Hồ Chí Minh :
Chân Dung Một Cuộc Đời
Lời giới thiệu của người dịch
Cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, đất
nước Việt Nam
đã trải qua biết bao biến cố lịch sử. Nhân dân Việt nam phải chịu một cổ ba
tròng: Ách đô hộ của thực dân Pháp; Sự thống trị của triều đình nhà Nguyễn thối
nát, hèn yếu và sự xâm chiếm của bọn phát xít Nhật tàn bạo vào những năm 1940s.
Vụ đói tháng Ba năm Ất Dậu (1945) đã làm gần 2 triệu người dân miền Bắc và miền
Trung chết đói. Một tội ác trời không dung đất không tha do phát xít Nhật bắt
nông dân nhổ lúa trồng đay, trồng hạt có dầu, lấy thóc đốt thay than sử dụng
trong tàu hỏa và nhà máy nhiệt điện.
Trong hơn 80 năm mất nước, rất nhiều sĩ
phu yêu nước, những nhà các mạng dân tộc dân chủ đã đi tìm con đường cứu nước,
dành độc lập, tự do cho nhân dân. Nhưng hầu hết đều thất bại hoặc bị dìm trong
biển máu.
Trong nửa cuối thế kỷ XX, lịch sử Việt
Nam nổi lên 4 nhà lãnh đạo quốc gia mà nhân dân Việt Nam còn rất nhiều tranh
cãi về công và tội của họ đối với dân tộc Việt Nam:
1-Hoàng
Đế Bảo Đại-Nguyễn Vĩnh Thụy
2-Hồ
Chí Minh
3-Ngô
Đình Diệm
4-Nguyễn
Văn Thiệu
Bốn nhà lãnh đạo Quốc Gia Việt Nam này
đến nay sau 40 năm khi nước Việt đã thu về một mối, Bắc Nam đã thống nhất và cũng
đã có rất nhiều sách báo trong và ngoài nước tranh luận về công tội của họ,
nhưng vẫn chưa đi đến những nhận định khách quan mang tính chất lịch sử. Vì lịch
sử là lịch sử và thời gian lại là “người thợ vặt lông gà vịt” làm sạch hết những
ngụy tạo, giả dối giúp cho những nhà nghiên cứu lịch sử và tiểu sử hiểu rõ sự
thật chính xác nhất về bản chất của sự việc, sự kiện. Người viết lịch sử ngoài
tài năng còn phải có cái tâm trong sáng, không vụ lợi, không thiên vị và không
sợ cường quyền dù có phải hy sinh tính mạng vì những điều viết ra theo đúng sự
thật lịch sử. Chính vì thế, những nhà nghiên cứu lịch sử và tiểu sử Hồ Chí Minh
sống dưới chế độ cộng sản độc tài chưa đủ dũng khí để viết nên tất cả sự thật về
những cái tốt và xấu của Hồ Chí Minh cũng như sự cai trị của chính phủ Cộng Hoà
XHCN Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Ngay cuốn Hồ Chí Minh - A Life của giáo
sư William J. Duiker vì lý do nhạy cảm nên Việt Nam Thông Tấn Xã chỉ dám trích
dịch 6 chương trong số 16 chương lưu hành nội bộ. Trong cuốn Sử Ký của Tư Mã
Thiên, có đoạn viết:
“Trong các sử quan đời trước, cũng có những người dám hy
sinh đời mình để viết sự thật, dù sự thật ấy làm vua chúa tức giận. Chẳng hạn
khi Thôi Trữ giết vua Tề, thì quan thái sử nước Tề viết : “Thôi Trữ giết vua của
mình là Trang Công.” Quan thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy,
nên bị giết luôn. Ngay lúc đó, người em thứ ba xin lên thay không thêm bớt một
chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết. Khổng Tử làm kinh Xuân Thu cũng là chép lại những
sự thực lịch sử cốt để “chế thiên tử, ức chế chư hầu, phạt tội các đại phu, nêu
rõ vương đạo.”
(Trích Con Người, Sử Ký Tư Mã Thiên, nguồn VN Thư Quán)
Đối với ông Hồ Chí Minh có hai chiều hướng
đánh giá công tội đều thái quá.
-Nhà
nước cộng sản Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
ngày nay ca ngợi ông hết lời, coi ông là vị thánh trong các vị thánh của lịch sử
Việt Nam
và thế giới. Một viên ngọc quý không tỳ vết.
-Một
số nhà đối lập hầu như xổ toẹt tất cả những công lao đóng góp của ông, coi ông
như một kẻ tội đồ, gây biết bao thảm hoạ cho dân tộc Việt Nam qua những cuộc
thanh trừng các đảng phái đối lập sau Cách mạng Tháng Tám, trấn áp các văn nghệ
sĩ trong thời kỳ Nhân Văn - Giai Phẩm và
những sai lầm trong cải cách ruộng đất đã làm hàng vạn người chết oan cũng như
sự sai lầm trong tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Có phải vì Hồ Chí Minh không kiểm soát
nổi những đồng sự cộng sản cực đoan Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên
Giáp, Hoàng Quốc Việt… gây nên hay chính ông ra lệnh gây ra những thảm hoạ cho
dân tộc Việt Nam kể trên?
