Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (12)

--Chương 12
Một đoạn đường


Điều tôi quan tâm nhất là chuyện học hành của tụi trẻ. Con gái tôi vì quen các thày cô và hiệu trưởng, đi học chưa đầy 4 tuổi, đang học lớp 3/10 phải bỏ học, theo bố mẹ lang thang các trại tỵ nạn, thấm thoát gần 2 năm. Hai thằng bé, bắt đầu tuổi vỡ ruột, vì thế khi trại cho ra định cư, tôi nhận ngay, chỉ cần kịp ngày khai giảng.
Trong cuốn Cẩm Nang Người Tỵ Nạn, chúng tôi có quyền từ chối 3 lần nếu không ưng căn nhà được cấp. Khi đến thăm khu Knightsridge, thật lòng không muốn, nhưng ngày khai trường sắp đến, đành nhận.


Tôi học hành đến nơi đến chốn, nhưng gian nan, ngắt quãng nhiều lần. Năm 1945, chuẩn bị lớp vỡ ruột, Cách Mạng Tháng Tám, khí thế hừng hực, học hành gì. Chị em tôi ở nhà, ba tôi kiêm luôn chức thày giáo. Năm sau, học được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến 12-1946, nửa đêm tổ vệ quốc quân đóng gần nhà, kéo gia đình tôi chạy tản cư.

Tiền bạc, đồ quý, chưa kịp lấy, họ bảo, nhanh lên, quân Pháp sắp tấn công, khi nào im tiếng súng, quay lại lấy chưa muộn. Cả nhà bồng bế dắt díu nhau, khăn gói tay nải, mỗi người vài bộ, cứ thế theo Vệ Quốc Đoàn lùi dần, lùi dần về Chợ Hỗ. Hải Phòng rơi vào tay quân đội Pháp. Hết đường về, bà tôi bảo, thôi về quê. Tất cả về quê, xã Đại Bản, An Dương, tá túc, chờ qua cơn binh lửa. Nông dân ban ngày cày bừa, ban đêm là Việt Minh, ai hé răng tính chuyện về thành, đêm, có người bịt mặt đến thăm, ăn đạn liền. Sợ xanh mặt, chả dám ngo ngoe hay lộ ý.
Năm 1947, về Hải Phòng, tôi mới cắp sách đến trường. Cuối năm 1953, chú thứ hai đi chơi với em rể, chú Thịnh, loáng quáng thế nào, cả hai bị xe quân cảnh Pháp chặn ngang hai đầu phố, a-lê-hấp, lên xe bịt kín, tống vào trại. Nghe tin, cả họ đi tìm, gặp hai ông chú trong trại lính khố xanh Ngã Tư Lạch Tray, may-ô quần đùi, đứng trong sân có hàng rào mắt cáo. Chỉ huy sợ trốn trại, dùng độc kế, chỉ cho mặc quần đùi, áo may ô. Chịu, không thể trốn, thành lính bất đắc dĩ. Chú rể, cao to vào lính dù, về sân bay Cát Bi luyện tập. Chú thứ hai tiếng Pháp khá, lính hậu cần, bán hàng trong căng-tin của trại. Cả hai chưa kịp ra trận, chưa cầm súng bóp cò. Chiến tranh kết thúc cả hai trở thành nguỵ quân, thành phần nguy hiểm, trong danh sách sổ đen. Học tập, cải tạo mấy buổi, mang lon binh nhất, lính mới tò te, chưa nguy hiểm, nhưng hễ căng thẳng, hai ông đều phải cắp quần áo lên khu phố tập trung, nhanh một đêm, có kỳ một tuần, cơm chính phủ nuôi. Gia đình chịu, không biết tập trung (giam) ở đâu để thăm nom. Hai chú tôi bảo, ấy thế mà vui, toàn lính cũ tự nhiên được gặp nhau, bữa ăn còn có chút thịt cá, hơn cơm nhà. Từ ông chủ hiệu giầy, hiệu ảnh, chính phủ không cấp môn bài, đồ đạc bán ăn dần, xin việc chẳng ai nhận ngụy quân, đành mở quán bán nước mía, thạch găng, nước ngọt kiếm sống qua ngày. Thế mà quán bán nước cũng sập tiệm. Đơn giản là thân nhân của một công an tiểu khu ccũng mở quán. Sao một phố có những hai quán bán nước, ế là phải. Năm sau, cấp giấy phép mới, quán của ông bà dẹp.
