Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Còi Không Hụ Du Ký

Tuỳ  bút
                            Lâm Hoàng Mạnh

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du)

Chiếc A 380 to xù, double decker, thế hệ mới toanh của Airbus, đậu ngay gate 20 của Terminal 3, Heathrow Airport, đợi chúng tôi làm thủ tục boarding. Ngày 27-4-2005, cả thế giới hân hoan chào đón chiếc Airbus A 380 của liên doanh Âu Châu trình làng, một máy bay loại khủng xuất xưởng phục vụ loài người. Nhưng phải đợi đến ngày 25 tháng 10 năm 2007 chuyến bay đầu tiên với A 380 của hãng Singapore Airlines mới thực sự phục vụ hành khách. Nhìn qua trên báo giấy và báo mạng cũng như trên truyền hình Sky, BBC, ITV, Channel 4 và 5 mà đã con mắt. Tôi tự nhủ không biết đến ngày nào mình mới được ngồi chiếc ghế A 380 này, không ngờ hôm nay niềm đam mê và mơ ước ấy thành sự thật.

Chiếc A 380 chở khách đường dài, chứ đi du lịch quanh Châu Âu đừng có mơ. Nhiều năm nay chúng tôi thường đi nghỉ mát quanh quanh mấy đảo Canaria, Corfu, Malta, Rhodes… chỉ ngồi A 321 hay Boeing 373 là hết cỡ. Cho nên khi đến WestEast Travel Ltd của anh chị Liêm Phương hỏi vé về Việt Nam, cậu nhân viên sau khi “lướt mạng”, đưa ra cho tôi nhiều lựa chọn, nhưng bảo, chỉ có hãng Singapore Airlines khi đổi ngày bay ở Việt Nam về London không bị charge và được ngồi A 380. Tuyệt! Tôi ưng ngay.
Tôi nhờ họ làm luôn visa dù có đắt hơn chút đỉnh so với tự mình cầm đơn vác mặt đến tòa đại sứ. Tôi chả ưa cán bộ nhân viên tòa đại sứ, thấy mặt họ, cảm thấy thế nào ấy, dù họ và tôi cả đời chưa hề biết nhau, hơn nữa tôi không muốn đến xin xỏ, mong được quan chức cộng sản ban ơn cấp visa. Thêm mấy chục Anh kim, đại lý bán vé máy bay thay mình vác mặt đến tòa đại sứ nộp giấy xin visa có hơn không.
Chuyện thu lệ phí visa của các tòa đại sứ Việt Nam trên thế giới cũng thể hiện sự tham nhũng, lừa dối, không tôn trọng chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam… Theo văn bản quy định của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lệ phí visa 1 lần nhập cảnh/25 đô- la Mỹ, nhưng ở UK họ thu 25 bảng/lần, ở các nước Châu Âu như Pháp, Đức… họ thu đồng Euro, nếu theo tỷ giá hối đoái, đồng bảng Anh thường gần 1,50 Mỹ kim và đồng Euro xấp xỉ 1,3 Mỹ kim. Có nghĩa là tòa đại sứ quán “nhập nhèm” tính gian, kiếm chác thêm, hơn nữa họ chỉ thu tiền mặt, bất đắc dĩ họ mới nhận trả bằng thẻ tín dụng. Theo cách nói của người Việt, đó là lộc của tòa đại sứ. Vợ chồng tôi nộp 50 bảng/người/lần, cho WestEast Travel Ltd, lý do, xin gấp (nộp đơn dưới 3 tuần). Ok, miễn là nhanh gọn.
Cabin A 380, hạng ecolomy class ghế ngồi rộng hơn so với Boeing 777 hay 787 cũng như 747 mà tôi đã từng được ngồi qua. Boeing 747 ghế rộng 44, 5 cm còn A 380 rộng 48 cm, chiếc ti vi ngay sau lưng ghế phía trước có màn hình mỏng cỡ 10,6 inch, nhiều chương trình film từ hoạt hình đến các film hành động cho khách lựa chọn, trong suốt thời gian bay.