Có phải đúng như lời đồn thổi, chính Trường
Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn và phái cực đoan đã từng lên
phương án thủ tiêu Hồ Chí Minh chỉ vì ông không tán thành một số chủ trương hữu
khuynh trong thời gian sau Các mạng tháng Tám và cải cách ruộng đất cũng như những
năm cuối đời họ định “cho ông ngồi chơi xơi nước” bằng ý đồ đưa Lê Duẩn giữ chức
chủ tịch đảng, Nguyễn Chí Thanh làm chủ tịch nước, chuyển Hồ Chí Minh sang phụ
trách Viện Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Marx-Lenin để “dưỡng lão”, cũng như năm 1983 họ
đã “gạt” đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang làm Chủ nhiệm Ủy
ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch mà ngưòi Việt Nam đã có câu ca:
“Ngày xưa đại tướng cầm quân
Bây giờ đại tướng cầm quần chị em.”
Điều hành đất nước nằm gọn trong tay
phe nhóm Lê Duẩn-Trường Chinh-Lê Đức Thọ? Chuyện thâm cung bí sử này, người chứng
kiến và cũng là người trong cuộc hiểu rõ nhất có thể giải đáp được là đại tướng
Võ Nguyên Giáp, nhưng ông vẫn im lặng. Có lẽ ông quyết tâm giữ kín bí mật đến
khi qua đời. Ngày 04-10-2013 đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi vào cõi vĩnh hằng,
hưởng thọ 103 tuổi, nhưng ông còn nợ với nhân dân, với lịch sử Việt nam những câu
trả lời minh bạch.
Giáo sư William J. Duiker, cựu cán bộ tòa
đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn từ những năm 1960s, sau gần 30 năm sưu tầm tài liệu, ông
lần theo dấu vết người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ thời thơ ấu, quá trình học
tập thuở thiếu thời đến khi rời cảng Nhà Rồng làm phụ bếp, sang Pháp tìm con đường
giải phóng dân tộc, trở thành điệp vụ Đệ Tam Quốc Tế với cái tên Nguyễn Ái Quốc,
lang thang đây đó qua châu Phi, Anh, Nga, Mỹ, Thái Lan…về Trung Quốc hoạt động
với nhiệm vụ của đặc vụ Đệ Tam Quốc tế. Trở về Việt Nam lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng
Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sau 9 năm kháng chiến, trận
thắng Điện Biên Phủ đã đưa đến Hội Nghị Generva 1954, chấm dứt chiến tranh, tạm
thời chia cắt hai miền ở vĩ tuyến 17 bên bờ sông Bến Hải, chờ cuộc tổng tuyển cử
và những năm cuối đời trong căn nhà sàn cạnh Phủ Chủ tịch sống và làm việc như
thế nào phác họa lại chân dung Hồ Chí Minh một cách trung thực và rõ nét nhất
so với những cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh đã xuất bản trong và ngoài nước.
Câu hỏi lớn nhất về Hồ Chí Minh trong
cuốn sách đặt ra:
-Hồ Chí Minh là nhà yêu nước dân tộc chủ
nghĩa chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy buộc phải theo cộng sản hay ông là người cộng sản
chính thống, đặc vụ của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản nhưng lại đội lốt là nhà yêu nước
dân tộc chủ nghĩa để mỵ nhân dân Việt nam và thế giới?
-Giá như tổng thống Harry S. Truman và Dwight
David Eisenhower của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tiếp tục chính sách ủng hộ Hồ Chí
Minh như tổng thống Franklin D. Roosevelt thì tình hình xã hội Việt Nam chắc
đã đi theo khúc quanh lịch sử theo chiều hướng khác. Bởi vì những năm 1940, Đồng
Minh và chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã giúp đỡ Hồ Chí Minh rất nhiều cả về vũ khí, khí
tài cũng như huấn luyện binh sĩ cho Việt Minh, còn chính phủ Liên Xô hầu như
không quan tâm đến tình hình Việt Nam (vì quá xa xôi ?), hơn nữa Joshep Stalin
còn bận rộn đấu đá trong nội bộ để củng cố vai trò độc tài trong Đảng và nhà nước,
đồng thời lo xây dựng khối cộng sản Đông Âu sau Thế Chiến thứ II làm vùng đệm bảo
vệ Liên Bang Xô-Viết. Còn Trung Quốc đang trong thời kỳ Nội Chiến, bị Quốc Dân Đảng
bao vây, Đảng Cộng sản Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông buộc phải
làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh lên Diên An, tỉnh Thiểm Tây phía Bắc để tránh bị
tiêu diệt.
Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà sử
học Pháp Paul Mus, nói về sự lựa chọn giữa quân đội Tưởng và quân Pháp đóng ở Bắc
Việt năm 1945 sau khi tước vũ khí quân phát xít Nhật, ông nói:
“It
is better to sniff French shit for a while than to eat China ’s for the
rest of our lives.” (Thà ngửi cứt Tây một lúc còn hơn ăn cứt Tàu cả đời).
Bởi vì Hồ Chí Minh quá hiểu dã tâm của
người bạn phương Bắc dù là chế độ Phong Kiến, Quốc Gia hay Cộng sản, nhưng họ đều
giống nhau về tham vọng: bành trướng và xâm lược Việt Nam .
Thông qua mọi góc độ để tìm hiểu sự thật
của một học giả Hoa Kỳ tài năng, giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử cận-hiện-đại Việt Nam và
Trung Hoa của Trường Đại Học Bang Pennesylvania Hoa Kỳ, (The Pennesylvania
State University), Prof. William J. Duiker, ông là người ngoại đạo, đứng ngoài
cuộc, không thiên vị, không bị bất cứ áp lực nào, đã nghiên cứu và phác hoạ
chân dung Hồ Chí Minh với ngọn bút tài hoa, sử dụng đầy đủ các gam màu cùng với
các mảng sáng tối, dựng lên bức chân dung khá chân thật về cuộc đời nhiều bí hiểm
của Hồ Chí Minh. Giáo sư William J. Duiker kết luận:
“Có
thể nói Hồ Chí Minh đã trở thành tù nhân do chính ông tạo ra, như một con ruồi
kẹt trong chai *, không có khả năng thoát khỏi logic nghiệt ngã của
hệ thống sẵn sàng hy sinh cá nhân cho “những mục đích cao cả” của kế hoạch lớn.”
(Perhaps
the most that can be said is that Ho Chi Minh had become a prisoner of his own
creation, a fly in amber*, unable in his state of declining influence to escape
the inexorable logic of a system that sacrificed the face of individuals to the
“higher morality” of the master plan. p. 491)
William J. Duiker nhận xét:
“Ngày nay, đã hơn ba thập niên sau khi
ông qua đời, tệ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ở Hà Nội. Tệ sùng bái
này chủ yếu làm chỗ dựa cho một chế độ tuyệt vọng tìm mọi cách duy trì tính
chính đáng của mình khi tình hình đã thay đổi theo thời gian.”
(Today, three decades after his death,
the state cult of Ho Chi Minh is still in existence in Ha noi, where is serves
primarily as a prop for a regime desperately seeking to maintain its relevance
in changing times. p.574)
Ông kết luận:
“Trong những năm gần đây, hầu như (các
nhà lãnh đạo VN) chẳng ai làm gì để giải quyết nạn tham nhũng đang đe doạ nhấn
chìm sự nghiệp cách mạng trong sự giận dữ và bất bình đang dâng cao của nhân
dân.”
(Little has been done in recent years to
curtail the endemic level of official corruption that threaten to swamp the
revolution in a rising tide of popular anger and resentment. p.575)
Nhưng dù sao William J. Duiker cũng không
phải “người nằm trong chăn làm sao biết có
rận hay không”, vì thế không thể không có những nhận xét thiếu chính xác
khi đi tìm nguồn tư liệu lại do chính phủ cộng sản Việt Nam cung cấp.
Phải chăng đó cũng là mặt hạn chế của tác phẩm mà ông đã bỏ biết bao công sức đi
tìm sự thật.
Trong quá
trình chuyển ngữ, chúng tôi có tham khảo sáu chương bản dịch của Việt Nam Thông
Tấn Xã (VNTTX chỉ dịch sáu chương trong tổng số mười sáu chương). Để tránh “tam
sao thất bản”, những tài liệu, sách báo do tác giả trích từ bản Việt ngữ rồi dịch
sang Anh ngữ, trong khi chuyển ngữ chúng tôi cố gắng sưu tầm nguyên bản Việt ngữ
thay cho việc dịch thuật để bạn đọc hiểu chính xác tác phẩm và tác giả. Thí dụ:
Á Tế Á, Nhật Ký Trong Tù, Vừa Đi đường Vừa kể Chuyện, Những Mẩu Chuyện Về Hoạt Động
Của Hồ chủ tịch…
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với
bạn đọc trong và ngoài nước bản dịch (đã được sự đồng ý của tác giả) Hồ Chí
Minh - Chân Dung Một Cuộc Đời của học giả Hoa Kỳ, giáo sư William J. Duiker.
Lâm Hoàng Mạnh.
Kinh
thành London
mùa Hạ 2014.
Ghi chú:
*-Nguyên văn: Nhựa hổ phách.
Bạn đọc muốn có sách xin liên hệ:
Mr. Lê Hân
Nhà xuất bản Nhân Ảnh
Email: han.le3359@gmail.com
NXB Nhân Ảnh phát hành tháng
10-2014
Giá
25 Mỹ kim tập I, 670 trang
Giá 25 Mỹ kim tập II, 650 trang