Không thể nhìn đoàn tầu há mồm 7 đứa con đói, ông đành mua chiếc xe xích-lô làm tắc-xi chở khách. Nghề cu-ly xe chẳng thằng nào con nào ghen ăn tức ở nữa. Rồi có ông bạn quen lên chức phó chủ nhiệm hợp tác xã bánh kẹo thành phố, họp ban chủ nhiệm, đứng ra bảo lãnh tư cách thân nhân, ông được nhận làm xã viên, đóng góp chiếc xích-lô. Nhiệm vụ được giao, chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hoá của HTX đến và đi các cơ sở. Lương bổng khoán theo sản phẩm. Tháng tháng thu nhập đều và cũng đủ “xăng” bơm mồm cả đoàn tàu 9 toa. Bà cô tôi, đàn em gái, nhân viên tổ đan len, ngày ngày cặm cụi đan đan lát lát, thêm dầu nhớt cho tàu trơn bánh. Cả nhà ông mừng, cả họ tôi mừng. Thôi, thế cũng đỡ phơi mặt ra đường, đạp xe rong, hôm nhiều hôm ít như anh thả lưới bắt cá, thu nhập bấp bênh. Đời cu-ly xe, ấy thế ông vẫn giữ được phong độ ông chủ thời Tây. Bộ com-lê màu hạt giẻ, cà-vạt, áo trắng cổ cồn, giầy da ông tự đóng, đói mấy cũng cố giữ, bà cô tôi vẫn có chiếc áo dài nhung màu huyết dụ, chuỗi ngọc trai. Ngày Tết ông bà lại thắng bộ, nhớ lại thời hoàng kim, quên phận cu ly, mỗi năm được vài ngày, ôn kỷ niệm.
Nhà ông bà khá rộng, tầng dưới cho tổ đan len thuê, nghỉ hè 1964, tôi đến thăm, vừa bước chân vào cửa, thấy mấy chục phụ nữ ngồi duỗi dài, đan len tán gẫu, nhiều cô trẻ. Tôi hoảng, không dám nhìn, nghếch mắt ngó trần nhà, bước thẳng. Chả biết cô nào tinh quái, thò ngay chân ngáng, tôi vồ ếch. Không đau, nhưng xấu hổ, cả hội cười, có lỗ nẻ, chắc chui liền. Bà cô tôi, nói, muốn làm cháu dâu phải thế nào, ai lại cho nó con ếch to thế. Từ đó tôi chỉ đến nhà ông bà vào buổi tối, ban ngày, cạch. Thanh niên thời ấy có câu “Cơm hàng cháo chợ, vợ tổ đan”, ngày nay được chuyển thành “Cơm hàng cháo chợ, vợ làm Nails”.
Năm 1966, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch thăm nơi sơ tán bệnh viện, y bác sĩ cùng lãnh đạo đưa bộ trưởng thăm cơ sở. Đến khoa dược, hơn chục nữ sinh dược tá thực tập, xếp hàng đón. Không để ý, tôi lại bị một cô ngáng chân, loạng choạng suýt vồ ếch trước mặt bộ trưởng. Cả đoàn chả ai dám cười, sợ phiền lòng bộ trưởng. Trưởng khoa dược ghé tai, “Con Minh đấy, cách tỏ tình sơn nữ, sợ gái dân tộc chưa.”
Bà tôi sợ chú thứ nhất bị bắt lính, chuyển lên Sơn Tây, nơi vợ chồng cô thứ hai đang sinh sống. Tôi lại chuyển trường.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Gènerve ký kết, tháng 6, 1955, lại quay về Hải Phòng bằng đường thủy. Tất cả vốn liếng có, mua bương, tre gỗ, nứa vừa làm bè chuyển nhà, vừa buôn gỗ luôn.
Số giàu chấm hết khi đến Cầu Bo, Thái Bình, một trận bão cấp 12 đổ trực tiếp vào vùng biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Mười mấy chủ bè sạch sành sanh, tay trắng. Bè tan, gỗ, tre, nứa từng đống chân Cầu Bo, còn tất cả trôi mất ráo. Đau nhất, của nả trong két sắt chìm sâu dưới lòng sông. Thuê người lặn, gần 10 ngày, chịu, coi như của đi thay người.
Tay trắng, về Hải Phòng tìm nhà cũ, người thuê nhà không trả mà còn lý sự, “Cách mạng về rồi, khác xa thời đế quốc, thực dân.” Ai ngờ ông này, Việt Minh nằm vùng, tuy là họ mạc xa, nhưng trở mặt. Thua!
Bà tôi đành lấy tình dì cháu, nói sùi bọt mép, ông ta đồng ý mua, trả giá bằng 1/2 giá thực tại. Thế là may, không trả thì làm gì ai. Bây giờ, làm bí thư đảng ủy Nhà máy Xi măng, trước kia mỗi lần từ quê ra, cho ăn cho ngủ, nay cướp nhà.
