Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (11)

-11. Bước Đầu Định Cư
   Bìa ngoài “Cẩm nang người định cư” (tháng 9-1980)
 Ra định cư, Trại Cotlness phát cho mỗi gia đình một cuốn Cẩm Nang Người Định Cư, tuỳ lựa chọn bản chữ Trung hay bản chữ Việt, gồm các mục:
A-Trợ cấp Xã hội (D.H.S.S), hồi ấy Bộ Y tế chưa tách riêng
B-Công việc
C-Y tế
D-Giáo dục
E-Quản lý và an toàn nhà cửa
F-Xã hội Anh
G-Ban/nhóm bảo trợ
Mỗi mục lớn, có mục nhỏ, giải thích cặn kẽ giúp người mới định cư hiểu cơ bản quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân, có địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

Gia đình nào cũng có, chả ai đọc kỹ, bất cứ chuyện gì cũng nhờ người bảo trợ làm giúp.
Cuối đường Munro Way, có gia đình ông bà Hoóng, vắng vẻ chẳng kém gì Lindsay Way, ông Hoóng, cựu công nhân nhà máy đèn Yên Phụ từ thời Pháp thuộc, tuổi cao, ngoại thất tuần, lưng còng, tóc trắng xóa cũng bỏ tất cả, làm tỵ nạn.
Bà tuy đã ngoại 60, nhưng nhanh nhẹn tháo vát, mộ đạo Phật từ nhỏ. Khi còn ở Trại Thỏ, tuổi cao, không biết tiếng Anh, tiếng Quảng, “hiệp sĩ Hong Kong” cho qua, bà cũng không muốn cải đạo. Ra định cư bà thấy dại, sợ không có người giúp mua gạo, mua đồ Á châu.
Trên mảnh đất quốc đảo hình sư tử, nơi nào dân cư đông đúc, nơi đó có nhà thờ, rất gần, rất tiện lợi cho người mộ đạo. Khác nhiều nước, nhất là xứ Scotland, Thiên Chúa giáo không nhiều con chiên, người Scot đến Church of Scotland, người Ăng-lê cầu kinh tại Church of England, Christian Church…
 Dân tỵ nạn miền Bắc hiểu rất lờ mờ về các dòng đạo Chúa Cứu thế, cứ thấy nhà thờ, người đi lễ, là người theo Công Giáo. Chúng tôi bên lương, chả hiểu gì. Vả lại khi cộng sản về, người Thiên Chúa Giáo thường bị để ý tuy nhà thờ lớn của thành phố vẫn tổ chức lễ Giáng sinh, giáo dân đổ về đón lễ, thanh niên bên lương tò mò đến xem, người đông như kiến.
Giáng sinh năm 1958, ba thằng chúng tôi rủ nhau đến Nhà thờ Lớn xem lễ, không ngờ đi qua Nhà thờ Tin lành đầu phố Trại Cau đã đổi tên là Tô Hiệu. Một đôi nam thanh nữ tú, áo quần sang trọng đứng ngay cửa nhà thờ, tha thiết mời vào dự lễ. Chúng tôi chưa bao giờ vào thánh đường, nhìn nhau, gật đầu. Giáo đường trang hoàng thật hoành tráng, lộng lẫy. Chúng tôi bước vào. Các hàng ghế trống trơn, ba thằng nhìn nhau, chót phải chét. Dại quá, lại ngồi ngay hàng ghế trên cùng, gần ban nhạc. Nhạc cử hành, cả giáo đường ngoài ba thằng có thêm khoảng mươi người ngồi phía sau. Đoàn đồng ca hát, linh mục lên giảng, nhạc cử hành. Tiếng chuông ngân vang, Chúa Giáng sinh. Ban nhạc cử hành bài hát lễ, truyền cảm, nối tiếp kéo dài, tất cả thật trang nghiêm, đến nỗi chúng tôi muốn về mà không dám, người dự lễ thưa thớt quá, đành ngồi đến phút chót.
