Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Còi Không Hụ Du Ký (2)

Hà Nội 2 và người Mường Hà Nội 2

Năm 2008, Hà Nội mở rộng chiếm gọn mấy tỉnh xung quanh, Hà Tây, Vĩnh Phú, không những thế, “ngoạm luôn” 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, giáp ranh với huyện Chương Mỹ. Sau 2 năm thành “người Hà Nội 2”, cuộc đời của bà con dân tộc Mường có gì thay đổi?
Quê vợ tôi sát vùng Lương Sơn, Hòa Bình, vì thế lần “du lịch” này, tôi quyết tìm hiểu đời sống bà con người Mường Hà Nội 2, sau hai năm sáp nhập thành người đất Tràng An ra sao.

Là người đã từng sống, làm việc ở tỉnh Hòa Bình gần 15 năm, vốn tiếng Mường tuy lâu không sử dụng, nhưng cũng còn nhớ chút chút khi gặp bà con. Chính nhờ vốn tiếng Mường, tôi trở thành người “nhà”, họ dễ dàng tâm sự, cởi mở “gan ruột”.
Chủ nhân căn nhà sàn đổ nát, anh H.v.B, tuổi ngoại ngũ tuần, mái tóc muối tiêu, nét mặt đen xạm, gày gò lam lũ, già trước tuổi. Anh bảo, nhà còn 2 vợ chồng và thằng con út, 12 tuổi, hai đứa lớn theo người trong xóm vào Nam làm thuê mấy năm nay. Công việc của chúng vất vả, lương bổng chỉ đủ ăn, chẳng dư được đồng nào giúp bố mẹ. Anh chép miệng, thôi cũng may, không phải nuôi chúng là tốt rồi. Hỏi, anh chị kiếm sống bằng gì. Chị vợ chép miệng, bác tính, có hơn sào ruộng, năm nào cũng hạn, năng xuất kém lắm, chúng em phải đi phụ thợ xây để sống. Công một ngày từ 50 đến 70 ngàn, anh bảo, tưởng nhiều, nhưng tiền mất giá, cái gì cũng tăng giá, chẳng đủ sống. Nhìn xung quanh nhà, tất cả đồ đạc của anh chị, giá có bán đi cũng chẳng được là bao. Anh cười gần như mếu, mấy năm nay, mình ốm quá, bao nhiêu tiền kiếm được vào thuốc hết rồi, làm gì có tiền mà sửa nhà.
Anh chị đồng ý cho tôi chụp ảnh nhà sàn nhưng không đồng ý đưa ảnh anh chị lên mặt báo. Anh chị bảo, xấu hổ và buồn lắm.
 Ảnh căn nhà sàn xiêu vẹo, đổ nát của người Hà Nội 2
 Tài sản trong gia đình
Dưới đây là nhà của “tỷ phú phá đá” xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, được đền bù xấp xỉ tỷ đồng, sau 7 năm, ngoài căn nhà xây 2 tầng và một số đồ đạc mua sắm, bây giờ họ đã trắng tay. Không nghề nghiệp, không ruộng vườn, con cái phiêu dạt, mỗi đứa một phương vào Nam kiếm sống, trong xóm còn lại người già và trẻ con, không biết làm gì, ngày ngày họ đành kéo nhau lên núi phá đá độ nhật.
 Căn nhà khang trang của người dân được đền bù giải tỏa.
 Hàng ngày họ vào núi, phá đá làm kế sinh nhai
Công việc nặng nhọc, các bà các chị cũng phải làm kiếm sống
Tâm sự, các anh bảo, bờ xôi ruộng mật mà cha ông họ khai phá từ ngàn năm, nay chính phủ thu hồi giao cho doanh nghiệp nước ngoài làm sân golf, biến họ thành cố nông trong thời đại nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đành kéo nhau lên núi phá đá bằng phương pháp thủ công (búa tạ và choòng), cạy những tảng đá, bán cho các công trường làm đường đổi lấy miếng ăn hàng ngày.
Tôi hỏi, làm vất vả như thế thu nhập có khá không. Vuốt mồ hôi chảy như tắm trên khuôn mặt xạm nắng, anh Đ.C.Ch. bảo, bình quân mỗi công từ 50 đến 70 ngàn/ngày. Số tiền 70 ngàn, quy đổi ra tiền Mỹ kim được gần 4 đô, và có thể mua được hơn kg thịt lợn. Nhưng anh bảo, ngày mưa không làm được. Đá trơn, dễ bị tai nạn. Miền Bắc đang bước vào mùa bão, mưa gió thất thường, vào núi phá đá cũng ngày đực ngày cái, đâu được thường xuyên. Mấy năm trước, các anh cũng theo người làng ra Chợ Người ở Hà Nội, cũng chẳng nên cơm nên cháo gì, đành thôi.
Ngày hè, nắng như đổ lửa, đá hấp thụ nhiệt, cái nóng mùa hè tăng lên bội phần, đào được 4, 5 mét khối đá cho đầy chiếc xe “Ben” tải, không phải là dễ. Giá bán 1 xe “ben đá 5 khối có 500 ngàn kể cả công bốc lên xe. Một tuần lễ, ơn trời không mưa, họ, 7 người, cũng kiếm được 3 đến 4 triệu, chia nhau đắp đổi qua ngày.
Tôi hỏi, phá đá có vi phạm “chiếm dụng tài nguyên quốc gia” không? Nét mặt căng thẳng, vừa nói vừa lấy bàn tay chém vào không khí, anh Đ. C. V bảo, chúng tôi đói, không phá đá lấy gì mà bỏ mồm. Tù còn hơn chết đói!
Nhóm phá đá này, gồm sáu gia đình, anh em con cháu trong nhà, những người “tỷ phú không xu”, đang cạy đá núi, độ nhật. Với cái tuổi trên 50, họ còn đủ sức “gặm” những tảng đá này bao lâu nữa?

Tổng số lượt xem trang