Thời thế đảo điên. Cải cách Ruộng đất đang nóng bỏng, con tố cha, vợ tố chồng, lộn tùng phèo. “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.” Tái ông thất mã. Gia đình tôi đang là doanh nhân khá giả, đột nhiên thành vô sản, giai cấp cần lao, thành phần nòng cốt, tin cậy của cách mạng.
Tất cả vốn liếng, hoa tai dây chuyền, nhẫn vàng… của cả nhà góp lại, mua nhà trong ngõ phố Trại Cau, toàn dân tứ xứ, chả ai biết tông tích. Khai hộ khẩu, dân Sơn Tây chuyển về, nơi ấy di cư vào Nam hết, không thể mò ra nguồn gốc.
Quá khứ giấu biệt. Hai ông chú, từ con đẻ biến thành con nuôi, con rể biến thành rể hờ, cô ruột biến thành cô (con) nhận. Đổi họ, thay tên, xóa mọi dấu ấn liên quan với người “xỏ nhầm giầy, theo Tây đánh Ta.” Lý lịch sạch băng, dân nghèo thành thị, mới được học trường y, lộ chuyện, bán thuốc ê, sấu dầm, bánh bao, kéo xe bò là cái chắc. Thương gia, doanh nhân thuộc thành phần xấu, lười lao động, phải cải tạo, không cho con em chúng lọt vào các trường trung cấp, đại học, cái nôi đào tạo cán bộ cho cách mạng.
Do chính sách dở hơi này, con cháu địa chủ, tư sản, ngụy quân, ngụy quyền không phải đi bộ đội, thanh niên xung phong, trong suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ, sợ vô Nam, hồi chánh, đầu hàng Việt Nam Cộng hòa. Con em bần cố nông, con cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức… đi bộ đội, thanh niên xung phong dài dài. Con em thành phần xấu an tâm làm cu-ly, phe phẩy -buôn bán chợ đen- chẳng sứt tí da, mất giọt máu nào! Mãi đến năm 1974, lính thiếu trầm trọng, con em trí phú địa hào, ngụy quân ngụy quyền mới “được vinh dự nhập ngũ”, nhưng con cái họ hết tuổi bắt lính, lũ cháu chắt, mũi còn thò lò, chưa đủ tuổi. Con chú thứ hai và con cô, cam phận làm cu ly bốc vếch, không bị đi bộ đội. Tuy nghèo nhưng sống khỏe re, không đui què mẻ sứt, năm 1979 theo chúng tôi, chốn đi Hong Kong, định cư London và Canada.
Nền giáo dục Vương quốc Anh nói chung, Scotland nói riêng có nhiều điểm khác biệt so với nền giáo dục Việt Nam. Nhà trường xếp lớp dựa vào lứa tuổi, không dựa vào trình độ học vấn. Tuổi nào vào lớp đấy, tránh tình trạng thằng lớn to xác ngồi chung bàn với đứa bé, gây lộn xộn, bắt nạt nhau. Việt Nam lại khác, đến nay vẫn vậy, to đầu đến đâu, trình độ lớp 4 vào lớp 4. Không vậy, trò đông 50 đến 60 đứa, làm sao dạy nổi một lớp có 5, 6 trình độ học lực khác nhau. Lớp tiểu học ở Vương quốc Anh không quá 30 học sinh/ lớp, có 2 thày cô, giáo viên chính và trợ giáo. Phương pháp giáo dục là phát triển tư duy của trẻ. Học sinh Việt Nam, máy chép bài, học vẹt, chương trình lan man, thiếu trọng tâm và thực tế. Ngoài ra còn có lò đào tạo “gà nòi” chuyên đi thi đoạt giải Olympia, lòe thiên hạ, một thứ phù hoa giả dối, trang điểm lòe loẹt, che đậy thực chất yếu kém nền giáo dục lỗI thời.
Người cộng sản Việt Nam bao giờ cũng tâm đắc với câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của cụ Hồ, nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Người lãnh đạo chính phủ Vương quốc Anh, dù Công Đảng hay Đảng Bảo Thủ cầm quyền, đều có chính sách quan tâm đặc biệt về giáo dục và đào tạo, không hề có một khẩu hiệu hay băng rôn nào quảng cáo “trồng người, trồng cây” như nhà nước cộng sản, nhưng chính sách trồng người của họ quả thật tuyệt vời. Xin giới thiệu vài nét chính:
  • Trẻ sơ sinh đến 5 tuổi con nhà nghèo được cấp phiếu sữa tươi/bột miễn phí
  • Trẻ mới sinh đến 16 tuổi, có Child Benefit, không kể gia đình giàu hay nghèo
  • Tất cả trẻ em từ 5 đến 18 tuổi đi học miễn phí
  • Cấp sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học sinh, miễn phí
  • Con nhà nghèo, bữa cơm trưa miễn phí
  • Học sinh cấp tiểu học cấp miễn phí 250ml sữa tươi. (Năm 1987 bỏ tiêu chuẩn này.)