Giáng sinh 1965, cô bạn Kim, cô gái hiến máu, dẫn đi đón lễ Nhà thờ Lớn Hà Nội. Thủ đô có khác. Vả lại Thiên Chúa Giáo đông con chiên, đèn hoa, sáng rực, thánh đường đông nghịt, con chiên khắp nơi đổ về mừng lễ Chúa giáng sinh. Gia đình Kim theo Công Giáo, gia đình cô chú tôi là một bi kịch, tôi không bao giờ muốn theo vết xe đó. Kim đẹp, ngoan, đoan trang, gia đình lễ giáo, cha nàng công chức cũ, giờ xã viên cơ khí. Mẹ Kim, mẫu người vợ và người mẹ của gia đình Hà Nội gốc.
Tôi quý và mến Kim lắm, nhưng không thể bước qua ranh giới. Tốt nghiệp, nói dối, đi B., chắc Kim buồn.
Từ đó không gặp lại. Nhiều năm sau, có dịp ghé Hà Nội, tôi vẫn đạp xe qua phố Trần Nhật Duật vào lúc 10 giờ đêm, nơi nàng sinh sống, nơi đêm thứ Bẩy in đậm dấu chân kỷ niệm, một thời thân ái.
Trong số 10 gia đình cải đạo theo Công Giáo, ai ngờ nhà Chương ra định cư, người bảo trợ dắt đi nhà thờ Tin lành, bảo, “Tin lành là Number One, theo bọn tao, mấy tay Hong Kong biết mốc xì gì.” Thôi đành “đến đây thì phải theo đây”, Chương lại cải đạo Tin Lành, chiều lòng người bảo trợ.
Khu Knightsridge nhỏ thế mà có hai thày tu, linh mục Tin Lành, cha đạo Công Giáo, tiến sĩ thần học Dr. J. McCann, chăm sóc phần hồn con chiên. Hai nhà thờ cách xa nhau, nhà thờ Công Giáo ở Ladywell, nhà thờ Tin Lành ở Dean. Hai gia đình cùng trại, Vinh và Dzùng cải đạo theo Công Giáo, quá xa Wishaw, “hiệp sĩ xảo voọc” Hong Kong chịu, không với tới, đang mừng thầm, gần một tháng, được tự do, không ngờ, hai vị chức sắc đến thăm, giúp đỡ. Anh ngữ kém, họ hỏi gì, vợ chồng Vinh cũng gật, cũng lắc, chán mớ đời.
Có hai thằng con trai, thằng 17, thằng 15, khôn ngoan nhanh nhẹn, đi học vắng, chờ cuối tuần, làm thông dịch, bảo, hai ông này mỗi người một đạo khác nhau, bá má theo ông nào. Biết theo ai? Hỏi bà Smith, không mộ đạo, bảo, không muốn thì thôi, không ai bắt ép.
Bà Hoóng theo cha đi nhà thờ, một lần gặp bà tại nhà anh Sinh, bảo, “có lẽ thím –bà vẫn xưng thím với tôi- bị Đức Phật phạt nên có nhiều vết nhám ở mặt.” Tôi bảo, “không phải đâu, tuổi cao thường có những vết nhám.” Bà thì thào, “Trên gác, thím vẫn có ban thờ Phật. Nể đức cha quá, chứ mỗi lần đi nhà thờ, sợ Phật quở, về phải thắp hương khấn lạy đức Ngài đại xá”.
Chuyện bất ngờ: Chương làm ở cửa hàng Chinese Supermarket, dẫn chủ đem xe van chở hàng đến từng khu, bán gạo, đồ khô. Chủ vui, chúng tôi mừng rơn. Hẹn mỗi tháng đem hàng đến một lần, muốn mua gì thêm đặt trước. Chuyện đi nhà thờ thế là dẹp.