Ai đã từng đi tuyến đường dài từ 12 đến 15 giờ bay mới thấy mệt mỏi, suốt thời gian ấy, ta bị kìm kẹp trong một không gian chật hẹp, gò bó, tù túng. Một khoảng cách rộng hơn chút xíu, một màn hình ti-vi nhiều chương trình cũng đủ cho du khách thấy thoải mái, đỡ mệt mỏi hơn. Tất nhiên nếu ngồi ghế hạng VIP hay hạng thương gia thì khác. Giá vé đâu có rẻ, gấp 2 đến 3 lần. Nhưng phải nói, ngồi hạng VIP hay hạng thương gia thích thật. Năm 2001, nhận được tin mẹ ốm nặng, nhà tôi và con gái về gấp, chỉ còn vé hạng thương gia đành phải mua. Hai mẹ con bay từ Heathrow Airport về Nội bài bằng Boeing 777, nhà tôi kể ghế ngồi rộng rãi, ngả ghế nằm ngủ thật thoải mái, khác hẳn economy class. Thằng con lớn của tôi, do công việc, thường xuyên đi Mỹ, Canada và Pháp làm việc, vé Business class, nó bảo chiêu đãi viên cứ khoảng 1 giờ lại mang sâm-banh đến mời. Khổ cái thằng con tôi không biết uống bia và rượu, chả bù cho tôi, tuổi già sinh tật, chỉ nghiện champagne. Champagne cũng đủ loại, loại xoàng uống chua, mùi vị chả ra gì, bét ra cũng 20 bảng/chai 750 ml, gọi là uống được. Tôi chưa được thưởng thức loại tiền trăm hay tiền nghìn bảng/chai, không biết nó ngon đến đâu nên không dám lạm bàn.
Sau 13 giờ giờ bay, 6.30 am ngày 06-4 đến Changi Airport, Singapore, chúng tôi xuống. Từ Terminal 3, đi tube đến Terminal 1 làm thủ tục transfer đi Hà Nội. Lần này, không phải A 380 Airbus mà là Boeing, cũng vẫn hãng Singapore Airlines, vẫn 3 hàng ghế ngang, nhưng chỉ có 9 ghế ngồi. Theo kinh nghiệm cá nhân, sự khác nhau giữa Airbus và Boeing là hàng ghế ngang, Boeing thường 3 hàng ghế ngang, có từ 7 ghế đến 10 ghế (Boeing 747), còn Airbus A 321 chỉ có 2 hàng ghế ngang với 6 ghế, (A 380 có 3 hàng, 10 ghế).
Bữa ăn trên A 380 khá ngon và có 3 lựa chọn, đồ uống có đầy đủ từ bia, rượu vang, đến Cognac, Whiskey miễn phí. Các nữ tiếp viên hàng không, khuôn mặt khả ái, trong bộ quần áo hoa văn truyền thống, niềm nở, ân cần, chu đáo phục vụ hành khách. Chuyến bay đường dài 13 giờ có 4 bữa kể cả snack, kể cũng chu đáo và đáng đồng tiền bỏ ra.
Chỉ còn 3 giờ bay nữa chúng tôi sẽ đặt chân đến Hà Nội, đến Việt Nam, mảnh đất tôi đã sinh ra, lớn lên, bao kỷ niệm vui buồn của cả một thời xa xưa, hiện lại dần trong ký ức, như những thước film quay chậm. Tôi xốn xang như lần đầu tiên trở về, lòng bồi hồi, nao nao, khó tả, bởi tôi không tin vào chính mình, nhớ lại cách đây 31 năm, cái ngày vợ chồng tôi cùng đàn con thơ dại, lôi thôi lếch thếch, tay xách nách mang bước lên chiếc thuyền mỏng như lá tre, rời bến Máy Chai, Hải Phòng ra đi làm người tỵ nạn, lại có ngày trở về như hôm nay, không phải bằng thuyền mà trên chiếc Boeing, không phải trong bộ quần áo nhem nhuốc bẩn thỉu, với tội danh lưu vong, phản động, mà được khoác chiếc áo gấm xênh xang “Việt kiều”, được công an hải quan đón tiếp chứ không xua đuổi, truy lùng, khác hẳn cái buổi chiều hoàng hôn giữa biển cả mênh mông, tại phao số không, tên đại úy Hùng, buông một câu đểu cáng “Chúc bà con lên đường ăn cá, đừng để cá ăn”, khi hắn cắt dây kéo thuyền ngày 16-6-1979! Và cũng đêm ấy, bọn sĩ quan và binh lính Đảo Ngọc, tay lăm lăm khẩu AK hăm dọa, thò tay vào cạp quần chúng tôi móc nốt những chỉ vàng cuối cùng của những kẻ đi tỵ nạn khốn cùng, nạn nhân của của chiến tranh bẩn thỉu Trung-Việt mà một thời đã từng vang tiếng quân hành;

Việt Nam Trung Hoa
Núi liền núi
Sông liền sông
Chung một biển Đông
Sáng tình hữu nghị
Đẹp như vừng đông.