  • Bậc đại học và cao đẳng, sinh viên con nhà nghèo miễn phí, được trợ cấp sinh hoạt phí tối thiểu
  • Trẻ em từ sơ sinh đến 16 tuổi (học sinh) miễn phí tầu xe
  • Để khuyến khích học sinh học A levels, Six form College (từ 16 đến 18) chính phủ cấp 30 bảng /tuần trợ giúp sinh hoạt
  • Khám chữa bệnh miễn phí. Trẻ em từ sơ sinh đến dưới 16, người già trên 60 và người thất nghiệp, đi khám bệnh được cấp thuốc miễn phí.
Từ năm 1993, kinh tế suy thoái, Thủ tướng Anh, John Major, cải cách chính sách giáo dục và đào tạo nhu sau:
  • Nâng các trường cao đẳng (Polytechnics) lên đại học (Universities). Mục đích thu hút học sinh nước ngoài du học. Học phí và điều kiện nhập học các trường này thấp hơn nhiều so với các trường đại học cũ. Để phân biệt, người ta gọi các trường cao đẳng mới nâng cấp là New Universities. Hầu hết sinh viên du học Việt Nam hiện nay theo học các trường Đại học ở Vương quốc Anh đều là trường Polytechnic cũ, lý do học phí thấp và điều kiện nhập học rất dễ dàng. Cách phân biệt hai loại trường này, xin gợi ý: Tất cả trường đại học cũ có đủ các khoa ngành trong đó có khoa y và dược. Trường New Universities không có bộ môn này.
  • Bỏ chế độ cấp sinh hoạt phí cho sinh nghèo, sinh viên được vay ngân hàng lãi suất 0,02%. Sau khi ra trường có việc làm mới phải trả dần, số tiền rất tượng trưng theo thu nhập trong nhiều năm.
Có nước cộng sản nào trên thế giới từ xưa đến hôm nay đã làm được “cách trồng người” như chính phủ Vương quốc Anh không? Tôi có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột là KHÔNG! Và không bao giờ xảy ra nếu chế độ cộng sản còn thống trị quốc gia đó.
Sung sướng quá, con nhà nghèo, con tỵ nạn Việt Nam có đường tiến thân trên con đường học vấn. Cơ hội trong tầm tay, không được bỏ lỡ. Cấp I, tôi kèm tụi trẻ Toán, lên cấp 2 và cấp 3 (Secondary & High School) kèm cả Lý, Hoá, chính vì thế trẻ nhà tôi lực học khá hơn trẻ cùng lớp.
Vợ tôi bảo, trồng rau mà không bón phân, tưới nước, bắt sâu nhổ cỏ, làm sao mà bội thu được. Chí lý chí tình, ngoài “bón phân, tưới nước”, tôi còn phải “bắt sâu, nhổ cỏ”có nghĩa là phải cảnh giác cao độ lối sinh hoạt, giao lưu bạn bè của tụi trẻ. Cả khi chúng đã vào đại học, không sao nhãng “bắt sâu, nhổ cỏ.” Quả trên cành, sắp chín dễ bị sâu cắn, gió lớn, mưa to vẫn rụng như thường.
Sinh nhật 18 tuổi hai thằng con, chúng mời bạn bè thân cùng lớp ở đại học, đa số con em triệu phú, tỷ phú nước ngoài, trong số đó có cháu Gerrard con tỷ phú Indonesia, đi chiếc xe Jaguar thể thao mới cứng đỗ ở cửa. Chiếc xe thời điểm 1993 trị giá 65 ngàn bảng, gần bằng tiền ngôi nhà 2 buồng ngủ, tiền bảo hiểm xe 6 ngàn. Chà, chơi sang thật dữ! Con tôi bảo, bố nó thuộc Top 10 giàu nhất nước Indonesia. Gặp gỡ, tiếp xúc, mọi chuyện thấy bình thường, riêng sức khỏe hom hem, da xanh, không thể hiện sự cường tráng của tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” như con tôi. Chắc học nhiều nên gày yếu, còn thiếu ăn làm gì có. Hỏi thằng con, nó học khá không? Cười, thường thôi. Bố mẹ nó mua căn hộ ở trung tâm London, trị giá 100 ngàn bảng từ 1990 (thời giá bây giờ là tiền triệu), có cả người giúp việc cơm bưng nước rót. Tại sao lại hom hem?