Tết Nguyên Đán 1981, Chương mang hàng bu gà mái già (boiling chicken), gà thải của các trang trại, đem bán. Nhà nào cũng mua. Mừng quá, tết này có gà tươi cúng các cụ. Lần đầu tiên mua loại gà già, đâu có biết cách luộc. Cúng xong, chặt xếp lên đĩa, gà vàng ươm, đẹp mắt, gắp một miếng, chịu, nhai không nổi. Dai quá, hơn da trâu, nuốt không trôi. Cả 5 nhà gặp nhau ai cũng xỉ vả cậu Chương, đồ đểu, đồ lừa lọc, gà nuôi kiểu gì mà dai quá sức. Bà Hoóng gẫy chiếc răng hàm. Tháng sau cậu Chương theo van đến, bà té tát cho một trận tơi bời. Chương bảo, cháu đâu có biết, thằng bé nhà cháu cũng mất chiếc răng cửa. Ninh lâu, thịt mềm nhưng nhạt, nước nấu canh là tuyệt. Từ đấy, cạch, món gà tươi ế.
Khu Knightsridge nghèo, hai nhà ra trước bà con giúp chút đỉnh. Chúng tôi đến sau, uống nước đục. Không có tủ lạnh, thường xuyên phải đi siêu thị khá xa, ngó cửa kính corner shop, mua được chiếc tủ lạnh cũ, loại nhỏ, có 5 bảng. Một gia đình đem đến cho chiếc máy giặt kèm theo máy vắt. Hai chiếc máy này, bây giờ còn giữ chắc kiếm bộn tiền với tư cách đồ cổ. Máy giặt đứng, hình khối chữ nhật, cao khoảng 80 đến 90 cm, vòng quay đảo chiều, mở nắp cho thêm đồ giặt, máy vẫn ù ù như cối xay thóc. Không có đồng hồ thời gian, giặt nhanh hay lâu tùy ý, chuyển nút xả nước, lấy nước, có ống cao su đấu từ vòi xả nước vô tùy thích. Khi nào thấy sạch, lấy đồ ra chậu, đưa sang máy vắt. Máy vắt trông giống máy cán mỳ sợi, cao hơn 1 mét, có 4 lô tròn bằng gỗ, hai nấc cán, có ốc điều chỉnh. Cho từng chiếc quần áo vào, cầm quay tay, quay vòng, nấc thưa quần áo còn ướt mèm, nấc khô được quần áo, các cúc vỡ hết. Máy vắt này chắc mô phỏng từ máy cán sợi mỳ hay cán thép, không hợp cán quần áo. Báo hại cả nhà, bao nhiêu cúc áo vỡ sạch. Dẹp, cho ra vườn sau, chờ người lấy rác đưa đi giúp. Kiểu máy giặt và vắt này, ai muốn chiêm ngưỡng, xin đến bảo tàng đồ cổ ở London. Mỗi lần giặt, đem máy vào buồng tắm, giặt xong, vắt khô bằng tay, chỉ tiện không phải xát xà phòng và vò quần áo.
Một người mang đến chiếc máy khâu quay tay, mặt máy bong hết sơn, tay quay gần như rỉ sét, tôi cảm ơn nại cớ không biết may. Nhà mình đâu phải bãi rác. Tuần sau, bà Hoóng khoe, có người cho chiếc máy khâu, đến xem, hỏi, có phải bà Mary cho không, gật đầu.
Thấy nhà không có vô tuyến, ông hàng xóm Peter Chenney đưa tôi ra Livingston Shopping Centre thuê cho chiếc đen trắng. Tôi muốn thuê ti vi màu, ông bảo đắt lắm, đành nghe lời. Được vài tháng, cũng trong cửa kính corner shop, tôi mua được chiếc ti-vi màu giá 45 bảng, ai ngờ quá cũ, màu chả ra màu, xám xịt.
Thôi đành, méo mó có hơn không. Trả lại chiếc đen trắng thuê, 5 bảng/tháng, cửa hàng không chịu. Hợp đồng 12 tháng, trả lại không sao, nhưng vẫn phải đóng tiền hàng tháng. Thế là có 2 chiếc ti-vi, chiếc đen trắng đưa lên phòng ngủ.
Năm 1981, mua chiếc ti-vi màu second hand hiệu Grundig do Đức sản xuất, hình và âm thanh thật tốt. Được 8 tháng, tự nhiên màu mất. Đem sửa thợ đòi 100 bảng, thay màn hình. Trời ạ, mua 85 bảng, chữa đòi 100!