Chiếc Boeing rùng mình, lắc mạnh, tôi bừng tỉnh. Máy bay đã hạ cánh an toàn. Hà Nội đã dưới chân. Ôi, Hà Nội với cửa ô, nơi có 36 phố cổ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh… nơi một thời người Hà Nội di cư vào Nam từng than thở mỗi khi nhớ về đất ngàn năm văn hiến, rơi vào tay cộng sản năm 1954:

Ai về thương liễu Hồ Gươm úa
Năm cửa ô hờn dưới nắng trưa
Băm sáu phố phường nằm ủ rũ
Nghe trời Hà Nội khóc trong mưa.


Hà Nội đã dưới chân tôi. Theo đoàn người, vợ chồng tôi xuống máy bay, một tay xách túi du lịch, một tay cầm hộ chiếu và giấy khai báo nhập cảnh. So với 2004, lần này tờ khai nhập-xuất cảnh đơn giản hơn rất nhiều. Đặc biệt, hàng chữ đầu tiên ghi bằng Việt ngữ và Anh ngữ chỉ in hàng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, còn hàng chữ “Độc lập -  Tự do – Hạnh phúc” đã bỏ. Phải chăng nhà nước cộng sản Việt Nam xác nhận đất nước Việt Nam hết độc lập, nhân dân Việt Nam không còn tự do và cũng chẳng hạnh phúc!


Tờ khai nhập xuất cảnh

Người sĩ quan công an cửa khẩu Nội Bài cầm passport, đối chiếu trên máy vi tính đặt trước mặt, nét mặt bình thản, không nói một lời. Khoảng 5 phút sau, anh đóng dấu nhập cảnh, trả hộ chiếu. Tôi ra sảnh đường phi trường lấy hành lý. Mọi chuyện đơn giản, thoải mái.

Chúng tôi ra sân bay tìm taxi. Không có còi hụ đi hộ tống trên quãng đường từ sân bay Nội Bài về Hà Đông, quê vợ tôi. À quên, bây giờ là Hà Nội 2, phân biệt với Hà Nội cũ. Tôi, hôm nay, Việt kiều Còi Không Hụ về Việt Nam thăm thân nhân.

Tôi vốn ghét tiếng còi hụ. Tại sao vậy? Tiếng còi hụ thường đem đến tai hoạ, điểm chẳng lành cho tất cả lương dân. Thông thường chỉ có 3 loại còi hụ:

1. Còi hụ xe cứu thương. Mỗi khi xe cứu thương nổi còi hụ, có người nào đó bị tai nạn đụng xe hay đang mắc bệnh hiểm nghèo, thập tử nhất sinh, tử thần đang giơ lưỡi hái đón họ về phủ Diêm Vương. Chiếc xe cứu thương đang lao nhanh giành giật sinh mạng của người bất hạnh đang trong vòng tay của Tử thần.

2. Còi hụ xe cứu hỏa. Khi xe cứu hỏa hú còi chạy như bay, “cháy to, cháy to”, chắc hắn đâu đây trong thành phố, thị xã có nhà ai đang bị thần hỏa hỏi thăm, xe đến chậm tất cả sẽ cháy trụi, công sức một đời của một gia đình hay nhiều gia đình trở thành đống tro tàn.

3. Còi hụ xe cảnh sát. Xe cảnh sát nổi còi hụ chắc hẳn một người hay nhóm người nào đó đã gây ra án mạng, người bất đồng chính kiến hay bà con bị cướp đất đi biểu tình… bị chính quyền địa phương huy động cảnh sát đến giải tán, bắt bớ, đàn áp, họ sẵn sàng rút còng số 8 xích tay ngay, nếu không chịu giải tán.

Với tôi, tiếng còi hụ chỉ báo niềm đau và nỗi thống khổ cho con người. Tôi ghét tiếng còi hụ và không thích còi hụ hộ tống.
Ấy thế, có Việt kiều, về Việt Nam, còi hụ hộ tống, đã lấy làm vinh dự, hãnh diện, tự nhận mình, Việt kiều Còi Hụ!

Tổng số lượt xem trang