Tìm hiểu, cậu cả có bồ gái Nhật sống chung như vợ chồng mấy năm nay rồi từ khi sang London học Anh ngữ, trước khi vào đại học. Sâu đấy, phải tránh xa! Tôi khuyên thằng con và tiên đoán Gerrard sẽ lưu ban. Cuối niên khóa, quá nhiều môn thiếu điểm, anh chàng bị lưu ban, xấu hổ, đi Mỹ học.
Con gái tôi có cô bạn Ấn Độ cùng lớp, bố là bác sĩ, trường Old Palace High School for Girls, đến chơi. Tôi hỏi, con tôi bảo, nó hay nghỉ học, bà hiệu trưởng cảnh cáo nhiều lần. Tôi bảo, chấm dứt quan hệ. Kết quả, cuối năm tú tài I nó bị đuổi.
Tôi thành vị tổng tư lệnh tối cao của đàn con. Bảo không, là không, chấp hành nghiêm chỉnh, cấm cãi, cấm phản biện. Có uy lực mới dạy được con.
Tôi đã sửa rất nhiều tật xấu, trong đó bỏ hút thuốc lá từ 1984. Bố hút thuốc làm sao mà cấm con. Vừa tốn tiền, hại sức khỏe cho bản thân và cả nhà. Bỏ thuốc lá cũng gian nan, nói dễ, thực hiện khó. Tôi có ông bạn bỏ thuốc lá 10 năm, về Việt Nam 3 tháng, đến nhà thăm, ông lại phì phèo. Hỏi “Sao hút lại?”- “Hút chữa bệnh nấm da.” Hỏi thêm “Ai nói với bác”- “Mấy cậu em nhà tôi.” Bà vợ phản biện “Ông đừng đổ cho các cậu mà phải tội, ông đi bù khú lắm vào, thằng này gạ thuốc, thằng kia chê ông keo kiệt bủn xỉn không dám mua thuốc 3 số đãi, chúng nó 1 điếu, ông cũng 1 điếu, bập lại có trời can.”
Đúng thật, trời can!
Ông vẫn phì phèo, ngày 1 bao 20 điếu. Hai thằng con trai ông, hơn hẳn ông một bậc, hút cần sa và nghiền đánh bạc máy, vào trại cai nghiện vài tháng. Đời tàn, học hành dở dang, làm xảo-voọc ở cửa hàng anh rể, thỉnh thoảng chị gái dúi ít tiền chơi bạc đỡ cơn nghiền.
Khu Knightsridge có 5 gia đình, ông bà Hoóng có thằng con 16, gia đình Phan Hoa Vinh có 4 thằng con, thằng lớn 17, kết tiếp 15, 13 và 10, nhà Móng Cái, con lớn 14, kế theo 10, 7… các cháu bé học primary, hầu hết sau hai năm theo kịp trẻ địa phương. Những cháu 16 trở lên, học College, thật cố gắng và hiếu học mới vào được cao đẳng, còn không làm xảo-voọc, bồi bàn. Sau này, dành dụm mở nhà hàng, Take-away, xưởng may.
Đó là lý do vì sao sau 20 năm có nhiều nhà hàng của người Việt, xưởng may mọc lên như nấm ở Scotland, Midland, Wales, London, South England.
Nghề Nails phát triển ở Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1980, nhập vào London năm 1995, phát triển mạnh từ 2000, thân nhân định cư bên Mỹ giúp đỡ, truyền nghề. Nghề Nails ở U.K đa số là người Việt nhập cư sau năm 1992, ngườI Hải phòng. Những gia đình nhập cư 1980, thế hệ 1 đến nay đều có tuổi; thế hệ 2 đã tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, nếu không vào đại học cũng có nhà hàng lớn nhỏ, ít ra cũng có Take-away đủ sống.
“Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy.” Đã nhập hội Cái Bang, bị gậy kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất, xin chân rửa bát, phụ bếp, lao công, quét dọn… tại các cửa hàng ăn, cửa hàng đồ khô cho người Tầu. Chưa biết tiếng Quảng, người nọ giúp người kia. Phong trào học tiếng Quảng phát triển nhanh trong cộng đồng người Việt (cựu) gốc Hoa, chẳng cần ti-vi truyền hình quảng cáo, cộng đồng Hoa kiều mở lớp dạy trẻ em và người lớn ngày Chủ nhật, lớp đông, khác hẳn lớp tiếng Việt, lèo tèo dăm mống, tôi đã tham gia dạy năm 1987 ở quận Croydon, London. Nhiều gia đình không nói tiếng Việt, vì miếng cơm manh áo, quyền lợi sát sườn, đi học tiếng Quảng đã thu hút họ như thứ nam châm cực mạnh. Cộng đồng Hoa kiều Vương quốc Anh khắp các quận phát triển nhanh, thu hút người (cựu) người Việt gốc Hoa tham gia.
