Hoa Liên tập Tai Chi, khiêu vũ, bơi, tắm hơi… cuối tuần đàn cháu nội ngoại đến thăm, nhà đầy ắp tiếng con trẻ. Hè hàng năm đi du lịch trong và ngoài nước, nghỉ mát vài tuần.
Chúng tôi tự coi đã làm tròn trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, cuộc sống hiện nay an nhàn, vui vẻ, thanh bình trong cảnh xế chiều.
Lâm Hoàng Mạnh
Kỷ niệm 32 năm làm người Viễn Xứ
Sửa chữa và bổ xung 23-11-2014-Kỷ niệm 32 năm làm người Viễn Xứ