Cả nhà chỉ có chiếc vô tuyến giải trí, mấy em con chú đi làm, bảo, thiếu bao nhiêu, em cho vay, mua cái mới cho các cháu. Tôi mua cái mới cứng, nhờ ông Peter đưa ra Edinburgh đến cửa hàng Comet, 26 inch giá 300 bảng. Bảo hành 1 năm, thêm bốn năm bảo hành, 45 bảng, cho chắc.
Được gần 2 năm tủ lạnh, xịt, hỏi, phải thay hộp gas, 35 bảng. Thôi nghỉ, mua cái mới. Lại nhờ ông Peter, đi Comet mua chiếc tủ lạnh 2 tầng, 150 bảng. Tiền dành dụm chút đỉnh, đồ cũ thay nhau hỏng. Nghèo lại càng nghèo chỉ vì mua đồ phế thải.
Từ đấy, cạch, không mua đồ điện tử second hand.
Khi còn ở trại Coltness, anh em cắt tóc cho nhau, ra định cư, vợ tôi thành phó cạo. Ba bố con, tháng tháng vào nhà tắm, cúi đầu cho phó cạo học nghề. Mỗi lần nhà tôi húi đầu cho ba bố con, bao giờ cũng hát “dân ca và chèo”: Ối giời, cổ bố con ông toàn ghét, đầu toàn gầu là gầu, tắm gội không kỳ hả. Ghê cả tay!
Cái kiểu ăn nói này tôi nhớ ở thị xã Hòa Bình có tay cắt tóc rất nổi tiếng, nổi tiếng tay nghề và cũng nổi tiếng đểu. Chả biết tên thật là gì, chỉ thấy mọi người gọi theo tên cửa hàng Kim Liên. Hắn tự hào, xuất thân làng Kim Liên, làng nổi tiếng nghề cắt tóc với huyền thoại cụ Tả Ao để mả.
Theo huyền thoại, cụ Tả Ao, thầy phong thủy lừng danh xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, một hôm đi qua làng Kim Liên. Các cụ bô lão, tiên chỉ nghe tin thày, vội vàng mời cụ bữa rượu thịt tươm tất. Đãi xong, thay mặt dân làng, cụ tiên chỉ xin cụ Tả Ao giúp cho dân làng khỏi cảnh bị người làng khác o ép, xin thày để cho ngôi mộ, con cháu sau này mở mặt, mở mày, đè đầu vít cổ thiên hạ. Cụ Tả Ao, vuốt râu cười. Gì chứ, các cụ chỉ mong có thế, già này xin cố giúp. Cụ Tả Ao chỉ cho ngôi mộ, hẹn ngày đẹp, giờ hoàng đạo, đem hài cốt cụ tổ táng ngôi đó, sau 3 năm sẽ ứng hiệu. Nghề cắt tóc từ đó phát triển ở làng Kim Liên. Chẳng phải nghề “vít đầu, ấn cổ” khách húi đầu là gì. Các cụ làng Kim Liên không kêu vào đâu, phục tài cụ Tả Ao như thánh sống.
Kim Liên tay kéo rất điệu nghệ, lái xe tỉnh tôi phục tài hắn lắm. Khách nghèo, nông dân nhất là người dân tộc thiểu số hắn ít khi nhận, dù ngồi không. Theo hắn, mỗi khi cầm kéo, ít ra cũng được 5 hào trở lên, cắt không gội, không sấy 3 hào chả bõ bèn. Khinh rẻ người dân tộc ở một tỉnh miền núi rất nguy hiểm đến sinh mạng chính trị. Hắn cóc sợ, dân đen, ngồi bệt, không buôn gian bán lận, không trộm cắp, không phát biểu lăng nhăng cà chớn, chẳng chửi chính phủ, phê bình ở tổ dân phố là cùng, tống tù đâu có dễ.
Ty Công An có ông phó ty người Mường, nghe bà con dân tộc phản ảnh, ông quyết đến cửa hàng tay Kim Liên xem hư thực ra sao. Tan phiên chợ chiều, ông và người cận vệ mặc quần áo Mán, đeo gùi, bước vào.