Tôi ra định cư 09-9-1980, đúng dịp niên học 1980-1981 khai giảng ngày 08-9-80. Ông bà Tom & Jenny Leach, hai người thày giáo Anh ngữ, bạn quý của gia đình từ 1980 cho đến nay, giúp tôi đi đúng hướng. Bà Jenny Leach bảo, sợ nhất chúng quên tiếng Việt, phải giữ bằng được ngôn ngữ dân tộc mình. Bắt chúng nói tiếng Việt với cha mẹ, nếu không, sau vài năm, tiếng Việt trở thành ngoại ngữ của nó. Hai ông bà từng là giáo viên dạy Anh ngữ nhiều năm ở Lục địa Đen, kinh nghiệm đầy mình dạy người nước ngoài.
Cám ơn Prof Jenny Leach, bà trở thành giáo sư Đại học Cambridge năm 2000, qua đời 10-2007, vì ung thư. Nhờ bà, các con tôi rất giỏi tiếng và chữ Việt, mặc dù hai thằng bé vỡ lòng là Anh ngữ.
Prof. Elsa Davenport, giáo sư trường Stevenson College, người thày và cũng là người bạn của gia đình đã giảng giải cho tôi hiểu nền giáo dục ở Vương quốc Anh, điểm khác biệt giữa hệ thống giáo dục England và Scotland, thật quý báu, giúp tôi định hướng cho đàn con. Hàng năm, sinh nhật cháu nội ngoại của tôi, bà đều gửi quà.
Trẻ bắt đầu đi học vỡ lòng, tính theo ngày sinh, cháu nào sinh từ 03-9 bị thiệt, học muộn 1 năm so với cháu sinh 30-8. England học cấp 3 (High School) 2 năm, A levels hay Six form. Scotland, cấp 3 có 1 năm (High levels), vì thế các trường đại học Scotland học 1 năm dự bị đại học. Lấy bằng cử nhân ở đại học England có 3 năm, ở Scotland 4 năm. Trong Top 10 của các trường đại học toàn Vương quốc Anh, Scotland có 2 trường, 8 trường còn lại thuộc England.
Sau ba năm, các con tôi đã theo kịp chúng bạn, riêng đứa con gái rất xuất sắc, thường được báo cáo điển hình. Bà Jenny Leach, hồI ấy là giáo viên Anh ngữ trường Dean Secondary & Hgh School, nơi mà niên học 1984-1985 con gái tôi sẽ vào. Bà nói thật, chất lượng nhà trường thấp, nếu có điều kiện cho con thi vào trường tư thục (Private School) ở Edinburgh, đỗ điểm cao sẽ được học bổng (Scholarship), bà tin con tôi sẽ vượt qua kỳ thi sát hạch nếu nộp đơn.
Khốn nỗi, từ Knightsridge đến trường Secondary & High School ở Edinburgh xa gần 30 dặm, đổi hai xe bus xanh, chuyển 2 hay 3 xe bus đỏ, gần 12 tuổi làm sao đi học một mình được. Vợ tôi đi làm, so với lĩnh trợ cấp hơn khoảng 25 bảng /tuần, trừ tiền xe, ăn trưa, hơn đúng 15 bảng. Chủ hộ, tôi vẫn phải đi ký thất nghiệp hai tuần một lần, dù chẳng được một cắc, còn mất tiền xe bus.
Tôi hỏi, họ bảo, không ký cũng được, nhưng nếu vợ mất việc, ký lại khó lắm. Đành chịu. Muốn chuyển nhà về Edinburgh hay London ít nhất phải có một hai ngàn bảng và kiếm được việc làm, không có việc chủ nhà không cho thuê. Họ không muốn dính dáng lôi thôi với sở thất nghiệp.
Mùa đông 1980, năm đầu tiên biết thế nào cái lạnh miền hàn đới. Năm ấy, theo người địa phương, rét nhất trong 10 năm qua. Gần lễ Giáng sinh, tuyết rơi dày đặc suốt ngày đêm, lò sưởi gas bật hết cỡ, trong nhà nhiệt độ lên được 25 độ C. Sáng hôm sau, mở cửa lấy chai sữa, một đống tuyết cao ngang thắt lưng đổ thẳng vào bếp. Tuyết dày gần 1 mét, đi cầu, giật nước không chảy. Hệ thống dẫn nước đóng băng, may chưa vỡ ống dẫn. Không có nước, tôi mang xô ra cửa xúc tuyết, đun lấy nước ăn uống, rửa mặt, đổ cầu tiêu. Tuyết tan ra, thế mà thật bẩn, đáy nồi đầy cặn. Đêm ấy, nhiệt độ âm 30 độ C.
Theo dự báo thời tiết, rét còn kéo dài, vùng cao đề phòng bão tuyết. Trong khi đó nhiệt độ London ban đêm -10, ngày -3 đến -5 độ C, không có tuyết.
Sướng chưa!
Hệ thống giao công cộng tê liệt, không xe bus, không tầu hỏa. Trường học, công sở, đóng cửa. Xe không chằng xích vào lốp không thể đi được, bánh xe cứ xoay tít trong tuyết. Tôi hà hơi nhiều lần vào cửa kính, đá dính cửa mới tan, lau kỹ nhiều lần mới nhìn thấy ngoài trời. Tuyết vẫn rơi tầm tã. Cả không gian chìm trong tuyết trắng, nhà trắng, đường trắng và vắng lặng. Buồn thúi ruột. Thỉnh thoảng một vài đứa trẻ, quần áo kín mít, tay mang tất, nắm từng vốc tuyết ném nhau. Nhìn mà lo, mùa đông nào cũng thế này, tính sao đây.
Hồi ở Việt Nam, thấy tuyết trên phim ảnh sao mà đẹp thế. Những bông tuyết trắng xóa, lả tả rơi trong không gian, trong phim, lính Nga còn tắm tuyết. Cởi trần trùng trục, vốc từng đống tuyết trắng, xoa xoa vào người, da ửng đỏ. Xem phim, tôi thấy tuyết thật đẹp, chắc không quá lạnh. Ao ước được du học hay du lịch, chỉ một lần thôi được hứng từng bông tuyết trắng muốt lả tả rơi nhẹ lên bàn tay mình. Giờ đây, tuyết đang rơi tầm tã, rét kinh hoàng, tê tái, thê thảm.
Nghệ thuật và đời thực khoảng cách thật xa.
Tết Nguyên đán 1983, thật bất ngờ, vợ chồng Phan Hoa Vinh báo tin, gia đình Sinh dọn về Bathgate, anh ta cho cả địa chỉ và số điện thoại. Cuối tuần, ra telephone box gọi điện hỏi thăm, mời đến chơi.
Nhà hai tầng, 3 buồng ngủ, đẹp, khang trang.
Hơn một năm gặp lại, anh Sinh nói hết sự thật.
Cả 4 gia đình Knightsridge làm chui trong các nhà hàng Take-away của Tầu từ cuối năm 1980, gia đình anh bị bà Smith dòm ngó nhiều quá. Nếu tiếp tục làm, sợ bà bẩm báo, đành về thuê nhà “David chó” ở tạm, ấy thế cũng mất hơn 6 tháng. “Nhà này, tay chủ Take-away ở Bathgate xin cho đấy. Lão Vinh, tay Dzùng, thằng Chí con bà Hoóng đều làm ở Bathgate, muốn làm không, xin cho. Cửa hàng bây giờ đông khách, cần người phụ làm với mình. Yên tâm đi, một đêm 12 bảng. Thế nào?”
Cô vợ anh Sinh nhanh miệng, bảo, kiếm chút đỉnh, chứ thật thà như ông bà, con cái khổ, chẳng ai khen. “Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm.” Bà đi làm, có lĩnh thất nghiệp đâu mà sợ, ông đi học. Học quái gì mà lâu thế. Bây giờ tiền trên hết. Tôi bảo, “Khổ nỗi, càng học càng thấy dốt, anh hỏi đi, tay Mằn Phúng -Văn Phong- nhận, Thứ Bẩy tôi đi làm với anh, tôi chả biết khỉ gì đâu.” “Yên tâm đi, anh em giúp nhau, có khó gì đâu. Công việc tả chạp, làm hành, làm gà… chỉ là biết liền mà.”
Từ đó, Thứ Bẩy, đón xe bus xanh đi Bathgate từ 3 giờ chiều, có hôm gần 1 giờ sáng Chủ Nhật mới hết khách. Chủ tiện đường đưa về nhà. Như vậy Take-away của Văn Phong có 3 thằng chúng tôi ở Knightsridge, anh Sinh bếp trưởng, anh Phan Hoa Vinh phụ xào và tôi phụ phẹt. Ba thằng tỵ nạn vui như Tết, vừa làm vừa tán dóc. Tính ra nó trả có 0.80 bảng/giờ. Bọn Hong Kong mắng, chúng mày ngu, trả thấp thế mà cũng làm, hại cả chúng tao. Biết làm sao, tôi mỗi tuần làm có 1 buổi, kiếm 12 bảng ky cóp dần để chạy về London.