Kim Liên xua tay:
_Bận lắm, mai đến.
_Cái mình đi chợ phiên, cái mình muốn húi tóc. Làm cho cái mình đi.
_Đã bảo bận mà.
_Cái mình có thấy ai đâu. Húi cho cái mình đi.
Đuổi thế nào cũng không được, Kim Liên đành thua:
_Ngồi vào đây.
Lấy khăn quàng cổ, lật cổ áo, kêu:
_Mấy tháng chưa tắm hay sao mà cổ đầy ghét.
Phó ty thủng thẳng:
_Cái mình mới tắm Tết mà.
_Sao lười thế?
_Cái mình không có xà-phòng.
Thỉnh thoảng Kim Liên giật tông-đơ một cái.
Phó ty kêu:
_Ối, cái mình đau quá.
_Tóc gì cứng như lông bò, đau là phải, cố mà chịu.
Kim Liên bắt đầu giở trò đểu, hỏi anh chàng Mán đi cùng phó ty:
_Cái mình có cao hố không?
_Cái mình có.
_Cái mình có cao khí không?
_Cái mình có cao khí.
_Cái mình có cao văng mạng không?
_Cái mình chỉ có cao hố, cao khí, không có cao văng mạng đâu.
Người Mán đi chợ phiên thường đem chè khô, thuốc lá cây và các loại cao tự nấu và huyết lình (1) bán. Chè của người Dao toàn mùi ám khói do để gác bếp, có người giở trò gian lận, bán chè, đáy bị buộc hòn đá tăng trọng lượng, mua về thường bị thiếu. Ai mua cao hổ, cao gấu, cao khỉ, cao trăn … họ đều đưa ra một miếng cao màu hung hung đen, mùi ngái ngái, to hơn bao diêm một chút, nhìn bề ngoài rất giống nhau, chả biết cao xương gì hay cao lá cây. Người Kinh thị xã Hòa Bình nhiều lần mua phải cao giả nên xỏ xiên, gọi cao do người Mán bán ở chợ Phương Lâm là “cao văng mạng.”
Tóc cắt xong, Kim Liên gạ:
_Cái mình bôi dầu chải tóc không?
_Bôi thử cho cái mình.
Kim Liên lấy ngay mỡ xe đạp, bôi vào tay, quyệt vào đầu phó ty, lấy lược chải. Đầu phó ty bóng nhoáng. Kim Liên bảo:
_Soi gương xem, bóng chưa.
_Bao nhiêu?
_Năm hào?
_Sao năm hào? Ba hào cơ mà?
_Cắt tóc 3 hào, dầu chải 2 hào, chả năm hào còn gì.
Phó ty lần mãi trong túi áo nâu, lấy ra năm hào.
Hai người định đi, Kim Liên bảo:
_Ấy chưa đi được, chổi đây, quét đám tóc cái mình lại, dọn xong chôn vào gốc cây kia mới được đi.
Cậu cận vệ uất lắm, muốn rút còng số 8, phó ty lừ mắt. Chôn tóc xong, phó ty hỏi:
_Còn phải làm gì nữa không?
_Thôi, xong.
Hai giờ sau, đoàn xe ô-tô Ty Công An hú còi đỗ xịch trước cửa Kim Liên.
“Thằng Mán” bây giờ trong sắc phụ thiếu tá công an, cùng đại úy trưởng trại giam, “Mán cận vệ” và hai chiến sĩ cảnh sát xuống xe, đọc lệnh bắt Kim Liên.
Kim Liên sững sờ, biết mắc bẫy. Cúi đầu, chìa hai cổ tay nhận vòng số 8, không dám nói câu gì.
Ba ngày sau, vợ Kim Liên dắt 7 đứa con lít nhít đến Ty Công An tỉnh, khóc lóc mếu máo, nhà 9 miệng ăn, chồng bị giam lấy gì mà sống.
Phó ty bảo, lần này tha, lần sau mọt gông, nghe chưa? Kim Liên hứa, xin chừa.