Năm 1983, Phan Hoa Vinh lên tay nghề, sang cửa hàng khác làm bếp trưởng, tôi phụ xào, vợ tôi cũng tham gia thay chân phụ phẹt.
Trẻ con 3 đứa, ở nhà một mình. Vừa làm vừa lo ngay ngáy, mỗi khi có chuông điện thoại ở cửa hàng là giật thót. Khách mỗi ngày một đông, tôi và nhà tôi tuần 2 buổi thứ Bẩy và Chủ nhật, tính ra, một tuần kiếm được 50 bảng bỏ hòm dành cho cuộc di chuyển về London.
Giữa năm 1983, chú Thinh viết thư, nói có bạn quen ở London rủ về, “chúng em về trước, có gì anh chị về sau.” OK. Hai tháng sau, thư Thịnh viết, “Em thuê được nhà, tháng 30 bảng/buồng. Kiếm được việc làm xưởng bánh mỳ. Anh chị có định chuyển, xuống chúng em thăm thú.” Tuyệt rồi! Phải đi chứ.
Sau lễ Giáng sinh, tôi xuống thăm cô chú. Hai vợ chồng hai đứa con, lớn 5, bé 2 tuổi, thuê một buồng đôi. Tôi đến, may thằng chủ cho ngủ phòng khách. Đêm làm ngày nghỉ, chú bảo, thế mới có thời gian xin nhà, xin trợ giúp tiền nhà, vì lương thấp, chú dẫn tôi tìm nhà thuê.
Đa số đòi đặt tiền cọc tối thiểu 1000 bảng. Tiền đâu ra.
Trong tay cả hai vợ chồng hòm hòm gần ngàn, đặt cọc còn thiếu, tiền thuê van chở đồ, tiền ăn, tiền nhà hàng tuần lấy đâu ra. Cô Linh, vợ chú Thịnh bảo, “Chúng em cho vay tiền đặt cọc.” Cô chú thật chân tình, tôi không dám lợi dụng. Tôi bảo “Thôi, khi nào chú xin được nhà, tôi thế buồng chú thuê, bây giờ cố làm thêm, dành tiền.” Thế cũng được.
Năm 1983, con gái tôi, tỵ nạn Việt Nam, mới vào học 3 năm, không những theo kịp bạn bè mà còn học giỏi, xuất sắc mọi môn, nhất lớp, thường xuyên báo cáo điển hình. Chúng tôi mừng quá. Tay Văn Phong, chủ cửa hàng, có thằng con trai 15 tuổi đang học tư thục ở Edinburgh, xem report của nhà trường, bảo, sẽ giúp đưa con tôi đi học, nếu thi đỗ. Cộng đồng người Hoa rất đoàn kết và tận tình giúp nhau nơi đất khách. Cảm ơn tấm lòng thiện tình, nhưng không thể nào nhờ vả 7 năm học, chúng tôi phải đi bằng chính đôi chân của mình.
Bà Ruth Chenney, phu nhân Peter Chenney, nhạc công vĩ cầm, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Áo,. Năm 1976, sau khi bị tai nạn xe hơi, bà làm gia sư môn vĩ cầm và dương cầm. Năm 1982, ở Ladywell có người bán chiếc dương cầm cũ, 45 bảng. Tôi hỏi về việc học nhạc, bà bảo con anh chị học thì tôi lấy nửa học phí.



-Bà thân chinh đến kiểm tra chất lượng đàn, thuê xe chở về. Hàng tuần con tôi đến nhà bà học, sau 3 tháng thi Grade I đỗ hạng ưu (distinction), đó là thứ hoa lá trang trí cho đời thêm xanh, học hết grade 8, cũng là lúc hết A levels, không vào viện âm nhạc, học ngành y, nối nghề cha mẹ.
Từ khi ra định cư, ông bà Tom & Jenny giúp tôi tìm mọi cách được trở lại nghề nghiệp. Anh ngữ chưa đủ, bằng cấp của Việt Nam, nhất là ở miền Bắc không được các nước công nhận, phải làm lại từ đầu. Tuổi đã ngoại tứ tuần, đào tạo 5 năm, quá tốn kém. Tôi hiểu, mặc dù thư của Hội Y học UK trả lời động viên. Kiếm nghề khác thôi. Về London, gặp rất nhiều bác sĩ phía Nam cũng phải bỏ nghề, dù Anh ngữ rất giỏi.-

Tổng số lượt xem trang