Húi tóc tại gia, mỗi tháng tiết kiệm 15 bảng, một năm 3 bố con dành được 180 bảng. Tưởng mỗi mình nhà tôi có phó cạo, ai ngờ tất cả các bà vợ tỵ nạn đều thành phó cạo. Nghề phó cạo, nhà tôi làm đến khi hai thằng con vào đại học, “giáo sư trông xuống, bạn gái trông vào”, chúng được ra hiệu cắt, dù tay nghề nhà tôi đã thuộc loại giỏi, sau mười mấy năm hành nghề, tiết kiệm tiền nghìn. Mấy năm nay, mắt kém, tôi bị bà vợ đẩy ra Barber shop, mèng cũng 10 bảng/lần húi.
Mùa đông 1980 rét thê thảm, đi chợ trời Bathgate -Sunday Market-, mua thảm giải phòng khách và buồng ngủ tụi trẻ, loại rẻ nhất, cũng gần 200 bảng. Có ông McCann quen từ hồi ở Trại Coltness mang cho một số thảm cũ, tất cả buồng, cầu thang kín thảm. Nhà ấm hẳn lên.
Nhà anh Sinh, nhà Vinh, nhà Dzùng đều mua tủ lạnh, máy giặt… toàn đồ mới. Hóa ra họ đi làm chui từ lâu vì biết tiếng Quảng, chúng tôi, vợ đi làm, chồng đi học biết khỉ gì, vả lại tất cả giấu kín, sợ mọi người biết đến tai bà bảo trợ.
Đầu video bán trong các siêu thị từ 1979, tôi nhìn thấy ở Hong Kong, năm 1982, ba nhà kia đua nhau, ai cũng có, thuê phim Đài Loan, phim chưởng vợ con xem tối ngày. Đầu video hồi ấy các nút bấm dài ngoẵng, piano key, to, nặng, chưa có điều khiển từ xa, ấy thế giá 600 bảng/chiếc, so với lương nhà tôi đi làm (kể cả thêm giờ, Thứ Bẩy) trừ thuế, xấp xỉ 100 bảng/tuần. Đúng là thứ xa xỉ phẩm chưa dành cho người nghèo.
Thằng em con chú, đi làm về, mắt vợ sưng húp, hỏi, làm sao mà khóc, bảo, xem phim cảm động quá, không kìm được. Nó đến than, đúng là mình hại mình, sợ vợ ở nhà buồn, mua video thuê băng Đài Loan, Hong Kong, vừa xem vừa khóc, chán mớ đời. Phim Mỹ, phim Anh… nghe không thủng, ngoài súng bắn pằng pằng, ngựa phi như bay… thấy hay hay, hiểu mẹ gì đâu. Phim Đài Loan, Hong Kong tình cảm uỷ mỵ, sướt mướt, đúng tâm lý Á châu, nghe hiểu từng câu, thấm tận đáy lòng, chỉ tội phim nào kết thúc đều buồn thúi ruột, không chảy nước mắt mới là lạ.
Ông bà Hoóng có thằng con làm thêm tối Thứ Bẩy, Chủ nhật, cũng mua đầu video, cả xóm nhà ai cũng có đầu video, trừ nhà tôi. Cuối tuần tụi trẻ nhà tôi đến ông bà trẻ xem nhờ.
Sau Christmas 1983, cửa hàng khuyến mại, giảm giá nhiều, tôi mua chiếc Sanyo, có điều khiển từ xa, giá 500 bảng cho bằng chị bằng em. Cuối tuần thuê băng võ hiệp Lý Tiểu Long, Hong Kong, Cartoon cho trẻ. Mấy tháng sau, mua chiếc máy giặt mới cũng cửa hàng Comet, có đầy đủ chương trình giặt vắt, chiếc cũ cho ra bãi rác. Cuộc sống năm gia đình chúng tôi cải thiện dần dần trong quá trình hội nhập.
_______________________________________________________________
Ghi chú:
1-Huyết lình: Máu kinh nguyệt của khỉ khô đọng các núi đá, một số người cho rằng huyết lình chữa được nhiều bệnh.

Tổng số lượt xem trang